Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Người cuối cùng làm bún bắp

Người cuối cùng làm bún bắp

Người cuối cùng làm bún bắp


SGTT.VN - Bún bắp tươi mà ăn với nước cá tươi bắt từ đầm Ô Loan lên nấu ngót thời tư vị độc nhất vô nhị. Nói “độc nhất vô nhị” vì không đâu khác có bún bắp và đầm Ô Loan cũng chỉ một.










Máy giã bún bắp do Võ Tấn Quân thiết kế. Ảnh: CK



Xã An Dân nổi tiếng với ba di sản. Gần đây nhất, vừa được công nhận cây di sản là 20 cây xoài 220 năm tuổi trong khuôn viên chùa Từ Quang, một trong những di tích quốc gia. Di sản thứ ba là thành An Thổ, một công trình quân sự vừa là trung tâm hành chính của Phú Yên, xây năm 1836, dưới thời Minh Mệnh.


Xã An Dân còn nổi tiếng với món bún bắp (corn noodles) không nơi nào có, nhưng dường như đã bị lãng quên. Người cuối cùng làm nghề bán bún bắp hơn 50 năm suốt từ thời con gái là bà Chín Ít, 74 tuổi, vừa bỏ nghề vì già yếu.


Đến Tuy Hoà, hỏi nơi bán bún bắp, nhiều người dân bản xứ trố mắt rồi lắc đầu không biết. Đi xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên, hỏi chỗ làm bún bắp, một sĩ quan hưu trí phải lục trong trí xem ai còn làm ai hết làm, và rồi phải điện thoại, phải xách xe chạy đi hỏi thăm. Cuối cùng, chúng tôi mới tìm thấy kẻ nối nghiệp bà Chín Ít là Võ Tấn Quân, chừng 30 tuổi, ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An.


Nhiều người nước ngoài qua trang web vietnam-beauty.com biết nhiều đến bún bắp hơn cả người Phú Yên. Họ bình phẩm trên trang web về món này: “really great” (thực tuyệt vời)! Bún bắp ngon nhưng suy vi do quy trình sản xuất công phu và kéo dài.


Trước tiên là khâu giã bắp. Bắp giã chung với trấu, một mẻ vừa cối chừng năm cân bắp khô. Vừa giã vừa sàng sảy hốt bắp đã nát ra còn lại bắp chưa nát giã tiếp. Quân giải thích: nếu làm bột bắp thì chỉ xay ra rất mau, mà như vậy cho ra bún không ngon. Nhưng anh không lý giải được vì sao. Để giữ được nghề lâu dài, chàng trai này đầu tư một cái cối giã bằng môtơ điện.


Khi bắp nát đã sàng lấy gạo bắp – gọi là kiều ngựa – và loại bỏ cám cùng mày, người ta mới đem ngâm nước, mùa cuối năm chừng 15 phút, mùa hè 30 phút. Có tính đúng thời gian thích hợp với nhiệt độ để vớt ra kịp lúc thì bún mới không sượng. Gạo bắp được đưa đi ủ một ngày một đêm. Ủ xong, cho ra nia phun nước giữ ẩm, để ba ngày sau mới đem ngâm nước thêm một ngày để loại mùi chua trước khi đưa vào cối quết thành bột – công đoạn này Quân cũng làm bằng máy. Bột bắp cho vào túi vải nén thành khối rồi cắt ra luộc lại chừng 15 phút trước khi cho vào máy xay nhuyễn lần cuối. Sau rồi mới nhồi bột lại với nước ấm, đưa qua máy đùn sợi để sợi rơi vào nồi nước sôi nấu đến khi bún chín nổi lên mặt nước mới vớt ra bắt thành lọn. Một mẻ bún mất 6 – 7 ngày.










