Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Luật gia Lê Hiếu Đằng qua đời

Luật gia Lê Hiếu Đằng qua đời

Luật gia Lê Hiếu Đằng qua đời


SGTT.VN - Luật gia Lê Hiếu Đằng sinh ngày 6.1. 1944, đã từ trần vào lúc 22 giờ ngày 22.1.2014 (nhằm ngày 22 tháng chạp, năm Quý Tỵ) tại Bệnh viện 115, TP.HCM.










Ông Lê Hiếu Đằng



Sinh thời, ông từng là Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Nguyên Tổng thư kí Uỷ ban Nhân dân cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.


Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, từng học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa Sài Gòn, thành viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975.


Vào lúc 9 giờ sáng nay (23.1), tại 366 Trần Phú (Trung tâm Pháp y), gia đình và người thân, đồng chí, đồng đội của ông đã cử hành lễ nhập quan. Sau đó di hài của ông được đưa về quàn tại chùa Xá Lợi, quận 3, TP.HCM.


Lễ động quan sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng ngày 26 tháng 1 năm 2014 và đưa đi hoả thiêu tại Bình Hưng Hoà. Gia đình ông cho biết tro cốt của ông sẽ được rải trên sông Sài Gòn.


Ngân Hà






Trung Quốc rót 427 triệu USD vào Campuchia năm 2013

Trung Quốc rót 427 triệu USD vào Campuchia năm 2013
Trung Quốc rót 427 triệu USD vào Campuchia năm 2013

SGTT.VN - Theo báo cáo của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), nước này đã thu hút 427 triệu USD đầu tư từ Trung Quốc năm 2013, tăng 62% so với năm 2012.


Tính chung trong giai đoạn 1994-2013 tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã đạt 9,6 tỉ USD, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như ngành công nghiệp may mặc, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, khai thác mỏ, bất động sản, vận tải và viễn thông.


Tân Hoa Xã dẫn lời ông Ok Boung, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia cho biết nguồn vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế và công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Campuchia.


Ông cho biết thêm: "Mối quan hệ giữa hai chính phủ đã khuyến khích nhiều các nhà đầu tư Trung Quốc sang Campuchia."


Bên cạnh đó, Campuchia được hưởng Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập(GSP) từ châu Âu, Canada, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, vì vậy hàng hóa từ Campuchia xuất khẩu sang các nước này có thể được giảm thuế hoặc thuế nhập khẩu bằng không.


Đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc sang Campuchia.


Tuy nhiên, ông Ok Boung cho biết trong tương lai các nhà đầu tư Trung Quốc nên tập trung đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến thực phẩm để Campuchia tăng cường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc của nước này vào thực phẩm nhập khẩu.


Theo ông Kim Savuth, Chủ tịch Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Campuchia, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia sẽ tăng mạnh hơn nữa trong tương lai vì người Trung Quốc thích kinh doanh ở Campuchia - quốc gia mà nhiều người có thể nói tiếng Trung và xuất thân từ Trung Quốc.


TTXVN






Như hai mảnh sọ tìm nhau

Như hai mảnh sọ tìm nhau

LTS. Tháng 7.2012, hoạ sĩ Nguyễn Kim Hoàng (nghệ danh Himiko) bị tai nạn giao thông, giập não, hôn mê nửa tháng mới tỉnh. Bài báo viết về cô sau đó gọi việc trở về từ cõi mê của cô là Tác phẩm độc đáo nhất của Himiko (Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 12.9.2012). Giờ đây, chính cô đã có thể tự viết về hành trình kỳ diệu của mình.











Trời kêu không dạ


Như hai mảnh sọ tìm nhau


SGTT.VN - Tôi gặp tai nạn giao thông ngay thời điểm tác phẩm tôi bắt đầu được chú ý sưu tập với giá tốt so với người cùng thế hệ, trả được nợ ba lần thay đổi địa điểm của không gian nghệ thuật gầy dựng trong năm năm. Ánh sáng lạc quan trên con đường nghệ thuật bắt đầu hiện ra thì tôi bị nạn.










“Tôi vượt qua được chấn động tâm lý nhờ sự có mặt của người thân và những người bạn”.



Tôi mê man chừng nửa tháng. Thực ra tiềm thức tôi không ngừng hoạt động lâu đến vậy, tôi mơ một cuộc đi chơi, về những mộng tưởng như người-đã-yêu giấu gia đình trốn học ở nước ngoài về trực suốt trong bệnh viện thì thầm bên tai. Nhưng rồi, như trong những bộ phim, tôi xốc nổi đòi chia tay, bởi nghĩ mình không thể về như cũ. Nhân duyên ấy chỉ vừa bắt đầu, bên nhau chưa trọn tuần, trước một tôi hoàn toàn khác biệt, người cũng không thể vượt qua, đã rời đi trước khi mảnh sọ tôi trở lại. Khỏi phải nói, giai đoạn đó tôi xuống dốc như thế nào. Tôi vừa nhìn thấy phép mầu, từ chối bước qua vùng sáng để quay trở lại cõi người, nếu không xảy ra chuyện-thường-tình-đó, thì sẽ là đoạn kết đẹp như phim và cõi nhân gian đã được góp thêm một chuyện thần kỳ.


Tôi vượt qua được chấn động tâm lý nhờ sự có mặt của người thân và những người bạn. Cô bác sĩ gây mê hồi sức cùng ở trọ từ mươi năm trước và mất liên lạc, đọc thấy tin tôi bị tai nạn, điều trị ở nơi cô công tác. Dù nghỉ phép nhưng cô đã tận tình theo dõi, góp ý kịp thời khi gia đình hoang mang, muốn đưa tôi sang Singapore chữa trị. Nhóm bạn học thời tuổi trẻ và những bạn trên không gian ảo cũng dành tâm đóng góp một phần. Bác sĩ, y tá nhiệt tình, nhẹ nhàng giải thích, lắng nghe nỗi sợ đau trẻ nít của tôi.


Sau mổ, biến chứng bắt đầu bộc lộ rõ, những biểu hiện trẻ con thường thấy ở người bị chấn thương não sau hồi phục là dễ khóc và khóc to. Một chị dạy yoga tình nguyện đến giúp, dạy tôi cân bằng hơi thở và cách truyền đi những năng lượng tốt bằng những suy nghĩ tích cực. Chị mời thầy đến trực tiếp hướng dẫn chị cách day ấn huyệt. Thầy là người khiếm thị, được cha là một lương y truyền lại những bài thuốc và phương pháp chữa trị tập trung vào sự cảm nhận của chính đôi tai và tay. Thầy đã chữa thành công những ca khó như tai biến và trẻ em bại não. Nhờ sự hướng dẫn của thầy, chị có phương pháp day ấn hiệu quả hơn.


Âm sắc của giọng nói tôi dần trở lại với đúng tuổi sinh học. Hơn hết là nỗi sợ rằng mình sẽ trở nên cay nghiệt hơn vì giập não phải – phần chi phối tình cảm – đã không xảy ra. Những bất cần khi xưa đã ít nhiều giảm bớt. Chị gởi cho tôi xem nhiều đường dẫn các bài viết hay trên mạng, giúp tôi cân bằng tâm trí. Như bài viết của tiến sĩ Jill Bolte Taylor, nói về sự trải nghiệm của bản thân khi não trái bị tai biến đã trở về như trẻ nhỏ, phải học lại mọi thứ từ đầu…, rằng người gặp tai biến thường thua cuộc do người thân họ không thấu hiểu để có thể kiên nhẫn dịu dàng, mau nản lòng, bỏ cuộc.


