Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Trở lại và sẽ đi đường dài?

Trở lại và sẽ đi đường dài?

Phim truyền hình ngắn tập:


Trở lại và sẽ đi đường dài?


SGTT.VN - Sau mười năm vắng bóng, phim truyền hình ngắn tập chính thức trở lại với 11 tác phẩm lên sóng VTV từ 20.10 đến hết năm. Bên cạnh chất lượng, cái khán giả quan tâm còn là: thể loại phim truyền hình đặc biệt này có đi được đường dài?


Ai cũng biết, nguyên nhân “chết yểu” của phim truyền hình ngắn tập mười năm trước phần nào liên quan đến lợi nhuận quảng cáo.










Cảnh trong phim Những người ở lại.



Đạo diễn Vũ Hồng Sơn có lần nói vui: “Một khi phải loại trực tiếp trên cán cân doanh thu, thì đối với phim ngắn tập, đó là cái chết đã được báo trước!” Bởi thế, dù VTV tuyên bố không đặt nặng vấn đề lợi nhuận thì rõ ràng, tương lai của dự án phim truyền hình ngắn tập vẫn phụ thuộc ít nhiều vào rating của những tác phẩm sắp lên sóng. Trong hai năm qua, một cuộc thi viết kịch bản đã được phát động. Ban thẩm định có mặt những cái tên lão làng: Khải Hưng, Bùi Như Thuần, Nguyễn Hữu Phần… Và trong số hơn 100 kịch bản gửi về, chỉ có hơn 20 sáng tác qua được vòng sàng lọc.


Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, trưởng ban Thư ký biên tập cho biết bà buộc phải loại nhiều tác phẩm tốt, chẳng hạn kịch bản của đạo diễn Đặng Nhật Minh, vì nó quá đồ sộ và tốn kém so với quy mô một bộ phim truyền hình. Những đề tài mang tính chuyên biệt như khoa học viễn tưởng, kinh dị, đồng tính… cũng tạm thời nằm ngoài tầm ngắm. Loạt phim ngắn tập đầu tiên đặt mục tiêu: chinh phục khán giả bằng những câu chuyện gần gũi với cuộc sống hôm nay.


Lướt qua nội dung 11 tác phẩm sắp phát sóng, nhận định đầu tiên là, kịch bản đi vào những vấn đề nhỏ nhưng tương đối mới, có tiềm năng hấp dẫn khán giả, chẳng hạn: những tình huống bất ngờ xảy đến với một nữ tài xế xe khách đường dài (Nữ xế, phát sóng 20.10); những ẩn ức tâm lý tuổi mới lớn, tội phạm học đường (Ám ảnh, phát sóng 10.11); giấc mộng hoàn lương của những cánh “bướm đêm” (Bướm đêm, phát sóng 17.11)…










Cảnh trong phim Những tia nắng ấm.



Đạo diễn của 11 bộ phim ngắn này đều khá nổi, và đa số thuộc lớp kế thừa thế hệ lão thành như: Lê Minh, Nguyễn Võ Duy Ngọc, Trần Hoài Sơn… Họ có nhiệm vụ tạo nên những tác phẩm truyền hình đậm chất phim nhựa, với từng cảnh quay, từng chi tiết diễn xuất đều phải chắt lọc và tính toán kỹ càng, nói như đạo diễn Nguyễn Hữu là “Bắt buộc phải trăn trở, tư duy nhiều hơn và cũng có cơ hội thể hiện tay nghề rõ nét hơn so với khi làm phim dài tập”. Vì thế, thời gian quay một bộ phim một tập tuy gói gọn trong mười mấy ngày, nhưng công tác chuẩn bị có thể phải kéo dài cả tháng, tương đương thời gian khởi động cho 20-30 tập phim truyền hình thông thường.










Cảnh trong phim Tâm bão.



Không ít người cho rằng, phim ngắn tập hồi sinh cũng đồng nghĩa với việc tạo sân chơi cho cánh đạo diễn mới ra trường. Nhưng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định, dự án chỉ phù hợp với hai dạng đạo diễn: một - triển vọng và chưa “tiêm nhiễm” những yếu tố thị trường; hai - gạo cội, giàu kinh nghiệm lẫn đam mê nhưng không có đủ sức khỏe để theo phim dài tập. Nhìn xa thì đây chính là nơi tạo nguồn nhân lực cho phim điện ảnh.










Cảnh trong phim Ám ảnh.



Với 11 bộ phim truyền hình ngắn tập đầu tiên, êkíp thực hiện khá may mắn khi tìm được những nhà sản xuất tâm huyết, trong đó, có những người thậm chí đã đầu tư liên tiếp vào 4 tác phẩm, chấp nhận tốn kém cho những cảnh quay trên biển với chi phí cho ánh sáng tương đương khi thực hiện 10-15 tập phim (Miền chân sóng, phát sóng 24.11). Chủ động đặt hàng những nhà sản xuất quen thuộc và có tâm như thế cũng là hướng đi của dự án phim truyền hình ngắn tập sang năm tới và trong tương lai.


