Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Cây cối hợp nhà hợp người

Cây cối hợp nhà hợp người

Cây cối hợp nhà hợp người


SGTT.VN - Sắp làm nhà xong, đến phần chọn cây cối cho sân thượng và sân trước nhà (đều bị xéo góc do đất không vuông) thì tôi gặp nhiều ý kiến tư vấn trái chiều nhau. Người thì bảo nên trước cau sau chuối, người khác lại khuyên chọn cây theo hành hợp với tuổi của mình.


Tôi hành hoả (sinh năm 1965) thì không lẽ chọn cây có hoa lá màu đỏ chăng? Xin tư vấn giúp vài nguyên tắc phối kết cây cối với nhà sao cho hợp phong thuỷ và thẩm mỹ, khắc phục được góc xéo ở sân.


Trần Thị Khánh, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang.
































Ảnh trái: Dùng cây lá và đá ốp lát nên có màu sắc sáng, tươi vui nhằm bổ sung tính dương cho những khoảng sân nhỏ và khuất nắng. Ảnh phải: Sân thượng khi kết hợp yếu tố sắp đặt sỏi đá với cây cối sẽ trở nên hấp dẫn và hữu dụng hơn.

Một vài quan niệm “hợp với hành hoả nên trồng nhiều cây lá đỏ” hoặc “cần hành thổ nên chia sân cỏ thành nhiều ô vuông vức, xén bằng” là hiểu chưa đầy đủ về hài hoà ngũ hành. Bản chất của ngũ hành là sự tương tác, chuyển hoá qua lại giữa các thành phần trong thiên nhiên, khi quá lệch về một màu, một hình dáng hay một chủng loại nào thì đều gây nên tính thừa, lấn áp các hành khác và phát sinh hệ quả xấu. Do vậy cách bố trí hài hoà ngũ hành là chọn một hành làm chủ đạo (hành bản mệnh), bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên và bố trí theo công năng, thẩm mỹ. Cũng nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, và có lúc khắc lại tốt hơn sinh. Cụ thể trường hợp nêu trên gia chủ có sân trước xéo góc theo tính chất không gian thuộc hoả, cần giảm góc nhọn bằng cách dùng hành khắc chế, thì cây cối bố trí tại góc xéo đó nên theo dạng mềm mại, lá tròn hoặc xén tỉa tán tròn, ít góc cạnh dưới nền, có thể xây bồn cây hay ốp đá hình dạng bo tròn, uốn lượn (thuộc kim và thuỷ, là hai hành tương khắc với hoả) để giảm bớt góc nhọn.


Đối với nhà phố, nên quan niệm khoảng sân vườn ít ỏi gắn bó với phần mở rộng của ngôi nhà, chứ đừng tách bạch nhà và sân rõ rệt quá. Nghĩa là trồng cây gì, bố trí sỏi đá ra sao nên căn cứ sát theo không gian phòng ốc và sinh hoạt liền kề sân để phối kết. Nếu là sân trước, các bố trí sẽ phụ thuộc theo yếu tố mặt tiền nhà và việc giao tiếp đối ngoại của phần minh đường (khoảng quang đãng phía trước). Nếu là sân giữa hay giếng trời thì bề mặt sân vườn sẽ nối kết với không gian kề cận của trung cung (khu vực trung tâm của ngôi nhà). Còn nếu là sân sau thì cần quan tâm nhiều đến yếu tố hỗ trợ cho hậu chẩm của ngôi nhà cũng như góc nhìn từ các tầng trên trông xuống khoảng sân này. Từ đó có thể chọn cây cụ thể như sau:


Sân trước: Khi mặt tiền nhà thiên về yếu tố dương hay âm nhiều, màu sắc của khoảng sân trước sẽ cần phải cân bằng ngược lại. Ví dụ nhà có màu sáng, dùng kính nhiều thì khoảng sân trước nên chọn các loại cây có màu sậm, cành vươn cao, tạo nhiều bóng đổ giảm bớt chói chang, dùng đá lát sân sậm màu hoặc trải sỏi để tăng tính âm. Ngược lại, nhà kiểu cổ điển, chi tiết nhiều rồi thì cây cần chọn dạng đơn giản, có tính hỗ trợ, chào đón nhiều hơn là che chắn.


Sân thượng: Thông thường sân thượng hay kế bên phòng thờ hoặc phòng ngủ lầu trên, là những không gian mang tính sinh hoạt nội bộ, cần tươi sáng và dương tính nhiều hơn. Tránh dùng những màu tối, tránh trang trí rườm rà hoặc lạm dụng sỏi đá non bộ sẽ khiến không gian trở nên âm thịnh dương suy. Các hướng vườn đón nắng và gió tốt (như hướng đông, đông nam hoặc nam thì màu cây cối và vật liệu có màu đậm, bề mặt nhám, có bổ sung mặt nước sẽ cân bằng lại yếu tố dương thịnh. Trong khi những hướng sân vườn nhận ánh sáng yếu hơn (như hướng bắc) hoặc bị nhà khác che khuất thì cần dùng những màu tươi sáng trên các bề mặt nhẵn để tăng dương lên.


