Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Man Xanh còn thiếu siêu sao?

Man Xanh còn thiếu siêu sao?

Man Xanh còn thiếu siêu sao?


SGTT.VN - Jose Mourinho có lẽ nên rút lại lời nhận xét rằng Manchester City chỉ là “ngựa non háu đá” sau khi Chelsea để thua đối thủ này 0 – 2 ở cúp FA. Chiến thắng nói trên không chỉ là màn trả thù ngọt ngào của Man City trước đối thủ từng đánh bại họ ở Premier League cách đây hơn một tuần, mà còn là lời khẳng định rằng mục tiêu giành cú ăn bốn của các ông chủ Arập là hoàn toàn nghiêm túc.


Man City đã lọt tới trận chung kết cúp FA, nơi đối thủ của họ chỉ là đối thủ yếu Sunderland. Tại cúp FA, sau khi đã loại Chelsea thì con đường tiến đến ngôi vô địch của Man xanh cũng rộng thênh thang, bởi Arsenal và Liverpool cũng buộc phải loại nhau (trong trận đấu đêm qua). Ở Premier League thì về lý thuyết đội quân của Manuel Pellegrini cũng có thể đang dẫn đầu bảng, vì họ kém Chelsea 3 điểm, nhưng lại đá ít hơn một trận đồng thời có hiệu số bàn thắng – thua vượt trội.










Jose Mourinho có lẽ nên rút lại lời nhận xét rằng Manchester City chỉ là “ngựa non háu đá” sau khi Chelsea để thua đối thủ này 0 – 2 ở cúp FA. Ảnh: Reuters



Còn tại Champions League, đúng là Man xanh đã đụng phải vách núi quá lớn là Barcelona ở vòng 1/8 với trận lượt đi diễn ra đêm mai, song công bằng mà nói thì gã khổng lồ xứ Catalunya không còn đáng sợ như ở giai đoạn đầu mùa. Thất bại 2 – 4 của Barca trước Valencia cách đây không lâu ngay ở Camp Nou, là bằng chứng sống động nhất cho thấy Pellegrini và các học trò hoàn toàn có cơ hội lật đổ đội bóng của Tata Martino. Mà nên nhớ, đó là trận đấu mà Messi ra sân ngay từ đầu, đồng thời cũng đã ghi bàn, song vẫn không cứu nổi Barca tránh khỏi thất bại đầu tiên trên sân nhà ở La Liga trong vòng hơn hai năm.


Tuy vậy, Pellegrini, cũng như các ông chủ Arập cần lưu ý thêm một chi tiết nữa: Messi từ trận đấu đó với Messi bây giờ có một sự khác biệt khá lớn. Và để phục vụ cho tham vọng giành cú ăn ba hay ăn bốn gì đó, Man xanh cũng cần tới một cầu thủ lớn cỡ Messi hay Ronaldo.


Trở lại với trận thắng Chelsea vừa qua, báo chí Anh ca ngợi Man xanh bây giờ có lẽ là đội bóng có chiều sâu đội hình thuộc hạng nhất châu Âu chứ chưa nói gì tới Premier League. Họ ra sân mà không có hai chân sút hàng đầu là Sergio Aguero và Alvaro Negredo, nhưng một tiền đạo khác đã kịp toả sáng là Steven Jovetic, bên cạnh Edin Dzeko vẫn rất ổn định. Liệu ở châu Âu hiện giờ có đội bóng nào sở hữu tới bốn tiền đạo chất lượng như thế, kể cả Barcelona hay Real Madrid?


Nhưng vẫn đề là ở chỗ, liệu trong số bốn cầu thủ nói trên có ai ở vào đẳng cấp như của Messi và Ronaldo? Bóng đá cho dù ở giai đoạn nào đi chăng nữa thì vẫn luôn đề cao vai trò của những cá nhân kiệt xuất, đủ sức làm thay đổi vận mệnh của cả một tập thể. Mà đó thì vẫn luôn là thứ mà Man xanh tìm kiếm suốt bấy lâu nay. Mới đây, báo chí châu Âu đã vừa xới lại một chi tiết rằng Kaka đã suýt gia nhập Man xanh với giá 100 triệu USD hồi năm 2009. Song đến phút chót, ngôi sao người Brazil – khi ấy vẫn đang là ngôi sao hàng top – đã đổi ý, mà ai cũng biết rằng lý do là Man xanh thiếu sức hút truyền thống của một đội bóng lớn.


Ngay cả khi Man City đã đổi vận bằng chức vô địch Premier League hai năm về trước, đã thu hút Aguero hay Yaya Toure, những cầu thủ thuộc hàng top khác hiện nay thì họ vẫn chưa phải là mẫu cầu thủ một mình định đoạt những trận cầu lớn. Trong khi đó, từ sau trận thua Valencia tới giờ, Messi làm được những gì thì ai cũng biết. Ngay cả khi không trực tiếp ghi bàn thì siêu sao người Argentina cũng làm nên sự khác biệt bằng hat-trick kiến tạo xứng đáng được xếp vào hàng tuyệt phẩm trong trận đấu với Levante ở cúp Nhà vua. Hay như cuối tuần qua là cú bấm bóng tinh tế ghi bàn trong trận thắng Vallecano 6 – 0.


Đấy có thể được coi là bức thông điệp mà Messi gửi tới Man City, hay tới các ông chủ Arập của đội bóng này. Rằng trước khi nghĩ đến cú ăn bốn thì việc sở hữu cả đội hình ngôi sao là không đủ, mà còn cần phải có một siêu sao.


