Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

“Xin đừng hoảng lên là... cấm!”

“Xin đừng hoảng lên là... cấm!”

Quản lý tàu cánh ngầm


“Xin đừng hoảng lên là... cấm!”


SGTT.VN - Đang vận chuyển khách bình thường, bất ngờ hàng loạt các tàu cao tốc cánh ngầm một máy bị cấm hoạt động để kiểm tra. Hoạt động này của các cơ quan chức năng sẽ thuyết phục hơn, nếu cách làm hợp lý và đúng luật. Đằng này, chỉ do “hốt hoảng” mà làm nảy sinh hàng loạt hệ luỵ.










Tàu cánh ngầm chạy trên sông Sài Gòn. Ảnh: Thanh Hảo



Giải oan cho tàu một máy


Vụ việc cấm các tàu cao tốc cánh ngầm một máy hoạt động để đồng loạt tiến hành kiểm tra có lẽ bắt nguồn từ vụ tai nạn thảm khốc ở Cần Giờ. Theo đó, bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập hai đoàn kiểm tra thực trạng về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu cao tốc cánh ngầm; điều kiện về đảm bảo an toàn đối với luồng hàng hải, cảng, bến thuỷ nội địa phục vụ tàu cao tốc cánh ngầm đón, trả hành khách tại ba địa phương Hải Phòng, TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu.


Để phục vụ cho việc kiểm tra này, TP.HCM và Vũng Tàu đã có văn bản (ngày 1.9.2013) cấm các tàu cánh ngầm một máy cháy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu (và ngược lại) hoạt động cho đến khi kiểm tra xong và có kết luận chính thức. Riêng các tàu hai máy hoạt động bình thường. Lý do tại sao chỉ cấm tàu một máy hoạt động, được các cơ quan chức năng đưa ra là tàu một máy khi bị sự cố chết máy thì tự trôi dạt trên sông dễ gây nguy hiểm.


Liên quan đến lập luận này, không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ cho rằng, tàu nào chết máy cũng nguy hiểm. Hơn nữa, đối với hệ thống tàu cao tốc cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu, máy của tàu một máy còn “xịn” hơn máy của tàu hai máy rất nhiều.


Và thực tế, không ít thì nhiều đã chứng minh lập luận trên là đúng, khi sau hơn một tháng kiểm tra, ngày 4.10, bộ GTVT đã có văn bản số 10609/BGTVT-ATGT gửi các đơn vị liên quan, trong đó dỡ bỏ lệnh cấm tàu cao tốc cánh ngầm một máy hoạt động. Theo đó, kể từ ngày 4.10, tất cả các tàu cao tốc cánh ngầm một máy đều có thể hoạt động trở lại. Trong đó, để lưu ý thêm, bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ tàu cao tốc cánh ngầm (cả một máy và hai máy), để bảo đảm an toàn phải lắp đặt hệ thống tự động nhận dạng (AIS) trên tàu để các cơ quan chức năng quản lý và giám sát hoạt động của tàu trên tuyến luồng. Chủ tàu cao tốc cánh ngầm một máy phải hoàn thành việc lắp đặt AIS trước khi đưa tàu vào hoạt động trở lại. Chủ tàu cao tốc cánh ngầm hai máy phải hoàn thành việc lắp đặt AIS trước ngày 1.11.2013. Thiết bị AIS lắp trên tàu phải thoả mãn tiêu chuẩn hiện hành, được kết nối với hệ thống kiểm soát của các cảng vụ hàng hải khu vực và việc kết nối này phải được các cảng vụ hàng hải xác nhận. Trước ngày 31.10.2013, chủ tàu cao tốc cánh ngầm một máy phải hoàn thành phương án đưa tàu vào vị trí an toàn, tránh va trôi hoặc chờ ứng cứu khi tàu bị sự cố chết máy trên luồng được cảng vụ hàng hải khu vực quản lý tuyến hoạt động của tàu xem xét, chấp thuận.


“Với việc ban hành văn bản trên rõ ràng tàu cao tốc cánh ngầm một máy thực tế đã đáp ứng được các yếu tố an toàn, điều đó đã được chứng minh qua đợt kiểm tra của bộ vừa rồi và điều này trước đó cũng đã được đăng kiểm chứng minh an toàn. Như vậy, không thể nói tàu một máy nguy hiểm hơn tàu hai máy. Nếu lập luận như vậy thì chúng ta còn phải cấm nhiều thứ hoạt động, đơn cử như máy bay trực thăng chẳng hạn. Như vậy phải chăng đã công bằng khi kiểm tra. Hơn nữa, liên quan đến tàu cánh ngầm, tới nay mình chưa có bộ quy định nào thì đâu phải muốn cấm là cấm ”, ông Lê Huy Thảo, chủ tịch hội đồng quản trị hãng tàu cánh ngầm Dòng Sông Xanh, nói.


Cần giải pháp dung hoà!


Theo ông Lê Huy Thảo, bỏ qua tranh luận trên, ở đợt kiểm tra vừa qua, cách làm của các cơ quan chức năng là chưa thấu tình đạt lý, gây thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp của ông.


Ông Thảo phân tích, chuyện sẽ chẳng có gì nếu doanh nghiệp ông chỉ có một hay hai tàu một máy. Đằng này, tất cả sáu tàu một máy bị cấm đang hoạt động trên tuyến TP.HCM – Vũng Tàu đều rơi vào doanh nghiệp của ông. Theo đó, khi bị cấm thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của ông gần như bị đóng cửa hoàn toàn. Thấy rõ được hậu quả nặng nề của lệnh cấm, doanh nghiệp của ông Thảo đã làm công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra từng tàu – tức kiểm tra xong tàu này tới tàu khác để những tàu còn lại tiếp tục hoạt động – bởi các tàu cao tốc cánh ngầm một máy của ông Thảo thời điểm kiểm tra vẫn còn hạn đăng kiểm. Thế nhưng, đề nghị trên không được xem xét. “Và hậu quả là nguyên tháng 9 và gần hết tháng 10 này, gần như toàn bộ cán bộ công nhân viên phải nghỉ làm không lương. Doanh nghiệp điêu đứng. Làm vậy liệu đã đúng luật”, ông Thảo chua xót hỏi.


TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam cho rằng, việc làm trên của các cơ quan chức năng xuất phát từ nỗi “hốt hoảng” khi xảy ra hàng loạt sự cố nghiêm trọng đường thuỷ. Ở khía cạnh nào đó, đây là động thái tích cực. Tuy nhiên, cách làm lại thiếu khoa học, chưa tuân thủ các quy định hiện hành. Cụ thể, bộ đã dùng quyền của mình áp đặt cách thức kiểm tra, bất chấp việc kiểm tra đó gây thiệt thòi nghiêm trọng cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đó hoạt động hoàn toàn đúng pháp luật, đúng quy định hiện hành trong việc khai thác vận tải thuỷ. “Cách đề xuất của hãng tàu Dòng Sông Xanh là hợp lý, bộ GTVT cũng như các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm. Bởi nếu áp dụng đề xuất trên của hãng tàu – tức kiểm tra từng tàu – không làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp – thì rõ ràng việc làm của bộ hoàn toàn được hoan nghênh. Ở vụ việc cụ thể này, theo tôi doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan gây ra hậu quả hỗ trợ cho những thiệt thòi của mình. Nếu không được có thể khởi kiện để đòi quyền lợi chính đáng của mình”, TS Nguyên chia sẻ.


