Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Vẫn còn những người đốt lửa

Vẫn còn những người đốt lửa

TS Lê Nguyễn Minh Quang


Vẫn còn những người đốt lửa


SGTT.VN - Tốt nghiệp luận án tiến sĩ xây dựng tại trường đào tạo kỹ sư danh tiếng của Pháp – Ecole Centrale Paris, thạc sĩ quản trị hành chính công tại trường Quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) và trường Hành chính công Kennedy – đại học Harvard (Mỹ), Lê Nguyễn Minh Quang không chỉ là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nền móng, công trình ngầm, những đóng góp thẳng thắn của anh cho những vấn đề nóng của đất nước, của thành phố thể hiện tầm nhìn, sự hiểu biết thấu đáo của một trí thức với trách nhiệm công dân sâu sắc.











Từng viết thư cho Thủ tướng đề xuất những cải cách cho đất nước từ rất sớm, những phản biện quyết liệt của anh về quy hoạch đô thị trong vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng là để hướng tới một chính quyền đô thị phù hợp với nhịp sống thời đại.


Đặt vấn đề chính quyền đô thị lúc này, rõ ràng nhu cầu vận động của cuộc sống, của xã hội đã trở nên bức bách?


Không phải chỉ vì chiếc áo quá chật lại rách nhiều nơi, mà thay thế một chiếc áo hoàn toàn mới bằng chất liệu mới, kiểu dáng mới là để phù hợp trào lưu chung của thế giới. TP.HCM với xấp xỉ 10 triệu dân đang chịu sự quản lý của một bộ máy mà ở đó tiếng nói người dân chưa được coi trọng, đời sống dân sinh, an sinh chưa được bảo đảm, bộ máy chính quyền thì lúng túng khó khăn trong việc giải quyết những vấn nạn.


Là thành phố lớn nhất nước, TP.HCM vẫn phụ thuộc nhiều vào trung ương, từ chính sách đến tài khoá. Chính quyền đô thị đặt ra mục tiêu lớn nhất là được tự chủ trong việc ra những quyết định không vượt khỏi khung của luật pháp nhà nước. Về tài khoá, không thể nuôi dưỡng một cơ thể lớn mạnh bằng khẩu phần và cơ chế định lượng như hiện nay. Yêu cầu được trao quyền tự chủ cũng chính là để thay thế bằng một chiếc áo mới, rộng lớn hơn. Muốn vậy, phải có sự chuẩn bị về đội ngũ viên chức, để khi chúng ta mặc áo mới không bị “luộm thuộm”. Một số anh em đã được đào tạo qua thực tiễn nhưng chưa phát huy được khả năng vì chưa được trao thực quyền cho mỗi vị trí; thành phố muốn quyết việc gì cũng phải qua trung ương, các sở – ban – ngành cũng phải xin chỉ đạo thành phố… nên chưa thể kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp với cuộc sống. Về đãi ngộ, chưa có cơ chế thu hút nhân tài vào bộ máy chính quyền. Một điều đáng buồn là những người có năng lực và tâm huyết, cá tính đang có xu hướng đi ra ngoài làm vì không còn lửa nữa, lương bổng cũng chưa tương xứng để họ cống hiến trí tuệ cho chính quyền. Những vấn đề đó đã dẫn đến thực tế là chúng ta chưa có khả năng phát huy nội lực mà thành phố đang có, và chưa thực sự sẵn sàng khoác lên chiếc áo mới. Nhưng không thể chờ đợi, phải song song hoàn thiện hai khiếm khuyết đó.


Bao giờ chúng ta mới bắt đầu giải quyết một cách căn cơ những vấn đề của đô thị, thay vì kiểu chắp vá, hư đâu sửa đó như hiện nay?


Vấn đề bức xúc nhất của thực tế hàng ngày là giao thông, cấp thoát nước, hạ tầng… nhưng nhìn tổng quan, hệ thống pháp luật, các quy định đều yếu và thiếu. Thành phố đã nỗ lực rất nhiều từ khi khánh thành đại lộ Đông Tây, điểm son là những chiếc cầu vượt bằng thép gần đây đã thay đổi cách nhìn về dự án nhà nước luôn chậm trễ và đội vốn. Nếu những việc nhỏ làm tốt sẽ tạo niềm tin lớn. Nhưng những dự án cấp thoát nước, vệ sinh môi trường vẫn làm rất chậm, vốn đội lên nhiều lần khiến người dân bức xúc vì bộ máy chưa đủ tầm, đủ năng lực cho những dự án lớn. Tại sao chúng ta không thu hút được người từ bên ngoài vào những dự án đó? Có vẻ mỗi sở đang thực hiện theo hệ thống ngành dọc, mang tính kiểm soát, quản lý hơn là định hướng phát triển. Những quy định về giao thông vẫn sa đà vô chuyện chữa cháy nhiều hơn, phải định hướng để tạo được sự thông thoáng cho giao thông công cộng mới giải quyết được vấn đề đi lại hỗn độn…


Rõ ràng Sài Gòn – TP.HCM bây giờ chưa có được tầm mức so với khu vực như trước 1975. Mình tăng trưởng 10% với gia tốc của xe đạp, còn người ta tăng trưởng 3% theo gia tốc xe hơi. So sánh với các nước lân cận thôi, nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại, khoảng cách sẽ ngày càng xa. Phải có đội ngũ quản lý quy hoạch có năng lực mới tạo được sức bật mới.


Vậy theo anh, bao giờ chúng ta mới có được những cư dân đô thị quyết tâm cùng chính quyền thay đổi bộ mặt thành phố?


Tình trạng của Singapore nhiều năm về trước giao thông cũng hỗn độn, tệ nhũng nhiễu, làm tiền, xả rác… cũng đầy dẫy như ở Việt Nam. Thời điểm 1965, chính quyền Singapore đứng đầu là Lý Quang Diệu đã quyết tâm cải cách mạnh mẽ, như một cam kết sống còn của dân tộc, từ đó tạo được kỷ cương phép nước truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi chính quyền có quyết tâm, dân chúng đồng tình, họ đã biến Singapore thành một đảo quốc sạch và văn minh hàng đầu thế giới. Với những hình phạt thật nặng như vứt bậy một tàn thuốc bị phạt 500 đôla Sing, vẽ bậy trên ga điện ngầm ngoài phạt tiền còn bị đánh đòn… ông Lý Quang Diệu đã biến một đất nước tụt hậu thành một quốc gia văn minh, tuân thủ luật pháp. Họ đã làm được chính là do nhận thức, quyết tâm, và năng lực. Không có lý do gì chúng ta từ chối học hỏi để quản lý đô thị thành công như ông Lý Quang Diệu.









Đã quá lâu người dân thành phố phải sống theo những quy định đem lại lợi ích trước tiên cho nhà quản lý, rất ít cơ hội thay đổi điều đó cho mục đích thoả mãn cuộc sống của mình.



Hiện tại mình chưa có được nếp sống và hành vi ứng xử của thị dân văn minh cũng là điều dễ hiểu. Do một thời gian dài tự hào với chiến thắng và tập trung xây dựng ý thức hệ mà xem nhẹ việc giáo dục đạo đức công dân, nên đã tạo ra một lỗ hổng lớn dẫn đến sự trì trệ, nạn vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy, đánh nhau ngoài đường, cướp giật tràn lan… Đã quá lâu người dân thành phố phải sống theo những quy định đem lại lợi ích trước tiên cho nhà quản lý, rất ít cơ hội thay đổi điều đó cho mục đích thoả mãn cuộc sống của mình. Chính sách là để hướng đến một cuộc sống tốt hơn cho người dân, cho xã hội. Kênh Nhiêu Lộc nước đã bắt đầu sạch hơn, cá đã xuất hiện trở lại, nhưng người dân thiếu ý thức vẫn câu cá như một thú tiêu khiển, mặc cho các biển cấm giăng đầy. Phải có các hình thức phạt nặng, cùng việc vận động ý thức bảo vệ môi trường bắt đầu từ tổ dân phố, phường xã…

Cũng như tất cả thành phố khác, cuộc sống nhiều lần biện chứng cho thấy bản năng con người luôn tìm đến những gì thoải mái hơn, tiện lợi hơn. Nếu không có những chế định phục vụ nhu cầu phát triển tự nhiên của con người thì bằng cách này hay cách khác, con người cũng phải tìm cách vượt khỏi hàng rào để đạt được sự tự do, thoải mái.


Từ những điều ông Nguyễn Sự đã làm được cho Hội An, anh nghĩ gì về bản lĩnh của một thị trưởng?


Bản lĩnh và nội lực của người thị trưởng quyết định vận mệnh một thành phố. Một thành phố nhỏ như Hội An, làm gì có khu công nghiệp, làm gì có trung tâm tài chính, nhưng ông Nguyễn Sự vẫn làm được, làm tốt là nhờ ý thức tạo nên một thành phố xanh, sạch, văn minh, đậm đặc bản sắc, để thu hút du khách và người tài đến với Hội An, nếu không Hội An sẽ bị nhấn chìm trước cơn lốc của đô thị hoá, sẽ bị diệt vong bởi tham vọng làm giàu của những nhà đầu tư không cùng chí hướng. Thị trưởng một thành phố lớn phải là người quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, am hiểu về quy hoạch, không chỉ quy hoạch đô thị, mà cả quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế. Có thể không phải lúc nào ông cũng đúng, nhưng phải là người quyết đoán thì thành phố mới phát triển được. Nếu chỉ chờ đợi sự đồng thuận thì thành phố chỉ bình bình. Và điều tiên quyết là hội tụ được quanh mình những nhân sự có năng lực, tâm huyết.


Từ lâu, anh đã kiến nghị thành phố công khai thi tuyển các chức danh quan trọng, kể cả chức thị trưởng?


Ở các nước, những chức danh quan trọng của một thành phố đều do dân bầu. Người ứng cử phải có chương trình hành động, cam kết rõ ràng để người dân đặt niềm tin, trao trách nhiệm và giám sát thực hiện. Phải chăng chúng ta không đủ người để ứng cử? Hay chúng ta đã quen với tư duy “hiệp thương”? Nếu chúng ta công khai thi tuyển vào các chức danh quan trọng để tìm kiếm người tài và trả lương xứng đáng, ngang ngửa với các tổng giám đốc, lúc ấy họ sẽ yên tâm làm việc mà không phải tham nhũng, hối lộ. Để có được sự bứt phá, không còn cách nào khác là phải cởi mở, sử dụng và biết sử dụng nguồn vốn con người. Cách giải quyết, thu hút nhân tâm của Lý Quang Diệu rất đáng học.


Anh đã nghĩ gì khi thấy tiếng nói phản biện của trí thức ngày càng ít đi hoặc rơi vào im lặng?


Ngày xưa Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhóm Thứ Sáu tập hợp các trí thức để phản biện và đóng góp cho các chính sách. Đó là điều đáng suy nghĩ. Để đội ngũ trí thức chuyên gia bên ngoài bộ máy có thể tư vấn cho chính quyền, công việc này phải trở thành nhu cầu thiết yếu, xảy ra thường xuyên, nếu chỉ làm rời rạc, khi nào cần mới xử lý thì không thể kết nối được sức mạnh tri thức.


Tôi nghĩ sự bất bình đẳng lớn nhất về cơ hội là những người được đào tạo bài bản không phát huy được khả năng của mình. Cơ hội phát triển năng lực không dành đúng vị trí cho những người được đào tạo với bằng cấp đánh đổi bằng quá trình gian lao miệt mài học tập mà vì những người có tấm bằng nhờ… trao đổi, đó là bức bối lớn nhất, là sự nghẽn mạch cản đường đất nước. Khi cả một bộ máy vô hiệu hoá người tài, đó là thảm hoạ.


Nhìn vào giới trẻ hôm nay, đại đa số vẫn giữ được tinh thần ham học và vươn lên bằng tri thức. Điều tôi lo nhất là khi rời ghế nhà trường, môi trường này sẽ tác động đến họ như thế nào trong những ngã rẽ của cuộc đời?


