Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Ngôi nhà cho một sưu tập nghệ thuật/ Christian Dupraz Architectes

Ngôi nhà cho một sưu tập nghệ thuật/ Christian Dupraz Architectes

Ngôi nhà cho một sưu tập nghệ thuật/ Christian Dupraz Architectes


SGTT.VN - “Tôi muốn một ngôi nhà lớn, an toàn và thơm ngát như thời thơ ấu của tôi. Tôi sẽ làm cho bạn một ngôi nhà có mái che như những người tôi yêu”. Đó là những lời mà Christian Dupraz nói với khách hàng của mình.


Nằm trên một khu đất đặc biệt, dọc theo cạnh của trung tâm Geneva, ngôi nhà trắng này, với hình học tinh khiết của nó, là một phần trong chính bản thân ngôi nhà. Nếu một mặt bằng vuông là cơ sở cho các thành phần của nó, thì nó bất ngờ thông qua tính mềm dẻo và độ phức tạp chức năng. Cầu thang trung tâm thiết lập các giai điệu cho phân bố thẳng đứng, nó là đối tượng quan trọng để điều hoà tất cả các phòng khác nhau trong một trò chơi. Thông qua việc bù đắp của mặt bằng và vị trí lệch về một phía của nóc nhà, cùng với sự khẳng định của hai cánh mái đồng nhất, ngôi nhà cung cấp biến thể hình thức tuyệt vời trên mặt tiền. Hệ khung cửa sổ có kích thước khác nhau tái diễn tính hiện đại của một truyền thống nhất định.


Ảnh: Christian Dupraz Architectes






Chòi Bricktopia

Chòi Bricktopia

Chòi Bricktopia


SGTT.VN - “Bricktopia” được thiết kế bởi nhóm các kiến trúc sư Map 13, là dự án đoạt giải trong liên hoan kiến trúc quốc tế “Build it” lần thứ 3, tổ chức vào ngày 27 – 30.6 tại Barcelona. Bricktopia mở cửa đón khách tham quan trong suốt mùa hè tại quảng trường của nhà máy cũ Fabra I Coats, quận Sant Andreu.


Can thiệp này đặt ra một quảng trường mới, nơi có thể đón tiếp các hoạt động khác nhau. Không gian công cộng cho quầy bar và sân khấu để thưởng thức các hoạt động văn hoá vào mùa hè năm 2013. Nó là một cấu trúc mái vòm bằng gạch, sử dụng hệ thống xây dựng truyền thống để tạo nên hầm phân vùng (hoặc “hầm Catalan”) được tính toán với các công cụ kỹ thuật số mới, cho phép tối ưu hoá cấu trúc của nó.


Ảnh: Manuel de Lozar + Paula López Barba






Sản phẩm cho mẹ và bé ngày càng chuyên biệt

Sản phẩm cho mẹ và bé ngày càng chuyên biệt

Sản phẩm cho mẹ và bé ngày càng chuyên biệt


SGTT.VN - Bình sữa, tã bỉm, giường cũi, đồ chơi… cho bé không còn phải “tạm trú” ở các cửa hàng quần áo hay tạp hoá nữa. Hệ thống các cửa hàng, siêu thị sản phẩm riêng cho mẹ và bé mọc lên như nấm ở TP.HCM trong những năm gần đây.










Khách hàng đang có xu hướng vào các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm cho mẹ và bé để mua sắm. Ảnh: G.H



Dễ nhận diện và rải đều khắp TP.HCM là chuỗi cửa hàng Mẹ & Bé với hai màu chủ đạo hồng và xanh thuộc công ty CP MBCare Group. Sau khi sáp nhập của công ty Mẹ & Bé và công ty CP Thế giới đồ chơi, MBCare đã phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng Mẹ & Bé, Thế giới đồ chơi, M&B trên khắp TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Huế. MBcare cũng là nhà phân phối cho trên 200 nhà bán lẻ cả nước. Ngoài ra, hệ thống siêu thị Con Cưng cũng thu hút được nhiều bà mẹ bởi hàng hoá phong phú và khu vực mua sắm rộng rãi thoải mái. Hai siêu thị Bibomart và Tuticare trên đường Cộng Hoà vừa phục vụ đối tượng mua hàng online, vừa như một bước thăm dò thị trường để mở rộng chuỗi siêu thị.


