Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Băn khoăn về cổ phần hoá công ty Cảng hàng không và dự án sân bay Long Thành

Băn khoăn về cổ phần hoá công ty Cảng hàng không và dự án sân bay Long Thành

Băn khoăn về cổ phần hoá công ty Cảng hàng không và dự án sân bay Long Thành


SGTT.VN - Nguồn tin bộ Giao thông vận tải cho hay, bộ này sẽ thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá đại gia ngành hàng không ngay trong năm 2014.










Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: giaothongvantai.com.vn



Theo đó, dự kiến ACV sẽ chọn một sân bay để tiến hành cổ phần hoá thí điểm nhằm rút kinh nghiệm trước, vì hiện nay nhiều sân bay đang dùng chung cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Đây cũng là điều mà cả hai bộ Tài chính và Kế hoạch và đầu tư kiến nghị bộ Giao thông vận tải xin ý kiến bộ Quốc phòng khi tiến hành cổ phần hoá tổng công ty này.


Trước đó, tại hội nghị Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vừa qua, bộ trưởng Đinh La Thăng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp này ngay trong năm 2014, thay vì để đến giai đoạn sau năm 2015 như lộ trình được phê duyệt trước đó.


Trước kiến nghị của bộ Giao thông vận tải xin được cổ phần hoá ACV ngay để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án tỉ đô tới đây, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo bộ này phải làm rõ những băn khoăn của các bộ ngành khi tham gia ý kiến về chủ trương này.


Cụ thể, tham gia ý kiến về vấn đề này, bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng điều này là phù hợp với tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là lộ trình cổ phần hoá phải đi nhanh hơn như yêu cầu mới đây của Thủ tướng.


Tuy nhiên, bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, việc đầu tư xây dựng và mở rộng các dự án tới đây, như sân bay Long Thành 5,6 tỉ USD, mở rộng sân bay Nội Bài lên công suất 50 triệu/khách “cần được nghiên cứu, tính toán kỹ trên cơ sở đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án”. Dẫn báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV, bộ Kế hoạch và đầu tư lập luận: Dù năm 2013 ACV vẫn lãi trước thuế hơn 1.400 tỉ đồng nhưng so với năm 2012 thì đã giảm gần 27%.


Băn khoăn thứ hai được bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra là, hiện có nhiều sân bay được dùng cho cả quân sự lẫn dân sự, vì vậy cần có phương án xử lý các cảng hàng không này để đảm bảo mục tiêu cho an ninh quốc phòng. “Cần lấy ý kiến của bộ Quốc phòng về chủ trương này”, bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.


Đây cũng là điều mà bộ Tài chính hết sức băn khoăn. Bộ này yêu cầu cần có sự phân tích tác động đối với các sân bay dùng cho cả mục đích quân sự khi ACV tiến hành chuyển đổi mô hình tổ chức.


Một vấn đề nữa mà bộ Tài chính rất quan ngại là hiện nay ngân sách vẫn đầu tư một phần cho xây dựng sân bay bên cạnh phần vốn của công ty mẹ ACV. “Do đó, nếu tới đây ACV thành công ty cổ phần thì việc dùng vốn ngân sách đầu tư vào sân bay sẽ do tổ chức nào quản lý, giám sát và hạch toán của ACV với tư cách cổ đông sẽ được thực hiện ra sao?”, bộ Tài chính nêu vấn đề.


ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất ba tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và tổng công ty Cảng hàng không miền Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu bao gồm văn phòng tổng công ty và 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc, ba công ty con và ba công ty liên doanh liên kết.


Đến hết năm 2013, tổng tài sản của công ty mẹ ACV là trên 30.000 tỉ đồng và doanh thu khoảng 8.400 tỉ đồng. Thực hiện đề án tái cơ cấu đã được bộ Giao thông vận tải phê duyệt, hiện tổng công ty đang tiến hành cổ phần hoá hai công ty con và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3 năm nay là công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn.


Bông Trung









Liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành và đề xuất mà ACV đang trình hội đồng Thẩm định Nhà nước, tuần trước, hội đồng này cũng đã có văn bản yêu cầu ACV và bộ Giao thông vận tải giải trình thêm một số băn khoăn của các thành viên hội đồng.


Như việc làm rõ tiến độ và phương án giải phóng mặt bằng lên đến 5.000ha. Hội đồng này cho rằng đại diện chủ đầu tư phải nói rõ các giai đoạn, thời gian, diện tích... chuẩn xác các số liệu về nhu cầu và hiện trạng sử dụng đất của từng giai đoạn thu hồi đất.


Bên cạnh đó, phương án kết hợp khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất trong từng giai đoạn cũng cần làm rõ, để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện tại của sân bay Tân Sơn Nhất.


Đáng lưu ý, hội đồng Thẩm định cho rằng chủ đầu tư cần bóc tách các hạng mục, nêu rõ căn cứ chi phí xây dựng, và nhất là có phép so sánh với các cảng hàng không trong khu vực về suất đầu tư, lợi thế cạnh tranh và cả hạn chế của dự án sân bay quốc tế Long Thành.







Nhiều người đến chia tay Sài Gòn Tiếp Thị

Nhiều người đến chia tay Sài Gòn Tiếp Thị

Nhiều người đến chia tay Sài Gòn Tiếp Thị


SGTT.VN - Hôm nay 28.2, báo Sài Gòn Tiếp Thị ra số cuối cùng và nói lời chia tay bạn đọc sau 19 năm hoạt động.


Theo quan sát của chúng tôi, sáng nay, mới 7h, đã có những phóng viên đến tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị. "Chúng tôi đến để chờ đại diện tờ báo đi nhận quyết định “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” về tuyên đọc", một phóng viên cho biết.


Bên trong tòa soạn sáng nay, đã có những giọt nước mắt và có những nụ cười. Rồi họ mượn lời của danh nhân Ngô Thì Nhậm an ủi nhau “gặp thời thế thế thời phải thế”, có gì mà buồn!.










Những phóng viên, biên tập đã nghỉ việc trước đó, những cộng tác viên lâu năm cũng có mặt để chia tay Sài Gòn Tiếp Thị.



"Gác lại những lo toan, việc bận, Sài Gòn Tiếp Thị hôm nay mở cửa đón tiếp “người của mình” đến để chia sẻ, để trò chuyện trước thời khắc quan trọng, thời khắc sẽ đi vào lịch sử: chính thức nhận quyết định từ cấp trên về số phận của mình", phóng viên trên nói.


Những phóng viên, biên tập đã nghỉ việc trước đó, những cộng tác viên lâu năm cũng có mặt như muốn cùng đưa đôi vai gầy của họ cùng gánh trước nỗi buồn của những người làm việc tại Sài Gòn Tiếp Thị.


Những chiếc bàn ở căn tin như chật hơn, với một ấm trà nhưng có nhiều tấm lòng. "Chưa bao giờ những người gắn với Sài Gòn Tiếp Thị lại gần nhau đến thế", một người của Sài Gòn Tiếp Thị cảm nhận.


Có mặt tại tòa soạn từ rất sớm trước khi phải vào bệnh viện, Quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh đã thốt lên: “Cay đắng quá”.


Để lưu lại ký ức của ngày 28.2, các phóng viên cầm tờ báo số cuối cùng đi xin chữ ký từng người, những người đã và đang chung vai với Sài Gòn Tiếp Thị.


Ở phòng Bạn đọc, sự khổ tâm có vẻ như còn nhiều hơn khi từ sáng, các cuộc điện thoại liên tục được gọi đến. Người gọi, kẻ trả lời đều nghẹn giọng vì quá khó để giải thích, an ủi nhau rằng: “Vì sao Sài Gòn Tiếp Thị lại phải đóng cửa”.


Có vẻ như vì thương quá nên không ít bạn đọc đã cáu gắt với chính những người đang trả lời rằng, họ không thỏa mãn với lời giải thích “Thừa hành quyết định “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” từ cấp có thẩm quyền. Giờ phải giải thích sao đây", người của phòng Bạn đọc nói trong nước mắt.


Hiện mọi người vẫn đang chờ cái quyết định ấy...


Tâm Đoan/ Motthegioi.vn






Dưới đám mây điện tử và trong cơn bão công nghệ

Dưới đám mây điện tử và trong cơn bão công nghệ

Dưới đám mây điện tử và trong cơn bão công nghệ


SGTT.VN - Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) là một trong những tờ báo đầu tiên dấn thân vào việc ứng dụng công nghệ thông tin để làm báo, mở ra một trào lưu mới của báo chí Việt Nam.










Gia đình Sài Gòn Tiếp Thị. Ảnh: Phan Quang



Vào thời điểm năm 2005, khái niệm “điện toán đám mây” hay eCloud vẫn còn rất xa lạ với người Việt, thậm chí ngay cả với giới truyền thông. Nhưng sự ra đời của toà soạn điện tử – một hệ thống kết nối thông qua máy chủ chạy trên nền internet, tích hợp đầy đủ quy trình sản xuất của một tờ báo, lần đầu tiên đã ra đời tại báo SGTT.


Tuy nhiên, trước đó những mười năm (1996), sau khi dời trụ sở từ 92 Nguyễn Huệ về 79 Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM), ông Nguyễn Việt Hà – người phụ trách IT trong suốt “cuộc đời” của SGTT – đã đề xuất và được lãnh đạo khuyến khích sử dụng mạng LAN phục vụ công việc. Lúc bấy giờ, việc viết báo bằng tay, cùng lắm là viết trên PC bằng phần mềm Vietres rồi in ra giấy đem nộp vẫn đang phổ biến với làng báo. Toà soạn có một thư mục chung để phóng viên nộp file trực tiếp trên PC và các biên tập viên cũng xử lý tin bài trong đó như một tài nguyên chung.


Khi mạng internet xuất hiện ở Việt Nam (1997), lãnh đạo tờ báo nhận thấy nộp bài bằng PC vẫn có hạn chế là phóng viên phải vào toà soạn. Vậy là, mỗi phóng viên (hoặc một nhóm phóng viên) được cấp một máy laptop. Theo phóng viên Minh Phúc, hồi đó máy HP NX900 giá trung bình 1.000 USD/cái, đang rất “khủng”. Có lẽ lúc đó, làng báo chỉ có 1 – 2 nơi là có đủ “dũng cảm” cấp laptop cho phóng viên tác nghiệp. Nhà báo Hy Hưng – bấy giờ đang là phóng viên – nhớ lại, anh em trong toà soạn thường hay có câu đùa với nhân viên layout: “N. ơi, em muốn anh bỏ (file dữ liệu) vào chỗ nào (ổ/thư mục) của em?”


Không chờ đợi tới lúc chỉ thị số 58-CT/TW (17.10.2000) của thường trực Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, báo SGTT đã xây dựng website từ năm 1999 và nhanh chóng điện tử hoá quy trình làm báo của mình.


Việc quản lý một khối lượng lớn tin tức và bài viết trong ngày ở một toà soạn báo là rất lớn. Mỗi số báo, trung bình toà soạn phải xử lý hàng chục bài viết và cả trăm tin ảnh ở nhiều mục khác nhau và của nhiều phóng viên khác nhau. Việc quản lý kiểu thủ công khá bất tiện và mất thời gian và có thể dẫn đến việc lạc mất tin, bài hoặc khi cần tham khảo lại thông tin thì việc tìm kiếm cũng rất vất vả. Người biên tập nội dung cần nhanh chóng biết được đâu là những tin bài vào chuyên trang, chuyên mục nào và những tin bài mới nhất đã được gửi vào trong hệ thống? Bản tin nào đã biên tập hoặc chưa biên tập? Những bản tin, bài viết nào đã được biên tập ở từng cấp và được phép xuất bản.


Năm 2005, sau khi dời trụ sở từ số 10 Trương Định về 25 Ngô Thời Nhiệm (quận 3, TP.HCM), lúc này SGTT đã là một tờ tuần báo hoàn chỉnh xuất bản vào thứ năm hàng tuần, với êkip toà soạn do phó tổng biên tập Tâm Chánh phụ trách, ông Trần Công Khanh làm thư ký toà soạn. Theo lệnh của ban biên tập, chính nhà báo Công Khanh cùng với đội ngũ IT đã xúc tiến xây dựng và nghiệm thu toà soạn điện tử đầu tiên của SGTT, cũng là toà soạn điện tử đầu tiên của một tờ báo in tại Việt Nam.


Với toà soạn điện tử, mỗi phóng viên được cấp mã (password) để có thể đăng nhập vào hệ thống gửi tin, bài và hình ảnh từ bên ngoài qua môi trường internet. Kể cả khâu xử lý bài vở của biên tập viên cũng vậy. Ưu điểm của hệ thống toà soạn điện tử này là bản gốc bài viết của phóng viên vẫn được lưu giữ trong hệ thống. Các bản đã sửa lần 1, lần 2, lần n… kể cả ý kiến nhận định, tuỳ theo phân cấp của toà soạn vẫn hiển thị tương ứng trên các bản thảo 1, bản thảo 2, bản thảo n... đầy đủ ngày giờ, tên tuổi. Phóng viên, biên tập viên có thể so sánh bản gốc của mình với bản cuối cùng để rút kinh nghiệm, hoặc trao đổi lại trong cuộc họp sau khi báo đã xuất bản.


