Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Vườn trên mái

Vườn trên mái

Vườn trên mái


SGTT.VN - Khái niệm vườn nhiều khi là rất xa xỉ trong nhà ở đô thị. Bởi lẽ ở thời buổi tấc đất tấc vàng này, đất xây nhà để đủ ở thôi đã là quá khó, nói chi thừa để chừa lại mảnh vườn. Nhà phố, căn hộ chung cư là những nơi mà chủ nhân rất khó có thể sở hữu một mảnh vườn riêng vì sự hạn chế của diện tích xây dựng và đặc thù của kiến trúc. Vườn trên mái, “vườn treo” là giải pháp dù không mới nhưng vẫn rất hay và hiệu quả, có nhiều sắc thái đa dạng để phù hợp với tình trạng thiếu màu xanh của cây cối trong môi trường đô thị nói chung và từng không gian của nhà ở nói riêng.










Vườn trên mái là nơi giải trí, thư giãn lý tưởng.



Kéo gần lại những khoảng xanh


Nhưng dù thực tế có phũ phàng đến đâu, đất hay nhà có chật đến đâu, thì dường như con người vẫn cần đến màu xanh, cần đến thiên nhiên cây cỏ. Khó có thể hình dung ra một không gian sống, một môi trường sống hoàn toàn vắng bóng cây xanh. Không phải lúc nào, chỗ nào cũng có thể trồng cây; thôi thì ngắm nhờ màu xanh ngoài phố, hay màu xanh bên hàng xóm cho dịu mắt. Nhưng không gì bằng mình tự chủ động tạo ra những khoảng xanh cho mình để hưởng thụ. Có thể màu xanh chỉ là những điểm nhấn nho nhỏ như một chậu hoa ngoài bancông, một cành leo xanh bên cửa sổ… Nhưng khi có điều kiện, người ta có thể tạo thành một không gian xanh từ những mảnh vườn. Đương nhiên, vườn ở dưới đất là rất khó với nhà phố trong đô thị; nên những khoảng xanh hầu như là vườn trên sân thượng, trên mái.


Thường thì với những nhà lô phố, phía trước lầu trên cùng (hướng ra khoảng không) là sân trống không phải phòng – đó là một khoảng xanh, một không gian xanh lý tưởng. Trước kia, đa phần các chủ nhà hay để chậu kiểng – đó là một giải pháp đơn giản và linh hoạt. Tuy nhiên cũng chính sự đơn giản này lại làm cho những khoảng xanh khô cứng thiếu tự nhiên, mà diện tích cũng như không gian “vườn” lại có cảm giác tù túng vướng víu, bất tiện. Với phương tiện và các loại vật liệu chống thấm bây giờ, cùng với việc đầu tư nhiều hơn cho ngôi nhà; rất nhiều công trình đã có một “vườn ra vườn” trên mái, trên sân thượng, có nghiên cứu, bố cục chứ không chỉ là những chậu kiểng đơn lẻ nữa. Thậm chí, nếu tính toán kỹ càng về kết cấu, thoát nước công trình cũng như đặc điểm sinh học của các loại cây trồng, hoàn toàn có thể trồng trực tiếp được những cây lớn tương đối trên sân thượng, trên mái.










Vườn kết hợp với hồ cảnh trên mái có tác dụng chống nóng rất hiệu quả.



Một giải pháp chống nóng hiệu quả


Nước ta là nước nhiệt đới, việc xử lý chống nóng là một trong những nội dung quan trọng của thiết kế công trình. Bề mặt kiến trúc có thời gian nhận bức xạ mặt trời nhiều nhất chính là mái. Vì vậy, xử lý chống nóng cho công trình cũng đồng nghĩa với việc đưa ra giải pháp kiến trúc – kỹ thuật cho mái.


Trồng cây trên mái, làm vườn trên mái không chỉ là một phần trang trí ngoại thất, hay một thú vui của chủ nhà, mà nó còn có ý nghĩa công năng thật sự. Nếu được nghiên cứu và kết hợp tốt, thì vườn trên mái là một giải pháp chống nóng rất hiệu quả bên cạnh yếu tố thẩm mỹ – làm đẹp cho công trình. Lớp đất ẩm ở vườn trên mái giúp ngăn bức xạ xuống bề mặt bêtông của mái, điều hoà nhiệt độ, chống nóng rất hiệu quả. Ngoài ra, việc giảm bức xạ cho kết cấu bêtông cũng làm cho bêtông mái giảm thiểu hiện tượng co ngót (đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi đột ngột) gây nứt bề mặt, từ đó dẫn đến hiện tượng thấm dột.


Tuy nhiên, để chống nóng được hiệu quả bằng giải pháp này, mái phải xử lý chống thấm thật tốt, các loại cây trồng cũng phải được lựa chọn cho phù hợp. Những loại cây trồng trên mái nên là những loại cây dễ sống trong điều kiện ít được chăm sóc, không vươn cao quá. Không nên trồng cây rễ cọc ở trên mái, vì khó có thể có đủ độ sâu đất cho cây, và vì có thể rễ cây xuyên sâu có thể ảnh hưởng đến kết cấu bêtông. Việc xử lý thoát nước, chống úng ngập cũng rất quan trọng, phải được thi công kỹ càng theo đúng tiêu chuẩn, quy trình.


Trên mái cũng có thể được thiết kế, lắp đặt hồ bơi, bể cảnh kết hợp với vườn cây, cũng là một giải pháp rất tốt cho việc chống nóng.


Vườn trên mái cũng là một giải pháp kiến trúc sinh thái được nhiều nước trên thế giới ứng dụng cho xu hướng kiến trúc xanh và bền vững. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây cũng đã có nhiều công trình công cộng, công trình lớn đã sử dụng mái xanh; và có hiệu quả cao ở cả mặt thẩm mỹ và công năng chống nóng.


Trồng rau trên mái – tại sao không?


Nếu ai đó (có thể là chủ nhà hay kiến trúc sư) có ý định, hay đề xuất ý tưởng làm vườn trên mái; hẳn sẽ có người hỏi: Vườn gì? – Là vườn hoa, vườn cây kiểng? – Đúng rồi! Thế làm vườn rau được không? – Được chứ! Tại sao không?


