Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Im lặng không phải là vàng!

Im lặng không phải là vàng!

Sổ tay


Im lặng không phải là vàng!


SGTT.VN - Sau năm năm phát hiện vụ sữa bị nhiễm melamine, thị trường sữa Việt Nam lại rúng động bởi thông tin sữa nghi bị nhiễm khuẩn. Hàng ngàn hộp sữa dính “bẩn” của Abbott, Dumex được thu hồi, làm xói mòn lòng tin từ phía người tiêu dùng vốn lâu nay vẫn trung thành, xem chất lượng sữa ngoại là trên hết.










Sau sự cố sữa nhiễm khuẩn, nhiều mẹ lo lắng không biết chọn loại sữa nào để thay thế cho con. Ảnh minh họa. Ảnh: giaoduc.net



Nếu như vụ melamine trước đây, người dùng biết được nguồn lây nhiễm chủ yếu đến từ Trung Quốc, nơi mà ngành công nghiệp sữa vẫn bị coi là thấp cấp, chưa phát triển, thì bây giờ, người gây ra sự việc lại chính là một tập đoàn sản xuất và cung ứng sữa hàng đầu thế giới là Fonterra (New Zealand). Còn nhớ năm năm trước, các doanh nghiệp trong ngành sữa nội địa cố gắng chứng minh mình “vô tội” với melamine bằng những khẳng định dứt khoát không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc mà chỉ nhập của các tập đoàn sữa hàng đầu thế giới, trong đó có Fonterra (New Zealand). Nay thì chính Fonterra cũng không thể kiểm soát hết rủi ro. Ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị ngay trong ngày chủ nhật (4.8), một ngày sau khi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chính thức công bố sản phẩm của Fonterra nghi nhiễm độc, hầu hết hệ thống siêu thị, đại lý, cửa hàng, ngoài thông báo thu hồi sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn của Abbott, sau đó có thêm Dumex, người dùng cũng đọc được thông tin của các hãng sữa nội như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam, Hancofood, Nutifood.


Một khi người tiêu dùng đã tin tưởng, lựa chọn bất kỳ một sản phẩm sữa nào thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ con em của họ. Vì vậy, giấu thông tin và im lặng trước các sự cố về chất lượng, không phải là giải pháp khôn ngoan dành cho doanh nghiệp ngành sữa. Các thương hiệu sữa nước ngoài, hẳn đã có sẵn bài bản dự phòng khủng hoảng đem ra áp dụng. Nhưng các hãng sữa nội dường như đã rút ra được nhiều bài học về cách đối phó với khủng hoảng, và họ cũng đã biết cách tự vệ, tự minh bạch hoá tất cả thông tin liên quan đến chất lượng trước giới truyền thông, dư luận và người tiêu dùng.


Từ vụ việc vừa qua, có thể thấy bước tiến dài của các doanh nghiệp trong nước trong đối phó khủng hoảng. Điều quan trọng hơn là trong nhận thức của người tiêu dùng: rủi ro chất lượng có thể đến từ bất cứ nơi đâu, không loại trừ những tập đoàn lừng danh...


Hoàng Bảy






Yahoo! khởi động chiến dịch thay logo

Yahoo! khởi động chiến dịch thay logo

Yahoo! khởi động chiến dịch thay logo


SGTT.VN - Yahoo! sẽ mỗi ngày sử dụng một logo khác trong vòng 1 tháng trước khi quyết định đâu sẽ là logo cuối cùng được chọn...


Có vẻ như Giám đốc điều hành (CEO) Marissa Mayer của đang Yahoo! muốn thay đổi triệt để hình ảnh của công ty này. Sau một loạt cải tổ lớn để đưa công ty tới kết quả kinh doanh khả quan hơn, bà Mayer vừa mở một chiến dịch nhằm chọn ra cho Yahoo! một nhận diện thương hiệu mới.


Tuần trước, Yahoo! tuyên bố sẽ có một logo mới vào ngày 4/9. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt trong chiến dịch thay logo của Yahoo! là công ty sẽ mỗi ngày sử dụng một logo khác trong vòng 1 tháng trước khi quyết định đâu sẽ là logo cuối cùng được chọn.











Chiến dịch này được Yahoo! lấy tên là “30 days of change” (“30 ngày thay đổi”). Với chiến dịch bắt đầu từ ngày 5/8, đến hôm nay Yahoo! đã thay một loạt logo khác nhau.


Yahoo! cho biết, công ty sẽ vẫn sử dụng tông màu tím cũng như dấu chấm than của logo cũ cho logo mới, nhưng phông chữ cùng một số yếu tố khác sẽ có sự thay đổi.


Đây là lần thứ hai Yahoo! thay đổi logo kể từ khi công ty được thành lập vào năm 1995. Trong những ngày đầu hoạt động, Yahoo đã thử nghiệm một số logo khác nhau, trước khi quyết định sử dụng mẫu logo có vào tháng 1/1996 cho tới tận hiện nay.


“Trong năm qua, đã có nhiều đổi mới ở Yahoo!, và chúng tôi muốn tất cả những gì mình làm phản ánh tinh thần đổi mới này. Khi công ty có những thay đổi nhanh chóng, thì logo - phần cốt lõi trong thương hiệu của chúng tôi - cũng cần có sự thay đổi”, Giám đốc marketing của Yahoo!, bà Kathy Savitt, viết trên một trang blog.


Kể từ khi nhậm chức CEO Yahoo vào tháng 7 năm ngoái, bà Mayer đã nỗ lực không ngừng để đem đến cho Yahoo! một luồng sinh khí mới. Trong vòng 12 tháng qua, Yahoo! đã mua lại hơn 16 công ty nhỏ, bao gồm có nền tảng blog Tumblr, cũng như làm mới những thương hiệu cũ hơn của Yahoo!, bao gồm trang chia sẻ ảnh Flickr.


Dưới sự lãnh đạo của bà Mayer, giá cổ phiếu của Yahoo! đã tăng lên mức khoảng 30 USD/cổ phiếu từ mức 15 USD/cổ phiếu, cho dù một số nhà phân tích vẫn còn hoài nghi về triển vọng dài hạn của công ty này.


Trong quý 2 vừa qua, doanh thu của Yahoo! chỉ đạt 1,13 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 0,9% so với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận mà hãng thu về lại tăng mạnh tới 150%, từ 55 triệu USD lên 137 triệu USD.


Việc Yahoo! thay đổi logo diễn ra sau khi những công ty Internet “lớn tuổi” khác nha AOL, eBay và Microsoft có động thái tương tự.


VNECONOMY






Cửa sổ có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng

Cửa sổ có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng

Cửa sổ có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng


SGTT.VN - Các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha ngày 14.8 cho biết họ đã tạo ra một lớp phủ cửa sổ có thể điều chỉnh bằng điện lượng ánh sáng và nhiệt độ đi vào tòa nhà.


Loại phim trong suốt này được làm từ vật liệu siêu tinh thể, bao gồm các nguyên tử cực nhỏ có khả năng thay đổi bước sóng ánh sáng.










Ảnh minh họa. Ảnh: gizmag.com



Nhà khoa học Delia Milliron thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley ở California (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết các cửa sổ thông minh và các cửa sổ có thể thay đổi màu sắc hoặc độ sáng bởi dòng điện đã được nghiên cứu phát triển từ lâu, nhưng nhóm của ông lần đầu tiên đưa ra giải pháp kết hợp giữa việc kiểm soát nhiệt độ và ánh sáng.


Theo thiết kế công bố trên tạp chí The Nature, loại cửa sổ trên là một ô điện hóa với hai tấm kính, được tách biệt bởi lớp chất điện phân ở giữa. Tấm phim được gắn trên một tấm kính, tạo thành một điện cực cho phép dòng điện di chuyển đến điện cực ở tấm kính đối diện. Nếu không có dòng điện chạy qua, cửa sổ sẽ trong suốt. Khi có dòng điện chạy qua, các phân tử nano trong lớp phim sẽ bắt đầu ngăn cản sóng nhiệt trong khi cửa sổ không đổi màu. Nếu tiếp tục sạc điện, cửa sổ cũng có thể ngăn cản ánh sáng.


Theo kỹ sư Brian Korgel, thuộc trường Đại học Texas, các tòa nhà chung cư và văn phòng ở Mỹ sử dụng khoảng 40% năng lượng và thải ra 30% khí cácbon. Để tiết kiệm năng lượng, cần phải tạo ra các loại vật liệu mới có khả năng điều chỉnh tốt hơn nhu cầu ánh sáng và nhiệt độ của các tòa nhà. Nghiên cứu trên mở ra triển vọng trong việc nghiên cứu các vật liệu dạng này.


Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần phải xử lý trước khi đưa vật liệu trên vào ứng dụng trong các cửa sổ, như thay thế các tấm kim loại lithium dễ cháy được sử dụng làm điện cực và tìm ra chất điện phân dạng rắn.


Ông Brian Korgel cũng cho biết vật liệu để sản xuất loại cửa sổ như trên sẽ đắt hơn so với các loại cửa sổ truyền thống, nên sẽ cần thêm kinh phí để tiếp tục nghiên cứu việc ứng dụng vật liệu này để có thể tiết kiệm năng lượng và giảm giá thành sản xuất.


Còn theo ông Milliron, loại vật liệu trên được thiết kế để sử dụng trong xây dựng nhưng cũng có thể được ứng dụng trong sản xuất cửa kính ôtô hoặc máy bay.


TTXVN






Phát hiện cách thức tiêu diệt cấu trúc tế bào ung thư

Phát hiện cách thức tiêu diệt cấu trúc tế bào ung thư

Phát hiện cách thức tiêu diệt cấu trúc tế bào ung thư


SGTT.VN - Theo phóng viên TTXVN tại Australia, sau 33 năm nghiên cứu, một nhà khoa học người Australia thông báo đã phát hiện ra cách tiêu diệt cấu trúc của các tế bào ung thư.


Giáo sư Peter Gunning thuộc Trường đại học New South Wales tin rằng ông đã tìm ra mối liên kết lỏng lẻo trong các tế bào ung thư và với sự hỗ trợ của thuốc, các tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt.


Trên thực tế, ý tưởng của Giáo sư Gunning đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi giới khoa học rất hy vọng có thể phát triển một loại thuốc tấn công vào cấu trúc của tế bào ung thư. Tuy nhiên, các nghiên cứu và thử nghiệm không thu được kết quả do gây hại tới các bộ phận khác trên cơ thể.


Giáo sư Gunning bắt đầu nghiên cứu cách hóa giải bế tắc trên từ tháng 4.1980, khi các đồng nghiệp trên thế giới đã từ bỏ hy vọng.


Sau nhiều nghiên cứu và thí nghiệm, giáo sư Gunning và đồng nghiệp đã phát hiện có một phần chính trong cấu trúc tế bào ung thư có thể tác động vào mà không gây hại cho cơ thể.


Đáng chú ý là có vẻ như phát hiện này có thể áp dụng với mọi loại ung thư. Giáo sư Gunning cho biết: “Có thể thấy rõ quá trình tác động của biện pháp trên ở trong phòng thí nghiệm. Nó tương tự như ta theo dõi kẻ hủy diệt cho nổ tung bên trong một tòa nhà.”


Tới nay, phương pháp này đang được thử nghiệm ở động vật. Giáo sư Gunning hy vọng các thử nghiệm sẽ được áp dụng ở người trong hai năm tới.


TTXVN






Giảm án cho các bị cáo đốn sưa

Giảm án cho các bị cáo đốn sưa

Giảm án cho các bị cáo đốn sưa


SGTT.VN - Ngày 15.8, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án chặt 3 cây sưa cổ thụ tại vùng lõi di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.


Tại đây, Hội đồng xét xử đưa ra quan điểm, các bị cáo được giảm án với các lý do nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, có thành tích cứu người, cứu tài sản trong lũ. Theo đó, bị cáo Hoàng Hạnh trong phiên tòa sơ thẩm bị tuyên 30 năm tù nay giảm còn 12 năm tù giam, Lê Khanh từ 27 năm tù còn 12 năm tù giam. Các bị cáo khác gồm Lê Văn Tiến, Nguyễn Thế Anh, Trương Văn Tịnh, Phạm Văn Thắng, Thái Xuân Tiềm, mỗi bị cáo từ 27 tháng tù giam chuyển sang 27 tháng tù cho hưởng án treo…


Phiên tòa phúc thẩm cho rằng, phiên tòa sơ thẩm (5.6.2013) không xác định các bị cáo gây thiệt hại bao nhiêu nên đưa ra quan điểm buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho nhà nước lên 57 tỷ đồng là không có cơ sở, nên nay chỉ yêu cầu các bị cáo nộp đền bù cho tài sản bị phá trong rừng di sản mỗi người hơn 4 triệu đồng.


