Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Góc học của con

Góc học của con

Góc học của con


SGTT.VN - Một trong những điểm cộng thêm để tăng khả năng nhận được sự trợ giúp từ các chương trình mang tính hỗ trợ hay từ thiện (như chương trình Ngôi nhà mơ ước quen thuộc của HTV chẳng hạn) là các đứa con trong nhà phải học giỏi. Như một công thức quen, để miêu tả cảnh nghèo nàn, bần cùng máy quay sẽ lia khắp các nơi rách nát, xiêu vẹo của ngôi nhà để ghi hình, sau đó, bằng vài lời dẫn giới thiệu thành tích học tập, người xem sẽ chứng kiến cảnh các em nhỏ hiếu học đã phải học hành trong hoàn cảnh tồi tàn như thế nào.











Để tránh ướt mưa, có em phải gói sách vào các bịch nilông, bàn học thì dùng bàn ăn của gia đình. Cũng có em cất toàn bộ sách vở trong một cái rương gỗ, khi học thì cái rương gỗ ấy cũng chính là bàn… Nói chung, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà một… góc học tập. Góc học tập được hiểu đơn giản nhất là nơi để ngồi học bài. Từ hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ thiếu may mắn nhưng vẫn học hành giỏi giang, không biết có bao nhiêu em nhỏ khác giật mình, nhận thức được rằng, học hành, để có kết quả tốt, cần ánh sáng đến từ tâm thức, từ sự chuyên cần và khao khát chứ không nhất thiết, kết quả tốt đến từ những tiện nghi, những màu mè chấp chới.


Ở thành thị, trẻ em trong những gia đình có điều kiện thường có phòng riêng, các em có bàn học đặt cạnh giường ngủ, có ghế xoay, dĩ nhiên là có kệ sách, có vi tính, có đèn bàn… đầy đủ hết. Ấy là một mẫu hình lý tưởng mà hầu hết các ông bố bà mẹ hễ lo được là lo không đắn đo. Tôi không biết nó có thật sự tốt hay không, thỉnh thoảng thấy phim truyền hình và cả ở ngoài đời thực, cảnh đêm đêm, bà mẹ sẽ cốc cốc gõ cửa, mang vào cho quý tử của mình một ly sữa hay một dĩa trái cây, bảo con dừng học một chút để ăn để uống, xoa xoa đầu xót con ham học đến bơ phờ. Bà mẹ thấy con đang ngồi ở chỗ dành cho sự học ấy thì yên tâm quay ra, miệng nở nụ cười hạnh phúc. Cửa vừa đóng, màn hình vi tính ở góc học tập ấy sáng lên, tiếp tục trận chiến võ lâm đang còn dang dở… Không có điều kiện để con cái có một chỗ học hành đàng hoàng là một nỗi ngậm ngùi chua xót, là một bất hạnh có thể gọi tên, nhưng có một căn nhà đẹp, trang bị đầy đủ cho con những tiện nghi hiện đại nhưng bản thân chúng lại ham chơi hơn ham học cũng là một bất hạnh mịt mù không kém.


Khi suy nghĩ về góc học tập của mỗi con người, không hiểu sao tâm trí tôi cứ dắt về cái bàn học của chị Quyên bạn tôi khi còn ở quê. Lúc đó tôi chừng lớp 6, còn chị thì lớp 7, một lần xuống nhà chị Quyên chơi, thấy chị ngồi học bài với cái bàn xếp trước sân nhà, dưới bóng một cây xoài to, phóng mắt thẳng ra cánh đồng làng lúa xanh mởn, gió trưa liu riu liu riu thổi. Trên bàn có một chén chè đậu xanh ăn dở, một chén muối ớt và một trái ổi cũng ăn dở. Kế bên hai món ăn đó là một thứ không ăn được cũng không biết để làm gì, một nhành bông dừa trắng ngà với vài bông đã bị tuốt ra nằm rơi vãi khắp bàn. Chị Quyên hồi đó học giỏi nhất khối, tôi nể chị nhiều mà mê say cái chỗ học của chị thì nhiều hơn. Dĩ nhiên, bác Năm có xếp cho chị Quyên có một chỗ học đàng hoàng trong nhà nhưng có những ngày “nổi hứng” chị khiêng bàn ra học dưới bóng cây như thế, chị nói đứa nào được cây che bóng thì viết tập làm văn sẽ hay hơn. Lúc đó tôi tin sái cổ nên lâu lâu, cũng bắt anh tôi khiêng bàn ra đặt dưới gốc xà cừ trước nhà để tôi ngồi làm tập làm văn! Ngặt nỗi nhà tôi không nhìn ra đồng lúa mà nhìn thẳng ra quốc lộ, nhiều người ngang qua nhìn tôi rất “ngộ”. Giờ nhắc lại thấy mắc cỡ xen lẫn buồn cười khủng khỉnh.


Tôi có anh bạn khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, nhà anh dĩ nhiên là đẹp và không thiếu tiện nghi gì nhưng góc ấn tượng nhất của tôi khi ghé thăm lại là góc nhỏ mà anh hay ngồi đọc sách. Một cái bàn gỗ thông, một cái ghế gỗ có tựa lưng, trước mặt là khung cửa sổ treo một bình trầu bà dây rủ. Ngoài kia là sân vườn, có lích chích tiếng chim sâu. Chiếc bàn ấy chỉ có sách, một ống cắm bút bằng tre, một cây đèn dầu và một khung hình gỗ rất cũ, hình cả gia đình anh với nước màu đen trắng. Anh nói còn một thứ nữa mà anh không thể có được để hoàn chỉnh cái góc học tập bé nhỏ của mình là cái gối mẹ anh dồn gòn, vỏ gối là những miếng vải nhiều màu mẹ anh ráp lại rất công phu và đẹp mắt, bà làm để anh ngồi cho êm ái. Tôi nói nó ấn tượng là vì so với căn nhà, góc này giản dị mà mang lại cảm giác quen thuộc ghê lắm. Hỏi ra thì biết, đây chính là tái hiện góc học tập của anh thời còn ở quê nhà miền Trung nghèo khó. Con cái anh không thích ngồi ở đây, chúng có góc riêng trong phòng của chúng, và nữa, vì ở đây anh không đặt máy vi tính.


Góc học tập là cần thiết cho bất cứ đứa trẻ nào, đó là thế giới riêng đầu tiên của mỗi cá nhân, để tập tính ngăn nắp, trách nhiệm với chính cuộc sống của mình. Nếu để ý một chút, cá tính từng đứa trẻ thể hiện hết ở góc này. Đứa tính ngăn nắp thì sắp xếp gọn gàng sách vở đâu ra đó. Đứa có “tâm hồn ăn uống” thì thế nào cũng có gói bánh, hộp kẹo đặt cạnh ly cắm bút. Con gái điệu đà thế nào cũng có hoa treo, có bướm giăng… Thằng luộm thuộm bê bối thì hôm nay mẹ có dọn dẹp giúp thì hôm sau cũng như chiến trường lại như cũ. Góc học tập, đừng có dại mà kêu ai đó tả ra cho mình nghe như tôi, đó sẽ là mạch nước tuôn xối, không dừng được đâu, bởi nó thân thương, nó gắn bó, và hơn hết mọi thứ, nó là điều cụ thể nhất để tuổi hoa niên treo vào. Lủng lẳng như chiếc đèn lồng, sáng ấm ở trên cao. Bây giờ có điện có đèn, có quạt và máy lạnh. Góc học tập đặt đâu cũng sáng cũng mát. Không như hầu hết các thế hệ học sinh những năm xưa cũ, góc học tập thường thấy nhất là ở cửa sổ, để lợi dụng ánh sáng trời và gió mát (nhưng đôi khi, sẽ có tai nạn mưa tạt làm ướt sách vở nếu quên đóng cửa). Còn lại như anh em nhà tôi thì góc học tập thường là ở phòng thờ nhà nội, vì nó yên tĩnh tuyệt đối, không có ai lai vãng, trừ khi giỗ chạp nhà thờ mở cửa mà thôi.