Tôi bắt đầu hiểu hơn về điều mình đang trải, không còn tự trách đã xốc nổi đánh mất phép-mầu-của-tình-yêu. Xoa dịu mảnh sọ những ngày nằm lạc loài lạnh lẽo, như lời khuyên của người lương y sau khi châm cứu cơ mặt đã lăn xoay con trỏ massage nhẹ nhàng ngay ranh giới vùng sọ bị cắt, rằng phải yêu thương xoa dịu nó. Thời điểm bác sĩ trực tiếp ca phẫu thuật cũng đã nói vẫn có khả năng hai mảng sọ lạc nhau lâu ngày từ chối, không chấp nhận nhau.


Tôi vẫn lưu những dòng chữ người ấy ghi chi tiết từng ngày diễn ra để khi tỉnh lại tôi không mất đi ký ức. Dẫu thế nào, nỗi ơn người vẫn là điều tôi gìn giữ. Ghi chép về sự lo lắng của người thân, những kêu gọi hướng về tôi của bạn bè trên thế giới ảo giúp tôi nhận ra rằng việc quay trở lại cõi người là một nhân duyên lớn. Tôi không còn thốt ra nghĩ suy dại dột rằng tôi muốn rời đi trong thời khắc hạnh phúc nhất, không hay biết về điều đau đớn… Tình người giúp tôi nhận ra tai nạn này là một trải nghiệm quý báu mà không phải ai cũng được kiểm chứng, về mối quan hệ giữa người và người, tình thân, những nguồn sáng trong suy nghĩ có thể chuyển hoá thành năng lượng tốt và truyền đi…


Nhìn lại tuổi trẻ của mình cũng có lúc bi quan cùng cực, cũng vài khi ủ rũ bâng quơ, cũng nhiều khi háo hức dấn bước lang thang... tôi thực sự muốn mình có thể chia sẻ, lắng nghe, như lời dặn của một nhân duyên, “đừng làm tổn thương tuổi trẻ”. Vì biết, hiếm ai có thể thành công khi đơn độc hay tuyên bố mình chẳng cần đến con người. Nhưng giờ trước mặt tôi nào chỉ là đường dài, mà là đoạn dốc cao, và tôi, đang bò lên lại từ đầu.


Vài người nói tôi đang trải thử thách khắc nghiệt ở chốn nhân gian. Giờ thành công hay thất bại là nhân duyên tôi lựa chọn, là tâm thế bước đi trong cõi người này.


Himiko Nguyễn – ảnh nhân vật cung cấp









Sau điều trị giập não sẽ có thay đổi tâm tính


TS.BS Huỳnh Lê Phương, phó trưởng khoa ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, với mỗi ca giập não điều quan trọng nhất là xem não có tụ máu không. Có trường hợp bỏ qua tụ máu mà không phẫu thuật dẫn đến phù não, xuất huyết não. Với mỗi ca giập não, bác sĩ sẽ xem xét cụ thể để quyết định hướng điều trị. Sau quá trình điều trị tai nạn giập não, người bệnh ít nhiều có những thay đổi về tâm tính, cảm xúc chứ nói thay đổi cả giọng (Bắc thành Nam hoặc ngược lại) thì không có cơ sở. Với mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng điều trị, tập luyện. Không nhất thiết trường hợp nào cũng cần tập luyện. Hoặc có trường hợp tập luyện với bài tập, nhưng có trường hợp tập luyện bằng môi trường, bằng tình cảm…


Lệ Hà







Khi bóng bay thành nguồn cháy nổ

Khi bóng bay thành nguồn cháy nổ

Khi bóng bay thành nguồn cháy nổ


SGTT.VN - Những chùm bóng bay sặc sỡ bán dạo trên đường là hình ảnh quen thuộc vào dịp lễ tết. Tuy nhiên, những chùm bóng này cũng nguy hiểm khôn lường khi liên tiếp gần đây, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã cấp cứu khoảng 20 trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay.










Nếu được bơm bằng hydro, bóng bay rất dễ cháy nổ. Ảnh: Nick Mayo


Mất tết, hoãn cưới vì bóng bay


Đang điều trị tại khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn, anh Phan Minh Đức, 39 tuổi, ngụ ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết trưa 16.1, gia đình anh đi dự lễ cưới tại một nhà hàng. Khi về, các con và cháu anh Đức cầm theo chùm bóng bay trang trí tại đám cưới. Thấy bọn trẻ muốn chia bóng, anh Đức lấy bật lửa đốt đoạn dây buộc thắt nút thì cả chùm bóng gần 30 quả bất ngờ phát nổ. Do đứng gần chùm bóng, anh Đức và hai con 11 tuổi và 15 tuổi, cùng người cháu chín tuổi bị lửa bén vào quần áo, làm bỏng ở mặt, cổ, tai và hai bàn tay phải đi cấp cứu. Sau anh Đức một ngày, bệnh viện tiếp nhận ba trường hợp khác bị nạn khi đang chụp ảnh cưới với bóng bay. Theo hồ sơ bệnh án, trong lúc cô dâu tạo dáng với chùm bóng bay thì chùm bóng phát nổ khiến hai nhân viên chụp ảnh bỏng nặng, cô dâu bỏng nhẹ ở mặt, phải hoãn đám cưới.


ThS.BS Nguyễn Thống, trưởng khoa bỏng bệnh viện Xanh Pôn cho biết những tai nạn do bóng bay như trên không hiếm gặp. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục trường hợp, chủ yếu vào những thời điểm bóng bay được sử dụng nhiều như lễ tết, đám cưới… “Bóng bay thường được bơm khí hydro (hoặc acetylene) là những chất khí rất dễ cháy. Khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm bể bóng, khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo, gây thương tích cho những người đứng gần.


Khí hydro khi cháy nổ, nhiệt độ còn cao hơn là cháy gas, nên rất nguy hiểm. Bỏng do nổ bóng bay có bơm khí hydro có đặc điểm là lửa chờm nhẹ, bốc nhanh, song điều nguy hiểm là bỏng thường rơi vào chỗ hiểm như đầu, mặt, cổ, tai, hai bàn tay và nhiều người bị cùng lúc. Nạn nhân thường không bị bỏng sâu, bỏng nặng như bỏng xăng, lửa nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ, có thể để lại di chứng lâu dài. Nếu lúc bóng nổ, nạn nhân vô tình hít nhiều khí hydro, có thể sẽ bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong”, BS Thống cảnh báo.


Chơi sao cho an toàn?


Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Sơn, viện Khoa học vật liệu Việt Nam, hydro là chất khí dễ bốc cháy, có phản ứng cực mạnh với clo và flo, tạo thành các axit hydrohalic, có thể gây tổn thương cho phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Trộn với oxy, hydro nổ khi bắt lửa, hoặc hydro nổ khi có dòng điện đi qua, tốc độ cháy của hydro là 3.500m/s, nhiệt độ 3.100 độ C. Do cấu trúc phân tử bé nên hydro phát tán cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Nếu người dùng chủ quan để bóng bay bơm bằng khí hydro sát bóng đèn, bóng cũng có thể phát nổ. Không phải bóng nào cũng dễ xảy ra cháy nổ. Các loại bóng không bay bơm không khí thì không thể cháy, chỉ nổ khi có tác dụng của ngoại lực. Đáng lo là người dân quen sử dụng bóng bay bơm khí hydro hơn trong các dịp lễ, tiệc… Ở những cuộc vui đó, chỉ cần có tia lửa như hút thuốc, dòng điện đi qua là bóng có thể cháy nổ. Ngay cả khi thả bóng bay lên trời trúng vào các dây điện cao thế, hoặc vô tình mang vào bếp cũng có thể gây cháy nổ. PGS Sơn cho biết: “Hiện việc quản lý và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các đối tượng điều chế hydro theo phương pháp thủ công như bơm bóng bay chưa chặt chẽ.


