Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Không phát giấy thu cước mà cắt dịch vụ?

Không phát giấy thu cước mà cắt dịch vụ?

Quyền lợi người tiêu dùng


Không phát giấy thu cước mà cắt dịch vụ?


Tôi là chủ thuê bao điện thoại bàn số 35530803 (địa chỉ: phòng 419, chung cư 116, 327/9B Nơ Trang Long, P.13, Bình Thạnh, TP.HCM) phản ánh: Khoảng cuối tháng 7.2013, một nhân viên của VNPT yêu cầu tôi đóng cước, khoảng 100.000 đồng, nếu không sẽ bị cắt điện thoại. Lần này tôi cũng cho biết không nhận được giấy báo cước. Đầu tháng 8.2013, điện thoại bàn của tôi bị cắt. Ngày 14.8.2013, tôi đến điểm giao dịch 290 Nguyễn Xí, P.13, Bình Thạnh để đóng cước. Khi tôi yêu cầu gửi báo cước hàng tháng mới thu tiền thì nhân viên điểm giao dịch trả lời: “Giờ chị có đóng không? Đóng mấy tháng? Khiếu nại gì thì gọi điện thoại cho tổng đài”. Sau khi nghe tôi kể, cô nhân viên tổng đài xác nhận, giấy báo cước hai tháng 5 và 6.2013 đã không được phát đến nhà, tôi còn nợ tháng 6.2013, còn cước tháng 7.2013 giấy báo cước chưa được phát đi. Tôi than phiền đã phản ảnh nhiều lần về việc báo cước, nhưng bị tình trạng không báo cước mà cắt điện thoại. Chất lượng phục vụ của VNPT như vậy sao?


(bà N.C.N. Bình Thạnh, TP.HCM)


Ông Đỗ Hoài Phong, giám đốc trung tâm kinh doanh, Viễn thông TP.HCM: Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo SGTT, chúng tôi đã kiểm tra sự việc trên. Câu chuyện đúng như những gì khách hàng đã phản ánh. Trung tâm đã kiểm điểm bộ phận giấy phát báo cước, thu cước tại khu vực cũng như có những hình thức chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên đã không hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng theo những quy định của VNPT. Để biết thêm chi tiết về cước hàng tháng, quý khách vui lòng truy cập địa chỉ web: http://ebill.hcmtelecom.vn hoặc tổng đài 800126 để được hỗ trợ tất cả các dịch vụ của VNPT.






TP.HCM: đình chỉ lưu hành kháng sinh Roxithromycin

TP.HCM: đình chỉ lưu hành kháng sinh Roxithromycin

TP.HCM: đình chỉ lưu hành kháng sinh Roxithromycin


SGTT.VN - Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo đình chỉ lưu hành tại TP.HCM thuốc viên nén bao phim Roxithromycin 150mg; hộp 2 vỉ x 10 viên; số lô: 232911; hạn dùng: 7.6.2015; số đăng ký: VN – 1938-06, công ty cổ phần dược Trung ương Mediplantex sản xuất, do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan theo tiêu chuẩn cơ sở. Sở yêu cầu công ty Mediplantex khẩn trương thu hồi lô thuốc trên và gửi báo cáo về sở trước ngày 20.9.2013. Thuốc Roxithromycin 150mg là kháng sinh macrolid, chỉ định điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tai mũi họng, da, đường niệu – sinh dục…


Duy Nhân






Ba lý do không nên bỏ qua Mùa hạ cuối cùng

Ba lý do không nên bỏ qua Mùa hạ cuối cùng

Ba lý do không nên bỏ qua Mùa hạ cuối cùng


Có ba lý do để đến xem Mùa hạ cuối cùng giữa lúc Hà Nội mưa trắng phố. Thứ nhất, ít tháng trước, đạo diễn chuyên hài Chí Trung vừa “làm mới” rất duyên một kịch bản nặng ký của Lưu Quang Vũ: Lời thề thứ 9. Thứ hai, đây là lần đầu tiên Chí Trung mạnh tay “chơi” thủ pháp: kết hợp điện ảnh với sân khấu. Thứ ba, kịch bản dù thuộc thể loại chính hay bi, nhưng do mát tay nên đạo diễn Chí Trung có thể biến nó trở thành một tác phẩm ăn khách!










Những chi tiết hài hước được đưa vào hợp lý. Ảnh: Thế Toàn



Vấn đề đặt ra trong Mùa hạ cuối cùng có sức nặng xuyên thời gian: lẽ phải, nhân cách, lòng trung thực có nên là những giá trị tuyệt đối trong mọi tình huống? Đây là câu hỏi ám ảnh mỗi một nhân vật của vở kịch. Một học sinh lớp 12 dũng cảm tố cáo đề thi bị lộ, để rồi đứng trước nguy cơ chịu kỷ luật. Một thầy giáo vốn đề cao giá trị tuyệt đối của lòng trung thực cũng có lúc khuyên học sinh: “Đôi khi ta phải nhân nhượng cuộc sống”. Một vị hiệu phó loay hoay tìm lời giải cho bài toán khó: vừa tôn trọng sự thật, vừa đảm bảo thành tích. Sự phân vân nơi chính những con người gánh trách niệm đào tạo thế hệ trẻ khiến người ta thấy lo lắng số phận của cậu học trò dám đi ngược lại lợi ích tập thể, và cho hồi kết của câu chuyện khủng hoảng niềm tin này.


Nhưng dù động chạm đến những vấn đề muôn thuở, thậm chí đang “nóng” của ngành giáo dục, Mùa hạ cuối cùng vẫn là một “ca” khó nếu đạo diễn vừa muốn tôn trọng kịch bản gốc, vừa muốn khoác cho nó một cái áo hợp thời. Chí Trung đã bỏ nhiều tâm sức để khán giả của phiên bản 2013 không ngồi xem và ra về trong trạng thái hoài niệm. Vở kịch có cách mở màn “lạ” với một trailer cực kỳ ấn tượng và đậm đặc chất điện ảnh, được phát trên một màn chiếu phim khổng lồ tận dụng hết bề rộng phông sân khấu. “Mỗi chúng ta chẳng là gì hết. Cái thành phố ta ở chỉ là một chấm nhỏ xíu trên quả địa cầu, mà quả địa cầu này cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ vô tận”, lời bình cho đoạn trailer được rút tỉa từ một câu thoại của nhân vật, kèm theo những âm thanh gây chấn động, những hình ảnh được tua nhanh và giật mạnh, khiến khán giả có cảm giác chóng mặt, nôn nao và nghẹt thở trong những dự cảm hoang mang. Hiệu ứng điện ảnh còn được sử dụng nhiều lần thay cho bối cảnh sân khấu với những thước phim tươi mới về thì hiện tại: phố xá, trường học, thiên nhiên, gương mặt của thầy cô bạn bè… Và có những scence điện ảnh thực sự đắt giá. Chí Trung cũng cố gắng hiện đại hoá chuyện kịch ở nhiều chi tiết, như đưa vào những khẩu ngữ vui kiểu: “Hà Nội không vội được đâu”, “Một yêu anh có đôla/Hai yêu anh có cái nhà phố to”…, hay để cho một vài cô cậu học sinh lớp 12 nhuộm tóc vàng, đỏ, thậm chí khoe hình xăm.


Và không thể không nhắc tới những nỗ lực nhằm mềm hoá kịch bản, vốn tải nặng triết lý. Một số trường đoạn được Chí Trung cài cắm màu sắc hài nhẹ nhàng, chẳng hạn cô phát thanh viên trở thành cô gái quá lứa nhỡ thì vui tính, hơi có chút đồng bóng, ông bác sĩ khoa tâm thần thì biến thành bà bác sĩ nhân hậu và từng trải với những điệu bộ, lối nói hài hước. Gây bất ngờ còn là dàn diễn viên của đoàn kịch 1 – chuyên chính kịch và đoàn kịch 2 – chuyên hài kịch, lần đầu tiên hội tụ trong một tác phẩm, và tạo nên sự hoán đổi thú vị. Một số diễn viên như Anh Tú, Đức Khuê, Hoàng Dương thường đảm nhận vai hài, vai đểu giả và lỗ mãng bỗng… lột xác thành những nhà giáo nghiêm túc. Cần dành một lời khen cho Đức Khuê. Đi từ những nhân vật lơ ngơ sang vai người thầy có diễn biến tâm lý phức tạp hơn nhiều, anh chọn lối diễn, lối thoại tự nhiên và giản dị, nhưng khiến người xem dễ dàng cảm nhận được những khoảng vỡ, những cơn sóng ngầm trong nội tâm nhân vật. Trái lại, lối diễn công thức, biểu cảm thái quá và nhất là kiểu thoại ngân nga, tỉa tót từng từ của hầu hết diễn viên nữ trẻ trong vở kịch khiến khán giả hơi khó chịu. Riêng Tùng Linh, vai cậu học trò dám tố cáo gian lận trong thi cử rồi chán nản vì khủng hoảng niềm tin không phải vai khó, nếu nhìn lại những vai thuộc loại nặng anh đã diễn qua trong Mùa hạ cay đắng, Cầu vồng lục sắc…. Linh diễn chân thực và có nét riêng. Các diễn viên trẻ vẫn còn thời gian để “ngấm” thật kỹ nhân vật của mình.


Hương Lan






Kim Đồng ra mắt nhà sách thứ 8

Kim Đồng ra mắt nhà sách thứ 8

Kim Đồng ra mắt nhà sách thứ 8


SGTT.VN - Nhân dịp Tết Trung thu, nhà xuất bản Kim Đồng sẽ mở cửa nhà sách thứ 8 đón độc giả thiếu nhi vào ngày 14.9 tới tại 497 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.


