Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Giới hạn và xoay xở

Giới hạn và xoay xở

Giới hạn và xoay xở


SGTT.VN - Khuôn viên đất rộng, dễ chừng hơn trăm mét vuông. Nhưng do vướng quy hoạch nên ngôi nhà chỉ xây được trong giới hạn 6 x 5m. Liệu với diện tích hạn chế đó, chủ nhà và kiến trúc sư có thể có giải pháp cho không gian ở bốn người?





































Nhà ở vùng ven nên mặt tiền xây theo kiểu quen thuộc để không chỏi với những nhà xung quanh. Trừ phòng ngủ riêng, ở tầng trệt các không gian

chức năng được bố trí theo kiểu mượn không gian.























Lấy bề dài 6m làm mặt tiền, ngay từ cửa bước vào là một khoảng lùi chỉ hơn 1m có mặt nền nằm thấp hơn phòng khách như là một không gian chuyển tiếp dùng để giày dép và một hai chiếc xe gắn máy. Và ngay sau đó là cầu thang để lên các tầng trên. Cặp lối đi của cầu thang ở tầng trệt là nhà vệ sinh được thiết kế kín đáo. Thoạt nhìn như một bức tường dày nép cạnh cầu thang. Và cuối cùng, trong không gian nhỏ 6 x 5m bên trong, những không gian chức năng phục vụ cho sinh hoạt chung được thiết kế dựa vào nhau, mượn không gian lẫn nhau. Cụ thể là bàn ăn, phòng khách, nhà bếp được nối với nhau một cách liên hoàn. Không gian trống của phần chức năng này cũng là không gian trống của phần chức năng khác.


Sự mạnh dạn của kiến trúc sư và cả của chủ nhà khi ngay sau bộ salon ở phòng khách cả một mảng tường lớn được thay bằng kính trong, ngăn sáng bằng rèm vừa làm cho nhà thoát khỏi không khí bí bức vừa giúp cho không gian như trở nên rộng hơn.


Nhà có ba tầng, hai tầng trên được thiết kế làm phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình, cho khách, chỗ học cho con...


Chủ nhân không khá giả, nên nhà không trang trí cầu kỳ, không sử dụng vật liệu đắt tiền nhưng sự khéo léo trong sắp đặt, bố trí không gian giúp cho ngôi nhà nhỏ trở nên âm cúng và thân thiện.


Bài và ảnh: Nguyễn thời Gian






Cận thị lúc trẻ, già không viễn thị?

Cận thị lúc trẻ, già không viễn thị?

Cận thị lúc trẻ, già không viễn thị?











Có người nói nếu lúc trẻ bị cận thị thì khi về già sẽ không bị viễn thị – điều này có đúng? Tôi thấy người già nào cũng phải đeo kính khi đọc báo. Tật viễn thị của người già có thể tránh không?


Mai Trâm (TP.HCM)


ThS.BS Hoàng Cương, phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương: Người cao tuổi (trên 40 tuổi) phải đeo kính nhìn gần để đọc sách, làm công việc vặt trong nhà… Đó là do khả năng điều tiết của người cao tuổi không còn được như lúc trẻ. Họ cần được bổ sung đeo số cộng theo tuổi tác, thông thường là kính 1 độ ở 40 tuổi, sau đó cứ năm năm lại tăng thêm khoảng 1 độ. Lão hoá ở mắt là không thể tránh khỏi, tuy nhiên một số người bị cận lúc trẻ, khi về già sẽ đỡ viễn thị hơn.






Khám miễn phí bệnh vảy nến

Khám miễn phí bệnh vảy nến

Khám miễn phí bệnh vảy nến











SGTT.VN - Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh vảy nến, từ nay cho đến ngày 1.11, tại phòng số 10 khu khám B của bệnh viện.


Thời gian khám buổi sáng từ 7 giờ 30 – 10 giờ 30; buổi chiều 13 giờ – 15 giờ 30. Vảy nến là bệnh lý viêm mạn tính, miễn dịch qua trung gian tế bào, có liên quan tới gen di truyền, biểu hiện ngoài da hoặc khớp, hay cả da và khớp: mảng da màu đỏ, bề mặt có vảy trắng mỏng, dễ bong; xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thường gặp ở vùng da đầu, đầu gối hay khuỷu tay… Đăng ký khám bệnh qua điện thoại: 39106640 (chọn số 838 hoặc 848).


M. Hạnh






Việt Nam cải cách nhiều nhất nhưng vẫn xếp hạng 99

Việt Nam cải cách nhiều nhất nhưng vẫn xếp hạng 99

Môi trường kinh doanh Đông Á – Thái Bình Dương 2014


Việt Nam cải cách nhiều nhất nhưng vẫn xếp hạng 99


SGTT.VN - Kể từ năm 2005, Việt Nam đã thực hiện được 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh vẫn không có nhiều cải thiện. Việt Nam vẫn xếp 99 nhưng trên tổng số 189 nền kinh tế. Năm ngoái cũng ở thứ hạng này nhưng số nước đưa ra xếp hạng là 185. Các chuyên gia thực hiện báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 của nhóm ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sáng 29.10.


Điều thể hiện thứ hạng thấp của Việt Nam là ở tiêu chí tiếp cận điện năng ổn định cho các doanh nghiệp địa phương, đứng thứ 156. Doanh nghiệp mất đến 115 ngày để kết nối với điện cho sản xuất, kinh doanh. Mỗi gia đình mất đến 17% thu nhập bình quân tiêu dùng cho điện năng.










Nộp thuế chiếm mất gần 1/3 thời gian làm việc của doanh nghiệp Ảnh: dân trí



Với hai tiêu chí được đánh giá là có cải thiện, ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam lưu ý: chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, điểm số tăng lên liên quan đến những quy định nhiều hơn là môi trường thực tế. Các chỉ số về lạm phát, tỷ giá… mang tính ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô không được đề cập ở trong báo cáo, trong khi không thể không đề cập. Đặc biệt, ông Thiên cho rằng, trong 2 – 3 năm qua, số doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa nhiều, vĩ mô bất ổn cao, năm nay có dấu hiệu ổn định. Nhưng nỗ lực bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp chống rủi ro chưa tốt lên, chỉ số đánh giá tốt lên không đủ mạnh so với yếu tố làm kém đi.


Việt Nam đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư nhờ thắt chặt quy định về công khai thông tin đối với các công ty niêm yết trong trường hợp giao dịch với bên liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng cấp phép thành lập trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên sau khi ban hành một nghị định năm 2010, tạo khung pháp lý để thành lập những trung tâm thông tin tín dụng loại này.


Bình luận về xếp hạng năm nay, ông Trần Đình Thiên bày tỏ lo ngại về tính đồng đều của các tiêu chí. Có tiêu chí đứng ở thứ 29, có tiêu chí đứng tận 157, mức chênh lệch đến 100 bậc. Điều đó cho thấy tính “khấp khểnh” của môi trường kinh doanh, làm cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thấp.


