Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Nintendo lên tiếng về vụ Flappy Bird

Nintendo lên tiếng về vụ Flappy Bird

Nintendo lên tiếng về vụ Flappy Bird


SGTT.VN - Hãng sản xuất game hàng đầu thế giới Nintendo ngày 10.2 đã lần đầu lên tiếng về trò game di động đang gây sốt trên toàn thế giới Flappy Bird của .GEARS studio, sau khi có một số ý kiến cho rằng tác giả đã sử dụng hình đồ họa từ trò Super Mario đình đám của Nintendo, cụ thể là hình ống nước.


Trả lời phỏng vấn AFP, người phát ngôn của Nintendo nói rằng “công ty chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ hành động gì vào thời điểm hiện tại.”










Biếm họa của trang CNet về tin đồn Flappy Bird chịu ảnh hưởng từ đồ họa ống nước từ Super Mario của Nintendo. Ảnh: CNet



Bình luận về những tin đồn rằng Flappy Bird có thể dính tới rắc rối về mặt pháp lý, một số chuyên gia công nghệ nói rằng những điều này là vô căn cứ; chuyện "kế thừa" hay chịu ảnh hưởng từ một trò game đi trước là chuyện phổ biến trong làng game thế giới.


Trước đó, rạng sáng ngày 10/2 theo giờ Việt Nam, tác giả của Flappy Bird, nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông đã rút trò game gây sốt này khỏi App Store và Google Play, cho dù “chim mặt ngu” vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng cài đặt miễn phí.


Trên Twitter của mình hôm 9.2 (tài khoản @dongatory), Đông cho biết “báo giới đã quan tâm quá mức tới trò game” và điều đó đã gây quá nhiều phiền toái cho anh.


Hãng AFP dẫn lời một số nhân vật trong giới công nghệ đồn đoán rằng hành động của Đông có thể là “một trò PR, hoặc chịu sức ép về mặt pháp lý, hay có thể là mệt mỏi vì bị báo giới làm phiền.”


Nhưng một số chuyên gia khác thì cho rằng thành công của Đông, dù có may mắn hay gì đi chăng nữa, thì cũng sẽ truyền cảm hứng cho ngành công nghệ còn non trẻ của Việt Nam.


Theo TTXVN






Đi bộ ven sông San Antonio

Đi bộ ven sông San Antonio

Đi bộ ven sông San Antonio


SGTT.VN - Nổi tiếng hàng đầu trong các điểm du lịch tại vùng Texas, Hoa Kỳ là tour đến chơi thành phố San Antonio, cách 300km về phía tây của Houston. Và điểm nhấn quan trọng nhất là điểm tham quan “Riverwalk San Antonio” (tuyến đi bộ ven sông San Antonio). Trong các chương trình đào tạo kiến trúc sư tại Hoa Kỳ, cảnh quan dòng sông San Antonio được đưa vào để giảng dạy cho các sinh viên kiến trúc như là một ví dụ, với rất nhiều những lý thuyết liên quan đến nó. Nào là quy hoạch ven sông, kiến trúc cảnh quan, bảo tồn, kỹ thuật hạ tầng đô thị v.v.










Ngoài tuyến đi bộ, du khách có thể ngồi trên thuyền để đi suốt tuyến du lịch chính với sự thuyết minh về lịch sử dòng sông San Antonio.



Bất cứ du khách nào, nhất là giới kiến trúc sư sẽ đều bất ngờ khi lần đầu tiên đặt chân đến khu vực này bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó trong lòng một đô thị nhộn nhịp. Nằm dưới cốt đường đô thị khoảng 5m là một dòng sông không lớn, bề ngang khoảng 10m, sâu chỉ khoảng 1,6m dọc tuyến đi bộ nhưng uốn lượn quanh một khu vực được khai thác cho du lịch khoảng 20km (trong tổng chiều dài 386km). Thực ra du khách chỉ tập trung sinh hoạt ở một đoạn sông khoảng 2km dọc hai bên bờ một đoạn sông với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, khu thương mại bên trên. Từ mặt đường của đô thị cổ San Antonio, người ta đi xuống từ những chiếc cầu ximăng để tham gia vào sinh hoạt của Riverwalk San Antonio một cách dễ dàng. Mọi ngóc ngách của lối đi hai bên dòng sông này đều được chăm sóc rất kỹ càng trong thiết kế, đưa du khách đi từ cảnh quan này sang cảnh quan khác một cách tự nhiên. Điều tôi tâm đắc là những cảnh quan ở đây được sắp xếp một cách ngẫu nhiên như là tự phát vậy. Các hàng quán nhô ra thụt vào nhưng vẫn hợp lý sao cho không gian giao tiếp giữa công trình, dòng sông và người đi bộ thật sự thân thiện.