Nghiêng về ngành hàng đồ chơi cho trẻ, nhắm vào phân khúc khách hàng chi tiêu cao, hệ thống của Funnyland đặt chủ yếu ở các trung tâm thương mại lớn hoặc những vị thế mặt tiền đắc địa. Sản phẩm chủ đạo của Funnyland là cho trẻ dưới 3 tuổi của Fisher Price.


Theo mô hình khác, Lê Phan và Phương Nga cũng là hai nhà nhập khẩu tên tuổi. Lê Phan phân phối độc quyền thương hiệu Nuck với bình sữa, núm vú, máy hâm sữa, cắn răng… và Buebchen (thuộc Néstle) với dòng mỹ phẩm chăm sóc da cho mẹ và bé. Phương Nga thì chuyên nhập khẩu hàng của Hot Wheel (thuộc hãng Mattel – Mỹ), Fisher Price.


Các sản phẩm của Việt Nam trong thị trường này nhìn chung là yếu thế. Riêng đồ chơi bằng gỗ của Đức Thành hiệu Winwintoys là một trong những thương hiệu hiếm hoi của Việt Nam trên thị trường có thể cạnh tranh trong muôn trùng hàng ngoại nhập.


Gia Hoà






Nối vòng tay lớn sau một hành trình

Nối vòng tay lớn sau một hành trình

Nhật ký trên những đôi giày


Nối vòng tay lớn sau một hành trình


SGTT.VN - Lần đầu tiên có một hành trình bằng xe đạp băng qua lần lượt các cửa sông ở đồng bằng Cửu Long, thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng (từ 1 – 5.12.2013). Hành trình này được khởi phát từ trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn. Và, thử nghĩ, nếu mỗi tổ chức trong xã hội không chủ động gióng tiếng, vỗ tay thì làm sao tạo được âm vang lan toả, và những thông điệp cần gởi trao có thể “cắm rễ” vào đời sống?










“Má ơi, má đừng buồn nữa nghen... Con có xe đạp rồi...”, lời phát biểu của em học sinh ở Tân Thành, Gò Công làm xúc động bao người.



Trong đoàn người tham gia “Hành trình chín cửa sông – Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, tôi nhìn thấy hai bạn trẻ của công ty Điền Quân (đơn vị thực hiện chương trình truyền hình “Năng động du lịch Việt” và nhiều chương trình khác nữa trên HTV). Tôi thầm nghĩ Điền Quân Media thật “chịu chơi”, chịu đồng hành cùng đoàn sinh viên đạp xe ròng rã…; thực sự là một tiếng vỗ đầy nhiệt tâm.


Chuỗi ngày để nhớ


Tham gia hành trình gần 70 người, gồm đội đạp xe, đội hậu cần, đội văn nghệ, một số ít phóng viên báo, đài. Đoàn tham gia dọn dẹp vệ sinh tại chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1), sau đó di chuyển qua phà Mỹ Lợi, đi về hướng biển Tân Thành (Gò Công, Tiền Giang). Dọc đường, đoàn phát tờ rơi quảng bá về môi trường cho bà con tiểu thương tại chợ Gò Công. Hình ảnh một đoàn người nối đuôi nhau chạy xe đạp, mỗi chiếc cắm hai bảng ghi dòng chữ: “Hãy hành động vì môi trường xanh – sạch – đẹp”, “Rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi”, đã thu hút bao ánh mắt của người dân bên đường.


Buổi tối tại khu du lịch Bình An (Tân Thành, Gò Công), đoàn đã tặng mười xe đạp cùng một số tập vở cho học sinh nghèo tại địa phương. “Má ơi, má đừng buồn nữa nghen… Con có xe đạp rồi, từ nay má khỏi phải chở con tới trường học”, lời phát biểu mộc mạc này của một em học sinh tiểu học đã khiến mọi người có mặt trong đêm văn nghệ giao lưu xúc động.


