Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Từ chuyện ăn tết đến chuyện an cư

Từ chuyện ăn tết đến chuyện an cư

Từ chuyện ăn tết đến chuyện an cư


SGTT.VN - Tết nhất là quãng thời gian có chút thư nhàn, “trà dư tửu hậu” để ngẫm nghĩ về những gì đã qua và những gì sắp đến, những gì đã làm và những gì chưa làm hoặc chưa dám làm, những gì làm được và cả những gì làm sai… Suốt quá trình thực hiện những chuyên đề trên Kiến trúc & Đời sống một năm qua, chúng tôi với vai trò chuyên môn của mình ghi nhận một thực tế: chuyện bếp, chuyện phòng ngủ, việc chọn đèn sang, chọn gạch... sao năm nào cũng nói mà năm nào cũng... không cũ, cũng có chuyện để mà “biết rồi, khổ lắm...!”











Dân mình vốn được tiếng thông minh, học trò học để thi cử rất giỏi, nhưng sao ra làm việc lại lóng ngóng, khi làm chủ nhà lại thích bắt bẻ, sao chép vụn vặt? Công nghệ xây dựng và vật liệu mới cập nhật hàng giờ hàng phút, nhưng không nhiều công trình mới của ta xứng tầm quốc tế, loay hoay mãi vẫn chưa giải xong bài toán chia nhỏ căn hộ và nhà ở xã hội... Để tìm lời giải cho những câu hỏi này thật không dễ chút nào, và câu chuyện đầu năm này không hẳn đi vào một chuyên đề cụ thể, mà xin được xoay quanh ba ngày tết, những tản mạn và chút suy ngẫm.


TỪ CHUYỆN ĂN TẾT… Tết đi đâu, đến nhà ai cũng đều gặp bánh chưng với thịt kho, dưa món củ kiệu, bia lon rượu chai… Đành rằng đây là phong tục tập quán của dân tộc nhưng đâu có ai cấm ta ăn món khác trong dịp tết? Dù có là món truyền thống rất đặc sắc nhưng nếu ăn liên tục tù tì mấy ngày liền tất nhiên sẽ ngán. Biết ngán nhưng chẳng ai quan tâm nên chăng có thay đổi hoặc chí ít cũng có bổ sung món ăn khác lạ. Tại sao các bà nội trợ không thử nhân dịp tết trổ tài làm vài món ăn đặc biệt, món độc đáo, món sở trường lạ miệng? Để không những vừa có một điểm nhấn ẩm thực thú vị “miếng ngon nhớ lâu”, lại vừa là món quà độc đáo của gia chủ tạo nên sự phong phú thú vị cho dịp ăn tết đúng theo nghĩa đen của từ ăn.


Suy ngẫm: có lẽ thế mà khi sang chuyện làm nhà, đa phần gia chủ đều chọn những giải pháp “an toàn”, những vật liệu ai cũng dùng lâu năm và rất ngại thay đổi về quan niệm, tìm tòi không gian hấp dẫn hay cập nhật xu hướng kiến trúc bền vững trên thế giới. Câu cửa miệng quen thuộc là: thôi, nhà mình có gì đâu, tôi thích đơn giản... như một kiểu chịu đựng đã thành quen. Nhưng đơn giản với đơn điệu tẻ nhạt là hai khái niệm rất khác xa nhau.


ĐẾN CHUYỆN CHƠI XUÂN. Nhiều người giờ đây chọn phương án đi du lịch xa nhà để “trốn” thăm hỏi họ hàng, tránh các độ nhậu liên tu bất tận trước, trong và sau mấy ngày tết. Điều này mới nghe thấy khó có thể chấp nhận đối với đại đa số dân chúng vì mọi người vẫn trân trọng quan niệm truyền thống sum họp bên chung trà chén rượu ngày tết. Đó là chưa kể đến hàng triệu nhân lực làm việc xa quê chỉ có dịp tết là quãng thời gian ngắn ngủi để họ trở về thăm gia đình họ hàng, tận dụng nghỉ tết chăm sóc người thân... Nhưng nét đặc trưng “về quê ăn tết” đó của văn hoá Việt Nam đang bị lung lay bởi tình hình kinh tế chưa khởi sắc mà vấn nạn bao năm tàu xe kẹt cứng trước và sau tết hầu như khó thay đổi, bởi những tốn kém quá mức bình thường mà phải gọi đích danh là lãng phí ở những bộ phận cư dân chưa hề ổn định thu nhập chứ không nói gì khấm khá. Còn cư dân đô thị, những người quanh năm không phải xa gia đình thì lại khó tìm kiếm được những không gian và hình thức giải trí tiện ích, an toàn, mới lạ, hấp dẫn, tại nơi cư trú, cho nên các tour du lịch xa thường hay cháy vé trong dịp lễ tết mà nội dung cũng chỉ như ngày thường: đi tàu xe, tham quan, ăn uống, mua sắm, rồi về đi làm lại… chứ chẳng lẽ nằm nhà trùm mền suốt tết?


