Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Siết chuyển tuyến để giảm tải bệnh viện: còn nhiều băn khoăn

Siết chuyển tuyến để giảm tải bệnh viện: còn nhiều băn khoăn

Siết chuyển tuyến để giảm tải bệnh viện: còn nhiều băn khoăn


SGTT.VN - Ngày 21.8 tại Hà Nội, bộ Y tế đã tổ chức triển khai đề án bệnh viện vệ tinh và góp ý dự thảo thông tư quy định phân tuyến, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm giải quyết quá tải bệnh viện, vấn nạn gây bức xúc dư luận nhiều năm qua. Dù mục tiêu rất tốt đẹp, nhưng thông tư này – sẽ ra đời trong thời gian sớm nhất – khiến bệnh viện và bệnh nhân không ít băn khoăn.


Chuyển ngược bệnh nhân: sợ khó khả thi!










Việc chuyển ngược bệnh nhân lại tuyến dưới không hề dễ, dù tình trạng bệnh có giảm. Ảnh: mang tính minh họa



Điểm mới của quy định này là không chỉ chuyển bệnh nhân từ cơ sở y tế tuyến dưới lên tuyến trên như thường lệ, nay bệnh nhân cũng có thể được chuyển ngược lại, từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Theo ông Cao Hưng Thái, phó cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh – bộ Y tế, đó là khi bệnh đã được chẩn đoán, xác định; được điều trị qua các giai đoạn cấp cứu; tình trạng bệnh thuyên giảm và có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới hoặc chuyển về tuyến dưới theo yêu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chuyển giữa các cơ sở y tế cùng tuyến khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế hoặc theo nguyện vọng của người bệnh.


Sáng ngày 22.8, trong khi nuôi người thân tại khoa bệnh lý mạch máu não, bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, anh Minh, 35 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom – Đồng Nai, nói: “Ba tôi bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. Gia đình tôi tin tưởng bệnh viện này, nên dù đi xa, cũng chấp nhận. Sau này có chuyện gì, dù bệnh viện dưới không cho chuyển tuyến, gia đình tôi cũng sẽ lên đây”.


TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ: “Giảm tải bệnh viện bằng quy định chuyển tuyến là điều đúng, nhưng thực tế còn phụ thuộc vào niềm tin của người dân. Trong thời đại thông tin hiện nay, người dân dễ dàng biết được nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở y tế như thế nào, vì thế họ sẽ quyết định đến chỗ tốt, dù chấp nhận đóng thêm nhiều tiền. Nếu đầu tư các tuyến gần như nhau thì mới hy vọng giữ bệnh nhân lại, không vượt tuyến”.


Theo BS Phú, việc chuyển ngược bệnh nhân lại tuyến dưới không hề dễ, dù tình trạng bệnh có giảm. Ông băn khoăn: “Tôi tin 100% không chấp nhận và rất khó giải thích cho họ. Còn nếu “ép” họ thì sợ họ phản ứng. Nhưng thực tình bác sĩ cũng khó làm vì ngại gây khó cho bệnh nhân, về bệnh viện mới họ phải làm lại thủ tục từ ban đầu”. Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cũng đồng tình. Ông nói: “Sẽ có chuyện bệnh nhân phản ứng “Tại sao tôi bị chuyển còn người khác không bị?” Nhưng ngoài quy định từ bên trên, việc chuyển ngược cũng cần có thoả thuận giữa các bệnh viện với nhau, vì nếu không bệnh viện khác sẽ thắc mắc “Tôi phải nhận phần khó trong khi anh lại nhận phần dễ”. Theo một bác sĩ chuyên ngành ung bướu, dù thực hiện giải pháp nào, lợi ích của bệnh nhân phải được đặt lên trên hết. “Nếu cho rằng bệnh viện tuyến trên phải chữa ca nặng, còn ca nhẹ để tuyến dưới chữa thì chưa chắc đúng. Một khối u nhỏ, nếu được điều trị ở một cơ sở y tế đủ năng lực thì bệnh nhân có nhiều cơ hội lành bệnh hơn so với điều trị ở cơ sở y tế không đủ năng lực”, ông nói.


Phân tuyến theo cách mới


Tại cuộc họp ngày 21.8, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho rằng sắp tới bộ Y tế phải đổi mới tư duy, không chỉ xếp hạng bệnh viện theo phân tuyến bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện mà có thể căn cứ theo trình độ kỹ thuật, năng lực của từng bệnh viện để phân tuyến. Bà nói: “Nếu bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện tỉnh nhưng thực hiện tốt các kỹ thuật hiện đại như tuyến Trung ương thì có thể được phân tuyến bệnh viện hạng 1, thậm chí cả bệnh viện hạng đặc biệt. Còn nếu giữ nguyên cách phân tuyến hiện nay, bệnh viện huyện muôn đời vẫn là bệnh viện huyện dù có làm tốt”.


Tham dự cuộc họp, một số đại biểu cũng băn khoăn tại sao dự thảo thông tư quy định việc chuyển tuyến theo nguyện vọng của người bệnh chỉ được thực hiện ở tuyến trên về tuyến dưới, trong khi lại không cho chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, giám đốc bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, cho rằng nên có thêm quy định cụ thể về trường hợp này.


Lệ Hà – Phan Sơn









Bệnh viện vệ tinh cũng… quá tải!


Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ, giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, giảm tải bằng bệnh viện vệ tinh là chủ trương đúng, nhưng ông lo lắng khi thực tế hiện nay chính những “vệ tinh” của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM là Khánh Hoà, Kiên Giang, Đăk Lăk giờ đây cũng… quá tải! Đó cũng là thực tế của lĩnh vực ung bướu, vì theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khoa ung bướu của bệnh viện Khánh Hoà, vệ tinh của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đang bắt đầu quá tải.







Người đi ánh sáng vẫn còn

Người đi ánh sáng vẫn còn

NSƯT Hoa Hạ: Lãnh đạo như anh rất hiếm


Anh Huỳnh Minh Nhị đối xử với đàn em như tôi rất thân thiết, nhiều khi coi như anh em ruột. Từ những ngày cùng tổ chức cuộc thi sân khấu nhỏ lần đầu tiên vào năm 1988, rồi đến khi anh soạn vở Ai giết nàng Kiều, anh em tôi đã cùng nhau ngồi uống bia lề đường, bàn bạc về cách dựng vở này vở kia đầy tâm huyết. Hiếm có ai làm văn nghệ mà có sự hào hiệp, “đại ca”, hết lòng với mọi người như anh. Cũng hiếm có ai đảm nhận các vị trí quan trọng mà thân thiết với cấp dưới như anh. Anh không ngại tạo dựng quan hệ với các nghệ sĩ, diễn viên; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Nếu những người lãnh đạo khác mà như anh, không cửa quyền, không cứng nhắc thì sẽ giúp nghệ sĩ thăng tiến rất nhiều-điều mà bây giờ quá hiếm hoi.


NSƯT Mỹ Uyên: Lúc nào chú cũng mong anh em hậu trường có chén cơm để ăn


Lần đầu tiên gặp chú Nhị là năm 1993, khi Uyên chập chững vào nghề, lần đầu được vào đài truyền hình để đóng kịch, chú đã vỗ vai hỏi thăm và nói “lính mới hả, ráng lên nha!” Sau này, khi chú về làm lãnh đạo ở sân khấu 5B, chú đã tạo điều kiện để tôi có vai chính đầu tiên trong đời, đó là vở Chuyện của Diễm do chị Ái Như đạo diễn. Mãi mãi tôi không thể nào quên chú đã cho tôi cơ hội đầu tiên này.


Nhờ có chú mà tôi tin rằng vẫn có những người lãnh đạo biết quan tâm đến công việc và khó khăn của mọi người. Sau này, khi chú bị bệnh, thỉnh thoảng vẫn bắt xe ôm đi lên sân khấu để tư vấn, hỏi han mọi người. Cứ mỗi dịp lễ lạc, chú vẫn không quên gọi điện cho tôi hỏi có vở nào mới không, có kết hợp gì với đài truyền hình hay không... Lúc nào chú cũng mong sân khấu sáng đèn, anh em hậu trường có chén cơm để ăn.


Cách đây ba năm, khi chú vô bệnh viện nhân dân 115 nằm, mọi người đi thăm chú nhưng rồi trên giường bệnh, chú vẫn cười vang, vững vàng để mọi người không lo lắng. Vậy mà lần này thì chú đã không còn có thể cố gắng được nữa.


