Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Ngậm ngùi chó xa người

Ngậm ngùi chó xa người

Ngậm ngùi chó xa người


SGTT.VN - Có mua ắt có bán. Lượng chó cung cấp về Sài Gòn trong mùa Noel, theo giới buôn bán, riêng miền Tây ước khoảng 3.000kg. Những ngày này đây đó ở miền Tây người ta thường bắt gặp cảnh chó ngậm ngùi khi xa người.


Phan Quang thực hiện










Chị Trinh, đi gặt mướn từ 1 giờ sáng đến 11 giờ trưa, không kịp ăn cơm, vội bơi ghe mang chó từ trong đồng ra bán. Con chó linh cảm cuộc chia ly này, nép sát vào lòng chủ.











Bữa cơm ân huệ của tử vật trước giờ ra “pháp trường”.











Phản ứng của con ở với người chở những con đi.











Bao bố là phương tiện trung chuyển chó từ nhà ra lồng sắt trên xe.











Con chó mực – hình ảnh quen thuộc ở làng quê và làm người ta liên tưởng đến ổ chó đem bán kiếm tiền đóng sưu của chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố.











Bán vật xong, nhứt định giữ lại chiếc vòng cổ với chút tiếc thương. Nhưng không bán không qua nổi cảnh cơ cầu.











Những người mua thường cũng là những người giết mổ.







“Giảm tốc” cho đường sắt cao tốc

“Giảm tốc” cho đường sắt cao tốc

“Giảm tốc” cho đường sắt cao tốc


SGTT.VN - Mục tiêu “hoàn thành và đưa vào khai thác một số đoạn đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam trước năm 2020” mà chiến lược phát triển giao thông đường sắt được Thủ tướng phê duyệt năm 2008 (gọi tắt là chiến lược 1686) đã coi như thất bại. Thay vào đó, kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc/tốc độ cao đã được “giảm tốc” đáng kể.


Đó là một trong những nội dung đáng chú nhất trong tờ trình điều chỉnh “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050” mà bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ tuần trước.


Chầm chậm… cao tốc


Cụ thể, trong tờ trình này, bộ GTVT đề nghị giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung cho việc ưu tiên nâng cấp hiện đại hoá tuyến đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp 1. Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao (160 – 200km/h) khổ đôi 1.435mm, giai đoạn này chỉ được coi là “giai đoạn nghiên cứu”. Mười năm tiếp theo (2020 – 2030) được bộ này xác định là thời kỳ “chuẩn bị những điều kiện cần thiết” để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi 1.435mm, tốc độ 160 – 200km/h, chạy chung tàu khách và tàu hàng. Tuy nhiên, theo bộ GTVT, bộ sẽ chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng để khai thác tốc độ cao hơn trong tương lai. Mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt khổ đôi và nghiên cứu nâng cấp tốc độ khai thác lên 350km/h, được tờ trình này đặt mục tiêu hoàn thành vào giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050. Đây cũng là thời điểm để chuyển toàn bộ đường sắt khổ 1.000mm hiện tại sang vận tải hàng hoá là chủ yếu, kết hợp xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt Xuyên Á.










Đường sắt cao tốc vẫn chưa được Quốc hội thông qua về chủ trương do liên quan đến hiệu quả đầu tư và nợ công quốc gia. Trong ảnh là một tuyến đường sắt cao tốc tại Nhật Bản. Ảnh: Lê Bình



Lý giải cho sự giảm tốc đáng kể này, trong tờ trình, bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, chiến lược 1686 được đề ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt cao trong một thời gian dài (tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5%/năm trong giai đoạn 1991 – 2009) và dự báo tiếp tục cao hơn vào giai đoạn sau đó. “Vì vậy, chiến lược 1686 kỳ vọng đề ra các dự báo và mục tiêu phát triển cao nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sau khi ban hành chiến lược, đất nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ phải dành ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nên chi tiêu công bị hạn chế. Điều đó xuất hiện khó khăn trong triển khai thực hiện”, bộ trưởng Thăng lý giải.


Bên cạnh đó, đường sắt cao tốc vẫn chưa được Quốc hội thông qua về chủ trương do liên quan đến hiệu quả đầu tư và nợ công quốc gia, và đến nay dự án đang dừng ở bước báo cáo đầu tư.


Thực hiện chưa đến… 1%


Theo thống kê của bộ GTVT, kể từ khi chiến lược 1686 có hiệu lực, đến nay mới chỉ có 8.070 tỉ đồng được đầu tư cho kết cấu hạ tầng ngành đường sắt. Con số vốn đầu tư nói trên mới chỉ đạt… 0,86% so với chiến lược được duyệt tính đến năm 2020!


Minh chứng rõ nhất là việc đầu tư phát triển các tuyến đường sắt mới kết nối các khu công nghiệp, cảng biển và khu mỏ lớn được chiến lược 1686 “vẽ” ra rất hoành tráng nhưng hiện mới chỉ có một đoạn đường sắt thuộc dự án Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được xây dựng.


Vậy nhưng, đến nay tuyến đường xây mới duy nhất này cũng đã phải… đình hoãn, giãn tiến độ.


Rõ nhất là các dự án phát triển đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo chiến lược 1686, tám tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và bảy tuyến cho TP.HCM đã có lộ trình được vạch sẵn khá chi tiết, song đến nay ngành đường sắt đều không theo kịp.


Vì vậy, tại tờ trình chiến lược điều chỉnh, bộ GTVT đã “co” lại mục tiêu: đến năm 2020 đường sắt đáp ứng tối thiểu 1 – 2% nhu cầu về hành khách và 1 – 3% nhu cầu về hàng hoá; đáp ứng 10 – 15% nhu cầu về vận chuyển hành khách đô thị tại hai thành phố lớn.


Chí Hiếu






Ăn dê ở quán Rặt Dê

Ăn dê ở quán Rặt Dê

Hương vị quê nhà


Ăn dê ở quán Rặt Dê


SGTT.VN - Lâu lắm, từ khi chef Bảy Hồng, tác giả của món tiết canh dê ngon không chê vào đâu được, qua đời, mới ăn lại món này ở Rặt Dê nằm gần cuối đường Huỳnh Tịnh Của đổ ra Lý Chính Thắng. Khá ngon. Chỉ thua tiết canh của chef Bảy Hồng mùi hương. Vừa ăn vừa nhớ đến người đi món cũng đi theo. Chợt thấy sắc không cái cõi vô thường. Ông bạn ngồi đồng bàn, do không có duyên gặp chef Hồng, nên khen: “Lần đầu tiên ăn tiết canh của ông Phú ở đây nấu thấy ngon dữ”.










Tiết canh dê ở Rặt Dê vừa dày vừa đông cứng. Có thể nhâm nhi không phải vội vã lo tiết canh tan ra.



Quán này sử dụng nguồn nguyên liệu từ Phan Rang, một xứ nóng, cây cối cằn khô và giàu bàn chải – loại cây chịu hạn có gai khá độc, nhưng trái của chúng, giống như một thứ thanh long mini, lại được bọn dê rất hảo. Dê Phan Rang thường được nuôi quảng canh, thức ăn thiên nhiên là chủ yếu. Chúng ăn cả cỏ lẫn lá cây bụi dẫu phải trèo cao. Nỗi ám ảnh bởi thực phẩm biến đổi gen càng khích lệ nên ăn thứ thịt “organic” này.


Thiên hạ đồn ăn dê sung, nhưng chẳng có tài liệu nào có nghiên cứu đáng tin cậy. Nếu tin thần thoại Hy Lạp về ông thần du mục đầu người mình dê tên Pan vốn rất sung, thì có phải do vậy nên dê sung? Còn tin ăn gì bổ nấy, thì như trên đã nói dê leo trèo rất siêu, lại chịu được cả gai xương rồng, thì gai hoa hồng sá gì! Ăn vào sẽ được bổ chuyện leo trèo, chịu được gai đâm.


Đến năm 2010, dê trở thành thứ thịt đỏ được tiêu thụ rộng rãi nhất – 70% dân số thế giới, theo nguồn số liệu từ austinchronicle.com. Thịt này lại chứa ít cholesterol và chất béo bão hoà hơn thịt gà, lại giàu protein hơn. Tuy thịt không ngọt bằng thịt bò, nhưng biết cách nấu thơm hơn. Lại nhớ đến nguồn số liệu từ www.elkusa.com, thịt dê giàu kẽm và riboflavin, tức B2, tỷ lệ lần lượt là 30% và 31%.


Tây thường chia thịt thành hai dòng theo độ tuổi. Dòng dê tơ gọi là chevon, từ 6 – 14 tháng tuổi. Dòng dê non là cabrito, dưới sáu tháng một chút. Ở ta, dê tơ dễ ăn nhất. Ngoài món tiết canh, Rặt Dê còn có món nướng thịt tảng. Nướng tảng giữ được nước cho miếng thịt. Khi đã nướng chín, thịt xắt mỏng ra, ăn nóng, mềm và thơm. Đến lúc này cắn miếng dê với riềng, chấm mắm tôm, dễ khiến người ta liên tưởng đến một thứ “nguỵ cẩu”, nhưng vẫn có nét riêng, và sánh với “chánh cẩu” có khi như mỗi bên mỗi vẻ của Kiều của Vân.


Truyền thống hơn cả là dê hấp tía tô. Món này hấp vừa tới, thịt ngon hơn da. Tới chút nữa da bắt đầu ngon hơn thịt. Tới quá là hết ngon. Mùi tía tô bị ám hết vào miếng thịt nên chỉ còn lại như là một thứ bã. Nên khi ăn, cũng cần phải đệm với một số rau mùi như ngò gai, é quế…


Và người ta có thể kết thúc bữa ăn bằng cái lẩu hầm xí quách dê. Vẫn tần ô, mồng tơi, vài vắt miến, khoai mỡ. Lẩu chín tới, ngon nhất trong nồi lẩu lại là thứ rất không chính danh. Nếu người ăn không mê thơ Nguyễn Bính để nghiêng về cảm tình với mồng tơi, thì khoai mỡ ngon nhất.


bài và ảnh: Khởi Thức






Xấu tính

Xấu tính

Sổ tay phóng viên


Xấu tính


SGTT.VN - Trên khán đài B sân Mandalar Thiri tại SEA Games, không ai có thể ngờ xuất hiện tấm băng rôn “mắng mỏ” đích danh ông cựu chủ tịch VFF đến vậy.










Những khẩu hiệu chỉ trích nhau đã xuất hiện trên khán đài Mandalar Thiri như thế này đây. Tên của cựu chủ tịch VFF với danh xưng khiếm nhã đã được bôi mờ. Ảnh: Tất Đạt



Điều đáng nói là việc những tấm băng rôn này xuất hiện tại nước ngoài đã được lên sóng trực tiếp ở các nước trong khu vực như một cách “minh chứng” cho việc người Việt xấu tính.


Thật ra chuyện các cổ động viên chế tác các băng rôn trêu chọc, chỉ trích cá nhân các quan chức lẫn VFF không phải là trò mới. Nó xuất hiện nhiều lần ở các sân vận động trong nước. Nhưng ở đó, ban tổ chức sân và lực lượng bảo vệ đã nhanh chóng tháo gỡ bất chấp sự chống đối quá khích.


Thế nhưng, trong thời gian gần đây, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi bỗng dưng xuất hiện một hội cổ động viên Việt Nam lâm thời, không được VFF lẫn các tổ chức công nhận.


