Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Cơ hội tái cấu trúc ngành cá tra

Cơ hội tái cấu trúc ngành cá tra

Luật Nông trại 2014 của Mỹ:


Cơ hội tái cấu trúc ngành cá tra


SGTT.VN - Ngay đầu tháng 2.2014, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân nuôi cá tra nhận thông tin mới: Quốc hội Mỹ vừa thông qua luật Nông trại 2014, trong đó có điều khoản được xem là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam.










Nông dân mong nhà nước hãy nhanh chóng hỗ trợ thực hiện những vùng nuôi đạt chuẩn. Ảnh: C.N



Phải chờ khoảng hai tháng nữa mới biết chính xác bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra những quy định cụ thể nào để thực thi luật. Các doanh nghiệp dự đoán bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ yêu cầu các vùng nuôi của Việt Nam phải nâng cấp để đáp ứng những tiêu chuẩn giống như tiêu chuẩn mà những người nuôi cá da trơn tại Mỹ hiện nay đang áp dụng. Các doanh nghiệp, đại diện cơ quan nhà nước có những góc nhìn khác nhau: người cho là sẽ thêm khó khăn đối với xuất khẩu cá tra, cá basa; người bảo không có gì bất ngờ, vấn đề là tìm biện pháp đối phó với những áp đặt có thể xảy ra nếu bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra những chuẩn mực không tương thích, không phù hợp với những điều kiện của Việt Nam.


Với tư cách một nông dân nuôi cá, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã Thới An (quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) lại đón nhận thông tin về luật Nông trại Mỹ liên quan đến ngành cá tra với thái độ mong chờ sự thay đổi trong quyết sách của Nhà nước đối với người nuôi cá. Ông nói diễn biến này là tất yếu, hơn ai hết, nông dân là người muốn ngành cá tra mau chóng đi vào con đường phát triển bền vững, chứ không muốn “mấy mươi năm nữa mới quy hoạch vùng nuôi cá cho nông dân Việt Nam theo kịp nông dân Mỹ”. Ông cho rằng nếu để thị trường cá tra dễ dãi như trong những năm qua thì ngành cá tra Việt Nam sẽ chẳng được gì. Bởi thế, nên xem đây là cơ hội lập lại kỷ cương mới cho ngành cá tra. Có thể thời gian này khi bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra những chuẩn mực không tương thích, không phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, ngành cá tra sẽ có thêm một, hai năm khó khăn, nhưng nếu nhà nước, doanh nghiệp quyết tâm tái cấu trúc ngành cá tra thì sẽ có biện pháp tích cực hỗ trợ nông dân thay đổi.


Nếu nhìn thấu đáo, công bằng sẽ thấy sự trì trệ của ngành cá tra trong năm qua không hẳn do lỗi nông dân. Hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đều đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn và môi trường ngày càng khắt khe, trong khi nhiều vùng nuôi cá tra bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết.


Từ lâu, nông dân sản xuất ra hàng hoá nhưng không biết ngưỡng thị trường nằm ở đâu khi thu hoạch, hầu như không định được giá nông sản của mình, chỉ biết cố gắng sản xuất làm sao cho giá thấp nhất, nếu thị trường tốt thì lời nhiều, nếu thị trường bão hoà thì hoà vốn hoặc có lỗ thì không lỗ nhiều. Nông dân hiểu xu hướng tiêu dùng ngày nay chất lượng, an toàn vệ sinh là rất quan trọng, không đáp ứng được thì không thể đứng vào thị trường. Nông dân cũng lo những điều kiện nuôi mà bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ đưa ra, nhưng đã nhiều năm tự thân trong nước không làm được quy hoạch, không quyết tâm giúp nông dân nhanh chóng nâng tầm sản xuất tương thích với những điều kiện của các nước, vậy thì để người ta quy định cho mình làm theo.


Theo ông Hải, có lẽ đến năm 2015 mới thấy rõ ảnh hưởng của những quy định mà bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra, nhưng ngay bây giờ phải thấy con đường mình phải đi đến, phải cấu trúc lại ngành sản xuất cá tra. Các nước dựng lên hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước của họ là chuyện bình thường. Nếu ta lập lại quy trình, chất lượng cá tốt hơn, bán cá được giá cao thì từ nông dân, doanh nghiệp đều hưởng. Nhiều nông dân mong muốn thay đổi, mặc dù có thể không thoả mãn được điều kiện thì phải ra khỏi cuộc chơi, nhưng nếu thành công thì khẳng định được giá trị thật cho cá tra Việt Nam ở thị trường thế giới. Vấn đề là tự mỗi nông dân sẽ khó thực thi quy chuẩn. Nhà nước hãy nhanh chóng vào cuộc, quy hoạch, vận động và hỗ trợ thực hiện để nông dân thấy được lợi ích của sản xuất tập thể trong việc xây dựng vùng nuôi đạt chuẩn.


