Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Khoáng sản: “ông canh, bà xuất”

Khoáng sản: “ông canh, bà xuất”

Khoáng sản: “ông canh, bà xuất”


SGTT.VN - Theo một nghiên cứu khoa học của cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, mười năm trở lại đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã tăng cả về các loại khoáng sản, quy mô, tính chất, mức độ vi phạm. Một giải pháp được đưa ra để tránh tình trạng khoáng sản thô bị xuất lậu đang được báo động đỏ – đó là quy định dứt khoát với doanh nghiệp (DN) sau khi khai thác, phải thông báo địa chỉ nơi khoáng sản thô được chế biến.


Hiện tồn tại thực tế, có DN khai thác xong cam kết sẽ bán cho nhà máy chế biến, nhưng khi khai thác xong là bán luôn mà không qua tinh chế. Thậm chí, có DN khai thác tại quặng tại miền Trung xong, nói sẽ bán cho nhà máy chế biến quặng tại Phú Thọ, nhưng quặng chưa ra đến Thanh Hoá đã bị bán mất rồi. “Để vạch mặt DN chỉ khai thác mà không đầu tư nhà máy chế biến rồi tìm cách bán quặng thô để thu lợi thì cần có biện pháp dứt khoát: trong giấy cấp phép khai thác, DN bắt buộc phải thông báo địa chỉ khoáng sản sau khi khai thác xong sẽ được chế biến tại đâu để kiểm soát”, TS Lại Hồng Thanh, cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản – tổng cục Địa chất và khoáng sản, cho biết.


Theo TS Thanh, hiện hoạt động xuất khẩu khoáng sản là do bộ Công Thương quản lý, với khoáng sản là ximăng và vật liệu xây dựng thì bộ Xây dựng quản lý, còn bộ Tài nguyên và môi trường chỉ là “người giữ kho”. Với vai trò “thủ kho”, bộ chỉ biết trong kho có những chủng loại nào, mức độ nào, cái nào cũ mới cần bán ra sao…. Còn phiếu xuất kho do bộ Công Thương, bộ Xây dựng quản lý vì đây là hai đơn vị lập quy hoạch khai thác khoáng sản.


Bên cạnh đó, khâu lưu thông, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản trái phép lại thuộc phạm vi xử lý của các địa phương, công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng. Do đó, “với hình thức “rửa quặng lậu” hô biến thành quặng sạch thông qua DN có giấy phép hợp pháp thì phải kiểm soát chặt phiếu xuất kho. Còn với loại quặng lậu rồi xuất lậu luôn thì cần giải pháp đồng bộ của tất cả các cơ quan. Nếu chính quyền địa phương dứt khoát, nhưng biên phòng không dứt khoát, hoặc ngược lại thì cũng rất khó”, TS Thanh nói. Theo đề xuất của nhiều nhà khoa học, Nhà nước cần có chính sách thu mua khoáng sản quý hiếm để dự trữ; rà soát lại các loại khoáng sản, với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn có thể khai thác hàng trăm năm không hết thì có thể có chính sách bán một phần nhỏ để kéo vốn, tái đầu tư.


Thanh Tuyền









Khai thác khoáng sản tăng theo cấp số nhân


Trong năm 2012, đã có 47/63 tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Theo cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, nếu những năm cuối thập niên 1990, đầu thế kỷ 21, trong một năm chỉ có khoảng mười loại khoáng sản bị khai thác trái phép, thì đến năm 2012 đã có tới 20 loại khoáng sản bị khai thác trái phép. Quy mô khai thác tăng theo cấp số nhân, những năm cuối thế kỷ 20 khai thác trái phép chỉ là quy mô nhỏ, thì hiện nay, khai thác quặng thiếc sa khoáng, quặng cromit, vàng sa khoáng… có tới hàng ngàn người tham gia, với phương tiện máy móc hiện đại.







Một lão nông ăn cơm nhà làm đường giao thông

Một lão nông ăn cơm nhà làm đường giao thông

Một lão nông ăn cơm nhà làm đường giao thông


SGTT.VN - Là nông dân chính gốc, nhưng cả đời vật lộn với thửa ruộng, bờ rẫy vẫn không thay đổi được cái mái lá che nắng đậy mưa. Ngay từ thời còn khoẻ mạnh, khi cái ăn chỉ mới vừa tạm đủ, nông dân Nguyễn Văn Bảy đã dành hết thời gian nông nhàn của mình, bỏ tiền của, công sức… để làm những con lộ giao thông ở nông thôn.










Tài sản lớn nhất mà ông Bảy giữ lại cho mình chỉ là căn nhà mái lợp lá và rất nhiều những bằng khen, giấy khen.