Là đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khoá 7, những đóng góp của anh đã gây sóng gió không ít trong chốn nghị trường. Anh có quá mạo hiểm khi làm những điều gây bất lợi cho vị trí tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche Việt Nam và cho cuộc sống bình yên của mình?









Xem lại kịch của Lưu Quang Vũ, tôi thấy những thông điệp của anh vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Trong đêm đen, nếu anh không đốt lửa thì ai sẽ đốt lửa?



Trong tôi luôn có một thôi thúc rất mạnh, những điều mình có thể làm được, có thể đóng góp cho thành phố, cho đất nước, tôi không ngần ngại. Chọn cách nào cho hiệu quả là cách riêng của mỗi người. Trong rất nhiều lần đóng góp những ý kiến trái chiều gây tranh cãi, câu hỏi đặt ra với tôi là mình có đem lợi ích cá nhân và lợi ích công ty vào trong nghị trường hay không? Liệu có điều gì lớn hơn lợi ích chung của cộng đồng? Khi trả lời được những câu hỏi như vậy thì tôi thấy thanh thản. Sự dấn thân giúp mình đủ tự tin để phản biện. Xem lại kịch của Lưu Quang Vũ, tôi thấy những thông điệp của anh vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Trong đêm đen, nếu anh không đốt lửa thì ai sẽ đốt lửa? Một người đốt lửa, nhiều người đốt lửa, tương lai thành phố sẽ tươi sáng hơn.

Anh từng nói “Tài sản của chúng ta là nỗi nhục nghèo khó”. Cách để anh vượt lên những nỗi nhục của chính mình?


Nghịch cảnh là cơ hội của người có ý chí và thảm hoạ của người buông xuôi. Sau 1975, cha tôi đi học tập, mẹ ở nhà nuôi ba con nhỏ. Tôi không còn con đường nào khác là phải vượt lên, học thật giỏi. Đậu vào khoa điện đại học Bách khoa, nhưng vì lý lịch tôi phải chuyển qua khoa xây dựng, không ngờ lại tìm thấy niềm đam mê đóng góp cho xã hội những công trình đẹp đẽ khang trang… Qua Pháp, môi trường cạnh tranh quá dữ dội của một đại học hàng đầu đã khiến tôi có lúc phải cầm đơn đến giáo sư định xin nghỉ học. Nhưng nghĩ cảnh phải quay về trong tư thế thất bại, tôi gạt nước mắt quyết tâm vượt qua. Khi đi làm, những thử thách trong một tập đoàn đa quốc gia với những chính sách hạn chế, miệt thị người bản xứ đã khiến tôi nổi giận: “Từ nhỏ tôi đã bị phân biệt đối xử, một khi đứng lên, tôi sẽ không bao giờ quỳ xuống nữa!” Tính cách thẳng thắn, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác đã khiến tôi nhiều khi gặp trở ngại, thất bại, nhưng tôi vẫn tin vào sự kiên trì, lòng quyết tâm, sự trầm tĩnh, phân tích, có trước có sau, và đặc biệt là cách sống không hổ thẹn sẽ giúp mình tìm ra những con đường để vượt qua trở ngại đó.


Theo anh, điều gì sẽ giúp cho đất nước tạo được sức bật mới, thay vì chìm sâu trong khủng hoảng?


Đáng sợ nhất là sự bàng quan của giới trẻ, bàng quan ngay cả với tương lai của chính mình, đặc biệt với người xung quanh, với vận mệnh đất nước. Phải chăng họ đang thiếu một lý tưởng đẹp để sống, một mục tiêu chung có thể thu hút nguồn sinh lực khiến giới trẻ đi theo?


Vận mệnh dân tộc phải gắn liền với một đội ngũ lãnh đạo kiệt xuất, anh minh, đủ sức lôi kéo nhân tài đóng góp cho sự nghiệp chung. Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Chúng ta phải thay đổi tư duy sử dụng nhân tài thì đất nước mới có cơ may phát triển.


Tôi tin vào thuyết tiến hoá của nhân loại, dân tộc mình không thể đi ngược quy luật đó được. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho tôi xác tín mạnh mẽ Việt Nam sẽ thay đổi và đi lên, mình sẽ có cơ hội để đóng góp. Cuộc sống vẫn còn những người đốt lửa, để Việt Nam vượt ra khỏi nghèo hèn.


thực hiện Kim Yến


chân dung hội hoạ Hoàng Tường






Cơ hội và đe doạ của nhãn hàng riêng

Cơ hội và đe doạ của nhãn hàng riêng

Cơ hội và đe doạ của nhãn hàng riêng


SGTT.VN - Trong khi nhiều doanh nghiệp đang “sống khoẻ” nhờ làm nhãn hàng riêng (NHR) cho siêu thị, có không ít các doanh nghiệp gặp “nhãn tiền” vì nguy cơ mất trắng thương hiệu.


Tỷ trọng nhãn hàng này đang tăng dần ở thế không cân xứng, nhà sản xuất chỉ “nắm đằng lưỡi” thì câu chuyện nhãn hàng riêng không phải là một kết thúc có hậu!










Tủ trưng bày hàng nhãn riêng của hệ thống siêu thị Big C với đa dạng chủng loại hàng hóa.



Đó là nội dung cuộc toạ đàm giữa chuyên gia Trần Anh Tuấn với câu lạc bộ giám đốc kinh doanh các doanh nghiệp do trung tâm BSA tổ chức sáng 14.9.


Loại bỏ chính mình


Một số doanh nghiệp nói thẳng là họ đang thấy khó trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Sau thời gian sản xuất rất nhiều hàng nhãn riêng cho siêu thị, thấy mình được hưởng những “đặc ân” từ nhà bán lẻ, họ càng hết lòng chiều chuộng, chơi bài lật ngửa với siêu thị. Họ đã mang hết công nghệ mới, làm sản phẩm tốt nhất cho nhãn hàng riêng (NHR) để có mặt trên thị trường, với mong muốn siêu thị giúp cho sản phẩm mang thương hiệu riêng của họ cùng phát triển. Khi tập trung chạy các chương trình giảm giá, khuyến mãi hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho hai dòng sản phẩm (thương hiệu riêng và NHR của siêu thị), mức chi tăng, lãi giảm và lại xảy ra cạnh tranh lẫn nhau giữa chính hai dòng sản phẩm do chính mình sản xuất!


NHR hiện đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người ta ưu tiên chọn các sản phẩm khuyến mãi trên kệ siêu thị, chọn NHR vì tiết kiệm từ 5 – 30%. Hệ thống bán lẻ hiện đại cũng xây dựng thương hiệu của họ (trên sản phẩm họ nhờ nhà sản xuất gia công) và NHR được siêu thị bảo hộ. Để phát triển NHR, tốc độ tăng trưởng 10 – 20%, nhà bán lẻ có người quan hệ mật thiết với nhà sản xuất. Họ tìm hiểu cặn kẽ về công nghệ, thu thập các số liệu về sản xuất và đi kèm với những đơn hàng lớn là giảm giá thành. Khi phân tích được giá tốt nhất, họ tung chiêu: đưa ra mức trần sát với giá thành của nhà sản xuất; nếu doanh nghiệp không đáp ứng đã có sẵn các doanh nghiệp khác thay thế. Vì muốn hiện diện trên thị trường, sử dụng hết công suất nhà máy và nguồn nhân công hiện có, nhà sản xuất cắn răng chịu đựng. Vô tình sản phẩm NHR trở thành vũ khí đánh bại sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp. Khi đó, chẳng khác nào con rắn quay đầu lại tự cắn đuôi mình. Sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp không cạnh tranh nổi, tự chết và doanh nghiệp mất thương hiệu, cam phận gia công cho nhà bán lẻ.


Định vị lại mình


NHR có tốc độ phát triển mạnh hơn ở loại “hàng tiêu dùng nhanh” trong siêu thị. Doanh nghiệp muốn giữ “thế” khi làm NHR thì cần liên tục đổi mới và sáng tạo về công nghệ, mở rộng dòng sản phẩm, thay đổi thiết kế, bao bì, tái định vị thương hiệu với lợi ích rõ dành cho người tiêu dùng và truyền thông để thu hút khách hàng. Cân nhắc về năng lực và chi phí khi tham gia NHR và tính kỹ về thời gian tham gia, ngắn hạn hay dài hạn. Giữ lại cho mình những bí quyết để tạo dòng sản phẩm có giá trị khác. Đừng để siêu thị đi trước dẫn dắt doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu và tạo khác biệt nhiều hơn ngay trong ngành hàng chuyên môn của mình.


Xây dựng thương hiệu trong công chúng để giữ thị trường, hạn chế lệ thuộc NHR như Vera là một cách làm khôn ngoan. Có một thời, Vera không những bán chạy ở thị trường truyền thống mà doanh số còn tăng vụt ở kênh bán lẻ hiện đại. Khi thấy Vera lệ thuộc vào mình, siêu thị ép làm nhãn hàng riêng và doạ sẽ thay bằng doanh nghiệp khác cùng ngành. Cân nhắc, Vera thẳng thừng từ chối, chấp nhận doanh số giảm mạnh ở kênh này và vực dậy bằng kênh truyền thống. Bằng một chính sách khác, cùng với thương hiệu mạnh, Vera đã lấy lại thị phần đã mất ở siêu thị. Tương tự, nhựa Rạng Đông cũng chỉ nhận đơn hàng sản xuất sản phẩm cấp thấp cho siêu thị nên hai dòng sản phẩm không “đá” nhau trên thị trường. Các doanh nghiệp xem NHR đang như thuỷ triều lên, không cản được. Mà Việt Nam chưa có quy định cho phát triển NHR nên doanh nghiệp cần phải bình tĩnh trước đề nghị của siêu thị. Nếu thừa sức, doanh nghiệp có thể gật đầu gia công nhãn hàng riêng. Nhưng chỉ sản xuất sản phẩm ở một mức chất lượng nhất định, thời gian nhất định. Đồng thời, tập trung phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường, nhất là kênh truyền thống để không bị lệ thuộc dẫn đến mất luôn thương hiệu với siêu thị.


Thành Nhân









NHR giúp nhà bán lẻ (siêu thị) tận dụng được nhà máy và năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) của nhà sản xuất, qua đó, gia tăng lợi nhuận, thị phần, thu hút khách hàng và xây dựng thương hiệu cho mình.


Với giá rẻ hơn từ 15 – 40% khi đưa ra thị trường, NHR thuyết phục được người tiêu dùng, đặc biệt khi kinh tế khó khăn. Doanh nghiệp có thương hiệu yếu thì sẽ dần phụ thuộc vào siêu thị, trở thành những vệ tinh gia công với lợi nhuận thấp hơn nhiều so với tự xây dựng hệ thống phân phối riêng.


Ở nhiều nước trên thế giới, có những lúc NHR chiếm đến 50 – 60%. Một số quốc gia thành lập những diễn đàn riêng bao gồm nhà sản xuất và người tiêu dùng để hạn chế bớt sự tràn lan của NHR, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động và quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam NHR còn rất mới mẻ và chưa có hành lang pháp lý quy định về cạnh tranh của NHR đối với nhà sản xuất và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tất nhiên, các nhà bán lẻ sắp đổ bộ vào Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phát triển NHR để hưởng lợi kép. Đứng về phía người tiêu dùng, nếu NHR tiếp tục phát triển tràn lan, họ có thể quay lưng với siêu thị, chọn những thương hiệu mà họ yêu thích.


Chuyên gia Trần Anh Tuấn







Không còn áp dụng giá ưu đãi cho giờ thấp điểm

Không còn áp dụng giá ưu đãi cho giờ thấp điểm

Quyền lợi người tiêu dùng


Không còn áp dụng giá ưu đãi cho giờ thấp điểm


Cách đây mấy hôm, tôi nhận được tin nhắn từ tổng đài Vinaphone: “Từ ngày 10.9, không phân biệt tính cước cuộc gọi/tin nhắn theo các giờ trong ngày. Chi tiết liên hệ 9191 (miễn phí)”. Mobifone cũng phát đi một tin nhắn tương tự. Tôi không hiểu tin nhắn này như thế nào, có mục đích gì? Nhà mạng vui lòng giải thích.


