Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Bổ sung nước ngầm để chống lún: nói thì dễ!

Bổ sung nước ngầm để chống lún: nói thì dễ!

Bổ sung nước ngầm để chống lún: nói thì dễ!


SGTT.VN - Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún ở một số khu vực thuộc địa bàn TP.HCM đã được các nhà khoa học khẳng định là do khai thác nước ngầm bừa bãi và xây dựng đô thị trên các vùng trũng. Trong đó, cách khắc phục nguyên nhân thứ hai đã được báo Sài Gòn Tiếp Thị đề cập trong bài TP.HCM: Nguyên nhân và giải pháp cho lún (số báo ngày 11.11).










Khắc phục ngập do nền thấp hơn mực nước triều ở một số nơi trong quận Bình Thạnh cần phải đợi đến khi cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè thi công xong. Trong ảnh: triều cường gây ngập trong một con hẻm quận Bình Thạnh, tháng 10.2013. Ảnh: Thanh Hảo



Còn nguyên nhân thứ nhất – tức khai thác nước ngầm bừa bãi – đã có nhà khoa học đưa ra ý kiến nên bổ sung nguồn nước ngầm và tiến tới cấm khai thác nước ngầm.


Giải pháp này tuy được nhiều người ủng hộ nhưng không dễ thực hiện.


Muốn cấm, phải giải quyết ba bất cập trước mắt


Xét ở khía cạnh kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam) cho rằng, để hạn chế tình trạng sụt lún thì cấm khai thác nước ngầm bừa bãi như hiện nay là giải pháp hữu hiệu nhất. Muốn vậy, đơn vị cấp nước của TP.HCM phải giải quyết ít nhất ba bất cập đang tồn tại trong việc sử dụng nước máy.


Trước tiên, phải có hệ thống cung cấp nước máy đến tất cả các địa bàn của TP.HCM. Điều này đang là bài toán khó giải, bởi đến nay còn rất nhiều khu vực chưa có nước máy để sử dụng như huyện Nhà Bè, quận 12... Đặc biệt, theo báo cáo của ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (HEPZA), tình hình khai thác và sử dụng nước ngầm tại các KCX và KCN trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở KCN Tân Tạo và KCN Lê Minh Xuân. Lý do: chưa có hệ thống cung cấp nước máy hoàn thiện… Vậy ở những vùng này nếu không cho khai thác nước ngầm thì người dân lấy nước gì để xài?


Kế đến là giải quyết bất cập trong việc gắn đồng hồ nước. Theo nguyên tắc, muốn gắn đồng hồ nước thì phải có số nhà, nhưng ở TP.HCM, rất nhiều nhà không có số. Không được gắn đồng hồ tất phải sử dụng nước giếng khoan (nước ngầm).


Cuối cùng, trước khi giải được hai bài toán trên thì vấn đề cấp thiết nhất hiện nay chính là phải giảm tình trạng thất thoát nước. Thất thoát nước lên đến gần 40% đã đẩy giá nước sinh hoạt lên quá cao, không phù hợp với túi tiền của những hộ gia đình lao động phổ thông, khiến không ít hộ có đồng hồ nước nhưng vẫn phải sử dụng nước ngầm. Điều này chính tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã báo cáo, 57.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ bằng 0 (tức không sử dụng), 93.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ 1 – 4m3. Giải thích lý do này, nhiều hộ dân ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân cho rằng, họ chỉ sử dụng nước máy để nấu ăn, còn các hoạt động khác dùng nước giếng khoan do chi phí rẻ hơn.


Bổ sung nước ngầm trực tiếp: nói dễ làm rất khó!


Gần đây, đề tài khoa học của PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ (trưởng khoa Kỹ thuật – địa chất – dầu khí trường đại học Bách khoa TP.HCM) với nội dung: Đưa nước mưa từ mái nhà xuống lòng đất được đề xuất như một giải pháp khắc phục tình trạng nguồn nước ngầm đang cạn kiệt gây sụt lún ở TP.HCM.


Trả lời trên phương tiện truyền thông, tác giả cho hay, đã xây dựng mô hình thực nghiệm ở toà nhà B8 của đại học Bách khoa. Với hệ thống thu gom nước mưa từ mái nhà diện tích 400m2 vào bể lọc 1m3, sau đó nước được chuyển vào bể chứa và điều tiết có dung tích 10m3, từ đó nước được bơm trực tiếp xuống mạch nước ngầm qua giếng thu nước đường kính 200mm, lượng nước mưa hấp thụ tối đa đạt 60m3/giờ. Theo tác giả, sau hơn một năm thực nghiệm, mực nước ngầm ở khu vực này đã tăng 1m.


Bình luận về giải pháp này, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng: đó cũng là một cách làm hay nhưng chỉ khả thi ở một số vùng mà ở dưới mặt đất có túi rỗng trước đây chứa nước ngầm, nay nước ngầm bị hút hết mới bổ cập được nước. Riêng các vùng mà ở bên dưới là sình lầy (vốn đang bị sụt lún nhiều nhất) như Hóc Môn, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh), phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức)… nếu áp dụng cách làm bổ sung nước trực tiếp như trên sẽ lập tức gây ra cảnh lầy sụt. “Giải pháp này thực tế đã được tranh luận nhiều và theo tôi chỉ có thể áp dụng được ở các quận như 1, 3, Phú Nhuận. Tuy nhiên, cách làm trên sẽ rất tốn kém và khó kêu gọi được sự đồng thuận của người dân”, ông nói.


Theo GS.TS Lê Huy Bá, cách bổ sung nước ngầm hay nhất hiện nay vẫn sử dụng kênh, mương, rạch, ao hồ để lượng nước ở đây dần thấm vào các tầng nước ngầm. Đặc biệt, thành phố phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hồ điều tiết để vừa chống ngập, vừa tăng lượng nước được thẩm thấu vào các tầng nước ngầm. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng sụt lún do lượng nước ngầm đang bị “hụt” trầm trọng như hiện nay.


Đỗ Thông






Nâng cao chất lượng xét xử

Nâng cao chất lượng xét xử

Nâng cao chất lượng xét xử


SGTT.VN - Nhiều người có lẽ vẫn còn rất bàng hoàng về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án chung thân về tội giết người, sau mười năm ngồi tù, vừa mới được thả. Không có gì có thể bù đắp được cho người đàn ông này và gia đình về những hậu quả mà họ đã phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Một hệ thống bảo vệ pháp luật với bộ máy đồ sộ, nhiều cấp được gắn hai chữ “nhân dân” nhưng đã để lọt tội phạm và có nhiều dấu hiệu làm oan người vô tội trong trường hợp này.


Hai gia đình hàng xóm lâu năm có tranh chấp đất đai với nhau, không tự giải quyết được, qua hoà giải ở UBND xã vẫn không xong, phải đưa nhau ra toà; tòa phán quyết có lợi cho một bên, bên kia không chịu, phải xử phúc thẩm, qua một thời gian các bên vẫn đang chờ đợi giải quyết.










Nhiều người có lẽ vẫn còn rất bàng hoàng về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án chung thân về tội giết người.



Người dân ở một vùng quê đã vài năm nay phải chịu ô nhiễm nặng nề từ nước thải của một nhà máy. Họ cũng tìm mọi cách nhờ cậy tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương để hy vọng có những tác động tích cực nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Chính quyền dường như có lý do riêng mà không tiến hành các biện pháp can thiệp. Người dân buộc phải lập trại, đặt chướng ngại vật trên đường đi để hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…


Đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều vấn đề về công lý mà nhiều người dân Việt Nam gặp phải trong đời sống hàng ngày. Báo chí, công luận đã nêu nhiều vấn đề này và đặt ra câu hỏi “công lý ở đâu”?