Đào Lê









Nghiên cứu khống chế tốc độ tàu cao tốc


Văn bản số 10609/BGTVT-ATGT của bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Hải Phòng và Vũng Tàu nhanh chóng quy định các khu vực khống chế tốc độ của tàu cao tốc cánh ngầm trên luồng hàng hải, thời gian hoàn thành trước ngày 31.10.2013. Chủ trì, phối hợp với chi cục đăng kiểm khu vực xem xét, chấp thuận phương án đưa tàu vào vị trí an toàn, tránh va trôi hoặc chờ ứng cứu khi tàu bị sự cố chết máy trên luồng (do chủ tàu trình) trong thời gian năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án của chủ tàu. Trường hợp phương án không được chấp thuận phải có văn bản gửi chủ tàu nêu rõ lý do.


Đ.T







Trung tâm giao lưu và truyền thông chính quyền bang Baden Württemberg

Trung tâm giao lưu và truyền thông chính quyền bang Baden Württemberg

Trung tâm giao lưu và truyền thông chính quyền bang Baden Württemberg


SGTT.VN - Trong nền dân chủ cổ đại, Agora chính là điểm gặp gỡ, trao đổi nguyện vọng giữa những người dân và các chính trị gia, nó là trung tâm về chính trị và văn hoá của xã hội.


Với những ý tưởng về không gian giao lưu tương tự như Agora đó, văn phòng thiết kế Henning Larsen và Knippers Helbig đã chiến thắng trong cuộc thi tuyển kiến trúc công trình trung tâm giao lưu và truyền thông của chính quyền bang Baden Württemberg tại Stuttgart, CHLB Đức. Công viên lâu đời Schlosspark cùng những toà nhà trong diện bảo tồn trong khu vực bao quanh đã đặt ra một yêu cầu phức tạp cho thiết kế công trình xây mới tại khu vực này. Xuất phát từ những yếu tố đó, trung tâm giao lưu – truyền thông đã được thiết kế như một cấu kiện nhỏ trong cảnh quan công viên Schlosspark, chỉ khiêm nhường và không nổi bật như một vật thể kiến trúc riêng rẽ. Mặt khác, nó vẫn tạo ra không gian đủ đáp ứng cho mọi hoạt động từ tiếp dân, truyền thông đến những sự kiện văn hoá.


Ánh sáng cùng mối tương quan giữa công viên và các loại cây ở đây đóng một vai trò rất quan trọng và giúp kiến trúc trung tâm ở đây trở thành một yếu tố khơi nguồn cảm hứng. Thông qua những sân lấy sáng dạng trụ, công viên xanh như được lôi vào trong công trình mới. Ô sáng trời được sắp đặt một cách tự do trong tính toán đồng thời tạo ra môi trường thân thiện và tự nhiên, tựa như ánh sáng dịu dưới những tán cây lớn.


Theo detail.de



















































Cách hợp thức quyền sở hữu theo di chúc

Cách hợp thức quyền sở hữu theo di chúc

Cách hợp thức quyền sở hữu theo di chúc


Vợ chồng tôi đang sinh sống ổn định trên thửa đất 1.200m2 do ba mẹ chồng tôi để lại. Đất này hiện do ba mẹ chồng tôi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2012 ba mẹ chồng tôi mất để lại di chúc cho vợ chồng tôi hưởng thừa kế toàn bộ diện tích đất nói trên. Di chúc này được ba mẹ chồng tôi lập tại phòng công chứng, trong tình trạng minh mẫn. Hỏi: Vợ chồng tôi có đương nhiên được coi là chủ sở hữu đối với thửa đất trên không? Vợ chồng tôi có thể làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên không?


Nguyễn Ngọc Minh, Hồ Xá, Quảng Trị


Trả lời: Theo quy định tại điều 635 bộ luật Dân sự năm 2005 thì vợ chồng bạn là người thừa kế theo di chúc di sản là quyền sử dụng đất của ba mẹ chồng bạn để lại. Tuy nhiên, vợ chồng bạn không đương nhiên được coi là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng diện tích đất nói trên.


Để được công nhận là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất nói trên vợ chồng bạn phải tiến hành thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Theo quy định của pháp luật, trước tiên bạn làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Theo quy định tại mục II, thông tư liên tịch 04/2006/TTLT/BTP-BTN&MT hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ khai nhận di sản gồm những giấy tờ sau: chứng minh nhân dân của vợ chồng bạn, giấy chứng tử của ba mẹ chồng bạn; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, di chúc. Hồ sơ này bạn mang đến phòng công chứng nhà nước hoặc tổ chức hành nghề công chứng để tiến hành làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.


Sau đó vợ chồng bạn tiến hành thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp thửa đất trên nằm ở nông thôn thì bạn nộp tại UBND xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Bạn chuẩn bị hồ sơ thừa kế quyền sử dụng đất gồm: di chúc; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trích lục bản đồ địa chính; tờ khai lệ phí trước bạ; tờ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất.


Ls Nguyễn Văn Hậu






Tìm lại sức mạnh tinh thần

Tìm lại sức mạnh tinh thần










Tìm lại sức mạnh tinh thần


SGTT.VN - Cuốn sách của Jan Alcoe là một cẩm nang độc đáo được soạn thảo để giúp mọi người đối đầu với sự ốm đau hay thương tật được viết ra từ kinh nghiệm của những người trong cuộc, đã từng trải qua những căn bệnh hiểm nghèo.


Sách giới thiệu bảy công cụ giúp phát triển sức mạnh nội tâm và tăng cường sức khoẻ ở mọi cấp độ. Sách có kèm đĩa ghi âm những bài hướng dẫn thư giãn và thiền định, những bài thực hành ngắn trong ngày và những suy nghĩ tích cực để vực dậy tinh thần bạn. Sách được phát hành tại nhà sách Trí Việt (TP.HCM) và các nhà sách toàn quốc.


H.T






Cứu sống trẻ bị vỏ lải đè vỡ gan, thận

Cứu sống trẻ bị vỏ lải đè vỡ gan, thận

Cứu sống trẻ bị vỏ lải đè vỡ gan, thận


SGTT.VN - Ngày 8.10, thông tin từ bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau phẫu thuật khâu gan, cầm máu, điều trị bảo tồn thận phải… sức khoẻ bé trai L.S.G., 11 tuổi, ngụ ở huyện Trần Đề đã qua cơn nguy hiểm.


Trước đó, trong lúc chơi đùa với bạn bè trong xóm, bé G. đã bị chiếc vỏ lải nằm chờ sửa trên bờ lật đè lên người, gây bất tỉnh. Bé G. nhập viện trong tình trạng vỡ gan phải và thận phải giập nát…


Tuấn Anh






Hà Nội rong ruổi quẩn quanh của Băng Sơn “cháy sách”

Hà Nội rong ruổi quẩn quanh của Băng Sơn “cháy sách”

Hà Nội rong ruổi quẩn quanh của Băng Sơn “cháy sách”











SGTT.VN - Chiều ngày 10.10 tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà xuất bản Kim Đồng và hội Nhà văn Hà Nội sẽ tổ chức toạ đàm “Băng Sơn – Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”, giới thiệu tuyển tập 33 tản văn của Băng Sơn về Hà Nội.


