Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

“Nói con số không đáng tin cậy là không công bằng”

“Nói con số không đáng tin cậy là không công bằng”

Phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê


“Nói con số không đáng tin cậy là không công bằng”


SGTT.VN - Trong khi dư luận đang băn khoăn vì có một số ý kiến cho rằng các số liệu thống kê không chuẩn, ông Nguyễn Bích Lâm, phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê đã có cuộc trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chiều 29.9.










Ông Nguyễn Bích Lâm.



Thưa ông, việc GDP của địa phương và Trung ương không khớp nhau là do đâu?


Ở các nước, họ tính GDP cho toàn bộ nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, do phục vụ yêu cầu của UBND tỉnh, thành phố trong đánh giá, điều hành, dự báo tình hình, nên phải tính cả chỉ tiêu GDP cho tỉnh.


Theo đúng thông lệ quốc tế thì phải tính theo đơn vị thường trú. Chẳng hạn như một đơn vị xây dựng, giả sử trụ sở chính ở Hà Nội, nhưng nhận công trình ở Nghệ An. Tất cả các tính toán hạch toán luôn vào doanh nghiệp mẹ ở Hà Nội.


Các tỉnh khó thu thập các số liệu của các doanh nghiệp mẹ đóng ở Hà Nội, khó tách bao nhiêu cho Nghệ An. Cho nên việc tính GDP cho tỉnh hiện nay vẫn có cái bất cập, ngành thống kê cố gắng thu thập theo đơn vị cơ sở nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thiện được. Các tỉnh tính GDP có hiện tượng vừa bị trùng, vừa bị bỏ sót về mặt phạm vi.


Cái thứ hai, hiện nay tính toán GDP vẫn bị bệnh thành tích ở địa phương. Việc gửi báo cáo cho UBND tỉnh, thành phố nhiều khi vẫn có chuyện “bảo về xem xét lại, thế này thế kia”. Giả sử nghị quyết của HĐND, đặc biệt là nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, thành phố đưa ra rất cao, xây dựng mục tiêu rất cao, báo cáo thì cố gắng thực hiện mục tiêu nghị quyết đã đặt ra... Cho nên tốc độ tăng GDP cả nước và các tỉnh có sự lệch nhau như thế.


Hiện tượng này chúng tôi biết nhiều năm rồi, giờ ngành thống kê đang cố gắng nghiên cứu để có quy trình tính toán làm sao để phù hợp hơn.


Tỷ lệ thất nghiệp thấp thì sao, thưa ông?


Có một thực trạng hiện nay là tại sao nền kinh tế khó khăn như thế, tại sao chỉ tiêu thất nghiệp cứ giảm. Chúng tôi cũng khá ngạc nhiên về hiện tượng như thế từ những năm 2011, từ 2012. Chúng tôi rà kỹ lại. Việt Nam có hiện tượng, người dân Việt Nam cần cù lao động, khi doanh nghiệp đóng cửa thì tìm việc khác làm. Ở các nước phát triển có quỹ bảo hiểm thất nghiệp lớn, họ cứ ở nhà nhận được tiền đủ sống, khi khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp tăng. Còn ở Việt Nam, khi kinh tế khó khăn, người dân tìm việc khác để làm, nếu không thì về nông thôn, hoặc phục vụ gia đình. Do đó lao động chuyển từ khu vực chính thức sang phục vụ gia đình, làm hàng ăn, làm phi chính thức. Số thất nghiệp của Việt Nam phải nghiên cứu ba chỉ tiêu: thất nghiệp, thiếu việc làm và lao động ở khu vực phi chính thức. Như vậy mới phản ánh đầy đủ bức tranh lao động của Việt Nam, khi mà chúng tôi thấy thất nghiệp giảm đi, tỷ lệ thiếu việc làm và lao động phi chính thức tăng lên. Nếu nghiên cứu cả ba mới thấy thất nghiệp Việt Nam giảm đi là phù hợp.


Thế còn số liệu doanh nghiệp đóng cửa?


Doanh nghiệp giải thể có cái bất cập, quy trình và thủ tục giải thể có nhiều yêu cầu. Nếu doanh nghiệp còn nợ thuế, thì cơ quan thuế chưa cấp giấy đồng ý giải thể. Số liệu giải thể hiện nay khác nhau, thống kê đi thu thập số liệu vì khác với cơ quan thuế, bởi vì mục tiêu mỗi cơ quan khác nhau. Chúng tôi thấy không hoạt động thì cho là giải thể. Nhưng cơ quan thuế thì yêu cầu phải hoàn thành hết các thủ tục thuế, kể cả nợ thuế.


Thống kê theo kỹ thuật như ông nói là hợp lý, nhưng khi kinh tế khó khăn cần con số hợp lý, giúp Chính phủ điều hành?


Thống kê là ngành nghiệp vụ chuyên sâu nên thu thập, xử lý tính toán công bố là có cả một phương pháp của nó, áp dụng cho tất cả các năm, theo thông lệ quốc tế, chứ không phải năm này làm một kiểu, năm khác làm một kiểu, khi kinh tế khó khăn làm kiểu khác.


Lúc kinh tế khó khăn kêu là không đáng tin cậy, lúc không khó khăn kêu tin cậy là không phải.


Ví dụ chỉ số giá không tăng, ổn định thì không sao, nhưng khi tăng do các chính sách vĩ mô, do điều chỉnh một số thư, năm ngoái chẳng hạn như giá dịch vụ y tế tăng lên, khi đó một số người kêu thống kê không tin cậy, quay lại hỏi thống kê là phương pháp luận thế nào. Phương pháp tính CPI thì năm nào, tháng nào chẳng như nhau. Cho nên mọi người cứ kêu chất lượng số liệu thế này thế kia trong lúc kinh tế khó khăn là không đúng và không công bằng.


Việt Anh






Một lần khiêm tốn

Một lần khiêm tốn

Càphê thể thao


Một lần khiêm tốn


SGTT.VN - Thông thường sau mỗi trận đấu, người ta thường quan tâm nhiều nhất tới phát biểu của các huấn luyện viên, nhất là các chiến lược gia cá tính. Phải tới sau trận thua West Brom ngay trên sân nhà, khiến Manchester United tụt xuống tận thứ 12, David Moyes mới thừa nhận là ông quan ngại về tình hình đội bóng.


Jose Mourinho, như thường lệ thì vẫn luôn nổi tiếng nỏ mồm. Lần này chiến lược gia người Bồ Đào Nha ra sức công kích hậu vệ Vertonghen của Tottenham, vì cho rằng anh này ăn vạ sau pha va chạm với Fernando Torres, khiến tiền đạo của Chelsea bị đuổi khỏi sân ở derby London. Về phần Arsene Wenger, giáo sư người Pháp vui đến mức mô tả chiến thắng 2 – 1 trước Swansea “ngọt hơn bất cứ chiếc bánh nào”.










David Moyes đã bắt đầu thấy lo về tình hình M.U.

Ảnh: bbc.co.uk



Đó tất cả đều là những phản ứng thông thường, có thể đoán trước được. Vậy quay sang La Liga, huấn luyện viên Diego Simeone của Atletico Madrid sẽ nói ra sao sau khi đội bóng của ông hạ gục Real Madrid ngay ở Bernabeu, chiến thắng đầu tiên của họ ở trận derby Madrid trong khuôn khổ La Liga kể từ năm 1999?


“Mùa này, Barca và Real vẫn là mạnh nhất, còn chúng tôi vẫn phải ‘ăn đong’ từng trận. Chúng tôi vẫn phải giữ bình tĩnh, mùa giải còn rất dài, không thể lạc quan thái quá”, Simeone nói sau chiến thắng thứ 7 liên tiếp, giúp Atletico chia sẻ ngôi đầu với Barcelona, hơn Real tới 5 điểm.


Trong một thời buổi mà mỗi buổi họp báo là một trận chiến, những tuyên bố đao to búa lớn trở thành thứ vũ khí phổ biến thì phát biểu khiêm tốn của Simeone có phần hơi… lạc lõng. Tuy nhiên, điều khác người ấy lại thể hiện sự nguy hiểm của chiến lược gia người Argentina. Bởi ẩn giấu sau vẻ ung dung tự tại đó hẳn phải là một sự bùng nổ khi có dịp.


Quả vậy, nhìn lại những gì mà Simeone làm được khi dẫn dắt Atletico trong gần hai năm qua, tất cả đều sẽ phải giật mình. Cựu tiền vệ mưu mẹo này không chỉ giúp đội bóng Đỏ Trắng vượt qua khủng hoảng cách đây hai mùa giải, mà còn giành tới ba chiếc cúp gồm Europa League 2012, Siêu Cúp châu Âu 2012 và Cúp Nhà Vua 2013.


Đừng nói là Atletico thắng Real là vì đội bóng Hoàng gia đang trục trặc kể từ khi bán Mesut Oezil, bởi cách đây vài tháng, chính Simeone đã tiễn chân Mourinho khỏi Bernabeu bằng chiến thắng ở trận chung kết Cúp Nhà Vua. Mà so với trận đó, Atletico còn mất đi chân sút xuất sắc nhất của mình là Radamel Falcao. Nhưng mất Falcao, Simeone đã ngay lập tức giới thiệu một chân sút mới hứa hẹn không kém. Bàn thắng vào lưới Real vừa qua đã là pha lập công thứ tám của Diego Costa từ đầu mùa, ngang với Lionel Messi.


Song với Simeone, thành công không thể chỉ dựa vào những cá nhân. Xét về tính tập thể, Atletco có thể được coi là một trong những đội bóng được tổ chức tốt nhất châu Âu vào thời điểm này, với một lối chơi đề cao tính chiến đấu, có pha thêm chất “hoang dã” từ Nam Mỹ. Và trên hết là cái đầu của một huấn luyện viên luôn tỉnh táo.


Từ đầu mùa, Simeone đã nói Atletico không thể chen chân vào cuộc đua vô địch giữa Barca và Real. Đến giờ, khi Atletico đã đánh bại Real, chia sẻ ngôi đầu cùng Barca và bỏ xa Real tới 5 điểm, chiến lược gia người Argentina vẫn giữ nguyên quan điểm đó. Có thể Simeone là một người thực tế, hoặc cũng có thể ông chỉ “ra vẻ” khiêm tốn bởi ai chẳng có tham vọng nào đó. Nhưng có điều chắc chắn là Simeone không phải là một “anh hùng nổ”, nói được nhưng không làm được, hoặc nói rồi xong… để đấy!


Nhật Hoàng






Tháng khuyến mãi nhìn từ những con đường

Tháng khuyến mãi nhìn từ những con đường

Sổ tay


Tháng khuyến mãi nhìn từ những con đường


SGTT.VN - Như vậy là tháng khuyến mãi trên địa bàn TP.HCM (tháng 9) đã kết thúc. Chưa có số liệu tổng kết, nhưng nhiều đơn vị lớn tham gia chương trình cho biết, kết quả khả quan. Chẳng hạn, chương trình “Tự hào hàng Việt” của Saigon Co.op doanh số tăng hơn 60% so với ngày thường.










Người tiêu dùng tham quan một gian hàng trong khuôn khổ Hội chợ tháng khuyến mãi tại nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (TP.HCM)ngày 30.8.2013. Ảnh: TBKTSG



Tại Vissan, ông Phan Văn Dũng, trưởng phòng kinh doanh cho biết, dù người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu trong tình hình khó khăn chung của xã hội, nhiều hộ gia đình tập trung cho những chi tiêu đầu năm học mới nhưng so với cùng kỳ, tháng khuyến mãi năm nay Vissan vẫn đạt tăng trưởng khoảng 10 – 15%, so với tháng trước thì tăng khoảng 5%...