Trồng rau trên mái, mới nghe thấy có vẻ kỳ kỳ. Nhưng đó là một nhu cầu thực tế. Nếu để ý quan sát những ngôi nhà trong đô thị từ điểm nhìn trên cao, ta có thể thấy rất nhiều nhà có đặt những thùng nhựa, những thùng xốp ở bancông, sân thượng hay mái nhà… để trồng rau. Yếu tố kinh tế – “tăng gia sản xuất” dĩ nhiên không phải là vấn đề chính. Lý do chính là họ… muốn trồng rau, muốn làm vườn và cần có rau sạch.


Thật ra, trồng rau trên mái là đơn giản và hiệu quả, tuy rằng vấn đề thẩm mỹ và vệ sinh có bị kém hơn vì rau không thể đẹp bằng hoa hay cây kiểng. Trồng rau lại mất công chăm sóc, tưới tắm thường xuyên. Nhưng trồng rau an toàn cho mái bởi tải trọng lên mái không tăng do có sự luân chuyển tuần hoàn, khác với trồng các loại cây thân gỗ cỡ vừa và lớn. Rễ của rau đương nhiên không thể xâm hại kết cấu mái. Việc trồng rau (trên mái) cho ta rau sạch – ngay ở nhà, điều đó cũng rất có ý nghĩa trong thời buổi giá cả đắt đỏ và vấn đề an toàn thực phẩm luôn làm người tiêu dùng đau đầu, bất an. Và cuối cùng, việc trồng rau tạo một thói quen lao động chân tay, gần gũi thiên nhiên, tạo một thái độ chăm sóc gia đình tích cực – điều mà càng ngày càng hiếm thấy trong bối cảnh xã hội mà quá nhiều áp lực công việc đè nặng lên mỗi con người.


Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh










Vườn trên mái khối kinh doanh tầng trệt của một ngôi nhà phố. Thiết kế khu vườn cho cảm giác đây là khu vườn ở tầng trệt chứ không phải vườn treo.







Người hồi sinh men ngọc cho gốm Việt

Người hồi sinh men ngọc cho gốm Việt

Người hồi sinh men ngọc cho gốm Việt


SGTT.VN - “Trong 75 mùa xuân của Nguyễn Việt, múa chiếm 1/3, gốm chiếm 1/3, còn lại là khảo cổ”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương giới thiệu ngắn gọn song đầy đủ về tác giả của 50 chiếc bình gốm celadon Đông Thanh, dòng men ngọc thời Lý đã thất truyền, được trưng bày tại Gallery 39 (39A Lý Quốc Sư – Hà Nội, cũng chính là tư gia của anh) từ 28.9.










Nguyễn Việt cạnh mẻ gốm vừa mở lò, chưa dội men. Ảnh: Hoa Chanh



“Bật tất cả đèn lên, phải có đèn mới đẹp!”, vừa đón khách, Lê Thiết Cương vừa chỉ đạo cô nhân viên với khẩu khí một ông chủ kỹ tính. Sau tiếng bật công tắc lách tách, cả dãy bình gốm vụt hiện, phơi lộ màu men óng ả. Luồng sáng rọi đúng chỗ càng khiến màu men toát lên sắc độ xanh kỳ lạ: mát lành, trong suốt, huyền ảo. Có thể là ngẫu nhiên, bộ tranh panorama kích cỡ: 50cm x 1,5m Lê Thiết Cương vẽ theo lối tối giản, bày trên tường, “tiệp” một cách hoàn hảo với màu gốm, dáng gốm, khiến người ta có cảm giác đang chiêm ngưỡng một tác phẩm sắp đặt tranh – gốm. Trò chuyện với Lê Thiết Cương mới rõ, mức độ cộng hưởng giữa tranh và gốm ấy, có được phần do ngẫu nhiên, phần nhờ hữu ý. Là bởi năm 2007, khi bắt tay vào series tranh panorama, Lê Thiết Cương bỗng dưng nghiêng về bảng màu “nhã”. Chẳng ngờ, những hình hoạ được thể hiện như một ý niệm lại khiến nghệ nhân Nguyễn Việt rung cảm, và rồi tạo nên những hoạ tiết tương đồng trên gốm celadon Đông Thanh bằng kỹ thuật khắc chìm cổ xưa, không ngờ làm thành một thứ vân gốm riêng có.










Gốm men ngọc của Nguyễn Việt.



Trên hành trình Nguyễn Việt tìm lại gốm celadon Đông Thanh, Lê Thiết Cương xuất hiện rất đúng lúc. Năm 1986, chú cháu tình cờ hội ngộ sau nhiều năm không gặp, Nguyễn Việt khi ấy là một doanh nhân, đi đâu có xe hơi đón rước, còn trước đấy thì là một biên đạo múa nổi tiếng với rất nhiều vở ballet. Ông lấy từ trong cặp xách một chiếc bình gốm men ngọc, khoe với Lê Thiết Cương: “Tự tay chú làm đấy!” Hoạ sĩ sửng sốt: “Chú đã tạo ra thứ gốm quý như thế, sao không chuyên tâm vào gốm mà còn làm doanh nhân!” Không ngờ, sau câu nói ấy, Nguyễn Việt bỏ múa, bỏ kinh doanh, về làng Đông Hồ mở lò gốm, nối nghiệp nhà (một dòng họ làm gốm ở Móng Cái, Quảng Ninh) sau nửa đời lãng du cùng múa, và làm gốm cho đến tận bây giờ. Tất nhiên, con đường hồi sinh gốm celadon Đông Thanh không hề suôn sẻ, vì dòng men ngọc này đã vắng bóng. Nguyễn Việt phải bôn ba khắp chốn, sang tận Pháp, Bỉ, tìm đến bảo tàng Bruxelles, nơi duy nhất trên thế giới có trọn bộ sưu tập đồ cổ celadon Đông Thanh, do một tay buôn đồ cổ người Bỉ mua tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Nghiền ngẫm ra công thức rồi cũng chưa chắc đã thực hành thành công. Men ngọc hớp hồn người ta ở sắc độ trong suốt, ở sự mềm mại và độ “chảy” màu tinh tế như một dải sóng lụa, nhưng đó cũng là thách thức vô cùng lớn với người làm gốm. Chưa kể, khi ra lò, men hay bị co. Để khắc phục nhược điểm này, không ít lò gốm dùng hoá chất, nhưng Nguyễn Việt thì không. Toàn bộ nguyên liệu ông dùng 100% có nguồn gốc tự nhiên. Ông chấp nhận thử nghiệm nhiều lần, đổ đi hàng chục mẻ gốm hỏng để dần đúc kết ra công thức chuẩn.


