Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên cho người

Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên cho người

Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên cho người


SGTT.VN - Báo chí quốc tế ngày 21.12 đồng loạt đưa tin lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã ghép một trái tim hoạt động hoàn toàn nhân tạo cho con người.


Tim hoàn toàn nhân tạo mang tên Carmat do GS-BS Alain Carpentier (người đồng sáng lập viện Tim TP.HCM cùng Viện sĩ-TS Dương Quang Trung) sáng chế.










Tim hoàn toàn nhân tạo mang tên Carmat.



Ngày 24.9, cục An toàn dược phẩm quốc gia Pháp đã cho phép công ty Carmat thử nghiệm ghép tim Carmat cho bốn bệnh nhân thuộc ba cơ sở bệnh viện ở Pháp. Ngày 18.12, các bác sĩ bệnh viện châu Âu Georges-Pompidou ở Paris đã tiến hành ca phẫu thuật ghép cho một bệnh nhân bị thiểu năng tim ở giai đoạn cuối (danh tính không được công bố). Tim Carmat đã bảo đảm lưu thông bình thường về sinh học. Bệnh nhân đã tỉnh táo và trò chuyện với gia đình.


Công ty Carmat cho biết phải đợi đến khi đủ bốn bệnh nhân được ghép tim an toàn thì công ty mới có thông báo chính thức. Giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm ghép tim (kéo dài một tháng tính từ khi ghép tim Carmat cho bệnh nhân thứ tư) chú trọng đến tính chất an toàn của vật ghép. Giai đoạn 2 kéo dài trong sáu tháng nhằm đo lường tính hiệu quả của tim ghép.


Công ty Carmat dự kiến sẽ mở rộng số ca thử nghiệm lên 20 bệnh nhân và tăng số cơ sở bệnh viện thực hiện ghép ở Pháp cũng như ở nước ngoài. Theo kế hoạch, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ghép tim sẽ kết thúc trước cuối năm 2014. Sau đó, công ty sẽ tiến hành kinh doanh ở châu Âu và thực hiện các thử nghiệm cần thiết để được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ phê chuẩn.


Tại châu Âu, công ty Carmat ưu tiên cho các thị trường Pháp, Đức, Ý. Một quả tim Carmat hoàn toàn nhân tạo nặng 900 g có giá từ 140.000 euro đến 180.000 euro. Về sinh học, tim ghép tương thích với 86% nam giới và 20% nữ giới. Công ty Carmat dự kiến sẽ tiến hành chế tạo tim nhân tạo nhỏ hơn để phù hợp với thể hình của nữ giới.


Theo Phapluattp.vn






Myanmar: Doanh nghiệp Trung Quốc bị xua đuổi khắp nơi

Myanmar: Doanh nghiệp Trung Quốc bị xua đuổi khắp nơi

Myanmar: Doanh nghiệp Trung Quốc bị xua đuổi khắp nơi


SGTT.VN - Tranh thủ lúc chính quyền quân sự Myanmar bị thế giới cấm vận và trừng phạt, Trung Quốc đã âm thầm thâm nhập hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên của nước này và đã thu được không ít “lợi lộc”. Người dân Myanmar biết điều này và họ đang tìm mọi cách để ngăn cản những kẻ trục lợi.


Theo phân tích của tạp chí “Chính sách thế giới”, kể từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc ra sức tìm cách bảo vệ chính quyền quân sự của Myanmar và từng bước thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn. Ai cũng biết, sự “bảo vệ” này không phải vì sự an toàn của người dân Myanmar và mục đích cuối cùng của Trung Quốc là bảo vệ vị trí vô cùng lợi lộc của họ ở quốc gia này.










Người dân Myanmar phản đối sự có mặt của doanh nghiệp Trung Quốc.



Giới bình luận quốc tế còn nhận xét rằng, bất cứ khi nào có một cuộc thảo luận nghiêm túc nào về Myanmar tại LHQ là ngay lập tức người ta nhận được sự ngăn chặn quyết liệt của Trung Quốc. Có lẽ chính vì những lý do này mà các tướng lĩnh Myanmar đều coi Trung Quốc là “người hàng xóm tốt” cùng với những khoản đầu tư lớn giúp cho chế độ của họ tồn tại.


Nhưng Trung Quốc chỉ che mắt được các tướng lĩnh. Người dân Myanmar từng phải chịu hậu quả từ sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với chế độ quân sự độc tài đã ngày càng thể hiện một thái độ chống Trung Quốc rất mạnh mẽ.


Với sự hậu thuẫn của chính quyền, tập đoàn kinh tế UMEH của Myanmar đã hợp tác với một công ty khai khoáng của Trung Quốc để khai thác một lượng lớn đồng và bán cho Trung Quốc với giá rất rẻ. Đầu tháng 3/2013, Chánh văn phòng Tổng thống, Aung Min đã đến thăm khu mỏ này. Trong cuộc nói chuyện với dân địa phương, ông Min nói: “Chúng ta biết ơn Trung Quốc vì đã giúp đỡ khi chúng ta bị cô lập”. Nhưng cũng chính từ câu nói này mà một làn sóng biểu tình lớn đã nổ ra, bất chấp nhiều người đã bị đàn áp và bắt bớ.