Bà Phạm Thị Thu Hằng, tổng thư ký phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, nộp thuế là chỉ số đáng lưu ý, xếp hạng 149. Số giờ mỗi năm chiếm đến 872, mất gần 1/3 thời gian làm việc của doanh nghiệp, “quả là gánh nặng với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Hằng nói.


Bên cạnh đó, một vấn đề khác được các chuyên gia nhận định là “tốn kém và mất thời gian” là giải quyết vấn đề thanh khoản. Nhiều công ty muốn giải thể, lại mất nhiều thủ tục rườm rà, thậm chí mất nhiều thời gian để có kết quả của toà, chủ nợ mất nhiều thời gian để thu nợ. Chỉ số xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán xếp hạng ở 149, thời gian mất đến năm năm.


“Việt Nam đã có những cải cách quan trọng trong chín năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong các quy định về hoạt động của doanh nghiệp”, bà Wendy Werner, giám đốc chương trình Tư vấn môi trường đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC, thành viên nhóm ngân hàng Thế giới, nhận định.


Việt Anh






Sao Việt ủng hộ Mỹ Tâm ra thế giới

Sao Việt ủng hộ Mỹ Tâm ra thế giới

Sổ tay


Sao Việt ủng hộ Mỹ Tâm ra thế giới


SGTT.VN - Trong bức thư gửi người hâm mộ ngày 27.10, Mỹ Tâm đã viết, “sẽ không bao giờ là thất bại khi chúng ta đã cố gắng hết mình”, đó là một đúc kết cho cố gắng của cô và những người đã nhiệt tình bầu chọn để Mỹ Tâm chiến thắng danh hiệu Best Southeast Asia, thành người đại diện khu vực Đông Nam Á tiếp tục tranh giải với các đại diện Trung Quốc/Hong Kong/Đài Loan ở vòng hai của giải thưởng toàn cầu MTV EMA 2013.










Mỹ Tâm tập luyện cho một chương trình.



186 nghệ sĩ nổi bật nhất thế giới đã được tôn vinh bởi giải thưởng MTV EMA khi được đề cử bầu chọn ở hạng mục Worldwide Act. Mỹ Tâm đã vượt qua năm ứng viên để trở thành nghệ sĩ đại diện cho khu vực này tranh giải ở vòng hai. Mỹ Tâm sẽ đối đầu với Lý Vũ Xuân – đại diện của Trung Quốc đại lục/Hong Kong và Show Luo (La Chí Tường) – đại diện của Đài Loan để giành cơ hội thành một trong mười nghệ sĩ lọt vào vòng cuối hạng mục Worldwide Act. Ngay từ bây giờ, trên các diễn đàn mạng, fan của Mỹ Tâm đã kêu gọi bầu chọn cho Mỹ Tâm tại www.mtvema.com và giúp đại diện Việt Nam vượt qua vòng kế tiếp sẽ đóng lại vào 31.10. Việc Mỹ Tâm có chiến thắng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào fan.


Fan của Mỹ Tâm đã có lần mang nhiều tiếng xấu khi có những hình ảnh không đẹp nhưng trước thềm MTV EMA 2013, những người hâm mộ này đã trở thành người yêu nhạc Việt một cách thiết thực nhất, bầu chọn cho Tâm để Việt Nam được nhắc đến trong thị trường âm nhạc khu vực và xa hơn nữa là thế giới. Trên Facebook của mình, nhiều ca sĩ, đạo diễn, diễn viên: Thu Minh, Phương Thanh, Mỹ Lệ, Quang Dũng, Lam Trường, Hồ Ngọc Hà, Hiền Thục, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng… cũng kêu gọi fan của mình chung tay bình chọn cho Mỹ Tâm, để cô vượt qua hai đối thủ đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Trở về từ MTV khu vực, Mỹ Tâm đã nhanh chóng gửi lời cảm ơn đến người hâm mộ bằng một lá thư xúc động: “Tâm tự hào không phải vì bản thân mình đạt được điều gì, mà đó là niềm tự hào vì sự đồng lòng của một tập thể đoàn kết từ các bạn... Vì niềm tự hào và kiêu hãnh của một đất nước đã có những nền tảng về tinh thần đoàn kết và kiên cường, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để không phải hoài nghi về điều đó”.


MTV EMA là giải thưởng âm nhạc mà các fan trên toàn thế giới có thể bầu cho nghệ sĩ địa phương ưa thích nhất của họ và tự mình định đoạt kết quả. Trong một cuộc chơi mà internet là phương tiện thì mọi người từ mọi quốc gia đều có cơ hội ngang nhau, Mỹ Tâm và thị trường âm nhạc Việt Nam hoàn toàn có hy vọng nếu gầy dựng được tình cảm từ người hâm mộ.


Trâm Anh









Lễ trao giải MTV EMA 2013 sẽ phát sóng độc quyền trên kênh MTV Việt Nam 2 giờ sáng ngày 11.11, trực tiếp từ nhà thi đấu Ziggo Dome ở Amsterdam, Hà Lan.







Tái bản 50 sắc thái

Tái bản 50 sắc thái

Tái bản 50 sắc thái











SGTT.VN - Kể từ tháng 1.2013 đến nay, Alpha Books đã phát hành hơn 35.000 bộ sách 50 sắc thái ra thị trường. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu độc giả, Alpha Books vừa tái bản bộ 50 sắc thái phiên bản bỏ túi gọn nhẹ, với giá bìa cả bộ giảm 30% so với phiên bản thường.


50 sắc thái được coi là bộ tiểu thuyết đã làm chao đảo cả ngành xuất bản thế giới. Tính đến nay, bộ sách có mặt ở 37 quốc gia với khoảng 70 triệu bản trên toàn cầu, vượt mặt cả cậu bé phù thuỷ Harry Potter và cuốn tiểu thuyết kinh điển Mật mã Da Vinci. Truyện xoay quanh đôi tình nhân trẻ Christian Grey – một triệu phú thành đạt, đứng đầu một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia khổng lồ nhưng có cuộc sống bí hiểm và Anastasia Steele – cô nữ sinh đầy trong sáng nhưng còn thiếu kinh nghiệm trường đời.


Phạm Vi






Inmobi chọn VNG làm đối tác độc quyền

Inmobi chọn VNG làm đối tác độc quyền

Inmobi chọn VNG làm đối tác độc quyền











SGTT.VN - Inmobi, nhà cung cấp các giải pháp và kinh doanh quảng cáo trên điện thoại di động của Anh quốc đã chọn VNG là đối tác độc quyền tại thị trường Việt Nam.