Suy ngẫm: để chấp nhận và tạo ra nếp nghĩ mới, trước tiên phải dọn dẹp nếp nghĩ cũ. Mọi sự nháo nhào khi cứ gần tết là thợ thuyền đòi nghỉ, gia chủ hối thúc. Các cột mốc lễ lạt, tết nhất, chào mừng, kỷ niệm... khiến công trình lớn nhỏ đều vướng bệnh “lầy lội tiến độ”, bình thường chả thấy làm ăn, gần tết nở rộ siêng năng đào đường!


QUA CHUYỆN KINH DOANH. Thông thường ở xứ văn minh, cuối năm các hãng luôn hạ giá, khuyến mãi lớn đồ gia dụng, thực phẩm… để tận dụng thời điểm xài tiền nhiều nhất của dân chúng nhằm tăng doanh số và uy tín. Nhưng giới kinh doanh xứ Việt thì lại có một sự “phá cách” đã thành nếp: lợi dụng tết để... tăng giá vô tội vạ! Làm riết dân chúng cũng quen câu cửa miệng “tết mà” khi thấy giá sắp tết thì lên, trong tết giữ nguyên và sau tết không xuống nữa! Phải chăng vì ai cũng vậy nên mình không làm ắt thành người ngoài hành tinh?


Việc kinh doanh ở Việt Nam còn thêm kiểu “không giống ai” nữa, đó là việc nhái thương hiệu, ăn cắp thương hiệu. Nhiều quán ốc nằm cùng một con đường đều có cùng tên quán và chỉ khác nhau ở phần “ghi chú” ốc cũ, ốc gốc, ốc không chi nhánh... Tại sao người ta không chịu động não nghĩ ra sản phẩm kinh doanh khác có thể tận dụng chung nguồn khách của nhau? Ví dụ bên này bán ốc thì bên kia bán chè, khách ăn ốc xong thì qua ăn chè, liên hoàn khép kín có hơn không. Chuyện quán xá nhỏ nhặt mà bát nháo hỗn tạp thiếu tương trợ, nhường nhịn thì hỏi sao chuyện lớn hơn như thiết kế xây nhà không rơi vào mê hồn trận! Cũng gạch giống nhau mà mua hàng trôi nổi giá rẻ gấp mấy lần chính hãng thì ai cầm lòng cho được, chỉ chết doanh nghiệp sản xuất ngậm đắng nuốt cay!


Suy ngẫm: việc bội thực thông tin nhưng lại thiếu chọn lọc và minh bạch thông tin khiến gia chủ bây giờ làm nhà... khổ và khó hơn gia chủ thuở trước. Mua gạch gì giữa rừng sản phẩm thật giả mơ hồ, chọn giám sát nào đây khi ai cũng nói coi chừng giám sát bắt tay với thi công? Thôi thì... hên xui, và thường những người làm chuyên môn nghiêm túc lại hay gánh chịu cái khó chịu xét nét của gia chủ bởi lòng tin đang trở thành thứ xa xỉ phẩm thời nay.










Dù ngôi nhà mang chất truyền thống hay hiện đại, luôn cần thiết những chắt lọc, sáng tạo có tính chuyên môn và sự ứng xử đúng mực của người sử dụng để tạo nên văn hoá ở đích thực.



CHUYỆN SÁNG TẠO VÀ BẢN QUYỀN. Có một nét đặc thù trong các lĩnh vực có tính sáng tạo ở Việt Nam – nhất là thiết kế kiến trúc và nội thất – đó là sự bắt chước tràn lan với mức độ nhiều ít khác nhau. Chuyện “vi phạm bản quyền tác giả” kiểu này rất đa dạng từ ngấm ngầm sao chép “nếu không nói ra thì không ai biết” cho đến trắng trợn ăn cắp ý tưởng lộ liễu tuy ai cũng thấy nhưng chẳng thấy ai kiện ai ra toà!