Có thể thấy những doanh nghiệp lớn, có chương trình tập trung và hiệu ứng từ sự “rầm rộ”, “xôm tụ” do sự kết hợp của nhiều doanh nghiệp trong quảng bá và tại điểm bán, đã hấp dẫn được khách hàng và tăng doanh số.


Tuy nhiên, những điểm bán lẻ tẻ trên các tuyến đường, những doanh nghiệp nhỏ đơn lẻ dường như chưa hưởng lợi nhiều vì không có được hiệu ứng trên. Điểm mới của năm nay là nhiều địa phương cũng nhảy vào tham gia tổ chức quy tụ các doanh nghiệp, điểm bán nhỏ để nâng hiệu ứng khuyến mãi.


Bắt đầu từ giữa tháng 9, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên năm tuyến đường của quận Tân Bình là Hoàng Việt, Út Tịch, Xuân Diệu, Xuân Hồng và Hoàng Văn Thụ (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến Lăng Cha Cả) đã bắt đầu treo băng rôn chính thức tham gia sự kiện “Con đường khuyến mãi” diễn ra trong mười ngày từ 19 – 29.9 nằm trong chương trình tháng khuyến mãi.


Bà Nguyễn Ngọc Hải Yến, phó phòng kinh tế quận Tân Bình cho biết, vì là lần đầu tiên quận Tân Bình phối hợp với sở Công thương thực hiện chương trình nên cũng vướng phải vài khó khăn trong việc vận động doanh nghiệp tham gia. Sau hai lần mời các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về quận họp để triển khai chương trình, đã có 176/255 hộ đăng ký tham gia (đạt 69%). Theo anh Trần Minh Phụng, giám đốc công ty TNHH Gia Huy có trụ sở đặt trên đường Út Tịch, một đơn vị có đăng ký tham gia chương trình con đường khuyến mãi thì đây là một hoạt động để doanh nghiệp thể hiện sự đồng lòng cùng với địa phương kích cầu tiêu dùng. Khuyến mãi là việc mà doanh nghiệp thực hiện gần như liên tục nên tham gia “Con đường khuyến mãi”, đối với công ty Gia Huy, là việc không phải cân nhắc. Và việc đồng loạt khuyến mãi có hiệu ứng thu hút khách hơn làm đơn lẻ.


Ở quận 6, cũng có một đoạn đường ngắn tham gia thử nghiệm, các chợ Bình Tây, Phú Lâm, Bình Tiên và Minh Phụng có bố trí khu vực riêng để các tiểu thương bày bán các sản phẩm khuyến mãi.


Không quy mô như hội chợ khuyến mãi 2013 ở nhà thi đấu Phú Thọ, phiên chợ tháng khuyến mãi ở trung tâm triển lãm Tân Bình cũng là hoạt động mới do quận phối hợp sở Công thương tổ chức, suốt bốn ngày diễn ra, lượng khách đến đây khá đông và nhiều hoạt động cộng đồng… Ở đại học Nông lâm, phiên chợ bán hàng handmade cũng thu hút nhiều sinh viên tham gia. Chỉ cần mang sản phẩm đến để bán, sở Công thương hỗ trợ miễn phí quầy hàng, điện nước.


Có thể nói, để chương trình có hiệu quả ngày càng cao, cần đẩy mạnh việc thu hút cả cộng đồng kinh doanh tham gia.


Gia Hoà






Queens of the night kết hợp opera và dance

Queens of the night kết hợp opera và dance

Dọc đường văn nghệ


Queens of the night kết hợp opera và dance











SGTT.VN - Dự án Diva Club với ý tưởng kết hợp nhạc cổ điển và nhạc dance điện tử được DJ, nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Anh giới thiệu cách đây một năm đã ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tiên là album Queens of the night với hai giọng nữ cao Ngọc Tuyền và Triệu Yên, gồm các bài hát trích từ những vở opera của các nhạc sĩ Mozart, Puccini, Delibes, Borodin... và một số ca khúc bán cổ điển quen thuộc.


Album có những bài nhạc dance như Un bel di (trích từ vở Madame Butterfly của Puccini) hay bài hát kinh điển cho giọng nữ cao từ vở opera Cây sáo thần của Mozart, với các bè hát được nhạc sĩ Lê Hồng Phúc phối lại cho hai giọng nữ. Bên cạnh đó là các bài nhạc dance dạng disco như Stranger in Paradise (chuyển thể từ nhạc trong vở Prince Igor của Borodin) hay Voi che sapete (từ vở Đám cưới Figaro của Mozart). Người nghe thích sự nhẹ nhàng có thể tìm thấy ở album này hai chuyển thể của các bản nhạc kinh điển là Canon của Pachelbel và Flower duet từ vở Lakmé của Délibes.


Diva Club được hình thành với ý tưởng chung là sản xuất các album ca nhạc kết hợp nhạc cổ điển, cả nhạc không lời và hát, với nhạc dance điện tử theo các phong cách thịnh hành, mức độ kết hợp vừa phải để mỗi đĩa nhạc không quá thiên về nhạc vũ trường hoặc kiểu nhạc remix sử dụng quá nhiều hiệu ứng âm thanh, đồng thời với các bài hát opera được trình diễn, khán giả vẫn thấy được chất opera kinh điển nhưng cũng sẽ nhận ra những đổi mới trong cách hát.


Trâm Anh






Bước tiếp trên con đường “đổi mới sáng tạo”

Bước tiếp trên con đường “đổi mới sáng tạo”

Bước tiếp trên con đường “đổi mới sáng tạo”


SGTT.VN - Một cuộc “hội quân” đặc biệt hôm 25.9, quy tụ hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp từ Bắc đến Nam của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), các hội ngành nghề và một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ TP.HCM cùng đại diện các trường đại học, các giám đốc sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) các tỉnh thành để chứng kiến một bước phát triển mới: hợp tác giữa Hội DN HVNCLC với bộ KH&CN để thực hiện đề án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.










Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi thông tin với doanh nghiệp.



“Đổi mới hay phá sản”?


Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân phát biểu khai mạc chương trình: “Tôi tin rằng, doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới KH&CN cả nước. Doanh nghiệp cũng là địa chỉ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để mang lại hiệu quả về sản xuất kinh doanh cho xã hội. Nhưng hiện nay công tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm khó khăn và chúng tôi đang từng bước tháo gỡ. Bây giờ mà doanh nghiệp không đổi mới sáng tạo để tiếp tục phát triển thì có thể phải phá sản...”


Những cái vướng này, lần lượt được doanh nghiệp nêu ra thẳng thắn. Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan chia sẻ: “Từ quy định, chúng tôi trích lập quỹ, bị vướng, tôi chạy qua sở KH&CN TP.HCM, giám đốc sở rất hỗ trợ để cùng đi gặp sở Tài chính giải quyết việc trích lập quỹ nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được. Quy định chung là có, nhưng đến lúc triển khai thì không được”. Cùng một vấn đề, bà Phạm Thị Việt Nga, chủ tịch công ty Dược Hậu Giang chất vấn: “Tiền của chúng tôi, được phép trích quỹ để nghiên cứu phát triển, nhưng chi cái gì cũng khó về thủ tục, mà chi không hết thì sẽ bị phạt nặng. Như vậy sao phát triển cho mạnh được?”


Một cái khó khác, trong tam giác “nhà nước, viện trường và doanh nghiệp”, là cầu nối giữa các công ty và các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu thường chưa có hay bị gãy giữa chừng. Bà Hồ Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Saigon Food than: “Chúng tôi toàn dân Nông lâm nên quay về trường cũ của mình để tìm các thầy, nhưng tìm hoài cũng không có được những hỗ trợ chuyên môn cần thiết”. Tương tự là chuyện của anh Huỳnh Quang Vinh, phó tổng giám đốc công ty Antesco cũng loay hoay bao nhiêu năm nay với cái máy lột vỏ trái chôm chôm mà chẳng có ai làm thay, toàn anh em trong nhà tự mày mò…


Đổi mới từ đâu?


Một nghiên cứu sâu của hội DN HVNCLC chỉ ra: ai cũng biết tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, cả trong sản xuất và quản trị, nhưng doanh nghiệp nào cũng lúng túng. Trường hợp ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch công ty Thiên Long là điểm sáng ít ỏi: “Doanh nghiệp còn nhỏ thì trích tiền nhỏ nhưng kèm theo, khát vọng phải lớn. Phải truyền lửa liên tục, đầu tư liên tục thì mới tìm ra những “quái kiệt” trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, lấy đó làm động lực bứt phá trên thị trường”.


Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội nhìn nhận: “Thực tế thôi thúc các doanh nghiệp phải ngồi lại và lên chương trình hành động chung. 17 năm qua, hội chúng ta vẫn nhất quán một tinh thần: liên kết – hành động – chủ động. Nay bên cạnh hậu thuẫn của bộ KH&CN, hội đang được hỗ trợ của nhiều nguồn lực. Một đội ngũ những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước đã đồng ý tham gia ban cố vấn cho doanh nghiệp. Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC đang xúc tiến ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo với chương trình hành động khá phong phú sát cánh với doanh nghiệp. Một giải thưởng mang tên “Best R&D Awards” – đi tìm bộ phận nghiên cứu – phát triển tốt nhất chuẩn bị công bố. Sắp tới là hàng loạt hội thảo để tiếp thêm năng lượng cho doanh nghiệp: kinh nghiệm xây dựng phòng R&D hiệu quả? Kinh nghiệm hoạt động đổi mới công nghệ và quản trị với cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại; thông qua các cục, vụ của bộ hay các sở KH&CN các tỉnh, thành phố tiếp cận với các chương trình đổi mới công nghệ, làm quen với các viện trường có nhiều công trình nghiên cứu hay các vườn ươm công nghệ…”


Bà Vũ Thị Thuận, tổng giám đốc Traphaco nói cuối hội thảo: “Tôi bay gấp từ Hà Nội vào chỉ để nói một câu: đây là hành trình quan trọng nhất đối với Traphaco. 17 năm kinh nghiệm gắn bó chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao đủ để chúng tôi tin tưởng vào hành trình mới có tính quyết định này, bước đột phá rất đúng lúc và hữu ích, giai đoạn tiếp tục hội nhập sâu phía trước”.


T. Nguyên









Sáu nội dung hợp tác với bộ Khoa học và công nghệ


– Khảo sát thực trạng đổi mới sáng tạo hàng năm và kiến nghị chính sách.


– Xây dựng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo: tập hợp các doanh nghiệp có quan tâm, có hoạt động đổi mới sáng tạo; các chuyên gia, viện trường trên cơ sở nòng cốt là CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC; kết nối với các cơ quan chức năng của bộ KH&CN để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về chuyên môn, về nguồn lực (tài chính, nhân lực, giải pháp…)


- Hợp tác về Sở hữu trí tuệ: kết nối cơ quan chuyên trách của bộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp am hiểu, bảo vệ, thực hiện quyền Sở hữu trí tuệ. Mỗi quý, tổ chức toạ đàm cho doanh nghiệp để trang bị kiến thức, hướng dẫn, giải quyết các trường hợp bị xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Tổ chức phổ biến kiến thức về Sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và lực lượng truyền thông; phối hợp với cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hai cuộc hội thảo chuyên đề/năm.


– Xúc tiến thị trường công nghệ: tìm nguồn vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác; trợ vốn đầu tư rủi ro cho sản phẩm công nghệ mới; và thử nghiệm hình thức “Gọi vốn cộng đồng” (crowdfunding). Đồng thời xúc tiến thị trường công nghệ trong nước: Tổ chức các hoạt động (họp báo, triển lãm mini về đổi mới sáng tạo trong không gian hội chợ HVNCLC năm 2014), giới thiệu về thành tựu đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của doanh nghiệp tại hội chợ công nghệ trong nước và quốc tế, tham gia tổ chức “Tuần lễ đổi mới sáng tạo KH&CN và quản trị kinh doanh”.