Chân dung của cố nhà văn suốt cuộc đời viết về Hà Nội cũng được khắc hoạ qua tham luận của những người bạn nghề và qua những kỷ vật được gia đình gìn giữ: chiếc máy chữ gắn bó với ông từ thuở tóc xanh đến khi tóc bạc da mồi, những bản thảo viết tay, những bức ký hoạ.


Trước khi chính thức ra mắt, Hà Nội rong ruổi quẩn quanh đã “cháy sách” tại nhiều phố sách và nhà sách thủ đô, như nhiều tác phẩm trước của ông. Lối viết vừa bay bổng vừa nắn nót lại tinh tế, con mắt nhìn Hà Nội vừa say đắm vừa trân trọng, chứa đầy sự hồn nhiên thích thú trước mỗi khám phá nho nhỏ khiến độc giả thuộc nhiều thế hệ đều yêu thích Băng Sơn, từ giọng văn đến cách ông cảm và viết về Hà Nội.


H. Lan






Máy sấy thóc bằng năng lượng mặt trời

Máy sấy thóc bằng năng lượng mặt trời

Máy sấy thóc bằng năng lượng mặt trời











SGTT.VN - Được sự hỗ trợ của chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), công ty TNHH Phát triển ứng dụng kỹ nghệ mới – SAV đã nghiên cứu chế tạo thành công máy sấy thóc bằng năng lượng mặt trời, sử dụng ống nhiệt thuỷ tinh chân không.


Máy gồm bộ thu năng lượng mặt trời kiểu ống nhiệt thuỷ tinh chân không có cánh, công suất tạo nhiệt 5kW; buồng sấy thóc cơ khí theo kiểu đối lưu cưỡng bức, công suất 500kg (từ thóc ướt có độ ẩm 30 – 33% xuống độ ẩm 13 – 14%, trong một ngày nắng). Máy phù hợp với quy mô nông hộ…


An Khương






GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã ra đi

GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã ra đi










GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã ra đi


SGTT.VN - Lúc 4 giờ 15 ngày 8.10, GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã qua đời tại nhà riêng (đường Ba Vì, khu cư xá Bắc Hải, quận 10 – TP.HCM) vì tuổi cao sức yếu, thọ 95 tuổi.


GS.TS Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30.9.1919 tại xã Phương Thạnh (huyện Càng Long, Trà Vinh). Ông là một trí thức y học, được đào tạo chính quy tại trường y khoa đại học của Pháp ở Đông Dương – Hà Nội, sinh viên nội trú bệnh viện Bạch Mai, nghiên cứu sinh viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và trưởng thành từ thực tế chiến trường khi tham gia cách mạng. Sau năm 1975, ông giữ cương vị chủ tịch hội đồng Sức khoẻ Trung ương, kiêm giám đốc bệnh viện Thống Nhất. Năm 1980, ông được phong giáo sư trong đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Từ năm 1982 – 1986, GS Thành có công lớn trong việc nghiên cứu thành công các loại thuốc Kaglutam và Spirulina – Linavina có tác dụng chữa một số bệnh về tim mạch và gan. Ông cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở Việt Nam. Năm 1986, ông nhận thêm nhiệm vụ chủ nhiệm bộ môn tích tuổi học (lão khoa) đại học Y dược TP.HCM.


GS Thành có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà trên các lĩnh vực điều trị lâm sàng, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đào tạo và phổ cập kiến thức y học với 32 tác phẩm sách y học (tính từ năm 1965 – 1990)... GS Thành cũng được biết đến bởi việc coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đồng sự và các thế hệ thầy thuốc đi sau. Nhờ những đóng góp to lớn đó, GS Thành được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985), Thầy thuốc Nhân dân (1989) cùng nhiều huân chương cao quý.


Giáo sư cũng là thân sinh ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phó Thủ tướng Chính phủ.


Lễ viếng GS Nguyễn Thiện Thành được tổ chức từ 9 giờ ngày 11.10 đến 12 giờ ngày 12.10 tại nhà tang lễ bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ truy điệu và đưa tang tổ chức vào hồi 13 giờ ngày 12.10, an táng tại nghĩa trang TP.HCM (quận Thủ Đức, TP.HCM).


Trọng Văn






Microsoft cảnh báo máy tính chạy hệ điều hành WinXP

Microsoft cảnh báo máy tính chạy hệ điều hành WinXP

Microsoft cảnh báo máy tính chạy hệ điều hành WinXP


SGTT.VN - Ngày 8.10, Microsoft đã ra tuyên bố sẽ chính thức ngưng hỗ trợ hệ điều hành Windows XP vào ngày 8.4.2014, nghĩa là người dùng Windows XP sẽ không còn nhận được các bản sửa lỗi, bản cập nhật bảo vệ máy tính khỏi virút độc hại, phần mềm gián điệp và các mã độc khác… từ nhà sản xuất hệ điều hành này.











Ông Phạm Trần Anh, giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft Việt Nam, cho biết hiện tại, Việt Nam vẫn còn hơn 5,3 triệu máy tính đang chạy Windows XP.


Theo các chuyên gia của Microsoft, Windows XP là hệ điều hành đã xuất hiện trên thị trường từ năm 2002, nên hiện nay không đủ khả năng xử lý các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, cũng như khó đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng của người dùng về năng suất và độ an toàn cho dữ liệu. Theo khảo sát của Microsoft Việt Nam, tính đến hết tháng 9.2013, 48% số máy tính tại thị trường Việt Nam sử dụng Windows 7 và 8.


Gia Vinh – T. Tuyền






Tiền Giang: Cháy chợ trái cây Thạnh Trị

Tiền Giang: Cháy chợ trái cây Thạnh Trị

Tiền Giang: Cháy chợ trái cây Thạnh Trị


SGTT.VN - Khoảng 10 giờ 45 phút, ngày 8.10, một vụ cháy lớn xảy ra tại chợ trái cây Thạnh Trị, phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.











Vụ cháy đã thiêu rụi hoàn toàn 53/63 vựa trái cây của các tiểu thương và hai nhà dân lân cận. Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn Công an Tiền Giang, Công an thành phố Mỹ Tho và lực lượng tại chỗ đã kịp thời dập tắt đám cháy sau hơn một giờ. UBND thành phố Mỹ Tho đã quyết định hỗ trợ hai nhà dân bị thiệt hại 6 triệu đồng/hộ; các hộ bán sỉ trái cây tại chợ mỗi hộ 5 triệu đồng; các hộ bán lẻ trái cây tại chợ 3 triệu đồng/hộ nhằm sắp xếp, ổn định nơi mua bán.


Ngọc Tùng






Sắp khởi công liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn

Sắp khởi công liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn

Sắp khởi công liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn


SGTT.VN - Ngày 23.10 tới, dự án liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ được khởi công xây dựng tại Thanh Hoá. Thông tin trên được nêu lên tại họp báo sáng ngày 8.10 tại Hà Nội, giới thiệu diễn đàn “Xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận” diễn ra trong hai ngày 23 – 24.10.