Trâm Anh (ghi)






Một tiểu thuyết về kinh tế bị đình chỉ phát hành

Một tiểu thuyết về kinh tế bị đình chỉ phát hành

Một tiểu thuyết về kinh tế bị đình chỉ phát hành


SGTT.VN - Vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books), đơn vị liên kết với NXB Lao động đầu tư in hai tập tiểu thuyết Đại gia (tác giả Thiên Sơn) đã gửi thông báo đến các đối tác phát hành trong nước đề nghị ngưng phát hành, gỡ bỏ quảng cáo và thu hồi tác phẩm trên về kho Alpha Books.


Trước đó, công văn số 2896/CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn Hòa, cục trưởng cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và Alpha Books, đã đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên” và yêu cầu “có văn bản gửi về cục Xuất bản trước ngày 25.8.2013”.










Bìa của hai tập tiểu thuyết.



Theo công văn trên, sau khi “kiểm tra nội dung” bộ tiểu thuyết Đại gia (gồm 2 tập: Tam giác vàng và Quyền lực đen), cục Xuất bản đưa ra ý kiến: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội.


Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.


Hai tập tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn dày hơn 1.100 trang, được in với số lượng 1.000 bản theo quyết định xuất bản của giám đốc NXB Lao động số 77/QĐLK-LĐ ngày 28.5.2013; sách in xong và nộp lưu chiểu quý III năm 2013.


Theo nhận định của nhà văn Võ Thị Hảo được trích dẫn trên bìa 4 của hai tập sách: “Tác giả đã đau đớn để nhận biết, để đồng hành, để cập nhật với nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen. Một khát vọng cháy bỏng muốn hành động để sự bóp méo này, ung hoại này được cắt bỏ và những vết thương lành lại”.


Tác giả Thiên Sơn, tên thật Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, là hội viên Hội nhà văn VN, hiện công tác tại Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam. Trước tiểu thuyết Đại gia, ông đã có hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và bốn tiểu thuyết đã được xuất bản và từng dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN (2006-2010) với tiểu thuyết Dòng sông chết.


Tin, ảnh: NGUYỄN VINH






Nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng 60C vào cuối thế kỷ

Nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng 60C vào cuối thế kỷ

Nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng 60C vào cuối thế kỷ


SGTT.VN - Ngày 22.8, viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường thuộc bộ Tài nguyên môi trường phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAID) đã công bố kết quả dự án “Dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam”.


Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam chịu sự gia tăng nhiệt độ mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Nhiệt độ các vùng dự tính tăng từ 0,8 – 3,40C vào cuối 2050, kéo theo gia tăng số ngày nắng nóng (trên 350C) và nắng nóng kéo dài (trên 5 ngày). Nhiệt độ trung bình năm được dự tính tăng từ 1,6 đến 5,80C vào cuối thế kỷ.


Dự tính lượng mưa trong mùa hè có xu hướng giảm ở hầu khắp lãnh thổ (trừ Trung Bộ) gây ra tình trạng hạn hán cho nông nghiệp. Đặc biệt, xoáy thuận nhiệt đới (bão) trên biển Đông có xu thế giảm về số lượng nhưng cường độ lại tăng mạnh hơn. Việc dự báo hoạt động của bão càng trở nên khó khăn.


Mực nước biển tiếp tục tăng từ 100mm đến 400mm vào năm 2050 trên toàn dải bờ biển Việt Nam với mức tăng ít nhất ở khu vực phía Bắc, gây ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái và cộng đồng dân cư ven biển.


T.Tuyền






Ngành dệt may, da giày: Mong Chính phủ quyết đoán hơn

Ngành dệt may, da giày: Mong Chính phủ quyết đoán hơn

Ngành dệt may, da giày: Mong Chính phủ quyết đoán hơn


SGTT.VN - Theo dõi tiến trình đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều quan tâm nhất của các doanh nghiệp dệt may, da giày là quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan từ TPP.


Sẵn sàng đón cơ hội phát triển xuất khẩu


Phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may, da giày cho rằng mở cửa thị trường ngay là sự lựa chọn tốt nhất đối với các nước tham gia TPP. Riêng với lĩnh vực dệt may, da giày, càng mở cửa chậm, doanh nghiệp càng mất cơ hội. Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết đối với da giày, túi xách năm 2012 Việt Nam xuất 8,7 tỉ USD, trong đó trên 3,6 tỉ USD vào các nước TPP, chiếm 41%. Đối với dệt may năm 2012 cả nước xuất khẩu 17,2 tỉ USD, trong đó vào Mỹ là 9,5 tỉ USD, chiếm 55%, nếu cộng thêm các nước đang đàm phán TPP thì hiện nay xuất khẩu dệt may vào TPP khoảng 10 tỉ USD, chiếm khoảng 58%.










Garmex Sài Gòn phát triển nhờ vào rất nhiều những hiệp định thương mại hội nhập. Ảnh: T.V.N/TTO



Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT công ty Garmex Sài Gòn nhận thấy trong bối cảnh chung ở tương lai 2015 – 2016, TPP là một khối cần quan tâm thôi, các khu vực kinh tế khác và các hiệp định với EU, các hiệp định thuế quan với một số nước Đông Âu đều có cơ hội vì mỗi thị trường doanh nghiệp sẽ lựa chọn phù hợp năng lực của mình. Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm về “không bỏ nhiều trứng vào một rổ”, song ông Hùng nhìn nhận Garmex Sài Gòn phát triển nhờ vào rất nhiều những hiệp định thương mại hội nhập, nên trân trọng sự đóng góp của các đoàn đàm phán. Ngành may không thể phát triển mạnh nếu không xuất khẩu. Tạo thêm một cơ hội không phải chỉ thị trường, mà chính là cho doanh nghiệp cơ hội cơ cấu lại mặt hàng, chọn lựa lại khách hàng thích hợp nội lực của mình.


Theo ông Diệp Thành Kiệt, trong những cái được khi tham gia TPP, đầu tiên nghĩ tới là sẽ có môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thể hiện qua thiện chí các bên đàm phán. Cái khó lớn nhất là khả năng hưởng được những lợi thế từ TPP, tránh không phải là người thụ hưởng thực sự. Trong ngành da giày hiện có trên 20% doanh nghiệp lớn, nhưng trong đó doanh nghiệp lớn của Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, còn lại FDI, số doanh nhgiệp lớn này xuất khẩu chiếm trên 75%; còn lại trên 70% doanh nghiệp nhỏ chỉ xuất chiếm 25%. Trong dệt may, tổng số doanh nghiệp là 19.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp cần theo dõi thông tin quá trình đàm phán để hiểu được những cái lợi và không lợi. Dù có TPP hay không, cái chính vẫn là sức khỏe của doanh nghiệp, nếu không khỏe thì cho dù Chính phủ có đàm phán nhiều hiệp định mà doanh nghiệp không có đủ sức làm thì không có tác dụng gì.


Tháo nút thắt đầu nguồn


Tham gia TPP, lo lắng rào cản lớn đối với hàng dệt may là quy tắc xuất xứ như qui định về nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm may mặc phải đáp ứng yêu cầu từ sợi (yarn forward) hoặc nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm vải dệt kim phải đáp ứng yêu cầu từ xơ (fiber forward) ... Theo hiệp định giữa Hoa Kỳ và Chilê thì hàm lương khu vực trong sản phẩm giày dép là 55%. Điều này làm các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại phía Mỹ sẽ đặt ra yêu cầu này với Việt Nam. Hiệp hội Da giày Việt Nam đã đề nghị tính xuất xứ tập trung vào qui định về chuyển đổi mã số hàng hóa dựa trên việc phân loại hàng hóa (HS) theo tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và bảng phân loại HS này được áp dụng trên toàn thế giới.


Tâm tư kéo dài suốt bao nhiêu năm của doanh nghiệp dệt may, da giày là làm thế nào để phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước. Giờ trong đàm phán TPP, vấn đề này càng được đặt ra bức xúc hơn để hưởng lợi từ TPP trong vài năm tới.


Ông Kiệt cho biết thông tin của hội Bông sợi Việt Nam, tất cả nông trại Việt Nam chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu bông mỗi năm, 99% phải nhập. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy sợi nhưng hầu hết là nhập máy móc, nhập nguyên liệu về làm sợi.