– Truyền thông: trung tâm BSA (BSA Media) kết hợp với tạp chí Tia Sáng và hợp tác với các chương trình truyền thông do các cơ quan của Bộ KHCN kết hợp thực hiện với các báo đài; tổ chức các chương trình mới có chủ đề doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở các công cụ truyền thông của hội hay theo các mô hình hợp tác vốn có của hội DNHVNCLC với các báo đài.


– Hỗ trợ một số doanh nghiệp hạt giống tiếp nhận sự trợ giúp của bộ, từ tài chính đến các tư vấn về thủ tục, về kiến thức khoa học và công nghệ để tiến hành đổi mới công nghệ.







Gieo mầm tin vào sức mạnh dân tộc

Gieo mầm tin vào sức mạnh dân tộc

Nhạc sĩ Hoàng Thị Kiều Anh


Gieo mầm tin vào sức mạnh dân tộc


SGTT.VN - Tốt nghiệp loại ưu nhạc viện Hà Nội, thạc sĩ chuyên ngành piano nhạc viện Bratislava (Slovakia) và làm giảng viên tại đây từ năm 1995, từng tu nghiệp tại nhạc viện Paris… những tác phẩm do chị sáng tác và trình tấu được đưa vào học trình nhạc viện Bratislava như một kiểu mẫu của sự hoà hợp kỹ năng, nhạc cụ phương Tây với giai điệu Đông phương. Trên website của mình, dịch giả Phan Huy Đường dành riêng cho chị một trang có tên “Đam mê sáng tác giữa hai chân trời”, để chuyển tải những tác phẩm âm nhạc như một bức tranh Việt sống động giữa lòng bạn bè thế giới…











Từng biểu diễn khắp thế giới, lý do gì chị chọn sống ở Slovakia và trở thành một sứ giả văn hoá Việt Nam qua âm nhạc?


Slovakia cho tôi cảm nhận đến tận xương tuỷ sự thanh bình (sự từng trải cho tôi hiểu cái giá của thanh bình). Văn hoá nghe của họ rất cao, vì trong lòng rất tĩnh. Khán giả đến là để được lắng nghe, được thưởng thức, được chìm sâu trong thế giới của cái đẹp. Đó là một dân tộc mà tính Mẹ rất đậm, rất rộng, nhưng rất coi trọng vẻ đẹp của dân tộc khác. Chính những người bạn ấy luôn khuyến khích tôi đi theo con đường mình đã chọn. Nó khiến mình luôn phải nâng cấp, phải tỉ mỉ trau chuốt, tinh tế trong tiếng đàn, trong sáng tác.


Có lẽ nhờ thế, âm nhạc của chị rất thanh bình?


Âm nhạc là kết tinh của một xã hội. Khi tôi nghe những người bạn Peru hát quốc ca của họ, tôi hiểu đất nước ấy rất tươi đẹp, bởi âm hưởng thật bao la, thanh bình… Tìm hiểu sâu về âm nhạc dân gian, đọc rất nhiều văn chương Việt, lắng nghe tiếng nói người Việt, đặc biệt những người có bề dày về văn hoá, tôi thấy âm trong tiếng Việt rất phong phú và đầy màu sắc, đi gần nhất vào bản chất sự việc. Trong bất kỳ nền âm nhạc nào, gọi đúng tên bản chất, gần sự thật nhất, chính là cái đẹp.


Sự hài hoà giữa vẻ đẹp phương Đông và phương Tây của chị có được từ đâu?


Tôi sinh ra ở Thanh Hoá, bố là nghệ sĩ ưu tú Hoàng Hải, mẹ là ca sĩ Uyên Phi. Từ nhỏ tôi được sống với ông bà ngoại vốn là nhà nho, lại am hiểu văn chương Pháp. Gia đình tôi có một trang trại cổ xưa nằm bên cạnh những đền chùa, những bài hát dân ca của mẹ và bà ngấm sâu, đưa tôi vào một thế giới cổ tích mà ở đó, sự thuỷ chung, hy sinh, cảm thông, sẻ chia, an nhiên tự tại như văn hoá nền của đạo Mẫu. Ngày ấy sách vở tuy ít nhưng rất chọn lọc, nên đầu óc trẻ thơ được vun trồng bởi những cây to, cây tốt. Dù cuộc sống lúc ấy còn rất khó khăn, ông ngoại tôi vẫn dành toàn sức lực của mình để trồng những cánh đồng bạt ngàn hoa cúc. Ông chơi hoa cũng rất cầu kỳ, rất gần với văn chương Nguyễn Tuân… Sự tao nhã trong cư xử hàng ngày, miếng ăn, cách mặc của ông bà đã như màng lọc tự nhiên thấm vào tôi một nghệ thuật sống thanh nhẹ, như một phẩm cách không thể đánh mất, không thể khác… Chính những cây đa, bến nước, sân đình ấy đã giúp tôi xa lạ với tất cả những gì không thanh, không nhã.


Mười hai năm sống trong trường nội trú, những người thầy tận tuỵ, thương yêu học sinh như con của mình, được tiếp xúc với văn hoá châu Âu qua những dòng nhạc cổ điển đã giúp tôi hình thành sự cân đối, mạch lạc, rõ ràng. Nhưng chỉ đến khi xa đất nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, cội nguồn trong mình mới trở thành sức mạnh thôi thúc tôi viết Hồ sen và chim sẻ, Trống đồng, Giấc trần gian, Lời mẹ dặn… Sự hài hoà giữa vẻ đẹp phương Đông và phương Tây đã trở thành vô thức. Hình như sống xa rừng, người ta mới yêu rừng hơn. Ở xa Việt Nam mình mới nhớ da diết đến thế, mà chỉ nhớ cái đẹp, và muốn giới thiệu cho người khác biết về nơi mình đã sinh ra…


Nhưng chị cũng từng trải qua một tuổi thơ “vỡ nát”?









Trong bất kỳ nền âm nhạc nào, gọi đúng tên bản chất, gần sự thật nhất, chính là cái đẹp.



Viết cho trẻ thơ là con đường mà tôi yêu thích, bởi trẻ em, mà tôi là một minh chứng cụ thể, đã từng bị vặn lên tối đa nên nội tâm bị vỡ nát. Âm nhạc là một liệu pháp tốt. Tôi mong muốn viết thật nhiều những giai điệu đẹp, êm ái, vui vẻ, hồn nhiên, rực rỡ, nồng nhiệt, thân ái… trước hết tặng riêng cho miền thơ ấu trong tâm hồn tôi, để nó được sống trở lại. Tại sao lại phải có chiến tranh và mãi chiến tranh? Tại sao trẻ em lại phải sống trong sợ hãi và căng thẳng? Những trải nghiệm đau đớn và bất lực trong cuộc sống chỉ có thể chữa lành bằng tình yêu qua âm nhạc.

Một điều rất bất ngờ với tôi là các em đã vẽ nhiều bức tranh thật ngộ nghĩnh, viết nhiều bài thơ xúc động về Việt Nam sau khi trình diễn các tác phẩm của tôi. Âm nhạc phản hồi lại qua một màng lọc tinh khiết như thế thật kỳ diệu. Tôi rất biết ơn các em nhỏ, giống như một tấm gương mình được soi vào một lần nữa, lây cái tươi sáng của trẻ thơ… Các em đã dạy tôi một điều thật quý giá: khi cô đơn chính là lúc mình được sống với mình thật nhất, và mình sẽ dũng cảm và chân thực hơn. Đừng sợ cô đơn.


Để lọt vào học trình của nhạc viện Slovakia, được NXB Slovakia Music ấn hành, tác phẩm phải đạt được những chuẩn mực nào?


Trong hơn 110 tác phẩm qua mười mấy năm sáng tác, nhà xuất bản chọn ra 46 tác phẩm, trải qua ba lần thẩm định chuyên môn, đáp ứng những chuẩn mực: tác phẩm viết cho trẻ em có tính chuyên nghiệp cao; có tính thương mại; tính giáo dục, gợi trí tưởng tượng, tính logic cao; tính độc đáo: trên nền âm nhạc cổ điển, kết cấu hình thức âm nhạc châu Âu nhưng mang hơi thở châu Á…


Chị có mong một ngày nào đó, các em nhỏ Việt Nam sẽ biểu diễn những tác phẩm của mình?


Đó là mong ước tự nhiên, như lá rụng về cội. Trẻ em giống như trang giấy mới, những gì viết lên trên đó phải thực sự giá trị. Là một người sống giữa ngã ba sông quốc tế, tiếp nhận sự giao lưu về tư tưởng, tôi muốn đem những kinh nghiệm đó truyền đạt cho thế hệ trẻ, gieo những mầm tin tưởng vào sức mạnh dân tộc. Dù thế nào dân tộc vẫn trường tồn, cuộc sống chỉ có thể đẹp hơn, không thể khác.


Chị nghĩ gì về sự tụt hậu, đứt quãng kéo dài trong thưởng thức và sáng tác nhạc giao hưởng Việt Nam so với các nước khu vực?


Đòi hỏi một đất nước chiến tranh liên miên như Việt Nam phải có một kho tàng âm nhạc cổ điển là hơi khó. Sự đứt quãng trong sáng tác, cảm thụ âm nhạc là không thể tránh khỏi. Người nghệ sĩ không nên tuyệt vọng, hãy cứ sáng tạo, rồi cuối cùng âm nhạc sẽ được vang lên, sớm hay muộn thôi. Đầu tư cho giao hưởng rất lớn, nhưng trước hết phải do nhu cầu xã hội. Âm nhạc giao hưởng đòi hỏi tâm hồn phải tĩnh mới nghe được. Cũng phải rèn luyện mới có thể nhìn được cái đẹp, cái hay. Nhưng cuộc sống hiện tại của người Việt Nam bị phá vỡ bởi quá nhiều thứ, nhộn nhạo thế này thì âm nhạc đâu còn đất sống. Trước sau gì con người cũng phải quay lại với lương tri, với sự tĩnh lặng, sự trường tồn. Tôi không nhìn gần quá, khi xã hội phát triển cao, ăn no mặc ấm, con người sẽ quay trở lại những giá trị nhân văn, nhân bản. Chắc chắn thế. Vẫn còn nhiều người tâm huyết thiết tha với dân tộc lắm.


Chị hiểu như thế nào về khẩu hiệu “bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc”?









Khi mình tôn trọng phím đàn, thì không thể “hạ tay” chơi những hợp âm xấu, vì trước hết sẽ làm mình đau.



Về bản chất, đó là một khẩu hiệu hay. Đầu tiên, phải có, có một cách vững chắc mới bảo tồn được, nhưng phải phát triển mới hoà nhập được với thời đại. Ngôn ngữ âm nhạc cũng vậy, phải được giao lưu và làm mới bởi nhiều yếu tố khác nữa để mang hơi thở thời đại. Trong nghệ thuật, trực giác nghệ sĩ luôn mang tính dự báo. Nội tâm phản ánh xã hội, thời kỳ nào âm nhạc đó. Thời loạn âm nhạc loạn, thời bình âm nhạc mới bình. Nhiều tác phẩm âm nhạc gần đây bị lai tạp một cách vô tội vạ vì không biết mình là ai. Tiêm vào giới trẻ những sản phẩm thiếu chắt lọc như thế là một tội ác.

Tác phẩm Lựa chọn đi chị viết cho thanh nhạc và piano trên lời văn truyện ngắn Hậu duệ dòng họ Ngô Thì của Nguyễn Khải đã được nhà hát opera quốc gia Slovakia thể hiện rất xúc động. Dường như chị đang đi tới một thứ âm nhạc hậu hiện đại, xoá nhoà ranh giới của các loại hình nghệ thuật?


