Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Năm 2014: không trông chờ hạ lãi suất

Năm 2014: không trông chờ hạ lãi suất

Năm 2014: không trông chờ hạ lãi suất


SGTT.VN - Mặc dù lãi suất được coi là một “bước cản” với hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn gần đây, nhưng trong năm 2014 thì khả năng hạ lãi suất lại bằng không, ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định trong diễn đàn “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 2014” sáng 7.1 tại Hà Nội.


Ông Thành đánh giá, năm 2014 Chính phủ ít có hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có ba lý do khiến lãi suất khó có thể giảm, đó là kỳ vọng lạm phát ở mức 7% thì không hạ được nữa, phát hành trái phiếu thì lãi suất phải đủ hấp dẫn đối với ngân hàng thương mại và đồng USD sẽ lên giá, ảnh hưởng đến lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.


Nhìn về dài hạn, ông Thành cho rằng, các doanh nghiệp sẽ chơi ở sân rộng hơn và sâu hơn, khi Việt Nam tham gia hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ASEAN + 6 vào cuối năm. Lúc đó sẽ có ngành bùng nổ, gắn với đầu tư vào dòng tiền là cơ hội ăn theo lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng có hàm ý là nguồn tiền lớn trong tay Nhà nước sẽ chuyển sang tay tư nhân.


Đáng chú ý, ông Thành cho hay, năm 2014, kể cả có tăng trưởng GDP 5,8% theo dự báo Chính phủ thì cũng chỉ mới là nhúc nhích đi lên. Nợ xấu vẫn còn đó và khó khăn còn tồn tại rất nhiều. Về khía cạnh cơ hội kinh doanh, phải xem xét tới tổng cầu tiêu dùng. Năm 2014, mức tăng tiêu dùng của nền kinh tế dự tính cũng sẽ không tăng.


Thảo luận về mặt này, ông Nguyễn Trường Sơn, phó chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang và sẽ phát huy lợi thế thị trường tiêu thụ nội địa. Với lợi thế là quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới, cơ cấu trẻ, độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao, nhu cầu tiêu dùng thiết yếu vẫn diễn ra hàng ngày bất luận tình hình kinh tế ra sao. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp Việt cung ứng được bao nhiêu phần trăm trong tổng cầu ấy. Ông Sơn cũng cho rằng, năm 2014, khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhiều hơn các yếu tố thuận lợi.


Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, cục phó cục Phát triển doanh nghiệp, bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập là khoảng 77.000, tăng 10%, nhưng vốn đăng ký ước 340.000 tỉ đồng, giảm gần 15%. Có 61.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, trong đó 10.000 giải thể.


Việt Anh






Vụ xét xử Dương Tự Trọng: Viện kiểm sát bác kiến nghị dừng vụ án để điều tra lại

Vụ xét xử Dương Tự Trọng: Viện kiểm sát bác kiến nghị dừng vụ án để điều tra lại

Vụ xét xử Dương Tự Trọng: Viện kiểm sát bác kiến nghị dừng vụ án để điều tra lại


SGTT.VN - 8 giờ sáng ngày 8.1, vụ án xét xử Dương Tự Trọng và 6 bị cáo khác về tội “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài trái phép” bước sang ngày làm việc thứ hai.










Bị cáo Dương Tự Trọng: "Tôi chấp nhận thi hành án". Ảnh: VNE



Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng cho rằng, việc truy tố Dương Tự Trọng theo khoản 3 điều 275 của BLHS là không có căn cứ. Đại diện Viện kiểm sát lập luận, bị cáo Trọng giúp anh mình bỏ trốn sang Campuchia một cách nhanh nhất để trốn tránh trách nhiệm về những hành vi gây ra. Chiều ngày 17.5.2012, Cơ quan điều tra quyết định khởi tố và bắt tạm giam nhưng không bắt được nên phải ra quyết định truy nã.


Luật sư cũng cho rằng vì tính chất vụ án tại Vinalines lộ ra sau này, các bị cáo trong vụ án này đã phải chịu áp lực ảnh hưởng là vi phạm nghiêm trọng. Chính tình tiết có người mật báo với Dương Chí Dũng, nói “chú né đi” nên mới có hành động của các bị cáo. Do đó, luật sư cho rằng nên dừng vụ án này, chờ làm rõ hành vi đó thì việc xét xử vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mới được xem xét đúng bản chất.


Viện kiểm sát khẳng định việc Dương Tự Trọng lên kế hoạch đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã được điều tra đầy đủ, nên bác đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại của nhiều luật sư.


Nói lời sau cùng, bị cáo Trọng trình bày: "Tôi không hiểu vì sao lại nói tôi ngoan cố. Trước toà, vì trí nhớ nên tôi nói không phản đối, không xác nhận. Tôi không thắc mắc gì nhưng không thể vì vậy mà kết luận là ngoan cố được".


"Tôi mong xét xử khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để những người đứng trước vành móng ngựa có cơ hội làm lại. Cá nhân tôi, tôi chấp nhận chấp hành án", cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng trình bày.


15 giờ chiều nay, tòa sẽ ra phán quyết.


P.V (tổng hợp)






Nguy cơ từ giải phẫu thẩm mỹ không cần dao kéo

Nguy cơ từ giải phẫu thẩm mỹ không cần dao kéo

Nguy cơ từ giải phẫu thẩm mỹ không cần dao kéo










Cái kẹp này đặt vào lỗ mũi để đẩy xương mũi nhô ra, tạo dáng cho nó thẳng hơn.



SGTT.VN - Những dụng cụ mới hấp dẫn giới teen châu Á, có thể giúp cho mũi thuôn, da mặt căng, và nụ cười đẹp. Nhưng loại mốt đang sốt này có nguy hiểm không?


Nếu như phẫu thuật thẩm mỹ bằng dao kéo tốn bộn tiền, thì giới teen giờ đây quay sang một giải pháp công nghệ thấp. Những sản phẩm trông như hình cụ tra tấn có thể tạo khuôn để uốn nắn một số bộ phận của người dùng cho đạt tiêu chuẩn đẹp lý tưởng.


Các bác sĩ phẫu thuật e ngại rằng những sản phẩm như thế có thể huỷ hoại sự phát triển tự nhiên của thiếu niên khi lớn lên.


BS Hong Jung Gon, viện thẩm mỹ Metro Plastic ở Seoul mới vừa tiết lộ với GlobalPost rằng viện của ông thỉnh thoảng có điều trị cho các thanh thiếu niên tự gây hỏng cho họ bằng cách dùng các dụng cụ tạo hình khuôn mặt, và GlobalPost cũng phỏng vấn những người dùng đã có khuôn mặt bầm tím và đau đớn. “Chúng tôi muốn đẹp mà không tốn tiền”, một thanh niên Hàn Quốc 17 tuổi cho biết, “Chúng tôi biết rằng các phương pháp này không được công nhận, nhưng nhiều thanh niên như tôi lại sử dụng”.


Những dụng cụ này gồm loại làm cho mặt thuôn lại, căng da đầu, nâng mũi, mặt nạ chống già, mắt hai mí, mũi thanh tú, môi tạo nụ cười thường xuyên.


Thảo Nguyên






TP.HCM có khu nhà nuôi cấy tế bào thực vật

TP.HCM có khu nhà nuôi cấy tế bào thực vật










TP.HCM có khu nhà nuôi cấy tế bào thực vật


SGTT.VN - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM vừa đưa vào sử dụng khu nhà kính, nhà lưới nuôi cấy tế bào thực vật hiện đại nhất khu vực phía Nam (ảnh).