So sánh có thể khiên cưỡng nhưng tôi thấy có vẻ như, cách một đứa trẻ tổ chức, chăm sóc góc học tập của mình, cách người trẻ đổ mồ hôi và khao khát của mình trên góc học tập sẽ quyết định “chiếc ghế” sự nghiệp và công danh của đứa trẻ ấy khi nó trưởng thành. Như một phần gốc rễ của đời người, góc học tập quyết định độ vững chắc của cây đời không phải vì giá trị vật chất của nó. Mà chính xác, nó là sự quan tâm của gia đình, của cha mẹ để thu vén cho con cái một chỗ ngồi tươm tất, sáng sủa tiện học hành. Đó mới chính là chiếc gối êm ái nhất, đẹp đẽ trên những chuyến bay sau này của mỗi con người.


Bài Trương Gia Hoà minh hoạ đỗ trung quân






Khoảng sân trong – những lá phổi xanh

Khoảng sân trong – những lá phổi xanh

Khoảng sân trong – những lá phổi xanh


SGTT.VN - Thông thường, sân trong là khoảng không gian tập trung chính cho nhiều mục đích khác nhau từ nấu nướng, ăn uống đến vui chơi, giải trí... nhưng đôi khi nó chỉ có tác dụng như một khoảng thông tầng nhỏ trong nhà, vì vậy không nhất thiết phải có thảm thực vật đi cùng.











Ngược tìm về “gốc rễ”


Nhà có kèm sân trong chủ yếu phổ biến ở các vùng có khí hậu ôn đới, trong đó sân trong đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện vi khí hậu, làm mát ngôi nhà trong những ngày thời tiết oi bức. Mặc dù vậy chúng cũng được bắt gặp ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt hơn từ nhiều thế kỷ trước. Được biết đến sớm nhất là các dạng sân trong ở Iran và Trung Quốc xuất hiện vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên với sự pha trộn của nhiều chức năng khác nhau, thậm chí ở một số khu vực chúng còn được xây dựng cho việc giữ các động vật và gia súc nhỏ. Nhưng phải đến 1.000 năm sau người La Mã mới thật sự mở ra một bước ngoặt mới trong thiết kế và xây dựng, khi đó, sân trong mới bắt đầu được chú trọng về mặt công năng lẫn hình thức thẩm mỹ.


“Hít thở” bằng những ngôn ngữ khác


Được xem như lá phổi trung tâm của mọi ngôi nhà, sân trong của La Mã cổ đại có hai dạng trước và sau, sân phía trước luôn có một hồ nước hình chữ nhật tại trung tâm để chứa nước mưa, sân phía sau là vườn cây được bài trí cẩn thận. Các thiết kế sân trong về sau được áp dụng và phát triển ngày càng đa dạng từ hai hình thức cơ bản này. Cùng sự nới rộng về diện tích của sân trong, các thức cột bắt đầu xuất hiện dọc các hàng hiên, bao quanh chu vi của sân, có ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc của các sân trong châu Âu, đặc biệt là sân trong của các tu viện nhiều thế kỷ sau đó.


Với dạng sân trong cổ điển của châu Âu, thì bố cục đối xứng qua một hoặc hai trục được xem như một mô tuýp điển hình. Dạng sân này thường có kích thước khá lớn, chỉ xuất hiện ở các công trình công cộng, đền đài, trong đó trung tâm có thể là hồ phun nước, một bồn hoa lớn hay đơn giản chỉ là mảng sân được lát hoa văn theo phong cách Mosaic. Bao bọc xung quanh khu trung tâm thường là các luống hoa và cây xanh được cắt tỉa gọn gàng cẩn thận, màu sắc của các dãy hoa không trộn lẫn mà được sắp xếp theo một ý đồ nhất định. Dọc suốt chu vi sân là các hàng cột La Mã hay Hy Lạp bố trí dày hoặc thưa thớt tuỳ sở thích, vừa có tính thẩm mỹ cao vừa có tác dụng tạo đường dẫn cho lối đi ở hàng hiên. Ngoài ra trong một số công trình ở châu Âu các thức cột còn kết hợp với cung tròn tạo các mái vòm đầy vẻ uy nghi và cổ kính bao quanh sân. Đôi khi chỉ cần nhìn vào đặc trưng các thức cột đó mà người ta còn có thể đoán được niên đại và gốc gác của công trình.


Sân trong cũng là một trong những nét đặc trưng kiến trúc – cảnh quan của một số nước châu Á. Ở Trung Quốc, nơi luôn đề cao mối quan hệ huyết thống gia đình, đặc biệt là ở những gia đình yêu chuộng truyền thống, sân trong như một “đầu mối” tập trung, quần tụ những đơn vị gia cư quy mô nhỏ. Sân trong được xem là nơi yên tĩnh và rất riêng tư, vì thế có một số nhà bố trí nhiều sân trong, với những sân ngoài cùng để tiếp khách và sân trong cùng dành riêng cho gia chủ hay người thân. Ở giữa khoảng sân lát hoa văn truyền thống, rộng rãi và thoáng đãng, thường xuất hiện bộ bàn ghế đá như là một “điểm hẹn” để người ta có thể ngồi vừa nhâm nhi tách trà, vừa trò chuyện, hoặc cùng nhau thưởng thức thú vui tao nhã bên bàn cờ cùng kỳ thủ. Gắn liền với yếu tố mặt nước trong phong thuỷ, người Trung Quốc cũng chuộng đặt các lu nước hay bồn nước nhỏ tại khu trung tâm sân trong. Bốn phía có thể là những chậu cây cảnh được gia chủ chăm sóc cẩn thận, đăt gọn gàng ở những hàng hiên xung quanh, hoặc đơn giản hơn là những góc sân phủ cây cỏ hay các loại dược liệu được trồng theo sở thích với hình thức khá tự do.


Trong khi đó, ở Nhật người ta lại quan niệm khoảng sân trong là một bức tranh nghệ thuật sắp đặt mang trong mình những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Lúc này, các hàng hiên xung quanh nhẹ nhàng biến thành những vị trí thưởng thức thiên nhiên đầy ý nhị và tĩnh tại. Một đặc điểm nữa của sân trong Nhật Bản là diện tích thường khá nhỏ. Ngoại trừ các sân trong của các công trình mang tính cộng đồng, những sân tại gia chỉ vừa đủ để người nhìn có thể quan sát và cảm nhận rõ nét toàn bộ quang cảnh như một bức tranh trước mặt mà không cần phải phóng tầm mắt ra xa. Ở nơi đó, sân trong được các nghệ nhân biến hoá hình thức với đá, sỏi theo phong cách thiền Karesansui hay bố trí những mảng cây cảnh, bể nước, đá bước dặm theo hình thức vườn trà Chaniwa. Đặc biệt các lối đi ở sân trong theo phong cách Nhật Bản chỉ mang hình thức tượng trưng, hiếm khi được sử dụng trừ khi đó là các nghi thức bắt buộc. Như ở vườn trà Chaniwa, trước khi bước vào trà thất mới phải đi qua các phiến đá bước dặm đến bể nước để tẩy trần tay chân.


Bàn về những “lá phổi” ngày nay, đa phần các gia chủ đều muốn đưa một phần không gian tự nhiên như vậy vào nhà nhưng không phải bất kỳ căn hộ nào cũng có kích thước lớn, chính vì vậy những khoảng sân trong từ nhỏ đến vừa phải như thông tầng luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Đặc biệt đối với các cao ốc hay văn phòng máy lạnh, thì những góc sân nho nhỏ đầy nắng với kính cường lực bọc xung quanh, có thể khiến không gian làm việc thêm phần thoải mái và dễ chịu.


Những sân trong hiện đại chủ yếu sử dụng bố cục bất đối xứng, đặc biệt bố trí cây xanh tương đối đơn giản nhưng không hề đơn điệu. Đôi khi trong sân chỉ cần một hồ nước hay cây lớn làm điểm nhấn, phần nền còn lại chỉ phủ vật liệu hoặc thảm thực vật tầm thấp. Vật liệu lát sân cũng khá đa dạng và phong phú, tuỳ sở thích mà gia chủ có thể lựa chọn những vật liệu sao cho bật lên vẻ hiện đại và cá tính cho khoảng sân của mình.


Ở một số công trình các khoảng sân trong có thể lớn hơn nhưng xu hướng đơn giản hoá vẫn luôn đi đầu, bên cạnh đó cũng có thể bắt gặp những cách bố trí dày đặc và chi tiết hơn nhưng hầu hết đều theo bố cục bất đối xứng khá tự do.