Đô thị cổ San Antonio được hình thành từ những năm cuối của 1600. Đó là một lịch sử đấu tranh giữa người da đỏ, người Mexico, Tây Ban Nha, người Anh và sau này có cả người Đức. Do đó sự pha trộn văn hoá khác nhau đã tạo cho đô thị San Antonio trở thành một vùng đất rất phong phú về công trình và thú vui du lịch. Nói nôm na là ta có thể uống bia Đức và ngắm ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha và nói tiếng Anh.


Điều đáng nói ở đây là nỗ lực của chính quyền đô thị trong việc biến dòng sông San Antonio thường xuyên ngập lụt trở thành một điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất vùng Texas. Người ta quan tâm đến việc chăm sóc dòng sông San Antonio từ năm 1937 bằng sự khởi đầu dựng nên “Chính quyền đô thị sông San Antonio”.















Đặc điểm của tuyến đi bộ ven sông này là hệ thống cây xanh lâu đời, được chăm sóc cẩn thận.



KTS Hugman là người đầu tiên vạch ra quy hoạch chung cho dòng sông này và việc xây dựng cảnh quan cho dòng sông bắt đầu từ năm 1939. Từ đó đến nay hàng loạt các công trình lớn như khách sạn Marriott, Hyatt Regency hotel, Casino mọc lên dọc theo đây như nấm. Hàng năm, người ta tổ chức các lễ hội Carnival khiến cho phố xá quanh dòng sông ngày càng được sầm uất.


Những nỗ lực tôn tạo dòng sông kéo dài từ đó đến cuối năm nay, 2013, mới hoàn tất, trong đó đáng nói là dự án “San Antonio River Improvement Project – SARIP” với kinh phí 358 triệu đôla Mỹ. Dự án này bao gồm việc xây dựng hệ thống chống lụt bằng cách xây dựng một đường cống có kích thước đường kính hơn 5m nằm ngầm bên dưới dòng sông và kế hoạch phát triển 24km cảnh quan dòng sông với các công viên và khu vực đô thị mới. Trong dự án này tham gia không phải chỉ có chính quyền đô thị San Antonio, quận Baxar, mà còn có cả quân đội, các tổ chức tư nhân phi lợi nhuận dưới sự giám sát và hoạch định kế hoạch của một hội đồng 22 người. Mỗi nhóm đóng góp một khía cạnh như tài chính, thiết kế, vận hành và duy tu.


Với cảm nhận của một kiến trúc sư, tôi nhận ra Riverwalk San Antonio là kết quả của nhận thức về những gì mình đang có của chính quyền đô thị, khả năng định hướng xa và trình độ tổ chức của họ. Và khi nghĩ đến cảnh quan sông nước trong thành phố của ta, ta hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng của nó để biến những gì mình đang có trở thành điểm rất riêng.


KTS DƯƠNG HỒNG HIẾN (Ghi nhận và biên khảo)


















So sánh với Riverwalk San Antonio, các dòng kênh của TP.HCM ta đang bị bó lại đều đặn bởi các kè bêtông thẳng đứng cùng với các hàng lan can giống nhau y hệt chạy vòng quanh 17km. Cảnh quan đã được cố gắng đưa vào nhưng chỉ giúp “làm sạch” hai bờ kênh. Điều đáng xem xét là chạy vòng quanh các con kênh là hai tuyến đường xe với tốc độ trung bình 30 – 40km/giờ, không có chỗ tấp vào, đã làm cho những bờ kênh chỉ còn là một “khoảng trống” bởi mặt nước nằm sâu bên dưới không thấy được từ người đi xe. Hai con đường này chỉ nên ở phía sau lưng của các dãy phố ven sông hiện tại, để khoảng đất trống phía trước đó tạo nên những công trình có thể tiếp cận dòng kênh với những lối đi bộ nối nhau. Lẽ ra phải có một tầm nhìn định hướng xa hơn cho những cảnh quan sông nước của thành phố chúng ta sau những nỗ lực làm sạch các dòng kênh trong thành phố trong những năm vừa qua.