Theo chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến, với tổng mức đầu tư gần 9,3 tỉ USD, liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn là dự án lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, dự án sẽ đáp ứng 40% xăng dầu của cả nước. Ông Nguyễn Đình Xứng, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết dự kiến tại diễn đàn này, tổng mức đầu tư của các dự án mới được ký thoả thuận hợp tác đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư sắp tới tại Thanh Hoá là khoảng 4 tỉ USD, trong đó chủ yếu là các dự án đầu tư cảng biển. Bên cạnh đó, còn có các dự án mới là nhiệt điện Nghi Sơn 2 (khởi công năm 2014), dự án phát triển đàn bò sữa 100 triệu USD...


Việt Anh






Hari: cuộc đua không kỳ thú với bệnh ung thư

Hari: cuộc đua không kỳ thú với bệnh ung thư

Trời kêu không dạ


Hari: cuộc đua không kỳ thú với bệnh ung thư


SGTT.VN - Vài tháng sau khi trải qua hai lần cắt bỏ u độc, điều trị ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu, Hari – cô bạn gái Hàn Quốc của ca sĩ Tiến Đạt đã sang Việt Nam tham gia hành trình gian khổ của cuộc thi Cuộc đua kỳ thú. Chính nhờ chương trình truyền hình thực tế này mà khán giả Việt Nam biết đến Hari (sinh năm 1985, có bố là người Việt), hồn nhiên, chân thật mà rất mạnh mẽ khi vượt qua bệnh tật.










Hari với bạn trai Tiến Đạt trong Cuộc đua kỳ thú.



Không muốn khán giả thương hại


Chính trong lúc giận hờn và cãi vã với người yêu – bạn chơi Tiến Đạt, Hari buột miệng tiết lộ mình đã trải qua hai lần nằm trên giường mổ để cắt bỏ khối u độc. “Hari không bao giờ muốn người khác biết mình từng bị ung thư vì chuyện bệnh tật là chuyện xấu. Hari không muốn khán giả thương hại mình, nhìn mình rồi nói sao còn trẻ mà bị bệnh nặng tội nghiệp quá! Mỗi lần nhắc đến bệnh tật, Hari cũng tủi thân lắm nhưng khi giận anh Tiến Đạt vì ảnh quá vô tâm, không thèm hỏi han gì mình trong Cuộc đua kỳ thú nên mới không giữ được cái miệng. Lúc đó ban tổ chức chương trình, bạn chơi và khán giả mới biết chuyện, chứ thực lòng Hari không muốn nhắc đến chuyện này”, Hari Won giải thích rõ ràng bằng tiếng Việt cô học được từ khoa tiếng Việt, đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.


Cô còn cho biết, ba mẹ ở Hàn Quốc bị sốc khi Hari dám khai thật mình bị ung thư trên kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam, vì “không dưng lại đi kể chuyện xấu cho mọi người biết”.


“Giữa tháng 12.2012, Hari biết tin mình bị ung thư. Khi bác sĩ báo tin dữ, Hari choáng và bất ngờ đến mức cười to lên mà nước mắt cứ chảy. Mẹ là người đi cùng Hari, mẹ lại khủng hoảng hơn Hari rất nhiều, cứ luôn miệng hỏi bác sĩ: Tại sao Hari không hút thuốc, không uống rượu, ăn cơm nhà đàng hoàng, sống điều độ mà lại bị bệnh ung thư? Chính vì mẹ mất bình tĩnh nên Hari phải cố gắng rất nhiều để trấn an tinh thần mẹ, chuẩn bị cho việc lên giường mổ, lấy “cục thịt độc” đó ra khỏi cơ thể” – Hari kể lại câu chuyện, trong không gian của quán càphê Lộc Vừng (quận Phú Nhuận, TP.HCM), do Tiến Đạt làm chủ.


Hai tuần sau khi phẫu thuật lần một, tái khám, Hari lại nhận tin dữ phải mổ thêm lần nữa vì vẫn còn u độc. “Lần mổ đầu tiên, anh Tiến Đạt vẫn ở Việt Nam lo công việc kinh doanh. Khi nghe tin phải mổ lần thứ hai, Hari không tưởng tượng được tại sao mình lại kém may mắn thế. Hari khóc rất nhiều và gọi cho anh Đạt qua Hàn Quốc với Hari. Ở lần mổ thứ hai, chắc chắn Hari không thể nào đủ can đảm mà không có người yêu bên cạnh”, Hari kể.


Sự xuất hiện của người yêu đã chia sẻ mọi vui buồn với nhau sáu năm nay giúp Hari thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều. Hơn nữa, là chị cả của ba đứa em, Hari phải tỏ ra can đảm khi đón nhận những tin xấu nhất về sức khoẻ.


Sau bệnh tật sẽ toàn là may mắn


“Đến giờ Hari vẫn còn sự không ổn định trong tâm lý. Hari tự hỏi mình sống rất điều độ, thấy cái gì ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thì không làm, vậy mà bị ung thư! Bây giờ mỗi lần thấy đau bụng, thấy mệt mệt một chút thì Hari lại đâm lo lắng quá mức. Kiểu như ám ảnh bệnh tật vậy. Hiện tại, Hari đã khoẻ mạnh hoàn toàn, ba tháng tái khám một lần để theo dõi bệnh có tái phát hay không”, cô cho biết.


Bố Hari là người Việt, sang Hàn Quốc từ năm 16 tuổi và kết hôn với một cô gái Hàn Quốc. Sau đợt phẫu thuật, Hari đã tìm về quê cha và làm sinh viên tại TP.HCM. Song song với tham gia Cuộc đua kỳ thú, Hari làm thông dịch viên để kiếm sống. Người hâm mộ Hari từ chương trình truyền hình thực tế này ngày càng tăng khiến Hari ấp ủ ý định tham gia làng ca nhạc Việt Nam, vì trước đó cô từng tham gia một nhóm nhạc nữ tại Hàn Quốc. Cô đang dành thời gian tập hát, tập nhảy để có thể khởi động sự nghiệp vào cuối năm nay.


“Mọi chuyện đến với Hari thật bất ngờ. Bệnh ung thư ập đến nhanh như sự nổi tiếng từ một chương trình truyền hình. Trước giờ bạn bè Hari lẫn bạn bè anh Đạt đều nói Hari khùng khùng, nói Hari sao người nước ngoài mà nói tiếng Việt quá nhiều. Giờ tự dưng có nhiều người yêu mến, mình thấy cảm giác là lạ nhưng vui lắm. Hy vọng bệnh tật sẽ không đến với Hari nữa mà sẽ chỉ toàn may mắn thôi”, Hari vui vẻ kết thúc câu chuyện khi đến giờ hẹn với một bác xe ôm đưa cô đến một buổi trò chuyện trên truyền hình.


