Trời kêu không dạ
Chấp nhận số phận để vượt qua chính mình
SGTT.VN - Trong giới mỹ thuật, tên tuổi của nhà điêu khắc Trần Tuy sớm được khẳng định qua các công trình tượng đài và hàng loạt tượng hoặc ký hoạ chân dung. Sau một cơn bạo bệnh, ông càng được biết đến với cánh tay trái tài hoa có thể sáng tác như tay thuận, nhờ nghị lực và lòng yêu nghề hiếm thấy.
Nhà điêu khắc Trần Tuy đang hoàn thành bức Thăng Long phi chiến địa. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Cốc càphê định mệnh
Nhà ông nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Hào Nam, bừa bộn với tranh tượng bày khắp nơi. Những tác phẩm vừa mới hoàn thiện cũng choán hết diện tích phòng ngủ kiêm phòng làm việc. Nơi đây chẳng hề có chút không khí bệnh tật nào. Thật khó tin suốt tám năm qua, nhà điêu khắc Trần Tuy vẫn là một bệnh nhân, và vẫn đang từng ngày “chiến đấu” với di chứng tai biến.
Ông nhớ rất rõ cái bữa giáp tết 2006 định mệnh ấy. Hôm đó, Trần Tuy có một ngày làm việc vô cùng căng thẳng với chuyên gia nước ngoài để dự thảo các điều lệ cho dự án “Điêu khắc đá quốc tế” tại Đà Nẵng. Không hiểu điều gì đã dẫn dắt ông uống càphê đầy chất kích thích mà đã lâu lắm rồi ông không uống. Về nhà được một lát, ông thấy chân phải bỗng dưng lẩy bẩy như không còn lực. Nằm gác chân lên ghế cho đỡ mệt thì cả người rơi bịch xuống đất. Ngay lúc đó, ông thoáng nghĩ “Khéo mình bị tai biến!” Vụt nhớ đến một bài báo đọc cách đấy đã mấy chục năm viết về GS.BS Nguyễn Văn Hưởng, khi đang dự hội thảo y khoa tại Liên Xô thì bị tai biến, những người dự hội nghị đã giữ ông bất động trên ghế, rồi chuyển cả người lẫn ghế đến bệnh viện, Trần Tuy làm y thế: nằm yên, rồi gọi điện báo cho gia đình. Anh con trai hốt hoảng định bế thốc bố lên xe cấp cứu, ông vội bảo: “Đừng bế, phải chuyển bằng cáng”. Nhập viện Việt-Xô, bác sĩ kết luận: đứt mạch máu não! Chiếu điện, nhìn thấy rõ đường máu chảy dài 4cm trong não. Rất may là ông có những hiểu biết nhất định về tai biến, và làm đúng nguyên tắc giữ cơ thể bất động, nên “cú” đứt mạch máu não chỉ ảnh hưởng đến khu vực vận động, khiến Trần Tuy bị liệt tay phải và chân phải. Năm đó, ông bước vào tuổi 64.
Hỏng tay phải thì tập vẽ tay trái
Ai đến thăm Trần Tuy trong những ngày tháng khó khăn ấy cũng ái ngại: một nghệ sĩ đã đoạt không ít giải thưởng, giành ngôi vị cao nhất giải điêu khắc quốc tế Latvia 1978 bằng cánh tay phải tài hoa, giờ sẽ ra sao? Nhưng, người bệnh khiến hết thảy ngỡ ngàng khi ông nửa nằm nửa ngồi, ngượng ngập ký hoạ chân dung đứa cháu gái bằng tay trái, và đó mới là ngày thứ mười tính từ lúc nhập viện. “Chả nhẽ trong suốt biến cố khủng khiếp ấy, ông không hề có phút nào bi quan?”, Trần Tuy mỉm cười: “Ngay từ phút đầu tiên tôi đã chấp nhận: coi như tay phải hỏng hẳn rồi, phải tập vẽ bằng tay trái ngay!” Đương nhiên, để tay trái cầm cọ thuần thục như tay phải không hề dễ. Những nét vẽ đầu tiên vô cùng gượng gạo, ông phải gò ngòi bút từng tí, từng tí một mới hoàn thành một bức ký hoạ chân dung, mà trước đây có lẽ chỉ cần vài giây ngoáy bút. Dần dà, số lượng ký hoạ lên đến hàng trăm, hàng nghìn bức, mà như đánh giá của nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, là đã “lột tả tinh tế cái thần của nhân vật”. Từ ký hoạ, ông tiến thêm một bước là vẽ tranh sơn dầu, chất liệu đòi hỏi người vẽ phải có những nét bút mạnh mẽ, rắn rỏi. Ngắm những bức tranh sơn dầu theo trường phái lập thể của Trần Tuy như Trong đầm sen (thực hiện 2008, hiện nằm trong sưu tập của Yoshi, Fujiwara – Nhật Bản), Ấn tượng của sự chật chội (triển lãm chuyên đề tranh sơn dầu 2007), và đặc biệt là bức tranh khổ lớn mang tên Thăng Long phi chiến địa được vẽ tương đối công phu năm 2010, không ai nghĩ đấy là những tác phẩm hoàn thành bằng tay nghịch.