Trên giấy mời khai mạc triển lãm gốm “Hà Nội mùa thu” không thấy đề ngày bế mạc. Có thể chủ nhân Gallery 39A Lý Quốc Sư đã dự đoán trước mức độ hiếu kỳ của “dân” sành gốm và mê di sản, triển lãm phải mở cửa dài dài!


Hương Lan






Liveshow Quang Lê diễn trích đoạn Lan và Điệp

Liveshow Quang Lê diễn trích đoạn Lan và Điệp










Liveshow Quang Lê diễn trích đoạn Lan và Điệp


SGTT.VN - Ca sĩ hải ngoại Quang Lê sẽ tái ngộ khán giả trong nước qua liveshow Hát trên quê hương 2, vào 20 giờ ngày 4.10 tại sân khấu ca nhạc Lan Anh (TP.HCM).


Chương trình có sự tham gia của các khách mời ca sĩ: Elvis Phương, Bảo Yến, Phương Thanh, Lệ Quyên, Thuỳ Trang, Hà My... MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên dẫn chương trình.


Đặc biệt, lần đầu tiên chàng ca sĩ gốc Huế có giọng hát ấm tình quê hương sẽ hợp cùng NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Minh Nhí, nghệ sĩ Ngân Quỳnh và ca sĩ Phương Thanh tái diễn trích đoạn cải lương Lan và Điệp.


Ngoài ra, Quang Lê còn thử sức với nhạc kịch Tương tư nàng ca sĩ (với danh hài Hồng Tơ, ca sĩ Khánh Ngọc) và song ca với á quân Giọng hát Việt nhí Phương Mỹ Chi ca khúc Sa mưa giông.


tin, ảnh Trọng Bình






Dạy con theo phương pháp nào?

Dạy con theo phương pháp nào?

Dạy con theo phương pháp nào?


SGTT.VN - Những tranh luận trái chiều gần đây quanh chuyện dạy con kiểu “mẹ hổ” Amy Chua, mẹ Việt Nam… phần nào cho thấy sự quan tâm của nhiều phụ huynh đến phương pháp giáo dục con cái.











Vậy nên dạy con theo người Do Thái, Mỹ, Nhật... hay phương pháp truyền thống? Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý sẽ chia sẻ về vấn đề này trong buổi trò chuyện tâm lý giáo dục “Nên dạy con theo phương pháp nào?”, vào lúc 8g30 ngày 5.10, tại trung tâm đào tạo kỹ năng cuộc sống Bamboo (188 Điện Biên Phủ, P.6, Q.3, TP.HCM). Chương trình do hội quán Các bà mẹ, TP.HCM tổ chức, tham dự miễn phí, đăng ký qua điện thoại: 0909003783 hoặc 0949742792.


C. Mai






Bán ra gần 150 ngàn vé tàu

Bán ra gần 150 ngàn vé tàu

Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014:


Bán ra gần 150 ngàn vé tàu


SGTT.VN - Bán ra gần 150 ngàn vé tàu là phát biểu chính thức của ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc công ty Vận tải hành khách đường sắt (VTHKĐS) Sài Gòn sáng nay (27.9) , nhằm thông tin cụ thể kế hoạch bán vé tàu Tết Giáp Ngọ 2014 của đơn vị này đến các cơ quan truyền thông.


Theo đó, trong tổng số gần 150 ngàn vé tàu tết - được tính từ 16 – 29.12 âm lịch, công ty VTHKĐS Sài Gòn chuyển cho ga Hà Nội 15% bán khứ hồi; 25 % dành cho ga Sài Gòn bán cho tập thể và đối tượng chính sách; 20% để ga Sài Gòn bán qua tin nhắn SMS. Như vậy so với tết năm ngoái, lượng vé tàu tết bán ra năm nay tăng gần 50 ngàn vé.










Đã có 150.000 vé tàu tết Giáp Ngọ được bán ra. Ảnh: Thanh Hảo



Đặc biệt, có tới 40% đưa lên website để hành khách đặt chỗ. Khi đặt chỗ thành công có thể thanh toán tiền tại ngân hàng, ga Sài Gòn hay đại lý. Trong đó, nếu thanh toán tại đại lý thì hành khách sẽ được lấy vé trực tiếp đại lý, còn thanh toán qua ngân hàng thì phải đến ga lấy vé


Theo ông Nguyễn Văn Thành, trưởng ga Sài Gòn, thời gian bán vé tàu tết cụ thể từ ngày 1 đến 9.10, ga bán vé cho các tập thể đã đăng ký trước đó - đăng ký từ 1-25.9. Sau đó, từ ngày 10.10 trở đi bán vé rộng rãi cho khách cùng lúc bằng cách đặt chỗ trên mạngwww.vetau.com.vn rồi đến các ga, đại lý giao dịch mua vé hoặc nhắn tin lấy số thứ tự mua vé trực tiếp tại các cửa vé của ga Sài Gòn (không cần đến ga, ở nhà hoặc cơ quan vẫn nhắn tin lấy số thứ tự).


Đối với hình thức mua vé trực tiếp tại ga Sài Gòn, từ ngày 5.10, nhà ga Sài Gòn sẽ bắt đầu cung cấp số thứ tự qua tin nhắn SMS điện thoại động cho khách có nhu cầu. Mỗi ngày, ga cung cấp khoảng 400 số thứ tự. Hành khách có thể soạn tin nhắn với nội dung: Gasg + tên + số CMND (ví dụ: Gasg Hung 1234567), gửi đến tổng đài 8205. Tổng đài sẽ cung cấp số thứ tự khách và ghi chiết ngày đến mua vé.