Nên lưu ý: Vườn trong nhà ở khác với vườn trồng cây theo kiểu canh tác, vườn ươm hay vườn kiểng. Sử dụng màu của gỗ và đá là những gam màu chủ đạo dễ dàng tạo nên một khoảng sân nhà dung hoà ngũ hành thông qua hành thổ làm nền tảng. Trong khi đó, hành kim vốn khắc mộc xem ra có vẻ ít được ưa chuộng trong bảng màu sắc của sân vườn, nhưng không có nghĩa là thiếu vắng. Những mảng tường trắng, những bộ khung – giàn leo bằng kim loại, nhựa, hay bàn ghế sơn màu trắng sẽ bổ sung yếu tố kim cho một khu vườn quá rậm rạp, làm sáng sủa không gian nhiều bóng râm, và tạo nên những bề mặt bắt sáng tốt hơn là bề mặt sậm màu.


Bài THS.KTS HÀ ANH TUẤN


ảnh KHÁNH PHƯƠNG










Giữ lại nhiều khoảng trống có đất hoặc bề mặt trồng cỏ giúp giảm bề mặt bêtông hóa, giảm bức xạ nhiệt, gia tăng yếu tố thổ, thêm độ ẩm cho sân vườn trong phố.







Tuần lễ phim Đức lần thứ 4

Tuần lễ phim Đức lần thứ 4

Tuần lễ phim Đức lần thứ 4


SGTT.VN - Tuần lễ phim Đức lần thứ 4 sẽ diễn ra tại TP.HCM từ 27.9 – 3.10.2013 với những bộ phim thành công nhất của Đức được trình chiếu.











Sau thành công của những kỳ liên hoan phim trước trước với gần 50.000 khán giả, năm 2013 liên hoan phim Đức sẽ tiếp tục được viện Goethe tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và lần đầu tiên tại Thái Nguyên.


Những tựa phim sẽ ra mắt kỳ này bao gồm: Barbara, Ngôi nhà của những con cá sấu, Kinh cấu cho một người bạn, Bốn ngày trong tháng năm, Hội nghị các loài thú, Giữa đường đứt gánh...


Thông qua những bộ phim của các đạo diễn, diễn viên Đức, liên hoan phim mong muốn mang đến cho khán giả Việt Nam những khám phá, hiểu biết về lịch sử – hiện tại, bản sắc gia đình, tình yêu, cái chết, tình bạn... và văn hóa Đức nói chung.


Ngoài ra, khán giả có thể tham gia chương trình đố vui về phim tại website: http://www.goethe.de/german-filmfestival-vietnam.de. Người trả lời chính xác các câu hỏi xung quanh các bộ phim sẽ được nhận những phần quà thú vị.


Vé mời được phát miễn phí từ 20.9 tại Viện Goethe TP.HCM, 18 đường số 1 cư xá Đô Thành, P.4, Q.3 TP.HCM.


N.Th






Bài 1: Từ tác giả danh dự, tác giả ma...

Bài 1: Từ tác giả danh dự, tác giả ma...

LTS. Gần đây, việc cùng đứng tên trên một bài báo khoa học dù không có đóng góp tương xứng với vị trí đồng tác giả ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Theo quan điểm của nhà khoa học y khoa Nguyễn Văn Tuấn, người vừa đoạt giải Sách Hay 2013, đây là hành vi vi phạm đạo đức khoa học.


Công trạng trong khoa học


Bài 1: Từ tác giả danh dự, tác giả ma...


SGTT.VN - Nội dung một bài báo khoa học phản ảnh những phát hiện đáng chú ý mà tác giả muốn chia sẻ cùng cộng đồng khoa học. Đứng tên tác giả một bài báo khoa học không chỉ có nghĩa chịu trách nhiệm về nội dung và có thẩm quyền về bài báo, mà còn là một hình thức ghi nhận công trạng.