Đỉnh cao của triết lý Phật giáo chính là sự hợp nhất. Khi đã đạt tới một cảnh giới nào đó, sẽ không còn sự phân biệt, chỉ còn lại âm thanh thôi. Triết lý sâu xa ấy là cả một quá trình rèn luyện lâu dài trong cách thể hiện, để nó có thể tan ra như một dòng nước.


Triết lý ấy đã dẫn dắt chị đi qua những vấp ngã cuộc đời một cách điềm tĩnh?


Hợp nhất chỉ đến trong âm nhạc, còn trong cuộc sống, mới chỉ là… hướng tới. Cuộc sống cũng đã từng cho tôi những trận đòn đau đấy. Mình cũng sai, cũng hỏng liên tục đấy thôi, nhưng phải đi mới đến được, không đi là dừng lại. Sau mỗi lần vấp ngã, mình ngộ ra cái tôi chẳng có nghĩa lý gì. Mình ngã do cái tôi lớn quá, do mình kỳ vọng, tham lam quá. Văn hoá nghệ thuật giúp con người giảm bớt cái tôi, biết tha thứ cho cuộc sống và cho chính mình, biết tôn trọng người khác. Hãy chân thực trước hết với bản thân mình. Và khi mình tôn trọng phím đàn, thì không thể “hạ tay” chơi những hợp âm xấu, vì trước hết sẽ làm mình đau.


Tôi còn ngộ ra một điều nữa: khi giảm cái tôi đi thì may mắn trong cuộc sống cũng tăng lên, những điều bất như ý sẽ nhẹ bớt đi, giúp cho mình không ngại mở lòng trước những lời đề nghị tình cờ của cuộc sống. Cuộc sống đẹp ở những điều nhỏ nhặt tình cờ, những bịn rịn xung quanh, những ánh mắt trẻ thơ níu kéo… Biết, biết một cách rốt ráo sẽ cảm thông hơn với mọi người. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những người giỏi giang hơn mình cũng là một tấm gương đẩy mình tiến về phía trước.


Những lần trở về nước gần đây, chị có lo âu nhiều không khi cái xấu, cái ác đang trở thành một vấn nạn của toàn xã hội?


Phải triệt để bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự trong sáng của tâm hồn. Bằng âm nhạc, tôi ý thức mãnh liệt điều đó. Tôi thích văn chương của Bùi Ngọc Tấn, ông giúp tôi biết yêu cái tự tại khi nói về đau khổ. Tôi ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng của đạo Phật. Đạo Phật không nói đến sự sở hữu, mà chỉ nói đến hỉ xả, giải thoát. Chưa thoát được, thì chưa thể là mình.


Con trai đầu của chị cũng được di truyền từ mẹ tình yêu âm nhạc?


(Cười hạnh phúc) Cháu học chuyên toán, ba lần đoạt giải piano quốc gia của Slovakia, chơi nhiều tác phẩm của mẹ. Một tâm hồn rất nhạy cảm, trong như gương, nhưng rất khó trở thành nghệ sĩ chơi đàn trước công chúng, vì ngoài tài năng còn rất cần sự khổ luyện, bản lĩnh để chìm vào âm nhạc, thần kinh vững để không quên từng nốt nhạc, và khả năng biểu diễn trước đám đông… Âm nhạc bác học đòi hỏi sự rèn luyện tối đa về thời gian, một lao động nghệ thuật nghiệt ngã mà không phải ai cũng hội tụ đủ mọi yếu tố. Tôi chỉ mong con được hạnh phúc, hài lòng với sự có mặt của mình trong cuộc đời, có những căn bản tốt để xử lý cuộc sống dựa trên hiểu biết về một nền văn hoá thâm sâu.


Chị đã nhận được điều gì từ những cuộc gặp tri âm?


Nhờ âm nhạc, tôi có thêm rất nhiều bạn. Gặp nhau là hiểu, là yêu quý liền, chẳng cần nói gì nhiều. Nhờ những người bạn ấy, tôi thấy mình được tồn tại. Sự chân thành, tôn trọng của bạn bè giúp tôi biết lắng nghe những nỗi đau của bạn bằng trực giác nhạy bén của người nghệ sĩ, để có thể đọc được những điều sâu thẳm mà chính bạn cũng chưa thể gọi tên. Phải chăng vì điều đó mà bạn thích mình… Trong mối quan hệ giữa con người với con người, có những người không đủ tâm để công nhận sự thành đạt của người khác. Sự ghen tức nhiều khi khiến họ tối tăm mặt mày. Nếu có thể, đừng làm người khác tổn thương dù bằng bất kỳ hình thức nào.


Người ảnh hưởng và là nguồn động lực lớn nhất giúp tôi kiên định với con đường của mình chính là bà giáo, nghệ sĩ dương cầm Daniela Varinska. Cuộc sống nghệ sĩ không giàu về vật chất, giảng dạy, biểu diễn chỉ để có nguồn sống bình dị, nhưng sự quên mình trong nghệ thuật để chơi những tác phẩm mẫu mực và tình yêu học trò tận tuỵ của bà đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Chính bà đã tin tưởng mãnh liệt tôi sẽ đi đến đích.


Tôi từng trải qua một tuổi thơ không hạnh phúc khi sống trong trường nội trú, thiếu ăn, thiếu bạn bè, từng bi quan… nhưng khi dạy nhạc cho các em khuyết tật, biết các em chỉ có một ước mơ duy nhất là có đủ ngón tay để chơi những bản nhạc như mình, tôi mới hiểu mình quá may mắn. Sự hồn nhiên của các em, sự tận tuỵ truyền đạt cái đẹp của cô giáo tôi là những lăng kính để dạy tôi biết yêu thương. Học nhạc, không phải ai cũng trở thành nghệ sĩ, quan trọng nhất là dạy trẻ sự hồn nhiên, biết yêu thương. Khi yêu thương, con người sẽ bớt đi thú tính.


thực hiện: Kim Yến


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường









Nhạc sĩ Vitaoslav Kubicka (Slovakia):


“Những tác phẩm của chị như một nhịp cầu nối liền hai thế giới xa xôi với hai nền văn hoá khác biệt. Đó là biểu tượng cho một thế giới của tương lai, nơi mà những giá trị tinh thần sẽ bắc những nhịp cầu dẫn tới vũ trụ”.







Cảnh báo thuốc trị gút Allopurinol

Cảnh báo thuốc trị gút Allopurinol

Xài thuốc an toàn


Cảnh báo thuốc trị gút Allopurinol


SGTT.VN - Cục Quản lý khám, chữa bệnh, bộ Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế cho biết đã nhận được thông tin từ trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc liên quan đến phản ứng có hại trên da nghiêm trọng do dùng thuốc Allopurinol.


Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cục đề nghị các cơ sở y tế, thầy thuốc: tuân thủ đúng các chỉ định của Allopurinol được quy định trong Dược thư quốc gia Việt Nam; tăng cường theo dõi người bệnh để phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng có hại liên quan đến Allopurinol; gửi báo cáo về hội chứng Steven Johnson, hội chứng tiêu thượng bì nhiễm độc và các phản ứng nghiêm trọng trên da khác liên quan đến sử dụng Allopurinol về trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc hoặc trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc TP.HCM...


Thuốc Allopurinol có chỉ định điều trị: bệnh gút (gout) mãn tính; tình trạng tăng axít uric – huyết thứ phát hay do xạ trị hoặc hoá trị các bệnh tăng bạch cầu và ung thư…


L. Hương






Cứu sống trẻ ngộ độc xăng thơm

Cứu sống trẻ ngộ độc xăng thơm

Một vòng bệnh viện


Cứu sống trẻ ngộ độc xăng thơm


SGTT.VN - BS Nguyễn Minh Tiến, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết các bác sĩ vừa điều trị thành công cho bé trai tên N.N.T.L., 20 tháng tuổi, ngụ ở quận 5, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, thở co rút lồng ngực, rối loạn tri giác, truỵ tim mạch…


Trước đó, bé L. khát nước, thấy chai Sting đựng xăng thơm dùng để tẩy sơn mà bà ngoại để trên bàn, bé mở nắp ra uống một hơi, rồi ho sặc sụa, tím tái… Người nhà ngay lập tức đưa trẻ tới nhập viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Nhờ được điều trị tích cực, sức khoẻ bé L. đang hồi phục tốt.


Duy Nhân






Việt Nam đứng hạng bảy về tiềm năng phát triển kinh tế

Việt Nam đứng hạng bảy về tiềm năng phát triển kinh tế

Việt Nam đứng hạng bảy về tiềm năng phát triển kinh tế


SGTT.VN - Ngày 27.9.2013, công ty Grant Thornton công bố một nghiên cứu mới nhất về chỉ số năng động toàn cầu cho thấy các chỉ số về kinh tế của Việt Nam đứng thứ 27 trong tổng số 60 quốc gia tham gia vào cuộc khảo sát, đạt 54% điểm đánh giá. Quốc gia có chỉ số cao nhất là Australia: 66,5%. Những nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Trung Quốc là 62,7%, Malaysia 59,5%, Hàn Quốc 59,5%, Thái Lan 56,4%, Philippines 55,7% và Indonesia 51,2%.










Năm hạng mục được cho là chìa khoá của một nền kinh tế năng động là môi trường hoạt động kinh doanh, khoa học và kỹ thuật, nguồn nhân lực, mức tăng trưởng kinh tế và điều kiện tài chính.



Ông Ed Nusbaum – tổng giám đốc Grant Thornton toàn cầu cho biết bảng xếp hạng dựa trên số liệu GDP cơ bản. Năm hạng mục được cho là chìa khoá của một nền kinh tế năng động là môi trường hoạt động kinh doanh, khoa học và kỹ thuật, nguồn nhân lực, mức tăng trưởng kinh tế và điều kiện tài chính. Trong số những hạng mục này đã có 22 điểm dữ liệu được đưa ra phân tích.


Việt Nam đứng thứ bảy thế giới về hạng mục tiềm năng phát triển kinh tế, và xếp thứ tư trong nhóm các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam đạt được những chỉ số khá tốt so với các nước có nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC).


Xét trên mặt bằng chung thế giới, những lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện cũng chính là mặt ảnh hưởng chính tới chỉ số phát triển chung, bao gồm môi trường hoạt động kinh doanh (giảm năm bậc, xuống vị trí thứ 47) và khoa học kỹ thuật (giảm ba bậc, xuống vị trí thứ 44). Đây cũng là các lĩnh mực mà Chính phủ và nhà quản lý cần chú ý cải thiện để nâng cao vị thế hiện tại của Việt Nam so với thế giới.


Ở những lĩnh vực nổi bật, Việt Nam đã dần cải thiện các hạng mục như nguồn nhân lực (tăng sáu bậc, lên hạng bảy), môi trường tài chính (tăng bốn bậc, lên hạng 26) và mức tăng trưởng kinh tế (tăng năm bậc, lên vị trí thứ bảy).


Grant Thornton Việt Nam nhận định, vị trí xếp hạng của Việt Nam tương thích với mức tăng trưởng nhưng đầu tư có dấu hiệu sụt giảm vì môi trường hoạt động kinh doanh. Với hiện trạng chính trị và tỷ giá tiền tệ ổn định cùng với mức tăng trưởng GDP 5% (mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái) thì các lĩnh vực bán lẻ, giáo dục và chăm sóc y tế vẫn hấp dẫn.