Trước đó, hồi cuối tháng 4.2012 có 12 người (đều ngụ tại Quảng Bình) đã vào Hung Trí, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm nghặt của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Cáo trạng cáo buộc 12 bị cáo trên chặt hạ 3 cây sưa - huê mộc vàng, thuộc nhóm 1A, có giá trị 70 tỷ đồng. Trong quá trình chặt phá, các bị cáo còn gây tàn phá các loại cây khác trên diện tích 700m2.


Quốc Nam






Tiêu thụ điện thấp hơn dự báo

Tiêu thụ điện thấp hơn dự báo

Tiêu thụ điện thấp hơn dự báo


SGTT.VN - Theo tin từ cục Điều tiết điện lực ngày 15.8, cập nhật dự báo về nhu cầu và sản lượng điện 5 tháng cuối năm cho thấy, tổng nhu cầu điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 5 tháng cuối năm đạt trên 56,5 tỉ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng thấp hơn 888 triệu kWh so với mức dự báo đầu năm. Tổng sản lượng điện có khả năng cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu và có dự phòng.


Trên thực tế, mức tiêu thụ điện 7 tháng đầu năm nay cũng đã thấp hơn so với mức dự báo đầu năm khoảng 0,63%. Rõ nhất là trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, tăng trưởng phụ tải điện thấp hơn đáng kể so với kế hoạch (thực tế lần lượt là 8,38% và 7,3% so với kế hoạch là 10,39% và 11,61%).


Trong 5 tháng cuối năm có 19 tổ máy mới vào vận hành với tổng công suất 1.310 MW, bao gồm tổ máy 2 nhiệt điện Quảng Ninh II, tổ máy 1 nhiệt điện Nghi Sơn I và các tổ máy thủy điện


M.Q






Ngày 20.9, sân bay quốc tế Phú Bài sẽ mở cửa trở lại

Ngày 20.9, sân bay quốc tế Phú Bài sẽ mở cửa trở lại

Ngày 20.9, sân bay quốc tế Phú Bài sẽ mở cửa trở lại


* Thay đổi vé máy bay hành trình đi Đà Nẵng sang Huế được miễn phí


SGTT.VN - Theo tỉnh Thừa Thiên - Huế, sân bay quốc tế Phú Bài sẽ mở cửa đón khách trở lại vào ngày 20.9.2013 sau sáu tháng tạm đóng cửa để sửa chữa đường cất hạ cánh. Các hãng hàng không cũng chuẩn bị khai thác trở lại các chuyến bay đi Huế.


Từ 20.9, Vietnam Airlines có hai chuyến mỗi ngày trên đường bay Hà Nội - Huế - Hà Nội và ba chuyến mỗi ngày trên đường bay TP.HCM – Huế - TP.HCM. Nhân dịp này, để tạo thuận lợi cho hành khách có nhu cầu đi/đến Huế, Vietnam Airlines áp dụng đổi hành trình từ Đà Nẵng sang Huế cho hành khách đã có vé xuất trước ngày 15.8.2013 và được xác nhận chỗ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines đi/đến Đà Nẵng từ ngày 20.9.2013 đến hết ngày 20.11.2013. Khách sẽ được miễn phí thay đổi hành trình.


Hãng hàng không VietJetAir cũng mở lại chuyến bay TP.HCM đi Huế từ 20.9, tăng lên hai chuyến khứ hồi mỗi ngày.


Các Ngọc






Đảm bảo suất ăn an toàn cho trẻ ở trường

Đảm bảo suất ăn an toàn cho trẻ ở trường

Đảm bảo suất ăn an toàn cho trẻ ở trường


SGTT.VN - An toàn thực phẩm đang là vấn đề báo động hơn bao giờ hết khi hàng loạt các thông tin về các vụ sữa nhiễm khuẩn, bún chứa tinopal, rau xanh phun hoá chất, sữa nhiễm khuẩn,…đang gây hoang mang không chỉ cho các gia đình mà còn là quan tâm lớn của các căn tin trường học trong thời gian gần đây.










Thực phẩm ở các siêu thị lớn uy tín có nguồn gốc rõ ràng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng.



Khảo sát một số căn tin về cách lựa chọn thực phẩm an toàn tại quậnTân Bình, Phú Nhuận, BìnhThạnh, TP.HCM cho thấy hầu hết các chủ căn tin đều khá lo lắng và lung túng. Cách giải quyết tình thế hiện nay là nghe sản phẩm nào có nguy cơ thì dừng mua sản phẩm đó, tuy nhiên theo họ đó không phải là phương pháp giải quyết triệt để. Chị Lê Thị Bình, chủ căn tin trường học nội trú tại Quận Tân Bình chia sẻ kinh nghiệm: “Bản thân tôi không phải là chuyên gia nên khi lựa chọn thực phẩm chỉ trên cảm quan và cũng khó xác định là thực phẩm có an toàn hay không. Hiện nay tôi chỉ có duy nhất một cách đó là lựa chọn nhà sản xuất và cung cấp cam kết được về chất lượng, tôi tin họ sẽ chuyên nghiệp hơn tôi trong vấn đề lựa chọn thực phẩm an toàn.”


Trước những vướng mắc của khách hàng, công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp với Metro Cash & Carry Việt Nam tổ chức hội thảo “Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm cho Bếp ăn Trường học ”tại TP.HCM (9.8) và Hà Nội (16.8) . Tại hội thảo, các chuyên gia thực phẩm đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ và xây dựng dinh dưỡng cho đối tượng trẻ em mầm non, tiểu học và tư vấn các phương pháp lựa chọn thực phẩm an toàn.


Theo bác sĩ Trần Quốc Cường, đến từ trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Sau nhiều sự cố về vấn đề AVSATTP người tiêu dùng đang càng tiến thêm một bước tiến bộ trong lựa chọn thực thẩm. Trước đây giá là yếu tố quyết định mua hoặc thông qua truyền miệng từ bạn bè, người thân trong lựa chọn sữa thì hiện tại chúng ta nên bắt đầu đọc nhãn sữa và các thành phần cơ bản ghi trên bao bì cũng như nhà sản xuất có uy tín trong quyết định chọn lựa sản phẩm.”


Bên cạnh đó các chuyên gia đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng về khả năng truy xuất nguồn gốc của thực phẩm trong phòng ngừa ngộ độc. Đặc biệt với hàng loạt thông tin về VSATTP, các chuyên gia cũng khuyến cáo lựa chọn các nhà cung cấp có uy tín trên thị trường, có sự quản lý và kiểm tra chất lượng của các cơ quan chức năng ngoài lựa chọn cảm quan như trước kia thì các vấn đề VSATTP sẽ giải quyết được.


P.A






Tòa nhà giữa quảng trường thành phố Koblenz

Tòa nhà giữa quảng trường thành phố Koblenz

Tòa nhà giữa quảng trường thành phố Koblenz


SGTT.VN - Công trình này được hình thành theo như thiết kế đã thắng giải trong cuộc thi kiến trúc tái phát triển lại khu quảng trường trung tâm thành phố Koblenz, CHLB Đức.


Toà nhà mới được xây dựng này có 20.000m² cho không gian bán lẻ, các chức năng công cộng và quảng trường rộng 6.000m². Dự án hoàn thiện sẽ chia khu vực này thành hai không gian và được ngăn cách bởi chính quảng trường. Việc tách chức năng này cho phép hai toà nhà có tính chức năng cao, có thể phát triển độc lập và dài hạn. Sự kết hợp của các chức năng như thư viện công cộng, bảo tàng Mittelrhein và văn phòng thông tin du lịch của Koblenz tạo ra cơ hội để khai thác sự phối hợp giữa các tổ chức khác nhau. Toà nhà văn hoá đứng độc lập trong quảng trường trung tâm mới cho phép du khách dễ dàng tiếp cận theo mọi hướng. Các chức năng khác nhau được bố trí theo trục đứng. Khu triển lãm của bảo tàng Mittelrhein nằm ở tầng một. Thư viện nằm trên tầng 2, 4 và 5 có lối tiếp cận thẳng ra sân thượng. Không gian mở cao 30m kết nối các tổ chức với nhau theo chiều dọc, mang ánh sang vào sâu bên trong toà nhà và cung cấp những góc nhìn trực tiếp ra hành lang và lối vào khu vực.


Ảnh: Thomas Eicken






Công trình “Little Brick Studio” của văn phòng kiến trúc MAKE

Công trình “Little Brick Studio” của văn phòng kiến trúc MAKE

Công trình “Little Brick Studio” của văn phòng kiến trúc MAKE


SGTT.VN - Nằm trong một không gian bó hẹp ở nội thành Melbourne, Úc, công trình “Little Brick Studio” là một phần của một ngôi nhà lớn được cải tạo. Bài toán đề ra cho công trình này là thiết kế không gian cho những hoạt động mang tính riêng tư của các thành viên trong gia đình, đồng thời tạo ra mối liên hệ giữa ngôi nhà và những hoạt động công cộng xung quanh.


Thay vì tạo ra một gara phía sau quay lưng lại với khu phố, “Little Brick Studio” đã cố gắng đưa ra một đóng góp tích cực. Cửa nhà để xe lùi vào và tạo thành một phần trong ngôn ngữ kiến trúc của hàng rào bao xung quanh ngôi nhà. Studio xây bằng gạch ở phía trên nổi bật với một cửa sổ lớn. Những chi tiết gạch trần truyền thống được sử dụng ở khu vực chính là nguồn cảm hứng cho thiết kế ngôi nhà này. Những viên gạch được để trần theo một cách rất sáng tạo, chúng đưa ra 9cm so với bề mặt và lùi dần ẩn vào phía trong mặt đứng. Như vậy một mặt tạo ra sự tương phản với tường rào gara, mặt khác hoà hợp với khung cảnh kiến trúc xung quanh. Không gian Studio được thiết kế linh hoạt có thể thay đổi theo nhu cầu của gia đình. Các cửa sổ phía bắc cho phép ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào mùa đông và những cây cối xung quanh toả bóng mát vào mùa hè.


Ảnh: Peter Bennetts






Ủng hộ quan điểm bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã

Ủng hộ quan điểm bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã

Phản hồi


Ủng hộ quan điểm bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã


SGTT.VN - Mục Kết nối thiên nhiên với bài Khoanh vùng cứu rùa quý (SGTT ngày 14.8.2013) đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của độc giả. Đa số bạn đọc đồng ý với việc UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định xây dựng trung tâm Cứu hộ và quy hoạch khu bảo vệ sinh cảnh loài rùa Trung bộ tại huyện Bình Sơn, và ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã của SGTT.










Các nhà khoa học đang khảo sát lần cuối hiện trạng khu bảo tồn sinh cảnh rùa Trung bộ xã Bình Khương. Ảnh: Vũ Ngọc Long



Bạn đọc Trần Thị Lan Trinh (lantrinh_bvdvhd@...com) nhận xét: “Em và các bạn trong hội Bảo vệ động vật rất thích đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị vì có chuyên mục bảo vệ động vật thiên nhiên hoang dã. Công việc này rất cần báo chí thông tin để người dân có kiến thức, nâng cao trách nhiệm của mình. Nhiều nước như Singapore hay Hàn Quốc, họ đi trước Việt Nam nên môi trường sống của họ tốt hơn. Ở Việt Nam, ý thức bảo vệ thiên nhiên còn rất yếu, thậm chí có những người còn nghĩ chúng tôi làm chuyện bao đồng, vì con người không lo bảo vệ mà lo bảo vệ thú vật. Chúng ta đang nghe nói đến rất nhiều biến đổi khí hậu, nhiều nước đầu tư cả đống tiền để chống lại điều đó. Đó chỉ là cách “trị bệnh” cho một chuyện đã rồi, chứ nếu như họ ý thức giữ gìn thiên nhiên từ sớm thì đã không tốn kém như bây giờ”.


