Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Chả lụa không phải là xúc xích

Chả lụa không phải là xúc xích

Chả lụa không phải là xúc xích


SGTT.VN - Nhà văn Nguyễn Tuân nói rằng, chẳng có nơi nào trên thế giới làm giò lụa ngoài Việt Nam. Điều này đúng. Ai chẳng biết cái thứ thịt xay nhuyễn, bó lại đem nấu, đem hấp, xông khói hay để lên men, thì nơi đâu chả có, thậm chí có cả bề dày lịch sử ngàn năm như xúc xích Tây, lạp xưởng Tàu. Nhưng chả lụa Việt Nam muôn đời vẫn là… chả lụa. Chả lụa không bao giờ tương cận với xúc xích hay lạp xưởng…


Chả lụa là món ăn truyền thống của người Việt, xuất xứ từ miền Bắc. Cuộc di cư một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954, đã đem văn hóa hai miền xích lại gần nhau, kể cả thứ văn hóa ẩm thực mà chỉ có… dân nhậu mới “đủ thẩm quyền” đưa ra phán quyết sau cùng được, nào là canh chua cá lóc, rựa mận, thịt heo giả cầy,… Giò lụa (tiếng Bắc) hay Chả lụa (Nam) cũng ở dưới góc nhìn như thế.


Hương lụa một phần do lá chuối


Hương chả lụa không thể nhầm lẫn với hương bất cứ loại thịt xay, thịt bằm nào khác đem luộc, dù rằng chả lụa cũng chỉ là loại thịt heo xay nhuyễn rồi đem luộc. Cái hương ấy một phần là do lá chuối. Hương dồn xuống đầu dày chả lụa, nơi đó thơm nhất. Chưa hết, lá chuối mỗi nơi mỗi khác: lá chuối ở vùng Đồng Nai, Biên Hòa mỏng lá hơn vùng Mỹ Tho, Tiền Giang, nên các tay làm chả lụa ở hai đầu vùng trên vùng dưới Sài Gòn này cứ kèn cựa nhau về cái hương lụa tự nhiên.










Hương chả lụa không thể nhầm lẫn với hương bất cứ loại thịt xay, thịt bằm nào khác.
Ảnh: TNO



Xúc xích Tây có hàng trăm loại, mỗi vùng mỗi khác, mỗi nước mỗi khác, nhưng đều có điểm chung, đó là xúc xích thiên về vị hơn là hương. Ở thời buổi khoa học kĩ thuật này, biết bao là gia vị, tha hồ mà công nghiệp hóa cái gọi là… “xúc xích truyền thống”.


Chả lụa xem ra nhẹ về vị mà nặng về hương. Hương tinh tế hơn vị nhiều, và cho dù thị trường đầy rẫy hương nhân tạo, nào là hương nếp, hương cốm, hương chanh, hương sầu riêng, hương cà cuống,… nhưng hương chả lụa thì không. Chả lụa mà xài hương thì ra mùi… thịt hộp. Chẳng hiểu hương và vị có nói lên sự khác biệt văn hóa Đông Tây hay không, chứ cứ tưởng tượng mấy cụ già ngày xưa ngồi uống trà rung đùi thưởng thức hương của mấy giò lan hay thủy tiên xem ra “thoát tục” hơn nhiều.


Cái tính dai dòn của chả lụa mới là chuyện nhức đầu. Dai và dòn là hai đặc tính ngược chiều. Dai nhiều thì hết dòn, dòn nhiều thì hết dai. Xúc xích Tây cũng chuộng dai dòn, nhưng không “cuồng nhiệt” như chả lụa. Mấy ông Tây chế ra đủ loại phosphate để làm dòn dai xúc xích, nhưng cái cảm giác “cắn sựt” (good-bite) của xúc xích, dù là xúc xích loại nào đi nữa, cũng thua xa cảm giác “cắn sựt” của chả lụa, không những thế, nhai nhè nhẹ, miếng chả lụa vẫn còn cảm giác “dai”. Vừa dòn lại vừa dai đâu phải chuyện dễ.


Về mặt khoa học, có thể giải thích đại khái chuyện dai dòn thế này: khi con heo vừa chết, nhiều phản ứng sinh hóa xảy ra làm pH của thịt giảm dần dần đến điểm đẳng điện (isoelectric point). Đồng thời hai loại protein cơ thịt là actin và myosin xoắn lại thành actomyosin, làm mất đi các điểm háo nước trên dây protein. Hậu quả là là khả năng giữ nước ở cơ thịt yếu đi, khi xay thịt thành mọc, nhũ tương này bị “nhão”, nước sắp ra đằng nước, cái sắp ra đằng cái, độ quết dính yếu, nên cấu trúc sản phẩm kém dai dòn. Đó là lý do vì sao làm chả lụa phải làm bằng thịt “nóng” (vừa giết mổ xong), thịt để lên phản còn… giựt giựt. Xúc xích Tây dùng phosphates để nâng pH và phân giải actomyosin trở lại thành actin và myosin. Myosin hút nước, tạo gel và làm dai dòn sản phẩm.


Các cụ ta thuở xưa đâu biết phosphate, phụ gia là gì, cứ thịt nóng mà xài (lúc đó pH chưa xuống thấp), bỏ vào cối, thêm mắm muối, rồi miệt mài giã, mà phải giã thật đều tay cho đến khi mọc thịt quết dính. Chả lụa sau khi luộc thơm phức và dai dòn hơn cả xúc xích. Khoa học ngày nay thừa nhận rằng, tác động cơ học (giã tay) như vậy cũng làm phân giải actomyosin, nhưng vẫn chưa biết giải thích vì sao. Ông cha ta cũng không cần biết vì sao, chỉ cần biết rằng, hễ giã không đều tay, thì tính dai độ dòn của chả lụa sẽ không cân đối. Bởi thế mới có chuyện, nghe tiếng giã giò là biết đẳng cấp làm giò tới đâu.