Từ trên đường phố cổ San Antonio, du khách có thể bước xuống con đường đi bộ dọc sông San Antonio để tham gia sinh hoạt của tuyến đi bộ ven sông bằng những cầu thang bêtông.














Hàng quán với bàn ghế kê dọc theo lối đi hai bên bờ sông luôn tạo cảm giác mời mọc khách dừng chân.







“Nghệ thuật mới” trong không gian cũ

“Nghệ thuật mới” trong không gian cũ









Mảng trang trí vòm trần bằng mảnh ghép theo phong cách Mosaic ở Blackfriar.



“Nghệ thuật mới” trong không gian cũ


SGTT.VN - Không gian ấy đã hơn 100 năm tồn tại, toạ lạc ở số 174 đường Queen Victoria, London, nay trở thành một quán bia có tên trong danh sách những kiến trúc bar cổ đẹp nhất ở London. Đây là điểm đến thú vị để chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc “nghệ thuật mới” Art Nouveau – một phong cách đối nghịch với trường phái hàn lâm ở thế kỷ 19.


Ra khỏi ga tàu Blackfriar, ngôi nhà ba tầng ở số 174 với vẻ ngoài chẳng có gì đặc biệt đến nỗi gây ấn tượng, ngoài kiến trúc hình dẹp ngay góc đường và bức tượng vị tu sĩ dòng Đa Minh (Dominico) mặc áo chùng thâm đứng biểu hiện thái độ khiêm cung ngay trên số nhà được thể hiện bằng nghệ thuật ghép mảnh lên tường theo phong cách Mosaic. Các mảng bancông bao quanh tầng được trang trí với những hàng rào làm bằng sắt mỹ nghệ uốn, nét quen thuộc trong lối trang trí các bancông ở đầu thế kỷ 20, giống với rất nhiều những toà nhà khác được xây dựng dưới thời Victoria, Anh Quốc.


Được cho rằng xây nên vào khoảng năm 1875 trong khuôn viên của một tu viện Đa Minh có từ 1279 – 1539, toà nhà này sau đó đã qua rất nhiều lần tôn tạo, chỉnh sửa và tu bổ ở các thời điểm 1903, 1905, 1914, 1925, và nay trở thành một quán bia độc đáo ở London không chỉ bởi câu chuyện hình thành nên ngôi nhà này, mà điểm nổi bật chính là lối thiết kế kiến trúc, cùng những mảng trang trí nội thất là sự phối hợp hoàn hảo nhiều phong cách nghệ thuật, tạo hình, cách tân… tôn lên tối đa vẻ đẹp của các giá trị nghệ thuật thủ công và kiến trúc ở thế kỷ 19.


Blackfriar – (thầy tu màu đen) tên gọi toà nhà, gợi cho người ta có hình dung về nơi chốn của các tu sĩ hơn là không gian một quán bia. Ngoại thất của Blackfriar không mấy làm nổi bật và thật khó để khách bộ hành có thể hình dung những gì độc đáo và hấp dẫn hơn đang ẩn chứa ở phần nội thất, nơi mà phong cách “nghệ thuật mới” được biểu lộ rõ nét bằng ngôn ngữ thiết kế và trang trí. Trong tổng số 7.000 quán bia tại London, lối trang trí phổ biến ở các quán dễ khiến người ta nhắm mắt cũng đủ hình dung ngay về một nơi rộn ràng bia bọt. Riêng ở Blackfriar, dù đã yên vị trên ghế ngồi, gọi một ly bia, nhưng khi nhìn vào tổng thể nội thất, gợi cho người ta đang ở trong một kiến trúc thánh đường công giáo hoặc một nhà nguyện nào đó chứ hoàn toàn không phải đang ở trong không gian bia bọt.
















