Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Ra mắt sách ảnh Trẻ em thời chiến

Ra mắt sách ảnh Trẻ em thời chiến

Ra mắt sách ảnh Trẻ em thời chiến


SGTT.VN - Cuốn sách là một bước tiếp nối thành công của triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến” được tổ chức từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013 tại Hà Nội và TP.HCM.


Đây là tập hợp các ảnh phóng sự được chụp bởi phóng viên ảnh của báo Thiếu niên Tiền phong, Thông tấn xã Việt Nam và các phóng viên hãng tin truyền hình NDN (Nihon Denpa News) Nhật Bản.











Gần 100 bức ảnh trong kể với chúng ta về cuộc sống của trẻ em Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt. Những gương mặt trẻ thơ tươi sáng, hồn nhiên, ngây thơ mà rắn rỏi, cùng những gương mặt người lớn bao bọc các em trong sự điềm tĩnh, lạc quan đến không ngờ.


Hình ảnh cuộc sống trẻ em trong dưới bom đạn, nơi sơ tán, làng mạc... Các em đào giao thông hào, làm hầm trú ẩn, đan mũ rơm, làm bánh mì… Hành trang đến trường của trẻ em thời chiến, ngoài sách vở còn có túi cứu thương, mũ rơm đội đầu để chống mảnh bom... Tất cả nói lên một sức sống mãnh liệt và nghị lực phi thường của con người Việt Nam.


Sách do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản, sẽ phát hành vào ngày 2.9.2013. Giá bìa: 150.000đ.


N.Th






Vẫn trong quá trình xem xét quy mô

Vẫn trong quá trình xem xét quy mô

Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip


Vẫn trong quá trình xem xét quy mô


SGTT.VN - Đề án nhà máy sản xuất chip là dự án “lõi” của chương trình vi mạch của TP.HCM. Phó chủ tịch UBND TP.HCM kiêm trưởng ban chỉ đạo chương trình vi mạch Lê Mạnh Hà đặt nhiều niềm tin vào chương trình: nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm điện tử – viễn thông sản xuất tại Việt Nam lên 15 – 30% khi sử dụng các sản phẩm vi mạch được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, hướng tới doanh thu của ngành thiết kế vi mạch đạt doanh số 120 triệu USD vào năm 2020… Từ tháng 11.2010, UBND TP.HCM đã chấp thuận về chủ trương cho tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Nhưng đến nay, dự án vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.


Sau nhiều lần viết lại, chiều 27.8.2013, ông Đặng Ngọc Hùng, phó tổng giám đốc tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, hồ sơ đề án nhà máy sản xuất chip đã nộp lên lãnh đạo TP.HCM. Những yếu tố chính của đề án lần này vẫn không có gì thay đổi so với những lần đệ trình trước đây: số vốn đầu tư khoảng 6.600 tỉ đồng, sử dụng công nghệ sản xuất chip kích thước 180/130nm với công suất 72.000 wafer/năm (tương đương với 1,8 tỉ con chip)… Theo khảo sát của hội Vi mạch TP.HCM, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ 20 tỉ con chip các loại, chỉ cần đáp ứng 10% nhu cầu của thị trường, tương đương với công suất của nhà máy, “nhà máy sản xuất chip sẽ phát triển ổn định, sau đó sẽ nâng dần công suất” như phát biểu của nhà đầu tư đã nhiều lần thể hiện tại các cuộc họp, hội thảo về vi mạch.


Ban đầu, dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip có số vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng (tương đương 200 triệu USD), theo công bố của tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Nhưng nay, dự án đã được nâng lên 6.600 tỉ đồng, tương đương với 330 triệu USD, không phải là số vốn mà nhà đầu tư này muốn là có. Trong những lần gặp lãnh đạo TP.HCM, bộ Khoa học và công nghệ trước đây, ông Nguyễn Văn Thọ, tổng giám đốc tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, vốn hiện có của nhà đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, phần vốn còn lại sẽ vay từ các ngân hàng.


Đây là dự án có nguồn vốn lớn, là dự án đầu tiên của Việt Nam nên việc các cấp thận trọng, cần cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đặt bút ký duyệt là điều dễ hiểu.


“Những dự án như thế này không nên nóng vội. Phải tính toán kỹ, được thì làm, còn bằng không thì xem xét mô hình có quy mô hợp lý”, một chuyên gia chia sẻ. Cũng từ quan điểm này, nhiều chuyên gia đã có đề xuất với lãnh đạo TP.HCM và bộ Khoa học và công nghệ một nhà máy sản xuất chip có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với đề án của tổng công ty công nghiệp Sài Gòn. Một nguồn tin cho biết, lãnh đạo TP.HCM và các bộ có liên quan “đang nghiêm túc xem xét những ý kiến này”. Được biết, kinh phí dự trù cho nhà máy quy mô nhỏ khoảng 1.000 – 1.200 tỉ đồng, với công suất dự tính khoảng 500 triệu chip/năm.


Như vậy, nhiều khả năng đề án sẽ phải tiếp tục... viết lại.


Gia Vinh






Đề nghị truy thu trên 469 tỉ đồng thuế nhập khẩu xăng dầu

Đề nghị truy thu trên 469 tỉ đồng thuế nhập khẩu xăng dầu

Đề nghị truy thu trên 469 tỉ đồng thuế nhập khẩu xăng dầu


SGTT.VN - Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị bộ Tài chính chỉ đạo các cục Hải quan địa phương, cục kiểm tra sau thông quan phối hợp kiểm tra, rà soát các tờ khai xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012, xử lý quyết định truy thu thuế bổ sung theo kết quả kiểm toán xác định với số tiền là 469,664 tỉ đồng.


Đề nghị này được Kiểm toán Nhà nước đưa ra sau khi kết thúc kiểm toán chuyên đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 của tổng cục Hải quan.


Trước đó, câu chuyện truy thu thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa đã gây ồn ào khi bộ Tài chính ra các quyết định truy thu với các “ông lớn” là các đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu gồm: tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), công ty Xăng dầu quân đội, công ty Nam Việt… Tổng cộng số tiền truy thu theo các quyết định được bộ Tài chính công bố trước đây là khoảng 330 tỉ đồng, trong đó riêng Petrolimex là khoảng 170 tỉ đồng.


M.Minh






VNREDSat-1: Đã hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam vận hành

VNREDSat-1: Đã hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam vận hành

VNREDSat-1: Đã hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam vận hành


SGTT.VN - Được đưa lên quỹ đạo ngày 7.5.2013, đến nay, sau 3 tháng, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, VNREDSat-1 đã hoạt động ổn định trên quỹ đạo, trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết.