Tại sao những câu chuyện nêu trên lại được coi là một câu “chuyện thường nhật” ở Việt Nam khi mà Nhà nước mong muốn xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Hàng ngàn các quy định pháp luật, các quyết định hành chính được ban hành hàng năm để nhằm “quản lý xã hội bằng pháp luật” và để “pháp luật được thượng tôn”. Cơ quan nhà nước từ Trung ương tới cơ sở được cải cách từ “thu gọn” tới “phình ra” nhằm bảo đảm pháp luật được thực thi. Nhưng mong muốn đơn giản của người dân dường như chưa được đáp ứng đầy đủ.


Đơn cử như quyền được đi học miễn phí cấp tiểu học đã được ghi nhận qua các bản Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946. Nhưng có đến 31% người dân trong một cuộc khảo sát độc lập về Chỉ số công lý năm 2012 cho biết là họ chưa từng đi học hay học từ lớp 5 trở xuống. Trình độ học vấn của người dân rõ ràng là ảnh hưởng tới hiểu biết của họ về xã hội và pháp luật, trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận công lý của họ. Nghiên cứu này cũng đã chứng minh rằng những người có vị thế xã hội, có trình độ học vấn thì có được nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận các thiết chế pháp luật. Đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến người dân cảm thấy bất an trong môi trường sống của mình nên thường xuyên phải gồng mình lên để “tranh đấu” nhằm bảo vệ các lợi ích tài sản.









Thiết nghĩ, hoạt động cải cách tư pháp ở Việt Nam không có những thay đổi để đem lại sự độc lập của toà án, nâng cao chất lượng hoạt động của toà án thì những vụ việc dân tự hành xử để thực thi công lý, những vụ án oan thấm đẫm nước mắt vẫn còn tồn tại.



Số lượng tranh chấp nhỏ nhiều và ngày một nhiều nên Việt Nam luôn phải duy trì một hệ thống tổ hoà giải tới tận từng thôn, xóm, cụm dân cư do hệ thống cơ quan hành pháp hỗ trợ và quản lý. Hơn nữa, các cơ quan hành pháp khi tham gia vào công tác hoà giải khiếu nại, tố cáo của người dân cũng đã đảm nhiệm luôn vai trò giải quyết các tranh chấp ấy. Dẫn đến, người dân lựa chọn các cơ quan hành pháp (UBND xã/phường, huyện và tỉnh) để nhờ giải quyết tranh chấp khá cao trong khi các thiết chế này không được trang bị về năng lực pháp luật, không… chuyên nghiệp. Khảo sát Chỉ số công lý 2012 cho thấy người dân nhờ cậy không nhiều vào cơ quan toà án vì khả năng tiếp cận vào cơ quan này còn khó khăn. Những vấn đề này có thể là nguyên nhân dẫn đến người dân không thoả mãn và tin cậy vào kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại nên dẫn đến những tranh chấp, khiếu nại này thường bị kéo dài và tới nhiều cơ quan.

Luật sư trong các vụ án hình sự hay trong tranh chấp dân sự cũng được nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của họ. Thậm chí, có cán bộ nhà nước cho rằng luật sư đã phát huy chưa tốt vai trò bào chữa, bảo vệ người dân. Chi phí để mời luật sư tham gia các vụ án hiện nay còn cao nên đã hạn chế người dân tiếp cận vào thiết chế bổ trợ tư pháp. Những vụ án như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư được pháp luật yêu cầu phải cung cấp miễn phí cho người dân. Đáng tiếc, pháp luật lại quy định luật sư làm việc do chính các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu và trả phí. Vấn đề này dường như đã tác động tính độc lập của luật sư trong hoạt động hành nghề bảo vệ người dân, cũng như sự tôn trọng luật sư của các cơ quan tiến hành tố tụng.


Trong xét xử, toà án phải độc lập để xem xét vụ án một cách công tâm và với những năng lực chuyên môn của mình. Nhưng thực tế, thẩm phán thường tham khảo các ý kiến của những cơ quan khác khi xem xét vụ án. Theo một nghiên cứu độc lập của UNDP, trên 50% thẩm phán cấp huyện và xấp xỉ 40% thẩm phán cấp tỉnh của Việt Nam đã tham khảo ý kiến lãnh đạo toà án khi xét xử vụ án hình sự, và vẫn còn một số thẩm phán thừa nhận đã tham khảo ý kiến của viện kiểm sát, cơ quan liên ngành tố tụng (bao gồm viện kiểm sát, cơ quan điều tra, toà án) khi giải quyết vụ án. Do vậy, nếu trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan này đã thống nhất ông Nguyễn Thanh Chấn có tội thông qua hội họp mà không theo trình tự tố tụng, thì thẩm phán và hội đồng xét xử khó có thể quyết định khác được. Cơ chế can thiệp vào vụ án kiểu này loại bỏ hoàn toàn vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng.


Thiết nghĩ, hoạt động cải cách tư pháp ở Việt Nam không có những thay đổi để đem lại sự độc lập của toà án, nâng cao chất lượng hoạt động của toà án thì những vụ việc dân tự hành xử để thực thi công lý, những vụ án oan thấm đẫm nước mắt vẫn còn tồn tại.


Luật sư Nguyễn Hưng Quang






“Người gieo chữ ở làng phong” giành giải Nhất cuộc thi "Cô giáo của tôi"

“Người gieo chữ ở làng phong” giành giải Nhất cuộc thi "Cô giáo của tôi"

“Người gieo chữ ở làng phong” giành giải Nhất cuộc thi "Cô giáo của tôi"


SGTT.VN - Ngày 12.11.2013, báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết "Cô giáo của tôi." Đã có 11 tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi này.











Giải nhất thuộc về tác phẩm “Người gieo chữ ở làng phong” của tác giả Thu Lương, Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai giải nhì thuộc về tác phẩm “Cái thước" của tác giả Lê Văn Vỵ (trung tâm Giáo dục thường xuyên Hương Sơn, Hà Tĩnh) và tác phẩm “Tiếng hú” của tác giả Phan Thị Thảo Hiền (trường Trung học phổ thông Phan Thiết, Bình Thuận.)


Trị giá giải nhất là 10 triệu đồng, giải nhì 5 triệu đồng, giải ba 2 triệu đồng và giải khuyến khích 500.000 đồng. Nhân vật trong tác phẩm đoạt giải Nhất của cuộc thi, cô giáo Hà Thị Thu Oanh, trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cũng được nhận tặng phẩm trị giá 3 triệu đồng.


Theo Thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, các tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu người, yêu nghề, phát hiện, động viên những tấm gương thầm lặng của các cô phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người. Cuộc thi là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 sắp tới.


Thiên Lam






AGPPS: Xây dựng nhà máy phân hữu cơ đầu tiên tại Hậu Giang

AGPPS: Xây dựng nhà máy phân hữu cơ đầu tiên tại Hậu Giang

AGPPS: Xây dựng nhà máy phân hữu cơ đầu tiên tại Hậu Giang


SGTT.Vn - Ngày 12.11, tại xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy phân hữu cơ đầu tiên của AGPPS, diện tích 14.033 m2.


Nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu chính là than bùn, mùn mía từ nguồn cung cấp của nhà máy đường Phụng Hiệp.











TS Lê Hoàng Việt, giám đốc nhà máy phân hữu cơ Ân Thịnh Điền, cho biết bên cạnh nguồn vốn lưu động hàng năm là 32,6 tỉ đồng, việc đầu tư theo lộ trình: Từ năm 2013-2014 tiến hành xây dựng 2.400 m2 với tổng vốn đầu tư là 14 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2018 sẽ mở rộng với diện tích 1,4 ha.


Dự kiến quý 2/2014, nhà máy sẽ chính thức hoạt động với công suất trong năm đầu tiên đạt 6.500 tấn phân hữu cơ : Đặc dụng cho lúa (4.000 tấn), cà phê (500 tấn), cao su và phân hữu cơ tổng hợp (2.000 tấn). Năm 2017, công suất sẽ đạt 50.000 tấn/năm.


“Khi nhà máy hoạt động có lời, AGPPS sẽ tiến hành cổ phần hóa cho nông dân tương tự như đã làm tại tỉnh An Giang vào ngày 25.10”, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch HĐQT AGPPS cho biết.