Trung Quốc còn là nhà tài trợ cho việc xây dựng đập thủy điện Myitsone trong vùng Kachin. Do sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng, dự án này đã phải dừng lại vào năm 2011. Sau khi dự án bị đình chỉ, ông Thein Sein đã được báo chí địa phương ca ngợi như một vị “Tổng thống vĩ đại”. Có một thực tế nữa mà Trung Quốc không thể che giấu được là báo chí Myanmar rất hiếm khi ca ngợi Trung Quốc về việc đầu tư lớn vào Myanmar và triển vọng về tạo công ăn việc làm cho người dân, giống như những gì Trung Quốc thường khoe khoang.


Liên tục phản đối và tẩy chay sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc, người dân Myanmar tin rằng một ngày nào đó phương Tây sẽ là đối tác lớn và mang lại sự phát triển bền vững cho họ. Họ lập luận rằng, bất chấp các lệnh cấm vận của LHQ, phương Tây vẫn âm thầm viện trợ cho họ thông qua các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức nhân đạo của LHQ.


Dân chúng Myanmar tin rằng, không chỉ lợi dụng mối quan hệ với chính phủ quân sự để trục lợi kinh tế, Trung Quốc còn bí mật can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này, ví dụ như các vòng đàm phán hòa bình giữa chính phủ với nhóm nổi dậy ở Kachin. Có lẽ chính vì lý do này mà những vòng đàm phán gần đây đã được chuyển đến Myikyina, thủ phủ của bang Kachin nằm sâu trong lãnh thổ Myanmar nhằm hạn chế sự can thiệp của Trung Quốc.











Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm sắc tộc ở Myanmar cũng đã thẳng thừng lên tiếng phản đối và yêu cầu chính phủ hạn chế sự can dự của Trung Quốc vào tiến trình hòa bình cũng như các vấn đề chính trị nội bộ của nước này. Cũng cần phải nói rằng, tất cả các cộng đồng sắc tộc và các phe phái chính trị, kể cả cộng đồng sinh sống gần biên giới vốn có quan hệ gần gũi với Trung Quốc cũng ủng hộ việc đình chỉ dự án xây dựng đập Myitsone. Trong chiến dịch phản đối xây dựng con đập này tại Yangon, nhiều phe phái đã tuyên bố: “Trung Quốc khiến chúng ta thêm đoàn kết”.


Dù đây mới chỉ là những sự phản đối mang tính tự phát và chưa hẳn là một phong trào mang tính liên tục nhưng nó cho thấy “bộ mặt trục lợi” của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar đã dần dần bị lộ và nó trở thành bài học cho các nhà đầu tư nước ngoài khác trước khi vào làm ăn ở đất nước này: Không chỉ cứ làm việc xong với chính quyền là xong, mà các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng họ tạo ra được niềm tin với công chúng bằng sự minh bạch.


Những dự án liên tiếp bị dừng và những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã đặt ra một bài toán khá nan giải: Trung Quốc có thể sẽ mất hẳn sự ảnh hưởng của mình ở Myanmar trừ phi họ chứng minh được với người dân nước này rằng họ là những người bạn thực sự.


Điều này thực khó.


Infonet






Nhịp sống online đảo lộn vì sự cố đứt cáp quang

Nhịp sống online đảo lộn vì sự cố đứt cáp quang

Nhịp sống online đảo lộn vì sự cố đứt cáp quang


SGTT.VN - Công việc bị ảnh hưởng, kết nối với người thân và bạn bè bị gián đoạn là những hệ lụy mà sự cố đứt cáp quang biển gây ra cho người dùng Việt Nam trong khoảng hai ngày trở lại đây.


Ngay từ tối 20.12, nhiều người dùng đã lên tiếng phàn nàn về tốc độ mạng bỗng nhiên trở nên cực kỳ chậm chạp. “Không biết mạng có vấn đề gì mà truy cập các trang web và vào YouTube đều chậm hơn thường ngày đến vài lần”, một thành viên chia sẻ trên diễn đàn Tinh Tế.










Sự cố đứt cáp đã gây ảnh hưởng lớn đến người dùng Việt Nam. Ảnh: Zing News



Đức Dũng, nhân viên một công ty truyền thông cho biết: “Công việc của mình thường xuyên phải liên lạc với đối tác qua email, truy cập mạng xã hội hoặc các trang tin trong nước để nắm bắt thông tin, nhưng buổi sáng ngày 21.12, mọi việc gần như không thể thực hiện được. Facebook liên tục 'quay tròn' và không hiển thị thông báo, trong khi đính kèm một tập tin dung lượng 2 MB qua mail cũng mất đến 10 phút”.


Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra bức xúc vì tốc độ mạng chậm gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hoặc công việc của họ. Hiện tượng nhiều người gặp phải nhất chính là việc tốc độ lướt web chậm, không tải được những thông báo mới trên Facebook, ảnh, video trên các trang phim, nhạc cũng có dấu hiệu tê liệt khá nhiều. "Vào Facebook từ hôm qua tới giờ không được, toàn quay tròn, bứt rứt khó chịu ghê", Nam Anh - sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội than phiền.