Ngày thứ hai (trong năm ngày) đoàn đón ánh bình minh tuyệt đẹp tại cửa Tiểu, cửa đầu tiên của hành trình. Trên những cung đường khúc khuỷu, sình lầy đến các cửa sông, có không ít sinh viên phải bặm môi gò lưng đạp bở hơi tai. Dọc đường đi qua chợ Bình Đại, ấp An Phú (Bến Tre), đoàn dừng lại và dọn dẹp rác ven đường, trong chợ. Tôi nhìn thấy một số bà con chăm chú đọc tờ rơi được phát tận tay, rồi cất cẩn thận. Vài chị tiểu thương đem nước uống, trái cây tặng cho các sinh viên trong đội xe đạp, thay cho lời chia sẻ đồng cảm.


Đêm về, tại hội trường của trường THPT Phan Thanh Giản, mười chiếc xe đạp và một số tập vở được trao tặng cho học sinh địa phương.


Ngày thứ ba, đoàn băng qua ba cửa còn lại trong hệ thống sông Tiền là cửa Hàm Luông, cửa Cung Hầu, cửa Cổ Chiên, và lại cùng thu dọn rác dọc một số đường thuộc tỉnh Trà Vinh.


Hiểm hoạ nước biển xâm thực ở đồng bằng Cửu Long không phải chuyện xa xôi, ngay tại biển Ba Động (Duyên Hải, Trà Vinh) đã nhìn thấy nước biển ngày càng lấn dần vào đất liền. Theo người dân địa phương, trước đây khoảng vài năm, có thể đi bộ ra hàng trăm mét nhưng bây giờ thì… vô phương. Buổi hội ngộ ấm cúng giữa đoàn với các chiến sĩ đồn biên phòng, thanh niên, thiếu nhi xã Trường Long Hoà. Mười em học sinh nghèo được tặng mười chiếc xe đạp và những em khác nhận tập vở.










Học sinh tiểu học ở xã Trường Long Hòa nhận quà trong đêm giao lưu.



Ngày thứ tư đoàn đi qua cửa Định An, sau đó tìm đến cầu Cồn Tròn chứng kiến “vết tích” của cửa Ba Thắc (còn gọi là cửa Bassac) đã được bồi lấp, tạo thành vùng đất cho dân cư sinh sống, rồi xuống đò qua cửa Trần Đề, cửa cuối cùng của hành trình.


Trong đêm tổng kết tại Cù lao Dung (Sóc Trăng), 25 chiếc xe đạp còn lại của hành trình được chính các bạn sinh viên trao cho 25 học sinh địa phương. Một sinh viên cho biết, “rất vui khi nhìn thấy ánh mắt xúc động của em học sinh đặt tay lên ghiđông chiếc xe đạp được tặng”.


Hành trình khám phá chín cửa sông cũng đồng thời là hành trình “về nguồn”, đón nhận bài học lịch sử quyết không nhượng một tấc đất của tiên tổ cho ngoại bang khi tham quan đền thờ và luỹ pháo đài của tướng công Trương Định; bài học khí tiết khi đến viếng đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản… Đặc biệt, không khỏi bồi hồi khi đặt chân bước vào khuôn viên trang nhã của khu tưởng niệm Võ Trường Toản – bậc nho sư của đất Nam kỳ lục tỉnh ngày xưa, nổi tiếng với học phong “lấy nhân nghĩa làm trọng” trong giáo dục nhân quần.


Trải nghiệm tình người


Lê Hải Yến, sinh viên lớp HD02N02, đã viết trên trang cá nhân Facebook: “Hành trình qua chín cửa sông đã khép lại. Mỗi chúng tôi đều nhớ mãi hành trình đầy ý nghĩa này… Khi nhận được quà, dù chỉ là những cuốn tập nho nhỏ… Thấy các em cười, thật hạnh phúc và ấm áp quá đi!”


Nơi các cửa sông đồng bằng Cửu Long, có không ít bà con làm nghề đánh bắt cá rồi đem bán cho nhà hàng, khu du lịch, hoặc đi bán hàng rong. Họ nhìn du lịch trong tư thế kẻ đứng bên rìa của sự phát triển, chỉ mong chờ kiếm được ít tiền theo kiểu “nhanh tay lẹ mắt” khi bám quanh du khách. Hẳn nhiên, với họ, ý niệm “du lịch cộng đồng” quá đỗi xa lạ và mơ hồ.