Đưa ra cảnh báo về nạn săn bắt động vật hoang dã để làm mồi nhậu hay hàng hoá, bạn đọc Bình Lê (binhledsk@...com) cho rằng: “Rắn, rùa… càng ngày càng khó tìm thấy do cơn khát truy lùng chúng để làm đặc sản. Ngoài việc ăn quá nhiều động vật hoang dã, một xu hướng đáng lo ngại nữa là nạn buôn bán động vật hoang dã quý hiếm và các bộ phận cơ thể chúng bất hợp pháp. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ một số loài động vật trên cạn điển hình như voi, tê giác và hổ không chỉ đe dọa những loài động vật đó mà còn đe doạ cả sự yên bình, sức khoẻ và sự thịnh vượng của cư dân sống gần chúng”.


Ủng hộ quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, bạn đọc Hoàng Dũng Tú (hoangdung...@gmail.com) viết: “Thật đáng khen cho quyết định của Quảng Ngãi bảo vệ loài rùa quý. Hy vọng các tỉnh khác cũng có những quyết định và tấm lòng bảo vệ động vật hoang dã như thế. Mặc dù chúng ta có thể coi thế giới động vật là tách biệt với chúng ta, nhưng cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của chúng lại liên kết chặt chẽ, gắn kết với nhau bằng cả triệu sợi dây vô hình. Cây cối, động vật, con người và môi trường cùng nhau cấu thành một cộng đồng sinh học – một hệ sinh thái – mà trong đó mỗi bộ phận này đều phụ thuộc vào các bộ phận kia để tồn tại. Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt; chúng cần sự quan tâm và hành động tức thì của chúng ta. Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà hãy giải quyết nó”.






Giọt nước mắt của người bác sĩ bị hành hung

Giọt nước mắt của người bác sĩ bị hành hung

Giọt nước mắt của người bác sĩ bị hành hung


SGTT.VN - Sau vụ việc hành hung bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ngày 12.8, ngành y tế nước ta lại có thêm một bác sĩ bị hành hung. Đó là trường hợp một nữ bác sĩ làm việc tại bệnh viện quận Bình Tân, TP.HCM. Theo lời kể của nhiều người chứng kiến, đầu giờ chiều ngày 14.8, bác sĩ này cho một bệnh nhân nam khám bảo hiểm y tế mắc bệnh mạn tính đi xét nghiệm.


Sau khi có kết quả, bệnh nhân quay lại, đòi khám tiếp mặc dù đang có nhiều bệnh nhân chờ đợi. Dù được yêu cầu phải ngồi chờ đến lượt, nhưng bệnh nhân vẫn không chịu, dùng tay đánh thẳng vào mặt và làm giập môi người bác sĩ! Không thể tưởng tượng nổi, đó là hành động của một người đàn ông – một bệnh nhân đối với một phụ nữ – một bác sĩ.










Bức xúc, người nhà bệnh nhân ở Hà Tĩnh đã xông vào tấn công các y bác sỹ và đập phá phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Hậu quả, 4 y bác sỹ bị đánh trọng thương, nhiều tài sản có giá trị bị hư hỏng, trong đó có một chiếc máy sốc tim trị giá hàng trăm triệu đồng. Lực lượng công an phải tới bảo vệ cho các y bác sĩ. Ảnh: NLĐ



Sáng 15.8, quay lại bệnh viện Bình Tân, gặp lại bác sĩ bị thương, tôi vẫn nhìn thấy sự sợ hãi và hoảng hốt trong mắt của chị. Mới ra trường làm việc vài năm, trong lòng còn biết bao hăm hở và nhiệt huyết của người trẻ, thế nhưng tình cảm tốt đẹp này đã bị giội một gáo nước lạnh trước thực tế phũ phàng của nghề nghiệp: quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân ngày nay không phải là màu hồng như được giảng dạy trong trường học, mà là xám ngoét, bạc bẽo như nhiều quan hệ ngoài đời thường.


Cách đây hai năm, tháng 7.2011, cả nước xôn xao trước vụ người nhà bệnh nhân tấn công các bác sĩ và đập phá bệnh viện Năm Căn (Cà Mau). Từ đó đến nay, từ Nam chí Bắc ghi nhận thêm nhiều vụ việc tương tự. Thế nhưng, nếu trong những vụ việc này, sự phẫn uất được đổ lỗi cho sự tắc trách của bác sĩ khiến bệnh nhân tử vong, thì sự việc tại bệnh viện quận Bình Tân lại không như thế, bác sĩ không hề có lỗi, bệnh nhân cũng không chịu bất kỳ hậu quả tai hại nào, thế mà bác sĩ vẫn bị hành hung!


Nhìn thấy gì từ vụ việc hành hung bác sĩ tại quận Bình Tân: phải chăng sự xuống cấp đạo đức ngoài xã hội đang lan tới không gian bệnh viện và phá vỡ quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân? Lẽ nào ngoài đời thường người ta sẵn sàng sử dụng đến bạo lực khi không đạt được mục đích mong muốn và giờ đây trong bệnh viện – nơi con người chăm sóc đồng loại bệnh tật, người ta cũng sẵn sàng làm như thế?


Bác sĩ Nguyễn Văn Mười, giám đốc bệnh viện quận Bình Tân, cho biết bệnh viện từng ghi nhận nhiều trường hợp hành xử kiểu xã hội đen, người dân đuổi đánh y bác sĩ chỉ vì người thân của họ không được ưu tiên cứu chữa, dù nhập viện sau và thương tích nhẹ. Nhưng đâu phải ở bệnh viện Bình Tân, tại một bệnh viện nội thành khác, có trường hợp người ta định kỳ kéo cả nhà đi khám bảo hiểm y tế, ném sổ khám bệnh lên bàn bác sĩ và đòi được kê thuốc như ý mong muốn.


Có thể đổ lỗi cho quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân đổ vỡ vì sự xuống cấp y đức đây đó của một bộ phận người làm ngành y: chạy theo đồng tiền, thờ ơ khi chăm sóc bệnh nhân, cẩu thả làm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Thế nhưng không thể lấy những sự việc này để biện minh cho sự hành xử vô văn hoá đối với người làm nhiệm vụ cứu chữa cho mình hay người thân của mình!


“Hơn bao giờ hết, người làm ngành y đang chịu một áp lực quá lớn”, bác sĩ Nguyễn Văn Mười chia sẻ. Nhận định thật chí lý, bởi người nhân viên y tế ngày nay không chỉ chịu áp lực từ sự quá tải công việc, thu nhập không tương xứng, mà còn nhiều áp lực từ phía xã hội. Thật ra xã hội cũng có những luật lệ, quy định bảo vệ người thầy thuốc khi làm công vụ (luật Khám chữa bệnh hay nghị định 96 của bộ Y tế quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh); thế nhưng, nói theo một người quản lý bệnh viện, áp dụng những luật lệ này là chuyện rất khó vì cơ quan công quyền ít khi nào hợp tác.


Tiếp xúc với phóng viên, người bác sĩ nữ trẻ của bệnh viện Bình Tân bị hành hung đã khóc. “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bị ba mẹ đánh lần nào, nhưng bây giờ tôi lại bị một người khác đánh, mà đánh trong khi làm việc”, chị nói. Đó là những giọt nước mắt vì sự bạc bẽo, cô đơn của nghề nghiệp hay vì sự xuống cấp đạo đức trầm trọng của con người trong xã hội? Ai chịu trách nhiệm về điều này? Cần làm gì để phục hồi lại những giá trị thiêng liêng của cuộc đời? Trước khi làm được điều này, có lẽ cần phải có những hình phạt nghiêm khắc dành cho những hành vi bạo loạn trong bệnh viện hay tấn công người thầy thuốc. Khi người bác sĩ bị tấn công, họ chỉ còn biết sợ hãi bỏ chạy, ai sẽ là người chăm sóc bệnh nhân? Từng một lần bị bệnh nhân hành hung, hình ảnh của bác sĩ về bệnh nhân ít nhiều đã bị hoen ố, vậy ai sẽ chịu thiệt thòi?


Bình Yên






May là chưa thua...

May là chưa thua...

Phiếm


May là chưa thua...


– Báo ông tin mừng là tôi sắp có cách thoát nghèo rồi.


– Khỏi nói tôi cũng biết: mua vé số chứ gì?


– Trật lất, tôi sẽ đánh bạc!


– Thôi đi ông, bộ không nhớ câu của ông bà “cờ bạc là bác thằng bần” sao?


– Hồi xưa ông bà nói thế vì chưa có casino, còn bây giờ người ta sắp cho dân mình vào sòng bạc quốc tế chơi bài nên tôi định tham gia cho mau giàu!


– Casino thì cũng là chiếu bạc, sao ông tự tin là sẽ làm giàu được bằng trò đỏ đen?


– Vì tôi đã đánh bạc từ nhỏ, và ngày nào tôi cũng phải đánh đều đều, ông không biết sao?


– Dóc, quen ông cả chục năm mà có thấy ông cầm lá bài bao giờ đâu?


– Thưa ông: ngày nào tôi cũng phải ăn ba bữa mà chẳng biết thứ mình ăn có chứa những độc chất gì, ngày nào tôi cũng phải “tham gia giao thông” khoảng chục cây số mà không biết tài xế xe tải chạy sau mình tới cữ hút hay chưa, mấy lần đau bệnh tôi phải vào bệnh viện mà không biết người quyết định cho mình sống hay chết là từ mẫu hay dì ghẻ… Phó thác sinh mạng cho sự hên xui như thế không phải đánh bạc là gì? Nói một cách văn hoa thì đời tôi là một canh bạc lớn!


– Ông nói có lý. Vậy hoá ra tôi cũng là dân đỏ đen như ông! Ờ, nhưng mà trong những canh bạc bất đắc dĩ đó, tụi mình thắng hay thua?


– May phước mà chưa thua bao giờ...


– Sao ông biết?


– Trời ơi trời! Thua mà còn ngồi đây uống càphê à?


Người già chuyện






Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”

Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”

Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”


SGTT.VN - Chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Chương trình sách giáo khoa (SGK) còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa cân đối dạy “chữ” với dạy “người”. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu nói chung… Đây là kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, SGK giáo dục phổ thông được Uỷ ban thường vụ Quốc hội công bố ngày 15.8 tại Hà Nội.


Báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá – giáo dục – thanh niên – thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, quy trình biên soạn chương trình SGK giáo dục phổ thông ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. Hội đồng Chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học. Không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học. Thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục phổ thông và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, chương trình SGK được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”.


Thay vì phải xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết SGK, thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết SGK. Sau khi có SGK đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành chương trình chuẩn quốc gia. Việc thẩm định chương trình SGK giáo dục phổ thông cũng còn bất cập khi bộ tiêu chí đánh giá chưa được xây dựng một cách đầy đủ ngay từ đầu...


Ông Thi thừa nhận, những hạn chế, bất cập của chương trình SGK là do chưa khảo sát, đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc và quan tâm đáp ứng nhu cầu của xã hội về chương trình SGK mới, đặc biệt chưa bám sát thực tiễn về khả năng tiếp thu trung bình của học sinh. Còn ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, phân tích chỉ trong một giai đoạn ngắn mà chúng ta cải cách, thay đổi quá nhiều, thậm chỉ cải cách cả chữ viết. Chúng ta biết chương trình thừa, nhưng lại không biết giải quyết giáo viên thừa như thế nào, nên để cải cách được chúng ta cần vượt qua chính mình.


Trong khi đó, ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm uỷ ban Khoa học – công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho rằng báo cáo có nhiều số liệu nhưng chưa trả lời được câu hỏi chất lượng SGK tốt hay xấu, chương trình nặng hay nhẹ, SGK hiện đại hay lạc hậu, đã phù hợp hay chưa?


Thanh Tuyền






“Có tâm lý ngại nhập ngũ là do giáo dục nuông chiều”

“Có tâm lý ngại nhập ngũ là do giáo dục nuông chiều”

LTS. Nếu ở các nước, thực hiện nghĩa vụ nhập ngũ có thời hạn là điều bình thường với mọi thanh niên (như “hoàng tử một mí” của Hàn Quốc và hoàng tử nước Anh) thì ở ta, ngày càng nhiều phụ huynh và những người đến tuổi nghĩa vụ quân sự tìm đủ cách tránh né thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng này. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết (đại biểu quốc hội khoá 11, 12; nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) để tìm hiểu nguyên do.