Cụ thể, theo trung tâm Vệ tinh quốc gia, VNREDSat-1 đã chụp, truyền về và thu nhận, xử lý được 7.799 ảnh, trong đó, số ảnh chụp trên lãnh thổ Việt Nam là 735, phục vụ chủ yếu mục đích căn chỉnh cũng như đánh giá hiệu năng của hệ thống. Bên cạnh đó, các ảnh chụp của vệ tinh VNREDSat-1 cũng đã được cung cấp kịp thời cho một số yêu cầu đặc thù. Đến nay, vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ổn định trên quỹ đạo, các tính năng và thông số kỹ thuật của vệ tinh đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra.


Việc vận hành hệ thống do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Việc lập kế hoạch và vận hành vệ tinh chụp ảnh do trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ thuộc viện Công nghệ vũ trụ, viện hàn lâm KHCN Việt Nam, đảm nhận; phần thu nhận ảnh từ vệ tinh được thông qua trạm thu ảnh vệ tinh thuộc cục Viễn thám quốc gia, nộ Tài nguyên và Môi trường.


T.Tuyền






Tiếp tục nâng tầm vóc nhạc Việt

Tiếp tục nâng tầm vóc nhạc Việt

Hoà nhạc “Điều còn mãi”


Tiếp tục nâng tầm vóc nhạc Việt


SGTT.VN - Như thường lệ, trong buổi họp báo công bố hoà nhạc Điều còn mãi 2013, giám đốc nghệ thuật Dương Thụ là người nói nhiều hơn cả. Nhưng lần này, cùng với sự hứng khởi, ông còn lộ vẻ cau có. Bỗng nhận ra, sau năm năm gắn bó với chương trình, vị nhạc sĩ có nụ cười rất hiền đã trở thành một ông già ngoài 70 khó tính.










Nhạc sĩ Dương Thụ.



Trong buổi trò chuyện trước đó, người viết đã bị ông mắng phủ đầu vì dám hỏi: “Chương trình năm nay có gì độc đáo hơn những năm trước?” Chưa kịp thưa rõ cái ý của từ “độc đáo”, nhạc sĩ đã làm một hơi: “Một chương trình chuẩn thì cấu trúc không thay đổi. Một chương trình tôn vinh nhạc Việt theo cách này (tức cách của Dương Thụ) thì không chiều khán giả ở khía cạnh giải trí, không chào đón những cái tên “hot” mà là những gương mặt phù hợp, không chú trọng những màn trình diễn bùng nổ mà là sự chỉn chu”. Những cơn nóng nảy, phần nào bộc lộ sự kỹ tính ở mức độ cao ấy của Dương Thụ, không riêng người viết, mà cả êkíp thực hiện Điều còn mãi vẫn thường chịu trận. Nhưng ai cũng thông cảm cho ông. Áp lực kinh phí để có thể duy trì Điều còn mãi là vô cùng lớn. Song, áp lực tinh thần để có thể giữ vững cái chuẩn của chương trình cũng căng thẳng không kém. Trong quá trình chuẩn bị, trước những phân vân của người này, người kia, không ít lần, Dương Thụ dứt khoát đề nghị: “Hãy để cho tôi có cái quyền này!”


Đó là việc nâng độ khó của khí nhạc lên một bậc. Cả bốn tác phẩm: Tổ khúc Kơ nhí (tác giả Văn Ký), Tiếng hát sông Hương (Hoàng Dương), Bài ca chim ưng (Đàm Linh), Concertino cho piano và dàn giao hưởng (Ca Lê Thuần) đều ít được biết đến và không dễ nghe. Dương Thụ cũng quyết định trao hai tác phẩm của Ca Lê Thuần và Đàm Linh cho hai gương mặt trẻ: nghệ sĩ piano Đỗ Hoàng Linh Chi và nghệ sĩ violon Phương Nhi, như một bước chuẩn bị cho tương lai của khí nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ nói vui: “Nếu ai cứ đòi phải có nét độc đáo thì chính là đây! Hai cô gái nhỏ chưa đến tuổi đôi mươi sẽ cảm và chơi thứ âm nhạc của những ông già ngoài 80!”


Đó là việc giới thiệu tác phẩm của những tác giả thế hệ sau Dương Thụ, những người được đào tạo bài bản: Trọng Đài, Trần Mạnh Hùng, Quốc Trung như một lời khẳng định dòng chảy của khí nhạc Việt Nam chưa bao giờ ngắt quãng. Trong bộ ba nhạc sĩ “trẻ” này, cái tên Trọng Đài có lẽ khiến không ít người thắc mắc. Anh có nhiều ca khúc hay, nhưng khí nhạc thì chưa được biết đến, ngoài giao hưởng Tiếng rao do quốc tế đặt hàng. Nhưng Ngẫu hứng phố, tác phẩm mà theo Dương Thụ là “quá lạ tai và dựng quá khó!”, với sự kết hợp của rất nhiều âm sắc: âm sắc của bộ gõ dàn nhạc giao hưởng với âm sắc của nhạc cụ dân tộc sẽ khiến người ta có cái nhìn khác về Trọng Đài. Ông cũng tin tưởng: Bộ ba này là lực lượng có thể tạo ra tương lai cho âm nhạc Việt Nam!


Đó là việc tiếp tục mời những gương mặt quen tham gia Điều còn mãi, bỏ qua không ít tiếng xì xào: Dương Thụ ưu ái những cái tên “cánh hẩu”? Ông lớn tiếng khẳng định: Chuyên môn phải được đặt lên hàng đầu, không có chuyện quen là được mời. Ông có thể cảm thông cho những ca sĩ tên tuổi đôi khi phong độ trồi sụt vì tất tả chạy show, nhưng không bao giờ đưa sự rộng lượng ấy vào chương trình này. Chính vì lẽ đó, mọi áp lực đang đổ dồn lên vai Tùng Dương, gương mặt mới, người thể hiện Bên kia sông Đuống của hai tác giả có cùng chung một gốc gác, một khối nguồn rung cảm: Bắc Ninh, là thi sĩ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Hồ Bắc. Dương Thụ “dắt” Tùng Dương đến gặp nhạc sĩ Hồ Bắc, nay đã già yếu, để Dương cảm thật sâu cái hồn của bài hát. Trước giờ biểu diễn, ca sĩ thì vừa phấn khích vừa hồi hộp vì “Lần đầu tiên hát cùng dàn nhạc giao hưởng”, giám đốc nghệ thuật thì bồn chồn vì: “Nếu không thành công, mình mang tội với nhạc sĩ”. Tương tự như Bên kia sông Đuống, một loạt ca khúc khác cũng sẽ được “trả lại giá trị và tôn vinh đúng tầm vóc” như: Hòn vọng phu (Lê Thương), Hò biển (Nguyễn Cường), Tóc gió thôi bay (Trần Tiến), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường).


