Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Triển lãm Còn sót lại: những màn vũ đạo bị gián đoạn tại Pháp

Triển lãm Còn sót lại: những màn vũ đạo bị gián đoạn tại Pháp

Triển lãm Còn sót lại: những màn vũ đạo bị gián đoạn tại Pháp


SGTT.VN - Các nghệ sĩ Việt Nam và gốc Việt gồm có Lena Bùi, Tiffany Chung, Đinh Q Lê, Jun Nguyễn-Hatsushiba, Nguyễn Huy An, Nguyễn Thái Tuấn, Nguyễn Trinh Thi và The Propeller Group sẽ tham gia triển lãm từ 21.2 đến 27.4 tại Carré d’Art - Musée d’art contemporain, Nimes, Pháp.


Còn sót lại: những màn vũ đạo bị gián đoạn trình bày quan điểm của tám nghệ sĩ đương đại về một giai đoạn đầy thách thức giữa Việt Nam-với những ý thức hệ cũ và giai đoạn toàn cầu.


Triển lãm do bảo tàng Carre d’Art và Sàn Art đồng tổ chức trong dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, đồng thời đánh dấu Năm Việt Nam tại Pháp.


Liveshow đầu tiên của Hiền Thục










Hiền Thục



Hiền Thục là nữ ca sĩ đầu tiên làm liveshow ca nhạc sau tết. 25 năm ca hát sẽ được tái hiện trong 90 phút của Dấu ấn Hiền Thục diễn ra lúc 20g ngày 1.3 tại nhà thi đấu Nguyễn Du (Q.1 – TP.HCM) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9.










Danh ca Bạch Yến.



Chương trình sẽ mang đến bất ngờ cho khán giả với tiết mục kết hợp giữa Hiền Thục và danh ca Bạch Yến - nữ ca sĩ Việt Nam có sự nghiệp âm nhạc không chỉ trong cộng đồng người Việt mà còn tham gia những show truyền hình ăn khách nhất ở Mỹ. Ngoài ra, chương trình có sự góp mặt của các giọng hát đến từ cuộc thi Giọng hát Việt nhí – cuộc thi mà Hiền Thục là huấn luyện viên.


Sách cho ngày tình nhân


Nhà xuất bản Trẻ vừa xuất bản các tựa sách mới cho dành cho ngày Valentine 2014, trong đó nổi bật là cuốn Nhật ký tình yêu - Mark Twain (dịch giả Nguyễn Tuấn Việt).










Bìa 1 và 4 của Nhật ký tình yêu.



Nhật ký tình yêu (Eve’s Diary) là câu chuyện tình lãng mạn được viết dưới dạng nhật ký của người nữ đầu tiên trên thế gian – nàng Eva – qua ngòi bút đại danh hào Mark Twain và minh hoạ bởi nét vẽ tài hoa của Lester Ralph. Tuy gây tranh cãi vì những bức tranh Adam và Eva trong “trang phục thiên nhiên” khi mới phát hành lần đầu tiên năm 1906 tại Mỹ, nhưng chính những bức tranh minh họa chân thật và không hề vướng nét thô tục đó sau này đã được nhìn nhận tính thẩm mỹ và làm nên sự hấp dẫn cho câu chuyện tình đầu tiên của thế gian.


Trâm Anh






Ghép hành phương Nam

Ghép hành phương Nam

Ghép hành phương Nam


SGTT.VN - Hai hoạ sĩ Hoàng Thị Phương Liên và Lê Thiết Cương đã chọn 10 bức tranh ưng ý nhất của mình góp lại với nhau làm nên Ghép. Lần này, họ cùng nhau “hành phương Nam” đúng đầu năm Giáp Ngọ, bằng cuộc triển lãm 20 bức tranh tại Lý Club, 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM từ ngày 15 đến hết 25.2.


Họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên học chuyên ngành đồ họa, đại học Mỹ thuật công nghiệp (khóa 1978-1984). Đã hơn 20 năm chị chuyên tâm với xé giấy. Với ưu thế của bảng màu tươi của giấy màu thủ công, Phương Liên chọn đề tài cho tranh của mình là tĩnh vật hoa tươi quả chín, phong cảnh đồng quê bốn mùa và chợ miền núi.










Tác phẩm của Lê Thiết Cương- Đồng hồ, chất liệu gốm mosaic/sơn mài.











Tác phẩm của Hoàng Thị Phương Liên- Cấy, chất liệu xé giấy.



Phần còn lại của Ghép là những bức tranh Lê Thiết Cương. Đây cũng là lần đầu Cương đến với gốm mosaic. Đặc điểm của gốm mosaic là không có nhiều màu và chỉ thiên về màu cơ bản nên anh chọn một số tranh trong serie tranh Đồng dao để thể hiện, là serie mà hoạ sĩ dùng ít màu và tương phản mạnh.


P.V






Lễ hội ẩm thực “Ngày hội quê tôi”

Lễ hội ẩm thực “Ngày hội quê tôi”

Lễ hội ẩm thực “Ngày hội quê tôi”


SGTT.VN - Từ 16 giờ đến 21 giờ các ngày 21, 22 và 23.2, tại khu du lịch Văn Thánh (TP.HCM), làng du lịch Bình Quới tổ chức lễ hội “Ngày hội quê tôi”.


Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn từ các vùng miền với sự tham gia của một số đơn vị du lịch của các tỉnh Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ... Điểm nhấn của lễ hội năm nay là giới thiệu các loại chè và bánh dân gian Việt Nam. Bên cạnh ẩm thực, lễ hội có chương trình biểu diễn nghệ thuật như: dân ca quan họ, dân ca Huế và Nam Trung bộ, nhạc Chăm Pa – ra – nưng (Ninh Thuận), múa sạp, đàn ca tài tử Nam bộ; sinh hoạt dân gian tái hiện cảnh chợ quê Bắc, Trung, Nam, chợ phiên vùng cao Tây Bắc tạo nên một ngày hội nhiều sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc; tái hiện hoạt động một số nghề sản xuất sản phẩm thủ công bánh dân gian. Du khách còn có thể tham gia các trò chơi dân gian như: ném còn, đấu vật, đẩy cây…; trẻ em được hướng dẫn nặn tò he, làm đồ chơi bằng lá dừa, tre trúc… Trong lễ hội còn có khu tái hiện cảnh sinh hoạt làng chài Việt Nam với các loại tàu thuyền đánh cá, lưới, ngư cụ và món ăn của ngư dân dọc miền duyên hải Việt Nam.


Nguyệt Hồng






Chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc

Chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc

Chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc


SGTT.VN - Lúc 7 giờ 50 hôm nay (14.2), cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay quốc tế đầu tiên mang số hiệu KAR 2531 của hãng hàng không IKAR từ Cộng hoà Liên bang Nga đến. Đây là kết quả ban đầu từ sự nỗ lực của tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tỉnh Kiên Giang và các đơn vị xúc tiến mở đường bay quốc tế.


Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã cùng với đối tác là công ty Pegas Tourist (Thổ Nhĩ Kỳ) và công ty du lịch Ánh Dương tổ chức tuyến bay thẳng từ Nga đến Phú Quốc. Bước đầu, Pegas Tourist và công ty Ánh Dương sẽ khai thác mỗi tuần một chuyến bay từ Nga đến Phú Quốc, sử dụng máy bay Boeing 757, khoảng 250 ghế. Hiện ba hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific) đang khai thác các tuyến bay nội địa từ Phú Quốc đi: Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM và ngược lại. Năm 2013, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã tiếp nhận xấp xỉ 700.000 lượt hành khách, tăng 39% so với năm 2012, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 37%.


Các Ngọc






Khám phá ra thằn lằn chân nửa lá Bà Nà

Khám phá ra thằn lằn chân nửa lá Bà Nà

Theo dấu sinh vật:


Khám phá ra thằn lằn chân nửa lá Bà Nà


SGTT.VN - Các nhà nghiên cứu động vật Việt Nam gồm Ngô Văn Trí, viện Sinh học nhiệt đới (thuộc viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam); Phạm Hồng Thái, phòng Giáo dục Quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) và giáo sư L.Lee Grismer, đại học La Sierra, P.L. Wood Jr., đại học Brigham Young (Mỹ), vừa công bố loài thằn lằn chân nửa lá Bà Nà mới ở khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa (Đà Nẵng) trên tạp chí chuyên ngành quốc tế Zootaxa, số 3760 ra ngày 4.2.2014.