Du lịch cộng đồng hoá ra là một ý niệm hữu ích và rất thực tế. Khách hàng thường có nhu cầu giao lưu với người dân bản địa chứ không chỉ thụ hưởng là xong. Nhìn ở chiều ngược lại, những khu du lịch muốn phát triển không thể không cần đến cộng đồng người dân xung quanh. Bà con nào có vườn đẹp thì cho khách vào tham quan,… Một người dân ở biển Tân Thành nêu thắc mắc, “Làm cách nào để khách không e dè?” Thì nói thật, không cự nự gay gắt với khách, nói nhỏ nhẹ, tư vấn giùm cho khách. Nghe thạc sĩ Phan Bửu Toàn, phó hiệu trưởng cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, trả lời như vậy, nhiều bà con bật cười sảng khoái.


Cô Ngô Thị Quỳnh Xuân – hiệu trưởng cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, cho biết: “Tôi rất tự hào, từ lời ca tiếng hát cho đến sự san sẻ yêu thương một cách thiết thực mà các em sinh viên đem đến cho người dân còn khó khăn ở miền Tây”. Trong đêm tổng kết tại Cù lao Dung, thầy Phan Bửu Toàn giải thích: “Chỉ có tình người mới mang lại sự rung động thật sự”.


bài và ảnh: Việt Thư










Dọn rác ở Trà Vinh.







Mới kết thúc vòng luẩn quẩn

Mới kết thúc vòng luẩn quẩn

Di dời KCN Biên Hoà 1


Mới kết thúc vòng luẩn quẩn


SGTT.VN - Theo kế hoạch ban đầu, việc di dời khu công nghiệp (KCN) Biên Hoà 1 (Đồng Nai) phải bắt đầu từ năm 2011, nhưng đến nay, mới có hai doanh nghiệp đồng ý “ra đi”. Việc chậm trễ này không chỉ có người dân địa phương, mà ngay cả TP.HCM cũng sốt ruột, bởi KCN Biên Hoà 1 là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm nặng nề cho sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Được biết, sau khi nhận được công văn hối thúc của TP.HCM về chuyện di dời KCN, tỉnh Đồng Nai đã phải mời đoàn giám sát của uỷ ban Khoa học công nghệ của Quốc hội cùng đại diện bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, uỷ ban Tài chính của Quốc hội vào giám sát và có ý kiến chính thức cho việc chuyển đổi cũng như cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp di dời.










Khu công nghiệp Biên Hoà 1. Ảnh: baodongnai.com.vn



“Sau khi xem xét tất cả các vấn đề liên quan trong khoảng thời gian gần sáu tháng, hiện các bên kể trên đã thống nhất ý kiến, và bộ Kế hoạch và đầu tư đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các chủ trương trên cơ sở đề nghị của tỉnh Đồng Nai”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, chủ tịch HĐQT tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Đồng Nai (Sonadezi – đơn vị lập đề án chuyển đổi) cho biết. Theo bà Hằng, việc thống nhất của các bộ ngành, các uỷ ban của Quốc hội đã thực sự chấm dứt vòng luẩn quẩn trong việc xây dựng cơ chế di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hoà 1. Nếu không có gì thay đổi, tiến độ di dời KCN Biên Hoà 1 sẽ được đẩy nhanh trong năm 2014. Ông Trần Thanh Hải, phó tổng giám đốc Sonadezi – người trực tiếp thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hoà 1 – cho biết khi hoàn thành chuyển đổi, KCN Biên Hoà 1 sẽ trở thành khu đô thị – dịch vụ – thương mại, vùng đất KCN Biên Hoà 1 hiện tại sẽ hình thành nên khu đô thị chạy dọc theo hành lang quốc lộ 1, khu ven sông và khu hành chính ở lõi.


