Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Đề xuất thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại

Đề xuất thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại

Đề xuất thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại


SGTT.VN - Ngày 4.10.2013, Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam”.


Theo báo cáo, thương mại đang đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, do đó tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai của Việt Nam cần dựa trên tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cao hơn. Dù xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong những năm khó khăn (tăng trưởng 34% trong năm 2011, 18% năm 2012, 20% trong quý 1 năm 2013), nhưng Việt Nam chưa đạt được thành công trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch trên chuỗi giá trị toàn cầu. Khả năng Việt Nam có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” cũng phụ thuộc vào khả năng xây dựng nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn.


Một số khuyến nghị chính sách đã được đề xuất trong báo cáo: thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại để đưa ra kế hoạch hành động quốc gia cho tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại; phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông; đơn giản hóa thủ tục pháp quy để giảm thời gian, chi phí và tăng độ tin cậy của thương mại biên giới; tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến để tạo ra giá trị, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.


Các Ngọc






Truyền thông quốc tế nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Truyền thông quốc tế nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Truyền thông quốc tế nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp


SGTT.VN - Các hãng thông tấn và báo chí quốc tế hôm nay đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng chỉ huy chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, giúp chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam.











AFP đưa tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của Việt Nam với những chiến thuật tài tình để đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua đời ở tuổi 103.


Hãng thông tấn của Pháp nhắc đến việc Tướng Giáp là người Việt Nam được thế giới biết tới nhiều chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những chiến thuật du kích của ông đã truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân khắp toàn cầu.


Hãng tin cũng nói về phản ứng của những người dùng Internet tại Việt Nam sau khi sự ra đi của Tướng Giáp được công bố. "Xin hãy yên nghỉ, người anh hùng của nhân dân. Ông sẽ mãi mãi là vị tướng vĩ đại nhất của chúng tôi", AFP dẫn bình luận của một người dùng mạng xã hội.


Với dòng tiêu đề "Tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam từ trần", hãng truyền thông BBC đưa tin vị tướng Việt Nam từng quân sư cho những chiến thắng chống Pháp và Mỹ, vừa qua đời ở tuổi 103. Báo cho biết việc ông Giáp đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 đã chấm dứt chế độ thuộc địa trong khu vực.


"Ông tiếp tục giám sát cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân chống lại Mỹ năm 1968, và thường được cho là một trong những nhân tố khiến người Mỹ rút lui", hãng này viết.


Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên "là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954". Chiến thắng đó, vốn vẫn đang được giảng dạy trong các trường quân sự, không chỉ đưa Việt Nam đến độc lập mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và xa hơn thế nữa, AP viết. Hãng tin AP nhận định: “Là một anh hùng dân tộc, ông Giáp để lại một di sản chỉ đứng sau duy nhất người thầy của mình, chủ tịch sáng lập và nhà lãnh đạo giành độc lập cho đất nước, Hồ Chí Minh”.


"Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20", hãng tin Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, một tác giả từng được giải Pulitzer, viết về chiến tranh Việt Nam, hồi năm 2008. "Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối", Stanley cho biết.










Giây phút vui vẻ của Đại tướng với các tướng lĩnh, sĩ quan binh chủng Phòng không không quân (1995). Ảnh: TL



Bản điện tử của Nhân dân Nhật Báo, Tân Hoa Xã và các báo Trung Quốc cũng đưa tin vị tướng lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam qua đời. Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh", hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá.


Sau khi điểm lại những sự kiện quân sự quan trọng gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, The Diplomat cho biết, nhiều năm sau này, các nhà lãnh đạo khắp thế giới, khi thăm Việt Nam, vẫn xếp hàng để gặp ông, trong đó có Tổng thống Brazil Lula da Silva, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, nhà lãnh đạo Nam Phi Thabo Mbeki.


Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London, đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.


Tân bách khoa toàn thư của nước Anh (xuất bản năm 1985) trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutudôp, Napoléon... đã giới thiệu hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (tập 10, tr.88) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tập 10, tr. 493-494).


Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.


G.Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, cũng đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.










Đại tướng đang ngồi chờ tàu ở ga Geneva như những hành khách khác để đến Zurich, Thuỵ Sĩ (21.9.1996). Ảnh: TL



Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị tổng tư lệnh, đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...


Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.


Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.


Trong số ra ngày 9.2.1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng bài viết dài, kèm theo bức ảnh vẽ trang bìa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bài viết với tít lớn nổi bật, nguyên văn tiếng Anh North VietNam: The Red Napoleon, tác giả bài viết đã dành một lượng lớn thông tin nói về Tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt xuất kèm theo câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: "Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike". (Tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).


Theo các nguồn tin của báo chí trong nước, vị Đại tướng đầu tiên - Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h09 chiều nay tại Viện quân y 108 ở Hà Nội khi ông vừa qua tuổi 103. Thi hài của ông được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.


Sinh ngày 25.8.1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam.


Tổng hợp (VnExpress/GDVN/TPO/AP/BBC)






Hiệu quả chưa như mong đợi!

Hiệu quả chưa như mong đợi!

Giảm tải chấn thương chỉnh hình


Hiệu quả chưa như mong đợi!