(Lê Anh, Phú Nhuận, TP.HCM)


Trung tâm chăm sóc khách hàng Vinaphone và Mobifone: Trước đây, Vinaphone và Mobifone có áp dụng chung chương trình khuyến mãi dành cho những thuê bao sử dụng dịch vụ của hai nhà mạng này trong giờ thấp điểm (từ 23 giờ ngày hôm trước cho đến trước 6 giờ ngày hôm sau) như sau: nếu gọi cùng mạng sẽ được giảm 50%, còn nhắn tin cùng mạng – 100đ/tin nhắn, khác mạng – 250đ/ tin nhắn. Thời gian thấp điểm dành cho tin nhắn là 1 giờ – trước 6 giờ.


Kể từ ngày 10.9.2013, chương trình trên đã hết hiệu lực, nghĩa là không còn ưu đãi vào giờ thấp điểm. Với quy định này, giá của tin nhắn cùng mạng là 290đ/tin nhắn, còn khác mạng – 350đ/tin nhắn. Nếu dùng dịch vụ trả sau, giá cước cuộc gọi cùng mạng là 880đ/phút, khác mạng – 980đ/phút. Với những khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước, tuỳ từng gói cước sử dụng mà giá cước có khác nhau.






Bé hay quên, lười suy nghĩ: bệnh kém tập trung?

Bé hay quên, lười suy nghĩ: bệnh kém tập trung?

Bé hay quên, lười suy nghĩ: bệnh kém tập trung?


Con trai tôi tám tuổi, rất mê xem tivi và thường không tập trung. Tôi quy định bé chỉ được xem tivi mỗi ngày một tiếng nhưng bé vẫn rất hay quên và lười suy nghĩ. Mới dặn dò xong, hỏi lại bé đã quên. Có phải con tôi bị bệnh kém tập trung không?


Vân An (TP.HCM)


BS.CK2 Thái Thanh Thuỷ, trưởng khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM: Thông thường phụ huynh hay nhầm lẫn giữa bệnh kém tập trung và sự tập trung theo ý trẻ, nếu là bệnh kém tập trung thì trẻ không thể ngồi yên trong một khoảng thời gian nhất định, cho dù là hoạt động trẻ yêu thích (ví dụ xem tivi); trẻ thay đổi hoạt động liên tục và mỗi hoạt động đều không kéo dài. Trường hợp con bạn, tôi không nghĩ bé có vấn đề về khả năng tập trung, nếu bạn thu xếp được thời gian thì đi kiểm tra thêm khả năng ghi nhớ của bé theo độ tuổi tại khoa tâm lý bệnh viện Nhi đồng 2 vào các ngày trong tuần.






Để làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia?

Để làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia?

Để làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia?


SGTT.VN - Những câu chuyện cụ thể, những kinh nghiệm sát sườn của những doanh nghiệp đã và đang lặng lẽ bán hàng vào Myanmar và Indonesia; các ghi nhận từ những cuộc khảo sát bài bản của chuyên gia thị trường và những đúc kết từ các cuộc trao đổi sâu với doanh nghiệp – tất cả sẽ có tại hội thảo “Làm ăn thật ở Myanmar và Indonesia – những kinh nghiệm thực tế”. Chương trình sẽ diễn ra lúc 14g ngày 17.9.2013, tại hội trường lớn của VCCI TP.HCM (lầu 10), số 171 Võ Thị Sáu, Q.3,TP.HCM do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng với VCCI TP.HCM và hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức.


Tham gia buổi hội thảo, ông Trương Cung Nghĩa (giám đốc điều hành CT Trương Đoàn), ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Vissan), ông Lương Vạn Vinh (tổng giám đốc Mỹ Hảo), Ông Võ Tân Thành – giám đốc VCCI TP.HCM sẽ cùng đại diện của Vinamit, Thiên Long, cơ khí Bùi Văn Ngọ… chia sẻ về những bài học mà chính bản thân họ đã trải qua.


Đây là một nỗ lực nhằm đẩy nhanh bước thâm nhập thị trường Asean+1 của doanh nghiệp Việt.


Bảo Nhiên






Bất lực nhìn giá sữa vì… tên gọi

Bất lực nhìn giá sữa vì… tên gọi

Bất lực nhìn giá sữa vì… tên gọi


SGTT.VN - Theo đại diện cục Quản lý giá bộ Tài chính, tình trạng loạn giá sữa là do các doanh nghiệp đã lách bằng cách không đăng ký là “sữa” mà thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung”.


Ngày 15.9, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá cho biết: từ đầu năm nay không hề thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đăng ký giá bán sữa với cục Quản lý giá nữa.










Theo đại diện cục Quản lý giá bộ Tài chính, tình trạng loạn giá sữa là do các doanh nghiệp đã lách bằng cách không đăng ký là “sữa” mà thay vào đó là “sản phẩm dinh dưỡng bổ sung”. Ảnh: Thanh Hảo



Sau khi cục yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo thì trong báo cáo tình hình sản xuất có hai cột: cột sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi và cột các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm khác. Cột sữa thì trắng tinh, còn lại đều nằm ở cột các sản phẩm dinh dưỡng. Họ phân chia thế là do sự sắp xếp lại tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm sữa. Nếu sản phẩm có hàm lượng độ đạm trên 34% thì được gọi là sữa, dưới 34% thì chỉ là sản phẩm dinh dưỡng. Chính vì thế, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển toàn bộ sản phẩm với tên gọi cũ là sữa đó sang sản phẩm dinh dưỡng. Và theo Luật giá mới được thông qua năm 2012 thì cơ quan quản lý giá không có quyền yêu cầu các doanh nghiệp này phải đăng ký giá bán. Cơ quan chức năng cũng không thực hiện bình ổn giá với mặt hàng này.


Tức là doanh nghiệp lách luật để tăng giá hay bản chất là sản phẩm không đủ độ đạm 34%?


Cái này thuộc thẩm quyền cơ quan khác, nhưng theo tôi, bản thân các sản phẩm này trước đây đã có hàm lượng độ đạm thấp hơn 34%.


Nhiều ý kiến đề xuất rằng, nên có phương pháp đối chiếu giá nguyên liệu nhập khẩu đối với các nước lân cận?


Đây là điều mong muốn của cơ quan quản lý từ lâu, nhưng không dễ làm. Muốn đối chiếu giá cũng phải có độ tương thích, vì mỗi quốc gia có một dòng sữa khác nhau, hàm lượng dinh dưỡng các dòng sữa cũng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng mỗi quốc gia cũng khác nhau. Cái nữa là mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận, gọi sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, để khai thác các dữ liệu về chất lượng, giá, thuế tại các công ty mẹ là rất khó.


Nhưng thưa ông, các hãng sữa ngoại nhập mua 1 và bán gấp 5 – 6 thì liệu có vi phạm Luật giá?


Thông tin các hãng sữa mua 1 bán 6 này chưa chính xác. Số liệu tổng cục Hải quan cung cấp chưa đầy đủ, vì đó chỉ mới là giá CIF, chưa có thuế, chưa có các chi phí khác. Giá đó là giá khai với hải quan, còn từ hải quan tới kho, rồi tới tay khách hàng chưa được tính vào. Chẳng hạn: thuế nhập khẩu là 15%, thuế VAT là 10%, lãi vay... những chi phí này doanh nghiệp không thể tự bỏ ra, mà họ phải tính vào giá.


Nhưng đây là mặt hàng có tác động rất lớn nên dù “sữa” hay “sản phẩm dinh dưỡng” thì cũng nên được bình ổn?


Nếu sản phẩm dinh dưỡng này thực chất là sữa bột ngày xưa thì có hai việc cần phải tính. Một là tên gọi như thế đã đúng chưa? Hai là nếu tên gọi đúng rồi, thì cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị cấp giấy phép phải đánh giá rất kỹ lại và kết luận bản chất là sữa bột nhưng do sắp xếp lại nên đổi tên gọi. Nếu mặt hàng sản phẩm dinh dưỡng nào đang bị chi phối, áp đặt về giá thì các bộ ngành cứ kiến nghị với bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ phối hợp và cùng thống nhất đưa ra cách quản lý.


Như vậy, trước mắt vẫn chưa thể quản lý giá sữa – “thực phẩm dinh dưỡng”?


Đúng thế. Tóm lại, phải chuẩn hoá tên gọi thì bộ Tài chính mới có cách quản lý. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào bộ Y tế.


Sự vênh nhau, mã gọi khác nhau giữa các ngành đang gây khó cho người tiêu dùng.


Chí Hiếu ghi






Trẻ ngộ độc thuốc paracetamol vì tưởng... kẹo

Trẻ ngộ độc thuốc paracetamol vì tưởng... kẹo

Trẻ ngộ độc thuốc paracetamol vì tưởng... kẹo


SGTT.VN - Ngày 15.9, BS Nguyễn Minh Tiến, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết vừa điều trị thành công cho bé gái tên L.T.N.Y., bốn tuổi, ngụ ở Bình Chánh, nhập viện trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, mạch nhanh… Người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc chơi đồ chơi, phát hiện ba vỉ thuốc paracetamol (mỗi vỉ 10 viên 325mg) để trên bàn gần đó, tưởng kẹo nên bé Y. đã lấy ăn liền một mạch. Nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, sau hai ngày điều trị sức khoẻ bé Y. đã hồi phục tốt. Cũng theo lời người nhà bé Y., mỗi lần cho bé uống thuốc ở nhà hay nói cho bé ăn kẹo, có lẽ vì thế bé nhầm thuốc là kẹo.


D. Nhân






Trích đoạn ảnh Trần Việt Đức và Cicolas Cornet ở Paris

Trích đoạn ảnh Trần Việt Đức và Cicolas Cornet ở Paris

Trích đoạn ảnh Trần Việt Đức và Cicolas Cornet ở Paris


SGTT.VN - Hai Việt Nam, một mới, năng động, hằng động và một cũ lặng lẽ, thơ mộng và được chăm chút giữ gìn. Tính nước đôi ấy có thể bắt gặp qua những bức hình của hai tay săn ảnh Trần Việt Đức và Nicolas Cornet. Ảnh của Đức chủ yếu chụp bằng điện thoại di động. Phần Nicolas, anh tìm cách làm mới góc nhìn của anh đối với một đất nước thân thuộc… Những bức ảnh ở đây là “trích đoạn” từ triển lãm Việt Nam: năng động và những cái nhìn khác biệt tại nhà Đông Dương từ 16.9.2013 đến 6.1.2014.


Công Khanh










Sài Gòn trên bến dưới thuyền. Ảnh: Trần Việt Đức











Người dân ở Hà Giang. Ảnh: Nicolas Cornet











Chờ sứa trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nicolas Cornet











Những tín đồ của chùa Vũ Thạch, đường Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: Nicolas Cornet











Đường sắt Hà Nội. Ảnh: Nicolas Cornet











TP.HCM và Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức











Sài Gòn chung cư. Ảnh: Trần Việt Đức







Khúc cua tay áo trong kỳ tranh cử

Khúc cua tay áo trong kỳ tranh cử

Tìm chủ tịch cho VFF


Khúc cua tay áo trong kỳ tranh cử


SGTT.VN - VFF đáng lý đã phải tổ chức đại hội bầu cử lại chức danh chủ tịch liên đoàn Bóng đá Việt Nam từ lâu. Nhưng, vì đếm nhầm phiếu, vì lý do hồ sơ chưa đúng tiêu chuẩn, đại hội đã phải lùi ngày lại. Và bây giờ, nhiều nguy cơ ngày bầu cử sẽ phải lùi đến tận năm sau, năm 2014.


Hai nhân vật ứng cử cho chức danh chủ tịch VFF vẫn cứ là thứ trưởng Lê Khánh Hải và ông Lê Hùng Dũng. Ở lần thứ nhất “giáp mặt” nhau để đếm phiếu giới thiệu, ông Hải bất ngờ được lợi khi chẳng hiểu sao chỉ có 19 phiếu nhưng bộ phận đếm phiếu lại nhầm lẫn giúp ông đứng đầu. Chính vì bị phát hiện ra vụ việc này, VFF coi đó là một trong những lý do để hoãn kỳ đại hội lại.