Cách tính tỷ lệ nội địa hóa khi thống kê trong ngành da giày có điều đáng suy nghĩ như năm rồi xuất khẩu 8,7 tỉ USD thì nhập khẩu chỉ 40%, xem như 60% nguyên liệu chủ động trên số liệu. Nhưng thực tế vô chi tiết thì thấy các công ty lớn nước ngoài, bên cạnh nhà máy làm thành phẩm họ cũng đầu tư luôn những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu chỉ cung cấp riêng cho họ. Trong tương lai tỷ lệ nội địa hóa theo báo cáo sẽ cũng cao và có thể cao hơn nhưng hầu như cũng từ những công ty nước ngoài đầu tư khép kín như trên, còn doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay. Còn hiện nay để xây dựng một nhà máy sợi rất kỳ công, nhưng không phải không làm được. Vấn đề khó là doanh nghiệp đi đến các địa phương xin đầu tư dệt, nhuộm, thuộc da hầu như bị từ chối, hoặc trả lời chấp thuận nếu cam kết nước thải loại A (nước uống được), trong khi tiêu chuẩn nước thải của lĩnh vực này ở các nước là loại B (nước nuôi cá được). Có doanh nghiệp nước ngoài đã được duyệt dự án đầu tư, đến khi cần sử dụng nguồn nước thì được đề nghị tự khai thác lấy mà chưa biết nguồn nước ở đó có đạt không.


Các doanh nghiệp cho rằng nên chăng không nên gọi đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu là “công nghiệp phụ trợ” vì đó là ngành công nghiệp chính, công nghiệp thượng nguồn đối với sản xuất. Chính cách nghĩ là “phụ trợ” nên hời hợt trong suốt thời gian dài.


Có thể xây dựng được nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày trong nước vài năm tới không, có ý kiến cho rằng hiện đã quá muộn, nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh việc này có thành công hay không là nằm ở sự quyết tâm, quyết đoán của Chính phủ. Ông Lê Quang Hùng khẳng định ngành dệt may xuất khẩu không thể tách khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, càng chủ động bao nhiêu càng đứng vững. Chính phủ có nên để các địa phương tự quyết định không hay đã đến lúc Thủ tướng phải quyết định và chỉ đạo các địa phương thực hiện. Việc xử lý nước thải, từng doanh nghiệp đầu tư thì chi phí cao, nhưng nếu nhiều doanh nghiệp xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn ở mức B, các khu công nghiệp ở địa phương lo xử lý đến mức nước thải tiêu chuẩn A thì chi phí thấp hơn.


Nguyệt Hồng






TP.HCM: Ngày 30.8, xử phúc thẩm vụ người dân kiện lôcốt

TP.HCM: Ngày 30.8, xử phúc thẩm vụ người dân kiện lôcốt

TP.HCM: Ngày 30.8, xử phúc thẩm vụ người dân kiện lôcốt


SGTT.VN - Theo quyết định mới nhất của tòa án Nhân dân tối cao (tòa phúc thẩn tại TP.HCM), ngày 30.8 tới đây, đơn vị này sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Văn Lang (ngụ 217/9/20 Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) - người được xem là đầu tiên ở TP.HCM khởi kiện “lôcốt” đòi bòi thường, vì gây thiệt hại đến nhà cửa và việc kinh doanh của gia đình.


Theo đó, trong lần xử phúc thầm này bị đơn vẫn sẽ là sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng với các đơn vị liên quan là hai nhà thầu Trung Quốc TMEC và CHEC.3.


Liên quan đến vụ việc này, trước đó tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 26.12, TAND TP HCM đã chấp nhận một phần yêu cầu của ông Nguyễn Văn Lang, ghi nhận sự tự nguyện của sở Giao thông vận tải, buộc sở này phải bồi thường cho nguyên đơn 50 triệu đồng là chi phí sửa chữa nhà do việc đào lôcốt làm hư hỏng.


Tuy nhiên, ông Lang đã kháng cáo vì cho rằng, gia đình ông mất thu nhập suốt 42 tháng (kinh doanh quán ăn – PV), yêu cầu bồi thường thì toà nại lý do chủ quán để xe trên lề đường là vi phạm pháp luật. Theo ông Lang, bản án sơ thẩm viện dẫn rằng khoảng cách từ hàng rào lôcốt đào đường đến cửa quán của gia đình ông vẫn còn rộng tới 5m, không ảnh hưởng đến kinh doanh là chưa đúng. Thực tế khoảng cách này chỉ là 3m, ở chính giữa lại có một gốc cây to nên chỉ còn lối đi rộng khoảng 1,1m. Lối đi này, chỉ đủ cho một xe gắn máy đi qua đã gây khó khăn cho người lưu thông qua lại mà toà lại xác định việc dựng “lôcốt” không ảnh hưởng tới việc kinh doanh quán ăn của gia đình ông là không đúng. Chuyện này hàng xóm của ông sẵn sàng làm chứng.


Với những lý lẽ trên nên ông Lang đã quyết định kháng cáo.


Đào Lê






Bài 3: “Sản phẩm cần gắn kết yếu tố văn hoá”

Bài 3: “Sản phẩm cần gắn kết yếu tố văn hoá”

Du lịch đường sông – tài nguyên theo con nước


Bài 3: “Sản phẩm cần gắn kết yếu tố văn hoá”



SGTT.VN - Sau hai kỳ cung cấp đến độc giả bức tranh du lịch đường sông Sài Gòn còn nhiều ngổn ngang chưa tương xứng với giá trị tài nguyên mang lại, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông Võ Xuân Nam, phó trưởng phòng lữ hành, sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM về câu chuyện quản lý và hướng giải pháp.










Sông Sài Gòn là tài nguyên vô giá cho khai thác du lịch nhưng đang bị bỏ phí. Ảnh: N.T












Ông Nam nói: Từ trước đến nay các doanh nghiệp du lịch TP.HCM thường tổ chức tour cho người Sài Gòn đi các tỉnh khác. Người nước ngoài cũng coi Sài Gòn là điểm trung chuyển để đi đến các tỉnh. TP.HCM là một đô thị nên phần tài nguyên thiên nhiên còn lại không thể so sánh bằng các tỉnh khác. Nhưng tại sao cái phần còn lại đó cũng chưa phát huy giá trị? Ví dụ như sông Sài Gòn và các chi của nó từ lâu đã là những luồng lạch chính để các tàu biển vào các cảng nội đô. Nhưng không rõ vì lý do lịch sử thế nào, trước tới nay đường sông chỉ tập trung vận chuyển hàng hoá. Thêm vào đó, việc vận chuyển trên sông khó cạnh tranh với đường bộ, nên ít được các doanh nghiệp du lịch chú trọng khai thác. Thậm chí, nếu khai thác, họ cũng không biết nên chú trọng vào điều gì trên dòng sông này. Cần Giờ rộng 34.000ha, nhưng chỉ rừng đước bạt ngàn. Tài nguyên tự nhiên lớn nhưng rừng tái sinh, khu dự trữ sinh quyển, khi vào chỉ có tham quan không mua sắm được gì, nên doanh nghiệp cũng khó “móc túi” được khách tham quan, từ đó họ cũng không hứng thú với tour sông.


Ông nghĩ gì về sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển du lịch đường sông với việc giới thiệu hình ảnh đời sống, văn hoá Sài Gòn?


Đặt ra vấn đề văn hoá thực sự cần thiết lúc này. Nó là mục tiêu mà từ góc độ trách nhiệm quản lý, chúng tôi cần đạt tới, coi đây là giải pháp để tạo ra chuyển biến trong phát triển sản phẩm du lịch đường sông.


Thưa ông, mọi thứ xuất phát từ nhu cầu. Bản thân nhu cầu du lịch đường sông nội địa cũng chưa cao...?


Như báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phản ánh (trong hai kỳ trước – NV), và chúng ta đã có câu trả lời. Theo tôi, một trong những nhược điểm của du lịch đường sông Sài Gòn là thời gian đi lại. Những tour tầm trung (Sài Gòn – Cần Giờ hay Củ Chi) đi đường thuỷ ba tiếng, lại vướng cầu, nên chỉ có cách dùng đến canô, mà canô thì chở được ít người, không tổ chức được dịch vụ nhà hàng trong khi di chuyển; chỉ đơn thuần như một phương tiện vận chuyển công cộng, nhưng ngặt nỗi chi phí xăng nhớt lớn, giá vé cao. Hiện nay, những đơn vị bắt đầu kinh doanh bằng canô phải chấp nhận bù lỗ ở giai đoạn đầu, đợi khi lượng khách tăng lên thì mới quân bình và bù lỗ, bằng không, sẽ khó cạnh tranh được với các phương tiện khác. Giá tour cao, tốn thời gian di chuyển – đó là những điểm yếu “chết người” của sản phẩm này. Ngoài ra, các điểm đến không mới mẻ với khách nội, lại ít dịch vụ tiêu xài, giải trí.


Nếu đẩy mạnh yếu tố văn hoá trong tour du lịch đường sông Sài Gòn, tôi nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề trên. Du lịch đường sông không cách nào khác phải bám vào yếu tố văn hoá, tự nhiên, môi trường.


Nhưng trên thực tế, có những chướng ngại của phát triển du lịch đường sông Sài Gòn lại thuộc thẩm quyền xử lý của các ngành khác, ngoài tầm tay ngành du lịch và doanh nghiệp?