SGTT.VN - Xây dựng khoa vệ tinh của những bệnh viện chuyên khoa quá tải tại bệnh viện tuyến dưới được xem là ý tưởng tốt để giúp giảm tải phần nào bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng, trong khi cách làm này khá thành công ở nhi khoa, thì ở chấn thương chỉnh hình lại gặp nhiều trục trặc cần tháo gỡ.










Áp lực quá tải tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM quá lớn, nhưng các khoa vệ tinh lại chưa chia sẻ được như mong đợi.



Lãng phí nhân lực


Trái với những hy vọng ban đầu, “mối lương duyên” của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và hai vệ tinh – bệnh viện An Bình và bệnh viện Tân Phú – chưa “khăng khít” dù quan hệ này đã ra đời từ chín tháng đến hơn một năm. Đầu tháng 7.2012, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM ra mắt khoa vệ tinh tại bệnh viện An Bình. Với 100 giường đặt tại đây, nhiều người hy vọng nó sẽ giảm tải được phần nào ở bệnh viện chính, vốn quá chật chội, xuống cấp và công suất khai thác giường đã lên tới 140%.


Nhưng sau hơn một năm kết hợp, hai đơn vị vẫn chưa nhìn cùng hướng đi. Thật ra, khoa vệ tình này thực chất chỉ là chỗ nằm nghỉ dưỡng cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, chứ không giải quyết được chuyện chuyên môn nào như mong đợi. Muốn phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình dù bệnh viện An Bình có tới sáu phòng mổ. Vì sao có điều trớ trêu như thế? Theo đại diện ban giám đốc bệnh viện An Bình, để mổ bệnh chấn thương chỉnh hình, phòng mổ phải được cải tạo lại cho phù hợp, chưa kể còn phải mua sắm thêm trang thiết bị, điều này chưa làm được vì chưa có kinh phí.


Tình hình khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình bệnh viện Tân Phú cũng không khác. Ra đời vào cuối năm 2012 với mục tiêu 100 giường bệnh, nhưng sau chín tháng hoạt động, khoa mới kê được 30 giường với lượng bệnh hàng ngày tròm trèm 20 người từ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chuyển sang. Bác sĩ Đinh Thanh Hưng, giám đốc bệnh viện Tân Phú, cho biết nơi đây có ba phòng mổ, sẵn sàng để riêng một phòng giải quyết các bệnh chấn thương chỉnh hình, nhưng vấn đề ở đây là bệnh viện không có trang thiết bị chuyên dụng để mổ và bệnh nhân mắc các bệnh này cũng không nhiều. Một bác sĩ khoa ngoại tiết lộ: “Mỗi ngày bệnh viện có 70 – 80 ca cấp cứu, trong đó có 10 – 15 ca chấn thương, còn bệnh nhân nằm ở khoa chỉ khoảng năm người”.


Vướng mắc chính của khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình bệnh viện Tân Phú nằm ở chỗ chưa xây dựng được danh mục kỹ thuật (hợp đồng chuyên môn hai bên chưa có), vì thế bảo hiểm y tế không thể thanh toán cho người bệnh. Chưa gỡ được điều này thì vẫn còn tình trạng lãng phí nhân lực: mỗi ngày bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cử đến đây sáu bác sĩ và mười điều dưỡng, chưa kể hai bác sĩ của bệnh viện Tân Phú sang học nghề, số lượng hùng hậu như thế mà chỉ thăm khám và làm hồ sơ cho 20 bệnh nhân thì quả là uổng phí!


Cần đi vào thực chất


Trong thực tế, dường như những đối tác tham gia khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình chưa thông suốt mô hình này. Lấn cấn chính ở đây có lẽ là cơ chế tài chính chưa rõ ràng, vì thế các bên chưa mặn mà đi tới. Tại buổi làm việc giữa sở Y tế TP.HCM và các bên liên quan vào ngày 3.10, một thành viên ban giám đốc bệnh viện An Bình cho biết một số nhân viên ở đây đặt vấn đề vì sao bệnh viện dành ra một khoa 100 giường, nhưng hàng tháng lại chỉ nhận được 20 – 25 triệu đồng từ đối tác. Trong khi đó, đại diện bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho rằng câu chuyện ở đây là hai bên chưa xây dựng được cơ chế tài chính. Tại bệnh viện Tân Phú, một lãnh đạo bệnh viện thừa nhận: “Về chuyên môn lẫn tài chính chúng tôi chưa thấy được lợi ích nào”.


Nhưng không chỉ các đối tác tham gia mô hình vệ tinh chấn thương chỉnh hình chưa nhận diện được lợi ích, ngay bệnh nhân cũng chẳng thấy được bao nhiêu lợi ích trong chuyện này. Tại bệnh viện An Bình, để lên khoa vệ tinh chấn thương chỉnh hình ở lầu 1, bệnh nhân phải đi thang bộ vì nơi đây không có thang máy. Cần lưu ý, đây là những bệnh nhân có vấn đề về vận động! Nhiêu khê tiếp theo là muốn làm các biện pháp cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm), bệnh nhân diện bảo hiểm y tế phải quay lại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để làm, vì quan hệ giữa hai đơn vị chưa được Bảo hiểm xã hội TP.HCM công nhận. Không công nhận nên không thể thanh toán chi phí bảo hiểm! Ở bệnh viện Tân Phú, cơ sở vật chất rất sạch đẹp, khang trang và rộng rãi vì bệnh viện ra đời chưa đến một năm, nhưng bệnh nhân của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không ai muốn đến vì quá xa và chưa đủ niềm tin. Một bác sĩ của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình nói: “Chúng tôi phải chụp hình bệnh viện Tân Phú và giới thiệu cặn kẽ, bệnh nhân mới chịu đến”.