Sau lần ấy, ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng bộ Văn hoá – thể thao và du lịch đã có cơ hội xuất hiện nhiều hơn với giới bóng đá. Như đi thăm đội tuyển, khen thưởng đội tuyển nữ hay ra tay cứu VFF một bàn thua trông thấy trong việc thuê sân Mỹ Đình để tổ chức trận đấu với Arsenal. Tuy vậy, ông Lê Hùng Dũng vẫn rất tự tin trong lần ứng cử này. Ông đề nghị cả hai ứng viên cùng đưa ra đề án phát triển bóng đá dưới nhiệm kỳ mà nếu thắng, họ sẽ quản lý. Không ít lần, ông Dũng tiết lộ rằng kế hoạch của ông sẽ toàn tiền là tiền.


Nhưng, có vẻ việc tranh cử một cách công khai không hề dễ dàng bởi nó còn có những yếu tố như lý lịch pháp lý của người ra tranh cử. Mới nhất, ông Lê Hùng Dũng đã bất ngờ khi hay tin, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có câu trả lời với VFF rằng: “Việc Đảng uỷ SJC (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn) giới thiệu đồng chí Lê Hùng Dũng tham gia ứng cử chức vụ chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7 (2013 – 2017) là chưa phù hợp với quy định hiện hành”. Lãnh đạo UBND TP.HCM lập luận “theo điểm d, khoản 2, điều 21 nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19.3.2010 của Chính phủ quy định: “Thành viên hội đồng thành viên không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị – xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên”.


Với diễn biến này, ông Lê Hùng Dũng đương nhiên bị coi là không đủ điều kiện để tranh chấp chức danh chủ tịch VFF. Ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF khi nhận được thông tin đã cho hay, ông đã trực tiếp vào TP.HCM để tiếp xúc với lãnh đạo TP.HCM nhưng chưa gặp được. Ông muốn nói rõ lại rằng, có vẻ như lãnh đạo TPHCM đã có sự nhầm lẫn, bởi liên đoàn bóng đá là tổ chức xã hội – nghề nghiệp chứ không phải tổ chức chính trị – xã hội.


Ông Lê Hùng Dũng cũng cho biết, ông sẽ gặp thêm các lãnh đạo TP.HCM để nói rõ sự việc. Thậm chí, ông Lê Hùng Dũng còn tính đến trường hợp, nếu lãnh đạo TP.HCM vẫn không đồng ý cho tranh cử thì ông sẽ ứng cử với tư cách tự do. Ông Lê Hùng Dũng cho hay, nếu đại hội dời đến năm sau 2014 “thì thoải mái”, bởi tháng 1.2014 này ông đã chính thức đến tuổi hưu.


Trước mắt, theo ông Nguyễn Trọng Hỷ, dù đã qua tuổi hưu từ lâu nhưng có thể ông sẽ nán ngồi lại trên chiếc ghế chủ tịch VFF cho đến hết năm, đợi ngày đại hội và bầu cử nhiệm kỳ mới. Có vẻ như lần cuộc chạy đua vào chiếc ghế chủ tịch VFF đang vào khúc cua tay áo mà không có “kinh nghiệm cầm lái”, sẽ có ứng cử viên rơi đài.


Thảo Du






Giá tôm nguyên liệu tăng

Giá tôm nguyên liệu tăng

Giá tôm nguyên liệu tăng


SGTT.VN - Giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh miền Tây Nam bộ tăng chậm từ tuần đầu tháng 8 sau một thời gian dài ổn định ở mức thấp và đã bất ngờ tăng mạnh trong một tuần nay.


Tôm sú cỡ 20 – 30 con/kg hiện có giá 240.000 – 260.000 đồng/kg; loại 40 – 50 con/kg: 200.000 – 210.000 đồng/kg, tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với đầu tuần qua. Giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg: loại 60 – 70 con/kg hiện có giá từ 150.000 – 160.000 đồng/kg, loại 80 – 90 con/kg: 130.000 – 140.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tập trung khai thác thị trường Mỹ.


N. Tùng






Khi Mourinho khát bàn thắng

Khi Mourinho khát bàn thắng

Chuyện đêm nay


Khi Mourinho khát bàn thắng


SGTT.VN - Giải ngoại hạng Anh 2013 – 2014 mới bước qua vòng thứ tư, song Chelsea đã phải đón nhận thất bại đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Jose Mourinho, khi để thua Everton 0 – 1.


Đáng nói hơn, đây đã là lần thứ hai liên tiếp, Chelsea của Mourinho đã rời sân mà không thể ghi bàn ghi được bàn thắng. Dù hàng phòng ngự đối phương có được đánh giá cao đi chăng nữa (Manchester United và Everton), nhưng việc một đội bóng lớn không tìm được mành lưới đối phương trong suốt 180 phút thì đó quả là một vấn đề đáng ngại, nhất là khi Champions League cũng chính thức khởi tranh từ tuần này.










Mourinho giờ đang rất khát, khát bàn thắng. Ảnh: Reuters



Vấn đề của Chelsea cũng không mới, bởi ai cũng thấy hàng tiền đạo luôn bị coi là điểm yếu nhất của họ trong những năm gần đây. Fernando Torres chưa bao giờ tạo được niềm tin, dưới cả thời Carlo Ancelotti, Roberto Di Matteo cho tới Rafael Benitez. Demba Ba thì chỉ bùng nổ trong trận ra mắt hồi mùa trước. Trong sáu bàn thắng mà Chelsea ghi được từ đầu mùa tính trên mọi mặt trận thì mới chỉ có một bàn được ghi do công của tiền đạo (của Fernando Torres ở trận tranh siêu cúp châu Âu). Còn lại, công lao chủ yếu thuộc về các tiền vệ, thậm chí là hậu vệ (Branislav Ivanovic).


Lý giải về điều này, Mourinho nói rằng lối chơi của Chelsea đang thay đổi. Trước đây, đội bóng thành London ra sân với quan điểm giữ sạch lưới và làm sao để đưa bóng lên phía trước một cách đơn giản nhất, trông cậy vào mẫu tiền đạo có sức mạnh càn lướt như Didier Drogba. Nhưng giờ, khi sở hữu trong tay những tiền vệ sáng tạo như Edin Hazard hay Oscar, Chelsea có vẻ uyển chuyển, hay nói nôm na là “vẽ vời“ hơn. Chẳng hạn, trong trận gặp M.U ở vòng trước, người đá cao nhất của Chelsea trong đội hình ra sân khi ấy là Andre Schurrle, cầu thủ người Đức có sở trường là đá cánh, còn Ba thậm chí không có tên trong danh sách đăng ký.


Thật ra, điều này cũng không có gì là ngạc nhiên. Bởi là xu hướng của nhiều đội bóng bây giờ là sử dụng lối chơi không cần đến tiền đạo, với mốt thời thượng là đội hình 4 – 6 – 0. Nhưng dù thế nào thì các đội vẫn cần trông cậy vào một cây làm bàn nào đó. Mà về cơ bản thì vẫn không ai có thể thay thế các tiền đạo trong vai trò săn bàn, trừ một số trường hợp đặc biệt như của Messi. Bằng chứng là trong trận đấu với Everton, Schurrle đã có tới ba cơ hội ghi bàn song đều bỏ phí.


Thế nên, Mourinho đã từng cố công theo đuổi Wayne Rooney, trước khi quyết định quay sang Samuel Eto’o trong những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa hè. Ngay lập tức, tiền đạo người Cameroon được tung ra sân từ đầu ở trận gặp Everton. Tuy nhiên, có lẽ Eto’o cần có thêm thời gian để bắt kịp với tốc độ ở giải Anh, sau hơn một năm trời rong ruổi trên đất Nga. Hơn nữa, ở tuổi 32, những bước chạy của con “báo đen” cũng không còn được dũng mãnh như xưa nữa.


Do đó, nhiều người cũng đã tỏ ý nghi ngờ huấn luyện viên người Bồ Đào Nha khi ông đẩy Romelu Lukaku sang Everton, khi chiêu mộ được Eto’o. Lukaku được coi là truyền nhân của Drogba, mẫu tiền đạo mà Chelsea luôn cần đến, nhưng tiền đạo này thậm chí phải ngồi trên khán đài sân Goodison Park. Bởi luật mới ở Anh không cho phép cầu thủ thuộc diện cho mượn được ra sân đối đầu với đội bóng chủ quản.


Vậy nên, dù có xoay chuyển qua lối chơi gì, phong cách gì đi chăng nữa thì nhiêm vụ trọng tâm Mourinho vẫn cứ phải tìm cách đánh thức bản năng săn bàn của các tiền đạo. Chứ chẳng lẽ cứ lúc nào Chelsea không ghi bàn, họ cũng tìm cách lôi kéo Drogba quay trở lại?


Nhật Hoàng






Thực hư lời đồn thịt heo có sâu?

Thực hư lời đồn thịt heo có sâu?

Thực hư lời đồn thịt heo có sâu?


SGTT.VN - Tin đồn “thịt heo có sâu” lan rộng tại Sóc Trăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ thịt heo. Các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc…


Trên bàn cơm, một người dân bất ngờ phát hiện ra con vật lạ, hình thù gần giống con giun nằm trong miếng thịt kho tàu mới đây đã làm vỡ oà những thông tin đồn đại âm ĩ khắp làng quê, phố chợ ở tỉnh Sóc Trăng về việc thịt heo bị nhiễm giun từ suốt cả tháng qua.


Từ đó tới nay, nhiều bà nội trợ vốn đang e dè càng xa lánh các thớt thịt heo bày bán ở chợ, không ít người tiêu dùng cũng đoạn tuyệt với các món ăn chế biến từ thịt heo tại các hàng quán.


Xáo trộn đời sống, kinh doanh


Trong bữa cơm, chị Lê Thị Thu, ấp Thanh Liêm, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề – Sóc Trăng) tái mặt khi nhìn thấy con vật lạ nằm ngay trong ruột miếng thịt kho tàu. Chị Thu nói: “Khi cầm đũa vẽ cục thịt ra, tui thấy có con gì nằm trong ruột miếng thịt, nó nhỏ như cọng bún, dài hơn hai lóng tay, dai như dây thun… ” Hoảng sợ, chị Thu buông đũa, bỏ dở bữa cơm khi chỉ vừa mới bắt đầu.










Tin đồn "thịt heo có sâu" lan rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ thịt heo. Ảnh: TN



Bà Giản Thị Hà, mẹ chồng chị Thu cho biết: “Đây là phần thịt kho người chị ruột của tui ở nhà kế bên múc cho bưng về ăn, vì từ cả tháng nay, tin đồn thịt heo có “sâu” rùm trời từ bên huyện Cù Lao Dung lan qua bên Trần Đề này thì nhà tui ít khi dám mua thịt heo về ăn”. Bà Hà bỏ con vật này vào tờ giấy trắng vở học trò, cầm sang nhà người chị ruột. Nhiều người là con, cháu bà Hà còn dùng điện thoại chụp lại hình con vật này.


Thấy con vật quái lạ, người em vợ (bà Hà) cầm tới nhà mình, lại còn phụ hoạ thêm phần kể lể nghe… ớn lạnh, không chút luyến tiếc, ông Phạm Văn Đắng (anh rể bà Hà) đã bưng tất cả các phần thịt còn lại đổ xa ra ngoài đường dù cả nồi thịt có tới 2,5kg thịt heo đùi mới vừa kho ngày hôm trước.


Theo bà Hà, bà chỉ muốn cầm con vật lạ này sang nhà chị ruột mình như là một bằng chứng về lời đồn đại lâu nay của người dân trong vùng mà có mấy ai được thấy tận mắt. Còn ông Đắng thì quyết giữ lại mẫu vật này tại nhà mình phòng khi cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp chứng cứ.