Xưa và nay…


Ngày xưa đình đám, giỗ chạp người ta mới dùng đến chả lụa. Ngả heo xong, lựa lấy miếng thịt ngon nhất đem giã giò. Chả lụa là món ăn “quý phái” trong giới bình dân, năm thì mười họa mới có.


Chả lụa thời nay khác xa rồi, bánh cuốn chả lụa, bánh mì chả lụa, bún bò mì quảng cũng thêm chả lụa, trẻ con chán cơm thời nhai chả lụa cho có… chất. Chả lụa chạy theo nhịp sống công nghiệp, chế biến công nghiệp, cạnh tranh công nghiệp, giá cũng công nghiệp, thị trường quá nhiều loại chả lụa, nhìn hoa cả mắt.


Cái nghề chả lụa thời nay đâu phải ở nghệ thuật giã giò hay nêm nếm, mà là nghệ thuật nhìn… mặt thịt. Phải biết nhìn mặt thịt để biết chọn thịt vai đầu với thịt mông, trộn lẫn với thịt nách, hay lấy thịt heo già, heo nọc đấu với thịt heo non, heo nái, sao cho ra chả lụa với giá thành cạnh tranh nhất. Khách hàng thời công nghiệp mấy ai bàn cãi chả lụa, họ sống hối hả, ăn mau nuốt vội với thực phẩm đông lạnh, chơi lò vi ba và chảo không dính, ai rỗi hơi mà nói chuyện dai dòn.


Cách giết mổ cũng lắm phần “hiện đại”, người ta dí điện hoặc nện búa cho heo “ngất” đi, rồi mới thọc tiết. Thịt heo bị choáng bới điện giật, cơ co, chắc chắn sẽ khác xa thịt heo thọc tiết còn sống.


Dai dòn là chuyện đáng nể. Chất lượng thịt heo kiểu đó, sản phẩm ra ồ ạt kiểu đó phải gắn liền với “tự động hóa”, hơi đâu mà giã tay. Ngoài Bắc dùng loại một cối xay, trong Nam dùng loại hai cối, chạy điện cho khỏe. Máy xay thịt kiểu đó chỉ nghiền cho thịt nhỏ li ti (tạo nhũ tương thịt), chứ đâu làm nhuyễn “gân cốt” như giã giò. Thịt nhuyễn mới tạo độ quết, là khởi đầu để đạt cân đối giữa độ dai và dòn của chả lụa.


Loại hai cối mà dân trong Nam thường dùng để làm chả lụa xem ra cũng lắm chiêu phép. Một cối gọi là “máy chém” để nghiền, một cối gọi là “máy thúc” để làm nhuyễn. Thúc không kỹ thì mọc lột xột. Chém quá tay thì mọc chảy. Heo non thúc ít, heo già thúc nhiều. Muốn mọc giò rỗ xốp thì thúc sơ chém kỹ. Cần mặt giò trơn láng thì thúc kỹ chém sơ,… Đủ mọi thủ thuật kĩ xảo. Chẳng hiểu vì sao dân trong nghề chả lụa lại gọi máy nghiền là “máy chém”, có điều mười ông làm chả lụa ở Sài Gòn, thì cũng vài ba ông bị “chém” ngón tay. Sanh nghề tật nghiệp!


Để thêm phần cạnh tranh, chả lụa được cho thêm bột gạo, bột nếp, bột mì, bột năng, bột bắp,… có khi cả vài thứ bột trộn lại theo “bí quyết” riêng. Có bột mặt giò mới đẹp và mịn. Ít bột gọi là “ đệm” bột, nhiều gọi là “độn” bột. Chả lụa giá nào cũng có là vậy.


Thịt đã thế, máy đã vậy, lại thêm bột, muốn làm dai dòn chả lụa phải xài tới…thuốc. Người ta xài hàn the (borax) để giải quyết sự cố này. Thực ra, hàn the tạo độ dai dòn kém, mặc dù nó có thể tạo độ ổn định nhũ tương thịt trước mắt. Người ta xài hàn the là để “cứu” thịt khi xài phải thịt “nguội” (sau giết mổ 2 – 3 giờ), vì lúc xay mọc thịt sẽ nhão chảy (hàn the làm tăng pH của thịt), nhưng hàn the chủ yếu được dùng cho mục đích bảo quản. Bảo quản kiểu nào thì kiểu, chả lụa treo lủng lẳng ở xe bánh mì, ở hàng bánh cuốn cả vài ngày, thì hàn the cũng bó tay.


Hàn the bị cấm, người ta quay sang xài phosphate của xúc xích để làm dòn làm dai chả lụa. Nhưng phosphate cũng năm bảy đường phosphate, nhiều loại phosphate. Bản thân phosphate không thể “cứu vãn” chả lụa “công nghiệp”. Nếu phosphate không được phối thêm với những chất khác, nó có thể làm mọc thịt bị khô, chả lụa “bể” mặt, rạn chân chim và nhất là làm mất hương chả lụa.


Hương nhờ lá, nhưng giờ đây người ta bỏ mọc thịt vào bao nylon rồi mới gói lá chuối. Hương lụa vì vậy giảm đi nhiều. Có nơi còn gói bao nylon nhuộm xanh giả lá để ra cái điều công nghiệp hóa…truyền thống. Làm thế có khác nào thiếu nữ Việt bỏ áo bà ba mặc đồ đầm, vén váy chuệch choạc bước chân xuống thuyền tam bản.


Có nơi còn hào hứng “rút chân không”. Chả lụa được bỏ vào bao nylon chịu nhiệt, hấp tiệt trùng cao áp, rút chân không để bảo quản được vài ba tháng. Hấp như đồ hộp kiểu đó, thì xương cốt cũng nhừ, còn gì mà dai với dòn. Chả lụa loại này gọi là…bánh thịt.


Chả lụa bị “bầm dập bởi nền văn minh và nhịp sống công nghiệp như vậy lấy gì mà nói tới hương, tới vị, tới cái đầu dày giò lụa, tới dòn, tới dai.


