Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Khô tết An Giang không sợ đụng hàng

Khô tết An Giang không sợ đụng hàng

Khô tết An Giang không sợ đụng hàng


SGTT.VN - Sản xuất cá khô thì ở đâu cũng có, nhưng ở vùng đầu nguồn An Giang, có những loại khô mang hương vị rất đặc trưng mà người sành ăn buộc phải săn lùng mới mua được. Đó là những loại khô cá đồng, chỉ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu cá tự nhiên.










Quá trình làm khô cũng bằng nguồn nhiệt từ nắng tự nhiên.



Bí quyết 1: Nguyên liệu tự nhiên, không dùng hoá chất


Đặc sản khô ở An Giang rất nhiều loại, nhưng “hàng độc” thì không nhiều! Đó là khô cá lóc, khô cá sặt rằn, khô rắn và gần đây là khô lươn.


Làng khô xã Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu có 15 cơ sở chuyên sản xuất hai loại khô cá lóc và cá sặt rằn. Việc sản xuất khô ở đây đã có từ thời Pháp thuộc, nhưng gần đây mới làm thương mại mạnh mẽ. Sản phẩm trước đây chủ yếu được bán về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Nay các hoạt động xúc tiến thương mại của UBND tỉnh An Giang đã đưa các sản phẩm này vào kênh phân phối của các siêu thị.


Mỗi ngày, ước có cả tấn cá nguyên liệu được đưa vào chế biến. Do lợi thế là địa bàn biên giới nên nguồn cá nguyên liệu được thu mua từ khai thác tự nhiên bên Campuchia đem về. Tư Nửa, chủ một cơ sở sản xuất khô cá đồng ở Tân Châu, đoan chắc: “Không bao giờ có chuyện cá nhiễm kháng sinh hay các chất độc hại khác”. Việc chế biến khô cũng rất “sơ khai”. Ông Ba Vớn, chủ một cơ sở, công khai quy trình: “Con cá sau khi làm sạch chỉ được ướp với muối và chút bột nêm cho “dịu” mặn, phơi hai nắng rồi đóng bao bì thành phẩm, do đó vẫn giữ được chất ngọt ngào và hương vị tự nhiên của cá”. “Công nghệ” chế biến có vẻ “cổ lỗ sĩ” này chỉ còn sót lại ở An Giang nhưng được người tiêu dùng tán thưởng. Cái gu ẩm thực của “bá tánh” giờ đây cũng lắt léo, chủ cơ sở Hai Phiến nói rằng: “Nhiều người thích ăn khô cá lóc được chế biến từ con cá ở tuổi “dậy thì””. Theo Hai Phiến, lớp người tiêu dùng này quan niệm: cá “dậy thì” tràn trề nhựa sống, vì đây là giai đoạn mà cá tích luỹ dinh dưỡng để sinh sản, nên nếu ăn cá ở tuổi này là “đại bổ”! Chính vì vậy, loại khô cá lóc có trọng lượng lớn (khoảng năm con khô/kg) chỉ là hàng xoàng, khô cá lóc tuổi “teen” mới là thứ dữ, có nơi giá bán lên tới 300.000 đồng/kg.










Nguyên liệu cá đồng được xử lý theo phương pháp thủ công.



Bí quyết 2: “Hàng độc” nên ăn khách


Ở hai xã biên giới khác là Khánh Bình, Khánh An thuộc huyện An Phú cũng có hai làng nghề với hơn 20 cơ sở chuyên sản xuất khô cá lóc và cá sặt rằn. Cái đặc biệt ở đây là ngoài “công nghệ” tẩm ướp cá kiểu hoang dã như ở Vĩnh Xương thì nguyên liệu làm khô lại là con cá lóc bông. Tiêu chuẩn để được chọn làm nguyên liệu cũng phải là cá thiên nhiên – một loài đặc hữu của sông Mekong, có nhiều ở khu vực thượng nguồn, thuộc Campuchia. Thịt cá lóc bông sớ to, dai và dày. Nếu chế biến thành khô 1 – 2 nắng, khi ăn có vị ngọt đậm, cơ thịt săn chắc như thịt gà! Đây là loại khô “quý tộc” giá 1kg loại 1 không dưới 200.000 đồng.


Đặc sản Khánh Bình, Khánh An (An Phú), Vĩnh Xương (Tân Châu) còn có một loại khô khó “đụng hàng” với những nơi khác là khô rắn. Khô rắn được làm từ các loại rắn đồng như rắn nước, rắn bông súng, rắn râu… Nguồn nguyên liệu rắn cũng thu mua từ các tay săn bắt rắn thiên nhiên trong vùng và từ Campuchia chuyển sang nên các cơ sở chế biến hoàn toàn yên tâm với yêu cầu nguyên liệu “sạch”.


Con rắn sau khi lột da, làm sạch được cán mỏng ghép vào nhau tạo thành miếng cỡ bàn tay rồi tẩm ướp gia vị, phơi khô dưới nắng tự nhiên, đóng gói. Người sành ăn rất khoái khô rắn vì dai, ngọt và quan niệm “ăn nên thuốc”! Khô rắn nướng lèo chấm nước mắm me hay làm gỏi ngó sen là món khai vị “hàng hiệu” chỉ dành để đãi khách, giá cả cũng mềm, khoảng trên 150.000 đồng/kg.


Thời của cạnh tranh, sát phạt nên sản xuất cái gì ra cũng đụng hàng, chen chân vào thị trường là bị đánh cho tơi tả, sập tiệm. Nhưng nhờ các “nghệ nhân” vùng đầu nguồn An Giang làm ra gói khô đặc sản mang phong vị riêng của mình, tự tạo cho mình một phân khúc thị trường với triết lý: “hữu xạ tự nhiên hương”.


Ngoài các loại khô lạ kể trên, gần đây nhiều hộ còn sáng kiến sản xuất loại khô lươn, khô cá sấu. “Cá sấu thịt nhiều phen rớt giá thê thảm, chi bằng sau khi lột da bán cho các công ty chế biến hàng mỹ nghệ, thịt chân và đuôi bán vào nhà hàng, số còn lại đem làm khô bán ra thị trường”, ông Phát, chủ cơ sở cá khô Đức Phát (Vĩnh Xương, Tân Châu) tính toán. Bà Bùi Thị Dung, giám đốc trung tâm Khuyến công An Giang, người sâu sát với các sản phẩm làng nghề của tỉnh này cho rằng, để có giấy “thông hành” cho các sản phẩm khô cá đồng tham gia thị trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi phải có sự phối hợp kiểm tra, kiểm nghiệm thường xuyên của nhiều ngành: nông nghiệp, y tế, công thương… Có như vậy, những cư dân làng nghề như ông Minh Hiển (huyện An Phú) mới có thể tự tin cho rằng sản phẩm xứ mình không mang độc tố!


bài và ảnh: Ngọc Tùng






Gà chín cựa xuất hiện ở Hội chợ Tết Hà Nội

Gà chín cựa xuất hiện ở Hội chợ Tết Hà Nội
Gà chín cựa xuất hiện ở Hội chợ Tết Hà Nội

SGTT.VN - Khu trưng bày “đặc sản tiến Vua” như gà chín cựa, gà Đông Tảo, chim sâm cầm… sẽ xuất hiện tại hội chợ xuân Hà Nội.