Nhật Hoàng






Nhớ lấy chớ quên

Nhớ lấy chớ quên

Phiếm


Nhớ lấy chớ quên


SGTT.VN - Mấy bữa nay một đàn virút H7N9 dàn quân sẵn ở biên giới phía Bắc, thèm thuồng nhìn xuống phương Nam nhưng ngần ngừ chưa dám xuất phát. Chúng tranh cãi ỏm tỏi:


- Xuống đại đi, quân ta hùng hậu thế này, làm cỏ gà vịt toàn thế giới còn được nói chi dải đất chữ S này!


- Chớ chớ! Phải dò la thật kỹ, xem có bao nhiêu gà qué của chúng chịu “cõng cúm cắn người nhà”, rồi mới tính được.


- Yên tâm đi, chúng ta đã cài sẵn bọn H5N1 và H1N1 rồi, giờ nội công ngoại kích, ba mũi hợp lực là bình xong thiên hạ!


Vừa lúc đó một tiểu đội virút đi trinh sát về tới nơi, hồ hởi la lên:


- Thời cơ tới rồi! Trời Việt ngập khói nhang, đất Nam tràn bia bọt!


- Ê! Đang bàn đại cục, đâu phải lúc làm câu đối?


- Các bác chậm hiểu quá. Thời cơ lớn nhất đối với loài virút chúng ta là gì?


- Là vật chủ mất đề kháng chứ còn gì mà hỏi.


- Đấy đấy. Thế mà nước Nam dù còn nghèo nhưng đang tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới, chẳng mấy chốc sinh lực nòi giống chúng sẽ kiệt quệ!


- Ê, nhưng mày quên là theo định nghĩa của WHO thì sức khoẻ bao gồm cả thể xác lẫn tinh thần?


- Nhìn xuống mà coi, dân họ đang chen chúc giải hạn cầu may, buôn thần bán thánh trong hàng ngàn lễ hội kia kìa, chứng tỏ tinh thần của họ cũng đang mê muội, khủng hoảng!


Nghe có lý, đàn virút đứng phắt dậy chuẩn bị phất cờ động binh thì một con bỗng la lên:


- Tụi bây nhìn đi: những đồi sim biên giới!


- Thằng này khùng, đánh nhau không hô khẩu hiệu mà bày đặt làm thơ!


Con virút bị chửi khùng hạ giọng, thầm thì:


- Thơ gì, màu hoa ấy làm tao nhớ màu máu của 35 năm trước!


Đại quân nghe xong, khí thế đang ngút trời vụt tan biến, cả đám lủi thủi ngồi chờ cơ hội khác.


Người già chuyện






Xuất siêu tháng 1 thật siêu: 1,4 tỉ USD

Xuất siêu tháng 1 thật siêu: 1,4 tỉ USD

Xuất siêu tháng 1 thật siêu: 1,4 tỉ USD


SGTT.VN - Một báo cáo chính thức của tổng cục Hải quan công bố ngày 14.2 trên website của tổng cục này đã thông báo một con số hết sức bất ngờ: tháng 1.2014, Việt Nam xuất siêu 1,44 tỉ USD. Đây là mức tăng trưởng rất đột biến, vì cả năm 2013, theo số liệu của tổng cục Thống kê và bộ Công thương, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt khoảng 863 triệu USD.










ĐTDĐ là một trong những mặt hàng góp phần vào xuất siêu cho Việt Nam. Trong ảnh: kiểm tra bo mạch ĐTDĐ tại nhà máy Samsung Việt Nam. (Nguồn dữ liệu: tổng cục Hải quan) Ảnh: Minh Phúc



Mặc dù con số xuất siêu của năm 2013 như vậy cũng đã được đánh giá tốt vì trong nhiều năm trước, Việt Nam luôn ở tình trạng nhập siêu rất lớn, và nhập siêu thường được coi là một yếu tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô thì con số xuất siêu của tháng 1 lớn ở mức như vậy là một vấn đề rất đáng chú ý. Nhưng, liệu con số trên có chính xác?


Cụ thể, theo số liệu thống kê của tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước trong tháng 1.2014 đạt 21,48 tỉ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 3% so với kết quả thực hiện của tháng 1.2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 11,46 tỉ USD, với tốc độ giảm lần lượt là 1,5% và 0,8%; tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu là 10,02 tỉ USD, giảm 17,8% và giảm 5,5%.


Trong tháng đầu tiên của năm 2014, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu tới 1,41 tỉ USD và khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thặng dư 31 triệu USD. Do đó, về tổng thể cán cân thương mại hàng hoá trong tháng 1.2014 của cả nước thặng dư 1,44 tỉ USD.


Con số xuất siêu trên gây ngạc nhiên còn vì, trong tháng 1, nếu theo ước tính của bộ Công thương, Việt Nam nhập siêu khoảng 100 triệu USD, căn cứ theo những số liệu ước tính ban đầu, có tham khảo của tổng cục Hải quan. Trong khi đó, báo cáo chính thức về tình hình kinh tế – xã hội tháng 1 của tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt khoảng 10,3 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu tháng 1 đạt 10,4 tỉ USD. Tức là theo tổng cục Thống kê, tháng trước, cả nước không những không xuất siêu mà còn nhập siêu khoảng 100 triệu USD. Tổng cục này còn tính toán cụ thể là mức nhập siêu đó bằng 0,97% kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.


