Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lòng dạ tivi

Lòng dạ tivi

Lòng dạ tivi


SGTT.VN - Cảm xúc đối với tivi của con trai tôi bây giờ đã khác, quá khác với thế hệ anh em tôi khi bằng tuổi cháu bây giờ. Tivi là một phần chứ không phải cả thế giới như thế hệ anh em tôi ngày trước. Ngày nay, có nhiều cách để tiếp cận được với thông tin nhưng dường như, sự minh bạch lại trở thành của hiếm, lòng người sao càng trở nên hoang mang, bất ổn hơn. Khoảng cách để đến với sự thật bỗng dưng trở nên xa xôi hơn bao giờ hết dù tivi, hàng ngày vẫn mồn một diễn ra biết bao hình ảnh, từ cấu tạo sợi tóc đến nguồn cơn một trận bão tuyết ở Bắc Cực!











Tôi nói, khi tôi vào đại học rồi thì ba tôi mới sắm tivi, cátxét thì bạn bè ít người tin như thế. Con trai tôi càng không tin vì hiện giờ, cháu thấy nhà ngoại có đến ba cái, một ở nhà trên, một ở nhà dưới và một ở trên gác, nơi ngủ của ông bà. Bạn còn bĩu môi, không có cátxét mà bài nhạc sến nào mày cũng biết, Tây Du Ký mày cũng mê, chị Dậu mày cũng nói mày coi phim rồi. Ơ, hoá ra bạn không nghĩ là mình coi ké và nghe lén à?


Xem tivi ké cách đây 30 năm là một việc hết sức bình thường, cả xóm mà được ba nhà có truyền hình đã là xóm giàu. Khi tôi tám tuổi, cái tivi đen trắng 14 inch đã là một tài sản nên ai cũng đặt nó trang trọng ở nhà trên, như bà tôi, để tivi trong một cái tủ nhỏ cạnh bàn thờ. Hồi đó, tôi thấy mình sướng hơn cả chục đứa khác vì nhà nội có tivi, chỉ cần bước đúng một bước chân là tôi đã có thể nằm dài trên giường ngủ của bà mà xem rồi. Tivi không có nhiều kênh để chuyển liên tục như bây giờ, cả miền Đông nam bộ hầu như chỉ xem được mỗi đài Truyền hình TP.HCM mà thôi. Chương trình Những bông hoa nhỏ thì tôi không khoái nên bây giờ không còn ký ức gì nhưng lịch phát sóng của đài thì nhớ rất rõ là tối thứ hai, ba, tư thì có phim, thứ năm có Chuyện trong nhà ngoài phố, tối thứ sáu là ca nhạc theo yêu cầu, tối thứ bảy là cải lương. Hôm nào có cải lương là nhà nhà nấu cơm ăn sớm, chạng vạng tối đã có người cầm đèn dầu ống khói qua ngồi chơi ở hàng hiên, (đèn dầu để khuya soi đường mà về), vừa râm ran chuyện làng chuyện xóm vừa đợi anh tôi đi sạc bình ắcquy về, (thời đó chưa có điện đóm gì, tivi hát bằng bình acquy). Hôm nào vui và đông người, bà tôi hay làm kẹo đậu phộng mang ra đãi khách, thì cũng vòng vòng bà con quanh đó và con cháu trong nhà. Chiếc tivi đảm nhận vai trò giải trí chủ đạo suốt một thời gian dài vì vòng quanh bán kính 40km nhà tôi ở, không hề có bất cứ một điểm vui chơi giải trí nào. Nói 40km cho vui thôi, chứ cũng làm gì có xăng mà chạy xe xa chừng ấy để tìm vui. Ấy là cái thời, Nhà nước phát bo bo cho giáo viên ăn độn, áo mặc bằng vải tám in hoa… cái thời, dường như mọi thứ còn hợp lắm với từ giản dị, chừng mực (vì có dư đâu mà lo chuyện vung tay!). Chuyện tivi bây giờ nhắc lại, có cả một thế hệ chung nhau từ “coi ké”. Cả một thế hệ trộm nhìn nhau lén nắm tay nhau trên con đường làng tối om đến nhà một cậu mợ bác chú nào đó để coi ké tivi. Không có remotve và không có nhiều kênh, giờ nào coi đúng chương trình nấy trong thời khoảng hết sức giới hạn.