Trâm Anh (ảnh nhân vật cung cấp)









Phòng ngừa ung thư: ăn kỹ, khám đều


BS.CK2 Lưu Văn Minh, trưởng khoa xạ 2 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết: Để phòng tránh bệnh ung thư, nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế dùng nhiều thịt đỏ, chất béo và đồ uống có cồn. Tránh xa những thực phẩm được bảo quản bởi phụ gia và hoá chất độc hại. Việc chế biến thực phẩm cũng góp phần hạn chế sinh ra những chất trung gian gây ung thư, tránh dùng cá muối vì có nhiều chất nitrosamine gây ung thư, hạn chế những thực phẩm nướng hoặc chiên dưới nhiệt độ cao (sẽ tạo nên những chất trung gian sinh ung thư)…


Việc khám sức khoẻ định kỳ rất quan trọng. Đối với nam giới, khi khám định kỳ cần làm một số xét nghiệm tầm soát các bệnh ung thư phổ biến như: thử máu để xem có gì bất thường, chụp X-quang phổi để tầm soát ung thư phổi, thăm khám trực tràng để tầm soát ung thư vùng đại trực tràng, kiểm tra tiền liệt tuyến… Đối với nữ thì khi khám phụ khoa định kỳ cần làm phết tế bào cổ tử cung âm đạo (còn gọi là Pap’s smear) để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung; siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú…


T. Sang (ghi)







Nước mắt rơi chung

Nước mắt rơi chung

Nước mắt rơi chung


SGTT.VN - Bạn nói có thể chị đàn bà đứng nức nở trên phố Hoàng Diệu ấy vừa đóng quầy may sẵn ở chợ Đồng Xuân, bạn đã bị chị mắng một lần vì “nói giọng miền Nam mà còn mặc cả”. Có thể người đàn ông mếu máo đặt mấy bông cúc vàng ở hàng rào ngôi nhà số 30 kia vừa chạy xong cuốc xe ôm, bạn đã từng bị anh chở đi đường vòng để lấy tiền cho ngọt. Nhưng những va quệt đã từng gặp phải trên đất Hà Nội đã trôi hết, xí xoá hết trong bạn vì những người đã đến khóc trước nhà vị tướng vừa qua đời, trong bản tin tối.










Ảnh: Đất Việt



Tivi trong quán ăn tiếng được tiếng mất, nhưng bọn tôi chừng như nghe được tiếng nước mắt chảy. Không chỉ từ những gương mặt lướt qua trên màn hình, mà còn từ những người không xuất hiện trên tivi như bạn, hay từ trong lòng những người giả bộ mình cứng cỏi, như tôi. Tự nhận là già rồi, nghi ngờ cả nước mắt, nhưng bạn nói lần này bỗng tin những người kia cảm động thật lòng. Mà ông tướng đó cũng không phải ruột thịt, hay họ hàng xa, hay láng giềng ở cạnh nhà. Ông giỏi thì khỏi nói, cái đó cả thế giới chịu rồi, “nhưng tụi mình đâu phải thương chỉ mỗi chuyện đó”, bạn quệt cùi tay chùi nước mắt, nói “nghĩ tới ông như là nghĩ tới ông nội mình, không hề có cảm giác xa xôi vĩ đại”. Bàn bên mấy anh đòi nợ mướn cũng thôi chửi thề một con nợ khó nhằn, một anh buột miệng “nhìn ổng hiền như con cọp ăn chay”. Màn hình đông chừng mười lăm giây nụ cười hồn hậu của ông tướng. Tự biết trong lòng người dân, hình ảnh ấy còn đọng lại rất lâu.


Bạn tôi tin hồi tại thế ông sống như mình có, không cố ý sống sao cho dân phải khóc khi lìa cõi tục. Tự nhiên từ khí chất. Thấy ông tưới phong lan, cũng lui cui như ông già kế bên nhà. Thấy nụ cười, biết rằng những oan khuất nhục vinh đã bị ông phẩy tay bỏ lại. Chỉ dân là ông không quên, khi thỉnh thoảng gửi báo những bài viết tâm huyết đóng góp cho chính sách dân sinh.


Mấy hôm trước càphê sáng với nhau bạn còn kêu xã hội nhìn đâu cũng rẽ chia xáo xác. Sẵn sàng cãi nhau vì một cuốn sách, ông xài điện thoại Mỹ tôi dùng điện thoại Hàn, vì em mê nhạc sến anh thích sang. Cảm giác loạn lạc từ chính trường cho tới từng mái ấm, từng cái tổ của mỗi người. Đi bên bờ vực ai không chịu được nấy rơi, tưởng không có gì ngăn lại được dòng người chèn lấn. Bỗng tất thảy họ dừng lại chỉ vì một hơi thở vừa dứt vô phương nối lại. Bạn rươm rướm nói, ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành. Họ, cũng như bọn tôi, ẩn nỗi tiếc thương ông già rực rỡ đó, thấy tâm hồn mình bỗng dưng liền sẹo, bâng khuâng vì ý nghĩ mình cũng còn khả năng khóc cho một người dưng.


Cách khóc mỗi người mỗi khác, có người tận nhà ông già cúi đầu đặt bó hoa, người ở xa ngồi trước tivi lén kéo chéo áo lau đuôi mắt, người nuốt trộng vào lòng, người lại thở hắt ngậm ngùi “rồi ai cũng về, người ở đến gần một trăm lẻ ba năm chớ đâu ít ỏi gì, mà sao ai cũng tiếc, lại có người ở mới sáu mươi mà dân ngán ngẩm thôi rồi”. Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.


Bạn nói có bốn trong mười phần nước mắt đã chảy ra, chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung, khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan còn đang sống.


Nguyễn Ngọc Tư






Người ấy là anh Văn

Người ấy là anh Văn

Người ấy là anh Văn


SGTT.VN - Tôi là một người lính, nhưng tôi không nghĩ về Võ Nguyên Giáp như vị đại tướng số một của dân tộc ta, mà giản đơn và thân quý nghĩ rằng người ấy là anh Văn, từ “anh” không viết hoa.










Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng trên đường Hoàng Diệu ngày 6.10. Ảnh: Getty Images



Sáng nay thứ hai, 7.10, cùng với lớp lớp người Việt Nam thuộc các lứa tuổi, tôi đi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở 30 đường Hoàng Diệu, nơi tôi đã đến gặp và làm việc với Đại tướng biết bao nhiêu lần trong những năm qua, nơi tôi quen thuộc từng căn phòng, từng khoảng sân, từng chùm cây cỏ, nơi tôi được nghe và ghi lòng tạc dạ những điều Đại tướng dạy bảo tôi.


Lòng tôi ngập tràn xúc động, với những kỷ niệm ân tình, những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời, về sự sống, về những giá trị người, mà theo cảm nhận của tôi, Võ Nguyên Giáp là một tấm gương nhân văn thấm thía, sâu xa, chính vì hồn nhiên, giản dị.


Tôi là một người lính, nhưng tôi không nghĩ về Võ Nguyên Giáp như vị đại tướng số một của dân tộc ta, mà giản đơn và thân quý nghĩ rằng người ấy là anh Văn, từ “anh” không viết hoa.