Các Ngọc






Nhớ canh rau sắn miền trung du

Nhớ canh rau sắn miền trung du

Nhớ canh rau sắn miền trung du


SGTT.VN - Miền quê trung du Phú Thọ, nơi có rừng cọ đồi chè, có những con đường quê đất đỏ uốn lượn quanh những sườn đồi và những ngôi nhà mái rạ. Mỗi khi nhớ về nơi ấy, tôi lại nhớ món ăn dân dã, đậm chất quê miền trung du: canh rau sắn muối chua.










Canh rau sắn muối chua nấu với cá đồng.



Vào độ tháng 3, tháng 4 âm lịch, tiết trời ấm áp, đó cũng là khoảng thời gian bắt đầu cho một mùa rau chỉ có ở miền trung du: rau sắn. Muốn có rau sắn ngon, không chát, phải hái ngọn từ những cây sắn nơi hàng rào xung quanh vườn. Ngọn rau mập và không độc. Năm nào cũng vậy, vào dịp trước tết, dân quê chọn những cây sắn to cắm vào hàng rào vừa làm cọc rào, vừa để cây sắn mọc mầm cho rau vào độ tháng ba năm sau. Sắn có nhiều loại, sắn chuối, sắn lá tre, sắn xanh. Nhưng ngon nhất là giống sắn xanh. Ngọn mập, mềm, trong vắt và lành hơn những loại khác.


Khi ngọn sắn đã vươn cao, người ta hái ngọn rau sắn non mỡ màng. Rồi như một công thức chế biến đã thành thói quen, những bà mẹ quê dùng tay vò nát rổ rau chỉ sau ít phút. Phải vò như thế để sắn tiết ra chất độc, nhanh chua và ăn mềm hơn. Rau sắn được cho vào vại sứ muối chua sau hai, ba ngày đã có rau sắn chua. Muốn canh ngon, phải nấu kèm theo nước chua của vại dưa. Sắn là loại rau mang ít nhiều chất độc, nếu chế biến không đúng cách sẽ nguy hiểm. Chính vậy, khi nấu canh, người dân rất cẩn thận đun đều lửa, không được để lửa tắt giữa chừng, nấu trong một thời gian khá dài để rau sắn chín mềm.


Vào mùa hè tháng 4, tháng 5, sau mỗi cơn mưa rào, cá rô thi nhau rạch lên ruộng cạn theo đường nước. Những dân quê thường nhào đi bắt cá rô mắt đen láy, giãy đành đạch làm sạch ruột cho vào nồi gang nấu cùng với rau sắn thật ngon lành. Rồi những trưa hè, họ lại đi bắt cua đồng, bắt những con săn sắt, đòng đong nhỏ, đó là những thứ sẽ làm cho nồi canh rau sắn thêm ngọt lành.


Hương vị canh rau sắn của miền quê trung du rất đặc trưng, dễ phân biệt với các loại canh khác. Sau khi được ninh nhừ, rau sắn chuyển sang màu nâu xám, ngọn rau mềm, ăn có vị bùi và ngọt nơi đầu lưỡi. Thích nhất là nước canh rau sắn có vị chua thơm nồng và vị ngọt của cá rô.


Ngoài canh, người ta còn dùng rau sắn chế biến nhiều món ăn lạ miệng và hấp dẫn như rau sắn luộc mềm chấm muối vừng, vừa bùi vừa thơm. Hay rau sắn kho cá bống, nộm rau sắn ăn vừa lạ vừa ngon.


Mỗi khi nhà có khách quý ở xa về hay có cỗ bàn, những bà mẹ quê cũng không quên làm món canh quê đậm đà này; dù trong mâm cỗ có nhiều món khác. Vào mỗi phiên chợ quê, các mẹ lại gồng gánh rau sắn chua ra chợ bán. Mẹ bảo, “bán chẳng được là bao, mỗi bát chỉ độ năm trăm đồng nhưng món này chỉ có ở quê mình”.


bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng






Thế giới luôn cần sự sẻ chia

Thế giới luôn cần sự sẻ chia

Xem kịch Thiên Thiên:


Thế giới luôn cần sự sẻ chia


SGTT.VN - Sau sáu tháng bám trụ tại Việt Nam, chỉnh sửa kịch bản, kết nối nghệ sĩ, vận động tài trợ và tập luyện cật lực, vở diễn Thiên Thiên – dự án sân khấu của đạo diễn Việt Linh cùng đồng nghiệp đã ra mắt khán giả TP.HCM vào các ngày 14, 15, 16.2.










Diễn viên Minh Trang (vai Thiên Thiên) và diễn viên Quý Bình (vai Hiền) trong một cảnh diễn.



Tìm sự sẻ chia


Từ lời đặt hàng kịch bản của một đồng nghiệp trong nước, từ hai truyện ngắn của hai tác giả: một ở Pháp và một trong nước, đạo diễn Việt Linh đã viết nên kịch bản của riêng mình: Thiên Thiên – thấm đẫm chất liệu của cuộc sống đương đại.