Phải cùng tham gia nghiên cứu mới là đồng tác giả. Ảnh: nhóm các nhà khoa học trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, thuộc đại học Khoa học tự nhiên – đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học thuộc đại học Columbia (Hoa Kỳ) về “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” mà kết quả vừa được xuất bản trên tạp chí Nature. Ảnh: VNU



Một cây làm chẳng nên non


Số lượng bài báo mà một cá nhân đứng tên tác giả thường được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng để xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng (như giáo sư, phó giáo sư). Ở nhiều trường đại học trên thế giới, nghiên cứu sinh cần phải đứng tên tác giả đầu của một số công trình nghiên cứu mới được bảo vệ luận án tiến sĩ. Đối với các cơ quan tài trợ như Nafosted của bộ Khoa học và công nghệ, bài báo khoa học là một trong những tiêu chí để “nghiệm thu” công trình nghiên cứu. Ở cấp quốc gia, số bài báo khoa học (mà công dân của quốc gia đó đứng tên tác giả) được xem là một thước đo quan trọng để đánh giá trình độ khoa học kỹ thuật của quốc gia. Do đó, việc phân định công trạng qua đứng tên tác giả bài báo khoa học rất có ý nghĩa đến cá nhân nhà khoa học và uy danh quốc gia.


Vấn đề phân định công trạng rất đơn giản nếu bài báo chỉ có một tác giả duy nhất, nhưng trở nên phức tạp khi bài báo có nhiều tác giả. Từ thế kỷ 17 đến thập niên 1920, quy ước của cộng đồng khoa học là mỗi bài báo chỉ có một tác giả. Do đó, việc phân định công trạng chưa được đặt ra. Đến thập niên 1950 thì quy ước một tác giả bị chất vấn, và đến thập niên 1980 thì cộng đồng khoa học thay đổi theo hướng dân chủ hơn.


Ngày nay, mở một tập san khoa học lớn (như Nature, Science, Cell), chúng ta thấy có rất nhiều bài báo với nhiều tác giả, có bài số tác giả lên đến hàng trăm người! Theo thống kê của Nature, tính trung bình, số tác giả của mỗi bài báo ngày nay tăng gấp bốn lần so với thập niên 1950.


Ngày nay, nghiên cứu khoa học thường là nỗ lực của một tập thể, vì có sự đóng góp của nhiều chuyên gia từ nhiều chuyên ngành. Do đó, hiện tượng nhiều tác giả không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng việc phân định công trạng không dễ dàng khi mà mọi người đều có thể nói “không có tôi thì công trình này không thành công”. Người viết bài này từng chứng kiến những tranh cãi như thế rất nhiều lần, và mỗi lần đều dẫn đến những kết cục buồn, vì sứt mẻ tình bạn và quan hệ đồng nghiệp.


Ba tiêu chuẩn vàng


Câu hỏi đặt ra là ai xứng đáng đứng tên tác giả? Năm 1985, uỷ ban Tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra ba tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học. Năm 2000, ba tiêu chuẩn này được hiệu chỉnh, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để quy quyền tác giả. Theo định nghĩa của ICMJE, một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ ba tiêu chuẩn: có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện; đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung bài báo một cách nghiêm túc; và phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san. Những người chỉ có công tìm tài trợ, chỉ có công thu thập dữ kiện, hay chỉ có công lãnh đạo một nhóm nghiên cứu thì không có quyền đứng tên tác giả.


Nguyên tắc là thế, nhưng trong thực tế không phải ai cũng dựa theo những tiêu chuẩn vàng trên. Có nhiều bài báo khoa học mà trong đó một số tác giả chẳng đóng góp gì đáng kể, thậm chí chẳng biết nội dung bài báo nói về cái gì, có người còn chưa thấy bài báo ra sao! Gần đây, với áp lực xin tiền tài trợ cho nghiên cứu và xin đề bạt, xuất hiện hiện tượng tác giả danh dự, tác giả ma (ghost author), và… cướp công trong khoa học.


Ở Việt Nam, không ít tác giả đứng tên tác giả trong bài báo khoa học nhưng không đáp ứng ba tiêu chuẩn vàng trên. Họ không dính dáng gì đến việc khai sinh ý tưởng bài báo, không tham gia soạn thảo bài báo, nhưng thường là giám đốc một trung tâm, hay đứng đầu một nhóm nghiên cứu lớn. Là giám đốc, họ có thể gây áp lực đến nhà khoa học dưới quyền hay đối tác nước ngoài ghi tên họ vào danh sách tác giả. Đối với nghiên cứu sinh, do ở vị thế “bất lợi” nên đành phải làm theo yêu cầu. Đối với đối tác nước ngoài, vì lý do ngoại giao và làm việc lâu dài, cũng sẵn sàng đề tên các sếp vào danh sách tác giả. Thuật ngữ khoa học gọi những “tác giả” loại này là “tác giả danh dự” (honorary author), “tác giả mời” (guest author), “tác giả quà” (gift author). Đối với tác giả chính, có tác giả danh dự hay tác giả quà chẳng hại gì, mà còn thắt chặt thêm tình đồng nghiệp trong tương lai, khi mà lúc “có qua có lại” trở thành một lợi thế cho sự nghiệp khoa bảng. Theo một phân tích công bố trên tập san JAMA vào năm 1998, có gần 20% các bài báo có những “tác giả danh dự”, tức rất phổ biến!