Và đỉnh điểm của sự phản ứng của những người luôn tự nhận mình là người hâm mộ nhiệt thành của bóng đá Việt Nam, khi họ xuất hiện trên khán đài sân Mandalar Thiri. Trong khi các cổ động viên Myanmar hết lòng cổ vũ cho các cô gái Việt Nam trong nỗ lực lội ngược dòng, các “cổ động viên” chỉ chăm chăm lo treo và giữ các khẩu hiệu thật to, thẳng nếp chính diện của máy ghi hình truyền hình trực tiếp. Trong các khẩu hiệu ấy, tên của ông Nguyễn Trọng Hỷ đã bị cố tình viết sai, thậm chí gọi bằng các danh xưng khiếm nhã.


Và còn gì buồn bằng, giới truyền thông các nước trong khu vực, đã vội vàng ghi hình, chụp ảnh bởi họ tưởng đó là các khẩu hiệu động viên, cổ vũ tinh thần cho các cô gái. Họ tưởng người Việt lặn lội đến nơi xa thế này là vì yêu quý nhau. Thế nhưng, khi nhờ các phóng viên của Việt Nam chuyển ngữ, họ đã vô cùng ngỡ ngàng.


Không ít người của giới truyền thông nước ngoài có mặt tại sân Mandalar Thiri hôm đó đã cho rằng, việc điều hành của liên đoàn bóng đá nước nào cũng có những điều khiến người hâm mộ không vừa ý. Ngay chính việc tranh cử của các liên đoàn bóng đá Thái Lan hay Indonesia… đều gặp gút mắc. Thế nhưng, các cổ động viên Thái Lan hay Indonesia khi ra đến các quốc gia khác tham dự SEA Games, họ chỉ dốc lòng để cổ động cho các vận động viên của họ trong cuộc tranh tài. Họ chia sẻ với vận động viên của nước họ khi thất bại. Chẳng ai trong số họ mượn các sân đấu thể thao, nơi tôn trọng sự cao thượng làm nơi chỉ trích cá nhân.


Thật ngượng ngùng khi bị nhìn dưới ánh mắt “người Việt xấu tính” sau khi giới truyền thông nước ngoài châm biếm cách “cổ động” dành cho bóng đá Việt, thái độ người Việt dành cho nhau.


Tất Đạt






BSA đồng hành cùng BCG sẽ mang lại cho doanh nghiệp những gì?

BSA đồng hành cùng BCG sẽ mang lại cho doanh nghiệp những gì?

BSA đồng hành cùng BCG sẽ mang lại cho doanh nghiệp những gì?


SGTT.VN - Trong lễ khai trương văn phòng tại Việt Nam, tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới Boston Consulting Group – BCG đã ký kết một loạt chương trình hợp tác với trung tâm BSA. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ sự hợp tác đặc biệt này?










Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng VNCLC và ông Han Paul Burkner, chủ tịch BCG toàn cầu trao tay nhau văn bản hợp tác.



Ông Han Paul Burkner, chủ tịch BCG toàn cầu ra cửa đón ông Phạm phú Ngọc Trai, chủ tịch công ty GIBC, ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Minh Long 1 cùng ông Trần Duy Hy, tổng giám đốc công ty Nhựa Duy Tân, và bảo: “Tôi tin chúng ta có rất nhiều việc để làm cùng nhau”.


Sự lạc quan của nhà tư vấn chiến lược


Là thủ lãnh của gần 1.000 nhà tư vấn chiến lược tại 79 văn phòng tại 44 quốc gia, ông Paul Burkner tỏ ra hào hứng: “Ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều có thể nhìn thấy những kế hoạch đầu tư dài hạn. Nhìn xa một chút, những kế hoạch này sẽ giúp tái định hình các ngành công nghiệp và củng cố nền kinh tế. Từ đó, có cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đủ vững vàng để vượt qua những khó khăn trước mắt và BCG có mặt ở đây để sát cánh cùng doanh nghiệp Việt Nam. Tôi đến Việt Nam rất nhiều lần, bao giờ cũng ấn tượng về sức làm việc, độ chăm chỉ và kiên định của những doanh nhân Việt Nam”. Ông Lý Ngọc Minh trao đổi: “Chúng tôi hiểu rõ cuộc cạnh tranh ngày càng khó. Tôi cám ơn các ông đã đến, và đứng cùng với BSA để có các chương trình phù hợp để mang kiến thức và kinh nghiệm của mình hỗ trợ doanh nghiệp Việt”.


Trong nghiên cứu đặc biệt của mình về thị trường Việt Nam, BCG đưa ra hai đánh giá quan trọng: “Người Việt vẫn rất lạc quan trong khó khăn. Hơn 90% mọi người tin rằng cuộc sống của mình đang tốt đẹp hơn thời kỳ trước đây và cũng tin rằng cuộc sống của con cháu mình sẽ tốt hơn mình. Ngoài ra, sắp tới, số lượng những gia đình có thu nhập trung cao (từ 15 triệu đồng/tháng trở lên) sẽ gia tăng mạnh mẽ và đây chính là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế”. Ông Paul Burkner nói thêm với ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á và bà Nguyễn thị Điền, tổng giám đốc công ty may An Phước: “Chúng tôi có vẻ lạc quan nhiều về Việt Nam khi mọi người còn khó khăn. Nhưng rõ ràng những chỉ dấu cho thấy các bạn đang có một nền tảng tốt để hoạch định chiến lược dài hơi là vững chắc”.


Tối đa hoá lợi ích từ hợp tác với BCG


Trước khi vào Việt Nam, BCG dành ra sáu tháng để triển khai một nghiên cứu sâu về thị trường, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt để đưa ra báo cáo và cũng đi đề xuất hợp tác với trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA. Ông Douglas Jackson, giám đốc điều hành BCG Việt Nam cho biết: “Năm 2014, BCG và BSA đi cùng nhau với ba nhóm hoạt động chính: BCG cung cấp những chuyên gia giỏi nhất thế giới của mình về các vấn đề nóng sốt để BSA thực hiện các buổi hội thảo, huấn luyện cho doanh nghiệp mỗi quý một lần. Hai bên sẽ cùng triển khai các nghiên cứu thị trường, nền kinh tế và người tiêu dùng để xác định các xu hướng mới. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các công cụ đối chuẩn để mỗi doanh nghiệp có thể tự xác định tình trạng, mức độ tốt hay không và đến đâu trong quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp mình. Tất nhiên, khi làm với BSA là một trung tâm không vì lợi nhuận, chúng tôi cũng muốn cống hiến các nỗ lực của mình để cùng phát triển cộng đồng doanh nghiệp”.


Theo nội dung được ký kết, trước mắt, trong thời gian tới, sẽ có các hội thảo với các chủ đề mà BCG nghiên cứu suốt nhiều năm qua: “Chiến thắng cuộc chiến nhân tài” – “Lợi thế toàn cầu”: Các doanh nghiệp mở rộng thị trường ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu toàn cầu và đánh bại các công ty đa quốc gia bằng cách nào?; “Ảnh hưởng của gia đình và hiệu suất kinh doanh” – so sánh hiệu suất của công ty gia đình với công ty cổ phần, những phương pháp quản trị doanh nghiệp gia đình, lập kế hoạch kế nhiệm cũng như quản lý rủi ro.


Thêm vào đó, trung tâm BSA đã “đặt hàng” và BCG đồng ý chuyên gia phù hợp để đi vào các đề tài nóng: “Hợp tác và cạnh tranh với các quốc gia ASEAN trước thềm 2015”; “Đổi mới công nghệ trong nông nghiệp”; “Cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc: Đâu là giải pháp hiệu quả?” Năm 2014 sẽ là một năm hành động, triển khai liên tục các chương trình.


Kiên Chinh






Hàng Việt – Tết Việt đến chợ Xóm Củi, quận 8

Hàng Việt – Tết Việt đến chợ Xóm Củi, quận 8

Hàng Việt – Tết Việt đến chợ Xóm Củi, quận 8


SGTT.VN - Ngày 21.12.2013, chương trình Hàng Việt – Tết Việt đã đến với chợ Xóm Củi (quận 8). Đồng hành cùng chương trình lần này có sự tham gia của năm doanh nghiệp gồm: công ty Vissan, Duy Thành, Tân Quang Minh, Liên Thành và Mỹ Hảo.


Theo nhận định của bộ phận bán hàng các doanh nghiệp, tình hình mua sắm của người dân ở khu vực trên có tăng so với các chợ khác. Anh Mai Đinh Hiệp, phụ trách bán hàng doanh nghiệp Tân Quang Minh nói: “Hy vọng ở những chợ tiếp theo sản phẩm của chúng tôi sẽ còn bán được tốt hơn nữa”.


Chỉ trong buổi sáng diễn ra chương trình, có khoảng trên 500 lượt người dân đến dùng thử và mua sắm sản phẩm của các doanh nghiệp. Buổi chiều cùng ngày các tiểu thương chợ Xóm Củi đã có buổi giao lưu đầy bổ ích, tìm hiểu và đặt hàng các doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC.


Trần Quỳnh






Sống tốt nhờ làm mới sản phẩm và cách quản trị

Sống tốt nhờ làm mới sản phẩm và cách quản trị

Chuyện kinh doanh


Sống tốt nhờ làm mới sản phẩm và cách quản trị


SGTT.VN - Nguyễn Trường Chinh tự hiểu công việc điều hành kinh doanh công ty Năm Thuỵ, Trà Vinh, thay cha mẹ bắt đầu “lớn thuyền lớn sóng” so với hồi hoạt động của một cơ sở gia đình.










Ông Willy, chuyên gia chế biến thực phẩm, hướng dẫn Chinh vận hành thiết bị mới. Ảnh: N.T.C



Lần đầu tiên, ông chủ của Năm Thuỵ quyết định đầu tư trang thiết bị 3 tỉ đồng để làm mới sản phẩm. Thực ra nếu để có đủ vốn thực hiện mọi ý tưởng, anh cần số vốn gấp 6 – 7 lần con số này. Nhưng “rất may”, anh “chưa dám vay tiền của ngân hàng để đầu tư”.


“Lên” công ty, trong khi những cơ sở sản xuất gia đình làm hàng cùng loại được áp dụng thuế khoán, còn anh phải làm sổ sách, nghĩa vụ doanh nghiệp… đương nhiên hàng của anh cao giá hơn những cơ sở nhận thuế khoán 10%. Vừa phải cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn, vừa phải tìm cách tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, con đường sống duy nhất là giữ được cam kết chất lượng.


Lấy lời làm vốn và quyết định nhập thiết bị đồng bộ từ châu Âu từ cuối năm 2012, để giữ cam kết đó nhưng đến cuối năm nay anh mới thở phào nhẹ nhõm khi các phép thử cho ra kết quả như mong đợi.


Luôn làm mới


Kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty Năm Thuỵ đã tăng gấp đôi so năm trước nhờ đầu tư trọn vẹn quy trình sản xuất chả lụa, pâté, thịt nguội song song với phát triển kênh phân phối. Đến cuối năm 2013, công ty có hơn 20 loại sản phẩm, mạng lưới đại lý của Năm Thuỵ đã “nở nồi“ từ Buôn Ma Thuột trở vào. Đặc biệt, cuộc thử nghiệm của anh về chuỗi cửa hàng bánh mì tự chọn (chuẩn bị cửa hàng thứ hai, nhượng quyền cho một đối tác tại Thủ Đức, TP.HCM) không chỉ được dân Trà Vinh ủng hộ, đặt tên “cửa hàng bánh mì cân ký”, mà còn mở ra “cơ chế” đo lường phản ứng người tiêu dùng và tự điều chỉnh kịp thời của công ty này.