Đây là Nhà sách Kim Đồng đầu tiên hướng tới mô hình “nhà sách - điểm hẹn văn hóa của người yêu sách”.


Nhà sách có diện tích gần 200 m2, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, thiết kế nội thất đẹp, tạo nên một không gian gần gũi và thân thiện với khách hàng. Không chỉ cung cấp các ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng, nhà sách còn là cầu nối cung cấp các ấn phẩm giá trị của các nhà xuất bản trong cả nước.


Ngoài ra, nhà sách còn dành một khu đọc sách miễn phí cho trẻ em, sẽ liên tục tổ chức các sự kiện ra mắt sách mới, giao lưu với bạn đọc, gặp gỡ các tác giả được yêu thích.


Trong thời gian từ 14.9 – 14.10, nhà sách Kim Đồng 497 Nguyễn Trãi sẽ chiết khấu 30% - 50% giá bìa cho toàn bộ các đầu sách thường kỳ và 15% cho sách comic và tạp chí. Đặc biệt, trong suốt tháng khai trương, khách hàng còn có cơ hội tham dự chương trình rút thăm trúng thưởng “may mắn mỗi ngày”. Theo đó, mỗi ngày sẽ có một khách hàng may mắn trúng thưởng quà tặng trị giá 500.000 đồng.


Giáng Ngọc






Sân chơi cho thiếu nhi trong tết Trung thu 2013

Sân chơi cho thiếu nhi trong tết Trung thu 2013

Sân chơi cho thiếu nhi trong tết Trung thu 2013


SGTT.VN - Nhiều hoạt động vui chơi dành cho các em nhỏ được các đoàn thể và doanh nghiệp tổ chức tại TP.HCM vào dịp tết Trung thu năm nay, tập trung vào hai ngày 18 và 19.9.2013.










Biểu diễn múa lân đón tết Trung thu. Ảnh: TL



Chương trình Lễ hội Trăng rằm sẽ diễn ra từ 17 giờ – 21 giờ ngày 18 và 19.9.2013 (nhằm 14 và 15 tháng Tám âm lịch) tại Nhà thiếu nhi Thành phố, 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM. Vào đêm 14 âm lịch, tại sân khấu trung tâm sẽ có biểu diễn Vũ hội đèn - thi hát với nhau, trò chơi sân khấu, hướng dẫn múa dân vũ,… Các em sẽ được nhảy múa và vui đón trăng rằm cùng với chú Cuội – chị Hằng và các chú rối lùn: gấu, thỏ,... Đêm 15 âm lịch, một chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ bao gồm: xiếc, ảo thuật, múa rối, múa lân, văn nghệ... phục vụ các em thiếu nhi vừa xem vừa phá cỗ.


Đặc biệt trong hai đêm, tại đây sẽ diễn ra cuộc tranh tài giữa các em thiếu nhi từ các đội nhóm, câu lạc bộ và nhà thiếu nhi quận huyện với các nội dung: hội thi lồng đèn – bày mâm cỗ, làm bánh phục linh, thi làm tranh cát, trang trí lồng đèn, trang trí mặt ông địa; các trò chơi xếp - dán lồng đèn, nặn tò he, trò chơi xỏ hạt làm ngôi sao, con chuồn chuồn, sân chơi gốm…


Lúc 19 giờ tối 19.9, một chương trình ca múa nhạc mang tên “Vui Trung thu” do các em thiếu nhi đến từ Nhà Thiếu nhi quận 1 biểu diễn sẽ diễn ra tại sân khấu tầng B2 của Trung tâm thương mại Vincom Center B. Ngoài quà tặng là những quả bóng bay vui nhộn và nhiều màu sắc, các em thiếu nhi còn được thưởng thức những tiết mục ảo thuật huyền bí và thử sức trong những game show thú vị.


Chương trình "Mái ấm gia đình Việt - Đêm hội Trung thu 2013" diễn ra tại Nhà thi đấu quân khu 7, đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận vào lúc 16 – 20 giờ 30 ngày 19.9. Đây là chương trình dành riêng cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt đến từ mái ấm, nhà mở, hội Người mù, trường Giáo dưỡng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tại đây, các bé sẽ được tham gia trò chơi vận động, sáng tạo, trò chơi dân gian, tham gia cuộc thi trang trí lồng đèn, trang trí đầu lân, xem trình diễn múa lân, rước đèn, nhận quà bánh trung thu, đèn lồng...










Hai mẹ con khỉ sẽ tham gia đoàn diễu hành đón trăng của các loại vật trong mùa tết Trung Thu 2013 tại Đầm Sen. Ảnh: damsenpark.com.vn



Tại khu du lịch Đầm Sen, trong hai ngày 18 và 19.9 sẽ có nhiều hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi. Cụ thể, tại sân khấu Thiên Thần, các em sẽ được xem chương trình ca múa nhạc “Trung thu sum vầy” lúc 11 giờ và 19 giờ 30; thưởng thức vở kịch rối của Idecaf “Vầng trăng cổ tích” (lúc 18 giờ). Chương trình biểu diễn xiếc với cuộc diễu hành của các loài vật và lễ rước đèn đón trăng của nhiều loài động vật: voi, gấu, đười ươi, chó, dê, giang sen, trăn, vịt… tại rạp xiếc Đầm Sen.


Ngoài ra, còn có một số hoạt động đặc sắc như: biểu diễn lân sư rồng Hằng Anh Đường (18 giờ – 22 giờ tại quảng trường Âu Lạc), chương trình giao lưu âm nhạc với ngôi sao teen (11 giờ 30 và 19 giờ 30 tại sân khấu Ngôi Sao). Khu du lịch Đầm Sen sẽ miễn vé cổng và vé trò chơi cho trẻ em (cao dưới 1.4m, có cầm lồng đèn) sau 15 giờ, từ ngày 18 - 19.9.2013.


Diệu Thùy






Vụ “cò” lộng hành ở BV Ung Bướu: Điều chuyển công tác một bác sĩ

Vụ “cò” lộng hành ở BV Ung Bướu: Điều chuyển công tác một bác sĩ

Vụ “cò” lộng hành ở BV Ung Bướu: Điều chuyển công tác một bác sĩ


SGTT.VN - Ngày 11.9, ban giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, hội đồng kỷ luật bệnh viện đã họp và bước đầu đưa ra hình thức kỷ luật tạm đình chỉ hoạt động về chuyên môn đối với bác sĩ Phạm Trần Bảo Ngọc (bác sĩ khoa siêu âm) do đã có những sai phạm (nhiều lần) tại phòng mạch tư làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện và nghi vấn có liên quan đến việc bắt tay với “cò” để đưa bệnh nhân tới phòng khám tư nhân.


Theo đó, ban giám đốc bệnh viện sẽ tạm thời điều chuyển bác sĩ Phạm Trần Bảo Ngọc về phòng tổ chức cán bộ để thực hiện những công việc khác trong thời gian điều tra, làm rõ những sai phạm.


Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, ngoài bác sĩ Bảo Ngọc, lãnh đạo bệnh viện cũng đã yêu cầu 3 bác sĩ có phòng khám tư nhân bị nghi vấn liên quan đế “cò” làm giải trình. Tuy nhiên cả 3 bác sĩ này đều phủ nhận việc liên quan tới “cò”. Họ chỉ hoạt động tại phòng khám vào thời điểm ngoài giờ….


Thời gian tới, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát nhân viên bệnh viện trong giờ hành chính và kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng bắt tay với “cò” nếu có.


Theo PNO






Thường trực HĐBA, NATO nhóm họp tình hình Syria

Thường trực HĐBA, NATO nhóm họp tình hình Syria

Thường trực HĐBA, NATO nhóm họp tình hình Syria


SGTT.VN - Các nhà ngoại giao cho biết phái viên của năm nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc - ngày 11.9 bắt đầu nhóm họp để thảo luận về tình hình Syria.


Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Pháp, Anh và Mỹ hôm 10.9 hối thúc thông qua một nghị quyết cứng rắn của Hội đồng Bảo an, trong đó đề cập tới những hậu quả nghiêm trọng nếu chính quyền Damascus không bàn giao việc kiểm soát kho vũ khí hoa học vốn bị cấm của nước này.










Bằng chứng về vũ khí hóa học ở Syria mà chính quyền nước này nói rằng của phe nổi dậy. Ảnh: THX/TTXVN



Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố "không thể chấp nhận được" việc Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thông qua một văn kiện lên án Tổng thống Syria Bashar al-Assad về vụ tấn công ngày 21.8 ở ngoại ô Damascus. Hiện chưa rõ chính xác thời gian cũng như địa điểm các nhà ngoại giao nhóm họp.


Trong diễn biến khác liên quan, giới chức Hoa Kỳ cho biết một nhóm chuyên gia vũ khí nước này sẽ tháp tùng Ngoại trưởng John Kerry tới Geneva gặp người đồng cấp Nga để tiến hành các cuộc thảo luận quan trọng về kho vũ khí hóa học của Syria.


Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki, cuộc thảo luận giữa ông Kerry với ông Lavrov có thể kéo dài tới ngày 14.9. Ngoài ra, Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ gặp Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về Syria Lakhdar Brahimi.


Trong một động thái khác, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Hungari Tibor Benko ngày 11.9 cho biết Ủy ban Quân sự NATO dự kiến trong tuần này sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria và nhiệm vụ của NATO ở Afghanistan, Kosovo tại thủ đô Budapest của Hungari.