Rồi thì tivi dần trở nên phổ thông, tôi thèm thuồng nhìn nhà bạn bè, nhà nào cũng có một cái tivi màu. Ba tôi, dù không phải thiếu tiền, cũng kiên quyết không mua. Ban đêm, đứa nào học bài thì phải ở nhà lo học cho xong mới được “vác mặt” qua nội coi tivi. Giờ nghĩ lại, khi cả gia đình tôi, chú tôi và nội cùng quây quần trước màn hình tivi thì dường như, lúc ấy thần thái của nội là thanh thản nhất. Phần tôi, nằm coi tivi trên chăn êm nệm ấm của nội nên ít khi nào coi hết vở tuồng gì, vì ngủ. Sáng ra cứ định thần, ủa hồi tối mình qua nội xem tivi, mà giờ sao nằm ngủ ở nhà. Làm sao đếm được bao nhiêu lần, sợ tôi mất giấc ngủ, ba toàn bồng tôi về nhà. Khi cơ thể bắt đầu dài ngoằng và não bắt đầu biết nghĩ… cho ba, tôi nhớ chắc khoảng lớp 8, cũng sau một sáng thức dậy biết là đêm qua ba lại ẵm mình về, tôi bắt đầu thương ông và thề với lòng, không được ngủ quên để ba nặng nề nữa. Mặt khác, tôi dặn đi dặn lại ba đừng ẵm nữa, nếu con ngủ quên, thì kêu con dậy, con tự đi về giường. Người ta có nhiều dịp để “đốn ngộ” tình yêu của bậc sinh thành, còn tôi, thì nhờ đi coi ké tivi và biết rằng, mình là con gái yêu dấu nhất của người.


Nhưng là tôi may mắn, bạn tôi bảo thế vì ngày xưa, cũng nghèo khó thiếu thốn, một chùm sáu anh em nhà bạn đêm đêm nắm áo nhau đi qua ba bốn thớt tiêu (*) để đến nhà bác ruột của bạn xem ké tivi. Và nhiều lần, bác ấy nói hôm nay chương trình dở, hôm nay hết bình để sáu anh em bạn ra về. Mà con nít quá hồn nhiên trong sáng không hiểu thấu lòng người, sáu anh em biết là không phải vậy nên núp lại bên hàng rào nhà bác, chờ khi bác bật tivi lên để chỉ riêng nhà bác xem thì nhảy ra hét mừng, chọc quê như thể bắt gặp một cặp đôi nào hôn lén nhau sau hè, rồi vô tư kéo cửa bước vô nhà, vô tư phủi đít ngồi dưới sàn gạch ngóng cổ lên coi phim. Khi bắt đầu hiểu ra và tự ái thì bạn buồn, buồn tới bây giờ vì không hiểu sao bác ruột mình lại hẹp hòi đến vậy. Thêm sáu đôi mắt nhìn vào cái tivi thì chương trình có dở đi không, thêm sáu cái mông xếp hàng ngồi dưới sàn thì gạch có mòn đi không mà sao lòng bác bạn chật quá!


Bây giờ, bạn làm ăn phát đạt, nhà cao cửa rộng. Ở phòng khách bạn đặt một cái tivi to, phòng ăn thì tivi nhỏ. Phòng vợ chồng con cái đều có tivi riêng. Bạn sắm tivi như để rửa hận ông bác xấu tính, rửa cái hận nghèo nàn của tuổi thơ ở làng quê tăm tối. Nhưng hình như bạn thấy, vẫn có gì không ổn lắm khi trong nhà, mỗi người một thế giới riêng. Bạn không biết chính xác con mình thích chương trình gì nữa. Sau vài bắt gặp nó xem chương trình đấu vật bạo lực đầy thú tính gì đó của Mỹ, bạn cấm. Nhưng dù lệnh cấm có ban ra, bạn cũng không thể nào biết được con mình có nghe lời thật sự hay chỉ giả vờ. Thế giới riêng của nó sau một cánh cửa gỗ, nó hấp thu một kênh giáo dục khác, từ hằm bà lằng thứ phát trên tivi và internet chứ ít từ nếp nhà. Bạn nghĩ hoài nghĩ hoài, vật chất đầy đủ, tình cảm gia đình bạn cũng ổn mà sao nhà cửa không ấm như bạn hằng mong.


Tivi ngày nay không còn là tài sản để phân biệt “đẳng cấp” như thời xửa thời xưa, càng không đóng vai trò giải trí duy nhất nữa. Tivi bật mở suốt ngày, không vì giá trị thông tin hay nghệ thuật mà nó mang đến. Tivi đôi khi được mở lên, chỉ để cho ngôi nhà có chút âm thanh để bớt hiu quạnh. Tivi, có ai ngờ, đóng cả vai trò giữ trẻ. Nhiều vợ chồng trẻ bận đi làm, ban ngày giao con cho người làm trông giữ. Người làm mải chơi hoặc nhiều việc, lại giao đứa trẻ cho chiếc tivi. Nó xem tivi ngày này qua tháng khác, sống với người mà giao tiếp chủ yếu với tivi. Có đứa, đến bốn năm tuổi vẫn chưa biết nói tiếng người, dù miệng thì tía lia đủ loại âm thanh, tay thì liên tục chuyển kênh bằng remotve. Giật mình mang con đến bác sĩ tâm lý, dẹp bỏ tivi, đứa trẻ học nói lại từ đầu, may, cũng còn kịp.