Khu nhà bao gồm các hạng mục chính: nhà nuôi cấy mô tế bào thực vật, có khả năng sản xuất nhân giống trên 2 triệu cây giống cấy mô các loại/năm; nhà kính có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; nhà màng cho phép triển khai cùng lúc tối thiểu ba thí nghiệm với quy mô lớn và trồng nhiều chủng loại khác nhau; nhà lưới có chức năng bảo tồn nguồn gen, trồng thử nghiệm, nhân giống hoa trong chậu. Đây là công trình quan trọng nhất của dự án xây dựng trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, xây dựng trên diện tích 23ha.


tin, ảnh: Vi Thoại






Núp trong lôcốt vẫn lo

Núp trong lôcốt vẫn lo

Phiếm


Núp trong lôcốt vẫn lo


Chiều nay ba Tèo đi làm về vừa đến cửa đã hốt hoảng hỏi to:


– Tèo đâu? Tèo!


Tèo hết hồn từ trong phòng nhào ra:


– Có mặt!


– May quá! Còn mẹ đâu?


Má Tèo từ dưới bếp lao lên trình diện:


– Tôi đây! Chuyện gì vậy ông?


Ba Tèo hổn hển giải thích:


– Ban ngày ban mặt giữa thủ đô mà cướp xông vào nhà cắt cổ hai ông bà già! Đến lúc bần cùng sinh đạo tặc rồi bà nó ơi! Để tôi ra khoá thêm mấy cái khoá nữa cho chắc ăn.


Trong lúc ba Tèo đang nghiên cứu gia cố cửa nẻo, mẹ con Tèo vội lên mạng kiểm chứng hung tin ba Tèo mang về. Vừa lướt qua vài cái tít, má Tèo đã kêu thất thanh:


– Chết rồi ông ơi!


– Có thêm người chết vì cướp hả?


– Không phải… nhưng cũng gần như vậy, vì tôi mới đọc được ngay cả bộ trưởng Công an cũng phải đặt câu hỏi: “Vì sao quyết liệt mà tội phạm không giảm”!


Ba Tèo chạy vào trấn an vợ:


– Bà an tâm đi, tôi vừa biến nhà mình thành cái... lôcốt! Cứ ở yên trong nhà là không sao hết!


Má Tèo tạm yên thì đến lượt Tèo khóc thét:


– Hu hu hu… Con sợ lắm!


Ba Tèo vỗ ngực:


– Sợ gì hả con, cướp nào vào đây được, mà vào được thì đã có ba đây!


– Hu hu hu… Hổng dám đâu! Ở Dăk Lăk có ông cha mới đánh con tử vong, còn ở ngay TP.HCM ông cha khác vừa chém chết đứa con ba tuổi kia kìa!


Người già chuyện






Màng nhĩ rách có thể tự lành

Màng nhĩ rách có thể tự lành

Màng nhĩ rách có thể tự lành


Màng nhĩ tôi bị thủng do lấy ráy tai. Xin hỏi nếu không đi điều trị thì có thể tự lành không?


Mộc Thiện (TP.HCM)


PGS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, phụ trách phòng khám tai mũi họng bệnh viện đại học Y dược TP.HCM: Thông thường 90% lỗ thủng sau màng nhĩ chấn thương sẽ tự lành trong vòng một tháng. Sau khoảng thời gian này, khả năng tự lành của màng nhĩ giảm rất nhiều, bệnh nhân có thể bị viêm tai giữa mạn, phải uống thuốc điều trị hoặc mổ. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám kỹ và tư vấn đầy đủ.






Thu hồi thuốc Plasil® with Enzyme

Thu hồi thuốc Plasil® with Enzyme

Thu hồi thuốc Plasil® with Enzyme


Cục Quản lý dược, bộ Y tế vừa thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc thuốc Plasil® with Enzyme (viên nén bao tan trong ruột, trị bệnh đường tiêu hoá); giấy phép nhập khẩu số 2203/QLD-KD; ngày sản xuất: tháng 3.2013; hạn dùng: tháng 2.2015; số lô ghi trên hộp: 0465031; số lô ghi trên vỉ: 0465; công ty Pacific Pharmaceuticals Ltd., Pakistan sản xuất, công ty cổ phần Armephaco nhập khẩu, do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu hàm lượng các hoạt chất Bromelain và Pancreatin. Báo cáo thu hồi phải gửi về cục trước ngày 20.1.


Lê Hương






Ngày hội “Mùa xuân biển đảo lần 3”

Ngày hội “Mùa xuân biển đảo lần 3”









Cờ gốm trên nóc nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TPO



Ngày hội “Mùa xuân biển đảo lần 3”


SGTT.VN - Nhà văn hoá Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, hãng phim Trẻ và HTV sẽ phối hợp tổ chức ngày hội “Mùa xuân biển đảo lần 3” vào lúc 14g30 – 17g ngày 10.1 tại sân 4A nhà văn hoá Thanh Niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1). Chương trình được trực tiếp truyền hình từ 15g30 – 17g trên HTV9.


Tại ngày hội, sẽ diễn ra những hoạt động: triển lãm ảnh nghệ thuật Trường Sa và công trình “Góp đá xây Trường Sa”, triển lãm cờ tổ quốc tại các đảo ở Trường Sa, triển lãm bản đồ Việt Nam bằng hoa tươi do các nghệ nhân Dalat Hasfarm thực hiện, trưng bày đèn lồng dân gian do các văn nghệ sĩ thực hiện để “Góp đá xây Trường Sa”… 300 văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, sân khấu, MC, thời trang, múa… cùng lãnh đạo thành phố sẽ viết thiệp và gói quà tết tặng chiến sĩ ở các vùng biên giới hải đảo.


Đây là một hoạt động tình nguyện lớn mang tính cộng đồng, có ý nghĩa thiết thực dành cho các chiến sĩ nơi biên giới hải đảo nhân tết cổ truyền.


T.A






Giá gạo tiểu ngạch cao hơn chính ngạch

Giá gạo tiểu ngạch cao hơn chính ngạch

Giá gạo tiểu ngạch cao hơn chính ngạch


SGTT.VN - Chiều ngày 6.1.2014, ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc sở Công thương TP Cần Thơ cho biết Cần Thơ dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn gạo tại cuộc làm việc giữa UBND TP Cần thơ và 25 doanh nghiệp và các chi nhánh doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố .


Theo ông Toại, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2013 ít thuận lợi so với năm 2012 do gạo Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thị trường gạo cấp thấp của Ấn Độ, Pakistan, Mynamar, thị trường gạo cấp cao phải cạnh tranh với Thái Lan. Các doanh nghiệp phải giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Nhờ làm tốt việc mua tạm trữ... các doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 900.000 tấn gạo các loại, đạt doanh thu gần 500 triệu USD.


Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang thực hiện hợp đồng Philippines (chỉ tiêu gần 50.000 tấn). “Đến thời điểm này, tiến độ giao hàng đạt 60% chỉ tiêu phân bổ, các doanh nghiệp sẽ giao tiếp vào tháng 2.2014. Nguồn lúa, gạo nguyên liệu tại Cần Thơ không còn nhiều, phải mua thêm nguồn lúa từ Đồng Tháp, Bạc Liêu… và cả Campuchia” Ông Toại nói.