Không phải cái mới nào cũng dễ dàng được chấp nhận. Việc chuyển đổi từ quy trình xuất bản bình thường sang quy trình toà soạn điện tử không phải hoàn toàn suông sẻ. Lúc đầu, một số phóng viên phản đối rất dữ (có nhiều anh em cả đời chưa đụng tới cái máy tính). Tuy nhiên, theo ông Việt Hà, nhờ ban biên tập cương quyết “điện tử hoá” quy trình sản xuất báo, dứt khoát không nhận bản thảo viết tay mà anh em “vô guồng” khá nhanh. Nhiều người vẫn còn nhắc lại, nhà thơ kiêm phóng viên Đỗ Trung Quân – người không bao giờ nộp bài lên toà soạn điện tử, được tổng biên tập yêu cầu nếu không có thư ký thì phải mướn một “phiên dịch viên” vì chữ viết của ông hơn đứt bác sĩ. Trong lớp tập huấn công nghệ dành cho phóng viên – biên tập viên, thầy giảng từ sáng đến trưa xong hỏi có ai thắc mắc gì không? Lập tức, một cánh tay đưa lên, thì ra của nhà thơ: “Xin thầy nói lại từ đầu!”


Hơn nữa, hệ thống toà soạn điện tử SGTT còn tích hợp cả forum (phòng họp ảo) cho phép cùng lúc tiến hành các cuộc họp giao ban online toà soạn, giữa ban biên tập với các ban và văn phòng đại diện, giữa từng trưởng ban với phóng viên... tất cả đều trên nền internet. Một không khí làm việc dân chủ và tôn trọng các ý kiến tranh luận đa chiều hình thành trong nội bộ báo SGTT, mà không phải tờ báo nào cũng có được.


Song song với sự ra đời của toà soạn điện tử, việc xúc tiến phát triển website SGTT thành tờ báo điện tử cũng bắt đầu. Từ trang web tĩnh ban đầu, sau hai lần nâng cấp đến năm 2010, phiên bản điện tử của SGTT Online đã hoàn chỉnh như bạn đọc đang truy cập hiện nay. Sự ra đời rất sớm của báo SGTT điện tử đã tạo cho đội ngũ làm báo một phong cách làm việc mới, nhanh nhạy hơn rất nhiều so với trước đây. Anh em cũng dần làm quen với khái niệm truyền thông đa phương tiện và bước đầu áp dụng cách làm báo “3 trong 1” (một sự kiện sản xuất ra nhiều sản phẩm cho báo in, báo mạng và radio/TV...)


Câu chuyện của Mai Hương – nguyên là biên tập viên Online kiêm xuất bản tin cho Yahoo News – là một kỷ niệm đáng nhớ: Khoảng gần 3 giờ chiều thứ tư ngày 26.1.2011. Một cô gái đang làm việc ở toà nhà Centec (đối diện nhà văn hoá Thanh niên) gọi điện thoại báo là toà nhà bị rung lắc mạnh, hình như là một rung chấn do động đất. “Ngay khi dứt điện thoại, tôi thông báo nhanh với anh em đang có mặt trong phòng phóng viên: “Có rung lắc ở toà nhà Centec, hình như động đất, mọi người kiểm tra thông tin!” Ai đó nói: “Có tin báo động đất ngoài khơi Vũng Tàu”. Một dòng chữ chạy qua trong đầu ngay lập tức được đưa lên website ở dòng Tin nóng thông báo rằng: “Động đất ngoài khơi Vũng Tàu, trung tâm TP.HCM có rung lắc”. Đưa xong dòng tin nóng, tôi ngồi viết ngay một loạt câu hỏi phỏng vấn nhân chứng và gửi cho tất cả các anh chị em có mặt trong phòng phóng viên, và đề nghị mọi người gọi điện thoại cho bất kỳ ai để kiểm tra thông tin. Ngay khi nhận được bản câu hỏi, các phóng viên lập tức gọi điện phối kiểm sự kiện rồi nhanh chóng điền thông tin vào bản câu hỏi và gửi lại. Việc lấy tin được hoàn tất trong vòng chưa tới năm phút. Ngay sau đó tôi tổng hợp toàn bộ các bản thông tin thành một bản tin 600 từ và chuyển cho online. Trong vòng 15 phút sau cuộc điện thoại của cô gái ở toà nhà Centec, báo SGTT đã có một bản tin chi tiết 600 từ về vụ việc và là bản tin sớm nhất”.


Như Thuần






Nhân vật Giá trị sống như những bông hoa rót mật cho đời

Nhân vật Giá trị sống như những bông hoa rót mật cho đời

Nhân vật Giá trị sống như những bông hoa rót mật cho đời


SGTT.VN - Suốt năm năm nay, đã trở thành một thói quen, mỗi sáng hai tư sáu tôi lại nhâm nhi tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Quy trình đọc báo thì không có gì khác: đầu tiên là đọc lướt qua các đề mục, sau đó đọc kỹ hơn các mục mình quan tâm. Riêng có một mục tôi thường để dành cho buổi tối, khi công việc không còn bận bịu, khi mình có đủ thời gian và không gian để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm.


Đó là những bài thuộc chuyên mục Giá trị sống, ra vào sáng thứ hai hàng tuần. Đọc để hiểu thêm về cuộc sống, đọc để tìm thấy những đồng cảm, đọc để có thêm sức sống, nghị lực, đọc để thấy thế giới nội tâm mỗi người vừa khác biệt vừa thống nhất một cách kỳ lạ.


Ở đây không có những bài giảng đạo đức, không có những giáo điều mà chỉ là những chia sẻ chân thực, từ chính thực tế cuộc sống của những người được phỏng vấn. Họ đến từ những ngành nghề khác nhau: nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà văn, soạn giả, dịch giả, chính trị gia... Họ có những phong cách khác nhau: trầm tĩnh, sôi nổi, quyết liệt, nhẹ nhàng, khiêm tốn, ồn ào... Nhưng tất cả các câu chuyện của họ đều có một mẫu số chung: đó là những trăn trở về nghề nghiệp của họ, trăn trở về cuộc sống, về những vấn đề của đất nước. Qua những câu chuyện như những lời tự sự, ta thấy được phương châm sống của mỗi nhân vật, thấy được những giá trị sống mà họ đeo đuổi và chia sẻ. Qua những câu chuyện của họ, ta thấy toát lên một sự tử tế không khiên cưỡng.


Tôi không rõ về tiêu chí chọn lựa nhân vật cho chuyên mục Giá trị sống của toà soạn như thế nào, nhưng qua những câu chuyện mà tôi đã đọc, tôi thấy họ đều là những người thành công trong công việc và cuộc sống nhưng lại rất khiêm tốn và không quá ồn ào. Họ đều là những người hết lòng vì công việc, dành cả tài năng, sức lực và nhiệt huyết cho công việc chung, tìm được hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống ở trong công việc, trong cống hiến. Họ như những bông hoa rót mật cho đời.


Phải chăng bí quyết thành công và hạnh phúc là ở đó? Ý nghĩa cuộc sống là ở đó?


TS Trần Nam Dũng






Khi niềm tin người tiêu dùng là động lực phát triển…

Khi niềm tin người tiêu dùng là động lực phát triển…

18 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao


Khi niềm tin người tiêu dùng là động lực phát triển…


SGTT.VN - Ngày 25.2 vừa qua, hội DN HVNCLC vừa tổ chức lễ công bố và trao danh hiệu cho 476 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn bước vào năm hoạt động thứ 18 của chương trình HVNCLC. Nếu được hỏi ai là nhà tổ chức chương trình, có người sẽ trả lời: là báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều người khác lại cho rằng, là hội DN HVNCLC, đơn vị đang tổ chức triển khai chương trình. Hoặc có doanh nghiệp từng bảo, danh hiệu này thuộc về các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả báo Sài Gòn Tiếp Thị, hội DN HVNCLC và doanh nghiệp đều ngầm hiểu, danh hiệu này thuộc về một chủ thể quan trọng hơn tất cả. Đó là NGƯỜI TIÊU DÙNG.


Logo hình chữ V với ngôi sao năm cánh màu đỏ, nằm trong quả đất hay bầu trời là vòng tròn với dòng chữ HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO DO NGƯỜI TIÊU DÙNG BÌNH CHỌN, 18 năm qua đã trở thành một chỉ dấu quen thuộc với người dân Việt Nam. Danh hiệu này là sự công nhận của người tiêu dùng về chất lượng của các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam qua kinh nghiệm tiêu dùng thực tế. Báo Sài Gòn Tiếp Thị (trước đây) hay hội DN HVNCLC (bây giờ) chỉ là đơn vị tổ chức để chính người tiêu dùng lựa chọn những doanh nghiệp có chất lượng cao nhằm mục đích phục vụ cho toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.


Gần nửa triệu phiếu ý kiến của người tiêu dùng, gần 50 lượt tỉnh thành tham gia xác minh, hơn 2.000 lượt doanh nghiệp được bình chọn, hàng trăm cán bộ nhân viên của Sài Gòn Tiếp Thị, hội DN HVNCLC, trung tâm BSA, công ty Hàng Việt đã tham gia thực hiện, điều phối chương trình… 18 năm qua, nhiều con người, nhiều doanh nghiệp đã cùng nhau làm nên “một cuộc vận động lớn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam, một cuộc dân vận về kinh tế” như lời nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nhận định.


18 năm, khi nhìn lại, không ít người sẽ có cảm giác “thấm thoát”, thấy “nhanh thật” nhưng trong vai trò hội DN HVNCLC, chứng kiến những nỗ lực bền bỉ, những cuộc chiến không khoan nhượng để tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp mới hiểu rằng đó là những năm tháng dài, đầy mồ hôi và cả nước mắt.


Xin mạn phép gói gọn quá trình này vào hai chữ Niềm Tin. Đó là sự tin tưởng của người dân Việt Nam đặt vào chất lượng của sản phẩm nước nhà. Là sự tin tưởng của doanh nghiệp vào sự yêu thương và kỳ vọng của người tiêu dùng. Là sự tin tưởng của các cấp chính quyền vào một chương trình dân vận về kinh tế có sức sống tự thân trường kỳ, mạnh mẽ trước những biến động không ngừng của thị trường. Niềm tin của người tiêu dùng là động lực, là áp lực và nguồn lực vô tận để doanh nghiệp và sản phẩm Việt phát triển...


Hành trình 18 năm chưa phải là dài để có thể thiết lập một ý thức hệ về quan điểm tiêu dùng của một xã hội nhưng 18 năm đủ để nhận thấy rằng trong mọi sự cố gắng và lòng kiên trì xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, có vóc dáng của người doanh nhân – công nhân, người tiêu dùng yêu nước trong thời đại mới.


Để tô điểm thêm màu sắc nổi bật về sản phẩm Việt trong toàn bộ bức tranh kinh tế Việt Nam mà cục diện cạnh tranh sắp tới chắc chắn sẽ gay go hơn bất cứ lúc nào, cần thêm nhiều niềm tin như thế để tạo nên sự cộng hưởng và sức lan toả rộng khắp trong cộng đồng. Đó là đòn bẩy, để từ đó hàng Việt được tạo đà và không ngừng vươn cao.


P.V









Lời tri ân và tạm biệt


Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA và câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt là những người bạn đồng hành, gắn bó với báo Sài Gòn Tiếp Thị kể từ năm thứ hai báo ra mắt bạn đọc (1996) đến nay, xin bày tỏ lòng tri ân bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị đã luôn ủng hộ, nâng đỡ và đòi hỏi nghiêm khắc ở các doanh nghiệp Việt và sản phẩm Việt.


Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã cùng doanh nghiệp xây dựng nên cuộc dân vận kinh tế HVNCLC và đã bền bỉ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt 18 năm liền. Nay tờ báo phải bất ngờ đình bản và chia tay bạn đọc, tập thể doanh nghiệp HVNCLC và các doanh nghiệp dẫn đầu chúng tôi thật là tiếc, thật là không đành lòng bị đánh mất nhịp cầu gắn bó với người – đọc – người – tiêu – dùng chính là chỗ dựa và động lực phát triển của mình. Trong buổi lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2014 mới diễn ra tối 25.2.2014, chúng tôi ngạc nhiên và cảm động thấy rất nhiều doanh nghiệp kiên quyết, thiết tha muốn vẫn giữ nhịp cầu truyền thông giữa doanh nghiệp – đội ngũ người làm báo Sài Gòn Tiếp Thị và người tiêu dùng. Với sự thấu cảm và tinh thần trách nhiệm sâu sắc, chúng tôi, các doanh nghiệp, kể cả bạn hữu là các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn kỹ thuật, sức khoẻ, thị trường... (từng viết trên báo Sài Gòn Tiếp Thị gần 20 năm qua) cùng với đội ngũ những người làm báo Sài Gòn Tiếp Thị lâu nay xin ghi nhận mệnh lệnh nghiêm khắc này của giới doanh nhân, cũng là của bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị. Xin trân trọng gửi lời chào tạm biệt bạn đọc và hứa nỗ lực giữ vững nhịp cầu mà chúng ta đã tận lực xây dựng suốt gần 20 năm qua.







Nơi đang chờ ai điếu

Nơi đang chờ ai điếu

Phiếm


Nơi đang chờ ai điếu


SGTT.VN - Hổm rày muông thú cứ thấy chiều xuống là có một con chim mặt ngu bay vào rừng đứng khóc thảm thiết, khiến cả một cánh rừng nhuốm màu sầu thảm. Dù đã được đồng loại xúm vào hỏi han, chim mặt ngu vẫn thút thít khôn nguôi. Một con sẻ vừa được phóng sinh bay từ thành phố về chợt phát hiện: “Tao biết nó: đó chính là con Flappy bird! Để tao!” Sau đây là nội dung cuộc tư vấn tâm lý:


- Cớ sao mi buồn?


- Hic hic... Tao buồn vì bay qua được bao nhiêu là ống nước, mang về cho ông chủ cơ man là tiền, vậy mà đang lúc vui nhất thì phải bỏ cuộc chơi!


