Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Gần 100 người lạ gây náo loạn trường Đại học Hùng Vương

Gần 100 người lạ gây náo loạn trường Đại học Hùng Vương

Gần 100 người lạ gây náo loạn trường Đại học Hùng Vương


SGTT.VN - Rất đông người lạ mặc đồ bảo vệ lẫn những thanh niên mặc đồ thường đeo kính đen đòi xông vào trường Đại học Hùng Vương.


Sáng 28.12, tại trường Đại học Hùng Vương TP HCM, hàng trăm sinh viên và cán bộ nhân viên hoảng hốt vì có gần 100 người lạ xông vào trường đòi dọn tài sản ra khỏi khuôn viên trường. Lực lượng công an có mặt nhưng vẫn chưa vãn hồi được sự việc gây náo loạn này.










Dù lực lượng công an có mặt nhưng nhiều người vẫn leo tường ra vào trường.



Theo các sinh viên chứng kiến kể lại, gần 9h ngày 28.12, có rất đông người lạ mặc đồ bảo vệ lẫn những thanh niên mặc đồ thường đeo kính đen đòi xông vào cổng trường Đại học Hùng Vương (cơ sở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình). Trước thái độ hung hãn, chửi bới của nhóm người lạ này, hàng trăm sinh viên và cán bộ trường phản đối bằng cách khóa trái cổng và cố thủ bên trong.


Không dừng lại, nhóm người lạ này dùng dụng cụ đập phá cổng, dùng kềm cộng lực cắt khóa. Thậm chí nhiều thanh niên mang kính đen còn leo tường vào trường.


Nhiều sinh viên hoảng sợ đến mức bật khóc. Em P.T.H.T, sinh viên khoa Quản trị bức xúc cho biết: "Lực lượng này rất hung hãn, tụi em phải cầu cứu công an phường và Cảnh sát 113".


Cũng theo sinh viên này vì trường không có hiệu trưởng nên đang diễn ra tranh chấp dẫn đến tình trạnh lộn xộn tại trường.


Theo một cán bộ của trường, trong buổi sáng nay có hai lớp đang học nhưng vì sự việc gây náo loạn khiến giảng viên lẫn sinh viên đều không thể yên tâm học tiếp.


Thông tin ban đầu cho hay nhóm người lạ này do bà Tạ Thị Kiều An, hiệu trưởng tạm quyền của trường kêu đến để chuyển vật dụng sang cơ sở của trường ở đường Nguyễn Trãi.


Theo ghi nhận, dù lực lượng công an đã có mặt tại cổng trường dàn xếp và điều động giao thông tại trước khu vực xảy ra vụ việc. Đồng thời, công an phường đã mời các bên đến làm việc. Tuy nhiên, đến 15h ngày 28.12, cán bộ, sinh viên nhà trường vẫn cố thủ bên trong còn nhóm người lạ vẫn tập trung bên ngoài cổng trường.


Theo Dân Trí






Điều chỉnh đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh đại học

Điều chỉnh đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh đại học

Điều chỉnh đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh đại học


SGTT.VN - Các đối tượng ưu tiên và khu vực được cộng điểm ưu tiên sẽ có thay đổi, đó là điểm mới nhất trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.


Theo đó, chính sách ưu tiên sẽ bao gồm 7 nhóm ưu tiên.


Đối tượng ưu tiên 01 có sự thay đổi nhiều nhất, gồm các đối tượng công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.










Có nhiều quy định mới về đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh (ảnh minh họa). Ảnh: T.T



Như vậy, đối tượng 01 ở chính sách mới đã thu hẹp hơn so với quy định cũ. Ở quy định cũ, đối tượng 01 là công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.


Đối tượng 02: Công nhân trực tiếp đã sản xuất làm việc liên tục 5 năm trở lên trong đó ít nhất 2 năm là chiến sỹ thi đua được cấp tỉnh công nhận và tặng bằng khen.


Đối tượng 03: Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh. Quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo luật định (nếu ở khu vực 1 chỉ cần 12 tháng).


Đối tượng 04: Con liệt sĩ; Con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học.


Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, trong thời kì kháng chiến; Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.