Câu nói từ phía gia chủ mà các nhà thiết kế thường hay nghe nhất là “anh/ chị vẽ giúp tôi căn nhà giống y như một căn nhà ở chỗ xyz”. Sao các gia chủ không yêu cầu nhà thiết kế làm một căn nhà độc đáo khác biệt để... người khác phải ngước nhìn, chứ sao lại đi bắt chước nhỉ? Sao gia chủ không biết rằng bên trong ngôi nhà “sinh đôi” với nhà mình là những con người khác, ăn ở khác, phương hướng khác thì cái hình thức giống nhau ấy quả thật mới khó khăn làm sao khi gán ghép gượng gạo hình hài này vào nội dung kia? Dù rằng việc thiết kế có thể mang dáng dấp, mang phong cách của một công trình đã có, nhưng nó khác với việc “sao y bản chánh” vốn là điều tối kỵ trong mọi hoạt động sáng tạo. Hay là cụm từ “thiết kế” nghe vẫn xa lạ với chủ đầu tư, để từ đó chất xám sáng tạo ở xứ mình là một cái gì đó mơ hồ, rẻ bèo, khó bảo vệ và khó định giá, còn việc “vẽ kiểu nhà” mà thực chất là ăn cắp mẫu mã gán ghép lung tung nghe ra lại dễ dàng hơn, ít nhất là ở khâu trả tiền: mấy bản vẽ thế này thì chỉ trả tiền... giấy mực chút đỉnh mà thôi!


Suy ngẫm: sự sáng tạo khác với thông lệ, sự phá cách để cái mới tốt hơn, hợp hơn nếp cũ, sự phản biện để tìm ra chân lý luôn là những điều rất cần thiết để thúc đẩy phát triển, rũ bỏ trì trệ. Cái gì một chiều, áp đặt, chủ quan, theo số đông cũng đều gây ra nhàm chán ù lì, mê muội… Một dịp nghỉ tết ăn cái gì, chơi ở đâu sao cho tiết kiệm, văn minh, khoẻ mình không hại người... năm nào cũng thấy giăng khẩu hiệu, nhưng làm gì thì mạnh ai nấy làm, vừa là số đông mờ nhạt vừa không đủ sức thay đổi nếp cũ èo uột, tốn kém. Những quan điểm phá cách, những ý tưởng phản biện lắm khi lại gây ra “ném đá” ngược chiều. Câu cửa miệng “tết mà” sẽ còn tồn tại đến bao giờ khi mọi thứ giá cả rủ nhau leo thang cận tết? Và những kiến trúc sư, nhà thiết kế chân chính sẽ mòn mỏi chờ đợi đến khi nào để những luật định bảo vệ về quyền tác giả sáng tạo, năng lực tư vấn, phản biện của mình được thừa nhận? Hướng tới sự văn minh và xã hội đủ nhân văn trong cư xử là điều làm con người bình thường ai cũng mơ ước, nhưng có lẽ chặng đường ấy luôn đầy rẫy gian nan, mà cứ mỗi dịp xuân về lại đành phải ngồi với nhau đôi chút, để mà nhìn lại, để mà ưu tư.


KTS Trần Phụng Tiên Phuông


Ảnh: NGUYÊN LAM






Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng

Thăm nhà hoạ sư Lê Bá Đảng


SGTT.VN - Trọn tầng 7, số 16 trên đường Bossingault thuộc quận 13, Paris, là ngôi nhà của hoạ sư Lê Bá Đảng, hơn nửa diện tích ngôi nhà được ông dùng làm sân vườn và cũng là không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Ở nơi ấy, từng tác phẩm, cây cỏ chậu hoa, đến không gian sống được hoà quyện và đồng điệu, đẹp như một thuật ngữ nghệ thuật mà người Pháp trịnh trọng dùng miêu tả về ông, đó là Lebadanggraphic – “đồ hoạ Lê Bá Đảng”.










Mạng nhện giăng ở lối vào chính của phòng khách.