Những vấn đề đó thuộc trách nhiệm Nhà nước, doanh nghiệp không thể xử lý được. Chúng tôi đặt vấn đề này và cách giải bài toán chỉ có thể là một chủ trương phối hợp. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP.HCM xây dựng chiến lược cụ thể và chỉ ra rằng, nếu không giải quyết hết các bất cập thì mọi hô hào chỉ đạo phát triển du lịch đường sông chỉ mang tính phong trào nhất thời, không giải quyết được gì. Trong bản dự thảo đó, thì hai vấn đề cần giải quyết mang tính nền tảng là cơ sở hạ tầng và môi trường. UBND thành phố đã thông qua kế hoạch xây dựng 12 cầu tàu du lịch từ nay đến 2015 và tiếp tục nghiên cứu giải pháp môi trường.


Và thành phố sẽ đầu tư 11.000 tỉ đồng cho du lịch đường sông?


Đó chỉ là ước lượng, dự toán của sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM, là đơn vị chấp bút viết và trình Dự thảo chiến lược phát triển du lịch đường sông 2013 – 2015. Nhưng vốn đầu tư từ ngân sách chỉ là một phần nhỏ, như con giun móc vào lưỡi câu, khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại 10.000 tỉ là từ nguồn vốn xã hội hoá.


Dự toán kinh phí ấy đặt ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn này liệu có ổn không?


Trước hết chúng tôi cũng khuyến khích và thuyết phục các doanh nghiệp kềm giá cho khách và tiếp thị tốt sản phẩm và đã có hiệu quả ban đầu. Một khi sản phẩm khai thác có hiệu quả, thì người ta sẵn sàng tham gia đầu tư. Bắt đầu từ số 0 thì sẽ chỉ có đi lên chứ đâu thể đi xuống được nữa!


Nguyễn Nguyên Thảo (thực hiện)


















TS Nguyễn Thị Hậu (phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):


Phát triển du lịch đường sông Sài Gòn, cần chú trọng yếu tố địa văn hoá. Sông ngòi, kênh rạch nội đô đóng vai trò lưu thông, giao thương quan trọng trong lịch sử, gắn bó với đời sống văn hoá của người dân. Ngoài ra, cố gắng giữ lại những không gian kiến trúc Sài Gòn xưa: nhà cổ dọc bến Bình Đông, khu chợ Lớn, những cây cầu cổ, các bến tàu, di tích lò gốm, chuyển chức năng để giữ các nhà kho... và gắn kết chúng với sản phẩm du lịch. Sông Sài Gòn cũng có đặc điểm là ngày hai con nước. Nếu khai thác được tất cả các tài nguyên văn hoá vật thể và phi vật thể sẽ rất hay. Nên chăng phục dựng lại khu chợ nổi ở những ngã ba sông, tái hiện đời sống văn hoá Sài Gòn xưa trên bến dưới thuyền? Trên tất cả, cần đặt trọng tâm văn hoá lên trên mục tiêu kinh tế trước mắt nhất thời. Và cần nhất là sự phối hợp đồng bộ, trong đó ai đóng vai trò chính quyết định để có giải pháp cụ thể.











Ông Trần Thế Dũng (phó giám đốc công ty Thế Hệ Trẻ)


Tour đường sông Sài Gòn, ngoài đích đến chính, còn cần kết hợp với dịch vụ các tỉnh lân cận để khai thác tốt hơn những điểm đến phụ mang tính hỗ trợ ven bờ (ví dụ như qua Bình Dương thì có vườn trái cây, bến gốm Lái Thiêu, dinh Đốc phủ sứ... còn qua Đồng Nai thì phải ghé làng bưởi Tân Triều, Cù Lao Phố...) Có như vậy mới đa dạng sắc thái, hấp dẫn du khách.


Ông Hoàng Cẩm Giang (phụ trách mảng tour đường sông Sài Gòn, Saigontourist)











Theo tôi, hướng phát triển hay nhất là tour nội đô Bạch Đằng – Chợ Lớn. Chỉ cần tái hiện được chợ nổi trên bến Bình Đông sẽ thu hút được khách không chỉ nước ngoài mà cả khách Việt. Hiện nay thành phố đã có chủ trương và giao cho Saigontourist thực hiện. Chúng tôi đang có các bước đẩy mạnh quảng bá tour sông Sài Gòn trên toàn hệ thống chi nhánh của mình trong cả nước. Chúng tôi cần một lộ trình ít nhất đến cuối năm để đúc rút vấn đề một cách toàn diện và trình lên Nhà nước để đề xuất hướng đầu tư phát triển tiếp tục.


Nguyễn Vinh (ghi)







Minh chứng phiếu tín nhiệm thấp

Minh chứng phiếu tín nhiệm thấp

Minh chứng phiếu tín nhiệm thấp


SGTT.VN - Hai tháng sau khi Quốc hội tổ chức việc bỏ phiếu tín nhiệm, thử xem các bộ trưởng bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất đã nhìn lại mình như thế nào, hành động ra sao, liệu có cải thiện được phần nào hình ảnh trong cái nhìn của công chúng. Nằm trong số đó, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gần như thất bại trong nỗ lực cần phải có này, hoặc giả đã không có một nỗ lực nào cả.


Tạm lấy mốc từ vụ ba trẻ sơ sinh ở Hướng Hoá, Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắcxin. Bà bộ trưởng nói không thể đến thăm, chỉ vì lý do to hơn mục đích là vé máy bay đã đặt trước khi bà còn thăm thú Quảng Trị. Đáng nói hơn, điều tra nguyên nhân sự việc và xử lý nó là chuyện thuộc về chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm trước tiên của ngành y tế, thì bà lại chuyền quả bóng chức phận này cho cơ quan cảnh sát điều tra.


Mới đây khi để xảy ra việc nhân bản vô tính các kết quả xét nghiệm, VietNamNet trích dẫn lời bà bộ trưởng trong ngày 20.8: “Quy định có rồi, ai sai người đó chịu”. Bà còn nhấn mạnh: “Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là của bộ Y tế, xử lý sai phạm là trách nhiệm của địa phương”. Té ra bộ Y tế chỉ mỗi một việc ban hành văn bản, còn các sai phạm đưa về cho các địa phương một cách nhàn nhã. Có lẽ, bộ trưởng cần xem lại quy định chức năng nhiệm vụ, quy chế hoạt động của bộ Y tế để biết rõ trách nhiệm ở đâu, không thể nói kiểu vô can như thế được. Phát ngôn đó càng khiến dư luận nghĩ thái độ vô cảm từ người đứng đầu ngành y là có thật, sự tụt dốc không phanh về y đức từ đầu tàu ngành y cũng là có thật.


Bằng chứng không chỉ từ những phát biểu mà nó còn thể hiện ở việc làm. Cụ thể là tuần qua, báo chí phát hiện một vụ việc khác gây bức xúc từ ngành y. Trong khi công an và viện kiểm sát quận Đống Đa (Hà Nội) khởi tố, điều tra vụ án tham nhũng ở bệnh viện Nội tiết Trung ương thì ngày 14.6.2013, thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có công văn 3486/BYT-TTrB gửi công an quận Đống Đa với nội dung: “... Bộ Y tế đã kiểm tra, nhận thấy các cán bộ vi phạm đều là cán bộ y tế, trong đó có những đồng chí đã có đóng góp nhất định cho ngành y tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Sai phạm của một số cán bộ thuộc bệnh viện Nội tiết Trung ương là lần đầu, có phần do chủ quan, không nhận thức được các quy định của pháp luật nên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện cũng như của ngành y tế… Bộ Y tế đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra – công an quận Đống Đa giao lại vụ việc trên để bộ Y tế kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm, thu hồi lại vật chất do các cá nhân gây ra…” (Tiền Phong ngày 20.8). Bộ Y tế ra văn bản “nói hộ” công khai cho cấp dưới. Việc đáng ra của ngành công an thì can thiệp, trong khi việc của mình thì... chuyển cơ quan cảnh sát điều tra!


Những vụ việc nêu trên đã phần nào cho thấy những lá phiếu tín nhiệm thấp dành cho bộ trưởng bộ Y tế là có lý do của nó. Vấn đề là, qua thời gian thử thách, như trong hai tháng qua, những lá phiếu ấy và những lá phiếu tiếp theo sẽ tác động lên chiếc ghế bà bộ trưởng đang ngồi như thế nào.


Quốc Nam






Bán hàng bằng đèn pin ở hội chợ

Bán hàng bằng đèn pin ở hội chợ

Bán hàng bằng đèn pin ở hội chợ


SGTT.VN - Ngay trong buổi sáng khai mạc (22.8) hội chợ Giống cây trồng vật nuôi, vật tư nông nghiệp và thương mại phía Bắc do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội, hàng chục gian hàng tại hội chợ tối om, không có điện, khiến cho nhân viên bán hàng phải bật đèn pin từ chiếc điện thoại để thắp sáng gian hàng, cho khách tham quan và mua sắm sản phẩm.