Mở cửa từ ngày 18.1, Hội chợ xuân 2014 (Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội) năm nay có khu trưng bày sản vật tiến vua.










Gà chín cựa không chỉ có trong truyền thuyết. Ảnh:



Đây là một không gian đặc biệt quy tụ những đặc sản quý hiếm của các vùng miền như: chim sâm cầm, gà Đông Tảo, gà chín cựa, chim trĩ, chim công, vịt uyên ương, các loại gạo đặc sản... cùng các trò chơi truyền thống .

Nổi bật của hội chợ lần này là sự tham gia của đông đảo của các sản phẩm địa phương và các đặc sản vùng miền như: Các loại trái cây Nam bộ (xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Cao Lãnh, bưởi da xanh Tây Ninh, bưởi Năm Roi, kẹo dừa Bến Tre, vú sữa…); Thủy hải sản như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang, Phan Thiết.


Các sản phẩm nổi tiếng từ địa phương như hành tỏi Lý Sơn, chè Tân Cương, cam sành Hàm Yên, rượu chít, rượu táo mèo… cùng hàng trăm loại lương thực thực phẩm, ẩm thực ba miền phục vụ nhu cầu thưởng thức ngay tại hội chợ. Ngoài ra tại hội chợ còn có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm làng nghề cùng hoa cây cảnh như mai vàng, hoàng lan, địa lan…


Ông Trần Văn Tân, giám đốc Trung tâm Hội chợ cho biết: “Những mặt hàng có mặt tại hội chợ đều có nguồn gốc rõ ràng. Chẳng hạn như gà Đông Tảo, ban tổ chức đã cử người đích thân đến tận nơi để kiểm tra có phải gà xịn hay không, do đó khách hàng đến với hội chợ có thể yên tâm mua sắm”.


Infonet.vn






Thưởng Tết bằng tương ớt

Thưởng Tết bằng tương ớt

Thưởng Tết bằng tương ớt


SGTT.VN - Một công ty ở TP HCM vừa quyết định thưởng cho mỗi nhân viên thùng tương ớt ăn Tết, riêng lãnh đạo sẽ nhận 2 thùng.


Làm việc cho công ty này đã 3 năm, nhưng đây là lần đầu tiên, Thi và các đồng nghiệp được thưởng Tết bằng hiện vật. Cả năm nay, công ty của chị không ký nhiều hợp đồng nên doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh. Bản thân nhân viên cũng không được xem xét lên lương định kỳ như mọi năm. Chuyện thưởng Tết sẽ giảm là điều ai cũng đoán biết trước, nhưng khi nghe lãnh đạo thông báo "khoản thưởng" là tương ớt, ai nấy đều bất ngờ. Lô hàng tương ớt này do một đối tác tặng cho doanh nghiệp, và giờ đây nó trở thành quà cho nhân viên.


Công ty có khoảng 40 người, mỗi nhân viên sẽ nhận một thùng, còn lãnh đạo hưởng 2 thùng. "Phải chi thùng mỳ tôm, hay thùng bánh hoặc sữa sẽ hữu dụng hơn, vì tôi không thích ăn cay", Thi chia sẻ. Còn nếu mang về quê làm quà cho gia đình thì chi phí vận chuyển còn cao hơn giá trị của "phần quà". Các chị cùng phòng với Thi bàn nhau mang ra bán lại cho các tiệm tạp hóa, lấy lại đồng nào hay đồng nấy.










Một doanh nghiệp ở TP HCM thưởng Tết cho nhân viên bằng tương ớt. Ảnh:



Năm 2013, doanh nghiệp này nhiều lần cắt giảm nhân sự khi tình hình kinh doanh ngày càng sa sút. Trong thông tin hỗ trợ Tết cho nhân viên, vị lãnh đạo mong mọi người "chia sẻ khó khăn" với công ty và cùng nhau vượt qua giai đoạn thách thức này. Bản thân công ty cũng không còn dư dả khoản tiền nào để bồi dưỡng thêm cho nhân viên nên phải lấy quà của đối tác tặng lại cho người lao động. Lãnh đạo cũng tiết lộ sang năm nay, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ kêu gọi được vốn đầu tư từ bên ngoài vực dậy chuyện làm ăn.


"Tôi cũng đang cân nhắc tìm việc khác, vì thu nhập hiện tại quá bấp bênh. Tết này chẳng biết xoay sở ra sao khi biết bao khoản chi cần đến tiền", Thi nói.


Cách đây vài ngày, một công ty ở quận 9, TP HCM thông báo thưởng Tết cho mỗi nhân viên túi quà gồm 3 món: bột ngọt, hạt nêm và hộp lạp xưởng, trị giá khoảng 300.000 đồng. Nhận trọng trách gói ghém sao cho đủ số tiền định mức mà ban giám đốc đã duyệt, Nga, kế toán công ty chia sẻ, năm ngoái mỗi phần quà có giá trị 500.000 đồng nên ngoài thực phẩm, còn có rất nhiều bánh mứt, nhưng năm nay chị cắt hẳn phần này.


“Lãnh đạo quyết định giảm giá trị giỏ quà Tết 200.000 đồng nên thay vì mua thêm bánh kẹo chia cho nhân viên, chúng tôi tập trung vào thực phẩm để giúp mọi người tiết kiệm chi phí mua gia vị. Năm nay tình hình kinh doanh rất khó khăn, có quà là vui rồi”, chị chia sẻ. Bởi theo dự kiến ban đầu, mỗi nhân viên chỉ có thể hưởng phần quà trị giá 150.000-200.000 đồng, nhưng nhìn mỗi gói quà lèo tèo vài món hàng, ban lãnh đạo quyết định trích thêm một ít để mọi người hưởng cái Tết ấm áp hơn.


Hạnh, nhân viên một công ty bất động sản ở quận 2 thì cầm chắc khả năng không có thưởng vì công ty đã có quyết định cuối cùng. Ngày nghỉ Tết của chị cũng dài hơn quy định của Nhà nước do đã hết dự án triển khai, mà những ngày đầu sau Tết cũng chẳng có việc gì để làm. "Chúng tôi tự an ủi nhau mình cũng có thưởng Tết, đó là những ngày nghỉ kéo dài tới rằm tháng Giêng", chị kể.


