Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Nước – vật liệu đặc biệt

Nước – vật liệu đặc biệt

Nước – vật liệu đặc biệt


SGTT.VN - Khi nói tới sân vườn, ta thường nghĩ đến, nhắc đến các loại cây xanh, các loại hoa, cây cảnh; và các loại vật liệu dùng cho sân vườn, ngoại thất như các loại vật liệu thô mộc, vật liệu tự nhiên... Nhưng có một loại “vật liệu” rất đặc biệt và có vai trò rất lớn trong kiến trúc cảnh quan, trong trang trí ngoại thất, ở sân vườn. Đó là nước.











Ở những kiến trúc truyền thống dân gian xa xưa; nước đã có mặt trong công trình với nhiều vai trò và ý nghĩa trong mối quan hệ của môi trường thiên nhiên – xã hội với con người. Từ những thành phần đơn giản, tự nhiên như ao, hồ, sông, suối… được con người vận dụng, đưa vào những bình đồ tổng thể, tạo nên những giá trị quy hoạch, cảnh quan môi trường; cho tới các dạng công trình nước có thiết kế và ý đồ như hào thành, hồ, bể, giếng…; các loại mặt nước nhân tạo kết hợp cùng công trình kiến trúc. Tuy nhiên, trong những công trình truyền thống này, thì vật liệu nước hầu như chỉ là dạng nước tĩnh, nếu có chuyển động thì đó là dòng chảy tự nhiên và việc cấp – tiêu thoát hầu như cũng phụ thuộc vào tự nhiên. Mặt nước cùng cây xanh là những yếu tố âm để cân bằng âm – dương với công trình xây dựng. Những mặt nước, nơi chứa nước còn có ý nghĩa quan trọng khác – đó là phương tiện cứu hoả. Điều đó là rất cần thiết khi mà các công trình kiến trúc xưa đa phần được tạo dựng từ vật liệu gỗ.


Trong kiến trúc hiện đại, nước vẫn được vận dụng và là một loại vật liệu sáng giá; và được ứng dụng, kết hợp thêm nhiều công nghệ mới, thiết bị hiện đại, làm cho nước càng phát huy được thế mạnh vốn có. Nước có thể là một vật liệu thẩm mỹ, có thể đảm nhiệm vai trò công năng sử dụng, hoặc cả hai. Vật liệu nước có mặt trong công trình kiến trúc ở rất nhiều vị trí, với nhiều trạng thái, nhiều dạng thức kết hợp với các bộ phận, chi tiết kiến trúc. Nước (sạch) có tính chất trong suốt và không định hình nên có thể tạo cho nước nhiều màu sắc, hình dáng, bằng bộ phận kiến trúc – cấu kiện chứa đựng nó. Nước có thể tồn tại trong công trình kiến trúc ở dạng tĩnh (bể cảnh, mặt hồ…) kiểu truyền thống hoặc dạng động (dòng chảy, thác chảy, vòi phun, đài phun…) tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và cảm xúc đa dạng; cũng như tạo nên những môi trường vi khí hậu công trình linh hoạt có giá trị tích cực.


Nước có thể là một loại vật liệu đặc biệt, hỗ trợ, phụ hoạ cho công trình tốt hơn, đẹp hơn, sạch hơn, mát hơn... Nhưng cũng có những công trình mà vật liệu nước chính là cảm hứng sáng tạo của kiến trúc sư, và nước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên giá trị không gian và thẩm mỹ của kiến trúc. Ở đó, nếu thiếu nước, nói hơi ngoa một chút, thì công trình không còn giá trị.


Tuy vậy, trong bối cảnh thực tế nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm thì việc sử dụng nước sạch như một loại vật liệu để trang trí cần phải nghiên cứu tính hiệu quả trong vận hành và khả năng tuần hoàn, tái sử dụng; cũng như tận dụng các nguồn nước tự nhiên (nước mưa) để tránh lãng phí.


Bài và ảnh: Hà Thành






Phát động Hành động vì môi trường biển tại Bình Thuận

Phát động Hành động vì môi trường biển tại Bình Thuận

Phát động Hành động vì môi trường biển tại Bình Thuận


SGTT.VN - Vào ngày 25, 26.9, nhà thiết kế Võ Việt Chung, giám đốc dự án Blue Ocean World-Hành động vì môi trường biển và bà Ngô Thanh Loan, chủ tịch Bamboo Village sẽ bắt đầu triển khai dự án Blue Ocean World tại Phan Thiết, Bình Thuận. Đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, các doanh nghiệp địa phương và các đại sứ của quỹ Blue Ocean World sẽ gặp gỡ người dân ở các làng chài tỉnh Bình Thuận để tuyên truyền cho dự án.










Nhiếp ảnh: Philippe Liezi. Người mẫu: Diệu Hân - Đại sứ Blue Ocean World/Miss Asean. Trang phục trong bộ sưu tập Màu đại dương.