Hội chợ diễn ra với 150 gian hàng trưng bày các mặt hàng nông lâm thuỷ sản, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp… Tuy nhiên, chỉ có một số ít trong số 150 gian hàng này được bố trí ngoài sân, hoặc nằm sát sảnh của trung tâm Xúc tiến thương mại (ở tầng 1) mới hưởng được ánh sáng tự nhiên, phần lớn các gian hàng còn lại do nằm sâu bên trong hội chợ, nên lâm vào cảnh tối om, người mua hàng đã phải “trao đổi” với người bán hàng dưới ánh đèn pin điện thoại, nhân viên bán hàng phải dùng quạt nan phe phẩy cho cả người bán và người mua đỡ nóng. Nhân viên phụ trách truyền thông của hội chợ thừa nhận đã nhận được thông báo cắt điện của ngành điện lực Hà Nội từ hôm trước, và dù có chuẩn bị máy nổ, song theo ghi nhận của phóng viên, tại hầu hết các gian hàng trong nhà, máy nổ không hoạt động.


Chí Hiếu






Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa có chủ đầu tư mới

Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa có chủ đầu tư mới

Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa có chủ đầu tư mới


SGTT.VN - Tại cuộc họp mới đây của UBND TP.HCM về việc chỉ đạo chủ đầu tư xúc tiến dự án khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh), chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết UBND TP.HCM đã được Chính phủ chấp thuận việc chỉ định công ty TNHH tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư đối với dự án khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa.


Ước tính, tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 3 tỉ USD. Hiện UBND TP.HCM đã giao chủ đầu tư lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 1/2000, đồng thời thành phố sẽ thành lập tổ công tác để hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch; thành phố giao sở Tài chính phối hợp với UBND quận Bình Thạnh lập và thẩm định hồ sơ đền bù. Được biết, so với quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, chủ đầu tư đề xuất quy hoạch chỉnh sửa có bổ sung chức năng về khoa học, dành khoảng 10ha xây dựng trung tâm tri thức, công nghệ mới nhằm tạo sự đa dạng về hoạt động đô thị; đề xuất tăng dân số thường trú từ 30.000 người lên 41.000 – 50.000 người. Chủ đầu tư cũng trình sở Quy hoạch và kiến trúc ba phương án thiết kế đô thị do hai công ty của Mỹ và công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) thực hiện.


Vũ Nguyên






Tạo mọi điều kiện cho người dân hợp thức hoá

Tạo mọi điều kiện cho người dân hợp thức hoá

Xử lý nhà xây trên đất nông nghiệp ở ấp Doi


Tạo mọi điều kiện cho người dân hợp thức hoá


SGTT.VN - Dù số lượng nhà phải cưỡng chế tháo dỡ xấp xỉ 200 căn, không thua ở Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) bao nhiêu. Nhưng diễn biến vụ việc ở ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp) không lùm xùm và inh ỏi như Bình Chánh. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được trong những ngày đoàn cưỡng chế quận Gò Vấp tiến hành công việc vừa qua. Ngoài việc đa phần các hộ dân đều tự nguyện tháo dỡ, chính quyền Gò Vấp còn đề ra nhiều giải pháp để hạn chế tối đa việc phải cưỡng chế, cũng như tạo điều kiện không nhỏ cho các hộ dân xây nhà không phép trên đất nông nghiệp được hợp thức hoá.










Ấp Doi sẽ được chuyển đổi thành khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ. Ảnh: Thanh Hảo



“Không phải nhà nào xây không phép cũng bị cưỡng chế”


Theo không ít người dân ở ấp Doi, số nhà xây không phép ở ấp Doi không phải dừng lại ở con số khoảng 200 căn mà còn nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải nhà nào xây không phép cũng bị cưỡng chế. Theo đó, có không ít căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp đang được chính quyền nơi đây xem xét để tạo điều kiện hợp thức hoá.


Ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp chia sẻ, đối với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, căn cứ khoản 2 điều 3 của quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 28.6.2013 của UBND TP.HCM về Quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, mà hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng và sử dụng ổn định nhà ở trước ngày 1.7.2006 (kể cả các trường hợp tự khai thác, lấn chiếm đất nhà nước mà Nhà nước không quản lý, sử dụng), không có tranh chấp, khiếu nại; không phù hợp quy hoạch. Nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại nhà ở thì đã được chính quyền giải quyết rõ ràng.


Cụ thể, đối với trường hợp nhà ở đã tồn tại trước khi có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (hay quy hoạch phân khu) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố; nhưng qua rà soát, điều chỉnh vẫn không phù hợp quy hoạch là đất ở thì cũng được xét cấp giấy phép xây dựng tạm. Trường hợp nhà ở được xây dựng sau ngày quy hoạch được phê duyệt và công bố thì chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi quy mô căn nhà hiện hữu.


Đặc biệt, theo UBND quận Gò Vấp dù qui hoạch chi tiết ấp Doi chưa có, nhưng để đảm bảo quyền lợi người dân, chính quyền Gò Vấp đã thông báo cụ thể với những hộ dân đủ điều kiện sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo hiện trạng sử dụng. Do đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận với mục đích sử dụng là đất ở thì người dân ở đây sẽ không còn chịu cảnh quy hoạch treo, mà có thể lập bản vẽ và đề nghị cấp phép xây dựng.


15.000 dân được “trụ” lại ấp Doi


Theo UBND quận Gò Vấp, như quy hoạch cũ thì toàn bộ phần diện tích của ấp Doi (gần 50ha) được quy hoạch làm công viên cây xanh. Tuy nhiên như những gì đã diễn ra ở trên, thành phố đã quyết định xoá quy hoạch trên và biến nơi đây thành khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ và giao cho quận Gò Vấp lập quy hoạch chi tiết 1/500. “Hiện Gò Vấp đang cùng với đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Dự kiến trong tháng 9 tới sẽ tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; và trong tháng 10.2013 sẽ trình sở Quy hoạch – kiến trúc và UBND thành phố thẩm định, phê duyệt”, ông Tuấn cho hay.


Theo như quy hoạch chi tiết mà Gò Vấp đang thực hiện thì ấp Doi có tổng dân số dự kiến 15.000 người; mật độ xây dựng chung khoảng 15 – 25%; tầng cao xây dựng tối đa 14 tầng; hệ số sử dụng đất 1,5 – 2,5; chỉ tiêu sử dụng đất đơn vị ở 20 – 25 m2/người.


Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tuấn còn chia sẻ thêm, sau khi nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được phê duyệt, UBND quận Gò Vấp sẽ lập tức kêu gọi đầu tư. Theo đó, với những định hướng cụ thể của đồ án quy hoạch chi tiết, đảm bảo khu dân cư được đầu tư xây dựng đồng bộ trên cơ sở các điều kiện kinh tế xã hội tại khu vực, giúp hình thành khu dân cư phù hợ p với nhu cầu ngày càng cao, cũng như giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.


Cụ thể, đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư ấp Doi được hình thành và phê duyệt với cơ cấu phân khu chức năng phù hợp là cơ sở và động lực thu hút đầu tư vào khu vực; trong đó có các công trình sử dụng hỗn hợp và không gian ở hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng cơ sở hạ tầng cho đa số các thành phần kinh tế của khu vực nói riêng và toàn thành phố nói chung, đây sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của khu vực.


Đoàn Quý – Đào Lê






Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”


SGTT.VN - Ngày 22.8, tại dinh Thống Nhất, bộ Thông tin và truyền thông và UBND TP.HCM tổ chức triễn lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”. Triển lãm giới thiệu gần 200 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm tập hợp từ các nguồn đã được công bố. Đặc biệt, trưng bày nhiều tư liệu quý như: 19 châu bản triều Nguyễn; 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, các nước phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ 16 đến nay. Ngoài ra, còn có cụm tài liệu quan trọng là bốn cuốn atlat (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919…


Đoàn Quý






Kaspersky công bố hai phần mềm diệt virút mới

Kaspersky công bố hai phần mềm diệt virút mới

Kaspersky công bố hai phần mềm diệt virút mới


SGTT.VN - Đó là hai phần mềm diệt virút mới cho hệ điều hành Android (điện thoại di động và máy tính bảng) và hệ điều hành MAC của Apple. Theo thống kê từ Kaspersky Lab, trong năm 2012, 99% các mối đe doạ của tin tặc nhắm vào thiết bị di động chạy hệ điều hành Android.