Các Ngọc






Doanh nghiệp miền Trung chia sẻ lo âu với TPP

Doanh nghiệp miền Trung chia sẻ lo âu với TPP

Doanh nghiệp miền Trung chia sẻ lo âu với TPP











SGTT.VN - Ngày 26.9, gần 100 doanh nghiệp khu vực miền Trung đã tham gia cuộc chia sẻ về cơ hội và thách thức mà hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mang đến cho doanh nghiệp Việt khi gia nhập.


Hội thảo do hội DN HVNCLC, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu LBC và AmCham phối hợp tổ chức. Đến hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo âu đối với việc mở rộng thị trường này khi chưa có đủ thông tin và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, sau phần chia sẻ chi tiết các cơ hội và hướng tiếp cận của các diễn giả, thì không khí trở nên hào hứng hơn. Cuối hội thảo, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B. Shear khẳng định tại cuộc gặp doanh nghiệp: “TPP sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho các thành viên, mà đáng kể nhất sẽ là Việt Nam”.


K.CH






Hai phiên chợ nông thôn kép tại Sóc Trăng và Kiên Giang

Hai phiên chợ nông thôn kép tại Sóc Trăng và Kiên Giang

Hai phiên chợ nông thôn kép tại Sóc Trăng và Kiên Giang


SGTT.VN - Sắp tới, trung tâm BSA sẽ tổ chức hai phiên chợ liên tiếp tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) diễn ra từ 1 – 3.10 và huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) diễn ra từ 5 – 7.10.


Đây là hai địa bàn nằm xa TP.HCM nên được tổ chức liền kề nhau, giúp giảm chi phí, công sức đi lại của doanh nghiệp.


Ban tổ chức đã “canh” ngay con nước, người dân “xổ tôm” để tổ chức cho doanh nghiệp bán hàng.


Nhân Nguyễn






Nhiều ngư dân Bạc Liêu sợ đi biển!

Nhiều ngư dân Bạc Liêu sợ đi biển!

Nhiều ngư dân Bạc Liêu sợ đi biển!


SGTT.VN - Thực tế nghe có vẻ tréo ngoe này đang là tâm trạng chung của nhiều gia đình ở xóm cửa biển Cái Cùng (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu). Đã có những ngư dân với thâm niên cả chục năm trời trong nghề biển, nhưng nay họ phải buông lưới, bỏ tàu, chạy về nhà, run lẩy bẩy như mới vừa chết hụt.


“Bão” trên đất liền










Ngư dân Nguyễn Văn Nô trong căn nhà trống trước trống sau của mình ở xóm nghèo Cái Cùng.



“Một cơn “bão cạn” quét qua xóm Cái Cùng hồi tháng 8 đã làm 14 ngư dân bỗng dưng mất tích, trong đó có sáu người đến nay, gia đình họ vẫn không thể liên lạc”, ông Lê Văn Út, trưởng ấp Vĩnh Lạc nói về sự đột ngột mất tích của nhiều ngư dân nghèo, khi họ được thuê đi phu cho tàu biển ở một nơi xa. Theo ông Út, nguyên nhân bắt đầu từ việc một người lạ mặt đã “móc nối” với ông Danh Nhung tới địa phương này tuyển mộ lao động đi biển. Trước đó, theo ông Danh Nhung, ông chỉ biết người này qua điện thoại do người khác giới thiệu, anh ta tự giới thiệu tên là Trần Hoàng hiện hoạt động ở khu vực biển Vũng Tàu và ông Hoàng đang cần nhiều lao động làm việc trên biển. Ông Hoàng đã ra giá với ông Nhung, “mỗi lao động được tuyển sẽ được trả trước tiền công 7 triệu đồng cho một chuyến biển 40 ngày và mỗi lao động tuyển được, ổng (Hoàng) sẽ thưởng công môi giới cho tui 500.000 đồng”, ông Nhung nói.


Ngày đầu tiên của tháng 8 là ngày những ngư dân này đi nhận việc để hy vọng sao cho gia đình họ thoát dần khỏi sự nghèo khó. Tại Vũng Tàu, 14 ngư dân được tuyển mộ đã xuống tàu ra khơi và ông Hoàng cùng ông Nhung trở lại xóm Cái Cùng để giao những phần tiền công lao động tận tay các gia đình ngư dân. Thế nhưng, với thủ thuật “hô biến” của kẻ lừa đảo, ông Nhung đã phải một mình ngồi xe khách trở về nhà mình, bắt đầu chịu đựng những trận “bão lời” từ búa rìu dư luận. Trong lúc này, kẻ lừa đảo đã biệt tăm cùng với số tiền công lao động của 14 ngư dân, cộng với số tiền “bo” phải trả cho ông Nhung theo cam kết.


Thoát nạn


“Tới khi ra Vũng Tàu, xuống tàu cá, tụi tui yên tâm vì nghĩ là tay cò ghe biển này cùng đi có ông Nhung, đem tiền về giao tận tay cho gia đình, vợ, con tụi tui như lời hứa ban đầu, ai dè…”, ngư dân Dương Văn Toản, một trong những người đầu tiên trở về nhà than. Theo anh Toản, sau 20 ngày làm việc trên tàu và trở vào bờ, lúc này, liên lạc với gia đình, anh Toản mới tá hoả biết số tiền công của anh, của đứa con trai lớn và cả người em vợ (Nguyễn Tiến Lên) cùng đi biển theo tuyển mộ của hai ông Hoàng – Nhung đã bị chiếm đoạt. Tương tự, sau một tháng hai ngày theo tàu cá, ngư dân Nguyễn Văn Nô trở về đất liền tại Vũng Tàu, được người quản lý tàu cho 200.000 đồng để tiêu xài, nhưng lúc này, anh lại nghe tin từ quê nhà rằng, người tuyển mộ đã trốn mất cùng với số tiền công họ phải chi trả.


Ngồi trong căn nhà mái tôn cũ rích ở xóm Cái Cùng, ông Nô nghẹn giọng nói: “Thôi chắc thà ở nhà chịu nghèo, chứ bây giờ nói chuyện ra biển, tui lại sợ đi chung với những người đối xử tàn độc với mình như lần đó”. Trưởng ấp Vĩnh Lạc, ông Lê Văn Út cho biết: “Đến nay, chỉ có ba ngư dân trong tổng số 14 người đã trở về với gia đình, năm trường hợp khác đã liên lạc được với gia đình, nhưng thông tin về họ chỉ biết là, họ còn tiếp tục theo tàu”.


Truy tìm kẻ lừa đảo, đòi lại công bằng cho cả nhóm ngư dân là công việc không đơn giản trong lúc này. “Cái khó là hầu hết ngư dân có liên quan trong vụ này đều chỉ học tới lớp 3 – 4, họ không nhớ được số tàu mà họ đã từng đi, còn manh mối của kẻ lừa đảo họ chỉ là cái số điện thoại không nối được liên lạc”, trưởng công an xã Vĩnh Thịnh, ông Đặng Hồng Khánh cho biết.


bài và ảnh: Ngọc Tùng









Thảm kịch của một gia đình


Căn nhà mái tôn cũ nát không có lối vào, nằm bơ vơ giữa vùng cỏ ngập nước, khuất sau dãy nhà ven lộ giao thông nông thôn khu vực chợ Cái Cùng, là nơi cư ngụ của gia đình ngư dân Dương Văn Toản. Ở đó, sau ba tuần rời tàu, trở về nhà, gương mặt anh Toản vẫn còn vẻ thất thần. Chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Toản) ôm ghì hai đứa con gái nhỏ như muốn níu kéo những gì còn lại của gia đình, sau những biến cố của gia đình nhiều bất hạnh này. Trong suốt câu chuyện hơn nửa giờ, chúng tôi ghi nhận duy nhất có một nụ cười của đứa con gái anh chị Toản trên bức di ảnh đặt trên chiếc bàn thờ nhỏ nằm sát trong góc nhà. Dương Thị Thu Hiền, đứa con gái lớn của anh Toản đã bất ngờ ra đi khi mới ở tuổi 17, trong một vụ tai nạn có liên quan tới hành vi cưỡng hiếp xảy ra hồi năm 2011 tại Cà Mau. Ngước nhìn lên mái tôn gỉ sét, thủng rách nhiều nơi, anh Toản cho biết: “Tui với đứa con trai cả tính đi biển đợt đó để kiếm chút đỉnh tiền về sửa lại mái nhà, nhưng những kẻ vô tâm đã cướp mất hết rồi”.







Vui như hỷ

Vui như hỷ

Chuẩn bị mùa giải 2014


Vui như hỷ


SGTT.VN - Dẫu có đội bỏ cuộc khiến thứ hạng các đội còn lại bị đảo lộn. Dẫu cùng một lúc hai ông trưởng giải V-League và hạng Nhất cùng từ chức. Thì ngày tổng kết mùa giải 2013 và chuẩn bị cho mùa giải 2014 vẫn vui như hội.










Mùa sau nếu có tám đội bóng chơi V-League cũng vui?! Hình ảnh ông Võ Quốc Thắng trong ngày vui tổng kết giải. Ảnh: Nhựt Anh



Các cầu thủ được đơn vị tổ chức chuẩn bị sẵn cả càvạt màu đỏ vốn chỉ dà nh cho những người bưng mâm ngày đám cưới hoặc chú rể. Trên sân khấu gala tổng kết mùa giải, những lời có cánh được dành cho nhau. Những bó hoa tươi thắm, những nụ cười rạng rỡ. Suýt nữa thì người hâm mộ quên béng mất mới ở buổi họp ban sáng và chiều thôi, vẫn còn những phát biểu gây sốc đến độ, ông Nguyễn Trọng Hỷ – chủ tịch VFF – phải thốt lên: “Ở tuổi tôi, người ta thông báo bằng miệng mười từ thì cũng phải quên vài từ chứ”.


Thay vì bình luận, chúng tôi sẽ đăng những câu phát biểu ấy như một lời tổng kết mùa giải và chuẩn bị cho mùa giải mới, phần đánh giá xin để cho độc giả.


Ông Võ Quốc Thắng – VPF


Đội bóng nào ở yên địa phương nấy


Sau ngày 31.10.2013, cấm tiệt chuyện mua bán “xác” các đội bóng. Không có chuyện mua đội bóng từ địa phương khác đem về địa phương mình như trước đây nữa. Việc đổi tên các đội bóng cũng không được tự tiện như trước đây. Không được quyền giữa giải đòi đổi tên đội bóng, như cách Sài Gòn Xuân Thành một mùa bóng ba lần đổi tên.


Ông Đoàn Nguyên Đức – HAGL


Ba thế kỷ nữa cũng không tìm ra bằng chứng


Cần khẩn cấp kiện toàn ban trọng tài, thay đổi nhân sự triệt để, mạnh dạn trao quyền điều hành lại cho những người trẻ. Nếu không mạnh dạn cải tổ thì có đến ba thế kỷ nữa cũng không tìm ra bằng chứng trọng tài nhận tiền bồi dưỡng của câu lạc bộ.


Ông Lê Hùng Dũng – VPF


Tiến sĩ mà hối lộ trăm triệu thì cũng nhận


Theo tôi nghĩ mùa giải tới, chủ tịch VFF nên dừng ngay việc bắt các đội bóng ký cam kết không thi đấu tiêu cực. Bởi gần như mùa giải nào cũng có tiêu cực hết. Mời công an vào cuộc cũng chẳng giải quyết được điều gì, đưa tiền dưới gầm bàn thì ai biết. Anh Võ Quốc Thắng nói với tôi các trọng tài nhận tiền là do trình độ kém. Nhưng tôi cho rằng, cứ một trận bắt 90 phút, đưa cho 100 triệu thì đến tiến sĩ cũng còn nhận chứ đừng nói đến trọng tài.