Thế giới nghệ thuật hiện đại ngưỡng mộ và tôn vinh ông là hoạ sư của hai thế giới Đông – Tây, người Anh phong ông là danh hiệu người nổi tiếng thế giới, người Mỹ tặng giải thưởng nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo, người Pháp tặng thưởng huân chương nghệ thuật văn học… Có quá nhiều danh xưng, mỹ từ, kể cả lòng ngưỡng mộ để miêu tả về Lê Bá Đảng như thế. Trở về với đời thường, vị hoạ sư sống bình dị cùng người vợ trong ngôi nhà với phần ngoại thất được chăm chút với cỏ hoa khắp bốn mùa, được bạn bè ông ví von rằng nơi ấy là một “vườn thượng uyển” giữa Paris hoa lệ. Còn ở phần nội thất lại là một không gian đa chiều khác, nơi ngồn ngộn các tác phẩm đang thể hiện một ngôn ngữ nghệ thuật đầy tiêu biểu, đa dạng và biến ảo như trong cõi nhân sinh.


Không gian nghệ thuật


Bước ra khỏi thang máy, vị hoạ sư đưa tôi ra thẳng ngoài sân vườn để tận hưởng một buổi nắng sớm hiếm hoi trong tiết chớm đông Paris, ông vui vẻ giới thiệu về không gian thú vị này: “Toàn bộ cây cối hoa lá trong khu vườn này do bà nhà tôi chăm sóc đấy, còn các tác phẩm nghệ thuật trưng bày là phần của tôi”. Những mảng xanh trải khắp khu vườn thực là sắc màu hiếm có ở tiết trời mùa đông, để có được khu vườn quanh năm xanh tươi ấy, gia chủ cho biết dưới phần sàn của sân vườn được thiết kế một hệ thống sưởi để làm ấm thế nên cỏ cây mới giữ được sắc xanh kể cả trong tiết mùa đông.


Không gian ngoại thất ấy thường được chủ nhân dành tiếp những người bạn thân tình, là nơi tổ chức các bữa tiệc gia đình thân mật, được chuẩn bị chu đáo bởi bàn tay chăm sóc của bà Myshu, người vợ hiền đã gắn bó với cuộc đời Lê Bá Đảng từ hơn 60 năm qua. Ở góc cao nơi khu vườn ấy, những vị khách mời thật dễ dàng có được góc nhìn đẹp về một Paris hoa lệ với xa xa là toà nhà Montparnasse, tháp Eiffel… Nhưng những góc đẹp viễn cảnh ấy nhanh chóng bị lãng quên ngay khi cận cảnh vào từng góc nhỏ trong khu vườn.


Chủ nhân gọi đó là vườn, nhưng khách đến khu vườn ấy thường gọi đó là không gian của nghệ thuật. Thoạt nhìn không gian ấy rất phóng khoáng, tự do, không khuôn thước, mẫu mực, không một quy tắc nào ràng buộc, gò ép như kiểu thiết kế bố cục một sân vườn thông thường. Ở đó cây cỏ tự do đua chen, khoe sắc. Nhưng ở một góc độ khác, sự tung tẩy ấy dường như rất có chủ ý, mảng xanh của cỏ hoa lại kết hợp rất hài hoà với các tác phẩm nghệ thuật từ các chất liệu phù hợp với không gian ngoại thất như kim loại, đá, gỗ, gốm… được sắp đặt khi ngổn ngang dưới đất, khi yên vị trên bàn ăn, lúc lại hững hờ dựa vào bức vách phủ kín dây leo.


Những bố cục, sắp đặt trong khu vườn khiến bước chân cứ lần tìm, đi mãi từ đầu này đến đầu kia, chậm rãi, trầm ngâm, nhìn ngắm, chiêm nghiệm các tác phẩm nghệ thuật mà chủ nhân bài trí trong không gian thú vị ấy đến quên cả thời gian, thậm chí đến quên cả vị chủ nhà đang đứng ở một góc xa, bình thản tay trong túi quần, nhẫn nại mỉm cười đợi chờ khách tham quan khu vườn xinh ấy.


Hoạ sư Lê Bá Đảng phân định rất rạch ròi vai trò của ông trong khu vườn rằng: “Tất cả là do vợ tôi làm hết”. Nhưng những tác phẩm của ông đem lại cho tổng thể khu vườn một sự hoà quyện, đồng điệu, hợp nhất và tròn vẹn như tình yêu của hai người nghệ sĩ với cuộc đời bình dị, nhưng không kém phần phong lưu giữa Paris hoa lệ.













Các tác phẩm nghệ thuật hiện diện khắp nơi trong không gian phòng khách.



