Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

Nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

Nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam


SGTT.VN - Ngày 1.1.2014, trung tâm thương mại đầu tiên của tập đoàn AEON Mall sẽ mở cửa tại TP.HCM, dọn đường cho nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản chính thức đặt chân vào Việt Nam với bước kế tiếp sau đó là Bình Dương và Hà Nội.










AEON Mall Việt Nam chọn vị trí xây dựng trung tâm thương mại tại Tân Phú và Bình Dương trong bán kính 5-15 km so với trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Phan Anh



AEON Mall đầu tiên ở Việt Nam mở tại quận Tân Phú, TP HCM, nơi chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất 5 km, hơn một triệu dân cư và gần như chưa có nhiều trung tâm thương mại. "Trung tâm mua sắm này không nhắm đến khách giàu có mà dành cho các gia đình trẻ", Yukio Konishi, Tổng giám đốc AEON Mall Việt Nam cho biết.


10 năm trước, Việt Nam được xem là thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới. Một thập kỷ qua, hàng chục nhà kinh doanh bán lẻ lớn nhỏ lần lượt có mặt khiến thị trường trở nên đầy cạnh tranh, nhiều trung tâm mua sắm vắng khách. Tuy nhiên, đại diện AEON Mall cho rằng không muộn để đầu tư bán lẻ ở Việt Nam.










Nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản dự kiến sẽ đưa hàng hóa, dịch vụ và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhật vào Việt Nam. Ảnh chụp tại AEON LakeTown ở Tokyo. Ảnh: Phan Anh



Trả lời VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty AEON Mall Việt Nam đánh giá khủng hoảng kinh tế đang là cơ hội đầu tư của nhà kinh doanh bán lẻ. Hai lý do được ông Yukio Konishi viện dẫn để cho rằng tập đoàn không muộn khi đầu tư vào Việt Nam vào thời điểm khó khăn kinh tế này, ngoài việc mang đến dịch vụ của người Nhật. Theo đó, Việt Nam có 90 triệu người và diện tích tương đương nước Nhật, khác biệt lớn nhất là dân số Việt trẻ. Do đó, đầu tư hôm nay, 10 năm sau AEON Mall sẽ đạt được thành công.


Ngoài ra, quan trọng hơn, AEON Mall đã "trì hoãn có ý đồ" khi để cho các ông lớn bán lẻ thế giới vào Việt Nam trước, ở thời điểm vẫn đang là thị trường bán lẻ số một toàn cầu. Các nhà bán lẻ đến trước đã có thời gian dạy cho người tiêu dùng Việt những kiến thức về hàng hóa, chất lượng sản phẩm. "Ngày nay chúng tôi có lợi thế hơn, bởi người dùng Việt Nam đã có thể hiểu và so sánh chất lượng giữa các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ", ông Yukio Konishi nhận xét.


Nhà đầu tư này kỳ vọng sẽ thành công trong việc thu hút khách hàng Việt bằng dịch vụ của người Nhật, với quan niệm "mua sắm không chỉ là mua bán mà còn để trải nghiệm, giải trí, thư giãn". 1/3 lượng gian hàng, sản phẩm bán ở AEON Mall Việt Nam xuất xứ từ Nhật, 1/3 là hàng Việt và phần còn lại có nguồn gốc khác, cùng 52 sự kiện giải trí được tổ chức trong năm.










Một góc trung tâm bán lẻ AEON Mall tại Nhật Bản với công viên làm nơi nghỉ chân khách mua sắm. Ảnh: Phan Anh



Trước khi chính thức đầu tư các trung tâm mua sắm tại Việt Nam, AEON đã thăm dò thị trường bằng hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop. Dự kiến tháng 10.2014, trung tâm thương mại thứ hai mở ở Bình Dương, năm 2015 đến lượt trung tâm thương mại tại Long Biên, Hà Nội, hoạt động.


Chủ tịch tập đoàn AEON Mall Soichi Okazaki cho hay, nhà bán lẻ này có lịch sử hơn 200 năm, hiện đã mở trên 120 trung tâm thương mại ở Nhật và 14 quốc gia, lãnh thổ trong đó có 8 nước Châu Á. Tập đoàn hiện có 290 công ty thành viên, 16.000 đơn vị kinh doanh ở Nhật. Doanh thu năm 2013 của tập đoàn là 60 tỉ USD, lợi nhuận 20 tỉ USD, nhiều năm nay là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản.