Đó là việc ông dập tắt giấc mơ đưa Điều còn mãi vào TP.HCM của không ít cử tọa tham dự họp báo. “Đây cũng là giấc mơ của tôi. Nhưng tôi biết khó thực hiện. Điều còn mãi chỉ là Điều còn mãi khi có sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng quốc gia, mà không vận từng ấy nhạc công và nhạc sĩ từ Bắc vào Nam, không thể đủ kinh phí”. Sự eo hẹp về kinh phí đã khiến Dương Thụ phải chấp nhận bỏ qua nhiều ý tưởng và “ngày càng phải chấp nhận”. Năm mùa Điều còn mãi, ông vẫn chưa làm trọn những gì mình mong muốn trong việc giới thiệu và lan toả giá trị của âm nhạc Việt Nam. Có lẽ, đấy là một trong những lý do khiến Dương Thụ của tuổi 71 ngày càng giống “một ông già sức chịu đựng kém hơn, nhưng sự nhạy cảm lại cao hơn”, như cách nói vui của ca sĩ Mỹ Linh. Xin mượn tiếp lời ca sĩ Mỹ Linh, để khép lại bài viết này:


“Nếu không có Dương Thụ, những năm qua, chương trình có thể vẫn được duy trì, những giai điệu đẹp của nhạc Việt vẫn được vang lên, nhưng có thể không phải với tầm vóc này, mà ở một tầm vóc khác!”


Hương Lan






Một năm V-League buồn

Một năm V-League buồn

Càphê thể thao


Một năm V-League buồn


SGTT.VN - Cuối tuần này, V-League 2013 chính thức khép lại. Tất nhiên với Đồng Tâm Long An, V-League đã hết từ hồi tuần trước bởi họ không phải đấu với Sài Gòn Xuân Thành. Một V-League khép lại chẳng chút hào hứng khiến người ta liên tưởng đến cụm từ “một năm buồn”.


Hà Nội T&T đã lên kế hoạch đón cúp lần thứ hai tại sân nhà đầy hoành tráng với những hoạt động bên lề. Thông qua giới truyền thông thân thiết, những thông tin vui, hồ hởi và cả những sự rào đón rằng đây là một chiếc cúp vô địch xứng đáng đã được đưa ra. Thế nhưng, nỗi lo canh cánh đón cúp với khán đài trống như những trận đấu ở V-League vẫn đang hiển hiện. Tung hô đến đâu, long trọng đến mấy nhưng trận đấu cuối cùng diễn ra với số lượng khách luôn bị coi là “ma đi ăn cỗ”, cũng khiến cho chiếc cúp vàng bạc màu hẳn. Sự hào hứng trên khán đài luôn là điều gì đó mà Hà Nội T&T vẫn cứ phải khát khao dù họ có tiền để mua cầu thủ, có tiền để thưởng cho chức vô địch một cách nhẹ tênh.


Hẳn nhiên, sự kém vui ấy sẽ còn tương phản hơn nếu như ở xứ Nghệ, nơi đội bóng bị thiệt thòi vì Sài Gòn Xuân Thành bỏ cuộc, mọi thứ tưng bừng hơn. Cổ động viên hài lòng, động viên đội bóng dù họ chỉ xếp thứ nhì. Khi mà Hà Nội T&T cầu cạnh khán giả đến sân thì ở xứ Nghệ, thậm chí còn có quỹ của hội cổ động viên góp tiền giúp đội bóng giữ chân cầu thủ.


Và có buồn không nếu so việc người đến sân xem đội vô địch đón cúp chẳng khí thế bằng đội bóng luôn bị các cầu thủ coi là “nhà quê” như Thanh Hoá. Cổ động viên xứ Thanh đã lên phương án ăn mừng khi nhận chiếc huy chương đồng của đội bóng sau một mùa giải đầy vất vả mới có được thành tựu, chứ không phải “ăn may” như cách nói của họ về chức vô địch. Họ lên phương án thắng “em” của Hà Nội T&T, Đà Nẵng cho hả cơn giận vì chuyện một ông chủ hai đội bóng vẫn bị coi là tồn tại không lối thoát.


Ở các sân còn lại, dự kiến chẳng còn mấy người “quởn việc” đến sân bởi không có đội rớt hạng, ngay từ vòng đấu trước đã có những trận đấu chán như cơm nguội đã diễn ra. Các cầu thủ chính thậm chí báo chấn thương, tranh thủ nhận thẻ vàng, thẻ đỏ để về nhà sớm. Còn gì “ôi” bằng cảnh chợ chiều, khi hàng loạt đội bóng phải thi đấu ở sân khách chỉ đưa đi số lượng cầu thủ ít ỏi mà đa phần là dự bị để hoàn thành nghĩa vụ, chứ chẳng phải để tranh thắng thua. Không người xem, không mục tiêu, thậm chí nhiều người còn cho rằng khi mọi thứ đã an bài lý ra, ban tổ chức giải V-League nên cắt luôn vòng đấu cuối cho các đội đỡ tốn kém, người xem đỡ phiền lòng.


Một năm V-League buồn khép lại nhưng vẫn còn đó những bất ổn giữa các thành viên ban tổ chức với nhau, như ban đạo đức với bộ phận điều hành giải đấu, cùng những quyết định bị coi là quá sai lầm của VFF. Giờ thì người ta đặt ra câu hỏi, V-League sẽ cải tổ như thế nào và bắt đầu từ đâu chứ chẳng lẽ, buồn hoài sao trời?!


Thảo Du






Bệnh viện “vệ tinh sáu trong một”

Bệnh viện “vệ tinh sáu trong một”

Bệnh viện “vệ tinh sáu trong một”


SGTT.VN - Tháng 5.2012, ban giám đốc bệnh viện quận 2 (TP.HCM) mời giới truyền thông dự lễ ra mắt khoa nhi vệ tinh bệnh viện Nhi Đồng 2, mô hình nhằm nâng cao uy tín bệnh viện, thu hút bệnh nhân để giảm tải tuyến trên. Tôi tự hỏi: “Phải chăng lại chạy theo phong trào, làm sao kéo bệnh nhân đến một bệnh viện “èo uột” như thế được?”










Ngoài hành lang chờ khám bệnh luôn đông người ngồi chờ, cho thấy bệnh viện “hút” được bệnh nhân: năm 2011 bình quân mỗi ngày bệnh viện có khoảng 300 lượt khám chữa bệnh, năm 2012 con số này tăng vọt lên 1.000! Ảnh: Thanh Hảo



Thật tình, cũng như nhiều người viết báo y tế khác, tôi nghi ngờ về sự đi tới của bệnh viện này, bởi từ lúc tách khỏi trung tâm y tế dự phòng vào năm 2008, trải qua 2 – 3 đời lãnh đạo, nhưng bệnh viện luôn trong cảnh... “chợ chiều”. Cảm nhận đầu tiên của tôi không sai so với tưởng tượng. Bệnh viện khang trang, nhiều cây xanh thật, nhưng lưa thưa… bệnh nhân. Hôm đó, người giám đốc mới, bác sĩ Trần Văn Khanh, nguyên bí thư đoàn trường đại học Y dược TP.HCM, nói rồi đây bệnh viện sẽ thu hút nhiều bệnh nhân vì ngoài khoa nhi vệ tinh còn có thêm phòng khám vệ tinh của những bệnh viện tên tuổi khác.