Bún bắp từ Tuy An gửi vào Sài Gòn. Ảnh: CK



Bởi Quân mê dữ dằn món bún này từ hồi 9 – 10 tuổi, nên mới dồn tiền dồn sức đầu tư 70 triệu đồng để bán cơ giới hoá việc sản xuất và xây nhà xưởng ở khu phố Chí Thạnh, thị trấn Chí Thạnh. Sau đó, anh mời bà Chín Ít đến ở tại nhà đúng một tháng để truyền nghề cho Quân. Sau một tháng, sư phụ Ít nghiệm thu và “đánh giá bằng 95% so với bà làm” – Quân cho biết với bao là hãnh diện.


Bún bắp tuy có Quân cố níu như một thứ đặc sản công phu, vẫn suy vi. Những người nước ngoài đọc trang web vietnam-beauty.com sẽ không tìm thấy bún bắp ở chợ Chí Thạnh nếu muốn ăn theo hướng dẫn là ngày rằm và mồng 1. Ngày rằm Quân chỉ làm theo đơn đặt hàng. Mồng 1 chỉ sản xuất 35kg. Bún bắp tươi mà ăn với nước cá tươi bắt từ đầm Ô Loan lên nấu ngót thời tư vị độc nhất vô nhị. Nói độc nhất vô nhị vì không đâu khác có bún bắp và đầm Ô Loan cũng chỉ một. Nhưng dân Phú Yên dường như chẳng ai màng tới món ăn mà Tây cho rằng “thực tuyệt vời” (đúng là Bụt nhà không thiêng). Sợi mì spaghetti Ý ở Sài Gòn chỉ đáng xách dép cho bún bắp. Cái ngọt của bắp tuy đã khô, đã hạ thấp độ ngọt không như lúc mới bẻ, nhưng vẫn còn quý phái lắm.


Bún bắp suy vi một phần nữa do nó sinh ra ở làng quê một thời sầm uất vì là thủ phủ của Phú Yên. Nhưng rồi làng quê trở nên nghèo khó khi từ đô thị dần dần nông thôn hoá, tỉnh phát triển đô thị về phía Nam. Bún làm rất kỳ công, giá hiện nay là 30.000 đồng/kg, không phải là sự lựa chọn của người dân quê so với bún gạo. Cũng vì lẽ đó mà bún phải dời vô sống ở chợ thị trấn Chí Thạnh. Nhưng nhu cầu vẫn eo sèo. Chúng tôi đã thử đưa bún vào Sài Gòn, đến một số nhà hàng. Vấn đề còn lại là làm sao “rửa phèn nhà quê” của “người đẹp” bún bắp.


Ngữ Yên






Mỹ thách thức tính pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc

Mỹ thách thức tính pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc

Mỹ thách thức tính pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc


SGTT.VN - Ngày 5.2, Mỹ kêu gọi Trung Quốc làm sáng tỏ và điều chỉnh lại các đòi hỏi chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đồng thời hối thúc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho một trong những điểm nóng có nguy cơ ngày càng lớn của châu Á này.


Trong khi căng thẳng đang ở mức cao do Bắc Kinh áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm quần đảo mà Nhật Bản quản lý trên Biển Hoa Đông, thì người ta ngày càng quan ngại về một cuộc đọ sức mới trong cuộc tranh chấp riêng rẽ ở Biển Đông.










Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel. Ảnh: AFP



Đề cập đến những tranh chấp này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đã thách thức cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh thể hiện các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông.


Ông Russel cho rằng các tuyên bố hàng hải theo luật pháp quốc tế cần dựa trên đặc điểm đất đai.


Ông nói: “Bất cứ đòi hỏi nào của Trung Quốc đối với quyền hàng hải mà không dựa trên các đặc điểm đất đai được tuyên bố đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể nêu bật sự tôn trọng luật pháp quốc tế của mình bằng việc làm sáng tỏ hoặc điều chỉnh lại đòi hỏi của họ cho phù hợp với luật biển quốc tế”.


Ông Russel đồng thời ủng hộ quyền của Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển của Liên hợp quốc như một phần của nỗ lực tìm kiếm giải pháp “hòa bình phi cưỡng bức”.