Kinh doanh thua lỗ nên đây cũng là năm đầu tiên không ty chị Hạnh không tổ chức tiệc tất niên cho mọi người chung vui dịp cuối năm, trước khi về quê đón Tết cùng gia đình.


Theo VnExpress






Lại một bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm Quinvaxem

Lại một bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm Quinvaxem

Lại một bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm Quinvaxem


SGTT.VN - Chiều 15.1, bác sỹ Bùi Xuân Thanh, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết bé trai T.L.N, hơn 2 tháng tuổi, là con của chị L.T.N.H, trú tại thành phố Đà Lạt đã tử vong sau khi có phản ứng nặng khi được tiêm vắcxin Quinvaxem vào ngày hôm trước.


Trước đó, sáng 14.1, bé N. được người nhà đưa đi tiêm vắcxin Quinvaxem 5 trong 1 tại trạm y tế phường 7, Đà Lạt.


Sau khi về nhà, bé có biểu hiện quấy khóc và được người nhà đưa đi kiểm tra tại trạm y tế phường 7 chiều cùng ngày.


Thấy sức khỏe bé N. ổn định nên bác sỹ cho bé về.










Tiêm vắcxin Quinvaxem. Ảnh: Phương Vy/TTXVN



Đến sáng 15.1, bé N. bị tím tái, bỏ bú, quấy khóc nên tiếp tục được đưa đến Trạm Y tế phường kiểm tra. Sau khi sơ cứu, các bác sỹ đã chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.


Theo bác sỹ Bùi Xuân Thanh, bé N được đưa đến cấp cứu trong tình trạng rất nặng, tim đập rất yếu, choáng nặng, ngưng thở, tiên lượng khó qua khỏi.


Dù được bác sỹ tích cực cứu chữa nhưng tình trạng sức khỏe của bé N không tiến triển, khoảng 15 giờ ngày 15/1, bé đã được gia đình đưa về nhà lo hậu sự.


Chiều cùng ngày, bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết đã báo cáo vụ việc đến Bộ Y tế và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hướng xử lý.


Đồng thời ngay khi nhận thông tin bé N phản ứng nặng sau khi tiêm vắcxin "5 trong 1" và tiên lượng khó qua khỏi, Sở Y tế đã yêu cầu các địa phương ngừng tiêm lô vắcxin này để chờ ngành chức năng kiểm tra, xử lý.


TTXVN






Sáng kiến phòng chống tham nhũng VACI: Đại đa số hoàn thành mục tiêu

Sáng kiến phòng chống tham nhũng VACI: Đại đa số hoàn thành mục tiêu

Sáng kiến phòng chống tham nhũng VACI: Đại đa số hoàn thành mục tiêu


SGTT.VN - Trước câu hỏi đánh giá hiệu quả các dự án đoạt giải Sáng kiến phòng chống tham nhũng (VACI) đến nay, ông Ngô Mạnh Hùng, phó cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, mới đánh giá được VACI 2011 và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.










Hội thảo Giới thiệu và định hướng nội dung tham gia chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng 2014. Ảnh: V.A



Ông Hùng nói tại hội thảo Giới thiệu và định hướng nội dung tham gia chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng 2014 tại Thái Nguyên ngày 15.1, do TTCP phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) phối hợp tổ chức.


Ông Hùng cho hay, có những dự án có phạm vi lan tỏa khắp cả nước, ngoài phạm vi kiểm soát. Ví dụ như dự án khảo sát khách hàng tự động tại 7 bệnh viện do công ty Hưng Gia (TP HCM) thực hiện. Sau khi các bệnh viện góp quỹ thực hiện thì số bệnh viện có hệ thống xếp hàng tự động tăng lên.


Trước đó, ông Hùng giới thiệu chương trình VACI 2014 với chủ đề “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình”. Hạn chót nhận bài dự thi là ngày 21.3.2014.


Đại diện này cũng nhấn mạnh, tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng. Tham nhũng nhỏ, nhũng nhiễu, chi phí không chính thức diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.


Việt Anh






Khi Nhân Ái làm nảy mầm sự sống

Khi Nhân Ái làm nảy mầm sự sống

Khi Nhân Ái làm nảy mầm sự sống


SGTT.VN - Cách TP.HCM hơn 200km, dù mang một cái tên thật đẹp, nhưng chẳng biết từ khi nào bệnh viện Nhân Ái (thuộc sở Y tế TP.HCM) lại được ví là “mảnh đất chết”. Vì đây là nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, hay đây là nơi đèo heo hút gió, trưa nóng chan chát, tối lại lạnh giá?










Buổi chiều yên bình ở bệnh viện Nhân Ái, ở đây bệnh nhân sống chan hoà, nâng đỡ nhau. Ảnh: Vân Sơn



Gặp tôi ngày 11.1, cô chuyên viên tư vấn tâm lý của bệnh viện có cái tên ngộ nghĩnh, Nguyễn Thị Thư Tình, vừa cười vừa nói: “Giới truyền thông có nhiều bài viết rất hay về nơi đây, nhưng họ lại dùng một số cách nói khiến chúng tôi lo ngại như “mối tình trên vùng đất chết”, “nơi không có bệnh nhân xuất viện”. Đây là bệnh viện như mọi bệnh viện, có khác gì đâu. Có bệnh nhân tử vong, nhưng cũng có người xuất viện”.


Nơi cuộc sống mới bắt đầu


Thư Tình nói đúng. Trước đó, bác sĩ Nguyễn Thành Long, giám đốc bệnh viện, cho tôi biết, nếu năm 2012 trong 795 lượt bệnh nhân được bệnh viện tiếp nhận và điều trị nội trú, có 370 bệnh nhân ra viện (chiếm 46,5%), thì năm 2013 con số này là 494/919 (53,7%). Ngoạn mục không kém, năm 2012 bệnh viện có 118/795 bệnh nhân tử vong (chiếm 14,8%), nhưng năm qua con số đó giảm còn 89/919 (9,6%). Bác sĩ Long nói: “Đây là nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối thật, nhưng không phải là nơi cuối đời của họ mà là nơi khởi đầu cho một cuộc sống mới, cuộc sống không phân biệt, không kỳ thị”.


Chiều ngày 10.1, trên đường dẫn thành viên câu lạc bộ Phóng viên y tế TP.HCM xuống khoa, Thư Tình nói: “Trừ một số bệnh nhân khoa săn sóc đặc biệt, những bệnh nhân còn lại như mọi người bình thường. Người khoẻ mạnh được huy động làm vườn, quét sân, phân phối suất ăn, trồng rau, chăn nuôi”.