“Tác giả ma” là một thuật ngữ tương đối mới trên thế giới, nhưng nó lại không hề mới trong giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Theo cách hiểu thông thường, tác giả ma là người soạn thảo bài báo khoa học nhưng lại không có tên trong danh sách tác giả (và người đứng tên tác giả thì không hề viết bài báo!) Hiện tượng tác giả ma chỉ xuất hiện trên các tập san khoa học khoảng 20 năm qua, và “thủ phạm” là các công ty dược. Các công ty dược làm nghiên cứu, rồi mướn chuyên gia khác viết bài báo, và mời các giáo sư nổi tiếng (không liên quan gì đến công trình nghiên cứu) đứng tên tác giả. Khoảng 11% các bài báo y khoa có hiện tượng tác giả ma. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện tượng tác giả ma khá phổ biến từ lâu và xuất hiện dưới nhiều dạng. Có những người chuyên viết thuê luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, có người chuyên viết thuê bài báo khoa học, có những người chuyên soạn bài nói chuyện cho các giáo sư v.v. Do đó, hiện tượng tác giả ma ở Việt Nam có phần “phong phú” hơn so với thế giới.


Nguyễn Văn Tuấn


Kỳ sau: Đến vị trí tác giả và công trạng






Triết gia Plato và thú mỏ vịt rủ nhau đi nhậu

Triết gia Plato và thú mỏ vịt rủ nhau đi nhậu

Triết gia Plato và thú mỏ vịt rủ nhau đi nhậu


SGTT.VN - Nếu bước vào nhà sách mà vô tình cầm lên tay cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… (Nhã Nam – NXB Thế Giới, 9.2013) của Thomas Cathcart & Daniel Klein, do Tiết Hùng Thái dịch, hẳn nhiều độc giả sẽ bị sốc. Bởi triết học gì mà tếu và “phá chấp” đến như vậy?











Đọc sách này xong, chúng ta sẽ biết triết gia cổ đại Plato và con thú mỏ vịt nói gì trong quán bar. Trong sách có vô số chuyện tiếu, kiểu như thế này: “Tại sao một con voi lại to, màu xám và nhăn nheo? Bởi vì nếu nó nhỏ, trắng và trơn nhẵn thì nó là một viên aspirin rồi”; hay “Hai con bò đang đứng trong đồng cỏ. Một con nói với con kia: “Bạn nghĩ gì về cái bệnh bò điên này?” “Tớ sợ cóc gì?”, con kia nói. “Tớ là một chiếc trực thăng mà”.


Trong lời dẫn, có đoạn giải thích sự kết hợp quái chiêu này: “Cách xây dựng và điều bổ ích của những chuyện đùa, cũng như cách xây dựng và điều bổ ích của những khái niệm triết học được làm bằng cùng thứ chất liệu. Chúng kích thích trí óc theo cùng một cách. Đó là bởi vì triết học và sự bông đùa bắt nguồn từ cùng một sự thúc đẩy: làm cho các cảm giác của chúng ta ngạc nhiên về cách hiện hữu của mọi sự vật, để lật ngược cái thế giới của chúng ta, và để lục tìm lôi ra những sự thật ẩn giấu thường không mấy dễ chịu, của đời sống. Cái mà các triết gia gọi là thấu thị, các tay thích đùa gọi là bông phèng”.


Ví dụ trong truyện này: “Morty về nhà thấy vợ hắn cùng với Lou – người bạn thiết thân của hắn – đang cùng nhau trần truồng trên giường. Morty chưa kịp mở miệng thì Lou nhảy ra khỏi giường và bảo: “Trước khi cậu nói bất cứ điều gì, nghe đây, ông bạn vàng ạ, cậu tin vào cái gì, tin tớ hay tin vào mắt của cậu?”


Thomas Cathcart và Daniel Klein cắt nghĩa truyện này như sau: “Bằng cách thách thức ưu việt hoá kinh nghiệm cảm giác, Lou đã đặt câu hỏi loại dữ liệu nào là chắc chắn và tại sao. Liệu có một cách thu thập dữ kiện về thế giới – chẳng hạn, nhìn – là đáng tin cậy hơn các cách khác – chẳng hạn, một bước nhảy của lòng tin cậy, nơi chấp nhận cách mô tả của Lou về thực tại?”