Tiếp sau câu chuyện nêu trên, cả tuần nay bữa cơm nhà chị Thu thường xuyên với tép, trứng vịt, chả cá… Chị Tám Yến bán bún nước lèo ở gần chợ Ngan Rô (xã Đại Ân 2) cũng đoạn tuyệt với thịt heo không chỉ trong thực đơn nhà mình mà còn cả trong tô bún hàng ngày bán cho khách.


Chị Nguyễn Thị Nga, có hàng cháo thịt đối diện với cổng trường tiểu học Đại Ân 2 đã buộc phải chuyển sang bán cháo nấu với tép, chả lụa, bò viên từ ngày 10.9 tới nay, tức hai ngày sau khi có tin đồn thịt heo kho tàu có giun xảy ra tại nhà bà Hà.


Thê thảm nhất là những người bán thịt heo ở chợ. Chợ Ngan Rô có cả thảy năm thớt thịt thì chỉ còn ba thớt gắng gượng để mua bán qua ngày. Anh Nguyễn Văn Vũ gượng cười, nói: “Lượng thịt bán được hiện chỉ bằng khoảng phân nửa trước kia”. Còn chị Huỳnh Thị Ngọc Bích chia sẻ: “Có những ngày chỉ bán được cho khách đúng 70.000 đồng tiền thịt”.


Điều mà không chỉ chính quyền địa phương mà cả ông Đắng, bà Hà và nhiều người dân khác đang lo ngại hơn là đầu ra của sản phẩm chăn nuôi tại địa phương. Tuy nhiên, tới thời điểm này, theo ông Đặng Công Khánh, chủ tịch UBND xã Đại Ân 2, thịt heo ở chợ bán chậm, nhưng chưa có tác động xấu lên mặt bằng chung của giá heo hơi tại địa phương.


Ấu trùng ruồi giấm


Chuyện xảy ra tại nhà bà Giản Thị Hà, nhưng người đang lưu giữ con vật lạ là ông Phạm Văn Đắng. Ông Lê Văn Phước, phó công an xã Đại Ân 2 cho biết, xã cùng các cơ quan chuyên môn của huyện đã trực tiếp đến nhà ông Đắng xác minh sự việc.


Về chuyên môn, theo ông Phạm Văn Vững, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Đề, cán bộ chăn nuôi, thú y… đã kết hợp địa phương tới tận hộ gia đình, tiếp cận nơi khởi phát nguồn tin mới nhất này. Tuy nhiên, ông Vững cho rằng: “Khi cán bộ chuyên môn đến hiện trường thì không thu được mẫu thịt kho nào để phân tích, tìm hiểu… tính xác thực, do ông Đắng đã đổ bỏ hết từ trước đó”.


Do vậy, trong vụ việc vừa xảy ra ở xã Đại Ân 2 “chưa có một biện pháp nghiệp vụ nào được thực hiện để xác định tính chính xác của thông tin. Mẫu vật đã khô mà ông Đắng cung cấp cũng không có cơ sở thuyết phục”. Xử lý thông tin nêu trên, theo ông Lê Văn Phước, trước mắt xã đã giao trách nhiệm cho bí thư ấp Thanh Liêm tuyên truyền cho người dân hiểu rằng, thịt heo không có “sâu” như lời đồn vì chưa đủ cơ sở để các nhà chuyên môn xác định.


Tuy nhiên theo ghi nhận của ông Phạm Văn Vững, nhiều lời đồn đại khác nhau đã lan khắp nhiều xã, thị trấn trong huyện Trần Đề. Trước đó, cũng từng có tin đồn “thịt heo có sâu”, “thịt heo có virút”, “thịt heo có sán”… rầm rộ cả huyện Cù Lao Dung từ cả tháng nay. Ông Hồ Thanh Kiệt, trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho hay, kết quả phối hợp kiểm tra, xác minh của nhiều ngành xác định, người dân xứ cù lao này đã nhìn thấy ấu trùng của ruồi giấm (còn gọi là ruồi trái cây) trên thịt heo, thức ăn chế biến từ thịt heo… nên cứ tưởng đó là giun heo.


Theo ông Kiệt: “Mùa trái bần chín rộ, tạo thêm môi trường sinh sôi cho ruồi giấm. Mật số lớn dần, ruồi giấm phân tán ra nhiều nơi, đẻ trứng lên các loại thực phẩm, đẻ ngay cả vào các dụng cụ nấu, chứa thức ăn ở các hàng quán”. “Có trường hợp quán ăn nấu bằng bếp từ nên khi đưa nồi inox lên nấu trên bàn ăn, thức ăn bên trong đã bắt đầu sôi nhưng một số ấu trùng ruồi giấm bám trên thành nồi chưa kịp nóng vẫn còn cử động, người ta đã hô hoán lên là giun, là sán... heo nước sôi vẫn không chết”, ông Kiệt mô tả.


Sau khi xác định được nguyên nhân của mọi diễn biến trong câu chuyện vừa nêu, cơ quan chức năng ở Cù Lao Dung đã thông tin rộng rãi trong cộng đồng dân cư, khuyến cáo những cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong, xe đẩy bán dạo… có các biện pháp che đậy thức ăn thật tốt, tránh côn trùng thâm nhập và đẻ trứng vào thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn…


Ngọc Tùng






Doanh số xe hơi giảm 16%

Doanh số xe hơi giảm 16%

Doanh số xe hơi giảm 16%


SGTT.VN - Theo hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 8.2013 đạt 7.902 xe, giảm 16% so với tháng 7.2013, nhưng tăng 12% so tháng 8.2012.


Trong tổng số xe bán được gồm 3.094 xe ôtô con và 4.808 xe tải. Doanh số xe ôtô con giảm 22% so với tháng trước và xe tải giảm 11%. Tổng số xe ôtô lắp ráp trong nước là 6.524 xe, giảm 15% so với tháng trước, 1.378 xe nhập khẩu nguyên chiếc, giảm 18% so với tháng trước.Từ đầu năm đến hết tháng 8.2013, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xe ôtô con tăng 25% và xe tải tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.


V.P






Hàng trăm tỉ đồng để đối phó sạt lở, ngập úng

Hàng trăm tỉ đồng để đối phó sạt lở, ngập úng

Hàng trăm tỉ đồng để đối phó sạt lở, ngập úng


SGTT.VN - Trước khi mùa lũ về, tỉnh Bến Tre đã khởi công xây dựng công trình đầu tư xây dựng tuyến đê bao ven sông Tiền, nhằm bảo vệ khu vực sản xuất và đời sống của một bộ phận cư dân thuộc huyện Bình Đại. Toàn tuyến đê dài hơn 8km, cao 3m, rộng 6m.


Theo thiết kế, có tất cả 13 cống điều tiết nước được xây dựng trên suốt chiều dài thân đê, tổng kinh phí của công trình dự kiến gần 130 tỉ đồng. Trong khi đó, ở đầu nguồn sông Tiền, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã quyết định đầu tư hơn 271 tỉ đồng xây dựng tuyến kè bêtông chống xói lở, bảo vệ bờ sông Tiền, kết hợp với làm đường giao thông (đoạn qua huyện Hồng Ngự) dài hơn 3,2km. Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, hàng năm thường xảy ra tình trạng sạt lở với quy mô lớn và diễn biến rất phức tạp; trong năm 2011, thiệt hại vật chất do sạt lở đã lên tới hơn 70 tỉ đồng, tăng hơn 1 tỉ đồng so năm trước đó.


Ngọc Tùng






Bỏ gas xài cồn: nguy cơ vẫn thế!

Bỏ gas xài cồn: nguy cơ vẫn thế!

Sống khoa học


Bỏ gas xài cồn: nguy cơ vẫn thế!


SGTT.VN - Sợ rủi ro từ bếp gas mini, nhiều gia đình, quán ăn chuyển sang dùng bếp cồn. Tuy nhiên, những tai nạn gần đây do bếp cồn gây ra cho thấy mọi người cũng phải rất thận trọng với loại bếp này.










Châm thêm cồn vào bếp khi còn lửa là cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Hồng Thái



Cồn nước: rất dễ cháy lan


Khoa phỏng – tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM từng tiếp nhận một vụ phỏng cồn tại nhà, làm một người phỏng nặng độ 3 với hơn 70% diện tích cơ thể, và ba người phỏng nhẹ. Nguyên nhân là trong bữa ăn, gia đình dùng bếp cồn nấu lẩu. Khi bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào, bình cồn vừa chạm bếp thì ngọn lửa bốc lên. Cồn cháy văng tung toé vào những người ngồi xung quanh, gây phỏng với những mức độ khác nhau.


Trước đó, khoa cũng tiếp nhận trường hợp phỏng của hai vợ chồng ở quận 9, TP.HCM. Cùng bạn bè đi ăn lẩu ở quán, trong lúc người phục vụ đổ thêm cồn lỏng vào bếp, lửa bất ngờ phụt lên khiến người chồng phỏng 14%, còn người vợ phỏng 8% diện tích cơ thể. Hy hữu hơn là trường hợp một đoàn khách du lịch ghé ăn ở quán, khi bếp nấu lẩu gần hết cồn, nhân viên mang bình cồn nước ra châm thì lửa bùng lên khiến nhân viên hốt hoảng ném bình cồn trúng một thực khách gây phỏng nặng ở mặt, bụng, tay, mi mắt...


Cồn khô: coi chừng ngộ độc methanol


GS.TS.BS Nguyễn Thị Dụ, nguyên giám đốc trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết từng điều trị một số ca ngộ độc methanol từ cồn khô. Trong điều kiện bình thường, cồn khô (cồn rắn) nếu chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên, thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện bán nhiều loại cồn khô không rõ nguồn gốc, thường được chiết xuất từ methanol nhằm thu nhiều lợi nhuận, do giá methanol chỉ bằng nửa ethanol. Methanol có độc tính cao với người và linh trưởng nói chung, sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp dưới dạng dung môi và trong các sản phẩm có hợp chất methyl và formaldehyde.


Cồn khô chiết xuất từ methanol khi đốt nhiệt độ cháy thấp, không có muội nhưng hơi của methanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp, gây cay, rát mắt, thậm chí ảnh hưởng thần kinh hoặc làm kém thị lực, mù mắt... “Với những trường hợp hít phải hơi của chất methanol hoặc trực tiếp tiếp xúc qua da, mức độ ngộ độc có nhẹ hơn so với đường uống. Tuy nhiên nếu để cơ thể tích trữ nhiều, lâu, thì mức độ nguy hiểm sẽ như nhau”, GS Dụ lưu ý.


Dùng sao cho an toàn?


BS Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa phỏng – tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy cho biết phỏng cồn thường khiến vết phỏng sâu, dễ gây biến chứng. Đa phần các vụ tai nạn do bếp cồn gây ra là do lỗi bất cẩn, chủ quan của người sử dụng. Cồn nước tuy không có khả năng gây nổ nhưng rất dễ cháy lan nhanh, vì thế trước khi châm thêm cồn vào bếp phải tắt hết lửa. “Khi mồi lửa lại cũng phải hết sức cẩn trọng, nên dùng giấy hoặc thanh củi nhỏ, tuyệt đối không dùng quẹt gas vì dễ gây phỏng. Nếu có điều kiện, nên dùng cồn khô thay cho cồn nước”, BS Đạo lưu ý.


GS Dụ lưu ý khi chọn mua cồn khô, cần chọn loại có dán nhãn mác rõ ràng, kiểm tra thành phần xem là ethanol hay methanol: nếu là cồn ethanol sẽ cho ngọn lửa màu vàng, không hăng; còn cồn methanol cháy cho ngọn lửa xanh, nhiều mùi hăng, khét... Ngoài ra, nên mua loại bếp có chất lượng tốt. Khi bỏ cồn vào bếp nên dùng kẹp gắp cục cồn, không sử dụng bằng tay, nhất là khi bếp vẫn đang cháy. “Trong quá trình sử dụng, nên chọn ngồi xa bếp lửa, tránh không tiếp xúc với khói thoát ra từ bếp”, BS Dụ nói.


Vi Thoại – Lê Hương









Làm gì khi phỏng, ngộ độc cồn?