Nhắc đến sân trong không thể không nhắc đến cụm từ Patio. Nhiều người xem chúng như cùng một nghĩa, nhưng thật ra Patio bao hàm cả sân trước, sân sau và sân trong, là một từ gốc Tây Ban Nha cụ thể để chỉ các khu vực nghỉ ngơi, ăn uống ngoài trời có sử dụng vật liệu lát nền thay vì để các khoảng đất hay thảm cỏ tự nhiên. Vì vậy một sân trong dù cổ điển hay hiện đại vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện thêm các khu vực Patio đầy tiện dụng và xinh xắn. Với những gia chủ có sở thích ngồi thư giãn trong khoảng không gian thiên nhiên, thì một bộ bàn ghế ngoài trời là sẽ là sự lựa chọn tốt nhất. Tuỳ theo sở thích, nhu cầu sử dụng và đi lại mà ta có thể đặt chúng ở trung tâm, dựa vào tường hay yên vị tại một góc nhỏ trong vườn. Thông thường ở các sân trong cổ điển Châu Âu sẽ không có hình thức này, nhưng một vài dãy ghế đá được sắp xếp đối xứng qua trung tâm sân cũng có thể giúp bạn tận hưởng thiên nhiên một cách thư giãn và thoải mái.


Đặc biệt có thể kể đến là những khoảng không gian ngay bên dưới cầu thang. Nếu các khoảng sân trong theo phong cách hiện đại khá tinh giản và đề cao vật liệu lát nền thì những mảnh vườn bên cầu thang lại thường rậm rạp và nhiều khoảng “xanh” hơn. Được xem như một khu vực thông tầng đầy tiện dụng, những mảng sân này không chỉ tô điểm cho những góc cầu thang thêm sinh động mà còn góp phần mang thiên nhiên vào mỗi ngôi nhà.

Sân trong không những cung cấp một khoảng không gian yên bình giữa tự nhiên ngập tràn ánh sáng và khí trời, mà còn bảo đảm sự riêng tư và an toàn gia chủ. Ngày nay, sân trong được thiết kế và xây dựng tại khắp nơi trên thế giới với rất nhiều biến thể khác nhau. Có thể nói, chỉ cần nhìn vào mảng sân trong, người ta có thể nói lên được phần nào về truyền thống văn hoá đất nước, quan niệm về mối liên hệ giữa thiên nhiên và kiến trúc, cũng như cái tôi riêng biệt của chủ sở hữu công trình.


Bài và ảnh: Nguyễn Bảo Tiên Hoàng

































Ngôi nhà L

Ngôi nhà L

Ngôi nhà L


SGTT.VN - Ngôi nhà L tại Oosterhout – Hà Lan được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc Grosfeld van der Velde. Cảnh quan hiện có và ý tưởng hướng đến với môi trường thiên nhiên là những yếu tố quyết định cho việc ngôi nhà được xây ở rìa sau của khu đất. Tầng trệt được xây nâng lên so với cốt sân cùng bề mặt kính lớn tạo ra điểm nhìn ra khung cảnh thiên nhiên bao quanh. Cùng với đó, hàng hiên chạy dọc theo chiều dài của ngôi nhà tạo ra không gian trải nghiệm thiên nhiên đặc biệt thú vị. Mái hiên lớn giúp ánh sáng tự nhiên tràn vào nội thất bớt phần gay gắt.


Tầng trệt được thiết kế là một không gian mở duy nhất, với khối tính lớn và định hướng thiết kế nội thất mang tính hướng ngoại ra môi trường bên ngoài. Nó chứa các chức năng sống cơ bản, với tất cả các phòng có thể hoà nhập hoàn toàn vào nhau. Nhà phụ chứa một số chức năng phụ trợ, với hồ bơi ngoài trời nằm trong một phần mở rộng. Hai khối tích này được kết nối với nhau qua tầng hầm, nơi có phòng ngủ và phòng tắm. Ở đây cũng vậy, các cửa sổ kính lớn tạo ra những góc nhìn ấn tượng hướng ra cảnh quan xung quanh. Văn phòng và phòng chơi được bố trí trong một khu vực tầng hầm riêng biệt nằm phía dưới phòng khách. Các chi tiết đơn giản tinh tế kết hợp với hình dạng và vật liệu được lựa chọn tạo ra ngôi nhà L hiện đại mà vẫn hoà nhập trong môi trường nông thôn xung quanh.


Theo Archdaily











































Khác nghề chung nghiệp

Khác nghề chung nghiệp

Phiếm


Khác nghề chung nghiệp


SGTT.VN - Tối qua, rất nhiều người có chung một giấc mơ kỳ lạ. Họ thấy mình bị bộ ba gồm một ông vua, một tướng cướp và người ăn xin triệu tập chung với những người thuộc đủ ngành nghề để nghe quở trách:


- Này, sao các ngươi không đếm xỉa gì đến ngày giỗ tổ nghiệp vậy?


Tất cả ngẩn ngơ:


- Ủa, ba vị là ai mà tự xưng tổ nghiệp, lại đòi chúng tôi làm giỗ?


- Ba chúng ta là tổ của nghề sân khấu. Các ngươi lâu nay nhờ tổ độ mà khấm khá, sao lại nói không biết tổ là ai? Không sợ... tổ trác hả?


- Nhầm rồi mấy ông ơi, bọn tôi đâu có lên sân khấu bao giờ, lại làm đủ thứ nghề từ bác sĩ, thầy giáo, thương gia tới nhân viên công lực, quan chức… thì làm sao chung tổ nghiệp được?


- Không nhầm đâu. Các người không lên sân khấu nhưng ngày nào chả diễn! Ta còn lạ gì chuyện thầy cô giáo diễn bài khó rồi đẩy học sinh đi học thêm, bác sĩ diễn bệnh nặng khó chữa rồi kê thuốc mắc tiền, thương gia diễn tặng quà từ thiện để truyền hình quảng cáo không công, cảnh sát diễn mặt sắt lạnh lùng để vòi tiền tài xế, quan chức diễn thủ tục khó khăn cho dân đút phong bì… Muốn ta kể nữa không?


- Thôi thôi, năm sau chúng tôi sẽ cúng giỗ đàng hoàng, khỏi kể nữa! Nhưng mà nè, nói vậy chẳng lẽ không ai nằm ngoài tay tổ?


- Có chứ: cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi!


Người già chuyện






Hướng nghiệp và tư vấn kiến thức tài chính cho gần 2.500 sinh viên

Hướng nghiệp và tư vấn kiến thức tài chính cho gần 2.500 sinh viên

Hướng nghiệp và tư vấn kiến thức tài chính cho gần 2.500 sinh viên


SGTT.VN - Sáng 17.9, HSBC Việt Nam phát động cuộc thi Nhà hoạch định tài chính triển vọng lần hai.


Theo đó, chương trình này bao gồm cuộc thi Nhà hoạch định tài chính triển vọng, các buổi hội thảo về tài chính và trao đổi hướng nghiệp do ngân hàng HSBC Việt Nam phối hợp cùng với đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện tại một số trường đại học tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ từ ngày 22.9 đến ngày 12.12.2013. Dự kiến, 2.500 sinh viên sẽ được hướng nghiệp, tư vấn về tài chính, quản lý tài chính cá nhân…


Trong đó, cuộc thi Nhà Hoạch định tài chính triển vọng sẽ đem lại cho sinh viên cơ hội áp dụng những kiến thức về tài chính vừa học được từ các buổi hội thảo. Các sinh viên sẽ đăng ký thành lập đội thi gồm ba người để cùng đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất cho các tình huống tài chính thực tế và cụ thể. Hạn chót để nộp bài dự thi là ngày 25.10.2013 và thông tin chi tiết cuộc thi có thể tham khảo tại http://www.hsbc.com.vn/1/2/about-hsbc/quan-ly-tai-chinh-huong-nghiep/hsbc-nha-hoach-dinh-tai-chinh. Mười đội xuất sắc nhất (nhận được giải thưởng thấp nhất là 5 triệu đồng) sẽ được vào vòng tranh luận để chọn ra năm đội thi xuất sắc nhất với tổng giải thưởng là 120 triệu đồng.