Đầu năm, nhai miếng chả lụa, đôi chút… ngậm ngùi.


Vũ Thế Thành (trong tập Những thằng già nhớ mẹ)






Dòng sông “thôi kệ”

Dòng sông “thôi kệ”

Dòng sông “thôi kệ”


SGTT.VN - Dòng chảy nhẫn nhịn đó đã tắm rửa và thấm đẫm vào bao thế hệ văn nhân từ cố đô, tạo nên một phẩm chất riêng biệt, không đâu có. Bình thản, ôn hoà đấy, mà kiêu sa làm sao.










Một bến nước bên dòng Hương giang.



Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có một bút ký tuyệt vời về dòng sông quê hương ông, sông Hương, với nhan đề: Ai đã đặt tên cho dòng sông. Hiếm có nhà văn nào viết về một dòng sông kỹ và hay như thế. Cũng phải thôi, ông đã cùng dòng sông nếm trải qua bao bến bờ của đời người. Đã thả hồn mộng du qua những mùa hoa trái, đón ráng chiều tím ngắt chuông chùa Thiên Mụ, đã đau đáu nhìn dòng sông để tìm cho được lời an ủi mỗi khi ngã lòng… Dường như dòng sông đã chảy qua ông để đến với mọi ngóc ngách tâm hồn mỗi người, cho dù chưa từng gặp gỡ.


Một buổi chiều gần đây, bên dòng sông Hương, tôi nói như thế với nhà văn Vĩnh Quyền, hậu duệ hoàng tộc. Ông cười nhưng mắt vẫn nheo lại, nhìn một vạt nắng và ngóng chậm rãi dòng sông, trải dài lên thảm cỏ. Còn dòng sông vẫn bình thản chờ đón một ráng chiều mới, sẽ đến, sẽ đi qua… Sông Hương là thế. Hình như nó đã chọn phận mình từ suối khe cội nguồn.


Một vương triều đã lụi tàn, đâu phải chỉ có thành quách, lăng tẩm, những giọng hò trôi theo phận người rồi sẽ đến một bến bờ nào. Có bao nhiêu bom đạn đã trút xuống dòng sông. Có bao nhiêu máu của người lính ở hai phía đã đổ xuống được dòng sông hoà trộn, xoá đi hận thù, tiễn đưa ra biển cả…


Một dòng sông không hề giận dữ, chia đôi tình thương cho hai nửa thành phố, nuốt vào lòng mình cả những thói hư tật xấu của cái thời người ta dẫm đạp lên tất cả để kiếm lời. Tội nghiệp cho dòng sông, mỗi khi chiều tắt, hàng trăm chiếc thuyền loè loẹt chở du khách nghe ca Huế cải biên giày xéo lên mặt sông, văng ra những âm thanh pha tạp cùng những câu đùa vô lối tục tằn. Chảy đi sông ơi, chứ đừng nuốt vào lòng những của xa lạ này… Dòng chảy nhẫn nhịn đó đã tắm rửa và thấm đẫm vào bao thế hệ văn nhân từ cố đô, tạo nên một phẩm chất riêng biệt, không đâu có. Bình thản, ôn hoà đấy, mà kiêu sa làm sao. Chữ “Dạ” của người phụ nữ Huế thốt ra khác hẳn chữ “Dạ” của bất kỳ vùng nào. Rất gần gũi những rõ ràng có một khoảng cách. Còn giới mày râu, chữ nghĩa đầy mình, trong cuộc rượu thường không ồn ã, nhưng khi đề cập đến một câu chuyện có nhiều bất bình thì dường như ai cũng nói một câu: “Thôi kệ”…


Cả một dòng sông “thôi kệ”.











Để giữ riêng trong lòng mình biết bao nhiêu câu chuyện. Vẫn nhẫn nại chở chuyên biết bao nhiêu điều vô lối của một thời. Vẫn đổi màu khoe sắc theo từng thời khắc của một ngày, làm mủi lòng biết bao thân phận. Chịu ơn dòng sông một chút thôi, chắc chắn ai cũng nghe được ít nhiều câu chuyện của nó. Và, chắc chắn mỗi người sẽ tốt hơn lên một chút.


Những ngày ở Huế, tôi may mắn được hầu chuyện võ sư Nguyễn Văn Dũng. Ông là trưởng môn phái karatedo suốt vùng miền Trung vào đến Nam bộ, môn sinh của ông lên đến cả ngàn. Ông yêu dòng sông này đến mức cực đoan. Lời tự tình của một dòng sông là tên cuốn sách về sông Hương, về Huế của ông mới xuất bản, dày trên 800 trang. Ngay từ những trang đầu, ông đã nhập vai con sông để cất lên, ngoài những lời tự tình, là những lời kêu cứu khẩn thiết của dòng sông đang lâm trọng bệnh. Sao người ta lại nỡ đối xử với dòng sông như vậy.


Trò chuyện với chúng tôi bên chén rượu, ông nói nhiều đến nỗi bất bình và bất lực của ông hàng ngày, phải chứng kiến những dòng chảy vẩn đục đang xâm chiếm dòng sông, đang huỷ hoại sắc màu từ ngàn xưa làm nên niềm kiêu hãnh cho dòng sông. Rồi ông nói: “Chúng ta sẽ có tội với tiền nhân nếu cứ “thôi kệ” trước cơn đau của dòng sông, mà quên mất rằng chính dòng sông đã rửa trôi giùm cho chúng ta biết bao đau thương của lịch sử. Không thể vô ơn như thế với dòng sông đã chịu đựng biết bao điều”…


Ai đã đặt tên cho dòng sông? Ai đã thấu hiểu cặn kẽ những gì nó chuyên chở? Và như thế, có lẽ phải đặt thêm rất nhiều tên cho một dòng sông...