GS Nguyễn Minh Thuyết:


“Có tâm lý ngại nhập ngũ là do giáo dục nuông chiều”


Hiện nay nhiều phụ huynh và những người đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự rất sợ việc này. Cụ thể, đợt vừa rồi có thủ khoa đại học cũng lo đến mất ăn mất ngủ vì sợ bị gọi đi nghĩa vụ quân sự sẽ trễ việc học… Sau khi dư luận lên tiếng với nhiều góc nhìn khác nhau thì thủ khoa này đã được hoãn nhập ngũ để đi học. Theo ông, tại sao bây giờ người trẻ và các bậc cha mẹ lại có tâm lý đó?










Chương trình học kỳ quân đội luôn thu hút không ít bạn trẻ.



Trước hết, cần khẳng định không phải tất cả các bạn trẻ đều ngại đi nghĩa vụ quân sự. Qua thực tế ở địa phương tôi sinh sống cũng như qua tin tức, hình ảnh trên báo chí, tôi thấy phần lớn các bạn thanh niên sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ. Vì thế, câu hỏi cần đặt ra là tại sao trong khi đa số thanh niên chấp hành nghĩa vụ quân sự một cách vui vẻ, lại có một bộ phận thanh niên ngần ngại, một số gia đình lo lắng cho con em mình như vậy?


Theo tôi, nguyên nhân trước hết là ở chính các bạn thanh niên đó. Sống trong thời bình, quen với điều kiện sống thuận lợi ở gia đình, lại chưa được giáo dục đúng mức, các bạn đó ngại đi vào một môi trường chắc chắn phải rèn luyện với nhiều khó khăn hơn, thử thách lớn hơn. Điều này rất khác với thế hệ chúng tôi.


Nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm của gia đình. Phải chăng các bậc phụ huynh không muốn con nhập ngũ nghĩ rằng nghĩa vụ xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc là của ai đó, chứ không liên quan đến con cái mình, gia đình mình? Nuông chiều con cái, ngại cho con rèn luyện vất vả thì không thể nào giáo dục được con mình nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ.


Thứ ba, phải nói đây là một bất cập trong giáo dục của nhà trường. Tuy gia đình chịu trách nhiệm chính nhưng giáo dục của nhà trường như vậy cũng chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ sâu sắc để những thanh niên này nhận ra nghĩa vụ của mình. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục của mình. Các bạn thanh niên bây giờ có rất nhiều hoạt động. Nhưng phải chăng những hoạt động ấy chưa thiết thực, sâu sắc, chưa làm cho thanh niên thấy được nghĩa vụ của mình với xã hội?


Tôi có cảm tưởng bây giờ cả gia đình lẫn nhà trường đang thực hiện một nền giáo dục nuông chiều thế hệ trẻ, và tâm lý ngại nhập ngũ là hậu quả của cách giáo dục như vậy. Học thì cái gì cũng kêu quá tải. Thi thì muốn dỡ bỏ hết cho đỡ căng thẳng. Nếu cứ tiếp tục một nền giáo dục nuông chiều thế hệ trẻ như vậy, chắc chắn con em mình sẽ không sẵn sàng để đương đầu với thử thách, khó khăn…


Cũng cần nói đến trách nhiệm chung của xã hội. Chúng ta cho rằng thanh niên là rường cột của nước nhà, là thế hệ sẽ quyết định vận mệnh quốc gia nhưng rất ít tạo điều kiện để thanh niên tham gia những việc quốc gia đại sự. Thường những việc của quốc gia đại sự thì đều cho rằng đó là việc của người lớn, của Đảng, Nhà nước, còn các cháu thanh niên cứ việc học hành. Bị đặt ra ngoài những lo lắng cho vận mệnh quốc gia, cho công việc chung của đất nước, dần dần thanh niên sẽ thiếu trách nhiệm, thậm chí trở nên vô cảm với những vấn đề chung.


Thời kỳ trước, việc đi nghĩa vụ quân sự được thanh niên đón nhận rất tích cực. Ngày nay những hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, các sự kiện do những tổ chức phi chính phủ chủ trì… vẫn được đông đảo người trẻ ủng hộ. Vậy phải chăng nghĩa vụ quân sự hiện chưa có những thay đổi phù hợp với lứa tuổi, tâm lý, lối sống và bối cảnh đất nước hiện nay?


Tôi cũng đồng ý rằng nhiều chương trình, trong đó có những chương trình của các tổ chức phi chính phủ, hấp dẫn nhiều thanh niên bởi có cách tổ chức sinh động, phù hợp với tâm lý của thanh niên. Tuy nhiên, đi nghĩa vụ quân sự là việc khác hẳn. Đây không còn là “sân chơi” mà là một nghĩa vụ thật sự, và khi thực hiện, thanh niên phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách. Đòi hỏi tổ chức cho vui hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn là không thể vì nó không phù hợp với tính chất của công việc này.


Có một nghịch lý là phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền triệu cho con tham gia học kỳ quân đội – chương trình dạy kỹ năng sống đang rất được thu hút ở Việt Nam. Trong khi đó, môi trường quân sự thật thì người ta lại e ngại?


Điều này có thể giải thích được, bởi chương trình học kỳ quân đội rất ngắn, vào đấy thanh thiếu niên được rèn luyện thiên về kỹ năng sống. Còn đi nghĩa vụ quân sự là sống xa nhà trọn vẹn 18 tháng, phải chấp nhận những thử thách lớn, có thể ra hải đảo, lên biên giới, thậm chí có khi tham gia chiến đấu thật sự và có thể vì vậy mà một số bạn trẻ và gia đình các bạn có tâm lý e ngại. Nhưng theo tôi, có thể những thanh niên đã trải qua các học kỳ quân đội sẽ hiểu quân đội hơn và không ngại nhập ngũ, gia đình các bạn cũng sẽ yên tâm hơn.









Bị đặt ra ngoài những lo lắng cho vận mệnh quốc gia, cho công việc chung của đất nước, dần dần thanh niên sẽ thiếu trách nhiệm, thậm chí trở nên vô cảm với những vấn đề chung.



Cũng là làm nghĩa vụ quốc gia, Hàn Quốc thực hiện rất thành công. Mọi thanh niên khi đến tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, dù đó là diễn viên nổi tiếng như Bi Rain... Rõ ràng ở đây là cách làm?

Tôi cho rằng gia đình, nhà trường, đoàn thể phải làm tốt công tác giáo dục hơn và dư luận xã hội cũng cần vun đắp lý tưởng cho các bạn thanh niên, chứ không nên hướng các em đến suy nghĩ “mình là biệt lệ, không phải thực hiện nghĩa vụ như mọi người”. Tôi không nghĩ thi đậu thủ khoa của một trường đã là nhân tài; thậm chí đoạt huy chương vàng trong các kỳ thi học sinh giỏi toán, lý, hoá quốc tế cũng chưa chắc đã nên gọi là nhân tài. Đó chỉ là những người có năng lực và có triển vọng trở thành nhân tài, nếu không ngừng nỗ lực vươn lên. Cần làm cho mọi người từ nhỏ đã hiểu một nguyên tắc cơ bản: mọi công dân đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện pháp luật nghiêm hơn.


Để phụ huynh và con em họ cảm nhận nghĩa vụ quân sự là điều thiêng liêng, tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ và coi đó là niềm tự hào thì phải có những điều chỉnh, cách làm gì trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự?


Trước hết, cần phải nhận thức một điều: sống trong xã hội, mọi người đều có những quyền lợi nhất định nhưng cũng có những nghĩa vụ nhất định, từ nghĩa vụ lao động, đóng thuế, chấp hành luật, tôn trọng quy tắc của cộng đồng… Nghĩa vụ quân sự là một nghĩa vụ thiêng liêng. Từ xưa đến nay, cả khi chưa hình thành nhà nước, ở bất kỳ cộng đồng nào, việc bảo vệ đất đai, lãnh thổ, bản làng cũng là nghĩa vụ của thanh niên (đặc biệt là nam giới). Vì vậy, người nào trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng ấy, người ta rất coi thường.


Một điều nữa cần lưu ý là trong sinh hoạt ở nhà trường, đoàn thể, cần cải tiến hình thức giáo dục thanh niên, làm sao cho sinh động để họ tiếp thu những tư tưởng đúng một cách nhẹ nhàng. Ở gia đình càng cần cởi mở, thân tình để giúp con em nhận thức được vấn đề. Các cấp uỷ, chính quyền cần tạo điều kiện cho thanh niên tham gia bàn bạc và thực hiện các công việc chung để giáo dục ý thức công dân qua thực tế, để thanh niên thức tỉnh hơn về nghĩa vụ của mình.


Xưa, Trần Quốc Toản nhỏ tuổi, không được bàn việc nước, căm hận quân xâm lược, nghiến răng bóp nát quả cam mới được vua ban. Chẳng lẽ đến tận bây giờ người lớn chúng ta vẫn cư xử với thanh thiếu niên y hệt câu chuyện hơn 700 năm trước?


Cám ơn ông


bài và ảnh: Trung Dũng






Trai hiện đại thích trở thành vũ công

Trai hiện đại thích trở thành vũ công

Trai hiện đại thích trở thành vũ công










Nhóm múa Diversity đã làm cho các bé trai mê nghề múa. Ảnh: TLCK



SGTT.VN - Một nghiên cứu mới đây phát hiện rằng chọn lựa trở thành vũ công đứng hàng thứ ba sau thầy thuốc và cầu thủ đá banh của lứa tuổi con trai từ 2 – 12 tuổi. Nhiều bé trai – 8% – muốn trở thành vũ công hơn bé gái – 5%, theo tờ Independent.


Khoảng 7% bé gái muốn trở thành cầu thủ đá banh hơn là đeo đuổi một nghề nghiệp truyền thống của phái nữ, như là làm y tá. Nghiên cứu do tổ chức Chăm sóc bà mẹ và cứu trẻ em cho thấy, ấn tượng để lại nơi trẻ em từ thành công của các nhóm múa như Diversity ở chương trình Tài năng của nước Anh.


Trưởng nhóm của Diversity, biên đạo múa Ashley Banjo đã cho phát một loạt bài múa trên truyền hình Sky và các trường dạy nhảy đường phố mọc ra nhanh tại các thị trấn ở Anh.


K.T






Nước tương Nhật vẫn chậm tiến

Nước tương Nhật vẫn chậm tiến

Nước tương Nhật vẫn chậm tiến


SGTT.VN - Người Nhật nhìn loại nước tương “mì ăn liền” làm từ bã đậu nành đã lấy hết chất béo mà một thời toàn thịnh ở Việt Nam có lẽ chỉ bằng một nửa con mắt.










Nước tương dòng tamari của cơ sở Thuần Chay ở ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Tấn Tới



Thậm chí những người theo chủ nghĩa “origin”, nghĩa là phải thuần chất, không pha loãng, rút ngắn quy trình kiểu đi tắt đón đầu, xem thứ nước tương ấy chắc chỉ bằng một phần tư con mắt.


Nước tương Nhật cũng như miso (tương bột nhão) – một phối trộn gồm đậu nành, lúa mì, muối và men – là một sản phẩm lên men và có thời gian ủ. Tiếng Nhật gọi nước tương là shoyu, nghĩa là dầu thực phẩm lên men. Cũng có một số loại nước tương Nhật có cả gạo lên men hoặc amazake (một loại thức uống làm từ gạo lên men, có nồng độ cồn thấp hoặc không có), nhằm tạo vị ngọt. Lúa mì hoặc gạo cần thiết để nuôi men và phát triển vị ngọt trong nước tương.


Nước tương Nhật thường có ít nhất là sáu tháng tuổi hoặc hơn. Nước tương tiêu chuẩn như koikuchi thường không có bất kỳ phụ gia nào, trong một số trường hợp một số chất được gia vào (thường là cồn) để kéo dài tuổi thọ trên kệ hàng, hoặc chất tạo ngọt để làm cho tương dịu hơn. Những chất phụ gia đó, theo luật Nhật, phải được ghi rõ trên nhãn.