Cứ một chuyện tiếu lại có những cắt nghĩa theo lăng kính triết học như trên, nên người đọc có thể quên khái niệm rắc rối, nhưng lại nhớ chuyện để suy ngẫm. Sự tài tình và điểm thu hút lớn của sách chính là ở điểm này. Một hành trình triết lý của Tây phương từ cổ đại đến đương thời, từ những tượng đài lớn (như Plato) đến đời thường (thú mỏ vịt), từ thuyết bất khả tri đến thiền, từ thông diễn học đến vĩnh cửu luận…


Khi sách này mới ra mắt, nó đã nhận về nhiều sự chỉ trích và bị vài nhà xuất bản từ chối in, nhưng nay lại thuộc nhóm những sách triết học bán chạy. Bởi thực tế cho thấy, các sách kinh điển về triết học không dễ lĩnh hội, dù tri kiến từ triết học thì rất quan trọng với bất kỳ ai muốn trưởng thành về tư duy. Để đời thường hoá, Thomas Cathcart và Daniel Klein đã chế ra khái niệm “philogagging”, mà Tiết Hùng Thái dịch là “tiếu học”. Khái niệm này được cấu tạo từ “philo”: yêu thích với “gag”: chuyện đùa; trong khi “philosophy” (triết học) thì từ “philo” và “sophia”: sự thông thái.


Thomas Cathcart và Daniel Klein sống ở New England (Hoa Kỳ), từng làm những nghề bình thường sau khi tốt nghiệp triết học tại đại học Harvard. Thomas làm việc với các băng đảng đường phố ở Chicago; Daniel viết truyện cười cho các diễn viên hài. Họ còn là đồng tác giả những tác phẩm “tiếu học” về đại triết gia Aristotle, Heidegger…


Hiền Hoà






Sâm Ngọc Linh “đại hạ giá”: có nên mua?

Sâm Ngọc Linh “đại hạ giá”: có nên mua?

Dinh dưỡng


Sâm Ngọc Linh “đại hạ giá”: có nên mua?


SGTT.VN - Những ngày gần đây nhiều gia đình khá giả ở TP.HCM được một số người đến tận nhà chào mời sâm Ngọc Linh “đại hạ giá”, chỉ khoảng 15 triệu đồng/kg, so với giá sâm Ngọc Linh tươi 60 – 70 triệu đồng/ký (loại hai củ). Theo lời người bán, đây là sâm tự nhiên do mưa lũ gây sạt lở núi Ngọc Linh làm lộ ra, được dân địa phương nhặt bán rẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia dược liệu cảnh báo phải rất thận trọng khi mua loại sâm “đại hạ giá” này.
































Ảnh trái: Sâm Ngọc Linh. Ảnh phải: Vũ diệp tam thất

Tam thất Trung Quốc đội lốt sâm


Công an tỉnh Kon Tum từng phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả liên tỉnh. Theo khai nhận của các đối tượng liên quan, nguồn củ sâm Ngọc Linh giả chính là củ vũ diệp tam thất từ Trung Quốc được đưa vào Kon Tum (nơi có vùng sâm Ngọc Linh) để đội lốt thành sâm quý! Công nghệ làm giả khá đơn giản: lấy củ vũ diệp tam thất có hình dáng giống sâm rồi ngâm trong nước pha từ sâm Ngọc Linh thật để có mùi sâm.


Trao đổi với chúng tôi ngày 23.9, một chuyên gia của viện Dược liệu trung ương cho biết viện này từng có cảnh báo nhiều loại thực vật giả sâm Ngọc Linh, từ các mẫu sâm khách hàng đưa đến nhờ kiểm nghiệm. Trong đó, loại giả y như thật ít gặp là một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (nhân sâm), thành phần giống sâm Ngọc Linh tới 97%. Loại này chỉ ít dược liệu hơn chứ không độc hại. Loại giả phổ biến hơn là dùng củ vũ diệp tam thất (còn được gọi tam thất hoang, sâm vũ diệp, trúc tiết nhân sâm, sâm hai lần chẻ…), có tên khoa học Panax bipinnatifidum Seem.


Tuy cùng chi nhân sâm nhưng giá trị dược liệu của loại này kém sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) “một trời một vực”, giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg nhưng nếu bán với danh nghĩa sâm Ngọc Linh thì giá đội lên hàng chục triệu đồng/kg.


Có người bán còn sử dụng các loại hoá chất bơm vào củ vũ diệp tam thất để tăng thời gian sinh trưởng, hình dạng củ càng giống với sâm thật. Nguy hiểm hơn cả là những loại giả sâm Ngọc Linh làm từ củ của một số loài thuộc họ ráy (Araceae), hình dáng bên ngoài khá giống sâm Ngọc Linh. Dùng phải những loại sâm giả này có thể bị phỏng miệng, phồng rộp, hôi miệng, dùng nhiều có thể ngộ độc.


Cách phát hiện sâm giả


Theo TS.DS Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú, Trung ương hội Đông y Việt Nam, người sử dụng có thể phân biệt sâm thật với sâm giả:


Sâm thật: vỏ ngoài củ sâm Ngọc Linh thật bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì, có mùi nồng nồng của đất mùn trên núi đá. Sâm Ngọc Linh khi cắt lát có vân đồng nhất và những sợi xơ nhỏ. Khi nhai lát sâm mềm, thơm, có vị đắng dịu, ngọt thanh, kéo dài về sau, có mùi sâm đặc trưng.