Trước hết, đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn, loại bỏ tác nhân gây phỏng. Giữ sạch vùng phỏng, không được bôi bất cứ thứ gì lên vết phỏng. Cách cấp cứu tốt nhất vẫn là dội nước lã liên tục trong 20 – 30 phút, sau đó dùng băng ép và đưa đến cơ sở y tế.


Biểu hiện ngộ độc do hít phải methanol thường là choáng, trước mắt xuất hiện những điểm mờ, người không tỉnh táo, thở gấp gáp, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, rát mũi, tổn thương niêm mạc mũi, thậm chí co giật, động kinh... Nếu mắt tiếp xúc trực tiếp với khí thải có chứa methanol sẽ nhìn không rõ, có cảm giác xốn cay, giãn đồng tử... Khi phát hiện những bất thường này, cần kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để giảm thiểu những tổn thương đáng tiếc.







Trịnh Công Sơn đúng siêu

Trịnh Công Sơn đúng siêu

Phiếm


Trịnh Công Sơn đúng siêu


– Hổm rày chiều nào cũng mưa ngập đường ngập sá.


– Ờ. Vậy mới thấy ông Trịnh Công Sơn tài.


– Chuyện nước ngập liên quan gì đến Trịnh Công Sơn đâu cha?


– Có chớ. Ổng có bài hát Em còn nhớ hay em đã quên có mấy câu rất thơ mộng: “Dưới hiên nhìn, nước dâng tràn. Phố bỗng là dòng sông uốn quanh”.


– Vậy nghĩa là thời của ông Trịnh, nước chỉ dâng ở dưới lòng đường, chưa ngập đến hiên, chưa tràn vào nhà hả ta?


– Chắc chắn là vậy. Nếu nước mà ngập vào hiên, vào nhà, thì đến nhạc sĩ cũng phải đi tát nước, sao có thể bình thản viết nổi cái câu đó.


– Cứ lý luận theo cách này thì chắc chắn nước chưa bao giờ ngập đến hiên của các công ty công ích có sếp nhận lương khủng và bốn cái sở liên quan đâu hén. Vì nếu cùng... bơi với dân, thì sao người ta có thể đang tâm phát, nhận, chia chác lương khủng, ăn trên đầu trên cổ dân như vậy?


– Dĩ nhiên rồi. Nếu mấy ổng cùng lội nước, tát nước như dân nghèo thì chắc chắn báo cáo về tình hình chống ngập hàng năm trên địa bàn thành phố không thể thơ mộng như... nhạc Trịnh Công Sơn được.


– Ờ. Nhưng mà nhạc Trịnh Công Sơn còn siêu ở chỗ đầy tính tiên tri nha.


– Sao, nói nghe coi?


– Thì ổng viết Em ra đi nơi này vẫn thế. Nghĩa là sau khi kỷ luật tám “em” lãnh đạo của bốn công ty công ích và quy trách nhiệm ba sở liên quan rồi, thì vẫn chưa thay đổi, “nơi này” vẫn ngập. Chưa hết, ổng còn hỏi mấy ẻm thêm một câu xanh rờn: Em còn nhớ hay em đã quên? nữa chớ.


– Ờ, đúng siêu. Thôi, về nhà phụ vợ tát nước đi cha!


Nguyễn Ngu Yên






Cứu một sản phụ bị thuyên tắc ối kèm băng huyết

Cứu một sản phụ bị thuyên tắc ối kèm băng huyết

Cứu một sản phụ bị thuyên tắc ối kèm băng huyết


SGTT.VN - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết vừa cấp cứu thành công một sản phụ bị thuyên tắc ối kèm băng huyết, đó là chị Nguyễn Thị Vinh, 21 tuổi, quê ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.


Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập bệnh viện Phụ sản Trung ương, tối 4.9, sản phụ cảm thấy bụng dưới đau tức âm ỉ, nên vào bệnh viện huyện để khám, tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Do lo lắng, bệnh nhân đã vào viện khám.


Sau khi thăm khám cho kết quả hoàn toàn bình thường và xác định cổ tử cung mở hơn 3 phân, nước ối bắt đầu vỡ. Bệnh nhân chuyển dạ sau bảy giờ nhập viện, nhưng khi nước ối vỡ, bệnh nhân rơi vào trạng thái khó thở, tím tái, rét run, hôn mê, chảy máu rất nhiều. Các bác sĩ đã lập tức đặt forceps lấy cháu bé ra ngoài. Cháu bé lúc đó đã bắt đầu suy thai, nhưng vẫn cứu được; còn mẹ được chuyển ngay lên phòng mổ. Sau một đêm nỗ lực truyền máu, nhưng vì nước ối đã vào trong máu, gây rối loạn đông máu, sốc phản vệ, nên bệnh viện đã mời thêm các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức tới cùng điều trị. Sau nhiều ngày nỗ lực điều trị, hiện sức khoẻ của cả mẹ và con đã ổn định và được xuất viện.


L. Hà






Hàng loạt nhà máy cá tra sắp đóng cửa

Hàng loạt nhà máy cá tra sắp đóng cửa

Hàng loạt nhà máy cá tra sắp đóng cửa


SGTT.VN - Theo kết quả điều tra mới nhất, trong tổng số 70 nhà máy chế biến cá tra hiện nay, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp có vùng nuôi cá, nhưng sản lượng cá chỉ đủ đáp ứng cho sản xuất không quá 15 ngày. Hiện đã có nhà máy ngưng hoạt động, số ít chạy cầm chừng, dự kiến đến đầu tháng 10 sẽ có hàng loạt phải đóng cửa, kéo theo hàng chục ngàn công nhân sắp mất việc.










Nhiều doanh nghiệp chỉ còn đủ cá sản xuất trong vòng 10 – 15 ngày nữa. Ảnh: Đặng Hoàng



Từ đầu tháng 10 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tăng khá mạnh, hiện nay đã lên mức hơn 23.000 đồng/kg. Kết quả điều tra mới nhất vừa được ông Dương Ngọc Minh, phó chủ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) công bố, sản lượng cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hầu như không còn.


Còn đủ cá trong hai tuần?


Nếu tính cả lượng cá của doanh nghiệp tự nuôi khoảng 40.000 tấn, cá trong dân 15.000 tấn thì tổng cộng nguyên liệu còn lại trong quý 4 chỉ còn khoảng tối đa 50.000 tấn, trong khi nhu cầu mà các nhà máy cần là trên 300.000 tấn. Và lượng cá này mới đạt 400 – 500g/con, phải đến tháng 11 trở đi mới có thể đạt trọng lượng xuất khẩu. Trước thực trạng này, theo dự báo của ông Dương Ngọc Minh, một số doanh nghiệp lớn chỉ còn còn đủ cá để sản xuất trong vòng 10 – 15 ngày. Từ đầu tháng 10 trở đi nếu không mua được của dân thì chỉ còn nước đóng cửa nhà máy.


“Doanh nghiệp đang đổ xô đi mua vét cá nhưng ngoài thị trường cũng không có nên phải bắt cá dưới tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong lịch sử ngành cá tra, đây là lần đầu tiên xảy tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng như vậy”, ông Minh nói.


Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá tra không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà theo dự báo, có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9 năm sau. Điều này được thể hiện qua sản lượng thức ăn chăn nuôi và lượng con giống thả nuôi trong niên vụ 2013 – 2014 đang ở mức thấp hơn cùng kỳ khá xa. Trong hai tháng gần đây, thức ăn nuôi cá cung cấp ra thị trường giảm tới 2/3 sản lượng. Nếu như trước đây 20 nhà máy thức ăn cung cấp bình quân mỗi tháng khoảng 170.000 tấn, thì đến tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Vasep thống kê chỉ còn khoảng 55.000 tấn và dự kiến trong tháng 9 này sẽ còn tiếp tục giảm chứ không tăng. Và trong số 20 nhà máy thức ăn, hiện cũng chỉ còn năm nhà máy hoạt sản xuất. Ngoài ra, lượng giống thả nuôi mới từ trong dân và doanh nghiệp cũng giảm tới 50% nên dự kiến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu năm 2013 – 2014 giảm còn 500.000 – 600.000 tấn so với hơn 1 triệu tấn năm trước.


Nhiều doanh nghiệp tỏ ra tiếc nuối bởi nhu cầu thị trường có và đang có xu hướng tăng trong mùa tiêu thụ cuối năm, nhưng ngành cá tra lại không được hưởng lợi vì không có đủ hàng. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang cho biết, trong hai tuần đầu tháng 9 vừa qua, lượng khách hàng hỏi mua cá tra tăng gấp ba, bốn lần bình thường nhưng công ty không dám ký hợp đồng vì sợ không đủ nguyên liệu. “Thông thường, từ tháng 9 trở đi các nước châu Âu, Mỹ vào mùa tiêu thụ chính trong năm nên lượng cá tra xuất khẩu trung bình trong quý này thường đạt khoảng 50.000 – 60.000 tấn philê/tháng. Rất tiếc là ba tháng tới đây, chúng ta chỉ có thể đáp ứng không tới 50% nhu cầu, thiệt hại công ăn việc làm, lợi nhuận đã quá rõ”, vị giám đốc trên trăn trở.


Hàng chục ngàn công nhân mất việc


70 nhà máy cá tra đang tồn tại hiện nay chỉ có khoảng 30 nhà máy có vùng nguyên liệu, còn lại phải dựa vào dân. Trong khi đó, số nhà máy chủ động đầu tư nuôi cá hiện cũng chỉ có thể đáp ứng được 30% công suất chế biến, nên chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây phải chọn giải pháp chạy cầm chừng hoặc đóng cửa là điều khó tránh khỏi.


Theo khảo sát, chế biến cá tra vẫn được xem là một trong những ngành sử dụng lao động tay chân nhiều nhất. Hiện, số lao động làm việc trong mỗi nhà máy lên đến khoảng 1.000 người, nghĩa là 70 nhà máy đang sử dụng tổng cộng 7 vạn lao động. “Nhà máy không có hàng xuất khẩu thì đương nhiên không còn doanh thu, do đó các chính sách phúc lợi như bảo hiểm, lương bổng sẽ giải quyết như thế nào là một bài toán nan giải”, ông Minh tâm sự.


Tình trạng khan hiếm nguyên liệu đã được dư luận cảnh báo từ đầu 2013. Nếu nhìn xa hơn, việc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đối mặt với khó khăn ngày hôm nay là hậu quả do chính họ. Trong suốt hai năm liền gần đây, do giá cá ngoài thị trường quá thấp nên doanh nghiệp không nuôi cá mà phó mặc để dân tự nuôi. Hậu quả là người dân càng nuôi càng lỗ, không còn vốn tái đầu tư, trong khi doanh nghiệp cũng không đầu tư nuôi nên lượng cá ngày càng cạn kiệt. “Năm 2012 doanh nghiệp nuôi 70%, dân nuôi 30% nhưng giá cá thị trường thấp, trong khi doanh nghiệp nuôi giá thành lại cao nên họ ỷ lại không đầu tư nữa, để mua ở ngoài cho thấp, lại còn được nợ. Giờ phải gánh hậu quả”, giám đốc một doanh nghiệp có nuôi cá phân tích.


Hoàng Bảy






Tại sao càphê Starbucks quá đắt tại Trung Quốc?

Tại sao càphê Starbucks quá đắt tại Trung Quốc?

Tại sao càphê Starbucks quá đắt tại Trung Quốc?


SGTT.VN - Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vào khoảng 7.200 USD, thấp hơn con số của Mỹ khoảng năm lần rưỡi. Tuy nhiên, một ly càphê sữa grande tại một cửa hàng Starbucks ở Bắc Kinh giá khoảng 4,80 USD, đắt hơn 1 USD so với giá tại Mỹ.










Tại Việt Nam, người tiêu dùng có đang trả cho một ly Starbucks cao hơn giá trị thật của nó? Ảnh: T.Y



Càphê giống nhau, giá vẫn đắt hơn


Điều lạ là Starbucks vẫn còn kinh doanh được ở đây, thậm chí còn đang ăn nên làm ra nữa. Tháng 12 vừa qua, Bloomberg cho biết Starbucks có kế hoạch tăng lao động tại Trung Quốc lên gấp đôi vào năm 2015, và đang mở thêm hàng trăm cửa hàng mới ở các thành phố trên khắp nước này. Thậm chí, Starbucks còn kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ.