Thay đổi


Cuối năm, quay lại bệnh viện quận 2, tôi thấy suy nghĩ của mình đã nhầm, bởi thực tế việc mang thương hiệu bệnh viện tuyến trên về đã có kết quả. Tại hành lang chờ khám bệnh, những dãy ghế đã có người ngồi chờ, cho thấy bệnh viện “hút” được bệnh nhân. Số liệu cũng chứng minh như thế: nếu năm 2011 bình quân mỗi ngày bệnh viện có khoảng 300 lượt khám chữa bệnh, năm 2012 con số này tăng vọt lên 1.000! Trước nhiều buồng khám, bệnh nhân có thể yên tâm chờ đợi khi biết được mình sẽ được tư vấn và khám bởi bác sĩ đến từ những bệnh viện danh tiếng: tiết niệu và nam khoa có bệnh viện Bình Dân, tim mạch có viện Tim, hô hấp có bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, gan mật có bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Còn nếu muốn được bác sĩ theo dõi bệnh có hệ thống, bệnh nhân có thể đến phòng khám thực hành bác sĩ gia đình của đại học Y dược. Sáu phòng khám vệ tinh trong một bệnh viện, bao phủ phần lớn mô hình bệnh tật cộng đồng địa phương, bệnh nhân đến nhiều cũng đúng.


Nếu chỉ “ăn theo” tên tuổi tuyến trên, chắc chắn bệnh viện quận 2 khó phát triển bền vững. Vì thế, lãnh đạo bệnh viện chọn một hướng đi khác: mời bác sĩ giỏi về điều trị những ca khó, vừa tạo uy tín, vừa chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ trẻ tại chỗ để từ đó nâng cao chất lượng bệnh viện. Gặp bác sĩ Trần Văn Khanh mới đây, ông hồ hởi cho biết mặc dù là bệnh viện hạng 3, nhưng năm qua bệnh viện quận 2 đã được sở Y tế TP.HCM duyệt thực hiện 600 kỹ thuật vượt tuyến, những kỹ thuật dành cho bệnh viện hạng 2 và hạng 1. Điều này không khác gì xác nhận bệnh viện quận 2 đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người làm được những kỹ thuật khó.


Nhiều ca cụ thể chứng minh những gì bác sĩ Khanh nói. Mới nhất, ngày 19.8.2013, khoa sản bệnh viện tiếp nhận một ca sanh thường. Nhập viện buổi trưa, buổi chiều sản phụ vỡ ối, số lượng hơn 1.200ml, dây rốn sa vào âm đạo. Tình trạng nguy cấp, nhưng bệnh viện đã mổ lấy thai cấp cứu, kịp thời cứu sống em bé. Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Bích Hường, trưởng khoa sản, cho biết: “Nếu bệnh viện không đủ cơ sở vật chất và con người, tính mạng em bé hoàn toàn bị đe doạ. Trường hợp này, nếu chuyển viện cũng gặp rất nhiều khó khăn”. Hướng đi đúng mang đến kết quả tích cực. Nếu năm qua, các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ đến hỗ trợ bệnh viện quận 2 gần như làm hoàn toàn mọi phần việc, thì năm nay thường họ chỉ đứng sau lưng hỗ trợ. Nhờ thế, giờ đây khoa sản bệnh viện quận 2 làm được nhiều “chuyện lớn”, từ đỡ sanh ngôi ngược, mổ lấy thai trên bệnh nhân vết mổ cũ, mổ u nang buồng trứng và u xơ tử cung lớn, cắt tử cung qua nội soi, cấp cứu thai ngoài tử cung vỡ… Thật bất ngờ nếu biết rằng cách đây hơn hai năm, ở đây người ta chỉ đỡ được những ca sanh thường, sanh khó còn không đỡ được, nói chi đến mổ xẻ! Nhưng không chỉ khoa sản, những khoa khác cũng điều trị được nhiều ca khó như gãy cổ xương đùi, thay khớp háng, nối gân vi phẫu; mổ cắt ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng; cấp cứu thành công một số ca tai nạn lao động vỡ gan, vỡ lách, vật nhọn đâm thủng phổi.


Nhiều ước mơ đi tới


Quay lại bệnh viện quận 2 tuần qua, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi diễn ra trước mắt. Trước khoa nhi vệ tinh bệnh viện Nhi Đồng 2, đã 10 giờ 30 sáng nhưng hơn chục bà mẹ vẫn chờ đưa con vào khám. Sáu tháng đầu năm nay, lượng bệnh đến khám tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở những phòng khám vệ tinh khác, lượng bệnh còn tăng nhiều hơn: phòng khám chuyên khoa gan của bệnh viện Bệnh nhiệt đới tăng 3,5 lần, phòng khám bác sĩ gia đình tăng hơn năm lần!


Để đánh giá sự phát triển, nếu con số là thước đo định lượng, thì đánh giá của bệnh nhân có thể được xem là thước đo định tính. Chị My, 28 tuổi, ngụ tại phường Bình Trưng Tây, có con khám tại phòng khám nhi vệ tinh nói: “Trước đây, tôi chỉ đưa con đến bệnh viện này chữa những bệnh thông thường, bệnh nặng đưa lên bệnh viện thành phố cho chắc ăn. Nhưng từ ngày phòng khám vệ tinh bệnh viện Nhi Đồng 2 ra đời, tôi an tâm đưa con mình vào khám mọi loại bệnh. Bác sĩ ở đây chữa tốt lắm, từ rày khỏi mắc công đi xa”.


Tại khoa sản, bác sĩ Bích Hường dẫn tôi thăm sản phụ Nguyễn Thị Kim Oanh mới sanh hôm trước. Đó là một ca sanh mổ vì mẹ sanh lần đầu và con to (sanh ra bé nặng 4kg). Nhà ở phường Long Trường (quận 9), nhưng gần nhà có người từng sanh ở bệnh viện quận 2, nên chị Oanh quyết định đến đây thay vì lên bệnh viện tuyến trên. Ở một phòng khác, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết Nga, ngụ tại quận 2, cười hớn hở khi gặp lại bác sĩ Bích Hường, người hôm trước giúp chị sanh không đau bằng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Thật cảm động khi vào thăm chị Nga còn có chị chồng, người cũng từng sanh ở bệnh viện quận 2 trước đó hơn một năm. Nghĩ lại, thu hút niềm tin người dân trong khám chữa bệnh dường như không quá khó, chỉ cần nhân viên y tế làm tốt, tận tình, hết trách nhiệm là đủ. Anh Điểu Simong, chồng chị Nga, nói: “Bệnh viện này giờ đây tốt lắm, nhiều người dân tin tưởng. Chứ trước kia họ tìm đến chỗ khác chữa, ít khi nào vào đây”.