NGỌC BÍCH






Xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia

Xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia

Xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia


SGTT.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) đến năm 2020.


Nhiệm vụ của chương trình là thúc đẩy thị trường dịch vụ KHCN với mục tiêu tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ KHCN trên thị trường không dưới 15%/ năm, riêng với một số công nghệ cao không dưới 20%. Ngoài ra, tỉ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường KHCN đạt không dưới 10% vào năm 2015 và không dưới 20% vào năm 2020.


Để đạt được mục tiêu trên, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... cần đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, thành lập các công ty định giá công nghệ nhằm thúc đẩy việc mua bán công nghệ. Phải thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng nhanh số lượng tài sản trí tuệ được đăng kí bảo hộ, thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ có đủ năng lực làm nòng cốt,....


T.Tuyền






HTC One Max – dòng smartphone màn hình lớn

HTC One Max – dòng smartphone màn hình lớn

HTC One Max – dòng smartphone màn hình lớn


SGTT.VN - Văn phòng đại diện của HTC tại Việt Nam cho biết, HTC chính thức gia nhập nhóm smartphone có màn hình kích thước lớn – 5.9 inch với dòng HTC One Max.


Tính năng mới nhất của HTC One Max là chức năng bảo mật vân tay cùng những tính năng nổi bật như BlinkFeed (tích hợp mạng xã hội), Zoe (chất lượng hình ảnh) và BoomSound (âm thanh) trên nền giao diện HTC Sense 5.5 mới nhất.











HTC One Max có cấu hình mạnh: chip lõi tứ Qualcomm Snapdragon 600, tốc độ 1.7 GHz, màn hình Full HD, bộ nhớ trong 16GB, có thể được mở rộng với khe cắm thẻ nhớ microSD dung lượng 64GB cộng thêm dung lượng miễn phí đến 50GB từ kho lưu trữ trực tuyến miễn phí Google Drive dành riêng cho khách hàng sử dụng HTC One max. Dung lượng pin của HTC One Max là 3300mAh, cộng thêm phụ kiện HTC Power Flip được tích hợp sẵn pin có dung lượng 1200mAh ở mặt trước, vừa có tác dụng bảo vệ tối đa cho màn hình lớn, vừa cung cấp thêm năng lượng chiếc smartphone này.


Theo HTC, dòng HTC One max chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào tuần cuối của tháng 11.2013 với giá 17,99 triệu đồng.


Gia Vinh






Các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam


SGTT.VN - Từ ngày 12 – 13.11, ông Antonio Tajani, phó chủ tịch kiêm cao uỷ phụ trách công nghiệp và doanh nghiệp của Uỷ ban châu Âu đã dẫn đầu một phái đoàn gồm đại diện của 50 doanh nghiệp châu Âu nhằm nắm bắt và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.


Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm và làm việc tại TP.HCM, đoàn doanh nghiệp EU đã tham gia “Diễn đàn doanh nghiệp và giao lưu thương mại EU – Việt Nam” do chi nhánh phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM phối hợp với phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức. Tại diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp EU – Việt Nam có cơ hội cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác ở các lĩnh vực: dược phẩm, thiết bị y tế; thực phẩm, đồ uống; dệt may; công nghệ thông tin…


Phát biểu tại lễ khai trương trung tâm Mạng lưới doanh nghiệp EU – Việt Nam tại TP.HCM ngày 12.11, ông Antonio Tajani cho biết trung tâm Mạng lưới doanh nghiệp EU – Việt Nam sẽ là đầu mối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thâm nhập thành công vào thị trường Việt Nam và mở rộng sang các nước trong khu vực. Năm 2012, xuất khẩu từ EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc và thiết bị điện tử chiếm 22,3%, xe cộ và thiết bị vận tải chiếm 20,9%; xuất siêu từ Việt Nam sang EU đạt 13 tỉ euro.


Minh Cúc






Hơn 800 tổ chức bị thu hồi 38.771 ha đất

Hơn 800 tổ chức bị thu hồi 38.771 ha đất

Hơn 800 tổ chức bị thu hồi 38.771 ha đất


SGTT.VN - Theo tin từ Văn phòng Quốc hội ngày 12.11, bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về thực hiện trả lời chất vấn của bộ trưởng bộ này trước Quốc hội kỳ họp trước (kỳ họp thứ 5).


Theo báo cáo này, bộ TNMT đã phối hợp cùng một một số bộ, ngành tiếp tục xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai với các tổ chức được giao đất. Theo đó, tính đến 30.6.2013, đã có tới 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất đai lãng phí với diện tích trên 128 ngàn ha.


“Trong số này, đã có 819 tổ chức bị buộc phải thu hồi đất với diện tích 38.771 ha”, báo cáo cho biết. Cụ thể hơn, các địa phương có các tổ chức vi phạm các quy định về sử dụng đất, phải thu hồi đã báo cáo có 479 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vi phạm, bị thu hồi 25.138 ha, 158 đơn vị sự nghiệp vi phạm, bị thu lại 551 ga; 17 nông, lâm trường bị thu lại 12.794 ha…


“Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích đất đai sử dụng cần phải thu hồi lên tới 22.654 ha, đang lập hồ sơ thu hồi đất của 559 tổ chức khác với diện tích 27.095 ha”, bộ TNMT nêu.


Một số địa phương được biểu dương đã quyết liệt trong việc xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư, xóa quy hoạch “treo” như: LongAn thu hồi chủ trương, xóa quy hoạch với 28 dự án, tổng diện tích lên đến trên 3900 ha (trong đó có 4 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp, 11 khu đô thị, khu dân cư); Hậu Gianh thu hồi 56 dự án với tổng diện tích 971 ha; TP Hồ Chí Minh thu lại 7 dự án với 49 ha đất, Hà Nội thu hồi 11 dự án với diện tích đất chiếm 800 ha…


Ngọc Lâm






Êdốp chịu thua

Êdốp chịu thua

Phiếm


Êdốp chịu thua


SGTT.VN - Nhà kể chuyện ngụ ngôn người Hy Lạp Êdốp sau khi chết được đưa lên đỉnh Olympus kể chuyện cho thần Zeus nghe. Kể mãi cũng chán nên 2.500 năm sau, Êdốp xin hạ sơn dạo chơi cho khuây khoả. Tới một xứ bên bờ Biển Đông, Êdốp vỗ ngực xưng tên nhưng chẳng ai biết, đành trổ tài:


– Để tự giới thiệu, ta kể chuyện “Con cáo và chùm nho” cho mọi người nghe nhé: Ngày xưa, có một con cáo thấy chùm nho chín nhưng cao quá không với tới, cáo bỏ đi và nói… Đố ai biết con cáo nói gì?


– Dễ ẹt! Cáo nói: “Lại trái cây Trung Quốc!”


– Sao lại thế! Chuyện nữa nè: Một cậu bé chăn cừu hay chơi trò kêu cứu: “Sói! Sói!” rồi cười nắc nẻ khi thấy mọi người chạy đến. Đến khi sói bắt cừu thật, cậu hô to thì mọi người đứng cười và bảo… Bảo gì nào, ai biết?


– Quá dễ! Câu trả lời là: “Lại trò diễn tập ấy mà”!


– Chà... Chuyện cuối cùng: ta có câu đố nổi tiếng “Cái gì ngon nhất và dở nhất?”, ai đáp được?


Êdốp nói xong, thè lưỡi ra gợi ý. Một em bé giơ tay:


– Đó là sữa!


Êdốp chưng hửng:


– Ngon thì đúng, nhưng sữa dở chỗ nào?


– Dở vì sữa cũng đầy vi khuẩn, chất béo độc hại, nghe đồn người ta còn trộn cả thuốc tránh thai vào đó nữa!


Êdốp ngửa mặt than:


– Zeus ơi, thế này thì ta mất tiếng là phải rồi!


Người già chuyện






Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”

Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”

Càphê thể thao


Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”


SGTT.VN - M.U giữ bóng đến 66,4% trong mười phút đầu, nhưng đến phút 20 thì họ chỉ còn giữ bóng 58%, và khi hiệp 1 kết thúc thì đội giữ bóng nhiều hơn đã là Arsenal (56%).