Tựa vào góc tường của khoa nội B, ông Mạnh (*) nở nụ cười thật hiền khi thấy tôi từ xa. Nhìn bên ngoài, nếu không nói ra, có lẽ không ai biết ông là bệnh nhân AIDS, bởi thân hình ông khá rắn rỏi và săn chắc. Năm nay 67 tuổi, ông cho biết mình có đến 30 năm chơi ma tuý.


Năm 2008, ông nhiễm HIV rồi chuyển sang AIDS không lâu sau đó. Năm 2010, ông được đưa đến bệnh viện Nhân Ái vì cơ thể quá suy kiệt. “So với lúc vào, giờ ông khoẻ nhiều chưa?”, tôi hỏi. Ông hồ hởi nói: “Khoẻ chứ, ngày nào tôi cũng đi lao động, ăn uống được, chẳng sợ gì cả. Lúc mới vào tế bào CD4 của tôi chỉ được 80 con/mm3, nhưng giờ lên đến gần 300 con/mm3 rồi”.


Được bác sĩ chữa mạnh khoẻ, ông Mạnh bảo giờ đây không còn nuối tiếc gì ở cuộc đời này. Có chăng, ông hơi buồn vì gia đình không còn ai quan tâm. Ông cười buồn: “Năm đầu vào đây, các con tôi thi thoảng còn vào thăm. Năm sau, từ khi tôi bán miếng đất bà nội để lại chia cho chúng, giờ chẳng còn đứa nào thăm nom”.


Không có người thân quan tâm, nhưng bên ông luôn có sẵn những y bác sĩ của bệnh viện Nhân Ái và cả những người chung hoàn cảnh trong bệnh viện chia sẻ. “Tôi có một quá khứ không hay, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Ở đây tôi không cô đơn, sống có ích để chuộc lại lỗi lầm của mình xưa kia”, ông Mạnh nói. Ngày ngày, ông làm vườn, chăn nuôi, ai nhờ gì làm nấy, rồi ông còn tham gia nhóm đồng đẳng để tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân khác. Đúng là bắt đầu một cuộc sống mới.


Đi tìm sự phát triển bền vững


Rộng 170ha, nằm trên một ngọn đồi trải dài hơn 1,5km thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, bệnh viện Nhân Ái bình yên, xinh đẹp không khác gì khu nghỉ dưỡng vì một bên là rừng, một bên là con đường dẫn xuống lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ.


Tối ngày 10.1, ngồi hóng mát với tôi tại khoảnh sân trước khoa cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Thành Long tâm sự: “Ở đây chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí bệnh nhân AIDS hộ khẩu TP.HCM giai đoạn cuối. Có được cơ ngơi ngày nay là nhờ sự quan tâm rất lớn của UBND TP.HCM và sở Y tế TP.HCM. Nhưng có điều xã hội còn ít người biết đến nơi đây quá”. Băn khoăn của ông Long có cơ sở, vì thỉnh thoảng mới có đoàn đến thăm và hỗ trợ vật chất. Tất cả hỗ trợ này được dồn cả cho bệnh nhân vì chế độ ăn mỗi người quá thấp, chỉ 15.000 đồng/ngày. Ngoại trừ một công ty dầu ăn cam kết tặng một năm miễn phí sản phẩm, những hỗ trợ khác khá bấp bênh. Bệnh nhân AIDS đều suy yếu miễn dịch, rất cần dinh dưỡng, kiến nghị tăng khẩu phần ăn lên 30.000 đồng/ngày chưa biết khi nào được UBND TP.HCM chấp thuận.


Thiếu thốn vật chất, nhưng bệnh viện Nhân Ái luôn tràn đầy tình người. Nhân viên ở đây chỉ vài người sống ở Bình Phước, còn lại từ nhiều địa phương khác nhau đến. Gần nhất là TP.HCM, xa hơn có Lâm Đồng, Ninh Thuận, thậm chí là Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình. Nguyên nhân đến đây làm việc không ai giống ai, nhưng tất cả đều có chung tấm lòng yêu thương bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thành Long nói: “Ai vào làm ở đây cũng đều gắn bó, rất ít người bỏ việc hay chuyển công tác. Nhưng do điều kiện làm việc đặc biệt, việc tuyển người rất khó khăn. Chúng tôi phải tự cử nhân viên tại chỗ đi học bác sĩ chuyên tu, cử nhân xét nghiệm, dược sĩ đại học, bác sĩ chuyên khoa”.


Không chỉ tự đào tạo con người, ở bệnh viện Nhân Ái còn có mô hình tự xử lý nước thải bằng lau sậy rất thú vị, dự án thí điểm do UBND TP.HCM và sở Khoa học và công nghệ TP.HCM phê duyệt vào năm 2012. Nước thải bệnh viện, vốn chứa nhiều mầm bệnh nguy hại, được dẫn vào các ô đất trồng lau sậy nhập về từ Đức. Ở đây, nước thải được bộ rễ lau sậy lọc thành loại nước không độc hại và thải ra ngoài theo tự nhiên. Với cách này người ta không cần đầu tư máy móc, điện, hoá chất, bền vững với môi trường mà lại tiết kiệm được chi phí vận hành. Nếu thành công, dự án có thể triển khai ở những cơ sở y tế có nhiều đất.










Mảnh đất trồng thí điểm lau sậy để lọc nước thải, nếu thành công đây là một dự án bền vững môi trường.



Lòng nhân ái nảy nở


“Một số tổ chức nước ngoài có thể chỉ trích cách điều trị bệnh nhân AIDS như thế này, nhưng nếu đến đây chứng kiến, có thể họ thay đổi suy nghĩ, vì cách làm này rất nhân văn”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM, có mặt cùng chúng tôi trong chuyến đi nhận xét như thế.


Nhân văn thật, vì bệnh nhân không chỉ được điều trị miễn phí, mà còn hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc. Nhưng tôi tin có lẽ không nhiều bệnh nhân của bệnh viện Nhân Ái muốn về với xã hội bên ngoài, vì ở đây họ được sống chan hoà, yêu thương, nâng đỡ, và đặc biệt, nếu tuân thủ điều trị, bệnh sẽ giảm ngoạn mục.


Xuân là một trường hợp như thế. Năm nay 27 tuổi, nhỏ nhắn, xinh đẹp, cô cho biết khi nhập viện bệnh viện Nhân Ái cách đây hai năm, cô thật sự trong cảnh “thập tử nhất sinh”. Xuân nói: “Khi đó em nằm ở khoa săn sóc đặc biệt, còn ba tế bào CD4/mm3, nặng 30kg, mê sảng, da bọc xương, chỉ muốn ra đi thanh thản”. Nhưng sau một thời gian tuân thủ điều trị, giờ đây Xuân khoẻ ra không ngờ. Cô cho biết, mình đã lên được 42kg, tế bào CD4 tăng lên được 166 con/mm3!