Nâng cấp đường


Ở xứ cù lao thuộc ấp Long Bình (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), “Cứ tới mùa mưa lũ, đường sá hư hỏng, lầy lộị, tui thấy tội nghiệp cho mấy đứa học trò trên đường tới trường mà quần áo lấm lem, người lớn đi đường mà sơ sẩy cũng ngã xe, té nhào,” ông Bảy kể. Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Bảy tuổi gần 70, nên ông không còn đảm đương nổi việc đồng áng. Thế nhưng, hàng ngày, ông kéo xe đẩy tới những công trình xây dựng đang sửa chữa để xin mớ xà bần mang về đập nhỏ, đem đi vá những “ổ gà” của mặt đường, những vũng nước đọng để không gây trở ngại cho xe hai bánh đi lại.


Trên tuyến đường nhựa nối liền hai xã Long Khánh A – Long Khánh B dài khoảng 8km được nhựa hoá từ nhiều năm trước, nhưng trong quá trình khai thác sử dụng, đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, nên ông Bảy bỏ tiền túi ra mua đá, nhựa… và ông cặm cụi vá lại mặt đường. Nhận ra tấm lòng hào hiệp của ông Bảy, một số người cũng đồng cảm và chia sẻ với ông bằng cách góp tiền, góp công với ông để làm đường giao thông nông thôn. Gần đây, ông Bảy muốn thảm nhựa tuyến đường tắt dài khoảng một cây số nối liền hai xã với tổng chi phí gần 200 triệu đồng. Công trình này bắt đầu được khởi công trong khi trong tay của ông Bảy chỉ có 3 triệu đồng, nhưng ông vẫn tin rằng, nếu mình làm việc nghĩa, thì sẽ có nhiều người ủng hộ. Quả vậy, không bao lâu sau, con đường nhựa rộng 1,4m được hoàn thành từ sự đóng góp tiền của, công sức của rất nhiều người. Ông Lê Văn Sẽ, trưởng ấp Long Bình (xã Long Khánh B) cho biết: “Ngoài những tuyến đường giặm vá, ông Bảy đã vận động nâng cấp bốn tuyến đường tắt với tổng chiều dài khoảng 8km”.


Sống đơn sơ


Căn nhà lá thấp lè tè của ông Bảy được cất từ trước năm 1960 tới bây giờ vẫn giữ nguyên cấu trúc nhà trên cọc – kiểu nhà đặc trưng của vùng đất mà hàng năm cư dân vùng này phải chung sống với lũ lụt, là nơi tá túc của gia đình gồm ba nhân khẩu: ông cùng vợ và đứa con gái đơn thân tuổi đã ngoài 50. Nguồn sống duy nhất của gia đình ông Bảy là khoản thu từ ba công (3.000m2) đất ruộng mà gia đình ông cho mướn với giá 6 triệu đồng mỗi năm cùng với khoản tiền trợ cấp xã hội 180.000 đồng mỗi tháng cho ông.


Tính ra, bình quân thu nhập hàng tháng của gia đình ông Bảy chỉ ở mức dưới 227.000 đồng/người, làm sao ông có thể trang trải cuộc sống? Giải thích về chuyện này, ông Bảy cho biết: “Gia đình tui đã quen ăn mỗi ngày một buổi (điểm tâm sáng và bữa trưa, không ăn bữa chiều) rồi, nên chi phí tốn hổng bao nhiêu”.


Trở lại chuyện đi làm “lục lộ”, ông Bảy cho biết: “Mấy ngày làm đường giao thông tuy có mệt về thể xác, nhưng tinh thần lại thoải mái, khi tui nhìn lại những công việc mình đã làm được và hiệu quả của nó mang lại”. Dù vậy, theo ông Bảy, cũng có lúc lòng ông bị se thắt khi có người nói với ông: “Ông già rồi, hổng nghỉ cho khoẻ mà đi mần chi vậy?” Tuy nhiên, ông nghĩ “việc thiện, nếu mần được bất cứ việc gì thì cứ mần”. Rồi sau khi con đường tắt hoàn thành, xe cộ qua lại đông hơn, điều này ai cũng thấy, vậy mà ông vẫn bị có người bắt đền ông “Vì ông cho làm đường cao lên, nên khi trời mưa, nước ngoài lộ chảy vô đất của tui”.Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND xã Long Khánh B, ông Phạm Văn Khiếp đã nhận xét: “Ông Bảy tuy tuổi đã cao, kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng ông vẫn lao vào lo việc công ích cho xã hội. Rất đáng quý những tấm lòng như vậy!”