- Để tao kể chuyện này. Có những người đồng cảnh ngộ với mày, mà kết cục của họ thê thảm hơn nhiều! Họ cũng giống mày ở chỗ không được thẳng cánh bay giữa trời cao đất rộng mà phải khép nép luồn lách giữa bao chướng ngại, chỉ khác là thay vì bay giữa mấy cái ống nước như mày thì họ bay giữa búa trên và đe dưới...


Nghe đến đây chim mặt ngu lại sụt sịt:


- Nghĩ thật tủi, sinh ra làm chim mà không được tung cánh giữa trời mây! Hic hic... Thôi, kể tiếp đi.


- Thế rồi một ngày kia, dẫu gió mưa vùi dập họ vẫn miệt mài vỗ cánh thì đột ngột bị buộc tự game over! Mày nghĩ đi: ông chủ mày chủ động nghỉ chơi, còn họ sau khi game over còn phải bàn giao tên tuổi cái game bao năm gầy dựng cho người khác chơi, ai đáng buồn hơn?


Chim mặt ngu hớn hở hẳn ra:


- Thế thì so với họ tao may mắn hơn nhiều. Ờ, nhưng mà địa chỉ họ ở đâu để tao tới hót một bài ai điếu?


- Cứ tới khu vực nhà tang lễ đường Lê Quý Đôn...


Người già chuyện






Thể thao phản chiếu xã hội

Thể thao phản chiếu xã hội

Thể thao phản chiếu xã hội


SGTT.VN - Huấn luyện viên huyền thoại người Argentina Luis Cesar Menotti từng nói “bóng đá là ánh xạ của cuộc sống”. Và đó cũng chính là tâm tư của người viết khi tham gia cộng tác trang thể thao của Sài Gòn Tiếp Thị hơn ba năm qua. Bởi dù mang tên là “tiếp thị”, nhưng chắc chắn đây thuộc số ít những tờ báo ở Việt Nam là diễn đàn phù hợp để đăng tải những bài viết gắn kết xã hội với thể thao, hay mượn những vấn đề quốc tế để phản chiếu những góc khuất của thể thao trong nước.


Thực tế, đúng như Menotti đã nói, bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung là một phần không thể tách rời của đời sống xã hội. Chẳng hạn, các khoản đầu tư lên tới hàng chục triệu USD cho các công trình phục vụ một sự kiện thể thao đơn thuần không thể chỉ là vấn đề của riêng ngành này, bởi nó còn ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước. Trước những vấn đề như thế, các nhà báo thể thao cũng phải tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào việc hoạch định đường lối phát triển của thể thao nước nhà, sao cho hài hoà với đường lối phát triển chung của xã hội.


Đôi khi, các đồng nghiệp của chúng tôi vẫn thường nói đùa là các cậu “bỏ bóng đá người”. Đấy là một thuật ngữ trong bóng đá chỉ lối chơi thô bạo, xứng đáng nhận thẻ đỏ rời sân. Nhưng với riêng trường hợp này thì người cầm bút cũng cần phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Tất nhiên, mỗi người trong chúng tôi cũng thích bóng đá sẽ chỉ là bóng đá, thể thao sẽ chỉ là thể thao. Có ai mà chẳng mong lá cờ Việt Nam được phất cao trên những đấu trường ASIAD hay Olympic.


Nhưng không ai có thể cầm lòng khi nhiều người chỉ mải đếm huy chương SEA Games rồi vẽ ra những chiến lược hoành tráng đăng cai các giải đấu lớn, trong bối cảnh nhà nhà vẫn đang gồng mình lo từng miếng ăn. Cũng không ai có thể cầm lòng khi chứng kiến sân cỏ nước nhà đầy rẫy những tiêu cực, còn người hâm mộ thì chỉ trông ngóng mỗi dịp cuối tuần bật tivi xem giải... ngoại hạng Anh qua kênh truyền hình quốc gia liên doanh với nước ngoài!


Quãng chục năm trước, sau thất bại của đội tuyển Việt Nam ở giải bóng đá khu vực, một vị quan chức từng nói rằng “mặt bằng của bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”. Đến giờ, theo nhận xét của nhiều người thì câu nói đó vẫn hoàn toàn đúng và đầy tính thời sự. Thế nên, mỗi khi đặt tay lên bàn phím để viết bài cho Sài Gòn Tiếp Thị, người viết phải tự cân nhắc, suy xét để sao cho quan điểm của mình đưa ra cũng... “không thấp hơn mặt bằng xã hội”. Viết để cảnh báo ai đó nhưng cũng là để tự răn mình.


Nhật Hoàng






Cám ơn các bạn

Cám ơn các bạn

Cám ơn các bạn


SGTT.VN - Thưa các bạn, đây là số báo cuối cùng của Sài Gòn Tiếp Thị sau 19 năm hoạt động. Hôm nay, với tư cách là người thực hiện trang thể thao cuối cùng này, tôi xin mạn phép dùng trang này để nói lời từ biệt với độc giả thương yêu của mình.










Cám ơn các bạn đã quan tâm đến trang thể thao của chúng tôi.



Thưa các bạn, nếu không có các bạn, trang thể thao của chúng tôi đã không thể tồn tại và phát triển đến được ngày hôm nay. Thời gian đầu, trang thể thao không nằm trong trọng tâm của tờ báo. Thế nhưng, chính các bạn, lượng người đọc lớn và phản hồi tích cực đã khiến những người làm báo ở Sài Gòn Tiếp Thị phải nghĩ lại. Từ hơn ba năm nay, trang thể thao của Sài Gòn Tiếp Thị luôn định hướng gắn thêm nội dung thể thao dưới góc nhìn xã hội, kinh tế và may sao, chúng tôi đã được các bạn đón nhận nhiệt tình hơn.


Khi đọc được các phản hồi từ các bạn như việc bạn Lê Trung đề nghị được “tổ chức gặp mặt những còm sĩ và người viết thể thao ở Sài Gòn Tiếp Thị” được nhiều người ủng hộ. Thậm chí, có những cuộc điện thoại, tin nhắn từ những bạn đọc mà chúng tôi không thể ngờ đến như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, chỉ để bình luận về một chữ nghĩa trong bài viết, chúng tôi rất hãnh diện nhưng cũng coi đó là trách nhiệm phải làm cho tờ báo tốt hơn.


Thưa các bạn, cho đến phút cuối cùng này, dù tờ báo gặp nhiều khó khăn từ khách quan đến chủ quan, nhưng những người làm báo ở Sài Gòn Tiếp Thị nói chung và những người thực hiện trang thể thao nói riêng, chúng tôi vẫn xác quyết với nhau rằng: dù thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn làm thật tốt để không phụ lòng bạn đọc, những thượng đế của chúng tôi. Chúng tôi đã tận lực làm vì điều này và cám ơn các bạn đọc một lần nữa, các bạn đã vẫn ủng hộ các trang báo thể thao.


Hôm nay, khi các bạn cầm tờ báo này trên tay đã là số cuối cùng của Sài Gòn Tiếp Thị. Chúng tôi rất tiếc phải ngưng lại những vấn đề nóng mà bạn đọc đang quan tâm, đang đòi hỏi phải có thông tin rành mạch và công minh. Như chuyện VFF sẽ cải tổ thế nào khi mà đại hội VII vẫn chưa thể diễn ra. Như việc, mới đây nhất khi ông Lê Hùng Dũng, quyền chủ tịch VFF vừa tuyên bố “đừng cường điệu hoá bạo lực ở V-League” thì ngay lập tức, hôm 26.2 một cầu thủ của An Giang đã gãy ống quyển vì pha vào bóng thô bạo của cầu thủ Đình Đồng đội Sông Lam. Sự bạo lực, những chấn thương kinh hoàng khiến mỗi vòng đấu gần đây luôn có một cầu thủ phải nhập viện cần có giải pháp, cần được lý giải và nhiều vấn đề khác... chúng tôi xin nợ lại độc giả.


Một lần nữa, chúng tôi xin cúi đầu cảm tạ những tình cảm mà bạn đọc đã dành cho chúng tôi trong suốt thời gian qua. Xin mượn tựa một cuốn sách với tựa đề “Nếu còn có ngày mai” để thắp lên hy vọng rằng, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau ở đâu đó ở một ngày mai tươi sáng hơn.


Kính.


Tất Đạt






Sáng tạo = Tự do tư duy + Kỷ luật tự giác

Sáng tạo = Tự do tư duy + Kỷ luật tự giác

LTS. TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa toán – tin đại học Khoa học tự nhiên thuộc đại học Quốc gia TP.HCM là nhân vật từng xuất hiện trong chuyên mục Giá trị sống và cũng là tác giả từng nhiều lần xuất hiện trên SGTT. Xin giới thiệu bài viết mới nhất của TS Trần Nam Dũng gửi đến bạn đọc SGTT.


Sáng tạo = Tự do tư duy + Kỷ luật tự giác


SGTT.VN - Một trong những điểm yếu cố hữu của học sinh, sinh viên Việt Nam là thiếu tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Họ học thụ động, học đối phó, học vì điểm, vì bằng tốt nghiệp chứ không phải học có kiến thức, học để biết vận dụng. Nguyên nhân sâu xa là ở đâu? Chúng ta đừng đổ lỗi hoàn toàn cho họ.










Đổi mới phương pháp dạy học mới phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Trong ảnh: học sinh được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan qua sưu tầm của cô giáo. Ảnh: news.go.v



Tự do tư duy


Muốn có sáng tạo phải có tự do tư duy. Sự áp đặt, giáo điều, khuôn mẫu sẽ bóp chết sáng tạo. Nếu người thầy cứ khư khư bắt trò làm theo ý mình, không chấp nhận các phương án khác, lời giải khác thì học trò sẽ sớm thui chột, mất hết tính chủ động và hoàn toàn không có khả năng giải quyết các vấn đề mới. Những bài văn mẫu sẽ làm cho học sinh kém văn, những “thực đơn” giải toán chi tiết đến từng dạng sẽ khiến học sinh kém toán.


Để có được sự sáng tạo, chúng ta không những cho tự do tư duy mà còn phải khuyến khích, hướng dẫn sự tự do đó. Thông thường, những gì đi chệch ra khỏi khuôn mẫu thường sẽ gặp khó khăn, thậm chí sai lầm. Nhưng nếu chúng ta cứ xoáy vào những điều đó để đề cao khuôn mẫu, phủ nhận và vùi dập những ý tưởng mới thì chúng ta sẽ sớm dẫn suy nghĩ của mọi người chấp nhận sự rập khuôn “cứ làm như cũ cho chắc ăn, sáng tạo làm gì cho mệt óc”.


Để có được sự sáng tạo, chúng ta phải biết đặt ra những câu hỏi, những vấn đề vừa sức với học sinh. Đủ để chúng cảm thấy sự thách thức, khơi gợi, nhưng cũng vừa đủ để chúng thấy không quá tầm với. Những vấn đề quá khó sẽ làm cho học sinh cảm thấy bất lực, thiếu tự tin. Chúng sẽ không suy nghĩ nữa mà thụ động chờ lời giải từ thầy.


Nhiều giáo viên khi thấy học sinh giải bài khác với đáp án thường tỏ ra khó chịu. Vì thế chỉ cần thấy học sinh này có sai sót là lập tức ngừng việc giải bài “Em giải sai rồi, về chỗ đi!” Lẽ ra, người giáo viên phải biết trân trọng suy nghĩ độc lập của học sinh, biết “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng” để tìm ra những ý hay trong lời giải, giúp học sinh điều chỉnh để tìm ra lời giải đúng.


Nếu cứ khuôn phép, rập khuôn thì sẽ chẳng còn những lời giải độc đáo, những giải pháp cá tính, chẳng còn sáng tạo. Và sáng tạo luôn bắt đầu từ những bước khởi đầu đơn giản nhất.


Muốn trò sáng tạo, thầy phải sáng tạo


Để dạy học sinh sáng tạo, người thầy cũng phải sáng tạo trong cách dạy, cách tổ chức lớp học. Luôn luôn trăn trở làm sao để giờ học hấp dẫn, sôi động nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi.


Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, có rất nhiều những công cụ hỗ trợ cho giáo viên như hình ảnh, phim, tư liệu internet, các phần mềm bổ trợ. Quan trọng là ta phải biết bố trí và phân bổ thời gian hợp lý.


Học sinh sẽ cảm thấy nhàm chán khi làm những bài tập tính toán mang tính lặp đi, lặp lại. Thế nhưng những thao tác rèn luyện đó đôi khi là bắt buộc để nhớ và hiểu. Giải pháp nào cho song đề này: một bên là không thích, chán và một bên là cần thiết? Một hướng giải quyết rất hiệu quả là tích hợp các bài tập này vào trong các trò chơi, hoặc sử dụng các phần mềm tương tác. Không khí thi đua, tốc độ diễn tiến nhanh sẽ làm học sinh hưng phấn hơn.


Cách thức đánh giá học sinh cũng cần thay đổi, không chỉ giới hạn trong các bài kiểm tra tự luận. Bổ sung vào đó là các hình thức trắc nghiệm, vấn đáp, thuyết trình, làm bài online. Và rất khuyến khích sử dụng các điểm cộng cho học sinh tích cực đóng góp ý kiến hay có những lời giải hay, độc đáo.


Kỷ luật tự giác


Nhưng tự do tư duy luôn cần đi với kỷ luật tự giác. Sáng tạo không có nghĩa đơn giản là làm khác đi mà có nghĩa là làm cho tốt hơn. Muốn vậy, trước hết phải hiểu rõ cách làm cũ.