Các số liệu thống kê của ba cơ quan đầu mối quan trọng nhất về cung cấp thông tin liên quan đến xuất, nhập khẩu, liên quan đến một chỉ số rất quan trọng của nền kinh tế đang gây nghi ngờ lớn? Vậy cơ quan nào là đúng, số liệu nào là chính xác, đang cần được lãnh đạo các bộ, ngành trên chỉ đạo, làm rõ, tránh tình trạng sai lệch quá lớn trong việc công bố số liệu thống kê. Chỉ số thống kê xuất, nhập khẩu là một dữ liệu rất quan trọng nên nếu nó sai lệch và bất nhất, sẽ gây ra những hậu quả không nhỏ.


Cho dù gần đây, những tín hiệu cho thấy Việt Nam đang chuyển mạnh từ tình thế nhiều năm liên tục nhập siêu, chuyển sang thời kỳ xuất siêu nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Nhờ tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là vào các ngành sản xuất: điện thoại, linh kiện điện thoại, điện tử… nhưng con số xuất siêu 1,44 tỉ USD trong một tháng như tổng cục Hải quan công bố là con số quá ấn tượng và vì thế, rất cần phải kiểm tra lại, đảm bảo sự chính xác. Ở đây cũng phải nói thêm, các con số do bộ Công thương và của tổng cục Thống kê công bố cũng phải kiểm tra lại do đó là những con số công bố dựa trên ước tính ban đầu. Còn con số của tổng cục Hải quan mới công bố ngày 14.2 có thể có những bổ sung, cập nhật đầy đủ hơn. Nhưng dù sao, con số 1,44 tỉ USD xuất siêu cũng là con số rất bất thường, cần phải được tổng cục Hải quan, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác, đặc biệt là bộ Công thương để kiểm tra, đối chiếu kỹ, công bố công khai, đầy đủ các dữ liệu chi tiết để chứng minh.


Nếu như xuất siêu thực đạt 1,44 tỉ USD thì đây là một tín hiệu rất tốt đẹp cho tháng đầu của năm 2014, cho dù, có thể, trong các tháng sau, rất khó có thể đạt con số tương tự, thậm chí, một tháng đạt xuất siêu 400 triệu USD, số lẻ của con số trên thôi, cũng đã là điều rất đáng mừng. Bởi mặc dù có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu xuất khẩu, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn với các nhóm hàng hạn chế nhập khẩu nhưng cơ bản, xuất khẩu hàng Việt Nam nhiều năm nay vẫn chủ yếu xuất là xuất thô, giá trị gia tăng thấp; nhập siêu từ Trung Quốc vẫn quá lớn... Nên để đạt được một tỷ lệ xuất siêu cao, bền vững vẫn là một yêu cầu rất khó khăn. Và thực tế, có tháng xuất siêu, tháng sau lập tức nhập siêu... là điều vẫn thường thấy trong năm 2013 và câu chuyện như vậy, rất có thể sẽ lặp lại trong năm 2014, khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất đang có dấu hiệu hồi phục tăng nhanh hơn.


Mạnh Quân









Nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp


Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, con số xuất siêu kỷ lục này chưa thể hiện nền kinh tế đã qua khó khăn.


Thưa ông, tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 1 vừa qua, cả nước xuất siêu hơn 1,4 tỉ USD. Vì sao chúng ta đạt được kết quả này?


Thực ra chúng ta đã xuất siêu từ năm ngoái rồi, không phải tự dưng tháng 1 năm nay mới xuất siêu, mà nối tiếp từ tháng 10, 11, 12.2013. Nếu nhìn vào kim ngạch chung thì rõ ràng tháng 12 do vào gần tết nên nhịp độ xuất khẩu có giảm xuống. Tôi chưa có danh sách chi tiết nhưng dựa vào những số liệu gần đây thì có các mặt hàng điện thoại di động, các thiết bị điện tử, máy vi tính, dệt may, da giày… là những mặt hàng có kim ngạch lớn trong thời gian gần đây.


Ông đánh giá thế nào về mức xuất siêu này?


Điều đó thể hiện chính sách điều hành xuất nhập khẩu, kinh tế vĩ mô nói chung hiện nay đang đi đúng hướng. Thứ hai là sự nỗ lực của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng như thế này. Cả kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn tạo ra nguồn hàng xuất khẩu rất lớn.


Tức là thể hiện kinh tế qua khó khăn?


Nếu nói đã qua khó khăn thì chưa, xuất khẩu chỉ là một chỉ tiêu đóng góp mà thôi. Xuất khẩu nói riêng tương đối tích cực như thế chứ không thể hiện chung của nền kinh tế.


Việt Anh







BIDV khai trương cổng nộp thuế điện tử

BIDV khai trương cổng nộp thuế điện tử

BIDV khai trương cổng nộp thuế điện tử


SGTT.VN - Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cùng với tổng cục Thuế vừa chính thức khai trương cổng thông tin nộp thuế điện tử dành cho các tổ chức, doanh nghiệp.


Theo đó, kể từ đầu tháng 2.2014, một số tổ chức, doanh nghiệp có thể truy cập vào cổng thông tin http://ift.tt/LNAZEV để nộp thuế điện tử. Cổng thông tin này có các chức năng đăng ký sử dụng dịch vụ “nộp thuế điện tử”; lập và gửi giấy nộp tiền; tra cứu chứng từ/thông báo… Các tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp thuế vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ ở đâu có internet, được ngân hàng BIDV xác nhận giao dịch tức thời. Trong thời gian đầu, chỉ có các đơn vị có tài khoản tại BIDV đã được cấp mã số thuế/mã số doanh nghiệp và đang khai thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế tại Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Sau khi thí điểm thành công, dịch vụ này sẽ được triển khai trên toàn quốc.