Đồng thời, năm đội này còn được tham gia chương trình trải nghiệm nghề nghiệp công việc tại HSBC. Các trường đại học có tham gia chương trình năm nay bao gồm trường đại học Kinh tế - luật, đại học Quốc tế, đại học Ngoại thương (cơ sở 2 - TP.HCM), đại học Kinh tế (đại học Quốc gia Hà Nội), đại học Kinh tế Quốc dân, đại học Đà Nẵng và đại học Cần Thơ.


T.Dũng






Cân nhắc chưa điều chỉnh giá xăng

Cân nhắc chưa điều chỉnh giá xăng

Cân nhắc chưa điều chỉnh giá xăng


SGTT.VN - Chiều ngày 17.9, đại diện cục Quản lý giá (bộ Tài chính) cho biết liên tiếp mấy ngày qua, giá xăng dầu thế giới giảm, nên áp lực mà một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu từng phản ánh cách đây năm hôm, đã giảm đáng kể, nên dù các doanh nghiệp vẫn lỗ, nhưng chỉ là lỗ nhẹ. Vì thế, thời điểm này, chưa cân nhắc điều chỉnh giá xăng dầu mà vừa qua có dư luận lo ngại sẽ sắp tăng giá.


Cùng ngày, một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng cho biết năm ngày qua, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore giảm mạnh. Thời điểm giảm bắt đầu từ ngày 13.9, giá xăng thành phẩm lùi về 113,77 USD/thùng, ngày 16.9, giá cập cảng ở mức 112 USD/thùng, nếu so với thời điểm ngày 2.9, giá xăng trên thị trường thế giới vượt 119 USD/thùng thì đã giảm đáng kể. Và nếu tính trung bình 30 ngày, từ ngày 16.8 – 16.9, chênh lệch giá bình quân so với giá cơ sở, thì doanh nghiệp lỗ khoảng 264 đồng/lít xăng Ron 95.


C. Hiếu






Người máy dạy tiếng Nhật ở Hà Nội

Người máy dạy tiếng Nhật ở Hà Nội

Người máy dạy tiếng Nhật ở Hà Nội











SGTT.VN - Người máy Geminoid F (ảnh), do nhóm nghiên cứu của GS Hiroshi Ishiguro thuộc đại học Osaka (Nhật) sáng chế đã có buổi dạy thử tiếng Nhật cho khoảng 40 học viên ở Hà Nội vào cuối tuần qua, thông tin trên Tokyo Times cho biết.


Chương trình do trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện, nhằm thúc đẩy học tiếng Nhật tại Việt Nam. Buổi đứng lớp của Geminoid F có sự điều khiển của một giáo viên người Nhật từ một phòng khác. Các biểu cảm và động tác mấp máy môi của giáo viên này được máy tính phân tích và truyền cho Geminoid F bắt chước. Các học viên đã tiếp nhận được nhiều câu hội thoại tiếng Nhật từ người máy này. Với 12 thiết bị truyền động cơ được hỗ trợ bởi áp suất không khí phía dưới lớp da cao su, Geminoid F có tổng cộng 65 biểu cảm trên khuôn mặt. Ngoài ra, Geminoid F có thể hát, trò chuyện, la hét, nhăn mày và di chuyển miệng một cách linh hoạt. Giá bán thương mại của người máy Geminoid F khoảng 110.000 USD (tương đương 2,3 tỉ đồng).


Tịnh Hương






Gắp cây kim tây trong dạ dày trẻ

Gắp cây kim tây trong dạ dày trẻ

Gắp cây kim tây trong dạ dày trẻ


SGTT.VN - Ngày 17.9, thông tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca nội soi khẩn cấp, gắp ra cây kim tây (kim băng) ở dạ dày của bé gái tên B.N.K.T., 6 tháng rưỡi, ngụ ở Kiên Giang. Theo lời người nhà, trong lúc chơi đùa trong nhà bé T. đã nhặt được cây kim tây, đưa lên miệng ngậm chơi và sơ ý nuốt phải. Sau khi được sơ cứu ở bệnh viện địa phương, bệnh nhi được chuyển gấp lên Nhi Đồng 1 trong tình trạng nguy kịch. Sau nội soi, sức khoẻ bệnh nhi hồi phục tốt.


Vi Thoại






Đêm 18.9, bão số 8 sẽ đổ bộ vào miền Trung

Đêm 18.9, bão số 8 sẽ đổ bộ vào miền Trung

Đêm 18.9, bão số 8 sẽ đổ bộ vào miền Trung


SGTT.VN - Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết đến 13g ngày 17.9, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 16 độ vĩ Bắc; 112 độ kinh đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 – 74km/h), giật cấp 9, cấp 10.


Đến 13g ngày 18.9, bão số 8 cách bờ biển của các tỉnh Quảng Trị – Quảng Nam khoảng 170km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8. Đây là cơn bão không quá mạnh, khi tiếp cận bờ, cường độ mạnh nhất ở cấp 9, khi đổ bộ sẽ ở cấp 8. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào bờ vào đêm 18.9, rạng sáng ngày 19.9, gây mưa lớn trên diện rộng, trải khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên với lượng mưa phổ biến từ 200 – 300mm, đặc biệt, một số vùng mưa cục bộ có thể lên tới 400 – 500mm.


Do bão sẽ đổ bộ đúng dịp rằm Trung thu, triều cường lớn, nên sẽ gây gió và sóng biển dâng cao dọc các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra đến Hà Tĩnh.


T. Tuyền






Sách và khai minh

Sách và khai minh

LTS. Sáng chủ nhật 22.9, tại khách sạn Rex (TP.HCM) giải thưởng Sách Hay 2013 do viện IRED tổ chức thường niên sẽ được trao. Với mục tiêu góp phần lan toả tri thức từ những cuốn sách hay, sách quý, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển chung của nền tri thức và văn hoá nước nhà, giải Sách Hay đã đóng góp không chỉ cho nền văn hoá đọc mà còn đem lại tinh thần tự học cho mỗi người. Nhân dịp này Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc về văn hoá đọc và tinh thần tự học.


Trước giờ công bố giải Sách Hay 2013:


Sách và khai minh


SGTT.VN - Hơn 200 năm trước tại châu Âu, ý niệm về tinh thần đại học được khởi sinh tại nước Đức với triết lý giáo dục của Humbolt. Cũng quãng thời gian trên, tại nước Nhật đã diễn ra cuộc dịch thuật vĩ đại là khởi nguồn cho cuộc cách mạng tư tưởng, văn hoá đọc. Tại Việt Nam, nhiều nhà trí thức trong lịch sử lẫn hiện nay đã và đang nỗ lực thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với đất nước, rằng chúng ta không thể yêu nước trong sự vô minh. Dù rằng, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng công cuộc dịch thuật và phổ biến tri thức là một công việc đầy khó nhọc và không kém phần nguy hiểm.










Bộ sách đoạt giải Sách Hay 2012. Ảnh: vovworld.vn



Tuy nhiên, tri thức tinh hoa là tài sản chung của nhân loại và chúng ta là một phần của thế giới này. Chúng ta phải thoát thai từ sự vô minh đến sự trưởng thành về nhận thức và tư duy. Không còn cách nào khác trong sự nghiệp này là việc đọc. Đọc để khai minh, để trưởng thành từ sự kế thừa thành tựu tinh hoa của nhân loại. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh xã hội phải đối mặt với biết bao suy thoái đạo đức sâu rộng, trầm kha như hiện nay, có lẽ những quyển sách tử tế sẽ là phương tiện tốt giúp chúng ta đến với những cuộc đàm thoại riêng tư của thế giới người hiền.


Những cuộc tranh luận, suy tư về học thuật sẽ diễn ra trong tinh thần cởi mở, học hỏi lẫn nhau từ sách. Những cuộc gặp gỡ giữa những người già và trẻ trong các trao đổi học thuật đã khiến những cuộc sinh hoạt học thuật khởi phát một tinh thần học thuật. Chúng ta cần xây dựng thật nhiều không gian đọc sách – nơi những người yêu mến tri thức nâng niu từng quyển sách tinh hoa, nơi những toan tính đời thường nhường bước cho sự tử tế của việc học. Dẫu biết rằng sách mới chỉ là sự khởi đầu trong cuộc hành trình dài tìm kiếm tri thức của những người đầy ắp niềm đam mê nhưng lại thiếu thốn về tri thức. Dẫu biết rằng bên ngoài cánh cổng của các trường đại học là cuộc mưu sinh đầy khốc liệt trong bối cảnh của một xã hội thị trường vốn đề cao nhiều giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần. Dẫu biết rằng sẽ chẳng có một tháp ngà yên ấm nào để chúng ta mãi ngồi suy tư, nhưng với việc lật giở từng trang sách trong tâm thế của đọc sẽ là cuộc hành trình đầy thú vị của người yêu mến tri thức, yêu mến sách. Bởi “Không có thú vui nào trên thế giới có thể sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác” (Kaibara Ekken).