Tôi nhớ có một dịp, cách đây chừng 15 năm, tôi dẫn một đoàn chuyên gia kinh tế cao cấp người Canada, trong đó có những người từng là bộ trưởng, có người đảm nhiệm cùng lúc mấy bộ lớn của Chính phủ Canada, đến thăm Đại tướng. Câu chuyện diễn ra bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng xen tiếng Anh, trong hơn một giờ. Ra về và mãi đến hôm sau, cả đoàn nhiều lần tỏ lòng khâm phục Đại tướng, thấy được Đại tướng là một nhà lãnh đạo và một con người toàn diện, hiểu biết đa dạng nhiều chiều cạnh, có tầm vóc lịch sử, nhiều chuyên gia nói rằng được gặp Đại tướng là sự kiện lớn nhất đời mình.


Tôi thì được hiểu về anh Văn đúng như một câu nói của anh: “Tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”. Đó là câu anh trả lời khi có những người chân thành vinh danh anh là vị tướng huyền thoại, nên anh nói về quân sự. Nói rộng ra trong cuộc đời, tôi hiểu anh Văn sâu xa, trong tâm khảm của mình, khắc ghi và luôn sống như một người Việt Nam, được nuôi dạy bởi dân tộc Việt Nam, được nhân dân giao việc và hết lòng hết sức làm việc theo phương châm anh thường nhắc: “Dĩ công vi thượng”.


Từ trong phẩm hạnh của mình, anh Văn có những cách ứng xử, những việc làm, những lời nói của tâm và của trí, tâm trong sáng, trí anh minh, yêu thương, gần gụi, quý trọng con người, dễ tạo thân tình và sẵn sàng trao thân tình với đồng bào, đồng chí và với bạn bè quốc tế.


Đi trong đoàn người vào viếng anh Văn, trong tôi dâng lên niềm tin dân tộc ta sẽ còn sản sinh ra, bồi dưỡng nên những con người cao cả về đức, kiệt xuất về tài, như anh Văn, tiếp nối sự nghiệp của anh Văn, giữ gìn truyền thống và nâng cao vị thế của nước Việt Nam ta trong thế giới thời đại ngày nay.


Việt Phương, nguyên thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng






Sự thật khủng khiếp về chỉ định kháng sinh quá mức

Sự thật khủng khiếp về chỉ định kháng sinh quá mức

Sự thật khủng khiếp về chỉ định kháng sinh quá mức


SGTT.VN - Khi một bệnh nhân than đau cổ hoặc bị viêm phế quản, các bác sĩ chỉ định kháng sinh thường nhiều hơn mức cần thiết về mặt y học. Đó là vấn đề chính rút ra từ một nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine. Tờ tạp chí này chỉ đăng bài sau khi nó đã được nhiều đồng nghiệp trong giới chuyên môn đánh giá.










Viêm phế quản cấp không chỉ định kháng sinh, nhưng các bác sĩ chỉ định 73% bệnh nhân dùng loại này. Ảnh: TL



Các phát hiện từ các cơ quan điều tra quốc gia về chăm sóc sức khoẻ ở bệnh viện và không ở bệnh viện cho thấy: các bác sĩ chỉ định kháng sinh cho 60% bệnh nhân đau họng – bất chấp thực tế là các thuốc đó chỉ được nghĩ là cần thiết trong 10% trường hợp. Đối với bệnh viêm phế quản cấp, kháng sinh hoàn toàn không được yêu cầu dùng, vậy mà các nhà nghiên cứu – một nhóm từ Harvard – nhận thấy rằng các bác sĩ chỉ định tới một con số ngạc nhiên là 73% bệnh nhân trong cùng tình trạng.


Một phát hiện khác đáng quan tâm hơn nữa: sự gia tăng tính phổ biến đối với thuốc kháng sinh đắt tiền, phổ rộng như azithromycin thay vì các thuốc thử để biết và nhắm vào cầu khuẩn như penicillin. Năm ngoái, tờ New York Times báo động rằng azithromycin “có thể tăng đến gây đột tử” ở người lớn đã mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim.


BS John G. Bartlett, giáo sư y học khoa y đại học Johns Hopkins cho rằng chỉ định quá nhiều azithromycin cũng góp phần làm kháng kháng sinh. “Chúng ta dùng azithromycin cho hằng hà chuyện, và chúng ta lạm dụng thuốc ấy một cách kinh khủng. Thật tiện dụng. Bệnh nhân bằng lòng. Đối với hầu hết trường hợp chúng ta chỉ định thuốc ấy, chọn lựa tốt nhất chắc chắn là không dùng kháng sinh mới là công tâm”. Ước tính khoảng 500 triệu USD đã chi cho kháng sinh chỉ định không cần thiết (chỉ tính riêng bệnh đau họng trong khoảng từ năm 1997 – 2010). Nếu tính luôn chi phí xử lý các phản ứng phụ của kháng sinh không cần thiết như tiêu chảy và bội nhiễm men ruột, các tác giả của nghiên cứu dự tính tốn kém phải tăng 40 lần.


Khởi Thức






Sở Y tế TP.HCM sẽ phát thông báo xin lỗi bệnh nhân

Sở Y tế TP.HCM sẽ phát thông báo xin lỗi bệnh nhân

Vụ sai phạm tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình


Sở Y tế TP.HCM sẽ phát thông báo xin lỗi bệnh nhân


SGTT.VN - Ngày 7.10, sở Y tế TP.HCM đã công bố kết luận chính thức thanh tra bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và bệnh viện Bình Dân. Việc thanh tra này liên quan đến vụ việc gian lận phim X-quang, phẫu thuật dịch vụ tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và những tiêu cực về quản lý tại bệnh viện Bình Dân mà báo chí từng nêu. TS.BS Bùi Minh Trạng, chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM, đã trả lời báo chí.










Bệnh nhân chen chúc chờ lấy kết quả X-quang tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo



Thưa ông, xin ông nói rõ một số cung cách gian lận về in phim X-quang tại khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và những thiệt hại gây ra?


Trước tiên là tráo kích thước phim A và B. Thực tế chênh lệch giá giữa phim A và B tại khu vực ngoại trú là 20.000 đồng, vì phim A lớn hơn phim B. Nếu bệnh nhân đóng tiền chụp phim A, bệnh viện in phim B và báo cáo sử dụng phim B thì bệnh nhân sẽ thiệt tiền chênh lệch. Còn nếu bệnh nhân đóng tiền phim A, bệnh viện in phim B và báo cáo sử dụng phim A, bệnh nhân thiệt hại tiền chênh lệch và bệnh viện sẽ thiệt hại tiền chênh lệch giá mua vào.


Cách gian lận thứ hai là cắt, ghép phim. Cụ thể người ta cắt một tờ phim A thành hai tờ phim B vì hai phim B mắc hơn một phim A. Việc cắt, ghép phim này sẽ tạo ra số lượng “phim thừa” tại khoa chẩn đoán hình ảnh so với tổng số lượng phim đã thu tiền của bệnh nhân, số “phim thừa” này chủ yếu là phim B, C. Việc sai kích thước phim in ra trong khu vực điều trị nội trú chủ yếu là việc đổi phim, còn việc ghép phim và cắt phim tuy có xảy ra nhưng chiếm tỷ lệ ít.


Với những bệnh nhân bị thiệt hại do gian lận phim, việc đền bù với họ giờ đây như thế nào?