Mấy loại nước tương?


Có năm loại shoyu truyền thống. Loại nước tương được dùng chủ yếu là do ảnh hưởng bởi nơi người Nhật đang sống, hoặc là nơi mà ẩm thực gia đình đã hình thành theo một quá trình lâu dài. Những bếp gia đình Nhật thường có một hoặc hai loại shoyu, trừ phi là gia đình rất có gu.


Loại phổ thông nhất là koikuchi shoyu. Koikuchi, theo đầu bếp Makiko Itoh viết trên justhungry.com, nghĩa là hắc khẩu. Koikuchi shoyu thường được bán trong các cửa hàng chuyên thực phẩm Nhật dưới nhãn hàng Kikkoman và Yamasa. Ở Nhật nó chiếm 80% thị phần, theo trung tâm Thông tin về nước tương (SOYIC).


Nó là shoyu được chọn lựa của vùng Tokyo/Kanto và miền Bắc. Koikuchi shoyu được làm với thành phần đậu nành và lúa mì bằng nhau, thêm muối và men.


Loại thông dụng thứ hai là usukuchi shoyu. Loại này có màu nhạt hơn, chủ yếu được dùng ở miền Tây nước Nhật, thường là vùng Kansai (Kyoto/Osaka), và chiếm chừng 15% thị phần. Ẩm thực Kyoto truyền thống, vốn có nguồn gốc từ ẩm thực cung đình, màu đen thâm của koikuchi shoyu được xem như hạ cấp và làm hỏng vị cũng như sắc của thực phẩm. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng màu sắc nhạt có nghĩa là ít mặn hơn. Độ mặn usukuchi khoảng 18 – 19% so với koikuchi 16%. Usukuchi shoyu được làm từ đậu nành và lúa mì, và thường được tăng độ ngọt bằng gạo lên men (kome Koji), gluten lúa mì hoặc amazake.


Một loại khác ở miền Tây là tamari – có nghĩa là “bã chum”. Đó là một loại shoyu đặc, và gần như nhớt dẻo, có gốc từ vùng Chubu, miền Trung Nhật với thành phố chính của vùng là Nagoya. Nó chủ yếu dùng như một loại nước chấm sashimi, và để hoàn thiện một số món tạo màu nâu đỏ và bóng, ví dụ như các món teriyaki. Tamari trở nên phổ biến ở miền Tây vì nó có tiếng là không có lúa mì. Điều này không nhất thiết, nhất là tamari làm theo phương pháp truyền thống. Nếu ai bị mắc bệnh không dung nạp gluten lúa mì nên đọc nhãn trước khi mua, vì cũng có loại tamari làm từ 100% đậu nành.


Sau cùng là hai loại shoyu thuần địa phương. Saishikomi shoyu gốc từ Tây Nam Nhật, đặc biệt là hạt Yamaguchi. Nó độc đáo ở chỗ được chưng cất lại lần thứ hai – cũng là nghĩa của “saishikomi” – từ mẻ shoyu đã thành. Có nghĩa màu sắc đỏ nâu rất sậm, vị ít mặn, và ngọt cũng như thanh hơn các loại shoyu khác.


Rồi còn có shiro shoyu – nước tương trắng – gốc từ hạt Aichi. Màu nó còn nhạt hơn usukuchi shoyu và rất giống với nước dùng dashi được nấu với nhiều cá ngừ khô bào. Nó được các đầu bếp ở Nhật dùng để tạo vị cho một số món nhưng lại không bị nhiễm màu sậm của nước tương.


Cũng có loại nước tương giảm muối hoặc ít muối được gọi là genen hoặc teien là koikuchi shoyu mà hàm lượng muối bị lược bớt, chỉ còn từ 9 – 13%.


Khởi Thức






Thâm hụt thương mại bảy tháng đầu năm chỉ 227 triệu USD

Thâm hụt thương mại bảy tháng đầu năm chỉ 227 triệu USD

Thâm hụt thương mại bảy tháng đầu năm chỉ 227 triệu USD


SGTT.VN - Ngày 15.8, tổng cục Hải quan cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ hai tháng 7.2013 (từ ngày 16 – 31.7) đạt gần 12,48 tỉ USD, tăng 22% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7.2013.











Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước trong tháng 7.2013 lên 22,82 tỉ USD, tăng 5% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 11,60 tỉ USD, tăng 5,4% và nhập khẩu đạt 11,22 tỉ USD, tăng 4,6% so với kết quả thực hiện trong tháng 6.2013.


Trong kỳ 2 tháng 7.2013, cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam có mức thặng dư nhẹ 164 triệu USD, qua đó góp phần thu hẹp mức thâm hụt thương mại hàng hoá của cả nước trong bảy tháng tính từ đầu năm 2013 xuống chỉ còn 227 triệu USD.


Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7.2013 đạt 6,32 tỉ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 1,17 tỉ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện của kỳ 1 tháng 7.2013.


Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá nửa cuối tháng 7.2013 tăng so với nửa đầu tháng 7 chủ yếu do tăng xuất khẩu của các nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 143 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 118 triệu USD; dầu thô tăng 111 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 78 triệu USD; hàng thuỷ sản tăng 65 triệu USD; hàng dệt may tăng 56 triệu USD...


Như vậy, tính từ đầu năm đến hết kỳ 2 tháng 7.2013, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt đến con số 73,32 tỉ USD, tăng 15,2% so với kết quả thực hiện của bảy tháng năm 2012, tăng tương ứng 9,67 tỉ USD về mặt số tuyệt đối.


T.T






Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm hơn 1/5 số gian hàng

Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm hơn 1/5 số gian hàng

Vietbuild 2013


Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm hơn 1/5 số gian hàng


SGTT.VN - Vietbuild 2013 lần thứ hai diễn ra từ 14 – 18.8.2013 tại trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC) với 2.160 gian hàng của 800 đơn vị trong nước, công ty liên doanh và doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đến từ 18 quốc gia. Triển lãm có chủ đề bất động sản, trang trí nội thất, xây dựng và vật liệu xây dựng. Hai ngày đầu tiên của triển lãm, ghi nhận cho thấy lượng khách tham quan không nhiều. Triển lãm lúc nào cũng vắng. Ông Nguyễn Duy Đạt, giám đốc dự án Eurosystem cho biết, số khách đến qua hai ngày ước chừng bằng 80% năm ngoái.










Các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm hơn 1/5 tổng số gian hàng tại hội chợ. Ảnh: T.V



Đây là sự kiện do trung tâm Thông tin bộ Xây dựng phối hợp với công ty cổ phần Tổ chức triển lãm quốc tế xây dựng tổ chức. Một trong những mục tiêu của Vietbuild là tạo ra cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó giúp nhà sản xuất có định hướng chiến lược trong kinh doanh đạt được hiệu quả cao.


Doanh nghiệp trong nước lép vế


Con số doanh nghiệp cũng như quy mô gian hàng so với năm ngoái là tương đương (800 doanh nghiệp với 2.200 gian hàng).


Tuy nhiên, đáng chú ý là chỉ có 381 doanh nghiệp Việt Nam tham gia so với 428 doanh nghiệp của năm ngoái. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có tên tuổi trong nước như Viglacera, Đồng Tâm, Hoa Sen, Tôn Phương Nam không thấy tham gia. Theo quan sát, lần này các doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều sản phẩm mới, đa số là các sản phẩm cũ trưng bày và hoạt động tiếp thị quảng bá cũng có phần giảm bớt với lý do tình hình kinh tế khó khăn nên không thể đầu tư kinh phí thêm. Có doanh nghiệp cho biết, đi triển lãm để giải quyết bán một số hàng tồn đọng!


Điểm sáng hiếm hoi của các doanh nghiệp trong nước xuất hiện ở một vài doanh nghiệp Việt Nam trong ngành xuất khẩu đồ gỗ cũng có nhiều cố gắng tìm kiếm thị trường nội địa bằng cách tham gia triển lãm. Từ cuối năm 2012 các doanh nghiệp này mở các cửa hàng và hệ thống đại lý trong nước, việc triển lãm để cho khách hàng biết đến thương hiệu của mình là bước đi trong chiến lược quay về thị trường nội địa.


Ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc công ty Nguyễn Thanh Furniture, cho biết “Thị trường xuất khẩu của công ty vẫn phát triển tốt. Trong thời điểm này, khi kinh tế khó khăn cũng là một cơ hội cho các công ty còn trụ lại thị trường xây dựng thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường nội địa. Phải tiến hành từng bước. Kết quả không có ngay nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ có một chỗ đứng trên thị trường”.


Ông Nguyễn Duy Đạt phụ trách bán hàng của công ty Eurosystem, là một công ty xuất khẩu đồ gỗ cũng cho rằng đi triển lãm là cơ hội để khách hàng nội địa biết đến sản phẩm. Đây là kế hoạch hỗ trợ cho hệ thống đại lý mà công ty đang phát triển từ cuối 2012 trên toàn quốc. Kỳ vọng công ty sẽ phát triển đại lý số lượng gấp đôi trong năm 2013.


Doanh nghiệp Trung Quốc nổi trội


Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp nước ngoài tăng vọt, kỳ triển lãm tháng 6.2013 có 129 doanh nghiệp, đến kỳ tháng 8.2013 lên đến 212 doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp Trung Quốc có đến gần 450 gian hàng, chiếm hơn 20% số gian hàng triển lãm.


Các gian hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất của các doanh nghiệp Trung Quốc nổi bật với những sản phẩm như thiết bị báo cháy, khoá cửa, camera, gạch trang trí, rèm cửa, hệ thống chiếu sáng...


Các gian hàng của doanh nghiệp Trung Quốc có quy mô rộng và họ đi theo từng tỉnh. Riêng Thượng Hải đi thành gian chung rộng chiếm gần hết một gian nhà bạt. Các tỉnh của Trung Quốc đi triển lãm thành từng cụm chung nhau và đưa ra các mặt hàng trang trí nội thất với các chất liệu mới. Tuy nhiên cũng có các mặt hàng thông thường đã triển lãm nhiều lần.


Bà Vera Zhu phụ trách dự án công ty China Intop Exhibition là công ty đưa các doanh nghiệp của tỉnh Xiamen sang triển lãm cho biết: “Việt Nam là thị trường tốt có tiềm năng. Chúng tôi đưa qua giới thiệu gạch men, ván sàn, thiết bị phòng tắm, keo dán. Lần nào chúng tôi cũng bán được hàng cho các đại lý. Mỗi năm chúng tôi đều đưa các công ty mới qua để tìm kiếm khách hàng”.


Ông Qinxuehai giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại Trung Việt cho biết: “Tôi đã đưa các công ty qua tham dự Vietbuild nhiều lần. Trước đây chỉ có 20 công ty tham dự thì hiện nay đã lên tới 200 công ty”.


Tuy nhiên, tại triển lãm, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tỏ ra không chuyên nghiệp khi chỉ có tài liệu tiếng Trung hoặc tiếng Anh, không có phiên dịch tiếng Việt...


Anh Vũ – Ngọc Hoài






Vui buồn làng rác!

Vui buồn làng rác!

Vui buồn làng rác!


SGTT.VN - Xà Cầu là một thôn nằm ngay sát quốc lộ 21B, thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội. Trước đây Xà Cầu có nghề làm tăm hương truyền thống nhưng do làm theo lối thủ công không đáp ứng được thị trường nên người Xà Cầu bắt đầu đi tìm một nghề mới để mưu sinh.










Ngày ngày, nhiều người như chị Hạnh vẫn mang phế liệu ra rửa ở ao làng.



Khoảng chục năm trước, một số phụ nữ ở Xà Cầu đi đổi đồng nát sắt vụn rồi bán cho các đại lý. Nghề này được phát hiện là “khá ngon ăn” hơn làm nghề khác. Vậy là người ta đua nhau đi thu mua đồng nát sắt vụn. Từ việc mua đi bán lại, dần dần người làng Xà Cầu đã biết sơ chế để bán cho các đại lý, nhà sản xuất để được giá cao hơn. Sau hơn mười năm mang nghề rác về làng, cho đến nay theo thống kê của thôn đã có 220 hộ với khoảng trên 500 lao động ở Xà Cầu tham gia trực tiếp vào việc mua bán, sơ chế phế liệu. Bà Lý Thị Chẹm năm nay 60 tuổi, đã gom nilông để tái chế suốt 14 năm qua. Một thứ tưởng như rẻ rúng đó, vậy mà sau nhiều năm làm nghề, gia đình bà đã xây được căn nhà hai tầng khang trang, sắm đầy đủ trang thiết bị tiện nghi trong nhà. Đặc biệt từ nghề rác này, gia đình bà còn tậu được một chiếc ôtô “để đi chơi hoặc đi bàn công việc cho thuận tiện”!