“Nhiều đại lý mua sản phẩm của Năm Thuỵ, cộng thêm chi phí vận chuyển, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Có những mặt hàng chỉ bán để thăm dò phản ứng thị trường Trà Vinh nhưng nhiều người từ tỉnh ngoài đến dùng thử ở cửa hàng bánh mì cân ký, sau đó nhờ xe đò hoặc tài xế đi công tác mua giùm. Họ nói ăn những món của Năm Thuỵ biết đó là... đồ thiệt”, anh Chinh nói.


Ngày càng có nhiều cách làm ăn với Năm Thuỵ. Chinh biết tranh thủ ý kiến các nhà phân phối tại chỗ hoặc để cho đối tác chọn lựa phương thức: đại lý, mua nhượng quyền thương mại… và tuỳ uy tín đối tác để có chính sách khích lệ hoặc chia sẻ.


“Hễ thấy sức mua yếu một chút là tôi nghĩ cách làm mới sản phẩm. Khi chúng tôi đưa thịt xông khói ra thị trường, mới với dân tại chỗ chứ không mới so với thành phố. Tôi muốn dân tỉnh mình cũng thưởng thức được món ngon ở xa. Bất ngờ, khi những loại thức ăn được làm từ thịt heo, thịt bò, cá basa, cá hồi… và mới nhất là xúc xích xông khói, ban đầu người mua nói hôi khói quá! Phải chỉnh lại và bây giờ mọi người quen rồi”, Chinh mừng rơn khi nói về những thay đổi số lượng và chủng loại sản phẩm, cũng như cách làm cho mọi người ăn được bên cạnh cách chia nhỏ trọng lượng (chả con cá: 170g/con, thậm chí 70g) để người ít tiền cũng mua được.


Nắm “bí kíp” thì tự tin


Cách quản trị ở cửa hàng bán lẻ tất cả sản phẩm của Năm Thuỵ, ở cửa hàng bánh mì cân ký và điều hành mạng lưới đại lý đã thay đổi từ cung cách đến tầm nhìn của Nguyễn Trường Chinh. Đã có lúc một thân một mình đi nước ngoài thăm dò thị trường hoặc tháp tùng cùng đoàn doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khảo sát và học cách phân tích, thẩm định thị trường, Chinh bắt đầu nhìn “thách thức không cuống lên” và “cơ hội không mừng quýnh” mà không lượng sức mình. Thậm chí đủ tự tin khi nhìn thấy nước ngoài giả danh chả con cá, bởi anh biết sản phẩm của mình ngon nhờ cái gì và nhà cung cấp nguyên liệu đó ở đâu? Chưa kể, đặc điểm của trứng muối đồng bằng ngon hơn “thiên hạ” tập trung ở vùng nào, phân theo cỡ, theo màu nào... không phải ai cũng biết.


Phép thử xúc xích xông khói, mang những món ngon từ các nền văn hoá khác để bà con mình thưởng thức, được ông Willy, chuyên gia chế biến thực phẩm người Tây ban Nha, trực tiếp hướng dẫn Chinh vận hành thiết bị mới, ủng hộ. Ông còn gợi ý làm nhiều món ngon Tây bằng cách sử dụng nguyên liệu tại chỗ có hương vị riêng hoặc phối trộn như chả cá hồi và cá bản địa.


Khi tính đơn hàng của khách thấy yên tâm vì hàng đưa ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, một phần nhờ Chinh làm ra những món ăn từ nền văn hoá khác rồi đưa vào đời sống, và nhờ sản lượng tăng đều khiến việc đầu tư kho lạnh (để kiểm soát cả nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm) hiệu quả hơn so trữ trong tủ lạnh. Hàng bán chạy hơn nên các đại lý mạnh dạn đầu tư tủ đông loại nhỏ, trữ hàng bán tốt hơn.


Mỗi ngày làm 2 – 3 tấn thành phẩm nhờ làm nhiều loại, kể cả món ăn từ các nền văn hoá khác. Nếu mình không làm thì công ty khác cũng sẽ nhập hàng về, cái khác của Chinh là quan niệm: cái “nguyên xi” nước ngoài chỉ để đối chứng, phối trộn nguyên liệu và làm cho người mình ăn được mới quan trọng.


Hoàng Lan






Truyền hình trả tiền: nhiều chiêu níu chân khách

Truyền hình trả tiền: nhiều chiêu níu chân khách

Truyền hình trả tiền: nhiều chiêu níu chân khách


SGTT.VN - Cuối năm, cũng như các nhà bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cũng “đánh nhau” tới tấp, từ giảm giá thiết bị, chi phí lắp đặt cho đến cung cấp nội dung mới.










Nhiều hộ gia đình ở TP.HCM đã có tivi xịn, nhưng họ cho rằng chất lượng truyền hình chưa như mong đợi. Ảnh: L.Q.N



Đóng cước trước có thưởng


Đó là chiêu thức mới của truyền hình cáp HTVC dành cho khách hàng đang và chuẩn bị sử dụng dịch vụ. Theo đó, khi khách hàng đóng cước trước hai tháng (tháng 11 và 12) hoặc lắp đặt mới trong tháng 12 sẽ được nhận một phiếu cào, nếu đóng trước bốn tháng (11 – 12.2013 và tháng 1 – 2.2014) sẽ nhận được sáu thẻ cào, đóng trước một năm sẽ nhận được 16 thẻ cào để trúng một trong những giải thưởng: 14 chiếc xe SH, 20 chiếc tivi LCD 32 inch của Sony… đại diện của HTVC cho biết thêm, để nhận được những thẻ cào trên, khách hàng phải thực hiện việc đóng cước trong tháng 12.2013. Vị đại diện của HTVC từ chối cung cấp số lượng khách hàng tham gia chương trình trên mà chỉ nói rằng, nhiều khách hàng “hào hứng” tham gia chương trình, trong đó phần lớn đóng trước hai hoặc bốn tháng cước như là “tìm vận may cho cuối năm”.


VTV Cab cũng đang tích cực khuyến mãi cho các khu vực có cáp: với mức phí trọn gói 600.000 đồng, khách hàng sẽ sở hữu đầu thu HD và miễn phí 12 tháng gói kênh HD, trong đó có gói VTC HD, tặng thẻ mua hàng, tặng phí lắp đặt...


Từ ngày 7.12.2013, khi đăng ký gói thuê bao Premium+, khách hàng sẽ được giảm 1 triệu đồng cho đầu settop box HD của K+. Còn truyền hình An Viên sẽ tính trọn gói cho những thuê bao mới trong tháng 12 với giá 1,65 triệu đồng, bao gồm đầu thu HD, chi phí lắp đặt và cước trong chín tháng. Riêng đầu thu HD, khi khách hàng đăng ký sử dụng trên 18 tháng sẽ được sở hữu.


SCTV đang có chính sách thu hút khách hàng từ các nhà cung cấp dịch vụ khác với những ưu đãi: giảm 30% phí hoà mạng, thuê bao và cước trong 12 tháng so với khách hàng đăng ký mới.


MyTV của tập đoàn Bưu chính và viễn thông Việt Nam (VNPT) thông qua các công ty thành viên tại các địa phương có hình thức khuyến mãi: giảm 50% giá settop box, miễn phí kích hoạt, áp dụng đến ngày 31.12.2013.


OneTV của FPT bổ sung ba kênh mới: Thanh Hoá, Nghệ An và MOV (điện ảnh và giải trí) nâng số kênh lên 103 kênh.


Bí mật chương trình cuối năm?


Những năm trước, vào dịp cuối năm dương lịch cho đến qua tết Nguyên đán, các nhà cung cấp đều có những chương trình mới và lạ để hấp dẫn người dùng. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, nhiều nhà cung cấp chỉ có lịch chiếu hàng ngày, xa hơn là lịch chiếu tuần, còn xa hơn nữa, lịch vẫn chưa được công bố, vì đó là “bí mật kinh doanh”!


Bà Nguyễn Sao Mai, trưởng phòng truyền thông của công ty kỹ thuật truyền hình số Việt Nam (VSTV) tiết lộ, ngoài nội dung quen thuộc trên các kênh riêng như K+1, K+PM, K+NS…, từ nay đến cuối năm sẽ có hàng loạt phim mới, có bản quyền xuất hiện trên các kênh của K+ như phim Ranh giới (Thổ Nhĩ Kỳ) được bắt đầu từ ngày 23.12.


Còn An Viên, khai thác thế mạnh là kênh truyền hình Phật giáo và ca nhạc theo chủ đề để phục vụ khách hàng vào dịp tết! SCTV tập trung vào các chương trình cũ được nhiều người xem: hài, phim tổng hợp và phim nước ngoài.


HTVC sẽ tăng cường phim mới và phim hài trong nước cho dịp tết 2014, nhưng gồm có những phim nào thì đến nay vẫn chưa được quyền công bố, vì sợ các đối thủ cũng mua những sản phẩm đó!


Như vậy, ngoài việc khuyến mãi để thu hút khách, việc người dùng yêu cầu có những chương trình hấp dẫn, những ứng dụng mới lạ thì vẫn chưa nhận được câu trả lời. Hình thức được nhiều nhà cung cấp áp dụng là mở thêm kênh. Nhưng nội dung kênh có hấp dẫn hay không lại là câu chuyện khác. Trừ những kênh riêng như các kênh K+ của VSTV, kênh Phật giáo của An Viên… được đánh giá là kênh độc quyền, có lượng khách hàng riêng. Còn lại, không có sự khác biệt, từ kênh địa phương cho đến kênh nước ngoài vì có cùng chung nguồn bản quyền của một đối tác cung cấp cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước.


Gần đây VTV Cab mở rộng địa bàn “phủ cáp” tại các tỉnh miền Tây Nam bộ để cạnh tranh với SCTV, VSTV, An Viên. Ngoài các công nghệ truyền hình cáp truyền thống (analog và kỹ thuật số), VTV Cab có những công cụ mới cho khách hàng khu vực miền Tây Nam bộ như: internet trên mạng truyền hình cáp, truyền hình tương tác IPTV. Cần nói rõ hơn, những công cụ này chỉ mới với VTV Cab, còn với khách hàng, những công nghệ trên đã được sử dụng tại thị trường Việt Nam gần mười năm trước.


Một nhân viên kinh doanh của truyền hình An Viên (không nêu tên) cho rằng, dịp cuối năm nay, chỉ có khuyến mãi là tạo sự khác biệt, còn nội dung của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay cứ “na ná, sàn sàn” như nhau, chưa tạo ra nét riêng. “Nếu ai ghiền bóng đá nên thuê K+, vì họ giữ bản quyền hầu như tất cả các giải. Đây là nét riêng, những nhà cung cấp còn lại, chẳng có gì khác”, nhân viên kinh doanh của An Viên, bình luận thêm.


Trọng Hiền






Đầu bếp giỏi phải biết làm cho khách ăn ngon

Đầu bếp giỏi phải biết làm cho khách ăn ngon

Vòng loại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng khu vực Hà Nội


Đầu bếp giỏi phải biết làm cho khách ăn ngon


Noel, tết dương lịch cận kề, các nhà hàng, khách sạn đều đang tập trung toàn lực lo phục vụ tiệc. Đã thế thời tiết miền Bắc trở rét vào tháng cuối năm, mỗi ngày một rét hơn, khiến mọi người đều ngại ra đường, huống chi là phải di chuyển đường xa và căng thẳng với tâm lý “đi thi”. Vậy mà 14 đội từ Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đã có mặt ở cung Triển lãm quy hoạch quốc gia (huyện Từ Liêm, Hà Nội) vào ngày 17.12.2013 để tham gia chặng cuối cùng vòng loại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng bởi không chỉ các đầu bếp mà cả những người quản lý nhà hàng, khách sạn rất muốn đầu bếp của mình thử sức ở một cuộc thi dành cho những người phục vụ ẩm thực chuyên nghiệp.