Những hộ kinh doanh phòng máy chơi game online và dịch vụ Internet là những người cảm nhận rõ nhất những bất tiện mà sự cố đứt cáp quang biển mang lại. "Tối qua tới giờ khách hàng kêu quá trời, cứ tưởng hệ thống máy nhà mình có vấn đề, diệt virus toàn bộ mà không ăn thua. Hôm nay mới biết nguyên nhân là do đường cáp quang bị đứt", chị Lan - chủ một quán game online ở ngõ Cột Cờ (Hà Nội) cho biết.


Theo thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia - America Gateway) đã bị đứt tại phân đoạn Vũng Tàu - Hong Kong vào 18h tối 20.12. Các công ty viễn thông lớn như VDC, FPT, Viettel đều bị ảnh hưởng.


Hiện tại, đại diện các hãng viễn thông đều chung nhận định, phải mất ít nhất một tuần để khôi phục tuyến cáp quang biển AAG, và cần khoảng hai tuần để Internet tại Việt Nam ổn định trở lại. Sở dĩ việc khắc phục sự cố mất nhiều thời gian là bởi nhiều nước phải cùng nhau phối hợp xử lý.


Hơn hai năm trước, ngày 8.3.2011, tuyến cáp quang AAG cũng bị đứt và mất 20 ngày sau mới được khôi phục hoàn toàn.


AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11.2009, với chiều dài hơn 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống.


news.zing.vn






80 nhà toán học quốc tế tham dự hội nghị toán học tại Việt Nam

80 nhà toán học quốc tế tham dự hội nghị toán học tại Việt Nam

80 nhà toán học quốc tế tham dự hội nghị toán học tại Việt Nam


SGTT.VN - Sáng 21.12, hội nghị quốc tế về Nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học (ICMREA – UEL 2013) đã khai mạc tại trường đại học Kinh tế - Luật (đại học Quốc gia TP.HCM). Hội nghị thu hút 120 nhà khoa học, trong đó có khoảng 80 đại biểu quốc tế từ các quốc gia Ðông Nam Á, châu Á, châu Âu và châu Mỹ.










GS Lê Tuấn Hoa (trái) dẫn đề trước khi giáo sư Efim Zelmanov báo tham luận tại phiên khai mạc.



Sau lễ khai mạc, hội nghị lần lượt trình bày các công trình nghiên cứu, trao đổi ý tưởng, thảo luận về các phương hướng và dự án nghiên cứu toán học trong tương lai, cũng như xác định rõ hơn vai trò, ứng dụng của toán học trong kinh tế xã hội. Đặc biệt, hội nghị lần này có sự tham gia và trình bày báo cáo chủ chốt tại phiên khai mạc của giáo sư Efim Zelmanov, người đã đoạt giải thưởng Fields năm 1994 – giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà toán học. Trong phát biểu của mình, giáo sư Efim Zelmanov nhấn mạnh: “Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về Việt Nam là chúng ta có thể nhìn thấy nguồn sinh lực ở mọi nơi đặc biệt là nguồn sinh lực và tham vọng trong cộng đồng toán học của Việt Nam. Đó là lý do vì sao nền toán học tại Việt Nam phát triển với triển vọng tích cực đến thế. Thật tuyệt vời khi hội nghị này đã tập hợp những nhà toán học ứng dụng và những nhà toán học thuần túy lại với nhau. Tôi hy vọng hội nghị này sẽ thúc đẩy những trao đổi cần thiết giữa các nhà toán học và các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo toán học”.










Các nhà toán học quốc tế cũng dành hơn 2 giờ đồng hồ tham gia trả lời phỏng vấn trực tuyến, trả lời câu hỏi của những người mê toán.



Cũng tại hội nghị ICMREA 2013, xen giữa các phiên họp chuyên môn và thảo luận các báo cáo khoa học, chiều 21.12 đã diễn ra phiên họp ban chấp hành Hội toán học Đông Nam Á (SEAMS) mở rộng để GS Lê Tuấn Hoa, viện trưởng viện Toán học Việt Nam, chủ tịch SEAMS nhiệm kỳ 2011 – 2013, bàn giao chức vụ chủ tịch luân phiên cho chủ tịch hội Toán học Indonesia. SEAMS được thành lập năm 1972 với thành viên là hội toán học các nước trong khu vực. Đại hội ban chấp hành SEAMS tháng 10.2010 tại Yogyakata (Indonesia) đã bầu GS Lê Tuấn Hoa làm Chủ tịch SEAMS nhiệm kỳ 2năm (2012 – 2014).


ICMREA 2013 do trường đại học Kinh tế - Luật phối hợp với hội Toán học Việt Nam, viện Toán học Việt Nam, viện Nghiên cứu cao cấp về toán, trường đại học Nguyễn Tất Thành và đại học Mahidol (Bangkok, Thailand) tổ chức. Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 23.12.2013. ICMREA được tổ chức thường niên, là diễn đàn lớn cho các nhà toán học cùng các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đang làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học, nhất là ứng dụng toán học vào kinh tế, xã hội.


T.Dũng






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