Hương Lan






Triều cường tấn công khu ven sông Sài Gòn

Triều cường tấn công khu ven sông Sài Gòn

Triều cường tấn công khu ven sông Sài Gòn


• Mực nước còn duy trì rất cao


• Lũ thượng nguồn đổ về sông Cửu Long


SGTT.VN - Nhiều khu vực ven sông Sài Gòn chiều 19.10 chìm ngập trong biển nước do triều cường dâng lên rất cao.


Theo dự báo diễn biến thủy triều 5 ngày của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn vào chiều nay khoảng 1,59 m, trong khi mức báo động (BĐ) 3 là 1,50 m.










Nhiều xe chết máy vào chiều tối nay khi lưu thông tại khu dân cư ven sông Sài Gòn, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM.











Chiếc xe kéo chết máy, chuẩn bị đẩy bộ qua đoạn đường bị ngập nặng cạnh chung cư Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM.











Triều cường chiều tối qua tràn lên đường số 23, khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM.











Triều cường tràn lên đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức, TP.HCM.



Dự báo mực nước sẽ tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trên mức BĐ 3, xấp xỉ đỉnh triều cao nhất năm 2012.


Cụ thể như sau: ngày 20.10 sẽ lên mức 1,62 m (lúc 5 giờ 30 và 18 giờ); ngày 21.10 giảm còn 1,59 m (lúc 6 giờ 30 và 19 giờ); ngày 22.10 còn 1,53 m (lúc 7 giờ và 20 giờ).


Còn theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của mưa từ bão số 11, trên sông Mê Kông đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên tại trung lưu từ 2-3 m, tại hạ lưu từ 0,5-1 m.


Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, lũ sông Cửu Long lên lại; sông Vàm Cỏ Tây cũng đang lên.


* Mực nước sáng 19.10 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu: 3,95 m, xấp xỉ mức BĐ2; tại Mỹ Thuận: 1,97 m, trên BĐ3: 0,17 m; tại Mỹ Tho: 1,65 m, trên BĐ3: 0,05 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,56 m, trên BĐ2: 0,06 m; tại Long Xuyên: 2,61 m, trên BĐ3: 0,11 m; tại Cần Thơ: 2,06 m, trên BĐ3: 0,16 m; sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 2,04 m, trên BĐ2: 0,24 m.


*Trong những ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên. Đến ngày 23.10, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,15 m, trên BĐ2: 0,15 m, thấp hơn đỉnh lũ đầu tháng 10 là 0,2 m; tại Châu Đốc lên mức 3,8 m, dưới BĐ3: 0,2 m, tương đương với đỉnh lũ đầu tháng 10; tại Mộc Hóa lên mức 2,2 m, dưới BĐ3: 0,2 m.


Tại các trạm chính vùng cuối nguồn còn tiếp tục lên chậm trong 1-2 ngày tới và dao động trên BĐ3 từ 0,1-0,4 m, sau đó xuống dần theo triều cường.


Bài, ảnh: TNO






Những phân tích giật mình về vụ nổ ở Phú Thọ

Những phân tích giật mình về vụ nổ ở Phú Thọ

Những phân tích giật mình về vụ nổ ở Phú Thọ


SGTT.VN - "Nhiều vụ cháy các nhà máy pháo hoa trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đưa ra nguyên nhân tự cháy. Điều này là không thuyết phục khiến công tác phòng cháy chữa cháy chưa được đặt đúng vị trí". Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Khải, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu viện Kỹ thuật Quân sự (nay là viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự Việt Nam).


Không thể có chuyện tự cháy!?


Thưa ông, với tư cách là nhà nghiên cứu, ông bình luận gì khi thông tin đưa đến dư luận là xưởng sản xuất pháo hoa của nhà máy Z121 tự cháy?










TS Nguyễn Văn Khải.



Vấn đề đặt ra ở đây là vật liệu gây cháy xưởng pháo hoa là gì? Chắc chắn không phải là do chập điện như các vụ cháy chợ, cháy nhà. Và cũng không phải là do hàn xì, sửa chữa do xỉ rơi xuống gây cháy. Đây là hai nguyên nhân mà cứ cháy là người ta đổ cho nó.


Thêm vào đó, ngày hôm xảy ra cháy nổ thì nhiệt độ không cao (ngày 12.10 nhiệt độ chỉ 22-330C, trên vùng Thanh Ba là miền rừng núi chắc chắn sẽ mát hơn) nên không phải là ngày dễ bốc lửa, cũng không phải ngày mưa để có sấm chớp phát ra tia lửa điện làm nguyên nhân gây cháy nổ.


Như vậy, trong trường hợp này, các vật liệu gây cháy là các vật liệu sử dụng trong quá trình chế tạo pháo hoa. Nguồn cháy có thể do mẩu thuốc lá, đóm thuốc lào hoặc máy chạy bắn tia lửa điện.