Cõi nhân sinh


Bước vào nội thất của ngôi nhà hoạ sư Lê Bá Đảng, lại là một “cõi” khác đối lập với những tổng hoà nghệ thuật ở khu vườn xinh. Trong các chi tiết trang trí kiến trúc của ngôi nhà, mỗi hiện vật tồn tại ở đó như một thực thể sống động, không cử chỉ, lời nói, nhưng sự sống động được bao hàm trong ý nghĩa toát lên từ mỗi tác phẩm nghệ thuật mang tính lập thể mà ông thể hiện. Tất cả như chuyển động đa chiều xoay quanh ngôn ngữ tạo hình khi là điêu khắc, khi là hội hoạ, khi là sắp đặt, thoạt nghe tưởng chừng rất rối mắt, nhưng tất cả lại được sắp xếp, bài trí một cách hài hoà, gọn chặt suốt từ phòng khách, hành lang, đến không gian riêng tư nhất là phòng ngủ.


Với muôn vàn các tác phẩm nghệ thuật được Lê Bá Đảng sáng tác ở đủ mọi thể loại chất liệu, từ giấy, gỗ, gốm, đá, kim loại, đến ngay cả cọng dây đồng buộc chổi khi qua bàn tay ông cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật, khi là chú ngựa kiêu hãnh, khi là lớp mạng nhện giăng giăng đầy tinh tế và ý nhị bên ô cửa. Lê Bá Đảng chậm rãi lý giải: “Dùng bất kỳ chất liệu nào, với tôi mục đích trên hết vẫn phải đi vào cái đẹp, chỉ cần vậy là đủ, còn kỹ thuật chỉ là chuyện lao động chân tay, ý tưởng là chuyện của trí não, chất liệu thì vẫn thế, đâu cũng giống nhau”.


Nghe ông lý giải thì đơn giản, nhưng mỹ thuật thế giới đã phải ngả mũ kính chào ông bởi cái lẽ đơn giản ấy. Không gian nội thất được ông sắp xếp không theo chủ ý, nội dung, mục đích, bởi lẽ ở mỗi tác phẩm, nó đã có ngôn ngữ riêng của nó rồi. Và khi chúng phối lại với nhau trong ngôi nhà, tất cả được phơi bày, phô diễn, không hề bị gượng ép bởi bố cục sắp đặt. Điều đó cũng thể hiện đúng với tính cách chủ nhân, người sống cả đời vì nghệ thuật, làm nghệ thuật. Với ông, cái thú được vẽ là vì đam mê chứ không phải để chứng tỏ, để thể hiện, khoe khoang mà như ông từng nói: “Tôi không vẽ để nịnh hót con mắt người du lịch, cho mấy thằng viết lách lăng nhăng thấy hươu nói vượn…”


Có một số ít trong các chi tiết trang trí nội thất là những hiện vật được ông sưu tầm, những bức tượng gỗ đã bị thời gian bào mòn, không ra rõ hình tượng, đến tấm gỗ lớn có cẩn các viên đá dăm ốp trên vách tường mà chẳng ai biết công năng nó là gì, chủ nhân lý giải: “Đấy là dụng cụ cày ruộng của người Pháp xưa từ thời chưa có cơ giới hoá, tôi sưu tầm và giữ lại vì ngày nay dụng cụ này không còn”. Chiếc bàn tiếp khách làm từ các khung sắt của ô cửa bỏ đi… cảm giác như những cái gì bình dị, tầm thường, khi qua bàn tay của Lê Bá Đảng, đều được tôn lên thêm vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ vốn đã sẵn có của nó.


Không gian nội thất được ông hào hứng giới thiệu nhất đấy chính là phòng ngủ, vừa là không gian để ông ngồi thư giãn, nhìn ra khoảng sân vườn và cũng là nơi sắp đặt những bức tranh trong loạt tranh Cõi người ta được thể hiện bằng chất liệu giấy, dùng kỹ thuật cắt lủng, phối với màu sắc tạo thành một góc nhìn đa chiều giữa hội hoạ và điêu khắc. Loạt tranh ấy kết hợp cùng các tác phẩm nghệ thuật ở các chất liệu khác được bài trí khắp nội ngoại thất, tạo cho không gian sống của hoạ sư Lê Bá Đảng vừa có gì đó đậm nét phóng khoáng, hiện đại kiểu Tây phương, nhưng cũng phảng phất chút thâm trầm vẻ Á Đông huyền bí.