Ông Trần Thanh Vân, phó tổng giám đốc công ty Gentraco phản ánh, giá xuất tiểu ngạch lại cao hơn 30-50 USD/tấn so với xuất chính ngạch. Nếu mua đúng, mua đủ theo quy trình tạm trữ thì doanh nghiệp nào cũng lỗ, vì hầu hết các doanh nghiệp xuất theo chính ngạch. Ông Vân đề nghị nếu chính quyền hỗ trợ thì doanh nghiệp mong chỉ được hỗ trợ về lãi suất để đầu tư kho chứa, hệ thống sấy.


Ông Toại cho biết bộ Công thương không có chủ trương chặn việc xuất tiểu ngạch nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Các doanh nghiệp xuất chính ngạch muốn cạnh tranh được thì phải nâng cao giá trị sản phẩm của doanh nghiệp. Đó mới là điều quan trọng.


NGỌC BÍCH






Ngộ độc vì tưởng thuốc là nước ngọt

Ngộ độc vì tưởng thuốc là nước ngọt

Ngộ độc vì tưởng thuốc là nước ngọt


SGTT.VN - Ngày 7.1, tin từ khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho hay, khoa vừa cấp cứu cho một bé trai N.V.B., 18 tháng tuổi ở Hà Nội do uống nhầm thuốc dạng siro tưởng là nước ngọt.


Bé B. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà sau khi uống lọ thuốc dạng siro quá liều. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, lọ thuốc để trong tầm với của bé, nhân lúc người lớn không để ý, bé đã uống hết hai nửa lọ thuốc Decolgen và dextromethorphan.


Ngay lập tức, gia đình đã đưa bé vào viện cấp cứu và bé được rửa dạ dày. Sau ca cấp cứu sức khỏe bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện.


L.Hà






Kỳ cuối: “Chiến binh” ngàn dặm lên Tam Giác Vàng

Kỳ cuối: “Chiến binh” ngàn dặm lên Tam Giác Vàng

Nhật ký trên những đôi giày


Kỳ cuối: “Chiến binh” ngàn dặm lên Tam Giác Vàng


SGTT.VN - Cùng đồng hành có hai nhân vật là lạ, một đến từ Việt Nam với quyết tâm dùng xe Gold Wing chu du đến cuối đời, người kia đến từ Mỹ đang trong hành trình du lịch khắp thế giới bằng xe gắn máy. Và, trải nghiệm trên cung đường đẹp như tranh ở biên giới Thái Lan – Myanmar cùng những buổi thưởng trà đặc sản ngay vương quốc trà Thái.










Chiếc Gold Wing của Phúc Tiến dẫn đầu trong hành trình lên Mae Hong Son.



Bốn năm trước, khi nhóm môtô phân khối lớn Việt Nam đầu tiên xuất ngoại, tay lái nài chiếc Gold Wing 1.600 phân khối luôn dẫn đầu đoàn xe, Trần Phúc Tiến, thành viên của nhóm Anh chị em môtô Sài Gòn (ACE), một ông anh tận tuỵ vừa làm nhiệm vụ dẫn đoàn, vừa là “bác sĩ” sửa xe với các ngón nghề không thua gì thợ chuyên nghiệp.


Theo “đôi cánh vàng” và gã Lalo


Khi hỏi về chiếc Gold Wing – “đôi cánh vàng”, Trần Phúc Tiến cho biết: “Những năm 2000, sở hữu xe phân khối lớn khó lắm, nhập về Việt Nam xe này đã qua sử dụng, hư đủ chỗ, mình phải tự mày mò sửa. Khi điều khiển thuần thục rồi đâm ra quý mến, coi xe như người bạn đồng hành trong mỗi chuyến đi”.


Bước qua tuổi 53, Phúc Tiến là thành viên cao tuổi nhất đoàn chinh phục Mae Hong Son. Tony, tay lái người Mỹ thấy Phúc Tiến nài xe Gold Wing cũng phải thán phục: “Không biker nào có đủ trí tưởng tượng và dám tự tin chinh phục đường đèo dốc Mae Hong Son bằng Gold Wing như gã này”.


Ngày khởi hành từ Pai có một nhân vật nhập đoàn ACE lên Mae Hong Son – Lalo, gã biker lãng tử đến từ California, Mỹ. Qua trò chuyện biết được lý lịch trích ngang của Lalo: tự đẩy mình vào cảnh vô gia cư, không nghề nghiệp, bởi vừa bán hết nhà cửa, xe cộ, và quyết định nghỉ việc chỉ để thực thiện giấc mơ đi du lịch vòng quanh thế giới bằng xe môtô. Khởi hành cách đây 1,5 năm, Lalo đã chinh phục hết các nẻo đường trên các quốc gia vùng châu Mỹ. Kế đến, Lalo chuyển con BMW qua Tây Ban Nha để bắt đầu hành trình chinh phục châu Âu và đã qua các nước Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức… đến Hy Lạp thì dừng lại vì châu Âu đã vào đông. Lalo chuyển sang khu vực Đông Nam Á.


Những ngày trước Lalo mua chiếc cào cào 250 phân khối – xe mà Lalo sẽ dùng để chinh phục mười nước Đông Nam Á trong thời gian dự kiến ba tháng. Được biết kế hoạch hành trình sau Chiang Mai của Lalo sẽ là Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia… Lalo nói: “Tôi thật bất ngờ khi có thêm những người bạn mới từ Việt Nam”.










Chủ nhân của Mae Salong Villa pha trà đãi khách.



Mae Salong – vương quốc trà Thái


Tam Giác Vàng, điểm nối ngã ba biên giới của Thái Lan, Lào và Myanmar, nơi đây hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, núi đồi trùng điệp, hoà cùng đời sống đậm nét văn hoá riêng biệt của các dân tộc miền núi như Shan, Khơ Mú, Dao, La Hủ, Lô Lô, Hoa…


Khi dãy núi Daen Lao trải dọc biên giới Myanmar và Thái Lan sừng sững trước mặt, cung đường chuyển hướng vào một địa danh đang được dân du lịch bụi bình chọn là một trong mười điểm đến kỳ thú nhất trên đất Thái, đó chính là Mae Salong, thuộc tỉnh Chieng Rai, đồng hồ báo độ cao khi ấy là 1.800m so với mực nước biển.


Dân du lịch quốc tế đã ví von Mae Salong là một Thuỵ Sĩ thu nhỏ bởi vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết của làng mạc hoà trong màu xanh của rừng núi, của những vùng trà bạt ngàn. Ở khía cạnh lịch sử, Mae Salong từng là căn cứ của Quốc dân đảng, nơi 12.000 quân của Tưởng Giới Thạch đóng đô ở đây trong thập niên 1950. Khi quân đội dời đi, một phần thân nhân của họ ở lại lập nghiệp, hình thành nên một cộng đồng mà đi trong đó, cứ ngỡ như đang lạc bước đâu đó miền Vân Nam, bởi kiến trúc nhà cửa, liễn đối, ngôn ngữ, phong cách sống… rặt một phong thái người Trung Hoa xưa.


Mae Salong còn gọi là Santikhiri – “núi hoà bình”, một vùng đất trồng thuốc phiện từng bất khả xâm phạm, nhưng ngày nay, cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn ấy được thay bằng cây trà.


Mae Salong nằm trong dải trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giống với loại trà Shan Tuyết mọc ở vùng núi cao Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên của Việt Nam. Với mối quan hệ lịch sử để lại giữa Mae Salong và Đài Loan, các nhà trồng trà, sản xuất trà từ Đài Loan đã tiếp tay biến Mae Salong thành cái nôi của ngành trà Thái.