Việt Bình






Đồng bằng sông Cửu Long: ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn

Đồng bằng sông Cửu Long: ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn

Đồng bằng sông Cửu Long: ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn


SGTT.Vn - Theo chi cục Thuỷ lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, độ mặn đo được trên sông Hậu tại Đại Ngãi đã vượt 1,5‰, tại Trần Đề độ mặn cũng có khả năng đã vượt mức 12,5‰… Trước tình hình như vậy, một số cống điều tiết nước trong dự án Long Phú – Tiếp Nhật (thuộc các huyện Long Phú, Trần Đề) hiện đã phải đóng kín để ngăn mặn xâm nhập vào khu vực sản xuất, nhằm giữ nước ngọt tưới lúa.


Trong khi đó, kỳ triều cường rằm tháng giêng kết hợp với gió chướng mạnh cũng đẩy nước mặn lấn sâu vào phía nội đồng. Tại tỉnh Long An, nước mặn 1‰ đã vào sâu trong sông Vàm Cỏ Đông xấp xỉ 60km, cùng lúc này, trên sông Vàm Cỏ Tây, nước mặn 1‰ cũng xâm nhập sâu hơn 60km, bắt đầu đe doạ sản xuất và đời sống người dân.


Ngọc Tùng






Lời kêu gọi thống thiết

Lời kêu gọi thống thiết

Bác sĩ trò chuyện


Lời kêu gọi thống thiết


SGTT.VN - Bộ ba ngôi sao bóng rổ Yao Ming, siêu sao bóng đá David Beckham và hoàng tử William nước Anh đã gởi một thông điệp phim video thúc giục mọi người trên toàn cầu đừng ủng hộ việc buôn bán sừng tê giác (báo Mirror News, 14.2.2014).










Yao Ming (trái), hoàng tử William (giữa) và David Beckham. (Mirror News, 14.2.2014)



Hoàng tử William nói: “Cùng hợp sức, chúng ta có thể cứu lấy các con tê giác hoang dại. Việc mua bán chấm dứt, việc giết hại cũng sẽ ngưng”. Beckham bổ sung: “Yêu cầu các bạn bè và gia đình đừng mua sừng tê”.


Giáo sư Harold Varmus, chuyên gia ung thư hàng đầu có một thông điệp rõ ràng: “Bột sừng tê giác không có tác dụng điều trị ung thư”. Y học cổ truyền Trung Quốc không dùng sừng tê giác trị ung thư. Buồn cho Việt Nam mang tiếng xấu giết hại loài vật kỳ lạ dễ thương này.











Sừng tê không phải vị thuốc


Thông điệp. Ngày Tê giác thế giới 22.9.2011 từ Úc đến Zimbabwe có thông điệp vang dội: “Sừng tê không phải là vị thuốc, không trị khỏi bệnh gì”. Lời nhắn dẫy đầy trên mạng của các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã.


Đâu là cơ sở? Nghiên cứu của công ty dược khổng lồ và uy tín Hoffman – La Roche, thực hiện từ năm 1980, với danh nghĩa của quỹ Thế giới hoang dã, cho kết quả công bố năm 1983: “Sừng tê giống như móng tay, lông, tóc, không có tác dụng chống đau, chống viêm, chống co thắt và cũng không có tác dụng kháng khuẩn để chống viêm mủ và vi khuẩn trong ruột” (tạp chí Environmentalist tháng 3.2011). Nghiên cứu thứ hai thường được trích dẫn là của hiệp hội Thảo cầm Luân Đôn năm 2005. Người phát ngôn, tiến sĩ Raj Amin nói: “Không có cơ sở cho thấy bất cứ chất cấu tạo nào trong sừng tê có dược tính. Về mặt y học thì cũng như bạn gặm chính móng tay mình”. Đại học Trung Quốc tại Hong Kong có nghiên cứu “Các tác dụng kháng nhiệt của sừng tê và sừng các động vật khác” được công bố năm 1990. Với chuột được gây sốt ở labô, chích liều có nồng độ thật đậm đặc của tinh chất sừng tê chỉ làm giảm nhiệt nhẹ tạm thời, không thấy có tác dụng giải nhiệt ở liều tương ứng ở người.


Không trị được ung thư


Tiếng nói của chuyên gia sừng sỏ. Giáo sư Harold Varmus đoạt giải Nobel Y học năm 1989 do những nghiên cứu về bệnh ung thư, hiện là viện trưởng viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định: “Chúng ta không có bằng chứng là bột sừng tê giác có ích lợi gì và không có cơ sở để dùng điều trị bệnh ung thư”, “Có điều chắc chắn là con vật lạ kỳ đẹp đẽ này sẽ chịu đau đớn rồi chết đi để sản xuất ra bột sừng tê”.


Y học cổ truyền Trung Quốc. Năm 2011 hội Y học cổ truyền Trung quốc và hội Châm cứu và y học Đông phương tại Hoa Kỳ có nhận định chống lại việc lạm dụng sừng tê: “Y học cổ truyền Trung Quốc có dùng sừng tê điều trị sốt thương hàn, động kinh… các xáo trộn khác từ hàng ngàn năm. Tuy nhiên, vài người và vài tổ chức đã gán các tác dụng y học quá đáng cho sừng tê. Không có chứng cứ là sừng tê có hiệu quả chữa ung thư” (Africa Check 22.9.2012). Huijun Shen, chủ tịch hiệp hội Y học cổ truyền Trung Quốc nước Anh đã giải thích cho tạp chí khoa học uy tín Nature: “Y văn Trung Quốc trong gần 2.000 năm không có ghi nhận sừng tê trị ung thư”. Từ năm 1993, Trung Quốc đã cấm dùng sừng tê trong y học cổ truyền và bày tỏ quyết tâm bảo vệ động vật hiếm quý.