Vâng, chúng ta đang nhắc lại trận M.U – Arsenal ở Premier League hôm chủ nhật, trận đấu mà báo chí “Tây” cũng như “ta” đều cho rằng, hai kẻ không đội trời chung trong làng bóng Anh sẽ còn phải... đá với nhau trên mặt báo, ít nhất thêm một tuần nữa.










Bóng đá phải có một sự đa dạng cần thiết về lối chơi, trường phái. Ảnh: Reuters



Hãy trở lại với trận đấu tại Old Trafford. Rút cuộc thì M.U chỉ giữ bóng 39,87% trong toàn trận và chỉ chuyền bóng chính xác 75,87%. Đấy là trận đấu mà Van Persie và đồng đội giữ bóng ít nhất, chuyền bóng kém nhất trong mùa bóng này, tính chung mọi trận địa. Thậm chí, M.U chưa bao giờ chuyền bóng ít như thế khi chơi tại sân nhà Old Trafford, kể từ trận hoà Chelsea hồi năm 2006. Tất cả chỉ có 344 đường chuyền. Chỗ này, xin được nói thêm để bạn đọc tiện so sánh và dễ hình dung. Đội tuyển Tây Ban Nha hoặc câu lạc bộ Barcelona thường chuyền bóng gần 1.000 lần mỗi khi họ thi đấu thành công!


Vấn đề đặt ra: làm sao M.U có thể thắng một đối thủ rất mạnh, khi bản thân họ lại giữ và chuyền bóng kém đến như vậy? Giới chuyên môn có hẳn một kho đề tài để tranh luận. Đương nhiên, người ta sẽ phải nói nhiều về đấu pháp, và đi liền theo đó là cách chọn người hợp lý của huấn luyện viên David Moyes. Nhưng trước tiên, cứ phải khẳng định một điều, có vẻ đi ngược với trào lưu chung. Đó là, người ta không nhất thiết cứ phải học hỏi Barcelona hay Bayern Munich, không nhất thiết cứ phải giữ bóng nhiều hơn bằng cách liên tục chuyền nhuyễn để có thể làm chủ trận đấu. Không phải bao giờ tiki-taka, hoặc những gì gần gũi với nó, cũng là chuẩn mực trong bóng đá đỉnh cao.


Và bóng đá đỉnh cao trở nên hấp dẫn hơn nhờ những trận đấu như vậy. Bóng đá phải có một sự đa dạng cần thiết về lối chơi, trường phái. Vấn đề không chỉ là nó dẫn đến nhiều lựa chọn cho người xem.


Sự phong phú về lối chơi và trường phái còn làm cho các đội tưởng như tầm thường lại có thể thắng các đội trên tài.


Thẳng thắn mà nói, trận M.U – Arsenal vừa rồi khá tẻ nhạt. Đấy chính là ý đồ của David Moyes. Ông cần 3 điểm, cần cản bước một Arsenal hãnh tiến, chứ ông đâu cần (và sẽ là điều dại dột nếu cần) một cuộc so đọ kỹ thuật, trình diễn tài năng, trong bối cảnh M.U của ông không sở trường về lối chơi đẹp.


Trận đấu coi như kết thúc ngay sau thời điểm Robin van Persie mở tỷ số cho M.U. Bàn quyết định tương đối sớm sủa chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ giữ bóng vốn thuộc về M.U đến 66,4% lúc đầu cứ nghiêng dần về Arsenal, cho đến cuối trận thì M.U đạt một cột mốc hiếm thấy về tỷ lệ... không được giữ bóng. Đấy không hẳn là sự thay đổi ngẫu nhiên, theo kiểu đội đang dẫn điểm thì phải lùi về phòng ngự để bảo vệ ưu thế. Đấy chính là ý đồ của huấn luyện viên Moyes. Xưa nay, ông thành công ở câu lạc bộ nhỏ Everton, và đấy là một đội chuyên thi đấu trong hoàn cảnh phải nhường cho đối phương giữ bóng nhiều hơn.


Mọi người đều biết, Arsenal của Arsene Wenger là đội phản công cực kỳ xuất sắc. Bây giờ, M.U chủ động nhường hẳn thế trận cho họ. Arsenal buộc phải giữ bóng, buộc phải tấn công. Kể cả khi có bóng, M.U cũng không quá hồ hởi với việc tấn công, càng không có mục đích tìm thêm bàn nữa. Vậy lấy đâu ra cơ hội cho Arsenal phản công? Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”, Arsenal đã chứng minh đấy thôi.


Quỳnh Nga






Làm sao tải ứng dụng Zing MP3 có tìm kiếm bài hát bằng giọng nói?

Làm sao tải ứng dụng Zing MP3 có tìm kiếm bài hát bằng giọng nói?

Quyền lợi người tiêu dùng


Làm sao tải ứng dụng Zing MP3 có tìm kiếm bài hát bằng giọng nói?


Tôi đọc thông tin biết VNG có phiên bản Zing MP3 tìm kiếm bằng giọng nói cho hệ điều hành Android. Nhưng khi vào Play Store, lại không tìm thấy phiên bản này mà chỉ thấy ứng dụng Zing MP3 mới. Tôi tải mà không thấy chức năng tìm kiếm bằng giọng nói như thông báo của Zing. Nhờ Zing hướng dẫn tải phiên bản nào?


(Minh Thư, Gò Vấp, TP.HCM)


Bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, trưởng phòng truyền thông doanh nghiệp VNG: Bạn vào Play Store, gõ từ khoá “Zing MP3” sẽ thấy xuất hiện nhiều phiên bản Zing MP3. Bạn tìm bản Zing MP3 3.1 vừa được cập nhật ngày 4.11.2013. Khi chọn phiên bản này, bạn sẽ thấy dòng chữ “VNG Corporation”, sau đó chọn để tải phiên bản này. Với Zing MP3 phiên bản 3.1, người dùng tìm kiếm nhanh các bài hát bằng giọng nói tiếng Việt và tiếng Anh bằng cách chọn biểu tượng micro trong ô tìm kiếm, sau đó đọc tên bài hát, tên video clip, tên ca sĩ hay tên album nhạc cần tìm. Bên cạnh đó, phiên bản mới còn bổ sung hệ thống chỉnh âm Equalizer theo 22 thể loại nhạc phổ biến như dance, latin, rock, hiphop...


Hiện trên Play Store có nhiều phiên bản Zing MP3 “không chính chủ”. Chúng tôi sẽ làm việc với Google để tháo bỏ những ứng dụng này trong thời gian sớm nhất.






Ẩm thực thời đồ đá cũ bị “ném đá”

Ẩm thực thời đồ đá cũ bị “ném đá”

Ẩm thực thời đồ đá cũ bị “ném đá”


SGTT.VN - Dinh dưỡng thời đồ đá cũ (paleo diet) – nhái chế độ ăn uống giống hệt tổ tiên ta thời hang động đã ăn – trở thành cơn sốt mới về kiêng khem. Nhưng nhiều nhà khoa học nghi ngờ nền ẩm thực hái lượm ấy…










Nhiều người đang quay về với ẩm thực thời săn bắt và hái lượm. Ảnh: TLCK



Ngày càng có nhiều người theo chế độ ăn uống thực phẩm lành mạnh và kiêng khem. Đôi khi họ thuyết phục bạn của mình cùng thực hành như họ, giảm bia bọt và từ bỏ xúc xích, theo Der Spiegel.


Nhưng giờ đây Tom Jones đã đến cứu những người thích thực phẩm bổ tim. Ca sĩ này có lần được coi là biểu tượng tình dục. Jones cao khoảng 1,8m, bị béo lên từ nhiều năm qua, nặng hơn 100kg. Khi Jones quyết định đã đến lúc giảm cân, ông đã chọn một phương pháp đầy nam tính. Ca sĩ gắn với chế độ dinh dưỡng paleo diet, nghĩa là ăn chủ yếu là thịt.


