Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Tiếp tục cổ động khát vọng làm giàu chính đáng

Tiếp tục cổ động khát vọng làm giàu chính đáng

Tiếp tục cổ động khát vọng làm giàu chính đáng


SGTT.VN - Ngày 23.11, tại TP.HCM, trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và tập đoàn Trung Nguyên đã tổ chức ngày hội Sáng tạo vì khát vọng Việt lần thứ hai.


Đây là một phần của chương trình Hành trình vì khát vọng Việt đang được triển khai trên toàn quốc ở cả thành thị và nông thôn.


Ngày hội Sáng tạo vì khát vọng Việt lần thứ hai có sự đồng hành tổ chức của báo Thanh Niên và trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).










Sinh viên giao lưu tại ngày hội



Trong ngày hội, sinh viên của các trường đại học đã tham dự hội thảo “Khởi nghiệp kiến quốc – Công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam”, nghe các chuyên gia, học giả quốc tế chia sẻ những câu chuyện thành công của Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và cả câu chuyện Việt Nam đang phát triển.


Các diễn giả đã đặt ra những câu hỏi để giới trẻ suy nghĩ về những phương pháp khơi gợi tinh thần dân tộc, tạo dựng tương lai đất nước, hiện thực hóa những khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh.


Trong ngày hội Sáng tạo vì khát vọng Việt lần thứ hai này, năm ý tưởng sáng tạo khả thi nhất được chọn ra từ 30 ý tưởng trong cuộc thi “Sáng tạo tương lai” của Hành trình vì khát vọng Việt năm 2013 đã được vinh danh sau vòng chung kết. Đó là: ý tưởng dịch vụ thiết kế và cung ứng rau an toàn của đại học Cần Thơ; ý tưởng mô hình chăn nuôi heo rừng của đại học Tây nguyên; ý tưởng phần mềm quản lý du lịch của đại học Bách khoa Đà Nẵng; ý tưởng mô hình sản xuất và phân phối su su Tam Đảo của đại học Nông nghiệp Hà Nội; ý tưởng sản xuất giấy tái sử dụng từ phân bò của đại học Quốc tế TP.HCM.


Cũng nhân ngày này, trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và tập đoàn Trung Nguyên đã công bố Hành trình vì Khát vọng Việt năm 2014 sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cổ động cho khát vọng làm giàu chính đáng của thanh niên như thành lập các câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phố mà Hành trình 2013 đã đi qua; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hiệu quả; tổ chức các khóa đào tạo, các chuyến đi nghiên cứu thực tế và giao lưu giữa các bạn trẻ ở các khu vực tỉnh, thành phố; tìm kiếm và hỗ trợ những điển hình thành công, doanh nghiệp trẻ phát triển lên cấp độ cao hơn; thành lập các vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới hỗ trợ cho vườn ươm; và đặc biệt sẽ đề xuất đưa Hành trình vì Khát vọng Việt trở thành một chương trình quốc gia để hiệu quả chương trình được mở rộng đến đông đảo giới thanh niên trẻ.


Các Ngọc






Nỗi đau của một kiếp người

Nỗi đau của một kiếp người

Trở về sau gần 17 năm mất tích:


Nỗi đau của một kiếp người


SGTT.VN - Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé, người thân và người dân xóm nghèo ngồi quanh bà Nhân, người phụ nữ bất hạnh, khốn khổ vừa trở về quê hương xứ sở sau gần 17 năm bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc.










Nghĩ đến những ngày tháng đắng cay tủi nhục gần 17 năm qua, bà Bùi Thị Hồng Nhân không cầm được nước mắt



Những tấm lòng, những lời động viên xen lẫn những giọt nước mắt xót xa sẻ chia đã chảy trên khuôn mặt của nhiều người…


Từng nghĩ đến cái chết…


Chiều 23.11, ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, bà Bùi Thị Hồng Nhân (61 tuổi, trú xã Kỳ Đồng, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng, thảng thốt sau chuỗi ngày đau khổ đã qua. Bà Nhân nói, đó không phải cơn ác mộng mà thực sự là tận cùng nỗi đau của một kiếp người.


