Tờ báo tiên phong định lượng thị trường
SGTT.VN - Cho đến tận hôm nay, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế vẫn thiếu các số liệu thống kê, gây khó cho các nhà kinh doanh. Thời điểm năm 1995, khi báo Sài Gòn Tiếp Thị ra đời, nền kinh tế mới mở cửa, từ “tiếp thị” vẫn còn rất mới mẻ, việc tìm kiếm các dữ liệu định lượng thị trường càng khó khăn hơn. Trên bục giảng, sinh viên đại học báo chí vẫn thường được nghe giảng khi viết bài nên cố gắng định lượng thông tin thay vì chỉ định tính. Thực tế là thời đó, nhan nhản các bài báo viết về kinh tế, thị trường, nhưng chỉ có thông tin định tính. Bài viết ít giá trị.
Trong bối cảnh đó, chuyện lạ chỉ có ở báo Sài Gòn Tiếp Thị: nhà báo mà cũng đi điều tra thị trường. Dĩ nhiên chuyện này báo chí quốc tế, ở những nước có nền kinh tế thị trường lâu đời, họ đã làm từ lâu, nhưng ở Việt Nam thì chưa có ai làm.
Ban đầu, phóng viên báo đi xuống các chợ tại TP.HCM, tiếp xúc tiểu thương, ban quản lý… để nắm giá cả từng mặt hàng mỗi ngày, rồi đăng lên báo. Bà con tiểu thương lúc đó lạ lẫm với hình ảnh phóng viên cầm cuốn sổ, cây bút hỏi han giá từng ký thịt, con cá, rau xanh… Để có được thông tin mang tính đại diện cao, thay vì chỉ hỏi một người thì hỏi mười người. Và để có thể hỏi hàng trăm người, phóng viên làm sẵn các bảng câu hỏi chừa trống các ô trả lời để điền vào câu trả lời.
Từ đó, trên Sài Gòn Tiếp Thị xuất hiện những thông tin riêng có mang tính định lượng cao.
Ngày nay, nghiệp vụ điều tra xã hội học giúp cung cấp thông tin định tính và định lượng mang giá trị cao đã trở nên rất phổ biến, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của internet. Nhưng dấu ấn Sài Gòn Tiếp Thị vẫn còn đó. Giờ thì ai cũng biết làm điều tra xã hội học, nhưng để thông tin có giá trị cao, hữu ích, có hiệu ứng lan toả với cả nền kinh tế thì có thể nói duy nhất có ở Sài Gòn Tiếp Thị.
Năm 1997, từ những điều tra đơn giản ban đầu đó, chương trình mang tên Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) ra đời, huy động nhân viên, phóng viên của báo Sài Gòn Tiếp Thị tham gia, có sự góp ý của các chuyên gia nghiên cứu thị trường. Từ ban đầu ở TP.HCM và Cần Thơ, cuộc điều tra người tiêu dùng dần mở rộng ra cả nước, điều tra trực tiếp người tiêu dùng tại nhà của họ, theo các tiêu chí về giới, ngành nghề, độ tuổi… Mỗi nhà chỉ phỏng vấn một người, và số phiếu phỏng vấn lên hàng chục ngàn (là chừng ấy người được phỏng vấn).
Kết quả điều tra có được sau khi xử lý các thông số từ hàng chục ngàn phiếu đem về, cuối cùng là cho ra danh sách doanh nghiệp được bình chọn HVNCLC năm đó, là một giá trị vô hình rất lớn với doanh nghiệp và nền kinh tế TP.HCM và cả nước.
Hoành Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét