Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Bán nhà khi đồng sở hữu mất tích?

Bán nhà khi đồng sở hữu mất tích?

Bán nhà khi đồng sở hữu mất tích?


Anh em chúng tôi được thừa kế nhà của cha mẹ, nay chúng tôi muốn bán nhà này nhưng trong số anh em chúng tôi có một người mất tích. Trường hợp này chúng tôi có thể bán nhà được không?


diep_99@...











Trường hợp bán nhà ở có chủ sở hữu chung vắng mặt và không xác định được nơi cư trú của người đó thì các chủ sở hữu còn lại phải có đơn yêu cầu toà án tuyên bố người đó bị mất tích theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện việc bán nhà đó.


Căn cứ theo giá bán ghi ở trong hợp đồng mua bán nhà ở, các chủ sở hữu còn lại có trách nhiệm gửi tiền bán nhà tương ứng với phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người bị tuyên bố mất tích vào ngân hàng thương mại nơi có nhà ở được bán, khi người bị tuyên bố mất tích trở về và có yêu cầu thì ngân hàng đã nhận tiền gửi có trách nhiện thanh toán cho họ cả tiền gốc và tiền lãi theo quy định về lãi suất không kỳ hạn tại thời điểm người bị tuyên bố mất tích nhận lại tiền (nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Nhà ở).


CCV Nguyễn Quốc Thịnh






Việt Nam góp 10% giá trị của điện thoại Nokia “bình dân”?

Việt Nam góp 10% giá trị của điện thoại Nokia “bình dân”?

Việt Nam góp 10% giá trị của điện thoại Nokia “bình dân”?


SGTT.VN - Tại buổi lễ khánh thành nhà máy Nokia tại Bắc Ninh hôm nay (28.10), thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho biết, từ khi Nokia Việt Nam chính thức đi vào hoạt động (tháng 6.2013), đã đóng góp khoảng 10% giá trị trong một chiếc điện thoại của Nokia, và hy vọng, tỉ trọng này sẽ càng cao lên sau khi nhà máy khánh thành.










Nhà máy Nokia tại Bắc Ninh Ảnh: C.Hiếu



Tuy nhiên, dòng điện thoại Nokia sản xuất ở nhà máy Việt Nam chủ yếu là dòng điện thoại bình dân, giá rẻ. Ông Ivan Herd, giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam trước đó cho biết, nhà máy Nokia Việt Nam mới chỉ sản xuất duy nhất dòng sản phẩm điện thoại feature phone (dòng phổ thông) - Nokia105. Nokia105 được sản xuất chủ yếu để cung cấp ra thị trường nước ngoài, với tỷ trọng 95%, còn lại, 5% là đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Sản phẩm có giá khoảng 20 USD. Ông Ivan Herd cũng cho hay, trong kế hoạch hoạt động đến hết năm 2013, Nokia Việt Nam sẽ chỉ tập trung vào sản xuất các dòng sản phẩm điện thoại bình dân, không sản xuất các dòng điện thoại smartphone.


Nokia cho biết, cùng với nhà máy tại Trung Quốc, nhà máy mới tại tỉnh Bắc Ninh sẽ là “là trung tâm sản xuất chính yếu của Nokia trong cả khu vực, ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ di động toàn cầu”.


Nhà máy Nokia Bắc Ninh được xây dựng tại khu công nghiệp Vship, thị xã Từ Sơn, từ năm 2012, với diện tích 65.400m2, có mức đầu tư ban đầu khoảng 320 triệu USD.


T.Đức






Vietnam Motor Show, 4 ngày bán 200 chiếc xe

Vietnam Motor Show, 4 ngày bán 200 chiếc xe

Vietnam Motor Show, 4 ngày bán 200 chiếc xe


SGTT.VN - Theo thống kê của ban tổ chức, triển lãm Vietnam Motor Show 2013 (VMS) tại TP.HCM có hơn 150.000 khách tham quan. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của VMS.










Theo ban tổ chức, trong 4 ngày, triển lãm đã đón hơn 150 ngàn khách tham quan. Ảnh: Bảo Sơn



Bên cạnh đó, triển lãm này cũng lập kỷ lục về số lượng xe trưng bày và hợp đồng mua xe được kí kết. Theo số liệu từ đơn vị tổi chức là công ty CIS Vietnam và công ty Le Bros, số xe trưng bày của 15 hãng xe là hơn 100 chiếc của Audi, BMW, Ford, GM (Chevrolet), Honda, Hino, Infiniti, Land Rover, Lexus, Mercedes-Benz, Nissan, Renault, Suzuki, Toyota và Vinastar (Mitsubishi). Gần 100 nhà cung cấp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng tham gia các giang hàng.


Có tất cả 200 hợp đồng mua bán xe được ký kết trong thời gian diễn ra VMS 2013, từ 24 – 27.10 vừa qua.


Nam Hưng






Bình luận trên báo điện tử: Nên ‘cấm’ hay ‘quản’?

Bình luận trên báo điện tử: Nên ‘cấm’ hay ‘quản’?

Bình luận trên báo điện tử: Nên ‘cấm’ hay ‘quản’?


SGTT.VN - Sau thời kỳ “thả cửa”, giờ đây nhiều tờ báo đã bắt đầu tính đến chuyện cấm hẳn việc độc giả bình luận vào bài báo của họ. Một số khác bắt buộc độc giả phải sử dụng danh tính thực khi bình luận nhưng cũng có những tờ báo lớn cho rằng việc đó sẽ triệt tiêu tính tương tác với độc giả.


Bình luận hay chửi bới?


Ngày 24.9 vừa qua, tờ Popular Science (Khoa học thường thức) của Mỹ đã tuyên bố sẽ cấm triệt để việc độc giả bình luận (gửi ý kiến) vào website của họ. Ban biên tập Popular Science lập luận rằng những ý kiến trên ​​Internet, đặc biệt là ý kiến (bình luận) của những người vô danh, sẽ làm suy yếu sự toàn vẹn của khoa học và dẫn đến “một nền văn hóa hung hăng và sự nhạo báng gây cản trở sự tranh luận về nội dung. "Ngay cả một nhóm độc giả thiểu số với tư tưởng ‘kỳ quặc’ cũng đủ sức mạnh để làm sai lệch nhận thức của người đọc", Giám đốc nội dung trực tuyến - Suzanne LaBarre của tờ Popular Science trích dẫn một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Wisconsin-Madison làm bằng chứng.










Nặc danh – đó là một bài toán khó của vấn đề bình luận trên các báo điện tử.



Đa số các ý kiến theo trường phái này đều đổ lỗi cho Internet mặc dù họ không thể phủ nhận được rằng những “ý kiến hùng biện có tính kích thích tranh luận và khiêu khích đám đông” từ lâu đã là những trụ cột của “công luận trên môi trường mạng”. Cicero, một người tự gọi mình là "gái mại dâm công cộng", kết luận: "Hãy thôi nói về sự phóng đãng và hư hỏng. Các vị hãy nhớ lại giùm tôi, cái gì đã thay đổi với sự ra đời của bình luận ​​trực tuyến?”.


Nặc danh – đó là một bài toán khó của vấn đề bình luận trên các báo điện tử. Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Internet và cuộc sống (PEW) của Mỹ mới được công bố hồi tháng Chín, một phần tư số người sử dụng Internet thường gửi bình luận nặc danh. Khi mà độ tuổi của người dùng Internet đang ngày càng được trẻ hóa, và yêu cầu sử dụng danh tính thực để bình luận đã tăng lên một cách miễn cưỡng thì vẫn có tới 40% số người dùng trong độ tuổi từ 18-29 vẫn thường gửi bình luận nặc danh.


Những người phản đối sự nặc danh cho rằng, có hiện tượng “con người bình luận” và con người thực của độc giả trở nên rất khác biệt nhau, thậm chí là trái ngược. Nhà tâm lý học John Suler gọi đây là "hiện tượng tác động ức chế trực tuyến". Lý thuyết này cho rằng các độc giả hay người dùng Internet khi bị buộc phải phát ngôn bằng danh tính thực của mình, thái độ của bạn sẽ trở nên “có trách nhiệm hơn” và ngược lại.


Quan điểm này tỏ ra khá trùng với một câu “tuyên ngôn” nổi tiếng trong thế giới Internet ra đời từ năm 1993 rằng: Trên Internet, không ai biết bạn không phải là một con chó (on the Internet, nobody knows you’re not a dog) – ám chỉ sự hành xử khác thường của người dùng trên môi trường mạng.


Khi Arthur Santana, một giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Houston, phân tích 900 ý kiến ​​người sử dụng lựa chọn ngẫu nhiên trên một bài viết về vấn đề di cư, một nửa từ báo chí cho phép đăng bình luận vô danh, chẳng hạn như tờ Los Angeles Times và tờ Houston Chronicle, và một nửa từ những tờ bắt buộc bình luận bằng danh tính thực như USA Today và Wall Street Journal, ông phát hiện ra rằng sự giấu tên đã tạo ra một kết quả rất khác biệt: 53% số bình luận vô danh có lời lẽ và thái độ bất nhã, mất lịch sự, còn với những bình luận bằng danh tính thực, tỷ lệ “bình luận chửi rủa” chỉ có 29%. Giáo sư Santana đã kết luận, sự nặc danh không khuyến khích người bình luận giữ tư cách của mình.


Muốn có bình luận phải nặc danh?


Tuy nhiên, nặc danh không hoàn toàn tồi tệ. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh là sự nặc danh sẽ khuyến khích mọi người tham gia bình luận bằng cách đẩy cao “ý thức về bản sắc của cộng đồng” để xóa mờ đi sự e ngại về bản thân. Giấu tên cũng có thể thúc đẩy một loại tư duy sáng tạo và dẫn đến những cải tiến trong giải quyết vấn đề. Trong một nghiên cứu khảo sát học tập của sinh viên, các nhà tâm lý học Ina Blau và Avner Caspi thấy rằng, trong khi tương tác mặt đối mặt có xu hướng mang lại sự hài lòng lớn hơn, trong tương tác vô danh mọi người được khuyến khích tham gia và chấp nhận rủi ro từ đó các ý tưởng đặc biệt và mới mẻ được phát triển mạnh mẽ.


Trên thực tế, các diễn đàn cho phép bình luận vô danh cũng đang tự điều chỉnh chính mình. Các bình luận nặc danh hay sử dụng bút danh (nickname) được đánh giá thấp hơn nhiều so với bình luận từ các nguồn dễ dàng nhận biết khác. Trong một nghiên cứu năm 2012 về tình trạng giấu tên trong các tương tác qua máy tính, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong khi bình luận nặc danh có nhiều khả năng là trái ngược và cực đoan hơn những người không vô danh, họ cũng ít có khả năng thay đổi quan điểm của đối tượng (bị tác động) hay nói cách khác, ý kiến của những người nặc danh thường bị “vứt vào sọt rác” một cách nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu này thực ra lặp lại kết quả của một nghiên cứu trước đó ở Đại học Arizona (Mỹ).


Do những tác động trái ngược nhau của tình trạng bình luận nặc danh và để đáp ứng với sự thay đổi của môi trường xuất bản trực tuyến, các nhà nghiên cứu Internet đã bắt đầu chuyển trọng tâm của họ ra khỏi “vấn đề danh tính” và hướng đến các khía cạnh khác của môi trường trực tuyến, chẳng hạn như giọng điệu và nội dung.


Thêm vào đó, một lệnh cấm bình luận sẽ chẳng có máy tác dụng bởi người ta chỉ di chuyển đến một địa điểm khác, chẳng hạn như Twitter hay Facebook. Từ một cộng đồng tập trung vào một ấn phẩm duy nhất hoặc ý tưởng đến một môi trường không có bất kỳ bản sắc chung rõ rệt nào. Môi trường nhóm lớn như vậy, thường khiến người ta cảm thấy họ không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và ngày càng trở nên có khả năng tham gia vào các hành vi phi đạo đức.


Loại bỏ ý kiến ​​cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc của độc giả. Họ có thể mất đi những động lực để tham gia với một chủ đề sâu sắc hơn, và chia sẻ nó với một nhóm rộng lớn hơn của người đọc. Trong một xã hội ngày càng mạnh về chia sẻ (qua các mạng xã hội), kinh nghiệm của chúng ta về một cái gì đó cũng bị ảnh hưởng bởi việc xác định có nên hay không chia sẻ nó với xã hội. Loại bỏ ​​hoàn toàn việc bình luận có nghĩa là các tờ báo điện tử đã triệt tiêu phần lớn mong muốn chia sẻ nội dung của họ và chính họ (nhà báo) là người thiệt hại đầu tiên.


Hãy tin ở hoa hồng


Một số tờ báo điện tử đã nảy sinh sáng kiến “dĩ độc trị độc” có vẻ như rất hiệu quả và phù hợp. Đó là cho phép người dùng đánh giá chính các bình luận của nhau. New York Times, Gawker đã áp dụng giải pháp này và họ nhận thấy những bình luận có nội dung xấu, thái độ khiếm nhã, hung hăng… sẽ bị người khác “trừ điểm” và “chìm” xuống ngày càng sâu còn những bình luận có tính đóng góp, có chất lượng sẽ được “cộng điểm” và hiển thị nổi bật. Giải pháp này hướng cộng đồng đến với một môi trường hữu ích hơn và không cho phép những ý kiến tiêu cực “dẫn dắt dư luận” như trước. Bằng “chiêu này”, vấn đề nặc danh hay không nặc danh cũng đã trở nên không còn quan trọng nữa.


Như các nhà tâm lý học Marco Yzer và Brian Southwell nói: "Công nghệ truyền thông mới về cơ bản không thay đổi giới hạn lý thuyết của sự tương tác của con người, sự tương tác đó tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng cơ bản của con người". Cho dù trực tuyến, qua điện thoại, bằng điện, hoặc trong người, chúng ta bị chi phối bởi các nguyên tắc cơ bản giống nhau. Phương tiện có thể thay đổi, nhưng mọi người không.


Cho dù núp bóng dưới sự nặc danh và môi trường ảo, một con chó dù khéo léo đến đâu rồi cũng sẽ lộ nguyên hình là một con chó.


Infonet






Vụ xe bốc cháy ở Thiên An Môn: 5 người chết, 38 người bị thương

Vụ xe bốc cháy ở Thiên An Môn: 5 người chết, 38 người bị thương

Vụ xe bốc cháy ở Thiên An Môn: 5 người chết, 38 người bị thương


SGTT.VN - Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa cho biết, hiện đã có ít nhất 5 người chết và 38 người bị thương trong vụ một chiếc xe bốc cháy ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 28.10.


Theo cảnh sát Bắc Kinh, 2 du khách bị thiệt mạng có một người đến từ Philippines và người kia đến từ tỉnh Quảng Đông.










Vụ việc làm 5 người chết, 38 người bị thương.



Lãnh đạo cấp cao của cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở Bắc Kinh và Bộ Công an Trung Quốc đều đã đến xem xét hiện trường vụ việc.


Trước khi bốc cháy, chiếc xe này đã đâm thẳng vào những người đang đi bộ, do đó có tới ít nhất 38 người bị thương, trong đó có cả sĩ quan cảnh sát.


Một nhân chứng giấu tên cho biết: "Tôi nghe thấy một tiếng nổ và nhìn thấy chiếc xe bốc cháy. Khung cảnh thật đáng sợ. Cảnh sát bán quân sự yêu cầu mọi người lui lại và không được chụp ảnh”.


Hãng AFP cho biết, hai phóng viên của họ đã bi xóa ảnh chụp lại sự việc trên.


Khi được hỏi liệu đây có phải là một cuộc tấn công khủng bố hay không, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết bà chưa rõ chi tiết cụ thể và từ chối trả lời thêm.


Infonet






Ba giải pháp ngăn chặn thảm hoạ y đức

Ba giải pháp ngăn chặn thảm hoạ y đức

Ba giải pháp ngăn chặn thảm hoạ y đức


SGTT.VN - Vụ ném xác bệnh nhân của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đang được nhiều người xem là thảm hoạ y đức của nước nhà. Vì sao gây bức xúc xã hội trong nhiều năm qua, sự xuống cấp y đức vẫn không dừng lại, mà ngày một nặng nề? Đến lúc những nhà quản lý phải xem lại những giải pháp đặt ra hiện nay và quan tâm đến ý kiến của những người tâm huyết.


Chắt lọc đầu vào y khoa


Thật vậy, trái với những ngành nghề khác trong xã hội, điều kiện hàng đầu của người học y khoa là phải có ý hướng phục vụ cộng đồng, bởi đây là nghề phục vụ con người. Nếu người học chỉ biết nghĩ đến mình, không có tấm lòng chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của người khác, người đó trước sau cũng gây tai hoạ.









Giới chuyên môn quản lý giới chuyên môn, đó là biện pháp hiệu quả đã được chứng minh ở những nước phát triển, tại sao nước ta không làm được? Không lẽ người quản lý nhà nước sợ mất quyền lực hoặc lợi ích?



Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, nguyên tổng giám đốc tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, đã nhiều lần đề nghị việc tuyển chọn người học y khoa phải dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp người học, xem họ có phù hợp với ngành y hay không. Theo ông, ở những nước tiên tiến, việc tuyển chọn đầu vào y khoa rất khắt khe bởi đây là nghề liên quan đến tính mạng con người. Người học phải trải qua một cuộc phỏng vấn chặt chẽ. Để được ưu tiên tuyển chọn, người học còn phải nộp giấy chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội khi còn là học sinh phổ thông (thí dụ làm tình nguyện viên tại bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão). Một người có chí hướng mạnh mẽ như thế đáng để cho học.

Trong khi đó, cách chọn người học ngành y nước ta chỉ dựa vào điểm đầu vào tuyển sinh đại học, chưa kể còn đào tạo tràn lan, xem sản phẩm đào tạo y khoa không khác gì bất kỳ sản phẩm đào tạo nào khác. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM nói: “Ngày nay là thời bình rồi, không thể đào tạo bác sĩ kiểu hàng loạt như thời chiến được. Trước năm 1975, để học y khoa, người học phải làm một test kiến thức tổng quát về xã hội, âm nhạc, nghệ thuật, lịch sử, địa lý. Bên cạnh kiến thức y khoa, một thầy thuốc còn phải có kiến thức tổng quát, bởi nếu không họ sẽ không cảm thông người bệnh”.


Có gì khác nhau giữa bác sĩ thời nay và thời xưa, hỏi một người thầy thuốc lớn tuổi, người này nói: “Bác sĩ thời nay năng động, giỏi chuyên môn, nhiều kỹ năng vì có nhiều phương tiện học tập rất tốt, nhưng phần lớn họ không có tấm lòng với bệnh nhân”. Phải chăng đây là kết quả của việc đào tạo y khoa hiện nay? Tại sao những tích cực trong đào tạo y khoa nước ngoài không được những nhà quản lý nước ta áp dụng?


Thành lập y sĩ đoàn


Khi sinh thời, cố bác sĩ Dương Quang Trung luôn quan tâm với việc thành lập y sĩ đoàn, xem đây là biện pháp tốt để giải quyết những bức xúc trong ngành y tế như xuống cấp y đức, gia tăng tai biến y khoa. Ông nói: “Thanh tra y tế cũng tốt, nhưng lực lượng của họ cũng có hạn, không thể tăng thêm mãi. Vậy để quản lý tốt giới hành nghề, nên có y sĩ đoàn để cùng Nhà nước tham gia quản lý. Các bác sĩ khi muốn hành nghề phải tham gia y sĩ đoàn, nếu xảy ra chuyện, cứ dựa theo nghĩa vụ luật để phân xử, tránh tình trạng nể nang nhau. Bác sĩ bị gạch tên khỏi y sĩ đoàn sẽ không thể hành nghề ở đâu được nữa”.


Ở nước ta, hội hành nghề y không thiếu, hầu như chuyên khoa nào cũng có, nhưng vai trò của các hội này đến đâu còn phải bàn. Liên quan đến vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, PGS.TS.BS Lê Hành, chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết: “Hội nghề nghiệp ở các nước có vai trò rất lớn, có ý kiến trong cấp phép hành nghề, được tổ chức đào tạo y khoa liên tục như một căn cứ để cấp phép và tiếp tục cấp phép hành nghề mỗi năm. Còn ở nước ta, vai trò hội nghề nghiệp rất nhạt nhoà, chúng tôi chỉ có thể quản lý hội viên, còn thẩm mỹ viện của hội viên không quản lý được”.


Giới chuyên môn quản lý giới chuyên môn, đó là biện pháp hiệu quả đã được chứng minh ở những nước phát triển, tại sao nước ta không làm được? Không lẽ người quản lý nhà nước sợ mất quyền lực hoặc lợi ích?


Xem lại mục tiêu giáo dục


Phát biểu trên một tờ báo, PGS.TS Trịnh Hoà Bình, giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội – viện Xã hội học Việt Nam, đánh giá “sự biến dạng của y đức ngày nay một phần là hệ quả của quá trình đào tạo con người bắt đầu từ bậc phổ thông, đến bậc đại học”. Nhận xét này đáng lưu ý vì người bác sĩ suy cho cùng cũng là con người tiếp nối của những con người trong nhà trường.


Thế nhưng việc giáo dục nước ta khá xa lạ với bốn nguyên tắc giáo dục do UNESCO (tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc) đề nghị: học để biết, học để làm, học để tự khẳng định và học để chung sống. Đâu chỉ người ngành nghề khác, không ít bác sĩ thời nay cũng xa lạ điều này, như kết quả tất yếu từ việc đào tạo y khoa. Biết làm ngành y phải luôn lắng nghe và quan tâm bệnh nhân, nhưng tại bệnh viện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), bác sĩ nghe người nhà gọi năm lần bảy lượt vẫn không đoái hoài, hậu quả là mẹ con sản phụ tử vong. Không có chuyên môn, chưa được cấp phép làm thẩm mỹ nhưng vẫn làm, hậu quả là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã để khách hàng tử vong.


“Cơ chế thị trường với sự chi phối của đồng tiền và tính vị kỷ bản thân đã khiến những thầy thuốc sa ngã, thậm chí phạm tội”, ông Trịnh Hoà Bình nói. Đúng thế, một xã hội tôn thờ giá trị vật chất đã tác động đến nhiều người đủ ngành nghề, trong đó phải có người làm ngành y. Một bác sĩ lâu năm băn khoăn: “Thầy thuốc nước ta đang bị chi phối bởi hoa hồng, tiền bạc. Làm bác sĩ thường kê toa thuốc ăn hoa hồng, làm trưởng khoa ăn hoa hồng dụng cụ, lãnh đạo bệnh viện ăn hoa hồng xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Cái gì cũng quy ra tiền bạc, người bác sĩ không sa ngã cũng không được”.


Bình Yên






Chậm chuyển hướng tiếp thị, truyền thông số

Chậm chuyển hướng tiếp thị, truyền thông số

Chậm chuyển hướng tiếp thị, truyền thông số










Hiện nay, những người sử dụng nhiều thiết bị số cùng lúc khá phổ biến, thuận lợi cho tiếp thị, quảng bá qua các thiết bị này. Ảnh: LQN



SGTT.VN - Hội thảo “Từ AdAsia 2013, nghĩ về tái cấu trúc hoạt động quảng cáo, truyền thông và tiếp thị của doanh nghiệp Việt Nam” đã được ban tổ chức đại hội Quảng cáo châu Á lần thứ 28 tại Việt Nam (AdAsia 2013) tổ chức ngày 25.10.2013


Ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Le Group thống kê trong ngày đầu triển lãm ôtô Việt Nam (23.10.2013) vừa qua, có đến 25.000 người đến xem, trong đó có 5.000 người biết về triển lãm này qua truy cập trên điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính, sau đó họ đăng ký trực tuyến nhận vé mời tham quan. Ban tổ chức đã gửi đến cho họ vé mời bằng cách nhắn mã số qua điện thoại di động và những khách này đến triển lãm chỉ việc đưa nhân viên kiểm soát vé xem tin nhắn ấy. Phần thưởng cho những người chịu khó đăng nhập và cung cấp dữ liệu là không phải trả 20.000 đồng tiền vào cửa. Đây là một ví dụ cho thấy tác động tích cực của ĐTDĐ, của internet đối với tiếp thị, truyền thông.


Bà Trần Liên Phương, giám đốc nghiên cứu của công ty Epinion công bố một khảo sát vừa thực hiện vào giữa tháng 10.2013, thu thập được 1.200 đáp án trả lời từ những người truy cập internet thường xuyên. Có 90% những người cho biết họ online mỗi ngày, ngày cuối tuần ít hơn một chút do có những cuộc họp mặt gia đình, bạn bè. Đa số nam giới đọc tin tức, phụ nữ thì trò chuyện là chủ yếu. Có 99% người khảo sát có tài khoản trên các mạng xã hội, đông nhất là Facebook. Phần đông lên Facebook để xem thiên hạ nói gì với nhau, nhưng đã xuất hiện một số quảng bá, cập nhật tin tức của công ty hay công việc kinh doanh của cá nhân. Gần 50% người có mua sắm online trong vòng sáu tháng qua, phụ nữ bắt đầu để ý thời trang online. Hội nhóm trên các trang mạng xã hội thể hiện hiệu quả tích cực trong việc tương tác giữa thương hiệu với người sử dụng, làm cho thương hiệu được biết đến nhiều hơn.


Đến giờ những phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, tivi, radio) vẫn còn là những kênh quảng cáo, tiếp thị hữu hiệu, được doanh nghiệp sử dụng, nhưng những công cụ, thiết bị kỹ thuật số hiện đại đã làm cho người ta không chỉ nghe, nhìn quảng cáo mà còn được quyền đối thoại, bình luận về thông tin, quảng cáo ở mọi lúc, mọi nơi. Sự dịch chuyển này đang tác động đến lĩnh vực truyền thông, quảng cáo ở Việt Nam.


Ông Lê Quốc Vinh cho biết, những cơ quan báo ở Việt Nam vừa có báo điện tử vừa có nội dung cho ĐTDĐ thì số người sử dụng ĐTDĐ chỉ chiếm khoảng 20% so với tổng số người đọc báo điện tử, nhưng doanh thu quảng cáo thu được bằng doanh thu trên báo điện tử. Ông lý giải, ĐTDĐ có lợi thế hơn hẳn các thiết bị điện tử khác là giúp người cung cấp thông tin biết được người tiếp nhận thông tin của mình là ai, từ đó biết họ thích xem loại thông tin gì để cung cấp cho phù hợp. Các nhà quảng cáo cũng phát hiện quảng cáo trên ĐTDĐ thì hiệu quả chắc chắn đến trực tiếp người sử dụng. Vì vậy, theo các nhà quảng cáo, nội dung phải khác nhau trên các phương tiện truyền thông khác nhau để làm cho người ta cùng một lúc phải xem trên nhiều phương tiện.


Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam hoạch định khoản chi mỗi năm cho truyền thông quảng cáo nói chung, thì làm sao có kế hoạch dành ngân sách quảng cáo hàng năm cho truyền thông số. Các công ty thương hiệu lớn tại Việt Nam chỉ dành khoảng 5% ngân sách tiếp thị quảng cáo cho truyền thông số.


Nguyệt Hồng






Bạn trẻ miệt vườn bàn chuyện làm giàu

Bạn trẻ miệt vườn bàn chuyện làm giàu

Hành trình vì khát vọng Việt và Thanh niên nông thôn


Bạn trẻ miệt vườn bàn chuyện làm giàu











SGTT.VN - Gần 200 thanh niên các huyện ngoại thành TP Cần Thơ đã tề tựu về huyện Phong Điền – vùng đất được quy hoạch “đô thị sinh thái” để cùng hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam – Cần Thơ, tập đoàn Trung Nguyên và trung tâm BSA bàn chuyện “Nghĩ giàu làm giàu” hôm 23.10 vừa qua.


Vượt qua những giới hạn


Khi chuẩn bị diễn đàn, các bạn trẻ CầnThơ thường bàn về một câu chuyện và gợi ý dựng một tiểu phẩm để mọi người cùng xử lý tình huống và thảo luận. Vậy là, theo hình thức sân khấu diễn đàn, tình huống được đặt ra: một người nông dân có một mảnh vườn đẹp định làm du lịch thì gặp kẻ có tiền đến “dụ” mọi cách, trả tiền tươi để gom đất xây nhà bán. Người nông dân thảo luận với các con: bán đất hay để lại đầu tư làm dịch vụ du lịch trên đất mình, liên kết với chòm xóm, tạo ra hình ảnh mới cho khu du lich sinh thái Phong Điền?


Anh Nguyễn Thanh Phong, xã Trường Long nói ngay: “Tôi sẽ giữ lại miếng đất để làm ăn, vì biết đâu lên thành thị sống không nổi thì sẽ “mất cả chì lẫn chài” ”


Một ý kiến trái chiều gây bùng nổ từ anh Phi, thanh niên tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền “bán được tiền mặt thì tôi sẽ bán, vì làm du lịch sinh thái đâu phải dễ ăn, chỉ có 2.000m2 thì đâu có đủ để làm du lịch sinh thái”.


Anh Ngô Bình Trị, một điển hình của việc làm giàu từ mô hình vườn nhà kể chuyện thật của gia đình mình: “Không phải diện tích nhỏ hay lớn mà vấn đề là mình có quyết tâm và chịu làm hay không, như trường hợp khu vườn của anh Hoàng Anh ở xã Mỹ Khánh, vỏn vẹn có hơn 2.000m2, anh bỏ chỗ ngồi bơm hột quẹt gas tại chợ Phong Điền, bắt tay tham gia cùng huyện làm du lịch sinh thái. Cách làm của anh là: làm từ từ, dần dần từng ngày mà làm ngày làm đêm để xây dựng dần khu vườn cây ăn trái của nhà. Rồi cả nhà cùng học cách chế biến các món ăn đồng nội để vừa bán được trái cây vừa trổ tài nấu món ngon điền dã. Bây giờ thu nhập gia đình 1 – 2 triệu đồng/ngày với anh đã là chuyện bình thường”.


Phương pháp hãy bắt tay, làm dần dần, liên kết chòm xóm làm thành chuỗi dịch vụ được mọi người mổ xẻ và thảo luận thêm với các câu chuyện thực tế rất sống động.


Những hạt mầm đầu tiên đầy hứa hẹn…


Bà Kim Khuyên, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện Phong Điền chia sẻ: “Phong Điền có rất nhiều ưu thế từ vị trí địa lý (cách trung tâm thành phố khoảng 7km), đến những nét văn hoá nổi trội (chợ nổi, võ thuật Vovinam, nấu ăn, trái cây...), sao chúng ta không tìm cách phát huy từ chính quê hương mình?”


Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích thêm: “Muốn làm được điều đó, thanh niên Phong Điền cần xác định, là chủ vùng đất này, mình đang sở hữu cái gì? Khách đến mua dịch vụ du lịch là ai? Nghiên cứu khách du lịch họ muốn tới nơi của mình để làm gì, được gì? Chúng ta không cần vốn thật nhiều, cái quý nhất để làm giàu chính là từ sức nghĩ và sức lao động của mình, hiểu mình và hiểu thị trường”.


Gần 30 bạn trẻ là đoàn viên thanh niên Cần Thơ đã tình nguyện làm một mạng lưới “nghĩ giàu làm giàu”để tiếp tục thực hiện chương trình “Hành trình vì khát vọng Việt”. Từ nay, mỗi tháng họ sẽ cùng ngồi lại bàn chuyện phát huy tiềm lực và sức mạnh của mình, cùng rủ nhau đi thăm các nơi, học tập kinh nghiệm thực tế.


“Tôi tin chính các bạn trẻ sẽ có thể giám sát, nâng cao chất lượng điểm đến và tạo thành một hệ thống làm việc có trách nhiệm”, bà Kim Khuyên nói khi hẹn gặp họ trong cuộc họp nhóm kế tiếp tháng tới.


Ngọc Bích






Trần Quế Sơn ra mắt cùng lúc ba album

Trần Quế Sơn ra mắt cùng lúc ba album

Dọc đường văn nghệ


Trần Quế Sơn ra mắt cùng lúc ba album











SGTT.VN - Ba album mới của nhạc sĩ Trần Quế Sơn vừa được Phương Nam Phim phát hành cùng lúc:


Cõng mẹ đi chơi (gồm 14 ca khúc viết về quê hương, thể hiện bởi các ca sĩ: Hồng Nhung, Tấn Minh, Kasim Hoàng Vũ, Hiền Thục, Hồ Trung Dũng, Quang Hào…).


Một thời dấu yêu (gồm các ca khúc trữ tình phù hợp với thính giả trẻ, thể hiện bởi các ca sĩ: Phi Nhung, Tóc Tiên, Hà My, Đoan Trang, Quốc Thiên...).


Thôn nữ (gồm mười tình khúc cảm, phổ thơ Bùi Giáng, qua sự thể hiện của các giọng ca: Đàm Vĩnh Hưng,Tuyết Mai, Quang Hào và tác giả).


Vũ Phong






Gia vị của núi rừng

Gia vị của núi rừng

Hương vị quê nhà


Gia vị của núi rừng


SGTT.VN - Núi rừng ban cho con người không chỉ sản vật mà còn cả những gia vị trong cuộc sống thường ngày. Những món ăn trở nên ngon, lạ và hấp dẫn bởi núi rừng đã cung cấp những gia vị cay nồng, thơm nức tận nơi đầu nguồn.










Các loại gia vị tự nhiên từ núi rừng của người vùng cao.



Riềng rừng và hạt dổi


Vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, đoán biết được lúc ấy, những bụi riềng trên rừng đã già, đã cay, người Tày vác cuốc lên rừng tìm những bụi nào riềng đã trổ hoa, ra quả, xung quanh cỏ cây rậm rạp, đào lên lấy củ. Những củ riềng già cứng đơ, vỏ bọc đen lại và cay xè. Đó là lúc vị cay của rừng đã đến độ chín. Người vùng cao lấy riềng về cạo sạch vỏ, giã ra phơi khô đổ vào ống bầu làm gia vị dùng dần. Riềng làm gia vị cho nhiều món ở vùng cao. Nào cá nướng ướp riềng, thịt heo cắp nách bóp riềng mẻ, món măng đắng luộc chấm muối riềng… món nào cũng vậy, riềng đều cho vị cay cay, thơm thơm, ăn vào thấy ấm lòng.


Trên rừng già có những cây dổi to vừa mấy người ôm. Vào những ngày đầu tháng 10, những cây dổi cổ thụ rụng hạt. Nếu không để ý có lẽ không biết đây là thứ gia vị độc đáo mà núi rừng mời gọi con người. Chiều về, mấy cô sơn nữ hái củi, bẻ măng không quên dừng lại gốc dổi già, lúi húi nhặt những hạt dổi đen bóng, nhỏ bằng cái cúc áo cho vào túi mang về làm gia vị. Người vùng cao quá quen với hạt dổi, với mùi thơm thơm, cay cay của nó. Nên mỗi khi chế biến món ăn, có hạt dổi thấy đậm đà hơn. Hạt dổi phải nướng trên bếp than hồng mới dậy mùi. Cho vào cối giã mịn thành hạt nhỏ rồi rắc vào thức ăn. Món tiết canh vịt cỏ nếu thiếu hạt dổi sẽ mất đi một nửa vị ngon, món thịt heo nướng mà không lắc rắc mấy hạt dổi thì không dậy mùi.


Hạt xẻng và lá nhội










Gia vị của núi rừng đã làm nên những món ăn dân dã nhưng giàu hương vị.



Ít ai biết đến nếu không một lần thưởng thức, mà đã ăn dù chỉ một lần thôi sẽ khó quên. Lên rừng già, tìm trong lau lách và bụi rậm, người ta sẽ thấy một loại cây thân thẳng đứng lá mọc trên ngọn tựa như lá đu đủ, thân từ gốc lên ngọn tua tủa gai, lá; thân cây có màu đỏ tía. Vào cuối năm, từng chùm quả của cây đen lại và bắt đầu toả hương. Lên rừng mùa này, người ta đã cảm nhận được mùi vị cay nồng của nó. Đấy là cây mắc kén theo cách phát âm của người bản địa, còn người Kinh gọi là cây xẻng. Hạt xẻng nhỏ như hạt tiêu, đen và sần sùi, khi ăn phải rang lên và giã nhỏ. Vị của hạt xẻng cay và “sốc” hơn hạt tiêu, hạt dổi. Nếu ăn không quen, người ta thấy hăng hắc khó chịu nhưng quen rồi lại thấy thơm và nồng ấm. Người vùng cao thường dùng hạt xẻng để quay vịt, ướp thịt heo để nướng và xào với thịt trâu hay giã nhỏ, trộn với muối dùng làm đồ chấm cho nhiều món. Bọn trẻ chăn trâu mỗi buổi chiều thường hay quanh quẩn bên những xẻng tua tủa gai để nhặt hạt về. Trâu xuống núi, bọn trẻ túi căng đầy hạt xẻng.


Ven suối dưới chân rừng già, từ lâu, người Tày hay hái lá một loại cây về làm gia vị. Loại cây này quanh năm xanh tốt, ưa nước nên thường mọc quanh bờ suối, thân to xù xì, tựa như lá vông nem. Người Tày vẫn thường hay gọi nó là cây lá nhội. Nhội có vị thơm đặc biệt từ lá. Khi hái về, người ta dùng lá nhội xanh ngắt để cuốn với thịt heo chua trong ống nứa, người ta giã nát nó ra, trộn đều với muối hạt để chấm thịt heo cắp nách hay chấm thịt vịt. Nhội không cay nồng như hạt dổi, hạt xẻng mà nó có vị chua chua, ngọt ngọt nơi đầu lưỡi, rất hợp ăn với các món thịt luộc nơi vùng cao.


Ẩm thực nơi bản Mông, bản Dao, bản Tày có nồng đượm và độc đáo hay không, có lẽ nhờ vào những gia vị của núi rừng này mà có được. Trong những căn nhà sàn nơi bản xa, bên bếp lửa, du khách như nghe thấy hương vị núi rừng Tây Bắc thoảng lên.


bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng






Giá sỉ quay đầu giảm, chợ lẻ vẫn cao ngất

Giá sỉ quay đầu giảm, chợ lẻ vẫn cao ngất

Thịt gà, trứng gia cầm


Giá sỉ quay đầu giảm, chợ lẻ vẫn cao ngất










Nông dân thu hoạch trứng gia cầm. Ảnh: Đặng Hoàng



SGTT.VN - Khoảng một tuần trở lại đây giá thịt gà, trứng gia cầm… tại vùng sản xuất, đầu mối bán sỉ quay đầu giảm giá khá mạnh. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ lẻ, nhất là trong hệ thống siêu thị, giá các loại thực phẩm này vẫn giữ nguyên như trước…


Chênh lệch 60 – 100%


Ngày 27.10, anh Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà đẻ ở Trảng Bom, Đồng Nai bán 80.000 trứng gà cho một thương lái ở TP.HCM với giá trung bình 1.550 đồng/trứng, giảm 50 đồng so với cách nay một tuần. Theo anh Khoa, giá trứng gà đang có dấu hiệu khó bán, thương lái liên tục tìm cách ép giá khiến cho các trang trại bắt đầu lỗ vốn. Tương tự, ông Bảy Đoàn, một chủ trại gà ở Tiền Giang cũng cho hay trong lúc người chăn nuôi vẫn chưa có lời thì giá trứng trong vài ba tuần gần đây lại liên tục giảm. “Có những loại như trứng gà ác chỉ còn 1.550 đồng/quả, thấp hơn giá thành 100 – 200 đồng”, ông Bảy Đoàn nói.


Trong khi giá trứng tại trại quá thấp thì giá trứng bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại cao hơn 60 – 100% giá tại trại. Theo khảo sát của chúng tôi ngày 27.10, giá trứng gà loại 1 tại các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM dao động từ 2.400 – 2.500 đồng/trứng, tại siêu thị phổ biến ở mức 2.500 đồng/trứng, cao hơn 60% so với giá bán của người chăn nuôi. Cá biệt có loại trứng gà ác bán ở hệ thống siêu thị Co.opmart cao hơn 100% so với giá gốc.


Không chỉ có trứng gà, việc giá gà trắng công nghiệp bán ra tại trại trong tuần qua giảm từ mức 37.000 – 38.000 đồng/kg xuống còn 29.500 đồng vào ngày 27.10 cũng khiến cho giá chợ lẻ “chạy” theo không kịp. Sáng thứ bảy ngày 26.10, các tiểu thương chợ Bắc Ninh, Thủ Đức vẫn bán gà công nghiệp nguyên con ở mức 58.000 đồng/kg, cánh gà 100.000 đồng, đùi góc tư 80.000 đồng. Mức này cũng đang bán phổ biến ở các chợ trung tâm thành phố. Bà Minh, nhà ở phường Linh Trung, Thủ Đức đi chợ Bắc Ninh gần nhà cho biết qua thông tin báo đài bà có biết giá gà tại trại giảm 6.000 – 7.000 đồng/kg nhưng khi ra chợ thì tiểu thương vẫn giữ giá bán lẻ như cách nay hơn một tháng. “Tôi thấy một điều hết sức vô lý là tại sao nông dân đang bán rẻ và chịu lỗ còn người tiêu dùng lại phải ăn đắt đỏ như vậy”, bà Minh bức xúc.


Theo cách tính toán của giới kinh doanh, giá gà lông về đến lò mổ khoảng 32.000 đồng/kg. Chi phí giết mổ thêm 6.000 đồng/kg. Các chủ lò mổ bán sỉ cho tiểu thương chợ lẻ ở mức 41.000 đồng/kg, còn tiểu thương bán lẻ đến tay người dùng 45.000 – 46.000 đồng/kg là phù hợp, chứ không thể nào có giá lên tới 58.000 – 60.000 đồng như hiện tại.


Khổ người sản xuất


Người chăn nuôi cho rằng việc tiểu thương chợ lẻ và siêu thị không chịu giảm giá thực phẩm đang gây hoạ cho họ. “Nhà bán lẻ không chịu giảm giá càng làm cho người tiêu dùng dè dặt chi tiêu, và một khi sức tiêu thụ không tăng sẽ kìm hãm đầu ra sản phẩm, giá do đó rất khó bứt lên được”, ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ trại gà đẻ ở Trảng Bom, Đồng Nai bức xúc.


Nhiều người chăn nuôi còn cho rằng trong khi họ liên tục bị lỗ nặng vì bán dưới giá thành thì người tiêu dùng lại đang phải trả mức giá quá cao là điều hết sức vô lý. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo người chăn nuôi, là do xuất phát từ thực tế hiện nay các thương lái đang toàn quyền định giá mua sản phẩm từ các trang trại, còn tiểu thương chợ lẻ và siêu thị lại quyết định giá bán cho người tiêu dùng. “Mỗi khâu trung gian đều cố tình tăng giá một ít thì chỉ có gây tai hoạ cho người chăn nuôi”, ông Lê Thanh Phương, giám đốc công ty Emivest nói.


Còn nhớ hồi cuối năm ngoái khi giá trứng trên thị trường tăng đột biến, các cơ quan chức năng đã sốt sắng vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp, người chăn nuôi phải giảm giá. Nay thì ngược lại, giá trứng, thịt gà, thịt heo bán ra tại các trang trại giảm sâu và người chăn nuôi có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra, yêu cầu nhà bán lẻ giảm giá cho sòng phẳng.


Về nguyên nhân nhiều loại thực phẩm giảm giá ngay trong mùa tiêu thụ cuối năm, theo các doanh nghiệp chăn nuôi là do thị trường đang có hiện tượng dư thừa cục bộ. Trước đây, trong ngành gà trắng công nghiệp chỉ có ba công ty là C.P, Emivest và Japfa cung cấp trung bình mỗi tuần khoảng 1,2 triệu con ra thị trường, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay có thêm công ty CJ của Hàn Quốc tung ra thêm khoảng 300.000 con.


“Lượng gà này tung ra trong khoảng thời gian quá ngắn làm cho thị trường không thể nào tiêu thụ hết ngay được nên giá buộc phải giảm”, giám đốc một cung ty cung cấp gà phân tích. Tương tự, việc thương lái Trung Quốc ngưng nhập heo hơi cũng khiến cho giá giảm 500 – 1.000 đồng/kg, còn 43.000 – 45.000 đồng/kg.


Hoàng Bảy






Lộ diện 62 trường đoạt giải vòng 2

Lộ diện 62 trường đoạt giải vòng 2

Cuộc thi Tìm hiểu về dinh dưỡng với sức khỏe trẻ mần non 2013


Lộ diện 62 trường đoạt giải vòng 2


SGTT.VN - Vòng 2 - cấp tỉnh của cuộc thi Tìm hiểu về Dinh dưỡng với sức khỏe trẻ mầm non 2013 do vụ Giáo dục Mầm non (vụ GDMN) thuộc bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp tổ chức cùng công ty FrieslandCampina Việt Nam ( đơn vị sở hữu nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan, Friso, Yomost, Fristi) đã khép lại và đang chuẩn bị bước tiếp vào vòng thi chung kết, cấp Quốc Gia diễn ra từ ngày vào ngày 30.10.


Theo thông tin từ ban tổ chức kết quả nhận được ở vòng 2 khá khả quan; toàn quốc có 68 trường đạt 10 điểm tuyệt đối, chiếm 10% tổng số bài dự thi, riêng TP.HCM tỉ lệ này lên đến 33%, còn lại điểm trung bình mà các trường đạt được là 7.8 với thời gian làm bài trung bình là 4.5 phút










Giáo viên mầm non tại Gia Lai đang chăm chú làm bài thi trực tuyến Tìm hiểu về Dinh dưỡng với Sức khỏe trẻ mầm non.



Kể từ ngày phát động cuộc thi 22.8.2013 cho đến nay, ban tổ chức liên tục nhận được các câu hỏi về cách thức thi, kiến thức dinh dưỡng, hình thức đăng kí… của các trường mầm non trên cả nước thông qua đường dây nóng (04)3939 3966. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của giáo viên phụ trách mầm non cũng như phụ huynh của trẻ. Bà Phan Thu Hằng, Phó trưởng phòng mầm non, sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Sau khi Vụ GDMN phát động cuộc thi dinh dưỡng, sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang đã gửi công văn hướng dẫn chỉ đạo đến tất cả các phòng GD-ĐT để triển khai và khuyến khích 100% các trường tham gia cuộc thi nhằm củng cố kiến thức về dinh dưỡng để phục vụ cho công tác nuôi dưỡng trẻ được tốt hơn…”.


Trao đổi bên lề cuộc thi, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Hoa, đường 12, phường 4, Quận 8, TP.HCM chia sẻ thêm: “Thông qua cuộc thi, bản thân cô cũng như các cô trong trường cảm thấy rất vui vì có thêm nhiều kiến thức bổ ích về dinh dưỡng giúp cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được tốt hơn nữa. Không những thế, cuộc thi còn giúp cho không khí sinh hoạt tập thể của trường trở nên vui nhộn hơn nhất là vào những ngày trước khi thi, tinh thần chuẩn bị, ôn luyện bài vở và thảo luận của các cô rất sôi nổi…”.


Để đạt được sức lan tỏa và hiệu quả to lớn như hiện nay, một phần quan trọng phải kể đến đó là nhờ vào sự nỗ lực góp sức của công ty FrieslandCampina Việt Nam trong việc hỗ trợ triển khai toàn bộ hoạt động của cuộc thi; cụ thể như xây dựng trang tin điện tử về dinh dưỡng www.DinhDuongMamNon.vn; phát hành miễn phí cẩm nang dinh dưỡng và áp phích cổ động về dinh dưỡng; tổ chức các hội thảo hướng dẫn trước cuộc thi cho cán bộ quản lí và giáo viên phụ trách dinh dưỡng của các trường mầm non cả nước cùng nhiều hoạt động hỗ trợ khác…


Trao đổi với một đại diện tiêu biểu thắng cuộc ở vòng 2 của tỉnh Bắc Giang, cô Ngô Thị Nguyên, hiệu trưởng trường mầm non Hương Vỹ, cho biết: “Sau khi biết thông tin về cuộc thi và được tham dự buổi hướng dẫn trước cuộc thi từ BTC, các giáo viên trong trường rất hào hứng. Các cô thường xuyên lên mạng tìm kiếm thông tin, trao đổi với nhau cũng như nghiên cứu rất kĩ cuốn “Cẩm nang dinh dưỡng” do vụ GDMN phát hành. Không những thế giáo viên toàn trường cũng tích cực tham gia vòng thi thử để có thể quen với các thao tác bàn phím, hoàn thành bài thi một cách nhanh chóng, chính xác - một việc không quen thuộc với các cô giáo nuôi dạy trẻ. Khi biết tin trường chiến thắng ở vòng thi cấp quận/huyện và vòng thi cấp tỉnh, các cô rất phấn khởi và quyết tâm nắm thật vững kiến thức để thi thật tốt trong vòng thi chung kết, cấp Quốc Gia”.


Danh sách 62 trường mầm non thắng cuộc ở vòng 2- đại diện cho 62 tỉnh/thành phố bước tiếp vào vòng chung kết, cấp Quốc Gia của cuộc thi Tìm hiểu về Dinh dưỡng với Sức khỏe trẻ mầm non hiện đã được công bố tại website www.DinhDuongMamNon.vn. Vòng chung kết sẽ bắt đầu vào ngày 30/10 và kết thúc cùng ngày.


Thi Hàn






Phân luồng giao thông thay thế cầu Bông, người dân lúng túng

Phân luồng giao thông thay thế cầu Bông, người dân lúng túng

TP.HCM:


Phân luồng giao thông thay thế cầu Bông, người dân lúng túng


SGTT.VN - Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, trong buổi sáng 28.10, giao thông có ùn ứ nhưng đến khoảng 9g sáng tình hình trở nên ổn định hơn, tuy nhiên có xảy ra tình trạng giao thông lộn xộn và xung đột xe vì hiểu lầm do biển báo phức tạp.


Ngay trong sáng cùng ngày, đơn vị thi công đã có những giải pháp phân luồng mới giúp cải thiện tình hình giao thông. Và việc phân luồng sẽ tiếp tục cải thiện trong những ngày tới tuỳ theo diễn biến giao thông.










Giao thông ổn định trên cả 2 cầu tạm.











Lưu thông khá lộn xộn tại đầu 2 cầu tạm trên đường Hoàng Sa do người dân chưa hiểu rõ cách phân luồng giao thông (ảnh trên và ảnh dưới).




















Một vụ va quẹt nhẹ xảy ra tại nút giao thông này khoảng 9g30 sáng.











Người dân lưỡng lự giữa đường do chưa biết nên rẽ hướng nào đúng.











Lực lượng phân luồng giao thông (LL.PLGT) hướng dẫn một xe ô tô quay lại đi đúng hướng đường.











LL.PLGT hướng dẫn người dân lưu thông theo hướng cầu tạm.











LL.PLGT thay biển báo “bắt buộc rẽ phải” tại đầu cầu tạm trên đường Hoàng Sa (ảnh trên và ảnh dưới).




















Dải phân cách sẽ được nối dài thêm đến đường Đinh Tiên Hoàng (dưới chân cầu Bông) để phân luồng xe rõ ràng hơn.



Tin, ảnh: Thanh Hảo






Hơn nửa thế kỷ vác đá leo đồi!

Hơn nửa thế kỷ vác đá leo đồi!

Trò chuyện đầu tuần


Dịch giả Đỗ Khánh Hoan


Hơn nửa thế kỷ vác đá leo đồi!


SGTT.VN - Hai trường ca siêu phàm thời cổ đại là Iliad và Odyssey của Homer đã được Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ từ nguyên tác sang Việt ngữ thành công, vừa được phát hành tại Việt Nam.











Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Khánh Hoan trước năm 1975 là giáo sư đại học Văn khoa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu và giảng dạy môn lịch sử văn chương Anh – Mỹ. Từ cuối thập niên 1960 đến nay, Đỗ Khánh Hoan đã chuyển ngữ hơn 40 tác phẩm, phần lớn là kiệt tác lần đầu xuất hiện trong phiên bản tiếng Việt. Hiện ông định cư tại Toronto, Canada.


Qua Sài Gòn Tiếp Thị, ông đã dành cho độc giả trong nước một cuộc trò chuyện tâm tình sau hơn 30 năm rời xa Việt Nam.


Ông đến với việc chuyển ngữ ra sao?


Từ nhỏ tôi học tiếng Pháp, tiếng Anh nên về sau có phương tiện trau dồi. Lớn lên nhờ biết ngoại ngữ đọc sách nước ngoài tôi thấy nhiều cái hay, nhiều cái lạ, nhiều cái đẹp, nhiều cái hữu ích. Tôi thầm nghĩ và mơ ước nếu chuyển những cái ấy cho người mình đọc thì vui và thú biết mấy! Vì thế tôi mải mê đọc ngoại văn, tôi lạc vào khu rừng văn học nước ngoài lúc nào không hay.


Ra đời kiếm ăn, tôi đi dạy học, dạy ngoại ngữ, dạy văn học nước ngoài, cụ thể là văn học Anh – Mỹ cho cấp trung học, rồi đại học, do vậy phải trau dồi kiến thức và học thêm ngoại ngữ để thoả trí tò mò, để bảo vệ nghề riêng và để tham khảo sau này nếu có thể. Lúc đó tôi nói với tôi như vậy.


Không ngờ sau này, sự thật diễn ra đòi hỏi tôi làm như đã mơ ước. Tôi viết và dịch khá sớm. Lúc đó chỉ để “khoe” với mấy người bạn cùng lớp và hình như mang trong lòng cùng khát vọng. Ít lâu sau, phần do ước mơ, phần do nhu cầu, phần do nghề nghiệp, tôi quyết định thực hiện giấc mơ chuyển ngữ văn học nước ngoài. Tôi cố gắng chuyển dịch làm sao như sáng tác, không cường điệu, không gượng ép, không tắc trách.


Và việc quyết định sẽ chọn một tác giả nào đó để chuyển ngữ diễn ra như thế nào? Ví dụ với Tagore, Mishima Yukio, Natsume Soseki, Pär Lagerkvist, George Orwell… ngày trước, và Homer, Plato, Aristotle, Cervantes… gần đây?


Tôi thầm nhủ do tò mò lạc vào vườn người ta, thấy hoa ở đó đẹp lạ, không những màu sắc mà cả hương thơm, nếu ra về kể chuyện lại cho gia đình, bạn bè hay… xem ra không vô ích. Cứ kể, miễn là trung thực, dù có kể kém người nghe cũng thông cảm mà lượng thứ sai sót. Tuy nhiên, sự thật không như tôi tưởng. Đi vào thực tế tôi mới rùng mình. Khó chứ không dễ! Khó lắm trời đất ơi! Làm thế nào chuyển dịch một tác phẩm văn chương cho đúng, cho hay, đừng sai, đừng tồi?


Tôi chọn tác giả đã nổi tiếng khắp thế giới, và nổi tiếng từ lâu, song ở ta (lúc ấy) vẫn chưa mấy ai hay biết. Tác phẩm của họ không phải chỉ đọc cho vui, mà phải nghiền ngẫm, giảng dạy mới biết cái hay, cái đẹp, cái thật ở đời. Sáng tác của họ là tấm gương văn học để nhân loại soi chung. Tác phẩm của họ đọc rồi muốn đọc nữa, đọc nữa lại muốn đọc nữa… mà vẫn chưa nắm hết ý nghĩa. Trong số trên chỉ có ba người Á, còn lại toàn người Âu. Tuy thế yếu tố địa lý hoặc giống nòi không xuất hiện ở đây, thay vào đó là tài nghệ và nhận thức về vấn đề xã hội, đất nước, con người, thế giới dưới lăng kính nhà văn, nhà thơ, nhà kịch. Tiếng nói của họ thế nào? Độc giả thấy trong sáng tác.


Riêng với từng tác giả hay khu vực văn chương, chủ trương thực hiện của ông thế nào?









Nhờ biết ngoại ngữ đọc sách nước ngoài tôi thấy nhiều cái hay, nhiều cái lạ, nhiều cái đẹp, nhiều cái hữu ích. Tôi thầm nghĩ và mơ ước nếu chuyển những cái ấy cho người mình đọc thì vui và thú biết mấy!



Đó là: Khi làm, cần phân biệt rõ văn học quá khứ và văn học hiện tại (nhận định văn học quá khứ khó, văn học hiện tại cũng khó, song không khó lắm); giới thiệu văn học hiện đại, rồi mới giới thiệu văn học quá khứ. Chỉ giới thiệu và chuyển ngữ tác phẩm có giá trị thực sự, bất kể quốc gia, màu sắc chính trị. Có giá trị là giá trị về hình thức, nói khác đi, sử dụng ngôn từ có đạt, hay vượt tiêu chuẩn không? Có giá trị về nội dung (mặt này quan trọng), nói khác đi, tư tưởng thế nào, có khai phóng, có nhân bản, có đạo đức không, nói nôm na: có vì con người không?

Nếu xét tác giả và tác phẩm, dù tiếng đang nổi như cồn, song không đáp ứng tiêu chuẩn, khoan chuyển ngữ, quá lắm chỉ giới thiệu sự nghiệp đang xây dựng. Chọn tác giả và tác phẩm xong, ngoài chuyển ngữ phải giới thiệu, nếu cần thì chú thích, chứ không chỉ dịch suông. Đây là phần phải tham khảo. Đây là lúc cần khả năng trí thức thay khả năng văn chương. Phải cho độc giả biết điều quan trọng của tác giả và yếu tố cấu thành tác phẩm.


Trong quá trình chuyển ngữ, điều gì ông cảm thấy khó khăn nhất, và hạnh phúc nhất?


Khó khăn thì dĩ nhiên khó khăn, vả chăng ở đời có cái gì dễ dàng, nhất là “sáng tác” một tác phẩm văn chương. Việc làm nặng nề, khả năng giới hạn, làm thế nào vượt qua trở ngại. Lo lắng thì lo lắng từ đầu chí cuối: làm sao dịch đúng, dịch hay, độc giả không chửi, không chê? Tôi đã giải thích hai điều vừa kể trong bài giới thiệu Homer và Cervantes.


Còn hạnh phúc, đó là những giọt nước mắt. Khi dịch xong câu thơ cuối cùng trường ca Odyssey, tôi khóc thực anh ạ! Vui mà khóc. Mừng mà khóc. Xúc động mà khóc. Vì làm xong việc khó. Vì nghĩ từ đây hai giai tác không còn xa lạ với người mình như trước nữa. Không ngờ tôi kiên nhẫn đến thế. Gần mười năm trời! Hai thi tập dài mấy vạn câu thơ! Báu vật hiếm thấy của nhân loại. Nghĩ lại giật mình. Nhiều lần tôi đã định bỏ. Khó quá, mất thì giờ quá! Tham khảo nhiều quá! Vác đá leo ngược đồi. Nay làm xong thở phào, gánh nặng trên vai đã tới đích, tôi bằng lòng với mình, tôi bằng lòng với dịch phẩm, nhất là đã đáp lời ước mơ từ thời niên thiếu: bằng mọi giá phải dịch Homer!


Chuyên về văn chương Anh (và Mỹ), thế nhưng trong khoảng 40 tác phẩm mà ông chuyển ngữ cho đến nay, một nửa là văn chương Nhật, nhiều quyển chuyển ngữ chung với Nguyễn Tường Minh. Tại sao văn học Nhật lại có địa vị lớn lao như vậy trong lòng ông?


Trong thâm tâm, tôi muốn chuyển dịch tất cả tác phẩm thuộc hàng kinh điển của ngoại quốc sang tiếng Việt để người mình đọc, một mình làm tới đâu hay tới đó, mời bạn bè cộng tác, lập nhóm thực hiện công trình. Về văn chương Anh, tôi chuyển ngữ nhiều, tôi đã giới thiệu bốn tác giả kim văn và ba bi kịch của Shakespeare in năm 1970 ở Sài Gòn. Nhưng tôi thấy dường như người Việt không thích kịch, vì thế tôi viết 20 truyện ngắn dựa theo tình tiết 20 kịch phẩm của Shakespeare để độc giả thưởng thức. Cuốn sách mang tên Hoa trong vườn in năm 1980.


Sở dĩ tôi giới thiệu, chuyển ngữ tác phẩm Nhật Bản thập niên 1960 là vì lúc đó hàng ngũ văn gia Nhật xuất hiện đông đảo, sáng tác của họ khiến tôi giật mình. Hơn thế tôi thấy họ quả thực có tài, sáng tác có giá trị. Mặt khác, tôi lại nghĩ do văn hoá tương đồng, gần gụi, đi vào văn chương Nhật, người Việt sẽ không cảm thấy xa lạ như đi vào văn chương Anh, Pháp, Mỹ... Tôi mời một ông bạn cộng tác. Kết quả đầu là cuốn Kim các tự. Thời gian đó chúng tôi say mê công việc, hoàn tất 24 tác phẩm kim văn.


Quan điểm của ông như thế nào về việc “uống nước tận nguồn” trong chuyển ngữ, ví dụ dịch văn học Nhật mà không dịch từ tiếng Nhật thì phải làm sao?


Uống nước tận nguồn đương nhiên là tốt. Nếu chuyển ngữ văn học Nhật mà biết tiếng Nhật thì còn gì bằng. Nếu không thì phải sử dụng tiếng khác như phương tiện có khả năng hơn. Bởi thực tế từ lịch sử dịch thuật cho thấy, việc dịch qua ngôn ngữ trung gian hay “uống nước không tận nguồn” là điều khó tránh khỏi, bởi người dịch và độc giả nhiều khi khó lòng đợi tới tận nguồn. Qua năm tháng, khi nền dịch thuật mạnh lên, chúng ta sẽ kiện toàn để đến gần nguồn hơn.


Có dị biệt nào giữa văn học Nhật và Anh – Mỹ?









Đây là con đường học hỏi dài vô tận, rộng vô biên, khó vô cùng, chán hết sức. Đường này không cấm ai, ai tới ai đi tuỳ ý. Đường này không nài ép, không bắt buộc, không mời chào, do vậy không biết lịch sự cảm ơn hay trâng tráo vong ơn. Ai thích thì vào, ai ghét thì ra.



Nhiều, tuy thế theo tôi khác về tiểu tiết, chứ về đại thể không hẳn. Đến đây mới hiểu sự thật muôn thuở: văn chương vô bờ bến, văn chương là hơi thở, văn chương là tiếng nói, miễn là đáp đúng khát vọng của con người. Đấy là nói cụ thể và vắn tắt. Trái lại, nếu trưng nêu dị biệt, đương nhiên cần viết một cuốn sách. Khả năng giới hạn, đối tượng rộng lớn, thấy đó và muốn đấy, song làm sao đáp ứng hở anh?

Ông nghĩ thế nào về giải Nobel Văn học 2013, khi một lần nữa Murakami Haruki không được xướng danh? Ông nghĩ gì về văn học Nhật hiện nay? Rồi việc một cây bút truyện ngắn Canada được trao giải?


Nhiều người cũng cho rằng kỳ này chắc Murakami Haruki được tuyên dương Nobel Văn học 2013. Đó là suy nghĩ chủ quan. Đã chủ quan thì làm sao đúng sự thật. Theo tôi, uỷ ban tuyển chọn có lý do của họ. Bên ngoài không ai hay, ấy là vì căn cứ vào quy định trong di chúc của ông Nobel: sáng tác trong năm nay có tư tưởng tốt đẹp không?


Alice Munro, văn sĩ người Canada trúng giải, ai cũng ngạc nhiên, cả nữ sĩ cũng vậy. Chỉ viết truyện ngắn, không viết truyện dài, không làm thơ, không viết kịch, song sáng tác phản ánh lối sống đơn thuần, bình dị của người bình dân Canada ở miền quê, nhất là thị trấn nhỏ. Có lẽ tính chất mộc mạc, đượm hương vị nhân tình của bà đã khiến thành viên uỷ ban văn chương có cảm tình. Hơn thế, theo tôi mấy chục năm vừa qua, so với cây bút Canada, ít có cây bút sáng giá xuất hiện. Văn tài cũng như trái cây, cần điều kiện nào đó mới chín được.


Hơn 50 năm theo đuổi việc chuyển ngữ, ông có nghĩ đây là một cái nghề không?


Câu hỏi hơi khó trả lời cho đúng, vì quan niệm về nghề. Tôi coi đây là cái thú, xa hơn một chút, có thể nói đó là phương tiện dẫn tới cứu cánh: trả nợ sách đèn, báo hiếu cha mẹ, đền ơn thầy cô đã dạy dỗ, đáp lại tiếng gọi vô hình của nhiều người tôi không quen biết. Mà cũng có thể coi là cái nghề, vì nhờ nó tôi có kinh nghiệm, nhờ nó tôi trau dồi kiến thức, và cũng nhờ nó tôi có đồng ra đồng vào hàng tuần. Vậy nó là cái nghề mất rồi chứ còn gì nữa!


Dù thế nó không nuôi sống tôi. Như anh biết, đây là nghề tay trái, còn nghề tay phải của tôi là làm bạn với phấn trắng bảng đen, bán hơi thở đổi lấy miếng cơm manh áo. Làm hai nghề cùng một lúc, hầu như cả cuộc đời như thế, mà tôi vẫn thấy thoải mái. Tôi không hiểu tại sao. Kể lại anh hay kỷ niệm quá khứ: trước 30.4.1975, mỗi thứ sáu tôi ra nhà sách, nhà phát hành ở Sài Gòn hỏi xem tác phẩm đã bán được bao nhiêu; lần nào ra đi cũng tốt đẹp, trở về đều có tiền, tuy không nhiều. Đi mãi rồi thành thói quen. Tôi coi đó là cái thú hy hữu. Đó là tiền sách tôi viết.


Sống ở ngoại quốc, tôi vẫn làm nghề cũ. Đương nhiên nghề tay phải phong phú, nghề tay trái đạm bạc. Cùng với dạy học tôi làm nhà xuất bản, nhà in, sách in ra đưa đi khắp nơi, trừ quê hương yêu dấu. Hiệu sách nhiều nơi xử đẹp, có nơi chơi xấu, và xấu lắm anh ạ! Nhờ thế kỷ niệm cũ sống lại trong tôi, không dồn dập như trước mà lâu lâu mới xuất hiện.


Nếu có những bạn trẻ muốn theo việc này cần ông cho vài lời khuyên, ông sẽ nói gì với họ?


Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ hết mình. Tuy nhiên, mong anh hiểu, tôi không muốn nhắc tới nó nhiều, không muốn vạch áo cho người xem lưng, không muốn tiết lộ bí mật nghề nghiệp, vì sợ có người nghĩ tôi dạy đời, tôi khoe mẽ, tôi phản bội... Riêng với bạn trẻ tôi nói thế này: muốn vào nên biết đây là con đường học hỏi dài vô tận, rộng vô biên, khó vô cùng, chán hết sức. Đường này không cấm ai, ai tới ai đi tuỳ ý. Đường này không nài ép, không bắt buộc, không mời chào, do vậy không biết lịch sự cảm ơn hay trâng tráo vong ơn. Ai thích thì vào, ai ghét thì ra.


Nếu muốn vào thì nên coi mình là võ sinh. Muốn thắng phải tập luyện ngày đêm, liên miên. Sao vậy? Vì nơi này khác mọi nơi trên cõi đời, bạn trẻ sắp làm bạn với người xa lạ và xa xôi đấy. Bạn trẻ đóng vai chủ động, tự gánh trách nhiệm và gánh nặng không ai cần… Ngày trước khi đi vào nghề này tôi có rủ người bạn, dự định nếu kết quả tốt tôi sẽ thành lập nhóm hay hội. Ý định bất thành vì tôi bất lực.


thực hiện: Hiền Hoà


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường






Đất thế chấp ngân hàng có được chuyển nhượng

Đất thế chấp ngân hàng có được chuyển nhượng

Đất thế chấp ngân hàng có được chuyển nhượng


Do chỗ quen biết, vợ chồng hàng xóm nói cần tiền để trả nợ ngân hàng nên bán miếng đất nền trống có diện tích 120m2 của họ cho tôi rẻ hơn giá thị trường nên tôi đồng ý mua. Trong hợp đồng đặt cọc quy định trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc thì vợ chồng người hàng xóm phải trả nợ ngân hàng để lấy lại sổ đỏ và bán mảnh đất nói trên cho tôi. Hợp đồng đặt cọc có công chứng chứng thực. Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm mà vợ chồng người hàng xóm không chịu bán miếng đất đó cho tôi. Có phải đất đang thế chấp tại ngân hàng thì không thể chuyển nhượng? Nếu hai vợ chồng người hàng xóm cố tình dây dưa không muốn bán đất cho tôi thì tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình?


Trần Thị Thuý Hằng, P. Tân Phong, Q.7, TP.HCM


Theo quy định tại điều 348 bộ luật Dân sự 2005 khi quyền sử dụng đất đang được thế chấp tại ngân hàng thì bên thế chấp là vợ chồng hàng xóm không được quyền bán thửa đất đó cho người khác, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp là ngân hàng đồng ý. Như vậy, trong trường hợp ngân hàng không đồng ý cho vợ chồng hàng xóm bán thửa đất đó thì buộc vợ chồng người hàng xóm phải trả hết nợ cho ngân hàng và làm thủ tục xoá đăng ký thế chấp đối với mảnh đất nói trên sau đó mới có thể thực hiện việc chuyển nhượng cho bạn.


Như vậy, bạn có thể yêu cầu vợ chồng hàng xóm thực hiện đúng hợp đồng đặt cọc, tiến hành trả nợ cho ngân hàng và chuyển nhượng thửa đất nói trên lại cho bạn. Trong trường hợp này, các bên tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tiến hành thủ tục công chứng theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo hiệu lực pháp lý của giao dịch chuyển nhượng.


Trường hợp vợ chồng người hàng xóm cố tình dây dưa không muốn bán đất cho bạn thì bạn có thể khởi kiện ra toà án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


LS Nguyễn văn Hậu






Sàn ngoại thất (deck) – một hôm nằm ngửa nhìn trời...

Sàn ngoại thất (deck) – một hôm nằm ngửa nhìn trời...

Không gian chuyển tiếp


Sàn ngoại thất (deck) – một hôm nằm ngửa nhìn trời...


SGTT.VN - Nói về cảnh quan sân vườn, thì quả là “đủ món ăn chơi”. Đầu tư cho sân vườn cũng giống như người đầu bếp đầu tư thời gian cho món ăn của mình. Người nào đơn giản thì bữa ăn chỉ cần ngon lành và đủ chất, ai cầu kỳ hơn thì mâm cơm phải đầy đủ canh, mặn, xào... với cách bài trí cũng tỉ mỉ và màu sắc hấp dẫn hơn.


Dĩ nhiên, với một vài gia chủ, một khoảng sân vườn có cây xanh, khoảng đất... là vừa đủ để sử dụng, nhưng nếu gia đình bạn có điều kiện để đầu tư kỹ càng cho sân vườn của mình, thì deck – sàn ngoại thất là một trong những lựa chọn phổ biến khi nhắc đến một nơi sinh hoạt và giải trí thú vị ngoài trời.


Sự phong phú về mặt hình thức của sàn ngoại thất là tập hợp từ sự đa dạng về vật liệu lát (gỗ, bêtông, đá, gạch vỉa hè...) cùng với sự tương quan giữa nó với công trình chính (sàn tiếp giáp cấu trúc nhà, sàn hồ bơi, sàn nổi...). Sự thú vị ở đây là chúng hoàn toàn có thể kết hợp đan xen cùng nhau để cung cấp cho bạn vô số không gian mới mẻ và khác lạ cho những khu vực vốn quen thuộc như khu vực ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn hoặc vui chơi cho trẻ em...


Tuy nhiên trong phạm vi bài viết hôm nay chỉ xin đề cập đến loại sàn tiêu chuẩn tiếp giáp với cấu trúc nhà mà ta thấy phổ biến nhất hiện nay. Mang đặc tính vừa hướng ngoại lại vừa hướng nội, loại sàn này được xem là một trong những khoảng đệm trung gian rất độc đáo mà chỉ cần một vài lưu ý nhỏ, bạn hoàn toàn có thể tạo ra một “bước chuyển” dung hoà, cân bằng mà vẫn bền vững, ổn định cho ngôi nhà của mình.


Vị trí ánh sáng và bóng đổ tinh tế


Bạn có cảm thấy thú vị và hứng khởi không khi vào một ngày đẹp trời bạn có thể bước ra một góc sân vườn yên ả của mình và tận hưởng khoảng không gian thiên nhiên dưới những bóng nắng lung linh và thơ mộng?


Có thể nói ánh sáng tự nhiên luôn mang đến một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại trong thiết kế. Chính vì vậy việc lựa chọn một vị trí lắp đặt sàn ngoài trời đạt được sự giao hoà hợp lý với với nguồn sáng tự nhiên là điều cần thiết tiên quyết nhất. Song song đó thì việc tận dụng và xử lý tốt bóng đổ tạo ra từ các mái che nhân tạo và cây trồng xung quanh sẽ càng làm cho khu vực sinh hoạt ngoài trời thêm phần tiện dụng và bắt mắt. Nắng gió là của trời, sân vườn là của ta, chỉ cần chú ý chút ít đến hướng nắng, hướng gió và nhiệt lượng, sao cho vừa có thể che được nắng gắt, vừa tạo được hiệu ứng bóng râm dễ chịu, mà đồng thời vẫn để lộ những khoảng trời cho gia chủ tận hưởng thiên nhiên thì thật là tuyệt vời!


Lẽ thường, cái thú tận hưởng nắng gió đó chỉ có thể thoả mãn cho gia chủ... vào ban ngày. Điều đó không có nghĩa là đến đêm thì cái khoảng sàn thú vị này trở thành vô dụng đâu nhé. Bằng sự bố trí, xếp đặt khéo léo ánh sáng nhân tạo từ các dạng đèn phục vụ mục đích chiếu sáng lẫn trang trí, đặc biệt là đèn chiếu lối đi, bậc thang... về đêm, “deck” trở thành một thế giới khác hẳn, ấm cúng, gần gũi và tĩnh tại. Việc bố trí đèn không khó, nhiều cách, nhiều chủng loại, nhưng cần chú trọng về kiểu dáng sao cho hài hoà với phong cách kiến trúc và cảnh quan sân vườn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lắp đặt thêm đèn tạo nhiệt làm ấm không khí và sàn ngoài trời vào những khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp, nhất là các khu vực có khí hậu thay đổi rõ rệt theo mùa và các giờ trong ngày.


Nhu cầu hoà trộn và kết nối


Sàn ngoài trời là một gạch nối giữa không gian nội thất và không gian sân vườn. Bởi vậy để tạo được sự tự nhiên và ăn khớp giữa trong và ngoài, đôi khi bạn cần phải “kỳ công” hơn trong việc chọn lựa vật liệu, hình dáng, cách thi công và chăm chút cho khu vực sàn ngoài trời của mình.


Một trong những cách phổ biến là tạo mảng sàn bám theo ranh giới chung quanh khu vực kết nối. Việc này có thể là một thách thức đối với bạn, nhưng khi kiên trì thực hiện thành công với từng mảnh ván sàn bạn sẽ nhận được kết quả hết sức bất ngờ. Sự tinh tế, thanh lịch pha trộn giữa các tầng sàn và môi trường xung quanh sẽ khiến những người khách của bạn phải trầm trồ khen ngợi. Đây cũng là một cách sử dụng hiệu quả không gian sẵn có, bổ trợ cho vẻ đẹp của sàn ngoài trời và tạo được nét chuyển tiếp mạnh mẽ với cảnh quan xung quanh.


Bên cạnh đó để tăng tính kết nối với không gian trong nhà, thì một số vật dụng nội thất có thể xuất hiện ở sàn vào một vài thời điểm đẹp trời trong năm. Chiếc sofa, bộ bàn tròn và giá đựng sách... sẽ thật sự tạo cho bạn sự thú vị với cảm giác “nửa trong nửa ngoài”. Song song đó thì sự lặp lại vật liệu, môtíp hay những hình thức cấu trúc gần đó cho các bộ phận khác nhau của sàn ngoài trời cũng làm cho không gian này trông hài hoà và tự nhiên hơn.


Sử dụng những đường cong


Sàn ngoài trời với những nét kỷ hà, đường thẳng và những góc vuông luôn là sự lựa chọn phổ biến và đơn giản khi thi công cảnh quan sân vườn. Tuy nhiên, chúng có thể “điệu đà” hơn nếu được kết hợp với các đường cong mềm mại, len lỏi, giao hoà linh hoạt với cảnh vật và cây cỏ xung quanh.


Từ lan can vòng cung, cái hoạ tiết uốn lượn đến sàn bo góc mềm mại, tất cả đều có thể uyển chuyển để hoà mình vào thiên nhiên, và trên hết là góp phần làm tăng nét độc đáo bắt mắt cho khu vực sinh hoạt ngoài trời của bạn. Bên cạnh đó bạn cũng cần phải chú trọng việc liên kết các mối nối và lựa chọn vật liệu phù hợp cho các khu vực chịu uốn cong. Gỗ tuyết tùng tây còn non là một sự lựa chọn tốt bởi tính mềm dẻo, màu sắc ấm áp, và khả năng chịu đựng thời tiết ngoài trời khá cao.


Cấu trúc linh động và đa chức năng


Ngày nay, đa dạng hoá chức năng có mặt rất nhiều trong kiến trúc nội ngoại thất, nó mang đến tính linh động cũng như đáp ứng được nhiều mục đích khác nhau trên cùng một khoảng không gian hay sản phẩm. Sàn ngoài trời cũng không ngoại lệ, một số hình thức sàn có sự kết hợp lan can với kệ, bồn hoa, băng ghế ngồi… đây thực sự là một ý tưởng tuyệt vời khi bạn muốn phá cách cho không gian sinh hoạt ngoài trời của mình, cũng như tạo một điểm dừng cho khu vực ranh giới, đồng thời đa dạng hoá chức năng cho sàn.


Với những khu vực khí hậu và thời tiết thay đổi quá nhanh thì một sàn ngoài trời với những kết cấu linh động thực sự là lựa chọn hiệu quả. Bạn có thể tạo ra một khoảng che mưa nắng cho khu vực sàn với các loại trần mềm như pergola có mái đóng mở hay đơn giản hơn với một chiếc ô di dộng mang hơi thở vùng nhiệt đới mà bạn có thể tuỳ chỉnh vị trí một cách dễ dàng. Ngoài ra một số sàn ngoài trời còn có các tấm chắn nghiêng, mành tre, màn sáo v.v có thể đóng mở để lấy gió và thoát nhiệt hết sức linh động.


Kết hợp vườn trên sàn


Thật không khó để tạo ra một khu vườn trên sàn vừa mang đậm cá tính gia chủ lại vừa có tác dụng làm mềm không gian và những góc chết không mong muốn.