Loài thằn lằn chân nửa lá Bà Nà. Ảnh: Phạm Hồng Thái



Loài thằn lằn chân nửa lá Bà Nà – Hemiphyllodactylus banaensis sp. nov. Ngô, Grismer, Phạm & Wood Jr. 2014 có chiều dài đầu thân SVL lớn nhất của con cái là 51 mm với 9–12 vảy môi trên, 9–11 vảy môi dưới, 18–20 hàng vảy lưng chạy dọc thân, 9–12 hàng vảy bụng. Con đực có 20–21 vảy mang lỗ trước huyệt và vảy dưới đùi liên tục. Trong khi đó, con cái có 0–20 vảy mang lỗ trước huyệt và vảy đùi. Thân có những đốm vằn vện ngang và hai sọc trắng nhạt chạy dọc hai bên thân từ vai đến xương cùng.


Sinh cảnh sống là rừng thường xanh trên đỉnh của núi Bà Nà.


Bích Ngân






Nhà cổ Bình Thuỷ

Nhà cổ Bình Thuỷ

Nhà cổ Bình Thuỷ


SGTT.VN - Lúc chúng tôi chuẩn bị rời ngôi nhà cổ, đã gần 5 giờ chiều và bên ngoài trời vẫn lất phất mưa. Thế mà, vẫn có một đoàn hơn 20 khách nước ngoài ghé vào. Họ vừa chăm chú lắng nghe, vừa săm soi từng món đồ, từng hoa văn của căn nhà...










Nhà toàn gỗ quý.



Đã hết giờ tham quan, hướng dẫn viên hối thúc mọi người lên xe nhưng nhiều người vẫn cố nấn ná để chụp những tấm ảnh, để quan sát từng chi tiết bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà.


Câu chuyện của căn nhà cổ gần 140 năm này không chỉ là chuyện kể của một căn nhà. Chúng gắn liền với câu chuyện của người chủ đầu tiên, cái cách mà người ta tạo dựng nó, câu chuyện của từng món đồ, xuất xứ của chúng, giá trị của chúng...


Bên cạnh đó còn là câu chuyện mà có lẽ bây giờ là thực, nhưng mai sau chúng sẽ được thêu dệt thêm cho có vẻ ly kỳ huyền bí. Như câu chuyện chủ nhân căn nhà mua cặp ngà voi dài nhất Việt Nam cũng như quá trình lưu lạc của nó. Câu chuyện của người thợ xây khi nhận thầu xây căn nhà đã phải dè dặt vì sợ ảnh hưởng đến sự tồn vong, nghèo giàu của mình sau này.


Rồi đằng sau đó nữa, là cả một văn hoá của vùng sông nước từ chuyện ẩm thực, chuyện lễ nghi...


Tất cả đều là những điều hoàn toàn có thể khai thác để cho cuộc tham quan trở nên hoàn hảo hơn, đầy đủ hơn của du khách. Thế nhưng, thật đáng tiếc, những điều nói trên chỉ được lược giải qua loa bởi những hướng dẫn viên không đủ thời gian. Và đối với những người tự tìm đến căn nhà này thì câu chuyện lại chỉ được truyền tải bởi một người phụ nữ (hậu nhân của chủ nhà) già yếu.


Nên chăng, ở mỗi đồ vật của ngôi nhà, ở mỗi chi tiết thú vị cần có một chiếc bảng nhỏ ghi những điều cần thiết. Hay tốt hơn nữa những người làm du lịch ở đây nên in một tập sách hay tài liệu tham khảo để bán cho mọi người đến thăm.


Bài: nhị nguyên

ảnh: thu vân













Giá trị của những món đồ ở đây là vô giá.










Nhà cổ Bình Thuỷ do gia đình họ Dương xây từ năm 1870 tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thuỷ, TP Cần Thơ. Ngôi nhà có năm gian hai mái được xây dựng theo kiến trúc Pháp vẫn còn khá nguyên vẹn. Hiện nay, hậu duệ đời thứ sáu là ông Dương Minh Hiển cùng gia đình tiếp tục kế thừa và giữ gìn ngôi nhà.


Căn nhà rộng năm gian hai chái, ngang 22m, sâu 16m, nằm trên lô đất có diện tích 6.000m2. Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng 8m có độ tuổi khoảng 40. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng với sáu hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30cm. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn 10cm. Ngôi nhà được bài trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hoà xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xalông khảm trải kiểu Pháp đời Louis XIV, cặp đèn treo thế kỷ XIX, lavabo, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3m của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.


Tư liệu từ internet











Những chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ.











Những món đồ quý giá bên trong ngôi nhà.











Nhà xây theo kiểu Pháp đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.











Mặt tiền ngôi nhà với hai lối đi cầu thang hình cánh cung.







35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc

35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc

35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc


SGTT.VN - Tháng 1.1979, Việt Nam mở chiến dịch Tây Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ thân Trung Quốc tại Campuchia, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học".


Quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt năm 1968 khi Việt Nam đồng thời giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước này xuất hiện nhiều xung đột căng thẳng. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon tới thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ba năm sau đó, Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc.










Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. Ảnh: TL



Bắc Kinh xem đó như mối đe dọa. Tháng 5.1975, Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường. Đứng sau viện trợ cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự là Trung Quốc. Tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sa cũng nổi lên rõ hơn khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo.


Ngày 3.11.1978, Việt - Xô ký hiệp ước hữu nghị 25 năm - chính thức xác nhận Việt Nam đứng về phía Liên Xô. Gần 2 tháng sau, quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.


Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy đã tuyên bố "phải dạy cho Việt Nam một bài học".


Cuộc chiến 30 ngày


Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.


Dù từng tuyên bố về ý định trừng phạt trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.


Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc có khoảng 50.000 quân.


Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm khẩu pháo, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.


Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung Quốc chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chất (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dù bị bất ngờ song với lực lượng dân quân địa phương, Việt Nam đã chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.


Ngày 20.2, Trung Quốc tăng cường lực lượng chi viện, mở các đường tấn công mới vào điểm cao nhằm tiến xuống phía nam Đồng Đăng. Quân và dân Lạng Sơn bám trụ trận địa, đánh trả mạnh mẽ các mũi tấn công phía trước, phía sau của địch, buộc quân Trung Quốc phải co về đối phó và bị đẩy lùi ở nhiều nơi.


Sau 10 ngày chiến đấu không đạt được mục tiêu, ngày 27.2, Trung Quốc tung thêm một quân đoàn nhằm vào thị xã Lạng Sơn. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt giữa 2 quân đoàn tăng cường của Trung Quốc và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam. Ở điểm cao 417, đoàn An Lão đã đánh bật hàng chục đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn 850 của Trung Quốc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Khánh Khê trên đường 18, chiến sĩ đoàn Tây Sơn đã chặn đứng một sư đoàn quân và một tiểu đoàn xe tăng Trung Quốc.


Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.


Cả hai cánh quân đều bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng đánh chặn. Cánh quân tây bắc dựa vào sức đột phá của xe tăng bị chặn tại Hòa An. Cánh quân đông bắc cũng bị đánh quyết liệt ở Thạch An và Quy Thuận, bị chặn đứng trên đường số 4. Mũi đánh vào Trà Lĩnh, Phục Hòa gồm 2 sư đoàn nhằm chiếm đèo Mã Phục, Khâu Chia cũng bị lực lượng vũ trang địa phương phản kích làm tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới.










Lính thám báo sơn cước Trung Quốc bị bắt làm tù binh. Ảnh: TL



Ba ngày đầu, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn, bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chia, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc trong 12 ngày, diệt hơn 4.000 lính. Ngày 12.3, quân Trung Quốc tháo chạy.