Tuy nhiên, biện pháp này đã bị Trung Quốc bác bỏ trong năm ngoái.


Theo ông Russel, việc Trung Quốc không làm sáng tỏ các đòi hỏi của họ ở Biển Đông đã tạo ra sự bất định trong khu vực và hạn chế triển vọng đạt được giải pháp đồng thuận hay các thỏa thuận phát triển chung công bằng.


Những bình luận của ông Russel thể hiện lập trường ngày càng quyết liệt của Mỹ ở Biển Đông.


Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton tuyên bố rằng tự do đi lại là một lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, tuyến vận chuyển hơn một nửa khối lượng hàng hóa thương mại của thế giới.


TTXVN






Mỹ chấp nhận cho Iran đàm phán về Syria

Mỹ chấp nhận cho Iran đàm phán về Syria

Mỹ chấp nhận cho Iran đàm phán về Syria


SGTT.VN - Mạng tin "Debka" ngày 5.2 cho biết Washington đã cho phép một phái đoàn của Iran tham gia vòng 2 hội nghị Geneva II về cuộc xung đột Syria dự kiến khai mạc ngày 10.2.










Hội nghị Geneva 2 về Syria. Ảnh: TTXVN



Theo nguồn tin này, Mỹ đã đột ngột thay đổi lập trường so với cách đây một tuần và cho phép các đại biểu của Tehran lặng lẽ tham gia cuộc họp bí mật tại Bern (Thụy Sỹ).


Sự kiện này diễn ra song song với hội nghị công khai tại Montreux với sự tham gia của chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập, cũng như các quan chức cấp cao Mỹ và Nga.


Công việc thực sự được thu xếp trong các phòng họp kín chứ không phải ở Montreux, nơi các quan điểm chính thức được trình bày trước công chúng chỉ để che đậy cho cuộc họp tại Bern.


Việc chấp nhận để Iran tham gia cuộc đàm phán ở Bern đánh dấu một sự nhượng bộ lớn khác của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tehran.


Lần đầu tiên các đại biểu Iran có ghế tại một bàn hội nghị quốc tế cùng các cường quốc để đưa ra các quyết định về chính trị và chiến lược cho cuộc xung đột then chốt tại Trung Đông.


TTXVN






Nhọc nhằn tàu xe sau tết

Nhọc nhằn tàu xe sau tết

Nhọc nhằn tàu xe sau tết


SGTT.VN - Quan niệm mùng 6 tốt ngày nên lượng người đổ về các thành phố lớnngười đổ về các thành phố như Hà Nội, TP.HCM sau tết tăng đột biến.


Xe xếp thành hàng dài ở cầu Mỹ Thuận


Khoảng 10 giờ sáng 5.2 (tức mùng 6 tết), hai bên cầu Mỹ Thuận đã xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài từ bờ Tiền Giang đến bờ Vĩnh Long. Mặc dù lực lượng chức năng hai tỉnh điều tiết, phân luồng nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện tham gia giao thông và cầu Mỹ Thuận, nhưng do lượng xe từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM ngày càng nhiều nên tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng thêm. Hàng ngàn ô tô xếp thành hàng dài mấy cây số trên các tuyến đường đổ vào cầu Mỹ Thuận phía bờ Vĩnh Long ở cả 3 hướng: đường tránh QL1 kéo dài đến xã Tân Hạnh (khoảng 4 km); đường về TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) kéo dài khoảng 3 km đến cầu Cái Da và đường vào nội ô TP.Vĩnh Long kéo dài đến cầu Cái Cam (khoảng 3 km).