Cái gọi là paleo diet không hơn không kém là ý tưởng điên điên của một ca sĩ về già. Ở Hollywood, một số diễn viên để giữ thân hình, như nữ diễn viên Jessica Biel, đã chuyển sang ăn uống giống tổ tiên – những người thời hái lượm, lang thang ở những vùng đất thấp, ăn rau cỏ, hoa quả và ăn cái gọi là thịt voi ma mút nướng.


Cơn sốt paleo giờ đây đã chạm đến Đức. Năm ngoái, diễn viên Moritz Sachs tuyên bố ông ta là một fan của chế độ dinh dưỡng này. Qua nhiều năm, người xem đã thấy Sachs, một nhân vật trong show TV Lindenstrasse, béo lên. Nhờ paleo diet, ông diễn viên mũm mĩm cho biết đã giảm 18kg.


Những bậc thầy của phong trào thời thượng này quan tâm chuyện khác hơn là giúp cho người ta giảm cân. Thịt và rau mà những kẻ cuồng tín tin sái cổ rằng loài người phạm một trọng tội vì đã học trồng trọt như cách đây 10.000 năm (thời đồ đá mới), đã thay đổi trong dinh dưỡng dẫn đến bệnh tật, các bệnh mãn tính. Họ tin rằng các tai hoạ của nền văn minh, như xơ cứng động mạch, đái tháo đường và huyết áp cao, đều là hậu quả của cái gọi là cuộc cách mạng đồ đá mới. Người hâm mộ paleo diet dường như bỏ qua thực tế là nông dân đã cứu được nhiều đồng loại của mình khỏi chết đói nhờ gieo trồng một cách có tổ chức.


Nhưng đối với những nhà dinh dưỡng và sinh học, paleo diet là vô nghĩa. Nhà sinh học tiến hoá Marlene Zuk, đại học Minnesota, nói: “Những người ủng hộ kiểu đó cho rằng, vào một thời điểm nào đó, các tổ tiên của chúng ta hoàn toàn thích ứng với môi trường của họ. Nhưng những điều kiện ấy có lẽ chưa bao giờ tồn tại”.


Nhà sinh lý học dinh dưỡng Alexander Ströhle, đại học Hannover, Đức Bắc, nói: “Không có bằng chứng về việc tổ tiên chúng ta chỉ ăn một số thực phẩm nhất định”.


Bất chấp sự phản đối của giới khoa học, paleo diet trở thành đám lửa cho ngày càng nhiều thiêu thân. Các nhà khoa học cho rằng họ cần phải am hiểu về một khoảng thời gian kéo dài chừng 2,5 triệu năm và kết thúc vào khoảng 8.000 năm trước Công nguyên.


Thảo Nguyên






Tết, việc thời vụ nhiều, nhưng...

Tết, việc thời vụ nhiều, nhưng...

Tết, việc thời vụ nhiều, nhưng...


SGTT.VN - Ngay từ đầu tháng 11, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm đăng thông tin để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Hầu hết, lao động trong dịp cuối năm đều theo thời vụ. Việc nhiều nhưng có việc không tìm ra người...










Cuối năm là dịp để lao động thời vụ kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thu Thuỷ



Tại trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên của Thành Đoàn TP.HCM đông sinh viên đến xem các bảng thông báo việc làm. Trần Thị Hoà, sinh viên đại học Công nghệ Sài Gòn, cho biết: “Thời điểm này sinh viên thường tìm việc làm. Trước hết là có nhiều việc làm phù hợp với việc học, mặt khác đây là cơ hội để kiếm tiền trang trải sinh hoạt và kiếm tiền về quê”.


Cuối năm tuyển nhiều


Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc trung tâm cho biết, mùa lao động thời vụ cuối năm thường bắt đầu vào khoảng 15.11 – 15.12, đây là thời điểm các khách hàng đến đăng tìm lao động nhiều nhất. Mới đầu mùa lao động cuối năm, đã có doanh nghiệp nhờ trung tâm tuyển dụng 600 nhân công. “70% lao động đến tìm việc tại đây là sinh viên, còn lại là những người lao động tự do. Những công việc có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất là: bán hàng, phục vụ nhà hàng, quán ăn, phát hàng mẫu, bán bánh kẹo, lịch, bảo vệ, phục vụ khu vui chơi…”, ông Sang cho biết. Cũng theo ông Sang, mức lương năm nay không tăng, chỉ ở mức 50.000 đồng/buổi hoặc 100.000 – 120.000 đồng/ngày.


Cuối năm, nhu cầu vệ sinh, sơn sửa nhà ở, cơ quan tăng cao nên nhiều doanh nghiệp cũng đua nhau tuyển người. Như công ty quảng cáo và xây dựng Gia Long (8D Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp) đã hoàn tất kế hoạch tuyển 20 công nhân nam với mức lương 150.000 đồng/ngày để làm những công việc như: lắp đặt gian hàng, làm điện, sơn nước, làm bảng hiệu, panô quảng cáo...


Từ nay đến tết cũng là khoảng thời gian có nhiều đám cưới, hội nghị nên các trung tâm tổ chức sự kiện đua nhau tuyển dụng nhân viên với số lượng lớn. Ông Phan Thanh Tâm, phòng nhân sự của trung tâm tổ chức sự kiện Thanh Tâm (270 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, hiện công ty đã và đang tuyển 500 lao động.


Nâng lương


Trong lĩnh vực xây dựng, từ tháng 11 trở đi, công nhân chuyển đổi chỗ làm liên tục, tuỳ theo tiến độ từng công trình.


Ông Tư, một chủ thầu ở quận 3 cho biết: “Vào thời điểm này, vì nhiều công trình bị chậm tiến độ nên tôi phải tuyển nhiều nhân công thời vụ để kịp giao nhà cho chủ. Lượng nhân công này thường ở các đội khác chuyển qua làm”.


Thợ xây thông thường có mức lương 250.000 đồng/ngày nhưng để kéo người giỏi, một số chủ thầu nâng lên mức lương 300.000 đồng/ngày để kịp giao công trình trước tết. Hiện nay, các công việc liên quan tới hoàn thiện công trình như: sơn nước, trang trí nội thất cũng cần nhiều lao động, nhất là những lao động có tay nghề cao. Ông Thanh, người có một đội sơn nước cho biết, vào thời điểm này ông phải tuyển thêm 20 thợ sơn nước, với mức lương 270.000 đồng/ngày.


Ông Vũ, một chủ thầu ở Bình Thạnh, than thở: “Do làm mộc đòi hỏi tay nghề cao nên đến mùa này phải đưa ra mức lương hấp dẫn mới có thợ để làm”. Theo ông Vũ, mức lương của nghề mộc hiện nay, tuỳ theo tay nghề, dao động từ 160.000 – 400.000 đồng/ngày. Dù đưa ra mức lương cao nhưng đã mười ngày qua mà ông Vũ mới tuyển được hai người đáp ứng được yêu cầu. “Không chỉ có yêu cầu tay nghề mà do công việc này phải có quen biết mới tránh việc bỏ việc giữa chừng, và không xảy ra mất mát khi làm ở nhà khách hàng”, ông Vũ nói thêm.


Không dễ tuyển đúng người


Do áp lực về thời gian nên nhiều chủ thầu xây dựng có nhiều ưu ái với các nhóm công nhân có tay nghề ở những phần việc hoàn thiện công trình. Có nơi khuyến khích người lao động làm việc “hết công suất” bằng cách tăng lương phụ trội với mức: làm thêm bốn tiếng về đêm nhưng được hưởng mức lương bằng nguyên một ngày.


Nhưng cũng trong ngành xây dựng, tới thời điểm này nhiều công trình đã xong phần thô nên nhóm thợ làm những việc đơn giản như: phụ hồ, khuân vác… đã hết việc. Lúc này, hoặc là họ chạy sang các công trình còn dang dở để kiếm thêm tiền, hoặc họ trở về quê… “ăn tết sớm”. Chưa có con số thống kê, nhưng năm nay công trình xây dựng ít nên số lượng công nhân không có tay nghề rơi vào cảnh “ăn tết sớm” không phải là ít, nhiều chủ thầu nói vậy.


