Tạo không gian chia sẻ để bán hàng
SGTT.VN - “Vừa kinh doanh, vừa chia sẻ được đam mê với người cùng sở thích. Khi đó, công việc là... thư giãn”. Đó là tâm sự của một trong số rất nhiều người biết tạo ra một “không gian chia sẻ” để bán hàng.
Audio Space là không gian mà các “tín đồ” chơi âm thanh thường lui tới... chém gió. Trong ảnh: ông Bùi Quốc Huy, phụ trách kỹ thuật của Audio Space đang kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Ngọc Hoài |
Những không gian chia sẻ kiểu như vậy hiện đã rất phổ biến và đang phát triển lan rộng ra nhiều khu vực kinh doanh.
Từ việc mở quán
Hiện nay, các loại hàng thủ công như đồ trang sức, trang trí nhà cửa làm bằng tay hay được thiết kế theo những kiểu cách riêng đang phát triển nhanh chóng và được nhiều người yêu thích. Và những người cùng sở thích luôn có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm, mối quan tâm hay thậm chí chỉ để... chém gió. Nắm bắt được tâm lý này, càphê handmade (thủ công) xuất hiện ngày một nhiều, tạo ra một không gian để các tín đồ có thể vừa thư giãn, vừa tự tay làm, hoặc có thể chọn mua những sản phẩm mình yêu thích… Thời gian gần đây, tại TP.HCM, hàng loạt quán càphê kinh doanh mô hình này lần lượt xuất hiện, điểm sơ có càphê Illusion, Me, Olug, Bazaar, Thị Trấn Ba Cây Chổi và Pha Lê... Theo tìm hiểu từ một số quán, doanh số của hàng thủ công thường chiếm tỷ lệ từ 50% trở lên trong doanh thu của những quán này.
Kết hợp bán càphê, nước uống và cả đồ ăn, nhưng mỗi nơi có phong cách riêng. Xuân Quỳnh, chủ Pha Lê, cho biết: “Khi mở quán, tôi tham khảo nhiều nơi. Tôi chọn làm đèn pha lê cũng như hoa đất sét vì sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, thời gian... sản phẩm đẹp và sẽ có giá trị. Sản phẩm ở đây một phần trang trí cho quán nhưng nếu khách thích thì có thể mua về. Kết hợp kinh doanh trong quán sẽ hay hơn là mở một shop chuyên bán hàng. Ở shop thì khi có nhu cầu, khách mới ghé mua, còn ở quán thì khách có thể vừa uống nước và ngắm sản phẩm, nếu thấy thích thì có thể mua ngay. Tuy quán chỉ mới mở được vài tháng nhưng tôi bán được khá nhiều đèn pha lê đến nỗi làm không kịp giao cho khách”.
Ở Ba Cây Chổi thì hàng do khách tự tay làm và có thể mang về. Những sản phẩm có thể làm từ mọi chất liệu thô sơ như vải, giấy, gỗ, thiết kế tranh bằng nghệ thuật mosaic, làm bánh… “Từ khi có con nhỏ, tôi học cách hiểu con nhỏ muốn điều gì, thích chơi gì nên tôi muốn tạo một mô hình giống một khu vui chơi phù hợp cho đa số các bạn nhỏ nhưng không ngờ người lớn cũng rất thích. Cốt yếu làm sao thiết kế được một không gian thoải mái, thuận tiện để khách có thể vừa ngồi thưởng thức nước uống mà vẫn có không gian để làm đồ thủ công”, Tường Anh, chủ quán chia sẻ. Ở đây có những mẫu do đội ngũ thiết kế của quán thiết kế và hướng dẫn lại nhân viên, nhân viên sẽ hướng dẫn lại cho khách tự tay làm. Ở Ba Cây Chổi, khách không cần có kỹ năng và sự khéo léo mà cái họ đạt được là sự trải nghiệm, hưởng thụ quá trình làm ra sản phẩm và cảm thấy thú vị khi những món đồ “độc nhất vô nhị” được hoàn thành do chính tay mình làm.