Theo VnExpress






Thuế và hải quan: “Doanh nghiệp còn thiếu hợp tác chống tham nhũng”

Thuế và hải quan: “Doanh nghiệp còn thiếu hợp tác chống tham nhũng”

Thuế và hải quan: “Doanh nghiệp còn thiếu hợp tác chống tham nhũng”


SGTT.VN - Sáng ngày 31.10, tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” do Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp với sứ quán Anh tổ chức, hai đơn vị tổng cục Thuế và tổng cục Hải quan đã bị nêu tên trong danh sách các cơ quan nhũng nhiễu các doanh nghiệp nhiều nhất.


Bà Lê Hồng Hải, tổng cục phó tổng cục Thuế cho biết qua thanh, kiểm tra, đa phần các doanh nghiệp có sai sót của mình trong hợp đồng do họ không hiểu biết, hoặc chưa nắm vững các chính sách. “Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị về chính sách mới, nhưng ít khi được các giám đốc doanh nghiệp đến dự, mà họ chỉ cử nhân viên kế toán đến dự”, bà Hải nhấn mạnh. Do đó, đã dẫn đến nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thực thi đúng các chính sách, có sai phạm, “rồi giám đốc mới có ứng xử như là chi phí không chính thức, hối lộ”. Bà Hải khẳng định, nguyên nhân tham nhũng là đến từ hai phía. Hiện tổng cục Thuế và bộ Tài chính đang thực hiện cải cách và sẽ triển khai việc tự động hoá và hiện đại hoá giai đoạn năm 2015 – 2020 và tổng cục Thuế cũng đã thành lập ban chống tham nhũng, toàn hệ thống cũng ký cam kết với từng công chức không tham nhũng.










Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tốt về các thủ tục hải quan, thuế để phát triển thuận lợi trong kinh doanh (ảnh minh họa). Ảnh: Các Ngọc



Còn ông Nguyễn Xuân Thái, phó tổng cục trưởng tổng cục Hải quan lại phàn nàn việc có những doanh nghiệp còn lơ là trong việc khai báo hải quan điện tử, phần lớn doanh nghiệp chỉ cử nhân viên, hoặc thuê người khai, thậm chí nhờ chính hải quan làm giúp. Theo ông Thái, việc thực hiện các thủ tục hải quan điện tử là biện pháp giúp hạn chế tiếp xúc, nhất là hệ thống thông quan tự động sẽ giúp hạn chế tối đa tiếp xúc giữa doanh nghiệp với nhân viên hải quan, giúp hạn chế tiêu cực, do đó, tổng cục Hải quan “rất mong các doanh nghiệp hợp tác”, ông Hải nói.


Theo ông Đặng Quang Vinh, đại diện nhóm chuyên gia của VCCI thực hiện khảo sát chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong năm 2012, PCI đã tập hợp ý kiến của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 1.500 doanh nghiệp FDI tại 13 tỉnh, thành phố. Theo đó, cảm nhận chung của doanh nghiệp là nạn nhũng nhiễu trong năm 2012 đã tăng so với năm 2011 (hơn 43% so với hơn 40%). Hơn 60% doanh nghiệp cho biết công việc được giải quyết sau khi trả các chi phí không chính thức.


Trước đó, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của ngân hàng Thế giới cho biết theo khảo sát mới đây, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, có năm ngành tham nhũng nhất, đứng đầu là thuế, tiếp đó là tài chính, ngân hàng, kho bạc và thứ năm là hải quan. Riêng tại Hà Nội, ba cơ quan dẫn đầu về mức độ gây khó dễ cho doanh nghiệp là kế hoạch và đầu tư, ngân hàng và kho bạc, còn cơ quan thuế đứng thứ năm và hải quan đứng thứ sáu. Qua khảo sát, có 67% doanh nghiệp cho biết công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, có 66% công chức giải thích không rõ, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp và 54% công chức đã bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí các doanh nghiệp, và có đến 75% doanh nghiệp đưa hối lộ dù không bị gợi ý.