Bài và ảnh: nguyễn đình
















Mỗi chi tiết trang trí trong ngôi nhà mang một ngôn ngữ rất riêng thông qua các tác phẩm nghệ thuật của Lê Bá Đảng.











Ảnh trên và dưới Từng góc nhỏ dù ở sân vườn hay trong nhà đều là những góc đẹp nhờ bố cục các tác phẩm nghệ thuật ở đủ mọi thể loại và chất liệu.











Góc đọc sách trong thư phòng của Lê Bá Đảng.














Các tác phẩm Cõi người ta nơi phòng nghỉ của Lê Bá Đảng.











Cảm tưởng như mọi chất liệu khi qua bàn tay của Lê Bá Đảng đều trở thành các tác phẩm nghệ thuật.







Đò dọc Trường Giang

Đò dọc Trường Giang

Đò dọc Trường Giang


SGTT.VN - Đời người, hoá ra là ai cũng có một con sông, hoặc gắn với nơi mình sinh ra, hoặc do duyên số thế nào đó mà mình gặp về sau trên đường đời, rồi thân thiết.










Trường Giang một sông hai cửa: nối cửa Đại và cửa Chu Lai. Ảnh: Mỹ Dung



Gần đây, một nhà bác học đã viết một cuốn sách rất thú vị, nhan đề Tất cả chúng ta đều là cá. Quả thật tổ tiên xa xôi nhất của chúng mình là cá. Rồi mới mò mẫm bò lên bờ, trằn trọc sống lưỡng cư, rất lâu sau mới mọc thêm vú, cuối cùng vật vã đứng lên trên hai chân để cố nhìn thấy cuộc đời cho xa hơn đôi chút. Và thành người… Vậy đó, trong sâu kín nhất của mỗi chúng ta đều có nước, một dòng nước, một con sông…


Tôi cũng có con sông của mình, Trường Giang. Dân Quảng Nam chúng tôi có thói ưa phóng đại, cái gì cũng nói vống lên cho thật to, tiếng Quảng gọi là “nói dốc”. Con sông ngắn củn, chỉ trên dưới năm mươi cây số, mà dám xưng Trường Giang, nghe như Đại Trường Giang bên Tàu! Năm mươi cây và cạn xợt. Nhưng lại vô cùng độc đáo. Mọi con sông trên trái đất ắt đều phải từ trên núi đổ xuống. Riêng nó, Trường Giang của chúng tôi, chẳng cần núi non gì hết, nó chảy từ một cửa biển này sang một cửa biển khác, nối cửa Đại Hội An với cửa Lỡ và cửa Đại Áng, tức cửa Chu Lai bây giờ, nơi Lê Thánh Tông từng giấu hàng vạn chiến thuyền chuẩn bị đi đánh Đồ Bàn của Chămpa... Sông chảy ngang, song song với bờ biển, nên rất êm, không hề biết đến thác ghềnh. Và vì nối liền hai cửa biển nên nó hưởng chế độ thuỷ triều từ cả hai phía, khi triều xuống thì phẳng lì, triều lên nước từ hai cửa đổ dồn ngược, vấp vào nhau, tạo thành một cái ngấn nước nhọn rất lạ, cao đến hơn gang tay, giăng từ bờ bên này sang bờ bên kia, ở quãng trước một cái chợ đông đúc gọi là chợ Tây Giang. Hai bên sông ngày trước nhộn nhịp hàng loạt chợ trù phú. Quế Trà Mi lừng danh, và cả lâm sản quý của Tây Nguyên mà Christopho Borri khi tới Quảng Nam mấy trăm năm trước từng kinh ngạc, đều được chở từ núi xuống Tam Kỳ, rồi theo Trường Giang, con quốc lộ nước tuyệt vời ấy mà về cảng thị Hội An.


Còn với tôi, gần gũi hơn, đấy là con sông sinh thành. Chính con sông ấy, Trường Giang, đã sinh ra tôi. Sinh ra, thật vậy, tuyệt đối nghĩa đen, không hề bóng gió. Sự thể là thế này…


Quê mẹ tôi, chính xác hơn là quê bà ngoại tôi, ở chợ Hưng Mỹ, một chợ nổi tiếng ven sông Trường Giang. (Tôi nói “ven sông” chứ không nói tả ngạn hay hữu ngạn, bởi vì một con sông không đổ từ trên núi xuống, mà chảy ngang từ một cửa biển này sang một cửa biển khác, thì hai bờ của nó bình đẳng, biết bên nào là phải bên nào là trái?)