Ông Lê Hùng Dũng – VPF


Tin nhắn rác chỉ là... rác


Các anh ở ban đạo đức nói chúng tôi không hợp tác là không đúng. Các anh chỉ có trách nhiệm tham vấn thôi. Quyền quyết định vẫn thuộc về VPF chứ không phải các anh. Không phải cái gì các anh nói chúng tôi cũng phải nghe theo.


Chuyện các anh tổ chức họp với giới truyền thông để gây sức ép với chúng tôi là không được. Dựa vào tin nhắn rác làm bằng chứng là không hợp lý, vì có ai chịu trách nhiệm đâu.


Ông Nguyễn Văn Vinh – ban đạo đức


Tư vấn thôi nên không cần phải sợ


Chúng tôi không đồng tình ý kiến của ông Dũng, chúng tôi chỉ là những người tư vấn chứ không thể ép buộc ai. Ban kỷ luật không phải là những người ngờ nghệch để nghe theo chúng tôi. Đã làm gì chúng tôi sẽ làm đến cùng, không có chuyện chúng tôi tự động giải tán. Theo tôi ban tư vấn đạo đức rất cần cho bóng đá Việt Nam lúc này. Chúng tôi không có gì phải sợ cả.


Ông Phạm Ngọc Viễn – VPF


Bỏ giải đóng phạt mệt nghỉ


Ai đủ điều kiện mới được chơi. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn phương án chỉ có tám đội dự giải V-League vẫn cứ tổ chức bình thường. Đội nào bỏ cuộc sau khi bốc thăm và trước khi khai mạc giải bị xuống hạng 3 thi đấu, nộp phạt 100 triệu đồng. Đội nào bỏ giải khi giải đang diễn ra bị phạt 300 triệu đồng, đền bù lại

toàn bộ chi phí tổ chức cho ban tổ chức.


Tất Đạt






Chiều cao của người Việt còn hạn chế

Chiều cao của người Việt còn hạn chế

Chiều cao của người Việt còn hạn chế


SGTT.VN - Tại hội thảo Nâng cao tầm vóc trẻ Việt Nam được tổ chức cuối tuần qua, TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết các số liệu thống kê từ trước đến nay cho thấy chiều cao của người Việt thuộc loại thấp.


Chiều cao trung bình của nam thanh niên là 1,644m; của nữ giới là 1,548m. Cứ mười năm, người Việt Nam chỉ cao thêm 1cm, trong khi nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 2cm. Việt Nam xây dựng đề án nâng cao thể lực tầm vóc, trong đó, đặt ra mục tiêu chiều cao đối với nam 18 tuổi vào năm 2020 phải có chiều cao trung bình 167cm và đến năm 2030 chỉ số này là 168,5cm; đối với nữ 18 tuổi, năm 2020, chiều cao trung bình là 156cm và đạt 157,5cm vào năm 2030. Cũng theo TS Lâm, trước đây nhiều người nghĩ chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền, thì nay nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao vào môi trường lại chiếm hơn 80%.


L. Hà






Chín công ty linh kiện ôtô Nhật Bản bị phạt do hành vi làm giá

Chín công ty linh kiện ôtô Nhật Bản bị phạt do hành vi làm giá

Chín công ty linh kiện ôtô Nhật Bản bị phạt do hành vi làm giá


SGTT.VN - Chính phủ Hoa Kỳ cho biết chín công ty linh kiện ô tô Nhật Bản và hai giám đốc điều hành đã nhận tội làm giá và sẽ phải trả hơn 740 triệu USD tiền phạt.


Các công ty này đã làm giá hơn 30 sản phẩm bán cho các nhà sản xuất xe hơi của Mỹ và được lắp đặt trong xe bán ở Mỹ và các nơi khác, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.











Các sản phẩm bị làm giá bao gồm dây đai an toàn, bộ tản nhiệt, gạt nước kính chắn gió, hệ thống điều hoà không khí, động cơ điện điều khiển cửa sổ và các bộ phận lái trợ lực.


Bộ Tư pháp cho biết, công ty Hitachi Automotive Systems Ltd đã đồng ý trả 195 triệu USD tiền phạt, lớn nhất trong số các khoản phạt được công bố. Công ty Mitsubishi Electric xếp thứ nhì với khoản tiền phạt 190 triệu USD.


Các công ty còn lại là Mitsubishi Heavy Industries, Jtekt Corp, Mitsuba Corp, NSK Ltd, T.RAD Co Ltd., Valeo Japan và công ty cao su Yamashita.


Các vụ phạt vạ này liên quan đến các phụ tùng bán cho Chrysler, Ford, General Motors, và các công ty con của Honda, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Toyota và Subaru ở Mỹ. Các âm mưu làm giá đã diễn ra trong suốt thời gian từ 2000 – 2012.


“Âm mưu làm giá quốc tế này đã tác động đến trên 5 tỷ USD phụ tùng ôtô bán cho các nhà sản xuất xe hơi Mỹ, và hơn 25 triệu chiếc xe được người tiêu dùng Mỹ mua đã bị ảnh hưởng bởi hành vi bất hợp pháp này”, theo Tổng chưởng lý Eric Holder.


N.H (Theo AFP)






Panasonic sẽ từ bỏ điện thoại thông minh dành cho người tiêu dùng

Panasonic sẽ từ bỏ điện thoại thông minh dành cho người tiêu dùng

Panasonic sẽ từ bỏ điện thoại thông minh dành cho người tiêu dùng


SGTT.VN - Hãng điện tử khổng lồ của Nhật Bản Panasonic cho biết sẽ từ bỏ các nghiên cứu điện thoại thông minh mới dành cho người tiêu dùng do không thể cạnh tranh trong lĩnh vực hiện đang bị Apple và Samsung thống trị.


Panasonic phải thực hiện bước đi này sau khi đối thủ cạnh tranh NEC cho biết cách đây hai tháng là sẽ rút khỏi thị trường với lý do cạnh tranh gay gắt.


Panasonic tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đình chỉ việc phát triển các điện thoại thông minh mới cho thị trường B-2-C tại Nhật Bản, thay vào đó sẽ đổ nguồn lực kinh doanh của chúng tôi vào các điện thoại thông minh cho thị trường B-2-B được dự đoán sẽ phát triển tốt”.


Các loại điện thoại thông minh trên được sử dụng trong doanh nghiệp như trong các nhà kho và bệnh viện, nơi có nhiều người phải chia sẻ thông tin cập nhật trên một vùng rộng lớn.


Các nhà sản xuất hàng điện tử Nhật Bản đã phải cạnh tranh vất vả trước sự nổi lên của các loại điện thoại thông minh và bị tụt hậu trước các gã khổng lồ Apple và Samsung. Các mẫu điện thoại hàng đầu của Apple và Samsung chiếm thị phần áp đảo trên thị trường điện thoại thông minh của Nhật Bản.


Trong tháng 7 vừa qua, NEC đã tiết lộ kế hoạch rút khỏi lĩnh vực điện thoại thông minh do tham gia thị trường này quá muộn và không thể phát triển các sản phẩm hấp dẫn.


Panasonic, Sony và Sharp đã phải tiến hành tái cơ cấu nhằm chấm dứt nhiều năm thua lỗ kỷ lục chủ yếu do các đơn vị sản xuất hàng điện tử gây ra.


N.H (Theo AFP)






Tuấn Hưng – nhân vật chính của Dấu ấn số 3

Tuấn Hưng – nhân vật chính của Dấu ấn số 3

Dọc đường văn nghệ


Tuấn Hưng – nhân vật chính của Dấu ấn số 3











SGTT.VN - Tuấn Hưng, nam ca sĩ của dòng nhạc trẻ sẽ là gương mặt chính trong chương trình ca nhạc Dấu ấn số 3, diễn ra lúc 20 giờ ngày 5.10 tại nhà thi đấu Nguyễn Du, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9 đài Truyền hình Việt Nam, VTV Phú Yên, VTV Huế, đài PT-TH Lâm Đồng...


Với Dấu ấn số 3, khán giả sẽ cùng ngược thời gian trở lại gần 20 năm trước, lúc Tuấn Hưng là gương mặt nổi tiếng trong giới học sinh Hà Nội, giai đoạn phong trào ca nhạc học sinh – sinh viên Hà Nội đang phát triển đỉnh cao. Dấu ấn mở đường cho sự nghiệp ca sĩ kéo dài 15 năm qua, là việc anh gia nhập nhóm Quả Dưa Hấu – cùng với các thành viên Bằng Kiều, Anh Tú, Tường Văn gây dựng được một lượng fan lớn khắp cả nước. Khi nhóm Quả Dưa Hấu ngừng hoạt động, Tuấn Hưng đã chọn Sài Gòn làm nơi hoạt động chính, nổi lên với các bài Vũ điệu thần tiên, Tình yêu lung linh, Chia xa…


Tham gia biểu diễn cùng Tuấn Hưng trong Dấu ấn số 3 sẽ là những khách mời, như những người bạn thân thiết, từ những “đồng đội” cũ trong nhóm Quả Dưa Hấu, tới những người đã cùng anh làm nên những ca khúc đang làm mưa làm gió hiện nay như Khắc Việt, Quang Mẫn và Lệ Quyên.


Trâm Anh






Nghêu đêm rượt đuổi ban ngày

Nghêu đêm rượt đuổi ban ngày

Nghêu đêm rượt đuổi ban ngày


SGTT.VN - Trước sự bất thường của biển cả và sự đầu cơ nhiều thủ đoạn của thương lái nước ngoài, giá nghêu rơi vào tình trạng giống như cây điều, càphê, cá cơm… Ban đầu, thương lái mua giá cao khi người dân ồ ạt chuyển sang nuôi nghêu thì ngưng thu mua hoặc với giá rẻ mạt. Chính vì vậy, những ngư dân nuôi trồng thuỷ sản ở biển Kim Sơn, Ninh Bình, lấy đêm làm ngày để ứng biến với thị trường.


Giờ đây, những con nghêu của họ chỉ tập trung phục vụ thị trường nội địa nên phải thu hoạch từ 20 giờ đến 3 giờ sáng ngày hôm sau để kịp có mặt tại các chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc. Vào những tháng này, bão chồng bão, nếu không tận dụng những “đêm trắng cùng biển” thu về những mùa nghêu đêm thì nguy cơ người dân nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn trắng tay là rất cao.


Thông Thiện (thực hiện)










Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh cách đây hai năm đã vay vốn ngân hàng và người thân đầu tư 3 tỉ đồng thuê 2ha mặt nước bờ biển Kim Sơn để nuôi trồng nghêu khi thấy thương lái mua giá cao. Đến năm nay, thương lái ngưng mua, chị Oanh và những chủ đầm nghêu ở Kim Sơn đành phải chuyển sang phục vụ thị trường nội địa.











Công việc cào nghêu đêm phải dùng máy bơm đẩy lớp cát bề mặt để lộ lớp nghêu sinh sống.











Sau đó dùng xẻng để xúc cả cát lẫn nghêu vào lưới và lại dùng máy bơm để rửa trôi cát.



















Tuy nhiên, để chọn những con nghêu to có thể bán được giá thì những người cào nghêu đêm lại phải dùng lưới mắt to lọc ra những con nhỏ chưa đến kỳ thu hoạch trả lại đầm nuôi tiếp.












Tại biển Kim Sơn, thương lái các chợ đầu mối như từ Hà Nội, Nam Định, Thái Bình đến tận nơi lựa chọn mua nghêu rồi chuyển về phân phối. Khoảng 7 giờ sáng là nghêu đã đến các chợ bán lẻ.








Chia buồn

Chia buồn

Chia buồn


SGTT.VN - Bà Huỳnh Thị Sinh, thân mẫu của ông Trần Hoàng Tuyên, trưởng văn phòng đại diện báo SGTT tại Cần Thơ đã từ trần ngày 29.9.2013, hưởng thọ 87 tuổi.