Hầu hết các bình, chai khí ngoài thị trường đều không được kiểm định, thậm chí có người sử dụng loại bình không chịu được áp lực, bình cũ để bơm khí nén, tiềm ẩn nguy cơ gây nổ. Người dân khi thấy các loại bình khí này không nên lại gần”. Cũng theo PGS Sơn, dung dịch màu dùng để tạo màu sắc cho những quả bóng bay là màu công nghiệp, phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc. “Tránh cho trẻ ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp bóng bay”, PGS Sơn lưu ý.


Theo BS Thống, trẻ nhỏ là đối tượng bị bỏng do bóng bay nhiều nhất nên khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần để ý. “Nếu bị bỏng do bóng bay phát nổ, cần sơ cấp cứu ban đầu như bỏng nhiệt, bị bỏng ở phần nào thì cho ngâm vào nước sạch phần đó và đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị. Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng…”, BS Thống khuyến cáo.


Lê Hương – Vi Thoại






Dạy chữ cho máy tính

Dạy chữ cho máy tính

Dạy chữ cho máy tính


SGTT.VN - Hẳn đã có đôi lần bạn thắc mắc vì sao khi lên mạng tìm kiếm lại có được những kết quả với độ chính xác cao, hay dịch văn bản bằng máy lại có thể cho ra những câu dịch hay đến vậy... Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Phương Thái, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, đại học Công nghệ (đại học Quốc gia Hà Nội) để tìm câu trả lời.










Sẽ có ngày máy tính thay người làm thông ngôn? Ảnh: Thu Vân



Anh có thể giới thiệu vài thông tin về công việc nghiên cứu ngôn ngữ học máy tính?


Tôi nghiên cứu làm sao để máy tính giải quyết được các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ giống như con người. Ví dụ như khả năng đọc văn bản, nghe được, phân tích được câu, khả năng tìm lỗi chính tả tự động, từ điển máy tính, hoặc hỗ trợ tìm kiếm thông tin... Những công việc, khả năng này con người vẫn làm, tuy nhiên làm sao máy tính cũng làm được để hỗ trợ con người tốt hơn và nhanh hơn, là nhiệm vụ của ngành ngôn ngữ học máy tính.


Ngành ngôn ngữ học máy tính được quan tâm thực sự cách đây 50 – 60 năm. Đến bây giờ vẫn còn nhiều vấn đề để mở. Con người đang làm cho máy thông minh dần lên, nhưng tính toán vẫn thiên về cơ học. Các hệ tìm kiếm như của Google cho ra kết quả ngày càng chính xác, nhưng thực ra máy không hiểu nghĩa của văn bản, mà nó dựa trên lượng lưu trữ khổng lồ từ các văn bản, và nó tìm kiếm theo từ khoá.


Nhiều người lo ngại nếu có một cỗ máy xử lý ngôn ngữ hoàn hảo, vai trò của các nhà ngôn ngữ học sẽ mờ nhạt dần. Anh nghĩ thế nào?


Cách đây 20 năm, để máy tính dịch tự động thì vai trò của nhà ngôn ngữ rất quan trọng. Bởi lúc đó họ sẽ xây dựng (dạy máy) các quy tắc cú pháp, quy tắc dịch: với mẫu câu này thì dịch kiểu này, còn với mẫu câu kia thì dịch kiểu khác... Nhưng từ năm 1990, người ta thay đổi cách tiếp cận bằng lối thống kê, tức là: nếu tôi có một tập văn bản lớn đã được dịch, thì người ta sẽ nghĩ ra cách để máy có thể “học” cách dịch từ các tập văn bản song ngữ đó bằng cách gióng hàng với nhau. Máy sẽ học để biết từ nào sẽ dịch ra từ nào, cụm từ nào ứng với cụm từ nào, thậm chí máy học được các quy tắc đảo thứ tự, trật tự từ... Tất nhiên sự chính xác ở mức tương đối, tuy nhiên việc này mở ra khả năng rất lớn cho việc cải thiện chất lượng dịch, và lúc đó vai trò của nhà ngôn ngữ trong việc xây dựng chương trình dịch tự động giảm nhiều. Về nguyên tắc người ta có thể xây dựng các chương trình dịch tự động cho máy mà không cần vai trò của các nhà ngôn ngữ, chỉ cần máy có đủ dữ liệu các tập văn bản song ngữ.


Dù rằng, chẳng dễ dàng gì để có các tập văn bản song ngữ này, và thường phải cần đến những người có năng lực về ngôn ngữ tốt để chỉnh lại các văn bản đó cho chuẩn.










TS Nguyễn Phương Thái.



Có khi nào máy thay thế được con người trong vai trò một thông ngôn?


Điều đó chỉ có trong mơ ước nhiều hơn.


Có những phần dịch mang tính kỹ thuật, không mang tính biến hoá, thì có thể. Nhưng những phần dịch trong lĩnh vực ngoại giao chẳng hạn, máy sẽ khó mà dịch được chính xác.


Công trình nghiên cứu nào về ngôn ngữ cho máy tính mà anh từng tham gia, đến nay anh vẫn thấy thú vị và hữu ích?


Tôi từng nghiên cứu đề tài “Xây dựng ngân hàng câu tiếng Việt được gắn nhãn cú pháp”. Để thực hiện đề tài này, chúng tôi phải thu thập vài chục ngàn câu từ nhiều nguồn, sau đó các nhà ngôn ngữ sẽ gắn nhãn cú pháp cho từng câu: đâu là danh từ, đâu là động từ, đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ... Ngân hàng này sẽ được dùng để dạy cho máy tính phân tích cú pháp câu một cách tự động.


Đối với vai trò cú pháp trong một bài toán dịch thì nó có ý nghĩa liên quan đến sự đúng đắn về cú pháp của câu dịch. Công trình của tôi liên quan đến việc giải quyết bài toán này.


Theo anh vì sao các công cụ dịch trong nước chưa có dấu ấn đáng kể?


Thực tế, các công ty của Việt Nam thường thiên về sản xuất các sản phẩm dành cho desktop: người dùng phải mua về cài đặt, và mỗi người chỉ được cài trên máy của mình, máy nào chỉ biết máy đấy, người dùng hạn chế trong việc góp ý kiến, do đó không thu thập được trí tuệ của một lượng lớn người dùng. Bây giờ có xu hướng chuyển lên web (trực tuyến) nhưng nền tảng tính toán còn kém. Cách dịch của Google là học từ dữ liệu song ngữ mà người khác đã dịch sẵn. Họ có lợi thế vì có lượng người dùng khổng lồ. Bản thân họ có nhiều trung tâm tính toán, mỗi trung tâm có hàng chục ngàn máy chủ hoạt động suốt ngày đêm, do đó có thể phục vụ nhiều người với tốc độ cực cao.


Anh có nghĩ rằng, sự thông minh của máy sẽ cải thiện nhờ những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ máy đang được triển khai?