Công bằng mà nói, thu nhập bình quân chỉ là một cách thô thiển để đo lường sức mua của khách hàng thực tế của Starbucks: đa số các cửa hàng Starbucks đều nằm ở các thành phố lớn ven biển của Trung Quốc, nơi có thu nhập cao hơn nhiều so với mức bình quân đầu người trên toàn quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong một nước đang phát triển vẫn còn thiếu vắng một nền văn hoá uống càphê bản địa, lại có rất nhiều người sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm Starbucks. Vấn đề khá đơn giản – điều hành một cửa hàng Starbucks ở Trung Quốc rất tốn kém. Đối với một đất nước có nguồn nhân công giá rẻ, các chuyên gia pha chế càphê Starbucks ở Bắc Kinh kiếm được ít tiền hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ, điều này xem ra có vẻ khác thường. Nhưng lao động chỉ là một phần nhỏ trong chi phí của một ly càphê grande như chi tiết trong bảng.


Thứ gây đắt đỏ chính là khâu hậu cần. Hạt càphê pha chế trong các cửa hàng Starbucks tại Bắc Kinh, cũng như các vật liệu khác như ly và cốc, không hề tốn thêm chi phí nhập khẩu ở Trung Quốc so với Mỹ. Vấn đề là đưa các vật liệu này từ điểm A đến điểm B. “Có thể nói rằng việc vận chuyển hạt càphê từ Colombia đến cảng Thiên Tân tương đương với vận chuyển từ Colombia đến cảng Los Angeles”, theo ông David Wolf, một chuyên gia PR tại Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ đôla trong những năm qua để cải thiện cơ sở hạ tầng cảng và giao thông vận tải, nhưng kết hợp các loại thuế, lệ phí và người trung gian đã cộng thêm vào chi phí hậu cần, sau đó được chuyển sang cho khách hàng dưới dạng càphê frappuccinos và càphê sữa.










Chi phí càphê Starbucks ở Trung Quốc.



“Hàng nước ngoài là tốt”?


Thế thì, nếu Starbucks quá đắt ở Trung Quốc, tại sao rất nhiều người lại đi đến đó? Hầu hết các thành phố trong cả nước đều có các quán càphê bán những thứ na ná và có không khí thoải mái tương tự với giá thấp hơn nhiều. Starbucks làm thế nào để đạt được như thế?


Vấn đề chính yếu là văn hoá. Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc mở rộng cửa cho hàng nhập khẩu vào cuối những năm 70, các loại hàng nhập khẩu này đã in dấu trong tâm trí người tiêu dùng. “Thông thường, các sản phẩm nước ngoài luôn được xem là tốt hơn, đẳng cấp hơn, đẹp hơn”, theo Fei Wang, nhà tư vấn sinh trưởng ở Vũ Hán. “Địa vị xã hội của một người được xác định bởi những thứ họ sở hữu”. Giá cả cao không hề ngăn trở, mà trái lại còn hấp dẫn người tiêu dùng, vốn muốn phô trương sự giàu có mới nổi của mình, nói một cách khác, việc mua một thứ giống như một tách càphê với giá cao cấp là một cách hay để giữ thể diện trong kinh doanh hoặc các mối quan hệ cá nhân. Và Starbucks đã gặp vận may khi thâm nhập vào đất nước này ngay thời điểm mà việc uống càphê trở thành thời thượng trong giới người tiêu dùng Trung Quốc trẻ tuổi sành điệu.


Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy sở thích hàng hoá nhập khẩu giá cao của người Trung Quốc có thể đang suy dần. Sự tăng trưởng nhanh của nền thương mại điện tử và việc du lịch nước ngoài thường xuyên hơn đã làm cho người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu cảm thấy họ đang phải chi trả quá nhiều cho những thú vui đơn giản như là một tách càphê. “Sau khi sống ở Mỹ một thời gian tôi đã bị sốc với mức giá đắt đỏ như thế của Starbucks khi tôi quay trở lại Trung Quốc”, Wang nói. Xu hướng này dường như cũng xảy ra với các ngành công nghiệp khác.


Nhật Hân (theo The Wall Street Journal)






Hồi hộp với… chích ngừa!

Hồi hộp với… chích ngừa!

Hồi hộp với… chích ngừa!


SGTT.VN - Ngày 13.9, trạm y tế phường 9, quận 10 (TP.HCM) tổ chức chích ngừa hàng tháng cho trẻ như thường lệ. Nhưng cả buổi sáng chỉ được hơn 20 mũi chích, tất cả đều là mũi dịch vụ, trong khi trước đó cũng tại đây – ở thời điểm có đầy đủ vắcxin – một buổi chích cho hơn 50 trẻ.










Khám sàng lọc cho trẻ trước khi chích ngừa ở trạm y tế phường 9, quận 10.



Hỏi một nhân viên của trạm, được biết trước đây chương trình tiêm chủng mở rộng có Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1) miễn phí, nhưng từ khi xảy ra hàng loạt sự cố sau chích ngừa, từ tháng 5 đến nay vắcxin này vẫn chưa được dùng lại, dù cuối tháng 7 Chính phủ đã cho phép tiếp tục sử dụng Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng. Không chỉ không có Quinvaxem, tháng này chương trình cũng không có vắcxin sởi. Người dân nào có khả năng, có thể cho trẻ chích vắcxin dịch vụ thay thế, nhưng một mũi 600.000 – 700.000 đồng, thời buổi khó khăn, không mấy người làm được.


Dân lo lắng


BS Trần Quang Minh, phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng Tân Bình, cho biết vài tháng qua lượng trẻ chích ngừa ở quận này giảm đến một nửa. Ông nói: “Có thể người dân biết chưa có Quinvaxem nên không mang trẻ ra, nhưng cũng có thể trước những thông tin dồn dập về tai biến sau chích vắcxin, người dân không dám cho trẻ chích”.


Còn theo một nữ nhân viên y tế cơ sở, giờ đây việc vận động trẻ ra chích ngừa gặp rất nhiều khó khăn. Chị kể: “Tôi gặp ít nhất mười người dân nói thẳng sẽ không còn cho trẻ chích ngừa nữa. Thậm chí, có bé chích hai mũi dịch vụ, mỗi mũi gần 700.000 đồng, nhưng người thân nhất định không cho trẻ chích tiếp mũi thứ ba. Họ nói: Gia đình chỉ có một đứa con, chích có tai biến thì chúng tôi biết làm gì?”









Sau hàng loạt sự cố cho trẻ em sau chích ngừa, tháng 8 vừa qua bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng. Trên cơ sở này, từ tháng 9 – 12.2013 sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên địa bàn. Điều này nhằm nâng chất lượng công tác chích ngừa, và có lẽ cũng nhằm chuẩn bị cho việc dùng lại vắcxin Quinvaxem.



Lo lắng, sợ hãi tiêm chủng là tâm lý có thật, nhưng điều quan trọng nhất là chưa thấy ngành chức năng hành động gì trong truyền thông để trấn an, phục hồi lại niềm tin của người dân. “Dường như cấp trên khoán hết công việc cho cơ sở, để chúng tôi tự bơi. Người dân ngày càng coi thường người làm y tế dự phòng, chúng tôi kêu đưa bé đi chích ngừa, thậm chí họ còn chửi lại”, một cán bộ y tế phường nói.

Được biết, lẽ ra vào tháng 9 này Quinvaxem sẽ được sử dụng lại, nhưng giờ chót điều này bị huỷ.


Địa bàn nào xử trí kịp, kêu người dân không đưa bé ra chích thì không sao; địa bàn nào làm không kịp, dân lỡ bồng trẻ ra chích, không có thuốc quay về, phụ huynh phản ứng mạnh với nhân viên y tế.


Tranh cãi về quy định


Theo quy định của bộ Y tế, kể từ nay mỗi buổi chích ngừa tại các điểm tiêm chủng chỉ được ở mức 50 trẻ, chứ không được chích 100 – 200 trẻ như trước đây. Điều này nhằm bảo đảm việc tư vấn cho phụ huynh, khám sàng lọc trẻ kỹ lưỡng trước khi quyết định cho trẻ chích.


Tại buổi giao ban y tế quận huyện TP.HCM hồi giữa tuần qua, nhiều ý kiến tranh cãi về quy định này. BS Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nói: “Liệu một buổi có 51 trẻ chích thì điểm tiêm chủng đó có bị xem là vi phạm quy định hay không? Tôi đã hỏi bộ, nhưng bộ không trả lời được”. Thật ra theo một người quản lý y tế dự phòng của quận Tân Phú, việc chích 50 trẻ/buổi là quá lãng phí vì cơ sở vật chất y tế của quận này rộng rãi và nhân viên y tế đầy đủ. “Với số lượng đó, chích từ 7 – 9 giờ sáng là xong. Những trẻ khác phải chuyển qua ngày hôm sau, gây lãng phí thời gian, công sức cho nhân viên y tế lẫn người dân”.


Thế nhưng, quy định là quy định, vì thế với địa bàn dân cư đông, trạm y tế phải chia nhỏ số trẻ và triển khai vài buổi tiêm trong tháng. Có ý kiến, nếu làm như thế, việc vận chuyển vắcxin từ quận xuống trạm y tế sẽ phức tạp, nên chăng là trang bị tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắcxin cho mỗi trạm y tế, tiến tới việc người dân muốn chích ngày nào cũng được. Theo sở Y tế TP.HCM, ý tưởng này đáng tham khảo, nhưng vấn đề là không đủ kinh phí, chưa kể nguồn điện của trạm y tế không bảo đảm liên tục để giữ chất lượng vắcxin.


bài và ảnh Phan Sơn









Chích trễ Quinvaxem, không sao!


Trước lo lắng của nhiều bậc phụ huynh liệu việc chậm trễ chích Quinvaxem trong nhiều tháng trời có ảnh hưởng gì đến việc sinh miễn dịch phòng bệnh của trẻ đã chích hay không, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, khẳng định chích vắcxin sớm hơn thời điểm quy định thì không có tác dụng, nhưng nếu trễ vài tháng sẽ không sao. Ông nói: “Nếu chích lại, cứ theo lịch trình mà chích tới, không cần phải chích bù”.







Thiết bị dẫn đường cho ôtô

Thiết bị dẫn đường cho ôtô

Thiết bị dẫn đường cho ôtô


SGTT.VN - Thị trường đã có một số thiết bị dẫn đường trên ôtô giúp chủ xe dễ dàng xác định vị trí, hỗ trợ việc dẫn đường qua giọng nói, tìm kiếm địa điểm… Một số sản phẩm còn có thêm tính năng giải trí như xem video, nghe nhạc, đọc ebook…










GPS Navigator TomTom GoLive.



Đa dạng thiết bị GPS


Theo các đơn vị cung cấp thiết bị dẫn đường như Vietmap, Navi Info… các thiết bị này thường sử dụng màn hình 5 – 6,2 inch. Một số thiết bị dẫn đường cao cấp sẽ được trang bị màn hình lên đến 7 inch. Việc sử dụng màn hình lớn sẽ giúp chủ xe thuận tiện hơn trong việc xem video, duyệt ảnh, phóng to bản đồ số…


Anh Vĩnh Huỳnh, nhà ở quận 5 cho biết, việc sử dụng thiết bị dẫn đường có màn hình lớn giúp cho chủ xe dễ chịu hơn khi xem video hoặc đọc ebook trên ôtô. Tuy nhiên, màn hình lớn cũng dẫn đến việc tiêu hao điện nhiều hơn nếu người dùng cần sử dụng thiết bị GPS trong lúc dừng xe/tắt máy.


Các thiết bị dẫn đường ngoài tính năng định vị GPS còn có các tính năng khác như xem video, duyệt ảnh, đọc ebook… từ thẻ nhớ MicroSD. Đồng thời, nhờ có bản đồ số nên chủ xe có thể sử dụng tính năng tra cứu địa điểm. Một số sản phẩm còn hỗ trợ kết nối bluetooth, giúp chuyển cuộc gọi từ điện thoại di động vào hệ thống loa trên ôtô.