Các cửa vòm kết nối không gian, hình tượng tu sĩ gánh đèn treo, các mảng điêu khắc đời sống tu sĩ thường nhật giống như không gian một nhà nguyện hơn là quán bia.



Sự đánh lừa cảm xúc tài tình ấy được những tên tuổi nổi tiếng của làng kiến trúc, điêu khắc và thiết kế ở thế kỷ 19 ở London tạo nên, ấy là Nathaniel Hitch người thực hiện các công đoạn xây dựng, cùng với việc sử dụng chất liệu đá, gỗ để trang trí nội ngoại thất, Frederick Callcott tạo ra các bức phù điêu thể hiện lại cuộc sống thường nhật của các tu sĩ Đa Minh bằng chất liệu đồng. Các bức phù điêu này được làm ra trước 1925 bởi đó cũng là năm mất của nhà điêu khắc tài ba Callcott. Các mảng trang trí khác trong nội thất được Henry Poole đảm trách. Tất cả các mảng miếng ấy kết hợp lại, để hình thành một không gian Blackfriar đậm chất “nghệ thuật mới”, từng một thời đình đám, nổi tiếng ở London và lan rộng ra cả châu Âu.


Blackfriar cũng nổi tiếng với dòng bia Cask Ale (một loại bia tươi được cho lên men theo kiểu truyền thống), nhưng lý do khiến dân kiến trúc, du khách, và cả những người đam mê tìm hiểu về văn hoá, lịch sử khi đến du ngoạn London thường tìm tới, chính là không gian nội thất của Blackfriar.


Ở đây, mỗi mảng tường là một câu chuyện thú vị về đời sống thường nhật của các tu sĩ trong chiếc áo chùng thâm quen thuộc. Đó là giờ phút chơi nhạc cụ của mảng điêu khắc phía trên lò sưởi, đến buổi thu hoạch nho, táo trong vườn tu viện trong bức điêu khắc có tên hẳn hoi là “Chiều thứ bảy”, đến cảnh luộc trứng, làm cá, làm lươn, chuẩn bị cho bữa ăn thường ngày. Tất cả các mảng màu khác biệt, lô xô, đan xen, phối ngẫu với nhau, từ nền trắng ngả kem cũ kỹ của lớp đá cẩm thạch đã hơn 100 năm tuổi, màu đồng đỏ của các mảng điêu khắc, hoà cùng sự mốc thếch với gam màu trầm của bàn ghế, lớp thảm lót sàn nhà, cùng chi tiết của các mảng ghép trang trí theo lối mosaic đã tạo nên một tổng thể không gian khác biệt và độc đáo ở Blackfriar.


Tách biệt với khu vực quầy bar và lò sưởi là ba cửa vòm dẫn vào một không gian nhỏ gọn khác rất giống với kiến trúc nhà nguyện, có vòm cong ở phần trần nhà, không gian này được thêm vào ở thời điểm khoảng chiến tranh thế giới thứ nhất. Ở đây, nghệ thuật mảnh ghép được tận dụng tối đa trong trang trí vòm trần, ngoài đường nét hình hoạ là các câu châm ngôn vui vui kiểu như “lộng lẫy là dại dột” (finery is foolery), “nhanh là chậm” (haste is slow), ngay cả các chi tiết đèn treo trang trí cũng là sự biến tấu thú vị thông qua hình ảnh các thầy tu gánh đèn trên vai.


Dù đã rất cũ so với tuổi, nhưng Blackfriar vẫn mãi được gọi là không gian của “nghệ thuật mới” nơi vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật trang trí thủ công thăng hoa.


bài và ảnh: nguyễn đình










Ảnh trên và dưới Sự kết hợp các chất liệu trong trang trí nội thất của Blackfriar từ đá, gỗ, đồng, thuỷ tinh màu... mang phong cách “nghệ thuật mới” khiến cho Blakfriar trở thành một không gian kiến trúc độc đáo mang vẻ đẹp vượt thời gian.