Ông Lý Huy Sáng – đại diện ban tổ chức và bà Đỗ Thị Hồng Xoan – đại diện ban giám khảo trao giải.



Chặng cuối phong phú hương vị đất Bắc


Bám sát chủ đề “Hương vị quê nhà”, các đội thi còn nhìn trời rét ở miền Bắc để ra thực đơn sao cho vừa giới thiệu được những đặc sản địa phương, vừa chế biến những món ăn hợp với thời tiết.


Người Hà thành nổi tiếng tinh tế trong ăn uống, có lẽ vì thế nên các đội bếp ở Hà Nội cố gắng thể hiện tài chế biến những món ngon truyền thống cũng như sáng tạo thêm để làm phong phú hơn ẩm thực Hà thành. Khách sạn Sen không ngại đưa món nem tươi cuộn tôm, thịt (theo miền Nam gọi là gỏi cuốn) vào khai vị vì món này vẫn thích hợp dùng khi trời lạnh; với món tôm bao dừa chiên thì đầu bếp đã hâm nóng tương ớt để “làm ấm lòng người thưởng thức”; đến món bún chả, đầu bếp kẹp lá xương sông vào thịt chờ cận giờ phục vụ mới nướng lên cho miếng thịt nóng toả mùi thơm. Rau muống rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam, nhất là người Hà Nội thường có loại rau này trong bữa ăn gia đình mỗi ngày với cách luộc, xào, nấu canh hoặc dùng với lẩu. Đầu bếp Lê Văn Quyết của tập đoàn Vingroup đem những cọng rau muống nhúng bột chiên giòn, tạo thành món mới cho loại rau này, khéo léo ở chỗ rau chiên giòn nhưng vẫn giữ màu xanh mướt. Đội nhà hàng Top Chef khá tâm đắc với món bánh đúc nộm và xôi cháy chim câu. Đầu bếp Trần Văn Hanh nói rằng trong món nóng này chính nước giá xay cùng vừng và lạc tạo nên vị béo, bùi làm cho miếng bánh đúc dai, giòn, thơm ngon hơn. Còn làm món xôi muốn ngon, ngoài cách nấu xôi và chế biến thịt chim cho thơm thì cách tạo lớp cháy của xôi cũng phải khéo léo mới có thể hấp dẫn thực khách.


Nói đến Ninh Bình là thực khách nghĩ đến những món dê núi, trong ba món chính thì khách sạn Vissai đã làm hai món từ thịt dê. Ngay món khai vị, đầu bếp của Vissai đã muốn làm ấm bàn tiệc với món súp thịt dê bát bảo, tiếp theo là món thịt dê nướng thảo mộc dùng với cơm cháy. Nhà hàng Hoàng Sơn Hoà Bình thì chăm chút thật đẹp món dê hầm khoai sọ và đu đủ. Nhà hàng Thành Long cũng không bỏ qua đặc sản địa phương, làm món thịt dê chao dầu, nhưng dọn trước món khai vị nóng là canh cá khoai nấu thì là, rồi thêm một đặc sản là gỏi cá nhệch Kim Sơn nữa.


Đầu bếp Hồ Quang Trung (Nghệ An) bảo “nhút mít” là một trong những món thường xuyên trong bữa ăn của người dân xứ Nghệ, nhiều nhất là ở các vùng quê Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương. Với bí quyết riêng, cách muối cẩn thận để bảo quản lâu dài nhút mít như một đặc sản thể hiện phần tài nghệ của đầu bếp khách sạn Mường Thanh Sông Lam (Nghệ An), họ quyết định đưa món gỏi nhút mít tới cuộc thi. Không dám cạnh tranh với các đội ở Ninh Bình trong món thịt dê, khách sạn Mường Thanh Sông Lam chỉ muốn giới thiệu một cách chế biến khác là thịt dê nướng dùng với nước xốt quả trám, kèm quả vả muối và rau rừng.


Giám khảo thiết tha giúp thí sinh nâng tầm










Giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương quan sát đầu bếp nhà hàng Thành Long chế biến món gỏi cá nhệch.



Là những người đã đi nhiều vùng miền trên cả nước và nước ngoài, với niềm đam mê mãnh liệt cũng như tình yêu nghề bền bỉ, các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực đi đến đâu cũng tìm hiểu về những món ăn, thức uống đặc trưng vùng miền, địa phương hay món riêng của từng nhà hàng, quán ăn, thậm chí cả những quán cóc đường phố. Nhờ thế, vị giác của các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực đủ nhạy để cảm nhận được món ăn thế nào là đúng với hương vị địa phương. Thế nhưng, có lẽ nhiều đội thi thấy ban giám khảo đa số là người miền Nam nên đã nêm món ăn hơi ngọt, không đúng với vị đậm đà theo ẩm thực miền Bắc và mất điểm chất lượng vì lý do này.


Một số thí sinh cho rằng trời rét đã gây khó khăn cho họ khi phục vụ những món nóng hay cần độ giòn, nhưng theo nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, đầu bếp giỏi phải biết cách dọn món lên bàn tiệc sao cho khách ăn thấy ngon, kể cả phải biết ứng biến với thời tiết. Thí sinh phải có hai bàn tiệc, một đơn thuần là trưng bày để giám khảo chấm điểm và một là dọn món để giám khảo dùng và chấm điểm chất lượng món ăn. Đối với bàn tiệc chỉ trưng bày, không cần quan tâm nhiều đến nhiệt độ, nhưng với bàn chấm điểm chất lượng món ăn thì khi dọn lên, món ăn lạnh phải ra lạnh, ăn nóng phải thật nóng. Với món nóng thì chén, dĩa cũng phải được làm nóng rồi mới đặt món ăn vào, tính khoảng cách từ bếp sao cho khi tới bàn ăn thì món ăn đảm bảo độ nóng cần thiết. Với một số món lạnh, đôi khi chén, dĩa cũng phải được làm lạnh.


Về cách trưng bày bàn tiệc, trang trí món ăn, ban giám khảo nhận xét không riêng khu vực Hà Nội, trong vòng loại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, nhiều đội đã sáng tạo rất tốt, biết cách sử dụng những bộ dụng cụ Ly’s Horeca của công ty Minh Long I để tạo ấn tượng cho những món ngon thêm hấp dẫn. Song, cũng có nhiều đội chưa biết cách bài trí, sử dụng rau củ quả cắt tỉa quá nhiều thứ rườm rà đến mức không thực tế, nên tốn kém mà không bày được bàn tiệc có mỹ thuật và ý nghĩa. Trong khi những điều cần lưu ý là có đủ dụng cụ ăn dành cho bốn người như quy định, có chén đồ chấm đặt đúng vị trí với món ăn chính, những gì trang trí trong món ăn phải là loại ăn được và phù hợp với món ăn thì các đội thường sai.


Sự chuẩn bị chưa thật tốt của nhiều đội khi bước vào giờ thi làm cho ban giám khảo không hài lòng lắm. Nghệ nhân ẩm thực Đinh Bá Châu luôn nhắc nhở đây là cuộc thi tổ chức cho những đầu bếp đã biết làm việc nên ban giám khảo nhìn cách sắp xếp, tổ chức công việc trong bếp để đánh giá tác phong nghề nghiệp. Đề thi là một thực đơn bốn món không nói rõ bao nhiêu món nước, món khô là để xem đầu bếp có khả năng ra một thực đơn hoàn chỉnh dinh dưỡng và hợp lý khi phục vụ khách chưa.


Thí sinh tuy lúc đầu nhận lời góp ý của ban giám khảo thì hơi băn khoăn nhưng ngay sau đó, các bạn đều hiểu ít có cuộc thi nào mà nhà tổ chức và các giám khảo hết lòng chú ý, thiết tha hướng dẫn để góp sức cùng các bạn nâng cao trình độ chuyên nghiệp của người làm bếp chuyên nghiệp từng vùng miền như Chiếc Thìa Vàng.


bài và ảnh: Nguyệt Hồng









Giải nhất thuộc về tập đoàn Vingroup (Hà Nội). Bốn đội đạt giải nhì là: nhà hàng Thành Long (Ninh Bình), khách sạn Mường Thanh Sông Lam (Nghệ An), nhà hàng Top Chef (Hà Nội) và khách sạn Sen (Hà Nội).


Vòng bán kết 2 cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2013 vào ngày 2 và 3.1.2014 tại TP.HCM. Trận chung kết diễn ra ngày 16.1.2014 tại TP.HCM.







Mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân

Mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân


Mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân


SGTT.VN - Xinh đẹp, đa tài, duyên sân khấu mặn mòi… Hồng Vân có đủ mọi tố chất để theo đuổi nghiệp diễn tới cùng, nhưng chị lại rẽ ngang làm “bà bầu” khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp. Nhận vào mình trách nhiệm lớn hơn vai trò một nhà đầu tư nghệ thuật, chương trình Sân khấu học đường là ước mơ bao năm của chị, với khát khao tạo dựng một thế hệ khán giả mới cho sân khấu của tương lai.











Sân khấu kịch tư nhân của Sài Gòn, nơi từng là một điểm son đáng tự hào, đang dần đuối sức, theo chị nguyên nhân chính từ đâu? Phải chăng chính những người dẫn đầu đã không còn “máu lửa” như xưa?


Có thể một phần liên quan đến tuổi tác, sức khoẻ của những người khởi xướng. Có người đã về hưu và có người không còn nữa. Những người đang làm việc cũng đã U50 cả rồi, làm sao còn máu lửa được nữa. Nhưng hết “máu lửa” thực ra chỉ là một phần rất nhỏ, vấn đề chính là sân khấu xã hội hoá đã đuối sức sau một thời gian dài tự bươn chải.


Sân khấu kịch ngoài Bắc đã rơi vào tình trạng ngủ yên từ lâu, sân khấu xã hội hoá ở TP.HCM cũng đang ở mức báo động, nguyên nhân là những trụ sở mà các sân khấu này đang thuê mướn như hội trường, nhà văn hoá… có tuổi đời trên mười mấy năm giờ đã rệu rã, xuống cấp, như một cái xe sử dụng lâu ngày mà không sửa chữa, tu bổ. Giá mà những ông bầu, bà bầu tư nhân, có được những cơ sở, địa điểm độc lập và dùng những cơ sở vật chất này để tái sản xuất, tái đầu tư thì tốt quá vì nơi mà mình thuê mướn thì không có quyền sửa chữa.


Nguyên nhân khác nữa là khán giả bây giờ bị phân luồng bởi nhiều loại hình giải trí miễn phí như truyền hình, internet, YouTube… với nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn. Lượng khán giả truyền thống của sân khấu cũng đã có tuổi và mất dần, khán giả trẻ dù đang chiếm số lượng đông nhưng lại chưa đủ tiền túi để tiếp nhận những loại hình giải trí này.


Với vai trò một nghệ sĩ nhân dân, đại biểu HĐND TP.HCM, chị đã nỗ lực như thế nào để giữ được phong độ của sân khấu xã hội hoá?