Hiện ở café Bazzar có cho thuê từng kệ hàng và cho ký gửi những sản phẩm thủ công. Ở đây như một siêu thị hàng thủ công với hàng trăm sản phẩm. “Những ai có chút cá tính hay thích những món đồ độc, “không đụng hàng” thì họ thích đến quán vừa thư giãn vừa có thời gian sưu tầm đồ đạc, thay vì phải đi nhà sách hay phải tìm những shop chuyên kinh doanh mặt hàng này”, Kim Ngọc, chủ quán nói. Những sản phẩm ở đây chủ yếu là giỏ xách, vỏ gối trang trí, sổ tay, ly tách… “Là người yêu thích sản phẩm thủ công, thích décor nhà cửa nên tôi có thể cung cấp những ý tưởng hướng dẫn khi khách có nhu cầu. Ngoài ra, quán cũng có các lớp học dạy làm đồ thủ công vào dịp cuối tuần”, Kim Ngọc cho biết thêm.
Bán cái gì dạy làm cái đó
Theo lệ thường, việc gìn giữ công thức và bí quyết trong sản xuất hàng hoá đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại của một thương hiệu nào đó. Tuy nhiên, vượt qua lo ngại là người tiêu dùng khi biết cách làm bánh rồi thì sẽ không quay lại mua bánh của mình nữa, Star Kitchen bán cả nguyên vật liệu và dụng cụ làm bánh, mở các lớp hướng dẫn làm bánh và đã thu hút được nhiều chị em tham gia. Ở Tạp dề Kitchen Boutique cũng tương tự, mỗi sáng chủ nhật cũng có lớp hướng dẫn làm bánh. Thông tin chi tiết về ngày giờ học và tên bánh luôn được thông báo trước trên Facebook, để các học viên nếu thấy thích thì thu xếp tham gia.
Khai Tâm cho biết sau khi học làm bánh ở Star Kitchen, cảm thấy yên tâm về chất lượng và độ an toàn vệ sinh khi mua bánh ở đây.
Nhắm vào đối tượng trẻ em từ 6 – 11 tuổi, workshop Góc sáng tạo của ImFriday.com cũng là một sân chơi hữu ích để các em nhỏ rèn luyện bàn tay khéo léo. Vừa bán các sản phẩm thủ công như sổ tay bìa vải, lọ cắm bút, tranh đá treo tường, vòng tay, vòng cổ… ở đây bán cả nguyên vật liệu cho các sản phẩm ấy và thứ bảy hàng tuần, Góc sáng tạo sẽ có hướng dẫn cách làm.
Soul Shop (thegioithucong.com) là một shop bán hàng thủ công. Nắm bắt được tâm lý nhiều người muốn tự tay mình làm một món quà thủ công nào đó để có thể biếu tặng, Soul Shop có chuẩn bị sẵn từng bộ nguyên vật liệu và thường xuyên mở lớp hướng dẫn tại shop hoặc tại địa điểm khách yêu cầu nếu số lượng học viên đông.
Và cả các buổi hướng dẫn miễn phí
Với các chị em yêu may vá, đan móc ở TP.HCM thì Lena Faustina trên đường Lý Thường Kiệt là một địa chỉ phải “cảnh giác” cao độ, bởi sự phong phú của hàng hoá ở đây dễ khiến cho nhiều chị em móc đến đồng bạc cuối cùng để mua vật liệu, dụng cụ cho thú vui nữ tính của mình. Thêm nữa, ở đây thứ bảy hàng tuần thường có những buổi hướng dẫn miễn phí về đan len, thêu tay, quilting (may ráp mảnh, chần bông) và cả nghệ thuật giấy cuốn quilling. Đây là cách chia sẻ niềm vui làm những thứ tỉ mẩn của phái yếu để qua đó, tạo ra đối tượng khách hàng tiềm năng cho hoạt động mua bán nguyên phụ liệu ở đây.
Ở quy mô nhỏ hơn nhưng Saigon Craft cũng được nhiều chị em quan tâm nhờ những buổi offline hướng dẫn rất hữu ích của cô chủ shop chuyên bán các loại vải, dụng cụ may mặc, da, phụ kiện túi ví...
Ngọc Hoài – Gia Hoà