Có cảm giác vở kịch không có một cốt truyện rõ ràng, nhưng người xem lại được trải nghiệm với rất nhiều câu chuyện của các nhân vật. Thiên Thiên (Minh Trang đóng) – một phụ nữ, sau biến cố đau đớn của cuộc đời, dường như đã trở nên câm lặng, dành thời gian lắng nghe và chia sẻ tâm sự với bao cảnh đời… Một người đàn ông có vẻ ngoài sang trọng và thành đạt (Lê Bình đóng) nhưng đứng trước Thiên Thiên lại phải đối diện với bi kịch khi tự thấy tâm hồn mình đã rách nát. Một tiểu thư thời hiện đại (Khánh Hoà) sống giữa một thế giới vật chất thừa mứa, xa hoa nhưng nổi loạn vì sự trống vắng trong tâm hồn, chạy đến với Thiên Thiên để tìm kiếm tình thương. Một bà vợ làm ăn buôn bán (Thanh Thuỷ) tìm đến Thiên Thiên để xin chữa bệnh cho người chồng trí thức bỗng bị câm lặng vì phải sống trong một gia đình luôn bị ám ảnh bởi đồng tiền. Một nữ sinh viên (Vân Trang) bị chính cha ruột ruồng bỏ. Một người đàn bà xinh đẹp (Hồng Ánh) suốt cuộc đời bị phản bội, như một ôsin cao cấp trong gia đình chồng. Một công chức (Quốc Thảo) luôn tìm cách dìm đồng nghiệp để lao lên những nấc thang danh vọng. Một kẻ nhẹ dạ bị lôi kéo vào con đường tội lỗi (Quý Bình) nhưng biết quay đầu sám hối… Cứ thế, mỗi nhân vật liên tục kéo người xem trải nghiệm qua nhiều cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố... Với thông điệp: trong xã hội hiện đại, con người mải chạy theo những tham vọng và đang ngày càng thờ ơ, đánh mất sự đồng cảm, sẻ chia, vở diễn như một lời đánh thức, một vết dao phẫu thuật để chữa những căn bệnh của tâm hồn.


Với cách dàn dựng và diễn xuất mang tính tự sự, giàu chất điện ảnh, sân khấu trang trí đơn giản như một trò chơi xếp đặt, vở diễn Thiên Thiên quả là một thử thách không nhỏ với người diễn và cả người xem. Đạo diễn Việt Linh đã huy động cả một dàn diễn viên gạo cội để thể hiện cho được chiều sâu tâm lý của tất cả các nhân vật.


Ấm tình nghệ sĩ


Nếu như nội dung của vở kịch Thiên Thiên kêu gọi sự chia sẻ thì dự án sân khấu Thiên Thiên của đạo diễn Việt Linh lại thành công khi tìm được sự đồng cảm lớn từ các nghệ sĩ trong nước. Lần đầu tiên làm đạo diễn sân khấu, đạo diễn Việt Linh đã nhận được sự chia sẻ rất lớn từ đồng nghiệp. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhận “chống lưng” cùng chị, cùng đọc kịch bản, cùng phân tích tâm lý, đảm nhận điều hành sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Đạo diễn Thanh Thuỷ, ban đầu chỉ nhận một vai diễn, nhưng khi vào sàn tập là xắn tay hỗ trợ về “mảng, miếng” sân khấu. Nữ nghệ sĩ Minh Trang dù đã chia tay sân khấu gần 20 năm vẫn từ Singapore bay về, bỏ cả tháng để tập. Rồi cả các dàn “sao” Khánh Hoàng, Hồng Ánh, Quý Bình… trong những ngày cận tết vẫn đến sàn tập khá nghiêm túc.


Có dịp ngồi xem các nghệ sĩ tập, đã rất lâu rồi mới được thấy các nghệ sĩ với tinh thần vì nghệ thuật đến vậy. Đảm nhận vai chính, nghệ sĩ Minh Trang là người mệt nhất. Có những đoạn tập với diễn viên trẻ, đạo diễn bắt làm đi làm lại gần 20 lần, chị vẫn nhỏ nhẹ, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Diễn viên Khánh Hoà, khoá diễn viên 15 mới ra trường tâm sự: “Tập với các anh chị ở đây, em như được sống trong không khí gia đình và được học hỏi rất nhiều”.


Thiên Thiên, dù chỉ ra mắt công chúng trong vài đêm diễn ngắn ngủi, nhưng để lại cho những người làm sân khấu nhiều suy ngẫm. Đội ngũ nghệ sĩ của chúng ta, nếu không bị áp lực từ nhiều phía, nếu được khơi gợi cảm xúc, sẽ có sức sáng tạo mạnh mẽ, sự thăng hoa và sẽ đem lại cho công chúng nhiều tác phẩm sân khấu hay.