Trịnh Tú - ảnh: Trần Việt Đức






Ký sự: Ô Loan không phải là Loan

Ký sự: Ô Loan không phải là Loan

Ký sự: Ô Loan không phải là Loan


SGTT.VN - Đầm nước xanh lam, hiền hoà dưới chân đèo Quán Cau, luôn gợi tò mò, háo hức cho bao khách sành ăn trong, ngoài nước.










Gành Đá Dĩa chỉ để ngắm rồi về.



Chính đầm nước lợ Ô Loan – vựa hải sản hào phóng trời ban – góp phần tạo nên sự thống khoái, giàu có, độc đáo lẫn niềm tự hào về sản vật Phú Yên và cả đất Việt. Nói Ô Loan không phải là chim Loan theo điệu Công Tôn Long lại rõ nghĩa hơn “ngựa trắng không phải là ngựa”.


Con sò nhỏ, cái ngon lớn


“Chưa ăn sò huyết, chưa biết Phú Yên”, là câu nói hãnh diện của dân thích nói “âu cơ” thay vì ô kê. Ruột sò giòn ngọt, hậu beo béo và thơm. Thân sò nhỉnh hơn trái tắc, vỏ màu xám nhạt, đóng rong rêu. Chúng ở chiếu trên sò đại Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Cà Mau. Có lẽ, do giống sò ấy hưởng nhiều phiêu sinh nước xà hai, trong đầm rộng 1.570ha, ba mặt giáp núi, một phía thông ra Biển Đông, sâu trung bình: 1,2 – 1,4m mùa nắng, mùa mưa, theo Địa chí Phú Yên, trang 46, NXB Chính Trị Quốc Gia. Nhờ vậy, đầm lớn thứ hai cả nước này (sau phá Tam Giang) có thể nuôi sống hàng vạn người ở bãi Ngang, thuộc năm xã: An Hiệp, An Cư, An Hoà, An Hải, An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.


Mùa gió nồm lay động cỏ lau ven đầm chính là lúc con sò mập nhất, khoảng cuối tháng 2 – đầu tháng 3 (*). Lúc này, rong tảo sinh sôi nhiều. Mực nước đầm chỉ bằng 1/3 mùa lũ, nên mò bắt dễ ợt. Cố đợi đêm trăng đầy, khách nhàn du thuê một chiếc thuyền nan – sẵn người chèo – cùng bếp than đước, chai rượu đế Tuy An, dập dềnh. Gắp vài con sò, thả lên bếp than hồng. Chưa đầy một phút, có con đã thè lưỡi như thèm... rượu đến không chịu nổi! Đừng để nó thất vọng!


Tiệp hứng, chị Hằng chăm chút hoá vàng lăn tăn, lung linh cả mặt đầm. Văng vẳng tiếng chim ăn đêm và thật gần làn hơi sương lành lạnh. Nhưng thực khách vẫn không cảm thấy cô đơn. Nhờ thức ngon khéo chiều bạn hiền, nên cuộc đàm luận càng cao hứng. Rượu vơi không hay. Có người đổ oan: chắc bà trăng uống... trộm! Ước chi, có trùm tái Trần Minh, bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng Duyên Hải ở huyện Cần Giờ, TP.HCM xắn tay nâng độ giòn, ngọt tinh nguyên cho một sản vật trời ban!


Thật ra, ở đây có một lệ nhỏ đủ sức cản trở mạnh bạo những du khách nữ thích khám phá. Ông Ngô Phú, 57 tuổi, ba đời sống nghề đầm ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ánh mắt cương quyết nói: “Xuồng làm ăn kiêng đàn bà lạ bước xuống. Cho thêm bạc triệu tôi cũng không chở!” Còn thuyền làm du lịch chuyên nghiệp ở hai đầu Ô Loan đâu có. Cũng vậy nếu có đi thăm Gành Đá Dĩa, bạn phải duy ý chí ngắm đi ngắm lại chục lần, rồi về lại Ô Loan kiếm cái ăn. “Nếu đói, đành hớp nước dừa xiêm, chứ không thấy bán thứ gì ăn cho ra hồn cả”, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Kim Tuấn, dân An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nói.


Mỗi năm đầm vẫn rộng lượng tặng khoảng 20 tấn sò có một không hai, toả đi khắp nơi như một lời “tự tình” sâu lắng. Đặc biệt, những bậc cao niên ở đây cho hay, năm nào mưa bão nhiều thì trúng mùa: sò huyết, cá mú, tôm đất, sứa... do nước nguồn rửa sạch lớp bùn già dưới đáy đầm. Sò Ô Loan giúp những người dân lam lũ như ông Ngô Phú xây nhà ngói, sắm xe máy...


Không chỉ có sò, hương vị thịt các loại cua (cua biển, cua huỳnh đế) và cá mú trong đầm đều chiếu trên.










Cua không làm ô danh Ô Loan.



Cua, cá mú không ô danh Ô Loan


Ông Ngô Phú nhíu mày nhớ lại: mùa mưa, đám ghẹ, sò, hàu trong đầm lần lượt lụi tàn. Riêng tụi cua, cá vẫn chịu được, nhưng thịt chúng không thơm ngọt nữa. Hết mưa, khi nước đầm mặn mà thêm da thịt chúng lại hấp dẫn. Con cua xanh yếm vuông (cái so) lớn khác thường, nặng gần nửa ký so cua Nam bộ cùng dạng, độ tuổi không quá 360g/con. Gạch cua béo bùi nhưng không ngậy, lại thơm riêng. Chấm với chén muối lá é trắng giằm ớt chim xanh, mới đã họng làm sao!


Tương tự, muỗng cháo cá mú đỏ càng mát bụng. Thịt cá ngọt như giọng rao hàng ở Sài Gòn xưa, săn chắc. Da cá beo béo, thanh tao, “tắm” dĩa nước mắm nhỉ cơm than dưới hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hoà, huyện Tuy An) thật xứng cặp. Độ ngọt và mùi thơm ấy có ấn định riêng. Khác hoàn toàn với da thịt đồng loại ở Nha Trang hay ngoài Ba Hòn Đầm, Biển Tây. Và nó cứ ngọ nguậy mãi trong tâm trí người mê rong ruổi. Chính thổ nhưỡng đã vun vén nên lượng phiêu sinh đặc thù, tạo vị riêng cho nhiều sản vật Ô Loan, kể cả những con rất nhẹ ký.