Gần đó, bà Nguyễn Thị Thung cùng con trai đứng ra lập đại lý thu mua đồ nhựa đã được sơ chế về đóng bao để bán cho các nhà máy tái chế cách đây mười năm. Hiện nay nhà bà luôn có ba xe tải để chở hàng với một đội ngũ bốc vác chuyên nghiệp. Mỗi tháng gia đình bà Thung mua đi, bán lại khoảng 150 – 200 tấn nhựa sơ chế. Phó thôn Nguyễn Bá Tài đưa chúng tôi đi qua nhà bà Thung và phát biểu: “Thử hỏi nếu làm nông nghiệp liệu bà Thung có được như thế không”. Ngoài ra, ở Xà Cầu có khoảng 4 – 5 người chuyên làm nghề rã xe máy và đều trở nên giàu có. Họ sẵn sàng mua ngay cả lô 100 – 200 con xe máy cũ với giá cả trăm triệu đồng về phá nát, bán phụ tùng.


Theo ông trưởng thôn Xà Cầu, cũng nhờ vào nghề rác, mà hiện tại thôn này có gần 200 biệt thự, nhà cao tầng, 170 ôtô tải để làm nghề và nhiều ôtô riêng, ôtô du lịch. Nhưng, bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế, việc thu gom rác thải để tái chế của thôn đã và đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khoẻ người dân. Đến Xà Cầu, từ cổng làng, sân đình, đường làng đến nhà của các hộ gia đình đâu đâu cũng thấy rác: nhựa chai lọ, nhựa y tế, bao tải, nilông, ống nước… những chai nhựa chất thành núi cao trong nhà. Tất cả các loại nhựa này được rửa sạch, nghiền nhỏ, sau đó phơi khô rồi bán cho các nhà máy tái chế nhựa. Trước khi tới tay các nhà máy sản xuất, nhựa đã được nghiền nhỏ bày phơi la liệt trên đường làng, trong nhà.


Hàng ngày, có hàng trăm tấn rác thải được gom về thôn Xà Cầu nhỏ bé, thoạt trông diện tích của thôn không đủ để chứa hết rác, cho nên có hộ gia đình cũng phải ăn cùng rác, ngủ cùng rác. Khi rác được gom về thì bốc mùi hôi thối làm ô nhiễm không khí, khi rửa phế liệu để nghiền thì nước thải bẩn thải trực tiếp ra kênh, mương chảy qua thôn. Thậm chí, dòng sông Nhuệ chảy qua địa phận của Xà Cầu cũng đen kịt vì bẩn khi các hộ gia đình mang rác ra sông rửa. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 40 tuổi, thành viên trong một hộ gia đình làm nghề này hơn sáu năm nay, thừa nhận: “Làng này giờ bẩn và ô nhiễm lắm rồi. Thấy nhiều người đổ bệnh mà sợ”. Biết vậy, nhưng theo chị Hạnh “chỉ cấy lúa thì không đủ chi tiêu hàng ngày”.


Do vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nghề rác thải, phế liệu đang rất báo động ở Xà Cầu nên các cơ quan chức năng xã, huyện đã có ý kiến quy hoạch một khu công nghiệp để cho những hộ sản xuất, kinh doanh ra đó hoạt động. Nhưng dự án quy hoạch đó hiện vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện nay bốn xóm ở Xà Cầu mới có nước sạch ở hai xóm. Hai xóm còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan. Với việc diện tích nước mặt ao, hồ, giếng làng đã không thể sử dụng được, thì chắc chắn mạch nước giếng khoan cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.


Trưởng thôn Nguyễn Bá Huê nói: “Ô nhiễm trong thôn rất nặng, nhưng hiện tại xã hay huyện chưa có biện pháp xử lý thích hợp để khắc phục tình trạng này”. Ông Huê cho rằng, nghề này muốn phát triển trong tương lai cần áp dụng khoa học kỹ thuật để xử lý nước thải, hơn nữa di dời khu tập kết rác ra xa khu dân cư cũng là một biện pháp khả quan, nhưng vẫn chưa làm được!


bài và ảnh: Vương Bích – Hải Dương






Bộ Xây dựng “sốt ruột” với gói 30.000 tỉ đồng

Bộ Xây dựng “sốt ruột” với gói 30.000 tỉ đồng

Bộ Xây dựng “sốt ruột” với gói 30.000 tỉ đồng


SGTT.VN - Tin từ bộ Xây dựng ngày 15.8 cho biết bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có công văn thúc giục các địa phương chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở trong việc xác nhận về hộ khẩu, thực trạng nhà ở để được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ theo nghị quyết 02 của Chính phủ.


Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên phạm vi địa bàn để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội; rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đang triển khai cho phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như các dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội.


Trung Đức






Một vụ án 11 lần toà hoãn xử

Một vụ án 11 lần toà hoãn xử

Một vụ án 11 lần toà hoãn xử


SGTT.VN - Đó là trường hợp của phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án hình sự trộm cắp tài sản ngày 13.8 của TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Bị cáo trong vụ án kéo dài gần chín năm này là bà Trần Thị Kim Nguyệt.


Vụ án tưởng như đơn giản nhưng lại có mấu chốt khiến cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn, chính là việc xác định chủ sở hữu của đàn dê và tài liệu, chứng cứ “bỗng dưng” được thư ký toà chuyển ra ngoài cho bị hại là bà Lê Thị Kim Y. Trong một diễn biến khác, bà Y dùng các chứng cứ như: hai giấy sang nhượng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy sang nhượng đất vườn và gia súc, giấy hợp đồng nuôi dê và quản lý trang trại chăn nuôi, giấy sang nhượng trang trại nhỏ đem đi làm thủ tục sang tên rồi thế chấp ngân hàng. Một số tài liệu liên quan, bà Y khai với toà là đã làm thất lạc mất. Theo các luật sư, việc này làm ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xét xử. Vì vậy, bị cáo Nguyệt và các luật sư yêu cầu đổi thư ký toà Văn Hồng Lễ. Tuy nhiên, trong quyết định hoãn phiên toà, TAND huyện Bắc Bình tống đạt cho các bên lại viết do có sự thay đổi một vị hội thẩm nhân dân.


Hồ sơ vụ án xác định, năm 2004, bà Nguyệt mua lại mảnh đất nuôi dê bằng giấy tay. Bị cáo này giữ sổ đỏ nhưng chưa sang tên, rồi gầy dựng được đàn dê 50 con. Một năm sau, bà Nguyệt ngỡ ngàng khi biết số dê và đất trên đã được ba mẹ mình bán cho bà Lê Thị Kim Y. Mâu thuẫn gia đình lên cao, ngày 28.5.2005, bà Nguyệt thuê người vận chuyển đàn dê của mình đi nơi khác thì bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố rồi xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thể xác định được chủ sở hữu của đàn dê là ai. Bị cáo Nguyệt khẳng định đàn dê và đất là của mình, trong khi bị hại Y thì nói ngược lại. Bị cáo cho rằng, việc mua bán của bà Y với cha mẹ mình là không hợp pháp. Đến nay, vụ án trở nên phức tạp hơn nhiều khi các chứng cứ quan trọng đã được thư ký toà lập biên bản giao cho bà Y và bị mất.


Theo đại diện viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Bắc Bình giữ quyền công tố tại toà, việc đưa lại giấy tờ đất cho bà Y là đúng pháp luật vì “bà Y là người làm ăn nên cần giấy tờ để vay vốn ngân hàng”. Đáp lại, các luật sư bào chữa cho bà Nguyệt cho rằng, hồ sơ của vụ án hình sự là các chứng cứ đặc biệt quan trọng cho tính khách quan của xét xử. Cán bộ toà án tự ý đưa cho bị hại là đã vi phạm tố tụng. Được biết, Viện KSND tối cao đã có chỉ đạo yêu cầu viện KSND tỉnh Bình Thuận kiểm tra, báo cáo làm rõ.


Thanh Nhã






Lệ Thuỷ diễn tuồng dài Chồng ơi... đừng khóc

Lệ Thuỷ diễn tuồng dài Chồng ơi... đừng khóc

Lệ Thuỷ diễn tuồng dài Chồng ơi... đừng khóc


SGTT.VN - Sự có mặt của NSND Lệ Thuỷ trong vở dài Chồng ơi... đừng khóc là một điểm nhấn xúc động cho tâm huyết của những nghệ sĩ đang muốn nhen lên những đốm lửa mới cho nghệ thuật cải lương, khi mà trước đó, trong liveshow cuối cùng của mình cách đây hơn một năm, bà đã có lời thưa cùng khán giả: “Là một nghệ sĩ, ai cũng muốn mình hát hoài, hát mãi. Không có ai muốn bỏ nghề, không ai muốn giải nghệ đâu! Nhưng đến một lúc nào đó, sức khoẻ không cho phép mình tiếp tục. Lúc đó, cũng phải rời xa sân khấu, rời xa ánh đèn. Đó là quy luật rồi...”










NSND Lệ Thủy (phải) và nghệ sĩ Kiều Oanh trong một cảnh diễn Chồng ơi...đừng khóc (chụp tại buổi diễn phúc khảo). Ảnh: CTV



Lời thưa đó, không ai bảo ai nhưng khán giả cải lương đã ngầm hiểu rằng, từ rày trở đi tiếng hát Lệ Thuỷ sẽ vắng bóng trong những vở tuồng dài, phải ca diễn trực tiếp trên sân khấu. Diễn lại vở cũ đôi khi đã nhớ nhớ quên quên, thì với vở mới, tuổi tác và sức khoẻ nào có bao dung cho trí nhớ của ai. Vậy mà, bà đã làm được khi trở lại sân khấu với một vở tuồng mới lần đầu công diễn.


Hai đêm diễn Chồng ơi... đừng khóc (vào lúc 19 giờ 30 ngày 17 và 18.8 tại nhà hát Kịch thành phố, 30 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) là dự án kịch thể nghiệm “ba trong một” lần đầu tiên cho sự kết hợp giữa êkíp nghệ sĩ Kiều Oanh, NSƯT Hoàng Nhất, nhà hát Kịch thành phố và kênh truyền hình HTV1, nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả vừa muốn xem chính kịch, hài và cải lương trong cùng một vở diễn. “Sẽ có thêm các vở diễn khác trong thời gian tới. Cứ hai tháng một vở diễn, dự kiến kéo dài trong một năm, tập trung vào hình thức kịch có cả hài và cải lương, biểu diễn tại nhà hát Kịch thành phố. Chúng tôi sẽ dàn dựng các vở diễn mang tiết tấu của kịch, nhiều đoạn có hát cải lương do những nghệ sĩ lão làng như NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Thanh Vy, Kiều Mai Lý, Kim Phương, Tuấn Thanh… thể hiện”, Kiều Oanh cho biết.


Chồng ơi... đừng khóc là vở diễn thuộc thể loại tâm lý xã hội, do soạn giả Hà Nam Quang và Võ Tử Uyên chuyển thể cải lương từ nguyên tác của Nguyễn Vũ, nghệ sĩ Khánh Hoàng làm đạo diễn. Vở diễn đề cập những xung đột, sóng gió trong tình yêu và gia đình. Xen giữa những khoảnh khắc xúc động của tình thân là những tiếng cười thú vị, để cùng chiêm nghiệm về cuộc đời.