Inmobi là tập đoàn quảng cáo di động độc lập có mặt tại 165 quốc gia với hơn 691 triệu người dùng. Đại diện của VNG cho biết việc được Inmobi chọn làm đối tác độc quyền là một cơ hội để đẩy mạnh các công cụ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận người dùng Việt Nam đang có xu hướng mua sắm thông qua các thiết bị di động thông minh. Theo Inmobi, tại thị trường Việt Nam, lượng hiển thị banner quảng cáo khi khách hàng truy cập internet đạt hơn 4 tỉ lượt/tháng. Theo các công ty nghiên cứu thị trường, hiện Việt Nam có hơn 17 triệu smartphone đang hoạt động.


Gia Vinh






Tôm nguyên liệu tăng giá

Tôm nguyên liệu tăng giá

Tôm nguyên liệu tăng giá











SGTT.VN - Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôm nguyên liệu các loại liên tục tăng giá trong suốt hơn hai tháng qua, trong đó có sự rượt đuổi giá giữa tôm thẻ và tôm sú cùng kích cỡ đã khiến thị trường tôm nguyên liệu luôn sôi động.


Giá tôm sú kích cỡ 20 – 30 con/kg hiện đang dao động trong khoảng 270.000 – 300.000 đồng/kg, tăng 20.000 – 40.000 đồng/kg so hồi trung tuần tháng 9; giá tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg có giá 170.000 – 185.000 đồng/kg tương đương với giá tôm sú cùng kích cỡ thay vì phải thấp hơn 10.000 – 15.000 đồng/kg; loại 70 – 80 con/kg: 190.000 – 200.000 đồng/kg, tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg so tuần trước và tăng 40.000 – 50.000 đồng/kg so thời điểm giữa tháng 9. Nhờ tôm trúng giá, nên nhiều người nuôi có thể trả được nợ nần sau nhiều đợt thả giống nuôi gần đây liên tục bị lỗ lã, vì nạn tôm chết thành dịch kéo dài từ vụ này sang vụ khác.


N. Tùng






Ra mắt diễn đàn hacker mũ trắng

Ra mắt diễn đàn hacker mũ trắng

Ra mắt diễn đàn hacker mũ trắng


SGTT.VN - Ngày 29.10, trong khuôn khổ hội thảo hacker mũ trắng – WhiteHat 2013 tại Hà Nội, công ty An ninh mạng Bkav đã chính thức ra mắt diễn đàn WhiteHat.vn.










Buổi ra mắt diễn đàn. Ảnh: news.go.com



Diễn đàn hacker mũ trắng này hứa hẹn sẽ là môi trường bổ ích để cộng đồng nghiên cứu an ninh mạng có thể trao đổi kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cũng như các vấn đề pháp luật liên quan. Diễn đàn WhiteHat.vn cung cấp các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực an ninh mạng như: Reverse engineering, Malware, an toàn website…


Tại đây, những vấn đề chuyên môn như: SQL Injection, Buffer overflow… sẽ thường xuyên được đưa ra thảo luận. Các buổi đào tạo qua mạng cũng được tổ chức định kỳ nhằm nâng cao kiến thức cho thành viên.Ngoài ra, WhiteHat.vn còn hỗ trợ cá nhân, quản trị mạng của doanh nghiệp, cập nhật thông tin, tổ chức xử lý những vấn đề về an ninh, an toàn thông tin gặp phải trong thực tế. Tại Việt Nam, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có 2.405 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị xâm nhập.


Thiên Lam






“Tôi đang đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống”

“Tôi đang đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống”










Nhà thơ Hồng Thanh Quang


“Tôi đang đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống”


SGTT,VN - Có người nói vui, hai tập thơ mới của Hồng Thanh Quang – Nỗi buồn tốc ký 1 với 354 bài và Nỗi buồn tốc ký 2 với 433 bài đáng được đưa vào Guinness vì độ dày kỷ lục. Nhưng đấy mới chỉ là một phần trong gia tài thơ đồ sộ mang tên “Hang ổ của Nhâm Dần” (nick Facebook của Hồng Thanh Quang) mà cứ cách ngày, thậm chí cách giờ lại “phình” thêm vài tác phẩm.











Quen đọc thơ anh trên mạng, ai nấy đều bất ngờ khi Hồng Thanh Quang nổi hứng in thơ, không những thế còn tổ chức đêm trình diễn thơ nhạc vào tối 7.11 tại nhà hát lớn (Hà Nội), và sau đó ở TP.HCM – một cung cách có phần rình rang so với nếp của anh.


Nhìn tốc độ đăng thơ lên Facebook của anh mà không khỏi thắc mắc: từ đâu có cơn “cuồng thơ” này?


Thú thực, tôi cũng không hiểu nổi thơ tự đâu đến. Có lẽ, nó đến ào ạt thế là bởi tôi đang ở giai đoạn đầy ắp cảm xúc lẫn trải nghiệm sống. Còn thực ra nếu được chọn, tôi lại không muốn mình không dính vào thơ, như thế cuộc đời sẽ nhẹ nhàng và kinh tế cũng sẽ khấm khá hơn.


Anh có ẩn ý gì qua tựa đề tập thơ: Nỗi buồn tốc ký?


Nó được rút ra từ một câu thơ của tôi: “Anh yêu em như nỗi buồn tốc ký”. Chính xác là, tôi “tốc ký” những nỗi buồn của mình bằng thơ. Thế nên, thơ vừa là nơi tôi trút lòng, giải toả và được an ủi, nhưng cũng là nơi bộc lộ gót chân Asin của Hồng Thanh Quang: những yếu đuối, những thất bại trên đường đời, và cả những trăng hoa (trong tâm tưởng thôi). Tập thơ Nỗi buồn tốc ký, tôi không rõ có giá trị nào không, nhưng ít nhất, nó cũng có giá trị ở sự trải lòng.


Thơ anh từ thơ in đến thơ online, trước giờ vẫn thế: muôn thuở thơ tình, quanh quẩn giữa ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát. Nhưng cũng có vài bài bất chợt không vần điệu, một vài sáng tác na ná thơ haiku – hay anh cũng từng trải qua những phút bỗng dưng… chán mình?


Với thơ, tôi không có một chủ đích nào cả, từ đề tài cho đến thể thức. Tôi viết theo bản năng, và luôn tâm niệm: việc của nhà thơ là làm thơ. Còn một khi đã được ấn hành, thì những bài thơ ấy sống cuộc đời của nó, hay hay dở tôi không phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, tôi làm thơ là cho những người đồng điệu với mình. Nên nếu có ai chê thơ tôi cũ kỹ, ngày trước thì có thể tôi còn tự ái, chứ giờ thấy rất bình thản. Chỉ cần ai đó, trong một phút cô đơn, một giây yếu đuối, nhớ đến một câu thơ của tôi, và tìm thấy sự an ủi là được rồi. Thực ra, nếu mà xét nét thì thơ tôi đầy khiếm khuyết. Nhưng tôi yêu tất cả những đứa con tinh thần phần lớn sinh ra trong trạng thái vô thức của mình, yêu cả những khiếm khuyết. Vì thế, tôi không bao giờ sửa lại từ này, từ kia, dù nhờ đó thơ có hay hơn, vì nếu sửa sẽ làm mất đi một điều gì khó xác định, được tạo thành từ những cảm xúc chân thành nhất. Mà theo tôi, nghệ thuật hay ở chỗ luôn tồn tại khiếm khuyết, chứ nếu hoàn mỹ thì lại chẳng còn hấp dẫn nữa.









Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Quang viết thơ là để cảm xúc lôi đi, kéo đi, và chính điểm ấy đã lôi cuốn độc giả. Buổi trình diễn thơ tối 7.11, theo tôi, cũng là một cuộc chơi thơ đầy đam mê, vụng dại, cực đoan và hứng khởi”.


Nhạc sĩ Phú Quang: “Trong đêm diễn có một tác phẩm đặc biệt, tôi đã “trộn” khoảng mười bài thơ của Hồng Thanh Quang để có được bài hát Sẽ một mình thôi. Ca khúc này do chính tôi thể hiện, chỉ một mình trên sân khấu, với cây piano”.



Có thể sau này, biết đâu, tôi lại mê mẩn với thơ không vần điệu. Tôi không sợ phải giã từ những gì quen thuộc, miễn là cuộc chia tay đến một cách tự nhiên, và tất yếu do cảm xúc. Tôi luôn trân trọng những gì mình đang có, nhưng cũng không bao giờ sợ mất cái đã có.

Trong sự nghiệp của anh, có lẽ chưa tập thơ nào đồ sộ và được ra mắt trang trọng như Nỗi buồn tốc ký. Anh phá lệ do ngẫu hứng, hay vì muốn nói: thơ xứng đáng được trân trọng và tôn vinh như thế?


Thực ra, tất cả đều do bạn bè “xui”. Trong làng văn có hai dạng nhà thơ: yêu thơ vì yêu vị trí của mình trong thơ, và yêu thơ chỉ vì yêu thơ. Tôi thuộc dạng thứ hai. Đêm ấy sẽ chỉ có thơ và nhạc, không bán vé, không bán thơ, thơ bán chỗ khác. Chương trình cũng không có tài trợ. Tập thơ và đêm trình diễn thơ nhạc, tất cả là nhờ bạn bè thân thiết, cộng với 30 năm Hồng Thanh Quang làm thơ và giấu vợ gây dựng “quỹ đen”.


Hương Lan (thực hiện)






Một mùa hè lạnh lẽo ở San Francisco

Một mùa hè lạnh lẽo ở San Francisco

Nhật ký trên những đôi giày


Một mùa hè lạnh lẽo ở San Francisco


SGTT.VN - Nằm giữa 50 ngọn đồi bên bờ Thái Bình Dương ấm áp, San Francisco – thủ phủ về chính trị của tiểu bang California – hấp dẫn du khách bởi các yếu tố đặc thù mà ở các thành phố cảng của các quốc gia khác không thể tìm thấy.










Trong mùa hè thỉnh thoảng xuất hiện những trận sương mù kèm theo gió lạnh, hiện tượng này lặp đi lặp lại cứ khoảng mười phút một lần. Cầu Cổng Vàng ngập chìm trong mây mù lúc hoàng hôn.



Từ khu Phước Lộc Thọ của người Việt ở quận Cam, tôi mua vé du lịch đi San Francisco vào ngày cuối tuần. Xe buýt đi theo đường cao tốc số 5 dọc theo đường biển với những khúc quanh co tuyệt đẹp. Những cung đường đèo núi hiểm hóc nhưng phủ một màu xanh mát mắt. Tôi chợt hối tiếc cho người Mexico đã không thấy tiềm năng của vùng đất này, đã bỏ hoang để nó trở thành ổ dịch bệnh. Người Mỹ chiếm lấy, trả cho người Mexico 1 USD danh dự, và biến nó trở thành một vùng trù phú xanh tươi.


Không gian đặc thù và phố người Hoa


San Francisco với những ngôi nhà chọc trời nằm trên những ngọn đồi cao. Tuy nhiên, ở đây những con đường phố từ đồi này qua đồi khác dốc thẳng đứng chứ không đi theo đường trôn ốc như các thành phố khác. Cứ hết một đoạn dốc có chỗ bằng phẳng để xe tạm nghỉ trước khi leo tiếp các đoạn dốc khác. Nhà phố càng lên cao càng có giá trị và hầu hết, chủ các ngôi nhà trên đỉnh đồi là những người giàu có.


Đường hoa Lombard cũng là “đặc sản” nổi tiếng tại San Francisco. Ở đầu con dốc, đường Lombard có vườn hoa tuyệt sắc được thiết kế theo mùa trong năm. Trong vườn hoa là hai con đường một chiều (lên, xuống) quanh co uốn khúc đổ dốc như đường đua xe thể thức F1. Nó dành riêng cho những ông chủ giàu có trên đỉnh đồi lái xe xuống phố. Từ vườn hoa Lombard, nhìn thẳng xuống khu trung tâm phố, những khúc đường trông như những dãy núi nhỏ với các đỉnh núi nằm gối đầu lên nhau trùng trùng điệp điệp.


Cầu Cổng Vàng – Golden Gate – biểu tượng của thành phố San Francisco, đồng thời cũng là biểu tượng của bờ Tây nước Mỹ với chiều cao tính từ mặt nước là 227m, chiều dài cầu là 1.280m. Thân cầu được sơn màu đỏ cam nổi bật giữa nước biển xanh và những núi cỏ màu vàng khô nằm ở phía đầu cầu thuộc quận Malin. Vừa rực rỡ màu sắc dưới nắng ban ngày, huy hoàng lộng lẫy dưới ánh đèn đêm, màu đỏ cam còn giúp tàu bè dễ nhìn thấy từ xa. Tôi đã đi hết chiều dài cây cầu (2,7km) để cảm nhận sâu hơn về cây cầu có mật độ lưu thông cao nhất trên thế giới. Cuối đầu cầu là trạm nghỉ chân nằm trên một ngọn đồi cao. Gió và sóng biển tạo thành một thứ âm thành rì rào dễ chịu. Một bất ngờ thú vị, tôi khám phá ra cái tên Golden Gate lại do người Hoa đặt.


Người Hoa đổ xô đến San Francisco từ năm 1848 trong công cuộc tìm vàng. Khí hậu ôn hoà tại vùng đất này đã khiến người Hoa đến đây định cư ngày càng nhiều hơn và San Francisco có khu phố người Hoa lớn nhất trên thế giới. Vẫn hài hoà trong kiến trúc của thành phố, nhưng khu phố người Hoa dễ dàng nhận biết bởi những lồng đèn đỏ treo cao và tên bảng hiệu tiếng Hoa. Ngán ngẫm thức ăn nhanh của người Mỹ, đến đây tôi mừng hơn vì gặp thức ăn tương tự thức ăn Việt Nam, nhưng ngon nhất có lẽ là những món dimsum với các loại bánh bao, há cảo, lưỡi vịt phá lấu…










Leng keng những tiếng tàu sớm khuya bởi những chiếc xe lửa ngắn công cộng được sản xuất từ những năm 1873 (chạy bằng hơi nước).