Tôm đất, cá mai “đầm tịch” Ô Loan


Ở một quán nhà sàn trên đầm, phía dưới An Hải, chúng tôi thật bất ngờ với mớ tôm đất nhào lộn tanh tách. Tôm này những vùng nước lợ, mặn ba miền đều có. Song, cái màu đỏ son và độ chắc ngọt đậm đà của con tôm mới lạ! Ánh nắng chói chang của đất Phú chợt dịu mát, khi gặp những cơn gió đầm tung tăng cùng nồi canh chua tôm bốc khói bưng ra! Ngộ ở chỗ, có cả gừng tươi xắt chỉ và nhúm rau răm trong nồi. Có thể, người nấu chu đáo giúp thực khách phòng ngừa chứng cảm nắng, khó tiêu. Riêng “đô” chua, so với tô canh miền Nam, canh hôm ấy chỉ mới chớm chua. Vị chua nhẹ nhàng, kín đáo đến xiêu lòng!


Đồng thời, dĩa gỏi cá mai trắng tươi cũng là tấm mề đay của bản xứ. Đặc biệt, xương cá mềm dẻo nhai ăn luôn. Thân cá múp míp, thịt dịu ngọt. Ăn kiểu mộc là, gắp một con nhỏ tựa cá cơm chấm vào chén mù tạt pha nước tương, rồi bốc hột đậu phộng rang, bứt vài đọt tía tô, húng lủi, miếng cơm dừa... nhai nhẩn nha.









Chính thổ nhưỡng đã vun vén nên lượng phiêu sinh đặc thù, tạo vị riêng cho nhiều sản vật ô loan, kể cả những con rất nhẹ ký.



Thỉnh thoảng bẻ miếng bánh tráng Hoà Đa nghe cái rốp, thêm vui tai. Đưa cay êm thấm! Mùa cá mai từ đầu tháng giêng đến cuối tháng 6 âm lịch, rộ vào khoảng tháng 4. Cuối mùa xương cá cứng hơn, thịt cũng lạt hẳn. Cá mai biển luôn ốm hơn cá đầm. Cũng có nạn, người ta giăng bắt cá mai biển thả vào vào rộng trong đầm, nuôi công nghiệp để bán được giá hơn. Dạng này, chỉ gạt dân tay mơ. Vì cá bủn và lạt hơn.

Những cái lưỡi tinh tế còn phát hiện ra mùi vị con sò phía Ô Loan đầu An Hải mặn, ít tiết, thịt dai và tanh hơn. Một thổ địa ở đây còn bật mí, vào mùa nghịch, đặc sản hai mảnh vừa kể không đủ cung ứng, nên không ít hàng quán độn sò Sông Cầu. Mặc dù cùng tỉnh, nhưng phẩm vị sò hai nơi như khoảng cách giàu nghèo trong xứ.


Thêm nữa, nhiều người còn công nhận con hàu Ô Loan không thể sánh bằng hàu Gành Đá Dĩa, huyện Sông Cầu. Vậy mà, nhiều tác giả vẫn hê nó lên mây. Bệ đỡ cho những chủ kiến này là mấy vần thơ cũ của Tản Đà (Phú Câu cước cá, Ô Loan biển hàu). Hay bụi thời gian đã làm cho giống hải sản có lợi cho phái mạnh trở lòng đổi dạ?


Hẹn một đêm trăng, chúng tôi sẽ í ới rủ nhau về đây tắm nguyệt – vào mùa sò dậy!


bài: Nghi Lâm - ảnh: Nguyễn Kim Tuấn


(*) Hàm lượng kẽm, sắt trong 100g ruột sò huyết lần lượt là: 13,4mg, 1,9mg, theo sách Thành phần dinh dưỡng

400 thức ăn thông dụng, trang 278 và 289, của trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, NXB Y Học.






Ngô Đồng nước trong, đá xám, phận người...

Ngô Đồng nước trong, đá xám, phận người...

Ngô Đồng nước trong, đá xám, phận người...


SGTT.VN - Có một dòng sông không lớn, không nổi tiếng lắm, đi khắp sông cũng không tìm đâu ra bóng một cây ngô đồng mà lại mang tên Ngô Đồng.










Chỉ có tiếng mái chèo gạt nước cho thuyền lãng đãng chậm trôi qua ba động Tam Cốc mà ngắm cố cung một thuở hiển vinh của vua Đinh và vua Lê. Ảnh: tư liệu



Nó làm cho tôi phải tìm tới vùng núi Cấm Sơn để nhìn nơi bắt nguồn dòng chảy rồi tràn sang lưu vực sông Sào Khê. Đến trước mùa thu heo may, sông Ngô Đồng vắt trên mình màu vàng của lúa miền đất Tràng An, và mùa đông thì nước trong đến nao lòng khi bóng núi đá vôi đổ xuống uy nghi và kiêu hãnh bên đền Thái Vy nhuộm vết rêu phong, cổ kính. Và để đi trên dòng sông này, hạnh phúc nhất là không có tiếng máy nổ, chỉ có tiếng mái chèo gạt nước cho thuyền lãng đãng chậm trôi qua ba động Tam Cốc mà ngắm cố cung một thuở hiển vinh của vua Đinh và vua Lê.