Việt Anh






Lê Tứ – Hà Như: trọn vẹn gia đình và sự nghiệp

Lê Tứ – Hà Như: trọn vẹn gia đình và sự nghiệp

Gạn đục khơi trong


Lê Tứ – Hà Như: trọn vẹn gia đình và sự nghiệp


SGTT.VN - Trong giới nghệ sĩ cải lương, cặp đôi Lê Tứ và Hà Như được nhiều người ngưỡng mộ, không chỉ vì giọng hát mà còn vì họ là một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Cả hai lúc nào cũng bên nhau trong các vở diễn của đoàn 3 nhà hát Trần Hữu Trang. Hẹn hai người tại ngôi nhà riêng trong con hẻm nhỏ ở quận 8 – TP.HCM, Hà Như đón tiếp chúng tôi với gương mặt mộc mang nét dịu dàng của người miền Tây. Lê Tứ cũng vừa về đến sau một vòng xe đạp tập thể dục.










“Xin được chọn cả hai: gia đình và sân khấu”. Ảnh gia đình cung cấp



Ít thấy nghệ sĩ cải lương quan tâm tập thể dục. Duyên cớ nào anh chọn môn xe đạp để rèn luyện sức khoẻ?


Lê Tứ: Tôi thấy đúng là nghệ sĩ cải lương ít chú ý đến sức khoẻ dù khi diễn, khi hát phải dùng rất nhiều sức. Đạp xe không chỉ rèn luyện sức khoẻ mà còn thư giãn đầu óc. Vả lại, tôi muốn làm gương để con trai cũng có thói quen tập thể dục vì bé có nguy cơ béo phì.


Duyên cớ nào đưa hai người đến với nhau?


Hà Như: Mình và anh Tứ quen nhau từ những ngày học chung lớp diễn viên ở trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh khoá 1992 – 1995. Thời ấy Lê Tứ ốm và đen đúa chứ không đẹp trai như bây giờ (cười). Do có giọng hát hợp nhau nên thầy cô thường kêu hai đứa đi show. Thời đó, anh Tứ phải mượn xe đạp của bạn chung lớp để chở Như. Những cuộc trò chuyện giúp hai đứa đến gần với nhau hơn. Năm 1997, Như và anh Tứ theo đoàn lưu diễn vở Ngày xửa ngày xưa của biên đạo Ea Sola tại châu Âu. Nhờ chuyến đi mà hai đứa xích lại gần thêm nữa. Đến năm 2000 thì cả hai quyết định chung sống cùng nhau.


Lê Tứ: Ngày còn đi học, Như được nhiều anh chàng trong lớp tán tỉnh lắm, còn mình nhút nhát nên việc mở miệng bày tỏ tình cảm thật khó khăn. Chính nhờ chuyến đi Pháp, mình bị cảm cúm nên được Như quan tâm, chăm sóc tận tình, mới dám mở lời và không gì sung sướng hơn khi nàng đồng ý.


Với nhiều người, đời sống vợ chồng nhiều năm dễ phai nhạt. Anh chị có trong trường hợp này không?


Hà Như: Mình tâm đắc câu nói của ông bà ta: “Gừng càng già càng cay” (cười).


Lê Tứ: Càng ngày, tôi lại càng yêu Hà Như hơn bởi tính chịu thương chịu khó, lo lắng hết mình cho chồng con. Trước đây, có những lúc công việc căng thẳng nên mình có những hành động và lời nói làm buồn lòng vợ, thế nhưng Như không bao giờ căng theo mà luôn trao đổi sau đó. Chính nhờ vậy mà mình rút kinh nghiệm để không làm vợ con buồn lòng.


Có chứng kiến hình ảnh Hà Như sau cánh gà khi đi theo Lê Tứ đến các vở diễn mới thấy hết sự lo lắng mà chị dành cho anh. Nếu bây giờ phải lui về hậu trường để lo cho chồng, chị có đồng ý?


Hà Như: Khi sinh con trai vào năm 2004, Như nghỉ hát để lo cho gia đình. Lúc ấy cứ nghĩ mình đã bỏ nghề luôn rồi.


Thế nhưng nỗi nhớ sân khấu và nghề hát kéo Như trở lại sàn diễn cho đến tận hôm nay. Nếu phải chọn thì Như xin được chọn cả hai dù biết rằng sẽ rất vất vả để chu toàn gia đình và sự nghiệp.