Việt Hà






Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm

Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm

Sống khoa học


Hoạt huyết dưỡng não: ngộ nhận nguy hiểm


SGTT.VN - Sự quảng cáo rầm rộ các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não (thuốc, thực phẩm chức năng…), cùng việc có thể mua các chế phẩm này quá dễ dàng đã dẫn đến tình trạng nhiều người khi có các biểu hiện đau nhức đầu, không đi khám bệnh mà chỉ sử dụng chế phẩm hoạt huyết dưỡng não. Đây là cách chăm sóc sức khoẻ sai lầm, có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm.










Cứ thấy đau nhức thì tuỳ tiện sử dụng các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não là rất nguy hiểm. Ảnh: T.E.M



Não nào cần “dưỡng”?


Bộ não của ta chỉ hoạt động tốt khi được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Nếu lượng máu cung cấp cho não (gọi là tuần hoàn não) bị giảm, ta sẽ bị một số rối loạn, đặc biệt xảy ra ở người già, được gọi là lão hoá thần kinh. Nguyên nhân đưa đến tuần hoàn não giảm gồm có: xơ vữa mạch máu não, giảm các chất sinh học được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh, thiếu men chuyển hoá, thiếu glucose và oxy cung cấp cho não... Tuần hoàn não kém sẽ đưa đến các rối loạn như nhức đầu, ù tai, chóng mặt, lo âu, ám ảnh, mất ngủ, trí nhớ kém, thiếu sự tập trung, nặng hơn là lú lẫn, sa sút trí tuệ, loạn ngôn, mất trí nhớ...


Có một số thuốc tân dược được cho là cải thiện tuần hoàn não, tăng cường chuyển hoá tế bào não, hỗ trợ cho các trường hợp lão hoá thần kinh (một số được dùng trong trường hợp bị tai biến mạch máu não, chấn thương não, hỗ trợ trị sa sút trí tuệ...) như cholin alfocerat, glycerylphosphorincholin, citicholin, vinpocetin, piracetam, pentoxiphylin, raubasin, cerebrolysin... Hiện nay, ngoài các thuốc vừa kể còn có một số chế phẩm có nguồn gốc dược thảo như ginkgo biloba (cao chiết xuất từ lá cây bạch quả) hay một số thực phẩm chức năng được gọi chung là chế phẩm hoạt huyết dưỡng não. Mặc dù là dược thảo hay thực phẩm chức năng, vẫn có thể gây tác dụng phụ như ginkgo biloba gây rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, nổi mẩn đỏ... Chưa kể các chế phẩm này chỉ có tác dụng phục hồi sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não như trước chứ không giúp vượt qua mức trước đó. Chính vì vậy, sử dụng khi không bị bệnh nhằm bổ dưỡng thần kinh, hay tăng liều để tăng chức năng hệ thần kinh trung ương, tăng hoạt hoá vỏ não, tăng trí nhớ là ngộ nhận.


Tìm đúng bệnh để uống đúng thuốc


Ghi nhận từ các phòng khám sức khoẻ cho thấy nhiều người khi có các biểu hiện nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… bất luận vì nguyên nhân gì đã vội nghe theo lời quảng cáo, tự ý tìm mua các thuốc giảm đau thông thường hay thuốc, thực phẩm chức năng cải thiện tuần hoàn não với niềm tin uống sẽ khỏi bệnh ngay. Trong khi đó, tình trạng nhức đầu lại có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải tuỳ vào nguyên nhân cụ thể, thầy thuốc mới có những chỉ định dùng thuốc phù hợp. Những nguyên nhân phổ biến là:


Nhức đầu do căng thẳng: đây là bệnh nhức đầu thường hay bị nhất, xảy ra khi có sự căng thẳng tinh thần hoặc thể xác. Người bị chứng nhức đầu này thấy nhức nặng trước trán và ra cả hai bên vùng phía sau đầu và cổ, khiến có cảm tưởng như bị vòng đai siết nặng quanh đầu.


Nhức nửa đầu (migraine): là bệnh nhức giật dữ dội một bên đầu, thường buồn nôn, ói mửa, sợ ánh sáng và sợ tiếng động.


Nhức đầu hàng loạt: gần như chỉ xảy ra ở phái nam. Bệnh gây đau dữ dội một bên đầu liên tiếp trong nhiều tuần, sau đó đột nhiên biến mất; 6 – 12 tháng sau, bệnh trở lại tấn công người bệnh. Người bệnh bị nghẹt mũi, chảy nước mắt, nước mũi bên bị nhức đầu.


Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân nguy hiểm như bướu não, chảy máu trong não, viêm động mạch thái dương (bệnh này có thể gây mù)…


Như vậy, việc người bệnh đau nhức đầu tuỳ tiện sử dụng các chế phẩm hoạt huyết dưỡng não khi chưa có ý kiến của thầy thuốc là rất nguy hiểm, bởi dùng lâu ngày, không đúng chỉ định và liều dùng có thể bị các tương tác bất lợi, gặp tác dụng phụ căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí tai biến. Ngay cả các loại thuốc bổ tâm thần cao cấp, nếu dùng cho người khoẻ mạnh cũng không có tác dụng nhiều và bị cơ thể đào thải, gây lãng phí, thậm chí còn phản tác dụng. Để an toàn cho bản thân, khi có các biểu hiện đau nhức đầu thì việc quan trọng đầu tiên là phải tìm được nguyên nhân, đặc biệt là loại trừ được các tổn thương não. Thầy thuốc tuỳ theo kiểu và mức độ rối loạn tuần hoàn não của người bệnh mà chọn thuốc, liều thích hợp để lập lại cân bằng não.


PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đứ,


giảng viên chính bộ môn dược lâm sàng, khoa dược, đại học Y dược TP.HCM.


Vi Thoại (ghi)






Nông nghiệp gặp “thời”, phải có “thế”

Nông nghiệp gặp “thời”, phải có “thế”

Nông nghiệp gặp “thời”, phải có “thế”


SGTT.VN - Mới đầu năm Giáp Ngọ, làn sóng đầu tư vào ngành nông nghiệp của rất nhiều doanh nghiệp lớn, có cả doanh nghiệp nước ngoài đang làm nóng nhiều diễn đàn về xu hướng đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam 2014. Nguồn vốn, nhân lực, công nghệ “ngoại” đang đặt ra dấu hỏi về lợi ích và thách thức cho nền kinh tế vĩ mô.










Việc các “đại gia” trong và ngoài nước chọn nông nghiệp Việt Nam làm đối tượng đầu tư lớn, là cơ hội để nền nông nghiệp cơ giới hoá bằng các máy móc chất lượng cao. Ảnh: mard.gov.vn



Chỉ là khởi đầu cho “xu hướng TPP”


Việc các “đại gia” trong nước và quốc tế chọn nông nghiệp Việt Nam làm đối tượng đầu tư lớn thật ra không phải là một hiện tượng mới hoặc lạ. Ở góc độ kinh tế học, khi thấy có lợi, ắt người đầu tư sẽ tìm cách nhảy vào cuộc chơi. Bên cạnh đó, nếu cái lợi đó gặp được thời cơ “chín muồi” thì nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh hành động nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt thời gian. Việt Nam đang hội tụ cả hai yếu tố “lợi ích” và “thời cơ” ở ngành nông nghiệp trong mắt doanh nghiệp nước ngoài.


Lợi ích là bởi thế mạnh nông nghiệp, bao gồm khí hậu, đất đai thuận lợi và con người hay nguồn lao động dồi dào, ôn hoà, chịu khó. Điển hình như trong ngành lúa gạo, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vai trò á quân, thậm chí lên ngôi quán quân về sản lượng xuất khẩu, được ví như “chén cơm châu Á”. Giai đoạn 2012 – 2013, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế và quy trình, chất lượng sản xuất nhưng gạo Việt Nam vẫn đến với mâm cơm của người dân thế giới với mức 6 – 7 triệu tấn mỗi năm.


Tuy nhiên, chất lượng, thương hiệu và giá cả vẫn là ba điểm yếu chưa khắc phục của gạo Việt. Ngành càphê, ngô (bắp) cũng gặp tình trạng tương tự khi “hồn Việt Nam, da quốc tế” do thiếu năng lực sản xuất. Đây cũng chính là “ngách” mà các doanh nghiệp nước ngoài, với lợi thế vốn và công nghệ cũng như quy trình sản xuất hiện đại, đang tập trung khai thác.


Vậy đâu là thời cơ? Chính là khi Việt Nam mở rộng cửa, tham gia mạnh vào nền kinh tế thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là FTA). Điển hình là “hiệp định thế kỷ” TPP (hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) do Mỹ đẩy mạnh trong vài năm gần đây; hoặc hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU hiện vẫn đang còn trên bàn đàm phán với nhiều hứa hẹn sớm thành công trong năm 2014. Khi Việt Nam mở cửa với sân chơi FTA, thuế quan và các rào cản thuế quan sẽ được hạ, lợi thế xuất khẩu nông sản sẽ tăng lên.


Đặc biệt, nhiều nước thiếu thế mạnh về nông nghiệp như Nhật Bản, ngay từ hai ba năm trước đã lục tục sang Việt Nam để khảo sát, đầu tư theo mô hình “thuê ngoài” (out-source) nhằm khoả lấp lỗ trống về an ninh lương thực của nước này khi TPP thành công. Như vậy, năm Giáp Ngọ chỉ là khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào nông nghiệp khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA.


Vui mừng nhưng cũng lo lắng


Giới quan sát cho rằng xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của doanh nghiệp ngoại sẽ mang lại không ít sự phấn khởi và niềm vui cho nông nghiệp Việt Nam. Phấn khởi vì các điểm yếu về chất lượng, thương hiệu, quy trình cung ứng nông sản của Việt Nam xưa nay vẫn bị than phiền, nay có dịp được khắc phục bằng công nghệ Nhật, Israel, Mỹ, Úc vốn rất hiện đại, hiệu quả.