Leng keng tiếng tàu xưa và… lạnh lẻo


Hầu hết ở các thành phố khác của Mỹ, chen chúc xe ôtô cá nhân đời mới, nhưng San Francisco vẫn giữ lại những chiếc xe lửa ngắn công cộng được sản xuất từ những năm 1873 (chạy bằng hơi nước) để phục vụ việc đi lại trong thành phố. Thật dễ thương khi giữa một thành phố năng động hiện đại, vẫn còn đó một chút màu sắc cổ xưa. Du khách đến đây đều mong muốn, ít nhất cũng một lần được bước lên những chiếc xe dài cổ kính trông có vẻ ì ạch, để tham quan một vòng thành phố. Vừa ngồi ăn kem trên xe, vừa ngắm nhìn những ngôi nhà theo kiến trúc Victoria của người Anh còn sót lại trong lòng phố, vừa lắng tai nghe những tiếng leng keng khi tàu đến những khúc quanh co là một ký ức khó quên.


Tại Bến Tàu Ngư Phủ – một địa danh nổi tiếng dành cho tàu đánh cá cập bến – được coi là chợ đầu mối hải sản của thành phố San Francisco, nhiều quán nướng theo dạng BBQ dựng lên san sát nhau. Hầu hết, du khách đến đây mua hải sản theo dạng Food to go (thức ăn mang đi). Sau đó, họ ngồi giữa quảng trường bến tàu để tận hưởng cái nắng ấm áp của mùa hè, thưởng thức món hải sản yêu thích, đùa giỡn với những chú hải âu thân thiện và ngắm dòng người qua lại. Những chú cua biển to đùng, hay những chú tôm hùm của vùng biển Alaska tươi roi rói ở các quầy hàng, luôn làm hài lòng du khách về chất lượng và giá cả (giá tôm hùm chỉ khoảng 500.000 đồng/ký).


Mặc dù là mùa hè, nhưng hầu hết du khách đều khoác chiếc áo len, bởi thời tiết tại San Francisco rất kỳ lạ chẳng giống bất kỳ các thành phố khác: “Một mùa hè lạnh lẽo chỉ có ở San Francisco”. Nằm bên bờ Thái Bình Dương ấm áp, nên khí hậu tại San Francisco ấm áp vào mùa đông và khô vào mùa hè. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những dòng hải lưu của vùng biển Thái Bình Dương, nên ngay trong mùa hè thỉnh thoảng xuất hiện những trận sương mù kèm theo gió lạnh. Hiện tượng đó được lặp đi lặp lại cứ khoảng mười phút một lần. Một cảnh sắc thực thực hư hư khi hoàng hôn xuống. Chiều hôm ấy, tôi đứng bên quận Malin ngắm nhìn, thành phố San Francisco xinh đẹp đang trải mình ra đến bờ biển xanh trong nắng vàng, nhưng phút chốc cả thành phố cùng với cây cầu Cổng Vàng biến mất trong đám sương mù lãng đãng.


bài và ảnh Chính Ly






Còn đó lương y

Còn đó lương y

Trời kêu không dạ


Còn đó lương y


SGTT.VN - Trung tuần tháng 10, tại lầu 1 khoa cột sống A, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chúng tôi chứng kiến cuộc hội ngộ giữa một bệnh nhân cũ và vị bác sĩ điều trị cho ông 18 năm trước. Cuộc hội ngộ ấy càng đáng suy ngẫm trong thời điểm ngành y liên tiếp xảy ra những vụ động trời.










Ông Sang (trái) tay bắt mặt mừng với BS Võ Văn Thành.



Tên Sang mà số khổ


Cả đời ông Trần Sang lao lực nuôi bảy người con và thời điểm ông đổ bệnh, đàn con đang tuổi ăn học. Trong khi người vợ oằn lưng với gánh bún bò ở lề đường Hùng Vương TP Đà Lạt thì ông ngày phụ hồ, tối vác rựa khai hoang đất đai. Cứ thế cho đến lúc có mảnh vườn, nuôi đàn bò sữa quy mô nhất nhì Đà Lạt bấy giờ, con ông hết đói, được cắp sách tới trường. Nhưng khi đàn con đứa ra trường, đứa vào đại học thì bệnh tình bắt đầu tìm đến người cha. Ông cắn răng chịu đựng những cơn đau nhẹ. Năm 1990, những cơn đau ở thắt lưng trở nặng, theo cách chữa dân gian, ông đốt ngải cứu dịt vết thương trước khi ngủ. Tới lúc cả một vạt lưng thâm đen ngải cứu, ông bàng hoàng nhận ra mình chịu thua những cơn đau. Rồi ông chỉ có thể bò, dần dần bại liệt, bí tiểu. Nửa năm trời bất động, thuốc thang khắp nơi nhưng đôi chân ông ngày càng teo tóp. Cơ may đến với ông và gia đình khi một người hàng xóm tới thăm, mách cho địa chỉ khoa cột sống bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Bán vài con bò sữa, gia đình quày quả đưa ông xuống thành phố. Được mổ không lâu sau khi nhập viện, giúp ông Sang cảm thấy trút được gánh nặng đau đớn. Thế nhưng, vết mổ tai biến, những cơn đau trở lại hành hạ, mật độ còn dày hơn trước… Ông Trần Sang lúc đó 61 tuổi.


“Tôi sẽ giúp bác hết đau”


Ông Sang nhớ lại: “Lúc đó tôi đau lắm, đến nỗi không ăn được. May mà BS Võ Văn Thành vừa mới tập huấn từ nước ngoài về, đi ngang thấy nên hỏi thăm, kêu khám lại và động viên ráng ăn uống cho lại sức, còn nói “Tôi sẽ giúp bác hết đau”. Lúc đó nghe mổ lại tôi hoảng, nhưng thấy bác Thành ân cần nên bớt lo”. Ông Sang được gắn sáu con ốc, bắt ba cái nẹp ở phần xương sống thắt lưng. Ông biết vậy bởi có cô y tá nào đó bảo: “Đồ đó BS Thành mang từ nước ngoài về, rất mắc”. Trong hơn bảy tháng ở phòng 206 (sau này chuyển qua 207), mối lương duyên giữa thầy thuốc và bệnh nhân dần thành tình bạn.