Sáng tạo chỉ có được dựa trên một nền tảng vững vàng. Vì thế, trong khi tạo môi trường, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, ta cần cung cấp cho họ một kiến thức nền đầy đủ. Luôn đặt tự do bên cạnh kỷ luật: những công việc như tóm tắt bài, làm bài tập, chuẩn bị bài mới vẫn là những công việc cần thiết, không thể thiếu.


Ở trên ta vừa đả phá sự khuôn mẫu, giáo điều. Nhưng thực sự, sáng tạo cũng cần có những khuôn khổ, nguyên lý chung. Trong âm nhạc thì có nhạc lý, các tác phẩm văn học cần có những nguyên lý chung của nó về tính nhân văn, về tuyến nhân vật, các công trình khoa học cũng có những yêu cầu riêng, việc lập trình cũng có những quy định.


Sự phản biện là hết sức quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển môi trường sáng tạo. Không phải sự phá cách nào cũng là sáng tạo. Không áp đặt, giáo điều, nhưng chúng ta cũng không dễ dãi, tung hô mọi sự đổi mới. Các lời giải, giải pháp phải được xem xét cẩn trọng. Hiện nay có hiện tượng nhiều bạn còn là học sinh đã “sáng tác” hàng loạt các đề toán, đề thi, các tài liệu. Một mặt đó là điểm tích cực, nhưng mặt khác, cũng cần hết sức chú ý đến tính chính xác, tính sư phạm của các tài liệu như vậy. Bản thân giáo viên cũng phải cẩn trọng với những đổi mới của mình, cần chia sẻ với đồng nghiệp để tìm sự phản biện, phải có những công cụ đo tính hiệu quả chứ không chỉ chủ quan tin vào giải pháp của mình.


Sự dễ dãi sẽ giết chết sáng tạo nhanh không kém gì sự áp đặt, giáo điều. Suy cho cùng, tự do là sự bắt buộc mà ta nhận thức được.


TS Trần Nam Dũng






Chết đứng với đàn gia cầm

Chết đứng với đàn gia cầm

Chết đứng với đàn gia cầm


SGTT.VN - Thị trường gia cầm tiếp tục kéo dài chuỗi ngày trầm lắng. Vài tuần gần đây, mặc dù các cơ quan chuyên môn cũng như phương tiện truyền thông liên tục trấn an dịch bệnh, nhưng xem ra, người tiêu dùng vẫn còn khá e dè khi tiếp cận sản phẩm gia cầm. Không bán được sản phẩm, hoặc chỉ bán với giá rẻ mạt, người chăn nuôi đang “chết đứng” với đàn gia cầm của mình…










Người chăn nuôi đang thua lỗ từng ngày.



Chiều 27.2, các doanh nghiệp giết mổ gia cầm tại trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn, quận Gò Vấp, TP.HCM, nơi thường xuyên cung cấp một nửa sản lượng gia cầm cho thị trường TP.HCM, thông báo lượng gà đưa về giết mổ trong đêm 27 để phục vụ tiêu thụ ngày 28.2 chỉ còn khoảng 40.000 con, giảm 20.000 con so với thời điểm trước khi có dịch cúm A/H5N1. Theo ông Phạm Văn Minh, chủ cơ sở giết mổ gia cầm Gia Nghĩa, giá gà thịt bán sỉ cho tiểu thương chợ lẻ chỉ còn khoảng 38.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ rất chậm. Nhiều đêm chúng tôi nhập có 4.000 con gà, giảm 3.000 con so với trước nhưng giết mổ xong rồi chỉ bán được một nửa, còn lại phải để tồn kho.


Người chăn nuôi mất phương hướng


Cảnh ế ẩm cũng không phải là ngoại lệ đối với mặt hàng trứng gia cầm. Nhiều người nói rằng, thị trường gia cầm hiện nay đang tái hiện lại “bóng ma” dịch cúm gia cầm cách nay mười năm. Vài ngày gần đây có thể dùng từ “đóng băng” khi nói về thị trường gia cầm, giống như đợt dịch cúm nổ ra lần đầu ở Việt Nam vào năm 2003 – 2004. Cũng như mười năm trước, khi thị trường ngưng trệ, người chăn nuôi là đối tượng tổn thương lớn nhất. Họ, một mặt vừa lo đối phó với dịch bệnh lây lan, mặt khác phải chạy vạy tìm thương lái để bán hết đàn gia cầm. Trong hoàn cảnh này, tất nhiên là phải chịu lỗ thê thảm.


Nói về thân phận của mình trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, bà Ngọc Hải, chủ trại gà ở thị xã Tân An, Long An bày tỏ: “Tui sống với nghề chăn nuôi gà đẻ suốt 20 năm nay, nhưng bây giờ biểu phải làm gì thì quả thật là tui không thể định hướng nổi nữa”. 60.000 con gà đẻ của bà Hải vẫn mỗi ngày đẻ ra hơn 55.000 quả trứng. Số trứng này được bà bán cho các chủ vựa và doanh nghiệp trên TP.HCM. Khi dịch cúm nổ ra, thương lái nói với bà là “trứng bán không có người mua” nên thành thử họ “đao” giá nào, bà phải chịu giá đó. Hệ luỵ này, khiến cho không chỉ bà Hải mà hàng trăm, hàng ngàn người nuôi gà đẻ ở khắp các tỉnh/thành phía Nam chịu lỗ thê thảm. Ước tính, giá trứng bán ra đang thấp hơn giá thành sản xuất 300 – 400 đồng/quả. Nếu chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày 4 triệu quả trứng, thì số tiền thiệt hại của người chăn nuôi cũng lên đến hàng chục tỉ đồng.


Người nuôi gà đẻ lỗ một thì chăn nuôi gà thịt lỗ mười, như cách nói của ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà tam hoàng ở huyện Long Khánh, Đồng Nai. Cách nay mười năm, gia đình ông Sơn cũng từng mất sạch sau đợt dịch cúm H5N1 khủng khiếp này. Mãi đến năm 2005, khi tình hình dịch dần được kiểm soát, ông mới dám gầy dựng lại nghề nuôi gà tam hoàng. Ông vay tiền đầu tư trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, nhà máy chế biến thức ăn. Hơn 200 lao động đang được ông tạo công ăn việc làm. Đùng một cái dịch cúm xuất hiện trở lại. Giá gà tam hoàng đang từ hơn 40.000 đồng/kg, “rơi” một mạch xuống còn 25.000 – 26.000 đồng/kg, và nhiều khả năng còn xuống nữa vì thị trường có dấu hiệu bị đóng băng. Trước đây, trung bình mỗi ngày ông Sơn xuất bán 6.000 – 8.000 con gà về thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận, nay chỉ còn chưa đến 2.000 con. Lứa trước nuôi ra bán không hết.


Lứa sau đến ngày xuất chuồng cũng bị “dồn” cục lại. Gà ùn ứ ở chuồng trại nhiều không đếm xuể. Nay, nếu bỏ cám cho gà ăn như mọi ngày cũng “chết”, mà không cho chúng ăn cũng “chết”.


“Mấy ngày nay đầu óc tui rối bời, không biết tìm ra lối thoát nữa rồi. Gà nuôi ra bán không được, giá gà cứ ngày một giảm sâu. Nếu trắng tay thêm một lần nữa thì chắc gia đình tui mạt vận mất thôi”, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng nuôi gà, nay ông Sơn đang rất lo lắng.


Tự bơi


Cũng như mười năm trước, khoản tiền hỗ trợ tiêu huỷ gia cầm dành cho người chăn nuôi thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản của họ. Với những đàn gia cầm chưa bị dịch, được phép lưu thông trên thị trường, Nhà nước cũng không có khoản hỗ trợ như phí sát trùng, vắcxin, kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm… Muốn tiêu thụ được sản phẩm, người chăn nuôi phải tự bỏ tiền túi ra đóng hết các khoản này. “Tui vừa mua 50.000 liều vắcxin cúm A hết 15 triệu đồng. Một con gà tam hoàng xuất ra từ trại ở huyện Long Khánh, Đồng Nai về lò mổ An Nhơn cũng mất hai lần phí kiểm dịch”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.


Một quả trứng gà công nghiệp, doanh nghiệp chỉ trả cho người chăn nuôi chưa đến 1.000 đồng, nhưng họ bán ra thị trường tới 2.300 đồng (kể cả hàng bình ổn giá), cao gấp 2,3 lần so với giá mua của nông dân. Trong lúc nông dân đang lỗ thê thảm, doanh nghiệp chỉ cần mua đi bán lại, tốn thêm ít chi phí là có thể kiếm lợi nhuận cao ngất. Chưa hết, có thời điểm thị trường trứng biến động, giá tăng cao như cuối năm 2012, đầu 2013, thì chính những doanh nghiệp tham gia bình ổn lại đi “tố” lên cơ quan nhà nước để kìm giá lại. Rõ ràng, người chăn nuôi đang thiệt đơn thiệt kép. Giá trứng vừa tăng, họ vừa có chút lợi nhuận thì bị “bắt” hạ xuống. Còn những lúc thua lỗ, như hiện nay, chẳng ai nhìn ngó tới họ. “Trứng gà nếu có trợ giá để bình ổn thì phải dành khoản này cho người chăn nuôi chứ tại sao lại đưa hết cho doanh nghiệp? Cứ để chúng tôi thua lỗ thế này thì mai mốt lấy đâu ra trứng gà để mà bình ổn thị trường”, bà Ngọc Hải, chủ trại gà đẻ ở Long An đã phải thốt lên như vậy.


Cũng liên quan đến chính sách dành cho người chăn nuôi thời dịch cúm. Trong cuộc họp mới đây giữa cơ quan Thú y TP.HCM với một số tỉnh lân cận, một giải pháp nhằm giúp phá băng thị trường tiêu thụ đó là làm sao minh bạch hoá dịch cúm để người dân biết, an tâm sử dụng sản phẩm. Lý giải vì sao đưa nội dung này vào bàn thảo, đại diện Thú y TP.HCM cho rằng, thị trường TP.HCM tiêu thụ tới 120.000 – 130.000 con gia cầm, hơn 4 triệu quả trứng mỗi ngày. Nơi đây, với dân số khoảng 10 triệu người, là thị trường giải quyết đầu ra sản phẩm cho rất nhiều tỉnh/thành lân cận, nên nhất thiết mọi thông tin dịch cúm phải rõ ràng, minh bạch, tránh để người dân hoang mang, quay lưng lại.


Thời điểm này, cùng với giải pháp tuyên truyền, nhiều công ty chăn nuôi lớn cũng đang tìm cách tự cứu lấy mình. Đại diện công ty C.P. cho biết, vài ngày nay họ bán trứng gà chỉ với giá sỉ cho người lao động. Nghĩa là, một quả trứng, thay vì phải mua 1.700 – 2.500 đồng như ở ngoài thị trường, thì người lao động của C.P., sẽ mua được với giá chỉ có 600 – 1.000 đồng. “Đây cũng là cách khuyến khích tiêu dùng, giúp chúng tôi có thể bán hết trứng gà trong lúc thị trường gặp khó khăn”, nguồn tin của C.P. cho hay.


Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, người nuôi và kinh doanh gà tam hoàng lớn nhất khu vực các tỉnh miền Đông ở huyện Long Khánh, Đồng Nai, thay vì chỉ trông chờ vào lò giết mổ gia cầm An Nhơn, gia đình ông phải tìm thêm đầu ra ở các tỉnh hòng tiêu thụ hết số gà còn tồn ở các trại. Như lời ông Sơn thì hiện nay, gia đình ông còn tồn ở chuồng trại tới 70.000 con gà tam hoàng.


bài và ảnh: Hoàng Bảy






Đến “chết” vẫn chưa biết nguyên nhân!

Đến “chết” vẫn chưa biết nguyên nhân!

Đến “chết” vẫn chưa biết nguyên nhân!


SGTT.VN - Trong khi các hãng tàu cánh ngầm đang từng ngày từng giờ đối diện “cái chết”, thì lực lượng “y bác sĩ” vẫn còn đang đi tìm nguyên nhân căn bệnh. Đó là những gì đang diễn ra xung quanh câu chuyện “số phận” của ba hãng tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu.


Đã có chủ một hãng tàu phải thốt lên: Kiểu này đến lúc chết, chúng tôi vẫn chưa thể biết nguyên nhân tàu cháy!


Thêm một bước đẩy hãng tàu tới bờ vực


“Cứ ngỡ hôm nay bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan liên quan mời người của chúng tôi lên đây để công bố nguyên nhân cháy tàu Vina Express (xảy ra ngày 20.1.2014) hay công bố quyết định liên quan đến việc đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã làm việc trước đó. Ai ngờ, lên đây để nghe công bố quyết định tiếp tục thành lập một đoàn kiểm tra của bộ. Kiểu này, có lẽ đến ngày chúng tôi “chết” mà vẫn không thể biết mình bị bệnh gì mà chạy chữa”, một lãnh đạo hãng tàu cánh ngầm chia sẻ ngay sau buổi công bố thành lập đoàn kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu, diễn ra ngày 27.2 tại văn phòng thường trực bộ Giao thông vận tải phía nam, đặt ở TP.HCM.










Sự việc bắt đầu với vụ tàu cánh ngầm bốc cháy trên sông Sài Gòn hôm 20.1.2014. Ảnh: Tân Châu



Theo vị lãnh đạo trên, thành lập thêm một đoàn thanh tra nữa đồng nghĩa với việc kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố không được bộ tin tưởng. Đáng nói là quyết định thành lập đoàn kiểm tra của bộ vô hình trung kéo dài thời gian tàu dừng chạy, nghĩa là buộc các hãng tàu cánh ngầm phải đứng kế bên bờ vực của sự phá sản.