Người dân còn vui khi nông sản của họ sẽ được “lăng-xê” thương hiệu với chất lượng cao, sẽ thu về cho họ nhiều tiền hơn, thoát khỏi cơn ác mộng về ngành nông nghiệp giá rẻ. Rõ ràng, những gì mà doanh nghiệp ngoại mang lại sẽ tạo ra “khoảnh khắc hội nhập”, đưa nông sản Việt đến gần hơn với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng quốc tế, và mức sống của nông dân Việt cũng vì thế mà cao hơn đáng kể.


Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui thì Việt Nam cũng đối mặt với nhiều nỗi lo khác. Còn nhớ, ông Vũ Thành Tự Anh, học giả chương trình Fulbright, từng nhận xét trong một công trình nghiên cứu của mình rằng trong bốn “bánh xe” thúc đẩy phát triển kinh tế, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chỉ có bánh xe thứ tư là chạy tốt. Trước nay, ngành công nghiệp luôn bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh về xuất – nhập khẩu, và giờ thì ngành nông nghiệp cũng đứng trước rủi ro này.


Bên cạnh đó, trong sân chơi FTA, không đơn thuần là “gia nhập và ăn thuế 0%”. Nguyên tắc xuất xứ hàng hoá hiện đang khiến doanh nghiệp Việt Nam mắc kẹt trên bàn đàm phán với các nước khác. Ví dụ, ở ngành công nghiệp dệt may, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguyên liệu chế biến sản xuất (và chủ yếu nhập sợi vải từ Trung Quốc). Đại diện đàm phán của EU từng tuyên bố trước báo chí rằng EU không khắt khe, thậm chí tạo điều kiện cho hàng Việt vào EU, nhưng EU làm ăn với Việt Nam chứ không làm ăn với Trung Quốc. Xét theo quy định trong các hiệp định thương mại tự do thì hàng hoá không đảm bảo xuất xứ nguyên liệu sẽ không được hưởng thuế ưu đãi.


Mượn “quốc tế” để tự mạnh lên


Việt Nam cần tận dụng thời thế, tức sự du nhập của các giá trị chất xám từ quốc tế, và chủ động một cách tận tuỵ, thâm nhập sâu hơn vào nền sản xuất nông nghiệp quốc gia để giữ vai trò chủ đạo, hoặc ít nhất là không để mất cái ghế vốn là thế mạnh của mình. Phải thừa nhận là chúng ta không được đóng cửa nếu muốn phát triển, nhưng nếu ì ạch và chậm chạp thì nguyên tắc kinh tế thị trường sẽ không cho phép các doanh nghiệp nội tồn tại.


Muốn kinh doanh tốt ngành nông sản thì phải tự tổ chức vùng nguyên liệu, tổ chức nguồn lực sản xuất, tạo ra chuỗi sản xuất có ứng dụng công nghệ và quy trình hiện đại thông qua hợp tác quốc tế. Nếu chỉ “ăn xổi” theo kiểu chờ nông dân sản xuất, cho thương lái đến mua rồi chế biến, xuất khẩu thì chẳng mấy chốc phá sản.


Có tiềm năng và gặp thời là một chuyện, nhưng tận dụng tiềm năng và thời cơ để xây dựng “thế” mới là yếu tố quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững.


Thắng Nguyễn









Cần cơ chế khuyến khích nông nghiệp chất lượng cao


Tháng 12.2013, Chính phủ ra nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở ra cơ hội cho nền nông nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (theo hình thức liên doanh). Báo cáo tổng kết của ngành nông nghiệp vào phát triển nông thôn năm 2013 cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là nơi thu hút FDI lớn, lên đến gần 5.000 tỉ đồng. Các địa phương khác trong cả nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn là nơi có thế mạnh về nguyên liệu, nhân lực, ít rủi ro khí hậu, như Bình Dương, Đồng Nai.


Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp còn khiêm tốn, và chủ yếu từ các đối tác châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi; chính sách hỗ trợ vốn tín dụng; chính sách về đất đai; chính sách hỗ trợ nhà đầu tư FDI phát triển vùng nguyên liệu; chính sách phát triển nguồn nhân lực… sẽ là những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với nông nghiệp Việt Nam.


Ngọc Linh (tổng hợp)







“Vét” phí cũng phải đúng luật!

“Vét” phí cũng phải đúng luật!

“Vét” phí cũng phải đúng luật!


SGTT.VN - Quy định hai trạm thu phí cách nhau tối thiểu 70km xem ra ngày càng bị “chà đạp” một cách không thương tiếc khi mới đây đoạn đường quốc lộ 51 (từ Biên Hoà đến Vũng Tàu dài khoảng 70km) được Chính phủ đồng ý cho lập thêm một trạm thu phí, nâng tổng số lên ba trạm.