Đối tượng 05: Thanh niên xung phong tập trung được cử đi học; Quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ dưới 18 tháng không ở khu vực 1; Chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở.


Đối tượng 06: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số ở ngoài khu vực đã quy định thuộc nhóm ưu tiên 1; Người khuyết tật nặng; Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81% và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%; Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Con của người có công giúp đỡ cách mạng.


Đối tượng 07: Người lao động ưu tú thuộc tất cả các thành phần kinh tế được từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trở lên công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân được cấp bằng huy hiệu lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc Trung ương đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Giáo viên đã giảng dạy đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành sư phạm. Y tá, dược tá, kỹ thuật viên, y sỹ, dược sỹ trung cấp đã có thời gian công tác đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành y, dược.


Chính sách ưu tiên theo khu vực cũng có sự điều chỉnh ở khu vực 1 theo hướng thu hẹp hơn. Cụ thể, ở quy định cũ, khu vực 1 gồm các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.


Tuy nhiên, theo quy định mới, khu vực 1 chỉ gồm các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định và các xã giáp biên giới, các xã hải đảo. Các địa phương khác của khu vực 1 trước đây sẽ được chuyển sang khu vực 2–nông thôn.


Đối tượng được ưu tiên xét tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng có bổ sung thêm các thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thi sinh đoạt giải. Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi này được tuyển thẳng vào bậc cao đẳng theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thi sinh đoạt giải.


Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc điều chỉnh nhóm đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên do điều kiện kinh tế của các vùng miền đã có nhiều thay đổi so với trước. Việc điều chỉnh nhằm mang lại sự công bằng hơn cho các thí sinh giữa các khu vực.


Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.


TTXVN






Kết thúc có hậu cho một người hùng

Kết thúc có hậu cho một người hùng

Sức mạnh tình thân


Kết thúc có hậu cho một người hùng


SGTT.VN - Căn hộ chung cư xinh xắn của Phạm Văn Nhuận còn nguyên mùi sơn. Sau bao năm vất vả, giờ anh mới được sống trong một căn hộ khang trang. Mọi vất vả, thiệt thòi của anh đã được bù đắp với một gia đình hạnh phúc, người vợ hiền và hai đứa con ngoan.










Vợ chồng anh Nhuận, chị Thanh.



Xả thân cứu người


Đang ngồi nói chuyện với anh Nhuận, chị Hoàng Thị Kim Thanh, vợ anh xách túi lớn túi nhỏ từ chợ về. “Bao năm nay cô ấy vẫn chịu khó thế. Chẳng lúc nào ngơi tay dù con cái đã lớn, cuộc sống cũng bớt khó khăn rồi. Rổ bún của cô đã nuôi cả gia đình này bao năm nay”, anh Nhuận nói về người vợ hiền trong sự cảm phục.


Rồi anh kể lại chuyện tình của anh chị 30 năm về trước. Chiều thu năm 1980, anh là một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ ở ga Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Một tiếng kêu thất thanh vang lên khi một phụ nữ mang thai vượt mặt đang gặp nguy hiểm trước đoàn tàu sầm sập chạy đến. Không ngần ngại, anh lao vào cứu thai phụ. Cứu được người, nhưng còn anh bị đoàn tàu kéo lê hơn 100m mới dừng lại. Chân phải anh kẹt vào đường ray và bị nghiến nát. Quá đau đớn, anh kê chân trái đạp vào bánh tàu để lôi chân phải đang mắc kẹt ra, nhưng chưa kịp thì đoàn tàu lùi lại khiến chân trái cũng đứt rời.


Hai năm ròng sau tai nạn kinh hoàng đó, anh Nhuận phải trải qua 12 cuộc phẫu thuật để cưa từng phần chân bị hoại tử, cho đến khi đôi chân cụt đến gần háng. Sau tai nạn, cuộc đời anh bắt đầu rẽ sang con đường khác. Dù vẫn công tác trong ngành công an nhưng anh phải chuyển công việc phù hợp với sức khoẻ. Năm 1982, Nhuận lên trung tâm chỉnh hình Ba Vì lắp chân giả. Tại đây, duyên số đã đưa anh gặp người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó của mình.