Thực tế hiện nay cho thấy, đối với tiếng Việt thì khả năng phân tích của máy đạt tầm chính xác k hoảng 80%. Tôi đang làm một số đề tài liên quan đến xử lý ngôn ngữ, trong đấy có xây dựng một mạng các từ tiếng Việt, trong đó các từ có quan hệ ngữ nghĩa với nhau, quan hệ đồng nghĩa, trái nghĩa...


Nói chung bây giờ do sự phát triển của máy tính và internet cho nên bên mình nảy sinh nhiều bài toán mới và thú vị hơn.


Chúng ta có thể “dạy” cho máy nhận biết được cảm xúc?


Đó là điều các nhà khoa học đang nghiên cứu. Ở đại học Công nghệ cũng đang có một số nhà khoa học nghiên cứu về đề tài này: dựa vào hình ảnh hay video về khuôn mặt người, máy tính có thể phân tích sự thay đổi trên khuôn mặt như nhíu mày, cử động của miệng... để đoán ra cảm xúc. Tuy nhiên, cần khá nhiều thời gian để các ứng dụng kiểu này đến với số đông người dùng.


Như vậy, chuyện con người dạy cho máy tính ngày càng thông minh hơn là khả thi?


Tất nhiên là nó không thông minh theo kiểu bản năng, tức là có năng lực tự học như con người. Tuy nhiên trong những việc con người làm thì máy tính cũng làm được ở một mức độ nào đấy. Và đằng sau đấy cũng rất nhiều tri thức. Ví dụ để máy tính đánh thắng được một ván cờ với một người chơi chuyên nghiệp, đằng sau máy tính đó phải có rất nhiều chuyên gia trang bị cho máy tri thức về các nước đi đã có.


Anh có nghĩ ngành nghiên cứu về ngôn ngữ học máy tính sẽ có triển vọng cho giới trẻ?


Mình tin đây là một mảng công nghệ có tính hiện đại và hấp dẫn. Tất nhiên là những công nghệ hiện đại như thế này không phải là lĩnh vực có thể thu hút được quá nhiều người, nhưng nó hoàn toàn đủ sức hấp dẫn những ai quan tâm với câu hỏi: Làm sao máy tính hiểu được tiếng Việt?


Lê Ngọc Sơn (thực hiện)






Phạm Quỳnh và du ký

Phạm Quỳnh và du ký

Phạm Quỳnh và du ký


SGTT.VN - Xưa kia mặc dù có câu ca dao “Đi cho biết đó biết đây…” nhưng người dân quê ngại xê dịch, ngại thay đổi, ngại ngăn núi cách sông, lại nữa là thiếu thốn phương tiện đi lại. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nước ta bị cuốn vào vòng quay của thế giới, con người bị thúc bách phải đi, đi rồi lại thấy thúc bách phải viết ra những điều mắt thấy tai nghe cho người trong nước đọc. Ông chủ bút Nam Phong chắc đã có cái sở nguyện ấy nên mới mở ra đề mục “du ký” trên tờ tạp chí của mình.











Việc bác học của kẻ đi chơi


Phạm Quỳnh viết du ký có chủ đích, có phương pháp hẳn hoi. Đó là không phải làm văn, không muốn “khoe với ai cái văn chương xốc nổi”, mà chỉ muốn “đem lời thành thực mà giãi bày bàn bạc cùng quốc dân, hoặc trong lòng nhiệt thành có người cảm, lời bàn ngay có kẻ nghe, ấy là mãn nguyện vậy”. Trong cùng một năm 1919 ông đến Huế mười ngày, sau đó vào Nam Kỳ một tháng. Từ hai nơi về ông đều có hai bài viết công phu, kỹ lưỡng. Nhưng ông phân biệt tính cách hai cuộc du lịch khác nhau. Ở Huế là “đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ, chạnh những nông nổi cố hương”. Ở Nam Kỳ là “một nơi đất mới, mới đủ đường: địa chất, lịch sử, văn hoá đều là mới cả; người ta đương hăm hở về đường tiến thủ, muốn bước cho chóng, lên cho mau, chưa từng bận lòng đến những nỗi thương cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn”. Do hai chuyến đi khác nhau như thế nên “lời kỹ thuật tất cũng không in một giọng, đó là một lẽ tự nhiên, không lấy gì làm lạ”. Lại nữa, khi đi chơi Lạng Sơn, Cao Bằng về, trong bài viết ông lại có dịp trình bày quan niệm của mình. Thứ nhất, không cứ phải đi Tây đi Tàu mới gọi là đi “du lịch” rồi về viết “du ký”, mà đi trong nước nơi gần nơi xa cũng về viết được. Thứ hai, viết du ký nhà văn thường có lắm khoé khôn ngoan, đi ít nhưng viết ra nhiều là do lấy sách vở bù vào, nhưng ông không làm vậy. Phạm Quỳnh phân biệt văn du ký và văn khảo cứu: “Văn kỷ sự là cứ sự thực mà thuật lại, cốt lấy tự nhiên giản dị, ngoài sự thực có thể điểm chút cảm tưởng riêng, cũng là do sự thực mà phát ra, càng có cái vẻ thật thà mới mẻ lại càng hay, bất tất phải bàng sư bác tập, điển cố xa xôi làm gì. Văn khảo cứu thời là cóp nhặt các sách vở, so sánh các tài liệu, tra tìm phải cho rộng, dẫn chứng phải cho nhiều, chứng cứ càng nhiều, khảo sát càng kỹ, lại càng có giá trị; đó là việc của nhà bác học, không phải việc của kẻ đi chơi (tôi nhấn mạnh – PXN)”.


Và viết du ký, cũng như ở mọi bài viết thuộc các thể tài khác của mình, Phạm Quỳnh đều nghĩ tới sự tiến bộ, phát triển của dân của nước. Kết thúc Một tháng ở Nam Kỳ, ông viết: “Tôi càng đi du lịch trong Nam Kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được”. Kết thúc Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng ông cũng nặng lòng với trách nhiệm của nhà văn ở đời là người gióng lên tiếng kêu cho mọi người nghe thấy đồng điệu mà đồng tình, đồng thanh mà đồng cảm. Tinh thần tự hào trước vẻ đẹp non sông đất nước, cùng với khát vọng thức tỉnh, thúc giục đồng bào trong nước tiến lên cho bằng người thấy ở Phạm Quỳnh cũng là tinh thần chung của các tác giả viết du ký trên Nam Phong. Đọc ông càng thấy kinh ngạc trước sức đi sức viết và sức nghĩ của một con người tưởng chỉ là “tiên sinh kính trắng” ngồi ở phòng giấy.


Kho chữ chứng tích


Đóng góp của Phạm Quỳnh và các tác giả viết du ký trên Nam Phong không chỉ là kiến thức và tư liệu, mà còn là một lối viết văn theo hướng hiện đại, cố gắng gãy gọn, khúc triết và trong sáng để cải cách dần lối từ chương khoa cử của văn chương cũ. Về mặt đóng góp cho tiếng Việt và cho văn chương Việt bằng chữ quốc ngữ thì thể du ký đã phát huy tác dụng tích cực và có ảnh hưởng lớn. Bởi vì văn du ký là kể sự tả việc, là thống kê phân tích, là suy luận diễn dịch. Cảm xúc của người viết được diễn tả cũng phải bám theo sự, theo việc, tuân theo logic của thực tế những cái mắt thấy tai nghe. Lấy thí dụ như tác phẩm Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác. Đây là chuyện kể về hành trình từ trong nước sang Bangkok, đến Hương Cảng, qua Nhật Bản, về Trung Quốc. Nguyên văn bằng chữ Hán, tác giả tự dịch ra quốc ngữ.