Sông Ngô Đồng còn giống chiếc khăn ảo thuật, với bốn mùa mang vẻ đẹp của hồn quê Việt. Nó gây ám ảnh bởi ngôi nhà lợp đá liêu xiêu bên núi, nom vừa đìu hiu vừa đẹp rất đơn sơ của một kiếp người chài lưới. Phía trong ngôi nhà, không có đồ đạc gì. Chủ nhân là Giong, 17 tuổi, chuyên bắt cá bắt cua để tồn tại mà không thấy mình khốn khổ. Chiếc giường là một cây gỗ xẻ đôi, phạt hai đầu, độ dài 2m, kê bằng hai viên đá, thế là thành chốn ngủ thiên đường. Cuối nhà xếp ba ông vua bếp. Khói đun nước đã xám lại trên vách đá, một bữa cơm đạm bạc với cá nướng. Một cách sống giản đơn nhất của thế kỷ 21. Vận trên người chỉ một chiếc quần đùi, suốt ngày Giong lặn sông và giăng lưới bắt cá, bắt ốc núi. Giong bán ốc núi cho nhà hàng cũng đủ ăn, nhưng cố kiếm thêm để mai này lên bờ.


Hỏi sao nhà không có gì ngoài hai bộ áo quần vắt trên dây phơi, Giong nói không cần thiết. Ngày ngày cậu đánh lưới trên sông Ngô Đồng, chèo thuyền vào chợ bán mớ cá đong cân gạo, mua tí mắm ngon để uống một hụm khi lặn sông – một cách sống đơn giản mà ám ảnh một phận người.


Giong lớn lên ở một cô nhi viện. Một ngày mưa, đi tắm sông cậu thấy đi bắt cá cũng hay hay và thế là Phật độ cho đi bắt cá. Việc đầu tiên là bán cá, cất tiền trong cái túi nilông rồi vỗ đất bùn khô giấu vào núi đá: ngân hàng của Giong là một ngọn núi. Kiếm đủ tiền mua một chiếc thuyền kiếm ăn trên sông – mơ ước của Giong chỉ có vậy. Hỏi có biết chữ không. Gật đầu. Em biết đọc, và biết tính đến 2 triệu đồng. Vì con thuyền em mua hồi đó hơn 1 triệu đồng. Lẽ sống đơn giản và tối thiểu. Là đủ sống.


Người ở cố đô Hoa Lư có hai dòng đạo, Thiên Chúa và đạo Phật. Giong theo đạo Phật, em chưa gặp xui xẻo từ khi sống với sông. Cách sông Ngô Đồng độ nửa tiếng chèo thuyền, lại gặp một ngôi nhà lợp lá. Nhà của một lão nông cày cấy bên núi đá vôi. Ông có mụn con trai lấy vợ và có đứa cháu hai tuổi. Rải rác dọc sông cũng có chục ngôi nhà dựng bên đường bán đủ thứ cây cảnh, ốc núi, thịt dê nướng và cơm cháy đặc sản vùng này. Món gỏi cá nhệch nổi tiếng của vùng Kim Sơn cũng có bán ở đây, nhưng muốn ăn ngon phải đi thêm 60km xuống nhà thờ đá Phát Diệm mà thưởng gỏi cá nhệch, nghe chuông nhà thờ đổ xuống hoàng hôn, uống rượu tắc kè để “rồi lên ta uống với nhau / rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (thơ Trần Huyền Trân).


Còn muốn nghe chim hót, hãy đến chùa Bích Động. Chùa vẫn có bà cụ Khế chín mươi tuổi chuyên đi vơ lá khô đun nước với lá hoa hồng đã sao vàng hạ thổ, rồi pha nước mời người đi lễ. Cụ Khế nói rằng, nhờ ăn mày cửa Phật, cụ mới khoẻ thế này. Cụ chưa nghễnh ngãng và cũng chưa chịu ngồi yên, “Tôi còn lên tới chỗ Phật Tổ trụ trì trên núi cao, còn thắp đèn dầu dâng hương mà giác ngộ”. Hỏi cụ Khế giác ngộ gì, cụ bảo: “Cứ chầm chậm mà sống cho nó ra cái con người. Nhiều người có của nả không đem cho người cùng khổ, cứ hăng hái đặt lên tay Phật, Phật có tiêu đâu nào. Rồi họ đặt lễ xin xỏ đủ thứ. Tôi chắc Phật cũng chưa cho. Dâng dầu đèn ở chùa, nghe mãi cũng không hiểu tâm thế thời bây giờ đi về đâu…”


Dòng sông vẫn vỗ về nhân gian. Ai đó một lần bước trượt, trong phút giây cô độc, bị đánh cắp niềm tin, họ thường tìm về sông Ngô Đồng để tìm một không gian tĩnh, nơi có nước trong và đá xám... Dòng Ngô Đồng vẫn cứ chảy từ phía núi đá Cấm Sơn như truyền thêm niềm tin và sức mạnh vị đất và vị nước, nhân niềm hy vọng của mùa xuân cho khát vọng con người.


Hoàng Việt Hằng






Tình mẫu tử của người mẹ ăn xin

Tình mẫu tử của người mẹ ăn xin

Tình mẫu tử của người mẹ ăn xin


SGTT.VN - Đứa bé nhìn tôi toét miệng cười. Một tay đưa ra dường như muốn vẫy tôi lại gần. Nhưng khi vừa nhón chân, đứa bé vội rúc đầu vào người mẹ ...


Đám múa lân và mẹ con người ăn xin


Mồng 6 tết, một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo tổ chức cúng khai trương đầu năm và có màn múa lân sư rồng


Trên chiếc bàn bày biện đủ lễ vật, nhang tỏa khói nghi ngút và nến sáng rực. Sau khi cúng vái, một lượng vàng mã khá lớn được đưa ra đốt.


Bên ngoài, đám múa lân nhộn nhịp chuẩn bị. Trong khoảnh khắc đó, gia chủ cầm trên tay một xấp tiền mệnh giá 5000đ đảo một vòng ngang những người hiếu kỳ, lì xì bất cứ ai có mặt…


Tuy nhiên, trong góc phía trước của căn nhà cạnh khách sạn, có hai mẹ con người hành khất đang ngồi thu mình. Không một ai quan tâm đến họ.










Đứa bé ngồi trong lòng chị với bộ quần áo tinh tươm.