Ảnh trên và dưới Các chi tiết trang trí và không gian ngoại thất mang phong cách “nghệ thuật mới” của toà nhà Blackfriar, 174 đường Queen Victoria, London.















Mong những dòng kênh mãi mãi xanh

Mong những dòng kênh mãi mãi xanh

Mong những dòng kênh mãi mãi xanh


SGTT.VN - 20 năm trước. Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, tôi sợ những dòng kênh của mảnh đất này. Nước đen quánh. Mùi thối nồng nặc. Có lúc thầm nghĩ vì những nét “đặc trưng” này mà không thể tồn tại được. Nhưng số phận đã đun đủi, để chấp nhận, để chứng kiến những dòng kênh đổi màu…










Có những dòng kênh nước đã xanh hơn. Hai bên bờ đã có những con đường dạo mát.



1. Năm thứ nhất của đại học Tổng hợp TP.HCM, tôi ở Thủ Đức nên chưa có cảm giác sợ hãi dù đôi lần đã đi ngang qua kênh Nhiêu Lộc bị mùi hôi chặn ngang mũi. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là khi Thân, một người bạn, dân Quảng Ngãi bán hủ tíu rủ về nhà trọ chơi. Lòng vòng qua bao nhiêu hẻm không rõ, Thân dừng lại một ngôi nhà ven kênh Nhiêu Lộc, thuộc quận Phú Nhuận.


Trên đường đi, mùi thum thủm đã xộc vào mũi nhưng nhờ gió mà cảm xúc tiêu cực về không gian sống của cư dân chưa hiển hiện rõ. Đến khi Thân mở cửa, cảm xúc ấy đã thành hình rõ nét. Chênh vênh trên dòng kênh, sàn lợp ván nên nhìn thấy dòng nước đen ngòm chảy dưới chân. Thân mở cửa sổ cho thoáng. Mùi hôi tràn đầy ngôi nhà. Tôi bảo đóng cửa, hôi quá, chịu không nổi. Thân cười: “Vậy là anh không sống được ở Sài Gòn rồi. Ban đầu em chịu không nổi, thuê cứ thuê chỉ để có chổ tắm rửa, còn ngủ tìm chỗ khác. Nhiều lúc thúi đến đau đầu… Nhưng bây giờ quen rồi”. Thân lui cui vừa nấu cơm vừa nói chuyện. Bữa cơm nghèo được dọn ra. Cái bụng đói kinh niên của sinh viên cứ réo trước cơm nóng, canh nóng mà cái miệng không muốn ăn. Lùa được vài đũa, tôi đặt chén xuống, chạy vào cái toilet tạm bợ bằng vài miếng cót tre, ói ra hết. Chắc là do cảm xúc mà thành. Vẫn mùi hôi đặc sệt đó mà… Tôi nói với Thân thật lòng: “Ăn trong cái mùi này không nuốt nổi”. Có lẽ Thân hiểu nên cất mâm cơm, đóng cửa, chở tôi đến quán cơm bình dân trước cổng trường Tổng hợp. Trong bữa ăn tôi nói với Thân: “Học xong tao về. Sống thế này khổ quá”. “Thì anh đừng mua nhà gần kênh. Mua xa xa”, Thân cười. “Tao không có tiền để mua nhà. Mà thôi, về”, tôi nói “chắc như bắp”.


Từ đó tôi không bao giờ đến nhà Thân nữa, hoặc là Thân đến ký túc xá, hoặc là tôi ghé lại chỗ Thân đậu xe hủ tíu trên đường Lê Văn Sỹ… Sau này không ít lần tôi đi dọc theo dòng kênh Nhiêu Lộc hay Tàu Hủ, lại nhớ cái mùi ấy. Và không ngoa, mùi ấy còn vương vấn đến tận bây giờ…


2. 1997, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, tìm được việc làm, vậy là quyết định ở lại Sài Gòn mà quên mất lời thề với Thân (không biết bây giờ cậu ấy sống ở đâu). Hình như năm 1998, TP.HCM giải toả những ngôi nhà trên kênh Nhiêu Lộc. Dòng kênh Nhiêu Lộc lúc này thoáng hơn nhưng mùi hôi thúi, nhất là những khi nước ròng… vẫn còn nguyên vẹn! Tôi kính phục sự chịu đựng của những người dân sống ven kênh. Vì nghèo mà chịu, nào ai muốn suốt ngày suốt đêm hít cái mùi ấy.