Đồng thời, các sản phẩm hệ điều hành MAC đã không còn an toàn như Apple và người tiêu dùng vẫn nghĩ. Hai phần mềm trên có khả năng bảo vệ thiết bị theo thời gian thực, bảo vệ nhận dạng, phát hiện và ngăn chặn các wesite có các chương trình độc hại lan truyền, virút tấn công để đánh cắp dữ liệu có trong thiết bị. Để người dùng làm quen với phần mềm diệt virút cho hệ điều hành Android, Kaspersky dành tặng 100.000 phần mềm với thời gian sử dụng là sáu tháng (tải về tại địa chỉ http://kaspersky.proguide.vn/kis-for-android/. Phần mềm dành cho Android giá 200.000đồng/năm, còn phần mềm hệ điều hành MAC là 390.000đồng/năm.


Gia Vinh






Giúp trẻ bớt lo âu ngày đầu đi học

Giúp trẻ bớt lo âu ngày đầu đi học

Sống khoa học


Giúp trẻ bớt lo âu ngày đầu đi học


SGTT.VN - Năm học mới đã bắt đầu. Một trong những trở ngại có thể gặp ở trẻ trong những ngày đầu đến trường là tâm lý lo sợ khi cha mẹ không ở kề bên. Nếu sự sợ hãi này trở nên trầm trọng, trẻ dễ bị mắc chứng rối loạn lo âu, đi kèm là trầm cảm, rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD), rối loạn học tập...










Với đa số trẻ, đi học lớp 1 chính là một sự khám phá đầy thú vị, nhưng cũng có trẻ chưa thể hoà nhập ngay với môi trường mới. Ảnh: Thanh Hảo



Vì đâu trẻ sợ đi học?


Trẻ nhỏ còn lệ thuộc vào mẹ nên có nhiều lo sợ trong giai đoạn phát triển như: sợ mất mẹ, sợ bị tổn thương cơ thể, sợ tội lỗi, sợ bị phạt... Thường trẻ không chấp nhận xa cha mẹ để đi sang môi trường mới, nhất là khi trẻ đã được nhận tình thương, giáo dục khi còn ở nhà cũng như lúc ở trường mầm non. Nếu môi trường trở thành mối đe doạ, trẻ sẽ truyền cảm xúc giận dữ về phía cha mẹ. Khi đó cha mẹ nghĩ rằng trẻ không còn ngoan, gây ra sự rạn nứt trong quan hệ cha mẹ – con cái. Có thể trẻ biểu hiện giận dữ bằng những phản ứng tiêu cực như khóc lóc, la hét, ăn vạ.


Ở tuổi này, những biểu hiện tâm lý như trên là bình thường, nhưng nếu diễn ra liên tục trong thời gian dài thì có thể là dấu hiệu của bệnh lo âu tuổi nhỏ hoặc chính là sự mong muốn thoả mãn cái tôi, đòi hỏi cha mẹ chiều chuộng, đáp ứng. Nếu không được đáp ứng đúng cách, có khả năng trẻ sẽ gia tăng những phản ứng tiêu cực. Ngoài ra, áp lực từ phía cha mẹ muốn con học trước chương trình để con được chọn vào trường lớp tốt; muốn con học chữ, học ngoại ngữ, học tính toán để giỏi hơn trẻ khác... khiến trẻ khó thích nghi hoặc lo sợ không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ.


Các lo sợ kể trên nếu ở mức độ nhẹ, trẻ sẽ dần thích nghi. Nhưng nếu ở mức độ nặng, gây rối loạn sự thích ứng của trẻ với gia đình, bạn bè, trường học thì trẻ cần được cho đi khám và điều trị.


Biểu hiện trẻ bị rối loạn lo âu


Rối loạn lo âu là một nhóm triệu chứng liên quan đến nhiều trạng thái khác nhau, vì vậy biểu hiện lâm sàng có thể rất khác nhau. Những biểu hiện thường gặp ở trẻ:


Lo lắng quá mức, không tập trung chú ý, sợ xa cách cha mẹ, gia đình, môi trường thân thuộc, sợ người thân đi không về...


Trẻ không chịu đi học, chỉ muốn ở nhà với người có quan hệ gắn bó, níu bám cha mẹ.


Rối loạn giấc ngủ: đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi đã ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng... Trẻ có vẻ buồn, hay kêu khóc, có biểu hiện ức chế đến mực câm nín.


Tránh né giao tiếp, xuất hiện dưới dạng e thẹn quá mức, khó chịu khi có sự hiện diện của người lạ, từ chối chơi nhóm...


Xuất hiện các triệu chứng cơ thể: run tay chân, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tăng nhịp tim, đỏ mặt, hoảng loạn, có lúc trẻ cảm thấy như bị ngất, mất khả năng kiểm soát ruột – dạ dày. Hậu quả là trẻ thiếu các kỹ năng thực hành xã hội, nhút nhát, dẫn đến việc trẻ bị từ chối trong các mối quan hệ bạn bè.


Khi trẻ có những biểu hiện lo âu, cha mẹ phải phát hiện sớm và coi đó là một rối loạn. Nhiều cha mẹ cứ nghĩ đó chỉ là một dạng lo âu bình thường, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Việc điều trị cho trẻ bị rối loạn lo âu cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý. Việc điều trị bằng các liệu pháp tâm lý như: nhóm, gia đình; liệu pháp hành vi cho thấy có tác dụng rõ rệt. Thêm vào đó trẻ cũng cần được điều trị bằng thuốc khi có các triệu chứng hoảng sợ, ám ảnh và lo âu chia ly. Phụ huynh có thể cùng tham gia trong quá trình điều trị. Tuỳ từng trường hợp trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu, sợ hãi, phụ huynh có thể đưa ra tình huống và cùng trẻ tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn nếu trẻ sợ bóng tối, phụ huynh có thể để đèn ngủ trong phòng khi trẻ ngủ hoặc nhắc trẻ mở đèn khi cần.


Phòng ngừa cách nào?


Phụ huynh nên xây dựng thói quen cho trẻ tự thực hiện một số công việc trong nhà phù hợp với trẻ và một số kỹ năng tự phục vụ. Phụ huynh cần tổ chức nhiều trò chơi rồi quan sát. Nếu thấy trẻ cáu gắt thì cần hướng dẫn trẻ cách xử lý từng trường hợp cụ thể, tập thay thế dần hành vi nhiều lần. Đây chính là áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức trong các phương pháp trị liệu cá nhân.


Phụ huynh cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, gia tăng hành vi quyết đoán, khen ngợi những điểm tích cực ở trẻ. Bày tỏ sự tôn trọng, yêu thương ngay cả khi trẻ thất bại trong tình huống giao tiếp. Tránh chỉ trích, so sánh, khiến trẻ rút lui trong những hoạt động bên ngoài.


Phụ huynh phải kiên trì, làm đi làm lại nhiều lần những việc trên thì mới hiệu quả. Khi trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý để được xử trí kịp thời.


Ths.BS Nguyễn Ngọc Quang, giám đốc trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM.


Vi Thoại (ghi)






Gắp ốc vít trong phế quản trẻ nhỏ

Gắp ốc vít trong phế quản trẻ nhỏ

Gắp ốc vít trong phế quản trẻ nhỏ


SGTT.VN - Ngày 22.8, thông tin từ khoa tai mũi họng bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca nội soi, gắp ra dị vật là một con ốc vít đầu nhọn, nhiều răng cưa trong phế quản bệnh nhi N.H.A., 18 tháng tuổi, ngụ ở Tân Bình.


Theo lời người nhà bệnh nhi, có thể bé A. đã nhặt được con ốc vít rơi trên sàn nhà và nuốt trong lúc chơi đùa một mình. Khi thấy bé A. kêu khóc, ho sặc sụa, nôn ói, tím người… người nhà liền đưa đến bệnh viện cấp cứu.


Sau điều trị, bé A. đang hồi phục tốt.


Giang Tử






Sữa tươi giao tận nhà: tiện chưa chắc lợi!

Sữa tươi giao tận nhà: tiện chưa chắc lợi!

Sữa tươi giao tận nhà: tiện chưa chắc lợi!


SGTT.VN - Từ nhu cầu đang tăng của người dân, gần đây dịch vụ sữa tươi giao tận nhà, giá rẻ đã nở rộ. Sữa tươi là thức uống bổ dưỡng, giàu vitamin, chất khoáng, mùi vị thơm ngon, nhưng những khuyến cáo về mức độ an toàn của loại sữa này từ các chuyên gia, sẽ khiến người tiêu dùng phải cân nhắc.