Làm việc để cứu rỗi tinh thần
Cho đến giờ phút này, viền máu đọng trong não ông vẫn chưa tan, chân phải và tay phải cũng chưa hồi phục. Kiên trì uống thuốc, vật lý trị liệu, và mới đây là châm ngải và giác hơi, ông mới chỉ đi lại được theo kiểu lệt xệt, còn tay phải hầu như vô dụng. Thấy Trần Tuy mướt mồ hôi luyện vẽ bằng tay trái, đồng nghiệp có người cảm phục, cũng có người ái ngại: “Già rồi, bệnh tật thế này còn cố làm gì cho mệt!” Ông giải thích đơn giản rằng: “Vẽ là vì muốn được vẽ thôi, để trước hết đáp ứng chính nhu cầu thẩm mỹ của mình, và sau nữa là thấy mình vẫn có ích”. Tám năm sống chung cùng bệnh tật, ông nghiệm ra một điều: càng bệnh nặng, càng nên tìm thấy những niềm vui tinh thần. Ai không làm nghệ thuật thì có thể chăm sóc cây cối, tập yoga, tập thiền, giữ trạng thái vận động không ngừng để tránh bi quan yếm thế. Ngoài vẽ, nhà điêu khắc Trần Tuy cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu về đạo Phật. Nhờ đó, ông giữ được sự cân bằng vốn rất cần thiết cho những người bị tai biến, cả sự nhẹ nhõm khi nghĩ về những điều luôn khiến con người ta sợ hãi như bệnh tật, tuổi già, cái chết: “Không ai tránh được số phận, nhưng có thể vượt qua chính mình!”
Thật bất ngờ khi nghe Trần Tuy khoe: “Tôi vẫn là trụ cột gia đình đấy nhé!”, “trụ cột” theo nghĩa ông vẫn nuôi được mình, nuôi được vợ, và cả con gái, cháu ngoại. Dĩ nhiên, không ai bắt một bệnh nhân phải lo kinh tế cho gia đình, nhưng ông muốn thế, vì bản lĩnh của người đàn ông và thấy mình còn khả năng làm việc. Những năm sau này, ông có những tác phẩm rất đặc biệt, gửi gắm tâm huyết, tình cảm của tác giả như: tượng toàn thân đại lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ, hoà thượng Thích Viên Thành, lương y Trưởng Cần, nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu, nhà thư pháp Lê Xuân Hoà… Đáng nhớ nhất có lẽ là tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tuổi 98, đang được gia đình Đại tướng cất giữ. Tất cả những tác phẩm điêu khắc cỡ lớn này đều được tạo thành từ bàn tay trái gượng gạo và yếu ớt, và trong điều kiện rất khó khăn: tác giả không thể trèo lên cao, cũng không thể cúi xuống thấp, và mỗi khi đi vòng quanh bức tượng để tạo hình, ông phải mất vài phút di chuyển trong khi người ta chỉ mất vài giây.
Cuộc nói chuyện với nhà điêu khắc Trần Tuy thi thoảng lại bị ngắt quãng vì những học trò của ông đến thăm hoặc học vẽ. Tám năm qua, từ bàn tay trái tài hoa ấy, đã góp phần đào tạo những đứa trẻ yêu mỹ thuật trưởng thành!
Hương Lan
Chủ động tập luyện sẽ mau phục hồi
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông, phó chủ tịch hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam cho biết: Khả năng hồi phục sau tai biến phụ thuộc tuổi tác, mức độ tổn thương, mức độ lan rộng của tổn thương, cũng như các biện pháp phục hồi chức năng sau tai biến. Khi bị lần đầu, khả năng phục hồi cao hơn. Để cải thiện, người bệnh phải có một chế độ kiểm tra huyết áp hàng ngày bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng hạn chế ăn mặn, hạn chế đồ ăn chiên nướng, nhiều dầu mỡ. Theo dõi nếu huyết áp trên giới hạn bình thường thì phải xử trí thích hợp. Nếu đã kiểm soát được, phải tập luyện phục hồi chức năng ở các trung tâm, hoặc có thể tập tại nhà dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc cùng sự chăm sóc của gia đình. Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… cũng là biện pháp giúp phục hồi chức năng sau tai biến nhưng là hình thức bị động. Người bệnh cần phối hợp với chủ động tập luyện, việc tập sẽ thông tin ngược lại vùng trên não chi phối hoạt động đó buộc vùng trên não hoạt động và mạch máu đến nuôi dưỡng nhiều hơn, giúp hồi phục vùng não bị tổn thương nhanh hơn.
L. Hương ghi
|