Giáo sư Harold Varmus.



Người Việt Nam tin là sừng tê trị hết ung thư. “Dùng sừng tê để trị khỏi ung thư chỉ là từ lời đồn đại từ Việt Nam khoảng sáu, bảy năm nay. Bột sừng tê đã trị khỏi ung thư của một quan chức lãnh đạo. Bệnh nhân đặc biệt này không được nêu tên, cũng không có chi tiết nào về việc ung thư được trị khỏi. Lời đồn kéo dài đến nay, lan truyền nhanh chóng và giá cả sừng tê tăng vọt. Nhu cầu vượt mức phát xuất từ cách dùng không truyền thống và không cơ sở như là điều trị bệnh ung thư” (RhiNoremedy 2014).


Lời đồn ác hại. Dự luận báo chí quốc tế cho rằng “mê tín” sừng tê của người Việt Nam đã tạo nên sự gia tăng việc săn tê giác chưa từng có ở châu Phi và châu Á. Báo Guardian ngày 25.11.2011 chạy tít Lời đồn đãi trị khỏi ung thư đã giết tê giác ở Việt Nam. Việc mê tín bột sừng tê trị ung thư làm nhu cầu tăng vọt, đẩy mạnh sự diệt chủng loại thú này. Steve Broad thuộc nhóm TRAFFIC bảo vệ hoang dã, nói: “Chúng tôi ghi nhận nhu cầu lạ kỳ ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ Việt Nam là điểm đến cuối cùng của sừng tê”. Bác sĩ Naomi Doak, điều phối chương trình TRAFFIC Mekong nhận định: “Có nhiều thuốc cổ truyền chứng tỏ có khả năng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh, cứu sống hàng triệu người, nhưng sừng tê giác thì không. Đây là một huyền thoại nguy hiểm cho cả thế giới hoang dại lẫn con người”.


Ung thư biết sớm trị lành. Tôi có một thân chủ cũng là một người bạn. Ông bị ung thư tuyến tiền liệt, giai đoạn sớm. Có biết bao lời khuyên, bao nhiêu lời bày biểu thuốc này thuốc nọ. Tôi khuyên nên mổ ngay, ông hơi chần chờ: “Nán thêm vài tháng để dùng sừng tê giác được không?” Rồi ông cũng chịu mổ sớm. Đánh giá và xét nghiệm sau mổ tốt, tôi chia sẻ: “Thật mừng, như vầy đừng nghĩ kết quả chỉ năm năm, phải tính mười năm trở lên”. Tôi biết ông có dùng thêm sừng tê giác sau mổ. Quá năm năm ông vẫn khoẻ. Nghe đâu ông khoe là nhờ sừng tê giác mà khỏi bệnh luôn rồi. Nhiều người tin lắm. Tôi không chia sẻ chuyện này. Tôi có theo dõi các người bị các loại ung thư khác nhau. Không thấy ai chỉ dùng “thuốc thần sừng tê” mà khỏi bệnh. Có người biết bệnh sớm mà tin sừng tê nên để bệnh trổ trễ mới chịu điều trị chính quy bài bản. Thật uổng! Bác sĩ Albert Lim Kok Hooi, một chuyên gia ung bướu Malaysia, nhận định: “Cái gì có tác dụng đủ thứ thì chẳng có tác dụng gì cả”.


Ngày nay, nên biết các phương tiện chẩn đoán mới giúp định bệnh lúc còn sớm. Bây giờ các cách điều trị hiện đại đã sẵn trong tầm tay. Ung thư biết sớm trị lành mà.


Lời nhắn gởi thống thiết: Đừng để Việt Nam mang thêm tiếng xấu diệt chủng loài tê giác. Bị ung thư mà mê tín sừng tê thì hại mình và góp phần giết hại loài vật dễ thương.


GS.BS Nguyễn Chấn Hùng









Không phải ở Trung Quốc mà là Việt Nam có cơn thèm khát sừng tê vô cùng lớn. Giá sừng tê là 100.000 USD/kg, mắc hơn vàng (theo The Atlantic, đầu năm 2014). Năm 1998, giá chỉ có 200 – 500 USD/kg. Trong khoảng 1990 – 2007, mỗi năm chỉ có khoảng 15 con bị săn giết tại Nam Phi, nơi có 2/3 số tê giác ở Phi châu. Chuyện đã đổi thay, năm 2008 có 83 con bị giết, năm sau 122 con. Ở Nam Phi, 668 con bị săn giết năm 2012, tăng gấp rưỡi so với năm 2011. Giữa năm 2013 Nam Phi mất thêm 290 con, tính ra hai con mỗi ngày.


Bọn săn thú đã cải tiến kỹ thuật săn: dùng máy bay trực thăng, thiết bị nhìn trong đêm tối, để thoả mãn nhu cầu sừng tê giác gia tăng ở Đông Á, nhất là Việt Nam. Con tê giác cuối cùng ở Mozambique đã chết, bị các thợ săn cắt sừng máu chảy đến chết. Các vườn quốc gia của Việt Nam thì không phải lo: năm 2010, con tê giác cuối cùng loại Java đã chết, con vật bị đạn ở chân, sừng bị cắt mất!







Doanh số ôtô giảm 16%

Doanh số ôtô giảm 16%

Doanh số ôtô giảm 16%


SGTT.VN - Theo hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1.2014, doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt hơn 11.000 chiếc, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại giảm 16% so với tháng 12.2013.