Phan Sơn









Lột xác


Đến bệnh viện quận 2 những ngày này, người ta có thể chạm thấy sự thay đổi đang diễn ra ở mọi nơi. Phía trước là cảnh công nhân sơn, sửa lại mặt tiền cho khang trang. Phía sau là một công trường nhỏ đang hối hả cho ngày ra đời khoa vệ tinh bệnh viện Ung bướu 150 giường vào tháng 11 này. Bác sĩ Khanh cho biết khoa này sẽ tập trung điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung bướu nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ông không giấu giếm tôi ước mơ di dời khu hành chính hiện nay để mở rộng khoa nội thêm 40 giường vì nơi đây bắt đầu quá tải, rồi ước mơ phát triển kỹ thuật điều trị vô sinh, điều trị sâu các bệnh lý võng mạc cho người bị tiểu đường… Một cuộc lột xác thực sự đang diễn ra ở bệnh viện quận 2. Ngày đầu thành lập đó chỉ là một bệnh viện chỉ tiêu 50 giường, năm 2012 lên 160 giường và năm nay 210 giường (thực kê 220 giường). Bệnh nhân đến đây không chỉ là dân quận 2, mà còn đến từ quận 4, 7, 9, huyện Nhà Bè và cả huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)!







Nhiều doanh nghiệp lúng túng trên các kênh phân phối

Nhiều doanh nghiệp lúng túng trên các kênh phân phối

Nhiều doanh nghiệp lúng túng trên các kênh phân phối


SGTT.VN - Đang có sự thay đổi các hình thức tiếp thị, các chương trình thúc đẩy doanh số diễn ra tại các điểm bán hàng, mà các công ty lớn vẫn tỏ rõ thế mạnh, trong khi các doanh nghiệp nhỏ chưa biết xoay chuyển thế nào và đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát thị trường tiêu thụ hàng hoá của mình.










Còn dư địa trên kênh truyền thống để doanh nghiệp tiếp thị tại điểm bán.



Tại một cuộc toạ đàm do trung tâm Tư vấn và đào tạo bán hàng (LSA) thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua, các chuyên gia chia sẻ một thực tế đang diễn ra là cuộc cạnh tranh tại điểm bán đang ngày càng quyết liệt trong cả hai kênh truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá) và kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Đã đến lúc doanh nghiệp muốn phục vụ tốt người tiêu dùng thì cần hiểu mình phải phục vụ tốt người bán hàng cho mình (gọi là hình thức shopper marketing). Người mua hàng của doanh nghiệp trước tiên là người bán hàng, rồi từ họ mới đến tay người tiêu dùng, nếu chỉ làm tiếp thị đến người tiêu dùng mà quên người bán hàng thì chắc chắn sản phẩm của mình bị lơ là ở điểm bán hàng.


Cạnh tranh tại điểm bán


Sau một thời gian đưa hàng đến các điểm bán khác nhau, các tập đoàn nước ngoài đã đúc kết đặc tính riêng của một số đơn vị trên từng kênh bán hàng. Chẳng hạn, vào siêu thị Big C đa số là khách hàng thích không gian rộng rãi, đi xem trước rồi mua sau. Còn vào Co.opmart là những khách hàng thích sự thuận tiện trong cách trưng bày hàng để họ có thể mua nhanh chóng, không mất nhiều thời gian. Khách hàng của Co.opmart thường mua nhiều ở các kệ chính chứ không quá tập trung ở quầy khuyến mãi. Còn ở Big C khách hàng thích khu hàng khuyến mãi hơn là vào các kệ chính. Tiếp thị đến người tiêu dùng vào Co.opmart là hình ảnh những nhân vật biết quan tâm chăm sóc người thân, gia đình. Ngược lại ở Big C, người mua sắm thích hình ảnh hiện đại trẻ trung. Vì thế, đã có sự thay đổi trong cách các công ty đa quốc gia đưa hàng và tiếp thị vào hai hệ thống siêu thị trên để đạt được hiệu quả kinh doanh, kể cả họ đẩy mạnh hình thức cạnh tranh tại điểm bán qua việc họ chủ động kết hợp với những siêu thị sắp xếp lại các không gian trưng bày cho phù hợp đối tượng khách hàng của siêu thị. Còn doanh nghiệp nhỏ hầu như cam phận để người ta sắp xếp vị trí của mình tại điểm bán.


Lo “loạn giá”


Thời gian gần đây, người tiêu dùng rất thích mua bột giặt, nước xả vải bởi có nhiều doanh nghiệp bán hàng kèm quà tặng là thau, xô, rổ, tô chén, ly… bằng nhựa. Hình thức này được mở màn từ đơn vị sản xuất kinh doanh bột giặt Aba, khá hiệu quả khi thu hút rất đông người mua. Các nhãn hàng bột giặt khác, rồi cả nhãn hàng càphê cũng làm theo dẫn đến một số lượng lớn hàng nhựa gia dụng được tiêu thụ kèm, nhiều đến nỗi theo một công ty nghiên cứu thị trường, tính riêng lượng hàng nhựa đưa về đồng bằng sông Cửu Long để làm quà khuyến mãi thì trung bình năm qua mỗi hộ ở đồng bằng sông Cửu Long có năm cái để xài. Chính vì thế, lượng hàng nhựa gia dụng tiêu thụ ở các chợ, siêu thị bị giảm đi rất nhiều trong suốt năm qua và dường như quà khuyến mãi như trên đã làm cho nhu cầu nhựa gia dụng bão hoà.


Công ty nhựa Duy Tân là nhà cung cấp hàng nhựa khá nhiều cho các chương trình khuyến mãi của các công ty bột giặt thời gian qua đã vấp phải tình trạng bán được hàng cho khuyến mãi thì các kênh bán lẻ chậm hẳn, và bộ phận tiếp thị đang lo khi các doanh nghiệp ngưng dùng hàng nhựa để khuyến mãi vì nhu cầu bão hoà thì phải tìm hướng quảng bá như thế nào để vẫn thu hút sự chú ý của khách hàng. Theo các chuyên gia, nhựa Duy Tân cần định lại kế hoạch sản phẩm của mình, hướng nhóm hàng cao cấp, tìm hiểu những nhu cầu mới để thiết kế những mẫu mã mới và chọn cách tiếp thị mới tại điểm bán, để nhắc cho người tiêu dùng về sự tồn tại và phát triển của thương hiệu trên thị trường.


Các chuyên gia cho rằng điều đáng lo nhất là chính các doanh nghiệp gần đây đang tự mình làm “loạn giá” trên thị trường do tính toán sai các hoạt động khuyến mãi, không kiểm soát được thị trường, dẫn tới tình trạng nhà bán lẻ quay lưng với doanh nghiệp có hàng cần bán. Hình thức thúc đẩy bán hàng phổ biến hiện nay đối với hàng tiêu dùng nhanh là giảm giá trực tiếp trên sản phẩm hoặc tặng kèm sản phẩm.