Anh Trần Sâm và Trần Hải, hai người con xuống chăm cha thời gian đó nhận định, với BS Thành không có chuyện bao thơ, quà cáp mà luôn ân cần, thân mật với người bệnh. Anh Hải kể: “Cứ không bận mổ, bác Thành lại tới lui, thăm hỏi bệnh tình ba tôi và những người bệnh trong phòng, rồi qua phòng bên”. Về phần mình, hai anh em họ không nề hà làm bất cứ việc gì có thể như dọn dẹp phòng, thay trải giường, lau nhà, đi xin cơm từ thiện và cả tắm rửa cho những người neo đơn. BS Thành cho biết, ông vui “cho cái quy củ và hiếu thuận đó”. Khi đã bình phục, ông Sang đúng ra sẽ được phẫu thuật trả lại ốc và nẹp cho bệnh viện. Thế nhưng, theo anh Hải: “Bác Thành đứng ra bảo lãnh vì ba tôi lớn tuổi, nếu tháo ra thì không hay, thiết bị đáng quý nhưng sức khoẻ bệnh nhân quan trọng hơn. Kể lại mà ba tôi rớt nước mắt”…









“Làm nghề cứu người thì đừng nghĩ đến tiền. Tình nghĩa quan trọng lắm. Nếu từ tâm thì nghề nghiệp sẽ biến mối quan hệ một bệnh nhân với thầy thuốc thành quan hệ thân tình. Đó là điều thú vị mà tôi có cơ may gặp”.


– PGS.TS.BS Võ Văn Thành



Sau ba tháng được BS Thành phẫu thuật, ông Sang bắt đầu vận động được hai chân, thoát khỏi cảnh bí tiểu. Về đến nhà, chỉ một thời gian ngắn sau ông Sang có thể đi lại bình thường, thậm chí còn có thể xới đất, trồng hoa hay tản bộ bờ hồ mỗi ngày cùng vợ. Ngoài điện thoại thăm hỏi, suốt 17 năm qua cứ đến dịp tết ông Sang lại mang rau củ nhà trồng, đón xe đò xuống thăm BS Thành. Còn BS Thành mỗi lần lên Đà Lạt cũng tới lui, thăm viếng gia đình ông Sang.

Không thuốc nào hay bằng tâm bác sĩ


Đợt này xuống thành phố, ông Sang báo trước là tới với “tư cách bệnh nhân” vì thấy đau ở cổ. Trong lúc cha con ông Sang được hướng dẫn đi chụp CT, MRI thì BS Thành kể: “Đây là một bệnh nhân đặc biệt. Ông Sang bị thoái hoá cột sống vùng thắt lưng do tuổi già. Bệnh có thể gây biến dạng (vẹo) cột sống, tác động lên dây thần kinh gây đau đớn. Không can thiệp kịp thời, nhẹ thì đau nhiều, sinh hoạt đi lại khó khăn. Tuỳ tác động mà có thể bị liệt một chân, hai chân, bí tiểu. Mấy đồng nghiệp can thiệp phẫu thuật liền nhưng mổ xong vẫn đau. Tôi hội chẩn, phẫu thuật lại”. Cần nhớ thời điểm đó chưa có các phương tiện chẩn đoán tiên tiến như bây giờ.


Anh Sâm kể: “Có lần cha ốm, đưa xuống một bệnh viện TP.HCM điều trị thì ông trốn về vì không có bác Thành. Cả đêm ông kêu la đau đớn, nhưng gặp bác Thành xong thì tươi tỉnh, chả kêu ca gì nữa!” Anh Hải tiếp lời: “Thật lạ là bác Thành nhớ vanh vách những bệnh nhân từng được ông điều trị, sau này có dịp ông đều tìm đến tận nhà, ân cần thăm nom, hỏi han bệnh nhân cũ. Có lẽ sự quan tâm đó là liều thuốc giúp những người bệnh như ba tôi có niềm tin: gặp được bác Thành là khoẻ!”


bài và ảnh Trung Dũng






Toyota mất điểm vì tính an toàn

Toyota mất điểm vì tính an toàn

Toyota mất điểm vì tính an toàn


SGTT.VN - Tạp chí Consumer Reports số ra mới nhất đầu tuần này đã loại ba nhãn xe của hãng Toyota là Camry, RAV4 và Prius V khỏi danh sách khuyên khách hàng dùng vì những chiếc xe này ghi điểm thấp trong các cuộc thử nghiệm an toàn xe.










Toyota Prius V. Ảnh: TLCK



Camry là chiếc xe bán chạy nhất trong dòng xe gia đình, trong khi RAV4 là dòng xe thể thao được ưa chuộng tại Mỹ. Cả ba dòng xe kể trên của Toyota đều nằm hàng đầu trong danh sách những xe được Consumer Reports lựa chọn từ trước đến nay. Dòng xe A4 của Audi cũng bị loại khỏi danh sách vì lý do tương tự.


Consumer Reports là tạp chí dành cho người tiêu dùng ra hàng tháng ở Mỹ, bắt đầu xuất bản năm 1936, được độc giả tin tưởng vì uy tín của họ trong việc kiểm định chất lượng và giá cả của nhiều mặt hàng. “Việc mất đi sự xác nhận của Consumer Reports sẽ ảnh hưởng đến lượng xe bán ra thị trường, những người mua xe của Toyota từ trước đến nay rất tin vào các chỉ dẫn của Consumer Reports”, Jack Nerad, một nhà phân tích thị trường xe hơi, nhận xét.


Consumer Reports loại ba nhãn xe của Toyota khỏi danh sách của họ là dựa vào các cuộc thử xe theo kiểu “small overlap crash test”, tức là cho xe chạy với tốc độ 64km/h đâm vào một rào chắn cứng cao 1,5m, với giả định là một vụ tai nạn trong đó chiếc xe đâm vào đuôi chiếc xe khác hoặc một vật cứng.


“Small overlap crash test” chỉ là một trong nhiều kiểu thử độ an toàn của xe được thực hiện bởi Insurance Institute for Highway Safety (viện Bảo hiểm an toàn đường bộ), một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra năm 1959 bởi các hãng bảo hiểm xe hơi. “Bốn chiếc xe chúng tôi loại khỏi danh sách đều đã được thử đi thử lại nhưng không ghi điểm cao, chúng tôi không còn cách nào khác”, Matt Fields, người phát ngôn của Consumer Reports, cho biết.


Còn nhiều tranh cãi về các cuộc thử nghiệm như thế này, bởi các xe được đem ra thử đều đạt được tiêu chuẩn của cơ quan National Highway Traffic Safety Administration (cục An toàn giao thông đường bộ) thuộc bộ Giao thông Mỹ, nghĩa là an toàn cho tính mạng người điều khiển xe hơi và được phép lưu hành. Tuy nhiên, nó không vượt qua các cuộc thử xe với tiêu chuẩn cao hơn của Insurance Institute for Highway Safety được lập bởi các hãng bảo hiểm xe. Hiển nhiên, tiêu chuẩn của các hãng bảo hiểm cao hơn vì họ còn lo cho lợi ích kinh tế của họ.


Đ.H






Trẻ con Mỹ chơi máy tính bảng ngày càng nhiều

Trẻ con Mỹ chơi máy tính bảng ngày càng nhiều

Trẻ con Mỹ chơi máy tính bảng ngày càng nhiều










Ảnh: TLCK



SGTT.VN - Theo một điều tra do Common Sense Media công bố hôm 28.10, 38% trẻ em dưới hai tuổi đã dùng tablet (máy tính bảng) hoặc smartphone, so với 10% năm 2011, trong khi trẻ em dưới tám tuổi đạt tỷ lệ dùng là 72% so với 38% năm 2011. Thời gian dùng đã tăng gấp ba lần từ 5 – 15 phút mỗi ngày.