VAMA dự báo doanh số thị trường ôtô năm 2014 có thể đạt 120.000 chiếc, tăng 9% so với năm 2013.Trong tháng 1.2014, hãng Toyota dẫn đầu thị trường với doanh số đạt 3.145 chiếc, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhãn hiệu ôtô Nhật Bản như: Mazda, Mitsubishi… có doanh số bán tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm như: VinaMazda đạt doanh số 627 chiếc, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái; Mitsubishi tăng trưởng 300% với số lượng xe bán ra là 300 chiếc.


Chí Thịnh






Nối thành công bàn tay đứt lìa ngoài giờ vàng

Nối thành công bàn tay đứt lìa ngoài giờ vàng

Nối thành công bàn tay đứt lìa ngoài giờ vàng


SGTT.VN - Ngày 16.2, thông tin từ khoa vi phẫu – tạo hình bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật kéo dài tám giờ để nối lại bàn tay trái cho bệnh nhân nam P.V.C., 28 tuổi, ngụ ở Cà Mau, chuyển đến từ bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc nặng do mất máu, bàn tay trái đứt gần như hoàn toàn tại cổ tay…


Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc ẩu đả với một người bạn, anh C. bị chém vào tay. Ca phẫu thuật có thể xem là hiếm và khó vì giờ vàng để kịp thời nối lại bàn tay thông thường là bốn giờ, trong khi từ lúc anh C. bị đứt bàn tay cho đến lúc nối lại là gần 15 giờ. Sau phẫu thuật, hiện sức khoẻ anh C. hồi phục tốt, bàn tay nối đã có biểu hiện hồng hào.


Thành Danh






Nghĩ, làm, thay đổi và thành công như người Israel

Nghĩ, làm, thay đổi và thành công như người Israel

Nghĩ, làm, thay đổi và thành công như người Israel


SGTT.VN - Hai chuyên gia hàng đầu về phương thức sáng tạo trong kinh doanh của Israel sẽ sang Việt Nam trong một khoá huấn luyện đặc biệt về sáng tạo để đổi mới kinh doanh vào ngày 24.2 sắp tới. Ai sẽ được hưởng lợi từ sự kiện đặc biệt này?










Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh là nhu cầu sống còn của doanh nghiệp. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất viên nang mềm của Traphaco.



Những ngày cuối tuần này, trụ sở hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đông vui tấp nập với sự ra vào thường xuyên của các doanh nhân hàng đầu.


Tái khởi nghiệp từ trong lòng doanh nghiệp


Họ đến để tham gia chương trình trò chuyện phỏng vấn sâu của đề án Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt dưới sự chủ trì của bộ Khoa học và công nghệ. Ai sẽ nhận được bằng khen của bộ trưởng vào ngày 25.2 sắp tới là một chuyện, chuyện khác là mọi người cũng tò mò chờ xem bức tranh chi tiết về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước sẽ như thế nào và những kinh nghiệm để có thể cải biến, thích ứng tốt hơn với cuộc cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt.


Ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc Minh Long I chia sẻ: “Có hai áp lực để đổi mới: bài toán cạnh tranh và chi phí không cho phép chúng ta duy trì những mô hình hoạt động cũ và yếu tố thứ hai là yếu tố đam mê mong muốn được vượt lên phía trước”. Vì thế, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 – 2013, ông đã quyết định thay đổi hoàn toàn cấu trúc của nhà máy, chuyển hẳn từ mô hình đốt hai lần sang đốt một lần. Quyết định này, có thể đưa Minh Long I bứt phá nhanh hơn, nhưng cũng có thể làm công ty phá sản vì thay đổi, di dời một nhà máy rộng hàng hecta trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ sản xuất, giao hàng cho khách trong và ngoài nước.


Nhưng không phải ai cũng can đảm và có đầy tố chất để đổi mới hoài hoài như người đàn ông được gọi vui là “Edison của Việt Nam” này. Những cuộc cách mạng dù nhỏ, dù to trong các doanh nghiệp, không chỉ cần ý chí, quyết tâm mà còn cần một phương thức lập luận, quy trình tìm kiếm ý tưởng và cả những kinh nghiệm thất bại của quá trình đổi mới.


Rất may mắn, những điểm mà doanh nghiệp Việt còn thiếu này, đã được dân tộc sáng tạo kinh doanh giỏi nhất thế giới Israel gom góp, gói ghém và đúc kết từ lâu thành một chương trình riêng mà hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã mang về Việt Nam. Mỗi người, mỗi doanh nghiệp đều sẽ thấy một câu chuyện và nhiều con đường của riêng mình.


Thanh niên nông thôn và thanh niên Israel


Chị Nguyễn Thị Xuân Dung, giám đốc dự án Thanh niên nông thôn nghĩ giàu làm giàu vừa tranh thủ giành từng suất tham dự hội thảo Israel cho mạng lưới thanh niên khởi nghiệp của mình, lại vừa tính toán chi phí hỗ trợ. Cô thạc sĩ ở Pháp ngày nào, giờ đã rất rành rẽ chuyện nông thôn: mời anh nuôi gà Ai Cập ở Đức Trọng, anh nuôi heo ở Tùng Nghĩa, chị nuôi rắn ở Sóc Trăng, nhóm bạn làm du lịch vườn ở Phong Điền… Chỗ ngồi rất giới hạn, chi phí lại cao nhưng chị Xuân Dung cương quyết bảo vệ quan điểm: phải tiếp tục đầu tư cho những hạt giống khởi nghiệp từ nông thôn, từ nông nghiệp vì họ thực sự cần những cơ hội để tiếp sức, mở rộng suy nghĩ để tiếp tục hành trình làm giàu chính đáng của họ.