Trà phủ xanh khắp các sườn đồi, các trà quán, các nhà máy sản xuất trà mọc lên san sát. Bữa trưa của nhóm môtô Việt Nam ở Mae Salong Villa cũng là một trà thất nổi tiếng trong vùng. Chủ nhân – người gốc Vân Nam, sau khi giới thiệu phong vị ẩm thực đặc trưng Mae Salong là món chân giò heo hầm chín rục, đã pha trà mời khách thưởng thức các giống đặc hữu như Olong, Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào, Phổ Nhĩ, Mạt trà, Shan Tuyết…


Từng chén trà mời khách, kéo theo là cả câu chuyện thú vị được gia chủ giới thiệu. Có hai giống trà gây ấn tượng là trà gạo – trà xanh, khi pha uống có mùi thơm của lúa non; loại thứ hai là giống Olong hồng ngọc – trà pha ra có màu hồng trong, mùi thơm đượm và vị thanh ngọt sảng khoái.










Nhìn từ xa ngôi làng Mae Salong trên dãy Daen Lao.



Dọc đường biên giới


Tạm biệt Mae Salong, những “chiến mã” tiếp tục theo cung đường biên giới không thua kém phần hiểm trở và đèo dốc so với Mae Hong Son. Đoàn xe đi trên đường biên giới xuyên rừng, bên là lãnh thổ Thái Lan, bên là Myanmar. Ở trạm gác đầu tiên, khi thấy các tay súng mặc đồ rằn ri đứng giữa đường án ngữ ra hiệu dừng lại, ai cũng “rét”. Nhưng chỉ sau vài câu hỏi han, biết đoàn môtô đến từ Việt Nam, nhóm lính trực vui ra mặt, niềm nở chuyện trò... Ai nấy thở phào nhẹ nhõm.


Đoàn môtô tiếp tục lên cột mốc Tam Giác Vàng, qua đến hai trạm kiểm soát tương tự, chẳng ai làm khó dễ. Đến trạm cuối, anh lính biên phòng còn ồ à, ngạc nhiên: “Vui quá, chưa bao giờ thấy xe môtô lên đây đông thế này, anh em đi cẩn thận nhé, phía trước có nhiều đoạn dốc và cua gắt!” Một tình cảm gây ấn tượng cho đoàn, bởi mọi người nhớ lại chuyến đi đường 14 ở quê nhà, cung cách ứng xử và thái độ của lính biên phòng khác hẳn, phải mất nhiều thời gian giải thích, năn nỉ, thậm chí có chút quà mới được cho đi tiếp.


Rời cung đường biên giới đầy hiểm trở, tiến vào Mae Sai – cửa khẩu sầm uất nhất dọc biên giới Myanmar và Thái Lan. Đến được cột mốc Tam Giác Vàng khi ánh chiều khuất hẳn, những tấm hình lưu niệm ở ngã ba biên giới trong ánh đèn môtô, các tay lái khép lại một hành trình thú vị trên dặm đường biên giới Myanmar và Thái Lan.


bài và ảnh: Lam Phong






“Lò” bầu Đức tạm thua...

“Lò” bầu Đức tạm thua...

Giải giao hữu quốc tế U19


“Lò” bầu Đức tạm thua...


SGTT.VN - Trước ngày khai mạc giải, bầu Đức đã tuyên bố với mọi người: “Thua cũng được, chỉ cần đá hay, đá đẹp là được”. Và người ta tin rằng hôm nay, trong trận gặp U19 Nhật Bản, đội U19 Việt Nam với đa phần là cầu thủ của bầu Đức sẽ vẫn đá hay, đá đẹp, nhưng...










Không thể vượt qua được thủ môn ngay cả khi lừa bóng qua hết hậu vệ. Các cầu thủ U19 Việt Nam đành chấp nhận thua AS Roma. Ảnh: Tất Đạt



Chính bầu Đức đã tiết lộ, một phần lý do để ông tiếp tục tái ký hợp đồng với người huấn luyện, Guillaume là vì: “Ở trận gặp U19 Úc, tôi có nói cứ chơi cho đẹp là được, thắng thua không quan trọng. Nhưng ông ấy đã hiểu tôi muốn gì, ông ấy đã lên kế hoạch rất kỹ để thắng Úc. Tôi coi mà sướng nên quyết định tái ký hợp đồng ngay”. Có lẽ, đó mới chính là con người thật trong bóng đá của bầu Đức, người đã đưa ra “phong cách” cho đội HAGL ở V-League trước đây rằng: “Đã chơi là tấn công, thà thắng có 3 điểm, thua mất 3 điểm thì trận sau gỡ chứ đá mà thủ hoà thì ba trận mới bằng một trận thắng”.


Có thể hiểu, cách nói của bầu Đức chính là để giảm áp lực lên cho các cầu thủ trẻ chứ cá tính của ông, làm gì có chuyện thua mà... khoái! Có lẽ nhờ thế mà các cầu thủ U19 xuất thân từ học viện của bầu Đức đã yên tâm chơi thật đẹp như đúng yêu cầu. Họ chuyền bóng như thêu hoa dệt gấm. Họ khống chế bóng điệu nghệ khiến khán đài trầm trồ. Họ gặt bóng, làm động tác giả ở tốc độ cao khiến người ta không thể không vỗ tay tán thưởng.


Nhưng, đó là so với các thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây. Sự trong trẻo hồn nhiên khi chơi bóng, sự tinh tế trong kỹ thuật là điều các cầu thủ U19 hơn hẳn. Tuy nhiên, nếu so với các cầu thủ của AS Roma trong cuộc “đọ lò”, thậm chí nhiều cầu thủ còn trẻ hơn cả những Công Phượng, Văn Toàn hay Anh Tuấn... thì lại là chuyện khác. Ai dám nói các cầu thủ AS Roma là thua về kỹ thuật khi họ tự tin nhường sân cho U19 Việt Nam thể hiện, họ chọn cách phòng ngự phản công một cách có tính toán chứ không phải là sự bế tắc.


Và ngay cả khi có thể thua về cái đẹp do chủ động nhường sân cho chủ nhà U19 Việt Nam biểu diễn, người ta lại thấy ở các cầu thủ trẻ đến từ Roma một điểm nổi bật khác, điểm mà các cầu thủ U19 Việt Nam “chưa kịp” thể hiện. Đó là sự chững chạc, khôn ngoan để có thể góp mặt ở sân chơi không cần so tuổi.


Khi dường như các cầu thủ U19 Việt Nam chỉ chú trọng chuyền bóng thật hay ở giữa sân. Khi mà những tràng pháo tay như khích lệ những tình huống qua người đầy khéo léo của cầu thủ chúng ta càng khiến các pha trình diễn trên sân nhiều hơn. Và khi mà các cầu thủ U19 “có vẻ” quên rằng, một đội bóng chỉ được coi là mạnh khi các cầu thủ biết ghi bàn và hỗ trợ phòng ngự. Thì bên kia phần sân, đội khách đã khẳng định, đá bóng là để thắng, là biết phòng ngự đúng lúc và phản công đúng thời điểm. Cả trận, họ chỉ có đúng ba tình huống thật sự nguy hiểm, hai trong số đó biến thành bàn thắng, một trở thành tình huống U19 Việt Nam phải phạm lỗi trong vòng cấm.