Có lẽ, đối với những người thao thức với sự nghiệp giáo dục và khai minh nước nhà, chúng ta sẽ phải nhìn nhận với nhau rằng Việt Nam có thể đi sau, đi trễ so với nước Đức, nước Nhật nhưng chúng ta cần phải vững vàng, mạnh mẽ, vượt qua trở lực để cùng bước trên đại lộ tinh hoa tri thức của nhân loại. Chúng ta cần một bước chuyển trong nhận thức của người học theo tinh thần của người Nhật đã từng làm, rằng: “Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà để khai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không đọc” (Nguyễn Xuân Xanh).


Nguyễn Đức Lộc






Toạ đàm giới thiệu sách về văn học cổ cận đại Việt Nam

Toạ đàm giới thiệu sách về văn học cổ cận đại Việt Nam

Toạ đàm giới thiệu sách về văn học cổ cận đại Việt Nam











SGTT.VN - Văn học cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hoá đến các mã nghệ thuật là tinh tuyển các công trình của GS Nguyễn Huệ Chi, do NXB Giáo Dục công bố tháng 4.2013, phản ánh một cách đọc, hiểu và cảm của một người nghiên cứu chuyên sâu văn học cổ cận đại dân tộc trong 50 năm, được sắp xếp thành bốn phần, bám sát hệ thống tư duy khoa học của tác giả.


Hai phần đầu, tiếp cận các hiện tượng văn học, từ dạng thức văn bản (thơ, văn) đến gương mặt văn, thi gia, trải dài mười thế kỷ. Phần thứ ba, tiếp cận các tiến trình văn học, theo chiều hướng biến chuyển hết thăng đến giáng của chế độ phong kiến, hoặc thông qua các chuyển động lịch sử bất thường ảnh hưởng đến tâm lý toàn xã hội, cùng với cả những biến đổi tiệm tiến, sâu xa trong phạm vi vĩ mô của vùng văn hoá Đông Á có tác động nhiều ít đến quan niệm thẩm mỹ chi phối văn học mỗi thời kỳ. Phần thứ tư, tư duy phương Đông và một vài đặc trưng văn học sử, nhấn mạnh tính chất “khu vực” quy định phương thức tư duy nghệ thuật đặc thù của văn học Việt Nam cổ cận đại trong mười thế kỷ sáng tác văn học.


Toạ đàm diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 19.9, hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, GS Chu Hảo chủ trì, với các diễn giả: GS Nguyễn Khắc Phi, TS Đặng Thị Hảo, GS Nguyễn Huệ Chi.


PV






Có cả giấc mơ ngoài nghệ thuật

Có cả giấc mơ ngoài nghệ thuật

Liveshow “Tôi mơ một giấc mơ”


Có cả giấc mơ ngoài nghệ thuật


SGTT.VN - Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu, liveshow thứ hai của “Cửa sổ âm nhạc” (diễn ra tối 21.9 tại cung Hữu nghị Việt Xô) phải mang chủ đề “Hồi ức của bộ tứ Hà Nội” với: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương chứ không phải “Tôi mơ một giấc mơ”, lần đầu tiên đưa lên sân khấu trọn vẹn album Chat với Mozart 1 như tiền đề cho Chat Mozart 2 đang khởi động.
































Ảnh trái: Giọng ca quen thuộc trên sân khấu Hà Nội: Uyên Linh. Ảnh phải: Dương Hoàng Yến "có sự tinh tế và sâu lắng cần thiết".

Năm 2005, ngay giữa thời điểm khán giả đại chúng thờ ơ với nhạc cổ điển, Chat với Mozart 1 đã tạo nên hiệu ứng khó tin, thắng lợi rực rỡ trên cả hai phương diện: nghệ thuật lẫn thị trường. Dư âm của chiến thắng kép ấy hãy còn rất đậm đà, nó khiến khán giả trông ngóng “Tôi mơ một giấc mơ”, và tất nhiên khiến êkíp thực hiện chịu áp lực không nhỏ. Thời gian chuẩn bị cho dự án này được tính bằng năm. Bù lại, nhạc mục thôi cũng đã làm người ta thấy thích thú, đặc biệt là các tác phẩm của Secret Garden, nhóm nhạc Bắc Âu theo dòng nhạc new age và tân cổ điển, nổi tiếng từ đầu thập niên 1990 với không ít lần lọt top 10 bảng xếp hạng Billboard, đảm bảo sắc thái êm đềm và ngọt ngào trải suốt chương trình. Phần phối khí do hai nhạc sĩ Anh Quân và Huy Tuấn đảm nhận, cũng tiếp nối tinh thần của Chat với Mozart 1, mang đậm màu sắc thính phòng đương đại.


Có một chút mạo hiểm khi Dương Thụ gửi gắm cho nhiều gương mặt trẻ và mới là Duyên Huyền với hai ca khúc từng được Mỹ Linh thể hiện trong Chat với Mozart 1: Những ngày mộng mơ (nhạc Schumann), Về đây thiên nga (nhạc Saint-Saens). Ai cũng nghĩ, một ca sĩ chuyên thính phòng lại có giọng soprano sẽ dễ dàng bước sang semi classic, nhưng không phải vậy. Chính nhạc sĩ đã từng chứng kiến những giọng ca lớn thuộc dòng thính phòng thất bại khi thử sức với bán cổ điển, bởi hai lý do: không nghe được nhạc nhẹ và không bỏ được thói quen tuân thủ “sách vở”. Tuy nhiên, Duyên Huyền là một trường hợp ngoại lệ, vì: “Còn trẻ, nghe nhiều thể loại âm nhạc, và chất giọng hợp với chương trình này”. Dương Hoàng Yến cũng là gương mặt phải cân nhắc kỹ. Chỉ sau khi nghe Yến hát Adagio (nhạc Tomaso Giovanni Albinoni) qua bản ghi âm trong phòng thu, một Adagio khác hoàn toàn so với phiên bản “thừa kỹ thuật nhưng thiếu cảm xúc” tại Giọng hát Việt, nhạc sĩ mới tin tưởng: “Yến có sự tinh tế và sâu lắng cần thiết”. Điều khiến ông hồi hộp là khi bước lên một sân khấu lớn, Yến có hát được như trong phòng thu hay không! Khánh Linh có lẽ là cái tên đem lại nhiều xúc cảm đã rất lâu rồi mới trở lại, cô sẽ đắm mình trong NocturneDreamcatcher (nhạc Secret Garden), khoe giọng hát thánh thót tinh khiết, nay có thêm chất nồng nàn sau những trải nghiệm, thăng trầm.


Một bất ngờ khác của chương trình là yếu tố nhìn, trong đó có khâu thời trang được nâng cấp so với “Cửa sổ âm nhạc” 2012. Đạo diễn Việt Tú, người từng tạo nên những không gian âm nhạc hoành tráng và lộng lẫy khó quên nhận được đề bài vừa khó vừa thú vị: hướng tới vẻ đẹp của sự tinh giản, thuần khiết, nhưng kinh phí thì vẫn “có hạn” như năm ngoái. Cái khác là dời địa điểm biểu diễn đến cung Hữu nghị Việt Xô thay cho Nhà hát lớn, nơi có khán phòng rộng hơn nhiều, nhờ vậy, lượng vé phát hành ra thị trường cũng nhiều hơn bên cạnh giấy mời.


Hương Lan






Đào tạo nhân lực y tế dễ dãi: Giá nào phải trả?

Đào tạo nhân lực y tế dễ dãi: Giá nào phải trả?

Đào tạo nhân lực y tế dễ dãi: Giá nào phải trả?


SGTT.VN - Một lần nữa công luận lại lên tiếng về đào tạo nhân lực y tế. Có lẽ chưa nơi nào trên thế giới việc đào tạo nhân lực ngành y lại kỳ lạ như ở nước ta: người người đào tạo, nhà nhà đào tạo, gần như không cần chuẩn mực đầu vào, không cần chất lượng đầu ra.