Tác phẩm gần hai trăm trang sách này cố nhiên vẫn có những đoạn văn bóng bẩy, biền ngẫu là điều không tránh khỏi, nhưng đó chỉ là rơi rớt của lối từ chương cũ, cái chính là ở những chỗ mô tả, trình bày về xã hội các nước mà tác giả đã đi qua. Văn đó đọc đến bây giờ vẫn mới.


Tập du ký của Phạm Quỳnh, cũng như bộ du ký của các tác giả khác đã từng in trên tạp chí Nam Phong, là một kho tư liệu quý, một chứng tích của thời gian. Chỉ mới non một thế kỷ nhưng do chiến tranh, thiên tai và nhân tai, nhiều di tích thắng cảnh đã phai mòn đổ vỡ, nhiều phong tục tập quán đã biến dạng, nay nhờ đọc lại những trang sách này người đọc còn thấy lại được, còn biết là có, biết nó khi xưa khi trước thế nào. Đọc để còn ngấm giọng văn kể văn tả văn cảm của thời đó, để nhận vào mình những suy tư gửi gắm của người viết. Đây là một cuốn sách và bộ sách giá trị, một công tích thực hiện của người biên soạn và nhà xuất bản. Ngoài giá trị tự thân, nó còn góp phần quan trọng cho việc đánh giá lại vai trò của Phạm Quỳnh và Nam Phong đối với tiến trình văn hoá xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20.


Phạm Xuân Nguyên









Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký sưu tập các bài viết của học giả Phạm Quỳnh thuộc thể tài du ký trên Nam Phong tạp chí qua suốt 17 năm tồn tại (1917 – 1934), nhà xuất bản Tri Thức ấn hành 1.2014.







Vé tàu tết: vẫn còn đất cho “cò”!

Vé tàu tết: vẫn còn đất cho “cò”!

Vé tàu tết: vẫn còn đất cho “cò”!


SGTT.VN - Ngay từ khi công bố kế hoạch bán vé tết, công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (gọi tắt là công ty đường sắt sài Gòn) đã khẳng định, đơn vị này sẽ không cho bất cứ hành khách nào mua vé qua “cò” mà vé không đúng tên, đúng số CMND ghi trên vé lên tàu. Ngày 20.1 xuất hiện hành khách có vé không đúng tên, không đúng số CMND và họ đã không được lên tàu.


Thế nhưng, trả lời trên phương tiện truyền thông, một lãnh đạo công ty Đường sắt Sài Gòn lại khuyến cáo: “Những hành khách đã lỡ mua vé qua “cò” hoặc vì một lý do nào đó lỡ mua vé không đúng với thông tin trên giấy tờ tuỳ thân của mình thì nên liên hệ sớm với ga Sài Gòn để giải quyết trả vé, đổi vé sớm để tránh thiệt hại”.


Trao đổi với phóng viên ngày 21.1, ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc ga Sài Gòn cho rằng: “Đã có sự hiểu lầm”!


Sao có thể lầm được, thưa ông?


Sáng nay tôi có gọi điện thoại cho anh Sang (tức ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc công ty Đường sắt Sài Gòn) hỏi về trả lời của anh Sang trên báo chí – cụ thể ở đây là báo Tuổi Trẻ – thì anh Sang cho hay, phóng viên đã hiểu chưa đúng nội dung câu trả lời của anh ấy.










Dịp tết là thời điểm “cò” vé tàu tấp nập hoạt động. Ảnh: zing.vn



Theo đó, ở đây tôi xin khẳng định lại ga Sài Gòn không hề nói một đằng làm một nẻo. Nghĩa là tất cả các hành khách mua vé qua cò mà không đúng tên, đúng số CMND đều không thể đổi hay trả vé lại được.


Riêng, các hành khách do đã mua vé rồi nhưng do bận công chuyện hay công tác đột xuất, muốn nhường lại vé cho anh em trong gia đình hay người cùng cơ quan đi, thì có thể ra ga Sài Gòn trước khi tàu chạy 10 tiếng đồng hồ để làm thủ tục chuyển đổi. Để chuyển đổi được hành khách phải chứng minh mình nhường vé đó là cho chính người thân (thông qua việc xem xét hộ khẩu) hay đồng nghiệp (thông qua xác nhận của cơ quan). Trong đó, nhường cho đồng nghiệp thì phải là vé tàu đăng ký mua tập thể chứ không phải là vé đơn lẻ.


Ở đây sẽ nảy sinh tình huống, bây giờ những người mua vé thông qua “cò” nhưng chưa đến ngày đi sẽ tìm “cò” để đòi lại tiền. Khi đó, ga có ưu tiên cho họ mua lại chính vé mà họ đã mua qua cò?


Vé được bán trên hệ thống, không ưu tiên cho ai cả. Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông là hành khách không nên mua vé thông qua “cò” (bởi trong cao điểm phục vụ tết từ 20.1 tất cả các vé đi từ ga Nha Trang trở ra đều phải đúng tên, đúng số CMND mới được lên tàu), nhưng hành khách vẫn cố tình thực hiện thì phải chịu.


Năm nay chúng tôi sẽ không nhân nhượng như năm trước, để quy định trên được thực thi một cách nghiêm minh.


Tôi nghĩ nếu hành khách có đủ bằng chứng chứng minh mình mua vé của “cò”, nhận biết được “cò” và kịp thời cơ quan chức năng (công an) can thiệp thì có thể thu hồi lại được tiền vé của mình.


Số lượng vé hành khách mua qua “cò” không đúng tên, số CMND trong hai ngày 20 và 21 có nhiều không thưa ông? So với năm ngoái nhiều hay ít hơn và đâu là nguyên nhân?


Trong hai ngày vừa qua, trung bình ở mỗi mác tàu xuất hiện từ 5 – 10 vé. Một ngày có 14 tàu chạy. Như vậy mỗi ngày khoảng gần 100 vé. Dựa trên con số này thì rõ ràng năm nay lượng vé hành khách mua qua “cò” ít hơn năm ngoái nhiều. Sở dĩ năm nay lượng vé hành khách mua qua “cò” ít là do, chúng tôi đã tổ chức bán vé trước tết gần bốn tháng (năm ngoái chỉ hai tháng) nên đã hạn chế được các đối tượng mua vé tàu để đầu cơ.


Đỗ Thông (thực hiện)






Chợ tết “sốt” giá, người sản xuất “rét run”!

Chợ tết “sốt” giá, người sản xuất “rét run”!

Chợ tết “sốt” giá, người sản xuất “rét run”!


SGTT.VN - Cận tết âm lịch, giá các mặt hàng tươi sống tại các chợ đều có xu hướng tăng, nhưng mức chênh lệch lại khá lớn so với giá người sản xuất bán ra. Do vậy, khi nhịp độ mua sắm tại các phiên chợ càng xôn xao về cuối năm thì người sản xuất lại bôn ba đủ cách để tìm đầu ra hoặc “ôm” lấy sản phẩm để... chờ tới ra giêng.










Dù là đặc sản, nhưng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng rớt giá trong mùa tiêu thụ mạnh.