Trẻ em dưới tám tuổi ngồi trước màn hình truyền thống như truyền hình – chiếm một nửa thời gian trải qua trước các loại màn hình, DVD, máy tính và trò chơi video ngày càng nhiều thời giờ hơn. Song song với sự gia tăng sử dụng di động, khoảng thời gian trước một màn hình – di động và cố định giảm 21 phút so với năm 2011.


Nhà sáng lập Common Sense Media, James Steyer nhận xét: “Trước đây, chúng ta có thể đo và kiểm soát chính xác ở đâu, khi nào và như thế nào việc trẻ con dùng các màn hình. Giờ đây, các thiết bị di động theo chúng từ phòng này đến phòng khác. […] Các phương tiện trẻ em tiêu dùng có thể có một hiệu ứng sâu đậm đối với sự học hỏi, sự phát triển xã hội và ứng xử của chúng, và phương tiện duy nhất là tối đa hoá hậu quả tích cực, tối thiểu hoá hiệu ứng tiêu cực – là có một sự am hiểu chính xác về vai trò của việc tiêu dùng ấy trong đời sống các em. Những trẻ em này thật sự sinh ra trong thời số”.


K.T






Li-fi tăng tốc internet lên 250 lần

Li-fi tăng tốc internet lên 250 lần

Li-fi tăng tốc internet lên 250 lần


SGTT.VN - Thế hệ sắp tới của internet wi-fi có thể dùng những bóng đèn LED chuyển đổi để chuyển dữ liệu nhanh hơn và rẻ hơn tín hiệu wi-fi truyền thống.










Ứng dụng đường truyền bằng ánh sáng thấy được.



Li-fi, một dạng thức wi-fi, chuyển dữ liệu bằng cách dùng phổ của ánh sáng thấy được, là một thành tựu đột phá. Báo Independence dẫn báo cáo của các nhà khoa học Anh cho biết, tốc độ truyền là 10Gbit/giây – nhanh hơn 250 lần so với đường truyền băng thông “siêu nhanh”.


Tốc độ nhanh nhất trước đây là 3Gbit/giây, do viện Frauhofer Heinrich Hertz ở Đức thực hiện đầu năm nay. Những nhà nghiên cứu Trung Quốc tháng này cũng công bố đã sản xuất được kết nối với tốc độ 150Mbit/giây, nhưng một số chuyên gia e dè vì chưa nhìn thấy bằng chứng nhiều hơn.


Thuật ngữ li-fi được GS Harald Haas, đại học Edinburgh, đặt ra trong một cuộc nói chuyện về TED (công nghệ, giải trí, thiết kế) năm 2011 mặc dầu công nghệ được biết đến là liên lạc bằng ánh sáng thấy được (VLC). Nhiều chuyên gia cho rằng li-fi đại diện cho tương lai internet di động nhờ, giảm chi phí và hiệu năng cao hơn so với wi-fi truyền thống.


Cả wi-fi và li-fi truyền dữ liệu qua phổ điện từ, nhưng trong khi wi-fi dùng sóng radio, li-fi dùng ánh sáng thấy được. Đó là một lợi thế rõ ràng – ánh sáng thấy được mạnh hơn xa so với phổ radio (hơn 10.000 lần trong thực tế) và có thể đạt được mật độ dữ liệu lớn hơn nhiều.


Tín hiệu li-fi hoạt động bằng cách đóng mở bóng đèn nhanh đến không ngờ – quá nhanh để mắt thường có thể nhận ra. Sự đột phá mới nhất thực hiện dựa trên việc dùng những bóng đèn micro-LED rất nhỏ để tải đồng thời nhiều dòng dữ liệu. Nghiên cứu được tiến hành bởi dự án Ultra Parallel Visible Light Communications, một liên kết giữa các đại học Oxford, Cambridge, St Andrews và Strathclyde, được tài trợ bởi hội đồng Nghiên cứu khoa học vật lý và kỹ thuật.


Những bóng đèn LED hiện hữu có thể chuyển đổi để tải tín hiệu li-fi với một con vi chip, và công nghệ cũng có thể ứng dụng trong các tình huống mà các tần số radio không thể dùng vì sợ gây nhiễu với bộ mạch điện tử.


Và mặc dầu các bóng li-fi phải mở lên để truyền dữ liệu, những bóng ấy sẽ được làm mờ đến độ mắt thường không nhìn thấy nhưng vẫn hoạt động. Một bất tiện là đầu nhận dữ liệu phải nhận thấy bóng đèn truyền nhưng ánh sáng thấy được không xuyên qua vật liệu cứng. Bù lại, li-fi sẽ an ninh hơn wi-fi, vì wi-fi ở ngoài tầm nhận thấy của máy truyền.


Thảo Nguyên






Lên Sài Gòn kiếm sống nơi đáy kênh

Lên Sài Gòn kiếm sống nơi đáy kênh

Phóng sự


Lên Sài Gòn kiếm sống nơi đáy kênh


“Mỗi lần đổ bệnh về thăm quê, vợ tui nó cản, đâu cho đi. Thấy tổn sức quá, nhưng mà hổng đi thì hổng có tiền xài, dưới quê thì lúc rày không có việc làm, bà xã phải ở nhà lo cho mấy đứa đi học” – kéo hai chiếc thau nhựa đầy mấp sình lẫn những nùi trùn đỏ lúc nhúc vào chân cầu ông Cậy, Thủ Thiêm, anh Trần Văn Lâm da sạm đen nắng gió, dáng người gầy gò, run lập cập rít một hơi thuốc, kể với giọng miền Tây thiệt thà ngắt quãng vì lạnh.










Anh Trần Văn Lâm.



Hai năm nay, cứ vào đợt nông nhàn, anh Lâm (nhà ở ấp 3, xã Hoà Mỹ, Phụng Hiệp, Hậu Giang) lên TP.HCM gia nhập đoàn ghe đãi trùn chỉ kiếm thêm thu nhập.


Trôi nổi phố phường


Trước đây, vợ chồng anh dắt díu nhau lên Bình Dương làm mướn kiếm sống. Thấy việc làm mướn không ổn định, rày đây mai đó, gián đoạn chuyện học của tụi nhỏ, nên họ về quê cung cúc làm ruộng. Nhưng nhà con đông, mỗi người được chia chừng 5 – 6 công đất, chẳng thấm tháp vào đâu.


Mấy năm nay, thời tiết thất thường, làm lúa ở quê ngày càng chật vật. Nếu mùa màng có thuận lợi lắm cũng chỉ dư được không tới 7 triệu đồng/vụ (ba tháng rưỡi), không đủ lo cho tụi nhỏ (hai đứa lớp 5, một đứa sắp vào mẫu giáo) ăn học.