Công ty mía đường Cần Thơ gặp phải tình trạng “loạn giá” sau khi làm chương trình khuyến mãi vì một số khách hàng lớn hoặc siêu thị bỏ vốn ôm hàng, sau khuyến mãi người ta bán giá thấp hơn so giá công ty, khiến khách hàng khác cho rằng công ty không minh bạch trong giá bán.


Một số siêu thị đòi chiết khấu ngay lập tức trên hoá đơn 10 – 20%. Họ ôm số lượng hàng lớn nên sẽ nắm giá thì cho dù công ty có làm chương trình khuyến mãi khác với đơn vị khác thì cũng gặp rắc rối về giá. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp không nên chiết khấu trên hoá đơn. Với khuyến mãi bằng quà tặng, doanh nghiệp phải có người giám sát để biết chắc hàng khuyến mãi của mình đến đúng người mua. Nhìn chung, doanh nghiệp khi thực hiện một chương trình khuyến mãi thì cần chú ý mức tăng số lượng bán hàng cũng có giới hạn đến mức nào đó trong thời điểm 1 – 3 tháng, nên phải ước tính được số lượng tối đa có thể bán ra đến tay người tiêu dùng sử dụng trực tiếp trong một thời gian. Nếu đưa ra quá vượt so nhu cầu tối đa của thời gian đó thì hàng dư dôi là chuyện đương nhiên và người bán sẽ giữ hàng đó làm “loạn giá” thị trường sau đó.


bài và ảnh Nguyệt Hồng






Mỹ chưa tấn công Syria, thị trường ổn lại

Mỹ chưa tấn công Syria, thị trường ổn lại

Mỹ chưa tấn công Syria, thị trường ổn lại


SGTT.VN - Chứng khoán ở Nhật và Hàn Quốc hôm 29.8 đã tăng lên vào đầu ngày cũng như các thị trường ở châu Á ổn định lại sau khi bị rơi sâu trong phiên trước.










Trẻ em được cho là bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công bằng khí độc thở oxy qua mặt nạ ở Saqba, vùng ngoại ô Damascus, hôm 21.8.2013. Ảnh: businessinsider.com



Tình hình Syria tiếp tục trở thành dòng thời sự chủ lưu. Tổng thống Barack Obama trả lời trong một cuộc phỏng vấn hôm 28.8 trong chương trình NewsHour của PBS, rằng trong khi Mỹ đã có kết luận về việc Chính phủ Syria chịu trách nhiệm về một vụ tấn công công dân bằng vũ khí hoá học hôm 21.8, ông chưa quyết định có phát động tấn công Syria hay không. Bloomberg dẫn lời ông nói: “Hoa Kỳ sẽ không bị sập bẫy vào cuộc nội chiến ở Syria, giờ đây đã vào năm thứ ba”.


“Chúng ta có thể có những cách tiếp cận hạn chế, vừa đủ, không để bị cuốn vào một cuộc xung đột kéo dài, không để lặp lại, như các bạn biết, một vụ Iraq khác mà tôi biết rằng nhiều người đang lo lắng”, ông nói.


Sự rạn nứt giữa Nga và các nước phương Tây về vụ Syria càng mở rộng, khi Mỹ và Anh cho biết họ sẵn sàng tấn công nước này mà không cần Liên hiệp quốc đồng ý.


Tổng thống Obama và Thủ tướng David Cameron phải đương đầu với quyết định có hay không tấn công Syria không cần sự uỷ nhiệm của Liên hiệp quốc, trong khi Nga đang phản đối. Cũng như liệu có phải tham khảo Quốc hội và các phe đối lập trong nước để can dự vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông.


Hơn nữa, ông Obama đang đối diện với tỷ lệ tín nhiệm của công chúng suy giảm và viễn cảnh một cuộc tranh đấu phe đảng với Quốc hội trong những tuần tới, về việc cấp ngân sách cho các hoạt động chính phủ và tăng mức nợ liên bang.


Hôm 28.8, hãng dầu quốc doanh lớn của Trung Quốc Petro China đã mất khoảng 1 tỉ USD về giá trị thị trường, do có tin về việc điều tra các sếp của công ty và khả năng Mỹ tấn công Syria.


Khả năng Mỹ can thiệp vào Syria đè nặng lên các thị trường thế giới, đặc biệt là châu Á, sau khi có kết luận về việc sử dụng vũ khí hoá học tại nước Trung Đông nói trên. Sau hai ngày sụt giảm trong khu vực, chứng khoán bình ổn nhưng không có dấu hiệu tăng lên, theo WSJ.


Viễn cảnh về một cuộc đối đầu quân sự ở Trung Đông, một khu vực sản xuất 35% dầu thế giới, đã làm rung động các thị trường. Giá dầu đạt đến mức cao nhất trong hai năm qua. Giá dầu ở châu Á trước đó tăng do lo ngại về Trung Đông, hôm 29.8 giảm chậm lại còn 109,39 USD/thùng.


Đồng yen mềm hơn so với giá USD, ở mức 97,84 yen ăn 1 USD so với hôm 28.9 là 97,63 tại New York. Đồng yen yếu đi có lợi cho Nhật, chỉ số Nikkei tăng 0,8%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 0,8%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,3%.


Những mối quan tâm về Syria đang dịu đi cho phép các thị trường nhìn vào dữ liệu kinh tế, với chỉ số kinh doanh nhà trống của Mỹ sụt giảm tiếp tục trong tháng thứ hai. Trong những tháng gần đây các chỉ số kinh tế của Mỹ bị săm soi để xem liệu cục Dự trữ Liên bang có rút lại chương trình mua trái phiếu hay không.


Trong khi đó, đồng USD giữ ở mức cao trong gần suốt bốn tuần so với đồng khác trong rổ tiền tệ trước khi dự báo dữ liệu của Mỹ chứng tỏ nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh hơn dự báo trước đó, trong đó có cả trường hợp cục Dự trữ Liên bang trì hoãn lại việc kích thích tiền tệ.


Chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar xuống thấp suốt ba năm sẽ làm các luồng vốn chảy khỏi các thị trường đang nổi lên tăng tốc. “Đồng USD còn nhiều dư địa để tăng lên”, Masato Yanagiya, giám đốc kinh doanh ngoại hối ở New York của công ty Sumitomo Mitsui Banking, tập đoàn tài chính lớn thứ nhì về giá trị thị trường của Nhật. “Tôi vẫn kỳ vọng cục Dự trữ Liên bang bắt đầu giảm bớt mua trái phiếu vào tháng 9”.


Giá vàng suy giảm sau ba tháng giá cao tại New York do một đồng USD mạnh hơn, đã dụ dỗ nhu cầu đối với kim loại quý như là một thứ đầu tư thay thế.


