Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Sáng tạo = Tự do tư duy + Kỷ luật tự giác

Sáng tạo = Tự do tư duy + Kỷ luật tự giác

LTS. TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa toán – tin đại học Khoa học tự nhiên thuộc đại học Quốc gia TP.HCM là nhân vật từng xuất hiện trong chuyên mục Giá trị sống và cũng là tác giả từng nhiều lần xuất hiện trên SGTT. Xin giới thiệu bài viết mới nhất của TS Trần Nam Dũng gửi đến bạn đọc SGTT.


Sáng tạo = Tự do tư duy + Kỷ luật tự giác


SGTT.VN - Một trong những điểm yếu cố hữu của học sinh, sinh viên Việt Nam là thiếu tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Họ học thụ động, học đối phó, học vì điểm, vì bằng tốt nghiệp chứ không phải học có kiến thức, học để biết vận dụng. Nguyên nhân sâu xa là ở đâu? Chúng ta đừng đổ lỗi hoàn toàn cho họ.










Đổi mới phương pháp dạy học mới phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Trong ảnh: học sinh được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan qua sưu tầm của cô giáo. Ảnh: news.go.v



Tự do tư duy


Muốn có sáng tạo phải có tự do tư duy. Sự áp đặt, giáo điều, khuôn mẫu sẽ bóp chết sáng tạo. Nếu người thầy cứ khư khư bắt trò làm theo ý mình, không chấp nhận các phương án khác, lời giải khác thì học trò sẽ sớm thui chột, mất hết tính chủ động và hoàn toàn không có khả năng giải quyết các vấn đề mới. Những bài văn mẫu sẽ làm cho học sinh kém văn, những “thực đơn” giải toán chi tiết đến từng dạng sẽ khiến học sinh kém toán.


Để có được sự sáng tạo, chúng ta không những cho tự do tư duy mà còn phải khuyến khích, hướng dẫn sự tự do đó. Thông thường, những gì đi chệch ra khỏi khuôn mẫu thường sẽ gặp khó khăn, thậm chí sai lầm. Nhưng nếu chúng ta cứ xoáy vào những điều đó để đề cao khuôn mẫu, phủ nhận và vùi dập những ý tưởng mới thì chúng ta sẽ sớm dẫn suy nghĩ của mọi người chấp nhận sự rập khuôn “cứ làm như cũ cho chắc ăn, sáng tạo làm gì cho mệt óc”.


Để có được sự sáng tạo, chúng ta phải biết đặt ra những câu hỏi, những vấn đề vừa sức với học sinh. Đủ để chúng cảm thấy sự thách thức, khơi gợi, nhưng cũng vừa đủ để chúng thấy không quá tầm với. Những vấn đề quá khó sẽ làm cho học sinh cảm thấy bất lực, thiếu tự tin. Chúng sẽ không suy nghĩ nữa mà thụ động chờ lời giải từ thầy.


Nhiều giáo viên khi thấy học sinh giải bài khác với đáp án thường tỏ ra khó chịu. Vì thế chỉ cần thấy học sinh này có sai sót là lập tức ngừng việc giải bài “Em giải sai rồi, về chỗ đi!” Lẽ ra, người giáo viên phải biết trân trọng suy nghĩ độc lập của học sinh, biết “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng” để tìm ra những ý hay trong lời giải, giúp học sinh điều chỉnh để tìm ra lời giải đúng.


Nếu cứ khuôn phép, rập khuôn thì sẽ chẳng còn những lời giải độc đáo, những giải pháp cá tính, chẳng còn sáng tạo. Và sáng tạo luôn bắt đầu từ những bước khởi đầu đơn giản nhất.


Muốn trò sáng tạo, thầy phải sáng tạo


Để dạy học sinh sáng tạo, người thầy cũng phải sáng tạo trong cách dạy, cách tổ chức lớp học. Luôn luôn trăn trở làm sao để giờ học hấp dẫn, sôi động nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi.


Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, có rất nhiều những công cụ hỗ trợ cho giáo viên như hình ảnh, phim, tư liệu internet, các phần mềm bổ trợ. Quan trọng là ta phải biết bố trí và phân bổ thời gian hợp lý.


Học sinh sẽ cảm thấy nhàm chán khi làm những bài tập tính toán mang tính lặp đi, lặp lại. Thế nhưng những thao tác rèn luyện đó đôi khi là bắt buộc để nhớ và hiểu. Giải pháp nào cho song đề này: một bên là không thích, chán và một bên là cần thiết? Một hướng giải quyết rất hiệu quả là tích hợp các bài tập này vào trong các trò chơi, hoặc sử dụng các phần mềm tương tác. Không khí thi đua, tốc độ diễn tiến nhanh sẽ làm học sinh hưng phấn hơn.


Cách thức đánh giá học sinh cũng cần thay đổi, không chỉ giới hạn trong các bài kiểm tra tự luận. Bổ sung vào đó là các hình thức trắc nghiệm, vấn đáp, thuyết trình, làm bài online. Và rất khuyến khích sử dụng các điểm cộng cho học sinh tích cực đóng góp ý kiến hay có những lời giải hay, độc đáo.


Kỷ luật tự giác


Nhưng tự do tư duy luôn cần đi với kỷ luật tự giác. Sáng tạo không có nghĩa đơn giản là làm khác đi mà có nghĩa là làm cho tốt hơn. Muốn vậy, trước hết phải hiểu rõ cách làm cũ.


Sáng tạo chỉ có được dựa trên một nền tảng vững vàng. Vì thế, trong khi tạo môi trường, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, ta cần cung cấp cho họ một kiến thức nền đầy đủ. Luôn đặt tự do bên cạnh kỷ luật: những công việc như tóm tắt bài, làm bài tập, chuẩn bị bài mới vẫn là những công việc cần thiết, không thể thiếu.


Ở trên ta vừa đả phá sự khuôn mẫu, giáo điều. Nhưng thực sự, sáng tạo cũng cần có những khuôn khổ, nguyên lý chung. Trong âm nhạc thì có nhạc lý, các tác phẩm văn học cần có những nguyên lý chung của nó về tính nhân văn, về tuyến nhân vật, các công trình khoa học cũng có những yêu cầu riêng, việc lập trình cũng có những quy định.


Sự phản biện là hết sức quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển môi trường sáng tạo. Không phải sự phá cách nào cũng là sáng tạo. Không áp đặt, giáo điều, nhưng chúng ta cũng không dễ dãi, tung hô mọi sự đổi mới. Các lời giải, giải pháp phải được xem xét cẩn trọng. Hiện nay có hiện tượng nhiều bạn còn là học sinh đã “sáng tác” hàng loạt các đề toán, đề thi, các tài liệu. Một mặt đó là điểm tích cực, nhưng mặt khác, cũng cần hết sức chú ý đến tính chính xác, tính sư phạm của các tài liệu như vậy. Bản thân giáo viên cũng phải cẩn trọng với những đổi mới của mình, cần chia sẻ với đồng nghiệp để tìm sự phản biện, phải có những công cụ đo tính hiệu quả chứ không chỉ chủ quan tin vào giải pháp của mình.


Sự dễ dãi sẽ giết chết sáng tạo nhanh không kém gì sự áp đặt, giáo điều. Suy cho cùng, tự do là sự bắt buộc mà ta nhận thức được.


TS Trần Nam Dũng






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