Trong hai ngày, dự án sẽ tổ chức các hoạt động để quảng bá cho kế hoạch Hành động vì môi trường biển bằng các hoạt động như dọn dẹp, làm sạch bãi biển, phát túi ni-lông phân hủy để bảo vệ môi trường, khuyến khích thả những sinh vật nhỏ về biển nhằm cân bằng sinh thái, không đánh bắt cá bằng chất hóa học và thuốc nổ…Trong dịp này, nhà thiết kế Võ Việt Chung sẽ giới thiệu bộ sưu tập mới nhất gồm 20 mẫu thiết kế mang tên “Màu đại dương”. Bộ sưu tập mang ý nghĩa và vẻ đẹp của biển cả với những cách điệu hình ảnh dưới lòng đại dương của san hô, sao biển, rong biển... Tất cả vẽ nên một bức tranh tổng thể mang màu xanh đại dương, không bị ô nhiễm- đây cũng chính là thông điệp mà nhà thiết kế gửi gắm đến tất cả mọi người.


Ngoài ra, trong chương trình triển khai dự án sẽ có các phần đấu giá các vật phẩm như áo dài, khăn choàng lãnh Mỹ A, guốc mộc Mặc Nưa kết ngọc trai Hoàng Gia, bộ trang sức cao cấp Prima Gold… Tất cả số tiền thu được sẽ được trích một phần vào quỹ Blue Ocean World.


Trâm Anh






Kềm Nghĩa tìm về thị trường nội địa

Kềm Nghĩa tìm về thị trường nội địa

Kềm Nghĩa tìm về thị trường nội địa


SGTT.VN - Sau hàng chục năm chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, ngày 22.9, công ty cổ phần Kềm Nghĩa bất ngờ tuyên bố sẽ mở rộng phát triển thị trường nội địa.


Mở đầu cho chiến dịch này, từ đầu năm 2013, Kềm Nghĩa đã liên tục thành lập hàng chục đại lý phân phố ở khu vực miền bắc, thị trường mà trước đây đơn vị này chưa chú trọng phát triển.










Cơ sở sản xuất của Kềm Nghĩa



Để đánh dấu cho sự kiện trên, từ nay đến hết ngày 31.11.2013, Kềm Nghĩa triển khai chương trình khuyến mãi “Mua Kềm Nghĩa tặng nước Sơn O’Beauty” tại tất cả các đại lý, cửa hàng phân phối Kềm Nghĩa trên toàn quốc. Thông qua chương trình này Kềm Nghĩa khuyến khích các tiệm chăm sóc móng và các khách hàng sử dụng kềm khi chăm sóc móng để bảo vệ sức khoẻ. Trong thời gian khuyến mãi khách hàng mua hai cây Kềm Nghĩa sẽ nhận được ngay một chai nước sơn O’Beauty, số lượng không giới hạn.


Theo khảo sát vào tháng 4.2013 của Kantar Worldpanel Việt Nam, các sản phẩm chăm sóc cá nhân tại thành thị tăng trưởng mạnh nhất, ở mức 15%. Song song đó, kết quả của nhiều cuộc khảo sát cho thấy Việt Nam hiện nay với hơn 90 triệu dân và doanh số tiêu thụ sản phẩm chăm sóc sức khỏe bình quân hàng tháng là 93.000 đ/người, tương đương với 1/12 của Nhật và 1/17 của Mỹ,do đó tiềm năng thị trường này là rất lớn.


Minh Trang






Sập nhà ở Sài Gòn, nhiều người tháo chạy

Sập nhà ở Sài Gòn, nhiều người tháo chạy

Sập nhà ở Sài Gòn, nhiều người tháo chạy


SGTT.VN - Sáng 21.9, sau tiếng "rắc, rắc" lớn, căn nhà 2 tầng trong hẻm 283 Bông Sao, sát rạch Hiệp Ân (quận 8, TP HCM) rung chuyển rồi đổ sụp, kéo theo 6 căn bên cạnh bị lún nứt. Hàng chục người hoảng loạn chạy ra ngoài.


Bà Phùng Thị Kim Con (54 tuổi, chủ nhà) cho biết, 8h30 sáng, bà bị bệnh và nằm trên lầu thì bất ngờ nghe "rắc, rắc" rất lớn. Liền sau đó căn nhà chuyển động và lún xuống. Người con trai Nguyễn Hoàng Vũ (27 tuổi) chạy vội đến, kéo mẹ chạy xuống, thoát ra ngoài. "Tôi chưa kịp lấy tài sản gì trong nhà hết. Thật kinh khủng", bà Con nói.










Hiện trường căn nhà sập. Ảnh: An Nhơn/ VNE



Chỉ trong tích tắc, nền căn nhà 2 tầng nằm sát rạch Hiệp Ân bị lún sâu, tường nứt toác. Cứ vài phút, căn nhà lại dịch chuyển, lún thêm và có khả năng đổ sập hoàn toàn. Tất cả đồ đạc trong nhà cũng bị dịch chuyển, đổ ngã. Tường 6 căn liền kề cũng bị nứt toác. Hàng chục người hoảng loạn tháo chạy ra ngoài và cũng chưa kịp lấy đồ đạc.