Trong cuộc họp kéo dài ba ngày sẽ bắt đầu vào tối 14.9 tới, tham mưu trưởng quân đội các nước Châu Âu sẽ thảo luận về tình hình tại Syria, tập trung vào các chiến dịch quốc tế của lực lượng đồng minh, đề ra những nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức này trong 2 năm tới, cũng như sẽ đề cập tới cả các vấn đề nội bộ của NATO.


Cùng ngày Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Syria cần phải công khai toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này và cộng đồng quốc tế cần phải đảm bảo rằng những ai sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt phải trả giá.


Vietnam+






Tỷ lệ sinh viên hệ cử tuyển có việc làm thấp

Tỷ lệ sinh viên hệ cử tuyển có việc làm thấp

Tỷ lệ sinh viên hệ cử tuyển có việc làm thấp


SGTT.VN - Theo báo cáo của các địa phương đối tượng học sinh cử tuyển trình độ đại học, cao đẳng được tuyển sinh khóa học 2007-2008, trình độ cao đẳng khóa 2008-2009 thực hiện theo Nghị định 134 theo chế độ cử tuyển, đến thời điểm hiện tại, có 852 em được bố trí việc làm chiếm 62,2% và có 95% học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm.


Chiều 11.9, bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2007-2013.


Cụ thể, giai đoạn 2007-2013, số học sinh các dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 12.805 em, đạt 88% so với chỉ tiêu. Số học sinh cử tuyển vào trung cấp trên 2.000 em. Số học sinh, sinh viên cử tuyển được bố trí vào học tại các đại học, cao đẳng chủ yếu ở các ngành sư phạm, y tế, kỹ thuật, nông lâm, kinh tế, xã hội nhân văn, nghệ thuật...


Khó khăn của chính sách này là quy định về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với hệ cử tuyển khó thực hiện. Ở nhiều nơi sinh viên tốt nghiệp không về công tác, nhưng cũng có nơi sinh viên về thì tỉnh lại không bố trí được việc làm. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, việc xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.


Địa phương chưa có cán bộ chuyên trách để phối hợp với trường trong quản lý sinh viên trong quá trình học tập cũng như sau khi tốt nghiệp về địa phương. Đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường không trở về công tác tại địa phương, nhiều nơi không kiên quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không cũng không có chế tài về việc này nên khó thực hiện.


Ngoài ra, việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng. Việc giao, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển hàng năm còn chậm, số lượng và ngành nghề chưa căn cứ vào nhu cầu cán bộ và chuẩn bị nguồn tuyển của các địa phương. Trong thời gian đầu, toàn quốc đã có 55/63 tỉnh thành có học sinh cử tuyển. Nhưng số tỉnh cử học sinh giảm dần, đến năm 2012 chỉ còn 29 tỉnh cử học sinh cử tuyển, nhiều tỉnh không đạt được chỉ tiêu đăng ký như Bến Tre, Quảng Bình có năm chỉ đạt 40%.


T.Tuyền






Giáo dục đại học còn nhiều bất cập

Giáo dục đại học còn nhiều bất cập

Giáo dục đại học còn nhiều bất cập


SGTT.VN - Việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong giáo dục đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm như: liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo sai quy định. Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức. Việc thực hiện 3 công khai còn mang tính hình thức, đối phó...


Đây là những bất cập được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của bộ Giáo dục và đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 được tổ chức ngày 11.9 tại Hà Nội.


Đảm bảo chất lượng: “nhiều mảng tối”


Theo thứ trưởng bộ Giáo dục đào tạo Bùi Văn Ga, công tác phân cấp quản lý còn có những hạn chế như: những sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát hiện và xử lý, các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết và không đủ tính răn đe để chấm dứt các sai phạm. Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã xuất hiện một số hiện tượng thực hiện sai quy định ở một số trường trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh…










Giáo dục đại học sẽ sớm chấm dứt tình trạng "đại học dạy đại học".



Các công cụ pháp lý giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học chưa được hoàn thiện; thiếu các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo.


Căn cứ vào kết quả kiểm tra, bộ Giáo dục đào tạo đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường đại học, cao đẳng; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 8 trường đại học, cao đẳng. Nhiều cơ sở giáo dục đại học sai phạm trong xác định chỉ tiêu không đúng với thực tế; liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo sai quy định, bất chấp các quy định quản lý nhà nước về giáo dục đại học như trường ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM, CĐ Kinh tế tài chính Thái Nguyên; CĐ Tài chính hải quan, CĐ ASEAN…


Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình. Chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo.


Xiết chặt quản lý chất lượng, xây dựng ĐH trọng điểm


Bộ Giáo dục đào tạo cho biết, trong giai đoạn 2013-2015 sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; việc thực hiện quy định pháp luật về liên kết đào tạo, tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; các điều kiện mở ngành đào tạo, việc cấp phát văn bằng; chuyển dần quản lý nhà nước về giáo dục nặng về hành chính sang quản lý chất lượng và từ quản lý nhà nước theo cách kiểm soát sang giám sát mọi hoạt động giáo dục. Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.


Quy hoạch nhân lực cho ngành sư phạm: sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 và chấm dứt tình trạng đào tạo giáo viên vượt quá nhu cầu như hiện nay.


Tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, chất lượng cao và xây dựng một số chương trình giáo dục đại học đạt trình độ quốc tế, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đầu tư xây dựng một số trường đại học xuất sắc, có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các khối ngành để tư vấn cho Bộ trưởng những vấn đề có liên quan đến phát triển ngành, đến hoạt động của các trường và phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực giữa các trường.








7/87 trường được kiểm tra có số lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn dưới 50 người (trường ĐH Thành Tây, trường ĐH Công nghệ Đông Á, trường ĐH Thành Đông, trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Hà Nội…), nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn cao hoặc rất cao (trường ĐH Văn Hiến, trường ĐH Tài chính - marketing, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Hà Nội…), 108 ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ không có tiến sĩ đúng ngành, 120 ngành không đủ tiến sĩ và thạc sĩ đúng quy định, có 04/87 trường được kiểm tra chưa có đất như đã cam kết. (Nguồn bộ Giáo dục và đào tạo)








Gần 1,913 triệu hộ gia đình đã được vay tín dụng


Theo báo cáo của bộ Giáo dục đào tạo, thực hiện chính sách tín dụng sinh viên, đến cuối năm 2012, tổng dư nợ đạt 35.802 tỉ đồng, với gần 2,4 triệu học sinh, sinh viên của gần 1,913 triệu hộ gia đình đã được vay tín dụng. Từ 1.8.2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng mức cho vay từ 900.000 đ/sinh viên/tháng lên 1.000.000đ/sinh viên/tháng, đồng thời nâng mức lãi suất từ 0,5%/tháng lên 0,65%/tháng cho phù hợp với các chương trình khác.



Thanh Tuyền






Việt Nam có thể chuyển từ nhập sang xuất khẩu phân bón

Việt Nam có thể chuyển từ nhập sang xuất khẩu phân bón

Việt Nam có thể chuyển từ nhập sang xuất khẩu phân bón


SGTT.VN - Ngày 10.9, tại Hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón thời gian tới” (TP Cần Thơ) do bộ Công thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng vụ Thị trường trong nước thuộc bộ Công thương cho biết, hiện nay, năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu phân vô cơ, với việc chủ động hoàn toàn nguồn cung mặt hàng urê. Cục diện thị trường phân bón trong nước cho thấy nguồn cung sẽ có dư để xuất khẩu.


Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng nhu cầu phân bón năm 2013 hơn 10,2 triệu tấn, nguồn cung sản xuất trong nước là hơn 8 triệu tấn. Như vậy sẽ phải nhập thêm khoảng 2,2 triệu tấn. Nhu cầu nhập khẩu phân bón chủ yếu tập trung vào 3 loại phân bón SA, kali và DAP.










Việt Nam có thể xuất khẩu phân bón (ảnh minh họa). Ảnh: mard.gov.vn



“Dự kiến nhu cầu Urê năm 2013 là 2 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước ước tính 2,2 triệu tấn. Đến năm 2015, sản lượng phân bón trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp với 100% lượng urê, lân và NPK; 70-80% lượng phân DAP và 30% lượng SA. Hiện nay 100% phân SA, loại đạm hàm lượng thấp, có thể thay thế bằng urê”, ông Quyền kỳ vọng.


Theo ông Quyền, việc đưa vào sử dụng nhà máy DAP số 2 (công suất 330.000 tấn/năm) tại Lào Cai vào năm 2014 cộng với nhà máy DAP số 1 đang hoạt động tại Hải Phòng (công suất 330.000 tấn/năm), ngành phân bón Việt Nam sẽ dần chủ động được nguồn cung đối với mặt hàng này.


Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, thứ trưởng bộ Công thương nhận định, việc chủ động được nguồn cung phân bón có ý nghĩa quan trọng trong việc bình ổn giá thị trường trong nước cũng như tránh được những rủi ro từ chính sách xuất khẩu ở các nước. Đặc biệt là Trung Quốc, cung ứng khoảng 80% lượng phân nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua.


Dù bộ Công thương và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cùng tham gia quản lý mặt hàng này, nhưng hệ thống thanh tra chuyên ngành chưa được thiết lập;, chưa phân định rõ trách nhiệm nên quản lý phân bón nên tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng báo động nhưng xử lý không triệt để.