Bạn hoàn toàn không cần một khoảng sân quá rộng cho cây trồng xung quanh, thay vào đó trồng cây trong chậu, bồn, v.v. là những thứ mà bạn có thể tự do di chuyển vị trí, thay đổi màu sắc chủng loại theo mùa và theo gu thưởng thức của chính mình. Đừng lo lắng vì những loại này thường không chiếm quá nhiều diện tích trên mặt sàn của bạn, thậm chí bạn có thể làm một khu vườn treo xinh xắn gắn liền với những giàn pergola hay dọc theo lan can của sàn cùng với dây treo chắc chắn sẽ góp phần làm không gian sinh hoạt ngoài trời thêm tươi mới và gần gũi với thiên nhiên.


Một sân vườn hoàn hảo với chi phí hợp lý hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn! Hãy liên hệ với công ty chúng tôi để được tư vấn, thiết kế và thi công cảnh quan sân vườn ngay từ bây giờ. Với đội ngũ những kiến trúc sư, kỹ sư cảnh quan chuyên nghiệp am hiểu về cảnh quan, phong thuỷ và đặc tính từng loại cây trồng, chúng tôi chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những không gian xanh giá trị và bền vững, mang thiên nhiên đến với bạn và hơn thế nữa!


nhóm KTS Nguyễn Đình Thanh Tâm – Nguyễn Bảo Tiên Hoàng


Phòng nghiên cứu hình thái cảnh quan – Công ty CP DV Giải Pháp Cảnh Quan (LSS)










































Tùng Dương – Nguyên Lê làm liveshow “Độc đạo”

Tùng Dương – Nguyên Lê làm liveshow “Độc đạo”

Tùng Dương – Nguyên Lê làm liveshow “Độc đạo”











SGTT.VN - Nằm trong dự án đánh dấu sự ra mắt của “Độc đạo” – album kết hợp với nhạc sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, ca sĩ Tùng Dương sẽ thực hiện live concert “Tùng Dương – Nguyên Lê: Độc đạo” vào lúc 20g ngày 24.11 tại cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.


Đêm nhạc có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế: Tom Diakité, Julia Sarr và ban nhạc của nhạc sĩ Nguyên Lê. Album Độc đạo được thực hiện tại Pháp, là tác phẩm kết hợp chất liệu dân gian Việt Nam với chất liệu âm nhạc của rất nhiều quốc gia trên thế giới, thể hiện sự tương tác, khám phá và hoà trộn các nền văn hoá.


Bá Sơn, ảnh CTV






Dấu ấn Phương Thanh 20 năm ca hát

Dấu ấn Phương Thanh 20 năm ca hát

Dấu ấn Phương Thanh 20 năm ca hát











SGTT.VN - Chương trình ca nhạc “Dấu ấn” số 4 sẽ diễn ra vào lúc 20g, ngày 2.11 tại nhà thi đấu Nguyễn Du (TP.HCM) với nhân vật chính là ca sĩ Phương Thanh, cùng khách mời: Mỹ Lệ, Quang Hà, Noo Phước Thịnh, Ngọc Minh...


Đạo diễn chương trình Vũ Thành Vinh cho biết đây sẽ là chương trình tái hiện những dấu mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp 20 năm ca hát của Phương Thanh, được kể lại bằng ngôn ngữ âm nhạc, qua những ca khúc đã làm nên và gắn liền với tên tuổi Phương Thanh: Xa rồi mùa đông, Giã từ dĩ vãng, Trống vắng, Một thời đã xa, Khi giấc mơ về… Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9 – đài Truyền hình Việt Nam, VTV Phú Yên, VTV Huế và một số đài truyền hình địa phương khác.


Hương Trần, ảnh Lý Võ Phú Hưng






Hết chịu khổ, rồi đến… chịu cực!

Hết chịu khổ, rồi đến… chịu cực!

Hậu các dự án, công trình chống ngập


Hết chịu khổ, rồi đến… chịu cực!










Ngập nước ở khu vực cầu Tân Hoá, quận 11. Ảnh: An Nhơn



SGTT.VN - Ở hầu hết các dự án, công trình chống ngập, trước khi thi công, để “an dân”, cơ quan chức năng liên quan thường tuyên bố, xong dự án thì người được hưởng lợi đầu tiên là dân nên trước hết phải ráng chịu khổ. Nhiều năm liền, người dân TP.HCM đành chấp nhận sống trong cảnh lôcốt bao vây tứ bề với hy vọng khi công trình hoàn thành, đường sá, nhà cửa không còn cảnh ngập lụt. Nhưng, hỡi ôi...


“Sợ lắm bài học cũ”


Hàng loạt dự án chống ngập đã được đưa vào sử dụng nhưng mỗi khi mưa lớn và triều cường thì ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí còn ngập nặng hơn. Người dân mất hết lòng tin, đâm ra nghi ngờ các dự án mang tên chống ngập đang và sẽ triển khai.


Đường Bùi Hữu Nghĩa là một trong nhiều con đường ở quận Bình Thạnh sau khi được thành phố quan tâm xây dựng các công trình chống ngập thì nay vẫn đang chịu cảnh đường thành sông mỗi khi triều cường hay mưa to. Người dân trên tuyến đường ngắn này nhiều năm qua cuộc sống bị xáo trộn vì đường sá bị lật tung lên, lôcốt án ngữ ngay trước cửa. Nay, họ uất ức vì thấy sự hy sinh của mình trở nên vô ích. “Trước vì “đại cuộc” nên không dám ca thán khi bị lôcốt hành. Nay tưởng “ngon” như lời các cơ quan tuyên bố thì hỡi ơi, chỉ còn biết kêu trời. Đúng là trước chịu khổ, nay tiếp tục chịu cực!”, chị Hoàng Thị Lan, ngụ đường Bùi Hữu Nghĩa, bức xúc.


Khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình từ nhiều năm trước đã có hàng loạt lôcốt bao vây ở các tuyến đường Âu Cơ, Luỹ Bán Bích… để thi công các dự án chống ngập. Tới nay, lôcốt rút đi, đường sá ngày càng... ngập nặng hơn. Cơ quan chức năng giải thích, hiện đang thi công dự án Tân Hoá – Lò Gốm nên người dân ráng chờ đến năm 2014, thời điểm dự án thi công xong, sẽ xoá ngập cho khu vực Bàu Cát. Nhưng liệu người dân còn tin vào những lời hứa đó?


“Đừng dùng từ xoá ngập để dân hiểu lầm”










Người dân buôn bán trong cảnh ngập nước do triều cường. Ảnh chụp sáng 21.10 tại phường 27, quận Bình Thạnh. Ảnh: Thanh Hảo



Lý giải về tình trạng ngập ở ven dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, một cán bộ thuộc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho hay, dự án này mới hoàn thành giai đoạn 1, còn phải triển khai tiếp giai đoạn 2. Cũng theo vị này, đường Bùi Hữu Nghĩa thuộc khu vực trũng nên rất dễ ngập. Còn có nguyên nhân quan trọng nữa là dự án cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn chưa thể vận hành, vì còn 5% khối lượng công việc chưa thi công xong.


Nếu các dự án chống ngập mà thành phố đã và đang thực hiện đều hoàn thành, liệu còn cảnh đường và nhà dân chìm trong nước? Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Long Phi, giám đốc trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) TP.HCM, cố vấn các vấn đề ngập nước cho trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, nói: “Chúng ta không thể dùng từ xoá điểm ngập này điểm ngập nọ. Nói như thế là chủ quan, gây hiểu lầm trong dân. Chúng ta chỉ có thể khẳng định giảm ngập mà thôi. Theo tôi, ở một dự án chống ngập khi đưa vào sử dụng, nếu giảm ngập được 90% ở các lưu vực mà nó đi qua là đã quá thành công”.


Cũng theo ông Phi, chuyện ngập do tiết diện cống nhỏ hơn vũ lượng mưa hay thuỷ triều ở thành phố là do tính toán từ đầu chưa đồng bộ. “Ở Hàn Quốc, khi tình trạng trên xuất hiện, chính quyền nhanh chóng đào đường hay vỉa hè (chủ yếu là những con đường nhỏ – NV), chôn những khối xốp xuống và lát gạch con sâu lên, khối xốp sẽ tạm trữ nước, không gây ngập mặt đường. Giải pháp này cộng với việc quy hoạch thêm các hồ điều tiết thì TP.HCM sẽ khắc phục được tình trạng cống bị vượt quá công suất gây ngập như thời gian gần đây”, ông Phi nói.


Chống ngập bằng cốt nền?


Trên phương tiện truyền thông, bàn về vấn đề chống ngập cho TP.HCM, tại hội nghị lần thứ 16 ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá IX diễn ra ngày 26.10 vừa qua, ông Tất Thành Cang, giám đốc sở Giao thông vận tải, đưa ra giải pháp: sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành chỉ tiêu xoá bảy điểm ngập trong năm 2013. Năm 2014 – 2015 sẽ xoá thêm 14 điểm ngập... Để thực hiện việc này, ông Cang đề nghị sở Quy hoạch – kiến trúc cùng các cơ quan chức năng xác định, công bố cốt nền xây dựng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.


Vai trò nào của cốt nền trong công tác chống ngập? Theo ông Hồ Long Phi, xác định lại cốt nền để chống ngập chính là chuyện nâng cốt nền. “Xét ở khía cạnh lý thuyết thì việc nâng cốt nền chống ngập là bài toán vô cùng căn cơ và hơn hẳn việc làm đê bao. Tuy nhiên, thực hiện việc này đối với các cao ốc, các căn nhà đã được xây dựng là chuyện bất khả thi. Hơn nữa, nếu quy định nâng cao cốt nền áp dụng cho các công trình mới nằm xen kẽ với các công trình cũ thì chẳng khác nào đổ nước từ đây sang đó mà thôi”, ông Phi nói.


Việc nâng cao cốt nền chỉ có thể áp dụng được ở những khu vực mới, ít nhà dân, cần quy hoạch lại vì cốt nền ở các khu dân cư sẽ được nâng cao đồng loạt. Đi kèm với giải pháp này, đòi hỏi phải có đường dẫn cho nước chảy xuống cống, kênh mương, làm sao cho hợp lý.


Đối với đề xuất ban hành quy định bắt buộc có hồ chứa nước trên nóc nhà đối với những công trình xây dựng lớn, theo ông Phi cũng là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí. Ông Phi giải thích: hồ chứa nước nếu có xây dựng thì người ta xây dựng ở dưới tầng hầm chứ không xây trên nóc. Thứ hai xây dựng hồ chứa nước là rất tốn kém, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ. “Tại sao chúng ta không quy định đóng phí môi trường qua việc thoát nước mưa của các công trình lớn để lấy tiền đó phục vụ công tác cải tạo hệ thống cống thoát”, ông Phi đề xuất. Có lẽ, việc cấp thiết trước mắt là chính quyền phải hướng dẫn người dân sống, sản xuất, kinh doanh thế nào để giảm tối đa những thiệt hại về ngập gây ra.


Ông Phi đặt vấn đề: “Về lâu về dài, trong công tác chống ngập phải xác định chỉ bảo vệ vùng cao. Nói đơn giản, nếu chính quyền tuyên bố chống ngập cho tất cả vùng trũng nhưng thực tế, các công trình bảo vệ lại luôn chỉ có giới hạn. Do đó, chúng ta không nên phát triển theo hướng bình thường nữa, mà nên phát triển theo hướng sẵn sàng đối mặt với nguy cơ. Đó gọi là thích nghi”.


Đào Lê






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