Nhiều nhà tâm lý cũng cảnh báo ảnh hưởng của tivi với hạnh phúc lứa đôi khi cứ đặt nó trong phòng ngủ. Phòng ngủ chỉ nên dành để ngủ, để riêng tư. May, vài kiến trúc sư sau này cho biết, cũng đã nhiều người ý thức được mặt trái của tivi nên thường yêu cầu kiến trúc sư thiết kế duy nhất vị trí cho một tivi trong nhà. Giải pháp ổn nhất là, tivi đặt ở phòng sinh hoạt chung, hãy để cho nó trở lại với vai trò tốt đẹp ban đầu là kết nối những điều tốt đẹp, là trung tâm của giao lưu tình cảm gia đình. Vừa xem tivi, cha mẹ vừa nương theo câu chuyện mà dạy dỗ con cái. Có thể một ngày nào đó, vì không thể xem kênh HBO, một thanh niên ngồi xem cải lương với bà của mình, lại thấy loại hình này cũng hay đó chứ!


Trương Gia Hoà


(*) ở quê, một mảnh vườn vuông vắn trồng tiêu người ta gọi là một thớt tiêu, dù xét về diện tích,

nó phải gấp 5.000 lần cái thớt cắt thịt.






Fansipan mai này có còn bình yên?

Fansipan mai này có còn bình yên?

Fansipan mai này có còn bình yên?


SGTT.VN - Ở Việt Nam, dường như trên bất kỳ ngọn núi nào người ta cũng muốn xây cáp treo: Núi Bà Đen, Bà Nà, Yên Tử, Vũng Tàu, Tà Cú... và giờ là Fansipan, ngọn núi cao nhất Việt Nam cũng không được yên.


Kịch bản của những dự án này bao giờ cũng là phát triển du lịch tâm linh bằng cách xây dựng một ngôi chùa thật lớn trên đỉnh núi. Nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sapa có theo đạo Phật đâu? Cội nguồn văn hóa của người Việt là thờ phụng tổ tiên chứ không phải Phật giáo, tượng Phật to đùng trên đỉnh núi để làm gì?










Ở Việt Nam, dường như trên bất kỳ ngọn núi nào người ta cũng muốn xây cáp treo. Ảnh: dulichgo



Rồi xây dựng khu vui chơi giải trí phức hợp hiện đại nhất Việt Nam, nhất khu vực thậm chí nhất thế giới (khắp nơi trên đất nước đều có cáp treo, vậy Sapa khác biệt gì? danh hiệu hiện đại nhất châu Á để làm gì?) Để tô hồng thêm dự án "điên rồ" của mình, nhà đầu tư bao giờ cũng lấy cớ là giúp phát triển du lịch địa phương, thu hút thêm khách du lịch, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, nhưng trên thực tế những dự án này đã mang lại lợi ích cho người dân như thế nào? có tạo được bước đột phá cho nền kinh tế du lịch địa phương như những chữ nghĩa mà người ta viết trên giấy? Khu du lịch Bà Đen, Vũng Tàu, Tà Cú, Bà Nà... có nhiều khách du lịch nước ngoài như người ta mong muốn hay chỉ để phục vụ số ít khách du lịch Việt Nam?


Trở lại với Sapa, tại sao du khách đến Sapa lại không nhiều, câu trả lời là vì cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch chưa hiện đại và thuận tiện: phải mất 9 tiếng đồng hồ trên tàu lửa đế đến Lào Cai rồi tiếp tục đi xe lên Sapa. Theo tôi, xây cáp treo từ Lào Cai lên Sapa nghe có vẻ còn hợp lí! Hệ thống nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch, mua sắm đã được hoàn thiện chuyên nghiệp đâu?


Mọi người đã rất buồn vì mất đi một Đà Lạt nên thơ, trong lành, vì giờ Đà Lạt đã thành một đô thị quá nhộn nhịp, đông đúc và bê tông hóa, thế nhưng với tham vọng kinh tế, người ta lại muốn biến Sapa hoang dã thành một đô thị hiện đại. Có nên như vậy không? Có nên chi ra số tiền lớn như vậy cho một dự án "phá nát vẻ đẹp của Sapa và dãy núi Hoàng Liên Sơn" không? Trong khi đời sống của người dân tộc thiểu số ở đấy vẫn còn rất khó khăn?