Bởi vậy, hoạt động của một chiếc máy mài cũng có thể dễ dàng gây cháy khi có lửa bắn ra thời điểm có sự ma xát mạnh giữa máy và các thanh sắt trong quá trình mài.


Điều đó cho thấy, nguyên nhân gây ra vụ cháy có thể do vật liệu cháy bao gồm các nguyên liệu chế tạo pháo hoa như giấy bọc ngoài, kíp, thuốc, quả pháo hoa và quá trình cọ xát giữa các dụng cụ máy móc trong quá trình làm việc.


Ngoài những khả năng gây cháy trên, trường hợp tự cháy là điều không thể xảy ra. Bởi vì, cũng với nhiệt độ trong phòng như vậy, người ta có thể để thuốc rất lâu mà không xảy ra cháy nổ.


Còn nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động được nhìn nhận thế nào, thưa ông?


Trong một số trường hợp, người ta rải thuốc cháy nổ từ điểm cần phá huỷ cho đến một vị trí nào đó rồi tiến hành đốt, nhưng chỉ cần gạt hoặc tưới nước lên thuốc thì ngọn lửa cũng đồng thời bị dập tắt ngay lập tức.


Tôi thấy người ta xếp và phơi pháo hoa một cách thủ công, lạc hậu. Điều này dẫn tới khả năng vật chứa chất nổ bị rơi, việc va đập mạnh có thể kích thích gây nổ. Đây là một vụ tai nạn khủng khiếp mà nguyên nhân của nó cần được điều tra, làm rõ.


Hơn nữa cũng phải xem vụ cháy này xảy ra ở ngoài sân hay trong nhà chế tạo, nhà sản xuất, nhà kho. Từ đó có thể phán đoán nguyên nhân gây ra vụ cháy có phải do việc bất cẩn đánh rơi, làm vỡ, va chạm hàng hoá trong quá trình vận chuyển, khuân vác hay không. Tôi vẫn nhấn mạnh khả năng "tự cháy" là một điều hoàn toàn phi lý.


Loại ra khỏi khu dân cư những nguy hiểm


Nếu các cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân của cháy nổ thì việc phòng cháy chữa cháy sẽ không đạt được tiêu chí hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ?


Điều này là đúng bởi chúng ta không khoanh vùng được nguyên nhân thì không phòng ngừa tốt được. Theo ý kiến của cá nhân tôi, việc điều tra nguyên nhân vụ nổ trên cần phải tuân theo những quy luật tự nhiên về lý hoá học chứ không thể "phán" theo một cách máy móc theo kiểu "đo gia tốc viên đạn".










Vụ nổ đã làm hư hại nhiều công trình của nhà máy. Ảnh: Dân Trí



Vấn đề đặt ra ở đây là công tác phòng chống cháy nổ được tổ chức như thế nào, chất lượng ra sao. Lấy ví dụ như vụ cháy ở Hải Dương, sau khi xảy ra cháy 2 giờ, xe cứu hoả mới đến, tại sao trước đó, dân không đập vỡ cửa kính để chữa cháy kịp thời?


Nếu việc cứu hoả được tiến hành kịp thời, ngay sau khi xảy ra cháy thì chắc chắn đám cháy sẽ nhanh chóng bị khống chế, dập tắt. Rõ ràng hệ thống phòng cháy chữa cháy còn có những bất cập.


Nhiều người dân đang lo sợ về những khối thuốc nổ khổng lồ ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Ông nghĩ sao về việc để một nhà máy có nguy cơ cao gần khu dân cư?


Một vấn đề quan trọng đặt ra sau vụ tai nạn kinh hoàng này là có nên đặt một xưởng sản xuất với khối lượng chất cháy nổ khổng lồ giữa một khu dân cư hay không.


Chúng ta đặt ra giả thuyết trong ngày xảy ra vụ nổ, có một đám ma và một đám cưới được tổ chức tại khu dân cư gần nhà máy với rất đông khách khứa, xe cộ ra vào thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào?


Qua chuyện này, một lần nữa cho thấy tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Ngay cả một số kho xăng ở trung tâm thành phố Hà Nội cũng đang được di dời thì không có lý do nào những khối lượng thuốc nổ khổng lồ trên không được di chuyển đến những khu vực nằm xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến sự an nguy của người dân.


Đây là việc bắt buộc phải di chuyển mà phải di chuyển từ lâu rồi mới đúng. Hiện nay, các công ty kinh doanh, các nhà sản xuất đều đặt lợi nhuận lên trên cao nhất, bất chấp việc ảnh hưởng đến cộng đồng. Điều này là không thể chấp nhận được.









60% vụ cháy là do con người gây ra


Trao đổi với PV, đại tá Hồ Trọng Ngũ, phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho rằng: "Vụ nổ pháo hoa ở Phú Thọ rất đau lòng. Tuy nhiên, nhìn lại chuỗi những vụ việc đáng tiếc do cháy nổ khiến công tác PCCC càng phải nâng cao.










Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH Hồ Trọng Ngũ.