Ông Bùi Công Trùng, chủ tịch hội đồng quản trị hãng tàu Vina Express (đơn vị có tàu bị cháy), cũng nói rằng điều cần nhất lúc này là tìm ra nguyên nhân vụ cháy tàu để có được quyết định đúng đắn.


“Với những diễn biến hiện nay, chúng tôi chỉ mong đoàn kiểm tra thông báo lộ trình cụ thể trong việc kiểm tra cũng như khi nào ra quyết định, để chúng tôi tính toán xem có duy trì tới ngày đó được hay không (bao gồm việc giữ nhân viên, chi phí văn phòng,…). Còn như bây giờ, các cơ quan chức năng đã buộc hãng tàu ngồi trên đống lửa, không biết ngày nào được bước xuống, thì thiệt thòi cho chúng tôi quá”, ông Trùng chia sẻ.


… Tàu cũ cũng phải từ từ!


Trong khi các hãng tàu nóng lòng muốn biết nguyên nhân gây ra vụ cháy tàu thì các cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục im hơi lặng tiếng.


Việc các hãng tàu yêu cầu công bố kế hoạch kiểm tra thì tại buổi lễ công bố thành lập đoàn kiểm tra, bà Lê Minh Châu, vụ phó vụ An toàn giao thông – phó trưởng đoàn thường trực đoàn kiểm tra cho rằng: Kế hoạch về thời gian của đoàn kiểm tra chỉ bàn nội bộ (trong các thành viên đoàn kiểm tra) chứ không công bố rộng rãi.


“Chúng tôi phải làm cẩn thận chứ không thể nhanh theo yêu cầu của các hãng tàu. Bởi đa phần các tàu cánh ngầm trong đợt kiểm tra này toàn là tàu cũ. Nếu vội vàng công bố cái này cái nọ mà chưa tìm hiểu thấu đáo thì chúng tôi là người phải “lãnh đủ”. Các anh gấp nhưng chúng tôi không thể gấp được!”, bà Châu nói.


Có lẽ chính vì quan điểm trên nên trong quyết định thành lập đoàn kiểm tra, bộ GTVT chỉ nêu ngày bắt đầu kiểm tra là 27.2.2014, còn ngày kết thúc và đưa ra báo cáo yêu cầu khắc phục hay dẹp thì hoàn toàn không có.


Liên quan đến việc đưa tàu lên đà (cẩu lên bờ) để phục vụ kiểm tra (kinh phí do hãng tàu chi trả), theo ông Trần Quốc Hiệu, phó giám đốc công ty TNHH Quang Hưng (đơn vị đang sở hữu ba tàu cánh ngầm hiệu Petro Express) cho rằng: Yêu cầu các hãng tàu đưa tàu lên đà đang là bài toán khó với các hãng tàu. Bởi hiện nay chỉ có nhà máy Bason mới có cẩu chuyên dùng để cẩu tàu lên đà, nhưng cẩu này đang bị hư (đơn vị ông Hiệu đi thuê nên mới biết) thì biết tìm đâu ra đơn vị cung cấp. “Đề nghị đoàn kiểm tra tìm phương án hỗ trợ, nếu không công tác kiểm tra sẽ gặp khó và như vậy là hãng tàu cũng thua luôn”, ông Hiệu phân tích và kiến nghị.


Đào Lê






“Tìm lại chính mình quan trọng hơn doanh thu!”

“Tìm lại chính mình quan trọng hơn doanh thu!”

Đạo diễn Như Lai:


“Tìm lại chính mình quan trọng hơn doanh thu!”


SGTT.VN - Sau NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, đến lượt Như Lai đưa đoàn kịch I nhà hát Tuổi Trẻ “hành phương Nam” đúng dịp Quốc tế phụ nữ 8.3. Đây tựa như chuyến ra mắt lại khán giả TP.HCM của đạo diễn trẻ chuyên kịch đương đại Như Lai, ở một vị trí khác: trưởng đoàn kịch nói. Vẫn thế, anh rất tự tin bước vào trải nghiệm mới.











Liên tiếp mang chính kịch, thậm chí cả những vở khó bán vé hành phương Nam, ẩn sau chiến dịch lưu diễn này là một mục tiêu còn quan trọng hơn doanh thu?


Có một mục tiêu rất thực tế, đó là nhân rộng ảnh hưởng. Chúng tôi nhận thấy, khác với thế hệ trước, khán giả trẻ trong Nam ít biết về nhà hát Tuổi Trẻ cũng như hình thức sân khấu phía Bắc, nên việc “tiếp thị” hình ảnh là cần thiết. Chúng tôi muốn qua các chuyến lưu diễn, mỗi một thế hệ khán giả khi trưởng thành đều có một “ý niệm” về nhà hát Tuổi Trẻ. Ngoài ra, có một mục tiêu khác quả thực quan trọng hơn doanh thu, đó là: tìm lại chính mình! Sau thời kỳ chính kịch với loạt vở gây tiếng vang lớn như Bến bờ xa lắc, Rừng trúc, Macbeth… thì từ năm 2000 trở lại đây, nhà hát nổi trội ở những series hài ngắn dài hơi như Đời cười, Kẻ khóc người cười… Dần dà, hài kịch trở thành thương hiệu của nhà hát. Khán giả cũng có người nghĩ, nhà hát Tuổi Trẻ chỉ biết làm hài. Thế nên, chiến dịch của chúng tôi là khôi phục hình ảnh một sân khấu kịch phong phú về thể loại, nội dung, hình thức biểu diễn và tìm lại thương hiệu một thời của nhà hát Tuổi Trẻ: chính kịch! Các vở mang đi đa số là chính kịch, đã gây hiệu ứng mạnh ở phía Bắc, tuy nội dung khác nhau, nhưng đều lột tả chân thực cuộc sống đương đại với những ngột ngạt, khắc nghiệt và cả nét lãng mạn riêng… Tôi nghĩ, nghệ sĩ lẫn khán giả đều cần được thưởng thức những tác phẩm sân khấu giàu cảm xúc như thế!


Kịch mục du Nam có đến hai vở do Nguyễn Thu Phương – cây bút nữ đang độ sung sức của phía Nam viết kịch bản. Có vẻ như rất nhiều hy vọng đang được gửi gắm vào Nhà có ba chị em và Nhà có năm anh em trai – hai tác phẩm khiến cái tên Thu Phương trở nên hấp dẫn với khán giả phía Bắc?


Tác phẩm của Thu Phương, bám sát đời sống hiện tại, theo cách vừa mộc mạc, chân thực, vừa tinh tế. Đấy sẽ là những tác phẩm có sức sống lâu bền. Trong chùm kịch lưu diễn, tôi nghĩ có hai vở sẽ khiến khán giả phía Nam đặc biệt thích thú. Thứ nhất là Nhà có ba chị em, phản ánh được khoảng nhận thức của các thế hệ trong cùng một gia đình, những xung đột vô cùng hấp dẫn người xem. Ngoài ra, hài kịch dân gian dài Thị Hến cũng sẽ gây ngạc nhiên. Đạo diễn Lê Khanh xây dựng một cô Hến khác hoàn toàn so với trước, dựa trên nhận thức: Thị Hến là biểu trưng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam từ thuở xa xưa. Ngoài nhân vật Thị Hến, chị Khanh cũng nhấn vào chuyện công đường, mượn xưa nói nay, đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội.


Hỏi thật, anh có thấy, kịch mục du Nam lần này bị xen lẫn một chùm tiểu phẩm hài ngắn khá lệch “tông”?


Tôi thì lại nghĩ, như thế, tức là chúng tôi tôn trọng khán giả! Nhu cầu của khán giả ngày một đa dạng, chúng tôi mang đi cả một “bàn tiệc” sân khấu đa vị, là để người xem được thoải mái lựa chọn. Chúng tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp, tất nhiên, phải đi song song cả hai “chân”. Đó cũng là cách “mài sắc” khả năng cảm nhận về sân khấu, xây dựng hình tượng nhân vật và sống trong các tình huống kịch khác nhau. Dịp lưu diễn này, khán giả phía Nam sẽ được thưởng thức tài biến hoá của các nghệ sĩ xuất sắc ở cả hai mảng hài kịch và chính kịch như: Lê Khanh, Quang Ánh, Hương Tươi…


Đạo diễn Chí Trung có lần nói, sau mỗi chuyến lưu diễn miền Nam lại rạo rực cảm hứng và mơ ước… Còn anh thì sao?


Tôi thay đổi nhiều chứ, rõ nhất là nhận ra: sân khấu phải tìm đến khán giả, phải tìm thấy khán giả! Muốn vậy, phải tìm hiểu nhu cầu của khán giả ở mỗi vùng miền. Ở phía Bắc, thường bộ phận quản lý, đạo diễn, kịch bản mới lưu tâm vấn đề này, còn nghệ sĩ, theo quan sát chủ quan của tôi, thụ động hơn rất nhiều so với đồng nghiệp trong Nam. Trong Nam, cả êkíp đều hướng đến khán giả và “chiều chuộng” nhu cầu của khán giả. Còn ngoài Bắc, nhiều lúc, nghệ sĩ không mấy quan tâm khán giả nghĩ gì, cảm gì sau khi xem tác phẩm. Nên, tác phẩm trình làng đôi khi thất bại! Bởi thế, chuyến lưu diễn này cũng đặt mục tiêu: tạo cơ hội để nghệ sĩ cọ xát và thay đổi, chịu điều chỉnh cách tiếp cận nhu cầu khán giả, chịu “mở” hơn…


Nói vậy, việc trở lại kịch nói sau tám năm miệt mài cùng kịch đương đại với không ít thành công, cũng là một quyết định trong tâm thế “mở”?


Cũng nên có thời gian ngưng lại, để nhìn lại xem mình có đi đúng hướng không! Tôi muốn thay đổi sau một thời gian dài chỉ làm kịch đương đại. Thực ra, kịch nói là cái gốc của tôi. Tôi trở về, một phần do phân công công tác, một phần, do tôi cũng tự tin, mình có thể làm mới, làm khác đi những thứ vốn đã quá cũ kỹ. Tôi đang cẩn thận lựa chọn kịch bản, vì đây là tác phẩm “ra mắt” lại làng kịch nói của mình. Rất có thể, tôi sẽ tích hợp vào vở những gì đã học hỏi được suốt tám năm qua, thậm chí, có thể kết hợp kịch nói và kịch đương đại. Có thể, nó chẳng giống ai, nhưng chắc chắn, phải hay, phải đẹp, phải hấp dẫn.


Hương Lan (thực hiện)









Từ ngày 3 – 13.3 tại nhà hát TP.HCM và rạp Công Nhân, đoàn kịch I nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn các vở: Thị Hến du xuân (đạo diễn Lê Khanh); Nhà có năm anh em trai; Nhà có ba chị em, Cầu vồng lục sắc (đạo diễn Anh Tú); chùm hài kịch chọn lọc Phụ nữ ơi, em là ai?


Sau đó, đoàn lưu diễn thành phố Đà Lạt từ ngày 14 – 16.3, diễn tại rạp Ba Tháng Tư.







Thư tòa soạn

Thư tòa soạn

Thư tòa soạn


Kính thưa bạn đọc,


Thừa hành quyết định “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” từ cấp có thẩm quyền, Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị trân trọng thông báo với quý bạn đọc là từ sau 28.2.2014, báo Sài Gòn Tiếp Thị trực thuộc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ ngưng xuất bản. Tờ Sài Gòn Tiếp Thị số 18/2014 mà bạn đang cầm trên tay là số báo cuối cùng. Với các bạn đọc đã đăng ký báo dài hạn và đã đóng tiền, chúng tôi sẽ liên lạc với bạn đọc để thông báo cụ thể phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của bạn đọc. Bạn đọc có thắc mắc xin vui lòng liên hệ với cô Trần Thị Thanh Nguyệt theo số máy: (08) 39307825 – (08) 39305382 để được giải đáp cụ thể.


Chúng tôi rất tiếc là không thể tiếp tục phục vụ bạn đọc. Đội ngũ những người làm báo Sài Gòn Tiếp Thị mong sớm được gặp lại bạn đọc yêu quý của mình.


Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị






Những khoảnh khắc đẹp ở phòng Bạn đọc

Những khoảnh khắc đẹp ở phòng Bạn đọc

Những khoảnh khắc đẹp ở phòng Bạn đọc


SGTT.VN - Tiếp nhận công việc của phòng Bạn đọc vào ngày đầu tiên của tháng 6.2011, tôi rất sợ mình không làm được việc. Vào nghề báo gần 20 năm, hầu hết thời gian tôi làm phóng viên mảng thị trường, sau đó là trưởng ban kinh tế và phó ban online của một tờ báo dành cho phụ nữ. Tôi không có kinh nghiệm làm trưởng phòng bạn đọc của một tờ báo kinh tế, nơi mà ban biên tập luôn kỳ vọng sẽ là đầu nguồn lắng nghe và phản hồi mọi thông tin để tờ báo có những đề tài đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Với sự giúp đỡ tận tình của người trưởng ban cũ và ban biên tập, tôi cũng dần quen và qua gần ba năm làm việc tại đây, tôi đã có những khoảnh khắc không thể nào quên.