Trong cuộc họp HĐND tôi cũng đã tha thiết kêu gào, than thở rất nhiều về những gì mà sân khấu TP.HCM đã xây dựng được từ mấy chục năm qua, nếu không được hỗ trợ kịp thời thì mọi thứ sẽ xuống dốc rất nhanh, chỉ trong vòng một, hai năm tới. Tuy nhiên, TP.HCM và cả nước nói chung còn có rất nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết như an sinh xã hội, tội phạm, giáo dục, hậu quả của thiên tai… tất cả đều cần sự điều phối của ngân quỹ nhà nước. Tôi cũng đã đắn đo rất nhiều trước khi nói điều này bởi có thể trong điều kiện khó khăn chung của cả nước thì dường như đầu tư cho phát triển văn hoá văn nghệ là quá xa xỉ. Thực ra phải nhìn xa hơn, cuộc sống có sung túc mà đầu óc rỗng tuếch thì như hoa đẹp không hương. Sự phát triển của xã hội phải là sự đồng hành của đời sống vật chất và tinh thần. Tôi rất lo và đã kêu gọi UBND TP.HCM, sở Văn hoá – thể thao và du lịch… nên quan tâm và hỗ trợ văn hoá văn nghệ, nhất là sân khấu, nghệ thuật gắn liền với hơi thở hàng ngày của đời sống đô thị nhưng đang phát triển thiếu một sự chăm sóc, định hướng. Bởi tôi biết khán giả vẫn có nhu cầu thưởng thức món ăn tươi ngon mẹ nấu hơn là đồ ăn sẵn, fast food.


Vì sao chị quyết tâm đưa sân khấu vào học đường?


Để tạo lớp khán giả kế thừa, giúp họ tiếp cận nghệ thuật sân khấu. Nếu nó ngon thì các em sẽ thích và hình thành một nhu cầu về lâu dài. Trước mắt tôi đưa ra đề án kết nối cộng đồng gồm có bốn phần: An toàn giao thông, Bảo vệ môi trường, Cư xử trong cộng đồng và Nông thôn mới. Nói những vấn đề đó bằng văn bản thì giới trẻ không thể tiếp thu; thông qua kịch nói, đề án đã tạo được hiệu ứng lan toả ngoài sự mong đợi.


Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn này, làm thế nào một sân khấu tư nhân có đủ kinh phí và sức lực để lo chuyện cộng đồng như vậy?








Tôi chưa phải trả giá gì với những đam mê mà tôi đã chọn, vì tôi luôn nương theo vòng xoay của cuộc sống.

Khi bắt đầu thực hiện đề án, tôi rất xúc động khi sở Văn hoá – thể thao và du lịch duyệt và cấp kinh phí 6 triệu đồng cho một suất diễn. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ hết mình của sở Giáo dục và đào tạo, cùng sự đồng hành của những nhà kinh doanh có tâm với giáo dục đã giúp tôi đủ tự tin để mời các anh em nghệ sĩ được học trò rất yêu thích như Minh Nhí, Thanh Vân, Hoà Hiệp, Lê Quốc Nam, Tiến Thành, Mai Phương, Hoàng Linh… Chúng tôi đã xây dựng được một chương trình tuyên truyền thông qua hình thức nghệ thuật giải trí hiệu quả. Tôi rất muốn việc mình làm lan toả đến các sân khấu khác vì còn rất nhiều các đối tượng như công nhân khu chế xuất, đồng bào vùng sâu vùng xa cần đến những loại hình này để đưa những thông điệp của cộng đồng thấm sâu vào nhận thức người dân một cách sinh động.

Trong thực tế thiếu vắng kịch bản hay như hiện nay, làm thế nào để chị có thể gầy dựng một kịch mục đa dạng và phong phú cho chuỗi sân khấu kịch Hồng Vân?


Nỗ lực bằng chính những thành quả. Khi sân khấu có một lượng khán giả nhất định, sẽ tạo hưng phấn cho các tác giả và tạo hứng thú cho chính họ tự gửi kịch bản cho mình vì họ biết tuổi thọ của các kịch bản sẽ cao.


Chị đã thực sự hài lòng chưa về một bản sắc kịch mang tên Hồng Vân?


Tôi không hề có tham vọng về một bản sắc sân khấu kịch Hồng Vân, hiện nay sân khấu của tôi vẫn là sân khấu kịch Phú Nhuận. Buộc lòng tôi phải lấy tên mình cho sân khấu Superbowl chỉ là để khán giả đỡ nhầm lẫn. Vì tôi không phải là một tượng đài có phong cách sân khấu riêng như má Phùng Há, và tôi không theo đuổi nghiệp diễn mà đã chuyển sang công tác quản lý từ khi còn thanh xuân, thời điểm còn ở đỉnh cao trong nghề và cũng là lúc cống hiến được nhiều nhất.


Chị nghĩ gì về một Sài Gòn hào phóng và cởi mở cho tất cả những người dân tứ xứ, và cho riêng chị? Phải chăng vì vậy mà chị đã tạo nên một sự hài hoà giữa “kịch Bắc và kịch Nam” trên sân khấu của mình?


Người Nam bộ nói chung hay Sài Gòn nói riêng là những người sống hướng ngoại và có nhu cầu hướng ngoại rất nhiều, khác với người miền Bắc. Do đó loại hình giải trí ở miền Nam có sức sống mạnh hơn và đây là vùng đất màu mỡ, gieo gì cũng mọc được. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân tạo ra bức tranh lộn xộn về mặt thẩm mỹ, không có quy hoạch. Người Sài Gòn đúng là bao dung, dễ tính, do đó nghệ thuật gần như là con dao hai lưỡi và vì vậy cần phải có định hướng rất cụ thể. Điều này cần sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, có nuôi con thì mới dạy con được, nếu không thì “đứa con” phải tìm mọi cách tự bươn chải để tồn tại.


Phải hài hoà kịch Bắc và Nam vì khán giả Bắc ở miền Nam rất nhiều nên cũng cần phục vụ lực lượng này, và mình cũng muốn có “đặc sản” riêng. Ngoài ra tôi cũng mê dòng kịch văn học hiện thực phê phán và hầu hết tác giả của dòng kịch này là người Bắc, khi tái hiện mình phải thể hiện âm hưởng Bắc thì mới “ra” được.


Trong cuộc đời làm nghệ thuật, vai diễn nào ám ảnh chị nhất?


Vai diễn đầu tiên, Thị Bình trong vở Lôi vũ. Một nỗi ám ảnh ngọt ngào. Đó là cả một quãng thời gian hạnh phúc nhất trong nghề. Khi đó chúng tôi còn là những nghệ sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, mặc dù lúc ấy tôi chỉ diễn theo sự bắt chước, tổng hợp từ hình ảnh mẹ và bà nội, nhưng tôi tự tin vô cùng vì được diễn với những đồng nghiệp vừa giỏi nghề, vừa có trách nhiệm với từng vai diễn của mình và từng bạn diễn.









Sự cân bằng trong cuộc sống của tôi là cân bằng vô điều kiện, khi cho đi tôi nhận lại được sự quan tâm, yêu thương của chồng con, cha mẹ, anh em, bè bạn…



Còn người mẹ trong Mẹ và người tình, vở diễn đoạt huy chương vàng liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 làm tôi khắc khoải vô cùng. Tôi không phải hoá thân thành ai mà chỉ là đem mình vào, trong giáo dục con cái, cuộc sống gia đình và với mọi người xung quanh, với công việc. Tôi nhớ mãi câu thoại: “Mẹ đã tạo ra từng đứa, mẹ đã nâng từng đứa một để con có vị trí như ngày hôm nay, thì mẹ cũng có thể đạp xuống từng đứa một”. Đôi khi tôi tự ngẫm và giật mình không biết mình có như bà mẹ này hay không? Sinh ra con, nuôi con đến ngày trưởng thành, mỗi người mẹ đều cảm thấy con với mình là một, mục đích của mọi việc mẹ làm đều muốn đem đến những gì tốt nhất cho con. Nhưng có khi yêu thương thành mù quáng mà không biết, vì quá thương con mà quên đi đứa con là một thực thể cá biệt, độc lập.

Và vai diễn nào là thất bại nhất của chị?


Nhiều anh chị trong báo giới và những người trong ngành không muốn tôi theo tấu hài. Tôi rất cám ơn vì biết mọi người không muốn tôi bị xao nhãng, “hư nghề”, nhưng tôi vẫn đi tấu hài vì tôi có nhà, có xe, nuôi con được là nhờ tấu hài, tôi mang ơn bộ môn này. Vấn đề là làm thế nào đem đến tiếng cười có ý nghĩa, dù chỉ là giải trí thuần tuý thì vẫn là giải trí sạch.


Con người chị vừa rất thực tế, lại cực kỳ lãng mạn. Tính cách nào đã giúp chị thành công trong vai trò một nhà đầu tư, một giám đốc nghệ thuật, kiêm một diễn viên đa diện?


Đây là câu hỏi hay nhưng cũng là câu trả lời.


Vừa quản lý, vừa diễn, hai việc hoàn toàn trái ngược nhau, phải bao gồm tất cả chứ không riêng gì một tính cách nào để làm được nghề tôi đang làm. Một nghệ sĩ không thể đơn điệu và vô cảm, phải có độ thẩm thấu, nhạy cảm để hoá thân vào nhân vật.


Chị từng nói “Hãy bỏ giày bên ngoài thánh đường”, sân khấu đối với chị mang một ý nghĩa như thế nào?


Chừng nào không có sân khấu đúng nghĩa thì không thể có “thánh đường”. Càng xuống cấp về cơ sở vật chất thì từ nghệ sĩ đến khán giả càng trở nên dễ dãi với bản thân và mất đi sự trân trọng đúng nghĩa cho thánh đường nghệ thuật… Tôi chưa phải trả giá gì với những đam mê mà tôi đã chọn, vì tôi luôn nương theo vòng xoay của cuộc sống. Tôi không thể vòng ngược lại, không thể hoạt động một mình hay chỉ làm theo bản năng, ý thích của bản thân vì mình đang kéo theo con tàu gần cả trăm người nên phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.


Giữa tài và đức là một sự thử thách không ngừng, chị đã tự rèn luyện như thế nào để chữ đức cân phân chữ tài?


Tôi chưa bao giờ tự nhận là tài đức vẹn toàn mà chỉ dạy cho ai. Đứng trước những đam mê sân khấu, làm bất cứ điều gì tôi cũng làm hết sức, dù nhận vai lớn hay nhỏ, dù mệt mỏi nhưng khi bước ra sân khấu là tôi quên hết và sống trong vai diễn. Khi dàn dựng vở diễn tôi cũng phân tích, thị phạm hết mình, không giấu giếm bất cứ bí quyết nào. Đây là điều có lợi cho cả đôi bên, vở diễn hay hơn và các bạn diễn cũng tốt hơn.


Trong vai trò quản lý, tôi cố gắng tránh những thiệt hại, tổn thất một cách tối đa cho các diễn viên và người lao động, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động và các diễn viên, và tôi nghĩ những người cộng sự của mình sẽ hiểu nếu làm việc với một tấm lòng thật sự thì thành quả đạt được sẽ rất lớn cả về vật chất và tinh thần cho tất cả mọi người.


Trước đây, khi đứng trước một ngã rẽ đầy thử thách, làm thế nào để chị có thể sống trọn với tình yêu, với sự nghiệp, đứng dậy sau mọi đổ vỡ?


Có thể nói tôi là một người phụ nữ may mắn và tôi đã được sống với sự may mắn đó cả một thời gian dài. Tôi không muốn nói nhiều về gia đình vì cuộc sống của gia đình tôi bây giờ không có scandal để mọi người tập trung nhiều, nó cũng bình yên như tất cả những gia đình khác.


Nguyên tắc sống nào giúp chị tìm được sự cân bằng cho tâm hồn?