“Trước đây, trong quy định luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) có nói về quy định xí nghiệp, nhà máy sản xuất vật liệu dễ gây cháy nổ phải nằm xa dân cư và có vành đai bảo vệ. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể, chưa rõ ràng nên hiện nay Quốc hội đang thảo luận để sửa đổi cho phù hợp.”


Còn theo đại tá Nguyễn Văn Tươi, phó Cục trưởng cục Cảnh sát PCCC (bộ Công an) thì 60% số vụ cháy là do cá nhân, người sử dụng vi phạm quy định về quản lý nguồn lửa, nguồn điện, chất cháy, chất nổ.


Bên cạnh đó, đối với cơ sở sản xuất thường làm kho tạm trong nơi sản xuất dẫn tới vi phạm khoảng cách nên rất dễ dẫn đến cháy nổ và khi xảy ra cháy rất khó cho công tác chữa cháy.


"Hiện nay, người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện phòng cháy chữa cháy chưa tốt, thực hiện chưa đúng nhưng chưa bị xử lý nghiêm.


Thứ nữa là khi đầu tư phương tiện cho PCCC không đúng quy định hoặc có trang bị rồi nhưng không duy trì đúng phương tiện phòng cháy chữa cháy dẫn đến khi sự cố xảy ra thì hệ thống báo cháy không hoạt động hoặc hệ thống chữa cháy hoạt động không hiệu quả.


Theo quy định của luật PCCC, khi cơ sở hoạt động thì phải duy trì hoạt động phòng cháy chữa cháy tại chỗ, phân công tuần tra, kiểm soát, phân công trực trong thời gian ngoài giờ hành chính và ban đêm.


Tuy nhiên, nhiều cơ sở, chợ, trung tâm thương mại không thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC, chưa làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến phát hiện cháy chậm và khi chữa cháy không hiệu quả", đại tá Tươi nói.


Điều chỉnh luật PCCC


ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng cho biết, cần phải có những điều chỉnh trong luật PCCC để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.


Cũng theo ĐB Phương, một nguyên nhân khá cơ bản của nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đó là lực lượng PCCC (cả lực lượng tại chỗ và lực lượng ứng cứu) còn yếu.


Vậy nhưng trong các mục sửa đổi và yêu cầu sửa đổi luật PCCC không thấy yêu cầu là phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng PCCC.


Ông Phương thẳng thắn: "Tôi đề nghị phải làm rõ và nâng cao trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong lần sửa luật PCCC này. Vị trí, vai trò của công tác PCCC cũng cần phải được đề cao hơn và trách nhiệm phải được rõ hơn..."


Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải tăng cường kiểm tra an toàn PCCC. Nếu cơ sở nào có nhiều vi phạm thì cơ quan chức năng kiên quyết tạm đình chỉ sản xuất, buộc khắc phục nhằm bảo đảm an toàn.


Trường hợp cố tình không khắc phục vi phạm, để xảy ra cháy nổ sẽ điều tra, xử lý hình sự. Cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, bài bản như vậy mới có thể hạn chế được nguy cơ cháy nổ ở các cơ sở sản xuất.



Bài ảnh: nguoiduatin.vn






Chuyện kể về nữ tiếp viên hàng không gốc Việt xấu số

Chuyện kể về nữ tiếp viên hàng không gốc Việt xấu số

Chuyện kể về nữ tiếp viên hàng không gốc Việt xấu số


SGTT.VN - Những ngày này, không khí đau thương đã phủ ngập Pakse, Champasak (Lào) trước những nỗi đau mất mát quá lớn từ vụ tai nạn hàng không gây hậu quả nghiêm trọng trong lịch sử ngành hàng không nước này.


49 nạn nhân mang các quốc tịch khác nhau, trong đó có 5 thành viên phi hành đoàn, đã tử nạn.










Tiếp viên Đặng Thị Hiệp.



Có mặt tại nhà cô tiếp viên hàng không Đặng Thị Hiệp (tên Lào là Nakesone Phonath), chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, chia sẻ nỗi đau quá lớn của các bậc sinh thành và người thân trong gia đình nạn nhân.


Đặng Thị Hiệp không chỉ là niềm tự hào của gia đình ông bà Đặng Can, mà còn là tấm gương về học tập, nghị lực sống cho giới trẻ tại xóm Tân An, bản Bunodom, Pakse.


Học hết cấp 2 tại Pakse, Hiệp đã được gia đình cho đi học tại thủ đô Vientiane. Tốt nghiệp khoa Kinh tế, Trường ĐH Đông Độc (trường đại học quốc gia nổi tiếng của Lào), Hiệp đã giấu gia đình đi thi tuyển phi công.


Biết chuyện, gia đình Hiệp đã không đồng ý cho cô con gái út học phi công, nhưng chiều con cho Hiệp theo nghiệp tiếp viên hàng không.


Hiệp chính thức trở thành tiếp viên hàng không Lào năm 2010.


Theo ông Can, Hiệp cũng đã từng tham gia cuộc thi hoa hậu Lào năm 2009 và đoạt giải hoa khôi duyên dáng.