Với những đặc thù khác biệt về bệnh lý, phương pháp và trang thiết bị điều trị so với nhi khoa, sự trục trặc bước đầu của mô hình vệ tinh chấn thương chỉnh hình cũng là dễ hiểu. Thế nhưng câu chuyện ở đây là cần sự vào cuộc gỡ rối từ sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Một điều quan trọng không kém: Đã đến lúc ngành y tế cần ngồi lại tổng kết mô hình vệ tinh của nhiều chuyên khoa khác nhau, nhận ra những vấn đề cần khắc phục, nhằm đưa mô hình đi vào thực chất. Trước áp lực quá tải bệnh nhân chấn thương chỉnh hình, vừa qua bộ Y tế đã đặt vấn đề xây dựng bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện 175. Trong khi đó, có thông tin bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng muốn phát triển khoa chấn thương chỉnh hình. Sự phát triển những cơ sở này chắc chắn đòi hỏi căng kéo nhân lực của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.


Một bác sĩ lâu năm trong ngành băn khoăn: “Phải chi viện nhân lực giỏi đi khắp nơi, tại chỗ còn người đâu để làm việc?”


bài và ảnh: Phan Sơn






Cơn tai biến thoáng qua có nguy hiểm?

Cơn tai biến thoáng qua có nguy hiểm?









Thiếu máu não do tắc mạch.



Cơn tai biến thoáng qua có nguy hiểm?


Tôi đang dừng đợi đèn xanh ở ngã tư thì cảm giác choáng váng, bủn rủn chân tay, tê nửa người và té khỏi xe máy. Được đưa vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tôi bị cơn tai biến thoáng qua. Xin hỏi tình trạng này có nguy hiểm, có cần điều trị ngay?


Mỹ Loan (TP.HCM)


GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông, phó chủ tịch hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam, chủ nhiệm khoa thần kinh bệnh viện Trung ương quân đội 108: Tai biến thoáng qua, thuật ngữ y học còn gọi là cơn thiếu máu não cục bộ thoảng qua. Đây là một trong những nguy cơ dẫn đến đột quỵ não. Theo nghiên cứu tại Mỹ, nếu trong một tuần có ba cơn thiếu máu não thoáng qua thì phải vào viện điều trị. Nếu bạn bị tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh tim mạch… thì bắt buộc phải vào bệnh viện kiểm tra toàn diện để tìm nguyên nhân dẫn tới thiếu máu não thoáng qua và ngăn chặn tái phát. Bạn đã có cơn thiếu máu não cục bộ thoảng qua và nguy cơ tái phát rất cao, tôi khuyên bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân dẫn tới cơn thiếu máu não cục bộ và có giải pháp điều trị phù hợp.






Có nên bảo quản bánh tét trong lu nước?

Có nên bảo quản bánh tét trong lu nước?

Có nên bảo quản bánh tét trong lu nước?


Bà nội tôi ở quê rất hay gói bánh tét cho con cháu ăn. Mỗi lần làm xong, bà bỏ bánh vô lu nước để bảo quản, giúp bánh lâu hư thêm khoảng một tuần. Không biết cách này có bảo đảm an toàn thực phẩm?


Bích Lan (bichlan2008@...)











Ngày xưa ở miền Bắc, bánh chưng thường được bỏ xuống ao để bảo quản. Đó là một loại tủ lạnh thiên nhiên với nhiệt độ dưới 4oC, nên thời gian bảo quản có thể kéo dài hơn. Bảo quản bánh tét trong lu nước cũng có nguyên tắc tương tự, tuy nhiên lời khuyên trong trường hợp này là không nên, vì thức ăn bảo quản càng dài càng mất chất dinh dưỡng cho dù bảo quản bằng hình thức nào. Khả năng nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn cũng cao hơn nếu thời gian kéo dài. Bánh tét ngày nay đã có thể mua quanh năm, vì vậy nên tính toán sao cho lượng bánh trong nhà ăn vừa đủ trong khoảng năm ngày. Nếu nhà nấu bánh lấy, và còn thừa phải bảo quản trong lu nước như bạn nói, tốt nhất nên nấu lại hoặc chiên kỹ trước khi ăn.


ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc(hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM)






Có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ không?

Có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ không?

Có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ không?


Tôi đọc trên Facebook có bài viết về bệnh đau mắt đỏ khuyên mọi người nên mua sẵn thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ để trong nhà (thuốc corticoid, cidofovir…), nếu có người nhà bị đau mắt đỏ, nhỏ thuốc này sẽ diệt được virút gây bệnh, không cần đến bệnh viện. Thông tin này có đáng tin?


Linh Tuấn (linhtuan123@...)


ThS.BS Hoàng Cương, phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương:











Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc – giác mạc do chủ yếu adenovirus gây ra. Đáng buồn là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị adenovirus, cho dù có một vài báo cáo nói về việc bệnh có đáp ứng tốt với cidofovir và trifluridine.