“Đồng USD mạnh đang chống lại vàng”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Phil Streible, một nhà môi giới hàng hoá cao cấp của R.J. O’Brien & Associates ở Chicago nói, “Thị trường đang ngưng lại sau một sự hồi phục mạnh”.


Giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 giảm 0,1% còn ở mức 1.418,80 USD/ounce tại Comex New York, sau khi đạt giá cao nhất 1.434 USD, kể từ ngày 14.5.


Nhu cầu tăng vọt đối với vàng miếng và nữ trang ở châu Á đã giúp cho giá tăng 20%, từ một giai đoạn thấp suốt 34 tháng ở mức 1.179,40 USD, tính đến ngày 28.6. Vàng miếng vẫn theo hướng giảm lần đầu tiên trong 13 năm sau khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào kim loại này như là một giá trị dự trữ. Sự tháo chạy đã tạo ra sự sút giảm ít nhất là 26 tỉ USD trong ngành công nghiệp mỏ.


Nguyên Thu






Bảy nơi vắng vẻ cho ngày lễ

Bảy nơi vắng vẻ cho ngày lễ

LTS: Chúng tôi chọn một số địa điểm nằm trong top các điểm thú vị nhất gần TP.HCM, có thể đi về trong ngày.


Bảy nơi vắng vẻ cho ngày lễ


SGTT.VN - Thường vào dịp lễ 2.9, nhiều khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên đều quá tải. Năm nay, Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu một số địa chỉ mà ở đó, khách du lịch gia đình, nhóm bạn có thể tìm cho mình những giây phút nghỉ ngơi đúng nghĩa.










Một góc khu vườn sinh thái Cao Minh. Ảnh: Thu Vân



Núi Cậu – Hồ Dầu Tiếng, Bình Dương


Cách TP.HCM khoảng 85km, từ TP Thủ Dầu Một theo đường 744 về thị trấn Dầu Tiếng, đi thêm 7km nữa sẽ đến núi Cậu. Điểm nhấn của khu du lịch này là chùa Thái Sơn, nằm lưng chừng, cách chân núi Cậu khoảng 50m. Chùa được xây dựng năm 1988, diện tích khuôn viên khoảng 5ha. Sau chùa, có lối đi lên đỉnh núi Cậu với 1.000 bậc tam cấp đá xanh, lối lên quanh co nhưng đẹp. Khung cảnh thanh tịnh, khí hậu luôn mát mẻ, du khách có thể nhìn xuống lòng hồ Dầu Tiếng rộng mênh mông bên dưới. Khu du lịch lòng hồ Dầu Tiếng nằm kế bên núi Cậu, có thể thuê thuyền đi du ngoạn trong lòng hồ hoặc sử dụng dịch vụ câu cá và thưởng thức tại chỗ những món cá vừa câu được. Hồ Dầu tiếng có nhiều loại cá ngon như cá lăng, cá mè, cá lóc, cá diếc…


Khu du lịch Cao Minh


Cách TP.HCM khoảng 56km, phù hợp với học sinh sinh viên sinh hoạt dã ngoại nhờ những bãi cỏ xanh rộng thoáng nhưng cũng phù hợp với gia đình hay nhóm bạn bè muốn nghỉ ngơi thư giãn, tận hưởng không khí trong lành thiên nhiên. Với 500.000 đồng/người, bao gồm chi phí ăn uống (trưa, chiều và sáng hôm sau) và cả dịch vụ lưu trú. Khi đến đây, du khách được trò chuyện và cùng hát với ca sĩ Cao Minh, chủ nhân khu du lịch. Địa chỉ: ấp 2, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.


Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ, Củ Chi


Cách TP.HCM khoảng 25km, phong cách đồng quê phù hợp cho nhóm bạn, hay gia đình đi thư giãn trong ngày. Bình Mỹ có nhà hàng nằm dọc sông Sài Gòn phục vụ các món đặc sản của Củ Chi với tính chất mộc mạc như đậu hũ sinh thái, chả giò sinh thái, tép um Bình Mỹ, cá um Bình Mỹ, rau luộc sinh thái... và rượu sinh thái sữa. Các dịch vụ vui chơi như hồ bơi thiếu nhi, khu trò chơi dân gian, du thuyền trên sông, câu cá giải trí. Địa chỉ: ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.


Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng


Cách TP.HCM khoảng 30km, phù hợp cho gia đình, đoàn thể tổ chức họp mặt hay sinh hoạt dã ngoại. Khung cảnh dân dã, khí hậu trong lành, Bò Cạp Vàng có khoảng 200 nhà sàn, nhà chòi lợp lá bố trí dọc bờ sông và vườn cây ăn quả phù hợp nhóm hai người đến trên 20 người. Ngoài tiền vé cổng 40.000 đồng/người, tiền thuê áo phao, thuê thuyền để chèo trên sông và khu ẩm thực phục vụ thức ăn nhanh trong dịp lễ, miễn phí. Bò Cạp Vàng cũng có tổ chức trọn gói cho nhóm trên 50 người sinh hoạt dã ngoại 2 ngày 1 đêm, chi phí 60.000 đồng/người. Địa chỉ: ấp 3, Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Nai.


Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền










Thác Giang Điền



Cách TP.HCM khoảng 50km, được nhiều người ví như Đà Lạt của miền Đông bởi cảnh quan thơ mộng, khí hậu dịu mát. Thác Giang Điền cũng hoàn toàn phù hợp với các nhóm bạn trẻ sinh hoạt dã ngoại, cắm trại hội hè... Bên cạnh các dịch vụ lưu trú và ẩm thực, điểm thu hút nhất của khu du lịch này là du khách có thể tắm thác, đắm mình vào dòng nước xanh của sông Buông. Dịp lễ 2.9, khu du lịch có tổ chức đêm hội Cồng chiêng và chương trình ẩm thực “Món ngon ba miền” để phục vụ du khách. Địa chỉ: 104/4 ấp Hoà Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.


Khu tưởng niệm các vua Hùng


Thuộc dự án khu công viên Lịch sử văn hoá dân tộc phù hợp cho các đối tượng sinh viên học sinh đến tham quan, học tập lịch sử. Mở cửa từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, khu tưởng niệm không thu tiền vé. Nếu có sinh hoạt dã ngoại thì mức phí là 10.000 đồng/ngày. Hiện nơi đây chưa phục vụ dịch vụ ăn uống cũng như lưu trú; nhưng nhờ khung cảnh xanh mát, kiến trúc đẹp nên cũng là nơi thu hút giới trẻ đến vui chơi. Địa chỉ: khu phố Vĩnh Thuận, P. Long Bình, quận 9, TP.HCM.


Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài


Cách TP.HCM khoảng 40km, có không gian xanh mát, yên tĩnh. Dịp lễ 2.9 khu du lịch có phục vụ chương trình xiếc hài ảo thuật, có diễn ca quan họ miễn phí cho khách tham quan. Vé vào cổng 70.000 đồng. Các trò chơi khác như chèo thuyền, đạp vịt, trượt cỏ, câu cá sấu, cưỡi đà điểu, bắn sung sơn… đều có thu thêm phí. Khu du lịch có dịch vụ lưu trú khách sạn nhà cổ, nhà vườn ven suối hay bungalow tuỳ theo lựa chọn của khách. Siêu thị mini ở đây bán sản phẩm từ cá sấu như ví, thắt lưng, túi xách da cá sấu. Có thịt cá sấu, thịt và trứng đà điểu. Địa chỉ: 114, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Biên Hoà, Đồng Nai.


Mẫn Thanh






Chuỗi phim ngắn Những ngày nắng đẹp

Chuỗi phim ngắn Những ngày nắng đẹp

Chuỗi phim ngắn Những ngày nắng đẹp











SGTT.VN - 365 tập phim Những ngày nắng đẹp do đài PTTH Vĩnh Long sản xuất, mỗi tập 7 phút 30 giây sẽ chính thức phát sóng hàng ngày trên kênh truyền hình Vĩnh Long 1 (THVL1) vào lúc 22g20 ngày 1.9. Mỗi tập phim sẽ là một câu chuyện độc lập với những tên gọi riêng với sự tham gia của nhiều diễn viên như NSƯT Việt Anh, Công Hậu, Công Ninh, Trung Dũng, Ngọc Lan...


P.Vi






Arabesque giới thiệu vở múa mới Tích tắc

Arabesque giới thiệu vở múa mới Tích tắc

Arabesque giới thiệu vở múa mới Tích tắc


SGTT.VN - Sau Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương sớm, vũ đoàn Arabesque của biên đạo múa Tấn Lộc sẽ giới thiệu vở múa đương đại mới mang tên Tích tắc vào 20g các ngày 1 và 2.9 tại Nhà hát thành phố.


Tích tắc do Tấn Tộc, Ngọc Khải, Bảo Trung, Thanh Phương dàn dựng. Âm nhạc do Ngọc Tuyền thể hiện bên cạnh các trích đoạn nhạc cổ điển. Ngoài ra, Tích tắc còn có sự tham gia của nhà thiết kế trang phục Công Trí, nghệ sĩ điêu khắc Thuý Hằng, hoạ sĩ tranh cát Trí Đức. Sau Tích tắc, Arabesque sẽ chuẩn bị cho chuyến lưu diễn tại Mỹ vào năm 2014 nhằm quảng bá nghệ thuật múa Việt Nam. Chuyến lưu diễn nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hoá do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức.


P.Vi






Khai mạc hội chợ Hàng VNCLC tỉnh Đồng Nai

Khai mạc hội chợ Hàng VNCLC tỉnh Đồng Nai

Khai mạc hội chợ Hàng VNCLC tỉnh Đồng Nai


SGTT.VN - Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tại tỉnh Đồng Nai (ngày 29.8 – 3.9) có gần 150 doanh nghiệp tham gia quảng bá, bán sản phẩm tại 350 gian hàng.


Đến với hội chợ lần này, các doanh nghiệp muốn chăm sóc tốt hơn cho khách hàng, tạo sự kết nối lâu dài trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Chiều ngày 29.8, các doanh nghiệp Liêu Thanh, An Long, Hữu Nghị, Năm Thuỵ, Duy Thành đã gặp gỡ với 150 tiểu thương chợ truyền thống để cùng lắng nghe và bàn về hướng hợp tác bền vững. Vào tối ngày 2.9, đêm hội Trung Thu cùng hàng Việt được tổ chức cho 200 em thiếu nhi với sự tham gia của đại sứ hàng Việt Quyền Linh, Hà Trí Quang và quà Trung thu của nhiều doanh nghiệp: cặp Miti, tập Vĩnh Tiến, bánh Hữu Nghị, D&F, SJC, Nutifood…


Thành Nhân






15 nhà thầu quốc tế sẽ dự thầu dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết

15 nhà thầu quốc tế sẽ dự thầu dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết

15 nhà thầu quốc tế sẽ dự thầu dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết


SGTT.VN - Bộ Giao thông vận tải và ngân hàng Thế giới đã thống nhất kế hoạch và nội dung để tiền sơ tuyển nhà đầu tư thứ hai, sẽ góp 40% vốn cho dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.


Nhà đầu tư đầu tiên của dự án đã được Chính phủ lựa chọn là công ty TNHH tập đoàn Bitexco, sẽ góp 60% phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án. Cụ thể, tại hội nghị sơ tuyển dự kiến sẽ diễn ra ngày 19.9 tới ở Hà Nội sẽ có 15 nhà đầu tư quốc tế đã tham gia nghiên cứu và có ý định tham gia dự thầu. Theo kế hoạch, thời hạn đệ trình hồ sơ dự thầu sơ tuyển nhà đầu tư thứ hai cho dự án cao tốc dài gần 100km với chi phí đầu tư dự kiến lên đến 757 triệu USD, sẽ kết thúc vào cuối tháng 11.2013.


T. Đức






EVN tiếp tục phải huy động điện giá cao

EVN tiếp tục phải huy động điện giá cao

EVN tiếp tục phải huy động điện giá cao


SGTT.VN - Ngày 29.8, cục Điều tiết điện lực cho biết dù các hồ thuỷ điện miền Bắc đã được bổ sung lượng nước đáng kể, các hồ thuỷ điện tại miền Trung và miền Nam cũng bắt đầu bước vào mùa lũ, nên khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện sẽ ở mức cao.


Tuy nhiên, trong tháng 9, do hệ thống cung cấp khí Đông Nam bộ cho phát điện sẽ thực hiện sửa chữa bảo dưỡng trong khoảng mười ngày (dự kiến từ ngày 7 – 16.9), nên các nguồn điện chạy dầu (DO và FO) có giá thành cao sẽ được huy động để đảm bảo cung ứng điện cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung. Về nhu cầu tiêu thụ điện, theo cục Điều tiết điện lực, tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống quy đổi về sản lượng điện sản xuất đầu cực máy phát điện bao gồm cả điện nhập khẩu tháng 9.2013 dự kiến đạt 11,339 tỉ kWh, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2012.


Chí Hiếu






Kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu

Kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu

Kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu


SGTT.VN - Cục Quản lý dược (bộ Y tế) vừa yêu cầu các đơn vị kiểm tra chất lượng thuốc, theo đó, các công ty nhập khẩu thuốc phối hợp với hệ thống kiểm tra chất lượng kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu từ các công ty trong danh sách các công ty dược nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng.


Cục Quản lý dược đề nghị viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và các trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố kiểm nghiệm chất lượng các thuốc do các công ty nhập khẩu gửi tới trước khi đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng; đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, y tế các ngành chỉ đạo các trung tâm kiểm nghiệm phối hợp với các công ty nhập khẩu thuốc triển khai việc lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng, kiểm tra, giám sát các công ty nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc, trước khi đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng.


L. Hà






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