Theo bạn bè của Hiệp, lẽ ra cô đã không có mặt trên chuyến bay định mệnh hôm 16.10, nhưng vì người bạn ốm đột xuất nên Hiệp đi làm thay.










Các thợ lăn chuyên nghiệp cùng người dân địa phương đang nỗ lực định vị vị trí máy bay rơi.



Mãi tới 10 giờ 30 phút sáng qua, 18.10, người ta mới tìm thấy thi thể Hiệp bị dòng nước đẩy trôi cách nơi xảy ra tai nạn gần 15 km.


Gia đình đã quyết định đưa Hiệp về, tổ chức tang lễ theo phong tục người Việt thay vì gửi lại chùa làm lễ theo phong tục người Lào.


Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào, tỉnh trưởng tỉnh Champasak, Giám đốc hãng hàng không Lào và những bạn bè của Hiệp đều đã đến chia buồn với gia đình.


Cho đến thời điểm này, lực lượng chức năng của Lào và lực lượng cứu hộ quốc tế vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân, tìm cách trục vớt máy bay bị nạn.


Bài và ảnh: TNO






Vụ rơi máy bay Lào: Nhận dạng nạn nhân gốc Việt

Vụ rơi máy bay Lào: Nhận dạng nạn nhân gốc Việt

Vụ rơi máy bay Lào: Nhận dạng nạn nhân gốc Việt


SGTT.VN - Nhà chức trách Lào ngày 19.10 đã nhận dạng được 14 trong tổng số 40 thi thể được tìm thấy ở vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng hàng không Lao Airlines. Đáng chú ý là trong số này có thi thể của cô Chinda Phommasone, con gái của cặp vợ chồng gốc Việt là ông Lê Huề và bà Vương Thị Ngân.










Các thợ lặn vớt xác nạn nhân vụ rơi máy bay Lao Airlines trên sông Mekong. Ảnh: AFP



Theo AFP, chồng cô Chinda là anh Souksamone Phommasone đã có mặt tại Pakse để nhận xác vợ.


“Đây là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời tôi,” anh Souksamone Phommasone nói với AFP.


Theo anh Souksamone Phommasone, cô Chinda đã cùng với cha mẹ đi trên chuyến bay xấu số về Pakse, tỉnh Champasak, sau khi lên Vientiane thăm căn biệt thự mới xây của vợ chồng anh.


Chiếc máy bay đã bị rơi do thời tiết xấu, ảnh hưởng của cơn bão số 11, khi chỉ còn cách sân bay Pakse khoảng 10km và lao xuống sông Mekong hôm 16.10.


Hiện các đội cứu hộ Lào và Thái Lan vẫn chưa xác định được xác chiếc máy bay ở vị trí nào dưới lòng sông.


Các quan chức Lào tin rằng nhiều thi thể vẫn còn kẹt lại trong khoang của chiếc máy bay ATR-72.


Hiện cơ quan chức năng đã vớt được 40 thi thể nạn nhân, trong tổng số 49 người có mặt trên máy bay, thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. 14 thi thể trong số 30 nạn nhân nói trên đã được nhận dạng. Nhưng ngoài cô Chinda thì chưa rõ cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể của cha mẹ cô hay chưa.










Việc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục. Ảnh: AFP



Theo báo chí Lào và Thái, có hai nạn nhân khác cũng là người gốc Việt là bà Đào Thị Liễu, Việt kiều Canada và một tiếp viên hàng không có tên Đặng Thị Hiệp (tên Lào là Nakesone Phonath).


Những nạn nhân được nhận dạng còn có 2 người Australia và cơ trưởng người Campuchia cùng một số thành viên tổ bay.


Các nhân viên cứu hộ cho biết, nhiều thi thể nạn nhân được tìm thấy cách hiện trường vụ máy bay rơi tới hàng cây số.


Theo danh sách hành khách đi trên máy bay do Lao Airlines công bố thì có 16 người Lào, 7 người Pháp, 6 người Australia, 5 người Thái Lan, 3 người Hàn Quốc, 3 người Việt Nam (chỉ tính vợ chồng ông Lê Huề-Vương Thị Ngân và bà Đào Thị Liễu), 1 người Mỹ, 1 Malaysia, 1 Trung Quốc và 1 Đài Loan Trung Quốc.


Theo AFP thì đây là vụ tai nạn máy bay tồi tệ nhất ở Lào kể từ năm 1954 sau vụ rơi máy bay của hãng Air Vietnam, rơi gần Pakse khiến 47 người thiệt mạng.


Vietnam+






Philippines kiện TQ: Thời gian phân xử 6 -12 tháng

Philippines kiện TQ: Thời gian phân xử 6 -12 tháng

Philippines kiện TQ: Thời gian phân xử 6 -12 tháng


SGTT.VN - Các đặc quyền về biển của Trung Quốc ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này ở biển Đông rất hạn chế.