May thay, đa phần bệnh nhân thấy bệnh tự thuyên giảm và khỏi sau 7 – 10 ngày. Khi bệnh nhân đến với các bác sĩ chuyên khoa mắt thì công việc của chúng tôi chỉ là điều trị triệu chứng. Thường các bác sĩ sẽ kê đơn theo cùng một công thức: nước muối sinh lý, hay tốt hơn là nước mắt nhân tạo, có tác dụng xoa dịu những khó chịu trên mắt, kháng sinh loại nhỏ – để phòng bội nhiễm, đôi khi là corticoid tra nhỏ tại chỗ. Nước mắt nhân tạo loại có chứa các chế phẩm nhầy và bôi trơn thực sự hữu ích nếu bạn có khô mắt kèm theo, hay bề mặt giác mạc bị tổn thương. Điều trị phẫu thuật chỉ là thiểu số cho những trường hợp có di chứng. Việc sử dụng corticoid phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt bởi có nhiều rủi ro và phải được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, quyết định. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chứa corticoid trong điều trị. Nếu dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây tai biến do thuốc (như dị ứng), làm trầm trọng thêm bệnh.






Cần một nền giáo dục tinh tế

Cần một nền giáo dục tinh tế

LTS. Ở một trường mầm non giữa thủ đô, nhân lễ quốc khánh nhà trường mời đoàn xiếc đến diễn cho các em xem. “Từ phòng giám hiệu, tiếng cô giáo trên loa tròn vành rõ chữ: Alô! Đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân!” (trích bài viết của một phụ huynh trong trường phản ánh lên báo chí). Hành động phản sư phạm, phản nhân văn trên đã khiến nhiều em ngồi khóc, nhiều phụ huynh bất bình. Có người đặt vấn đề: đây chính là một kiểu bạo lực học đường, vì sự tàn nhẫn của người lớn đã làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ thơ!


GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), đã có ý kiến xác đáng về vấn đề trên, xin giới thiệu đến độc giả.


Chuyện cuối tuần


Cần một nền giáo dục tinh tế


SGTT.VN - Đó là một sự việc cá biệt, xảy ra tại một trường học cụ thể, nhưng rõ ràng, thấp thoáng đâu đó có thể nhìn thấy những sự việc có liên quan, trong việc ứng xử với học sinh của những nhà sư phạm. Từ chuyện phân biệt học sinh cá biệt, từ những vụ việc trộm cắp trong trường đã vội truy vấn, thậm chí báo công an để các em học sinh sụp đổ tinh thần dẫn đến việc tự tử… là những cách ứng xử thiếu nhân văn, phản giáo dục.










“Đừng gieo vào trẻ những tính toán thiệt hơn, ăn thua, máy móc”. Ảnh: Thanh Hảo



Ở đây, ngay cả trường hợp những em nhỏ nào đó không cùng trường, đi ngang thấy hay ghé vào xem xiếc mình cũng không nỡ đuổi ra vì đó thật sự không phải là một hoạt động kinh doanh, bán vé để thu lợi nhuận. Đằng này, lại là học sinh của trường mà làm thế thì tác động lớn đối với tâm lý học sinh, đứa trẻ đau khổ và có thể nhìn thấy được qua sự khóc than; trong khi ngoài kia bạn bè cùng trường, cùng lớp vui vẻ reo hò. Người lớn, mà cụ thể là thầy cô, không nghĩ đến việc mình đã đánh vào tâm lý của trẻ, một sự trừng phạt quá mức; điều đó cũng dễ tạo ra mặc cảm, oán hận của đứa trẻ đối với người thân, xin tiền không cho nên không được xem xiếc; oán hận thầy cô vì hình phạt; oán hận bạn bè vui trong sự thiệt thòi, bị cô lập của mình…


Câu chuyện này còn là bài học giáo dục sâu sắc tại một trường học cụ thể. Rồi sẽ có những câu chuyện tương tự như thế, khi chính thầy cô không điều khiển được hành vi của mình. Nếu người thầy bình tĩnh một tí, cân nhắc một tí về hậu quả của sự việc ấy với vấn đề giáo dục trẻ thì chắc sẽ hành xử khác. Cho nên đối với người làm công tác giáo dục, những tình huống như thế bao giờ cũng phải đặt vấn đề hậu quả giáo dục ấy đến mức độ nào mới làm được, không nên cứng nhắc xử sự như đang đứng trong môi trường kinh tế, tiền nong sòng phẳng. Trong khung cảnh sư phạm, bao giờ cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của ứng xử về mặt giáo dục.


Trong sự việc này, phải nhận ra rằng các em ấy không có lỗi. Việc không đóng tiền có thể vì bố mẹ quá nghèo không thể cho, hoặc quên cho con, hoặc đã cho mà con quên nộp. Đối với lứa tuổi ngây thơ, trong sáng như thế thì khuyến khích là chủ yếu. Ngay cả sau này, khi họp phụ huynh cũng đã có quy định không được nêu tên cụ thể những em chưa tốt, chưa ngoan, chưa đóng tiền… Nếu cần phải nói chuyện riêng với phụ huynh.


Việc nêu tên, cấm cản tạo nên kỳ thị lớn, mà như vậy hoàn toàn phản giáo dục. Nếu coi các em ấy chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền như đã thông báo, một nhà sư phạm đúng nghĩa hoàn toàn có thể biến đó trở thành một bài giảng tinh tế, cho các em ấy một bài học tích cực khi cứ cho các em ra xem, sau đó tế nhị khuyên bảo các em chú ý hơn trong việc tuân thủ quy định, em nào quên đóng tiền có thể báo phụ huynh đóng sau.