- "Phổ cập" y khoa


- Chạy theo chỉ tiêu... bác sĩ










Sinh viên ngành điều dưỡng đang đi thực tế ở một bệnh viện. Ảnh: VNN



1. Một bác sĩ chủ nhiệm bộ môn của một trường đại học y khoa ở TP.HCM có lần than thở với chúng tôi: “Đào tạo nghề y bây giờ không khác gì đào tạo nghề sửa máy tính, ống nước, đồng hồ. Người ta thấy đào tạo ngành y “có ăn”, nên ai cũng lao vào đào tạo, chẳng cần biết y khoa là một ngành nghề đặc biệt”.


Nhận định này có cơ sở. Có dịp ghé thăm một trường trung cấp y dược tư nhân ở TP.HCM, chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến cái gọi là phòng thực tập của trường chỉ rộng độ 16m2 với hai bộ hình nộm cơ thể người và dăm bức tranh trên tường mô tả đường đi hệ thống mạch máu, thần kinh. Cạnh phòng này là phòng thực hành hoá phân tích, kiểm nghiệm, bào chế, hoá dược, cũng không khá hơn: ngoài vài chiếc tủ đựng hoá chất trên tường, trên bàn học chỉ là chục chiếc kính hiển vi. Thế mà trường này hàng năm vẫn cho ra trường hàng trăm y sĩ, điều dưỡng và dược sĩ trung cấp!


Theo thống kê, đến cuối năm qua cả nước ta có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Nhưng nghịch lý thay, dù hiện nay các trường nhận vào và cho ra ồ ạt một lượng lớn nhân lực ngành y, lực lượng nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện lớn vẫn thiếu. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, từng phát biểu: “Sinh viên ra trường ngày nay chất lượng khá thấp. Nhận về phải đào tạo bổ sung rất mất công, có khi đào tạo 6 – 7 tháng mà vẫn không làm được. Bệnh viện tham gia đào tạo sinh viên cho các trường tư nhân, nhưng thú thật chúng tôi không dám tuyển dụng”.


2. Lẽ ra không phải bây giờ, mà cần phải báo động về chuyện đào tạo nhân lực ngành y từ lâu. Trước đây, chỉ có trường công lập mới được đào tạo, nhưng từ khi có chủ trương xã hội hoá giáo dục, nhiều trường tư nhân cũng tham gia, kết quả là chuẩn mực nhận vào mỗi nơi mỗi khác, chương trình giảng dạy không ai kiểm định, chất lượng đầu ra khó đoán. Sinh viên ra trường cầm mảnh bằng tốt nghiệp như nhau đi xin việc, nhưng nhiều nơi lắc đầu không nhận, làm mất bao công sức học hành.


Nhưng nói đến đào tạo nhân lực ngành y mà chỉ đề cập đến trường tư nhân thì cũng chưa sòng phẳng. Dư luận đã nhiều lần đề cập đến tình trạng xuống cấp đào tạo trong các trường công lập khi sinh viên đi thực tập như “cưỡi ngựa xem hoa” vì thiếu thầy dạy. Và kể cả khi có thầy cũng không còn mấy người còn tâm huyết giảng dạy vì cuộc sống khó khăn, đồng lương eo hẹp khiến giảng viên phải bươn chải làm thêm để kiếm sống. Rồi ngay cả sinh viên của cùng một trường, nhưng sự phân biệt hệ đào tạo cũng dẫn đến chất lượng học tập khác nhau. Một sinh viên y khoa hệ chuyên tu từng tâm sự: “Nhiều người cứ khe khắt hệ chuyên tu, nhưng thực tế nhiều người trong chúng tôi rất nỗ lực học tập. Tuy nhiên, muốn học mà có được đâu. Đi thực tập bệnh viện, có giảng viên nói thẳng: “Tôi không dạy sinh viên chuyên tu, mời các anh chị đi chỗ khác học”. Vậy người ta nhận đào tạo chúng tôi để làm gì?”









Tư duy thiển cận và lợi ích riêng tư đã chi phối chính sách, gây lãng phí bao nguồn lực của xã hội. Nhưng cái giá phải trả đâu chỉ như thế. Hàng loạt ca tai biến y khoa, khiến bệnh nhân tàn phế và tử vong…



Chất lượng đào tạo sinh viên y khoa có vấn đề, nhưng chất lượng đào tạo sau đại học cũng không hơn bao nhiêu. Tại TP.HCM, dù tồn tại đại học Y dược với bề dày giảng dạy hơn nửa thế kỷ, nhưng nhiều bác sĩ của thành phố khi làm nghiên cứu sinh không chọn trường này mà lặn lội ra tận Hà Nội, tốn tiền bạc và công sức hơn, nhưng một vài cơ sở đào tạo dễ dãi ở đây lại giúp họ mau chóng thành tiến sĩ. Nếu quan sát kỹ, một số lĩnh vực đào tạo y khoa ở nước ta cũng xa lạ với thế giới. Điển hình là tim mạch can thiệp, lĩnh vực rất phát triển hiện nay, nhưng từ thầy đến trò đều không theo bài bản nào. Một bác sĩ tim mạch can thiệp của Đức cho biết, ở nước ngoài, để học tim mạch can thiệp, người học phải là bác sĩ nội tim mạch, đầu tiên học trên mô hình, rồi làm trên thú vật, sau đó mới dần dà làm trên người. Ở nước ta không như thế, cứ học và làm trên người, học viên học xong thành “thợ” chứ không thể thành “thầy”. Thật nguy hiểm, không biết có bao nhiêu ca tai biến đã xảy ra do kiểu đào tạo “tay ngang” như thế này?

3. Thật lạ khi một ngành nghề liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ con người lại không được kiểm soát và thẩm định chặt chẽ, sau một thời gian dài buông lỏng, giờ đây người ta mới báo động và tính đến việc siết chặt. Thiếu nhân lực ngành y là có thật, và bổ sung bằng gia tăng đào tạo là hợp lý. Nhưng tại sao ngay từ đầu những ngành chức năng không lường trước được mọi việc, cùng ngồi lại để tìm giải pháp để hạn chế bất cập? Tư duy thiển cận và lợi ích riêng tư đã chi phối chính sách, gây lãng phí bao nguồn lực của xã hội. Nhưng cái giá phải trả đâu chỉ như thế. Hàng loạt ca tai biến y khoa, khiến bệnh nhân tàn phế và tử vong khi vào bệnh viện, được giới truyền thông nêu lên thời gian qua có mối liên hệ nào với việc đào tạo nhân lực y khoa dễ dãi hay không?


Bình Yên






Doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào sản xuất

Doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào sản xuất

Nâng giá trị hạt gạo


Doanh nghiệp buộc phải đầu tư vào sản xuất


SGTT.VN - Doanh nghiệp liên kết với nông dân hoặc các chủ thể trong chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị hạt gạo là hướng đi phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Vấn đề là có làm được hay không?










Nông dân xã Đông Bình (Thới Lai – Cần Thơ) đã thu hoạch phân nửa diện tích lúa vụ 3, nhưng doanh nghiệp bao tiêu vẫn chưa mua. Ảnh: Ngọc Tùng



Tại hội thảo nhằm tìm ra mô hình liên kết hữu ích mà hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 17.9 ở TP.HCM, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đều thừa nhận: nếu hai bên chấp hành đúng theo hợp đồng liên kết, người nông dân sẽ là đối tượng được bảo đảm lợi ích thông qua việc doanh nghiệp mua giá lúa cao theo hợp đồng và ngược lại, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng hàng hoá đồng đều, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu…


Lợi ích là rõ ràng


So với các doanh nghiệp khác, công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà, TP.HCM (công ty Thu Hà) hầu như không có tiếng tăm trong ngành xuất khẩu gạo. Thế nhưng, thông tin về các dự án đầu tư vùng nguyên liệu mà bà Thu Hà, giám đốc công ty này trình bày tại buổi hội thảo ngày hôm qua thật sự khiến cho các doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm không khỏi chạnh lòng. Trước năm 2011, công ty Thu Hà chỉ là một cơ sở bán lẻ gạo tại thị trường thành phố. Nhận thấy công việc kinh doanh gạo sẽ chẳng bao giờ có lợi nhuận cao nếu chỉ tập trung mua gom gạo trôi nổi trên thị trường, nên năm 2011 Thu Hà mạnh dạn xuống huyện Tam Nông, Đồng Tháp liên kết bao tiêu 200 mẫu lúa với ba hợp tác xã (HTX) của địa phương này. Hình thức bao tiêu là ký hợp đồng trực tiếp với ba HTX trong huyện, sau đó là ứng vốn để ban chủ nhiệm mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giao nông dân để họ sản xuất giống lúa và quy trình của doanh nghiệp chọn. Đến vụ, giá mua lúa theo thị trường có cộng thêm 200 đồng/kg cho nông dân và 10 đồng trả công cho ban chủ nhiệm HTX. Sau ba năm triển khai, đến nay diện tích tăng lên 2.500ha.