Năm 2002, tôi được tháp tùng các nhà khoa học của Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.HCM khảo sát sông Sài Gòn khi dòng sông này bị nhiễm mùi như các dòng kênh nội đô. Từ cảng Cát Lái, chiếc canô lướt nhanh nên chẳng nghe mùi nhưng khi chạy vào kênh Tàu Hủ, chiếc canô chạy chậm lại trong dòng nước đen ngòm, mùi hôi thúi nồng nặc. TS D.H.S. của hội Sinh học chịu không nổi, ói xuống kinh. TS Lê Văn Triết cười: “Vậy là kênh Tàu Hủ tăng ô nhiễm vì bà”. Nhiều nhà khoa học phải đứng dậy để hứng gió như muốn giảm bớt mùi hôi “có một không hai này”. Cũng là lời TS Triết, phải làm sao để giảm bớt mùi hôi này để cho dân bớt khổ. Tôi nhớ mãi câu nói của vị tiến sĩ già này: “Nếu mấy ổng không làm thì đưa mấy ổng xuống đây sống một tuần thử có chịu nổi không?”. Sau đó mấy tháng, khi Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.HCM đảm nhận vai trò phản biện cho dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, trong đó có vấn đề lựa chọn kỹ thuật tiêu thoát, xử lý cho các dòng kênh Tàu Hủ, Nhiêu Lộc… những phát biểu thẳng thắn của TS Lê Văn Triết, TS Trương Đình Hiển… đã làm mắt TS Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là phó chủ tịch UBND TP.HCM (nay là chủ tịch UBMTTQ Việt Nam) hoe đỏ, mà sau này nhắc lại, không ai giải mã vì sao như vậy!


3. Tính đến nay, Tàu Hủ đã “mất” hơn 12.000 tỉ đồng. Còn Nhiêu Lộc, chỉ riêng giai đoạn 1 đã tiêu hết 256 triệu đôla Mỹ, còn giai đoạn 2 dự tính tiêu thêm 478 triệu đôla Mỹ. Trầy trật mãi. Chờ đợi mãi. Tốn cả núi tiền. Phải gần chục năm sau, những dòng kênh đen mới đổi màu. Nước đã xanh hơn, trong hơn. Trên kênh Tàu Hủ, khi chiều về, người dân tập hợp “vui như hội”. Kẻ câu cá. Người đua canô mô hình. Tiếng động cơ vang dậy một đoạn kênh, kèm theo tiếng hét, tiếng cười của khách xem. Còn tết về, bến Bình Đông rực rỡ sắc màu của những chiếc ghe chở mai, cúc, vạn thọ từ miền Tây lên. Dòng kênh Nhiêu Lộc đã giảm mùi hôi, có lúc còn “thoang thoảng”. Đôi lúc bắt gặp bọn trẻ con tắm trên dòng kênh này. Hai bờ kênh giờ đã có đường cho xe chạy, có công viên để người dân dạo mát buổi chiều, tập thể dục buổi sáng… Cuộc sống của người dân ven kênh giờ đã sướng hơn, ít nhất là không còn bị cái mùi kinh khủng tra tấn, đày đoạ như trước.


Nhưng dù tốn cả chục ngàn tỉ đồng mà không hiểu tại sao hơn hai chục cây cầu nối liền hai bờ kênh Nhiêu Lộc lại thấp lè tè. Sao không cao hơn một chút để còn khai thác du lịch trên dòng kênh xanh, nhiều người đã đặt ra câu hỏi đó nhưng không có ai trả lời một cách thấu đáo. Mà thôi, dù tiếc nhưng có thêm ít tiền cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền đã bỏ ra. Chỉ mong sao, dòng kênh từ nay mãi xanh, mãi trong…


Bài: minh phúc - ảnh: NGUYỄN ĐÌNH






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