Nhân đây xin nói đến chuyện mới nhất còn gây tranh cãi là việc không cho điểm lớp 1 mà chỉ bằng nhận xét của giáo viên, chuyện này cũng liên quan đến việc hành xử thế nào cho những mầm non không bị tổn thương bởi sức ép từ phía gia đình và nhà trường trong việc cho điểm. Theo tôi, tuổi này chưa phải là tuổi cạnh tranh để xếp hạng thứ tự. Đi học là để biết chứ không phải để sắp xếp thứ tự nhất với bét; điểm số chỉ phản ánh một phần, quan trọng là bài học và kiến thức thẩm thấu đến đâu trong họ.


Đây là bản lĩnh sư phạm của người thầy. Để dạy học sinh trở thành một người tốt, làm những điều hay, lẽ phải thì bản thân người giáo viên hãy cho chúng cảm nhận được những phẩm chất ấy đang hiện diện trước mắt chúng ở người thầy, người cô. Đã làm giáo dục thì mục tiêu giáo dục phải đưa lên hàng đầu, ngay từ khi các em học sinh còn rất nhỏ, đừng gieo vào các em những tính toán thiệt hơn, ăn thua, máy móc. Chúng ta cần một nền giáo dục tinh tế, mà những hành xử từ cấp quản lý như ban giám hiệu đến những cán bộ đứng lớp như thầy cô phải gieo cho các em niềm tin, bài học tích cực trong việc đối nhân xử thế.


Trung Dũng (ghi)









Đừng biến trẻ thành đối tượng của một nền công lý không công bằng


Trách nhiệm đầu tiên của nhà giáo (dù đối với trẻ sơ sinh hay trẻ đã lớn) là nhìn nhận nhân cách của con người trẻ tuổi và tôn trọng nó.


Trẻ em sống trong môi trường do người lớn tạo ra là sống trong một thế giới không hề đáp ứng những nhu cầu của chính trẻ về vật chất và quan trọng hơn nhiều, về tinh thần (mà sự thoả mãn nhu cầu tinh thần giúp trẻ phát triển về mặt trí tuệ và đạo đức). Trẻ bị người lớn nhiều quyền lực hơn áp chế; bị họ coi nhẹ nguyện vọng, và ép buộc trẻ phải thích ứng với môi trường thù địch trong khi người lớn cứ ngây thơ cho rằng như thế là giúp trẻ phát triển về mặt xã hội. Hầu hết những hành động được gọi là giáo dục đều thấm nhuần quan điểm rằng trẻ phải chịu thích ứng trực tiếp – do đó áp đặt một cách thô bạo – với thế giới người lớn. Sự thích nghi này dựa trên việc vâng lời vô điều kiện, dẫn đến sự phủ định cá tính của trẻ, sự phủ định mà trong đó trẻ là đối tượng của một nền công lý không công bằng, chịu tổn thương và hình phạt mà không người lớn nào có thể chấp nhận.


… Một phương pháp công bằng và nhân đạo với trẻ là tạo ra môi trường “thích nghi” khác với môi trường áp đặt, là nơi trẻ sinh hoạt và tạo nên tính khí của trẻ. Thực hiện bất cứ hệ thống giáo dục nào cũng nên bắt đầu bằng việc tạo môi trường giúp trẻ tránh khỏi những trở ngại khó khăn và nguy hiểm đầy đe doạ từ thế giới người lớn. Phải tạo ra một nơi ẩn náu trong cơn bão táp, một ốc đảo giữa sa mạc, một nơi trên thế giới để tâm hồn nghỉ ngơi nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho trẻ.


Maria Montesssori (1870 – 1952, người sáng tạo phương pháp giáo dục nổi tiếng mang tên mình)







Bài 1: Ký ức tuổi thơ...

Bài 1: Ký ức tuổi thơ...

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 – 25.8.2011)


Sầm Sơn, một chiều sau cơn bão


LTS: Ngày 25.8.2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn trăm tuổi. Một thế kỷ đời người, ông vẫn ung dung tự tại sau bao biến thiên của lịch sử và thời cuộc. Tướng W. Westmoreland – người thua cuộc của Tướng Giáp – gọi ông là “Vị tướng huyền thoại”. Bách khoa toàn thư quân sự của Mỹ và nhiều nước khác viết về ông: Tên tuổi và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. NXB Thames & Huson chọn ông là một trong 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua. “Là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh” – Ducan Townson, tác giả cuốn sách giới thiệu 59 vị tướng nói trên, nói về ông.


Lớn lao là thế, vinh quang là thế nhưng ông vẫn là “anh Văn” thân thương của biết bao thế hệ người Việt Nam. Ông là điểm tựa của niềm tin, của một sức mạnh tinh thần, bởi ông có một tâm hồn đủ rộng để dành tất cả cho dân cho nước.


Nhân dịp lễ đại trường thọ này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Sài Gòn Tiếp Thị trân trọng giới thiệu bài viết tinh tế của phó giáo sư văn học Pháp, Đặng Thị Hạnh về ông.


Bài viết đăng trên Sài Gòn Tiếp thị Online ngày 22.8.2011.


Bài 1: Ký ức tuổi thơ...