Bà Võ Thị Thu Hà khẳng định: công ty đang mua được loại lúa tốt nhất, không có lẫn lộn giống, gạo đạt chất lượng, giá bán cao hơn 10 – 15% và hơn hết là nông dân có lãi hơn 20% so với trước. Ngoài ra, liên kết sản xuất lúa còn tạo ra nguồn hàng lớn cho Thu Hà, giúp công ty này chuyển đổi từ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nội địa sang mô hình công ty xuất khẩu kể từ năm 2011. “Chúng tôi khẳng định tuy tham gia xuất khẩu sau nhưng gạo của Thu Hà được khách hàng tín nhiệm rất cao”, bà Thu Hà hồ hởi.


Từ năm 2010, công ty Bảo vệ thực vật An Giang liên kết với các hộ nông dân, tạo ra vùng nguyên liệu mà sau này là cánh đồng mẫu lớn thông qua ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, liên kết các cánh đồng nhỏ để tạo ra vùng sản xuất lớn. Công ty đầu tư phân bón, thuốc, quy trình kỹ thuật không tính lãi 120 ngày, sau đó mua lại lúa tươi về sấy, nông dân được gửi kho 30 ngày không mất phí. Năm 2012, công ty này xây bốn nhà máy trong kế hoạch 12 nhà máy đến năm 2018 ngay tại vùng nguyên liệu để thu mua, tồn trữ, xay xát gạo và đến nay họ đã xây dựng được thương hiệu “hạt ngọc trời” xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhất, giá cao hơn 40 – 70 USD/tấn…


Nâng cao giá trị và phân phối lại cho nông dân


Cuối năm nay công ty Thu Hà sẽ đưa vào hoạt động cụm nhà máy chế biến gạo, nhà máy sấy trị giá trên dưới 250 tỉ đồng ngay giữa trung tâm vùng nguyên liệu lúa của công ty này ở Tam Nông. Theo bà Thu Hà, đây là một minh chứng để khẳng định đã đến lúc doanh nghiệp, nông dân “không thể sản xuất riêng lẻ được nữa” bởi giống lúa sản xuất theo quy mô nhỏ không đạt yêu cầu. Do đó, sản xuất tập trung sẽ đi vào đồng bộ, sản xuất theo quy hoạch, theo yêu cầu thị trường.


Cho đến nay mới có 13 doanh nghiệp trong tổng số 150 đầu mối xuất khẩu thực hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Đây đó vẫn còn những tiếng kêu “bẻ kèo”, nhưng qua thực tế liên kết, VFA đánh giá đây là mô hình nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích hài hoà cho cả nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn huy động nguồn lực tổng hợp thông qua việc gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, đầu mối cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ngân hàng để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Các mô hình liên kết có thể là doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn như cách làm của công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang, hay liên kết với chủ thể thứ hai là HTX, tổ hợp tác như Thu Hà hoặc liên kết nhiều chủ thể với nhau như doanh nghiệp, nông dân và công ty cung ứng vật tư, ngân hàng, nhà máy xay xát của Angimex, Docimexco, Gentraco…


Nội dung quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo mà bộ Công thương vừa công bố quy định điều kiện cần để tham gia xuất khẩu là doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với các chủ thể khác tạo ra vùng nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này không là mệnh lệnh hành chính mà là đòi hỏi của thị trường. Và quy định này có thể là một ràng buộc khắc phục tình trạng doanh nghiệp “bẻ kèo”. Bản thân các doanh nghiệp buộc phải tham gia vào sản xuất mới có thể tồn tại được.


Hoàng Bảy






“Không thể nói giá sữa tăng do đổi tên gọi”

“Không thể nói giá sữa tăng do đổi tên gọi”

“Không thể nói giá sữa tăng do đổi tên gọi”


SGTT.VN - Ngày 16.9, trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, đại diện cục Quản lý giá bộ Tài chính, khẳng định tình trạng loạn giá sữa là do các doanh nghiệp đã lách bằng cách không đăng ký là “sữa” mà thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung”.


Bất lực nhìn giá sữa vì... tên gọi


Và ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá cho biết: “Từ đầu năm nay không hề thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đăng ký giá bán sữa với cục Quản lý giá nữa”. Tuy nhiên, ngày 17.9, trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong, cục phó cục An toàn thực phẩm bộ Y tế đã nói ngược lại:










Người dân mua sữa tại một cửa hàng phân phối ở quận 5, TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo



Việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đưa ra định danh sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em căn cứ vào luật An toàn thực phẩm, luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Ngoài ra, các quy chuẩn kỹ thuật này được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật của uỷ ban Tiêu chuẩn hoá thực phẩm quốc tế (CODEX) và các tiêu chuẩn quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên tham gia. Trước đây, những sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em vẫn được gọi là sữa. Tuy nhiên, khi có luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như quy định của quốc tế khác, thì sữa bột phải đạt 34 độ đạm, mà 34 độ đạm thì trẻ em không hấp thu được, mà gây ra tình trạng đầy hơi, rối loạn tiêu hoá. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đã dùng sữa bột 34 độ đạm để pha chế cùng bột, ngũ cốc khác và đặc biệt bổ sung rất nhiều vitamin và khoáng chất phù hợp với dinh dưỡng của trẻ nhỏ.


Đó là cơ sở để đưa ra việc định danh. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng, việc định danh này là nguyên nhân giúp các doanh nghiệp nâng giá sữa vừa qua, thưa ông?


Chúng ta phải hiểu quy định về quản lý giá sản phẩm này được quy định từ năm 2008, đến năm 2013, việc định danh này mới có. Từ năm 2008 – 2013, có sự đổi tên thì sản phẩm (sản phẩm sữa cũ nay là sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em) này vẫn tăng giá. Như vậy, không thể nói rằng có sự thay đổi này là cơ sở hay nguyên nhân để tăng giá sữa.


Khi thay đổi định danh thì sản phẩm này không nằm trong những mặt hàng bình ổn giá, và đây có phải là điểm doanh nghiệp lách luật để tăng giá?


Nhận định này là không có cơ sở vì đến ngày 1.6.2013, thì ba quy chuẩn về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em mới có hiệu lực, tức là trước khi quy định này có hiệu lực ba tháng. Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi cục Quản lý giá (bộ Tài chính) để thông báo quy chuẩn sẽ có hiệu lực và khẳng định rõ bản chất các sản phẩm này trước đây đã được quản lý về giá và đề nghị cục Quản lý giá phải áp các sản phẩm mới này vẫn được quản lý giá theo quy định cũ. Ngoài ra, ngày 22.8.2013, cục An toàn thực phẩm đã họp với cục Quản lý giá để thống nhất các nội dung và khẳng định lại việc xác định định danh này về bản chất không thay đổi so với việc trước đây ta gọi là sữa để quản lý về giá. Và đề nghị những sản phẩm này phải quản lý giá giống như trước đây vẫn quản lý. Các công ty đang kinh doanh sản phẩm này trước đây và hiện vẫn phải kê khai giá với sở Tài chính địa phương. Khi chưa có thay đổi tên gọi, thì việc tăng giá vẫn xảy ra trong năm năm qua.