Lê Tứ hát hay, đẹp trai nên có nhiều khán giả hâm mộ, vậy chị có ghen không?


Hà Như: Nói ghen cũng không đúng mà không ghen cũng… không phải. Bằng cảm giác của một người phụ nữ thì mình biết ai yêu mến Lê Tứ trên sân khấu, còn ai yêu mến Lê Tứ đời thường. Cũng may là anh Tứ cũng không đi quá giới hạn nên mình cũng yên tâm. Gia đình nào cũng có lúc sóng gió quan trọng là biết để nó trôi qua chứ không để lại những cơn địa chấn.


Nhiều người cho rằng hạnh phúc đào – kép ít bền lâu. Anh chị có nghĩ mình đã phá vỡ định kiến này?


Lê Tứ: Người nghệ sĩ nếu có một hậu phương vững chắc thì sự nghiệp ngày càng tiến bộ. Tôi thấy mình may mắn khi có một hậu phương như thế.


Hà Như: Dù có thế nào, nếu hai người cùng đồng lòng giữ vững tay chèo sẽ dễ dàng vượt qua giông bão.


Bé Nhựt Đăng, con trai anh chị, từng lên sân khấu biểu diễn trong một số vở diễn. Chị có ý định cho con mình theo đuổi nghề hát của ba mẹ? Mối quan tâm lớn nhất hiện giờ của anh chị với con trai là gì?


Hà Như: Con trai ngày càng lớn nên Như lo hai vợ chồng mải miết đi diễn mà không gần gũi, quan tâm đến chuyện học hành, tâm sinh lý của con. Chính vì vậy, có thời gian rảnh là mình dành hết cho gia đình, gần gũi con như là người bạn. Mình không định hướng con phải theo nghề cha mẹ, bé hiện giờ thích đóng những vai nhỏ để làm quen với sân khấu thôi.


Lê Tứ: Nếu con muốn theo nghề thì tôi cũng không cản vì nó có máu nghệ sĩ giống mình càng vui. Còn mối quan tâm lớn nhất của tôi là có thêm một con gái (cười)!


An Khê






Lenovo K900 ra sao?

Lenovo K900 ra sao?

Dùng thử











Lenovo K900 ra sao?


SGTT.VN - Lenovo K900 hiện có hai phiên bản: 16Gb (9,1 triệu đồng) và 32Gb (9,7 triệu đồng) với cấu hình: bộ xử lý Intel Atom Z2580 lõi kép tốc độ 2GHz, màn hình 5,5 inch, tấm nền AH-IPS, camera 13 megapixel sử dụng cảm biến Sony Exmor R. Với cấu hình và giá như vậy, Lenovo K900 là điện thoại được nhiều người dùng đánh giá là rẻ và có thiết kế đẹp.


Dù cho phép đa nhiệm nhưng giữa hệ điều hành và chip xử lý còn vênh nhau nên K900 thường xuyên xuất hiện hiện tượng “đồng hồ cát”, nghĩa là bị treo máy trong trường hợp mở nhiều ứng dụng cùng lúc, dẫn đến hiện tượng máy bị nóng và hao pin. Không ít khách hàng phải gởi máy để trung tâm bảo hành nâng cấp hệ điều hành nhằm khắc phục hiện tượng máy bị nóng. Thêm vào đó, dung lượng pin thấp (2.500mAh) nên khoảng 6 – 7 tiếng, trong trường hợp chỉ gọi và lướt web (không chơi game, xem phim…) là phải cắm sạc. Với nhiều lỗi trên mà nhiều hệ thống bán lẻ đã treo biển “không kinh doanh” đối với sản phẩm này.


Song Minh






Bún mặn bún chay

Bún mặn bún chay

Bún mặn bún chay


SGTT.VN - Bún – thực phẩm quá quen thuộc với mọi người. Bạn có thể cất công một tí với những cá, tôm, thịt…, hay đồ chay chế biến, pha phối cùng gia vị đúng cách, hợp khẩu vị; bạn sẽ có những món bún ngon, lạ miệng như một cách biến tấu cho bữa ăn gia đình.


Bún bê thui xào











Nguyên liệu: thịt bê thui; thính gạo rang; hành tây; mắm nêm, hành tỏi băm; càrốt, củ cải trắng, tỉa hoa, ngâm chua ngọt; đậu phộng rang, hành phi...