Tối 10.1, trong buổi giao lưu văn nghệ với các thành viên câu lạc bộ Phóng viên y tế TP.HCM, Xuân và một bệnh nhân đã hát tặng mọi người nhạc phẩm Yêu nhau chưa chắc sống cùng nhau. Tôi hỏi: “Sao em chọn bài hát buồn vậy?”. Xuân trả lời: “Em hát để giải toả nỗi buồn. Nhưng em không buồn lâu đâu. Ngủ một giấc là quên hết tất cả. Sống ở đây thật vui, không ai bị kỳ thị, phân biệt cả”.


Vậy đó, bệnh viện Nhân Ái đâu phải là “mảnh đất chết”, cũng chẳng phải là nơi “đặt dấu chấm hết cuộc đời”, “hạnh phúc muộn màng” dành cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bởi nhiều người trong số họ đã giảm bệnh thật ngoạn mục, nhiều người tìm lại niềm tin vào con người, và nhiều người cũng đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.


Từ ngọn đồi của bệnh viện đi xuống lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ, người ta sẽ nhìn thấy bên phải là lò thiêu (bệnh viện duy nhất của cả nước có lò thiêu!) và nhà tang lễ, nhưng bên trái lại là những vườn rau xanh mượt, do bệnh nhân và nhân viên y tế cùng chăm sóc. Ở đó, tôi thấy có những luống súplơ, rau lang, mồng tơi đang sinh sôi, nảy nở.


Có nhân ái, cuộc sống không mất đi mà luôn tiếp diễn.


Bình Yên


* Các tên bệnh nhân đã được thay đổi.






Đậm đà hương vị món thịt đầu xuân

Đậm đà hương vị món thịt đầu xuân

Đậm đà hương vị món thịt đầu xuân


SGTT.VN - Những món ăn của ngày đầu năm mới từ gà luộc, thịt đông cho đến các loại canh măng, miến hay giò chả dường như đã chẳng còn xa lạ gì với mỗi gia đình Việt. Cùng điểm qua hai món ăn ngon phổ biến của hai nền văn hoá Á – Âu để làm đa dạng bữa cơm đầu xuân nhé.











Thịt kho trứng làm ấm bữa cơm gia đình


Thịt kho hột vịt (trứng gà) hay còn gọi là thịt kho tàu luôn “lấy lòng” được đám trẻ con kén ăn trong nhà. Thịt ba rọi được kho thật mềm, phần mỡ làm cho miếng thịt ăn vào beo béo, không bị ngấy. Đám con nít thích nhất chắc chắn là nước kho thịt đậm đà, chan với cơm thì không một cô cậu “khảnh ăn” nào có thể cưỡng lại.


Để có được món thịt kho trứng ngon, bạn nên kho với nước dừa để món thịt thêm đậm đà và cần có một nguồn nhiệt ổn định trong suốt quá trình nấu. Dòng bếp ga Brio EGG7246G của Electrolux có ngọn lửa xanh nghiêng góc 360 độ sẽ giúp ổn định nhiệt độ nấu, cho bạn món thịt kho trứng thơm ngon đặc biệt tết này.











Kích thích vị giác với gà nướng mật ong


Nếu nhà bạn sở hữu một chiếc lò nướng thì hãy làm ngay món gà nướng mật ong để “cách tân” bữa cơm tân niên của cả nhà thôi. Chỉ cần nắm rõ những nguyên liệu cơ bản, bạn sẽ thấy món ăn có vẻ cầu kỳ này trở nên vô cùng đơn giản. Sau khi rửa sạch, hãy ướp cả ở bên trong và bên ngoài gà hỗn hợp lá hương thảo với các gia vị cơ bản rồi để 30 phút cho thấm.


Sau đó cho vào bụng gà cam, táo, lê, nho khô, mận khô, hành tây, cần tây được cắt nhỏ, ướp trong rượu vang trắng. Bước cuối cùng chỉ cần phết rượu vang, mật ong và dầu ôliu lên gà trước khi cho vào lò nướng. Nếu lò nướng nhà bạn là lò nướng âm Electrolux EOB3400BOX, bạn sẽ có thể nướng được chú gà tây nặng từ 4 – 5kg.


Hãy làm mới gian bếp trong dịp tết này với những “trợ thủ” đắc lực để bữa cơm gia đình tràn ngập niềm vui, khởi đầu cho một năm đầy sung túc nhé.


M. Trang






Nguồn cung thực phẩm dồi dào

Nguồn cung thực phẩm dồi dào

Nguồn cung thực phẩm dồi dào


SGTT.VN - Người tiêu dùng có lẽ không phải lo giá tăng, thậm chí ở một số nhóm sản phẩm, người bán còn lo hàng dư thừa.










Đang có hiện tượng nguồn cung thịt dư thừa, giá có xu hướng giảm. Ảnh: Lê Quang Nhật



Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai nói, khoảng một tuần gần đây nguồn cung thịt heo tăng lên đáng kể do các chủ trại bắt đầu tung ra bán tết. Nếu như cách nay hơn một tháng, nhu cầu thịt heo có thể lớn hơn ngày tết vì các cơ sở mua vào để chế biến thực phẩm, giá heo hơi do đó duy trì được sự ổn định giá. Nhưng càng đến giáp tết, thị trường tiêu thụ chỉ còn tập trung ở phân khúc gia đình, khiến giá quay đầu giảm.


Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cũng thừa nhận, sản lượng trứng gia cầm, gà công nghiệp, thậm chí là thịt heo đang dư thừa quá nhiều, thị trường mất cân đối. Nguyên nhân, theo ông Mười là vì mấy năm gần đây nhu cầu sử dụng thực phẩm tết có sự thay đổi rõ rệt. Người tiêu dùng chỉ mua sắm dồn vào mấy ngày cuối, lượng cũng ít lại chứ không nhiều như trước trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn phải duy trì bình thường chứ không giảm được. “Chỉ riêng lượng lao động về quê đón tết cũng khiến cho sức tiêu thụ thực phẩm tết ở thành phố giảm đi rõ rệt”, ông Mười nói.