Theo quy hoạch chung thành phố Biên Hoà đến năm 2020, trung tâm thành phố Biên Hoà sẽ đặt tại phường Thống Nhất và một phần cù lao Hiệp Hoà; đồng thời cù lao Hiệp Hoà cũng được quy hoạch thành trung tâm thương mại tổng hợp, giao dịch quốc tế, dịch vụ cấp vùng. Trường hợp này, KCN Biên Hoà 1 với vị trí vừa nằm dọc bờ sông Cái với phía bên kia là cù lao Hiệp Hoà, vừa bám dọc theo quốc lộ 1 liền sát khu trung tâm thương mại Ngã tư Vũng Tàu sẽ trở thành vị trí đầu mối quan trọng kết nối các khu chức năng của TP Biên Hoà trong tương lai. Cũng theo ông Hải, với chủ trương các doanh nghiệp trong KCN Biên Hoà 1 nếu có nguyện vọng tự đầu tư chuyển đổi, thì được phép thực hiện theo quy hoạch, đồng thời thành lập công ty làm chủ đầu tư cấp 1 để đầu tư hạ tầng chung toàn khu, khai thác quỹ đất cũ. Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40% diện tích đất của toàn KCN Biên Hoà 1) xin được tham gia.


Đào Lê






Trẻ nguy kịch do cha mẹ chủ quan với sốt cao

Trẻ nguy kịch do cha mẹ chủ quan với sốt cao

Trẻ nguy kịch do cha mẹ chủ quan với sốt cao


SGTT.VN - Ngày 22.12, thông tin từ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết vừa cứu sống bệnh nhi nam N.T.D.T., mười tuổi, ngụ ở Củ Chi, nhập viện với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ tư, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tràn dịch màng phổi – màng bụng, xuất huyết tiêu hoá trên cơ địa trẻ dư cân (bé T. nặng 50kg so với tiêu chuẩn 32 – 34kg ở tuổi này)… Khai thác bệnh sử ghi nhận bé T. bị sốt cao liên tục ba ngày nhưng người nhà chủ quan không đưa đi khám. Đến ngày thứ tư, thấy bé đau bụng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh… người nhà mới đưa nhập viện địa phương rồi chuyển lên Nhi Đồng 1. Được điều trị tích cực, bé T. đã qua cơn nguy hiểm.


Vi Thoại






Bà bầu phù chân có thể hại thai nhi

Bà bầu phù chân có thể hại thai nhi

Bà bầu phù chân có thể hại thai nhi


“Vợ tôi đang mang thai con đầu lòng, hiện thai phát triển bình thường nhưng bàn chân vợ tôi bị phù. Phù chân như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi không? Nên làm gì để sinh nở được an toàn?”


Hữu Quang (TP.HCM)


PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, chủ tịch hội Phụ sản TP.HCM:


Trong khi mang thai, cơ thể thai phụ thường có hiện tượng giữ nước để làm tăng lượng tuần hoàn. Vì vậy vào khoảng ba tháng cuối thai kỳ, thai phụ thường có triệu chứng bị phù. Ngoài ra, do tử cung lớn có thể chèn ép sự tuần hoàn khiến máu khó lưu thông từ chân về tim, cũng góp phần làm cho bị phù chi dưới. Đó là tình trạng phù sinh lý.











Tuy nhiên có những trường hợp phù bệnh lý, thai phụ thường kèm thêm cao huyết áp, tiểu ra chất đạm (protein niệu) và không chỉ phù chân mà còn phù toàn thân. Đây là trường hợp bệnh lý nguy hiểm, được gọi là tiền sản giật. Nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời thì bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng và nặng nhất là tiến tới sản giật. Đây là một tai biến sản khoa có thể gây tử vong cho mẹ và con.


Để có thể phòng ngừa, tốt nhất là vợ bạn nên đi khám thai định kỳ để được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa. Trước mắt cô ấy tránh ăn nhiều chất có muối mặn, theo dõi cân nặng thường xuyên. Bình quân mỗi tháng chỉ nên tăng khoảng 2kg, nếu tăng cân quá nhanh và phù nhiều thì phải đi khám thai ngay, không chờ đến đúng hẹn.


Khi sinh nên đến cơ sở y tế có nữ hộ sinh hoặc bác sĩ đỡ đẻ để cuộc sinh nở được an toàn.