Linh cữu quàn tại tư gia ở ấp Bình Hưng, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.


Lễ động quan lúc 13g ngày 1.10.2013, an táng tại nghĩa trang gia tộc. Ban biên tập báo SGTT cùng toàn thể phóng biên, biên tập viên, nhân viên báo SGTT thành kính chia buồn cùng ông Trần Hoàng Tuyên và gia đình.


sgtt






Những kỷ niệm không quên với thầy Hoàng Như Mai

Những kỷ niệm không quên với thầy Hoàng Như Mai

LTS. Giáo sư – nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai vừa qua đời ngày 27.9 tại TP.HCM, hưởng thọ 95 tuổi. Mặc dù còn là nhà thơ, nhà viết kịch, diễn viên kịch… nhưng giáo sư Hoàng Như Mai được biết đến nhiều nhất như một nhà giáo gắn bó cả đời với nghiệp sư phạm. Một người học trò đặc biệt của giáo sư là nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vừa gửi tới Sài Gòn Tiếp Thị những kỷ niệm về người thầy năm nào đã kêu gọi bạn bè trong lớp “nắm lấy bàn tay không bình thường của Ký, giúp Ký vượt qua những khó khăn trước mắt”.


Những kỷ niệm không quên với thầy Hoàng Như Mai


SGTT.VN - Hôm nghe chị Hương con gái thầy nhắn tin: “Cha tôi giáo sư Hoàng Như Mai đã mất lúc 15g45 ngày 27.9.2013”, cả gia đình tôi sững sờ. Tôi nghẹn ngào, nước mắt ứa trào không sao nói nên lời...










Giáo sư Hoàng Như Mai. Ảnh: Nguyễn Á



Kết thúc năm học thứ ba, tôi về quê nghỉ hè trong tâm trạng thao thức mông lung, chưa xác định được đề tài luận văn tốt nghiệp. Giữa thời điểm này một tin dữ đến: Bác Hồ từ trần. Cũng như bao người Việt Nam khác, nước mắt tôi tuôn trào trong những ngày tang Bác. Cũng thời điểm này, tôi đặc biệt xúc động khi đọc các bài thơ khóc Bác của các em như Hồng Kiên, Cẩm Thơ, nhất là bài thơ Cháu thề phấn đấu suốt đời của Trần Đăng Khoa, lúc ấy mới 11 tuổi. Một ý nghĩ bất chợt lóe lên: tại sao mình không viết luôn luận văn đề tài “Bác Hồ với thiếu nhi qua thơ của Bác, của các tác giả và của các em” nhỉ? Đề tài hay quá, thời sự quá, mình viết là quá hợp rồi! Tôi nghĩ vậy và háo hức thu xếp trở về Hà Nội ngay để đề đạt nguyện vọng với thầy Hoàng Như Mai – người đã tận tình hướng dẫn tôi làm khoá luận về thơ thiếu nhi ở năm học thứ ba.


Rời bến xe Kim Liên, tôi một mình xăm xăm cuốc bộ tìm đến nhà thầy Mai ở số 52, phố Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa ngay góc hồ Thuyền Quang, khi mặt trời vừa đứng bóng. Gõ cửa, tôi giật mình nhận ra gia đình đang dùng bữa. Thấy bất tiện, tôi vội vàng định trở ra thì người nhà thầy bước tới giữ lại. Nhận ra tôi, thầy đứng dậy vồn vã: “Ồ, Ký hả! Vừa từ quê lên đúng không? Thôi vào luôn dùng bữa với thầy. Đang giữa trưa nắng thế này đi đâu nữa cho mệt. Có chuyện gì cần trao đổi cứ ăn rồi nói sau”. Cô Trang – vợ thầy – sợ tôi gặp khó khi dùng chân ăn nên có ý cầm bát bón cho tôi. Thầy liền ngăn lại: “Ký tự ăn được mà! Bà cứ để Ký tự nhiên!” Được cả nhà quan tâm, thông cảm, chẳng bao lâu sự ngượng ngùng lúng túng trong tôi giảm hẳn. Vừa ăn tôi vừa chủ động thưa với thầy về ý tưởng đề tài luận văn mới thai nghén. Nhẹ nhàng đặt bát xuống bàn, giọng thầy vui bất ngờ: “Ừ! Hay đấy! Đề tài rất nóng hổi tính thời sự. Ký tâm đắc là trúng lắm. Khẩn trương chuẩn bị đề cương thầy duyệt cho!” Tôi mừng rơn. Lòng phơi phới như được mở cờ trong bụng.


Sau bữa đó tôi miệt mài lao vào sưu tầm tư liệu và viết đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, rồi bắt đầu viết nháp từng phần bản luận văn. Cứ sau mỗi tuần tôi lại từ Hà Đông tìm tới nhà thầy ở Hà Nội, đọc thầy nghe để góp ý. Dù sáng hay chiều, dù trưa hay tối bao giờ thầy cũng dành cho tôi sự vui vẻ, tận tình chu đáo đến khó ngờ. Được thầy và cả nhà coi tôi như một thành viên chính thức nên cứ tới nhà có gì là bắt ăn nấy. Thiếu giấy thầy cho giấy, thiếu mực thầy cho mực. Nhiều lần trước khi ra về thầy không quên bỏ vào túi sách tôi khi thì mấy trái cam, lúc thì tấm bánh giò. Có lần, vài ba đồng từ tiền lương ít ỏi của thầy cho đã giúp tôi đỡ khó khăn trong khoản lộ phí xe tàu. Ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, thầy ngồi lặng lẽ giúp tôi mở từng trang bản tóm tắt.


Tốt nghiệp ra trường, biết tôi đang bâng khuâng khi chưa được phân công tác, thầy đã liên hệ với ty Giáo dục Hải Phòng mời tôi tới thành phố hoa phượng đỏ để giao lưu hơn một tháng. Tạm biệt Hải Phòng về thăm thầy, tôi bất ngờ khi thầy đưa tôi tờ quyết định về nhận công tác tại ty Giáo dục Nam Định. Tâm sự cùng thầy tôi mới biết chính thầy đã nói việc công tác của tôi với ông Việt Phương bạn thầy và là thư ký của Thủ tướng. Nghe ông Việt Phương báo cáo, bác Phạm Văn Đồng đã cho người về làm việc với ty Giáo dục Nam Định và họ đồng ý cho tôi về nhận công tác tại đây. Rồi ngày tôi cưới, thầy không quản đường xa về dự. Sau đó ít ngày lại chính thầy đã chuyển tôi món quà chất nặng ân tình của bác Đồng gửi tôi nhân dịp vui lớn ấy.


Năm 1991, biết tôi bị suy thận thầy viết thư động viên tôi vào TP.HCM để vừa chữa bệnh vừa công tác. Hai năm sau tôi mới thực hiện được lời thầy khuyên. Từ đó tôi luôn coi thầy như một người cha tinh thần lý tưởng. Có buồn vui gì tôi cũng tìm đến thầy để chia sẻ. Mấy cuốn sách của tôi ấn hành, đều nhờ thầy đọc và viết lời giới thiệu. Đặc biệt cuốn Tôi học đại học mới phát hành, mặc dù thầy đã yếu lắm vẫn vui vẻ nhận lời.










Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký (phải) mừng thọ 90 tuổi giáo sư Hoàng Như Mai, năm 2008. Ảnh: Vũ Hải Sơn



Đầu tháng 9 vừa qua, hay tin thầy bị ngã gãy chân phải vào điều trị tại bệnh viện 175. Ngay chiều đó, vợ chồng tôi cùng con gái lớn dạy THCS Phạm Văn Chiêu vào thăm. Thầy nằm bất động hai chân, thỉnh thoảng lại một trận ho dài. Thấy tôi lo lắng, thầy cầm tay tôi cười vui: “Ký yên chí đi. Ông trời chưa gọi thầy đâu. Xong được quyển gì mới cứ đưa thầy viết lời giới thiệu cho”. Chao ôi! Thầy Mai của tôi là thế. Ngay đến những ngày gần đất xa trời mà thầy đâu có nghĩ về mình, vẫn luôn nghĩ về trò và giúp trò như vậy đấy.


Hôm nghe chị Hương con gái thầy nhắn tin: “Cha tôi giáo sư Hoàng Như Mai đã mất lúc 15g45 ngày 27.9.2013”, cả gia đình tôi sững sờ. Tôi nghẹn ngào, nước mắt ứa trào không sao nói nên lời. Vậy là người thầy muôn vàn kính thương của tôi và của bao thế hệ sinh viên đất Việt đã về với thế giới người hiền. Song, những gì thầy đã dành cho tôi, cho sự nghiệp giáo dục nước nhà vẫn mãi ngân rung toả sáng khôn cùng.


Thầy vẫn là mãi mãi thầy ơi! ...


NGƯT Nguyễn Ngọc Ký









Theo thông tin từ gia đình giáo sư Hoàng Như Mai, 6g ngày 29.9, gia đình đã đưa linh cữu giáo sư về nhà Tang lễ TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8g ngày 29.9. Lễ truy điệu sẽ diễn ra 7g30 ngày 1.10.







Kết nối, tiết kiệm và văn minh

Kết nối, tiết kiệm và văn minh

Đường Phạm Văn Đồng thông xe


Kết nối, tiết kiệm và văn minh


SGTT.VN - Con đường rất đẹp với 12 làn xe, dài 4,7km từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm đến ngã tư Bình Triệu mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (thuộc dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài) vừa được thông xe. Bên cạnh tính hiện đại, con đường còn kết nối nhiều quận, huyện và tạo thuận lợi cho lưu thông.


>>Thông xe 5km tuyến đường tân Sơn Nhất - Bình Lợi










Người dân thành phố lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng mới thông xe với 12 làn xe thông thoáng. Ảnh: Thanh Nhã



Là một tài xế taxi thường xuyên phải đưa đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh Nguyễn Văn Minh, hãng Vinataxi hào hứng kể về ngày đầu tiên bon bon chạy trên con đường này: “Tốc độ xe đến 60km/h vì đường rất rộng. Cả tôi và hành khách đều tiết kiệm được thời gian, quãng đường và lượng xăng dầu”. Theo anh, có con đường này, người ở khu vực Hàng Xanh muốn lên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tránh được rất nhiều tuyến đường đông đúc trước đây buộc phải qua như Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... lại tiết kiệm được thời gian.


Chị Lê Trúc Uyên, nhà ở chung cư Cây Thị, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh cũng vui mừng không kém khi sau lưng nhà mình đã có một con đường hoành tráng, văn minh. Khu vực nhà chị Uyên là điểm tiếp giáp các quận gần nhau như Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp. Trong khi đó đường Phan Văn Trị lại nhỏ, nhiều khu chợ tự phát mua bán cả ngày nên mỗi sáng đi làm, hay chiều tan sở về nhà rất dễ bị căng thẳng vì cảnh tắc xe, khói bụi. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày thông xe đường Phạm Văn Đồng, lượng xe trên đường Phan Văn Trị giảm đi rất nhiều. Cũng giống như anh Minh, chị Uyên, rất nhiều hộ dân khác sống dọc theo con đường vành đai này đang gấp rút xây sửa lại nhà mình để tận dụng mặt tiền kinh doanh. Đúng là con đường mới đã mở ra hướng làm ăn khả quan cho nhiều gia đình.


Dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài được khởi công vào tháng 6.2008, có tổng chiều dài gần 14km từ sân bay Tân Sơn Nhất quận Tân Bình đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, rộng 30 – 60m (tương đương 4 – 12 làn xe). Tổng vốn đầu tư toàn công trình khoảng 340 triệu USD, gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng và phải di dời. Theo UBND TP.HCM, việc thông tuyến đoạn đường này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lưu thông ở khu vực các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình... Nhất là tháo gỡ tình trạng ùn ứ ở khu vực cửa ngõ đông bắc, giảm thiểu nạn kẹt xe ở ngã tư Bình Triệu – vốn là điểm nóng về ùn tắc giao thông của TP.HCM; giảm xe cộ ra vào đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu...; rút ngắn thời gian cho người dân ở Thủ Đức, Bình Thạnh... đi – về hướng sân bay Tân Sơn Nhất.