Giá vé tàu tết năm nay, tăng bình quân 6-10% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vé đi vào các ngày 14 đến 19.12 âm lịch, đối với chiều Sài Gòn – Hà Nội tăng 6-8%; vé đi vào những ngày 20-29.12 âm lịch (cao điểm) chiều Sài Gòn – Hà Nội tăng bình quân 10%.


Cũng theo công ty VTHKĐS Sài Gòn, tết năm nay ngành đường sắt sẽ tăng tối đa các đoàn tàu vào những ngày cao điểm, dự kiến có khoảng 19 đoàn tàu hoạt động mỗi ngày. Ngoài ra, công ty này còn cho hay, do năm nay bán vé tàu tết bằng nhiều hình thức cùng lúc nên ít khả năng xảy ra tình trạng quá tải tại nhà ga hay nghẽn mạng. Mặt khác, hệ thống mạng www.vetau.com.vn cũng đã được nâng cấp để đáp ứng khoảng 5.000 – 20.000 lượt người truy cập cùng lúc để đáp ứng nhu cầu của khách.


Hạn chế “cò” vé mua đi bán lại với giá cao ngoài chợ đen, tất cả vé tàu tết - chiều TPHCM – Hà Nội - đi vào thời gian cao điểm trước tết (20-29.12 âm lịch năm Quý Tỵ), có ga đến thuộc các ga từ Nha Trang trở ra Hà Nội; sau tết (chiều Hà Nội – TPHCM) chỉ có tàu địa phương do công ty VTHKĐS Sài Gòn quản lý có ga đi thuộc các ga Huế đến Nha Trang và có ga đến thuộc các ga từ Nha Trang đến Sài Gòn) đều phải in tên, số CMND người đi tàu trên vé. Hành khách đi tàu có giấy tờ tùy thân không trùng khớp với tên, thông tin cá nhân in trên vé coi như vé không hợp lệ.


Đ. Thông






“Sực nhớ” chuyện sản xuất sạch hơn

“Sực nhớ” chuyện sản xuất sạch hơn

Sổ tay


“Sực nhớ” chuyện sản xuất sạch hơn


SGTT.VN - Từ năm 1989, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra khái niệm sản xuất sạch hơn nhắm tới hoạt động công nghiệp, khích lệ việc áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất công nghiệp.


Năm 1996, sản xuất sạch hơn được áp dụng thử nghiệm ở các tỉnh phía Bắc. Ngày 7.9.2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”. Với quyết tâm trở thành nước công nghiệp hoá, nếu chiến lược sản xuất sạch hơn không được thực thi thì tiến trình công nghiệp hoá sẽ để lại những hậu quả khôn lường và tương lai đầy thách thức. Từ năm 2006 – 2010, 60 doanh nghiệp tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam và Bến Tre được hỗ trợ sản xuất sạch hơn.










Nông sản phục vụ chế biến không theo những nguyên tắc an toàn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tạo ra những sản phẩm sạch hơn, có giá trị cao hơn (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Thái



Tuy nhiên, cho đến hôm nay, rất ít người biết Chính phủ đã từng đưa ra các mục tiêu sản xuất sạch hơn, môi trường vẫn bị đe doạ và dấu ấn sản xuất sạch hơn vẫn lu mờ. Trong khi Việt Nam chưa kịp phản ứng trước những bất cập của chất lượng hàng chế biến bị trả về thì nguyên liệu đầu vào là trái cây, rau... bắt đầu bị kiểm tra chặt chẽ hơn khi xuất khẩu. Sản phẩm được xác định có chất cấm bị trả lại hoặc buộc phải xử lý tại chỗ với chi phí rất cao. Về lâu dài, những đơn đặt hàng sẽ biến mất khi nhiều lô hàng nhiễm bẩn hoặc chứa chất cấm. Nông sản phục vụ chế biến không theo những nguyên tắc an toàn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tạo ra những sản phẩm sạch hơn, có giá trị cao hơn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài từng tìm nhà cung cấp gạo ngon theo quy trình không dư lượng thuốc trừ sâu, xay xát lúa – gạo, đóng gói trong phòng lạnh, hút chân không… nhưng không có nơi nào đủ điều kiện cung cấp!


Quỹ Uỷ thác tín dụng xanh (GCTF) tại Việt Nam tài trợ 15% đối với công nghệ có cải thiện môi trường hơn 30%; 25% đối với công nghệ cải thiện môi trường hơn 50%. Số tiền tài trợ tối đa là 200.000 USD. Đồng thời bảo lãnh 50% vốn vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng (Techcombank, ACB, VIB). Các ngân hàng sẽ tham gia quỹ có trách nhiệm đàm phán, thiết lập các điều kiện với các doanh nghiệp; đánh giá rủi ro khoản tín dụng, quản lý vốn vay. 15 tiêu chuẩn cụ thể để các doanh nghiệp tự đối chiếu điều kiện vay vốn, trong đó quỹ chỉ hỗ trợ cho các phương thức sản xuất bền vững, thông qua đầu tư mới, thiết bị mới, dây chuyền sản xuất mới hoặc thay thế, mức tín dụng từ 10.000 USD tới 1 triệu USD. Các doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu cơ bản về trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn môi trường; giảm phát khí thải nhà kính… Bà Lê Nguyên Hằng, điều phối viên quỹ Uỷ thác tín dụng xanh, cho biết.


Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ nhãn hàng tôm khô và khô khoai Tiến Hải, Hải Loan có tiếng ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có vẻ thiếu tự tin khi biết những cơ sở nhỏ rất khó có cơ hội tiếp cận chương trình tín dụng sản xuất sạch hơn khi đích nhắm tới là những doanh nghiệp có hơn 500 công nhân, vốn điều lệ 5 triệu USD.


Rõ ràng, cần có những hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với sản xuất sạch hơn.


Hoàng Lan






Khuyến nghị trả lại kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp

Khuyến nghị trả lại kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp

Diễn đàn kinh tế mùa thu của uỷ ban kinh tế quốc hội


Khuyến nghị trả lại kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp


SGTT.VN - Tại diễn đàn Kinh tế mùa thu (26 – 27.9 ở Huế) của uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến quản lý thị trường vàng.