Rằng hay thì thật là hay... nhưng trong cuộc so đọ giữa các lò đào tạo, bầu Đức đang tạm thời bị dẫn trước khi lò đào tạo gắn với Arsenal đã không thể thắng lò đào tạo của Ý. Bởi suy cho cùng, một khi đã đào tạo cầu thủ để kinh doanh thì chính các cầu thủ của lò bầu Đức phải cạnh tranh khốc liệt với chính các cầu thủ đến từ lò đào tạo khác như AS Roma hay Tottenham. Đã là đào tạo để bán ở tầm quốc tế (như lời khẳng định của bầu Đức) thì chất lượng cầu thủ ở cùng lứa tuổi sẽ mang tính quyết định. Trong bóng đá, khi mua cầu thủ người ta không có ưu ái nào cho các cầu thủ cùng tuổi chỉ vì đến từ châu Á như kiểu đi thi đại học, học sinh vùng sâu vùng xa được cộng điểm ưu tiên.


Hôm nay, đội U19 Việt Nam sẽ gặp U19 Nhật Bản, một đội bóng có lối chơi tương đồng và tin chắc rằng sẽ lại hay, đẹp nữa. Có điều, nếu không thắng, chắc bầu Đức cũng khó vui với kiểu thua hoài, tin là vậy.


Tất Đạt






TP.HCM sẽ phát triển chính về hướng đông và nam

TP.HCM sẽ phát triển chính về hướng đông và nam

TP.HCM sẽ phát triển chính về hướng đông và nam


SGTT.VN - Thành phố sẽ phát triển với hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển. Trong đó, hành lang phát triển hướng chính phía đông là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội với trọng tâm là phát triển các khu đô thị mới. Trong khi hành lang phát triển hướng chính phía nam là tuyến Nguyễn Hữu Thọ với việc phát huy thế mạnh đặc thù sông nước.










Bán đảo Thủ Thiêm chờ ngày phát triển.



Đó là nội dung đáng chú ý trong quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.


Theo quyết định này, thành phố sẽ phát triển theo mô hình tập trung – đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và bốn cực phát triển. Ngoài cực phát triển với hai hướng chính đông và nam nói trên, thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737ha).


Về phân vùng phát triển, thì vùng đô thị sẽ gồm 13 quận nội thành hiện hữu và sáu quận mới, trị trấn thuộc huyện, các khu đô thị mới phát triển. Trong khi đó, vùng phát triển công nghiệp là các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Dọc sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai và khu ngập mặn Cần Giờ sẽ là vùng phát triển sinh thái, du lịch. Còn lại vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái sẽ được phát triển tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.


Quy hoạch cũng chỉ rõ trung tâm tổng hợp hành chính của thành phố sẽ nằm trên địa bàn quận 1, 3, một phần quận 4, Bình Thạnh (930ha) và sẽ mở rộng trung tâm tổng hợp hành chính mới sang khu đô thị Thủ Thiêm và quận 2 với diện tích khoảng 737ha.


Trong khi đó, các khu bảo tồn và cấm xây dựng của thành phố bao gồm:


Vùng cấm xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc địa bàn Củ Chi, Bình Chánh; vùng cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn cảng hàng không Tân Sơn Nhất, các khu quốc phòng, an ninh và khu vực hành lang bảo vệ dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè.


Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và khu có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái cũng là khu vực thuộc diện được hạn chế phát triển đô thị.


T.Đ






Quy hoạch ban đầu bị phá vỡ

Quy hoạch ban đầu bị phá vỡ

Giao khu dân cư mới về địa phương quản lý


Quy hoạch ban đầu bị phá vỡ


SGTT.VN - Khi còn dưới quyền quản lý của chủ đầu tư (doanh nghiệp) không ít các khu dân cư ở TP.HCM trông rất tươm tất, bởi việc quản lý hạ tầng, xây dựng theo đúng thiết kế được thực hiện một cách cương quyết. Nhưng sau khi các chủ đầu tư bàn giao lại cho địa phương thì lại xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, bộ mặt khu dân cư ngày càng biến dạng, có những nơi tình hình rơi vào thế mất kiểm soát, dù địa phương có đủ công cụ để quản lý. Sau đây là một câu chuyện:










Một căn nhà được xây dựng tạm bợ trong khu dân cư đã được quy hoạch nhà một trệt, hai lầu ở khu dân cư khu công nghiệp Tân Bình mở rộng.



Cách nay khoảng ba năm – khi thị trường bất động sản ở đà lao dốc không phanh, thì một hiện tượng lạ đã xuất hiện ở khu dân cư khu công nghiệp Tân Bình mở rộng (thuộc địa bàn phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP.HCM). Khu dân cư này vốn là khu tái định cư của các hộ bị giải toả để xây dựng khu công nghiệp Tân Bình (do công ty Tanimex làm chủ đầu tư) được bàn giao cho người dân từ năm 2008.


“Ban đầu, lúc nhà cửa chưa được xây dựng, cứ 100m2 đất thổ cư ở đây (ngang 5m dài 20m) rao giá 800 triệu không ai muốn mua. Vậy mà, chỉ sau hai năm, một số tuyến đường trong khu dân cư bắt đầu lấp đầy nhà thì giá đất cứ lên vùn vụt. Từ 800 triệu đồng lên 1,2 tỉ đồng, rồi 1,8 tỉ đồng cuối cùng là khoảng 2 tỉ đồng”, ông Nguyễn Văn Cường (chủ căn nhà số 63 đường M3 khu dân cư công nghiệp Tân Bình mở rộng), cho hay.


Theo ông Cường, giá đất khu vực nhà ông lên là lẽ đương nhiên, bởi nhà cửa được xây dựng rất đẹp và bài bản. Nhà nào cũng xây một trệt, hai lầu, có sân trước, sân sau đúng như quy hoạch của chủ đầu tư (không làm đúng chủ đầu tư sẽ không cho phép xây dựng).


Thêm vào đó, hạ tầng đường, vỉa hè, cây xanh thường xuyên được chủ đầu tư quét dọn, chăm sóc. Và có lẽ cái tốt nhất chính là tất cả mọi thứ đều được ngầm hoá, không có cảnh dây nhợ chằng chéo trên không. Ai nhìn vào cũng phải tấm tắc khen ngợi về tính hiện đại của khu dân cư.


Tuy nhiên, khi người dân ở đây chưa kịp tự hào về nơi mình ở được bao lâu, đến năm 2011 – thời điểm khu dân cư trên được chủ đầu tư bàn giao cho quận Bình Tân quản lý – thì người dân bắt đầu thất vọng về cách quản lý của địa phương.


huyện xây sai thiết kế, sai quy hoạch, xây dựng tạm, không phép ai cũng có thể thấy. Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm công viên làm nơi mua bán, tổ chức hội chợ đã khiến cho khu dân cư ngày càng mất giá. Thời “sang trọng” nay chỉ còn trong quá khứ. Ở đây bây giờ vừa ồn ào vừa mất trật tự, mất mỹ quan, không giống như tiêu chí ban đầu mà tôi đã lựa chọn để làm nơi sinh sống, nghỉ ngơi…” chị Nguyễn Thị Hoàn, chủ một căn nhà trên đường M3 (nay là đường số 20, khu dân cư khu công nghiệp Tân Bình mở rộng), chia sẻ.


Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phan Văn Rắc, chủ tịch phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, cho rằng việc một số hộ dân xây nhà trong khu dân cư khu công nghiệp Tân Bình mở rộng không đúng với thiết kế mẫu của chủ đầu tư đưa ra phường cũng có biết và cũng có xuống nhắc nhở.