Hưng Mỹ cách Hội An bao nhiêu nhỉ? Không gian được đo bằng thời gian: cách một đêm đò. Tôi ở Hội An, hè về quê ngoại Hưng Mỹ, sẩm tối xuống đò ở bên Triều Châu (tên xưa của bến Bạch Đằng), ngủ một đêm, sáng tới chợ Hưng Mỹ. Hết hè, từ Hưng Mỹ quay ra Hội An, tối xuống đò ở bến chợ, ngủ một đêm, sáng mai thức dậy, thấy phố Hội. Những con đò như vậy gọi là đò dọc. Đò ngang từng đi vào ca dao. Đò dọc chẳng kém. Hồi nhỏ tôi thường nghe bà ngoại, rồi mẹ tôi hát: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò dọc mẹ liều con hư…” Tôi nhớ hình như bà ngoại tôi hát có mỗi một lần, rồi thì chỉ mẹ hát. Trong khi ngoại ngồi lặng, ngẩn ngơ nhìn mãi ra xa, nơi dòng Trường Giang ngày đêm lặng lẽ trôi, khuất sau những bờ tre ngày xưa dày và xanh um, tít tắp.









Biết bao nhiêu cuộc tình đã được kết trong những đêm đò dọc ấy, có thể đến bến sẽ tan, một đêm sông nước phù du, mà cũng có thể sẽ đậu nên duyên số trọn đời...



Đò dọc khác đò ngang. Đò ngang chỉ đưa người sang sông. “Đưa người ta không đưa sang sông…” bởi đò ngang sang sông là hết. Gặp gỡ thoáng chốc, rồi đi biệt. Đò dọc khác. Ấy là những con đò lớn hơn đôi chút, có mui bằng tre, chèo tay, lờ đờ trôi, ở cái thời người ta còn thừa mứa thời gian, sống rất chậm, thư thả, thong dong, không bị cuộc sống thúc bách hối hả trăm sự nhiêu khê như ngày nay, mà nói cho cùng thì do tự mình gây ra cho mình cả thôi.


Đêm đò, trăng sáng hay trăng lu, người chèo đò thong thả vừa chèo vừa hát, ghẹo các cô gái trên các bến hai bên bờ, các cô chẳng vừa, thường cất lời hát đối đáp, suốt đêm trên con sông dài ngân nga một cuộc biểu diễn kỳ lạ. Cũng có thể đã nên những mối tình nào đó, thoáng qua, bởi đêm nào họ cũng hát, cũng đối đáp, dào dạt, say mê, mà có bao giờ họ gặp nhau đâu, người dưới nước kẻ trên bờ, người trên thuyền trôi nổi, người ở lại ngóng theo, cũng chẳng hề nhìn rõ mặt nhau dù trăng sáng hay lu, dưới nước hay trên bờ đều mờ ảo, chỉ nghe và quen, say tiếng hát của nhau, có thể đêm nào cũng nghe, có thể đêm nào cũng chờ, người trên bến chờ chiếc đò “của mình” đi qua để nghe một câu hát chào, hát ghẹo, để hát với theo một câu đối đáp, chưa hết câu hát thì đò đã đi mất. Thật lạ, đêm nào cũng “gặp”, cũng nghe, cũng hướng, cũng tưởng về nhau, mà đêm nào cũng dở dang, mãi mãi dở dang…


Còn trên đò, trong khoang, con trai con gái nằm lẫn với nhau, bóng đêm và sông nước khêu gợi, và những câu hát kia nữa, thúc giục, dụ dỗ. Đi đò là thiên hạ ngẫu nhiên, nửa lạ nửa quen, là tình cờ một đêm, là duyên nợ một lần, như thật như hư, gặp đó rồi xa đó, chẳng cần mấy giữ gìn, có thể buông những câu hát rất táo bạo, ỡm ờ, dè dặt hay liều lĩnh, nhẹ nhàng hay sấn sổ, tục thanh, thanh tục, gợi tình… Biết bao nhiêu cuộc tình đã được kết trong những đêm đò dọc ấy, có thể đến bến sẽ tan, một đêm sông nước phù du, mà cũng có thể sẽ đậu nên duyên số trọn đời… Con gái đi đò dọc “mẹ liều con hư” là vậy.