Trên tuyến Hoàng Liên Sơn, từ mờ sáng 17.2, các sư đoàn tuyến 1 của hai quân đoàn Trung Quốc ồ ạt tấn công toàn biên giới Hoàng Liên Sơn từ phía tây bắc đến đông bắc thị xã Lào Cai. Cùng với việc đánh nhiều mũi vào các huyện Bát Xát, Mường Khương, bắn pháo dữ dội vào thị xã, quân Trung Quốc đồng thời bắc cầu qua sông Nậm Thi, cho xe tăng và bộ binh tiến vào thị xã Lao Cai và khu vực Bản Phiệt. Dân quân, tự vệ thị xã cùng các lực lượng vũ trang ở đây đánh trả quyết liệt. Sau 7 ngày, hai quân đoàn Trung Quốc không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích của quân và dân Hoàng Liên Sơn.


Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, cùng một lúc quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu) và đụng độ với lực lượng vũ trang địa phương. Qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ.


Ở Hà Tuyên, một sư đoàn Trung Quốc tấn công vào các đồn chốt biên phòng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của công an vũ trang, dân quân, bộ đội các huyện Đồng Văn, Thanh Thủy, Mèo Vạc và đồng bào các dân tộc. Hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.


Tại Quảng Ninh, Trung Quốc dùng hai sư đoàn bộ binh tiến công vào Pò Hèn, Móng Cái, Cao Ba Lanh, huyện Bình Liêu. Trong hai ngày 19 và 20.2, hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui, tháo chạy sát về biên giới.


Trung Quốc rút quân


Ngày 5.3.1979, Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và bắt đầu rút quân. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng rút lui là hành động rất khó, có thể gây cho Trung Quốc nhiều tổn thất nếu bị quân tinh nhuệ Việt Nam phản công.


Ngày 7.3, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân, thể hiện thiện chí hòa bình. 18.3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.


Trải qua 30 ngày chiến đấu, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, đánh trả quyết liệt.










Hàng vạn thanh niên Việt Nam mới 18, đôi mươi đã nằm lại nơi biên giới phía Bắc, giữ vững chủ quyền dân tộc. Ảnh: TL



Việt Nam công bố, tiêu diệt 62.500 lính Trung Quốc (hơn 1/10 tổng số được huy động), đánh tan hoặc gây thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến), phá hủy 115 đại bác và súng cối hạng nặng…


Tuy nhiên, cuộc xâm chiếm của Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại nặng cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp, hàng chục nghìn ha hoa màu bị tàn phá. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản.


Kết thúc môt tháng giao tranh, giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học của chính mình.


Sau thời điểm 18.3.1979 đến tận 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Suốt gần 10 năm đó, chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.


Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại nặng nề.


Năm 1992, Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ.


Theo Hoàng Thùy - Nguyễn Hưng (VnExpress)






Tình yêu đích thực trong thể thao

Tình yêu đích thực trong thể thao

Càphê thể thao


Tình yêu đích thực trong thể thao


SGTT.VN - So bề nhan sắc, cựu danh thủ quần vợt Steffi Graf khó lòng “có cửa” để được chen chân vào hàng ngũ những người đẹp nổi tiếng trên thế giới. Bàn về sắc đẹp thuần tuý, huyền thoại quần vợt này thậm chí không oan khi bị kết luận là... xấu. Nhưng cuộc tình giữa tay vợt duy nhất trong lịch sử quần vợt thế giới từng lấy đủ bốn giải Grand Slam trong năm với Andre Agassi – một huyền thoại khác của làng banh nỉ – lại bền vững, ít nhất là qua hơn chục năm kể từ khi họ kết hôn vào năm 2001.


Cũng vậy, cuộc hôn nhân giữa cô ca sĩ của nhóm Posh Spice ngày nào, Victoria Adams, với cựu danh thủ bóng đá David Beckham, vẫn đang bền vững qua bao sóng gió. Không bao giờ Victoria xứng danh “người đẹp”. Ngược lại, chàng hảo thủ “đẹp mã” của bóng đá Anh – ngoài những thành công không thể chối cãi trên sân cỏ – đáng được xem là người tình trong mộng của không biết bao nhiêu cô gái trẻ đẹp trên cõi đời. Bỏ qua thành công về mặt nghề nghiệp, Beckham “điển trai” đến mức độ giới quan sát và phân tích trong làng celebrity khẳng định anh đủ sức tấn công vào lĩnh vực điện ảnh, ngay tại Hollywood – kinh đô của làng điện ảnh thế giới.










Cuộc tình giữa tay vợt duy nhất trong lịch sử quần vợt thế giới từng lấy đủ bốn giải Grand Slam trong năm với Andre Agassi – một huyền thoại khác của làng banh nỉ – lại bền vững, ít nhất là qua hơn chục năm kể từ khi họ kết hôn vào năm 2001.



Mới đây, tay vợt nữ khả ái Caroline Wozniacki đã công bố chuyện đính hôn với ngôi sao golf Rory McIlroy. Cuộc tình rất ư hạnh phúc giữa họ đủ khiến bao tỉ phú giàu sụ hoặc những ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí thế giới phải ganh tị. Đấy đều là những bài học tuyệt vời trong giới “celebrities”.


Bàn về giới này, không ai không biết diễn viên huyền thoại Liz Taylor – cô đào huyền thoại đã trải qua tám cuộc hôn nhân với bảy đời chồng. Liz Taylor thì ai cũng biết. Vấn đề đặt ra: giữa danh tiếng và hạnh phúc cá nhân, Liz Taylor xem trọng điều gì hơn? Một câu hỏi tế nhị dĩ nhiên sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời “hai năm rõ mười”. Dù sao đi nữa, không dễ đoán câu trả lời từ phía... bia miệng.


Cuộc hôn nhân giữa Liz Taylor và Conrad Hiton chỉ kéo dài chưa tới một năm. Tương tự là cuộc hôn nhân... lần thứ 2, giữa Taylor và Richard Burton. Đấy đều là những tên tuổi lừng lẫy trong làng giải trí. Nhưng đấy cũng là những nhân vật khó thoát khỏi “bia miệng”. Họ có thực lòng yêu nhau? Chẳng ai đủ tư cách để phán xét. Nhưng cũng không khó bình luận. Đấy là những cuộc kết hợp vì nghề nghiệp, vì danh tiếng, vì lợi ích chung cho mọi phía liên quan. Tóm lại, đấy đều không phải là tình yêu đích thực. Dù là VIP, là “celebrity”, hay là... phàm phu tục tử, tất cả đều có điểm chung không thể chối cãi: tình yêu là một vấn đề thiêng liêng, là một phạm trù đặc biệt, cao hơn bất cứ danh tiếng, tiền bạc, hay lợi ích cụ thể nào trên cõi đời. Tình yêu chân thực luôn vượt qua mọi cám dỗ tầm thường về danh tiếng, về sự giàu có, về vai vế hay địa vị xã hội. Yên nhau chân thực, người ta sẽ dễ dàng tìm được thứ hạnh phúc tuyệt vời mà tiền bạc hay quyền lực hoặc sự nổi tiếng đều không dễ đem lại.


Tiền bạc là “không”, danh lợi là “không”. Khi yêu nhau, tất cả đều có thể sẽ là “không”, ngoài tình yêu đích thực. Trong thể thao, khó lòng tìm ra một cái tên nổi tiếng hơn “vua bóng đá” Pele. Nhưng Pele có bao giờ hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân? Trong số cơ man những người đẹp mà Pele từng “trải nghiệm”, có cả Xuxa – một mỹ nhân nổi tiếng ở Brazil – từng phiêu lưu tình ái với tay đua huyền thoại Ayrton Senna, và cả với Ronaldo - một ngôi sao “hậu bối” của Pele. Hồi Xuxa... có bầu, Senna tuyên bố: “Nếu đứa trẻ là con gái, tôi sẽ gửi sang Thuỵ Sĩ. Nếu là con trai, tôi sẽ gửi sang Pháp. Nếu nó da đen, tôi sẽ gửi trả Pele”. Cay đắng xem ra cũng nhiều. Bài học về tình yêu đích thực, xem ra không phải bàn nhiều, kể cả tình yêu của những người nổi tiếng thế giới.