Khách có thể chọn thiết bị dẫn đường có kho dữ liệu POI (Points of Interest – Địa điểm yêu thích) nhiều và đa dạng. Các POI này có thể được bổ sung vào thẻ nhớ khi chủ xe ghé qua một quán càphê yêu thích, khu vui chơi, điểm du lịch…


Chủ xe có thể tra cứu các POI như khách sạn, nhà hàng, trạm xăng… trên thiết bị dẫn đường theo tên đường, địa chỉ, toạ độ… Để xác định nhanh vị trí cần tìm, có thể giới hạn phạm vi tìm kiếm từ 30km – 2km – 1km… đến dưới 500m.


Tích hợp trên DVD


Nếu muốn sử dụng tính năng dẫn đường từ dàn DVD có sẵn trên ôtô, dàn DVD đó cần được tích hợp GPS hoặc hỗ trợ tính năng định vị GPS. Tuy nhiên, có khá nhiều dàn DVD nhập khẩu tuy hỗ trợ tính năng GPS nhưng lại không thể sử dụng tại Việt Nam vì không có bản đồ giao thông Việt Nam.


Đối với các dàn DVD hỗ trợ tính năng GPS (built-in), chủ xe chỉ cần mua phần mềm dẫn đường có sẳn bản đồ Việt Nam về cài đặt. Tuy nhiên, khi đó dàn DVD phải có khe cắm thẻ nhớ SD và chấp nhận sử dụng dữ liệu bên ngoài (bản đồ số). Nếu dàn DVD không có khe cắm thẻ SD thì không thể cài đặt phần mềm dẫn đường.


Trong trường hợp dàn DVD không có khe cắm thẻ nhớ SD, vẫn có thể mua thêm thiết bị GPS tại các cửa hàng kinh doanh phụ kiện ôtô. Thiết bị này đã tích hợp phần mềm dẫn đường lẫn bản đồ số để kết nối tín hiệu vệ tinh GPS. Chỉ cần gắn thiết bị này vào ôtô để tận dụng màn hình DVD; không cần mua trọn bộ hệ thống dẫn đường GPS.


Thiết bị GPS sẽ truyền tín hiệu hình ảnh đến màn hình của dàn DVD và cho phép nhập liệu, sử dụng menu dẫn đường… ngay trên màn hình cảm ứng. Khi chuyển sang sử dụng tính năng dẫn đường, màn hình của dàn DVD sẽ hiển thị bản đồ số.


Cửa hàng Thanh Bình Auto cho biết, hầu hết các loại ôtô đều có thể gắn thêm thiết bị GPS rời. Các sản phẩm này đã được tích hợp bản đồ Việt Nam trên thẻ nhớ SD. Việc gắn thêm thiết bị GPS sẽ không ảnh hưởng đến các tính năng khác như xem phim từ đĩa DVD, nghe nhạc, quan sát hình ảnh từ camera lùi… Tính năng dẫn đường bằng giọng nói của thiết bị GPS sẽ được phát qua hệ thống loa của dàn DVD trên ôtô.


Các dàn DVD nhãn hiệu quen thuộc như Alpine, JVC, Pioneer… đều có thể gắn thêm thiết bị GPS. Tuỳ theo nhãn hiệu DVD sẽ có thiết bị GPS và cáp kết nối tương ứng. Các bộ GPS gắn thêm này còn có bàn phím điều khiển không dây tiện cho việc tra cứu thông tin như khách sạn, nhà hàng, trạm ATM…


Việt Bình









Lưu ý khi chọn mua thiết bị GPS


+ Màn hình cảm ứng của thiết bị GPS phải nhạy


+ Chọn màn hình cảm ứng điện dung sẽ dễ sử dụng hơn so với màn hình điện trở


+ Kiểm tra tính năng dẫn đường bằng giọng nói xem có phù hợp không (giọng nói)


+ Ưu tiên chọn sản phẩm có cổng AV kết nối với cáp tín hiệu video của camera


+ Chú ý các thiết bị dẫn đường có chế độ hiển thị bản đồ ban đêm và 3D.







Đi với rêu phong xứ Huế

Đi với rêu phong xứ Huế

Nhật ký trên những đôi giày


Đi với rêu phong xứ Huế


SGTT.VN - Bạn có về kinh đô Huế với tôi, cùng mở trang sách 13 đời vua, 9 đời chúa, cùng đi thăm Đại Nội, và nhớ ra sân sau cố cung, mua một chiếc vé, rồi hoá trang khoác áo, mũ, đi hài, làm hoàng hậu chụp ảnh kỷ niệm. Rồi vẫn phải quay lại sân sau để xem đoàn tuỳ tùng đi “tuần”, trống không dong nhưng cờ mở.










Huế đẹp cổ kính nhờ những công trình rêu phong nhuốm màu thời gian.



Rất nhiều lữ khách châu Âu chọn Đại Nội Huế, đàn ông xúng xính áo long bào, đàn bà khoác áo hoàng hậu, ngồi ăn cơm vua, cơm chúa trong nụ cười rung rinh áo mũ, sung sướng, mãn nguyện thú vị. Cũng có thể cưỡi ngựa, đi xe kéo chạy xung quanh Đại Nội, nghe đàn vọng ra từ phía sân trước. Những uy phong quyền quý khép lại bước đi, bạn sẽ đến lăng Tự Đức hay lăng Minh Mạng. Lăng tẩm ở Huế buồn, trong vẻ đẹp cổ kính dưới rêu phong. Rồi bạn thả bộ dọc sông Hương mà nghe hò Huế.


Những cảm xúc trái chiều


Khi những con thuyền rồng lướt rất chậm trên dòng sông Hương, nơi vẫn dìu dặt giọng hò sớm mai và chiều muộn. Giọng hò chưa tan vào suy nghĩ thì ánh nắng vẫn như hắt lên bóng người đãi hến, hắt lên những thân cò áo vải lặn lội sớm khuya bán bánh ướt, bánh bèo kiếm kế sinh nhai nơi bến thuyền.


Huế vẫn còn nhiều người cùng khổ, họ hội nhập vào ngành “công nghiệp không khói” bằng chiếc xe xích lô, hoặc xe ôm. Họ mở cửa hàng bán các loại chè Huế, các loại bún bò giò heo, bún canh, và bún đậu. Món ăn bình dân rất ngon cũng không xa vời lắm với các bữa cơm vua, ăn ở khách sạn Xanh, khách sạn bốn sao của Huế trong những buổi chiều. Vẳng ra từ khách sạn là điệu nhạc cung đình, nhạc cải biên, vui tươi và quyến rũ. Tôi bắt gặp các lữ khách châu Âu, họ vận áo long bào, choàng áo hoàng hậu, xếp hàng đi trong ô lọng áo mũ, những nụ cười thích thú và những ánh chớp của máy ảnh liên hồi. Họ sẽ có kỷ niệm đẹp của một chuyến đi về kinh đô cũ của Việt Nam, xứ nhiệt đới, xứ sở của làn điệu dân ca miền Trung, xứ sở của nhà vườn yên tĩnh dưới rêu phong, nơi còn có bao phận người quyền uy bị quên lãng. Về Huế để đối thoại một mình.


Dưới rêu phong nhà vườn


Du lịch điền dã ở nhà vườn rất thú vị, bạn hãy chọn đi xích lô dọc sông Hương để tận hưởng không gian êm đềm của vệt sông thưa thác hoa muồng vàng. Dưới chân ta, và dưới cả rêu phong là vẻ đẹp lặng lẽ với những vườn cây và những bức bình phong cũ mốc, đứng độc thoại với mùa thu Huế. Nhà vườn, chỉ có hoa và rêu phong. Các chái nhà bỏ hoang lâu ngày. Huế cũng rêu phong với thời gian nếu bạn đi các khu lăng tẩm vua Tự Đức, hay lăng tẩm vua Minh Mạng, ở đâu cũng gặp rêu phong ngay dưới chân mình. Những quyền uy có thể nào rêu phủ, nhưng sử sách vẫn lặng lẽ ghi trong những kệ sách thư viện quý giá ở Huế.


Vệt chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, Từ Hiếu vẫn đông khách đến từ nhiều phía, người từ Quảng Trị, từ Gio Linh ghé thuyền rồng trăm ngả rẽ về. Sân sau chùa Thiên Mụ hoa súng vẫn nở, hoa đại vàng mặn nhạt lặng rơi, với vài chú tiểu lẻ bóng an nhiên quét lá. Lữ khách đến chùa để không còn vướng bận bụi trần. Phía chùa Thiên Mụ tịnh yên lắm, phía ngoài chùa còn giữ nếp nang từ cỏ hoa cây lá đều có bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng. Đến Huế để bước chậm lại giữa những thảo am bé nhỏ cô liêu ở rừng núi vắng, nó giống như một sợi dây diều nối nhịp tim người lữ khách quay trở về với quá vãng xa xôi, và hồi tưởng những phận người xưa có mặt trên cõi này sao mà cô độc. Sợi dây tình người này sẽ nối nhịp với hiện tại, để bạn ngồi thưởng lãm trà sen ở thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, hay bạn ghé chùa Đông Thuyền dùng bữa cơm chay, ghé chùa Bà La Mật dùng xôi vò chè đường. Huế có gu ăn uống của Huế, không dễ trộn lẫn, nếu nếm vị bánh làm bằng lúa nước cũng đã khác xa vị của Hà Nội. Vị của Huế bao giờ cũng cay hơn và ngọt hơn món ăn của đất kinh kỳ Thăng Long.


Các loại bánh ướt, bánh bột lọc, bánh có vị của chút ruốc tôm khô cũng rất Huế. Ngay cả các loại nước chấm, nước lèo của Huế cũng vị Huế không thể pha trộn khác được. Đến Huế để cảm nhận, để liên tưởng những món ăn của miền Trung nó thật khác với món ăn sông nước miền Tây Nam bộ. Kể cả các vị của món cơm chay nơi chùa chiền thảo am của Huế.


Rồi chiều xuống, lữ khách đi thuyền rồng nghe dân ca Huế, xem múa cung đình và thả thuyền đèn trên sông Hương.


Cái thú của Huế mùa khô có nhiều địa chỉ để đi, nếu đi hết chùa Huế cũng mất vài ngày, chưa kể đi cố đô, thăm thú các lăng tẩm và ngước nhìn các thảo am trong núi rừng khuất hẻo của Huế. Và, cũng huyền bí và hấp dẫn cho những ai khao khát mở lại trang sử của kinh đô Huế, nhà vườn Huế, đọc lại sử Huế với các vương triều trong một tiết thu không ở trên trang sách mà đọc bằng mắt trên dấu giày ta đi.


bài và ảnh Hoàng Việt Hằng









Kinh nghiệm đi du lịch Huế


* Nên xem trước băng du lịch Huế. Chọn nơi mình thích đi nhất.


* Đi du lịch bằng xích lô nhất thiết phải mặc cả đi theo giờ, theo buổi, theo ngày. Hoặc chọn xe taxi như thăm nơi thờ Phật Bà Quan âm trên núi. Chân núi nếu không muốn trèo, thuê xe ôm 20.000đ/đi về.


* Nên nhờ hướng dẫn viên xích lô Huế đưa đi các cửa hàng chuyên may áo dài Huế, hoặc mua sản phẩm du lịch Huế.


* Đi du lịch nhà vườn 20.000đ/người vào cổng.


* Đi thăm Đại Nội Huế, các lăng tẩm vua Tự Đức, lăng Minh Mạng, giá vé tham quan: 50.000đ/người, người cao tuổi 27.000đ/ người.


* Có thể tìm mua sách ảnh của nữ nhiếp ảnh gia Trà Hoa Nữ trong quầy lưu niệm để hiểu thêm về phong cảnh Huế.


* Đi du lịch quanh Đại Nội có ôtô du lịch cho lữ khách, tính theo giờ.


* Đi tham quan cố cung, lăng tẩm nên mặc gọn và chọn giày gót thấp.







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