Ngày 15.10, luật sư (LS) Paul Reichler thuộc công ty Luật Foley Hoag (Mỹ) đã trả lời báo Mỹ Wall Street Journal về vấn đề Philippines kiện đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc (TQ) ra tòa án trọng tài quốc tế tại Hà Lan. Ông là trưởng đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi cho Philippines trong vụ kiện này.


Thưa ông, tố tụng vụ Philippines kiện đã đến giai đoạn nào rồi ạ?


Tòa đã thông qua các quy tắc tố tụng. Tòa đã yêu cầu Philippines nộp biên bản biện hộ vào ngày 30.4.2014. Thông thường, nước phản hồi (TQ) sẽ được tòa cho thời gian tương đương (tám tháng) để nộp biên bản kháng biện. Lúc đó, theo tiến trình bình thường, hai bên sẽ tiếp tục nộp biên bản biện hộ vòng hai. Philippines sẽ có 4-5 tháng để nộp biên bản kháng biện và TQ sẽ có chừng đó thời gian để nộp biên bản phản kháng. Dù vậy, vì TQ thông báo không tham gia vụ kiện nên tòa chỉ ấn định ngày để Philippines nộp biên bản biện hộ.










Philippines và Mỹ tập trận đổ bộ (PHIBLEX 14) trong ba tuần từ ngày 18.9 cách bãi cạn Scarborough 220 km. Ảnh: Hải quân Mỹ



Bao lâu mới có kết quả vụ kiện?


Theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, phân xử trọng tài tính từ lúc mở đầu đến khi kết thúc thường mất 3-5 năm. Thường có hai bên đấu lý trong các vụ phân xử trọng tài quốc tế. Tiến trình phân xử lần này sẽ nhanh hơn nhiều nếu TQ không tham gia vụ kiện. Vì tòa án vẫn chưa quyết định quy trình tố tụng cho đến khi Philippines nộp biên bản biện hộ, rất khó dự đoán thời gian để hoàn tất phân xử trọng tài tính từ ngày 30.4.2014.


Theo tôi, sau khi đọc biên bản biện hộ của Philippines, các thẩm phán sẽ tự đặt mình vào vị thế của TQ và cố gắng tìm các lập luận kháng biện TQ có thể đưa ra… Tôi nghĩ tiến trình phân xử để hoàn tất vụ kiện sau khi Philippines nộp biên bản biện hộ có thể mất 6-12 tháng.


Chính xác thì lập luận pháp lý của Philippines trong vụ kiện này là gì?


Các lập luận cốt lõi của Philippines như sau:


- Đường chín đoạn trái với luật pháp quốc tế như trong UNCLOS và không thể hiện các đặc quyền biển của TQ giới hạn trong lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở.


- Philippines cũng như TQ và các quốc gia ven biển khác ở biển Đông có các đặc quyền ở vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.


- Bãi cạn Scarborough chỉ là đá. Như định nghĩa trong mục 121 của UNCLOS, thực thể địa lý ở biển là đá chỉ được hưởng đặc quyền về lãnh hải chứ không được hưởng đặc quyền về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vì vậy vùng nước ngoài 12 hải lý tính từ bãi cạn (trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển đảo Luzon của Philippines) đều thuộc đặc quyền của Philippines chứ không phải của TQ.


- Trong tám thực thể địa lý ở biển Đông TQ đang chiếm giữ có năm thực thể địa lý là bãi đá ngầm hoặc chỉ là phần nổi khi thủy triều xuống không được hưởng đặc quyền biển nào. Ba thực thể còn lại là đá chỉ được hưởng quyền lãnh hải 12 hải lý. Tóm lại, các đặc quyền về biển của TQ ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này ở biển Đông rất hạn chế.


Ai sẽ đại diện cho TQ tại tòa án trọng tài quốc tế?


Các trọng tài quốc tế họ sẽ xem xét các bản đồ, hải đồ và các nghiên cứu học thuật về các thực thể đảo mà Philippines đưa ra. Họ có thể thuê các chuyên gia để tư vấn. Họ cũng sẽ xem xét các luật, nghị định, tuyên bố và giải thích của TQ về đường chín đoạn cũng như các tuyên bố về chủ quyền biển của TQ ở biển Đông.


Nếu TQ phớt lờ phán quyết bất lợi cho họ thì sao?


Trong hơn 95% các vụ kiện trước các tòa án quốc tế, các nước đều tuân thủ phán quyết dù không hài lòng. Có ít nhất hai lý do để các nước phải tuân thủ. Thứ nhất là uy tín và ảnh hưởng kèm theo. Thứ hai là các nước hiểu rằng tồn tại trong một hệ thống dựa trên các quy tắc sẽ có lợi cho họ. Trong trường hợp TQ, chúng tôi nhận thấy đây là một cường quốc đang mong muốn mở rộng ảnh hưởng ra quốc tế… Hãy nghĩ đến lợi ích kinh tế mang lại cho các nước giàu và quyền lực trong khu vực nếu tranh chấp này được giải quyết và việc đầu tư khai khác tài nguyên ở biển Đông được tiến hành.


