Phó cục trưởng cục Hóa chất thuộc bộ Công thương, bà Nguyễn Kim Liên, cho biết thêm: Cả nước có khoảng trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng nhiều sản phẩm phân bón hàm lượng chất dinh dưỡng rất thấp. Trong khi đó, việc xử lý bất cập do phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện có giấy chứng nhận hoặc giấy phép nên cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn đưa ra thị trường.


NGỌC BÍCH






Cứu sống trẻ đuối nước hy hữu

Cứu sống trẻ đuối nước hy hữu

Cứu sống trẻ đuối nước hy hữu


Sáng 11.9, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa vừa cứu sống một bệnh nhân đuối nước nhưng may mắn thoát chết. Bệnh nhân là Nguyễn Đăng Đan, 13 tuổi, ở xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.










Sức khỏe Nguyễn Đăng Đan đã hồi phục.



Chiều 4.9, trên đường đi học về nhà, Đan đi qua một con mương. Trong khi các bạn học nhảy xuống mương tắm, Đan không biết bơi nên chỉ đứng trên bờ, nhưng lại bị các bạn trêu kéo tay xuống nước và úng chỗ nước sâu. Đan chới với, vùng vẫy, các bạn hoảng sợ nhưng không cứu được. May là có một người đàn ông đang câu cá ở gần đó, các cháu hô hoán nên ông đã chạy đến kéo cháu Đan lên kịp thời. Một lúc sau Đan tỉnh, tự đi xe đạp về nhà, ăn tối xong vẫn bình thường. Tuy nhiên, đến đêm Đan bắt đầu lịm đi, suy thở, thở khó. Gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chụp phổi thấy 2 phổi gần như mờ hoàn toàn và chuyển lên khoa nhi bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, kết quả chụp phim cho thấy, tổn thương phổi tiếp tục tăng lên, cháu bé được chẩn đoán phù phổi cấp tổn thương gây suy hô hấp tiến triển nhanh.


Dù bệnh nhân tự thở được nhưng lượng ôxi trong phổi vẫn rất thấp, chỉ bằng khoảng ¼ so với mức bình thường vì phế nang phổi bị tổn thương, không thực hiện được chức năng trao đổi oxi. Ngay lập tức, bệnh nhân được thở máy ngay trong đêm, các bác sĩ đã xử lý để lượng oxi trong phổi bệnh nhân luôn đủ. Sau liên tục thở máy trong 3 ngày, tình trạng viêm phổi của bệnh nhân cơ bản được đẩy lùi. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục.


Tin, ảnh: L.Hà






Kiếm sống trong vòng vây thuốc độc

Kiếm sống trong vòng vây thuốc độc

Kiếm sống trong vòng vây thuốc độc


SGTT.VN - Mới tờ mờ sáng mà hai anh thợ phun thuốc sâu Hai Ngay, Sáu Vũ – những nông dân được ví von là chiến sĩ của mặt trận bảo vệ mùa màng – đã “xung trận” ở một khu vườn trồng cây đặc sản xứ Lai Vung, Đồng Tháp. Không theo một nguyên tắc nào, “vũ khí” của các chiến sĩ này là cái cần xịt cầm trên tay cứ mềm mại đong đưa từ ngọn lá, xuống tới tận gốc của từng cây quýt hồng. Theo cánh tay họ, chiếc vòi phun gắn ngay trên đầu cần xịt hết kéo dọc lại đưa ngang, liên tục phun xèo xèo, phả ra những đám hơi nước mù mịt, đặc quánh mùi thuốc độc ở ngay phía trước mặt. Dù vậy, họ vẫn phải chen chân bước tới, len mình qua những đám lá quýt sũng ướt bởi dịch thuốc mới vừa phun… Cuộc mưu sinh của những người thường xuyên đọ sức với thuốc độc đã bắt đầu một ngày mới.










Nhưng do thói quen và tính chất công việc… sức khoẻ con người đã không được bảo vệ.



Dầu dãi cùng độc chất


Ban mai vừa thức thì chiếc áo trắng úa màu mà Sáu Vũ (Trần Thanh Vũ) đang mặc trên người đã ướt dầm, hai mắt đỏ gay... Tranh thủ lúc dừng tay chờ chủ vườn pha thêm thuốc, tháo vội chiếc khẩu trang đang che gần kín khuôn mặt, anh Vũ hít một hơi khí trời thật sâu cho đã thèm, thở dài rồi chia sẻ: “Công việc không nặng lắm, nhưng mồ hôi đổ nườm nượp vì phải kéo theo sau lưng cái ống cao su dài cả trăm thước, lại còn phải xoay trở liên tục cái cần xịt dài hơn 2 thước cho thuốc phun dính đều khắp từng tàn cây; thuốc phun ra rồi cũng dính trở lại áo một phần mỗi khi mình đi tới… nên làm cho nó càng ướt thêm”.


Sở dĩ công việc phải bắt đầu từ sớm vì theo Sáu Vũ, những người chuyên xịt thuốc mướn thường làm theo buổi đứng – công việc bắt đầu từ sáng sớm để đến khoảng đầu giờ buổi chiều là kết thúc. Bởi lẽ theo cảm nhận của người trong nghề, Sáu Vũ nói: “Trong thời gian nghỉ trưa, người đã xịt thuốc cả buổi sáng sẽ thấm thuốc nên nếu chiều mà còn phải xịt nữa sẽ rất mệt.” Ở phía đằng kia, chủ vườn quýt hồng Huỳnh Hồng Kim Định (Út Định) thuộc xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) vừa hối hả cân, đo, định lượng thuốc gồm nhiều loại, pha đầy hai cái thùng nhựa to tướng. Không kịp ngơi tay, Út Định cầm tay quay “kích” cho cái máy dầu hoạt động trở lại. Nhận được truyền động, bơm nén tiếp tục tạo áp lực, các vòi phun lại tiếp tục phun xèo xèo. Những người hợp đồng “tác chiến” ở phía “đầu ra” của… thuốc độc lại tiếp tục ôm cần xốc tới.


Thỉnh thoảng vài áng mây trôi ngang qua làm dịu hẳn ánh nắng buổi sáng đã bắt đầu gay gắt. Út Định lại ngẩng mặt nhìn trời, có chút gì đó lo lắng, nói rằng: “Tốt nhứt là nên xịt thuốc theo buổi đứng, vì mùa này, làm vậy sẽ tránh được những trận mưa chiều rửa trôi hết ngay sau khi thuốc vừa mới được xịt xong”. Theo Út Định, làm vườn với diện tích lớn, dù chủ vườn phải trang bị đầy đủ máy móc hỗ trợ nhưng không thể làm nổi chuyện phun xịt thuốc, nên ở xứ quýt hồng không thể thiếu những người chuyên xịt thuốc mướn”.


Nếu đi ngang qua những khu vườn đang phun thuốc, chắc chắn người đi đường sẽ vượt nhanh qua để không phải hít thở lâu trong bầu khí khó ngửi ấy. Vậy mà những người xịt thuốc mướn chuyên nghiệp phải làm công việc của họ trong không gian như vậy từ ngày này qua ngày khác. Sáu Vũ chia sẻ: “Làm riết rồi quen, chứ hồi mới vô nghề cũng bị nhức đầu vì mấy cái mùi thuốc”. “Có những loại thuốc rất độc, người ta dặn phải mang áo mưa, đeo kiếng (kính) bảo hộ mắt… khi xịt, nhưng mang cái áo mưa là mồ hôi đổ như tắm, không chịu nổi; còn mang cái kiếng vô, quơ cái cần xịt chừng ba đường là nó mờ căm, hết thấy đường đi…” Chính vì vậy, những người này chỉ còn biết “xả thân” sao cho công việc tốt nhất với mức giá công nhật họ nhận được khoảng 150.000 – 170.000 đồng/ngày. “Xong việc, nhảy xuống kinh tắm táp sạch sẽ, về nhà nghỉ ngơi hoặc lai rai với bạn bè, sáng sớm hôm sau lại “chiến đấu” tiếp”, Sáu Vũ cười, nói tỉnh bơ.


Việc của người nghèo


Khác với vùng trồng cây trái, ở vùng sản xuất lúa, rau màu… người ta xịt thuốc sâu bằng các loại bình xịt đeo trực tiếp trên lưng. Anh Nguyễn Hữu Hoàng (Hai Hoàng) ở ấp Đông Hoà, xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) một thời sống bằng nghề xịt thuốc mướn chuyên nghiệp. Khó khăn của anh tới mức không mua nổi một cái bình xịt mới để đi làm dịch vụ cho đàng hoàng, mà lại phải năn nỉ mua lại cái bình xịt từ người mua ve chai mua được ở đâu đó!


Nhưng tới khi chứng kiến Hai Thành, một đồng nghiệp của anh cũng ở gần nhà bị ngộ độc thuốc, ngất xỉu ngoài bờ ruộng, ngay sau đó lại tới lượt mình… Hai Hoàng đã quyết tâm bỏ nghề này. Hoàng rùng mình, nhớ lại: “Cũng may là nhiễm thuốc hổng nặng, quậy nước chanh uống cho nó dã từ từ; hên cái nữa là lúc đó có nhiều người thấy chứ không là xanh cỏ rồi!” Hai Hoàng có cái may mắn là anh tìm được công việc khác thay thế cho nghiệp xịt thuốc mướn. Anh kể: “Cái bình gạt tay 14 lít – bơm hơi bằng tay, vừa bơm vừa xịt, mỗi ngày cật lực xịt được khoảng 20 bình, chủ ruộng trả công 6.000 – 7.000 đồng/bình, lỡ đổ bịnh hổng đủ tiền thuốc”. Dù vậy, người nghèo ở thôn quê cũng xem đây là phương kế sống.


Ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ một xã nghèo vùng sâu của Cần Thơ, có ít nhất chín hộ gia đình đã bớt nghèo nhờ tình nguyện làm thành viên của tổ xịt thuốc mướn chuyên nghiệp. Anh Đào Sen, một thành viên của tổ này cho biết: “Trước khi nhập nhóm, mỗi người phải tự sắm một cái bình xịt máy” (bình xịt có động cơ). Theo anh Sen, giá bán những bình xịt thuốc các nhãn hiệu Trung Quốc hiện khoảng hơn 2 triệu đồng/cái, bình xuất xứ Nhật Bản khoảng hơn 5 triệu đồng/cái. Nhưng tất cả anh em của tổ đều là hộ nghèo nên thường mua bình Trung Quốc, mà còn phải mua trả góp, chấp nhận mức giá cao hơn khoảng 10%. Theo phương thức này, khi nhận bình, người mua phải thanh toán ngay 1/3 giá trị, sau hai mùa lúa phải hoàn tất việc trả số tiền còn nợ lại. Với cái bình có động cơ, mỗi ngày có thể xịt được 30 bình thuốc, tiền công 10.000 đồng/bình, nhưng anh Đào Sen cho rằng: “Muốn xịt 30 bình thuốc mình phải đổ cho máy bơm thuốc 1 lít xăng, tiền xe đi lại nếu đi xa, cơm tự lo… thì phải dành dụm lắm mới trả nợ mua bình đúng hẹn được”.


Anh Đào Bình (47 tuổi) thành viên cao tuổi nhất của tổ, nói chen vào: “Riêng cái bình không đã nặng hơn 20kg, đổ đầy thêm 25 lít nước nữa mà phải mang trên lưng, lội dưới ruộng bùn… Ngày nào xịt nhiều thì ham, nhưng tối về nhà tay chân giở hổng lên; bữa nào trời có gió, thuốc bay vô mặt tứ tung, tối về mắt mũi nóng rần!” Trong khi đó, Danh Hoàng Sơn (22 tuổi) thành viên trẻ tuổi nhất của tổ cũng “có những ngày xong công việc dưới ruộng, lên bờ mệt quá phải nằm lăn ra bờ đất nghỉ cho khoẻ lại rồi mới về nhà, có khi tối mịt”. Anh Đào Bình cho rằng: “Bây giờ làm ruộng người ta chỉ mướn xịt thuốc vì họ sợ thuốc độc. Nghĩ cũng buồn khi công việc làm người ta sợ mình lại nhào vô, nhưng cũng nhờ người ta sợ mà mình kiếm sống được!”


bài và ảnh: Ngọc Tùng









– Theo chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long sử dụng khoảng 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chế phẩm khác mỗi năm trong quá trình sản xuất. Vậy nhưng, chưa có thống kê đầy đủ về mức độ tổn hại sức khoẻ đối với người trực tiếp thực hiện các thao tác phun xịt, các ghi nhận đều chỉ mới dừng lại ở tác động tới môi trường sống của nhiều loài thuỷ sản.


– Theo viện Y học bản địa Việt Nam, phốtpho hữu cơ – thành phần thuốc bảo vệ thực vật, có thể xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hoá, hô hấp, da, niêm mạc (nhất là mắt). Người bị ngộ độc có triệu chứng: hoa mắt, co giật toàn thân, vã mồ hôi, nước bọt nhiều… Người đã bị ngộ độc nhẹ tiềm tàng trước đó cũng sẽ bị nhiễm độc nhanh hơn – yếu tố nhiễm độc mạn tính. Người bị ngộ độc mạn tính, sẽ có dấu hiệu nhiễm độc nhanh và nặng hơn nếu có nhiễm cấp.







Android box đa năng

Android box đa năng

Android box đa năng


SGTT.VN - Thay vì lệ thuộc dòng sản phẩm HD Player, người tiêu dùng ngày nay có thể chọn Android box với sự mở rộng tính năng kết nối trực tuyến, kho ứng dụng/nội dung giải trí trên internet. Đầu phát Android có khả năng lướt web, chơi game, xem phim online… như một chiếc máy tính thu nhỏ.










Đầu Android box như một máy tính thu nhỏ, mở rộng được nhiều tính năng kết nối.



Dành cho gia đình


Ông Nguyễn Việt Anh, quản trị diễn đàn HD Việt Nam nhận xét rằng Android box phù hợp với các thành viên trong gia đình như phụ nữ, người lớn tuổi… sử dụng để lướt web, nghe nhạc hoặc xem phim online… Một số thành viên của diễn đàn HDVietNam dù đã có HD Player nhưng vẫn mua thêm Android box dùng trong gia đình.


Nhờ tích hợp hệ điều hành Android nên đầu phát Android có ưu điểm hơn HD Player ở chỗ có thể chủ động cài đặt thêm ứng dụng từ kho Google Play. Ví dụ, bạn có thể cài thêm ứng dụng xem phim online như HD Việt, HayHay TV… hoặc một số ứng dụng giải trí như Zing MP3, Nhaccuatui, VietMobi TV…


Một số HD Player cũng bắt đầu bổ sung ứng dụng xem phim online nhưng người dùng không thể tự cài đặt và cũng không được quyền chọn ứng dụng ưa thích. Một số nhà phân phối HD Player tìm cách đặt hàng ứng dụng, cập nhật phần mềm quản lý hệ thống (firmware)… bổ sung tính năng xem phim online, nghe nhạc MP3, hát karaoke…


Các đầu phát Android vẫn có thể trình chiếu phim HD/3D với chất lượng 720p/1080p, hỗ trợ âm thanh DTS 5.1 như một HD Player. Một số Android box tuy không hỗ trợ ổ cứng gắn trong nhưng vẫn có thể đọc tốt các ổ cứng gắn ngoài qua cổng USB. Tuỳ cấu hình và tính năng, các Android box hiện nay có giá bán từ 1,9 – 3,5 triệu đồng.


Và nhiều tính năng hơn


Trong tháng 8 và 9.2013 sẽ có nhiều mẫu Android box đời mới như Himedia Q5 II, Minix Neo X7, Geniatech ATV 1800… được trang bị chip lõi tứ, RAM 2GB. Các đầu phát Android này sử dụng phiên bản mới Android 4.2; có nhiều tính năng bổ sung như chia sẻ nội dung không dây, kết nối Bluetooth, Wi-Fi băng tần kép…


Ông Lê Tiến Quốc, điều hành Android box trên diễn đàn HD Việt Nam cho biết, các đầu phát Android có ưu điểm giá thấp, lại hỗ trợ nhiều tính năng. Những người có nhu cầu sử dụng cơ bản như lướt web, xem phim Online, nghe nhạc trực tuyến… có thể chọn sản phẩm Android box lõi kép là đủ.


Ngoài ra, còn có một số đầu phát Android có những tính năng mới như xem truyền hình vệ tinh, xem phim VOD (Video-On-Demand), hát karaoke Online… Một số đơn vị bắt đầu tích hợp kho nội dung giải trí phim ảnh, game, karaoke… lên Android box nhằm thu hút người tiêu dùng. Trong tương lai sẽ có thêm các Android box đa năng mang thương hiệu FPT, MyTV, Viettel… tích hợp nội dung giải trí đa dạng.


Theo ông Huỳnh Văn Phú, giám đốc công ty TM – DV Huỳnh Phú, nhà phân phối sản phẩm ZTV (VTC Entertainment), VTC đã tung ra thị trường loạt sản phẩm đầu thu đa năng ZTV E-Class, C-Class và sắp tới là A-Class. Đây là các đầu phát Android có khả năng xem phim trực tuyến, truyền hình vệ tinh, LiveTV (truyền hình internet), lướt web, chơi game…


ZTV E-Class và C-Class là các sản phẩm có sự kết hợp giữa set-top-box cung cấp nội dung giải trí trực tuyến và đầu thu tín hiệu vệ tinh DVB-S thu sóng hơn 70 kênh truyền hình vệ tinh. Đây cũng là một Android box có khả năng trình chiếu phim HD 720p/1080p, phim 3D, bluray nguyên gốc…


bài và ảnh: Việt Bình









Lưu ý khi mua Android box


Phần lớn đầu phát Android chưa hỗ trợ tốt việc chiếu phim 3D dạng bluray ISO (nguyên gốc từ đĩa bluray); chủ yếu phát được phim 3D SBS (Side-By-Side)/TAB (Top-And-Bottom) hoặc phim 2D ISO. Đồng thời, có một số Android box vẫn chưa hỗ trợ tiêu chuẩn âm thanh vòng DTS (Digital Theater Systems).


Gần đây, có một vài Android box có khả năng trình chiếu phim 3D dạng bluray ISO. Nhà sản xuất cũng bắt đầu hỗ trợ các ứng dụng di động kèm theo để người dùng có thể sử dụng điện thoại Android để kết nối hoặc điều khiển Android box.


Một nhược điểm cơ bản là các ứng dụng đang dùng trên Android box do được “vay mượn” từ kho ứng dụng dành cho smartphone/máy tính bảng Android nên đôi lúc chưa ổn định. Một số ứng dụng chưa tương thích khi hiển thị trên màn hình tivi lớn do được viết cho smartphone/máy tính bảng Android (khác độ phân giải).