Ảnh: tuoitre.vn



Theo lý giải của các cơ quan chức năng, việc mở trạm trên là hoàn toàn đúng với hợp đồng BOT. Xem ra, hợp đồng BOT lại cao hơn quy định của các bộ ngành hữu quan!


Hợp đồng BOT không thể cao hơn quy định!


Lý giải về việc lập thêm trạm thu phí thứ ba này, chủ đầu tư quốc lộ 51 (công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – BVEC) giải thích là nhằm chống thất thu cho dự án vì từ khi 20km đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào khai thác, lượng xe đi quốc lộ 51 giảm 30%.


BVEC khẳng định, việc thu phí trên quốc lộ này đảm bảo nguyên tắc không thu quá hai lần nếu xe đi trên toàn tuyến quốc lộ 51 vì trạm thu phí phụ T2 chủ yếu thu phí ôtô đi từ khu vực cảng Cái Mép để đi đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Theo đó, các xe đi toàn tuyến quốc lộ 51 chỉ phải nộp phí tại hai đầu trạm phía Đồng Nai và Vũng Tàu mà không phải nộp phí tại trạm phụ gần đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Còn xe đi đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây đi Vũng Tàu chỉ nộp phí ở trạm T2 mà không nộp phí ở trạm T3 Vũng Tàu.


Trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc vi phạm quy định của bộ Tài chính khi lập thêm trạm thu phí mới, BVEC cho hay, trong hợp đồng BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 51 có tổng chiều dài hơn 70km, BVEC và bộ Giao thông vận tải ký kết cách đây nhiều năm đã xác định tuyến quốc lộ 51 đặt ba trạm thu phí, trong đó có trạm thu phí T2.


Liên quan đến các dạng hợp đồng BOT kiểu này, luật sư Thái Văn Chung, tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, đã nhiều lần kiến nghị là bất hợp lý. “Nếu hợp đồng BOT có trước ngày ban hành quy định thì các cơ quan liên quan nhất thiết phải ngồi lại với nhau để tính toán cho hợp lý chứ không thể thực hiện sai quy định được. Làm không đúng quy định sao người ta tin”, luật sư Trung nhận định.


Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, khẳng định: Hợp đồng phải tuân thủ luật. Hợp đồng BOT không thể cao hơn luật. Không thể nại lý do luật chưa ban hành rồi cứ nhắm mắt làm.


“Vơ vét kiểu này ai chịu nổi!”


Thông tin về trạm thu phí mới khiến các chủ xe thường lưu thông ở cung đường này rất bức xúc, bởi khi lưu thông trên đoạn đường cao tốc, phương tiện đã chịu phí tăng gấp đôi rồi.


“Khi đưa đoạn đường cao tốc này vào sử dụng thì tình trạng kẹt xe đã cơ bản được giải quyết. Thế nhưng, việc cho phép lập thêm trạm thu phí để đón xe từ cao tốc xuống, sẽ khiến không ít xe bỏ cao tốc đi lại hướng cũ để tiết kiệm tiền phí”, anh Trần Thanh Trung, lái xe kiêm kinh doanh dịch vụ cho thuê xe du lịch, chia sẻ.


Theo thông tin từ nguồn tin riêng của chúng tôi, trong phương án thu phí của chủ đầu tư quốc lộ 51, mức thu ở trạm thu T2 sẽ cao gấp đôi ở trạm T1 và T3 (đặt ở đầu và cuối tuyến đường quốc lộ 51). Như vậy, từ TP.HCM đi đến Vũng Tàu theo đường cao tốc TP.HCM – Long Thành dài chưa tới 100km nhưng nhà xe phải đóng bốn lần phí (vì phí của đường cao tốc cũng cao gấp đôi). Chưa kể, việc lập trạm T2 sẽ khiến không ít chủ ôtô phải đóng phí quá cao nếu xe chỉ di chuyển từ TP.HCM đến Long Thành (gần 30km). “Vơ vét vậy ai chịu nổi!”, anh Trung ngao ngán.


Đào Lê






Tăng thời lời to, co lại gặp khó

Tăng thời lời to, co lại gặp khó

Tín dụng ngân hàng


Tăng thời lời to, co lại gặp khó


SGTT.VN - Kết quả kinh doanh năm 2013 của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy, một số ngân hàng duy trì được lợi nhuận, phần lớn là nhờ tín dụng tăng trưởng cao. Các ngân hàng khác, chỉ số lợi nhuận không khả quan khi tín dụng bị co hẹp. Tuy nhiên, với cái nhìn dài hạn thì lợi nhuận trước mắt nhờ tăng tín dụng chưa hẳn đã tốt, nếu chất lượng tín dụng không tốt.











Thu nhập thuần giảm mạnh, dự phòng tăng cao


ACB và Eximbank là hai ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 4/2013, đều có chung tình trạng: thu nhập thuần từ lãi giảm tới phân nửa, trong khi dự phòng rủi ro tăng tới ba, bốn lần so với cùng kỳ.