Gà công nghiệp là một trong số thực phẩm giảm giá và ế ẩm nhiều nhất. Đến ngày 14.1, giá gà công nghiệp tại trại ở các tỉnh miền Đông chỉ còn 18.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng so với hồi cuối năm ngoái, người nuôi gà lỗ mỗi ký 12.000 đồng. Tương tự, sau một thời gian duy trì ở mức đảm bảo người nuôi có lợi nhuận, nay giá heo hơi cũng bắt đầu giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 1.2014, còn trung bình 48.000 đồng. Giá trứng gà, rau củ quả cũng đang trong chu kỳ giảm. Tại các chợ đầu mối đến chợ lẻ, nguồn cung dồi dào, sức mua trầm lắng…


Tín hiệu thị trường thực phẩm những ngày giáp tết Nguyên đán có hiện cung cầu không gặp nhau, một số mặt hàng dư thừa quá lớn như gà công nghiệp, rau củ, trứng, kể cả thịt heo. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá đang giảm sâu. Với mặt hàng thịt gà công nghiệp, theo tính toán, chỉ riêng bốn doanh nghiệp nước ngoài nắm thị phần chi phối, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường các tỉnh miền Đông không dưới 200.000 con. Tại TP.HCM, với dân số ước trên 10 triệu người, được xem là nơi tiêu thụ chủ yếu nguồn thịt này với mỗi ngày khoảng 150.000 con. Nhưng, mùa tết cũng là thời điểm thị trường co hẹp khoảng 2/3 sản lượng do đối tượng công nhân, học sinh, người lao động thu nhập thấp về quê. Một số doanh nghiệp chăn nuôi nhận định từ giữa tháng 12 âm lịch cho đến khi người lao động, học sinh trở lại làm việc (mùng 10 tháng giêng 2014), thời gian gần một tháng này việc tiêu thụ thịt gà diễn ra rất chậm. Do đó sẽ có một lượng lớn thịt gà tồn kho, giá còn giảm sâu hơn nữa.


“Lịch làm việc sau tết năm nay rơi vào dịp rằm tháng giêng, lễ hội, ăn chay… nên tôi nghĩ thị trường còn ảm đạm. Nguồn cung còn dư thừa nhiều nữa”, ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty chăn nuôi Japfa nói.


Tương tự, đối với sản phẩm trứng gia cầm, dự kiến cũng xảy ra tình trạng thị trường “đóng băng” trước tết một tuần và sau tết một tuần. Thời gian này, thị trường TP.HCM, nơi tiêu thụ trung bình mỗi ngày khoảng 4 – 5 triệu trứng, được dự báo mức tiêu thụ giảm xuống hơn phân nửa. Số trứng này, tất nhiên các chủ trang trại và doanh nghiệp phải “ôm”, sau tết, lượng trứng tồn kho này được tung ra nên dự kiến thị trường có một đợt giảm giá sâu. Theo thống kê, từ các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, mỗi ngày người chăn nuôi sản xuất khoảng 12 triệu trứng.


Hoàng Bảy









Theo ông Hoàng Thanh Vân, cục trưởng cục Chăn nuôi, trong ba tháng cuối năm 2013, tốc độ tăng trưởng về sản lượng các loại thịt xuất chuồng cao hơn so với các tháng trước đó. Sự tăng trưởng mạnh của ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt về những tháng cuối năm đã giúp cân đối lượng thực phẩm phục vụ dịp tết Nguyên đán trên cả nước. Thậm chí, một số mặt hàng như gà công nghiệp, trứng gà đang có dấu hiệu chững và giảm giá nhẹ. Theo số liệu của cục Chăn nuôi, các sản phẩm thịt, trứng sản xuất trong nước vào dịp cuối năm đã có dấu hiệu cung vượt cầu. Cụ thể, sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,49% so với năm 2012.







Ai sẽ sở hữu cúp Đầu Bếp 2013 và 1 tỉ đồng?

Ai sẽ sở hữu cúp Đầu Bếp 2013 và 1 tỉ đồng?

Trước vòng chung kết cuộc thi Chiếc Thìa Vàng


Ai sẽ sở hữu cúp Đầu Bếp 2013 và 1 tỉ đồng?


SGTT.VN - Chỉ còn một vòng chung kết nữa là đội bếp vô địch cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2013 sẽ được xướng danh. Đầu bếp của 15 đội đang hồi hộp chờ đề thi bí mật của vòng chung kết được công bố vào ngày 16.1.2014. Ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Minh Long I cũng hồi hộp trông đến giờ nhìn thấy đội chiến thắng được trao chiếc cúp Đầu Bếp mà ông đã đặt hết tâm trí vào chế tác.











Chỉ có một lựa chọn


Đến giờ, 15 đội đã sẵn sàng cho cuộc tranh tài cuối cùng tại Minh Sáng Plaza (Bình Dương). Không phải chuẩn bị trước thực đơn, phải tập luyện đủ mọi thứ họ nghĩ ra vì đề thi vẫn trong vòng bí mật đến giờ cuối. Đối với các đội “xuất thân” từ khách sạn, resort bốn, năm sao ở những thành phố du lịch nhộn nhịp như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội có vẻ việc nghĩ một loạt thực đơn chất lượng cao có thể thực hiện tốt tương đối thuận lợi hơn vì họ thường xuyên phục vụ tiệc cho khách trung lưu, thượng lưu trong nước và nước ngoài. Các đội thi từ những nhà hàng “tỉnh lẻ” thấy áp lực lớn trước những đối thủ “nặng ký” hơn mình nhưng quyết không bỏ cuộc. Họ không trông sự may mắn, mà hy vọng đủ tự tin để tạo đột phá. Đầu bếp chính Trần Ngọc Nghĩa của đội nhà hàng tiệc cưới Tiến Lộc (Đồng Nai) tâm sự: “Ngày thi bán kết ở TP.HCM về, má nghe nói đội của con gái đạt giải nhì miền Nam thì mừng lắm. Má động viên cứ ráng lên”. Hai người bạn bếp thân thiết Trần Cường Thịnh và Nguyễn Thanh Vũ cùng dốc sức dàn hàng thực đơn trong đầu khiến cô bếp chính tạm quên đi áp lực. Đầu bếp chính Lê Văn Bôi của nhà hàng Ngọc Linh (Kon Tum) không chỉ có gia đình luôn là cổ động viên mà còn có các đồng nghiệp trong câu lạc bộ Ẩm thực và du lịch Gia Lai mà anh tham gia sinh hoạt lúc nào cũng ủng hộ, vì ít nhất đã có một đại diện của Tây nguyên vào đến chung kết.