Nhiều phương tiện xe ô tô kẹt cứng giữa cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Thanh Đức/TNO



Vì sợ ùn tắc, nhiều tài xế đến TP.Vĩnh Long đã rẽ sang QL57 đi qua phà Đình Khao (xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) để đi về Bến Tre qua Tiền Giang. Tuy nhiên, do lượng xe quá nhiều nên mặc dù lãnh đạo Bến phà Đình Khao đã điều tất cả phà để đưa đón khách, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều cây số trên QL57. Nhiều điểm kinh doanh “bất đắc dĩ” dựng lên cặp lề đường để phục vụ khách chờ qua phà, giá cả cũng tăng cao gấp nhiều lần.


Theo cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân do phương tiện lưu thông qua khu vực cầu An Hữu bị ùn tắc, vì vậy CSGT và Thanh tra giao thông tỉnh Vĩnh Long phải phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang điều tiết cho phương tiện qua từng tốp một để tránh ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận.


Dự báo, tình trạng ùn tắc có thể kéo dài đến cuối tuần này.


Kẹt xe kéo dài trên QL91


Từ mùng 4 đến mùng 6 tết, do lượng xe cộ từ các nơi kéo nhau qua Bến phà Vàm Cống (nối H.Lấp Vò, Đồng Tháp và TP.Long Xuyên, An Giang) về TP.HCM và các tỉnh miền Đông tăng cao đã dẫn đến ách tắc phía bên đầu bờ An Giang. Từ buổi trưa đến buổi chiều, lượng ô tô, xe tải, xe khách phải đậu thành hàng dài trên QL91 hơn 40 phút mới qua được phà.


Ngày 5.2, Ban Quản lý Bến phà Vàm Cống cho biết đã huy động hết các phà chạy liên tục so với ngày thường gồm 7 phà loại 200 tấn và 2 phà loại 100 tấn; đồng thời mở thêm điểm bán vé phụ và 2 bến phụ, huy động hết lực lượng nhân viên, công nhân tham gia điều tiết lượng xe qua phà nhưng vẫn không xuể bởi lượng xe qua lại tăng cao. Chỉ tính trong ngày mùng 4 tết đã có 35.000 xe mô tô và 6.500 xe khách, xe ô tô các loại qua phà.


“Cháy” vé xe chất lượng cao


Chiều 5.2, ông Nguyễn Đình Sửu, Phó giám đốc Công ty CP bến xe - tàu - phà Cần Thơ, cho biết trung bình lượng khách từ Cần Thơ đi các tỉnh trong những ngày tết qua 2 bến xe tại Cần Thơ là bến Hùng Vương và bến 91B là 15.000 lượt khách/ngày. Lượng khách tăng đột biến từ mùng 4 tết, chủ yếu là tuyến Cần Thơ đi TP.HCM.


Cũng theo ông Sửu, 2 hãng xe khách Phương Trang và Thành Bưởi cũng đã tăng cường đầu xe chạy tuyến Cần Thơ - TP.HCM trong những ngày tết. Cụ thể, xe Phương Trang ngày thường từ 60 - 65 tài/ngày tăng lên 90 - 100 tài/ngày; xe Thành Bưởi tăng từ 30 - 35 tài/ngày lên 45 - 50 tài ngày trong dịp tết. Thế nhưng, tình trạng “cháy” vé ở các xe “chất lượng cao” đã xảy ra. Tại trạm xe khách Phương Trang, hành khách mua vé phải chờ nhiều giờ liền. Sở dĩ có tình trạng chậm trễ trên cũng do ảnh hưởng bởi tình trạng kẹt xe đoạn An Hữu - Vĩnh Long.


Theo Thanhnien.com.vn









Khách qua đường bị “chặt chém”


Sáng 5.2, lượng người từ các tỉnh đổ về TP.HCM làm việc bằng xe gắn máy tăng mạnh. Tại các tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố, các quán nước, hàng ăn, tiệm sửa xe được dịp “chặt chém” khách qua đường.