Cách làm: thịt bê thui cắt lát mỏng, ướp tiêu, muối. Hành tây cắt múi cau. Xàlách, rau thơm, dưa leo cắt nhỏ. Làm dầu hành lá. Phi dầu với hành tỏi băm cho vàng thơm, xào hành tây, nêm chút hạt nêm, tắt lửa. Cho thịt bê vào trộn nhanh, để nguội bớt, trộn thêm thính. Pha mắm nêm: mắm nêm hoà với nước sôi để nguội, lắng lọc bỏ cặn, thêm sả băm, thơm băm, tỏi ớt băm. Cho vào tô: rau, dưa, bún, thịt bê, đồ chua, đậu phộng rang, hành phi, dầu hành lá, chan mắm nêm.


Bún bò xào chay











Nguyên liệu: thịt bò chay 400g, sả băm 50g, hành tím băm 1M, rau sống, bún tươi, nước mắm chua ngọt chay, đậu phộng rang.


Cách làm: xào hành tím + sả cho thơm, cho thịt bò chay cắt miếng vừa ăn vào, nêm gia vị. Trang trí: xếp bún, rau sống ra tô, cho thịt bò lên, rắc đậu phộng rang.


Bún chả giò chay











Nguyên liệu: tàu hũ ky miếng 200g, đậu xanh bóc vỏ 100g, càrốt cắt sợi 100g, nấm mèo cắt sợi 3 tai lớn, bánh tráng 2 xấp, bún tươi 1kg, rau giá, đậu phộng rang.


Cách làm: tàu hũ ky ngâm nước cho mềm, vớt ra xé nhuyễn. Đậu xanh nấu chín. Nấm mèo, càrốt xào khô. Trộn đều các nguyên liệu + gia vị để làm nhân, cho vào bánh tráng cuốn, đem chiên. Xếp bún, rau giá, chả giò vào tô, rắc đậu phộng rang lên, ăn với nước mắm chua ngọt.


Bún tôm châu trúc











Tôm lột vỏ, giã với hành tím, tiêu, bột ngọt, đầu hành lá, nước mắm, rượu trắng cho nhuyễn, trộn thêm lòng đỏ trứng.


Lấy 1/2 trộn với cá nạo, quết dai, ép thành bánh, đem hấp chín, phết thêm lòng đỏ lên mặt chả trong khi hấp, cắt miếng vừa ăn.


Vỏ và đầu tôm rang khô với chút rượu, cho vào nấu chung với nước dùng khoảng 15 phút. Lọc lại, nêm vừa ăn. Trụng bún cho vào tô, thêm chả tôm, múc một ít tôm quết trụng trong nước dùng cho vừa chín tới, múc ra tô, chế nước dùng lên, thêm hành ngò, tiêu.


Ăn kèm muối ớt tôm, chanh, bánh tráng nướng.


Bún chả cá nướng thì là











Cách làm: philê cá lóc ướp với 1 muỗng nhỏ (m) nước cốt chanh, 1,5 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng tiêu, 1/2 muỗng đường, 1m thì là băm, 1 muỗng canh (M) nước nghệ, 1M nước mẻ, 1m riềng băm. Nướng chả cá chín vàng, cắt miếng vừa ăn.


Pha nước mắm: 2/3 chén nước sôi để nguội, 1M đường, 2,5M nước mắm, 1/4M bột ngọt, 1M cốt chanh, ớt băm và tỏi.


Cho giá, rau thơm, xàlách, dưa cắt nhỏ vào tô, cho bún, đồ chua, đậu phộng, chả cá nướng, hành phi lên. Khi ăn chan nước mắm chua ngọt.


Bún chả giò











Cách làm: trộn thịt, nấm mèo, miến, khoai cao, củ sắn, hành tím với hạt nêm, tiêu. Đập nhân cho dai. Bánh đa nem thoa với nước có pha rượu trắng, 1 muỗng giấm, cuốn nhân lại bên trong. Chiên vàng giòn.


Pha nước mắm: 2/3 chén nước sôi để nguội, 1M đường, 2,5M nước mắm, 1/4 muỗng bột ngọt, 1,5M giấm, thêm 1 muỗng ớt băm và 1 muỗng tỏi băm.