Quỳnh Nga






Ấn vẫn còn thiêng

Ấn vẫn còn thiêng

Phiếm


Ấn vẫn còn thiêng


SGTT.VN - Trong hội đền Trần năm nay, có một khách dự hội cứ quay sang hỏi người này đến người khác:


– Bác nào biết năm nay có bao nhiêu ấn được bán ra ạ?


– Nghe nói 50 vạn.


Người hỏi hốt hoảng:


– Ối giời, nhiều thế a! Thế thì chết em rồi!


– Sao lại chết? Bộ nhà bác kinh doanh… ấn chợ đen à?


– Chết vì thế này: em là công chức, vừa nghe bộ Nội vụ công bố dự thảo chính sách tinh giản biên chế 100.000 người, nên vội lên đây xin cái ấn cho nó yên tâm. Nhưng mà ấn bán ra nhiều thế, ai cũng mua được cả thì lấy ai tinh giản cho đủ số 100.000? Thế thì lo lại hoàn lo!


Nghe xong, cả đám đông chùng xuống lo lắng. Một người thú nhận:


– Tụi em cũng giống bác, lên đây chỉ cốt cầu cho cái ghế công chức được yên ổn, nay bác nói thế thì đáng lo thật!


Trong đám đông, một khách phá lên cười:


– Không sao không sao! Phó chủ nhiệm uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa cho biết: sau năm năm tinh giản biên chế, bộ máy công chức nhà nước phình thêm 20%! Cho nên không chừng cái chỉ tiêu 100.000 đó vài năm nữa là số… tăng thêm đấy! Mọi người cứ vô tư, nhá!


Tất cả thở phào, lại háo hức chờ mua ấn. Còn người khách ban nãy thì gật gù tự nhủ:


– Thế thì đợi chừng nào bộ Nội vụ tinh giản biên chế trong chính bộ máy của mình trước mới đáng lo, nhỉ?


Người già chuyện






Sẽ thay đổi cách tính phí quỹ bảo trì đường bộ?

Sẽ thay đổi cách tính phí quỹ bảo trì đường bộ?

Sẽ thay đổi cách tính phí quỹ bảo trì đường bộ?


SGTT.VN - Bộ Tài chính vừa xin ý kiến bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi một số nội dung cách tính và nộp phí bảo trì đường bộ. Theo dự thảo này, rất nhiều điều khoản nếu được thông qua thì các doanh nghiệp vận tải sẽ được tháo gỡ khó khăn đáng kể.


Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp


Thay đổi đáng chú ý nhất là cách tính phí với xe đầu kéo và rơmóóc, sơ mi rơmóóc theo hướng gộp chung trọng lượng của xe đầu kéo cộng thêm trọng lượng rơmóóc kéo theo để tính phí, thay vì tính riêng trọng lượng của rơmóóc.


Ngày 13.2, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Thái Văn Chung, tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM đồng tình: cách tính mới này sẽ đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp vì thông thường, số rơmóóc phải nhiều gấp từ 2 – 3 lần so với xe đầu kéo, thậm chí gấp năm lần nhưng mỗi lần lăn bánh thì một đầu kéo chỉ kéo theo được một rơmóóc.










Bộ Tài chính vừa xin ý kiến bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi một số nội dung cách tính và nộp phí bảo trì đường bộ.



“Tôi biết tại TP.HCM, cá biệt có doanh nghiệp có 100 xe đầu kéo nhưng có đến 900 rơmóóc. Nếu theo cách tính mới mà dự thảo đề cập thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được phí 800 rơmóóc, mỗi rơmóóc khoảng 500.000 – 600.000 đồng/tháng, vậy là doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng”, ông Chung nói.


Một quy định mới khác mà theo ông Chung là sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ rất đáng kể về nguồn vốn là cách nộp phí hàng tháng thay vì theo chu kỳ đăng kiểm. Dự thảo quy định nếu doanh nghiệp nào có số phí phải nộp từ 50 triệu đồng/tháng trở lên thì được phép nộp từng tháng một, thay vì phải nộp trước cả năm hoặc nộp trước theo chu kỳ đăng kiểm.


“Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không còn phải lo chạy vạy số tiền lớn để nộp quỹ bảo trì mỗi lần đến hạn đăng kiểm, nhất là những doanh nghiệp có hàng trăm xe đầu kéo hoặc doanh nghiệp cả ngàn xe taxi”, ông Chung nhẩm tính.


Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh thì bức xúc, quy định hiện nay thực chất đã chiếm dụng một phần lớn nguồn vốn của doanh nghiệp, bởi đáng ra doanh nghiệp chỉ phải đóng 1/6 hoặc 1/12 số phí phải nộp. Theo ông Thanh, ngay từ khi thông tư 197 còn dự thảo, các doanh nghiệp đã kiến nghị cho doanh nghiệp được nộp phí theo tháng. Đến khi thông tư ra đời cuối năm 2012 hiệp hội cũng kiến nghị sửa đổi điều này, nhưng không được lắng nghe.


Tương tự, một quy định khác mà hiệp hội đeo đuổi suốt hai năm qua và đến nay đã được đưa vào dự thảo sửa đổi là xe kinh doanh vận tải dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên sẽ được miễn thu phí đối với khoảng thời gian ngừng chạy thực tế đó.


Với quy định này, dự thảo mới của bộ Tài chính hướng dẫn: chủ xe làm đơn trình báo lên sở giao thông vận tải địa phương (nơi cấp phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp) xác nhận để sở đồng thời lập biên bản tạm giữ phù hiệu. Doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ xin ngừng đóng phí kèm theo đơn xác nhận này lên cơ quan đăng điểm. Sau đó cơ quan đăng kiểm sẽ lập biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ.


“Quy định này sẽ công bằng hơn, xe lăn bánh mới phải nộp phí đường. Trước đây chúng tôi đề nghị xe dừng chạy từ mười ngày thì được miễn, nhưng nay dự thảo quy định 30 ngày, dẫu sao các bộ ngành cũng đã quan tâm tới kiến nghị của chúng tôi”, ông Thanh nói.


Xem xét thêm đối tượng miễn nộp phí


Ngoài những quy định đáng chú ý nói trên, mới đây, trong một công văn gửi bộ Giao thông vận tải, bộ Tài chính cũng cho hay, bộ này cũng nhận được kiến nghị của các hiệp hội vận tải đề nghị miễn phí đối với xe ôtô của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe; xe ôtô của các nhà ga, cảng, đơn vị khai thác khoáng sản, lâm sản… “Các xe này không hoặc ít tham gia giao thông (sử dụng đường bộ) nên có thể xem xét không thu phí đối với các loại xe này, tương tự như trường hợp xe kinh doanh vận tải dừng hoạt động liên tục từ 30 ngày trở lên”, thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận. Tuy vậy, bộ Tài chính cho rằng, cần có ý kiến của bộ Giao thông vận tải với những xe này, đồng thời, trong trường hợp bổ sung các loại xe trên vào diện không chịu phí đường bộ thì bộ Giao thông vận tải cần quy định hồ sơ, thủ tục, quy trình quản lý, cơ quan xác nhận… để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.


Trung Đức






Giá sữa, nguyên liệu và bài toán quản lý

Giá sữa, nguyên liệu và bài toán quản lý

Sổ tay


Giá sữa, nguyên liệu và bài toán quản lý


SGTT.VN - Đến thời điểm này có thể khẳng định, thông tư 30 mà bộ Tài chính ban hành hồi cuối năm ngoái về quản lý giá sữa đã không thể “kìm” được giá sữa như kỳ vọng. Ngày 10.2 vừa qua, các hãng sữa nội đồng loạt tăng giá từ 6 đến hơn 10% trên hàng loạt sản phẩm. Trước đó, ngay thời điểm mà thông tư 30 ra đời chưa ráo mực, các hãng sữa nước ngoài cũng đã đồng loạt tăng giá với mức tăng từ 6 – 8% của sữa Abbott, 5 – 7% của Mead Johnson, hay Nestlé từ 7 – 10%...