Luật sư Paul Reichler (ảnh) chuyên về công pháp quốc tế. Ông đã dành nhiều thời gian bảo vệ các nước nhỏ trong các vụ kiện chống lại các nước lớn như đại diện cho Nicaragua, Grudia, Mauritius, Bangladesh kiện Mỹ, Nga, Anh và Ấn Độ.


Trong thập niên 1980, ông có chiến thắng vang dội đầu tiên khi Tòa án Công lý Quốc tế ở Hà Lan phán quyết Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế khi hỗ trợ cho quân nổi dậy lật đổ chính phủ cánh tả ở Nicaragua.



theo PHAPLUATTP






Starbucks kiện cà phê vỉa hè nhái nhãn hiệu

Starbucks kiện cà phê vỉa hè nhái nhãn hiệu

Starbucks kiện cà phê vỉa hè nhái nhãn hiệu


SGTT.VN - Ông chủ của Starbucks, thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới đã đâm đơn kiện một người bán hàng rong ở Bangkok, Thái Lan vì nhái nhãn hiệu của mình. Starbucks kiện tòa sở hữu trí tuệ và cả hình sự để đòi người bán hàng rong bồi thường 300.000 baht (200 triệu đồng) cộng với tiền lãi là 7,5%.










Một quán cà phê Starbucks ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Leolaksi



Người bán hàng rong có tên là Damrong Maslae, tên thường gọi là Bung. Ông Damrong đặt tên cho quán cà phê vỉa hè của mình là Starbung. Nhìn logo Starbung không khác Starbucks với hình ảnh và phông nền màu xanh lá cây đặc trưng của Starbucks. Ông Damrong cùng với người em bắt đầu kinh doanh và sử dụng logo Starbung từ năm 2012 ở khu Ban Phra Arthit. Hãng Starbucks chính thức gửi thư yêu cầu ông Damrong chấm dứt sử dụng logo nói trên vì vi phạm bản quyền của hãng.


Tuy nhiên, ông Damrong không trả lời thư yêu cầu của Starbucks mà còn đòi ngược lại, Starbucks phải trả 3 triệu baht (2,1 tỉ đồng) cho ông. Damrong giải thích rằng đó là chi phí bán thương hiệu Starbung cho Starbucks. Ông chủ Starbucks không chịu được gã bán hàng rong “ngông cuồng” này đã đâm đơn kiện và đòi bắt 2 anh em nhà Damrong. Dự kiến đầu tháng tới tòa sẽ đem vụ này ra xử. Đây là vụ án hiếm thấy giữa một nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với quán hàng rong.


TNO






Lịch sử tiến hóa của loài người "có thể được viết lại"

Lịch sử tiến hóa của loài người "có thể được viết lại"

Lịch sử tiến hóa của loài người "có thể được viết lại"


SGTT.VN - Chiếc sọ 1,8 triệu năm tuổi được phát hiện tại Georgia có thể sẽ khiến các chuyên gia đánh giá lại toàn bộ quá trình tiến hóa của nhân loại.


Ngày 18.10, Bảo tàng quốc gia Georgia lần đầu tiên trưng bày chiếc sọ được đặt tên là Sọ 5, đồng thời công bố những phát hiện chấn động giới nhân chủng học và cổ sinh vật học. Khi được phát hiện hồi năm 2005 tại thị trấn Dmasini, cách thủ đô Tbilisi 100 km về phía tây nam, Sọ 5 cũng đã gây xôn xao vì đây là “chiếc sọ còn nguyên vẹn nhất của vượn người nguyên thủy từng được tìm thấy”, AFP dẫn lời Giám đốc Bảo tàng quốc gia Georgia David Lordkipanidze cho biết. Sau 8 năm miệt mài nghiên cứu, một đội chuyên gia quốc tế tuyên bố ý nghĩa và tác động của Sọ 5 còn lớn hơn nhiều và “có thể chúng ta phải viết lại toàn bộ lịch sử tiến hóa của loài người”.










Giám đốc Lordkipanidze khoe Sọ 5 với các phóng viên ngày 18.10. Ảnh: AFP



Phần xương hàm của Sọ 5 đã được đội của ông Lordkipanidze phát hiện từ năm 2000 bên dưới một di tích pháo đài từ thời trung cổ ở Dmasini. Đến năm 2005, vị giám đốc này “mừng như điên” khi phần hàm và phần sọ ráp đúng lại với nhau, chứng tỏ chúng là của cùng một cá thể. Khi đó, các chuyên gia tạm xếp cá thể này vào một loài mới và đặt tên là Homo Georgicus. Theo chuyên san Science, đây là một cá thể đực trưởng thành, cao khoảng 1,5 m và có thể đã chết do đánh nhau với một con vật ăn thịt hung hãn nào đó, bằng chứng là phần xương hàm “bị tát rời ra”.