Nguyễn Thanh









Lo kẹt tại các nút giao


Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị đánh giá thêm, tuyến đường trên khi đưa vào sử dụng sẽ làm thay đổi không ít các quy hoạch về hạ tầng khu vực xung quanh. Cụ thể, cách đây khoảng hai tháng, công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII – chủ đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu 2) đã lên phương án điều chỉnh lại quy hoạch quốc lộ 13, theo hướng hẹp hơn thiết kế ban đầu để trình thành phố. Bởi theo CII, thời gian qua đơn vị này đã thử đếm xe và nhận thấy khi dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài hoàn thành cũng như bến xe Miền Đông dời đi, thì lượng xe lưu thông từ đường Xuyên Á vào quốc lộ 13 sẽ giảm đáng kể. Và phương án thu hẹp cũng đang được thành phố và sở Giao thông vận tải cân nhắc.


Dù là ngày chủ nhật (29.9) – thấp điểm lưu thông – nhưng tại các nút giao giữa đường Phạm Văn Đồng và một số tuyến đường xương cá cắt ngang có dấu hiệu quá tải. Nếu như ở nút giao với đường Nguyễn Xí, xe cộ tăng đột biến là do nhiều người hiếu kỳ muốn lên tham quan tuyến đường “cao tốc nội đô” mới khánh thành đẹp như thế nào; thì tại nút giao với đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) lượng xe tăng là vì có rất nhiều người chọn hướng đi từ quận Gò Vấp, Phú Nhuận về khu vực Thủ Đức cũng như Đồng Nai theo hướng đường Phạm Văn Đồng. Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc điều tiết giao thông tại các nút giao chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu về dài sở Giao thông vận tải sẽ có những điều chỉnh hợp lý bằng nhiều giải pháp để tránh tối đa tình trạng ùn ứ ở các giao lộ trên tuyến đường này.


Đ. Thông







Mua mắt kính mùa dịch mắt đỏ

Mua mắt kính mùa dịch mắt đỏ

Mua mắt kính mùa dịch mắt đỏ


SGTT.VN - Khoảng tháng nay, thị trường mắt kính được dịp sôi động. Các cửa hàng kính ở các trục đường lớn nhỏ như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Hồ Xuân Hương... rộn ràng kẻ bán người mua. Có nơi còn bày hẳn kính ra mặt tiền cửa hàng cho khách tiện ghé chọn.










Các sạp kính trên vỉa hè đường Hồ Xuân Hương luôn đông khách. Ảnh: Ngọc Hoài



Sức mua tăng gấp đôi


Dạo quanh một số cửa hàng mắt kính tại khu vực trung tâm thành phố cho thấy, thị trường mắt kính đang được mùa. Kính được bày bán trên vỉa hè, mặt tiền cửa hàng có nhiều mẫu mã, màu sắc, giá từ 50.000 – 250.000 đồng/cái. Có người bán thật tình cho biết đây là hàng Trung Quốc tồn kho, sẵn dịp nhu cầu thị trường tăng nên xả hàng. “Giá bán lúc này tốt hơn nhiều so với thời gian xả hàng khuyến mãi cuối năm”, một chủ sạp mắt kính vỉa hè trên đường Trương Định cho biết.


Ghé vào một cửa hàng mắt kính lớn trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), tại quầy mắt kính kê thêm trước mặt tiền, nhân viên bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ bán hàng ở đây. Bên trong cửa hàng, nhân viên bán hàng cũng tíu tít đón khách. Chị Hương, nhân viên bán hàng cho biết: “Khoảng mấy tuần nay, lượng khách đến mua kính tăng 50%, trung bình có khoảng 100 khách/ngày, có khách mua đến bốn cái một lúc”. Nhân viên bán hàng cho biết thêm, đa số khách chuộng mua kính trắng không độ. Tuỳ theo nhu cầu, khách có thể chọn mua gọng, sau đó chọn tròng kính lắp vào. Giá gọng tuỳ loại từ 140.000 – 250.000 đồng/cái, tròng kính đa số là plastic có giá từ 170.000 đồng/cặp trở lên. Số khách còn lại là những người ngại người khác nhìn thấy đôi mắt đỏ kém thẩm mỹ nên chọn kính mát, loại kính này tuỳ theo thương hiệu, có giá từ 300.000đ trở lên. Các loại kính trắng và kính mát này có tác dụng chống bụi tốt, chống chói, chống tia UV, độ bền cao.


Ngoài ra, còn có dòng kính bảo hộ, có tròng kính trắng hoặc đen, giá từ 60.000 – 100.000 đồng/cái. Người bán tư vấn, loại kính này thích hợp cho những người đeo kính “chữa cháy” cho qua dịch mắt đỏ. Bởi kính có độ bền chỉ vài tháng, tròng kính dễ trầy xước và bong tróc lớp chống tia UV sau thời gian ngắn sử dụng.


Kính nào tốt cho mắt?


Ở các phòng khám nhãn khoa, bệnh nhân đến khám mắt đỏ cũng nhộn nhịp không kém. Theo ước tính tại khoa mắt, bệnh viện An Sinh thì trong khoảng tháng 9, mỗi ngày có khoảng 50 – 60 người đến khám mắt đỏ, có trường hợp cả gia đình cùng bị đau mắt. Những ngày cao điểm như thứ bảy, chủ nhật, cứ mười bệnh nhân là có tám người bị đau mắt đỏ.


Ths.BS Huỳnh Thị Thu Ba, trưởng khoa mắt bệnh viện An Sinh cho biết: “Nguyên nhân lây bệnh đau mắt là do lây trực tiếp từ dịch tiết ở mắt, mũi, họng như khi người bệnh hắt hơi, cha mẹ hôn con cái. Hoặc lây qua bàn tay khi cầm nắm đồ vật rồi chùi lên mắt. Bệnh không lây khi nhìn nhau”. Thế nhưng hiện nay, vẫn còn khá nhiều người cho rằng bệnh đau mắt lây do nhìn nhau nên đeo kính để tránh lây lan. Có nhiều bệnh nhân đến khám mắt không dám bỏ kính ra vì sợ lây cho bác sĩ.


Chị Thanh, đang lựa mắt kính cho hai con trai tại một sạp vỉa hè trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) chia sẻ tiêu chí chọn lựa của mình: “Xài tạm rồi bỏ nên mua loại thường cho đỡ tốn kém”. Không cùng quan điểm như chị Thanh, một số khác thích chọn mắc kính mắc tiền để yên tâm về chất lượng. Hiện nay, với sự đa dạng về chủng loại và giá cả của mắt kính đang tràn ngập trên thị trường, không thể phân biệt được loại nào tốt hay không tốt. Theo các bác sĩ nhãn khoa, ngay cả những loại kính có chống UV, chống chói cũng chưa hẳn là tốt.


Trước vấn đề trên, BS Thu Ba tư vấn: “Đeo kính khi đau mắt nhằm bảo vệ mắt khi ra đường, để chống bụi, chống gió cho đỡ khó chịu, tránh bệnh diễn biến nặng hơn. Ngoài ra, đeo kính còn có mục đích thẩm mỹ, giúp bản thân người bệnh tự tin khi tiếp xúc người khác chứ không có tác dụng ngăn bệnh. Tuy nhiên, dù mục đích sử dụng tạm thời cũng tránh sử dụng loại kính mà khi đeo mình cảm thấy nhức mắt, chóng mặt”.


Ngọc Hoài – Minh Cúc






Thị trường sữa khởi sắc sau sóng gió

Thị trường sữa khởi sắc sau sóng gió

Vụ sữa nghi nhiễm khuẩn clostridium botulinum


Thị trường sữa khởi sắc sau sóng gió











Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa và thức ăn bổ sung dinh dưỡng. Nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm. Rõ ràng, sữa thành phẩm có thị phần và khách hàng riêng, bởi nó có ưu thế về công nghệ và chất lượng. Vụ sữa nghi nhiễm khuẩn vừa qua đã chứng minh điều này, bởi ngay khi bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand khẳng định các lô protein cô đặc của Fonterra không chứa vi khuẩn clostridium botulinum, khách hàng đã nhanh chóng quay trở lại với thị trường sữa.


Sữa nhập khẩu vẫn có thị phần riêng


Theo báo cáo mới công bố của bộ Công thương, ngành sữa hiện vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao do nhu cầu về các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam liên tục tăng qua các năm khoảng từ 7 – 8%. Nhưng thực tế cho thấy, thị trường sữa ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập khẩu. Lý do người tiêu dùng đưa ra là bởi các hãng sản xuất có bề dầy kinh nghiệm, chất lượng và an toàn sản phẩm được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và hơn thế nữa, họ luôn chú trọng vào nghiên cứu phát triển sản phẩm nhằm xây dựng một công thức sữa hoàn hảo nhất.


Không chỉ là chất lượng


Những ngày vừa qua, sau khi cơ quan chức năng khẳng định vi khuẩn được tìm thấy trong các lô đạm WPC chỉ là Clostridium sporogenes, một vi khuẩn lành tính, hoàn toàn không gây hại và có mặt phổ biến trong môi trường, thị trường sữa đã ghi nhận những tín hiệu khả quan. Một chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hai tuần nay, khách hàng đã quay lại lựa chọn sữa nhập, trong đó có Similac GainPlus của Abbott. Sự trở lại này là kết quả tất yếu của cách ứng xử đầy tinh thần trách nhiệm của các hãng sữa, trong đó có Abbott, trong “sự cố” vừa qua. Từ những ngày đầu tháng 8, ngay khi nhận được thông báo từ New Zealand, Abbott Việt Nam đã chủ động phối hợp với cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát đi thông báo và thực hiện đổi trả các lô sữa Similac GainPlus Eye-Q số 3 nghi ngờ nhiễm khuẩn. Thu hồi chỉ đề phòng ngừa, doanh nghiệp biết chắc rằng sẽ gánh chịu thiệt hại về kinh tế không nhỏ, nhưng với trách nhiệm trước cộng đồng của doanh nghiệp, chỉ trong vòng 48 giờ gần 90% sản phẩm Similac nằm trong diện nghi vấn đã được rút khỏi thị trường.

Tổng giám đốc Abbott Việt Nam, ông Jullian Caillet khẳng định: “Ưu tiên số một của Abbott luôn luôn là người tiêu dùng. Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thích hợp để người tiêu dùng tin tưởng về sự an toàn của các sản phẩm của Abbott”.


Nhận xét về ứng xử của các hãng sữa trong sự cố vừa qua, ông Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: “Mọi khuyến cáo tạm thời dành cho lô sản phẩm Similac Gain Plus nghi ngờ nhiễm khuẩn đã được cục An toàn vệ sinh thực phẩm thẩm định lại và gỡ bỏ hoàn toàn. Dù chưa biết thiệt hại nhiều đến đâu nhưng cách mà Abbott đã và đang thực hiện trong sự cố vừa qua đây là cần được ghi nhận và học tập”. Ông đã đánh giá cao sự nỗ lực hợp tác và làm việc nghiêm túc của công ty trong việc thu hồi sản phẩm có liên quan trong thời gian vừa qua. Thiết nghĩ, đây thực sự là giá trị cốt lõi và là điều kiện trọng yếu để một thương hiệu về giải pháp dinh dưỡng thật sự phát triển bền vững và chiếm giữ được lòng tin của khách hàng.






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