Người trồng hàng bông… không ăn tết


Cùng kỳ này năm ngoái giá cải xà lách xoong tại rẫy trên 20.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại chợ khoảng 25.000 đồng/kg. Tết năm nay, giá mua tại rẫy có nơi chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại các chợ vẫn không dưới 12.000 đồng/kg. Người dân vùng chuyên canh xàlách xoong ở thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) đã chọn giải pháp thu hoạch dần, bán lẻ bên lề đường với giá 6.000 đồng/kg.


Cũng tại Vĩnh Long, vùng chuyên canh rau màu huyện Bình Tân năm nay eo xèo vì nhiều loại rau, củ, quả giảm giá bất ngờ ngoài dự đoán. Giá ớt tươi hồi đầu tháng 11.2013 ở mức trên 35.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn trên dưới 15.000 đồng/kg; giá hành lá trong năm 2013 có lúc lên tới 15.000 đồng/kg, nhưng mùa tết này có nơi chỉ còn 2.000 đồng/kg… Giá giảm thấp, nhưng nông dân trồng màu buộc phải bán vì rau màu với sản lượng lớn đã tới kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng màu ở xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) nói buồn: “Giá cả kiểu này thì nông dân trồng màu năm nay khỏi tính tới chuyện ăn tết”. Hành tím đặc sản vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa mới ở mức giá vô cùng hấp dẫn 25.000 – 27.000 đồng/kg hồi giữa tháng 11.2013, đã giảm dần tới rằm tháng chạp và nay rớt xuống còn dao động quanh mức 15.000 đồng/kg. Nhiều thương lái đã nắm lấy cơ hội giá rẻ này gom hàng, đưa đi các tỉnh lân cận bán với giá phổ biến 20.000 đồng/kg.


Trong khi giá nhiều loại hàng bông bán tại rẫy ở Chợ Mới (An Giang) đa phần đều đã giảm 10 – 20% so hồi tháng 12.2013, giá phân phối tại các chợ đã tăng tương ứng chỉ trong vòng một tuần gần đây. Ông Đinh Công Thượng, nông dân huyện Chợ Mới cho rằng, khâu lưu thông, phân phối đã “bắt bí” nông dân, vét túi người tiêu dùng để vun đắp cho lợi ích của riêng họ.


Tuy nhiên, về phía thương lái thì cho rằng, mùa tết tất cả chi phí: vận chuyển, bốc xếp… đều tăng nên lợi nhuận của họ chỉ ở mức dưới 10%.


Người chăn nuôi vỡ mộng


Giá heo hơi đang dao động quanh mức 50.000 đồng/kg, đã bất ngờ giảm xuống 45.000 – 46.000 đồng/kg trong vòng mười ngày nay. Trong khi đó, giá thịt heo tại các chợ không hề giảm mà có nơi còn tăng nhẹ. Mặc dù người tiêu dùng có thể chấp nhận được nhưng nhiều người chăn nuôi đã vỡ mộng với những dự đoán riêng. Ông Trần Văn Mười, người nuôi heo ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho rằng: “Thông thường, giá heo sẽ chỉ giảm hoặc sốt sau ngày 25 tết”. Theo ông Mười, tới thời điểm đó các lái buôn heo đã dự trữ đủ sản lượng heo tết nên lượng heo hơi thừa sẽ bị đánh rớt giá, ngược lại nếu nhu cầu thị trường lớn sẽ gây sốt giá vào giờ cuối. Tuy nhiên, giá heo vừa mới tăng trước đó và đang ở mức khá cao lại giảm ngay sau rằm tháng chạp là một diễn biến khá lạ của thị trường heo tết.


Cùng lúc này, giá tôm càng xanh cũng đang trên đà giảm, trong khi giá tôm trứng sinh sản ở mức bình quân 500.000 đồng/kg, thì giá tôm trứng sô chỉ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg. Tôm thịt mua sô (tôm sống) cũng giảm còn khoảng 200.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so cách nay hơn một tháng khiến người nuôi tôm thất vọng. Còn người nuôi cá lóc ở Trà Cú (Trà Vinh) – nơi có phong trào nuôi cá lóc theo mô hình công nghiệp phát triển mạnh cũng dở sống dở chết khi giá cá thương phẩm đã giảm gần 10.000 đồng/kg so với hồi tháng 11.2013. Ông Tăng Văn Nhường, người nuôi cá lóc ở ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Cú, Trà Vinh) cho biết: Tết năm ngoái cá lóc luôn ở mức 33.000 – 36.000 đồng/kg, người nuôi cá lóc ở Trà Cú trúng đậm thì tết Giáp Ngọ này giá cá đang trên đà giảm và hiện ở mức 26.000 – 27.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 3.000 – 4.000 đồng/kg. Chính vì vậy nhiều người nuôi cá lóc như ông Nhường đã sớm tính tới phương án chào bán cá cho các cơ sở sản xuất khô, nhưng vẫn không cải thiện được giá so với giá thu mua của lái phân phối cá tươi bán tại các chợ. Cùng đường, ông Nhường đã phải tiếp tục giữ cá trong ao, chạy thêm tiền thức ăn nuôi để chờ giá cá qua tết. Tuy nhiên, theo ông Nhường, hy vọng này cũng khá mong manh vì nhiều người khác cũng giữ lại cá để nuôi tiếp và vừa sau tết Nguyên đán đã là rằm tháng giêng, mùa có rất nhiều người ăn chay nên giá cá còn trông chờ vào sự may rủi.


bài và ảnh: Ngọc Tùng









Tết này, ông Trần Thanh Liêm, phường Bình Thuỷ (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) cho biết, chỉ chào thị trường tết khoảng hơn 200 cặp dưa hấu tạo hình các loại: dưa thỏi vàng, dưa hình hộp vuông… Trước đó, ông Liêm đã có đặt hàng trên 1.000 cặp dưa các loại, nhưng trong quá trình sản xuất gặp thời tiết không thuận lợi khiến tỷ lệ đạt quá thấp. Dù giá thành sản xuất tăng cao, nhưng ông Liêm cũng giữ mức giá bán sản phẩm “độc” của mình như tết năm ngoái: Dưa hình thỏi vàng (có chữ nổi tài – lộc hai bên hông), trọng lượng 0,9 – 2,2kg/trái, giá 3 – 3,5 triệu đồng/cặp, chỉ giao cho các đơn đặt hàng. Riêng mẫu dưa hình hộp vuông, trọng lượng 1,3 – 1,7kg/trái có giá bán thấp hơn, chỉ khoảng 1,3 – 1,7 triệu đồng/cặp.







Cánh buồm đỏ thắm

Cánh buồm đỏ thắm










Cánh buồm đỏ thắm


SGTT.VN - Aleksandr Grin là nhà văn Nga đại diện của chủ nghĩa tân lãng mạn.


Suốt đời sống trong bần hàn, nhất là trong những năm đầy biến động của cuộc nội chiến sau cách mạng Tháng Mười Nga, nhưng văn của Grin đầy lãng mạn, hầu hết tác phẩm lấy bối cảnh một xứ sở hư cấu không tên mang nhiều sắc thái châu Âu hoặc Mỹ Latinh (xứ sở này được giới hâm mộ gọi bằng cái tên trìu mến “Grinlandia”). Phần lớn tác phẩm của ông khai thác chủ đề biển cả (ông từng có thời làm thuỷ thủ), phiêu lưu, tình yêu. Cánh buồm đỏ thắm là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.