Toàn bộ khu vực nhanh chóng bị phong tỏa, mọi người được sơ tán khẩn cấp. Nhân viên điện lực Chợ Lớn cũng có mặt, cắt toàn bộ hệ thống điện. Lực lượng công ích quận 8, đội cứu hộ cứu nạn của sở Cảnh sát PCCC TP có mặt, di dời đồ đạc trong 7 căn nhà.


Ông Lê Ngọc Hải, bí thư phường 5 (quận 8) cho biết, trước mắt sẽ tháo dỡ toàn bộ 7 căn nhà bị ảnh hưởng. Trong thời gian chờ hướng giải quyết cụ thể, những hộ dân ở trong 7 căn nhà này sẽ được tìm nơi ở tạm.


"Đây là sự cố ngoài ý muốn. Các hộ ở đây đều là dân lao động nghèo, thuê trọ. Địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho mọi người", ông Hải khẳng định và cho biết từ trước giờ khu vực này không có sự cố nào tương tự.


Bà Con cho biết thêm, vợ chồng bà và hai con ở khu vực này đã gần 10 năm nhưng căn nhà bị sập là gia đình bà mới thuê của chị Phan Thị Đào 6 tháng trước với giá 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Hàng ngày bà bán hàng rong, còn chồng làm nghề xây dựng.


"Vài ngày nay căn nhà xuất hiện vết rạn nứt, tôi báo cho chủ nhà biết thì được bảo là 'đó là chuyện bình thường, cứ yên tâm ở'. Tối qua thấy căn nhà nứt rộng, tôi đã không dám ngủ nhưng không ngờ nó lại bị sập dữ vậy", bà Con nói.


theo Vnexpress






Ngày tê giác thế giới 22.9: Nhớ tê giác

Ngày tê giác thế giới 22.9: Nhớ tê giác

Ngày tê giác thế giới 22.9: Nhớ tê giác


SGTT.VN - "Sừng tê giác không thể hiện đẳng cấp cũng không phải là thần dược” là thông điệp được chia sẻ tại buổi họp báo hôm 20.9 nhân Ngày tê giác thế giới 22.9, cũng là những chia sẻ của đoàn đại biểu Việt Nam sau chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi vừa qua, hiểu hơn hậu quả của nạn săn bắn, buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia.


Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ châu Phi nhằm bảo vệ voi và tê giác, nhu cầu dường như vô tận về ngà voi và sừng tê giác ở châu Á đang đe doạ sự tồn tại của những loài vật kỳ diệu này.










Tê giác ở Vườn quốc gia Kruger Nam Phi.



Với những ai biết rằng con tê giác Java hoang dã duy nhất cuối cùng của nước ta phát hiện bị bắn chết thê thảm tháng 4.2010 - đúng vào năm Liên Hợp Quốc chọn là Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học (ĐDSH), đưa VN vào danh sách quốc gia không còn tê giác, thì ngày 22.9 hằng năm - Ngày Tê giác Thế giới cũng có thể xem là một ngày đượm những nỗi buồn, nỗi nhớ khi loài tê giác không còn ở nước ta nữa.


Cũng mới đây, buổi chiếu phim tư liệu "Cuộc chiến tranh săn bắt” về bảo vệ loài tê giác và voi trên thế giới gợi nhiều cảm xúc cho bất cứ ai. Bộ phim do ITV sản xuất, theo dấu chân của Tom Hardy - ngôi sao của bộ phim "Người Dơi”, đi qua Nam Phi, Botswana, Mozambique và Tanzania. Tại đó, Hardy đã phát hiện ra những chiến thuật tàn bạo được sử dụng để giết chết tê giác, voi để lấy sừng và ngà bởi những kẻ tội phạm, trong số đó có những người đến từ Việt Nam.


Sự tấn công vào những con tê giác khiến ĐDSH trên thế giới gánh chịu tổn thất không bao giờ có thể bù đắp được. Còn tại Việt Nam, từ câu chuyện tuyệt chủng tê giác vẫn đang lộ rõ lỗ hổng rất lớn về trách nhiệm trong cuộc chiến chống săn bắt trộm loài tê giác và chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã nói chung.