Sau khi so sánh Sọ 5 với một số mảnh xương sọ của những cá thể khác được tìm thấy gần đó, các chuyên gia phát hiện rằng tuy có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng tất cả đều thuộc một loài và rất gần với loài Homo Erectus (người đứng thẳng), vốn được xem là một tổ tiên trực hệ của loài người hiện đại (Homo Sapines). Từ đó, Lordkipanidze và các đồng nghiệp kết luận rằng cây gia phả của chi người (chi Homo) không có nhiều nhánh như từ trước nay vẫn tưởng. Sự tiến hóa không quá đa dạng và phức tạp khi những nhóm được cho là các loài khác nhau thật ra đều thuộc Homo Erectus với những đặc điểm khác nhau. Và vì thế những loài như Homo Rudofelsis, Homo Ergaster thậm chí cả Homo Habilis (người khéo léo, được cho là loài đầu tiên của chi người) đều sẽ bị xóa tên. “So sánh Sọ 5 cùng các mảnh xương ở Dmasini với những gì tìm thấy ở châu Phi, chúng tôi phát hiện nhiều điểm tương đồng. Sự khác nhau chỉ là giữa những cá thể và không đủ để phân thành loài riêng. Có thể đưa ra kết luận là tất cả đều thuộc Homo Erectus”, tờ The New York Times dẫn lời Giáo sư Christoph Zolikofer thuộc ĐH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết. Giám đốc Lordkipanidze thì nói với các phóng viên trong buổi công bố hôm qua rằng: “Tôi với các anh có giống gì nhau đâu nhưng chúng ta đều thuộc một loài đấy thôi”.


Bên cạnh đó, các chuyên gia còn kết luận rằng “cá thể Sọ 5 và những người bạn” có bộ não khá nhỏ, chỉ khoảng 1/3 so với loài người hiện đại nhưng các chi đã tiến hóa gần với con cháu hiện nay: chân dài hơn để đứng thẳng hơn và hông nhỏ hơn. Điều này chứng tỏ rằng trái với những kết luận bao lâu nay, tổ tiên của loài người không cần phải có não quá phát triển để có thể từ châu Phi di cư lên phương bắc rồi tỏa ra khắp thế giới.


Từ những dữ kiện trên, các chuyên gia của Bảo tàng quốc gia Georgia khẳng định Sọ 5 là một trong những phát hiện vĩ đại trong lịch sử ngành cổ sinh vật học và nhân chủng học. Họ cũng đổi tên từ Homo Georgicus thành Homo Erectus Ergaster Georgicus để cho thấy đây không phải là loài mới.


Sọ 5 hiện nay được cất giữ tại một phòng đặc biệt trong bảo tàng và trước mặt các phóng viên hôm qua, Giám đốc Lordkipanidze mang găng tay trắng “vuốt ve chiếc sọ một cách vô cùng nâng niu”, theo mô tả của AFP.


Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những kết luận trên. “Tôi nghĩ họ đã lầm. Sọ 5 rõ ràng thuộc một loài mới chưa hề được biết đến. Không hiểu sao họ lại không chấp nhận và còn “thô thiển hóa” quá trình tiến hóa”, AFP dẫn lời chuyên gia Bernard Wood của ĐH George Washington (Mỹ) nói. Giáo sư Lee Berger thuộc ĐH Witwatersrand (Nam Phi) cũng cho rằng còn thiếu nhiều bằng chứng để vội vàng đưa ra kết luận. “Cứ mỗi lần ai đó nói “Tôi tìm ra rồi” thì thường họ đều sai lầm”, ông Berger nói.


Theo Thanh Niên






Hơn 3.000 tỉ đồng xây dựng cầu Cao Lãnh

Hơn 3.000 tỉ đồng xây dựng cầu Cao Lãnh

Hơn 3.000 tỉ đồng xây dựng cầu Cao Lãnh


SGTT.VN - Sáng 19.10, tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh với sự tham dự của ngài Thượng nghị Sĩ Brett Mason - Quốc Vụ Khanh phụ trách ngoại giao của Chính phủ Úc và đại diện ADB tại Đông Nam Á.


Đây là cây cầu lớn và hiện đại thứ hai sau cầu Vàm Cống và cũng là 1 trong 3 cầu vượt sông thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông.










Khởi công dự án cầu Cao Lãnh có nguồn vốn 3.000 tỉ đồng.



Cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền tại TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp, được khởi công với tổng giá trị xây dựng lên đến 145 triệu USD (tương đương 3.037 tỉ đồng) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Việt Nam.


Dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM - Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh nhà thầu xây dựng thuộc Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C Việt Nam.


Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 2 km (trong đó phần chính vượt sông dạng dây văng dài 650 m, phần cầu dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực nằm ở đôi bờ sông Tiền thuộc TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò với có tổng chiều dài 1.434 m). Mặt cầu rộng 24,5 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Vận tốc thiết kế tương đương 80 km/giờ.


Dự kiến, cầu hoàn thành vào năm 2017 và phục vụ 170.000 lượt hành khách qua lại mỗi ngày.


D.Th






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