Tôi theo đuổi trường phái nghệ thuật vị nhân sinh. Tất cả mọi việc tôi làm đều nhằm mang lại điều gì có ích lợi cho mọi người, cho cộng đồng chứ không chỉ vì đam mê cá nhân. Với tôi gia đình rất quan trọng, ngay cả khi còn là con gái thì làm gì cũng nghĩ đến bố mẹ, các em, còn sau này thêm nữa là chồng con, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… Sự cân bằng trong cuộc sống của tôi là cân bằng vô điều kiện, khi cho đi tôi nhận lại được sự quan tâm, yêu thương của chồng con, cha mẹ, anh em, bè bạn… Khi làm hết sức mình với sân khấu, tôi nhận lại sự quan tâm và ủng hộ của khán giả. Nguyên tắc này là luật cộng trừ và tôi vẫn miên man với suy nghĩ rằng một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân... Giá mà ai cũng tâm đắc điều này như tôi nhỉ?


thực hiện: Kim Yến


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường






Một ngành tự hào, một người khiêm cung

Một ngành tự hào, một người khiêm cung

Hội nghị thường niên lần thứ 19 của hội Cột sống TP.HCM


Một ngành tự hào, một người khiêm cung


SGTT.VN - Gần 40 năm qua, ngành cột sống đã tiến một bước dài trong điều kiện khó khăn. Hội nghị thường niên lần thứ 19 của hội Cột sống TP.HCM vừa diễn ra ngày 21.12 chính là dịp nhìn lại sự trưởng thành của một thế hệ bác sĩ còn rất trẻ, đảm nhận thành công những ca phẫu thuật phức tạp ở các tuyến bệnh viện tỉnh, mang lại cho người nghèo ngày một nhiều cơ hội chữa bệnh.










PGS.TS.BS Võ Văn Thành (đeo kính) đang chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cột sống cho các bác sĩ ở bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM.



Những thành quả y học đáng tự hào


Hội nghị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm điều trị các bệnh lý tổn thương cột sống rất cụ thể của từng êkíp bác sĩ tuyến tỉnh, chứng tỏ kiến thức chuyên môn và năng lực chẩn đoán, điều trị của các bác sĩ chuyên khoa cột sống trong nước đã tăng lên rõ rệt. Nhiều phẫu thuật với kỹ thuật cao đã được thực hiện tại các khoa cột sống trong nước, đặc biệt bệnh viện đa khoa Khánh Hoà đã thực hiện thành công hàng ngàn ca mổ trong bốn năm qua.


Những phương pháp phẫu thuật mới của PGS.TS.BS Võ Văn Thành (chủ tịch hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á – Thái Bình Dương; chủ tịch hội Cột sống TP.HCM) được bạn bè trong và ngoài nước nể phục, đáng kể nhất là phương pháp phẫu thuật cột sống theo lối nằm ngang (năm 2004) đặt ốc chân cung, được đánh giá là đột phá riêng của Việt Nam. Phẫu thuật tạo hình bản sống theo phương pháp Võ Văn Thành cho bệnh lý tuỷ cổ mạn, phẫu thuật cắt trọn gói bướu nguyên sống vùng xương thiêng, phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống ba thanh nối với cấu hình toàn ốc chân cung cho vẹo cột sống nặng hàng trăm độ, phẫu thuật kết hợp hai lối cho gãy cột sống, lao cột sống… là những bước đột phá hữu hiệu, tiết kiệm thời gian, tránh mất máu nhiều, an toàn cho bệnh nhân…


Ứng dụng công nghệ ốc chân cung Việt Nam trong điều trị phẫu thuật cố định gãy cột sống ngực – thắt lưng cũng là một minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa khoa học công nghệ và y khoa trong nước, mở ra hướng đi tích cực trong việc sản xuất dụng cụ kết hợp xương có giá phù hợp. Hầu hết dụng cụ và trợ cụ mổ cột sống hiện nay đều nhập từ nước ngoài, giá cao, thực sự là gánh nặng cho bệnh nhân, nhất là nông dân, công nhân nghèo. Việc áp dụng thành công vào lâm sàng các ốc chân cung được sản xuất trong nước là dấu hiệu đáng khích lệ. Một cấu hình sáu ốc và hai thanh nối hoàn chỉnh chỉ tốn 150 – 180 USD cho một ca mổ, so với hàng ngàn USD nếu mua ốc ngoại nhập. Đối với bệnh nhân đau và bị tổn thương cột sống do té ngã, trước đây việc mổ và điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém, nhất là bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Việc phát triển khoa cột sống tại các bệnh viện tỉnh đã góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến trên, và giúp các bệnh nhân nghèo mắc bệnh cột sống nặng được khám và hỗ trợ điều trị kịp thời ngay tại địa phương.


Chính vì thế, trong hội nghị, giám đốc sở Y tế TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh đã trân trọng cảm ơn và biểu dương sự đóng góp của hội Cột sống TP.HCM và BS Thành vào sự nghiệp phát triển ngành cột sống trong nước.










Đã có một thế hệ bác sĩ tiếp nối còn rất trẻ, đảm nhận thành công những ca phẫu thuật phức tạp ở các tuyến bệnh viện tỉnh.



Sự khiêm cung của “cánh chim đầu đàn”


Là bậc thầy trong ngành cột sống, BS Thành đã có công tạo dựng đội ngũ bác sĩ chuyên ngành giỏi và nhiều sáng tạo, đưa một ngành còn rất mới mẻ ở Việt Nam có vị thế trong giới khoa học quốc tế. Suốt bao năm qua, ông đã lặn lội khắp các tỉnh, từ miền Trung đến miền Tây, để trực tiếp đào tạo thế hệ trẻ cho các bệnh viện tỉnh, truyền bá kinh nghiệm qua những ca mổ cụ thể, mang lại cơ hội chữa bệnh cho người nghèo… Cũng từ những chuyến đi “cầm tay chỉ việc” này, tay nghề của các bác sĩ trẻ như Trần Hoàng Mạnh (bệnh viện Khánh Hoà), Huỳnh Thống Em (Cần Thơ), Trần Hoàng Mạnh (Nha Trang), Đỗ Văn Minh (Huế), Hoàng Xuân Tùng (Tây Ninh)… ngày một vững vàng.


Đến giờ, họ đã tự tin cùng êkíp của mình đảm nhiệm những ca mổ khó, và trở thành những hạt nhân để quy tụ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, gây mê trẻ, từng bước tạo tiền đề vững vàng cho các khoa cột sống non trẻ của bệnh viện địa phương.


Không chỉ lo cho thế hệ bác sĩ tiếp nối, ông còn tạo điều kiện cho họ làm việc, có điều kiện học tập ở nước ngoài, sống thoải mái với nghề nghiệp của mình. Hội Cột sống TP.HCM đã tổ chức được hơn 20 hội nghị quốc tế về cột sống tại Việt Nam. Trong các hội nghị này, nhiều bác sĩ đầu ngành của thế giới đã dành thì giờ quý báu đến Việt Nam truyền bá kiến thức và giúp đỡ dụng cụ phẫu thuật kỹ thuật cao. Hội đang chuẩn bị cho hội nghị thường niên hội Nghiên cứu cột sống cổ Á châu lần 5 và khoá chuyển giao kỹ thuật cột sống lần 8 của hội Butterfly Foundation với hàng trăm giáo sư, bác sĩ và khách quốc tế… Đó là những cơ hội quý báu để bác sĩ trẻ trong nước học tập các bậc thầy tại chỗ và còn có cơ may du học nước ngoài.


Tại hội nghị, đáp lại lời cảm ơn chân tình của các học trò, BS Thành xúc động: “Trước mắt, tôi chỉ thấy bệnh nhân và những tật bệnh của cột sống. Bệnh nhân chen chúc, chờ đợi, rên siết và hy vọng, mọi niềm tin đều đặt vào người thầy thuốc. Vì thế, mỗi khi giải quyết được một ca bệnh khó, căng thẳng quá tôi lại thổi sáo cho tâm an, trí định. Còn khiêm cung là lẽ tự nhiên vì bệnh tật về cột sống rất khó, không phẫu thuật viên nào dám đảm bảo kết quả 100%. Học tập hoài không bao giờ biết hết, nên không có chỗ đứng cho sự kiêu ngạo... Tôi cảm ơn các đồng nghiệp và nghiên cứu sinh đến từ khắp nơi trong nước, sự nhiệt tình học hỏi làm việc của các bạn đã góp phần phát triển ngành cột sống một cách chuyên nghiệp hơn.


Sự bứt phá đó là nhờ tâm và tầm của các bác sĩ trẻ đã cùng tôi chung sức lo cho dân tốt hơn…”


Kết thúc hội nghị, GS.BS Lê Điền Nhi đã gửi lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa đến các đồng nghiệp: “Phẫu thuật cột sống liên quan đến cả cuộc đời người bệnh, đòi hỏi sự quan tâm lâu dài của bác sĩ. Tôi mong BS Võ Văn Thành giữ được sức khoẻ và nhuệ khí để dìu dắt đàn em, mong các bạn trẻ tiếp nối được tinh thần của người thầy đáng quý, dốc tâm phục vụ người bệnh nhiều hơn”.


Hương Xuân

ảnh: hội Cột sống TP.HCM cung cấp






Con đường nào cho thuốc Việt?

Con đường nào cho thuốc Việt?

Con đường nào cho thuốc Việt?










Với dây chuyền hiện đại, nhiều mặt hàng dược phẩm sản xuất tại Việt Nam có chất lượng không hề thua kém so với thuốc nhập ngoại cùng loại. Ảnh: suckhoedoisong.vn



SGTT.VN - 1. Thứ bảy 21.12, hội nghị khoa học Dược bệnh viện TP.HCM mở rộng năm 2013 diễn ra ở một khách sạn sang trọng bậc nhất TP.HCM với sự tham dự của hàng trăm đại biểu từ nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Có lẽ sự kiện nào dính dáng đến dược phẩm cũng bề thế như vậy. Bất chấp kinh tế suy thoái, dường như kinh doanh thuốc men vẫn ăn nên làm ra, bởi chi tiêu còn tằn tiện được, chứ bệnh tật ai cũng phải chữa.


Cứ nhìn danh sách 47 nhà tài trợ cho hội nghị này là choáng ngợp: tài trợ kim cương, vàng, bạc, đồng và tài trợ khác. Thế nhưng cảnh ăn nên làm ra đó chỉ đúng cho những đại gia dược phẩm nước ngoài. Lọt thỏm trong 47 nhà tài trợ là chín doanh nghiệp nội địa (hai phân phối, bảy sản xuất, nhưng nhà sản suất chỉ tài trợ ở mức thấp nhất), số còn lại là những đại gia dược phẩm sừng sỏ thế giới và khu vực. Không khác gì gã khổng lồ Goliah và chàng tí hon David!


Trước đó một ngày, tại Hà Nội, cục Quản lý dược – bộ Y tế ra mắt chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, bàn chuyện đưa thuốc Việt đến người tiêu dùng, vừa giảm gánh nặng chi tiêu sức khoẻ của người dân (thuốc Việt có giá cạnh tranh hơn thuốc ngoại), vừa cứu doanh nghiệp dược nội địa đang ngụp lặn để sinh tồn. Nhìn những con số bộ Y tế đưa ra cũng đủ thấy thực trạng đáng buồn về thuốc Việt: bình quân mỗi năm một người Việt chi 600.000 đồng mua thuốc nhưng hơn một nửa số đó dành cho thuốc ngoại; còn tại các bệnh viện ở TP.HCM, tỷ lệ dùng thuốc nội ở tuyến dưới được 60 – 90%, nhưng càng lên cao con số này càng giảm, ở bệnh viện chuyên khoa (mắt, ung thư) chỉ còn 5 – 10%!