Ông nói không phải việc định danh là nguyên nhân tăng giá sữa, nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm dinh dưỡng tăng năm lần mà không vượt quá quy định của bộ Tài chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Để khẳng định việc này phải xem xét các mốc thời gian từ đầu năm 2013 đến 1.6.2013, nghĩa là lúc quy chuẩn về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em mới có hiệu lực tăng giá cụ thể như thế nào? Và từ tháng 6 đến nay tăng như thế nào? Xem có đúng việc thay đổi tên gọi là nguyên nhân tăng giá hay không? Tất cả phải xem xét cẩn thận mới đủ cơ sở để khẳng định việc tăng giá này do thay đổi tên hay không. Về quản lý nhà nước, chúng ta đã đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật, nếu văn bản đó doanh nghiệp lách luật, thì chúng ta phải xem lại. Thông tư 104 năm 2008 của bộ Tài chính có quy định sữa trong vòng 15 ngày liên tục không được tăng 20% so với giá hiện tại. Nếu như tôi là doanh nghiệp, thì tôi để 16 ngày, tôi mới tăng. Rõ ràng, tôi không vi phạm quy định về quản lý giá. Như vậy, chúng ta cần xem lại các quy định khác nữa, chứ không thể khẳng định việc thay đổi tên gọi là nguyên nhân để các cơ sở lách luật tăng giá.


Lệ Hà thực hiện






Ngân hàng vào cuộc nước rút tín dụng cuối năm

Ngân hàng vào cuộc nước rút tín dụng cuối năm

Ngân hàng vào cuộc nước rút tín dụng cuối năm


SGTT.VN - Đã gần hết quý 3/2013, song tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới đạt phân nửa mục tiêu đặt ra cho cả năm là 12%, buộc các ngân hàng vào cuộc đua nước rút.










Hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng nhằm khuyến khích người vay. Ảnh: CTV



Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á Phạm Thị Loan, cho biết, nhu cầu vay vốn tín dụng của doanh nghiệp lúc nào cũng có, tuy nhiên, năm nay giảm mạnh. Cụ thể, đơn hàng theo hợp đồng của doanh nghiệp năm 2013 chỉ bằng phân nửa so với năm trước, doanh thu cả năm ước cũng chỉ vài trăm tỉ đồng, trong khi một vài năm trước tới hàng ngàn tỉ đồng. Riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cần khoảng 50 – 70 tỉ đồng vốn vay ngân hàng. Mặc dù doanh nghiệp đã làm việc với nhiều ngân hàng và cũng có nhiều ngân hàng đến chào vay vốn, nhưng đến nay vẫn chưa “chốt” hợp đồng tín dụng với đơn vị nào. Nguyên nhân, theo bà Loan, phần vì mặt bằng lãi suất cho vay vốn vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, phần khác, thủ tục, hồ sơ cho vay vốn cũng chưa thông thoáng, dễ dàng cho doanh nghiệp. “Mặc dù các ngân hàng nói rằng đã giảm mạnh lãi suất cho vay vốn, song mức lãi suất trung bình chúng tôi đang phải trả là 12%/năm”, bà Loan nói.


Nhu cầu và khả năng vay vốn đều giảm


Việt Á là một lát cắt trong bức tranh tổng thể về cung – cầu vốn trên thị trường, phần nào lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn rất ì ạch. Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 6,45% so với cuối năm 2012, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động đạt 10,49%.


Trong suốt thời gian dài vừa qua, nền kinh tế vẫn đang chật vật xoay xở trong khó khăn. Kết quả kinh doanh quý hai của các doanh nghiệp niêm yết – vốn là những doanh nghiệp dẫn đầu – cho thấy, gần 30% doanh nghiệp thua lỗ. Cũng khối doanh nghiệp niêm yết, có hơn 300 doanh nghiệp có hệ số DER (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) vượt trung bình ngành, trong đó 100 trường hợp vay nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu. Như công ty cổ phần GGG, vốn chủ sở hữu 65 tỉ đồng, trong khi lỗ luỹ kế 97 tỉ đồng, vay nợ ngắn hạn hơn 106 tỉ đồng (chỉ số vay nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu tới 1,635 lần). Hay như công ty BHV đang gánh khoản vay ngắn hạn hơn 26,7 tỉ đồng, lỗ lũy kế 18,4 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn 234 triệu đồng (vay nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu tới 114 lần)… Điều đó cho thấy, những doanh nghiệp này có nhu cầu thì cũng khó đủ điều kiện để tiếp cận vốn.


“Phá giá lãi suất”


Chỉ còn hơn ba tháng nữa để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng, doanh thu, lợi nhuận cả năm, nên các ngân hàng phải tìm mọi cách bơm vốn.


Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hôm qua (17.9) cho biết vừa triển khai gói 2.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi, lãi suất tối thiểu 9%/năm trong ba tháng đầu tiên và tiếp tục áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các tháng còn lại, hướng vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương kinh doanh hàng tết Giáp Ngọ 2014.


Gói tín dụng của Sacombank chỉ là một trong số nhan nhản các chương trình cho vay ưu đãi được tung ra thị trường và để tạo sự nổi trội, buộc các ngân hàng phải tìm những cách thức mời chào, quảng bá độc đáo hơn. Như ngân hàng Đại Dương (OceanBank), mới đây giới thiệu chương trình “phá giá lãi suất” rao công khai trên website của ngân hàng này. Vay vốn mua nhà, mua xe, tiêu dùng… chỉ phải trả mức lãi suất 5,91% – mức thấp nhất trên thị trường hiện nay, và được áp dụng tới cả năm, hoặc ít ra trong sáu tháng chứ không chỉ một vài tháng đầu tiên như một số ngân hàng trước đó áp dụng. Phó tổng giám đốc OceanBank Trần Thanh Quang, cho biết, với khoản vay có lãi suất “phá giá” này, ngân hàng chấp nhận phải bù từ các dịch vụ khác.


Tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội, cho rằng, giờ là lúc “ngân hàng phải luỵ khách hàng”. Một mặt, để chuẩn bị nhu cầu vốn cuối năm, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tăng huy động bằng cách tăng lãi suất kỳ hạn dài, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, quà tặng, quay số trúng thưởng cho khách gửi tiền (một cách thức để lách quy định trần lãi suất của NHNN). Mặt khác phải tìm mọi cách mời chào khách vay, trong đó giảm lãi suất vẫn là biện pháp cạnh tranh trực tiếp nhất. Ông này nhận định, sau OceanBank, chắc chắn sẽ có thêm ngân hàng tung ra các gói tín dụng có lãi suất hấp dẫn, và thị trường ngân hàng sẽ bị cuốn vào cuộc đua hạ lãi suất cho vay vốn.


Thảo Nguyễn






Bộ Y tế "kiện" bộ Giáo dục vì cấp phép mở ngành

Bộ Y tế "kiện" bộ Giáo dục vì cấp phép mở ngành

Bộ Y tế "kiện" bộ Giáo dục vì cấp phép mở ngành


SGTT.Vn - Cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, bộ Y tế đã gửi công văn tới bộ Giáo dục.


Mở ngành ồ ạt, chuyên gia y tế đứng ngoài


Trong công văn, thứ trưởng bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.


Bộ GD-ĐT có quy định việc mở ngành đào tạo do sở GD-ĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng.










Một giờ học điều dưỡng.



Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.


"Vì vậy, bộ Y tế đề nghị bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.


Một bất cập khác dưới góc nhìn của bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này. Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.


Từ đó, bộ Y tế đã đề nghị bộ GD-ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Đồng thời , cần có khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng lựa chọn.


Bộ trưởng nói gì?


Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, ông Nguyễn Minh Lợi, đại diện bộ Y tế đã đề cập đến thực trạng mở ngành đào tạo y dược tại một số ĐH đa ngành.


Ông Lợi nêu quan điểm, y là một ngành đặc thù nên quá trình đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thẩm định mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường ĐH đa ngành, ngoài công lập được phép đào tạo y dược trong điều kiện không đảm bảo.


"Thiết bị thực hành thiếu, bệnh viện lại cách xa trường học đến vài chục cây số. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc giảng dạy mà còn khiến chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu", ông Lợi phân tích.


Về vấn đề này bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách bộ GD-ĐT và bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.


Họ cho biết, việc này tưởng như rất bài bản, đúng quy trình nhưng trên thực tế có chuyện các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành đã thuê của các đơn vị phân phối. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ đem đi trả. Chất lượng đào tạo của những trường này cũng rất kém.


"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của bộ thẩm định việc này và đề nghị bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh" - lời bộ trưởng Luận.


Ông Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, cả hai bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.


Theo Vietnamnet






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