Lý do tăng giá sữa đợt này cũng được doanh nghiệp biện minh do nguyên liệu đầu vào tăng. Theo lý giải của một doanh nghiệp kinh doanh sữa, từ quý 3/2013, giá lương thực thực phẩm, trong đó có nguyên vật liệu sữa trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục. Nguyên liệu sữa trên thế giới tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất sữa trong nước vì nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Việc điều chỉnh giá bán sữa là không tránh khỏi.










Người dân chọn mua sữa tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo



Việc ngành sữa đang phụ thuộc gần như toàn bộ vào nguyên liệu nhập khẩu đã và đang khiến cho giá mặt hàng này bị “lờn” trước hầu hết các thể chế luật pháp về quản lý giá. Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau hàng chục năm phát triển chăn nuôi, đến nay, tổng đàn bò sữa cả nước chỉ có khoảng 160.000 con, cho ra khoảng 410 triệu kg sữa/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Hàng năm, 80% các loại nguyên liệu sữa bột trích ly từ sữa bò tươi phải nhập khẩu. Lượng sữa nguyên liệu nhập luôn ở trong tình trạng năm sau tăng hơn năm trước do nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng tăng. Doanh nghiệp phải bỏ ra hàng tỉ đôla mỗi năm để nhập. Vừa tốn kém tiền bạc, vừa không thể chủ động được chi phí sản xuất do giá sữa thế giới “nóng, lạnh” thất thường. Với tình trạng phát triển đàn bò sữa như hiện nay, manh mún quy mô, thiếu tầm nhìn về quy hoạch, lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật, rời rạc về chính sách, nên thời gian tới, dự báo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn sẽ là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa.


Trong điều kiện như vậy, vấn đề còn lại là doanh nghiệp ngành sữa cần có sự tự giác, minh bạch chi phí đầu vào, nguyên liệu và giá bán sữa ở mức sao cho hợp lý. Yếu tố này, không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong luật kê khai giá (bởi sữa là một trong số 14 mặt hàng đang bị kiểm soát giá), mà còn thể hiện trách nhiệm, uy tín trước hàng triệu người dùng. Về phía cơ quan quản lý, nhất là bộ Tài chính, việc chấp thuận cho bất kỳ doanh nghiệp nào tăng giá sữa, phải căn cứ trên yếu tố đầu vào, đồng thời cơ quan hải quan phải đối chiếu giá thực nhập nguyên liệu với mặt bằng giá chung trên thị trường thế giới, nhằm tránh tình trạng gian lận chuyển giá.


Và cuối cùng, như lời ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng cục Quản lý giá: người tiêu dùng cũng phải thể hiện quyền năng của mình. Chọn mua những sản phẩm có giá hợp lý.


Đặng Hoàng






Yêu đến thế là cùng

Yêu đến thế là cùng

Hôm nay khai mạc đại hội khoá VII VFF


Yêu đến thế là cùng


SGTT.VN - Hôm nay, ngày Tình yêu VFF sẽ khai mạc đại hội khoá VII để bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt. Thế nhưng, có vẻ như khá đông người tuyên bố đến với bóng đá “vì yêu”, chỉ vài người được đáp lại tình cảm ngay đúng ngày yêu thương.










Ông Dũng tiễn ông Hỷ để chính thức lên chức chủ tịch VFF. Ảnh: Quang Minh



Chiếc ghế chủ tịch VFF gần như khó thoát khỏi tay ông Lê Hùng Dũng, người đã được cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khéo léo nhường lại chức vụ thời gian qua. Với chức danh quyền chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã gây ấn tượng với giải U19 Quốc tế trước ngày đại hội. Không chỉ vậy, với việc một ứng viên khác là ông Lê Khánh Hải đã rút lui trước giờ G. Tương tự như ông Nguyễn Trọng Hỷ trước đây, ông Lê Hùng Dũng giờ cũng một mình một ngựa thong dong về đích. Vấn đề chỉ còn là, số phiếu có được “đẹp” hay không khi công bố ra bàn dân thiên hạ mà thôi.


Chức danh “nóng” chẳng kém chính là phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Đây là chức danh mà không đại hội nào không có sự ganh đua ngấm ngầm. Nhưng ai cũng hiểu, sự gắn bó mật thiết giữa người phụ trách tài chính và ông chủ tịch quan trọng thế nào, nó đảm bảo thành công cho một nhiệm kỳ chứ chẳng chơi. Với việc ông Lê Hùng Dũng thường xuyên khen ngợi ông Đoàn Nguyên Đức mỗi khi có dịp, chẳng khó để người ta đoán được, chiếc ghế này đã có chủ và chẳng ai khác chính là ông bầu đội bóng Hoàng Anh Gia Lai. Những người còn lại dù có “yêu bóng đá” đến mấy cũng tự hiểu, họ sẽ chẳng được đáp lại ở lần bầu bán này vì “ghế đôi” chỉ dành cho hai người.


Cạnh tranh với ông Dương Vũ Lâm là ông Phan Anh Tú, người bị đánh giá là vấp phải “tấn công” ngay trước thềm đại hội với việc bị tố nhận tiền chia thưởng khá lố ở đội bóng đá nữ sau thành công ở SEA Games. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Tú sẽ có mặt trong bộ sậu VFF lần này để cân bằng khu vực. Theo thông tin nội bộ, ông Phạm Ngọc Viễn sẽ nhường lại chiếc ghế phó chủ tịch VFF cho ông Tú vì hai lẽ. Thứ nhất, ông Viễn bận nhiều việc ở VPF, thứ hai ông Viễn không được lòng nhiều người, bằng chứng là cú “bẻ ngược lái” quyết định đã được “thông qua” trước đó cho phép hai đội tham dự AFC Cup đăng ký bốn ngoại binh khiến ông Viễn mang tiếng với các đội bóng.


Người trở lại ngoạn mục nhất ở đại hội này chính ông Trần Quốc Tuấn. Sau khi từ chức ở VFF, ông Tuấn làm việc khá tốt ở AFC lẫn AFF, thậm chí với sự hiện diện của mình ở hai nơi này, ông Tuấn đã tác động giành quyền đăng cai hai giải đấu quan trọng là U19 và bóng đá nữ trong năm 2014 về Việt Nam. Thế nên, khá chắc chắn ông Tuấn sẽ quay trở lại VFF và ngồi vào chiếc ghế tổng thư ký thay cho ông Ngô Lê Bằng, người bị đánh giá là quá lành. Và một người được đánh giá là hiện diện khá “hay” ở nhiệm kỳ mới này không ai khác là cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Dù ông Hỷ tuyên bố “già rồi hay quên” nhưng ông Dũng vẫn ưu ái xếp cho ông Hỷ chức danh “cố vấn”.


Chỉ hơi tiếc một chút, ai cũng biết tất cả những nhân vật kể trên đã từng tuyên bố đến với bóng đá vì tình yêu, tương tự như những người đã không được “sắp chỗ”. Thế nên, ngoài chuyện tạm đoán rằng, những người thành công vì yêu nhiều hơn, người ta chẳng biết phải nghĩ thế nào cho chuyện việc nhân sự chủ chốt được dự đoán khá sớm.


Phương án hai đối thủ tranh cử một vị trí sẽ công bố đề cương hoạt động của mình để mọi người tường minh, rồi lựa chọn như ban đầu lại vẫn chỉ là “nói cho vui”. Cơ hội để bóng đá “cải cách trong bầu cử” chứng tỏ sự minh bạch đã không thành hiện thực. Thôi thì đành lý giải, hoàn cảnh nó thế, cơ chế nó vậy, áo mặc sao qua khỏi đầu. Những người phải làm quan chức kia cũng vì yêu chứ có ai ham hố chi đâu, thậm chí như lời ông Nguyễn Trọng Hỷ đã có lần tâm sự “làm quan chức khổ lắm ấy chứ, không yêu không làm được đâu”. Yêu đến thế là cùng!


Thảo Du






Cá biển: sâu nào làm rầu canh?