Chị viết trong thư: “Làm thế nào để một quốc gia bé nhỏ, nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, lại bị kiềm chế rất lâu trong liên miên chiến loạn lại trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất thế giới? Làm thế nào để người nông dân Israel từ không có nước để trồng cây lại trở thành quốc gia hùng mạnh nhất về kỹ thuật nông nghiệp? Làm thế nào để những chàng trai 18 tuổi người Do Thái có thể vào quán bar để nói chuyện làm ăn? Và tất nhiên, làm thế nào để khởi nghiệp và làm giàu, thật là giàu?”


Những chuyên gia Israel đã gởi bài trình bày và một kế hoạch hợp tác dài hạn với hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong đó, họ giải mã một trong những điểm tạo nên sức mạnh thần kỳ này, là kỹ năng lưu trữ và chia sẻ thông tin độc đáo của dân tộc Do Thái. Tất cả những bí quyết khởi nghiệp, lập nghiệp và thành công của người Do Thái – Israel từ lâu đã được đúc kết lại thành phương pháp, công thức và mô hình. Từ cách suy nghĩ, cách xây dựng quan hệ, cách đặt vấn đề cho đến cách đối diện với những khó khăn, thử thách đều là những thứ cần phải học.


Thông tin chi tiết có tại website: www.BSA.org.vn


K. Chinh






Câu chuyện Mobifone và áp lực xây dựng thị trường cạnh tranh

Câu chuyện Mobifone và áp lực xây dựng thị trường cạnh tranh

Câu chuyện Mobifone và áp lực xây dựng thị trường cạnh tranh


SGTT.VN - “Việt Nam có từ 3 – 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh, phát triển bền vững theo đúng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt”, là một trong những định hướng quan trọng của bộ Thông tin và truyền thông trong tờ trình số 55 ngày 27.9.2013 gởi Chính phủ về việc “tái cơ cấu tập đoàn Bưu chính và viễn thông Việt Nam (VNPT) gắn liền tái cơ cấu thị trường viễn thông để hình thành một thị trường viễn thông lành mạnh”.










Viettel hiện là doanh nghiệp mạnh, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nếu được cổ phần hoá, doanh nghiệp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa. Ảnh: Lê Quang Nhật



Để thực hiện những mục tiêu trên, trong lần tái cơ cấu VNPT này, bộ Thông tin và truyền thông đang lấp lửng thông tin: hoặc là tách Mobifone hoặc là tách Vinaphone thành một tổng công ty viễn thông độc lập để tạo thế chân vạc trên thị trường viễn thông: Mobifone – Viettel – Vinaphone hiện đang chiếm 95% thị phần di động Việt Nam.


Ngó lơ chuyện cổ phần hoá


Trong đề án của bộ Thông tin và truyền thông về tái cơ cấu VNPT, lãnh đạo bộ nghiêng về hướng tách Mobifone thành tổng công ty viễn thông trực thuộc bộ mà không đề cập đến chuyện cổ phần hoá tổng công ty này như thế nào. Thế nên, trong toạ đàm vào chiều ngày 14.2.2014 do câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin (trực thuộc hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông (nay là bộ Thông tin và truyền thông) đề nghị: “Nếu tách Mobifone ra khỏi VNPT phải gắn liền với việc cổ phần doanh nghiệp này. Tránh chuyện tách Mobifone thành tổng công ty nhà nước. Nếu ba doanh nghiệp viễn thông lớn nhất đều là doanh nghiệp nhà nước thì thị trường sẽ khó cạnh tranh lành mạnh”.


Chiều qua, 16.2.2014, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Đình Chiến, phó tổng giám đốc Mobifone, xác nhận: “Chưa có thông tin mới về số phận Mobifone”.


Làm sao có cạnh tranh?


Ông Trực cho rằng, hiện nay, dù giao cho các tập đoàn quản lý nhưng cả ba mạng Mobifone – Vinaphone và Viettel đều cùng chung một chủ sở hữu: đó là Nhà nước. Nghĩa là có cạnh tranh nhưng chỉ là hình thức, khi khó khăn, chủ sở hữu đó lại ra những quyết định hay can thiệp vào nội bộ của ba doanh nghiệp đó. Ông Trực ví von: “Ông bố (Nhà nước) cho ba đứa con (ba doanh nghiệp trên) ra ở riêng nhưng vẫn can thiệp vào vấn đề nội bộ của từng đứa con, kể cả vấn đề tài chính vì ông bố vẫn làm chủ tài sản của cả ba người con. Gọi là cạnh tranh cho sang nhưng thực chất là chưa có cạnh tranh gì cả”. Cũng theo ông Trực, khi cả ba doanh nghiệp đều cùng chung sở hữu nhà nước “sẽ không chú trọng đến tính hiệu quả”. Ông dẫn chứng, doanh nghiệp nào, VNPT, Viettel đều xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường trục, sắp tới khi Mobifone được tách ra lại xây dựng đường trục... lãng phí tài sản của nhà nước. “Nếu là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động kinh doanh sẽ chú ý đến hiệu quả cao nhất có thể”, ông Trực khẳng định.


TS Võ Trí Thành, viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chuyển dịch của thị trường viễn thông Việt Nam từ nhiều năm qua “rất ì ạch”. “Trong hiệp định TPP có nhiều khía cạnh liên quan đến công nghệ thông tin – viễn thông, trong đó có cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, đấu thầu, cải cách doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy, việc tái cấu trúc, cải cách thị trường viễn thông, tái cấu trúc các doanh nghiệp viễn thông không chỉ có giá trị với từng doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa sống còn với sự phát triển đất nước”, ông Thành phân tích. Ông Thành ủng hộ quan điểm “phải cổ phần hoá Mobifone (hoặc Vinaphone – PV) để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, công nghệ tốt mới gây áp lực cạnh tranh cho hai doanh nghiệp còn lại”. Với mô hình của Viettel, theo ông Thành, cần phải tách bạch rõ ràng phần việc nào là công ích (an ninh quốc phòng), phần việc nào là thuần tuý thương mại để tư nhân hoá, tạo sức cạnh tranh cho tập đoàn viễn thông đang giữ vai trò dẫn đầu của thị trường viễn thông Việt Nam.