Sâm giả: vỏ ngoài thường rất dày, sờ vào thấy bì bì, nhìn xa giống như màu da tê giác, có thể cạy được những loại đất feralit đỏ vàng hoặc nâu bám trên ngóc ngách của củ. Nếu là vũ diệp tam thất, củ thường không tròn mà có hình dáng hơi dẹt, khi nếm có cảm giác hơi ngứa ở đầu lưỡi, rít miệng. Sâm giả cắt lát có vân không đồng nhất, không có sợi xơ, khi nếm có cảm giác cứng, không có vị đắng hoặc đắng gắt, không mùi sâm đặc trưng.


Ai cần kiêng sâm?


Theo y học cổ truyền, sâm là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong bốn vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí... sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, người gầy yếu, mới bệnh dậy, trí nhớ suy giảm, căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em gầy yếu, chậm lớn; tăng cường chức năng gan và bảo vệ gan, giảm lượng đường trong máu... “Tuy nhiên, việc dùng sâm không được tuỳ tiện, bởi nếu dùng không đúng người, đúng liều lượng, sâm sẽ gây ngộ độc làm bệnh nặng thêm, thậm chí gây chết người”, TS Hồng Anh lưu ý. Cụ thể, phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không được sử dụng sâm vì có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục và co bóp thành tử cung sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Các trường hợp: đau bụng, trướng bụng, tiêu chảy… và người cao huyết áp cũng không nên dùng sâm. Tránh dùng sâm vào chiều tối đối với người mất ngủ. Trẻ em cơ thể suy nhược, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần, thiếu máu… có thể dùng sâm ở dạng bổ sung, nhưng không nên lạm dụng vì sẽ làm trẻ bị kích dục sớm. Các trẻ có thể chất khoẻ mạnh, phát triển bình thường thì không nên dùng sâm. “Sâm tuy đứng đầu trong các vị thuốc bổ nhưng vẫn là thuốc, nên không phải muốn dùng thế nào cũng được bởi thể trạng, bệnh tình khác nhau. Nếu sức khoẻ có vấn đề thì tốt nhất nên đi khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không nên dùng thuốc bổ đông y một cách tuỳ tiện”, TS Hồng Anh lưu ý.


Thục Linh – Đức Nhân


ảnh: Trung Mỹ






Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ?

Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ?

Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ?


“Bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng ở nhiều nơi. Xin hỏi nếu nhìn vào mắt người bệnh đau mắt đỏ thì có bị lây không? Cách nào tốt nhất để phòng ngừa bệnh này? Cần làm gì khi mắc bệnh?”


Thái Nguyên (TP.HCM)


ThS.BS Diệp Hữu Thắng, trưởng khoa giác mạc bệnh viện Mắt TP.HCM: Bệnh đau mắt đỏ do virút gây nên, được biểu hiện bằng mắt đỏ và có ghèn, thường đỏ một mắt trước sau đó lan qua mắt thứ hai. Đa số tự khỏi sau 7 – 14 ngày. Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc nhỏ ngừa.











Cách lây truyền bệnh thường gặp là qua nước mắt (có chứa virút); qua vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (như nước hồ bơi). Vì vậy, nhìn nhau không lây mắt đỏ.


Một số điều nên làm khi bị đau mắt đỏ: đeo kính râm; nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo; có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm; chườm lạnh giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu; giữ vệ sinh cá nhân; rửa tay với xà phòng sát khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lây bệnh cho người khác. Nếu bệnh diễn tiến bất thường, nên sớm đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, đúng cách.






Tách hoạt tính sinh học từ lá sakê, vỏ măng cụt

Tách hoạt tính sinh học từ lá sakê, vỏ măng cụt

Tách hoạt tính sinh học từ lá sakê, vỏ măng cụt











SGTT.VN - PGS.TS Trần Thu Hương và cộng sự thuộc bộ môn hoá hữu cơ, viện Kỹ thuật hoá học vừa thực hiện thành công đề tài ở quy mô phòng thí nghiệm: “Nghiên cứu quy trình chiết, tách phân đoạn có hoạt tính sinh học từ cây sakê (ảnh) và cây măng cụt”, được bộ Khoa học và công nghệ tài trợ nhằm nghiên cứu chế phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường và cao huyết áp.