Trâm Anh






Xây nhà ga cao cấp cho các chuyến bay thương gia

Xây nhà ga cao cấp cho các chuyến bay thương gia

Xây nhà ga cao cấp cho các chuyến bay thương gia


SGTT.VN - Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo bộ Giao thông vận tải về phương án xây dựng một số nhà ga cao cấp dành riêng để phục vụ cho các chuyến bay thương gia đi và đến các cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam.


Theo lộ trình mà cục Hàng không vừa kiến nghị thì nếu được bộ Giao thông vận tải chấp thuận, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2015, nhà ga cao cấp đầu tiên sẽ được hoàn thành xây dựng tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tiếp đó, giai đoạn từ 2015 – 2020, cục này sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư tại các sân bay quốc tế khác là Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh…


Cụ thể, nhà ga cao cấp chuyên dùng cho các chuyến bay thương gia đầu tiên tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác sau 12 tháng xây dựng. Dự kiến kinh phí cho nhà ga này vào khoảng 1 triệu USD. Điều đáng chú ý là đơn vị đứng ra xây các nhà ga cao cấp này không phải là những cái tên quen thuộc của tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam mà là một công ty TNHH có trụ sở tại Hà Nội. Công ty này cho hay sẽ huy động tiền của doanh nghiệp, vốn vay, vốn hợp tác và thu phí dịch vụ để hoàn vốn, với thời gian dự kiến là sau 13 năm.


Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là một công ty đã được cấp phép trong hoạt động hàng không nhiều năm nay như từng được cục này cấp giấy chứng nhận đại diện cho các hãng hàng không nước ngoài như Skywings Airlines, Nord Wind, Orenburg… Ngoài ra, đây là công ty chiếm thị phần chính trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng không cho các chuyến bay thuê chuyến tại các cảng hàng không quốc tế lớn của Việt Nam từ hơn mười năm qua.


Cục Hàng không dẫn số liệu do nhà đầu tư này khảo sát cũng cho biết, có trên 80% khách thương gia, khách du lịch cao cấp có nhu cầu sử dụng dịch vụ nhà ga cao cấp riêng biệt. Từ đó, nhà đầu tư này dự báo rằng, tốc độ tăng trưởng của loại hình bay thuê chuyến và khách thương gia, khách du lịch cao cấp sử dụng dịch vụ này là rất tiềm năng. Trên cơ sở đó, cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất với việc phân chia giai đoạn đầu tư xây dựng loại hình nhà ga cao cấp này thành hai giai đoạn như trên và đề nghị bộ Giao thông vận tải sớm chấp thuận.


Chí Hiếu






Chuỗi ngày tăng điểm có bền?

Chuỗi ngày tăng điểm có bền?

Chứng khoán


Chuỗi ngày tăng điểm có bền?


SGTT.VN - Đến hôm qua (21.1), VN–Index tiếp tục tăng phiên thứ 13 liên tiếp, chốt phiên ở mức 559,9 điểm (1,13%). HNX–Index cũng tăng 1,46%, đạt 73,56 điểm. Sàn Hà Nội yếu hơn khi trong 13 phiên vừa qua, có ba phiên điều chỉnh giảm. Mặc dù được nhận định, thị trường có thể sẽ rung lắc, song chứng khoán vẫn đang chứng tỏ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.


Giải thích diễn biến khác biệt trên hai sàn, trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường, công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương (VCBS) Trần Minh Hoàng, cho biết, sự bứt phá của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, có sự đóng góp rất lớn của dòng vốn ngoại, khi giải ngân đều đặn vào thị trường từ tháng 11 đến nay, nhất là các mã blue-chip – chủ yếu trên sàn HoSE, như ITA, GAS, BVH, VIC…


Lực kéo từ khối ngoại


Động thái của khối ngoại đã cuốn các nhà đầu tư theo, dẫn tới việc thoái dần vốn khỏi những cổ phiếu nhỏ – chủ yếu trên sàn HNX, như HQC, PXM, VHG, FLC, PVL, IDJ... Thêm vào đó, một số mã cổ phiếu vừa và nhỏ đã có chuỗi ngày tăng giá trước đó, nhiều nhà đầu tư đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, nên bán ra, chốt lời, kết hợp nghỉ ngơi, chi tiêu trong dịp tết. Một số mã trên sàn HNX tăng điểm, đều là những mã được khối ngoại mua vào nhiều, như SHB, PVS, LAS, NBC…










Màu xanh hy vọng này kéo dài bao lâu? Ảnh: dantri.com.vn



Trong khi các nhà đầu tư trong nước thường có tâm lý chốt lời, nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ tết âm lịch, thì hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sôi động. Thống kê của Vietstock trong ba năm liên tiếp cho thấy, giai đoạn cuối năm âm lịch, hoạt động giao dịch của giới đầu tư trong nước thường sụt giảm, thanh khoản đi xuống, song hoạt động của khối ngoại vẫn diễn ra sôi động, là lực đỡ quan trọng cho thị trường. Chẳng hạn, hai tuần trước tết âm lịch năm 2011, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên giảm 19,7%, song khối ngoại vẫn mua ròng tới 1.007 tỉ đồng, giúp VN-Index tăng từ 495 điểm (17.1) lên 510,6 điểm (28.1). Tết âm lịch năm 2012, hai tuần trước tết, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên sụt giảm đến 28,3%, so với trung bình 52 tuần trước đó, song khối ngoại mua ròng 227,2 tỉ đồng đã góp phần giúp VN-Index tăng mạnh từ 339,32 điểm (9.1) lên 373 điểm (20.1). Hai tuần trước tết âm lịch 2013, VN-Index cũng tăng từ 479,6 điểm lên 494,03 điểm, khối ngoại mua ròng 524,7 tỉ đồng, giúp khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên tăng 38,4% so với trung bình 52 tuần trước đó…

Đà tăng có bền vững?


Ông Hoàng nhận định, sự bứt phá với mức tăng cao nhất trong bốn năm qua của VN-Index, xuất phát từ một số nguyên nhân, như: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ nhiều điểm sáng, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành, như tập đoàn Hoà Phát (HPG), công ty FPT (FPT), tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD)… Kinh tế Việt Nam được duy trì ổn định và phát triển trong năm 2014, là cơ sở để khối ngoại đổ vốn đều đặn từ tháng 11.2013 đến nay, cuốn theo dòng vốn của nhà đầu tư trong nước. Do vậy, ông Hoàng dự báo, sau tết âm lịch, dòng tiền đổ vào thị trường sẽ tiếp tục tăng lên, ngoài lượng vốn cũ từ những nhà đầu tư bán bớt danh mục nghỉ ngơi trước tết, còn có nguồn tiền nhàn rỗi mới, trong bối cảnh các kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng, bất động sản… đang kém sức hấp dẫn.


Chủ tịch uỷ ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng, lạc quan, năm 2014, thị trường chứng khoán tiếp tục có cơ hội bứt phá với hàng loạt yếu tố tích cực, như: kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự báo; thương mại toàn cầu tăng trưởng từ 2,3% lên 4 – 4,5%. Từ quý 4/2013, kinh tế Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan, như: tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8 – 9%; chỉ số quản trị mua hàng của HSBC luôn trên 50 điểm và được dự báo duy trì ở mức này cả năm 2014; xuất khẩu phục hồi mạnh, trong đó riêng khu vực nội địa tăng trưởng 3,6% (năm 2012 không tăng); đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng trên 50%, nhất là từ tháng 11.2013 với một số dự án lớn vài tỉ USD; thâm hụt ngân sách tăng lên, nhưng chủ yếu chi cho đầu tư công; xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo tiền đề phá băng tín dụng, giúp đầu tư khu vực tư nhân tăng trưởng; lãi suất duy trì mức thấp. Lạm phát chưa có dấu hiệu nào trở thành nguy cơ trong năm tới; tỷ giá ổn định…


Ông Trần Minh Hoàng nhận định, năm 2014, thị trường chứng khoán có thể tăng 15 – 20%. Ông Hoàng cho rằng, sau làn sóng đầu tư blue-chip, sẽ lan toả tới các mã penny, trong đó cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt có thể tăng tới 50%.