Sapa hấp dẫn là vì khí hậu mát lạnh, là thiên nhiên hùng vĩ, là văn hóa các dân tộc thiểu số đa dạng, là sự yên bình, là sự khác biệt. Các khu du lịch giải trí phức hợp có rất nhiều trên thế giới và khắp nơi ở Việt Nam, và nó không hợp với một Sapa hoang dã. Tại sao lại cần cáp treo để leo lên Fansipang mà không để du khách tự mình chinh phục đỉnh núi và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên thuần túy? (Không lẽ 3/4 địa hình của Việt Nam là núi thì đều phải có cáp treo sao?)


Tại sao lại cần nhiều du khách đến Sapa để nó trở nên hỗn tạp mà không là một số lượng khách vừa đủ nhưng chất lượng? Tại sao không phải là hoàn thiện Sapa bằng những việc nhỏ: thân thiện với du khách, không chặt chém, không vứt rác bừa bãi trong rừng, trong thành phố, không làm ô nhiễm các con sông, con suối, không lôi kéo du khách... Tại sao không giúp người dân địa phương phát triển những nghề thủ công truyền thống của mình để xuất khẩu tại chổ những mặt hàng đó? Tại sao không bảo vệ thiên nhiên, môi trường sạch sẽ để Sapa mãi xanh tươi?


Những việc tuy rất nhỏ nhưng tôi tin đó là cách không tốn kém để làm Sapa trở nên hấp dẫn, và khác biệt trong một thế giới hiện đại và làm du khách phải lưu luyến, mong muốn quay trở lại. Đâu phải lúc nào hiện đại cũng là tốt với mọi địa điểm mà chính sự KHÁC BIỆT mới tạo nên THÀNH CÔNG. Làm ơn hãy để yên Sapa – hãy để Fansipan mãi xanh tươi!


Trần Phan Nguyệt Minh






HQC Plaza chuyển thành hơn 1.730 căn nhà xã hội

HQC Plaza chuyển thành hơn 1.730 căn nhà xã hội

HQC Plaza chuyển thành hơn 1.730 căn nhà xã hội


SGTT.VN - Theo quyết định mới đây của UBND TP.HCM, dự án nhà ở xã hội của công ty địa ốc Hoàng Quân tại Bình Chánh sẽ dành 50% bán cho bộ Công An và 50% còn lại bán cho các đối tượng khác. Dự án này nguyên là dự án cao cấp của Hoàng Quân, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Linh, gần chợ Bình Điền nay được chuyển sang nhà ở xã hội.










Nơi đây sẽ có hơn 1.700 căn nhà xã hội.



Theo quyết định này, HQC Plaza (tên gọi của dự án nhà xã hội Hoàng Quân tại Bình Chánh - Khu chung cư CC1 – Khu 2, Khu tái định cư Bến Lức) cung cấp toàn bộ số căn hộ block HQ2 và HQ4 tương ứng với 50% số căn hộ của dự án cho cán bộ, đoàn viên bộ Công an; cung cấp toàn bộ số căn hộ thuộc block HQ1 và HQ3 tương ứng với 50% số căn hộ của dự án cho các đối tượng thuộc chính sách nhà ở xã hội tại TP.HCM.


Trước đó, Dự án 1.735 căn nhà này dự tính sẽ bán cho cán bộ, chiến sĩ đoàn viên thanh niên thuộc bộ Công an khi ngày 22.7.2013, bộ Công an, ngân hàng BIDV cùng Hoàng Quân đã ký thỏa thuận hợp tác ba bên để phát triển dự án HQC Plaza. Bộ Công an cũng có công văn chấp thuận chủ trương hợp tác bán toàn bộ 1.735 căn hộ thuộc dự án HQC Plaza với giá ưu đãi cho các bán bộ chiến sĩ lực lượng công an nhân dân thuộc đoàn Thanh niên bộ Công an.


Tuy nhiên sau đó, bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu Hoàng Quân nên dành 50% số căn hộ bán cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở khác trên địa bàn TP.HCM. Bộ Công an cũng sau đó cũng đồng ý phương án này.


HQC cho biết, họ cam kết hoàn thành tiến độ vào quý 4/2015. Dự án này cũng được nhận khoản vay 540 tỉ đồng từ BIDV theo gói 30.000 tỉ đồng.


Được biết, dự án gồm 4 block chung cư cao từ 23 - 24 tầng với 1.735 căn hộ có diện tích từ 54.87m2 - 69.85m2, giá nhà hoàn thiện từ 11,8 triệu/m2 - 12,8 triệu/m2.


NAM HƯNG






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