Nhu cầu lớn, công việc lao động nhẹ nhàng nhưng việc tuyển dụng nhân viên phục vụ nhà hàng trong dịp cuối năm cũng không dễ dàng! Ông Tâm cho biết, hiện trung tâm Thanh Tâm đã có hợp đồng cung ứng lao động cho các nhà hàng, khách sạn tổ chức tiệc cưới, hội nghị từ nay đến tết nên không sợ thiếu việc làm, nhưng mối lo hiện nay là “chỉ lo thiếu người vì các trung tâm khác cũng đang ráo riết tuyển người. Mặt khác trong quá trình tuyển, có nhiều người không đáp ứng công việc nên nghỉ, buộc trung tâm phải thông báo tuyển liên tục”, ông Tâm chia sẻ. Dù công việc phục vụ nhà hàng không chịu cảnh nắng mưa nhưng đòi hỏi thể hình và tuổi tác, đặc biệt, với mức lương: ca nguyên (tám tiếng) lương là 90.000 đồng/người, còn nếu làm ca nửa (sáu tiếng), lương 60.000 đồng/người là quá thấp so với mặt bằng thu nhập hiện nay, nên Thanh Tâm cũng như các trung tâm khác khó tuyển lao động là điều dễ hiểu.


Trọng Hiền – Thu Thuỷ






Hàng tết không thiếu, chỉ sợ bắt tay làm giá

Hàng tết không thiếu, chỉ sợ bắt tay làm giá

Sản phẩm chăn nuôi


Hàng tết không thiếu, chỉ sợ bắt tay làm giá


SGTT.VN - Sản phẩm chăn nuôi phục vụ tết Giáp Ngọ 2014 cơ bản được nông dân, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ. Với sản lượng heo, gà, thịt bò, trứng gia cầm dồi dào, dự báo giá thực phẩm tết năm nay sẽ ổn định bởi yếu tố quyết định đột biến là sức mua không có gì thay đổi. Thị trường do đó chỉ còn phụ thuộc vào người nắm nguồn hàng và khâu phân phối…










Quầy thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Thanh Hảo



Vài tuần gần đây một số loại sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm giá như trứng gia cầm giảm khoảng 20%, gà công nghiệp 27 – 30%... Nguyên nhân giảm giá được cho là do nguồn cung đang dư thừa vì trước đó có thời gian dài giá cao, người chăn nuôi tăng đàn. Chẳng hạn như gà công nghiệp từ tháng 10 trở đi, thị trường được bổ sung thêm khoảng 300.000 con mỗi tuần; lượng trứng gà cũng có thêm khoảng 10 triệu quả mỗi tuần. Riêng giá heo hơi ở miền Đông Nam bộ giảm nhẹ do thị trường Trung Quốc ngưng “ăn”, nên dư ra một lượng lớn heo quá lứa…


Khó có biến động


Với bối cảnh thị trường như vậy, cộng thêm sức mua chưa cải thiện nên các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp thực phẩm dự báo trong ngắn hạn, nhất là vào dịp tết Nguyên đán sắp tới, giá cả sẽ không có biến động.


Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai cho biết công ty này chuẩn bị đủ nguồn hàng cho tết.


Hiện lượng heo, gà đã được nuôi ở các trang trại với giá thành đầu vào tương đối ổn định nên dự báo giá hàng tết chắc chắn không có biến động. “Tôi nghĩ càng về sau này thì xu hướng mua sắm tết càng có nhiều thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần trong dịp tết như trước đây, nay, người dân chỉ cần mua ăn trong hai ngày 30 và mùng 1 tết vì đến ngày mùng 2 là tiểu thương bán trở lại. Áp lực nguồn cung dồn vào mấy ngày tết không còn nên không lo “cháy” sản lượng cục bộ”, ông Phương phân tích.


Chưa có cơ quan nào công bố số liệu nguồn cung thực phẩm cho tết năm nay, nhưng hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin sản lượng thức ăn bán ra trong vài tháng gần đây ổn định, điều này nói lên tổng đàn gia súc, gia cầm phục vụ tết sẽ không có biến động. Còn theo ông Jirawit, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi C.P, nếu thị trường có biến động thì chỉ có thể xảy ra đối với hai mặt hàng đó là trứng gà và thịt gà công nghiệp bởi đây là hai mặt hàng có thời gian chăn nuôi ngắn, khoảng 1,5 – 3 tháng là có sản phẩm.


Còn riêng thịt heo và thịt bò có thời gian chăn nuôi dài, nếu nguồn cung có biến động thì phải trong thời gian hơn một năm trở lên. Do đó, mặc dù giá heo hơi tuy có giảm nhẹ nhưng mức này vẫn ổn định, cho phép người nuôi có lãi nên việc duy trì được tổng đàn phục vụ tết Giáp Ngọ là không có gì phải lo lắng.


“Với tình hình kinh tế như hiện nay, tôi nhận thấy không có lý do nào để tiêu thụ nhiều hơn và cũng không có lý do nào khiến sản lượng sụt giảm làm cho thị trường có biến động”, ông Jirawit nói.


Lo sức mua yếu


Đại diện một số doanh nghiệp phân phối, nắm trong tay nguồn cung lớn lại khẳng định giá cả hàng tết do thị trường quyết định chứ doanh nghiệp rất khó làm giá. Theo ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan, doanh nghiệp bán lẻ tới 40% sản lượng thịt heo tại thị trường TP.HCM, giá của Vissan sẽ ổn định chứ không tăng trong dịp tết sắp tới. Để phục vụ nhu cầu tết Giáp Ngọ, Vissan chuẩn bị tới 600 tỉ đồng hàng tết, tăng 20% so với năm ngoái, nhưng ông Mười lo rằng với sức mua còn chậm thì khả năng “đẩy” hết được số hàng này là khó khăn.


Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Saigon Food, cũng nói các năm trước, sức mua tháng tết cao hơn tháng bình thường từ 50 – 80%, nhưng năm nay Saigon Food cũng chỉ dám chuẩn bị lượng hàng thành phẩm nhiều hơn tết năm trước khoảng 10%, khoảng 500 tấn và thực hiện giải pháp vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh chứ không sản xuất đón đầu tràn lan. “Tôi nghĩ kinh tế vẫn còn khó khăn lắm, thu nhập của người dân chưa cải thiện nên họ vẫn phải chi tiêu dè sẻn nên chúng ta đừng mong nhiều sẽ có đợt phóng tay chi tiêu trong dịp tết”, bà Lâm nhận xét.


Doanh nghiệp khẳng định cơ sở để họ giữ giá hàng tết, ngoài yếu tố sức mua yếu, còn do chuẩn bị được nguồn nguyên liệu ổn định từ khá sớm, cộng thêm kế hoạch tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động để kéo giá thành về mức phù hợp. Ông Văn Đức Mười nói: công ty ký hợp đồng chăn nuôi với các hộ dân, trang trại nên đến thời điểm này nguồn cung đã có sẵn với chất lượng ổn định. Bà Lê Thị Thanh Lâm cũng cho biết mặc dù năm nay nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá tăng cao, chi phí khác cũng tăng nhưng công ty cố gắng kìm giá.


Sợ bắt tay làm giá?


Dù những phân tích trên được cho là có lý, nhưng một số ý kiến vẫn lo ngại xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm, gây “sốt” cục bộ trong ngày cao điểm mua sắp tết. Cơ sở đưa ra nhận định này dựa trên nguồn cung thực phẩm hiện nay, ngoài một lượng ít nuôi nhỏ lẻ ở các trang trại hộ gia đình, còn lại phần lớn do các công ty nước ngoài nắm giữ.