Về cá nhân ông Bảy, ông đã nhận được nhiều bằng khen của bộ trưởng Giao thông vận tải vì đã có những thành tích xuất sắc trong xây dựng và đảm bảo trật tự an toàn giao thông; kỷ niệm chương vì sự nghiệp giao thông; được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông (từ chương trình Total hiệp sĩ giao thông, do uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam, kênh VOV giao thông, đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và công ty TNHH Total Việt Nam phối hợp thực hiện) và nhiều giấy khen khác từ cấp tỉnh đến xã. Tuy nhiên, đối với ông, ông cảm thấy được hạnh phúc khi những con đường phẳng phiu sau khi đưa vào sử dụng được ví như những linh dược làm xoá dần những nếp nhăn do tuổi tác cao trên gương mặt của ông.


bài và ảnh: Ngọc Tùng






Tung hoả mù trong phê bình văn học là trò tiểu nhân

Tung hoả mù trong phê bình văn học là trò tiểu nhân










LTS. Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Denis Diderot, quyển Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật vừa được nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Diderot (1713 – 1784) là kiến trúc sư của công trình Bách khoa toàn thư đồ sộ, nhà văn có nhiều đóng góp độc đáo, nhà triết học duy vật, nhà mỹ học, nhà lý luận và phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Pháp. Cuốn sách được chuyển ngữ bởi dịch giả Phùng Văn Tửu. Tác phẩm của ông vẫn có tính thời sự đối với văn hoá phê bình văn học Việt Nam, Sài Gòn Tiếp Thị xin trích lời giới thiệu của dịch giả cho tập sách này (tựa của Sài Gòn Tiếp Thị).


Tung hoả mù trong phê bình văn học là trò tiểu nhân


SGTT.VN - Tài năng lỗi lạc của nhà triết học, nhà lý luận mỹ học, nhà văn, nhà phê bình Pháp vừa đa dạng vừa sâu sắc, nhưng một khía cạnh có lẽ ít được nói tới hơn cả từ trước đến nay ở nước ta: phong cách phê bình của Diderot. Ông nổi tiếng trên lĩnh vực phê bình nghệ thuật, nhưng quan điểm cũng như phong cách phê bình của ông có thể xem như bao quát văn học nghệ thuật nói chung.











Diderot bắt đầu viết bài phê bình tranh trưng bày trong phòng triển lãm ở Paris cho tờ Thư tín văn học, triết học và phê bình kể từ cuộc triển lãm năm 1759 và liên tục cho tới khi ông sắp qua đời…


Diderot trước hết là một nhà triết học duy vật tiến bộ ở thời đại ông. Nhưng đồng thời, ông cũng tiếp cận văn hoá, nghệ thuật với lòng say mê thật sự của một tâm hồn nghệ sĩ. Là nhà triết học, ông thấy cần thiết phải xem xét, mở rộng các luận điểm của mình ra các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ngược lại, là nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật, phần đóng góp mới của ông là đã xem các lĩnh vực này dưới ánh sáng của triết học. Nói khác đi, ông đưa đấu tranh triết học vào văn học nghệ thuật.


Diderot không phải là người phê bình nghệ thuật đầu tiên trong Thư tín văn học, triết học và phê bình. Ông đã tiếp thu công việc đó từ F. Grimm, người sáng lập ra tờ tạp chí. Nhưng nếu đối với bạn đọc về những cuộc triển lãm hội hoạ thì Diderot đưa vào đây ngòi bút chiến đấu. Đứng vững trên quan điểm của mình, ông mạnh dạn khen chê dứt khoát, chứ không chỉ khen một chút, phê một chút cho đủ lệ bộ. Phê bình không thể dung hoà với tâng bốc, khen lấy được, bất chấp sự thật, chỉ vì đó là tác phẩm của người có quyền thế.


Tình bạn và sự nể nang thường khi cũng làm cho ngòi bút phê bình thiên lệch, không còn hoàn toàn giữ được tính chất khách quan. Nhưng có lẽ ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng Diderot không bao giờ viết ra điều gì trái với ý nghĩ của mình. “Tôi, tôi yêu mến Michel, nhưng tôi còn yêu mến chân lý hơn”. Dòng chữ ấy mở đầu bài phê bình Michel Van Loo (hoạ sĩ Ý) trong phòng triển lãm năm 1767, chính là nguyên tắc phê bình của tác giả. Mà đấy là triết gia đang phê bình bức chân dung của chính ông do Michel Van Loo vẽ với tất cả tấm lòng quý trọng.