Theo TS Tô Ánh Dương, thị trường vàng Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 40 tỉ USD, trong khi thị trường vàng thế giới đang phát triển nhanh chóng với các hình thái đầu tư hiện đại, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng với chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư vàng vật chất, thì thị trường vàng Việt Nam lại giới hạn ở các giao dịch vàng vật chất. Những khác biệt này đã tác động không nhỏ tới vấn đề quản lý tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và huy động nội lực phát triển kinh tế – xã hội.










Theo TS Tô Ánh Dương, thị trường vàng Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 40 tỉ USD (ảnh minh họa). Ảnh: tienphong.vn



Cũng liên quan đến thị trường vàng, ở tham luận của mình, TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi, việc ngân hàng Nhà nước độc quyền thị trường vàng miếng và tăng cường mua vàng của dân có phải là một phương sách hữu hiệu để chống vàng hoá? Việc các tổ chức mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ huy động đã thể hiện không hề có sự chuyển đổi vàng thành tiền đưa vào phát triển kinh tế, tham luận nêu rõ.


Sau khi so sánh với thế giới, tác giả tham luận khuyến nghị rằng “hãy trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp”. Cụ thể hơn, ông Long cho rằng các doanh nghiệp cần được tiếp tục huy động và cho vay vàng, bởi đây là nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp, vì “các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không phải là định chế tài chính nên không có vốn tiền và vàng đủ lớn để thao túng thị trường như các tổ chức tín dụng”. Để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vàng có điều kiện tham gia tích cực hơn nữa vào việc thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng của ngân hàng Nhà nước, tác giả tham luận cho rằng việc cho phép các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn mua vàng qua đấu thầu và mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng là cần thiết.


Khuyến nghị tiếp theo được nêu ra là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản…) trên một trung tâm giao dịch.


Hiện thị trường vàng vẫn đang bị nhìn nhận một cách tiêu cực, phiến diện luôn gây sự bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Để hoàn thiện cơ chế quản lý cần nhìn nhận rõ những bất cập, hạn chế trong nghị định 24/CP về “Quản lý hoạt động kinh doanh vàng” để sửa đổi và cần phải thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, ông Long đề nghị.


TS Nguyễn Minh Phong nhận định vàng đã, đang và vẫn sẽ được coi là một công cụ tích trữ và hình thức tài sản, thậm chí, một công cụ để rửa tiền được ưa chuộng ở Việt Nam… Tất cả các phiên đấu thầu, ngân hàng Nhà nước chỉ bán ra chứ không mua vào được, từ đó làm cho túi vàng trong dân ngày càng phình lên. Vấn đề gốc rễ không giải quyết được mà làm cho tình trạng vàng hoá ngày càng trầm trọng thêm, ông Phong đưa quan điểm gần gũi với TS Ngô Trí Long.


Một điểm được tác giả này nhấn mạnh trong các giải pháp để bình ổn thị trường vàng là không thể dùng quyền độc quyền vàng như một loại máy in tiền, không thể biến việc chống “vàng hoá” thành việc “tiền tệ hoá” vàng, nếu không muốn biến một quốc gia từ chỉ có một đồng bản tệ duy nhất thành có hai đồng tiền cùng lưu hành chính thức và độc quyền như nhau.


Quang Phương






Cùng hợp tác để đổi mới công nghệ

Cùng hợp tác để đổi mới công nghệ

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao


Cùng hợp tác để đổi mới công nghệ


SGTT.VN - Doanh nghiệp Việt Nam nào cũng xem việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là một yếu tố then chốt trong hành trình phát triển doanh nghiệp, nhưng không mấy doanh nghiệp đủ sức đầu tư và theo đuổi một cách bài bản, dài hạn.










Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng doanh số và lợi nhuận. Trong ảnh: sản xuất tại công ty bánh phồng tôm Sa Giang, một doanh nghiệp có nhiều nỗ lực đầu tư công nghệ trong thời gian qua, có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.



Ngày 25.9, sở Khoa học và công nghệ TP.HCM phối hợp với hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp và vấn đề sống còn: đổi mới công nghệ và quản trị”. Với đề án hợp tác “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, bộ Khoa học và công nghệ cùng hội Doanh nghiệp HVNCLC sẽ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn.


Biết lợi ích nhưng thiếu nguồn lực đầu tư


Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã công bố khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hiện trạng đổi mới sáng tạo được thực hiện trong tháng 9.2013. Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nào cũng xem việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là một yếu tố then chốt trong hành trình phát triển doanh nghiệp, nhưng chỉ có chưa đến 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát có tổ chức bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), mà theo họ là đủ khả năng sáng tạo cho những cú đột phá của doanh nghiệp.


Quan tâm phát triển sản phẩm, nhưng ít doanh nghiệp ưu tiên việc tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất và cải tiến công nghệ, nhất là khi tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chỉ tận dụng công nghệ, thiết bị sẵn có. Nhiều doanh nghiệp chưa xác định ngân sách rõ ràng cho đổi mới sáng tạo, việc ước tính chi phí không dễ dàng. Đa số doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo dưới 5% hay 10% doanh số. Cũng có hơn 10% doanh nghiệp được khảo sát có mức đầu tư cho đổi mới sáng tạo trên 10% doanh số, đây là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, do áp lực cạnh tranh đòi hỏi phải đổi mới sản phẩm, mẫu mã, bao bì liên tục.


Quan hệ với các cơ quan nghiên cứu viện trường chưa thực sự tốt, khoảng 16% doanh nghiệp được khảo sát có mối quan hệ thường xuyên. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp chú ý xem xét kết quả nghiên cứu được chào hàng hay chủ động đặt hàng các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu. Điều này cho thấy các nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu chưa đáp ứng tốt được yêu cầu hay mong đợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi mua máy móc, công nghệ mới, họ chú ý nguồn gốc từ nước ngoài nhiều hơn trong nước.


Đa số doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo giúp mở rộng thị trường, tăng doanh số và lợi nhuận, có lợi thế trong dài hạn, là đường phải đi. Tuy nhiên, việc này không phải dễ thực hiện vì vừa phải thay đổi công nghệ vừa phải điều chỉnh tổ chức, nhân lực, quy trình làm việc để phát huy tối đa khả năng của công nghệ...