“Ai cũng thấy chuyện xây nhà không đúng thiết kế mẫu của một khu dân cư đã được quy hoạch bài bản sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể của khu dân cư đó. Thế nhưng, hiện tại phường chưa thể làm mạnh mà vẫn để cho người dân xây dựng tạm để làm ăn mua bán. Còn về lâu về dài, phường sẽ mạnh tay hơn để đảm bảo quy hoạch ban đầu của khu dân cư không bị phá vỡ”, ông Rắc nói.


Còn chuyện lấn chiếm công viên để mua bán, làm xấu bộ mặt của khu dân cư, theo ông Rắc, thời gian tới phường sẽ xuống kiểm tra để chấn chỉnh.


bài và ảnh Đào Lê






Văn chương 2013: đâu hạt mùa sau?

Văn chương 2013: đâu hạt mùa sau?

Văn chương 2013: đâu hạt mùa sau?


SGTT.VN - Trong bình chọn 10 sự kiện văn hoá – giải trí nổi bật năm qua của báo Sài Gòn Tiếp Thị, có khoảng 200 chữ nhắc đến văn học Việt Nam, một năm mất mùa. Để làm rõ thêm yếu tố này, xin tiếp tục đề cập một vài câu chuyện liên quan đến cảnh đìu hiu của làng văn chương Việt một năm vắng bóng cả tác phẩm lớn lẫn nhà văn lớn.










Không nhiều giải thưởng để người viết hãnh diện. Ảnh: baomoi.com



Cuối tuần qua (4.1), hội Nhà văn Việt Nam chính thức công bố giải thưởng Văn học của hội năm 2013. Trong bốn tác phẩm được trao giải, có hai thuộc thể loại sáng tác văn học là tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí và tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân. Tuy nhiên, dõi theo dòng chảy của thị trường sách, trong suốt năm qua người ta hầu như không thấy có chút gợn sóng nào liên quan đến hai tác phẩm trên.


Trước đó, giải Sách Việt Nam 2013 vừa công bố hồi cuối tháng 12.2013 cũng không tìm được tác phẩm nào để trao giải Sách hay.


Dĩ nhiên, để đánh giá đời sống văn học, không thể chỉ nhìn vào các giải thưởng hay hội hè đình đám. Nhất là trong bối cảnh, như cách nói của một nhà văn kỳ cựu, rằng chúng ta hoàn toàn không có những giải thưởng uy tín để người viết cảm thấy hãnh diện nhưng lại lạm phát các cuộc thi lùm xùm và tai tiếng. Do vậy, để có một cái nhìn khái quát hơn về đời sống văn học, người viết phải quay về quan sát các sự kiện.


Ngay từ đầu năm, giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam 2012 (công bố ngày 16.1.2013), hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã từ chối thẳng thừng bằng khen của hội. Theo Y Ban, lý do để bà từ chối là bởi “giám khảo không dám đối mặt” với tác phẩm Trò chơi huỷ diệt cảm xúc của bà, và họ cũng “không đủ tầm để đánh giá”. Tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn (tên thật Nguyễn Xuân Hoàng) gồm hai tập – Tam giác ngầmQuyền lực đen sau gần hai tháng phát hành, ngày 31.7, cục Xuất bản đã phát đi công văn yêu cầu “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung” bộ tiểu thuyết này. Tuy nhiên, chính hành động này của cục Xuất bản làm cho bộ tiểu thuyết Đại gia – vốn không ai chú ý khi mới phát hành, bỗng trở nên nổi tiếng và được công chúng săn lùng.


Có một sự kiện gọi là đáng chú ý, thậm chí gây tranh cãi trong giới là giải thưởng của hội Nhà văn Hà Nội vào tháng 10.2013, khi hội này quyết định trao 2/5 giải cho nhà văn Nguyên Ngọc với bút ký Các bạn tôi ở trên ấy và tập thơ Đường gió của Giáng Vân là hai nhà văn và nhà thơ cũng thuộc loại... lão làng.


Sắp kết thúc một năm buồn thảm thì tập thơ Từ yêu đến thương của Nguyễn Phong Việt xuất hiện giống như một sự cứu rỗi cho văn chương Việt. Tập thơ được đặt in tới 2 vạn bản ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Trước đó một năm, tập thơ Đi qua thương nhớ của Việt đã phá kỷ lục sáng tác với số lượng tái bản liên tục tới hơn 3 vạn bản. Những người trẻ trên Facebook thì nói: “Đọc Phong Việt dễ thấy mình trong đó lắm, khi đọc đau đớn lắm cơ mà xong thì nhẹ nhàng lắm!” (Nguyễn Ngọc Hiếu). Khi mà văn chương tìm thấy sự đồng cảm của người đọc – cho dù văn chương chỉ viết cho những người cùng thế hệ – để họ “thấy mình trong đó”, vậy không phải là tín hiệu sao? Cho dù đó chỉ mới là những hạt mầm, còn phải chờ đợi bung nở cho những vụ mùa sau, sau nữa...


Như Trần









Người cầm bút thực sự vẫn âm thầm viết


Đối với một người viết văn như tôi, dù một năm chỉ đọc được dăm cuốn sách, nhưng cảm thấy thú vị, như bộ hai cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, cuốn Lịch sử nhìn lại dưới góc nhìn y khoa, Chuyện nghề của Thuỷ, X6 Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, Nelson Mandela tự thoại… Về sách văn chương, tôi chỉ đọc được vài cuốn, như Sinh ra là thế của Nguyễn Ngọc Thuần, Xóm Miếu Nổi của Hà Hùng, Thang máy Sài Gòn của Thuận…


Nếu chỉ riêng mấy cuốn này mà nói về văn chương 2013 thì phiến diện quá.


Trong ba tác giả vừa kể trên, nếu “chấm điểm” thì tôi sẽ chấm cho Hà Hùng, vì đây là cuốn viết bằng hình ảnh, tự nhiên và có gì đó khiến mình vui sống. Mới đây, tôi cũng vừa đọc xong tiểu thuyết Tương tác của Triệu Từ Truyền, tôi nghĩ nếu bản thảo được chăm chút hơn thì đây là cuốn rất đáng đọc, vì nó đụng chạm đến những vấn đế lớn của nhân sinh. Thật thú vị là vừa qua các nhà bác học tìm ra hạt Higgs – “hạt của Chúa” đoạt giải Nobel Vật lý thì trước đó Triệu Từ Truyền đã chiêm nghiệm viết về thứ hạt tương tác này. Tất nhiên, trong tác phẩm này, tác giả còn mở rộng nhiều trường tương tác khác. Năm 2013, văn chương có vẻ khá bình lặng, nhưng tôi nghĩ những người cầm bút thực sự thì vẫn luôn âm thầm lao động…


Nhà văn Trần Nhã Thuỵ







Tết này, thịt heo rừng lên… mâm

Tết này, thịt heo rừng lên… mâm

Tết này, thịt heo rừng lên… mâm


SGTT.VN - Các món chế biến từ heo rừng thường chỉ khoái khẩu đối với dân nhậu. Nhưng tết Nguyên đán năm nay, với những cách tính toán hơn thiệt khác nhau, nhiều bà nội trợ ở miền Tây Nam bộ đã tính tới chuyện chọn thịt heo rừng thay thế cho heo nuôi (gia súc thông thường) cho gian bếp nhà mình trong mấy ngày tết.










Nuôi heo rừng ở đồng bằng sông Cửu Long.



Sự lựa chọn “khôn ngoan”!