Tính hoài vẫn hẹp cửa ra

Tính hoài vẫn hẹp cửa ra

Xuất khẩu gạo


Tính hoài vẫn hẹp cửa ra


SGTT.VN - Mới đây, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện 13 sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ký biên bản ghi nhớ về mô hình liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Theo đó, những “cánh đồng lớn” sẽ quay trở lại sau thời gian dài hoạt động “mờ nhạt”. Khi cánh đồng lớn được xây dựng dựa trên liên kết “bốn nhà” mang đến lạc quan về nguồn cung lúa gạo năm 2014 bao nhiêu, thì nỗi lo không mới về cửa đầu ra cho lúa gạo lại càng to lớn bội phần. Bởi lẽ, người nông dân đã thuộc lòng giai thoại “nhiều gạo nhưng lại đói cơm” do gạo đầu ra vẫn thiếu chiến lược xuất khẩu.


Một mình VFA không thể đủ sức


Theo mô hình liên kết “bốn nhà” – nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu, nhà khoa học và nhà nông – VFA sẽ kết hợp cục Trồng trọt, và 13 sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tại 13 địa phương, để cùng xây dựng thành 13 vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, có quy mô lớn, từ 500 – 1.000 ha, thậm chí là lớn hơn.










Tại Việt Nam, việc xuất khẩu vẫn dựa theo yêu cầu của thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Nguyệt Hồng



Trong khi việc sản xuất, tạo nguồn cung xuất khẩu lúa gạo tại nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ đều dựa theo nghiên cứu thị trường và nhu cầu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, thì tại Việt Nam, việc xuất khẩu vẫn dựa theo yêu cầu của thủ tướng Chính phủ. Đại diện xuất khẩu lúa gạo Việt Nam vẫn chỉ là VFA. Nếu “hệ thống chân rết” của VFA đủ dài để mua lúa trực tiếp từ nông dân rồi xử lý, xuất khẩu thì đây là chuyện chưa hẳn là không hay. Bởi lẽ khi đó, lợi nhuận của nông dân sẽ cao hơn, do không phải phụ thuộc vào nhiều tầng thương lái. Chất lượng lúa gạo xuất khẩu cũng không bị pha tạp, giúp thương hiệu gạo được đảm bảo, giá trị xuất khẩu vì đó cũng cao hơn.


Thực tế một mình VFA lại chưa đủ sức. VFA phải dựa vào “nhiều tầng” thương lái – “nút thắt” trong hệ thống “bốn nhà” – khiến chất lượng gạo giảm đi do “qua nhiều tay xào chẻ”. Song song đó, giá cả lúa gạo người nông dân bán ra cũng thấp hơn, do lợi nhuận rơi vào tay bộ phận trung gian vốn không nên có này.


Kinh nghiệm từ nhiều nước như Philippines, Ấn Độ cũng cho thấy những hạn chế của ngành xuất khẩu gạo khi chỉ dựa vào quá ít cửa đầu ra. Chính phủ không thể đủ thời gian, sức lực để xuống từng cánh đồng. Đồng thời Chính phủ cũng không rành thị trường hơn các doanh nghiệp trực tiếp “chiến đấu” trên thương trường quốc tế. Đó là lý do tại sao những quốc gia này đều lần lượt tư nhân hoá mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu lúa gạo. Cũng nhờ đó, doanh nghiệp nội địa của các nước này có sân tập, và xuất hiện các doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, không những “kham việc không hết, kém hiệu quả”, VFA dường như cũng “chiếm” luôn quyền mở rộng và phát triển của không ít các doanh nghiệp có tham vọng mở rộng chuỗi kinh doanh sang nhiều nước khác.


Đừng đưa ra cam kết “huề vốn”


Trước thềm 2014 và mô hình “bốn nhà” tái khởi động, VFA đã đưa ra cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hoá trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường, tuy nhiên “giá thị trường” là bao nhiêu thì nông dân vẫn còn “hồi hộp”. Bởi lẽ, trong 11 tháng đầu năm 2013, “giá thị trường” trung bình của mỗi tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 14,53 USD, nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy với khoảng 7 triệu tấn xuất khẩu mà VFA dự báo, Việt Nam mất đi khoảng

102 triệu USD trong năm 2013.