Đại diện báo Sài Gòn Tiếp Thị tới thăm và trao quà do bạn đọc tặng, cho trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định. Ảnh: TLSGTT



Tự hào khi bạn đọc đánh giá cao giá trị nội dung của tờ báo


19 năm thành lập, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã xây dựng được một đội ngũ bạn đọc thân thiết và gắn bó với từng số báo, không chỉ ở trong nước mà còn có rất nhiều kiều bào ở nước ngoài. Tiếp nhận thư, nghe điện thoại và đọc phản hồi mỗi ngày, tôi luôn cảm thấy tự hào khi bạn đọc đánh giá cao giá trị nội dung hay hình ảnh của tờ báo. “Các bạn không phải là lều báo!” – đó là một trong rất nhiều lời khen mà bạn đọc nói về Sài Gòn Tiếp Thị. Đội ngũ làm nghề của tờ báo dù đã phải vượt qua một giai đoạn vô cùng khó khăn vẫn quyết đeo đuổi những đề tài mang tính nhân văn, có tính định hướng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại lợi ích tinh thần cho bạn đọc chứ không a dua đuổi theo những câu chuyện rẻ tiền để câu view.


Cảm động trước tình người mà bạn đọc dành cho những nhân vật của báo


Những tấm gương vượt khó hay dũng cảm đối mặt với nỗi đau để thể hiện tình yêu cuộc sống và lòng can đảm... luôn lay động cảm xúc của bạn đọc. Tình đồng loại thể hiện rõ sau từng câu chuyện trên mặt báo. Bạn đọc không chỉ chia sẻ lời động viên bằng thư, bằng comment... mà có những trường hợp bạn đọc yêu cầu thông tin liên lạc để giúp đỡ trực tiếp. Một trong những nhân vật nhận được sự giúp đỡ bền bỉ của một bạn đọc – vốn là Việt kiều ở Đan Mạch – là cô Trần Thị Xuyến ở Đà Lạt. Trong hơn hai năm trời, bạn đọc đó thường xuyên liên hệ với cô Xuyến để giúp cô nuôi hai con nhỏ còn đi học, khi biết bản thân cô từng là giáo viên bị tai biến phải nằm một chỗ. Và còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái khác. Bạn đọc đã tin những câu chuyện của

chúng tôi, hơn hết, bạn đọc đã tin tờ báo.


Vui khi là cầu nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp


Mỗi ngày, có đủ mọi dạng câu hỏi gửi đến phòng Bạn đọc. Để trả lời, phòng Bạn đọc phải nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn thông tin, từ phóng viên – cộng tác viên, biên tập viên, ban biên tập... và cũng lắm khi phải nhờ “thầy Google”.


Có những loại câu hỏi khó, chúng tôi phải cậy nhờ các chuyên gia... để sau đó trở thành bài viết trên mặt báo. Lắng nghe bạn đọc, chúng tôi nhận ra nhu cầu của cuộc sống và chuyển tải thành những đề tài được bạn đọc quan tâm theo dõi.


Một điều đặc biệt khác, phòng Bạn đọc của Sài Gòn Tiếp Thị còn là nơi bạn đọc tin cậy trao gửi những khiếu nại của mình về sản phẩm hay dịch vụ. Không ít lần tôi thấy rất vui vì Sài Gòn Tiếp Thị đã giúp hai bên hiểu nhau hơn: người tiêu dùng được giải quyết thoả đáng, còn doanh nghiệp cũng nhìn ra thiếu sót của mình để kịp thời khắc phục.


Và cuối cùng, những ngày làm việc ngắn ngủi ở đây còn khiến tôi không thể quên được vì tình đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống; vì một môi trường làm nghề thân thiện. Sẽ nhớ mãi, Sài Gòn Tiếp Thị – tờ báo của tôi.


Ngô Thanh Thuỷ (Trưởng phòng Bạn đọc)






Như một lời chia tay

Như một lời chia tay

LTS: Ý kiến từ các cộng tác viên thân thiết và bạn đọc “như một lời chia tay” đầy ý nghĩa, giúp chúng tôi cảm thấy ấm lòng phần nào vì đã làm tròn trách nhiệm với độc giả của mình.


Như một lời chia tay










Ảnh: TL SGTT



Khát vọng chia sẻ


Sài Gòn Tiếp Thị tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã nhanh chóng vươn lên có thị phần đáng kể và được sự tin cậy của độc giả và doanh nghiệp vì khát vọng nói lên sự thật, và tinh thần chia sẻ với bạn đọc và doanh nghiệp. Với đội ngũ phóng viên trẻ, tâm huyết, các bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị luôn thể hiện nét riêng, khác biệt bằng những thông tin chọn lọc, những nhận xét độc lập, sắc sảo. Tờ báo luôn nói lên tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tìm thấy ở đây những thông tin có ích đối với cuộc sống của họ, họ thấy được sự đồng cảm của tờ báo đối với nỗi gian truân trong cuộc sống của người dân hay của doanh nghiệp trong kinh doanh. Tờ báo đã nhanh chóng vượt khỏi phạm vi hạn hẹp về địa lý và lĩnh vực của tên nó, thực sự trở thành một tờ báo có tầm cỡ cả nước, nhiều bài báo của Sài Gòn Tiếp Thị luôn được trích dẫn trên mạng thông tin điện tử trong nước và quốc tế. Về mặt báo chí, không nghi ngờ gì nữa, Sài Gòn Tiếp Thị là một thành công, đã trở thành một thương hiệu đáng tin cậy.


Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo cởi mở, đã vươn cao nhờ đứng trên vai những người khổng lồ. Tờ báo có đội ngũ cộng tác viên có chất lượng trong nước và ngoài nước, đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm về các vấn đề thời sự của đời sống kinh tế – xã hội, quy tụ nhiều người với những suy nghĩ khác nhau. Tờ báo cũng thể hiện trách nhiệm xã hội cao, đã tổ chức quyên góp, cứu trợ người nghèo.


Sự ra đi của tờ báo ngày hôm nay để lại bao niềm nuối tiếc của người đọc và bạn bè. Chúc cho các bạn Sài Gòn Tiếp Thị mã đáo thành công trong năm Giáp Ngọ này.


Lê Đăng Doanh


Mong chỉ là tạm biệt


Thế hệ chúng tôi, dù đang sống trong hay ngoài nước… mỗi người là cuốn tiểu thuyết sống. Dù cuộc sống chúng ta đã trải qua quá nhiều biến động, thăng trầm và bất cập trong một thời gian dài, nhưng khả năng sinh tồn, tính thích nghi, tinh thần tạo dựng vẫn còn rất mạnh trong mỗi người Việt.


Tôi xin cám ơn báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tạo ra một diễn đàn cho nhiều người đóng góp và tham gia. Sự đóng góp của nhiều người, từ góc độ quan điểm, chuyên môn trên diễn đàn này trong suốt thời gian qua, là vô giá. Làm phong phú thêm kiến thức và sự cân phân trong cuộc sống còn nhiều chao đảo.


Thiết nghĩ sự chia tay với tờ báo lần này chỉ là sự tạm biệt của nhiều người.


Trần Đức Cảnh (Tổng giám đốc công ty du lịch và khách sạn Việt Mỹ)









Về mặt báo chí, không nghi ngờ gì nữa, Sài Gòn Tiếp Thị là một thành công, đã trở thành một thương hiệu đáng tin cậy.



Hãy giữ cho mình niềm tin

Đây là tờ báo đã vượt ra khỏi hình ảnh ban đầu là những trang thông tin, quảng cáo được người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) tìm đọc để trở thành một tờ báo có những chuyên mục thời sự, kinh tế, xã hội… khá hấp dẫn. Nội dung các bài viết không quá hàn lâm nhưng đầy đủ những số liệu, phân tích, đánh giá giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, bổ sung những thông tin có được từ những báo khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn Tiếp Thị từng là lựa chọn của Vietnam Airlines trong các mặt báo cung cấp cho khách hạng thương gia.


Trong nhiều trang mục của Sài Gòn Tiếp Thị, tôi đặc biệt thích trang Giá trị sống với nhiều bài phỏng vấn, chia sẻ từ những nhân vật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, những xuất thân và quá trình trải nghiệm cuộc sống muôn màu muôn vẻ nhưng lại có thể tìm thấy nơi họ những điều tưởng chừng rất nhỏ và giản đơn nhưng là bài học, là nguồn động viên, là tấm gương cho những ai còn có và muốn tin vào lẽ phải, vào cuộc sống này.


Chia tay tờ báo cũng là chia tay với nhiều trang mục mà ngay chính mình cũng thường xuyên không đồng tình với các tác giả nhưng lại thú vị vì tìm thấy những bài viết có cá tính riêng.


Mong rằng nhiều nhà báo, các cộng tác viên và những con người từng gắn bó với Sài Gòn Tiếp Thị vẫn tìm cho mình những trang báo tốt để viết và giữ được cho mình niềm tin và giá trị sống như tờ báo đã từng gieo vào lòng bạn đọc.


TS Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc công ty Bachi Soletanchi


Sài Gòn Tiếp Thị & Tiếp thị Sài Gòn


Cuối năm 2008, mùa đông Hà Nội rét buốt, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bê ra nhà tôi một tập A4 viết tay nhờ cô thư ký của tôi gõ. Xong xuôi ông bảo in cho tôi một bản, đó là vở kịch Nhà Ôsin. Thiệp bảo: “Ông quảng giao, tôi nhờ ông chọn in báo nào cũng được miễn là có nhiều người đọc”. Năm hết tết đến, sau mấy ngày ôm “bảo kiếm” của “hiệp khách” Thiệp, tôi gửi đến Sài Gòn Tiếp Thị. Số xuân 2009 của Sài Gòn Tiếp Thị đã in trọn vẹn vở kịch như một phụ trang tặng bạn đọc. Năm đó vợ chồng nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh dắt tay nhau đi hội báo Xuân mua một tờ Sài Gòn Tiếp Thị, về đến nhà chị say sưa đọc một mạch Nhà Ôsin và sau đó chị đã cùng với nhà hát Tuổi Trẻ dựng vở này.


Năm 2010, tôi lại được Sài Gòn Tiếp Thị đặt một bài cho số xuân. Tôi nghĩ, Sài Gòn Tiếp Thị tiếp thị cho mọi người, mọi ngành, mọi loại hàng hoá nhưng ít người tiếp thị cho Sài Gòn. Thế là tôi ngồi xuống lia bút một bài dài (bài Sài Gòn vùng văn hóa đa văn hoá), so sánh tính cách của người Bắc (Hà Nội), người Trung (Huế) và người Nam (Sài Gòn) trên cơ sở tính chất địa vùng văn hoá để thấy rõ đặc tính người Sài Gòn mà tôi gọi đó là tính cách của nước: năng động, trôi chảy, cởi mở, ăn to nói lớn, nhanh nhạy, hợp với những việc cần gấp, cần quyết định ngay, hợp với những việc cần luôn luôn phải chuyển động, phải thay đổi, hợp với thời của thay đổi nên người Sài Gòn dễ thích nghi với thay đổi. Dù thế nào cũng sẽ lại thích nghi thôi. Tôi nghĩ thế.


Lê Thiết Cương


Nhiệm vụ nhà báo vẫn phải tiếp tục


Sài Gòn Tiếp Thị là một tờ báo chuyên nghiệp của những nhà làm báo chuyên nghiệp. Từ khi xuất hiện trong làng báo Sài Gòn cách nay nhiều năm, Sài Gòn Tiếp Thị đã trở thành một người bạn đường của doanh nghiệp Việt Nam, với những bài báo phân tích tình hình sắc bén, những hiến kế rất giá trị về điều hành vĩ mô, những thông tin cập nhật rất bổ ích cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Sài Gòn Tiếp Thị đã trở thành một thức ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày trên bàn làm việc của các doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp.


Trước đây, khi nói về nguyên nhân một tờ báo đóng cửa, người ta hay dùng câu “nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành”. Như vậy, với tờ báo thân thương Sài Gòn Tiếp Thị, phải chăng nhiệm vụ lịch sử của các anh chị đã hoàn thành, và các anh chị đã có thể nhẹ gánh nhẹ lòng để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới? Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào điều đó, không phải vì chúng ta thực sự tin như thế, nhưng đó có thể là một điều an ủi cho tất cả những anh chị làm báo chuyên nghiệp ở Sài Gòn Tiếp Thị còn nặng nợ với độc giả. Rất mong các anh chị vẫn sẵn sàng tiếp tục kiếp tằm nhả tơ để trả nợ cho đời, ở những toà soạn khác, cũng với một bầu nhiệt huyết như thế, một tấm lòng trong sáng như thế, một tác phong chuyên nghiệp hiếm hoi như thế. Nhiệm vụ lịch sử của một tờ báo có thể kết thúc, nhưng nhiệm vụ công dân của nhà báo đối với lịch sử lâu bền của dân tộc vẫn phải tiếp tục...


Huỳnh Bửu Sơn









Nhiệm vụ lịch sử của một tờ báo có thể kết thúc, nhưng nhiệm vụ công dân đối với lịch sử lâu bền của dân tộc vẫn phải tiếp tục....



Hẹn ngày gặp lại

Với ý nghĩa nhân văn và trách nhiệm công dân, Sài Gòn Tiếp Thị là một tờ báo lớn. Báo lớn là một tờ báo nhiều người quan tâm, nhiều người cần.


Tôi chắc chắn một điều rằng nhiều cộng tác viên, nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn hâm mộ và kỳ vọng vào những đóng góp của báo chí, của công luận trên bước đường dựng xây xứ sở, dựng xây quê hương, đất nước. Trong những năm tồn tại của mình, Sài Gòn Tiếp Thị đã có những đóng góp xứng đáng theo hướng đó và thực sự là tờ báo của công chúng.