Dù giá heo rừng hơi cao gấp 3 – 4 lần giá heo nuôi thông thường, nhưng chỉ cần có mức thu nhập trung bình là người tiêu dùng có thể chọn mua. Chị Đồng Bích Thuỷ ở phường An Bình (TP Cần Thơ) lý giải, do thịt heo (gia súc) ăn cả năm đã chán rồi, nên thịt heo rừng là cách lựa chọn tốt nhất cho tết này. Còn ông Lê Hoàng Trung, ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ) cho rằng, thịt heo chợ không biết có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, trong khi, heo rừng được nuôi bằng nguồn thức ăn toàn rau, củ nên chất lượng thịt bảo đảm sạch. Do vậy, theo ông Trung, nếu tốn tiền gấp ba lần, nhưng mua được sự an toàn cho thực phẩm gia đình mình trong mấy ngày tết, thì cũng nên ăn thịt heo rừng.


Ông Nguyễn Thanh Tâm, nhà vườn ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) so sánh, mua con heo (gia súc) về làm thịt để ăn tết, giá hiện tại cũng phải tốn 4,5 – 5 triệu đồng/tạ, nhưng nếu mua con heo rừng khoảng 20 – 25kg, sẽ tốn ít tiền hơn mua một tạ heo đôi chút. Những người ít tiền cũng có thể cùng góp tiền lại mua một con heo rừng trên 40kg, với giá khoảng 130.000 đồng/kg. Còn bà Phan Yến Nhi ở Vĩnh Long lại so sánh khác: nếu mua một con heo sữa quay trong siêu thị cũng mất hơn triệu đồng, nhưng thịt không ngon, trong khi đó, nếu mua nguyên con heo rừng đem về ăn tết vẫn ngon hơn vì thịt heo rừng ăn đỡ ngán do không có mỡ.


Heo rừng lên hương


Nếu như vài năm trước, ở miền Tây Nam bộ rộ lên phong trào nuôi heo rừng, kinh doanh con giống, nhưng thịt heo thương phẩm vẫn không tìm được đầu ra. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại một số trang trại nuôi heo rừng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lượng heo rừng là heo thịt được khách hàng đặt mua trong dịp tết Giáp Ngọ đã bắt đầu tăng từ đầu tháng chạp (âm lịch) năm Quý Tỵ.


Ông Trần Văn Năm, chủ trang trại nuôi heo rừng ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết lượng heo tết theo đặt hàng hiện đã tăng 10 – 15% so ngày thường. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thanh, chủ trang trại nuôi heo rừng ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết trang trại của ông chỉ có 40 con heo rừng, nhưng đến nay, khách đã đặt hàng bắt heo vào dịp tết này khoảng 20 con. Theo ông Năm, mấy năm nay, trang trại heo rừng của ông chỉ tập trung kinh doanh con giống, nhưng đến tết năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng lại tăng bất ngờ khiến cho những người nuôi heo rừng với quy mô nhỏ trở tay không kịp.


Hiện nay, giá heo rừng cỡ dưới 12kg/con khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg, khá “vừa ăn” đối với hộ gia đình trung lưu có ít nhân khẩu, nhưng lại “hơi cứng” đối với túi tiền của người dân nông thôn. Thông thường, người ăn thịt heo rừng thích chọn heo có trọng lượng từ 20 – 25kg/con, giá bán lẻ 170.000 đồng/kg. Nhưng người tiêu dùng còn có một lựa chọn khác khi có nhóm khách hàng cùng mua số lượng lớn có thể giá sẽ giảm xuống còn 150.000 đồng/kg. Để khuyến mãi cho khách hàng mua heo rừng về ăn tết, chủ trang trại còn kết hợp với các đơn vị giết mổ để làm dịch vụ miễn phí cho khách hàng.


Heo rừng được nuôi bằng nguồn thức ăn là các loại rau củ, tránh các loại thực phẩm có chất béo lại còn được nuôi trong môi trường thiếu nước uống nên tăng trọng rất chậm. “Thịt chắc, ít mỡ, đảm bảo không có bất cứ loại hoá chất nào tồn lưu trong sản phẩm thịt… là những ưu điểm không thể so sánh khi đề cập tới các sản phẩm thịt gia súc bày bán ở chợ”, ông Nguyễn Hoàng Thanh cam đoan.


bài và ảnh: Ngọc Tùng









Giá heo hơi sẽ tăng từ nay đến tết


Theo kết quả điều tra đầu quý 3/2013 của tổng cục Thống kê, cả nước có 26,3 triệu con heo bằng 99,1% so với năm 2012, nhưng sản lượng heo xuất chuồng tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước. Số liệu này cho thấy tổng đàn heo nuôi đang tiếp tục giảm. Trong nửa đầu năm 2013, do giá heo hơi giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người nuôi bị lỗ liên tục, làm hạn chế việc đầu tư mở rộng quy mô đàn nuôi. Giá heo hơi bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 7.2013, người nuôi đón giá thị trường tết đã lần lượt tái đàn. Hiện tại, giá heo hơi đang ở mức 45.000 – 50.000 đồng/tạ (tuỳ nơi) và có nhiều dự báo sẽ tiếp tục tăng từ nay đến tết Giáp Ngọ.







Đặc sản tết chờ người mua

Đặc sản tết chờ người mua

Đặc sản tết chờ người mua


SGTT.VN - Các siêu thị lớn như Co.opmart, Maximark, Big C… có lượng đặc sản dồi dào hơn các cửa hàng, siêu thị mini do có ký hợp đồng tiêu thụ từ sớm với nhà cung cấp. Một số đơn vị còn chấp nhận bao tiêu đầu ra hoặc ứng vốn trước cho nhà sản xuất/nhà cung cấp để có lượng hàng tết ổn định.










Trái phật thủ bán tại cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản. Ảnh: Minh Cúc



Tại siêu thị Hà Nội chủ yếu vẫn là các món đặc sản miền Bắc như măng lưỡi lợn, măng nứa, miến dong Bắc Kạn… Ngoài ra, còn có các món đặc sản thường gặp mùa tết như trà Thái Nguyên, trà móc câu Tân Cương… Măng rừng là món được chưng bán khá nhiều với đa dạng chủng loại, giá cả khá mềm. Chẳng hạn, măng lưỡi lợn có giá 75.000 đồng/gói/200g, măng nứa gói 70.000 đồng/gói/200g, măng vẩu xé khô 43.800 đồng/gói/150g...


Hệ thống siêu thị Co.opmart kết hợp với các doanh nghiệp địa phương như An Giang, Kiên Giang, Bến Tre… đưa đặc sản về tiêu thụ. Một số loại đặc sản của các làng nghề địa phương được đưa vào cơ cấu Giỏ quà tết Việt 2013 của siêu thị Co.opmart.


Đại diện siêu thị Maximark Cộng Hoà cho biết, tết năm nay Maximark ưu tiên cho đặc sản vùng miền, mở rộng chủng loại đặc sản từ nhiều địa phương khác nhau. Như mọi năm, thế mạnh của Maximark là đặc sản miền Trung.


Siêu thị Big C chủ động bổ sung các loại đặc sản ở nhiều vùng miền khác nhau như bánh chưng gấc (miền Nam), chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật (Lạng Sơn), bánh nẳng (Vĩnh Phúc)… Tuỳ vào vị trí địa lý của từng siêu thị, hệ thống Big C sẽ sắp xếp cơ cấu đặc sản vùng miền phù hợp.