Đối với lượng thịt heo, hiện chỉ có duy nhất công ty C.P nắm trong tay tổng đàn lớn nhất. Riêng thị trường các tỉnh miền Đông, mỗi ngày C.P đưa ra thị trường trung bình 2.000 – 2.500 con, dịp tết có thể tăng lên 6.000 – 8.000 con tuỳ theo nhu cầu. Ngoài C.P, Japfa cũng được cho là có khả năng cung cấp số lượng lớn thịt heo bởi trong tay đại gia nước ngoài này đang nắm tới 25.000 con nái. Hiện không có một doanh nghiệp nội địa nào có đàn heo nái và thương phẩm lớn bằng C.P và Japfa.


Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai thừa nhận mặc dù đã tự tổ chức nuôi heo gà, nhưng vào dịp cao điểm tết vẫn phải mua thêm của một số doanh nghiệp nước ngoài nên rất sợ các đại gia này… “làm giá”. “Thực tế, từ trước đến nay thị trường thịt heo, gà trắng công nghiệp và trứng gà đều lấy giá của các đại gia nước ngoài làm cơ sở, chứ các trại nhỏ lẻ trong dân không thể quyết định được”, ông Phương khẳng định như vậy.


Hoàng Bảy






Máy nước nóng: sai một li, đi một… mạng

Máy nước nóng: sai một li, đi một… mạng

Máy nước nóng: sai một li, đi một… mạng


SGTT.VN - Bình tắm nước nóng (còn gọi bình tắm nóng lạnh) là đồ dùng phổ biến ở nhiều gia đình, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… nhưng là một trong những thiết bị gia dụng có độ an toàn thấp, vì có thể gây rò điện, phỏng nước cho người sử dụng nếu thiết kế và vận hành sai nguyên tắc.










Định kỳ quan sát dây, chỗ nối, đề phòng điện thẩm thấu ra ngoài. Ảnh: Sĩ Linh



Nhiều tai nạn ở nhà, khách sạn


Phản ánh đến báo Sài Gòn Tiếp Thị mới đây, chị Nguyễn Dịu Huyền (TP.HCM) cho biết vợ chồng chị vừa có chuyến nghỉ dưỡng tại một resort ở Nha Trang. Trong một lần sử dụng máy nước nóng trong nhà tắm phòng nghỉ, nước bất ngờ nóng đột ngột khiến chị phỏng da khá nặng. Ban quản lý resort đã cho nhân viên đến kiểm tra và sơ cứu cho chị Huyền, sau đó giải thích chị bị phỏng do lỗi áp suất nước của hệ thống bình tắm. “Theo kết quả chẩn đoán của bác sĩ tôi bị phỏng độ 2 (diện tích 3%). Tôi đã gọi điện thoại trao đổi với quản lý khu resort nhưng đến giờ vẫn chưa thấy họ có ý kiến sẽ bồi thường gì cho tôi…”, chị Huyền bức xúc.


Trước đó, báo chí từng phản ánh nhiều tai nạn thương tâm do bị điện giật khi sử dụng máy nước nóng. Ông I., 41 tuổi, du khách Pháp khi nghỉ tại một khách sạn đã bị điện từ bình nóng lạnh trong nhà tắm giật chết tại chỗ. Chị N., 31 tuổi, ngụ ở TP.HCM cũng thiệt mạng vì máy nước nóng của một khách sạn trên Đà Lạt rò điện. Còn tại gia đình anh T., ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm do bình hở điện, khiến con anh và người giúp việc tử vong trong lúc tắm.


Có lỗi do thiết kế, lỗi do cách dùng


PGS.TS Hoàng Đình Chiến, hội đồng khoa học khoa Điện – điện tử , đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, nguyên lý hoạt động của máy nước nóng là sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng nước. Hiện có hai loại bình: loại đun nước gián tiếp trong thùng chứa riêng, khá cồng kềnh nhưng có độ bền cao; và loại đun trực tiếp nhỏ gọn, nước được làm nóng trực tiếp qua bình bằng điện trở trong thời gian ngắn. “Với bình đun nóng gián tiếp, cần tắt điện trước khi tắm để đảm bảo an toàn. Còn bình đun nóng trực tiếp phải luôn cắm điện khi sử dụng nên khả năng giật điện cao hơn. Hiện đa số bình nóng lạnh đều có thiết bị chống giật nhưng vẫn cần lắp thêm mạch bảo vệ”, PGS Chiến nói.


Theo TS Trần Quốc Thạch, hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam, nhiều người có thói quen mở điện bình nóng lạnh suốt ngày, vì nghĩ đã có rơle ngắt điện mà không biết rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước, không có chức năng chống điện rò ra nước. “Chính việc cắm điện liên tục khiến dây mayso dễ hư hỏng do quá tải, dẫn đến rò điện”, TS Thạch lý giải. Cũng theo TS Thạch, các bộ phận của máy đều có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện. Do dây điện lắp chung với ống dẫn nước, dùng lâu ngày vỏ dây dễ giòn, nứt gây rò điện; gioăng cao su cách điện nối giữa dây mayso, vỏ bình với dây dẫn điện cũng có thể bị nứt, bong tróc gây thấm nước, dẫn điện ra bên ngoài. “Nước càng bẩn thì khả năng dẫn điện càng lớn. Nếu bình nóng lạnh bị rò điện, điện lại tiếp xúc với nước bẩn thì nguy cơ bị điện giật cao hơn nước sạch”, TS Thạch nói.


Để phòng tránh rủi ro


PGS Chiến lưu ý nên chọn mua bình nóng lạnh của thương hiệu uy tín, có tem nhãn. Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi lắp đặt. Căn cứ nhu cầu sử dụng của gia đình mà chọn dung tích và công suất tiêu thụ. Bình chứa phải luôn đầy nước để tránh hư hỏng bộ đốt. Thường xuyên kiểm tra bằng bút thử điện xem có rò điện không. Định kỳ kiểm tra dây, chỗ nối. Gọi thợ bảo hành theo quy định. “Trong máy, theo thiết kế luôn có một đầu dây tiếp đất. Dây này có nhiệm vụ triệt tiêu dòng điện nếu có hiện tượng rò nhưng nhiều người thường hay bỏ qua”, PGS Chiến lưu ý.


Theo TS Thạch, với bình gián tiếp, chỉ nên bật điện trước khi tắm 5 – 10 phút. Khi đã đủ lượng nước, tắt điện rồi mới tắm. Bình nóng lạnh nên lắp trên tầm với của trẻ. Tránh chỉnh sẵn chế độ tối đa, giúp kéo dài tuổi thọ bình và giảm nguy cơ phỏng khi vô ý mở vòi nước nóng. Không sử dụng bình quá cũ. Nếu nước thường xuyên có cặn hay nhiễm phèn… nên mở bình kiểm tra, súc rửa để tránh hiện tượng tắc, gây gỉ sét vỏ và rò điện. Khi thấy người bị giật điện, không lao vào cứu ngay mà phải ngắt cầu dao điện trước, sau đó đưa người bị giật ra ngoài làm thao tác sơ cứu.


“Bình nóng lạnh cũng như các thiết bị sử dụng điện khác, đều có thể xảy ra rủi ro. Hệ số rủi ro cao hay thấp phụ thuộc chất lượng sản phẩm cũng như sự tuân thủ trong cách lắp đặt và sử dụng của người dùng”, TS Thạch lưu ý.


Thanh Tuấn – Mỹ Nhung









Có thể kiện nếu resort không bồi thường


Liên quan đến tai nạn của chị Nguyễn Dịu Huyền, luật sư Nguyễn Hữu Nghị, công ty Luật hợp danh Talent Law cho biết nếu đúng là chị Huyền bị phỏng do lỗi áp suất nước của hệ thống máy nước nóng trong resort thì resort phải có trách nhiệm bồi thường. Theo quy định của luật Du lịch, cá nhân và tổ chức kinh doanh du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng phục vụ, chất lượng trang thiết bị, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ và tài sản du khách, bồi thường cho khách về thiệt hại do lỗi mình gây ra. Trong trường hợp resort không chịu bồi thường thì chị Huyền có thể khởi kiện ra toà.