Cá biển: sâu nào làm rầu canh?

Cá biển: sâu nào làm rầu canh?


SGTT.VN - Ngộ độc do ăn cá biển là loại tai nạn khá phổ biến trong cấp cứu ở bệnh viện. Gần đây, báo đài cũng đưa tin nhiều vụ nguy kịch do ăn cá biển, trong đó có trường hợp tử vong do ngộ độc quá nặng, chậm cứu chữa. Tác dụng của cá biển tới phát triển thể chất đã được biết đến, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa tường tận về những chất độc có trong một số loại cá biển.










Cá ngừ sau khi đánh bắt phải được bảo quản ở nhiệt độ và thời gian thích hợp để không gây ngộ độc histamin. Ảnh: Tuấn An



Ăn cá nói chung có lợi


Cá biển là thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn vì nó rất có lợi cho sức khoẻ. Các nhà dinh dưỡng khuyên mỗi tuần nên ăn ít nhất một bữa cá biển để phòng chứng mỡ máu và bệnh tim mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.


Protein trong cá biển khoảng 15 – 20%, hàm lượng chất khoáng là 0,8 – 1,2%. Thịt cá biển giàu iốt, gan cá chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin A, D, B2 rất quan trọng với người cao tuổi. Cá biển chứa nhiều axít béo không bão hoà đa nối đôi thuộc nhóm omega 3 (n-3) và omega 6 (n-6). Axít béo không bão hoà có tác dụng giảm mỡ máu, trong đó EPA (eicosapentacenoic axít) và DHA (docosahexenoic axít) làm giảm cholesterol, từ đó phòng ngừa được bệnh tim mạch.


Chỉ độc ở “một bộ phận không nhỏ”


Tetrodotoxin: chất độc thần kinh có nhiều trong hải sản, đặc biệt các loại cá nóc. Độc tố phân bố ở gan, buồng trứng. Thịt cá thường không độc nhưng khi cá chết hoặc ươn thì tetrodomin chuyển hoá thành tetrodotoxin gây độc. Tetrodotoxin có tính bền nhiệt cao, gia nhiệt ở 100 độ C trong sáu giờ mới giảm được 50%, ở 200 độ C trong mười phút mới khử hoàn toàn. Vì vậy, nấu nướng thông thường không có tác dụng giảm hoặc phá huỷ độc tố này.


Tetrodotoxin có khả năng gây độc rất cao, tỷ lệ tử vong gấp 10.000 lần so với độ độc của cyanua. Liều gây độc được xác định là 1 – 4mg; LD50 (1) ở chuột là 8 – 10mcg/kg thể trọng.


Khi bị nhiễm vào cơ thể người, tetrodotoxin tác động lên thần kinh làm liệt thần kinh thị giác, rồi đến thần kinh vận động, sau đó làm liệt trung tâm hô hấp, gây tử vong. Triệu chứng là sau khi ăn năm phút đến bốn giờ, nạn nhân thấy ngứa miệng, tê lưỡi, tê miệng, môi, mặt, tê ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân. Sau đó đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt. Triệu chứng cơ năng: loạn ngôn, mất phối hợp, mệt lả, liệt toàn thân, suy hô hấp, tím tái, co giật. Mạch chậm, huyết áp hạ, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong tới 60% nếu cấp cứu chậm.


Do vậy, nếu không phân biệt được loài cá nóc có độc và không có độc tố thì nên loại bỏ chúng ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt. Không ăn cá nóc và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.


Ciguatoxin: một chất độc thấy ở 300 – 400 loài cá và nhuyễn thể biển (vẹm, ngao, hàu, sò...) Người ta cho rằng độc tố sinh ra là do vi khuẩn trùng roi gambierdicus toxicus ký sinh tích luỹ độc tố trên cá và nhuyễn thể. Độc tố này không độc đối với cá và nhuyễn thể mà chỉ độc với người sử dụng chúng.


Biểu hiện ngộ độc là sau 1 – 4 giờ ăn phải thì cơ thể có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh có thể làm liệt tay chân, nặng hơn nữa là có thể gây tử vong. LD50 gây chết của độc tố là 0,4g/kg (thử trên chuột).


Để phòng ngừa, tránh đánh bắt, ăn các loại cá nhồng, cá chình, cá chỉ vàng, vẹm, ngao, hàu, sò... ở các vùng biển có hiện tượng tảo nở hoa.


Histamin: một số các loài cá biển như cá thu, cá ngừ, cá xanh chứa một lượng lớn histamin có khả năng gây độc cho người. Histamin được tạo thành từ sự chuyển hoá histidin, là một amin sinh học có tính hút nước, bền ở nhiệt cao, thậm chí khi được nấu chín cũng không bị phá huỷ. Độc tính của histamin phụ thuộc tổng lượng ăn phải. Nếu lượng ăn vào là 8 – 40mg, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt; nếu lượng ăn vào từ 1.500 – 4.000mg, người ăn có biểu hiện nhức đầu, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, nổi ban... Bệnh thường xảy ra nhanh từ một đến vài giờ sau khi ăn.


Để phòng ngừa ngộ độc histamin, ngư dân, người kinh doanh và cả người tiêu dùng cần bảo quản chế biến cá đúng kỹ thuật, đảm bảo nhiệt độ lạnh trong suốt quá trình đánh bắt, vận chuyển, kinh doanh và trước khi chế biến đối với các loại cá biển, đặc biệt là cá ngừ, cá nục, cá thu...


ThS Đoàn Thị Hường, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia


(1) Lethal dose 50: liều lượng của hoá chất phơi nhiễm gây ra cái chết cho 50% nhóm động vật dùng thử nghiệm.






Để tránh lây nhiễm cúm từ gia cầm

Để tránh lây nhiễm cúm từ gia cầm

Để tránh lây nhiễm cúm từ gia cầm


SGTT.VN - Đã có hai bệnh nhân cúm A/H5N1 tử vong vào tháng 1.2014 với căn nguyên tiếp xúc và sử dụng thịt gia cầm ốm chết. Việc liên tiếp xuất hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm tại các tỉnh phía Nam gần đây cũng cảnh báo nguy cơ dẫn đến dịch cúm gia cầm trên người. Ngoài cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 tuy chưa ghi nhận nhưng cũng đáng lo ngại khi một số tỉnh của Trung Quốc đang bùng phát trở lại dịch cúm này, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.


Theo ông Trần Đắc Phu, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), để phòng ngừa bệnh cúm lây nhiễm từ gia cầm, các hộ chăn nuôi cần nghiêm chỉnh thực hiện bảo hộ lao động, vệ sinh chuồng trại. Khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm, thuỷ cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Chỉ sử dụng gia cầm có nguồn gốc, ăn chín uống sôi... Không tiếp xúc với gia cầm ốm, bệnh; không ăn gia cầm bị bệnh. Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, thuỷ cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm, thuỷ cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho cán bộ thú y, y tế, chính quyền địa phương. Không vứt xác gia cầm, thuỷ cầm bừa bãi hoặc vứt ra đồng ruộng, ao hồ, sông suối. Không ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm, thuỷ cầm chưa nấu chín kỹ. Khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Lê Hương






Foxconn sẽ ráp điện thoại thông minh bằng robot

Foxconn sẽ ráp điện thoại thông minh bằng robot

Foxconn sẽ ráp điện thoại thông minh bằng robot


SGTT.VN - “Có một thế hệ trẻ đông đảo và những nguồn tài nguyên dồi dào” ở Indonesia, tờ Jakarta Post dẫn lời Terry Guo, chủ tịch Foxconn. Ông ta vừa ký một bức thư về ý định đầu tư khoảng 1 tỉ USD để phát triển một khu phức hợp chế tạo sử dụng 2.000 công nhân Indonesia để ráp điện thoại thông minh và các thiết bị cao cấp khác.


Foxconn là nhà chế tạo hàng điện tử lớn nhất thế giới. Với mong muốn thu hút cả đầu tư và việc làm, chính phủ Jakarta cam kết dành 200ha đất cho công ty gốc Đài Loan này. “Loại hình công ty này sẽ đem lại giá trị gia tăng cho đô thị”, Jakarta Post dẫn lời thị trưởng Jakarta Joko “Jokowi” Widodo.