SGTT.VN - Chị tôi và tôi thân nhau từ khi còn rất bé. Đó là một điều tự nhiên bởi trong một gia đình đông con, hai chị em sát tuổi nhau thường thân nhau. Tuy nhiên, nếu tìm hỏi chân trời xa nhất của ký ức, tôi đã không nhìn thấy chị tôi ở đấy, mà lại là dì tôi, nhưng vẫn có một người đã nhìn thấy hai chị em tôi cùng chơi trong sân nhà ông ngoại tôi ở làng Quỳnh, đó là người sau này chị tôi sẽ gắn bó cả cuộc đời.


Anh Văn (1) đã kể lại là sau khi được ra tù năm 1931, anh ra Vinh và có một thời gian học chữ Hán với ông ngoại tôi (2) ở làng Quỳnh. Anh đã nhìn thấy Hà và Hạnh chơi ở ngoài sân, cái sân đất bột vàng vàng mà mỗi khi trời mưa giông mùa hè lại có một mùi khét nắng cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Có thể nói những kỷ niệm chung giữa tôi và chị tôi đều gắn với những ngôi nhà và những khu vườn trong hành trình của một thời thơ ấu.










Hoa bạch trà trước sân nhà riêng 30 Hoàng Diệu của Đại tướng, loài hoa ông ưa thích. Ảnh: Trần Tuấn (TTXVN)



Bích Hà, tên của chị tôi có nghĩa là “ráng biếc”, (nằm trong một hệ khác hẳn với tên các đứa em sau, tên thuộc hệ hoa). Có lẽ vì chị tôi là đứa con duy nhất của ba mẹ tôi sinh ra ở chính quê nội và ba tôi (3) chắc đã nghĩ tới những ráng đẹp mà ba tôi thường ngắm vào các buổi ban mai trên bầu trời quê nhà.


Từ khi tôi lên bốn tuổi, gia đình tôi chuyển hẳn ra Hà Nội, thì ký ức chung với chị tôi bắt đầu xuất hiện, những thời điểm nhỏ li ti nhiều vô kể, đầu tiên là những ngày khai trường. Chị em tôi thường đi mua sách vở ở hiệu Taupin và cùng tìm thấy niềm vui dễ chịu của mùi thơm giấy mới. Ngay sau khi mua sách, chúng tôi thường nhân tiện chạy từ phố Tràng Tiền ra Bác Cổ nhặt những bông hoa gạo cánh dày màu đỏ sẫm, bỏ vào vạt áo rồi lên xe tay về nhà. Cũng có nhiều ký ức chung “tội lỗi” hơn: những cuộc đi xe đạp giấu mẹ tôi ra phố Nhà Thờ để ăn thịt bò khô – điều bị mẹ tôi cấm đoán vì mẹ tôi nói đấy chỉ là da bò, thực ra chúng tôi chỉ thích ăn đu đủ nạo trộn với giấm hơi cay cay. Không hiểu sao phố nhà tôi có đủ các hàng quà: tào phớ, chí ma phù... nhưng không có thịt bò khô. Hai em gái tôi còn quá bé nên không đi xa được. Có một lần không may chúng tôi bị một cô em tóm được và nó tuyên bố: “Ta ra mách mẹ”. Thế là hết chuyện. Nhưng tên gọi “te re mách” còn lại từ đấy. Mùa đông có những thú riêng. Khi ở phố Duvigneau (4) cũng chỉ hai chị em tôi là đủ lớn để được ngủ trên cái giường giáp phố. Nghe thấy tiếng rao “phá xa” (5) là chúng tôi chui ra khỏi chăn thò tay ra cửa sổ mua.


Thực ra thế giới bí mật chung mà chị em tôi chia sẻ với nhau nhiều nhất là những cuốn sách truyện tiếng Pháp bẻ nhỏ, bìa có nhũ, giấy dày và ram ráp, chứa đầy những tranh đẹp, những cô công chúa, những hoàng tử và nhiều khi chỉ là con một ông chủ cối xay hay một cô chăn cừu bé nhỏ.


Khi phong trào Bình dân đã kết thúc, gia đình chúng tôi từ trung tâm chuyển đến một ngôi nhà ven hồ Trúc Bạch, có một khu vườn nhỏ, trong đó hai chị em tôi trồng một loại hồng rất bé, sau này chỉ có cô em gái út của tôi là còn mang lại cho tôi một loại hồng như thế. Căn nhà chỉ có hai phòng. Ba mẹ tôi và ba em nhỏ ngủ ở phòng ngoài, phòng trong của chúng tôi rất hẹp và dài. Sau này tôi luôn luôn nằm mơ thấy một căn phòng nhỏ và dài, chắc là vì trong rất nhiều đêm ở đấy, tôi và chị tôi, khi nhà ngoài đã đóng cửa tắt đèn, chúng tôi lại bật đèn đêm lên để đọc hàng chục cuốn sách của Dumas.