Từng học chuyên ngành cải lương nhưng sau đó lại bén duyên và thành danh nhờ hài kịch, Kiều Oanh đang là nghệ sĩ hài được đông đảo khán giả trong nước và hải ngoại yêu thích. Tự nhận mình chạy nhiều show “mì ăn liền”, nay cũng đã đến lúc tập trung cho các vở dài, dự án nghiêm túc và dài hơi, Kiều Oanh và NSƯT Hoàng Nhất, nhà hát Kịch thành phố cùng quyết tâm đầu tư chỉn chu cho Chồng ơi... đừng khóc. Tính đến thời điểm này, số tiền bỏ ra cho vở diễn là hơn 500 triệu đồng. Nhà hát Kịch thành phố với 600 ghế, mức giá từ 300.000 đồng – 1,5 triệu đồng, nếu đầy khách sẽ là tín hiệu khả quan để êkíp nghệ sĩ có thể tiếp tục nuôi dự án thể nghiệm này.


Nghĩ ra nét mới, đưa kịch và cải lương đến gần hơn với khán giả trong thời điểm sân khấu gặp khó khăn là điều mà êkíp trăn trở nhiều năm qua. “Khán giả bây giờ chưa quên cải lương đâu, nhưng họ muốn coi cái mới, mà dàn dựng các vở cải lương cũ hoặc mới thì chúng tôi không dám mạo hiểm, đành chọn hình thức kết hợp các yếu tố trong cùng một vở diễn với hy vọng phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, kéo khán giả lại với sân khấu một cách từ từ”, Kiều Oanh chia sẻ.


Trâm Anh






Giải pháp nào cho vấn đề Rooney?

Giải pháp nào cho vấn đề Rooney?

Giải pháp nào cho vấn đề Rooney?


SGTT.VN - Ba tháng sau khi lên ngôi vô địch nước Anh, Manchester United sẽ chính thức bảo vệ ngôi vị của mình bằng một câu hỏi lớn: liệu Wayne Rooney có ra sân trong trận khai mạc mùa giải mới với Swansea?










Rooney chỉ “bệnh” ở M.U, còn ở đội tuyển thì không. Ảnh: Reuters



Trong suốt cả mùa hè, Rooney đã không thi đấu một trận nào cho đội hình 1 của M.U với lý do bị “chấn thương”. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Rooney vẫn có tên trong đội hình xuất phát ở trận giao hữu của đội tuyển Anh với Scotland, thi đấu 66 phút mà không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy anh ta vừa hồi phục chấn thương cả. Rooney viện cớ chấn thương để không thi đấu cho M.U là điều rõ như ban ngày sau vài lần trực tiếp gặp ban lãnh đạo M.U đề nghị được ra đi.


Thực tế, chủ đề đi hay ở của Rooney đã được bàn tới khi mùa giải trước còn chưa kết thúc. Thậm chí khi ấy, báo giới còn xoáy vào chi tiết cái ôm hôn hờ hững giữa Rooney và Sir Alex Ferguson trong buổi lễ nhận cúp ở vòng đấu cuối cùng. Nguyên nhân được cho là Rooney có mối quan hệ không tốt với David Moyes, người kế vị Sir Alex, khi cả hai còn ở Everton.


Như thế, M.U đã có ít nhất là ba tháng để giải quyết vấn đề Rooney. Vậy mà khi mùa giải mới đã cận kề, các bên vẫn chưa tìm thấy lối thoát, làm dấy lên những lo ngại về khả năng xử lý khủng hoảng của David Moyes. Cựu huấn luyện viên của Everton từng tuyên bố ông có thể thuyết phục được Rooney tiếp tục ở lại, và những mâu thuẫn của hai người đều đã được gác lại từ lâu. Nhưng sự thật là dường như chiếc hố ngăn cách giữa đôi bên ngày càng được đào sâu.


Dĩ nhiên, M.U đã tính chuyện để Rooney ngồi ngoài còn hơn là tiếp tay cho các đối thủ trực tiếp như Chelsea hay Arsenal, những đội bày tỏ mối quan tâm đối với chân sút số một của đội tuyển Anh. Nhưng dù không bán Rooney thì rõ ràng việc không thể xử lý được vấn đề liên quan đến cầu thủ này cũng đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới của M.U. Chẳng cần biết, có giành được Rooney hay không, hoặc quan tâm đến Rooney tới mức nào, song việc Jose Mourinho liên tục đăng đàn bày tỏ ý muốn chiêu mộ cầu thủ này có thể được coi như một ngón đòn tâm lý nhắm vào đối thủ lớn nhất của Chelsea trong cuộc đua vô địch.


Mùa trước, người góp công lớn nhất giúp M.U đăng quang là Robin Van Persie, Rooney chỉ đóng góp vỏn vẹn 12 bàn ở Premier League. Thế nhưng, cũng ít ai dám đặt cược rằng Quỷ đỏ có thể bảo vệ ngôi vị nếu như chỉ biết đặt niềm tin vào Van Persie cùng Danny Welbeck và Chicharito, còn Rooney thì bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ngay cả khi không trực tiếp ghi bàn thì Rooney vẫn là nhân tố quan trọng với khả năng kiến tạo cũng như thu hút các hậu vệ đối phương.


Trong trường hợp này, chỉ có một lý do duy nhất để M.U có thể hy vọng Rooney sẽ đổi ý vào phút cuối, chấp nhận ra sân thi đấu cho Quỷ đỏ nếu như yêu cầu ra đi không được đáp ứng. Mùa giải này là mùa mang tính bản lề, mọi cầu thủ đều phải nỗ lực để bảo vệ vị trí trong đội tuyển, hướng tới World Cup 2014. Mà hẳn là bây giờ, Rooney cũng cảm thấy hơi sốt ruột khi người vào thay anh trong trận gặp Scotland là Rickie Lambert đã ghi bàn quyết định ngay trong lần đầu ra mắt Tam sư...


Nhật Hoàng






Quan trọng vẫn là con người

Quan trọng vẫn là con người

Xây dựng chính quyền đô thị


Quan trọng vẫn là con người


SGTT.VN - Đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM, nhưng mô hình này phải như thế nào để phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời phải vì sự phát triển bền vững và nhanh chóng của thành phố là một vấn đề lớn, mang tính lịch sử… là những băn khoăn, đòi hỏi của nhiều đại biểu tại hội nghị góp ý “Đề án thí điểm xây dựng mô hình CQĐT TP.HCM” do uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM tổ chức vào ngày 15.8.










Người dân TP.HCM thư thái hóng gió ngắm cảnh thành phố trong chiều tà. Ảnh: Thanh Hảo



Một địa chỉ – một trách nhiệm


Theo ông Trương Văn Lắm, giám đốc sở Nội vụ TP.HCM, hiện nay địa bàn hành chính của thành phố có ba cấp là cấp TP.HCM trực thuộc Trung ương; cấp quận, huyện; cấp cuối cùng là phường, xã, thị trấn. “Nhưng trên địa bàn, xuất phát từ đặc thù của từng khu vực đã đô thị (đô thị hiện hữu là 13 quận trung tâm), khu vực đang đô thị hoá và khu vực nông thôn. Chính vì vậy, có nghiên cứu đề xuất trước là có hai cấp chính quyền là cấp chính quyền TP.HCM và cấp chính quyền cơ sở (ở bốn thành phố trực thuộc) ở các xã và thị trấn”, ông Lắm cho biết.


Đưa ra ví dụ về câu chuyện hiện nay giấy tờ “hành dân” là chính, GS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật thành phố cho rằng mô hình mới vẫn còn rối. “Ý tưởng thì nhất trí, nhưng tôi chưa hình dung được trong tổ chức mới này người dân tiện lợi cái gì, dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày không?”, ông Giao nhấn mạnh. “CQĐT phải là một đầu mối, một nơi giải quyết mọi việc.


Tất cả những gì xảy ra trên địa bàn mình phụ trách mình phải lo hết”, ông Giao nói tiếp.


Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Danh, hội Cựu giáo chức thành phố cho rằng, cán bộ UBND thành phố hiện nay quá đông rồi. Chính quyền cấp phường nên rút bớt lại, chỉ để lại cán bộ quản lý địa bàn về hộ khẩu hộ tịch và trật tự an ninh địa phương để tránh trường hợp rác đổ không ai chịu trách nhiệm, buôn bán lấn chiếm không ai giải quyết được. Thêm vào đó, trong đề án đề nghị lập thêm vài phòng ban nữa là điều này không cần thiết.


Trả lời những thắc mắc của đại biểu, ông Trương Văn Lắm, cho biết trong mối quan hệ giải quyết công việc thì người dân sẽ đến cơ quan hành chính nơi được phân công giao nhiệm vụ đó và chỉ có một cửa đó thôi. “Nghĩa là có một đơn vị cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm này”, ông Lắm nhấn mạnh. Cụ thể, đối với các sở ngành của thành phố thì sẽ nâng cao trách nhiệm của các sở ngành là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là cơ quan tham mưu nữa.


Cần chú ý tới yếu tố con người


Ông Đồng Văn Khiêm cho rằng, hiện nay một việc lại có rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng khi có việc thì chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. “Tôi nghĩ, xây dựng mô hình CQĐT phải phối hợp, đi kèm và chú trọng cải cách hành chính, nếu không thì mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đấy”, ông Khiêm nói.


Ở một góc nhìn khác, GS Trần Đông A lại cho rằng, mô hình này sẽ giải quyết nhanh chóng hiệu quả, quy trách nhiệm cá nhân dễ nhưng cũng tiềm ẩn sai lầm khi ra quyết định. Do đó, theo GS A, quy trình bổ nhiệm, bầu người đứng đầu phải thật chặt chẽ và cơ chế giám sát kiểm tra cần phải quy định để giới hạn mặt yếu của mô hình này. Cũng băn khoăn về con người, ông Phạm Văn Hải, phó chủ tịch thường trực uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM cho rằng trong đề án vấn đề nhân sự còn rải rác, không tập trung. “Nên chăng phải có một đề án nhân sự?”, ông Hải đề xuất.


Cũng ở khía cạnh này, ông Đặng Văn Khoa “đúc kết”: “Con người là yếu tố quyết định, mô hình có đẹp đến đâu, hay tới đâu mà con người vô cảm, tham nhũng, không có nụ cười với nhân dân thì khó thành CQĐT của dân do dân vì dân. Do đó, khâu này cần chuẩn bị tốt hơn!”


Đoàn Quý






The Voice Kids: đâu cần quá khích

The Voice Kids: đâu cần quá khích

Sổ tay


The Voice Kids: đâu cần quá khích


SGTT.VN - Ngay từ tập đầu tiên lên sóng, The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí) đã gây “sốt” khắp các diễn đàn mạng. Qua mỗi vòng thi, mức độ quan tâm lẫn tranh cãi của dư luận ngày một “leo thang”, khiến người ta không khỏi lo lắng cho những mầm non đang phải “bơi” giữa những áp lực quá sức.










Bốn HLV của The Voice Kids. Ảnh: TL



Áp lực mang tên “huấn luyện viên”


Đáng tiếc, người đầu tiên khiến những đứa trẻ mê ca hát ấy phải gắng “chín ép” chính là các vị huấn luyện viên (HLV). Sau vòng Đối đầu nhiều nước mắt rồi mới đây là vòng Liveshow đầy kịch tính, một nửa số thí sinh đã tiến rất xa trong khi nửa còn lại bỗng xuống sức với biểu hiện giống hệt nhau: không làm chủ được tiết tấu, nốt nhạc lẫn cảm xúc do gặp phải những bài hát mang tính thách đố, chứ không còn là thử thách. Có thể kể đến trường hợp của Nguyễn Cao Khánh. Dù khoác lên mình chiếc áo bộ đội và có cả dàn bè hùng hậu hỗ trợ, nhưng cậu bé vẫn rất vất vả mới hát trọn ca khúc về người thương binh. Không chỉ Hiền Thục, các HLV khác đều gây áp lực lớn cho thí sinh bằng những ca khúc vừa khó hát, vừa mang tính hình tượng, vừa gửi những thông điệp mơ hồ chắc chắn một đứa trẻ không tài nào hiểu được như: Gánh hàng rong, Radio, Trôi trong gương… Và dễ hiểu vì sao hàng loạt thí sinh gây chú ý ở vòng Giấu mặt lại khiến khán giả thất vọng ở những vòng sau. Điển hình là cậu bé có giọng hát cao, sáng với những quãng ngân nghe rất đã tai Ngọc Duy loạng choạng với Giấc mơ trưa, rồi cô bé chín tuổi biết hát opera Hồng Khanh chìm nghỉm trong tam ca Thành thị. The Voice Kids đi qua nửa chặng đầu với vô số phản ứng của khán giả về cách chọn bài thiếu “tiết chế” của các HLV.