“Tháng 3.1997, sau khi qua biên giới, đến một vùng núi heo hút của Trung Quốc, tôi bị chúng (ý nói bọn buôn người - PV) ép bán cho một người đàn ông nghèo, nhiều tuổi. Tôi một mực từ chối và nói với chúng rằng tôi đã gần 50 tuổi, đã yên bề gia thất ở quê hương nhưng chúng vẫn không tha. Chúng đã đánh tôi bầm dập, ép phải ở lại làm vợ của một người đàn ông xa lạ. Sau nhiều lần bị hành hạ tàn nhẫn, tôi không có lựa chọn, phải nghe theo chúng để được sống”, bà Nhân kể lại.










Sau khi trở về, người phụ nữ bất hạnh thắp hương lên bàn thờ chồng



Nhưng sóng gió cuộc đời của bà Nhân chưa dừng lại ở đó, gần 2 năm sau, khi vô tình quen được một người phụ nữ tên Hằng (người Việt Nam), bà Nhân lại tiếp tục bị lừa bán lần thứ 2. “Khi nghe tôi kể lại hoàn cảnh tủi nhục của mình ở xứ người, Hằng nhận lời sẽ giúp đỡ đưa về quê hương, nhưng không ngờ thị lại lừa, bán tôi cho một người đàn ông Trung Quốc khác để lấy tiền”, bà Nhân nghẹn ngào.


17 năm lưu lạc, hai lần làm vợ của hai người đàn ông nghèo vùng biên Trung Quốc, bà Nhân chưa một ngày được nghỉ ngơi mà suốt ngày phải làm những công việc nặng nhọc như chẻ củi, xúc đất, phụ hồ… để kiếm tiền nuôi sống bản thân và nuôi cả gia đình “chồng”.


Vì cuộc sống quá tủi nhục, cô quạnh nơi xứ người lẫn tương lai mù mịt, nhiều lần người phụ nữ bất hạnh định tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời. Nhưng rồi, bà không thực hiện ý định. Bà vẫn tiếp tục sống, nung nấu ý chí trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình.


Sau gần 17 năm lưu lạc, một ngày tháng 11.2013, bà Nhân may mắn quen được người phụ nữ tên Thảo (quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cũng lấy chồng Trung Quốc, và người này đã giúp đỡ, đưa bà về quê.


Nước mắt trùng phùng


Ngày 18.11 vừa qua, bà Bùi Thị Hồng Nhân đột ngột trở về trước sự ngỡ ngàng và ngập tràn nước mắt của người thân, làng xóm ở quê hương.


Chiều 23.11, lúc chúng tôi đến thăm, căn nhà của anh Nguyễn Trọng Trà (con trai đầu bà Nhân) chật kín người thân cùng bà con lối xóm đến thăm hỏi, động viên. Những tấm lòng, những giọt nước mắt thương cảm xót xa dành cho người phụ nữ trầm luân, bất hạnh đã chảy trên khuôn mặt của nhiều người.










Nước mắt sum vầy của người thân và bà con lối xóm



Thắp nén hương lên bàn thờ người cha đã mất, anh Nguyễn Trọng Trà nói trong hàng nước mắt: “Sau khi mẹ tôi mất tích, cả gia đình tôi đã cố gắng tìm kiếm và dò la tin tức khắp nơi nhưng đều vô vọng. Mấy năm sau, vì buồn, bố tôi đổ bệnh rồi mất. Từ đó đến nay, dù nghi mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn không biết nơi mô mà tìm”.


Đứng bên cạnh anh Trà, hai cô em gái Nguyễn Thị Nhị, Nguyễn Thị Giang (con bà Nhân) cứ ôm lấy mẹ mà khóc nức nở.


Trước cảnh buồn tủi của gia đình bà Nhân, nhiều người làng xóm đến thăm hỏi, động viên đều không cầm được được mắt. Họ nắm chặt tay người phụ nữ bất hạnh vừa trở về sau gần 17 năm lưu lạc mà an ủi, động viên và gào khóc...