Mở đường rộng hơn cho doanh nghiệp


Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tự thân vận động, bứt phá đi lên bằng những cải tiến không phải là quá lớn về mặt công nghệ nhưng lại có sự đầu tư chỉn chu và bền bỉ về mặt chiến lược như Thiên Long, Điện Quang, Vĩnh Tiến, Saigon Food, Rạng Đông… Ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch công ty Thiên Long cho rằng chỉ cần 20% các nghiên cứu được ứng dụng thành công là đủ để Thiên Long vượt lên phía trước.


Bên cạnh nỗ lực tự thân, doanh nghiệp cần Nhà nước có các chính sách thực sự tạo nền và khuyến khích như hỗ trợ vốn (vay ưu đãi), cải thiện cơ chế chính sách, cung cấp thông tin công nghệ mới kịp thời, tạo điều kiện thiết lập và điều phối vận hành thị trường công nghệ. Các cơ quan nghiên cứu, viện, trường cần nắm sát nhu cầu của doanh nghiệp để có những công trình nghiên cứu thiết thực, tham vấn cho doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ.


Thực ra, từ bộ đến một số địa phương đã có nhiều chương trình, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng rất ít doanh nghiệp biết cách tiếp cận cũng vì thiếu bộ phận nghiên cứu và phát triển.


Nhằm kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các chương trình, dự án phát triển và đổi mới công nghệ, bộ Khoa học và công nghệ cùng hội doanh nghiệp HVNCLC đã thoả thuận hợp tác “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.


Theo thoả thuận, hàng năm bộ và hội sẽ tổ chức một số hội thảo, khảo sát để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Công tác truyền thông sẽ được đẩy mạnh để cung cấp kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp các chính sách phát triển khoa học công nghệ của nhà nước, các hoạt động của bộ Khoa học và công nghệ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề án chú tâm kết nối cục Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp như tư vấn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.


Giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán chi phí, đề án cũng quan tâm xúc tiến thị trường công nghệ như tổ chức hội chợ thành tựu công nghệ mới, sản phẩm mới; hỗ trợ một số doanh nghiệp tiếp nhận sự trợ giúp của bộ Khoa học và công nghệ từ tài chính đến các thủ tục để tiến hành đổi mới công nghệ.


Một câu lạc bộ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được thành lập để doanh nghiệp học hỏi nhau về cách tổ chức bộ phận nghiên cứu và phát triển hiệu quả, cách tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ. Câu lạc bộ cũng sẽ là đầu mối kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu thích hợp với doanh nghiệp.


Hy vọng chương trình hợp tác này sẽ tìm được các giải pháp kích hoạt hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.


bài và ảnh: Nguyệt Hồng






An sinh phải đi đôi với lợi nhuận!

An sinh phải đi đôi với lợi nhuận!

Cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM


An sinh phải đi đôi với lợi nhuận!


SGTT.VN - TP.HCM đang gặp bế tắc trong kế hoạch cải tạo hàng trăm chung cư cũ trên địa bàn. Nguyên nhân là do Nhà nước thiếu ngân sách, kêu gọi xã hội hoá thì doanh nghiệp không mặn mà vì không tìm ra lợi nhuận. Sở Xây dựng thành phố đã đề xuất lời giải cho những khó khăn nêu trên tại tờ trình gửi UBND TP.HCM mới đây.










Chung cư 727 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp trầm trọng.



Dân không đồng thuận, chủ đầu tư không mặn mà


Hầu hết các chung cư cũ trên địa bàn thành phố đều có vị trí đắc địa, nhưng đây cũng chính là điểm yếu khó kêu gọi đầu tư. Doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng lại các chung cư cũ rất khó tìm ra lợi nhuận do các chỉ tiêu quy hoạch mới không cho phép làm gia tăng dân số cục bộ tại những khu vực đã phát triển ổn định. Vì vậy, cho dù có xây dựng mới thì việc nâng tầng, tăng diện tích sử dụng là không đáng kể. Hơn nữa, trong việc đầu tư cải tạo chung cư cũ doanh nghiệp còn bị vướng bởi giá bồi thường quá cao, trong khi hệ số sử dụng đất hầu như không thay đổi so với hiện trạng, dẫn đến bài toán kinh tế không có hiệu quả. Điều đó lý giải vì sao một chung cư đã hư hỏng nặng, cần phải di dời khẩn cấp từ cách đây mười năm như lô IV và VI chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến nay vẫn tồn tại.


Giá đền bù thấp, vị trí tái định cư bất lợi hoặc giá quá cao cũng là nguyên nhân khiến người dân ở những chung cư xuống cấp trầm trọng cần đập bỏ vẫn không chịu di dời. Có thể kể tới các chung cư như 727 Trần Hưng Đạo, quận 5, chung cư Cô Giang, quận 1...


Gắn lợi nhuận với an sinh xã hội


Sau nhiều năm bế tắc xây lại chung cư Thanh Đa, trong buổi làm việc với quận Bình Thạnh ngày 25.9, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc sở Xây dựng TP.HCM đã thống nhất phương án: quận Bình Thạnh sẽ đứng ra di dời hai lô chung cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Người dân ở hai lô này sẽ được bố trí tái định cư tại các chung cư khác trên địa bàn quận. Sở Xây dựng cùng địa phương sẽ trình UBND TP.HCM chính sách tái định cư có lợi nhất cho người dân. Khi đã có mặt bằng sạch, UBND quận sẽ kêu gọi đầu tư để tạo quỹ nhà tái định cư cho người dân ở những lô khác của chung cư Thanh Đa theo phương thức “cuốn chiếu”, tức lấy đất của lô di dời trước để xây nhà tái định cư cho người dân ở các lô sau.


Trước đó, UBND quận 10 cũng đã kiến nghị gỡ vướng cho những dự án cải tạo chung cư cũ bằng ý tưởng: các cơ quan chức năng cho phép quận điều chỉnh quy hoạch 1/2000 để những khu vực có chung cư cũ được phép tăng dân số, tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng, đảm bảo cho nhà đầu tư có lợi nhuận. Mặt khác, để “bù” cho khoản tăng dân số ở những khu vực có chung cư cũ cần xây mới và cân bằng số dân của địa phương, UBND quận đề xuất giảm chỉ tiêu dân số ở những khu dân cư hiện hữu bằng cách xoá bỏ những quy hoạch chung cư “khoét lõm” tại các khu dân cư hiện hữu.