Người lớn đâu cần quá phấn khích và cay cú, khiến các em vô tình bị tổn thương. Hãy để cuộc thi là một kỷ niệm đẹp của các em.



Người xem mất kiểm soát

Có lẽ, khán giả truyền hình, không ai không mềm lòng trước giọng hát ngọt ngào của Phương Mỹ Chi, và niềm đam mê dòng nhạc dân ca của cô bé 11 tuổi. Nhưng khi tình cảm của khán giả trào dâng quá mức thì chính Mỹ Chi cùng các thí sinh khác bị tổn thương. Có người còn ra sức hạ thấp các giọng hát nhí khác bằng kiểu phản hồi đầy vô tâm: “Ứ thích thí sinh này, chỉ ủng hộ Mỹ Chi!” Lúc Mỹ Chi xuống sức trong bài Lòng mẹ (mà thực ra ngoài lý do sức khoẻ, tiết tấu chậm và cao độ của bài hát hơi quá sức với giọng của em), cộng đồng mạng lại một phen dậy sóng vì những phản hồi chỉ trích nhà đài “cố tình dìm hàng Mỹ Chi”. Mỹ Chi không được nhà đài phỏng vấn trực tiếp trong tập Đặc biệt về gia cảnh thí sinh, khán giả cũng đồng loạt lên mạng “tố” nhà sản xuất, mà quên mất rằng, trong chương trình đó, nhiều thí sinh khác cũng không được phỏng vấn.


Hy vọng những ai đang mất kiểm soát kịp nhận ra, đây là một cuộc thi ca nhạc dành cho thiếu nhi. Mà với trẻ con thì em nào cũng hồn nhiên, ham vui, còn nỗi buồn đều chóng qua, chóng quên. Vậy thì người lớn đâu cần quá phấn khích và cay cú, khiến các em vô tình bị tổn thương. Hãy để cuộc thi là một kỷ niệm đẹp của các em!


Hương Lan






Kiến trúc về đêm ở Dresden

Kiến trúc về đêm ở Dresden

Kiến trúc về đêm ở Dresden


SGTT.VN - Với người châu Âu, Dresden là một trong những thành phố xanh nhất châu Âu. Với người Đức, Dresden là một trong mười thành phố đáng sống nhất nước Đức. Với những người đam mê kiến trúc cổ, Dresden là điểm đến khó có thể bỏ qua, bởi thành phố này sở hữu rất nhiều những toà kiến trúc cổ được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.










































Phong cách kiến trúc Baroque tại các công trình lớn ở Dresden



Là một đô thị cổ ven sông Elbe, Dresden miền Đông Đức cũng có vị trí toạ lạc khá tương đồng với nhiều thành cổ khác trên khắp châu Âu, chỉ có điều, ước tính trong năm 1945, hơn 90% công trình kiến trúc của thành phố bị phá huỷ và hư hại nặng do hứng chịu các đợt dội bom trong Chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có Vương cung thánh đường – một trong bốn toà kiến trúc nổi tiếng thế giới của Dresden – chỉ còn lại một đống đổ nát. Nhưng hôm nay, Dresden đã hồi sinh, hầu hết các kiến trúc cổ bị phá huỷ hoặc hư hại do chiến tranh đều được tôn tạo, phục chế, trả lại vẻ đẹp nguyên bản như ban đầu, xứng với một thành cổ đáng là điểm đến hấp dẫn nhất để chiêm ngưỡng những nét đẹp đặc trưng từ các toà kiến trúc bên dòng sông Elbe.


Bên dòng sông Elbe


Cổ thành Dresden hơn 800 năm tuổi, được ví như Firenze, thủ đô cũ của vương quốc Ý (1865 – 1870), thủ phủ vùng Toscana nằm bên dòng Arno, nơi phát động trào lưu thời kỳ phục hưng của Ý, là miền đất nổi tiếng về nghệ thuật và kiến trúc.


Từ thế kỷ 16, Dresden cũng là nơi các công trình kiến trúc Baroque và phục hưng thăng hoa, từng công trình lần lượt ra đời như cung điện hoàng gia, cung điện Zwinger, nhà hát Opera, lâu đài dòng họ Wettin, Vương cung thánh đường… tất cả hoà quyện và kết nối với nhau như một sự sắp đặt, gọt giũa chỉn chu, mà giới kiến trúc thường dành mỹ từ để miêu tả tổng thể quy hoạch và kiến trúc ở Dresden là: Viên ngọc của kiến trúc châu Âu bên dòng sông Elbe.


Dresden cũng là thành phố hiếm hoi trên đất châu Âu mà khi đến, không cần dùng bản đồ cũng có thể đi và quan sát trọn vẹn các điểm nhấn nổi bật về kiến trúc của thành phố. Bởi rằng khi đêm về, tất cả các kiến trúc cổ ở Dresden được chiếu sáng, tạo nên một hình ảnh lung linh, phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp diễm lệ của Dresden mà hiếm thành phố cổ nào ở châu Âu có được. Từ bờ bắc của thành phố, đợi trời nhập nhoạng tối, khi các kiến trúc đã ăn đèn, tôi tản bộ theo cây cầu Augustus nối với bờ nam, dẫn lối thẳng vào khu thành cổ Dresden để khám phá vẻ đẹp của thế giới kiến trúc nơi này.


Có một nét thú vị mà người châu Âu thường nói: Muốn tận hưởng nhịp sống chậm, Dresden là thiên đường để tận hưởng điều đó. Và quả thật, ở thời khắc về đêm, dòng chảy và nhịp sống thời gian ở Dresden như dừng hẳn lại, thành phố này vô cùng vắng vẻ, có rất nhiều đoạn đường đi mãi chẳng thấy khách bộ hành nào qua lại. Cả thành cổ im lìm, có vẻ như tất cả những âm thanh xô bồ, huyên náo của thường nhật đang nhường bước cho những chiêm nghiệm về câu chuyện xây dựng các toà kiến trúc, để khám phá ra một vẻ đẹp đáng quý hơn từ các toà kiến trúc cổ, một diện mạo về đêm ở Dresden thật quyến rũ và tràn đầy lãng mạn.


Bancông châu Âu


Chạm chân đến bờ nam của dòng Elbe là con đường cắt ngang – điểm gạch nối giữa dòng Elbe và phố cổ, cũng chính là thành luỹ khi xưa của Dresden – trải dài qua những toà kiến trúc nhấp nhô, được giới kiến trúc mệnh danh là “bancông châu Âu” (Brühlsche Terrasse), nơi toạ lạc học viện Nghệ thuật hoàng gia, bảo tàng Albertinum, cung điện hoàng gia… tạo một cảm giác như đang sải bước trên hành lang dài bất tận, đi qua từng thời kỳ của kiến trúc Baroque, phục hưng, trong không gian và thời gian của hiện tại.

































Các chi tiết kiến trúc ở Dresden trở nên đẹp và lung linh hơn dưới ánh đèn đêm.



Đêm xuống ở “bancông châu Âu”, mỗi công trình cổ nơi này mang ngôn ngữ đặc trưng riêng. Đó là bảo tàng Albertinum nơi lưu giữ các bộ sưu tập tranh nổi tiếng của danh hoạ chuyên vẽ phong cảnh người Đức, Caspar David Friedrich thuộc trường phái lãng mạn, là biểu tượng của trường phái hội hoạ lãng mạn Đức, đến các tác phẩm của Dix, Van Gogh, Monet, Degas…


Từ bờ nam, đi dọc theo hướng đông của thành cổ Dresden đến quảng trường trung tâm, sẽ thấy ngay toà kiến trúc phân tầng đối xứng theo hình tháp, đó chính là nhà hát Opera do kiến trúc sư Gottfried Semper xây dựng năm 1841. Toà kiến trúc này đã từng bị phá huỷ hoàn toàn năm 1945, và sau một thời gian dài phục chế, tôn tạo và xây dựng lại theo nguyên bản ban đầu, mãi đến năm 1985 mới mở cửa trở lại. Rồi cung điện Zwinger mang kiến trúc Baroque muộn, xây dựng trong thời gian từ năm 1710 – 1728.


Mỗi công trình là một vẻ đẹp độc đáo, phối hợp với ánh sáng tỏ – mờ được thiết kế, sắp đặt có chủ ý, càng tăng thêm vẻ đẹp huyền diệu cho kiến trúc cổ thăng hoa. Nhưng trong thế giới kiến trúc về đêm ở Dresden, có một mảng tường ở lâu đài dòng họ Wettin, khiến du khách không khỏi trầm trồ và dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng suốt chiều dài hơn 100m của nó. Đấy chính là bức tranh tường Fürstenzug, được ốp lại từ hơn 25.000 mảng sứ của nhà sản xuất nổi tiếng Meissen, miêu tả đám rước của 35 vị hoàng tử nhằm kỷ niệm sự thống trị 1.000 năm của triều đại Wettin, được công nhận là bức tranh tường dài nhất châu Âu.


Thánh đường ở Dresden


Trong số tất cả các kiến trúc cổ ở Dresden, có hai kiến trúc thánh đường nổi bật, đó là Vương cung thánh đường (Frauenkirche) và nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi (Kathedrale Sanctissimae Trinitatis).


Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 18 (1726 – 1743) Vương cung thánh đường ở Dresden được xây dựng theo kiến trúc Baroque như các công trình khác ở thành cổ này, có tư liệu xác định rằng trước Chiến tranh thế giới thứ 2, Dresden được mệnh danh là thành phố có các công trình kiến trúc Baroque toàn mỹ nhất thế giới. Và trong số ấy, Vương cung thánh đường do kiến trúc sư George Bähr xây dựng, là một biểu tượng đại diện cho toàn thể kiến trúc Baroque ở Dresden.


Nhưng đến ngày 15.2.1945, Vương cung thánh đường Dresden đổ sụp, chỉ còn sót lại hai mảng tường cao khoảng 20m. Mãi đến năm 1993, việc phục dựng lại thánh đường này theo nguyên bản được khởi xướng, các viên đá được đánh số và xây dựng lại đúng theo vị trí ban đầu. Với sự quyên góp của cộng đồng Công giáo toàn thế giới, tổng số tiền phục dựng lên đến 130 triệu euro và hơn 12 năm tái thiết, thánh đường hoàn thiện năm 2005, và nay trở thành một điểm tham quan khó bỏ qua khi đến Dresden.


Một thánh đường nổi bật khác nằm trên trục “bancông châu Âu” ở Dresden với các chi tiết trang trí bên ngoài khá giống với lối xây dựng thánh đường theo phong cách Gothic thường thấy ở các nước châu Âu, chính là nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, được kiến trúc sư Gaetano Chiaveri người Ý – bậc thầy về kiến trúc Baroque với các công trình như lâu đài hoàng gia Warsaw, cung điện Kadriorg – thiết kế trong thời điểm từ năm 1738 – 1751, nhà thờ cũng từng bị phá huỷ trong chiến tranh, và được phục dựng lại từ năm 1980, và nay là nhà thờ chính toà của Giáo phận Công giáo La Mã Dresden – Meissen.


Khám phá thế giới kiến trúc ở Dresden, tựa như một hành trình ngược dòng lịch sử để được nghe lại những câu chuyện xây dựng, kiến thiết, phục dựng, bảo tồn đầy thú vị. Và thời điểm phù hợp nhất để khám phá những thú vị ấy, là hãy đợi các khối kiến trúc cổ bừng sáng mỗi ngày dưới ánh đèn đêm.


Bài và ảnh: Lam Phong










Vẻ đẹp của thành cổ Dresden bên dòng Elbe











Cầu cổ Augustus nối từ bờ bắc sang bờ nam đến thành cổ Dresden.


































Mảng tường ốp tranh sứ ở lâu đài Wettin.











Sự thanh vắng giúp người ta dễ cảm nhận hơn vẻ đẹp về đêm ở kiến trúc Dresden.


























































Các chi tiết và tổng thể kiến trúc ở "bancông châu Âu".











Nhà thờ chính toà Dresden – một điểm nhấn đẹp trên “bancông châu Âu”.
















DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