“Cứ ngồi chôn chân ở quê chờ vô mảnh ruộng mùa được mùa mất thì chắc chết đói”, anh Lâm kể tiếp, “Hai năm trước, một lần lên Sài Gòn kiếm việc làm, ở trọ chung nhà với vợ chồng thằng Sang (em trai) sát mép rạch, gần cầu Bình Điền, quận 8, thấy người ta rủ đi đãi trùn chỉ về bán cho mấy hầm cá kiểng, cũng đi theo thử sức. Mấy bữa đầu không quen dầm nước, đau sụt sùi, có hôm chấp nhận về tay không, lỗ tiền xăng nhưng rồi từ từ cũng quen cái nghề”.


Đãi trùn chỉ đáy sông là nghề kiếm sống lâu nay của nhiều xóm lao động nghèo Sài Gòn. Nước nổi bèo nổi. Người nuôi cá kiểng càng đông, nhu cầu càng cao thì cái công đầm mình trong nước, ngụp lặn sình lầy khổ cực của người đãi trùn càng được chia sẻ. Như trường hợp của anh Lâm, ngày trước mới vào nghề, khi giá trùn chỉ 6.000 đồng/lon đặc, mỗi nửa tháng về thăm nhà một lần, anh đưa cho mẹ sắp nhỏ chừng một triệu rưỡi để lo liệu chi tiêu. “Bây giờ, giá trùn tăng lên 10.000 đồng/lon đặc, nếu chịu khó hì hục đãi cật lực, không bệnh tật gì, thì mỗi tháng vợ con tui ở quê có thêm chừng ba, bốn triệu để lo học phí, quần áo, chợ búa. Tính ra cực, nhưng cũng đỡ, chứ giờ ruộng đồng khó lắm anh ơi”, anh Lâm nói.


Xóm trọ anh Lâm và Sang, em trai anh đang sống có chừng chục chiếc ghe, mỗi ngày, khi con nước ròng, thì toả đi khắp kênh rạch Sài Gòn để đánh trùn chỉ. Chiếc ghe mà anh Lâm đi hôm nay có bốn người, gồm Hoàng, Hoà, Sóc, đều là những người ở quê lên, dìu dắt nhau vào nghề, nên gắn bó, nên sẵn sàng phụ giúp nhau hết mình.


Mới làm nghề này hai năm, mà anh Lâm có thể kể cho tôi nghe vanh vách những điểm nào có nhiều trùn, luồng lạch nào nước sạch, nước thối, đáy sông nhiều bùn, nhiều rác như người thuộc rõ bản đồ lòng sông trong lòng bàn tay.


Cái lạnh đáy sông


12 giờ trưa. Nước ròng. Cơm nước xong, mỗi người ôm hai chiếc thau nhựa to và một chiếc vợt đãi lên đường. Điểm “đánh” trùn chỉ hôm nay là từ ngã ba kênh Bến Nghé qua mạn Thủ Thiêm, ngược lên cho đến cầu Sài Gòn. Dân đãi trùn mách nhau rằng, đâu có dòng nước sạch, thì trùn chỉ tập trung, sinh sôi nhiều. Người đãi trùn phải xoay vần lịch làm việc của mình theo con nước ròng. “Đầm mình dưới nước, mau đói lắm. Có hôm đói nôn nao xây xẩm mà có mang theo gì ăn được đâu. Hai cái thau buộc bên hông, cái vợt cột trước bụng, đèn pin đeo trên đầu, cứ vậy mà quây, đãi”, anh Lâm kể, “Nhiều khi dầm nước tay chân tê cóng, dẫm phải đinh, miểng chai, vướng thép, còn không có cảm giác gì. Về nhà mới hay rách toác bàn chân”.


Ngoài đồ nghề lúc nào cũng cột vào người, thì có một thứ là vật bất ly thân của người đãi trùn chỉ, đó là thuốc lá. Thuốc lá được bọc trong một túi nilông mấy lớp, buộc kín không để nước ngấm vào. Loại thuốc được dân đãi trùn chọn thường là loại nặng nhất, rẻ nhất. Như anh Lâm, thì mỗi ngày trời lạnh, đốt hết một gói Bastos. Nhiều người đi đãi trùn lâu năm hơn, đô cao hơn, thì phải dùng đến thuốc rê như một giải pháp chống lạnh, chống buồn khi nghỉ tay, ngó lên bờ thì nhà cửa đường sá lộng lẫy rộn ràng, mà vây quanh mình là sóng nước rợn rợn.


Nhìn ra mặt sông buổi chiều nước lên dập dềnh từng đám lục bình trôi man mác, người đàn ông gầy gò tâm sự với giọng chân chất: “Kiếm đồng tiền bây giờ khó thiệt. Đi trùn vậy chớ có hôm về chỉ được vài lon, có phải hôm nào cũng trúng đâu. Có bữa thì đãi được một ít, về dọc đường gặp thuyền lớn chạy ngang qua, vun sóng cao, hất đổ hết xuống sông. Hôm trúng, thì tiền xăng cộ đi ghe, mỗi chuyến tốn 100.000 đồng, cả nhóm chia nhau, rồi thì tiền phụ thằng em đóng tiền nhà trọ, tiền ăn uống tiêu xài... cũng dư chút đỉnh. Nói chung, cũng phải tiết kiệm hết mức, cố gắng ngày nào cũng làm chứ vợ con mình ở quê ngồi đếm từng ngày. Mấy bữa nay cảm mà cũng phải đi làm vì hẹn với mấy nhóc ở nhà cuối tuần nay tía về”.


Hôm nay coi như là một ngày “trúng” đối với anh Lâm. Hai thau trùn đầy, đang nổi bập bềnh mép nước kia, sau khi đem về xả nước, giao hàng cho mấy hầm cá kiểng quen ở quận 7, chắc sẽ kiếm được chừng 250.000 đồng.


“Được cái trùn có sẵn dưới sông rạch, chỉ cần bỏ công sức ra kiếm đồng tiền, không lệ thuộc ai. Trời thương thì kiếm được nhiều, không thì cũng đủ chi tiêu, có đồng ra đồng vô cho vợ con đỡ cực”, người đàn ông 44 tuổi vừa nhặt mấy cọng rong sót trong hai thau trùn, vừa nói với nụ cười hiền lành như đất.


Một góc trời sụp tối. Gió thổi lướt mặt sông từng đợt lạnh căm. Người đàn ông tha phương vẫn đứng ngâm chân run rẩy mép sóng, dõi mắt chờ chuyến ghe của những người trong nhóm trở lại đón về.


Bên kia sông, là quận 1. Dãy nhà hàng nổi, những toà building kiêu hãnh hiện đại, những con đường hào nhoáng và xa xỉ nhất Sài Gòn... bắt đầu rực rỡ đèn màu.


bài và ảnh Nguyễn Vinh






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