Mà chắc gì đã là hư. Tôi cứ nghĩ mãi không biết có phải ông ngoại tôi đã gặp bà ngoại tôi và phải lòng nhau trên một chuyến đò dọc Hưng Mỹ – Hội An hay Hội An – Hưng Mỹ? Ồng ngoại tôi người Hà Tĩnh, quê làng Uy Viễn, Nghi Xuân, là cháu đích tôn gọi cụ Nguyễn Công Trứ bằng ông nội. Ông ngoại tôi, hẳn là một ông đồ Nghệ Tĩnh, hơn một thế kỷ trước khăn gói vào Nam dạy học và, tôi đoán thế, chắc đã gặp một cô gái làng Hưng Mỹ trên một chuyến đò dọc Trường Giang xuôi về phố Hội. Gen của cụ Thượng Trứ mà, 73 tuổi còn bỡn con gái người ta “ngũ thập niên tiền nhị thập tam”, và lên chùa còn “gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”, lại trêu cả Phật “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Ôi ông đồ Nghệ ngật ngưỡng là cụ ngoại tôi hơn thế kỷ trước. Mẹ tôi đã được sinh ra từ cuộc tình duyên sông nước Trường Giang ấy, tôi vẫn ngờ vậy. Khi tôi đến tuổi hiểu biết đôi chút thì ông ngoại mất đã lâu, tôi chỉ biết bà ngoại, bà thương tôi nhất trong các cháu, đêm bà ôm ru tôi ngủ bằng những câu ca đằm thắm ngân nga, hẳn những câu xưa bà từng hát đối đáp với ông tôi…


Vâng, với tôi Trường Giang, như thế đó, là con sông sinh thành. “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò dọc...” Cám ơn những người mẹ đã biết, đã dám “liều”, để cho những đứa con, rồi những đứa cháu, chắt hạnh phúc được ra đời…


Nguyên Ngọc






Trung Quốc xác nhận thêm 11 ca nhiễm virus cúm H7N9

Trung Quốc xác nhận thêm 11 ca nhiễm virus cúm H7N9

Trung Quốc xác nhận thêm 11 ca nhiễm virus cúm H7N9


SGTT.VN - Nhà chức trách Trung Quốc ngày 5.2 đã xác nhận thêm 11 ca nhiễm cúm gia cầm H7N9, trong đó 8 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.


Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã ghi nhận thêm 4 trường hợp lây nhiễm mới, trong đó có một bé gái 5 tuổi và một người đàn ông 42 tuổi tại thành phố Triệu Khánh, một người đàn ông 49 tuổi ở thành phố Phật Sơn và một người đàn ông 56 tuổi tại thành phố Thâm Quyến.










Nhân viên y tế tiêu hủy gia cầm tại một chợ gia cầm ở Hong Kong. Ảnh: AFP/TTXVN



Hiện sức khỏe của bé gái và bệnh nhân ở Phật Sơn đã ổn định, trong khi hai người còn lại trong tình trạng hết sức nguy kịch.


Tại tỉnh Chiết Giang, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch cúm H7N9, giới chức địa phương cũng xác nhận thêm 4 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng người nhiễm bệnh lên 69 người kể từ đầu năm tới nay.


Sức khỏe của cả 4 người mới bị nhiễm bệnh, gồm 2 nam và 2 nữ, đều trong tình trạng nguy kịch.


Trong khi đó, Khu Tự trị Choang Quảng Tây cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm mới gồm một phụ nữ 41 tuổi và con trai 5 tuổi.


Tại thành phố Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, sức khỏe của một người đàn ông 36 tuổi cũng đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị phát hiện nhiễm cúm gia cầm H7N9.


Trong bối cảnh số ca nhiễm virus cúm H7N9 tại Trung Quốc gia tăng từng ngày, các chuyên gia y tế cho rằng việc lây nhiễm giữa người với người là khó xảy ra và phần lớn những người nhiễm bệnh đều đã được cách ly.


Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã cử các đoàn chuyên gia đến các cơ sở y tế và bệnh viện tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông để kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân.


Các quan chức y tế Trung Quốc khẳng định sẽ gia tăng nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như giảm thiếu số người tử vong do cúm H7N9.


Theo TTXVN






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