Cho phép tôi được bày tỏ đôi lời tri ân này bằng việc kể lại điều tôi hằng tâm niệm, thường nói và gần đây nhất, sáng ngày 18.2 tại nhà khách bộ Quốc phòng, trong buổi ra mắt cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman. Trước đông đảo các vị chức sắc và độc giả, được phép của ban tổ chức, tôi đã lễ độ có đôi lời, trong đó có đoạn tôi thưa rằng: “Thượng đế sinh ra cho chúng ta mỗi người một cái mồm. Cái mồm ấy có bổn phận phải nói thật những điều mình nghĩ, dù đúng hay sai nhưng nó là của mình. Không có lý do gì cái mồm mà thượng đế ban cho ta lại phải nói những điều dở hơi của kẻ khác muốn…”


Tạm biệt! Chia tay với Sài Gòn Tiếp Thị, tôi muốn nói lời cảm ơn tình nghĩa và hẹn có ngày gặp lại. Ngày ấy không xa.


Đạo diễn Trần Văn Thuỷ


Thay lời cảm ơn


Sài Gòn Tiếp Thị tiếp thị điều gì? Với riêng tôi thì đó là văn hoá, đó là một lối sống có ích cho đất nước, cho xã hội. Mỗi lần cầm tờ báo mới trong tay vẫn để lại trong tôi nhiều xúc cảm.


Giữa một rừng các tờ báo ngày, báo tuần, tạp chí... mỗi người sẽ chọn cho mình tờ báo mà mình yêu thích, tờ báo cung cấp thông tin theo đúng mong mỏi của mình, giúp mình hiểu biết thêm nhiều điều về cuộc sống, về xã hội, về những gì đang diễn ra trong nước và trên thế giới theo quan điểm sống của bản thân mình. Với góc nhìn đó, có lẽ tờ Sài Gòn Tiếp Thị hợp với tạng người như tôi, tìm kiếm những thông tin nghiêm túc, mơ ước một cuộc sống tốt đẹp cho đất nước, cho con người...


Nghe tin rồi đây tờ báo sẽ thay đổi dung mạo, tôi viết những dòng này thay cho lời cám ơn của cá nhân đến những con người đã lao động với tư cách người làm báo, người mang một trọng trách thiêng liêng: đem đến cho người đọc món ăn tinh thần hàng ngày trong cuộc sống. Thầm mong rồi tới đây, tờ báo vẫn làm tròn chức trách của mình, có những thông tin trung thực nóng sốt, có những bài báo giúp bạn đọc tăng nhận thức và thêm tin yêu vào cuộc sống này.


Trần Thị Tuyết Nga

Chủ nhân làng nghề Một thoáng Việt Nam






Tờ báo tiên phong định lượng thị trường

Tờ báo tiên phong định lượng thị trường

Tờ báo tiên phong định lượng thị trường


SGTT.VN - Cho đến tận hôm nay, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế vẫn thiếu các số liệu thống kê, gây khó cho các nhà kinh doanh. Thời điểm năm 1995, khi báo Sài Gòn Tiếp Thị ra đời, nền kinh tế mới mở cửa, từ “tiếp thị” vẫn còn rất mới mẻ, việc tìm kiếm các dữ liệu định lượng thị trường càng khó khăn hơn. Trên bục giảng, sinh viên đại học báo chí vẫn thường được nghe giảng khi viết bài nên cố gắng định lượng thông tin thay vì chỉ định tính. Thực tế là thời đó, nhan nhản các bài báo viết về kinh tế, thị trường, nhưng chỉ có thông tin định tính. Bài viết ít giá trị.











Trong bối cảnh đó, chuyện lạ chỉ có ở báo Sài Gòn Tiếp Thị: nhà báo mà cũng đi điều tra thị trường. Dĩ nhiên chuyện này báo chí quốc tế, ở những nước có nền kinh tế thị trường lâu đời, họ đã làm từ lâu, nhưng ở Việt Nam thì chưa có ai làm.


Ban đầu, phóng viên báo đi xuống các chợ tại TP.HCM, tiếp xúc tiểu thương, ban quản lý… để nắm giá cả từng mặt hàng mỗi ngày, rồi đăng lên báo. Bà con tiểu thương lúc đó lạ lẫm với hình ảnh phóng viên cầm cuốn sổ, cây bút hỏi han giá từng ký thịt, con cá, rau xanh… Để có được thông tin mang tính đại diện cao, thay vì chỉ hỏi một người thì hỏi mười người. Và để có thể hỏi hàng trăm người, phóng viên làm sẵn các bảng câu hỏi chừa trống các ô trả lời để điền vào câu trả lời.


Từ đó, trên Sài Gòn Tiếp Thị xuất hiện những thông tin riêng có mang tính định lượng cao.


Ngày nay, nghiệp vụ điều tra xã hội học giúp cung cấp thông tin định tính và định lượng mang giá trị cao đã trở nên rất phổ biến, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của internet. Nhưng dấu ấn Sài Gòn Tiếp Thị vẫn còn đó. Giờ thì ai cũng biết làm điều tra xã hội học, nhưng để thông tin có giá trị cao, hữu ích, có hiệu ứng lan toả với cả nền kinh tế thì có thể nói duy nhất có ở Sài Gòn Tiếp Thị.


Năm 1997, từ những điều tra đơn giản ban đầu đó, chương trình mang tên Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) ra đời, huy động nhân viên, phóng viên của báo Sài Gòn Tiếp Thị tham gia, có sự góp ý của các chuyên gia nghiên cứu thị trường. Từ ban đầu ở TP.HCM và Cần Thơ, cuộc điều tra người tiêu dùng dần mở rộng ra cả nước, điều tra trực tiếp người tiêu dùng tại nhà của họ, theo các tiêu chí về giới, ngành nghề, độ tuổi… Mỗi nhà chỉ phỏng vấn một người, và số phiếu phỏng vấn lên hàng chục ngàn (là chừng ấy người được phỏng vấn).


Kết quả điều tra có được sau khi xử lý các thông số từ hàng chục ngàn phiếu đem về, cuối cùng là cho ra danh sách doanh nghiệp được bình chọn HVNCLC năm đó, là một giá trị vô hình rất lớn với doanh nghiệp và nền kinh tế TP.HCM và cả nước.


Hoành Sơn






Văn hoá exit

Văn hoá exit

Văn hoá exit


SGTT.VN - Mỗi một “exit” (lối ra) là một “entry” (cửa vào) cho đâu đó (Every exit is an entry somewhere else – Tom Stoppard)


Có thể tôi hơi méo mó nghề nghiệp về quan niệm “exit” (thoát ra). Trên góc nhìn của một nhà đầu tư, phi vụ hay dự án chỉ thành công khi nào tất cả số tiền giải ngân đã được thu hồi về an toàn theo đúng mục tiêu về lợi nhuận và thời điểm. Mọi người có thể tự sướng khi thấy cổ phiếu hay tài sản của mình có một thị giá thật tốt (thường là trên giấy tờ), như mong ước… nhưng với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu không có thanh khoản hay bị những rào cản làm chậm trễ hay gây rắc rối về sự rút vốn, thì thị giá của tài sản không mang một ý nghĩa gì.











Nghe thì đơn giản, nhưng đây lại là một thử thách lớn lao nhất của nghiệp vụ đầu tư. Khi có tiền, nhà đầu tư nắm phần cán và tha hồ đưa ra điều kiện hay đòi hỏi theo ý của mình. Có tiền thì lúc nào cũng có nhiều lựa chọn về phi vụ và dự án với những tiêu chí về lợi nhuận, rủi ro, địa điểm và thời hạn. Nhưng khi đồng tiền đã được giải ngân, thì sự kiểm soát trở thành một bài toán phức tạp với sự tham dự của nhiều đối tác và nhóm lợi ích. Khi thực sự exit thì vấn đề cần một giải pháp chu đáo hài hoà, với rất nhiều may mắn.


Trong cuộc sống hàng ngày, exit là một nhu cầu quan trọng cho thân thể, tâm thần hay sự nghiệp. Về thân thể, chỉ cho vào (ăn uống) mà không có đầu ra thoải mái, thì đủ thứ bệnh tật sẽ đến với những chất độc tích tụ. Một tâm thần quá tham lam, nhận rất nhiều mà không biết cho đi, thì sẽ bị héo khô và cô độc. Một sự nghiệp chỉ dựa trên thâu tóm và ích kỷ thì sẽ đến lúc phải đối phó với bao nhiêu là chống đối và áp lực.


Nhìn vào thiên nhiên, định luật của đất trời là “sinh” và “tử”. Có vào thì phải có ra. Bốn mùa tuần tự tiếp nối, không mùa đông nào dài đằng đẵng, không mùa hè nào là bất tận. Vậy mà suốt lịch sử, các vị vua chúa lúc nào cũng bắt dân phải tung hô “vạn tuế”, “muôn năm”… không có triều đình nào suy nghĩ về chuyện “exit”, cho đến khi quân thù đến tận cổng thành.


Trong nghệ thuật, truyện hay phim kịch, những exit đúng lúc hợp thời của những vai trò chính đã tạo nên những tác phẩm để đời. Nhường ánh đèn sân khấu lại cho một lớp người mới; hay bỏ đi xa để phiêu lưu vào một một vận hội mới là những điệp khúc hào hùng và thú vị cho bao nhiêu khán giả hay độc giả. Trong thể thao, chúng ta hào hứng theo dõi khi một đội mới hay một vận động viên trẻ quật ngã những huyền thoại vô địch.


Nếu mọi người, từ một phó thường dân trở đi, thực hành văn hoá cũng như tư duy exit trong mọi ứng xử, đất nước này sẽ có thêm một “đôi hia bảy dặm” cho thời khó khăn của hội nhập và cạnh tranh.


Alan Phan (viết cho Sài Gòn Tiếp Thị trong số báo exit để tái sinh dưới hình thức khác)






Tách cặp song sinh năm ngày tuổi dính nhau

Tách cặp song sinh năm ngày tuổi dính nhau

Tách cặp song sinh năm ngày tuổi dính nhau


SGTT.VN - Ngày 27.2, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã tiến hành tách cặp song sinh dính nhau chỉ mới năm ngày tuổi, đó là hai bé gái con của chị N.T.X.S., ngụ tại An Giang. Sau khi sinh con (mỗi bé nặng 2 kg) tại bệnh viện Hạnh Phúc (An Giang), chị S. đã chuyển con lên bệnh viện Nhi đồng 1.


Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện hai bé dính nhau ở xương ức tạo thành một vòng cung xương và phần thấp của lồng ngực dưới xương ức thông nhau. Bé thứ nhất có mỏm tim và ½ tâm thất phải và tâm thất trái nằm trong lồng ngực của bé thứ hai, chỉ có một thận trái, kèm thêm một số bất thường vùng thân đốt sống thắt lưng, dính đốt sống và dị tật hậu môn trực tràng. Còn bé thứ hai có phần tâm thất trái kéo dài sang lồng ngực của bé thứ nhất, giãn lớn đài bể thận phải và niệu quản, chức năng bài tiết giảm. Trước nguy cơ sống còn của hai bé, êkíp phẫu thuật gồm 12 người do ThS.BS Đào Trung Hiếu, phó giám đốc bệnh viện, trưởng khoa ngoại tổng hợp, dẫn đầu đã tiến hành ca mổ lúc 10 giờ 30 và kết thúc lúc 12 giờ. Trao đổi với phóng viên báo SGTT lúc chiều cùng ngày, TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sau mổ một bé khá ổn, nhưng bé còn lại đang phải hồi sức tích cực.


Bình Yên






Hàng không “tranh nhau” khuyến mãi

Hàng không “tranh nhau” khuyến mãi

Hàng không “tranh nhau” khuyến mãi


SGTT.VN - Nhân dịp khai trương đường bay mới TP.HCM – Đà Lạt (ngày 22.3.2014), VietJetAir tung ra 30.000 vé máy bay có giá bán từ 22.000 đồng, được bán từ ngày 5 – 7.3.2014 và sẽ áp dụng cho tất cả chặng bay, thời gian bay từ ngày 22.3 đến 20.5.2014 (ngoại trừ các ngày lễ).


Trong khi đó, Vietnam Airlines kết hợp với ngân hàng HSBC sẽ giảm giá đến 47% giá vé cho hành khách thanh toán vé máy bay bằng thẻ tín dụng HSBC từ ngày 24.2 – 31.3.2014. Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng HSBC (HSBC Việt Nam) mua vé trực tuyến một số chặng bay từ TP.HCM đi Paris và TP.HCM/Hà Nội đi London sẽ được giảm đến 47% tiền vé.


V. Bình






Cần phân biệt cảnh giác với cấm lưu hành thuốc

Cần phân biệt cảnh giác với cấm lưu hành thuốc

Bác sĩ trò chuyện


Cần phân biệt cảnh giác với cấm lưu hành thuốc


SGTT.VN - Mới đây, một tờ báo ở ta đăng thông tin về phản ứng có hại của một loại thuốc. Đây là việc làm cần thiết, nhưng có thể khiến người dùng thuốc đi đến cực đoan là chối bỏ việc dùng thuốc, dù thuốc ấy đang được bác sĩ chỉ định cho dùng.











Từ trường hợp dompéridone


Tờ báo ấy dẫn lại đăng tải báo cáo về dược chất dompéridone trên tạp chí chuyên san dược Prescrire của Pháp như sau: “Ước tính trong năm 2012, tại Pháp có 25 – 120 trường hợp đột tử do tác dụng phụ của dompéridone. Hoạt chất này có thể tăng nguy cơ làm rối loạn nhịp tim. Nhiều nghiên cứu từ năm 2005 của Hà Lan và Canada cho thấy người dùng dompéridone có nguy cơ đột tử vì bệnh tim cao hơn 1,6 – 3,7 lần”. Do đó, Prescrire khuyến cáo các cơ quan quản lý dược phẩm Pháp và châu Âu nhanh chóng cấm hoạt chất này.