Qua khảo sát tại một số cửa hàng đặc sản ở khu vực quận 1 và 3 như đường Điện Biên Phủ, Trần Quốc Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Mạnh Trinh… đặc sản phục vụ tết khá phong phú. Nhìn chung, đặc sản tết năm nay giá tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Hiện tại, khách hàng có thể đặt mua một số đặc sản miền Bắc, miền Tây, miền Trung qua email hoặc Facebook. Một số cửa hàng kinh doanh đặc sản cho biết nếu khách hàng không đặt mua sớm thì có thể đặc sản sẽ tăng giá vào thời điểm sát tết, do chi phí vận chuyển tăng lên. Một số loại đặc sản thuộc loại “tươi” như bánh tét/chưng, trái cây các loại mới chỉ có một ít trên kệ hàng, phần lớn các cửa hàng đều đề nghị đặt hàng trước, đến tết lấy. Chủ cửa hàng Tiến Huệ đường Điện Biên Phủ cũng cho biết, để mua được hàng ngon nên đặt trước vì một số loại “hot” như nem, giò thường thiếu hàng vào giờ cao điểm. Hiện giá nếp cái Bắc tại các cửa hàng có giá 40.000 đồng/kg, nếp nương 45.000 đồng/kg, nem chua 55.000 đồng/chục, nem phùng 35.000 đồng/gói, giò bê 380.000 đồng/kg, trái phật thủ 240.000 đồng/trái.


Giá bán đặc sản tại các siêu thị lớn vẫn ổn định hơn các cửa hàng quy mô nhỏ. Hiện tại, giá bán đặc sản ở một số cửa hàng đã có dấu hiệu nhích lên. Một vài cửa hàng còn cho biết, vào thời điểm cận tết đặc sản có thể tăng giá thêm 10 – 20%.


Theo nhận xét của một số siêu thị và cửa hàng đặc sản, hiện nhu cầu mua đặc sản năm nay có phần yếu hơn năm trước, nhưng phải đợi thêm khoảng mười ngày nữa mới có thể đánh giá chính xác hơn. Một số đơn vị “thủ thế”, không dám đặt mua nhiều với nhà cung cấp mà chia thành nhiều giai đoạn từ nay đến giáp tết. Tuy vậy, một số sản phẩm có thời gian sử dụng dài như nấm khô, măng khô, miến, nếp… đã được người tiêu dùng mua trữ sẵn phòng khi giá lên.


Chí Thịnh – Hoàng Bảy – Minh Cúc









Xuất hiện trứng ăn liền


Công ty Trại Việt (Vietfarm) đưa ra thị trường dòng sản phẩm trứng cút luộc bóc vỏ ăn liền, trứng vịt muối luộc ăn liền, trứng cút kho và trứng gà kho ăn liền nhằm tạo sự tiện lợi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mùa tết. Theo ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty Trại Việt, sản phẩm trứng tiệt trùng ăn liền được chế biến theo quy trình hiện đại, từ khâu luộc (sử dụng máy luộc trứng) đến khâu bóc vỏ (sử dụng máy bóc vỏ trứng), khâu tiệt trùng (sử dụng máy tiệt trùng trên 121 độ C) đảm bảo an toàn vi sinh.







Giỏ quà tết ngày càng teo tóp

Giỏ quà tết ngày càng teo tóp

Giỏ quà tết ngày càng teo tóp


SGTT.VN - “Để cùng một số tiền, nhưng có thể có được số lượng gói quà nhiều hơn, đồng thời bảo đảm được giá trị của gói quà không kém năm ngoái, chúng tôi quyết định tự chọn các mặt hàng cho giỏ quà tết của mình và mua từng món. Sau đó người của chúng tôi tự gói. Nhờ vậy, đã tiết kiệm được một khoản đáng kể cho chi phí quà tặng”, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, giám đốc công ty TNHH thương mại – dịch vụ và sản xuất Việt Sin, chia sẻ.










Giỏ quà Tết Việt do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Co.opmart tổ chức, là một trong số ít các gói quà được người tiêu dùng quan tâm do giá cả hợp lý, cơ cấu sản phẩm của gói quà phù hợp thị hiếu người dùng.



Thăm dò một số doanh nghiệp, cách làm của Viet Sin là khá phổ biến. Và có lẽ chuyện này khiến không khí mua bán quà tết trên thị trường kém nhộn nhịp.


Ở các cửa hàng, siêu thị các giỏ quà gói sẵn chào đón năm Giáp Ngọ 2014 đã được bày bán nhưng sức mua còn chậm. Người tiêu dùng có nhu cầu mua lẻ thì phần lớn vẫn ghé cửa hàng để “xem trước đã”. Người mua thì “liệu cơm gắp mắm”. “Mỗi năm tôi phải mua chừng hơn chục giỏ quà để biếu cha mẹ họ hàng hai bên, thủ trưởng cơ quan, rồi thầy cô của các cháu. Năm nay, thu nhập eo hẹp, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải chọn những giỏ quà có giá trị thấp để biếu. Chỉ chọn giỏ quà có 300.000 đồng/giỏ mà cũng mất khoảng 5 triệu”, vợ chồng chị Thu, người đang săm soi chọn quà ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông cho biết.


“Mọi năm, tại thời điểm này là mùa chộn rộn của mặt hàng giỏ quà biếu. Khách đặt hàng liên tục, gửi đi nước ngoài hoặc gửi về quê làm quà. Năm nay dù đã vào tháng chạp nhưng không khí vẫn im ắng. So với năm ngoái số lượng đơn hàng giỏ quà giảm 30%. Trong đó loại có giá khoảng 300.000 đồng, loại rẻ tiền, được đặt nhiều nhất. Khách đặt mua đa số vẫn là các doanh nghiệp, khách mua lẻ rất ít”, bà Nguyễn Thanh Hải, chủ hệ thống siêu thị Hà Nội, nói.


Còn theo bà Tiến, chủ cửa hàng bánh kẹo Cần Tiến trên đường Ba Tháng Hai: “Giỏ quà có giá từ 300.000 – 500.000 đồng được khách đặt nhiều nhất. Các loại bánh tươi, hộp bánh lớn (loại hộp thiếc), sôcôla ngoại giá cao mọi năm tôi nhập hàng nhiều nhưng năm nay phải chọn lọc để nhập vì sợ ôm hàng”.


Bà Hoàng Thu Hường, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần thương mại sản xuất Hương Thuỷ, cho biết: “Chúng tôi chuyên phân phối quà cho các doanh nghiệp, thị trường. Khách hàng ngày càng yêu cầu những gói quà có giá trị thấp dần. Năm nay so với năm trước, giá trị gói quà nhìn chung giảm. Cụ thể, trước đây những khách hàng đặt những gói quà giá từ 1,5 – 2 triệu đồng thì năm nay họ giảm xuống chỉ còn từ 500.000 – 700.000 đồng/gói. Về chất lượng bên trong, phần giảm nhiều nhất là rượu. Các loại rượu đắt tiền trước đây nay được thay bằng rượu vang, sâm banh. Có nhiều đơn đặt hàng yêu cầu cắt hẳn phần rượu mà thay vào đó bằng các loại bánh kẹo”.


“Thời hoàng kim của nhu cầu quà biếu là những năm 2008, 2009. Lúc ấy thu nhập từ chứng khoán, đất đai… khiến người ta không tiếc tiền để đầu tư cho những gói quà giá trị nhằm lấy lòng nhau”, bà Hường nhận xét thêm.


bài và ảnh: Ngọc Hoài






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