Vi Thoại







Nam bộ: cần gấp kịch bản chung sống với bão lũ

Nam bộ: cần gấp kịch bản chung sống với bão lũ

Kết nối thiên nhiên


Nam bộ: cần gấp kịch bản chung sống với bão lũ


SGTT.VN - Kỷ lục bão tố của năm nay khiến con người cần nhìn lại cách ứng phó, thích nghi với thiên tai, cả ở những nơi vốn được coi là mưa thuận gió hoà như miền Nam…










So sánh đường đi của các trận bão đến vùng Nam Bộ từng giai đoạn 30 năm từ 1945 – 1975 và 1976 – 2007: số cơn bão đi qua vùng này có xu thế tăng dần.



Thiên nhiên không còn ưu đãi


Trên 70% dân đồng bằng sông Cửu Long (gần 14 triệu người) sống tập trung ở vùng nông thôn đất thấp, dày đặc sông rạch, các vùng ven biển và các vùng đất ngập nước thường xuyên. Nếu chỉ dựa vào con số thống kê và kinh nghiệm trong quá khứ, đây là vùng đất ít có thảm hoạ thiên nhiên (như bão tố, lốc xoáy, nước biển dâng do bão, sóng thần…) Những ưu đãi đó phần nào “nuôi dưỡng” cách nghĩ đơn giản, coi thường hoặc thờ ơ với thiên tai. Nhà cửa, cầu đường vùng này xây dựng rất đơn giản, thậm chí tạm bợ. Theo một số liệu thống kê năm 2009, ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, trên 90% nhà cửa thuộc loại bán kiên cố và nhà đơn sơ. Những căn nhà này chỉ cần một luồng gió xoáy tương đương cấp 5, cấp 6 (trong thang cấp gió Beaufort) là đổ sập tức thì. Ngay cả ngư dân thường xuyên sống trên sông nước, kể cả trên các vùng ven biển, rất ít người trang bị áo phao, đèn tín hiệu, thiết bị cứu sinh, máy bộ đàm, túi cứu thương… trên ghe thuyền.


Về tổng thể của cả miền Nam, ngay cả những đô thị lớn, chương trình giáo dục gần như không có các bài học phòng chống thiên tai, các thực tập về kỹ năng đối phó thảm hoạ. Theo một số điều tra của viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (đại học Cần Thơ), trên 75% người dân trả lời họ không quan tâm đến các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày. Kể cả trong mùa mưa bão hoặc lũ lụt, con số này vẫn chiếm trên 60% số người được hỏi. Lũ cũng không được người dân xem là thiên tai nếu mức lũ không lớn quá. Quan điểm “sống chung với lũ” đã thành nếp nghĩ tự nhiên của người dân vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.


Nhìn lại lịch sử thiên tai


Thống kê trong thời đoạn 1956 - 1997, trên Biển Đông có 243 trận bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có bảy trận ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 2,88%). Bão đến Nam bộ thường vào các tháng cuối năm (10 – 12), với tần suất 0,15 cơn/năm. Chính tỷ lệ ít ỏi này tạo ra tâm lý khá chủ quan cho người dân địa phương, gây thiệt hại nặng cả về số nhân và tài sản trong trận lũ năm 2000 và cơn bão Linda năm 1997. Kết quả nghiên cứu của trung tâm START vùng Đông Nam Á và viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu về đường đi các trận bão từ Biển Đông đến vùng Nam bộ trong suốt 60 năm (từ 1945 – 2007) cho thấy số cơn bão đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng lên như một bằng chứng liên quan đến biến đổi khí hậu.


Cơn lốc ngày 23.9.2013 tốc độ gió xấp xỉ 30km/h, chỉ trong vài mươi phút đã làm sập và tốc mái hơn 800 ngôi nhà ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Cơn bão Linda đổ bộ vào vùng biển Cà Mau trong ngày 2 và 3.11.1997 đã tàn phá một vùng có chiều ngang khoảng 400km dọc bờ biển. Theo số liệu của ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Bạc Liêu, có 778 người chết và 2.123 người mất tích, số bị thương là 1.232 người, thiệt hại vật chất lên đến 7.200 tỉ đồng tính vào thời điểm đó. Trận lũ năm 2000, có hơn 750 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế lên tới 4.600 tỉ đồng.










Trường học ở nước ta chưa phải là nơi bảo vệ cho học sinh khi có thiên tai, trong khi nhiều nước xem trường học là một trong những nơi trú ẩn cho người dân khu vực. Trong ảnh: ngày 7.11.2013 tại TP.HCM, một phụ huynh đội mưa đưa con đến trường mầm non nhưng thấy thông báo nghỉ tránh bão và ngập nước. Ảnh: Thanh Hảo



Kịch bản tham khảo của láng giềng


Thật khó có thể hình dung miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiệt hại đến chừng nào nếu có một trận siêu bão như HaiYan mới càn quét qua Philippines. Nếu tìm một kịch bản bão lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ cần tham khảo trận bão đáng nhớ ngày 2.5.2008 có tên Nargis, xuất phát từ vịnh Bengal đổ bộ trực tiếp vào vùng đồng bằng thấp của con sông Irrawaddy của Myanmar. Và đến ngày 4.5.2008 cơn bão thực sự đến thành phố lớn nhất nước là Yangon. Trận cuồng phong với sức gió 170 – 180km/h, kèm sóng triều dâng cao làm ngập lụt và sạt đổ đất nhiều nơi. Số người chết, theo một số chuyên gia quốc tế, có thể hơn 100.000 và hàng trăm ngàn người bị thương, trên 1 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.


Địa hình, địa mạo và đặc điểm tự nhiên của vùng đồng bằng Irrawaddy của Myanmar và Nam bộ có nhiều điểm tương tự: thấp và phẳng, sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản lớn nhất nước, mật độ dân nông thôn khá cao, nhà cửa rất sơ sài, phương tiện giao thông hạn chế và người dân ít có ý thức phòng chống thiên tai… Cho dù chính quyền Việt Nam có kinh nghiệm ứng phó với bão, nhưng với kịch bản tương tự cho một trận siêu bão đến đồng bằng sông Cửu Long, ước tính thiệt hại nhân mạng ít nhất cũng 15.000 – 20.000 người, trên 95% nhà cửa vùng nông thôn sẽ bị tàn phá, 50 – 65% các công trình hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại về giá trị kinh tế, môi trường và xã hội ước chừng 5 – 10% GDP cả nước.


Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Philippines… đã có chương trình giáo dục lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai và kỹ năng ứng phó với thảm hoạ cho học sinh các cấp. Đối với một quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai như Việt Nam, việc tăng cường nhận thức và đầu tư phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thảm hoạ cho người dân và cấp chính quyền địa phương phải là một chiến lược dài hạn thực sự. Nếu không, tất cả các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cải tiến chất lượng cuộc sống, nỗ lực nâng cao điều kiện hưởng thụ vật chất và tinh thần cho toàn xã hội trong nhiều năm liền có thể bị mất đi do thảm hoạ thiên nhiên, thậm chí sẽ đẩy cái nghèo của đa số người dân trở nên tồi tệ hơn, chỉ sau một trận siêu bão.


PGS.TS Lê Anh Tuấn


(phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ)









Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo, đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ:


Sự ngấp nghé của bão 13, 14 vừa qua cho thấy, trong tương lai thiên tai không chừa bất cứ nơi nào. Những cơn bão lớn, bão trái mùa đã xảy ra rồi và ngày càng nhiều. Khả năng xảy ra những tàn phá do bão, thiên tai với miền Nam ngày càng tăng. Thiên tai khó lường bao nhiêu thì phải chủ động phòng tránh, ứng phó chứ không thể để khi có công văn, chỉ đạo mới chạy tán loạn. Việc giáo dục sẽ làm thay đổi cách nghĩ, thói quen phòng tránh bão không chỉ trong nhà trường mà cả người dân.


Cần chuẩn bị tâm lý sống chung với bão, lũ. Mỗi người nên ý thức thiên tai không chừa ai, nếu xảy ra thì chỉ mình mới cứu nổi mình.


Trung Dũng ghi







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