Hồi đó, cuối tháng 4.2010 khi phát hiện vụ việc tê giác Java Việt Nam cực kỳ quý hiếm chết tại VQG Cát Tiên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khẩn thiết đề nghị mở cuộc điều tra trên diện rộng. Giám đốc VQG này mạnh mẽ lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp khẩn cấp truy tìm chiếc sừng tê giác bị kẻ gian lấy đi. Nhưng từ đó đến nay, thủ phạm tiêu diệt tê giác Java cuối cùng của nước ta vẫn là ẩn số. Cũng không một quan chức nào bị xử lý, truy tố vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Khi con tê giác cuối cùng qua đời đau đớn vì bị bắn chết, một quan chức bộ TN&MT đã nói thẳng: VQG Cát Tiên là của bộ NN&PTNT, không phải của bộ TN&MT. Thực ra có hơn 2 bộ chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, môi trường và ĐDSH. Nhưng lại không dễ truy thủ phạm trực tiếp, gián tiếp khi sự cố lớn nhỏ xảy ra.


Tê giác tại Nam Phi giờ đây vẫn đứng trước thảm cảnh "ngàn cân treo sợi tóc”. Tình trạng buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam mỗi lúc một nóng bỏng và nhuốm màu bi kịch. 9 tháng đầu năm nay, đã có 635 cá thể tê giác bị săn bắn để lấy sừng và gần 2/3 trong số đó bị giết hại ngay tại VQG Kruger, nơi đoàn VN vừa tới thăm.


Nói tê giác Nam Phi nhuốm màu bi kịch là bởi giới bảo tồn đã buộc phải chọn giải pháp "tiêm thuốc độc” vào sừng tê giác. Thông tin trên đây được hiệp hội Bảo tồn ĐVHD Chương trình Việt Nam (WCS) công bố với báo chí từ cuối năm ngoái và phải đến tháng 4 năm nay, công việc này mới chính thức được áp dụng tại khu Bảo tồn Động vật Sabi Sand Wildtuin của Nam Phi. Nếu một trong số các tê giác nói trên bị bắn lấy sừng thì kẻ "ăn” hay "uống” phải bột sừng này sẽ bị co giật, nôn mửa. Chuyên gia cũng tẩm lên sừng tê giác loại bột đặc trưng để cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng soi chiếu, phát hiện.










Tê giác Java Việt Nam đã bị tuyệt chủng.



Theo ước tính, quy mô thị trường chợ đen về ĐVHD chỉ kém buôn bán vũ khí và ma tuý. Những tay chuyên buôn lậu sừng tê giác, kể cả các trọc phú Việt Nam biết rõ vụ tiêm thuốc độc này nhưng các vụ vận chuyển sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam vẫn tăng một cách bất bình thường.


Mới đây tôi có dịp được xem bộ phim ngắn thứ hai của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) trong năm nay, khuyến khích người dân không tiêu thụ sừng tê giác. Phim rất cảm động và dễ hiểu với hình ảnh những dấu thập "xóa sổ” tê giác ở nhiều nơi trên trái đất, với bản tay nâng niu tê giác con, với số điện thoại đường dây nóng miễn phí thiết thực giúp bất cứ ai cũng có thể hỗ trợ bảo vệ loài tê giác. Chính xác là "Nếu bạn thấy sừng tê giác bị quảng cáo hoặc buôn bán, hãy thông báo cho cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi tới đường dây nóng miễn phí 1800 1522” hoặc gửi thư điện tử về cho chúng tôi qua địa chỉ hotline@fpt.vn. Đây cũng là phim ngắn thứ 16 mà ENV đã sản xuất trong chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có liên quan tới ĐVHD.


Cá thể tê giác cuối cùng ở VN bị giết năm 2010 để lấy sừng. Vậy tiếp theo sẽ là loài nào, voi, hổ, vượn, hay là loài nào khác? Để chấm dứt nạn giết hại tê giác trái phép để lấy sừng, cần có sự thực thi pháp luật nghiêm minh của các cơ quan chức năng cũng như sự ủng hộ và tham gia tích cực từ cộng đồng. "Sừng tê giác không thể hiện đẳng cấp cũng không phải là thần dược” - thông điệp này cần truyền đi nhanh hơn, khẩn cấp hơn nhân Ngày Tê giác Thế giới 22.9 năm nay.


Theo Đại Đoàn Kết






Nhật Bản chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN

Nhật Bản chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN

Nhật Bản chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN


SGTT.VN - Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng mở rộng đầu tư trực tiếp và chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).


Hiện tượng này được giới công nghiệp gọi là “China plus one” (Trung Quốc+1). Địa chỉ đỏ mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại “V.I.P” đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines.


Ngoài ra, Myanmar cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật để mắt tới.










ASEAN đã thành miền đất mà các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư nhiều hơn.
Ảnh: tinnong.vn



Mạng tin “Sankei” dần nguồn Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yen trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen.


Năm 2012, con số này lần lượt là 1.150 tỷ yen và 1.070 tỷ yen. Từ năm 2009 đến nay, đầu tư vào ASEAN liên tục vượt Trung Quốc. Xu hướng này vẫn duy trì ổn định và đang mở rộng thời gian gần đây.


Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu do JETRO cung cấp trên mục “Thông tin khu vực và quốc gia” năm 2012, tỷ lệ đầu tư tăng so với năm trước lần lượt là Myanmar 66%, Philippines 15%, Indonesia 13%, và đây là những thị trường mà doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm.


Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc xuống còn âm 8%.


Trong khi 61,4% doanh nghiệp Nhật làm ăn tại thị trường ASEAN đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc lại giảm từ 66,8% năm 2011 xuống còn 52,3%.


Các doanh nghiệp trong diện “thu nhỏ quy mô- chuyển đổi-rút vốn” chiếm 5,8%, cao hơn so với mức 4,4% của năm 2011.


Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng khó khăn kinh tế của Trung Quốc, giá nhân công tăng cao, các cuộc biểu tình chống Nhật và căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh hải.


Trong khi đó, ở các nước ASEAN, sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ là những nhân tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật. Nếu coi giá thuê nhân công ở Trung Quốc là 100 thì ở Philippines là 77, Indonesia là 70, Việt Nam 44 và Myanmar là 16.


Ở Philippines, trong vòng 1-2 năm qua, các nhà máy của Nhật Bản mọc lên như “nấm sau mưa” trong đó có trường hợp doanh nghiệp Nhật chuyển một phần bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang.


Ở Myanmar, trọng tâm hướng tới của Nhật Bản là ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đón một luồng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật vốn đang trong chiến lược chuyển một bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang ở các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, điện tử, phụ tùng ôtô…


Một chuyên gia phân tích của Nhật Bản đã khẳng định: “Để giảm bớt rủi ro khi quá chú trọng vào các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, từ nay xu thế chuyển dịch chức năng sản xuất từ Trung Quốc sang việc xây mới các cơ sở ở ASEAN sẽ tăng mạnh”.


TTXVN






Tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương

Tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương

Tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương


SGTT.VN - Ngày 21.9, tại đền Vạn Kiếp, Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và chính thức Khai hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2013.


Hưng Đạo đại vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú.


Ông sinh ra tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.


Vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, trong cả 3 lần quân Nguyên-Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống giặc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế các đạo quân thủy bộ.










Hội Côn Sơn-Kiếp Bạc. Ảnh: Nguyễn Hồng Cường/TTXVN



Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên-Mông ra khỏi đất nước.


Sau khi kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 3 thành công, ông về trí sỹ ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp. Tuy nhiên, các vua Trần vẫn thường xuyên đến vấn kế sách ông. Ông mất ngày 20.8 năm Canh Tý (tức ngày 5.9 năm 1300), thọ 70 tuổi. Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc.


Buổi lễ diễn ra long trọng gồm lễ rước bộ, hội trống và múa rồng. Sau diễn văn tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và văn tế, các đại biểu và nhân dân đã dâng hương tưởng niệm ngày mất của vị Anh hùng dân tộc; dâng hương tại đền Nam Tào, Bắc Đẩu.


Sau Lễ tưởng niệm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, lễ Hội quân trên sông Lục Đầu đã diễn ra. Đây là một cuộc diễu binh bằng thuyền tái hiện lại cảnh ra quân của tướng lĩnh nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai.


Thuyền tham gia lễ được trang hoàng rực rỡ, trên cắm cờ xí thời Trần và chia thành 2 đội, đội mặc áo màu vàng và đội mặc áo đỏ từ hai phía Nam Tào, Bắc Đẩu tiến về đoạn Lục Đầu Giang trước cửa đền Kiếp Bạc. Trên bờ, các đội múa rồng lân, đội võ Nhất Nam cùng tham gia biểu diễn. Trong khi các thuyền giao nhau dưới nước, trên bờ, các đội cờ, đội gậy, đội võ hò reo theo nhịp trống vô cùng náo nhiệt.


Vietnam+






Tôm Việt Nam thoát nạn

Tôm Việt Nam thoát nạn

Tôm Việt Nam thoát nạn


SGTT.VN - Rạng sáng ngày 21.9 theo giờ Việt Nam, ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã ra quyết định hủy bỏ vụ kiện chống trợ cấp lên tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.


Kết quả này được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của 6 thành viên ITC với 4 phiếu chống của các ủy viên và 2 phiếu thuận của vị chủ tịch ủy ban là Irving A. Williamson và một ủy viên khác Shara L. Aranoff.










Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Chinhphu.vn



Thông báo của ITC nêu rõ ngành công nghiệp Mỹ không bị thiệt hại về vật chất và cũng không bị đe dọa từ các sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, và Malaysia như kết luận của bộ Thương mại Mỹ (DOC) trước đây. Điều này đồng nghĩa với tôm đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam và các nước nói trên vào Mỹ sẽ không bị áp thuế chống trợ cấp.


Trước đó, ngày 12.8, DOC ra quyết định cuối cùng về thuế chống trợ cấp đối tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, và Malaysia. Trong đó, hai doanh nghiệp của Việt Nam là công ty thủy sản Minh Quí (Minh Qui Seafoods) bị áp mức thuế 7,88%, công ty thủy sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct) chịu mức thuế 1,15%. Các doanh nghiệp còn lại của Việt Nam chịu cùng mức thuế là 4,52%.