2. Có dịp tiếp xúc với những doanh nghiệp dược trong nước, người viết thường nghe kêu than về một bất công cho họ trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, đó là quy định chỉ cho phép họ quảng bá, tiếp thị ở mức 5 – 10%, trong khi doanh nghiệp ngoại lên tới 30%! Chuyện này không lạ, nhưng lạ ở chỗ mãi tận năm nay con số đó mới được các nhà quản lý nới rộng lên 15%.


Ít tiền cho công tác quảng bá, tiếp thị, nên việc gắn kết giữa doanh nghiệp dược trong nước và giới bác sĩ – những người kê toa – khó được chú trọng đúng mức. Trong khi các bác sĩ Việt Nam được các đại gia dược phẩm thế giới tài trợ tham dự các hội nghị chuyên môn ở nước ngoài liên tục, mời làm diễn giả cho những buổi nói chuyện cho công chúng với chi phí hậu hĩ, các doanh nghiệp trong nước chỉ dám tài trợ bác sĩ những chuyến nghỉ mát nội địa.


Lãnh đạo một công ty dược phẩm trong nước rất tự hào về cách tiếp thị độc đáo của mình – “tiếp thị dược phẩm bằng bánh xèo” – một cách tri ân bằng tình cảm với người ủng hộ sản phẩm của mình. Thật đáng quý với cách làm này. Thế nhưng trong thời buổi này, giải pháp đó dường như chỉ áp dụng được ở vùng sâu, vùng xa, nhưng ở những nơi này thị trường dược phẩm đáng là bao, thuốc men sử dụng loay hoay chỉ là những loại kháng sinh thông thường, thuốc trị cảm sốt, tiêu chảy, đau bụng, trị ghẻ, dầu gió và băng dán cá nhân!


3. “Thuốc nội luôn có giá rẻ hơn thuốc ngoại”, các nhà sản xuất trong nước thường nói như thế. Nhưng trò chuyện với PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, cuối tuần qua, bà cho biết muốn bác sĩ tin tưởng và sử dụng thuốc Việt cho bệnh nhân, điều đầu tiên là yếu tố chất lượng chứ không phải là giá cả.


Nhưng nói đến chất lượng phải dùng bằng chứng, chứ không thể nói cảm tính. Những năm qua, phong trào sản xuất thuốc generic (thuốc phát minh hết hạn độc quyền, nhà sản xuất có quyền khai thác hoạt chất với tên biệt dược khác) phát triển mạnh trong nước, nhưng để thuyết phục bác sĩ kê toa, doanh nghiệp nội lại không mặn mà với việc thử tương đương sinh học (chứng minh an toàn, hiệu quả như biệt dược gốc) vì sợ tốn kém (một lần làm tốn 400 – 500 triệu đồng).


Thử tương đương sinh học, đòi hỏi tối thiểu, còn ngại ngần huống chi cao hơn là thử tương đương trị liệu. ThS.DS Đỗ Văn Dũng, phó tổng thư ký hội Dược học TP.HCM, phó phòng quản lý dược sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Thuốc tương đương sinh học chưa chắc tương đương trị liệu, vì thử tương đương sinh học chỉ trên vài chục người khoẻ mạnh, còn thử tương đương trị liệu phải với vài trăm bệnh nhân”.


4. Không đủ lực để quảng bá, tiếp thị, ngại tốn kém để chứng minh khoa học, để tồn tại, doanh nghiệp dược trong nước chỉ loay hoay với việc đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm chi phí bất hợp lý trong sản xuất hoặc lao vào sản xuất những “mặt hàng có ăn”. Nhưng tiết kiệm và cắt giảm chi phí cũng chỉ đến một mức nào đó, không thể làm hoài; còn “mặt hàng có ăn” nếu nhiều người cùng làm cũng chẳng còn “ăn” bao nhiêu!


Cũng có doanh nghiệp đẩy mạnh làm thực phẩm chức năng, chi phí ít lợi nhuận nhiều, trong khi dùng thực phẩm chức năng đang là “mốt thời thượng”. Nhưng một nền công nghiệp dược phải sống bằng thực phẩm chức năng quả là bi kịch, bởi chẳng có cường quốc dược phẩm nào đi theo con đường này, mà phải theo hướng nghiên cứu và phát triển.


Thật ra vấn đề sâu xa của câu chuyện thuốc Việt chỉ là chuyện nghiên cứu và phát triển. Bi kịch cho chuyện thua trắng của thuốc Việt trên sân nhà, thật ra không phải chuyện thua quảng bá, tiếp thị hay thua không thử tương đương sinh học, mà ở chỗ gần như không có doanh nghiệp nào dám “vươn ra biển khơi”, đón đầu tương lai của ngành dược thế giới bằng nghiên cứu và sản xuất những loại thuốc đặc trị có hàm lượng chất xám cao.


Cả nước gần như chỉ có mình công ty công nghệ dược sinh học Nanogen đi theo con đường nghiên cứu và sản xuất thuốc đặc trị, cụ thể làm ra thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B, C mạn tính, với giá chỉ bằng 1/3 thuốc nhập ngoại. Thuốc này gọi là thuốc sinh học, có lợi thế điều trị trúng đích hơn và ít tác dụng phụ hơn so với những loại hoá dược cổ điển hiện nay. Nhưng sâu xa hơn, thuốc sinh học có tiềm năng rất lớn. Cả thế giới chỉ có 50 chục loại, nhưng chúng chiếm đến 25% doanh số và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 25%! Mà công nghệ sinh học nước ta rất tiềm năng, chưa kể nhiều nhà khoa học Việt kiều tên tuổi cũng sẵn lòng về nước hợp tác nghiên cứu và phát triển thuốc sinh học. Nhưng chưa thấy doanh nghiệp dược Việt nào quan tâm!


5. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, để hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước và đẩy mạnh sử dụng thuốc Việt trong người dân, sắp tới ngành chức năng sẽ dựng một số hàng rào kỹ thuật như ưu tiên thuốc Việt bằng siết kê đơn, hạn chế nhập khẩu những loại thuốc mà trong nước sản xuất được với chất lượng tốt, có chính sách định hướng các doanh nghiệp nội không giẫm chân lên nhau trong sản xuất. Bà Phong Lan nói: “Những chuyện này làm từ bây giờ đã là quá muộn, nhưng thà muộn còn hơn không. Chỉ cần áp dụng được 50% đề án Người Việt dùng thuốc Việt của bộ Y tế là quá mừng rồi”.


Dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước là tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu những nhà quản lý chấn chỉnh lại tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay của nền công nghiệp dược Việt Nam. Đổi mới công nghệ sáng tạo, đầu tư nghiên cứu khoa học mới là cách làm sâu xa và bền vững để giải bài toán “con đường thuốc Việt”. Không thể hô hào ủng hộ thuốc Việt bằng những lời nói suông, mà phải bằng những hành động mạnh mẽ. Cũng đang có những hành động, nhưng nhà quản lý có làm với cái tâm hay không lại là chuyện khác.


Đầu tháng này, một hội nghị thực phẩm chức năng hoành tráng diễn ra ở TP.HCM, trong đó giới truyền thông được bộ trưởng bộ Y tế đích thân ký giấy mời tham dự. Thực phẩm chức năng đang được vận động để chính thức đưa vào bệnh viện bằng việc cho bác sĩ kê toa. Nếu điều này diễn ra, những mặt hàng thuốc nội chân chính lại phải căng mình thêm để cạnh tranh.


Phan Sơn






Ngậm ngùi chó xa người

Ngậm ngùi chó xa người

Ngậm ngùi chó xa người


SGTT.VN - Có mua ắt có bán. Lượng chó cung cấp về Sài Gòn trong mùa Noel, theo giới buôn bán, riêng miền Tây ước khoảng 3.000kg. Những ngày này đây đó ở miền Tây người ta thường bắt gặp cảnh chó ngậm ngùi khi xa người.


Phan Quang (thực hiện)










Chị Trinh, đi gặt mướn từ 1 giờ sáng đến 11 giờ trưa, không kịp ăn cơm, vội bơi ghe mang chó từ trong đồng ra bán. Con chó linh cảm cuộc chia ly này, nép sát vào lòng chủ.











Bữa cơm ân huệ của tử vật trước giờ ra “pháp trường”.











Phản ứng của con ở với người chở những con đi.











Bao bố là phương tiện trung chuyển chó từ nhà ra lồng sắt trên xe.











Con chó mực – hình ảnh quen thuộc ở làng quê và làm người ta liên tưởng đến ổ chó đem bán kiếm tiền đóng sưu của chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố.











Bán vật xong, nhứt định giữ lại chiếc vòng cổ với chút tiếc thương. Nhưng không bán không qua nổi cảnh cơ cầu.











Những người mua thường cũng là những người giết mổ.







Bóng đá thua toàn diện

Bóng đá thua toàn diện

Bế mạc SEA Games 27


Bóng đá thua toàn diện


SGTT.VN - Việc công bố mức thưởng cho tuyển nữ 3 tỉ đồng được coi là kỷ lục từ trước đến nay. Thế nhưng, đây cũng được coi là bước khoả lấp cho thất bại nặng nề của cả bốn đội tuyển ở SEA Games kỳ này bao gồm U23, tuyển nữ và futsal nam, nữ.










Vào lúc các cầu thủ buồn nhất, chẳng một quan chức VFF nào có mặt để chia buồn. Còn lúc vui, chẳng thấy thiếu ai. Thế mới tài. Ảnh: Tất Đạt



Đội tuyển U23 Việt Nam bị loại chính là ví dụ hợp lý và rõ ràng nhất cho công tác điều hành của bộ sậu VFF nhiệm kỳ 6.


Giới truyền thông lẫn người hâm mộ đã phản ứng việc chọn một huấn luyện viên được giới chuyên môn chỉ trích là thiếu kinh nghiệm, đang cầm quân ở một đội hạng nhất không tiếng tăm.


Nhưng, VFF đã ngoảnh mặt ngó lơ sự phản ứng của tất cả, thậm chí họ còn ký kết hợp đồng giao cho ông Hoàng Văn Phúc hai chức danh, huấn luyện viên đội U23 và huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam cùng một lúc.


Chính sự lựa chọn huấn luyện viên chẳng theo tiêu chí nào, cũng chẳng cần phải thương thảo gì nhiều đã khiến bóng đá Việt Nam có những “hoạt cảnh” trước nay chưa từng. Khi bắt đầu lo lắng về chuyên môn, VFF đã đưa trợ lý Nguyễn Văn Sỹ lên làm quyền huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, còn ông Hoàng Văn Phúc, đương nhiệm là huấn luyện viên trưởng đội tuyển lại xuống điều hành ở đội U23. Thậm chí, ngay trước SEA Games, VFF đã năm lần bảy lượt thuyết phục huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ làm “người giấu mặt” ở đội U23 Việt Nam, họ đề nghị ông Sỹ làm trợ lý cho ông Phúc để “phụ việc về chuyên môn”.


Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Sỹ đã từ chối bởi “làm vậy cũng kỳ” với lý do, bận lo cho câu lạc bộ.


Chưa hết, khi bộ đôi Trương Hải Tùng – Hoàng Văn Phúc cùng các cầu thủ gây nên vụ tai tiếng dàn xếp tỷ số ở giải BTV Cup tại Bình Dương. VFF ban đầu “hùng hổ” thẳng tay đình chỉ chức vụ cả hai. Thế nhưng, trước áp lực của cầu thủ và những thành viên trong liên đoàn, lẫn việc không một huấn luyện viên nội nào đồng ý gánh “gia sản” mà ông Phúc và VFF để lại, lãnh đạo VFF đã thay đổi quyết định một cách nhanh chóng.