Một số Android box hỗ trợ cả hai cách kết nối mạng có dây (cổng LAN) và không dây (wifi). Người dùng cần chú ý điểm này vì có một số ứng dụng giải trí (như xem phim online) chỉ hỗ trợ khi kết nối bằng wifi. Nếu cố gắng chạy ứng dụng khi kết nối bằng mạng LAN thì đầu phát Android sẽ báo lỗi.







Cây đổ trong cơn dông, hai người nước ngoài thoát chết trong gang tấc

Cây đổ trong cơn dông, hai người nước ngoài thoát chết trong gang tấc

Cây đổ trong cơn dông, hai người nước ngoài thoát chết trong gang tấc


SGTT.VN - Trong cơn mưa dông vào khoảng 16 giờ 30 chiều ngày 11.9, một cây điệp cao khoảng 12m trên đường Nguyễn Thị Minh Khai phía quận 1 đã bật gốc vì gió lớn. Rất may không có tai nạn thương vong về người.


Vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường đối diện tòa nhà khách sạn Chancery cũ, số 196 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3. Theo các nhân chứng, trước khi cây điệp này bật gốc, có một một cơn gió rất mạnh xuất hiện khiến cây đột nhiên bật gốc. Do bị vướng vào dây điện nên, cây điệp không đổ ngay xuống đường. Đến khi đổ rạp xuống đường, cây kéo chùng cả đường dây này.


Mặc dù cây bị bật gốc và ngã đỗ trong thời gian ngắn nhưng không gây thương vong. Có ít nhất hai chiếc taxi bị cành lá của cây này trùm lên.


Một nhân chứng tên Bảo cho biết, một chiếc taxi Mai Linh bị cành cây đổ đè phải đã bị vỡ phần kính phía sau, nhưng xe này đã tự thoát ra và đi tiếp. Tuy nhiên một chiếc taxi bảy chỗ của Saigon Tourist đã bị kẹt lại trong tán cây và không thoát ra được. Cả tài xế và hai khách nước ngoài ngồi trong xe này đã may mắn thoát chết, tự thoát ra khỏi xe và rời khỏi hiện trường.


Sự cố xảy ra vào giờ tan sở đã gây ùc tắc đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn giữa Cách Mạng Tháng Tám và Trương Định. Lực lượng cảnh sát và công nhân cây xanh đã có mặt để phân luồng giao thông và xử lý hiện trường.


Hùng Khương






“Hãy giao quyền xuất khẩu cho nơi làm ra hạt gạo”

“Hãy giao quyền xuất khẩu cho nơi làm ra hạt gạo”

“Hãy giao quyền xuất khẩu cho nơi làm ra hạt gạo”


SGTT.VN - Tự nhận mình là “nông dân đang ngày đêm đối mặt với những sự thật trần trụi của cuộc đời”, trong “bức tâm thư nông dân gởi lãnh đạo Đảng” của ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã thuỷ sản Thới An (quận Ô Môn – TP Cần Thơ) đề ngày 12.8.2013, có đoạn viết: “Nhiều vị lãnh đạo trách rằng nông nghiệp chúng ta sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân rất buồn! Manh mún nhỏ lẻ mà hàng hoá nông sản nhiều loại xuất khẩu nhất nhì thế giới liên tục nhiều năm? Sao ai đó không tự trách mình chưa biến cái nhỏ, lẻ này thành cái lớn lao như mong muốn?


Đến dự hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” do uỷ ban Kinh tế của quốc hội, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và trung ương hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tuần qua, ngoài báo cáo về hiệu quả mô hình liên kết nuôi trồng thuỷ sản, ông Hải còn mang theo cả bức tâm thư này. Ông cho biết, đây là lần bày tỏ nỗi lòng thứ hai sau tờ “đơn xin khoanh nợ vay ngân hàng” mà ông đã trao tận tay thống đốc ngân hàng Nhà nước, khi ông Nguyễn Văn Bình đến thăm hợp tác xã điển hình của Cần Thơ này vào ngày 29.7.2013.


Nông dân: mua gạo ăn giá cao, bán lúa giá rẻ


Trong báo cáo tham luận tại hội thảo, GS.TS Võ Tòng Xuân ray rứt: thực tế hiện nay, tôi vẫn chưa thấy sự đồng bộ trong các lãnh vực kinh tế nước ta, nhất là ở phát triển nông nghiệp. Sự tự phát của nông dân và lãnh đạo cấp cơ sở (nhóm sản xuất nguyên liệu nông nghiệp) thường rất độc lập với chủ trương của tỉnh, Trung ương và các nhà doanh nghiệp (nhóm dịch vụ đầu ra). Nông dân trồng lúa, thành phần đông đảo nhất của nước ta tuy sản xuất khối lượng lúa để chế biến ra gạo xuất khẩu đưa Việt Nam đứng vào hàng thứ nhất nhì trên thế giới, lại là tầng lớp nghèo nhất. Hầu hết nông dân phải lo bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt – thậm chí bán cả lúa non, để trang trải nợ nần.










“Nhiều vị lãnh đạo trách rằng nông nghiệp chúng ta sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân rất buồn! Manh mún nhỏ lẻ mà hàng hoá nông sản nhiều loại xuất khẩu nhất nhì thế giới liên tục nhiều năm? Sao ai đó không tự trách mình chưa biến cái nhỏ, lẻ này thành cái lớn lao như mong muốn? Ảnh: Dân Việt



TS Nguyễn Trần Dương, phó chủ tịch hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM, cũng bày tỏ: “Tôi thật sự đau đớn khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tới thời điểm này vẫn lẩn quẩn trong vòng xoáy mùa vụ và giá cả”. Theo TS Dương, khi nước ta bắt đầu mở cửa hội nhập, nông dân ĐBSCL và liên doanh dầu khí Vietsopetro là hai “nhân vật” đầu tiên đã hội nhập ngay từ những năm 1990, và cho tới bây giờ vẫn tiếp tục phát triển kinh tế hàng hoá với đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, các yếu tố phi thị trường đang tồn tại, hoành hành các sản phẩm nông nghiệp và nông dân bằng các thủ thuật ép giá sản phẩm. Giá lúa rẻ, nhưng giá gạo bán tại chợ nội địa cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu. Nông dân sau khi bán lúa rẻ, ra chợ mua lại gạo IR 50404 cho nhu cầu tiêu dùng giá bán sẽ không dưới 10.000 đồng/kg, một số loại gạo chất lượng cao cũng có giá gấp 3 – 5 lần giá xuất khẩu. Do vậy, “các thông số tính toán lợi thế so sánh nội sinh là cách tiếp cận tốt nhất để giải thoát nông dân. Muốn vậy, cần thiết có những nghiên cứu định lượng mà giảm bớt cách đánh giá chung chung”, TS Dương gợi ý.


GS Võ Tòng Xuân cho biết: “Quyết tâm của Đảng và Nhà nước giao quyền xuất khẩu gạo cho nơi nào làm ra hạt gạo sẽ là một quyết tâm chính trị lịch sử để chấm dứt kiếp làm tôi mọi của nông dân dưới chính thể xã hội chủ nghĩa”. Bức xúc của GS Xuân còn ở điểm nhấn mạnh ở cuối bài tham luận mang tiêu đề “Một giải pháp đồng bộ giải thoát cái nghèo của nông dân trồng lúa Việt Nam”, vì đây là lần thứ ba, GS Xuân phải đề cập lại vấn đề này tại các hội nghị, hội thảo… tính từ năm 2010. Chính vì vậy, GS Xuân bày tỏ hy vọng: “Hội thảo này là lần cuối mà rất nhiều cơ quan, ban ngành phải ngồi lại để bàn về chủ đề này”.


Nông dân “chết” vì khâu trung gian


Báo cáo dài tám trang của viện Nghiên cứu ngô, thuộc viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, chỉ ra hiệu quả kinh tế bình quân đạt 150 triệu đồng/năm và năm sau luôn cao hơn năm trước của công ty CP nông nghiệp Chiềng Sung tỉnh Sơn La. Nhưng khi chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Giàu, đặt vấn đề: “Vì sao không nhân rộng hiệu quả từ mô hình công ty này để vừa tăng hiệu quả sản xuất vừa giảm nhập khẩu?” Rất đơn giản vì “Viện chưa đi hết chuỗi liên kết để phát huy hiệu quả cây ngô”, TS Đặng Ngọc Hạ, viện phó viện Nghiên cứu ngô, giải thích.


Mô hình cánh đồng mẫu với chương trình cùng nông dân ra đồng của công ty CP Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang được đánh giá là ưu việt nhất trong sản xuất lúa ở ĐBSCL ở thời điểm hiện tại. Nhưng lại có quá nhiều thông tin về mức lợi nhuận trong các mô hình cánh đồng mẫu khác, nên chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đặt câu hỏi trực tiếp với nông dân Nguyễn Văn Cường, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình (Châu Thành, An Giang) rằng: “Lợi nhuận chênh lệch thực tế có đạt mức 20 triệu đồng/ha/vụ khi so sánh với sản xuất đơn lẻ?” Ông Cường thừa nhận: “Chênh lệch lợi nhuận giữa trong và ngoài mô hình cánh đồng mẫu theo tính toán thực tế khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ lúa”. Về đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân, nông dân Nguyễn Văn Tắc, nông dân TP Long Xuyên (An Giang) xác định: “20% thì được, chứ 30% thì… khó bởi mặt bằng giá thị trường quá thấp”.