Ngay sau đó, hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng phản đối quyết định trên của DOC và cho rằng đó là sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. Đồng thời VASEP cũng đề nghị ITC xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.


Ngoài việc không bị đánh thuế chống trợ cấp, ngày 10.9 vừa qua, DOC cũng đã công nhận toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Mỹ, nên đều được xem xét áp dụng mức thuế 0%.


Theo NLĐ






Tư vấn trực tuyến: Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản

Tư vấn trực tuyến: Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản

Tư vấn trực tuyến: Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản










ThS.BS Lê Đình Phương và ca sĩ Trang Nhung.



SGTT.VN - Trào ngược dạ dày – thực quản là bệnh lý đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Bệnh thường bắt đầu với những triệu chứng nhẹ, thỉnh thoảng mới xuất hiện nên người bệnh thường không chú tâm và đi khám sớm: ợ nóng, ợ chua, trào ngược thức ăn, khó nuốt, đau ngực...


Ngoài ra, còn có những triệu chứng dễ nhầm với bệnh lý tai mũi họng, răng hàm mặt: ho liên tục không dứt, khan tiếng, viêm thanh quản, các cơn hen, mòn răng… Nếu không điều trị kịp thời, các triệu chứng tái đi tái lại, ngày càng trở nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Nguy hiểm hơn, tiếp xúc nhiều với axít dịch vị có thể làm thay đổi cấu trúc lớp tế bào niêm mạc thực quản, dẫn đến tình trạng thực quản Barrett, gây ung thư thực quản…


Để cung cấp thêm thông tin về bệnh lý này cho cộng đồng, báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp hội Khoa học tiêu hoá TP.HCM tổ chức buổi tư vấn trực tuyến “Trào ngược dạ dày – thực quản: bệnh lý thường gặp nhưng hay bị bỏ sót”, vào lúc 9 giờ ngày chủ nhật 22.9 tại hội trường lầu 3, toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị. Khách mời:


- ThS.BS Lê Đình Phương, trưởng phòng khám đa khoa FV Saigon: cung cấp kiến thức bệnh lý và cập nhật những quan điểm điều trị mới về bệnh trào ngược dạ dày – thực quản; trả lời các thắc mắc của bạn đọc.


- Ca sĩ Trang Nhung: chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày – thực quản ảnh hưởng đến thanh quản; giao lưu âm nhạc với bạn đọc.


Bạn đọc có thể truy cập http://sgtt.vn đặt câu hỏi trực tuyến hoặc đăng ký tham dự qua điện thoại: 08.39307825.


BTC






Tịnh tâm không tự cảnh, không tự người mà tự mình

Tịnh tâm không tự cảnh, không tự người mà tự mình

Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo


Tịnh tâm không tự cảnh, không tự người mà tự mình


SGTT.VN - Một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực địa ốc, nổi tiếng vì sở hữu nhiều ngôi nhà đẹp, từng có những bài viết rất sắc sảo về kinh doanh, thời gian gần đây, chị lại “từ bỏ cuộc chơi” để tìm đến Phật pháp, và chọn Huế là nơi chốn dừng chân của mình. Trong một thời gian ngắn từ 2010 đến nay chị đã xây dựng tại Huế bốn công trình từ thiện, nổi bật là Cát Tường Quân với kiến trúc độc đáo và thanh tịnh đang trở thành điểm đến của nhiều du khách mỗi khi dừng chân ở Huế.






























Theo chị, quan niệm về không gian sống của phương Tây và phương Đông có gì khác biệt? Con người ngày nay đang tìm kiếm một không gian sống như thế nào cho riêng mình và gia đình?


Trước đây khi chưa có điều kiện ra nước ngoài, tôi quan niệm rằng, không gian sống của người phương Đông là bên trong ngôi nhà, không gian sống của người phương Tây là bên ngoài ngôi nhà.


Bây giờ tôi hiểu, không gian sống bắt nguồn từ văn hoá dân tộc, văn hoá bản thân và khí hậu. Thực tế cho thấy cùng một kiến trúc sư người Pháp, nhưng ngôi nhà Pháp xây dựng ở Đà Lạt khác với nhà Pháp tại Huế và Hà Nội; càng khác hơn nữa nếu ngôi nhà Pháp đó nằm trên đất Pháp. Ngôi nhà không chỉ khác về kiến trúc mà còn khác về không gian sống, vì vậy dân địa ốc hay nói “căn nhà là một nửa của tâm hồn” hoặc “nhà sao chủ vậy”.


Chị có lo sợ nhiều không, khi xu hướng sống trở về với thiên nhiên đang bị nhấn chìm bởi những đe doạ của môi trường, của phát triển kinh tế và nhiều áp lực khác?


Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ khá phổ biến “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người ở chốn lao xao”. Thời gian gần đây do cuộc sống nơi đất chật người đông nhiều áp lực, không ít người thèm được “dại”. Thế nhưng, nơi vắng vẻ bây giờ cũng bắt đầu lao xao, vì vậy muốn “dại” cũng không dễ.


Môi trường bị đe doạ từ nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là từ con người. Trong cuộc chiến giữa con người và môi trường thì, con người luôn luôn thua!


Chị có thể kể vẻ đẹp của mỗi ngôi nhà mà chị đã sống từ thủa ấu thơ đến giờ ở Sài Gòn, Đà Lạt... Ngôi nhà nào để lại cho chị dấu ấn sâu đậm nhất?


Với những người hoạt động trong thị trường địa ốc, ngôi nhà nào của mình cũng có thể là hàng hoá. Những ngôi nhà mà tôi đã ở và đang sở hữu tôi đều có thể bán, nếu được giá. Khách hàng tôi nhắm đến để mua sản phẩm địa ốc của mình là những người sống chủ yếu nhờ hương hoa, khí trời vì vậy kiến trúc phải thanh thoát, nội thất phải tinh tế và không gian sống phải được chăm chút. Riêng ngôi nhà tôi vừa xây dựng xong ở Huế sẽ không là hàng hoá, bởi tôi quyết định sẽ sống ở đây đến cuối đời.


Tôi đặt tên cho ngôi nhà ở Huế là “Tịnh cư Cát Tường Quân” (CTQ), “tịnh” là thanh tịnh; “cư” là nhà; CTQ là tên do một vị tăng già đặt cho tôi.


Vì sao đến thời điểm này của cuộc đời, chị lại chọn dừng chân ở Huế? Với Cát Tường Quân, chị muốn tạo ra một không gian sống như thế nào cho chính mình và cho du khách?


Trong mắt tôi, Huế như một bức tranh thuỷ mặc hữu tình. Không chỉ thế, Huế còn có thành cổ, có hệ thống chùa dày đặc, có mật độ tăng – ni cao nhất nước; những “cái có” này đã làm Huế huyễn hoặc, thiêng liêng.
























Vị trí Tịnh cư Cát Tường Quân nằm giữa hai triền đồi thông, trên quần thể đồi Thiên An, nghĩa là điểm giáp cuối của chân đồi này và điểm bắt đầu của ngọn đồi khác. Với thế đất như vậy, thật là một thách thức hấp dẫn cho tôi và kiến trúc sư. Du khách đến đây sẽ bắt gặp lối kiến trúc nhà bậc thang của Đà Lạt, đỉnh của ngôi nhà này là sàn của ngôi nhà khác; tại Huế kiến trúc bậc thang là sự khác biệt của Tịnh cư Cát Tường Quân.


































Về thiết kế, kiến trúc, Cát Tường Quân có gì khác biệt so với những không gian mà chị đã từng trải qua? Ý tưởng của chị đã được kiến trúc sư thể hiện như thế nào, để có thể tạo nên một không gian tĩnh lặng vừa rất Huế, vừa rất Tạ Thị Ngọc Thảo?


Trong tất cả ngôi nhà tôi đã ở và đang sở hữu, CTQ là khu nhà rường duy nhất tôi có. Kiến trúc nhà rường thật lạ, mái thấp, cột nhiều, phòng ngủ nhỏ xíu, phòng vệ sinh bé tí, muốn gắn máy lạnh phải tính toán đau đầu, muốn ngăn chặn côn trùng vào nhà nghĩ mãi không ra. Thế mà tôi lại say đắm nhà rường Huế từ cái nhìn đầu tiên, và đó chính là động lực giúp tôi hoàn thiện CTQ sau hơn ba năm xây dựng.


Sự tĩnh lặng của CTQ có được nhờ quy hoạch tổng mặt bằng theo chữ khẩu, chỉ có chùa và cung vua mới sử dụng mặt bằng chữ khẩu này. Giá trị kiến trúc của CTQ là do chúng tôi biết giữ nguyên sự tinh tế của nhà rường và biết loại bỏ những điểm cần thiết. Ở Huế, người ta gọi nhà rường là nhà vườn, vì vậy không gian vườn rất được chú trọng.


Chỗ nào của ngôi nhà mà chị yêu thích nhất? Mỗi buổi sáng, chị thường uống trà ở đâu? Đâu là nơi chốn để chị có thể tịnh tâm nhất?


Nơi tôi lẩn quẩn nhiều nhất là vườn rau sạch. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ có thời gian để gieo bất cứ hạt giống nào xuống đất vì vậy tôi cũng chưa cảm nhận được hạnh phúc khi quan sát sự nảy mầm, đơm hoa, kết trái và cho quả. Sự mãnh liệt của chồi non truyền cho tôi sức sống, nhìn cây vươn lên trong mọi hoàn cảnh thời tiết Huế, nhất là đang mùa gió Lào này, tôi thấy sự nỗ lực của mình chưa nhằm gì.