Thảo Nguyễn






Thôi đành chờ qua tết

Thôi đành chờ qua tết

Thôi đành chờ qua tết


SGTT.VN - Có vẻ như mọi chuyện của bóng đá Việt Nam đang được giữ yên cho đến qua tết dù nhiều chuyện đang rất nóng bởi, giờ mà tranh cãi thì… hết tết.










Trung vệ Hoàng Văn Khánh (5) của U19 Việt Nam trong trận gặp U19 Tottenham. Ảnh: Đức Đồng/VnEpress



Ở bóng đá trẻ, việc huấn luyện viên Guillaume của lò đào tạo HAGL, kiêm nhiệm chức huấn luyện viên U19 Việt Nam đã thẳng tay loại cầu thủ Hoàng Văn Khánh, một trung vệ đến từ SLNA chỉ vì một tình huống vào bóng khiến cầu thủ đối phương chấn thương.


Lý do mà phía đội bóng đưa ra đơn giản là Văn Khánh đá xấu, không phù hợp với tiêu chí đá đẹp mà huấn luyện viên Guillaume đang xây dựng nên chuyện bị loại là đương nhiên. Trong khi đó, Văn Khánh lại cho rằng, cầu thủ này chỉ vì ham bóng, thiếu kinh nghiệm chứ không phải cố ý chơi xấu đối phương.


Tất nhiên, quyền quyết định cuối cùng thuộc về ông Guillaume nhưng, việc loại Văn Khánh đã khiến nhiều người có cảm giác, đội U19 đang đóng cửa dần với các tài năng ngoài học viện của HAGL. Cái lý của giới chuyên môn cho rằng, cuối cùng thì việc đào tạo một cầu thủ phải là chơi bóng thật hay, hiệu quả và giành chiến thắng ở các trận đấu. Các cầu thủ không nhất thiết phải trở thành một đại sứ thân thiện với nụ cười tươi trên môi, viết Facebook thật tình cảm, để rồi cứ liên tục viết lời xin lỗi về những trận thua, những tình huống sai sót ngớ ngẩn.


Trong khi đó, Văn Khánh là một cầu thủ trẻ, hơn bao giờ hết cầu thủ này cần được hướng dẫn, tạo điều kiện để hoàn thiện mình trong một tập thể được coi là tốt chứ không phải cách ứng xử “xấu thì không phải của tôi” như vừa rồi. Từ chuyện loại Văn Khánh, câu chuyện về việc vì sao VFF lại phụ thuộc vào HAGL trong việc chọn thầy, VFF hay HAGL mới có thực quyền tại U19 Việt Nam lại được đặt ra.










U19 Việt Nam đối đầu với ba đội bóng mạnh tại giải Nutifood vừa qua. Ảnh:



Ở thượng tầng, người ta bắt đầu tin rằng chuyện ông Phan Anh Tú bị tố là nhận tiền thưởng ở đội bóng đá nữ quá cao cũng nằm trong một kế hoạch tranh cử trước đại hội. Theo đó, ông Phan Anh Tú là người được giới thiệu vào chức danh tổng thư ký hoặc “bèo” lắm sẽ là phó chủ tịch VFF. Thế nhưng ở hai vị trí này, đều có những nhân sự được dự tính từ trước, “giao diện thân thiện” hơn với bộ sậu mới. Thế nên, chính ông Phan Anh Tú cũng phản ứng khi cho rằng: “Không có chuyện tôi tự nhận loại A khi xét thưởng sau SEA Games”.


Đến thời điểm này, vẫn chưa có cầu thủ nào đứng ra xác nhận họ phản ứng với ông Tú về chuyện ông này “tự nhận”. Không khó để nhận ra, nguồn tin mang tính xác thực về số tiền cụ thể lẫn mức thưởng cụ thể mà ông Phan Anh Tú được xếp, đã bị “vô tình” tiết lộ từ những người cũng là quan chức trong đội bóng đá nữ.


Vấn đề ở chỗ, ông Tú đã vô tình lộ “tì vết” vì chuyện chia thưởng, nhưng cũng vì vụ việc này mà chính những người ở VFF càng “hiểu” về nhau hơn, người ta dè chừng về nhau nhiều hơn. Câu chuyện về lần tranh cử giữa ông Ngô Tử Hà và ông Phạm Ngọc Viễn, với những đòn chơi xấu của ông Hà như ghi âm dụ đối phương nói hớ bị lộ ra công luận khiến từ người đang ở thế thượng phong, ông Ngô Tử Hà bị cô lập vì “gài hàng” đối phương lại được nhắc tới.


Có vẻ như biết về nhau “quá rành” nên mọi thứ đã được “ém” lại chờ đến sau tết. Thời điểm VFF tổ chức đại hội để bầu lại các chức danh từ tổng thư ký, phó chủ tịch cho đến chủ tịch. Thời điểm mà ông Lê Hùng Dũng sẽ không còn là quyền chủ tịch VFF, mà việc ông có tiếp tục tại vị hay không sẽ phụ thuộc vào các phiếu bầu của các thành viên.


Làng bóng đá đang tạm yên nhưng dưới vẻ bình yên ấy là cơn sóng ngầm của những toan tính. Qua tết, mọi thứ sẽ hay đây.


Thảo Du






Những bức ảnh cho thấy dù là sửa chữa nhỏ cho tượng Chúa Giêsu cũng cực khó

Những bức ảnh cho thấy dù là sửa chữa nhỏ cho tượng Chúa Giêsu cũng cực khó

Những bức ảnh cho thấy dù là sửa chữa nhỏ cho tượng Chúa Giêsu cũng cực khó


SGTT.VN - Hệ thống chống sét đã thất bại. Tượng Chúa Giêsu Đấng cứu thế tại Rio de Janeiro bị sét đánh ngay ngón tay. Những nỗ lực khắc phục chỗ hư hỏng này trở nên rất gian nan.










Đây là Chúa Giêsu Đấng cứu thế, một bức tượng biểu tượng của Rio de Janeiro, Brazil. Gần bốn triệu người đến viếng bức tượng mỗi năm.











Tuy nhiên, vừa qua bức tượng bị sét đánh gây hư hại. Theo O Globo, Tổng giáo phận Rio cho biết bức tượng mất một ngón tay.











Đến nay, các công nhân leo lên tượng để kiểm tra hư hại.











Bức tượng cao 30m (không tính bệ chân cao 8m), nên việc sửa chữa không dễ dàng. Bức tượng toạ lạc trên đỉnh núi Corcovado cao 701m.











Bức tượng đã được trang bị các sợi thu lôi, nhưng chúng không hoạt động như mong đợi, nên tượng bị sét đánh trung bình khoảng năm lần mỗi năm.











Hãng tin AP tường thuật cuộc kiểm tra. Theo AP, phải mất bốn tháng để sửa chữa hư hỏng.











View từ tượng đài nhìn xuống.







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