Cũng theo thông tin của tờ báo, năm 2011, cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp (ANSM) gửi văn bản cho các bác sĩ, dược sĩ ở Pháp, đặc biệt lưu ý: “Nhiều nghiên cứu cho thấy dompéridone làm tăng nguy cơ bị rối loạn tim mạch và đột tử. Nguy cơ này cao hơn ở những bệnh nhân trên 60 tuổi hoặc dùng với liều lượng hơn 30mg/ngày. Cần chỉ định dompéridone ở liều lượng thấp nhất có thể đối với cả người lớn lẫn trẻ em”. Hiện cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đang nghiên cứu lại về “cán cân” hiệu quả điều trị – tác dụng phụ của hoạt chất này. Nhiều khả năng EMA nếu không cấm cũng sẽ khuyến cáo các bác sĩ hạn chế chỉ định dompéridone.


Hai thông tin vừa nêu cho thấy dompéridone có nguy cơ gây rối loạn tim mạch và thực tế đã gây ra đột tử. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định chính thức cấm lưu hành thuốc này mà người ta chỉ cảnh giác và khuyến cáo dùng thật hạn chế. Dompéridone là thuốc có tác dụng kháng dopamine, làm kích thích nhu động của ống tiêu hoá, làm điều hoà, tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị của dạ dày sau bữa ăn. Vì vậy, thuốc dùng điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp, đặc biệt là dùng khá phổ biến trị chứng khó tiêu đầy bụng. Chính vì thuốc dùng nhiều để trị rối loạn thường xảy ra là khó tiêu mà nhiều người rất lo lắng khi biết thông tin trên.


Đến ADR


Bất cứ thuốc nào, kể cả vitamin đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu không được dùng đúng cách, đúng liều. Những bất lợi do dùng thuốc gây ra được gọi chung là “phản ứng có hại của thuốc” (ADR – viết tắt từ Adverse Drug Reactions). ADR còn được gọi bằng tên khác như “tác dụng phụ”, “tác dụng ngoại ý”, “tác dụng không mong muốn”…


Nên lưu ý, nhiều thuốc được lưu hành trên thị trường dược phẩm vẫn được các viện bào chế dược phẩm theo dõi ADR để nếu thuốc xuất hiện ADR quá nghiêm trọng sẽ tự ý ngưng lưu hành hoặc bị chính quyền cấm lưu hành.


Ngoại trừ một số ADR thuộc loại nhẹ chỉ gây khó chịu (như ADR gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin trị dị ứng), đa số ADR – đặc biệt ADR gây rối loạn nghiêm trọng (như suy thận, suy gan cấp) – rất hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra khi dùng liều cao hoặc dùng lâu ngày. ADR thường gặp là loại phải cảnh giác nhiều hơn.


Cần lưu ý, không phải các thuốc được báo cáo về ADR đều bị cấm lưu hành, mà có rất nhiều thuốc chỉ bị lưu ý, cảnh giác theo dõi trong sử dụng. Năm 2010, đã có trên 5 triệu ADR được báo cáo trong cơ sở dữ liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO database) nhưng chỉ có vài thuốc bị ngưng lưu hành. Hay cách đây không lâu, một công bố của cơ quan Quản lý dược phẩm Pháp (AFSSAPS) về danh mục 59 thuốc cần đặc biệt theo dõi đã làm nhiều bệnh nhân rất lo, đến độ tính chuyện bỏ dùng thuốc có trong danh sách đó. Cơ quan AFSSAPS cũng khuyến cáo, bệnh nhân không được ngưng sử dụng thuốc có trong danh mục nêu trên nếu không có ý kiến bác sĩ điều trị. Cách đây vài năm, có tin FDA Hoa Kỳ thông báo thuốc trị tâm thần phân liệt olanzapin (Zyprexa) là thuốc gây ADR nhiều nhất trong mười thuốc cần cảnh giác. Ở ta, một số bệnh nhân đang được điều trị rất tốt với thuốc này đã vội bỏ thuốc không dùng nữa và bị bệnh tái phát trầm trọng. Hiện nay, olanzapin vẫn được tiếp tục lưu hành mà chẳng việc gì.


Đối với dompéridone, ADR gây rối loạn tim mạch, đột tử có thể chỉ mới là loại hiếm gặp và được đánh giá chưa đến nỗi phải cấm lưu hành.


Cảnh giác cũng cần đúng liều


Khi biết một thuốc có ADR, ta sẽ cảnh giác, thận trọng dùng thuốc cho thật đúng liều, đúng cách, chứ không nên chối bỏ việc dùng thuốc. Đặc biệt nếu đã được bác sĩ khám bệnh và ghi đơn chỉ định thuốc, ta nên yên tâm sử dụng thuốc. Bởi vì, chắc chắn bác sĩ biết rõ về ADR của thuốc (điều này đòi hỏi bác sĩ phải luôn luôn cập nhật kiến thức chuyên môn) và đã cân nhắc trong chỉ định thuốc cho người bệnh.


Để phòng tránh ADR, người dùng thuốc nên lưu ý mấy điều sau: Chỉ thật cần thiết mới dùng thuốc. Hoàn toàn không nên lạm dụng dù chỉ là vitamin. Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ (không dư không thiếu) các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các chỉ dẫn. Đừng nghe lời mách bảo của người không thuộc giới chuyên môn mà dùng thuốc nào đó kéo dài từ tháng này sang tháng kia. Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc về những điều cần biết, trong đó có ADR, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định. Khi đang dùng thuốc nếu bị phản ứng bất thường (có thể bị ADR) nên ngưng ngay thuốc và đi tái khám báo cho bác sĩ biết để bác sĩ cho hướng xử trí.


Cuối cùng, khi đọc trên báo chí thông tin về ADR của một loại thuốc, thì đó là thông tin để tham khảo và cảnh giác chứ người đang dùng thuốc đó hoàn toàn không nên quá lo lắng tìm cách ngưng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định dùng.


PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức,


giảng viên chính bộ môn dược lâm sàng, khoa dược, đại học Y dược TP.HCM.






Hành trình 18 năm qua của chương trình HVNCLC

Hành trình 18 năm qua của chương trình HVNCLC

Hành trình 18 năm qua của chương trình HVNCLC


SGTT.VN - Suốt 18 năm gắn bó với doanh nghiệp và người tiêu dùng, hội DN HVNCLC đã đi đầu, đưa ra các chương trình căn cơ xây dựng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt: đó là xây dựng thương hiệu; xây dựng hệ thống bán lẻ; xây dựng bản đồ phân phối và năm 2014, cũng lại khởi động lần đầu tiên chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo.


HVNCLC










Năm 1996, từ yêu cầu của người tiêu dùng – đáp lại lời vận động dùng hàng Việt của báo, là hãy giới thiệu các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, lần đầu tiên báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) tổ chức các cuộc thi góp ý và bỏ phiếu bình chọn cho hàng Việt qua cắt phiếu in trên báo.











Năm 1997, thay đổi cách bỏ phiếu qua báo mà bắt đầu hình thức bình chọn khoa học, khách quan hơn: tổ chức điều tra xã hội học người tiêu dùng (NTD) ở TP.HCM và Cần Thơ. Lần đầu tiên công bố có 120 HVNCLC. Bắt đầu tổ chức hội chợ HVNCLC lần 1 tại TP.HCM.











Năm 1998, mở rộng cuộc điều tra người tiêu dùng ra thêm ở Hà Nội, Đà Nẵng. Bắt đầu tổ chức hội chợ HVNCLC tại Hà Nội.











Năm 1999, ra đời chỉ thị của UBND TP.HCM đẩy mạnh chương trình HVNCLC với ba nội dung hoạt động: Điều tra NTD bình chọn danh hiệu HVNCLC hàng năm; tổ chức hội chợ HVNCLC trên cả nước; cung cấp dịch vụ hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt. Báo SGTT đăng ký độc quyền logo HVNCLC. (Ảnh: Các doanh nghiệp nhận cúp vàng Marketing năm 1999)











Năm 2000, cuộc điều tra bình chọn mở rộng đến 12 tỉnh thành phố trên cả nước. Hội chợ HVNCLC đầu tiên tại An Giang, Đà Nẵng. Năm 2001, Thành lập CLB Doanh nghiệp HVNCLC. Mở thêm hội chợ tại TP. Cần Thơ.











Năm 2002, điều tra 500 doanh nghiệp cả nước về nhận thức và đầu tư xây dựng thương hiệu khi khái niệm này còn xa lạ với xã hội. Khởi động dự án “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu” lần đầu tiên trên cả nước. Tổ chức đoàn DN HVNCLC đi hội chợ tại Côn Minh (Trung Quốc) và tự tổ chức hội chợ HVNCLC đầu tiên tại Campuchia. (Ảnh: Bộ trưởng cao cấp bộ Thương mại Campuchia Cham Pradish đặc biệt quan tâm hàng Việt Nam chất lượng cao)











Năm 2004, lần đầu tiên tổ chức lễ hội đường phố “Tôn vinh thương hiệu Việt” tại TP.HCM. Tổ chức festival Thương hiệu Việt. Lập văn phòng đại diện tại Campuchia, Côn Minh (Trung Quốc). Mở thêm hội chợ HVNCLC tại Gia Lai, Lâm Đồng.











Năm 2005, công bố danh hiệu HVNCLC cho ngành hàng mới: tư liệu sản xuất.











Năm 2006, thành lập quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục EDF (trực thuộc báo SGTT), thực hiện lần đầu tiên chương trình 20 Thương hiệu hạt giống, khởi động lần đầu tiên dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạng lưới bán lẻ” là chương trình hợp tác giữa TP.HCM và bộ Thương mại (nay là bộ Công thương). Mở thêm hội chợ HVNCLC tại Đăk Lăk, Kiên Giang.











Năm 2007, thực hiện “Năm doanh nghiệp vì cộng đồng”: 254 doanh nghiệp đóng góp trên 6 tỉ đồng chăm lo cho cộng đồng. UBND TP.HCM trao tặng danh hiệu THƯƠNG HIỆU MẠNH cho 100 thương hiệu dẫn đầu HVNCLC. Đây cũng là năm khởi động chương trình “Hỗ trợ đặc sản làng nghề” bắt đầu bằng chương trình hợp tác với UBND tỉnh An Giang, từ đó hình thành các CLB đặc sản làng nghề.











Năm 2008, thành lập trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA, tổ chức phi lợi nhuận xúc tiến cho HVNCLC và doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Thành lập CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC (trên cơ sở 100 thương hiệu mạnh).











Năm 2009, bộ Chính trị đưa ra kết luận về chủ trương cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Chương trình HVNCLC tham gia chương trình Xúc tiến thương mại thị trường nội địa với bộ Công thương, là đối tác thực hiện chương trình “Hàng Việt về nông thôn” và “Phiên chợ công nhân”. Thành lập CLB Đại sứ hàng Việt.











Năm 2010, nhận quyết định của UBND TP.HCM về thành lập hội DN HVNCLC. Khởi động dự án “Bản đồ phân phối, giải pháp phát triển hệ thống phân phối cho doanh nghiệp Việt”.











Năm 2011, UBND TP.HCM ký quyết định 4395 ngày 19.6.2011, giao việc tổ chức, triển khai chương trình HVNCLC cho một đầu mối là hội DN HVNCLC (thay thế vai trò báo SGTT và ITPC trong quyết định 147 năm 2005). Triển khai dự án Phát triển sản phẩm mới. Thực hiện chương trình “Tiếp sức hàng Việt”, phối hợp với báo Tuổi Trẻ và công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk. (Ảnh: Đại sứ hàng Việt – nghệ sĩ Kim Xuân, và bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải tại một chương trình đấu giá sản phẩm mới).











Năm 2012, bắt đầu chương trình “Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống” trên cả nước và chương trình “Hàng Việt đồng hành tiểu thương chợ truyền thống” ở TP.HCM. Triển khai chương trình xúc tiến thị trường ASEAN+1 cho doanh nghiệp, đặc biệt chương trình đưa HVNCLC vào hệ thống siêu thị của Trung Quốc. (Ảnh: Thực hiện các tiểu phẩm về “đời chợ” nhằm huấn luyện kỹ năng cho tiểu thương chợ truyền thống cùng các ĐSHV).











Năm 2013, hội chính thức nhận thực hiện cuộc điều tra HVNCLC hàng năm. Mở thêm chương trình “Nâng cấp chợ huyện” và “Hàng Việt tết Việt”. (Ảnh: Chương trình Giỏ quà tết Việt do hội DN HVNCLC, trung tâm BSA và Co.opmart thực hiện nhận được sự ủng hộ lớn từ người tiêu dùng và doanh nghiệp).











Năm 2014, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, thực hiện đề án hợp tác giữa hội DN HVNCLC và bộ KH&CN.Chương trình năm 2014 có năm tuyến hoạt động: (1) Phát triển thị trường nội địa; (2) Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quản trị; (3) Hỗ trợ hội nhập; (4) Hỗ trợ khởi nghiệp và (5) Hoạt động truyền thông quảng bá cho doanh nghiệp Việt và hàng Việt.(Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Quân trao bằng khen “DN HVNCLC đổi mới sáng tạo”cho 17 doanh nghiệp tại lễ công bố HVNCLC 2014).







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