Có khi tôi ngồi uống trà ở vườn Thanh Trà, phóng tầm mắt ngắm trọn đồi thông trước sân nhà. Cũng có khi tôi cầm chén trà đi lanh quanh trong vườn, lúc ngửi bông hoa mới nở, khi lại vuốt ve một thân cây sần sùi già cỗi, nếu mỏi chân thì ngồi xuống một trong những bộ bàn ghế bày rải rác.


Tịnh tâm không tự cảnh, không tự người mà tự mình.


Chọn sự im lặng với một người đầy trách nhiệm với cộng đồng như chị có khó không? Phật pháp đã mang lại cho chị điều gì, để giúp chị chuyển hướng đời mình, và chuyển hướng kinh doanh?


Kinh có kinh vô tự, lời có lời vô ngôn, im lặng cũng là một cách bày tỏ. Đạo Phật đề cao sự im lặng bởi nó thể hiện sự thanh tịnh trong mọi mối quan hệ và mọi sự việc. Ohso có viết một câu rất hay: “Ta đã im lặng đến như thế mà người không hiểu nữa thì đành vậy”. Lắng nghe lời người nói bằng tai, lắng nghe sự im lặng bằng tấm lòng. Muốn “nghe” được lời vô ngôn thân phải an và trí phải tỉnh. Người im lặng luôn đủ kiên nhẫn để chờ người khác thấu hiểu lòng mình. Khi trả lời câu này tôi muốn đề cập đến mối quan hệ Nhà nước với dân, mối quan hệ gia đình và những người đang phải lòng nhau.


Thương gia Lương Văn Can định nghĩa về kinh doanh như sau: “Thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình để phụng sự xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Nếu hiểu kinh doanh là như thế thì xây nhà để bán hay nấu cơm chay phục vụ khách cũng đều là phụng sự xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.


Từng dời đổi nhiều lần, nhưng “vật bất ly thân” của chị dường như là bức tượng đức thiền sư Huệ Khả? Bài học nào từ vị thiền sư này mà chị cho là quý giá nhất, và coi đó như phương châm sống của chính mình?


Tôi “cảm” thiền sư Huệ Khả (487 – 593) từ mẫu đối thoại như sau: Đức Huệ Khả tìm đến Tổ Đạt Ma thưa: “Xin thầy an tâm cho”, ngài Đạt Ma trả lời “Đưa tâm đây ta sẽ an” và, đức Huệ Khả ngộ. Từ đó tôi hiểu, tâm mình tự mình an, chẳng cảnh, vật, người, Phật, Trời nào an giúp được. Sau này đọc kinh Phật tôi còn ngộ thêm “tâm cũng chẳng có, vì nếu có thì tâm trú vào đâu?”


Khu vườn có bức tượng đức nhị tổ Huệ Khả ở CTQ là trường học của tôi mỗi ngày. Tại đây, một thầy, một trò và một bài học duy nhất, đó là nụ cười hỷ xả của ngài; thế mà trò ngày thuộc, ngày không. Bức tượng đức Huệ Khả cũng là nơi giữ chân của nhiều vị khách quý.


Chị có thể kể một chút về con trai mình, người sẽ nối nghiệp chị? Chị muốn để lại điều gì cho con?


Con trai tôi, Lê Gia Khánh sinh năm 1995, tên ở nhà là Nheo. Nheo đi du học Canada từ năm lớp 9, năm nay Nheo vào đại học Toronto ngành kinh tế vĩ mô. Nheo có thể nghe má và các bác (bạn của má) nói chuyện kinh tế cả ngày không chán.


Có thể nói, khi nhắm mắt lìa đời, không có gì trên cõi đời này làm tôi vương vấn ngoài Nheo. Tuy vậy, cho đến bây giờ tôi biết con trai của mình đã trưởng thành và sẽ trở thành người có ích cho xã hội, dù má mất hay còn. Điều này làm tôi thanh thản dù từ năm nay, hai má con chỉ gặp nhau vào dịp nghỉ hè.


Tôi chỉ muốn để phúc lại cho con vì ông bà mình nói, “con trai nhờ đức mẹ”.


Chị có sợ hãi điều gì không?


Phật cũng mình mà ngạ quỷ cũng mình, tôi chỉ sợ chính tôi thôi!


Bài: kim yến - ảnh: ái vân (huế)










































Nếu ta tìm về thiên nhiên chỉ để "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao" là thuận theo lẽ tự nhiên, còn về nơi vắng vẻ với ý đồ "dời sông, lấp biển", đốn cây rừng mà không trồng mới, khai thác tài nguyên mà không có kế hoạch bù đắp lại cho thiên nhiên... thì đó là tuyên chiến với môi trường. Trong cuộc chiến giữa con người và môi trường thì con người luôn luôn thua!

























DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