Người phụ nữ trạc tuổi ngoài 40 với gương mặt khắc khổ, quần áo lam lũ. Một chiếc túi lớn được chị khoác choàng lên vai. Chiếc nón lá sờn mép để cạnh chị bên trong còn có cái nón két để ngửa màu đỏ.


Ngược lại, đứa bé ngồi trong lòng chị rất tinh tươm. Mặt mũi sáng sủa, xinh xắn. Bé được ăn mặc tươm tất. Bộquần áo còn mới thêm chiếc mũ khá đẹp. Chân bé được mang đôi vớ sạch và mới…


Chị lấy hộp cơm từ trong chiếc túi, ngồi ăn. Đứa bé không ngồi yên trong lòng chị mà đứng dậy nhoài người ra thò tay vào chiếc bao nylon đựng bánh vụn.


Bốc một miếng cho vào miệng, toét miệng cười rồi rúc vào ngực mẹ. Nụ cười của nó thật trong sáng, lộ ra hai chiếc răng mới mọc.


Tiếng trống múa lân khai cuộc vang lên. Chung quanh mọi người đổ dồn ánh mắt về con lân đang đi theo nhịp trống. Không ai nhìn thấy chị và dường như cũng chẳng ai màng đến bởi chị chỉ là một người hành khất – như lời chị nói với tôi.


Không màng lộc đầu năm


Chúng tôi đến gần chị hỏi thăm về cuộc sống và gia cảnh. Chị tên Phạm Thị Ngọc, 42 tuổi người Nam Định. Chị vàoNam, định cư ở Long Thành (Đồng Nai) vào đầu thập niên 80 khi tuổi còn nhỏ. Ở đây chị làm tất cả mọi việc, từ làm rẫy đến phụ việc.










Mẹ con chị Ngọc.



Chị nói: “Tôi làm tất cả, việc gì cũng làm miễn sao có tiền một cách lương thiện. Tích cóp cũng được chút ít. Đến vài năm sau này, tôi phụ việc cho một quán ăn và chính từ đây câu chuyện mới xảy ra…”


Chị kể tiếp: “Tôi quen một ngườiđàn ông gốc Bắc. Nghĩ mình cũng đã lớn cần có nơi chốn đi về nên quyết định gá nghĩa với người mình yêu thương. Vậy là tôi có thai. Tôi báo tin mừng này cho anh ấy. Anh chẳng nói năng gì và lặng lẽ bỏ đi từ đó.


Nhiều người hiểu chuyện khuyên tôi nên bỏ cái thai trong bụng đi nhưng tôi không nỡ. Nó là máu là thịt của tôi. Dẫu khó khăn thế nào tôi cũng phải sinh ra và nuôi nó lớn lên. 9 tháng cưu mang thằng bé ra đời. Không may, sau đó trong lúc bất cẩn, tôi bị té ngã gãy tay. Thế là không còn cách nào để dùng bàn tay lao động kiếm sống được…”

Mẫu tử, người mẹ, ăn xin, khách sạn, múa lân


Chị đưa cho tôi xem tay của chị, khẳng khiu và vẹo vọ. Bàn tay co vào không sát, mở ra không thẳng. Được 1tháng rưỡi ở cữ, chị bế con vào TP.HCM lang thang khắp các nẻo đường, sống nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người.


“Thằng bé nay đã tròn 13 tháng tuổi. Cháu rất ngoan không quấy phá gì. Xin được bao nhiêu tôi dồn vào nuôi cháu. Tôi có thể rách rưới, đói khát nhưng với cháu tôi phải lo cho đầy đủ. Tôi không đủ sữa nuôi cháu nên phải mua thêm. Có lúc xin không được tôi phải nhịn ăn dành tiền mua sữa.


Ban đêm, tôi tìm một chỗ kín, hai mẹ con nằm ngủ. Cứ thế cuộc sống nay đây mai đó cứ trôi qua. Tết này, may mắn được nhiều người bố thí tôi mới mạnh dạn mua hộp cơm có miếng thịt để gọi là ăn Tết đó…” - chị Ngọc rơm rớm nước mắt kể lại.


Trở lại việc cúng đầu năm ở khách sạn, gia chủ đang lì xì cho bất cứ ai, nhưng mảnh đời bất hạnh, một người phụ nữđơn thân và một đứa bé không tương lai thì…vô tình không nhìn thấy.


Ban phát lộc đầu năm để lấy cái hên, cái vận may cho một năm làm ăn, có mấy ai nghĩ đến lộc này chẳng thấm gì đối với những người đầy đủ nhưng sẽ rất lớn đối với những mảnh đời nghiệt ngã như mẹ con chị Ngọc ?


Chị không đến để nhận lộc, lặng lẽ cho con bú rồi đứng dậy bế con đi…


Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet






Hơn 600 ca mắc sởi tại 5 tỉnh thành

Hơn 600 ca mắc sởi tại 5 tỉnh thành

Hơn 600 ca mắc sởi tại 5 tỉnh thành


Đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi. Và theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội), việc trẻ dưới 9 tuổi bị sởi là điều đáng suy nghĩ.


Nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi nhập viện vì sởi


Ngày 8.2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi tới khám tại các bệnh viện ở 5 tỉnh thành và theo báo cáo mới nhất, đã ghi nhận 621 ca dương tính với sởi tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Lào Cai và Sơn La, trong đó khoảng 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Nguy cơ dịch lan rộng vẫn rình rập, bởi thời tiết đông xuân lạnh ẩm tạo điều kiện cho loại vi rút này phát triển.










Điều tra dịch tễ cho thấy hơn 80% trẻ bị sởi chưa được tiêm phòng. Ảnh: H.Hải



Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sởi xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm hoặc đã được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi tích lũy đủ lớn, số trẻ chưa có miễn dịch, sẽ xảy ra dịch. Bệnh thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.