Tay chưa rửa, sữa vắt rồi. Ảnh: Kim Thu



Gọi là có


Trên mạng, rất dễ tìm những mẩu thông tin kiểu “Nhà ở Củ Chi, có một đàn bò sữa nho nhỏ. Nhận cung cấp sữa tươi nguyên chất 100%... Giao hàng tận nhà”, hay “Người nhà mình có trạm thu mua sữa bò tươi tại quận 12 từ các hộ chăn nuôi cung cấp cho nhà máy chế biến sữa, hơn một năm nay, cả nhà mình đều dùng... Đặc biệt, khi thu mua, trạm có thể test tại chỗ hàm lượng kháng sinh và vi sinh...” Có người còn cho biết nguồn sữa của họ vốn cung cấp cho Vinamilk, đạt chuẩn chất lượng, dinh dưỡng cao. Thậm chí có người còn chứng minh sản phẩm “cây nhà lá vườn” này đã được chính chủ thanh trùng theo phương pháp Pasteur (?) Điểm giống nhau của dịch vụ này ngoài tự giới thiệu sữa vắt trực tiếp từ bò và mang đi bán ngay, ai cũng khuyến mãi việc giao tận nơi (5 lít trở lên sẽ có phụ thu), khách hàng chỉ cần gọi điện. Giá cả mỗi lít sữa dao động từ 20.000 – 25.000 đồng, đựng trong chai Pet, can… không nhãn mác, chỉ dẫn. Những mẩu rao như vậy thường thu hút sự quan tâm của các thành viên mạng, đặc biệt trong thời điểm nhiều sản phẩm sữa nhập ngoại bị nhiễm khuẩn.


Để kiểm chứng những lời quảng cáo trên, chúng tôi liên hệ đặt vấn đề mua số lượng lớn cho cơ sở, muốn đến tận nơi nuôi bò khảo sát chuồng trại, quy trình nuôi và lấy sữa. Nhiều người cam kết sẽ dẫn đi nhưng đa số từ chối bằng hình thức sẽ gửi hình ảnh hoặc chờ sắp xếp rồi liên hệ lại… Cũng có người thừa nhận thâu mua từ một số hộ gia đình rồi về bán lại ăn chênh lệch chứ nhà không nuôi bò sữa. Đặt vấn đề vì sao không nhập sữa cho đại lý công ty lớn như Vinamilk, có người tự nhận là nhà có nuôi bò sữa ở Củ Chi, lý giải do nuôi ít, bán lẻ cho một số mối ở nội thành cũng được giá…


Ông Trần Hữu Đ., nhân viên kinh doanh lĩnh vực thực phẩm – dinh dưỡng, từ kinh nghiệm của một người từng chăn nuôi bò sữa hộ gia đình, cho biết: “Nuôi bò sữa kiểu hộ gia đình, quy mô nhỏ, khi vắt sữa họ chỉ đơn giản là lau bầu vú rồi vắt. Sữa vừa vắt sẽ được cho vào màng lược những cặn bã lông bò có thể rơi rụng vào đó, rồi đóng chai, bình đem bán. Sữa tươi này phải để lạnh, nếu quá một ngày thì sẽ hỏng”. Sữa vắt ra dùng ngay thì đúng là sữa tươi nhưng bắt chứng minh các thành phần trong đó bằng giấy tờ kiểm chứng, chắc nhiều hộ không có…


Rẻ nhưng có thể… bổ ngửa


Nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng của loại sữa này cần đặt dấu hỏi, bởi rất khó kiểm tra và đánh giá nó có nhiễm kháng sinh, có pha phụ gia hay chất bảo quản hay không. Vấn đề đáng lo nhất, là lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm sữa trôi nổi, hay người bán sữa phối trộn phụ gia để kéo dài thời gian bảo quản.


Trong hội thảo quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam do bộ Công thương tổ chức, lãnh đạo viện Công nghệ thực phẩm cũng cho biết có đến 90% số mẫu sữa tươi trôi nổi trên thị trường khi kiểm nghiệm có chứa dư lượng kháng sinh, nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Từ phía doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Tuấn, đại diện công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết Vinamilk có chế độ bao tiêu tất cả sữa tươi đạt tiêu chuẩn cho nông dân. Tuy nhiên, sẽ có hai quy trình kiểm tra nguyên liệu là từ lúc vừa giao sữa cho đại lý thu mua, và sữa đó sẽ lấy mẫu lưu, được kiểm tra một lần nữa tại nhà máy. Vinamilk kiểm tra gắt gao quy chuẩn về như thú y, có phòng riêng chuyên hướng dẫn bà con nông dân về chế độ chăn nuôi, thú y, chăm sóc vú bò, bảo quản sữa… Nếu phát hiện sữa không an toàn về độ đạm, độ béo, có pha nước… thì lô sữa đó sẽ không được thu mua.


Đại diện TH True Milk cho biết, các sản phẩm sữa tươi của công ty này được cung cấp bởi đàn bò sữa hiện đang nuôi quy mô trang trại ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Tất cả được quản lý bởi quy trình hiện đại và nghiêm ngặt từ giống bò nhập về, chế độ dinh dưỡng và thức ăn cho bò, hệ thống chuồng trại, hệ thống quản lý đàn bò, chăm sóc thú y… Mỗi con bò được gắn một con chip để nhận dạng, thu thập dữ liệu liên quan đến sức khoẻ bò, giúp phát hiện bệnh viêm vú sớm. Trong khi đó, máy đo sữa trên giàn vắt sẽ được chuyển đồng thời cùng lúc về máy tính chủ từ trung tâm, biểu đồ với những thông số về tình trạng sức khoẻ, sản lượng cho sữa của cá thể bò một cách rõ ràng và đầy đủ nhất, nếu phát hiện cá thể bò nào có vấn đề, lập tức hệ thống sẽ tự động dừng lại không vắt sữa của con bò đó.









“Muốn kết luận sữa đó có an toàn hay không thì phải có sự kiểm nghiệm, nếu không thì tội cho nông dân; và ngược lại phía người chăn nuôi, cung ứng loại sữa này phải chứng minh sản phẩm đó là an toàn”.



Từ góc độ dinh dưỡng, BS Đỗ Thị Nga, phụ trách hộp thư tư vấn dinh dưỡng công ty Nutifood, nhận định: “Muốn kết luận sữa đó có an toàn hay không thì phải có sự kiểm nghiệm, nếu không thì tội cho nông dân; và ngược lại phía người chăn nuôi, cung ứng loại sữa này phải chứng minh sản phẩm đó là an toàn”. Bà Nga cho rằng, nuôi quy mô nhỏ kiểu hộ gia đình thì không đủ điều kiện đầu tư máy móc, quy trình như các doanh nghiệp. Nếu vắt sữa, bảo quản sữa không đúng cách, dụng cụ không hợp vệ sinh thì dễ để vi khuẩn xâm nhập. Bà Nga cho biết: “Sữa bò của người dân có thể an toàn nhưng khi qua các đại lý, bị pha trộn phụ gia, sang chiết không đảm bảo thì người nuôi bò đâu có lỗi. Dù chưa thể khẳng định mọi sản phẩm sữa tươi mua trực tiếp từ nông dân đều không an toàn nhưng người tiêu dùng luôn có quyền lựa chọn. Người tiêu dùng cần tham khảo thông tin kỹ, tìm địa chỉ tin cậy, nguồn gốc rõ ràng để mua”.

Đồng quan điểm, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện 115, TP.HCM; uỷ viên hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM, cũng nhận định: “Sữa là thức uống bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi nhưng cũng là môi trường vi khuẩn phát triển mạnh nếu chế biến, bảo quản không đúng cách. Bất cứ sản phẩm nào không nhãn mác, dù đặt trong cửa hàng đều không đáng tin cậy và không nên mua, chứ không riêng gì sữa bởi lỡ sử dụng xảy ra việc gì rất khó truy nguồn gốc. Tác dụng của sữa tươi rất nhanh và dễ nhận biết, đang uống quen một hãng sữa nối đổi qua hãng khác dùng đột ngột dễ xảy ra rối loạn tiêu hoá. Sữa tươi là sản phẩm nhạy với môi trường, việc bảo quản đúng cách hết sức quan trọng. Ngay cả những sản phẩm sữa uy tín nhiều khi cũng gặp sự cố ở khâu bảo quản, vì vậy những sản phẩm không nhãn mác, dù giá rẻ dứt khoát tôi không dùng”.


Trọng Văn






Không có chuyện sán dây trong mì gói

Không có chuyện sán dây trong mì gói

Không có chuyện sán dây trong mì gói


SGTT.VN - Ngày 22.8, thông tin từ cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của các cơ quan chức năng về kết quả kiểm tra, xét nghiệm mẫu mì gói được một người dân ở Hà Tĩnh phản ánh “có sinh vật lạ”.