So sánh hai nhóm thí sinh miền Bắc và miền Nam, có thể thấy phong độ của các đội giỏi ở miền Bắc khá ổn định. Trong năm đội của miền Bắc vào vòng chung kết có ba đội InteContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), công ty cổ phần Du lịch khách sạn Hải Đăng (Hải Phòng), tập đoàn Vingroup (Hà Nội) đều đứng đầu ba chặng vòng loại (Bắc Trung bộ, Bắc bộ, Hà Nội), còn hai đội Hyatt Regency Danang Resort & Spa (Đà Nẵng) và khách sạn Sài Gòn – Hạ Long (Quảng Ninh) cũng bám điểm sát sao. Còn ở miền Nam, trong mười đội có mặt ở vòng chung kết thì có tới tám đội đã vượt qua các đồng nghiệp từng đứng đầu bảng xếp hạng ở các chặng vòng loại (ĐBSCL 1, ĐBSCL 2, Tây nguyên, Nam Trung bộ, TP.HCM, Đông Nam bộ). Ban giám khảo ngạc nhiên về điều này và nghĩ rằng tám đội có thể tạo sự bất ngờ vào giờ chót. Đầu bếp chính Dương Đức Huấn thổ lộ anh thật lòng không dám xem thường các đầu bếp ở các tỉnh hay ở nhà hàng quy mô nhỏ hơn khách sạn năm sao của khách sạn Majestic Sài Gòn mà anh đang làm việc, bởi qua vòng loại và vòng bán kết các đội đã thể hiện xuất sắc. Tuy vậy, anh vẫn hy vọng một trong các đội của TP.HCM sẽ mang về chiếc cúp Đầu Bếp mùa thi Chiếc Thìa Vàng đầu tiên.


Các thí sinh chỉ có một sự chọn lựa: quyết thắng. Ban giám khảo chuyên môn gồm những chuyên gia ẩm thực cũng đã sẵn sàng chịu áp lực phải cân nhắc rất kỹ bởi họ cũng chỉ có một sự lựa chọn, xác định đội duy nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 1 tỉ đồng. Nguyên liệu chính không được cho biết trước, đòi hỏi đầu bếp phải có kiến thức thực đơn, kiến thức tổ chức, quản lý công việc mới có thể nhanh chóng đi chợ mua nguyên liệu phụ, gia vị thích hợp với nguyên liệu chính. Ban giám khảo hy vọng nhìn thấy sự vượt trội của tất cả thí sinh đối với chính bản thân họ so với các vòng thi trước.











Chiếc cúp vô giá vật chất, nặng tấm lòng


Một người hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc thi nữa là ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Minh Long I. Là người đi nhiều nơi trên thế giới, thích tìm hiểu những món ăn ngon, ông Minh nhận thấy trên thế giới, mọi người ngày càng xem ăn uống như một nghệ thuật sống, chú trọng đến thực đơn cân bằng dinh dưỡng hơn là chỉ biết ăn ngon và no. Mặt khác, nhiều nhà hàng thu hút khách không bởi món ngon mà còn ở cách trình bày món ăn và bàn tiệc trông sang trọng, hiện đại. Chính những đầu bếp đã làm nên sức hút ấy. Ông mong cũng nhìn thấy ẩm thực Việt Nam theo kịp xu hướng thế giới nên dốc lòng nghiên cứu, đầu tư cho sản phẩm Ly’s Horeca chuyên dùng cho nhà hàng, khách sạn. Có sản phẩm, ông lại muốn biết xem sản phẩm có thật sự mang đến cảm hứng cho các đầu bếp để họ sáng tạo thật nhiều món ngon, nâng ẩm thực Việt Nam vốn đã tinh tuý trong phối hợp thực phẩm, sẽ ngày càng tinh tế khi món ngon phục vụ đến thực khách.


Đề xướng cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, ông Lý Ngọc Minh mong tôn vinh những đầu bếp tài năng toàn diện: có tác phong nghề nghiệp tốt, có kiến thức thực dưỡng, có kỹ năng chế biến và trình bày món ăn hấp dẫn. Từ đó, ông quyết định chiếc cúp Chiếc Thìa Vàng trao tặng cho đội thi tài năng nhất phải là hình ảnh người đầu bếp.


Ông Minh tâm sự, dù đã có nhiều kinh nghiệm trong chế tác tác phẩm gốm sứ nhưng chế tác hình dáng người theo hình mẫu thật không dễ thực hiện. Ông cùng đội ngũ sản xuất của Minh Long I đã phải nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần, sao cho sản phẩm không được tì vết, hình dáng người, đặc biệt là hai chân đầu bếp phải đứng thẳng, vững vàng, không bị cong vênh. Sản phẩm được nung ở nhiệt độ cao mới đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao cấp của sứ. Đó chính là thách thức mà Minh Long I đã vượt qua bởi nhiệt độ nung cao dễ gây cho sản phẩm bị biến dạng do ở một nhiệt độ cao nhất định, các chất liệu bên trong hoá sứ, pha thuỷ tinh thành pha lỏng sẽ rất dễ bị lún. Hơn nữa, độ co rút của sản phẩm cũng là một thách đố đối với nhà sản xuất. Cúp Đầu Bếp đã được Minh Long I nung thành công ở nhiệt độ rất cao 1.380 độ C với thân cúp nguyên vẹn, đẹp và sang trọng trên chất liệu sứ trắng tinh khiết và bóng loáng.


Để tăng thêm sự sang trọng và nét đẹp của chiếc cúp, Minh Long I đã chọn màu xanh cobalt kết hợp với các hoạ tiết trang trí bằng vàng 24K. Tác phẩm này chỉ xuất xưởng hai tượng, một sẽ trao tặng cho đội bếp xuất sắc nhất của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2013, một được lưu giữ trong bảo tàng gốm sứ Minh Long. Đây thật sự là phần thưởng vô giá về vật chất, nhưng chất chứa tấm lòng của nhà sản xuất, có giá trị rất lớn chứng nhận tài năng thực sự của chủ nhân sở hữu cúp.


Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam, chủ tịch hiệp hội Lữ hành Việt Nam cảm kích một nhà sản xuất gốm sứ đã quan tâm đến ẩm thực Việt Nam, thể hiện tâm huyết phục vụ xã hội. Từ những vật nhỏ bé như chiếc thìa, chén, dĩa… đến những vật phẩm gốm sứ quý giá đều mang đời sống tinh thần vào trong sản phẩm.


Nguyệt Hồng









15 đội vào vòng chung kết: InteContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng); khách sạn Majestic (TP.HCM); Hyatt Regency Danang Resort & Spa (Đà Nẵng), công ty cổ phần Du lịch khách sạn Hải Đăng (Hải Phòng), tập đoàn Vingroup (Hà Nội), khách sạn Sài Gòn – Hạ Long (Quảng Ninh); nhà hàng tiệc cưới Tiến Lộc (Đồng Nai); nhà hàng Hoà Giang (Kiên Giang); trung tâm hội nghị và tiệc First Place (TP.HCM); nhà hàng Tropicana Beach Resort & Spa (Bà Rịa – Vũng Tàu); khách sạn Rex (TP.HCM); làng du lịch Bình Quới (TP.HCM); nhà hàng Ngọc Linh (Kon Tum); khách sạn Sông Trà (Đồng Tháp); nhà hàng KaYa (Phú Yên).