Thật tình là không thể nào bồi hoàn lại tiền thiệt hại cho bệnh nhân do khó xác định ai bị thiệt. Nhưng UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo giám đốc sở Y tế phát đi thông báo xin lỗi bệnh nhân. Tiền thất thoát sau khi thu hồi được sẽ sung vào công quỹ.


Liệu chuyện gian lận phim này có thể xảy ra ở những bệnh viện khác?


Khả năng này là rất lớn, vì thế ngay khi tiến hành thanh tra bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, sở Y tế đã ra ba văn bản yêu cầu các bệnh viện phải tự kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này, và sắp tới một đoàn nghiệp vụ y của sở Y tế cũng sẽ đi hết các bệnh viện để kiểm tra.


Ông nói không thể xác định thiệt hại cho bệnh nhân tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, nhưng cũng sự việc gần giống như thế ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện này xác định được thiệt hại...


Vụ việc ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương xác định được thời gian cụ thể, liên quan đến việc chụp CT, thay vì chụp hai phim người ta chụp một phim, phim không chụp được đem bán ra ngoài. Nhưng sau khi thanh tra phát hiện, một bác sĩ và một kỹ thuật viên ở khoa chẩn đoán hình ảnh đã bồi hoàn số tiền bỏ túi 600 triệu đồng và xin nghỉ việc. Còn vụ việc của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không biết xảy ra từ khi nào và số lượng phim chụp cũng quá nhiều. Bệnh nhân ở đây rất đông, mỗi bệnh nhân nội trú có ít nhất ba tờ phim. Nếu theo báo chí phản ánh, năm năm trước chuyện này có thể đã diễn ra rồi. Mặt khác, bệnh viện đã phủ nhận toàn bộ kết luận thanh tra.


Vì thế mà sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thanh tra TP.HCM thanh tra toàn diện bệnh viện Chấn thương chỉnh hình?


Đúng thế.


Sở Y tế TP.HCM có thông tin gì trước đó về vụ việc tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không, hay khi báo chí phản ánh sở mới biết?


Đây là những phản ánh nội bộ. Người tố cáo có đơn thư phản ánh cho lãnh đạo bệnh viện. Nhưng lãnh đạo cứ nói không có, vì thế họ phải tố cáo ở chỗ khác. Nếu lãnh đạo bệnh viện lắng nghe phản ánh và kịp thời chấn chỉnh thì chắc không xảy ra như hôm nay. Người tố cáo ở đây có danh tính hẳn hoi, họ cung cấp thông tin cho công an và công an mới chuyển qua cho sở Y tế. Từ vụ việc này, ngành y tế TP.HCM sẽ tiến hành chấn chỉnh để từ đây về sau sẽ không còn chuyện tương tự. Đây cũng có thể là bài học cho nhiều địa phương khác, cũng như bộ Y tế có thể ra một quy trình để quản lý chặt chẽ hơn việc chụp phim cho bệnh nhân.


Phan Sơn (ghi)









Một số kết luận của thanh tra tại hai bệnh viện


Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình: Ngoài khuất tất trong việc chụp phim X-quang, thanh tra còn phát hiện chuyện một số bác sĩ đang trực tham gia phẫu thuật theo yêu cầu. Qua xem xét, tìm hiểu thanh tra phát hiện chín trường hợp bác sĩ ở các khoa vẫn tham gia phẫu thuật theo yêu cầu, trong khi có lịch phân công thường trực theo quy chế bệnh viện, bảng chấm công trực (trong đó có cả hai bác sĩ phó giám đốc!). Tỷ lệ phẫu thuật yêu cầu (dịch vụ) chiếm tới 70% tổng số ca phẫu thuật, và đa số được thực hiện vào những ngày làm việc trong tuần.


Bệnh viện Bình Dân: Liên doanh, liên kết với những đối tác bên ngoài không có chủ trương phê duyệt của sở Y tế dẫn đến nhiều thiệt hại tài chính cho bệnh viện, như thất thoát gần 150 triệu đồng từ ăn chia đặt máy X-quang kỹ thuật số, thất thu hơn 1,8 tỉ đồng trong bốn năm từ hợp tác của nhà thuốc bệnh viện, thất thoát gần 500 triệu đồng từ đặt máy siêu âm màu; mua nhiều trang thiết bị về nhưng không sử dụng làm lãng phí gần 800 triệu đồng; chi tiền bồi dưỡng cho ban điều hành các hoạt động liên doanh liên kết không dân chủ và công khai – cụ thể chi cho nguyên giám đốc, hai phó giám đốc, hai cá nhân phòng tài chính, kế hoạch gần 3 tỉ đồng.







Nộp 5 tỉ đồng, nhưng phá hỏng đường 30 tỉ đồng

Nộp 5 tỉ đồng, nhưng phá hỏng đường 30 tỉ đồng

Quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam:


Nộp 5 tỉ đồng, nhưng phá hỏng đường 30 tỉ đồng


SGTT.VN - “Chúng tôi đi khảo sát ở Tuyên Quang thấy thực trạng một doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản nộp ngân sách cho địa phương được 5 tỉ đồng một năm, thế nhưng, nguyên đoạn đường doanh nghiệp này sử dụng vận chuyển khoáng sản và làm hỏng, tỉnh phải đầu tư 30 tỉ đồng”, ông Phạm Gia Túc, phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Quản trị tài nguyên khoáng sản” do bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), phòng thương mại công nghiệp Việt Nam và uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội tổ chức ngày 8.10 tại Hà Nội.










Một mỏ khai thác apatit. Ảnh: TLSGTT



Theo ông Lại Hồng Thanh, cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, tổng cục Địa chất, bộ TN&MT, Nhà nước hiện không nắm được thực trạng “tài sản” của mình cũng như không kiểm soát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp. Kết quả điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản của Việt Nam thời gian qua phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau.


Đến nay, cấp trung ương đã có 14 quy hoạch cho 40 loại khoáng sản khác nhau, tuy nhiên, còn một số bất cập như: hầu hết các quy hoạch chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ, mà không có toạ độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi xem xét cấp phép. Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng như: đá hoa trắng, đá vôi, bentonit... nhưng cùng một mỏ, lại bị điều chỉnh bởi hai quy hoạch do hai bộ chủ trì lập, được phê duyệt ở thời điểm khác nhau. Một số quy hoạch có tính ổn định thấp, còn lệ thuộc vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, địa phương, chưa mang tính định hướng lâu dài. Đặc biệt, chỉ có 30 – 40% tổ chức cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, nhưng chế tài còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, do sản lượng khai thác làm căn cứ tính thuế do doanh nghiệp tự kê khai, nên Nhà nước không kiểm soát được nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên.


Tài sản của toàn dân, nhưng dân không được lợi!


“Khoáng sản là tài sản của toàn dân, nhưng dường như nơi nào có mỏ thì chỉ thấy hạ tầng cơ sở kém phát triển và dân nghèo đi”, ông Mai Xuân Hùng, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Quốc hội phát biểu.