Thời kỳ này, ba tôi bị đau dạ dày nặng, có lẽ vì nỗi buồn do phong trào Bình dân đã tan vỡ và anh em đồng chí nhiều người đã đi xa, điều mà vào lúc ấy chúng tôi vẫn chưa hiểu được. Tôi và chị tôi vẫn vui mừng được đến Nhà hát lớn xem hai vở kịch của Musset do một đoàn kịch Pháp đóng. Trong vở Các cô thiếu nữ mơ mộng điều gì, hai cô tiểu thư Ninon và Ninette mặc váy dài trắng và hồng tựa trên ban công nhìn lên bầu trời xanh thẫm đầy sao, tại sao vòm sân khấu Nhà hát lớn lại có thể lấm tấm sao và đẹp đến thế? Tôi không bao giờ xác định được thời điểm của buổi diễn ấy cho đến cách đây dăm năm, một hôm chị tôi gọi điện nói rằng chị vừa soạn lại giấy tờ, (thỉnh thoảng chị tôi lại soạn lại giấy tờ tranh ảnh trong các vali cũ không biết bao nhiêu lần mà kể, tất cả những thứ đó đã đi theo chị tôi suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp). Chị tôi nói: “Hạnh ạ, cả một cuốn nhật ký chỉ còn lại một tờ, trên đó có ghi: “Hôm nay đi xem kịch Musset, sắp mở màn thì có còi báo động, Hạnh rất nerveuse (bứt rứt) vì sợ không được xem kịch, sau đấy may quá lại báo yên”. Vậy là buổi xem kịch rất hay đó diễn ra vào năm 1943 khi Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, và chúng tôi sắp phải đi tản cư. Trong suốt thời gian dài ở Hà Nội, thật lạ tôi chỉ còn giữ lại một hình ảnh của anh Văn ngồi bên lò sưởi ngôi nhà phố Henri d’Orléans (nay là phố Phùng Hưng), anh đang vừa đọc sách vừa xát bàn tay vào lòng bàn chân, đấy là một cách tập dưỡng sinh của anh.










Một bữa cơm thường ngày trong gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Trần Hồng



Đến Sầm Sơn, tôi đã phải đi học ở trường duy nhất sơ tán về đấy là trường Sarraut. Tôi và chị tôi thường đi dọc con đường tuyến hai của Sầm Sơn, suốt từ ngôi nhà ở chân núi gần đến Độc Cước cho đến ngôi trường ở cuối thị xã gần Rừng Thông. Suốt con đường rải cát, hai bên là các bụi găng xén rất đẹp, chị tôi không bao giờ ngừng nói cho tôi các thứ chuyện trên đời, còn tôi thì yên lặng nghe là đủ.


Ở Sầm Sơn, thú vui lớn nhất của tôi và chị tôi lại không phải là đi tắm biển vào những ngày nắng rực rỡ, biển trong suốt màu ngọc lục bảo, mà là đi chơi vào những ngày mưa. Vào một buổi chiều, cơn bão mới tan, mưa vẫn còn bay lất phất, tôi và chị tôi mặc áo mưa đầu trần đi chân đất trên cát ướt đầy rong rêu và những mảnh vụn đen, chị tôi nói đấy là những mảnh của các con tàu bị đắm. Sau đó nhìn ra đường chân trời, biển đỏ đục ngầu rất hung dữ, chị tôi nói: “Chị muốn là con trai, vì là con gái khó có sự nghiệp”. Tôi yên lặng, đối với tôi, sự nghiệp hay ý nghĩa cuộc đời chưa là gì hết.


Hai chị em tôi tham gia những hoạt động từ thiện do cô con gái đầu của ông Lê Thước tổ chức. Vào đầu năm 1945, thị xã Sầm Sơn vốn trước đây mang một bề ngoài sung túc, bỗng thấy đầy người chết đói. Rồi bỗng nhiên vào một ngày tháng 8 rất đẹp, cách mạng nổ ra ở cái thị xã yên tĩnh ấy. Nhưng chúng tôi cũng không kịp biết gì nhiều về Sầm Sơn sau đó, vì ba tôi có lệnh của Trung ương gọi ra và hai chị em tôi được ra Hà Nội trước với ba tôi. Sau này rất nhiều năm, khi Sầm Sơn chỉ còn là ký ức đẹp của thời thơ ấu, vào một thời kỳ rất khó khăn của đời chị, chị tôi không bao giờ phàn nàn mà chỉ có một lần nói với tôi: “Dù sao Sầm Sơn cũng vẫn là lost paradise” (thiên đường đã mất).


Đặng Thị Hạnh


Kỳ cuối: ...Và một mối tình đẹp nhất


(1) Tên gọi thân mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(2) Ông Hồ Phi Thống – một nhà Hán học uyên thâm

(3) GS Đặng Thai Mai – nhà lý luận văn học, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà

(4) Nay là đường Bùi Thị Xuân thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

(5) Lạc rang

(Tựa nhỏ và các chú thích là của Sài Gòn Tiếp Thị)






Triển lãm Nhà Tây biến hình

Triển lãm Nhà Tây biến hình

Triển lãm Nhà Tây biến hình


SGTT.VN - Có chung mối quan ngại trước tốc độ biến dạng của những khu phố Tây, những căn biệt thự cổ kính và duyên dáng được xây dựng từ thời Pháp thuộc của Hà Nội, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn và nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cùng góp sức thực hiện triển lãm nghệ thuật Nhà Tây biến hình diễn ra từ 10 – 29.10 tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.










Triển lãm nghệ thuật Nhà Tây biến hình. Ảnh: vtc.vn



Đóng vai trò một người quan sát sắc bén, sắp đặt ảnh và các tác phẩm 3D của Nguyễn Thế Sơn “ghi chép” trung thực những gì đang diễn ra với những ngôi nhà Tây còn sót lại, những đại diện cuối cùng cho một trường phái kiến trúc kết hợp Á – Âu, cho một nét đẹp cổ xưa của Hà Nội đang dần biến hình trong trào lưu cơi nới và xây mới. Trong khi đó, Trần Hậu Yên Thế lại bày tỏ thái độ của mình bằng việc tái tạo những chi tiết nguyên bản của nhà Tây trên nền giấy dó. Trước triển lãm Nhà Tây biến hình, cả hai nghệ sĩ vốn tốt nghiệp học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh đều đã có những dự án riêng liên quan đến chủ đề kiến trúc mặt phố.