Tết này không lo hoa rụng sớm

Tết này không lo hoa rụng sớm

Công nghệ vào đời


Tết này không lo hoa rụng sớm


SGTT.VN - Một giải pháp công nghệ mang lại niềm vui cho người trồng cũng như chơi hoa kiểng trong dịp tết vừa được giới thiệu: hợp chất chống rụng cánh hoa, kéo dài thời gian hoa nở theo ý muốn lên tới nửa tháng.










Hợp chất chống rụng cánh hoa giúp cho người trồng hoa tránh được tai ương của thời tiết hay những hư hao trong thời gian vận chuyển từ vườn tới thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trần Việt Đức



Tác giả của sáng chế trên là PGS.TS Lê Văn Bé, trưởng bộ môn sinh lý sinh hoá, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng – đại học Cần Thơ. Ông cho biết giải pháp ra đời từ những lần quan sát, cũng vào dịp cận tết tại các nhà vườn trồng cây kiểng: “Tôi thấy người dân nhặt lá mai, nhựa dính đầy tay, đóng váng đến nỗi không gỡ ra được. Cứ loay hoay cây này qua cây khác, mà có cả hàng trăm gốc mai như thế. Chợt nghĩ ra ý tưởng: một loại hợp chất sinh học làm mai rụng lá nhưng không ảnh hướng tới sinh trưởng của cây, của nụ, hoa. Thấy trên mạng cũng có nhiều chia sẻ nhưng không rõ ràng, nên mày mò nghiên cứu”. Thời điểm bắt tay nghiên cứu là năm 2011, sau hơn hai năm rưỡi thì hợp chất rụng lá hoa kiểng được bào chế thành công, áp dụng cho các loại hoa mai, mai chiếu thuỷ, linh sam. Ông Bé mô tả, đó là hợp chất gồm chất điều hoá sinh trưởng thực vật ethephon, lân, phụ gia. Cứ 20ml pha được 6 lít nước, phun lên cây thì 2 – 3 ngày sau lá cây sẽ tự rụng 60-70%. Số lá không rụng chỉ cần rung mạnh cây là rụng hết: “Với cách làm ấy có thể tiết kiệm được 70% công lao động. Thay vì phun thuốc trừ cỏ để làm rụng lá, đậm quá có thể làm chết cây, lại gây hại cho sức khoẻ con người thì cách làm này an toàn cho cả cây lẫn người”, ông Bé khẳng định.


Tuy nhiên, hoa kiểng cho dịp tết thì đa dạng hơn nhiều và quan trọng nhất là kích thích hoa nở theo ý muốn và giữ được hoa lâu ngày. Gần dân, ông thấu hiểu tình cảnh dù giàu kinh nghiệm trong việc ép cây nở đúng dịp tết, dụng công trong việc tỉa tót, uốn nắn tạo dáng nhưng một trận mưa trái mùa có thể vùi dập vườn mai, bông giấy khiến người nông dân trắng tay. Ông Bé cho biết: “Thời tiết ngày càng thất thường, nhiều khi một trận mưa cướp đi của người ta cả cơ nghiệp, vừa tiền của lẫn công sức cả năm quần quật. Giải pháp giúp hoa lâu tàn là điều họ mong mỏi”. Đó cũng là động lực để ông và các cộng sự bắt tay vào một nghiên cứu mới. Ông Bé phân tích: “Hoa mai là loại hoa không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người miền Nam. Tuy nhiên, thời gian nở của loại hoa này chỉ kéo dài 1 – 3 ngày phụ thuộc giống và điều kiện ngoại cảnh. Hoa giấy lâu tàn, nhưng khi chở đi bán rụng rất nhiều”. Để kéo dài tuổi thọ của hoa, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm và bước đầu cho ra sản phẩm có tác dụng giữ cánh hoa lâu tàn cho mai vàng, phong lan và hoa giấy: hợp chất chống rụng cánh hoa ĐHCT.










Sản phẩm thử nghiệm chống rụng cánh hoa.



Về thành phần, ông Bé cho biết hợp chất chống rụng cánh hoa ĐHCT gồm: triacontanol, acid boric, clorua calcium và phụ gia, được pha chế theo tỷ lệ cố định. Cứ 20ml pha với 2 lít nước, phun lên cây có thể kéo dài tuổi thọ của hoa mai, hoa giấy lên tới hai tuần (trong điều kiện cây ở ngoài nắng 10 ngày): “Nhiều người trồng hoa kể với tôi, trước đây họ phun một số hoá chất khác, cũng giúp hoa lâu tàn nhưng phải tưới nước thường xuyên nếu không cánh hoa bị cháy. Trong khi đó, hợp chất chúng tôi bào chế không làm cháy cánh hoa, không gây độc hại cho người”. Ông Bé cho biết, nông dân trồng hoa ở Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) tỏ ra hồ hởi khi dùng sản phẩm này trong quá trình vận chuyển dài ngày từ vườn đến các thị trường TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…


Nhưng chính những người nông dân ấy cũng là đối tượng thử thách lòng kiên nhẫn của ông trong nghiên cứu. “Trong phòng thí nghiệm thì đã nghiên cứu thành công, nhưng khi đưa ra thị trường, muốn thử nghiệm thì họ cự. Nghĩ cũng đúng, cây mai có loại giá cả trăm triệu đồng, ai dám cho thử!” Vị giảng viên ra sức thuyết phục, kiểu “tui đảm bảo an toàn cho cây, bà con nếu chưa chịu thì cứ cho tui thử trên một cành, sẽ thấy hiệu quả ngay”. Khi người dân bắt đầu xiêu lòng, ông tiếp tục tìm đến phòng nông nghiệp các địa phương, mời hợp tác để tập huấn, giới thiệu giải pháp mới cho nông dân, để rồi sản phẩm được sử dụng rộng rãi như hiện nay.


Ông Bé cho biết: “Chỉ dừng lại ở sản phẩm thử nghiệm bởi đang chờ đăng ký lưu hành, nhưng ai yêu hoa kiểng cần tư vấn, tìm hiểu sản phẩm thì có thể liên hệ. Làm khoa học, giúp được nông dân cũng là giúp mình, bởi dù sao nhờ họ mà mình có động lực nghiên cứu”. Email của ông là: lvbe@ctu.edu.vn; điện thoại: 0918.933.710.


Thiên Tân






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