TS Lê Đăng Doanh cho biết: “Trong việc khai thác, quản lý tài nguyên khoáng sản, lợi ích nhóm đã quá rõ ràng. Cấp trung ương cấp phép hạn chế, nhưng địa phương lại cấp quá nhiều. Người ta sẵn sàng chia nhỏ mỏ để cấp phép, trong khi đó, năng lực giám sát của chúng ta quá kém. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, cấp nào chịu trách nhiệm? Tính công khai minh bạch không rõ ràng”. Ông Doanh cũng ủng hộ Sáng kiến quản trị tài nguyên khoáng sản (EITI) khi cho rằng, đây là kinh nghiệm rất quý báu, Quốc hội nên ủng hộ và sớm triển khai lộ trình để thực hiện. Theo ông Doanh, trong lĩnh vực này, người dân không thể có điều kiện tiếp cận thông tin, nên cần các tổ chức xã hội vào cuộc hỗ trợ.


Liên quan đến cơ chế chia sẻ lợi ích cho người dân vùng khai thác khoáng sản, theo ông Phạm Gia Túc, Nhà nước cần phải có quỹ khoáng sản để phân phối lại cho người dân. Hiện nay, việc phân phối lợi ích không hài hoà, doanh nghiệp có lợi nhuận cao, trong khi người dân không được gì.


Phân tích ở góc độ giám sát khoáng sản kém, thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên viện trưởng viện Chiến lược (bộ Công an) cho rằng, việc giám sát khai thác khoáng sản rất kém, chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo, vậy 70% còn lại xử lý thế nào? Theo ông Cương, khoáng sản có đến ba bộ tham gia quản lý (bộ TN&MT, bộ Công thương, bộ Xây dựng), nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai chịu trách nhiệm trước nhân dân; cần phải thống nhất cho bộ TN&MT, chứ hiện nay, bộ này chỉ làm quy hoạch, còn xuất khẩu thì giao bộ Công thương.


Thanh Tuyền









Sáng kiến quản trị tài nguyên khoáng sản (EITI)


Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực khai khoáng, do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khởi xướng từ năm 2002. Hiện đã có 39 quốc gia thực thi. EITI sẽ giúp Việt Nam quản lý tốt hơn tài nguyên, góp phần tăng nguồn thu, giảm thất thoát, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.







Tại sao dân phải trả tiền chơi tennis cho ngành điện?

Tại sao dân phải trả tiền chơi tennis cho ngành điện?

Tại sao dân phải trả tiền chơi tennis cho ngành điện?


SGTT.VN - "Chi sai một đồng đối với một DNNN như EVN cũng là có lỗi với dân, huống hồ những khoản chi sai của EVN lên tới hàng ngàn tỉ, rồi lại tính vào giá thành và bắt dân chịu, tôi nghĩ cơ quan quản lý cần có một câu trả lời thỏa đáng cho người dân về việc này".


Như Infonet đã đưa tin, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong quá trình xây dựng một số dự án điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa cả hạng mục xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự, liền kề, chung cư kèm bể bơi, sân tennis ... với giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng. Đáng nói, toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.










Bù cho những khoản lỗ, thất thu của mình, EVN liên tục đề xuất tăng giá điện.



Ngoài ra, việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính, chưa kể còn bị lỗ đến 2.195 tỉ đồng cho đầu tư ngoài ngành.


Bày tỏ sự cảm thông với ngành điện trước những áp lực phải đảm bảo cung ứng đủ điện và an toàn cho hệ thống điện quốc gia, nhưng TS. Lê Đăng Doanh không đồng tình với cách làm của EVN, nhất là với những sự thật trong kinh doanh mà Thanh tra Chính phủ đã phanh phui về tập đoàn này.


"Trước đây lãnh đạo EVN đã từng tuyên bố là minh bạch trong chi phí sản xuất điện, không có chuyện hạch toán các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành vào giá điện, vậy mà bây giờ kết luận Thanh tra lại đưa ra những con số cụ thể. Lãnh đạo EVN cần có một lời giải thích rõ ràng về kết luận thanh tra trước dân chúng" – TS. Doanh nói.


Theo TS. Doanh, EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu hợp lý chưa? Với những khoản chi và đầu tư ngoài ngành thua lỗ mà bắt người dân, DN khác gánh thì rất vô lý.


Ông cũng cho rằng, cơ quan quản lý là Bộ Công thương và cơ quan quản lý tài chính là Bộ Tài chính cũng phải chịu trách nhiệm khi đã để "lọt" những khoản chi lớn như vậy của EVN.


"Chi sai một đồng đối với một DNNN như EVN cũng là có lỗi với dân, huống hồ những khoản chi sai của EVN lên tới hàng ngàn tỷ, rồi lại tính vào giá thành và bắt dân chịu, tôi nghĩ cơ quan quản lý cần có một câu trả lời thỏa đáng cho người dân về việc này" – ông lên tiếng.


Chưa hết, trong lúc EVN mạnh tay chi cho những dự án ngoài ngành thì khoản nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng của "ông điện" với những đối tác phát điện vẫn bị "treo" lại, chưa biết tới bao giờ được hoàn trả.


Theo con số công bố trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến hết năm 2011, Công ty Mua bán điện của EVN còn nợ hơn 22 ngàn tỉ đồng của các nhà máy phát điện, trong đó hơn 10 ngàn tỉ đồng là nợ đã quá hạn trả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hơn 9.200 tỉ đồng và Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là hơn 335 tỉ đồng. Số nợ trên chưa bao gồm các khoản lãi phạt do chậm trả theo hợp đồng.


Tuy nhiên với cung cách điều hành như hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia EVN sẽ khó mà hoàn trả được số nợ trên.


Ông Ngô Trí Long nhận xét, ngành điện cần phải minh bạch con số lỗ, lãi rồi giá thành sản xuất điện chứ không thể cứ để "tù mù", nửa vời như hiện nay. "Ngành điện cần thông tin rõ cơ cấu giá thành hiện nay như thế nào, giá than, giá khí chiếm bao nhiêu và liệu có chuyện tăng giá điện để gánh lỗ đầu tư ngoài ngành và tổn thất điện năng hay không", vị này nói.


Cũng cho rằng, EVN đã vô lý khi hạch toán những chi phí ... trời ơi như xây dựng sân tennis, chung cư... vào tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, từ đó tính vào giá thành điện, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, "cái sai của EVN là đã xây dựng các công trình nhà điều hành dự án điện lớn quá mức cần thiết, khiến chi phí đội lên và đưa những chi phí này vào giá thành sản xuất".


Vị chuyên gia này cho rằng, phải truy tới cùng trách nhiệm trong các hạng mục đầu tư "vượt khung" của EVN. "Dự án đầu tư quá mức theo chuẩn chung mà bộ Xây dựng quy định trong dự toán không có mà "bôi" ra thêm là lỗi của EVN, đầu tư quá mức và dùng nguồn vốn hạch toán vào giá điện là sai phạm, vô lý".


Để minh bạch và rộng đường dư luận, TS. Lê Đăng Doanh đề xuất, nên thành lập một tổ tư vấn độc lập vì trong hoàn cảnh nào cũng đều có giải pháp. "Nếu không muốn rõ ràng thì luôn có ngàn lý do để giải thích". EVN "hứa" thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành trước 2015 nhưng tôi cho rằng EVN phải sớm thực hiện thoái vốn mới mong minh bạch được phần nào"- nguyên viện trưởng viện Quản lý kinh tế CIEM chia sẻ.


Infonet.vn






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