Căn cơ hơn, trong Kế hoạch cải tạo, xây dựng các chung cư cũ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015 vừa được sở Xây dựng trình UBND thành phố, sở Xây dựng đã kiến nghị nhiều chính sách để ưu đãi các nhà đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp khi tham gia cải tạo chung cư cũ sẽ được phép huy động vốn để xây nhà ở trong phạm vi dự án. Thậm chí, nếu các dự án có hiệu quả đầu tư thấp thì sau khi đã bố trí tái định cư cho người dân, quận – huyện sẽ chỉ định bổ sung cho chủ đầu tư một dự án khác có hiệu quả đầu tư cao hơn nhằm bù đắp phần nào lợi nhuận. Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ được áp dụng thuế suất doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, được miễn thuế trong bốn năm từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo. Dự án còn được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Chủ đầu tư được phép vay vốn (không vượt quá 70% giá trị xây lắp và thiết bị của dự án) từ quỹ Phát triển nhà ở, hỗ trợ vốn đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án và hạ tầng xã hội bên trong dự án.


bài và ảnh: Vũ Nguyên






Kinh tế vẫn trên đường gập ghềnh

Kinh tế vẫn trên đường gập ghềnh

Kinh tế vẫn trên đường gập ghềnh


SGTT.VN - Kinh tế vĩ mô, dù đã có một số tín hiệu cải thiện, như tăng trưởng GDP tăng dần qua các quý, tiêu dùng dân cư tăng, vốn đầu tư cao… song rủi ro, thách thức vẫn lớn, trong đó đáng ngại là lạm phát có nguy cơ trở lại, nợ xấu vẫn cao, tiền nhiều không cho vay được…











Những thách thức


Theo tổng cục Thống kê, chín tháng đầu năm 2013, tăng trưởng GDP của nền kinh tế đạt 5,14%, trong đó riêng quý 3 đạt 5,54%, cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế qua từng quý (quý 1 và quý 2 tăng lần lượt là 4,89% và 5%; chín tháng cùng kỳ đạt 5,1%). Một số dấu hiệu tích cực khác, tiêu dùng của dân cư chín tháng năm 2013 tăng 5,34% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2011 và 2012 chỉ tăng lần lượt là 4,4% và 4,59%); vốn đầu tư thực hiện, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước và ở mức 31,2% GDP...


Tuy nhiên, bên cạnh một vài dấu hiệu tích cực kể trên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Theo đó, chỉ số giá cả (CPI) tháng 9 tăng 1,05% so với tháng 8, tính chung lại trong chín tháng tăng 6,3% so với cuối năm 2012. Theo thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Trần Du Lịch, nguy cơ lạm phát trở lại vẫn rình rập bởi những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết. Ông Lịch cũng bày tỏ e ngại trước tình trạng nợ xấu chưa cải thiện, thừa tiền thiếu vốn kéo dài, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản cũng chưa thể mang lại kết quả nên thanh khoản khó được cải thiện, thâm hụt ngân sách do nguồn thu thấp hơn kế hoạch…


Xuất nhập khẩu – lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế trong một vài năm trở lại đây, thì nay khá “phập phù”. Theo đó, tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu thặng dư nhẹ 176 triệu USD – theo thống kê của tổng cục Hải quan, thì đã chuyển sang thâm hụt 226 triệu USD, tính đến hết ngày 15.9 (riêng trong 15 ngày đầu tháng 9, cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam thâm hụt 374 triệu USD).


Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng chung góc nhìn kém lạc quan, khi nhận xét, quỹ đạo cũ của nền kinh tế vẫn còn nguyên, dư địa chính sách ít. Ông Thiên chỉ ra bốn thách thức ngắn hạn nền kinh tế đang phải đối diện là nguy cơ tái lạm phát cao, kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm; tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài; khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại; những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện kéo theo việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.


Tín dụng tăng chậm làm nợ xấu tăng


Chánh thanh tra ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng thừa nhận, dư nợ tín dụng tăng chậm cũng là nguyên nhân làm tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ tín dụng tăng liên tục từ 4,08% cuối năm 2012 lên 4,64% vào tháng 8.2013.


Theo đó, tám tháng đầu năm 2013, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng hơn 20,15% so với cuối năm 2012, và tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2012.


Ông Nghĩa cũng cho biết, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu. Trong năm 2012 và tám tháng đầu năm 2013, ước tính các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng rủi ro.


Trả lời về khả năng giảm lãi suất, đại diện lãnh đạo vụ Chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước cho rằng, tính đến hết tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 9 – 12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006. Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 7 – 9%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 – 11%/năm.


Mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh, song tín dụng đầu ra vẫn ì ạch trong khi dòng vốn vẫn dồi dào đang là thách thức lớn với hệ thống ngân hàng. Cũng theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 9.2013, tiền gửi VND của dân cư tăng 13,78% so với cuối năm 2012. Dư vốn, nhiều ngân hàng buộc phải chấp nhận cho vay liên ngân hàng với mức lãi suất thấp, nhiều kỳ hạn chỉ bằng một nửa so với trần lãi suất huy động.


Thảo Nguyễn









Theo báo cáo kinh tế vĩ mô được uỷ ban Kinh tế Quốc hội dẫn lại tại diễn đàn Kinh tế mùa thu đang tổ chức tại Huế, trong trường hợp kiên định mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô trong toàn bộ giai đoạn 2013 – 2015, nhiều khả năng kịch bản tăng trưởng thấp sẽ xảy ra. Dự báo, GDP năm 2013 sẽ 4,92%, năm 2014 là 5,17% và 2015 là 5,33%. Lạm phát năm 2013 có thể trong khoảng 7,32 – 8,84%. Còn năm 2014 và 2015, dự báo lạm phát ở mức 7,81% và 8,4%.