Đặc biệt, giá thị trường lúa gạo thế giới được phân thành nhiều phân khúc khác nhau. Vậy nên, việc đảm bảo “theo giá thị trường” chung chung như VFA cam kết là chưa hợp lý. Nếu VFA mãi xác định giá thị trường lúa gạo Việt Nam nằm ở phân khúc giá rẻ, thậm chí rẻ hơn gạo cùng loại của Campuchia, Ấn Độ, và rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan như trong vài năm trở lại đây, thì những cam kết huề vốn ấy sẽ chỉ làm khổ nông dân. Điều này khác nào chuyện để người nông dân cầu trời cho giá gạo đừng rẻ thêm.









Không những “kham việc không hết, kém hiệu quả”, VFA dường như cũng “chiếm” luôn quyền mở rộng và phát triển của không ít các doanh nghiệp có tham vọng mở rộng chuỗi kinh doanh sang nhiều nước khác.



Dù cả Nhà nước đã hứa đảm bảo “mức lời tối thiểu 30%” cho nông dân, và VFA hứa “đảm bảo mua hết gạo với giá thị trường”, thì với cơ chế “một cửa” hiện nay, ngoài cái danh xuất khẩu nhất, nhì thế giới về lượng gạo, thì chưa có cơ sở nào đảm bảo lợi ích tối thiểu cho khoảng 70% dân số đang vất vả làm nông.

Cắt bớt ruộng lúa hoặc gọi thêm người


Vấn đề của Việt Nam không phải là “thiếu gạo”, mà là “thiếu tiền” cho người nông dân vốn chiếm tỷ lệ cao trong 90 triệu dân Việt Nam. Thậm chí, phát biểu trước báo chí, nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã mạnh dạn đề xuất trong 7,7 triệu ha đất gieo trồng lúa, nên giữ lại 5,7 triệu ha gieo trồng lúa, còn 2 triệu ha còn lại chuyển sang cây trồng khác, ví dụ như ngô (bắp) để phát triển chăn nuôi.


Như vậy, nếu Nhà nước xác định VFA là “cốt lõi” và chủ đạo trong chuỗi cung ứng gạo, thì hãy khoanh vùng lại vừa sức cho mô hình này. Hãy mạnh dạn tính toán khả năng đảm bảo cung ứng và dự trữ lương thực nội địa để quy hoạch lượng ruộng lúa tương ứng. Đồng thời kết hợp bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, ứng dụng loại cây “khác lúa” có thể mang lại hiệu quả hơn cho nông dân như nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn gợi ý. Khi đó, với lượng lúa gạo xuất khẩu không nhiều, việc của VFA là đánh bóng hình ảnh lẫn giá trị bán ra, mang lại lợi nhuận thuyết phục cho nông dân. Tất nhiên, chúng ta phải chấp nhận không còn là cường quốc nhất nhì về xuất khẩu gạo về lượng.


Hoặc nếu Việt Nam vẫn giữ tham vọng gạo xuất khẩu “mạnh về lượng, cao về giá trị” thì VFA phải tính đến việc “tập trung” chức năng quản lý. Một mình VFA thì khó có thể kham hết các việc từ khâu cung cấp giống lúa, hỗ trợ sản xuất, đến khâu tổ chức hệ thống thương lái, làm thương hiệu cho gạo xuất khẩu. Trong khi nếu việc này được chia sẻ về cho các doanh nghiệp tư nhân, thì những cánh đồng lớn sẽ được theo sát hơn, và chiến lược xuất khẩu cũng sẽ linh hoạt, đa dạng hơn theo chính sách của từng doanh nghiệp, từng vùng. Khi đó, VFA không phải đứng ra “hứa với dân”, mà là đơn vị trực tiếp giám sát, đảm bảo những lời hứa của các doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân về giá cả, lợi nhuận. Đây cũng là dịp cho các doanh nghiệp nội địa luyện tập, phát triển

quy mô và uy tín ra thị trường quốc tế.


Một nguyên tắc chung khi cải cách nông nghiệp là trước mọi khó khăn và khúc mắc, lợi ích nông dân phải được đưa ra làm cơ sở dẫn dắt mọi chính sách chung. Vậy thì, Chính phủ hoặc phải thu nhỏ ruộng lúa để tập trung chuyển đổi cây trồng, hoặc phải mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp tư nhân vào hỗ trợ.


Thắng Nguyễn






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