Trình bày: cho vào tô: dưa leo, xàlách cắt nhỏ, bún, chả giò cắt làm hai, hành phi, đồ chua, đậu phộng rang. Chan nước mắm.


M. Cúc – Q. Tâm (thực hiện)






Người dùng ngày càng “thông minh”

Người dùng ngày càng “thông minh”

Người dùng ngày càng “thông minh”


SGTT.VN - Nhìn dưới giá trị tiêu dùng, một điện thoại thông minh (smartphone) không thể để khoe của hoặc khai thác những chức năng cơ bản như nghe/gọi và nhắn tin. Smartphone có những giá trị riêng, không thể sử dụng những chức năng cơ bản như những dòng điện thoại “cỏ”!










Chiếc điện thoại thông minh sẽ phát huy năng lực với người tiêu dùng thông minh. Trong ảnh: minh hoạ “tiến hoá” trong giao tiếp của con người. Tranh minh hoạ của hãng công nghệ MediaTek.



Những con số gây sốc!


Tháng 12.2012, Ericsson Consumer Lab đã có một khảo sát “gây sốc”, nhất là với giới kinh doanh. Tại cuộc khảo sát này, Ericsson Consumer Lab đã chọn tám quốc gia: Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam với những tiêu chí khảo sát: nhắn tin SMS, gọi, truy cập internet, sử dụng ứng dụng, email, mạng xã hội, tin nhắn nhanh (instant messaging – IM) và quay phim. Trong những tiêu chí trên, nếu tính điểm trung bình theo kết quả khảo sát, người dùng Việt Nam “không thông minh” so với người dùng các quốc gia trong khu vực.


Kết quả khảo sát cho thấy cách sử dụng smartphone của người Việt như sau: 95% dùng để nhắn tin, 99% dùng để gọi, 25% dùng để gởi email, 35% dùng ứng dụng, 38% kết nối mạng xã hội, 25% quay phim và 15% dùng IM. Trong những tiêu chí khảo sát trên, chỉ có tiêu chí truy cập internet là điểm son của người tiêu dùng Việt khi vượt qua nhiều nước trong khu vực với tỷ lệ là 68%, đứng sau: Singapore – 82%, Malaysia và Úc – 71%.


Từ kết quả trên, nhiều ý kiến chỉ trích rằng, nhiều người mua smartphone, nhất là các dòng cao cấp chỉ để “khoe của”, “học làm sang”, “chảnh” hơn là khai thác năng lực hiện hữu của chúng. “Những chỉ trích này không sai. Nhưng chỉ trích để làm gì nếu ai đó có hiểu biết tìm cách tư vấn, truyền dạy để họ trở thành người tiêu dùng thông minh hơn”, một chuyên gia về nhóm hàng này chia sẻ. Còn theo ông Ngô Nguyên Kha, tổng giám đốc hãng sản xuất điện thoại di động Mobiistar, “kết quả khảo sát trên thật sự gây sốc với nhà sản xuất điện thoại di động”.


Từng bước “thông minh” hơn…


Nhưng tình hình không đến nỗi “bi đát” như nhiều chuyên gia lo ngại khi kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ số “thông minh” của người dùng smartphone tại Việt Nam tăng lên bất ngờ. Tháng 4.2013, hãng nghiên cứu thị trường trên điện thoại di động Decision Fuel (Hong Kong) và hãng quảng cáo trên thiết bị di động Inmobi (Anh), đã kết hợp khảo sát hành vi của 1.062 người dùng Việt Nam về thời gian sử dụng các thiết bị di động (chủ yếu là smartphone). Kết quả khảo sát cho thấy: trong 270 phút cho các hoạt động giải trí của một ngày/người, người sử dụng dành hơn 95 phút truy cập internet bằng các thiết bị di động, 47 phút dành cho kết nối internet bằng máy tính để bàn hoặc laptop, trong khi đó các hoạt động giải trí “truyền thống” như: xem tivi – 68 phút, đọc sách báo – 34 phút, nghe radio – 25 phút…


Gần đây hơn, vào tháng 6.2013, với số lượng khách hàng khảo sát khoảng 1.000 người, Google đã có những con số “kỳ lạ” về hành vi sử dụng smartphone của người tiêu dùng Việt Nam: 92% có sử dụng smartphone trong khi chơi game hoặc lướt internet (máy tính bàn hay laptop), xem tivi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim… Cũng từ nguồn khảo sát trên, tỷ lệ dùng smartphone kết nối vào internet ngày càng nhiều hơn: 35% sử dụng smartphone so với 29% sử dụng máy tính để bàn, 29% sử dụng laptop, 6% từ máy tính bảng, 2% từ các dòng tivi thông minh.