Vào đến SEA Games, mọi người còn ngỡ ngàng hơn với việc VFF đã cử luôn ông Trương Hải Tùng với chức danh trưởng ban các đội tuyển đi cùng đội U23 Việt Nam, ngồi cùng khu kỹ thuật như chẳng hề có chuyện cắt chức đã diễn ra. Một trong những lý do mà người ta được biết đó là VFF tin vào “phong thuỷ”, họ tin bộ đôi Trương Hải Tùng và Hoàng Văn Phúc đi cùng nhau sẽ phát, còn ông Ngô Lê Bằng thì không.


Việc U23 Việt Nam về nước sớm không phải là vô tình hay thiếu may mắn. Nó xuất phát từ cách điều hành kém cỏi của bộ sậu VFF tồn tại qua hai nhiệm kỳ chỉ nhờ chiếc huy chương vàng hồi AFF Cup 2008. Nếu nói về trách nhiệm, không thể chỉ trách một mình ông Nguyễn Trọng Hỷ, người mà ai cũng biết là ngồi ở vị trí chủ tịch VFF nhưng không thể tự quyết định tất cả, bởi còn một loạt phó chủ tịch như ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Lân Trung, Trần Văn Tuấn, và các uỷ viên thường vụ khác, đó là chưa kể còn ông Phạm Ngọc Viễn đã bị “đẩy” sang VPF.


Nhưng, tin chắc rằng ngoài ông Nguyễn Trọng Hỷ đã từ nhiệm trước khi SEA Games diễn ra bởi lý do sức khoẻ, e rằng khó tìm được thêm một người nào ở VFF chấp nhận rời khỏi những chiếc ghế đầy quyền lực kia.


Vậy thì còn mong gì?


Thảo Du






Sự thật trần trụi

Sự thật trần trụi

Phiếm


Sự thật trần trụi


SGTT.VN - “300 chú lùn lực lưỡng đi cùng ta” – mệnh lệnh cuối cùng được ông già Noel ban ra trước giờ khởi hành của xe quà Giáng sinh làm đội ngũ các chú lùn vô cùng hoang mang:


– Lạ nhỉ, mọi năm ổng đi một mình, nay sao lại phải có cả đoàn tuỳ tùng đông thế đi theo là thế nào?


Một chú tài lanh:


– Biết rồi, năm nay con nít đông hơn nên phải có người phụ giao quà.


Một chú phản đối:


– Trật rồi, với tài phép của sếp thì đông mấy quà cũng giao nhoáng cái là xong. Theo tôi, chắc là sếp nghe có nơi đến 30% công chức ngồi chơi xơi nước nên sợ chúng ta lây tật xấu đó, thành thử mới bắt một đám đi theo trong chuyến công tác này.


Tự ái, cả đám nhao nhao ném đá:


– Bậy bạ! Ở đâu không biết chứ chắc chắn trong chúng ta chỉ có 1% không làm được việc thôi!


Các chú lùn đoán già đoán non cả ngày mà vẫn không hiểu được nguyên do, thậm chí có ý kiến còn cho rằng ông già Noel nhiều tuổi quá nên… lẩm cẩm! Giờ G đã điểm, ông già Noel ra tới xe thì các chú lùn vẫn còn tranh cãi kịch liệt, nên chưa chọn xong danh sách tháp tùng. Ông Noel tức quá, gắt ầm lên:


– Trời ơi, có thế cũng không hiểu! Nếu không có các người tháp tùng, lỡ ta làm đổ xe quà rồi bị hôi của thì mình ta sao giành lại nổi!


Người già chuyện






Vàng trên đà tuột dốc

Vàng trên đà tuột dốc

Vàng trên đà tuột dốc


SGTT.VN - Mặc dù đã đảo chiều tăng giá trở lại trong phiên cuối tuần, song thị trường vàng trong nước và quốc tế được nhận định sẽ khó quay lại thời kỳ “hoàng kim” trước đó.


Càng giảm giá càng… ế?


Phiên giao dịch ngày 20.10, tại thị trường New York, giá vàng đã với tay trở lại được mốc 1.200 USD/ounce khi tăng hơn 15 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng nhanh chóng hồi phục. Vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt phiên 21.12 ở mức giá mua vào 35,10 triệu đồng/lượng, bán ra 35,26 triệu đồng/lượng – mức giá được duy trì hầu hết thời gian trong ngày. Như vậy, so với thời điểm giá xuống thấp nhất ngày 20.12, vàng SJC đã hồi phục xấp xỉ 200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu so với mức “đỉnh” của giá vàng là 49 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước hiện vẫn mất giá gần 14 triệu đồng/lượng.










Thị trường vàng trong nước và quốc tế được nhận định sẽ khó quay lại thời kỳ “hoàng kim”.



Mặc dù đã hồi phục, song tại thời diểm đóng cửa phiên giao dịch tuần qua, giá vàng thế giới đã giảm gần 30% trong năm nay. Còn tính chỉ riêng trong tuần, vàng mất giá xấp xỉ 3% khi xuyên thủng mức giá 1.200 USD/ounce. Với đà giảm này của giá thế giới, mức giảm giá trong nước tương ứng phải xấp xỉ 750.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, tại thời điểm rớt mạnh nhất, giá trong nước cũng chỉ lùi chưa tới 400.000 đồng/lượng. Khoảng cách giá thế giới – trong nước vì vậy được nới rộng cao nhất lên tới 4,7 triệu đồng/lượng.


Sau khi vàng rớt giá vào sáng ngày 20.12.2013, có khá nhiều người “bán tháo” vàng do lo ngại vàng tiếp tục giảm giá vào cuối ngày, thay vì tranh mua thời điểm giá thấp. Công ty SJC cho biết đã có hiện tượng khách hàng đẩy vàng dự trữ ra bán vì sợ vàng lại giảm giá. Một số đơn vị kinh doanh vàng khác cũng cho biết số lượng người bán vẫn nhiều hơn người mua. Tại công ty vàng bạc đá quý PNJ, giám đốc kinh doanh công ty PNJ, cho biết, mặc dù lượng vàng doanh nghiệp bán ra vẫn ổn định ở mức xấp xỉ 500 lượng/ngày, song lượng mua vào từ khách hàng tăng lên gấp rưỡi, xấp xỉ 300 lượng/ngày. Tính tổng thể, giao dịch vẫn ở mức ổn định, trong khi tại nhiều thời điểm giá vàng biến động, lượng vàng tại doanh nghiệp này giao dịch mỗi ngày lên tới 3.000 lượng. Tại các doanh nghiệp vàng bạc khác, như SJC, Bảo Tín – Minh Châu, giao dịch cũng trong tình trạng mua – bán cân bằng. Có vẻ như sức mua trên thị trường vàng đã không còn như trước. Người tiêu dùng đã mệt mỏi do vàng liên tục giảm giá nên họ ngần ngại trong việc đầu tư vào vàng.


Phiên đấu thầu 15.000 lượng vàng do ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua, dù chào thầu ở mức giá thấp hơn thị trường là 34,93 triệu đồng/lượng, song vẫn dư 300 lượng.


Giảm mức hấp dẫn


Theo một chuyên gia tài chính, thị trường vàng thế giới đang phải đối mặt với nhiều áp lực giảm giá trong năm tới: nền kinh tế Mỹ đã và đang xuất hiện dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, đồng USD có khả năng tăng giá, thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc… sẽ làm giảm tâm lý chọn vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm dần gói nới lỏng định lượng QE3, cung tiền ra thị trường thu hẹp dần, cũng góp phần giảm cầu vàng. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng với diễn biến của giá vàng, ngay từ đầu năm 2014.


Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, giá vàng sẽ khó để có mức giảm tương đồng với giá thế giới. Hiện, các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn ở thế “nắm đằng chuôi” mỗi khi giá vàng thế giới biến động, do vậy, khoảng cách giá trong nước – thế giới cũng như khoảng cách giá mua – bán luôn được điều chỉnh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.


Thông thường, khi giá vàng tăng cao, người nắm giữ vàng tăng nhu cầu bán ra, các doanh nghiệp lại “hãm” đà tăng giá trong nước theo hướng chậm hơn đà tăng giá thế giới. Và khi giá vàng thế giới giảm, kịch bản thường thấy là mức giảm trong nước luôn trong tình trạng “ì ạch”, mà diễn biến mấy ngày qua là một ví dụ điển hình. Vàng giảm liên tục nhiều ngày nên các đơn vị kinh doanh đẩy mức chênh lệch giữa mua vào – bán ra ngày càng xa hơn. Thay vì chỉ nằm ở mức thông thường 60.000 – 70.000 đồng/lượng, có lúc họ đẩy lên mức “an toàn” 100.000 – 150.000 đồng/lượng. Thực tế này khiến người dân dễ dàng nhận thấy thiệt thòi khi giao dịch vàng, và do đó vàng càng giảm tính hấp dẫn.


Thảo Nguyễn – Chí Thịnh






Đăng rao vặt thuê cha mẹ mùa Noel

Đăng rao vặt thuê cha mẹ mùa Noel

Đăng rao vặt thuê cha mẹ mùa Noel


SGTT.VN - Tại trường đại học Jessup gần Sacramento, có một sinh viên năm ba có được tất cả, sau khi đăng rao vặt thuê cha mẹ trên Craigslist.com.










Jackie Turner rao vặt thuê cha mẹ để có người thân trong mùa nghỉ, và cô được toại nguyện. Ảnh: TLCK



Cô làm gia sư bán thời gian và đang chọn nghiệp giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Tương lai của cô rõ ràng tươi sáng, nhưng mây vẫn che phủ vào những tháng 12. “Thời gian này trong năm thiệt khổ sở”, Jackie Turner nói, “Ai cũng nói về họ hàng, gia đình của họ, tất cả những điều tạo nên Giáng sinh”. Jackie lại không có những thứ đó. Chưa bao giờ có. Khi được hỏi về những kỷ niệm thú vị thuở ấu thời, Jackie nói, “Tôi nhớ mình bị khoá cửa nhốt trong phòng. Và tôi nhớ mình bị đánh đòn vì ăn cắp thức ăn”. Cô chưa bao giờ biết mặt mẹ mình và ước ao mình đừng có người cha đó. Cô bị lạm dụng, quên lãng và bỏ đói.


Cô, ít ra, có thể tiến lên phía trước suốt 11 tháng mỗi năm. Nhưng tháng 12 luôn có vấn đề, đó là lý do tại sao năm nay cô quyết định hành động. Điều cô làm là đúng, ABC News dẫn lời cô nói với hãng quảng cáo Craigslist – nơi mà hầu hết người ta tìm một căn hộ mới hoặc một chiếc xe cũ, Jackie muốn tìm một kỳ nghỉ hạnh phúc hơn. Cho nên đoạn rao vặt cô được ghi: “Tôi muốn thuê một ông ba và bà má. Có thể trong vài giờ.” Thậm chí cô còn sẵn sàng trả tiền, cô cho biết. “Tám đô, chỉ để ngồi lại, điều đó không ngoài khả năng của một sinh viên”.


Cô nhận được hàng chục câu trả lời – khoảng một nửa là của những phụ huynh muốn giúp đỡ vô điều kiện – và khoảng một nửa từ những người trẻ cảm thấy đồng cảnh với cô. Jackie đã tổ chức một cuộc họp mặt tất cả những người liên lạc với cô để có sự tương hỗ giữa người “cung” và người “cầu”, để không một ai trong căn phòng cảm thấy cô đơn trong mùa nghỉ này. Jackie làm cuộc “mai mối” cho một nửa số cặp trong đêm đó. Phần của cô là một phụ nữ làm dịch vụ sinh viên tên là Anita Hermsmeier. Mây đã thôi che ngang tháng 12 của Jackie.


Trần Bích






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