“Lợi ích của người tiêu dùng không phụ thuộc vào đức hạnh của doanh nghiệp mà phụ thuộc mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường”.



Cũng theo ông Thành, lâu nay các doanh nghiệp viễn thông “quên” áp lực cạnh tranh từ phía người tiêu dùng và luật Bảo vệ người tiêu dùng, nên chưa tạo ra những đòn cạnh tranh đúng nghĩa. “Nếu tư nhân hoá các doanh nghiệp viễn thông, các ông chủ sẽ chú trọng nhiều hơn đến phản ứng của người tiêu dùng vì đây là khách hàng quan trọng của họ. Lợi ích của người tiêu dùng không phụ thuộc vào đức hạnh của doanh nghiệp mà phụ thuộc mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường”, ông Thành phân tích thêm.

Để có lợi ích nhiều mặt...


Từ pháp lệnh Bưu chính viễn thông rồi đến luật Viễn thông, theo nhiều chuyên gia viễn thông, xác định rất rõ luật chơi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế nhưng trên thực tế, vì chủ sở hữu của ba doanh nghiệp chiếm tới 95% thị phần mà có nhiều văn bản hành chính “phi thị trường”. Chính những văn bản hành chính này đã làm méo mó tính cạnh tranh của khái niệm thị trường. Việc EVN Telecom sáp nhập vào Viettel là hệ quả của một quyết định hành chính “phi thị trường”. Có thể Viettel được lợi về tần số nhưng trước mắt tập đoàn này phải gánh những khoản nợ của EVN Telecom. Theo ông Trực, lẽ ra nên cho các doanh nghiệp viễn thông đấu thầu trường hợp này.


Theo ông Thành, phải sửa đổi luật Cạnh tranh và quyền lực của người quản lý cạnh tranh mới tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như tiến trình cổ phần hoá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực viễn thông. Hiện nay, luật Cạnh tranh xác định rõ doanh nghiệp không được bán dưới giá thành nhưng như thế nào là “dưới giá thành” lại còn tuỳ thuộc vào chiến lược kinh doanh, công nghệ, thời gian khai thác của từng doanh nghiệp. Giám đốc kinh doanh của một nhà mạng nói rằng, đã nhiều lần chứng minh giá thành là “a” nhưng nhà quản lý không chấp nhận nên họ phải bán sản phẩm với giá “a+1...” đã làm sức cạnh tranh của nhà mạng yếu hẳn.


Năm 2020, chủ sở hữu nhà nước chỉ còn nắm giữ 100% doanh nghiệp nhà nước đặc thù như an ninh, quốc phòng... “Cổ phần hoá, bên cạnh việc minh bạch hoá, thu hút nguồn vốn còn phải thay đổi cung cách quản lý, kỹ năng quản lý, chuyển giao công nghệ. Với thị trường viễn thông, đó là những yếu tố vừa tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa tạo cơ hội phát triển. Người tiêu dùng sẽ có lợi nhiều hơn”, ông Thành nhấn mạnh.


Gia Vinh






Anh trợ giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

Anh trợ giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

Anh trợ giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân


SGTT.VN - Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Andrew Holt, trưởng bộ phận Thịnh vượng, đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết theo bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử giữa đại sứ Anh và bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái, thì Anh sẽ chuyển giao những kiến thức và kỹ năng để đảm bảo phát triển ngành công nghiệp hạt nhân an toàn tại Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam trong việc quản lý, điều hành ngành năng lượng hạt nhân.


Ngay sau khi ký MOU, phía Anh làm việc với cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) cùng các đối tác khác để tổ chức một số hội thảo; đưa các chuyên gia trong ngành năng lượng hạt nhân từ Anh sang, gặp gỡ những người chủ chốt của Việt Nam, trong đó có đại diện của 6 – 8 trường đại học, nhằm bàn về đào tạo và nghiên cứu, làm sao chuyển giao kỹ năng…Trong tháng 3 này, nhà khoa học hàng đầu của bộ Ngoại giao Anh cùng với các chuyên gia thuộc cơ quan điều tiết hạt nhân sẽ đến Việt Nam.


Việt Anh






Sản phẩm gia cầm giảm giá

Sản phẩm gia cầm giảm giá

Sản phẩm gia cầm giảm giá


SGTT.VN - Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá nhiều sản phẩm gia cầm bị giảm từ sau rằm tháng giêng nằm ngoài dự đoán của cả người nuôi lẫn kinh doanh sản phẩm này, theo đó, vịt hơi từ xấp xỉ 50.000đ/kg giảm còn 45.000đ/kg; trứng các loại giảm 1.000 – 5.000đ/chục…


Chỉ riêng giá gà ta (gà sống) chưa giảm do sản lượng về chợ không nhiều, nhưng theo các tiểu thương bán lẻ tại một số chợ, lượng gà bán ra không nhiều bởi người tiêu dùng đang e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm khi ở tỉnh Đồng Tháp đã có trường hợp tử vong do cúm gia cầm và mới đây, tại các tỉnh Long An, Cà Mau, Bạc Liêu cũng đã xuất hiện những ổ dịch cúm gia cầm.


N. Tùng






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