Thanh Niên








Liên quan vụ việc, chiều 23.11, ông Trần Đức Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng cho biết theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng thì vào đầu năm 1997, bà Bùi Thị Hồng Nhân đã bị bà Nguyễn T.P (trú xã Kỳ Tây, H.Kỳ Anh) cùng người em gái là Nguyễn T.H lừa bán sang Trung Quốc. “Nhưng đối tượng Nguyễn T. P hiện đang sống ở Ma Cao (Trung Quốc), còn Nguyễn T.H thì đã rời khỏi địa phương từ lâu, hiện chưa rõ sống ở đâu. Về vụ việc này, chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ”, ông Thắm nói.





60 tỉ đồng cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, nông thôn

60 tỉ đồng cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, nông thôn

60 tỉ đồng cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, nông thôn


SGTT.VN - Sáng 23.11, Cục Quản lý môi trường y tế - bộ Y tế và công ty Unilever Việt Nam - nhãn hàng Vim đã công bố quyết định “Khung kế hoạch hợp tác chiến lược nâng cao điều kiện vệ sinh tại Việt Nam” trong thời gian 5 năm giai đoạn 2014-2018.










Nhà vệ sinh trường học phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sạch khuẩn



Tại buổi lễ ký kết, các bên đã thông qua chương trình “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” với tổng trị giá 60 tỉ đồng do công ty Unilever Việt Nam tài trợ.


Chương trình bao gồm nhiều hoạt động nhằm đạt đến kết quả tốt nhất trong việc cải thiện nhận thức và điều kiện vệ sinh cho 10 triệu người dân trong vòng 5 năm tới (2014 - 2018), với trọng tâm là các hoạt động: Phòng chống dịch bệnh, cải thiện điều kiện vệ sinh tại nông thôn, cải thiện điều kiện vệ sinh tại trường học.


Cục trưởng cục Quản lý môi trường - bộ Y Tế, TS. Nguyễn Huy Nga cho biết, chương trình hợp tác “Nâng cao điều kiện vệ sinh tại Việt Nam” cam kết sẽ tập trung cải thiện vệ sinh cộng đồng, đặc biệt là môi trường trường học ở các vùng nông thôn, khi mà khả năng bảo vệ của trẻ em còn chưa cao, cần được quan tâm và chăm sóc bằng những chương trình cụ thể.


Cũng trong sáng 23.11, ban tổ chức chương trình đã giới thiệu triển lãm về “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn cho 10 triệu người Việt Nam” được tổ chức tại Công viên 23/9 từ ngày 22.11 đến 2.12.2013, với nhiều hoạt động bổ ích về nâng cao nhận thức, thói quen vệ sinh và cũng là mục tiêu lâu dài trong việc xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.










Tiểu chuẩn nhà vệ sinh đạt chuẩn



Năm 2013, “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” đã xây dựng thêm 400 cụm nhà vệ sinh vệ sinh tại hơn 130 trường tiểu học trên cả nước, ưu tiên địa bàn vùng sâu vùng xa với kinh phí 16 tỉ đồng. Mỗi cụm nhà vệ sinh có quy mô sử dụng cho 1.000 em học sinh, ước tính có khoảng 2 triệu lượt học sinh tiểu học sẽ được sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn sạch khuẩn.


Theo báo cáo của chương trình Môi trường quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2012, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng 57%. Còn con số thống kê từ Unicef, hiện nay Việt Nam vẫn còn khoảng 10 triệu hộ dân cư với hơn 12 triệu trẻ em sinh sống (chiếm 45% trẻ em trên cả nước) vẫn còn đang trong tình trạng vật chất thiếu thốn, không có nhà vệ sinh hợp chuẩn.


N.Th






Quan hệ có “tương”, chưa có “thích”!

Quan hệ có “tương”, chưa có “thích”!

Sổ tay


Quan hệ có “tương”, chưa có “thích”!


SGTT.VN - TPP là cơ hội lớn để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt - Mỹ. Tự do thương mại sẽ mang lại những thay đổi năng động không ngờ cho nền kinh tế


Trong tuần qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa kỳ tại Việt Nam David Bruce Shear đã kết thúc chuyến thăm chính quyền địa phương và tìm hiểu vùng chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở cực Nam, thăm nhà máy sản xuất điện gió sử dụng thiết bị của tập đoàn GE, Mỹ; thăm bệnh viện Đa khoa trung ương - tiếp xúc, chia sẻ kỳ vọng về Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các giảng viên và sinh viên trường Đại học Cần Thơ.










Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam David Bruce Shear và các sinh viên trường đại học Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Lan



Tiêu chuẩn hàng hóa, tài sản trí tuệ, hàng rào bảo hộ… là những vấn đề được phía Việt Nam nêu ra. Và theo Đại sứ David B.Shear: TPP là cơ hội lớn để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tự do thương mại sẽ mang lại những thay đổi năng động không ngờ cho nền kinh tế. “Trong 10 năm đầu, sau khi gia nhập TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37%, GDP tăng 11,1% /năm”-Đại sứ David B. Shear phác thảo viễn cảnh.


Thương mại song phương giữa Việt - Mỹ năm 2012 hơn 25 tỉ USD. Hơn 4 tỉ USD trong số này là nông sản, 1 tỉ USD là thủy sản. Mức độ mở cửa thị trường cho nông sản - thủy sản từ Việt Nam vào Mỹ phụ thuộc vào cánh cửa mở cho hàng của Mỹ vào Việt Nam. Cả hai bên đều nhìn thấy kết quả chưa xứng với tiềm năng.


Việt Nam bắt đầu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Khi làm tăng giá trị sản phẩm thì thu nhập người lao động sẽ tăng, vị thế Việt Nam sẽ thay đổi. Vào TPP, về ngắn hạn, da giày và dệt may là những lĩnh vực Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh.Về dài hạn, TPP mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam: củng cố và khẳng định vai trò đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ ANLT trong khu vực và tạo động lực để doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển sản phẩm chế biến. "Các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng và sở hữu trí tuệ, điều kiện cần để Việt nam củng cố cam kết hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế", Đại sứ David B.Shear nói.


Tuy nhiên theo Đại sứ David B Shear, vào nhà máy, nếu tất cả chỉ cắt và may thôi trong khi vải nhập từ Trung Quốc thì khi làm theo chuỗi giá trị Việt Nam phải sản xuất ra vải, làm tăng giá trị sản phẩm. Hàn Quốc, Đài Loan làm ra nguyên liệu và sản xuất vải với chất lượng rất cao. Xuất khẩu nông sản - thủy sản cần được đầu tư kỹ thuật để ngày càng có sức cạnh tranh hơn.


TPP thúc đẩy nhu cầu về năng lực tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn. “Đồng bằng sông Cửu Long nên đầu tư vào giáo dục, công nghệ để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, phải làm cho nhiều sản phẩm tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hi vọng những nhà đầu tư của Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi này. Việt Nam là nước rất năng động và hi vọng sẽ năng động hơn nữa khi tham gia TPP, nên thu hút đầu tư nước ngoài, giáo dục, đào tạo… Ông nêu ví dụ từ Intel, nhiều người học ở đại học Arizona trở về, công ty Intel sử dụng rất nhiều. Từ đào tạo, nhà đầu tư có lòng tin vào lĩnh vực kỹ thuật và cung cấp nhân lực.


Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị tương tác đang bị thách thức, dường như chỉ dừng ở chỗ chỉ có “tương”, chưa có “ thích”. Bằng chứng là khi Việt Nam, chủ yếu Đồng bằng sông Cửu Long, hăng hái triển khai cho cộng đồng học hỏi, ứng dụng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế và các biện pháp kiểm dịch nông sản xuất khẩu cho ngành nông sản thông qua dự án MACBETH (*) để làm hàng đi Mỹ thì tiêu chuẩn từng được hàng trăm nhà phân phối thực phẩm trên toàn cầu xây dựng, được tập huấn… lại không được tính đến khi người Đồng bằng sông Cửu Long bán hàng vào Mỹ.


Hoàng Lan









(*) Đại học bang Michigan và trường đại học Cần Thơ (cùng Đại học Kasetsart., Thái Lan) cam kết với WTO giúp Việt Nam triển khai dự án nâng cao năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện (MACBETH - Market Access through Competency Based Education and Training in Horticulture). Dự án giúp cho người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến thực hiện chặt chẽ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI – The Global Food Safety Initiative )







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