Trưa cùng ngày, trên QL1A, đoạn qua H.Bình Chánh và Q.Bình Tân hướng từ miền Tây lên TP.HCM dòng người đổ dồn về thành phố khá đông. Tại chân cầu vượt An Lạc, Q.Bình Tân. Hàng trăm người dân dừng lại nghỉ chân sau một chặng đường dài. Tại đây, các quán nước giải khát ven đường mọc ra như nấm, mỗi chai nước suối bán với giá 15.000 đồng, nước ngọt từ 20.000 tới 30.000 đồng/chai.


Dọc những tuyến đường đổ vào thành phố, những quán ăn vỉa hè bán hủ tíu, phở, cơm... trong những ngày này cũng được đà tăng giá gấp hai, ba lần từ 15.000 - 25.000 đồng/tô, phần; thậm chí, lên tới 50.000 - 70.000 đồng/tô, phần.


Không chỉ dịch vụ ăn uống tăng giá, dịch vụ sửa xe dọc đường cũng tranh thủ "chém" khách, mỗi miếng vá tăng giá tới 30.000 - 50.000 đồng.







Chợ Lớn xứ thổ

Chợ Lớn xứ thổ

Chợ Lớn xứ thổ


SGTT.VN - Hương thơm và màu sắc của các quầy hàng gia vị trong ngôi chợ Grand Bazaar ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ cuốn hút tôi đi mãi. Ngôi chợ rộng lớn với 61 con đường bên trong và hơn 3.000 quầy hàng đã làm tôi lạc lối. Không chỉ là “chợ” với nhiều mặt hàng truyền thống, Grand Bazaar còn là nơi ghi lại vết tích của con đường tơ lụa huyền thoại ở ngã ba văn hoá của ba châu lục.










Một góc chợ Grand Bazaar.



Hôm qua, anh bạn Adnan người Thổ mà tôi đã gặp trong cung điện Topkapi khuyên tôi nên ghé qua Grand Bazaar để mua quà lưu niệm trước khi về Việt Nam. Anh cũng cảnh báo tôi cần phải lưu ý đường đi nước bước bên trong bởi ngôi chợ rất rộng lớn. “Grand” là từ tiếng Anh có nghĩa “rất lớn”, còn “Bazaar” trong ngôn ngữ Ba Tư có nghĩa là “chợ” và từ Bazaar được sử dụng rộng rãi từ các quốc gia Nam Á lên đến Trung Đông.


Sắc màu gia vị


Tôi ngập ngụa trong sắc màu văn hoá Ba Tư huyền bí khi vừa bước vào bên trong chợ. Cũng giống như các quốc gia Hồi giáo khác, bán hàng trong khu chợ luôn là nam giới. Thấy tôi chăm chú vào bộ gia vị đa sắc màu trên quầy, anh Ali, người bán hàng giải thích: “Người Thổ ăn rất nhiều gia vị như trái hồi, quế, bạch đậu khấu… nhưng trong một quầy hàng không thể thiếu mười gia vị cần thiết trong cuộc sống hàng ngày để chế biến thức ăn”. Đó là: lá kinh giới (tiếng địa phương là Guveyotu), bột ớt đỏ (Pul biberi), lá bạc hà (Nane) được sử dụng dưới dạng khô và tươi, hạt tiêu Jamaica (Yenibahar), bột quế cây (Tacin), thìa là Ai Cập (Kimyon), bột trái muối (Sumac), hạt mè đen (Susam) để làm nước xốt Tahini, bột ớt cựa gà (Paprika) có màu đỏ rất đặc trưng làm tăng độ màu và không cay. Cuối cùng là thìa là đen Ai Cập (Corekotu), gia vị không thể thiếu trong việc rắc trên đầu của chiếc bánh ngọt truyền thống của người Thổ là Yufka và Phyllo.


Những bức tranh nhiều màu sắc đó như là một thứ bùa mê hớp hồn tôi. Rời xa chúng tôi vẫn thấy mùi thơm quanh quẩn đâu đây...










Anh Ali bên quầy hàng của mình.



Dấu xưa xe ngựa...