Hiệu quả sản xuất lúa trong các mô hình mẫu đã vậy, ngư dân đánh bắt trên biển càng khó khăn hơn. Ngư dân Huỳnh Văn Minh (Quảng Ngãi) than phiền: “Giá cá ngừ đại dương ở mức 182.000 đồng/kg, ngư dân sống được, nhưng nhiều lúc chỉ còn 45.000 đồng/kg. Cá duồng còn đẹp thông thường giá khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng khi cá về bến với lượng nhiều chỉ còn 3.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại các siêu thị thường ở mức 35.000 đồng/kg”. Thấy được sự bất hợp lý trong khâu lưu thông phân phối, ông Minh đề xuất: “Cần tổ chức, quản lý tốt khâu trung gian để giảm bớt thiệt thòi cho ngư dân, những người đã cố vượt qua nhiều thử thách dài ngày giữa biển khơi”. Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Phát (Bảo Lộc – Lâm Đồng) ông Vũ Văn Cộng cũng than vãn: “Đầu ra của sản phẩm càphê và chè là do tư thương quyết định nên xã viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán nông sản mình làm ra…”


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, phó ban chỉ đạo sơ kết nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau năm năm thực hiện, gợi mở: “Từng sản phẩm phải có phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ riêng, không máy móc mà phải thật sự phù hợp, hiệu quả”. Muốn vậy “phải có thông tin dự báo thị trường tốt chứ nông dân làm sao biết thị trường cần gì… nên họ cứ loay hoay điệp khúc trồng – chặt”, ông Ninh nói. Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định: “Đã đến lúc không thể tiến mạnh mẽ nếu không khắc phục được những nhược điểm cố hữu”.


Ngọc Tùng






Tháng 11.2013, bộ GTVT sẽ hậu kiểm

Tháng 11.2013, bộ GTVT sẽ hậu kiểm

Tháng 11.2013, bộ GTVT sẽ hậu kiểm


SGTT.VN - Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 10.9, chánh thanh tra bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, sau ba tháng có kết luận thanh tra về quản lý hoạt động vận tải đường bộ, dự kiến tháng 11 này, bộ sẽ tiến hành hậu kiểm công tác chấn chỉnh các sai phạm, thiếu sót.


Kết quả kiểm tra tại 18 địa phương (84 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó có 36 hợp tác xã – HTX) hồi giữa tháng 7 vừa qua, bộ GTVT đã phát hiện, xử lý, tước, đình chỉ sử dụng giấy phép 41 đơn vị (trong đó có có tám HTX); thu hồi giấy phép kinh doanh của 31 đơn vị (trong đó có 12 HTX, chiếm 48%); thu hồi 327 phù hiệu và sổ nhật trình (trong đó thu hồi 128 phù hiệu của 24 HTX); 189 lỗi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 567.000.000 đồng.


Ông Huyện nói: Sau khi có kết quả thanh tra tại 18 địa phương như trên, bộ đã có 18 thông báo riêng cho các tỉnh. Trong đó nêu rõ kiến nghị và gợi ý các giải pháp cụ thể đối với từng địa phương, nhắm vào để tập trung giải quyết các sai phạm mà kết luận thanh tra đã chỉ rõ, bởi thực tế qua thanh tra cho thấy lỗi chủ yếu diễn ra ở cấp địa phương, quản lý vận tải ở các sở giao thông địa phương. Vì thế, sau khi kiến nghị rồi, nhưng quan trọng hơn nữa là phải có hậu kiểm để biết được quá trình chấn chỉnh ấy có nghiêm túc không. Cho nên, sau khi các địa phương hoàn tất việc chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, thiếu mà thời hạn bộ đặt ra là ba tháng (đến 31.10), thì bộ sẽ thực hiện hậu kiểm ở tất cả các địa phương nói trên để xem hiệu quả đến đâu, tránh tình trạng biết rồi mà không làm.


Đơn cử, đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thông báo do thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký yêu cầu địa phương này tập trung chấn chỉnh đối với hoạt động vận tải bằng container là công tác cấp phù hiệu và kiểm tra việc chấp hành quy chuẩn thiết bị giá sát hành trình. Bên cạnh đó, việc đình chỉ hoạt động với doanh nghiệp container không có giấy phép cũng phải được thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương.


Hay với Lào Cai, địa phương mà bộ kiến nghị Chính phủ phê bình, thông báo do thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện hoạt động vận tải hành khách, tại các doanh nghiệp mà thanh tra bộ chưa thanh tra. Bộ cũng gợi ý địa phương này thành lập trung tâm giám sát hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình đặt tại sở GTVT. Tương tự, như tại tỉnh Bình Dương, thông báo của bộ cũng tập trung gợi ý các giải pháp chấn chỉnh hoạt động của vận tải container và xe khách tuyến cố định, mà trọng tâm là vấn đề cấp phép, thiết bị giám sát hành trình.


Sau khi có kết quả, bộ này cũng kiến nghị phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình sáu địa phương là: TP.HCM An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hoà, Lạng Sơn vì đã buông lỏng công tác quản lý và cấp phép, thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải container; chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép. 12 địa phương khác là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ cũng được bộ kiến nghị phó Thủ tướng nhắc nhở, tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.


Bên cạnh đó, bộ cũng đã kiến nghị phó Thủ tướng chỉ đạo, cho phép sửa đổi bổ sung nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô; có quy định riêng về loại hình HTX kinh doanh vận tải.


Trung Đức






Hơn phân nửa phải điều chỉnh số liệu

Hơn phân nửa phải điều chỉnh số liệu

Chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp


Hơn phân nửa phải điều chỉnh số liệu


SGTT.VN - Gần 500 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính soát xét, thì có tới hơn một nửa phải điều chỉnh số liệu, trong đó hơn 1/3 từ lãi thành lỗ với khoản chênh lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.


Với những khoản chênh lệch “một trời một vực” về số liệu trước và sau kiểm toán như vậy, khó để chấp nhận lý do “vô tình”. Dù không mới, nhưng đáng báo động là tình trạng yếu kém, thiếu tin cậy về báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh (KQKD) không được như mong đợi hiện nay.











Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông (VID) vừa công bố báo cáo KQKD soát xét sáu tháng đầu năm 2013. Theo đó, mức lỗ đã lên tới 50,66 tỉ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với báo cáo tự lập của doanh nghiệp trước đó là 24,51 tỉ đồng. Nguyên nhân là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 26 tỉ đồng sau soát xét.


Trong số gần 500 doanh nghiệp công bố báo cáo soát xét sáu tháng đầu năm 2013, gần 300 doanh nghiệp có sai lệch về số liệu giữa BCTC tự lập và BCTC sau kiểm toán, trong đó, gần 100 trường hợp phải điều chỉnh tăng về doanh thu, lợi nhuận, số còn lại phải điều chỉnh giảm. Không hiếm trường hợp khoản lỗ tăng thêm hàng chục tỉ đồng mà VID kể trên là một điển hỉnh. CTCP Đầu tư PV2 (PV2) khoản lỗ tăng thêm gần 25 tỉ đồng, từ mức hơn 14 tỉ đồng lên hơn 39 tỉ đồng; CTCP xây dựng số 15 (V15) công bố lỗ hơn 2,9 tỉ đồng, song kết quả kiểm toán cho thấy lỗ tới hơn 26 tỉ đồng...


Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp “qua tay” đơn vị kiểm toán đã từ lãi lớn chuyển sang lỗ nặng. Như CTCP Sông Ba (SBA), BCTC tự lập thể hiện mức lãi xấp xỉ 10 tỉ đồng, song sau soát xét đã thành lỗ gần 13 tỉ đồng. Một ví dụ khác là CTCP dược phẩm Phong Phú (PPP), đơn vị kiểm toán đã làm rõ khoản lỗ 730 tỉ đồng trong khi BCTC của doanh nghiệp thể hiện mức lợi nhuận hơn 1,9 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm. CTCP cung ứng và dịch vụ kỹ thuật hàng hải (MAC) chuyển từ lãi 703 tỉ đồng sang lỗ 537 tỉ đồng…


Bên cạnh việc điều chỉnh lại số liệu lỗ – lãi, đơn vị kiểm toán cũng phát hiện nhiều vấn đề trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó đáng lưu ý nhất là tình trạng nợ nần, khiến nguy cơ thua lỗ lớn hơn, thậm chí dễ dẫn tới mất khả năng thanh toán. Như CTCP Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí (PXI), tại thời điểm 30.6, nợ ngắn hạn phải trả của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền khoảng 106 tỉ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 133 tỉ đồng, cho thấy khả năng thanh toán các khoản công nợ đến hạn của công ty đang gặp khó.…


Tính đến cuối tháng 8.2013, vẫn còn hơn 200 doanh nghiệp chưa công bố BCTC soát xét sáu tháng đầu năm 2013. Trong số này, có nhiều tên tuổi lớn, liên quan đến lĩnh vực kinh doanh khó khăn nhất trong năm vừa qua là xây dựng, bất động sản, như PVX, CII, HAG, ITA, KBC, QCG… Và thời hạn phải hoàn thành báo cáo soát xét càng tới gần, chắc chắn sẽ càng có thêm nhiều doanh nghiệp bị phát hiện có sai lệch trong báo cáo tài chính.