“Những tháng nằm tập điều khiển chân giả, một cô gái trẻ đến chăm sóc người thân nằm cùng phòng đã giúp tôi trong sinh hoạt. Khi thì lấy cho ca nước, khi thì đi xin đá lạnh về chườm chân… Khi tôi kết thúc đợt tập chân giả tại đây về Hà Nội cũng là lúc tình cảm của cả hai nảy nở, khó xa”, anh Nhuận kể lại duyên phận của mình.


Anh Nhuận tiếp: “Tôi về Hà Nội tiếp tục điều trị. Cứ cuối tuần cô ấy lại bắt xe từ Ba Vì xuống thăm tôi. Ngày xưa, đi lại khó khăn, mỗi khi bắt ôtô khách xuống chỗ tôi cô ấy luôn bị chen lấn không thở được. Dáng hình nhỏ bé lại bị say xe, mỗi lần cô ấy xuống trông thương lắm. Thăm tôi được vài tiếng, lại tất bật bắt xe về. Mỗi lần nhìn cô ấy chia tay là tôi rơi nước mắt”.


Cứ thế, hơn hai năm chị cứ đi về thăm anh.


Đến cuối năm 1984, sau nhiều khó khăn hai người mới đến được với nhau. “Gia đình vợ tôi hồi đó phản đối kịch liệt, cả họ hàng nữa. Nhưng sau thấy hai đứa thương nhau thật lòng, bố mẹ vợ tôi người là thương binh, người làm công tác chăm sóc thương binh nên cũng hiểu”, anh Nhuận nhớ lại.


Chồng không ân hận, vợ không nuối tiếc


Cơ quan của anh tạo điều kiện cho hai người về gần nhau. Chị được nhận về làm hậu cần tại công an huyện Đông Anh. Những ngày đầu làm bạn với đôi chân giả, vết thương anh tứa máu, đi đâu chị Thanh cũng phải cõng, phải dìu. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời với bao vất vả. Đến năm 1992, hai anh chị cùng xin nghỉ sớm vì lý do sức khoẻ. Về nhà, chị bươn chải đủ nghề kiếm sống nuôi chồng con.









“Tôi chưa bao giờ ân hận về việc làm của mình. Tất cả đều là số phận. Nếu không sao tôi gặp được người vợ hiền hậu, hết lòng vì chồng con”.



“Cứ sáng sớm cô ấy kẽo kẹt xe đạp ra tận ngoại thành lấy rau về bán ở chợ. Vài năm không ăn thua lại chuyển sang mở vui chơi cho trẻ em, rồi trông xe máy, rửa xe máy… và giờ là gánh bún cá. Nghề nào kiếm được tiền nuôi sống gia đình cô ấy cũng nếm trải”, anh Nhuận nói.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Thanh tếu táo đọc thơ trêu chồng. Những câu thơ bông đùa gợi lại kỷ niệm của những ngày vất vả. “Số phận gắn bó với nhau rồi nên chẳng bao giờ tôi ân hận đã về làm bạn với nhà tôi. Các cháu giờ đã lớn có công ăn việc làm ổn định. Cháu gái học đại học ngoại ngữ ra, cháu trai nối nghiệp bố đang công tác trong ngành công an. Xưa vất vả mười phần giờ đỡ được... chín rưỡi rồi! Nhưng làm việc quen rồi, không làm không chịu được”, chị Thanh chia sẻ.


Anh Nhuận sau khi nghỉ mất sức lại có niềm vui mới. Ngoài thời gian giúp vợ con việc nhà, anh tham gia câu lạc bộ thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội, bộ môn cầu lông. Anh đưa cho xem bao huy chương anh đã giành được tại các kỳ thi đấu trong và ngoài nước.


“Tôi chưa bao giờ ân hận về việc làm của mình. Tất cả đều là số phận. Nếu không sao tôi gặp được người vợ hiền hậu, hết lòng vì chồng con. Giờ tôi có một gia đình đầm ấp, hạnh phúc, thế là đủ rồi”, anh Nhuận cười lạc quan.


Lệ Hà, ảnh tư liệu gia đình nhân vật cung cấp






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