Bằng phương pháp vật lý hiện đại, nhóm nghiên cứu đã đánh giá hoạt tính sinh học của mẫu dịch chiết và các hoạt chất theo hướng có hoạt tính chống oxy hoá, hạ glucose máu…; phân lập và xác định được cấu trúc của 17 hợp chất, trong đó có hai hợp chất mới từ lá cây sakê và vỏ quả măng cụt…


T. Tuấn






Tiếng sáo hy vọng của chàng trai khiếm thị

Tiếng sáo hy vọng của chàng trai khiếm thị

Trời kêu không dạ


Tiếng sáo hy vọng của chàng trai khiếm thị


SGTT.VN - Hơn một năm nay, ông Nguyễn Văn Hạnh bỏ hết công việc ở quê nhà Thanh Hoá lên Hà Nội chăm sóc con trai là Nguyễn Văn Linh, lớp trung cấp 4 khoa nhạc cụ truyền thống học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Linh phải chịu bất hạnh ngay từ khi lọt lòng mẹ: bị khiếm thị bẩm sinh, lại mới phát hiện suy thận giai đoạn cuối!










Từ khi phát hiện Linh bệnh thận, ông Hạnh xin nhà trường được ở cùng để tiện chăm sóc con.



Học để thoát khỏi tăm tối


Từ khi phát hiện con bệnh thận, ông Hạnh xin nhà trường cho được ở cùng Linh trong ký túc xá để tiện chăm sóc con. Không có giường nằm, ông Hạnh phải mua giường xếp nằm bên cạnh con. Ông tự hào kể về đứa con chịu thiệt thòi từ khi lọt lòng mẹ: “Buổi sáng Linh lên lớp, chưa dứt bữa cơm trưa hai bố con lại đèo nhau đến bệnh viện chạy thận. Sức khoẻ yếu nhưng Linh có ý chí lắm. Nhìn cháu có quyết tâm, bao mệt mỏi, khó khăn đều quên hết”.


Sinh ra đủ tháng như bao đứa trẻ khác, nhưng Linh chưa một lần nhìn thấy ánh sáng trên cuộc đời này. 23 năm qua, thế giới quanh Linh là một màu đen huyền bí. 11 tuổi, Linh may mắn được nhận vào trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội dành riêng cho người khiếm thị. Chưa xa nhà bao giờ, nhưng hiểu rằng nếu không được học hành thì tương lai của con sẽ tăm tối, sau bao đắn đo, suy nghĩ, gia đình quyết định cho Linh một thân, một mình lên Hà Nội. “Lúc đó vợ chồng tôi thương con đứt ruột. Một người bình thường còn khó sống xa gia đình ở lứa tuổi đó. Nhưng tất cả vì tương lai của con. Linh tuy không được khoẻ như bạn bè nhưng độc lập lắm, cứ động viên bố mẹ yên tâm, con tự lo cho mình được”, ông Hạnh nhớ lại.









Tốt nhất Nhưng tốn kém nhất là ghép thận


TS.BS Nguyễn Cao Luận, nguyên trưởng khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Suy thận là tình trạng diễn tiến suy chức năng thận mà nguyên nhân được xác định là do nhiều yếu tố như tiểu đường, cao huyết áp hoặc viêm cầu thận cấp… Hiện có nhiều hướng điều trị suy thận như lọc máu ngoài thận. Những bệnh nhân được kết luận là suy thận mạn giai đoạn cuối đều được chỉ định lọc máu ngoài thận (dân gian gọi là “chạy thận”), theo hai phương pháp là thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Việc chọn lựa phương pháp thích hợp cần tuỳ thuộc người bệnh, cư trú xa hoặc gần trung tâm thận nhân tạo... Phương thức điều trị tốt nhất cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận, nhưng không phải ai cũng thực hiện được do nhiều lý do như kinh phí, nguồn thận…



Linh đã không phụ lòng tin của cha mẹ. Bảy năm sống và học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Linh vừa được học văn hoá, vừa phát huy năng khiếu âm nhạc của mình. Linh được chọn vào dàn nhạc của trường và từng lưu diễn nhiều nơi, trong đó có cả Nhật và Pháp. Đam mê với cây sáo, Linh quyết tâm học và thi đỗ vào học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khoa nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành sáo trúc. Không nhìn thấy được bản nhạc, Linh phải tập sáo theo cách của mình: nghe và ghi nhớ; mỗi ngày đều dành phần lớn thời gian tập luyện và học các bài mới. Nhờ cách học này mà thành tích học tập của Linh luôn đạt loại tốt.