Trong thực tế cuộc sống, ở thời đại nào cũng vậy, người phê bình dám nói lên sự thật đã hiếm, người được phê bình dám nghe sự thật về những thiếu sót trong tác phẩm của mình mà không mếch lòng lại càng hiếm hơn. Nhưng thiếu phê bình thì làm sao chân lý được sáng tỏ, văn nghệ được phát triển? Diderot hiểu rõ lắm. Ông khuyên nghệ sĩ: “Dù bạn thành công thế nào đi nữa, bạn hãy trông đợi phê bình. Nếu bạn tế nhị một chút, bạn sẽ ít mếch lòng vì sự đả kích của kẻ thù hơn sự bênh vực của bè bạn” (Suy nghĩ tản mạn). Tuy nhiên cái khó của công việc phê bình không phải chỉ là biết vạch ra các thiếu sót của tác phẩm, mà phải biết khen và khen đúng chỗ. Đây là một mặt của phê bình thường bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua. Khen và chê, mặt nào quan trọng hơn, thật khó nói. Đây không phải chuyện có khen, có chê, mỗi thứ một chút mà các cây bút phê bình tầm thường vẫn quen làm; khen không làm cho nghệ sĩ phát huy được ưu điểm, mà chê nhiều khi lại có vẻ lên mặt dạy đời. Có thể khen hoặc chê từ đầu đến cuối nếu tác phẩm đáng như vậy. Người nói đến phê bình, hình như trước hết người ta chỉ nghĩ đến chê. Người ta ngứa ngáy muốn cầm bút phê bình khi thấy có thể “phê” tác phẩm chỗ này chỗ nọ. Thuật ngữ “phê bình” phải chịu trách nhiệm một phần trong việc tạo nên tâm lý lệch lạc. Diderot mỉa mai: “Còn gì ngốc nghếch bằng cái công việc luôn luôn ngăn mình không được thích thú hoặc cái công việc của nhà phê bình”. Chưa kể đến những kẻ kèn cựa cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những cái tốt, cái hay trong tác phẩm của người khác, nhất là của bạn đồng nghiệp. Diderot chua chát nhận xét là: “Có ít, rất ít kẻ thẳng thắn vui mừng trước thành tựu của những người theo đuổi cùng nghề nghiệp với mình, đó là một trong những hiện tượng hiếm hoi nhất của tự nhiên”. Lắm kẻ xảo quyệt không vạch ra được những thiếu sót trong tác phẩm của người khác liền chơi trò tiểu nhân tung ra những ý kiến mơ hồ cốt gieo rắc sự phân vân, ngờ vực trong dư luận. “Tôi đặc biệt không ưa những kẻ tung hoả mù đó – tác giả viết – chúng giống như cơn gió táp đầy bụi vào mắt”.


Đâu phải cứ vạch ra những thiếu sót cho nhiều thì mới là ngòi bút phê bình sắc sảo. Diderot chẳng bao giờ quan niệm một cách ấu trĩ như vậy. Phải biết phát hiện và trân trọng những đốm lửa tài năng...


Phùng Văn Tửu









“Có ít, rất ít kẻ thẳng thắn vui mừng trước thành tựu của những người theo đuổi cùng nghề nghiệp với mình, đó là một trong những hiện tượng hiếm hoi nhất của tự nhiên”


– Denis Diderot.







Đi về không điểm đến

Đi về không điểm đến

Đi về không điểm đến


SGTT.VN - Tập ký chân dung văn nghệ sĩ Đi về không điểm đến của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang vừa phát hành giữa tháng 8. Cuốn sách bao gồm 39 chân dung nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, từ những cây bút gạo cội như Nguyên Ngọc, Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Trung Trung Đỉnh… cho đến các cây bút trẻ như Vũ Phương Nghi, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Thu Trang…






























Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Cầm bản thảo Đi về không điểm đến của Nguyễn Quỳnh Trang, một cuốn bút ký về chân dung các nhà văn, tôi hy vọng đây không phải là sách phê bình văn học, một thứ mà tôi ít tìm thấy những tiếng nói cá nhân và thành thực. May quá, cô gái viết văn này chỉ phác hoạ những ấn tượng khi gặp các nhà văn và đọc văn của họ theo cách rất đàn bà của mình. Cuộc sống không may mắn, loay hoay rồi vẫn một mình nuôi con, trông nom mẹ già, vô cùng vất vả, không làm mất được sự vui tươi lẳng lơ chẳng cần giấu giếm, mặc dầu vậy cũng rất khó khăn đến với yêu đương, chưa muốn nói là những chuyện khác. Có lẽ càng gian khó, Quỳnh Trang càng viết đáng để đọc hơn”.


Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang hiện là biên tập viên của báo Thể Thao & Văn Hoá. Bên cạnh công việc báo chí, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết, chị còn làm thơ và tham gia các cuộc trình diễn sắp đặt thơ tại Văn Miếu Quốc tử giám và festival Huế. Nguyễn Quỳnh Trang là tác giả của 1981 (tiểu thuyết), Nhiều cách sống (tiểu thuyết), Mất ký ức (tiểu thuyết), Cho một hành trình (tập truyện ngắn), 24 giờ (tập truyện ngắn).


Tập sách dày 267 trang, do công ty sách Phương Đông và NXB Công An Nhân Dân phát hành, có cả eBook.


PV






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