Theo đó, viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết luận không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Còn mẫu “sinh vật lạ” do người dân cung cấp được viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương xác định là đốt sán dây. Theo cục, mì gói là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100oC) nên sán dây không thể sống được. Do đó, cục khẳng định sán dây trong tô mì gói mà người dân phản ánh đã được xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng. Để phòng ngừa, cục khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh môi trường; thực hiện ăn chín, uống chín; dụng cụ đựng thức ăn sạch sẽ, ngồi ăn uống trên bàn cao cách xa nền nhà...


Lê Hương






Đoá lan hiếu hạnh

Đoá lan hiếu hạnh

Sức mạnh tình thân


Đoá lan hiếu hạnh


SGTT.VN - Ở trường, em là học sinh chăm ngoan, hiếu học. Ở nhà, em phải thay mẹ chăm sóc người chị bị bệnh tâm thần. Khó khăn trăm bề, nhưng Nguyễn Thị Bé Lan, học sinh lớp 12 trường THPT Sương Nguyệt Anh (xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, Bến Tre) vẫn đeo đuổi ước mơ trở thành điều dưỡng.










Bé Lan (phải) bên mẹ và chị.



Cuộc sống gia đình đang thiếu thốn đủ bề thì cha Lan bỏ đi với người phụ nữ khác. Nỗi đau bao trùm lấy người mẹ trẻ – chị Trần Thị Hảo, khi phải nuôi hai đứa con nhỏ mà trong nhà lại không còn một đồng. Hoạ vô đơn chí: ít lâu sau khi người cha vô tâm bỏ đi thì người chị lớn của Lan mắc phải chứng bệnh tâm thần, nhiều lúc lên cơn động kinh bất tỉnh. Mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai mỏng manh của mẹ Lan. Hàng ngày, chị Hảo phải đi hốt trấu kiếm 15.000 đồng, số tiền chỉ đủ một ngày ăn. Những lúc không có trấu, chị phải đi quơ từng cây củi lức, tàu dừa, bần, đước… về bán, nhưng giá bán rẻ bèo chỉ vài mươi ngàn đồng nếu có người thương tình mua giúp. “Lúc trước tui ra chợ xin quét chợ cho người ta, xin vài trái cây, đồ vụn đem về ăn nữa. Nhưng từ khi đứa con gái lớn bị người ta dụ dỗ hãm hiếp khi tui đang quét chợ thì tui không làm nữa”, nhắc lại câu chuyện đó, chị bật khóc tự trách bản thân. Mới 54 tuổi, tóc chị Hảo đã nhiều sợi bạc.


Mặc dù không được đầy đủ cha mẹ như các bạn, Lan luôn siêng năng học tập, cần cù chịu khó. “Năm em vào lớp 1, không có tiền mua tập sách, mẹ phải vay mượn người khác để lo cho em. Mẹ nói cuộc đời mẹ không được ăn học đến nơi đến chốn thì không để cho con mình thất học. Câu nói này luôn theo bên em trong suốt những năm học”, Lan nghẹn ngào.


Hàng ngày ngoài việc học, Lan dành thời gian phụ mẹ chăm sóc chị gái. Mỗi sáng Lan thức sớm để nấu cơm, giặt quần áo cho mẹ và chị, xem lại bài vở rồi mới đến trường. Hôm nào mẹ bị bệnh, Lan lại làm thay mẹ các phần việc trong nhà. Những lúc rảnh thì Lan phụ mẹ đi quết bánh phồng với người ta, hay trông nhà giùm cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập.


Chúng tôi đến nhà Lan vào buổi trưa, khi bạn đang vội vàng vo gạo nấu cơm. Ba mẹ con mà chỉ một bơ gạo ăn cả ngày, có quả bí nhà hàng xóm cho phải ăn mấy ngày, còn thịt cá là thứ xa xỉ. Lan bộc bạch: “Mọi chi tiêu từ điện, gạo đến thức ăn, sinh hoạt đều nằm trong 270.000 đồng trợ cấp xã hội cho người chị bệnh tâm thần. Em không sợ khổ, sợ thiếu áo thiếu cơm mà chỉ sợ không được đi học, sợ cho những ngày tháng thi đại học sắp tới”.


Ăn uống kham khổ, ngày nào cũng phải đạp xe đến trường trong nơm nớp lo lắng về người chị ở nhà không ai trông coi vì mẹ đi làm suốt ngày, nhưng Lan chưa nghỉ buổi học nào. Hàng ngày, Lan dành từ năm tiếng trở lên cho việc học, em luôn phân rõ thời gian và sắp xếp lịch học hợp lý. Khi được hỏi tại sao lại ước mơ làm điều dưỡng, Lan rưng rưng nước mắt: “Tại vì chăm sóc chị bệnh riết rồi thành quen, mình muốn chăm sóc cho chị tốt hơn nếu ước mơ thành sự thật”.


bài và ảnh: Tuấn Võ






Ballet Cô bé Lọ Lem: hài hước và duyên dáng

Ballet Cô bé Lọ Lem: hài hước và duyên dáng

Ballet Cô bé Lọ Lem: hài hước và duyên dáng


SGTT.VN - Trên sân khấu xuất hiện một cô gái trẻ xinh đẹp ngồi bên lò sưởi trong chiếc váy vá nhiều chỗ. Cách cô một quãng là ba người đàn ông trong trang phục châu Âu cuối thế kỷ 17 đang quây quần bên bàn ăn đầy tú hụ. Một người mặc áo ngoài dài trùm qua chân, nét mặt buồn thiu, hai người còn lại mặc váy áo nữ, trang điểm cầu kỳ, bộ dạng khuỳnh khoàng nom hết sức hài hước. Khán giả đã bật cười ngay trong cảnh mở màn của Cô bé Lọ Lem.










Gia đình Cô bé Lọ Lem. Ảnh: Quốc Nghĩa – Hoàng Sơn



C ô bé Lọ Lem (công chiếu tối 20.8) là vở ballet thứ hai sau Kẹp hạt dẻ (năm 2012) do biên đạo Johanne Constant và dàn diễn viên nhà hát Nhạc vũ kịch TP.HCM dàn dựng, nằm trong chương trình Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013. Vẫn là sân khấu lộng lẫy và trang phục cổ điển giống như Kẹp hạt dẻ, vẫn những bước di chuyển uyển chuyển của nghệ thuật ballet, với âm thanh đỉnh cao – kịch tính, gợi tả và giàu cảm xúc – của nhà soạn nhạc người Nga Sergei Prokofiev (tác giả của những kiệt tác sân khấu khác như Romeo và Juliet, Chiến tranh và hoà bình, Chim lửa, Lễ bái xuân...), nhưng Cô bé Lọ Lem không chỉ thành công với sự chuẩn mực ấy, nó còn thành công bằng sự hài hước và sáng tạo trong dàn dựng.


Trong vai dì ghẻ và cô con riêng, hai nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng và Phạm Thế Chung đã mang đến cho khán giả những tràng cười sảng khoái trong suốt ba màn của vở. Sự thô kệch, vụng về và lố lăng của hai mẹ con dì ghẻ được đẩy lên cao bằng trang phục, bằng động tác không hợp chút nào với dáng người. Những màn nhảy múa của họ được khai thác triệt để và đem lại hiệu quả đặc biệt. Chúng đối lập hoàn toàn với sự duyên dáng của Cinderella, của bà tiên hay của toàn bộ dàn diễn viên còn lại.


Trong màn 1, sau khi Lọ Lem có một màn múa đơn hết sức đẹp mắt thì người xem chứng kiến cảnh hai mẹ con dì ghẻ học nhảy cùng thầy giáo trước khi tham gia vũ hội. Ông thầy dạy nhảy quả là hết sức vất vả. Họ lúng túng mãi mà không học được cách chào theo phong cách quý tộc là thế nào. Họ va đập vào nhau, xoay vòng nghiêng ngả từ góc này sang góc khác. Tới màn 2, trong vũ hội của hoàng tử, họ làm khổ những anh chàng bạn nhảy bằng cú nhào người đòi bê đỡ gây hốt hoảng, bằng màn múa đôi vô cùng thú vị và bộc lộ sự xấu tính khi tranh cướp nhau món quà của Lọ Lem trao tặng.


Đi xem Cô bé Lọ Lem của biên đạo người Na Uy Johanne Jakhelln Constant không chỉ là xem một vở ballet đẹp mắt, nó còn là việc chứng kiến sự sáng tạo không ngừng trên sân khấu, mở rộng biên độ của kịch bản và mang lại tiếng cười cho khán giả.


Sau liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu, vở ballet Cô bé Lọ Lem sẽ được tiếp tục trình diễn vào hai đêm 13 & 14.10.2013 tại nhà hát TP.HCM.


An Sa






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