Một cuộc đời hai bất hạnh


Chưa kịp vui với những thành công bước đầu thì năm 2012, Linh thấy sức khoẻ mình giảm sút trầm trọng, cứ ốm kéo dài, sụt cân và mệt mỏi. Đi khám, Linh bất ngờ với kết quả: suy thận giai đoạn cuối. Linh nhớ lại: “Đầu tiên khi bác sĩ nói em bị suy thận giai đoạn cuối, em cũng chưa biết suy thận là thế nào. Em nghĩ rất đơn giản sau một thời gian điều trị bệnh sẽ khỏi. Sau đó em biết bệnh này phải điều trị cả đời. Lúc đó, tinh thần em suy sụp lắm, thương bố mẹ vất vả vì em mà chưa đền đáp được, nay lại bệnh tật, rồi không biết học hành sẽ ra sao, em có được gắn bó với cây sáo nữa không…” Được các bác sĩ tư vấn, qua thông tin trên sách báo cũng như gặp những người đồng cảnh ngộ động viên, Linh cảm thấy nỗi buồn vơi đi phần nào. Nhưng trong lòng Linh vẫn còn nhiều điều phải lo lắng.


Một tuần phải chạy thận ba lần, tay trái của Linh bắt đầu sưng lên bởi những lần lấy ven lọc máu. Da Linh xanh tái vì mệt mỏi sau mỗi lần chạy thận về. Thế nhưng, cậu học trò khiếm thị vẫn say sưa với cây sáo. Nó là nguồn sống, là niềm vui của Linh.


Ông Hạnh ngồi bên cạnh cậu con trai ánh mắt đượm buồn, chia sẻ thêm: “Bình quân một tháng, để điều trị Linh phải mất 6 – 7 triệu đồng. Để có tiền chữa bệnh cho Linh, gia đình phải đi vay mượn của anh em trong họ, vay ngân hàng chứ không tài nào cáng đáng nổi. Ngoài thời gian chăm Linh, khi rảnh tôi lại chạy xe ôm kiếm tiền sinh hoạt cho hai bố con. Linh biết hoàn cảnh của mình nên thương bố mẹ, cứ có ai mời diễn là em không ngại khó khăn, mệt mỏi mà đi ngay”.


bài và ảnh: Lệ Hà









Món quà cho nghị lực


Biết nhau qua một cuộc giao lưu từ thiện, Đoàn Lê Phan Anh (20 tuổi) học piano cùng trường, do cảm phục nghị lực và tài năng của Linh nên muốn làm một điều gì đó để giúp bạn. Cuối tháng 6.2013, Phan Anh đăng ký tham gia chương trình “Vì bạn xứng đáng”, được thưởng 48,65 triệu đồng. Theo kịch bản chương trình, người chơi sẽ tặng lại tất cả phần thưởng cho một người không may mắn nhưng vẫn lạc quan, yêu đời và Phan Anh đã chọn Linh để tặng số tiền trên.







Phát hiện một loài ễnh ương mới

Phát hiện một loài ễnh ương mới

Phát hiện một loài ễnh ương mới










Ảnh: Phùng Mỹ Trung



SGTT.VN - Nhóm các nhà khoa học của Mỹ, Canada, Singapore và Việt Nam vừa phát hiện một loài ễnh ương mới phân bố tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gia Lai và công bố trên tạp chí Herpetologica (tạp chí khoa học quốc tế chuyên về lưỡng cư và bò sát) trong tháng 9.2013. Nhóm nghiên cứu đã đặt tên loài mới này là ễnh ương Đông Dương, tên khoa học là Kaloula indochinensis, dựa theo tên vùng phân bố của loài ở khu vực Đông Dương. Đây là loài ễnh ương thứ ba ghi nhận ở Việt Nam, trước đó các nhà khoa học cũng đã phát hiện loài ễnh ương thường và ễnh ương vạch.


Thu Loan






Câu chuyện âm nhạc – chương trình ca nhạc mới

Câu chuyện âm nhạc – chương trình ca nhạc mới

Câu chuyện âm nhạc – chương trình ca nhạc mới










Hình ảnh trong đêm Câu chuyện âm nhạc số đầu tiên, 21.9.



SGTT.VN - Câu chuyện âm nhạc là chương trình ca nhạc mới do VTV9 và tập đoàn Thanh Niên phối hợp sản xuất, sẽ phát sóng vào mỗi thứ bảy tuần thứ ba của tháng lúc 20 giờ, truyền hình trên VTV9 từ phòng trà Nam Quang, TP.HCM.


Mỗi số Câu chuyện âm nhạc có một chủ đề; các bài hát được chọn lọc theo tiêu chí đảm bảo giá trị âm nhạc và hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả – đặc trưng đòi hỏi của một chương trình ca nhạc trên truyền hình. Đồng hành và dẫn dắt những câu chuyện được kể trong mỗi số là MC, biên tập viên Tùng Leo và MC, diễn viên Thanh Vân. Giám đốc âm nhạc của chương trình là nhạc sĩ Thanh Tâm.


Các chương trình trong thời gian tới được sắp xếp theo chủ đề Mẹ (tháng 10.2013), Ơn (11.2013), Đông (12.2013), Tết (1.2014), Tình (2.2014), Em (3.2014), Quê (4.2014), Phố (5.2014), Mưa (6.2014).


Trâm Anh






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