Thảo Nguyễn






Kiên Giang mình... hết đẹp

Kiên Giang mình... hết đẹp

Càphê thể thao


Kiên Giang mình... hết đẹp


SGTT.VN - Kết thúc mùa giải 2013, ngoài Sài Gòn Xuân Thành đương nhiên rớt hạng do bỏ cuộc, các đội còn lại đều trụ hạng. Và câu hỏi, “làm sao để sống” trở thành câu hỏi khó đến quay quắt. Nghe tin Bình Dương chi cả triệu USD để làm mới đến 90% đội hình cho mùa bóng 2014, các lãnh đạo đội bóng khác đành thở dài. Có vẻ như Bình Dương luôn nằm ngoài quỹ đạo thiếu tiền của bóng đá Việt Nam. Dù, chả hiểu tiền ở đâu lắm thế?!










Kiên Giang làm thế nào để thoát qua cơn "bĩ cực" này đang là chuyện "nóng". Ảnh: internet



Thôi thì Bình Dương chẳng kể đến làm gì vì họ quá lạ, những đội bóng khác đang ngập trong nỗi lo túng thiếu. Sông Lam Nghệ An, đội bóng là nạn nhân bị Bình Dương “rút ruột” đành ngậm cười khi bộ ba Trọng Hoàng, Văn Hoàn và Văn Bình ra đi, vì không đáp ứng được cái giá “các chú ở Bình Dương đề nghị với cháu thế, các bác xem xét thế nào?” Tương tự Sông Lam Nghệ An, Đồng Nai về đích ở hạng 7 V-League với đội hình bị coi là không mạnh lắm, giờ họ còn lo ngại hơn trước mùa bóng mới khi hàng loạt cầu thủ chủ chốt của mình, kẻ ra Bắc người về miền Trung. Tất cả bởi tiền chỉ có thế, chịu thôi.


Nhưng có lẽ bi kịch nhất trong các đội bóng chính là Kiên Giang. Gắn tên với nhà tài trợ là ngân hàng Kiên Long, nhưng đội bóng Kiên Giang chưa bao giờ có đủ tiền chứ đừng nói là có dư. Bắt đầu mùa bóng 2013, chuyện nợ tiền lót tay các cầu thủ mới, tổ chức giải đấu giao hữu nhưng đến khi đội khách thắng cuộc, chờ hoài chẳng thấy tiền thưởng đã eo sèo. Vào mùa bóng, các cầu thủ đội bóng này phải sống lay lắt, thậm chí để ra được Thanh Hoá thi đấu những vòng cuối, ông giám đốc điều hành đội bóng phải cam kết sẽ trả tiền để cầu thủ chịu vào sân, thậm chí cầm giấy tờ nhà để kiếm tiền cho đội mua vé máy bay, đặt khách sạn, có cái để ăn.


Bi kịch chưa dừng ở đó, cuối mùa bóng vì chưa thể kiếm đâu ra tiền để trả nợ hai tháng lương, tiền lót tay cho cầu thủ, lãnh đạo đội bóng trốn biệt. Huấn luyện viên Lại Hồng Vân đóng cửa nhà ở Rạch Giá về lại Đồng Tháp, những lãnh đạo khác điện thoại chẳng thể liên lạc. Nổi nóng, ba ngoại binh bị đội bóng thiếu tiền đã vào tận nhà ông giám đốc điều hành Trương Thanh Hồng để hò hét đòi nợ khiến khu phố náo loạn, công an phải giải vây. Hôm qua, các cầu thủ nội cũng đã tính chuyện hè nhau xuống Rạch Giá để “quậy” đến khi nào đòi được tiền mới thôi. Nhưng có lẽ họ đang cân nhắc bởi “các chú ở đội bóng đã họp và cũng tình thiệt rằng, giờ cũng chưa biết tìm tiền ở đâu để trả nợ”, như một cầu thủ nói.


Giờ thì Kiên Giang mình hết đẹp chứ chẳng như bài hát Kiên Giang mình đẹp lắm mà Phương Mỹ Chi hát đến mê lòng nữa rồi.


Thảo Du






Có vùng nguyên liệu mới được xuất khẩu gạo

Có vùng nguyên liệu mới được xuất khẩu gạo

Có vùng nguyên liệu mới được xuất khẩu gạo


SGTT.VN - Ngày 10.9, bộ Công thương tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo tại TP.HCM.


Để được xuất khẩu gạo, ngoài việc đáp ứng hai tiêu chí tại nghị định 109 là phải có kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo đủ tiêu chuẩn, một trong những tiêu quan trọng trong nội dung Quy hoạch lần này là doanh nghiệp phải có thêm vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa.


Việc chứng nhận điều kiện này do lãnh đạo ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bằng văn bản. Nếu thương nhân không duy trì được tiêu chí này sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận và chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận sau thời hạn một năm. Cũng theo “Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo”, đến năm 2015 Việt Nam chỉ có 150 đầu mối xuất khẩu gạo (so với 100 hiện nay).


Hoàng Bảy






Bí mật của nước

Bí mật của nước










Bí mật của nước


SGTT.VN - “Nước có một đời sống bí ẩn. Nó chỉ cho ta biết làm thế nào để tìm ra hạnh phúc. Nó tiết lộ ý nghĩa của tình yêu dành cho thiên nhiên. Nó chỉ cho chúng ta con đường mà nhân loại đã đi qua để trả lời những câu hỏi mà ta hằng trăn trở”.


Mở đầu bằng sự cấu thành các tinh thể nước – nguồn gốc của sự sống, cuốn sách bằng một cách tinh tế đã dẫn dắt người đọc trở về với bản ngã và đánh thức những cảm xúc sâu kín nhất tưởng chừng như đã ngủ quên trong mỗi con người. Sách được New York Times bình chọn sách bạn chạy nhất và đã được dịch ra 24 ngôn ngữ, bán trên 1 triệu bản.


Thaihabooks và NXB Từ Điển Bách Khoa, giá: 55.000đ


N.Th






Chuyện rừng xanh 1 và 2

Chuyện rừng xanh 1 và 2










Chuyện rừng xanh 1 và 2


SGTT.VN - Câu chuyện về Mowgli – cậu bé người sói nổi tiếng luôn thu hút độc giả kể cả người lớn và thiếu nhi kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1895.


Hai tập sách có thể coi là tập hợp những mẩu chuyện hay, thú vị và nhiều suy tưởng nhất về đời sống hoang dã của nhà văn Rudyard Kipling. Tại Việt Nam, tuy đã được chuyển ngữ và xuất bản nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên Chuyện rừng xanh xuất hiện với bản dịch trọn vẹn.


Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn, hai tập, giá: 121.000đ/bộ


N.Th






Uống hà thủ ô chữa bạc tóc?

Uống hà thủ ô chữa bạc tóc?

Uống hà thủ ô chữa bạc tóc?


Con gái tôi mới 15 tuổi nhưng tóc đã bạc rất nhiều. Tôi nghe nói hà thủ ô chữa bạc tóc rất tốt nhưng dễ gây nóng, nổi mụn, táo bón… Vậy có nên kết hợp hà thủ ô với một số vị thuốc khác như đậu đen, mè đen… không?


Lê Phương Dung (TP.HCM)











BS.CK2 Trần Văn Năm, phó viện trưởng viện Y dược học dân tộc TP.HCM: Con gái chị 15 tuổi mà tóc bạc nhiều như vậy được gọi là chứng tóc bạc sớm. Người châu Á khi tóc bạc trước tuổi 20 là mắc chứng tóc bạc sớm, nguyên nhân do có sự bất thường trong hoạt động của tế bào hắc tố (melanocyte) có chức năng tạo nên sắc tố melanin, đó là màu đen của tóc, da... Tóc bạc sớm có thể do di truyền (nhiều người trong gia đình bị tóc bạc sớm); bệnh ở tuyến yên; tuyến giáp trạng; căng thẳng tinh thần; sau một bệnh nặng; thiếu vitamin B12... Nên đưa con chị đến bác sĩ khám nhằm tìm xem chứng tóc bạc sớm này có nguyên nhân gì, phải chữa nguyên nhân thì điều trị mới hiệu quả.


Con gái chị 15 tuổi mà tóc bạc nhiều như vậy được gọi là chứng tóc bạc sớm. Người châu Á khi tóc bạc trước tuổi 20 là mắc chứng tóc bạc sớm, nguyên nhân do có sự bất thường trong hoạt động của tế bào hắc tố (melanocyte) có chức năng tạo nên sắc tố melanin, đó là màu đen của tóc, da... Tóc bạc sớm có thể do di truyền (nhiều người trong gia đình bị tóc bạc sớm); bệnh ở tuyến yên; tuyến giáp trạng; căng thẳng tinh thần; sau một bệnh nặng; thiếu vitamin B12... Nên đưa con chị đến bác sĩ khám nhằm tìm xem chứng tóc bạc sớm này có nguyên nhân gì, phải chữa nguyên nhân thì điều trị mới hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của các thầy thuốc đông y (thực tế nhiều người sử dụng cho kết quả tốt): hà thủ ô là vị thuốc chính điều trị chứng bạc tóc, tuy nhiên mỗi người có thể tạng khác nhau (gầy, thừa cân, nóng, lạnh...) nên phối hợp với các vị thuốc khác để có hiệu quả hơn hoặc giảm phản ứng khó chịu của hà thủ ô khi dùng đơn độc. Đậu đen, mè đen... thường phối với hà thủ ô để có hiệu quả tốt hơn. Ngoài hà thủ ô, thuốc nam còn có trái dâu tằm, cỏ mần trầu... nhiều người sử dụng cho kết quả tốt.


Tuy nhiên, trước khi sử dụng loại thuốc gì, chị nên tham khảo ý kiến thầy thuốc có kinh nghiệm, và cần khám bệnh trước cho cháu rồi hãy tính chuyện điều trị cách nào.






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