Kết quả kinh doanh quý 4/2013 của hai ngân hàng thương mại cổ phần ACB và Eximbank vừa công bố đều ghi nhận khoản lỗ hợp nhất lần lượt 293 tỉ đồng và 222 tỉ đồng, do một số nguyên nhân khá tương đồng: thu nhập thuần từ lãi giảm mạnh, dự phòng rủi ro tăng vọt, nợ xấu tăng và âm trong mảng kinh doanh ngoại hối. Cụ thể, ngân hàng ACB, thu nhập lãi thuần trong quý 4/2013 chỉ đạt hơn 886 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 là hơn 1.567 tỉ đồng, giảm 43%; luỹ kế cả năm đạt lần lượt là hơn 4.386 tỉ đồng và 6.870 tỉ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong quý tăng lên hơn 137 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 chỉ hơn 56 tỉ đồng. Luỹ kế cả năm 2013, ACB đạt lợi sau thuế lần lượt 824 tỉ đồng, dù tăng 5% so với năm trước, song chỉ đạt 58% kế hoạch. Nợ xấu của ACB tăng từ 2,5% lên 3,03%, trong đó, nợ có khả năng mất vốn cao gần gấp đôi.


Tương tự, ngân hàng Eximbank, thu nhập thuần trong quý 4/2013 493 tỉ đồng, chỉ đạt hơn nửa so với mức 856 tỉ đồng cùng kỳ 2012; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 120 tỉ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ là 39 tỉ đồng. Quý cuối cùng của năm 2013, Eximbank thua lỗ tới hơn 229 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng so với mức lỗ 182 tỉ đồng cùng kỳ. Tính chung cả năm, Eximbank chỉ thu về 658 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 70% so với năm 2012 và đạt chưa đầy 30% kế hoạch đặt ra. Nợ xấu tăng từ 1,32% lên 1,98%, trong đó nợ xấu có khả năng mất vốn tăng 35%.


Mặc dù mới có chưa đầy mười ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính năm 2013, song có thể nói, kết quả hoạt động của ACB và Eximbank đã phần nào thể hiện bức tranh chung của hệ thống ngân hàng năm qua: Tín dụng đầu ra khó khăn, lãi suất giảm mạnh khiến lợi nhuận thuần giảm mạnh; nợ xấu ở mức cao, một số tiếp tục tăng kéo theo chi phí dự phòng tăng cao khiến lợi nhuận hầu hết giảm mạnh, dù các đơn vị đều nỗ lực cắt giảm chi phí, thậm chí mạnh tay cắt giảm chi phí, như ACB, Eximbank...


Tín dụng: lượng cần, chất cũng cần


Một số ngân hàng vẫn duy trì được mức lợi nhuận tương đương năm trước, như Vietinbank, MB, thậm chí còn tăng ấn tượng như BIDV. Cụ thể, ngân hàng BIDV, năm 2013, lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 4.046 tỉ đồng , tăng 57% so với năm 2012. Mặc dù năm qua, hệ thống ngân hàng đều chật vật tìm tín dụng đầu ra, song tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này vẫn lên tới 15%, huy động vốn tăng 12%. Tín dụng khá, mang lại cho ngân hàng khoản thu nhập thuần từ lãi lên tới hơn 14.000 tỉ đồng, tăng 53% so với năm 2012.


Một “ông lớn” khác, ngân hàng Vietinbank cũng mở rộng tín dụng khá thành công, với mức tăng trưởng 13%, huy động tăng 26%. Thu nhập thuần từ lãi của ngân hàng đạt 18.276 tỉ đồng, chỉ giảm nhẹ so với năm trước. Khác với hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro, Vietinbank còn giảm nhẹ khoản chi này, nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2013 của ngân hàng vẫn tăng 6% so với 2012. Sự lạc quan trong kết quả kinh doanh của Vietinbank còn thể hiện qua con số nợ xấu, giảm từ 1,47% xuống còn 1%.


Có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất tính đến thời điểm này là ngân hàng MB với mức tăng 18% (huy động của ngân hàng tăng 16%), và điều này góp phần quan trọng giúp MB có được khoản lợi nhuận sau thuế 2.278 tỉ đồng năm 2013, các khoản thu nhập khác cơ bản ít biến động. Một vài ngân hàng khác, đa phần doanh thu, lợi nhuận đều giảm, như Techcombank, lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 659 tỉ đồng, giảm 14% so với kết quả vốn đã thấp của năm trước. Cả năm 2013, ngân hàng này chỉ tăng trưởng tín dụng 3%, chỉ bằng chưa đầy một nửa so với tăng trưởng tín dụng 7,6%.


Theo một chuyên gia tài chính, năm 2013, ngân hàng giữ được lợi nhuận đã là một nỗ lực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, lợi nhuận của mỗi ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tín dụng, bởi một khoản vay hứa hẹn khoản lợi nhuận cao rất có thể “ăn” cả vào vốn nếu khách hàng không trả được nợ và ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.


Thảo Nguyễn






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