Nhiều cơ hội


Không quá khó để nhận ra vì sao người sử dụng ở Việt Nam (con số thống kê mới nhất về số lượng smartphone tại thị trường Việt Nam khoảng 18 triệu, 2 triệu thiết bị di động thông minh khác) lại gia tăng giá trị sử dụng của smartphone trong cuộc sống thường nhật. Ông Ngô Nguyên Kha nhận xét về những số liệu trên: “Hành vi tiêu dùng smartphone của người Việt đã có những thay đổi tích cực. Cách sử dụng của họ đã “smart” (thông minh) hơn. Còn tỷ lệ 92% nói lên một giá trị: chiếc smartphone (có cả những thiết bị thông minh khác như máy tính bảng…) ngày càng được khai thác nhiều hơn, trở thành một thiết bị số không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, nhất là cư dân đô thị”. Để chiếc smartphone ngày càng gần gũi với người tiêu dùng, trước hết là yếu tố “nhỏ và gọn” hơn các thiết bị khác, giá ngày càng rẻ, cơ hội chia sẻ thông tin sử dụng nhiều hơn.


Xu hướng dùng smartphone Việt Nam ngày càng gia tăng. Đây là cơ hội cho các hãng sản xuất, các nhà khai thác nội dung, ứng dụng và quảng cáo trên chiếc smartphone. Năm 2012, smartphone chỉ chiếm 20% số lượng, 40% doanh thu nhưng năm 2013, tỷ lệ trên đã tăng gấp đôi: 40% số lượng và 80% doanh thu như thông tin từ ông Huỳnh Phước Cường, đại diện GfK Việt Nam. Bà Nguyễn Hoàng Quế Nga, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh trực tuyến của VNG, nói rằng: “Việc tỷ lệ sử dụng smartphone ngày càng gia tăng nên quảng cáo trên nhóm sản phẩm này là giải pháp tốt nhất hiện nay cho các doanh nghiệp”.


Gia Vinh






Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước SNG

Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước SNG

Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước SNG


SGTT.VN - Vào ba ngày ngày 27, 28, 29.10 tại khu du lịch Hòn Tằm và Diamond Bay, Nha Trang đã diễn ra chương trình giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và các nước SNG, do công ty Victoria và Fashion House International tổ chức.


Chương trình hoạt động dựa trên thỏa thuận về phát triển kinh tế và văn hoá được ký vào năm 2012 giữa Việt Nam, Kazakhstan và Nga.


Khoảng 30 nghệ sĩ trong độ tuổi từ 9-50 đến từ Kazakhstan, Nga và Việt Nam đã tham gia các chương trình thi tài năng, trang phục dạ hội, đồ bơi do Khusannov Vadim, tổng giám đốc công ty Fashion House tại Nga, từng là đạo diễn cho các chương trình thời trang nước ngoài tại Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc chỉ đạo. Các thí sinh tham dự đã nhận được các quà tặng để tham dự các khoá học tại Mỹ, Pháp.










Người đẹp Lukina Yulia đoạt giải Grand Prix Miss International Vietnam với quà tặng bộ ngọc trai Hoàng Gia và tham gia các dự án tại Mỹ.











Các thí sinh dự thi biểu diễn tài năng.











Các người đẹp cùng Hoa hậu Hoàn vũ Nga 2012 (bìa phải) chấm điểm trong ngày hội giao lưu.



Tham gia thành phần ban giám khảo có hoa hậu Diễm Hương, ca sĩ Nga Vysockaya Alena, diễn viên Nga Menshikow Stepan Valerievich, thành viên ban nhạc Mirazh-Khlopkov Alexander Valerievich… cùng các giám đốc công ty giải trí Nga, chủ biên các tờ báo tại Nga.


Ngày hội giao lưu văn hoá giữa các nước SNG đã diễn ra tại nhiều quốc gia nhằm tạo ra mối giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch tại Khánh Hòa.


Trâm Anh






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