Không chỉ gia vị, Grand Bazaar còn bày bán những mặt hàng truyền thống trên con đường tơ lụa huyền thoại ngày xưa: lụa, vàng, đá quý, thảm, trầm hương và lông thú hiếm. Anh Atilla, một chủ quầy hàng mời tôi xem qua gốm sứ người Thổ. Hôm qua, trên cây cầu Fatih Sultan Mehmet, tôi đã nối hai lục địa Á – Âu bằng những bước chân của mình. Hôm nay, tôi lại được nghe câu chuyện về con đường tơ lụa Á – Âu mà Grand Bazaar đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hoá bởi anh bạn Thổ Atilla.


Vượt qua eo biển Bosphorus dài 30km, Istanbul là điểm tập kết hàng hoá của những đoàn thương gia trên con đường tơ lụa trước khi vượt Địa Trung Hải để đến thương cảng lớn thời cổ đại Venice của Ý. Năm 1455, sau khi chiến thắng đế chế Đông La Mã Constantine, vua Sultan Mehmet II cho xây ngôi chợ bán mặt hàng truyền thống của con đường tơ lụa là lụa và áo quần. Ngôi chợ được hoàn thành vào năm 1460 với tên gọi Cevahir Bedesten. Theo ngôn ngữ người Thổ, Bedesten được đọc trại từ “bezestan” của Ba Tư và có nghĩa “chợ bán lụa”, còn Cevahir có nghĩa là “mới”. Năm 1545, vua Ottoman Suleyman 1 người Thổ cho xây thêm một ngôi chợ mới nằm cách rời Bedesten về hướng bắc, mang tên Sandal Bedesten. Tên Sandal được đặt nhằm tôn vinh những sợi ren sắc màu được dệt ở vùng Bursa tạo nên quai đôi guốc gỗ rất riêng của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt hàng tơ lụa được dời qua ngôi chợ Sandal và Cevahir chỉ chuyên mua bán hàng quý giá. Khoảng trống giữa hai ngôi chợ tạo thành quảng trường nghỉ chân cho người đi chợ. Những năm sau đó, những người bán lẻ lại biến quảng trường thành khu chợ mới. Chợ sầm uất và rộng lớn đến mức người ta không thể thống kê được có bao nhiêu quầy hàng bên trong. Những cuốn sách xưa vào thế kỷ 16 ghi lại qua lời kể của khách du lịch hay những đoàn thương gia về ngôi chợ này: 4.390 quầy hàng, 19 đài nước, 63 ngõ hẹp, 18 cổng ra vào…


Đến đầu thế kỷ 17, những vị vua Ottoman lại xây thêm ngôi chợ mới tại quảng trường nghỉ chân khiến Grand Bazaar trở thành cụm phức hợp rộng khoảng 30,7ha. Ba ngôi chợ tượng trưng cho ba lục địa mà đế chế Ottoman của người Thổ đã mở rộng bờ cõi của mình ở Âu – Á – Phi. Những con ngõ hẹp bên trong lồng chợ tượng trưng cho những con đường tơ lụa giao thương giữa Á và Âu và cuối cùng tập kết tại Istanbul. Theo số liệu chính thức từ ban quản lý chợ: có khoảng 3.000 quầy hàng bên trong 61 ngõ, 5 thánh đường Hồi giáo, 7 đài phun nước, 1 nhà tắm và 18 cổng ra vào.


Đứng giữa ngôi chợ rộng lớn, tôi thả hồn trên những cung đường tơ lụa khác nhau ở các quốc gia châu Á, nơi có những sa mạc cát vàng in dấu chân của đoàn người ngựa hay lạc đà cùng những túi hàng gồ ghề trên lưng để đến Istanbul. Mà Grand Bazaar đâu chỉ có thế, còn có hương thơm của những ổ bánh mì Kebab níu lấy chân tôi…


bài và ảnh: nguyễn chí linh










Một góc cầu dây văng Bosphorus nối liền hai bờ Á – Âu.







Robot bạn hay thù?