Về phần mình, Foxconn, vốn bị bêu riếu về chuyện vi phạm quyền lao động sau một loạt tự sát của công nhân tại nhà máy ở Trung Quốc vào năm 2010, đang tìm kiếm các cách để cắt giảm chi phí lao động và đa dạng hoá hoạt động của nó. Năm 2011, công ty bắt đầu di chuyển dây chuyền sản xuất từ nhà máy với 350.000 công nhân ở Thâm Quyến, Trung Quốc, do lương tăng gấp đôi từ năm 2008, đến tỉnh Hà Nam.


Công ty cũng đang hướng theo tầm nhìn của chủ tịch Guo về các bộ phận tự động hoá trong dây chuyền lắp ráp với đội ngũ công nhân robot. “Chúng tôi có trên 1 triệu công nhân. Trong tương lai chúng tôi sẽ đưa thêm vào 1 triệu công nhân robot”, chủ tịch Guo nói với các nhà đầu tư tại đại hội cổ đông năm ngoái, “Rồi công nhân của chúng tôi sẽ chỉ còn là kỹ thuật viên và kỹ sư”.


Hôm 11.2, theo Wall Street Journal, gần đây Guo đã gặp các giám đốc Google và hãng này sẽ cùng với Foxconn tiến tới cung ứng công nghệ robot. Hồi tháng 12, Google đã mua Boston Dynamics, hãng thiết kế robot cho Ngũ Giác Đài.


Trần Bích






Người Trung Quốc mua tác phẩm nghệ thuật nhiều nhất

Người Trung Quốc mua tác phẩm nghệ thuật nhiều nhất

Người Trung Quốc mua tác phẩm nghệ thuật nhiều nhất


SGTT.VN - Doanh số hàng nghệ thuật toàn cầu đạt mức kỷ lục mới là 12,05 tỉ USD trong năm 2013 với Trung Quốc dẫn đầu về người mua, một hãng dữ liệu thị trường nghệ thuật cho biết hôm 12.2.


Hãng Artprice, Pháp, cho biết doanh số tác phẩm nghệ thật – gồm tranh, tượng và ảnh – tăng 13% trong năm 2013. Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước có số người mua dẫn đầu trong năm thứ tư – 2013, với doanh số lên đến 4,078 tỉ USD, AFP dẫn thông tin theo Artprice. Tiếp theo sau là Mỹ, với doanh số 4,016 tỉ USD, tăng 20% so năm 2012.


“Hai cường quốc này chiếm đến hai phần ba thị trường nghệ thuật”, tổng giám đốc Artprice Thierry Ehrmann nói. Anh Quốc đứng hàng thứ ba nhưng tụt sau khá xa, với doanh số 2,11 tỉ USD. Pháp thứ tư, 549 triệu USD, sau nữa là Đức và Thuỵ Sĩ. Ehrmann nhận định rằng sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật tiếp tục dựa vào các tác phẩm của một số nhỏ các nghệ sĩ nổi tiếng bán với giá cao. Một nửa doanh thu năm 2013 dựa trên 100 nghệ sĩ và 25.000 tác phẩm.


Một kỷ lục thế giới mới đối với tác phẩm được đấu cao giá nhất là vào tháng 11 khi bộ ba bức tranh của hoạ sĩ người Anh Francis Bacon “Ba nghiên cứu của Lucian Freud” bán được 142,4 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York. Với doanh số 3,55 tỉ, nhà Christie’s đã vượt qua đối thủ Sotheby’s 3,10 tỉ USD.


Ehrmann cho rằng ông kỳ vọng năm 2014 sẽ là một năm kỷ lục nữa khi thị trường nghệ thuật tạo thành một nơi “trú ẩn an toàn” kiên cố cho các nhà đầu tư.


Thảo Nguyên






Tặng gì trong lễ tình nhân?

Tặng gì trong lễ tình nhân?

Tặng gì trong lễ tình nhân?


SGTT.VN - Quay lại Sài Gòn nhập học sau tết, An Thạch, sinh viên năm tư khoa cơ khí đại học Bách khoa TP.HCM quê ở Tây Ninh, bê ra từ sau hè một chậu mạ non hình trái tim – món quà Valentine mà Thạch sẽ tặng bạn gái. Món quà này do chính tay Thạch làm từ nửa lon lúa giống xin của hàng xóm.










Quà tặng handmade có lợi thế hơn ở phái yếu.



Nhiều người đang yêu bắt đầu có xu hướng tự tay làm quà tặng cho nhau.


Con gái nhờ bàn tay


Nhìn chung, quà tặng handmade có lợi thế nhiều hơn ở phái yếu. Với các cô nàng tỉ mẩn và còn đang đi học thì đơn giản mua một miếng vải dạ về cắt hai mảnh trái tim, thêu tên “hai đứa” vào hoặc vô số những lời trìu mến rồi dồn gòn may thành cái gối trái tim. Vài năm gần đây, bắt đầu xuất hiện dịch vụ chuyển hình chụp thành chart để thêu tranh chữ thập. Hơi tốn thời gian và công sức, nhưng chuyện tặng người yêu một bức tranh kỷ niệm của hai người hoặc một bức chân dung của người yêu từ đôi bàn tay khéo léo của mình chắc chắn sẽ làm đối phương cảm động. Người say nghệ thuật cuốn giấy quilling thì nhẹ nhàng hơn, bỏ ra một buổi làm thiệp, làm tranh hình một trái tim, hình hoa hồng là đã có quà tặng nhau. Một cuốn sổ tay có bao ngoài bằng vải hoạ tiết, một cái áo laptop, một cái túi iPad, một cái gối lười, một bình hoa vải… tất cả đều được hướng dẫn rất nhiều trên mạng.


Bạn gái yêu thích làm bánh thì Valentine cũng là dịp trổ tài với các món bánh phủ sôcôla. Bánh hình trái tim thì càng ý nghĩa. Thậm chí, L. Nguyên, một cô dâu mới dự định trong đêm Valentine sẽ nấu đãi nhà chồng một bữa bánh canh Trảng Bàng, món đặc sản của quê chồng.


Con trai cậy kỹ thuật


Cường, chồng của L. Nguyên bật mí từng “ghi điểm một cách ngoạn mục” trong một dịp Valentine, khi tặng bà xã một bình hoa bằng gốm do chính mình vẽ tay kèm tên hai đứa, sản phẩm được Minh L ong 1 xử lý cho lên màu men.


Để không bị đụng hàng, phái mạnh cũng có thể mang đến cho người yêu mình những món quà độc đáo. Cách ít tốn kém nhất là tạo ra một video clip rồi mang qua tường Facebook của nhau dán lên cũng là một cách khá thời thượng. Thị trường hiện cũng xuất hiện nhiều dịch vụ in ảnh lên gỗ, tranh giấy ghép hình, lên gốm sứ, lên phôi pha lê… từ những hình ảnh do khách cung cấp để giúp các chàng trai ghi điểm. Thậm chí, nếu có điều kiện, chàng cũng có thể khắc tên tuổi hoặc nói lời cầu hôn lên một viên kim cương rồi mang tặng!


bài: Gia Hoà

ảnh: Thu Vân






Lạ lẫm tết Chay Phuket

Lạ lẫm tết Chay Phuket

Lạ lẫm tết Chay Phuket


SGTT.VN - Phuket nổi tiếng của Thái Lan thường được biết là thiên đường du lịch biển xanh cát trắng nắng vàng… Ít ai biết không xa lắm những bãi biển xinh đẹp sầm uất đông đúc ồn ào còn có một phố cổ Phuket thường bị lãng quên. Ít ai biết Phuket còn giữ được nhiều nếp xưa lễ hội cũ đặc sắc lạ lùng, như tết Ăn chay vừa ấm cúng, vừa rợn tóc gáy, kỳ bí…










Bày biện trái cây, bánh mứt...cúng tết chay giữa phố Phuket.



