Bất thường chuyện lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ, đi làm công chức
SGTT.VN - Như tin đã đưa, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25.1.2014 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ, gây khó khăn cho PVN của tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã PVX) để xử lý nghiêm.
Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC đã rời ghế lãnh đạo của tổng công ty này và được bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm trưởng đại diện văn phòng miền Trung của bộ này ở Đà Nẵng vào tháng 7.2013. Ông Thanh đi làm công chức, để lại sau lưng một PVC nát bét về tài chính với khoản lỗ hợp nhất năm 2013 mới được công bố lên tới trên 3.200 tỉ đồng, trong đó, lỗ của công ty mẹ đã là 2.325 tỉ đồng. Tổng giám đốc của PVC, ông Vũ Đức Thuận cũng đã được bổ nhiệm làm phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình.
Người ta tưởng ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận như vậy là đã “hạ cánh an toàn”. Nhưng với yêu cầu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc hạ cánh này rõ ràng là ... “chưa an toàn” cho ông cựu chủ tịch PVC – một tổng công ty lớn của tập đoàn Dầu khí, đã từng được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” vào tháng 1.2011. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng được tặng huân chương Lao động hạng nhất. PVC đã có nhiều thời điểm huy hoàng, nổi danh trên thị trường chứng khoán với mã PVX.
Bê bối lớn nhất gần đây là hàng loạt cán bộ của công ty PVC – ME, một công ty con của PVC bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, bởi các hành vi vi phạm pháp luật là lập và ký khống một loạt hợp đồng, chứng từ thanh toán để rút tiền tiêu dùng cá nhân. Đáng chú ý, những sai phạm đó đều diễn ra tại các công trình do PVN và các doanh nghiệp thành viên của PVN đầu tư, như dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ, nhà máy PVTEX Hải Phòng, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng…
Nói việc “hạ cánh” của ông Trịnh Xuân Thanh chưa “an toàn” vì theo yêu cầu của Thủ tướng nêu trong văn bản của Văn phòng Chính phủ, các hành vi sai phạm phải xử lý nghiêm. Đáng chú ý, bộ Công thương cũng được yêu cầu xem xét các báo cáo xử lý các sai phạm này và sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng nhìn lại một số việc thuyên chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp sang ngạch cán bộ, công chức cơ quan hành chính gần đây thì có những vị lãnh đạo doanh nghiệp dường như được may mắn hơn ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận.
Người ta không thể không đặt câu hỏi: có “một ông anh” hay “một bà chị”... nào đó nâng đỡ, bố trí để những vị lãnh đạo doanh nghiệp gây thua lỗ ấy được “hạ cánh an toàn”.
|
Cụ thể như ông Đào Văn Hưng, cựu chủ tịch hội đồng thành viên của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do việc điều hành yếu kém, nhiều sai phạm, khuyết điểm, có trách nhiệm chính dẫn đến việc EVN lỗ 8.000 tỉ đồng năm 2010, lỗ 3.000 tỉ đồng năm 2011… và khiến cho công ty EVN Telecom phải phá sản, sáp nhập vào tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), tháng 12.2012, ông Đào Văn Hưng bị Thủ tướng ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Trước đó, ông Hưng đã bị bãi nhiệm và được điều chuyển về làm chuyên viên ở tổng cục Năng lượng, bộ Công thương.
Cho đến nay, mặc dù được làm ở bộ Công thương nhưng người ta cũng ít thấy ông Đào Văn Hưng đến cơ quan làm việc. Những nhà báo quen biết ông Hưng được ông Hưng cho biết, sau khi rời EVN, có thời gian rảnh rỗi, ông dành nhiều thời gian đi chơi golf. Sau những vụ lình xình xảy ra ở Vinashin, Vinalines… nhiều người cho rằng, ông Đào Văn Hưng quá may mắn khi được chuyển sang làm công chức.
Một trường hợp khác cũng rất đáng chú ý là ông Thân Đức Nam, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thuộc bộ Giao thông vận tải, sau khi rời Cienco 5 đã về làm việc tại Văn phòng Quốc hội với chức danh: phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kể từ ngày 1.6.2013, thời hạn năm năm.
Thời kỳ ông Nam làm tổng giám đốc rồi chủ tịch Cienco 5, tình hình đầu tư, kinh doanh của Cienco 5 đã tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước năm 2005 – khi Cienco 5 trên bờ vực phá sản. Nhưng cho đến những năm cuối ông còn làm lãnh đạo ở tổng công ty này, Cienco 5 cũng bắt đầu gặp những khó khăn về tài chính. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp 6, Quốc hội XIII, Cienco 5 có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức rất cao – 62% (9.684 tỉ đồng)… thì đây là một điều đáng báo động. Những bê bối ở dự án Thanh Hà – Cienco 5 và một loạt dự án bất động sản khác kinh doanh không thuận lợi như tại Mê Linh, khiến người ta nghi ngờ về năng lực tài chính thực sự của Cienco 5. Việc ông Thân Đức Nam chuyển nghề, từ điều hành doanh nghiệp sang làm ở Văn phòng Quốc hội, tuy không phải là có điều gì khuất tất nhưng vẫn khiến dư luận quan tâm.
Hay ở trường hợp ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được bổ nhiệm làm cục trưởng cục Hàng hải trước đây (nay ông Dũng đã bị truy tố, kết án tử hình) thì việc bổ nhiệm ông Dũng rõ ràng là có vấn đề, và bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã phải thừa nhận có sai sót nhất định trong việc bổ nhiệm này.
Trong tất cả những ví dụ trên, cho thấy, có một xu hướng đáng chú ý trong việc bổ nhiệm, sắp xếp công việc cho một số cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp sau khi thôi chức ở các doanh nghiệp nhà nước lớn. Nếu như lãnh đạo doanh nghiệp ra đi, được bổ nhiệm chức vụ mới ở cơ quan nhà nước nhưng doanh nghiệp đó đang hoạt động kinh doanh bình thường, ít nhất là không thua lỗ thì không có vấn đề này. Nhưng nếu những doanh nghiệp đó đang thua lỗ, thậm chí ở mức quá lớn như EVN, PVC… mà có việc bổ nhiệm vội vàng vào các chức vụ quan trọng của Nhà nước sẽ gây nên nhiều thắc mắc trong dư luận. Người ta không thể không đặt câu hỏi: có “một ông anh” hay “một bà chị”... nào đó nâng đỡ, bố trí để những vị lãnh đạo doanh nghiệp gây thua lỗ ấy được “hạ cánh an toàn”. Mặt khác, có thể làm cho việc xử lý trách nhiệm, xử lý cán bộ có sai phạm phức tạp hơn khi cơ quan chức năng phải làm rõ những nguyên nhân gây ra thua lỗ ở doanh nghiệp đó, nhất là lại có liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu.
Mạnh Quân