Sông Thao






Chia sẻ kinh nghiệm giữ bản quyền giống cây trồng từ nhiều nước

Chia sẻ kinh nghiệm giữ bản quyền giống cây trồng từ nhiều nước

Ý kiến bạn đọc:


Chia sẻ kinh nghiệm giữ bản quyền giống cây trồng từ nhiều nước


SGTT.VN - Bài viết Đằng sau thương vụ bản quyền thanh long 2 tỉ đồng trên trang Kinh tế báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 2.10.2013 nêu sự kiện lần đầu tiên một giống cây trồng (trái thanh long ruột tím hồng) do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo đã được thương mại hóa đã nhận được quan tâm chú ý của bạn đọc. Bạn đọc Võ Văn Sự (vovansu@.....vn) vui mừng: "Chúc mừng Viện Cây ăn quả miền Nam và tiến sĩ Châu. Tuyệt vời!".


Phan Mai Minh (muaphitruong@ ...com) - một bạn đọc khác nêu ý kiến: "So với các nước trên thế giới, chuyển nhượng bản quyền giống cây trồng ở Việt Nam vẫn còn tương đối mới mẻ và hạn chế, bất cập trong cả cơ chế và chính sách. Đơn cử, quy định chuyển nhượng thực hiện theo cả luật Sở hữu trí tuệ và luật Chuyển giao công nghệ nên có độ chênh khi tính toán giá trị hợp đồng. Chuyển nhượng bản quyền giống cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho giống mới có thể tồn tại lâu hơn, diện tích mở rộng nhanh hơn trong sản xuất. Đơn vị bán bản quyền có thêm nguồn vốn để tái đầu tư nghiên cứu khoa học. Để giống cây tốt nhanh ra sản xuất, chắc chắn cần bàn tay doanh nghiệp, trong đó việc chuyển nhượng bản quyền từ cơ quan nghiên cứu cho doanh nghiệp quản lý sản xuất và phân phối là hướng đi nhanh lại bền vững, cần khuyến khích."










Thanh long ruột tím hồng LĐ5 là dòng thứ năm của giống thanh long Long Định, được nghiên cứu từ năm 2005 – 2010 thì thành công. So với sản phẩm cùng loại, thanh long LĐ5 có ưu điểm màu sắc lạ, tai lá đẹp, thịt giòn chứ không mềm. Sản lượng: 30 – 40 tấn/ha sau 5 – 6 năm trồng.



Kinh nghiệm từ các nước về việc này cũng được bạn đọc chia sẻ. Bạn đọc Trần Văn Thêu (hoalanvietnam@...com) nêu ví dụ: "Hiện nay khung hành lang pháp lý cho việc thực hiện bản quyền đối với giống cây trồng cũng được đảm bảo, gần đây nhất là Thông tư 16 của Bộ Nông nghiệp liên quan đến vấn đề này cũng đã được ban hành. Song vấn đề liên quan đến bản quyền giống cây trồng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ở các nước phát triển, sau khi lai tạo giống mới, viện nghiên cứu sẽ bán bản quyền khai thác giống mới cho một công ty để họ tổ chức khai thác. Công ty sẽ toàn quyền khai thác theo hướng của họ, có thể họ chỉ quyết định trồng 20.000 ha để giữ giá bán cao, như trường hợp một giống xoài mới tên là Calipso của Úc. Chỉ độc nhất công ty đã mua bản quyền khai thác được quyền tổ chức sản xuất, bán cây giống và xuất khẩu trái sau này mà không một cá nhân, tổ chức nào khác có thể vi phạm. Sở dĩ họ làm được điều này vì Luật Bản quyền được bảo vệ rất nghiêm ngặt."


Bên cạnh đó, bạn đọc Hoàng Tú An (hoangtuan.....@yahoo.com) cũng chia sẻ thêm: "Việc một công ty mua quyền khai thác giống cây trồng ở các nước phát triển vừa có lợi cho đơn vị đã làm ra giống mới để họ có động lực tiếp tục nghiên cứu lại vừa giúp đất nước không bị mất giống vì không có nước nào có thể đem về sử dụng mà không được phép vì họ vi phạm luật của Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới. Chẳng hạn Viện nghiên cứu PFR của New Zealand từ khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả năm 1996 cho đến năm 2012 đã đạt mức 14 triệu USD, việc này giúp cho Viện PFR vững mạnh lên về mặt kinh tế nhờ thu được bản quyền giống mà họ tạo ra. Ví dụ như giống Kiwi vàng của New Zealand tạo ra đâu có nước nào khác được trồng và xuất khẩu. Ở Việt Nam, tuy chưa hoàn hảo nhưng việc bảo hộ bản quyền ngày càng tốt hơn vì nước ta cũng đã gia nhập Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới, là tổ chức về Bản quyền giống cây trồng quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ các luật quốc tế về bản quyền giống và các quy định của tổ chức này cũng có giá trị áp dụng ở Việt Nam".


SGTT






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