Tại khoa Lây (BV Nhi TƯ), hiện còn 43 trẻ (trên tổng số gần 80 trẻ nhập viện trong những ngày đầu tháng Hai) đang phải nằm viện vì có phát ban sởi kèm theo sốt cao, có viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh nhi tập trung chủ yếu ở Hà Nội, ngoài ra Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định


Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết cuối năm 2013, số bệnh nhân nhập viện vì sởi rất ít, trong 3 tháng cuối năm chỉ có 2 bệnh nhân. Nhưng từ tháng 1/2014, số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh, riêng tháng 1 có 67 bệnh nhân nhập viện vì sởi có biến chứng, hay gặp là viêm phế quản phổi, một số suy hô hấp.


Theo ghi nhận, trong hơn 100 bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa, có bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 2 tháng rưỡi, lớn nhất là 8 tuổi còn lại phần lớn là trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, hầu hết những bệnh nhân trên 1 tuổi đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi (27 trẻ). Ở lứa tuổi dưới 1, ban sởi không không điển hình, chăm sóc khó khăn hơn, dễ bị bội nhiễm hơn.


Các bác sĩ nhận định dịch sởi ghi nhận đầu năm nay có sự bất thường, bởi căn bệnh này thường gặp ở trẻ trên 9 tháng tuổi. Do ở lứa tuổi này, trẻ vẫn được nhận miễn dịch từ mẹ nên về lý thuyết, ít bị sởi. Chính vì thế, lịch tiêm chủng sởi cho trẻ em cũng bắt đầu từ 9 tháng tuổi trở đi. Trong khi đó, đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi. Nguyên nhân có thee do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ; có thể, trước đó các bà mẹ này chưa tiêm chủng, chưa từng mắc sởi bao giờ, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.


Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội), việc trẻ dưới 9 tuổi bị sởi là điều đáng suy nghĩ.


Bên cạnh đó, theo ông Cảm, một phần nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát trở lại là do trong thời gian qua có một tỷ lệ nhất định bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ các tai biến liên quan đến vắc xin. Trong số 40 trẻ được khẳng định chắc chắn là mắc sởi tại Hà Nội thì có 31 trẻ trên 1 tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin (trong khi lịch tiêm là 9 tháng tuổi).


Nhận biết sớm dấu hiệu sởi ở trẻ


Theo BS Lâm, tuy sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ nhưng người dân không nên chủ quan, bởi biến chứng sau sởi rất nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt; thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Tại khoa có 5 trường hợp nặng bị biến chứng viêm phổi sau sởi. Với những trường hợp này, điều trị tại viện có thể kéo dài từ 1-2 tuần tùy từng trẻ.


Vì thế, nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi.

Khi trẻ đã mắc bệnh, điều đầu tiên là chăm sóc thật tốt dinh dưỡng (ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, uống nhiều nước trái cây), hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (không kiêng tắm như dân gian). Không nhất thiết phải đưa đến viện mà cách ly ở nhà, chăm sóc và theo dõi sát. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... thì nên đưa con đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu cần dùng kháng sinh thì tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân gây bệnh là do vi rút vì thế kháng sinh không phải điều trị bệnh mà được chỉ định khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.


“Sởi là một bệnh rất dễ lây. Một người không được tiêm vắc xin hay chưa từng mắc sởi trước đó nếu có tiếp xúc với bệnh nhân thì khả năng bị bệnh rất cao. Khuyến cáo mọi người bất cứ ở lứa tuổi nào nếu chưa mắc sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi đều có khả năng mắc bệnh và nên đi tiêm phòng vắc xin”. GS Nguyễn Trần Hiển nói.


Ngoài ra, để phòng lây bệnh, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng…


Theo Dân Trí






260 hành khách phát hoảng vì tàu cao tốc mắc cạn

260 hành khách phát hoảng vì tàu cao tốc mắc cạn

260 hành khách phát hoảng vì tàu cao tốc mắc cạn


SGTT.VN - Sáng 9.2, tàu cao tốc An Vĩnh 01 từ huyện đảo Lý Sơn vào đến cửa biển cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đã mắc cạn trên gò đá ngầm, cách bờ 1 hải lý, khiến hàng trăm hành khách phát hoảng.










Các thuyền viên trên tàu cao tốc An Vĩnh 01 dùng môtơ bơm nước vào khoang ổ lái sau khi va vào đá ngầm ở cửa biển Sa Kỳ. Ảnh: Trí Tín



Lúc 9h ngày 9.2, trong lúc từ huyện đảo Lý Sơn vào đất liền, tàu An Vĩnh chở 260 hành khách bỗng dưng chao đảo mạnh và phải dừng lại hơn 30 phút khiến ai nấy đều hoảng hốt.


Sau khi kiểm tra, các thuyền viên xác định ổ lái phía sau tàu va phải đá ngầm nên nước biển ồ ạt tràn vào khoang. Rất may các khoang máy, hành khách, hàng hóa... được khóa tự động nên lượng nước tràn vào không gây nguy hiểm cho con tàu.


Ngay sau khi gặp nạn, thuyền trưởng tàu cao tốc An Vĩnh 01 đã phát tín hiệu cầu cứu Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi điều động các phương tiện ứng cứu. Anh Lộc, thuyền trưởng tàu cao tốc An Hải tham gia cứu nạn cho hay, tàu cao tốc An Hải 09, An Vĩnh và tàu khách Lý Sơn cấp tốc xuất bến ra cửa biển Sa Kỳ tiếp cận tàu gặp nạn để trung chuyển đưa toàn bộ hành khách vào bờ an toàn.










Tàu An Vĩnh 01 sau sự cố mắc cạn vì va phải đá ngầm được lai dắt về neo đậu ở cảng Sa Kỳ chờ sửa chữa trưa nay. Ảnh: Trí Tín



Đến hơn 10h, tàu gặp nạn cũng được lai dắt vào neo đậu ở cảng Sa Kỳ chờ sửa chữa, hút nước biển còn ứ trong khoang ổ lái sau ra ngoài.


Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có thể do thời tiết sương mù dày đặc sáng nay ở vùng biển Quảng Ngãi đã gây ra sự cố.


Theo VnExpress






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