Ngụp lặn thu hoạch lúa vụ 3

Ngụp lặn thu hoạch lúa vụ 3

Đồng Bằng Sông Cửu Long


Ngụp lặn thu hoạch lúa vụ 3


SGTT.VN - Do mưa kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày qua đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa vụ 3 ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ đang vào kỳ thu hoạch rộ. Dù mực nước trên các sông chính vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xuống chậm theo triều, nhưng vẫn không t hể cứu nông dân khỏi cảnh ngụp lặn để thu hoạch mót những bông lúa còn sót lại trên nhiều cánh đồng đang trong cảnh bị ngập sâu.










Gặt mò trong đáy nước.



Gặt mò


Trời tiếp tục đổ mưa trên những đồng lúa chín vàng nằm ven quốc lộ 61B thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang bị ngập nước. Trong lúc đó, ông Lê Văn Lực (Út Lực) đang thuê nhân công vớt từng bông lúa đã gục sâu trong nước với hy vọng vớt vát những gì còn sót lại sau chuỗi ngày mưa liên tục. “Lúa này giờ chỉ còn bán được cho mấy người nuôi vịt, coi như phủi tay”, ông Lực nói. Hiện giá lúa IR 50404 “cắt ngầm” (lúa chìm trong nước) chỉ khoảng 3.000 – 3.100 đồng/kg, tương tự lúa hạt dài cũng chỉ khoảng 3.600 – 3.700 đồng/kg.


Tại xã Đông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), nước đang ngập sâu thêm từng ngày. Phần lớn diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch đã bị ngập hơn nửa thân lúa, nên máy gặt liên hợp chỉ còn biết nằm bờ “nhìn” nông dân “lặn hụp” dưới đồng nước cùng những bó lúa sũng ướt. “Vụ này, nông dân đành chịu ăn một nửa, bỏ một nửa. Nếu cắt sâu để lấy luôn cả những bông lúa đã ngâm vài ngày trong nước, những hột lúa hư lẫn lộn sẽ lây cả những phần lúa còn nhóng cao hơn mặt nước khi đựng chung trong bao”, nông dân Nguyễn Minh Phước ở ấp Đông Giang (xã Đông Bình) phân tích.


Ở tỉnh Vĩnh Long, do mưa suốt nhiều ngày liền, đã làm cho những cánh đồng lúa nằm kẹp giữa sông Cổ Chiên – sông Hậu. Do đó, nông dân Lê Văn Năm ở huyện Trà Ôn đã phải “năn nỉ” chủ máy liên hợp gặt đập cho máy cắt lúa vào làm việc ngay cả ban đêm nếu trời không mưa. “Làm lúa ban đêm chắc chắn sẽ thất thoát lúa nhiều hơn ban ngày, nhưng thà vậy mà có lúa tốt, còn hơn để nó hư hết ngoài ruộng vì mưa dầm”, ông Năm tính toán.


Thiệt hại kép


Hôm trước đợt mưa bão, theo đánh giá của nông dân về lúa vụ 3 ở xã Đông Bình (Thới Lai – Cần Thơ), năng suất vụ này đạt khoảng 5 – 5,2 tấn/ha, giá lúa tươi hạt dài lúc đó khoảng 4.600 – 4.800 đồng/kg, tính ra, nông dân kiếm lời gần 1 triệu đồng/công lúa (1.000m2). Tuy nhiên, hiện nay, chi phí cho giá nhân công thu hoạch lúa bằng thủ công khoảng gần 1 triệu đồng, gấp gần ba lần giá thuê máy gặt đập liên hợp. Hiện tại, giá lúa tươi hạt dài được thương lái mua giá 4.000 – 4.200 đồng/kg, nhưng hầu hết thương lái đã tạm ngưng mua lúa tươi tại các cánh đồng đang thu hoạch thủ công với lý do các lò sấy đã quá tải. Do vậy, nếu thu hoạch trong đợt này, nông dân phải tự làm khô lúa và tự lo việc tồn trữ. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất thoát lúa chắc chắn sẽ tăng và lúa hàng hoá sẽ giảm chất lượng và bị rớt giá thảm hại.


Ở tỉnh Đồng Tháp, hệ thống máy bơm tiêu úng tại những vùng sản xuất lúa vụ 3 ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự… hiện đang hoạt động ngày đêm để bảo vệ lúa vụ 3. Do nhiều trà lúa ở những vùng này chỉ mới ở thời kỳ làm đòng, nên nếu cộng thêm chi phí cho việc bơm tiêu nước sẽ làm giá thành hạt lúa tăng cao, nông dân chắc chắn sẽ không còn lãi được bao nhiêu qua việc trồng lúa vụ 3.


Nếu so với mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc cùng kỳ này năm 2011 đều đã vượt báo động 3 khoảng 20cm, mực nước lũ năm nay ở thượng nguồn vẫn còn thấp hơn khoảng 1m, nhưng thiệt hại của nông dân ở vùng hạ lưu năm nay lại đến sớm hơn, “liệu khi vào lũ chính vụ, lượng nước có đổ về nhiều hơn, gần phân nửa diện tích lúa vụ 3 còn lại chưa thu hoạch có hy vọng kiếm ăn được?”, trưởng ấp Đông Giang (xã Đông Bình, Thới Lai, Cần Thơ) lo ngại. Nhưng ngay trong lúc này ở Hậu Giang, “lúa vụ 3 năm nay từ lỗ tới… lỗ”, ông Út Lực,nông dân huyện Châu Thành A đoan chắc như vậy.


bài và ảnh Ngọc Tùng









Mực nước đầu nguồn tiếp tục tăng


Thông tin từ ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, mực nước khu vực đầu nguồn vùng ĐBSCL đang tiếp tục tăng, mực nước thực đo trên sông Tiền tại Tân Châu hôm qua (26.9) đã xấp xỉ mức 3,7m, vượt báo động 1: 20cm; trên sông Hậu tại Châu Đốc cũng xấp xỉ mức báo động 1 (3m). Dự báo của đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước vùng đầu nguồn tiếp tục tăng và có thể đạt 3,8m tại Tân Châu và 3,1m tại Châu Đốc vào cuối tháng 9 này. Vùng hạ lưu được dự báo mực nước giảm nhẹ theo triều, nhưng sẽ tăng trở lại trong vòng vài ngày tới.







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