Lễ hội Chay, tết Chay còn có ở các tỉnh Krabi… kế cận, nhưng lớn nhất ở Phuket. Jia Chai, theo tiếng địa phương của người Thái gốc Phúc Kiến, lễ hội có từ những năm 1825, bắt nguồn từ Kathu, giờ là huyện nhỏ của Phuket. Khi đó, đoàn hát bội Phúc Kiến sang Kathu, rừng rú thâm u, phục vụ những thợ mỏ thiếc đồng hương, bỗng lăn đùng ra bệnh. Ăn chay, cầu nguyện các vị thần linh, bỗng nhiên bệnh tật biến mất (!) Lễ hội Chay ra đời. Rồi giờ thành một tết Chay lớn kéo dài đến chín ngày mùa thu miên man hè hội.


Như về lại tết quê nhà xưa


Tháng 10, đang mùa mưa nhiệt đới, Phuket vẫn nhiều nắng đẹp. Tôi đến đây, về phố cũ lang bạt chan hoà vui cùng người dân thân thiện. Giữa Phuket Town, trong lòng phố cổ, dưới những mái rêu, bên con hẻm hun hút cây lá… người dân bày biện cúng kiếng trước nhà. Cũng giống bàn thờ thiên xứ mình cúng ngoài trời nhưng bàn thờ ở đây lớn hơn, bày những dãy dài. Trái cây tuy không “cầu dừa đủ xoài”, nhưng cũng là thơm, khóm, thanh long, bưởi, quýt đường… gần gũi quen thuộc. Cũng bánh đậu xanh, đậu trắng, cũng mứt, cũng thèo lèo… được các mẹ, các chị nâng niu bày biện. Cũng áo mới xúng xính các bé ríu rít đùa vui bên mâm cỗ, nhưng yêu cầu của tết Chay là áo quần phải màu trắng. Nên trong sắc trắng các bé càng khôi ngô, phố càng rực sáng… làm những dây pháo đỏ các anh, các chú chuẩn bị bên mâm cúng chợt thêm rực rỡ.


Nhưng chờ mãi, pháo vẫn im lìm đong đưa. Thấy dòng nam thanh nữ tú tíu tít về hướng khác, tôi lò dò theo. Té ra, các bạn lên chùa. Nên tôi cũng theo lên, thắp nhang, khấn nguyện cầu ước bình an cho gia đình, người thân… như mấy ngày tết ở quê nhà xưa. Đến khi nghe ngoài đường xôn xao, mới biết lễ diễu hành từ chùa khác đang ngang qua. Hỏi mới biết, mỗi ngày đoàn diễu hành xuất phát từ một chùa, mai sẽ từ chùa này. Hẹn với chú tiểu nhiệt tình ngày mai tới sớm, tôi vọt ra đường theo đoàn đông vui. Và giựt mình, kinh hoàng!










Lạ lẫm đến...sốc ở lễ hội tết Chay!



Lạ lẫm đến sốc ở tết Chay


Không phải vì theo dòng người diễu hành đông vui, pháo bắt đầu đì đùng nổ làm tôi giựt mình vì đã lâu lắm rồi không nghe thấy. Không phải vì lạ lẫm tại sao tết Ăn chay thanh khiết mà sao rùng rùng nhiều người mang gươm vác giáo… Giựt mình, sốc vì khi đến gần thì những gươm giáo đó không phải mang bằng tay mà xiên thủng qua má, qua môi những người diễu hành. Không chỉ gươm giáo, mà còn đủ thứ hầm bà lằng từ súng lục, đến cây thương to cộ, dao to bề ngang gần tấc, đến những chiếc xe hơi nặng trịch treo tòn teng... Không chỉ trên má môi mà còn cả trán, đầu, tay, chân, lưng… Sốc hơn là nhiều vết thương vẫn đang rỉ máu nhoè nhoẹt nhưng người đi diễu hành vẫn tỉnh queo. Thêm nữa, theo phong tục, với tiếng nổ càng lớn, ánh sáng càng nhiều thì sẽ xua đuổi các vía xấu, hồn tà… đi xa nên những phong pháo giờ được khai hoả, ném vào đoàn diễu hành. Nổ tưng bừng trên đầu, tung toé ngang mình, rực lửa dưới chân… họ vẫn tỉnh khô bước tiếp.


Những ngày tiếp, không chỉ tận mắt thấy cảnh đâm xuyên kinh khủng ở trước mỗi cuộc diễu hành, cảnh tháo gươm đao ra khỏi cơ thể sau đó… tôi còn được chứng kiến cảnh chân trần đi trên bãi than rực lửa đỏ. Chân trần leo lên leo xuống những cái thang dựng đứng cao hơn 10m, mà bậc thang là những thanh dao sắc lẻm cắt đôi sợi tóc rơi ngang… Tôi và đám bạn giang hồ balô cứ mắt trợn trắng, miệng à ồ... Cậu trẻ Úc Philip lè lưỡi nói: “Tao đi lễ hội nhiều xứ lắm, nhưng chưa bao giờ thấy kinh khủng như ở đây. Mà cũng tận mắt thấy tao mới tin chứ chỉ xem không thì nghĩ rằng chắc là xiếc, ảo thuật! Mà chỉ do người dân thường làm nữa, nên càng lạ”. Mà những người tham gia “xiên lình” đó đều tự nguyện, nhiệt tình, kể cả những cô gái rất trẻ chứ không riêng gì nam giới. Nhiều bạn trẻ băng dính to đùng trên má vẫn ra phố ăn uống, đùa vui cùng bạn bè, du khách.


Vẫn còn nhiều tò mò tại sao các bạn có thể nhẹ nhàng làm được vậy, nhưng hoà trong niềm vui chung, càng lúc càng ngạc nhiên khi thấy các chàng trẻ hưng phấn xiên, “vác, mang” qua má môi những vật lạ… Chẳng mấy chốc tôi đã vội quên. Để khi những “cú sốc” trôi qua, quen dần, lang thang trong tiếng cười nói hỏi chào râm ran, trên xác pháo đỏ thắm phố phường, tôi cứ ngỡ mình đang ở quê nhà ngày xưa…


bài và ảnh: Trần Thái Hoãn









Theo lịch âm, tết Chay Phuket thay đổi hàng năm, dao động khoảng đầu tháng 10. Việt Nam sang Phuket có hàng không giá rẻ chỉ khoảng 2.000.000 đồng/lượt đi. Tàu lửa không đến Phuket nên xe đêm từ Bangkok (khoảng 12 giờ, 400.000 đồng) là phương án tiết kiệm khác. Mùa tết Chay giá cả dịch vụ vẫn bình thường dù khách đông hơn, thường kín chỗ. Giá phòng nghỉ trong thành phố Phuket chỉ 1/2 – 1/3 so với giá ngoài biển, chỉ từ 200.000 đồng đã có phòng máy lạnh. Mấy ngày tết, quán xá bình dân chỉ bán đồ chay, 15.000 – 30.000 đồng/phần, khá ngon và đa dạng. Món mặn Âu Á có thể vào các nhà hàng lớn.







Lữ hành Saigontourist đón 55 chuyến tàu biển quốc tế

Lữ hành Saigontourist đón 55 chuyến tàu biển quốc tế

Lữ hành Saigontourist đón 55 chuyến tàu biển quốc tế


SGTT.VN - Trong tháng 2, công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón và phục vụ 30 chuyến tàu biển quốc tế cao cấp đến Việt Nam, với hàng chục ngàn du khách quốc tế.


Công ty đưa các đoàn khách tàu biển này đi tham quan, tìm hiểu các danh thắng, di tích văn hoá, lịch sử, đời sống dân cư, ẩm thực Việt Nam ở TP.HCM, Mỹ Tho, Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Hạ Long. Với kinh nghiệm phục vụ những đoàn tàu biển lớn cùng sự đa dạng về tour tuyến, dịch vụ, du lịch tàu biển đang là một trong những thế mạnh của công ty. Trước đó, trong tháng 1, Lữ hành Saigontourist đã đón hơn 25 chuyến tàu biển quốc tế đến Việt Nam.


Nguyệt Hồng






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