Robot bạn hay thù?

Ai sẽ giàu lên trong thế giới mới?


Những chiếc xe tự hành có thể khiến cánh tài xế thất nghiệp. Các chương trình máy tính giờ đây có thể viết những bài báo cơ bản về các sự kiện thể thao và chuyển động giá chứng khoán. Thậm chí còn có những máy tính chấm bài thi với độ chính xác hợp lý! Dần dà, máy móc không chỉ cung cấp sức mạnh cơ bắp mà cả chất xám, điều đó đặt ra câu hỏi con người thích ứng vào đâu trước viễn cảnh ấy: ai sẽ giàu lên và ai không thể trong nền kinh tế cơ giới kiểu mới này?


Robot bạn hay thù?


SGTT.VN - Cotton có một nhà máy sản xuất hàng may mặc cỡ trung vừa đẹp vừa khá phát đạt. Nhà máy của ông sản xuất áo T-shirt bán ở thị trường nội địa và cung cấp cho các shop quốc tế nổi tiếng theo nhãn hàng riêng của họ.










Con người máy tư duy. Ảnh: Tư liệu



Cotton sử dụng 100 nhân công cắt vải, may áo T-shirt và đóng gói gởi hàng đi. Công việc quản trị chỉ một tay ông lo, ngoài ra còn có một kỹ thuật viên giám sát sản xuất. Ông thật hởi dạ vì doanh nghiệp của ông vận hành thông suốt.


Một ngày nọ, một trong những cửa hiệu chuỗi hỏi liệu ông có thể cung ứng những kiện hàng hàng ngàn áo T-shirt không. Tất nhiên Cotton khoái chí nhưng ông không đủ năng lực sản xuất nhiều như thế. Và điều đó có nghĩa ông có thể mất một khách hàng quan trọng. Thế là ông phải tìm kiếm ý tưởng để có thể đáp ứng khách hàng.


Ông từng nghe nói có những cỗ máy giúp tăng vọt năng suất. Thế là ông quyết định sắm một robot đảm trách việc cắt vải. Quả là robot làm việc rất hiệu quả. Nó có thể cắt hàng trăm áo T-shirt trong vài giây. Nhưng rồi ông nhận ra có một sự nghẽn cổ chai ở khâu may, nên toàn bộ hệ thống sản xuất của ông không lấy gì làm hiệu quả. Rồi ông quyết định đầu tư thêm một vài robot nữa để giúp khâu may nhanh hơn và không bị lỗi. Đóng gói cũng quá chậm so với khối lượng sản xuất. Nghe thấy cũng có robot đóng gói, ông quyết định mua vài cái. Và toàn bộ quy trình sản xuất trở nên hiệu quả không ngờ, ông thu hồi tiền đầu tư rất nhanh do khách hàng tăng nhanh.


Tuy nhiên, một ngày kia, khi đi dạo qua nhà máy ông bỗng nhận ra rằng nhà máy ông không còn công nhân nữa, mà chỉ toàn robot! Hơn nữa, kỹ thuật viên đáng thương của ông không thể đương đầu với những robot tinh xảo và thông minh không kém gì anh ta! Thế là ông phải thuê các chuyên viên kỹ năng cao hơn để có thể kiểm soát toàn bộ số robot đó. Bản thân Cotton cũng phải thủ đắc một số kiến thức về quản trị để khai thác tối ưu hệ thống sản xuất mới. Và với hoạt động mở rộng, ông phải thuê một số quản trị viên kỹ năng cao. Mặc dầu Cotton có chút tiếc rẻ đối với việc mất đi các nhân công, ông lại sung sướng với sự tiến triển của nhà máy và rất biết ơn các robot của ông.


Một ngày kia, Cotton cảm thấy cần tôn vinh sự thành công mới trong kinh doanh của ông và quyết định tổ chức một buổi tiệc nhỏ cho các quản trị viên và kỹ sư. Khi họ đến cửa nhà hàng, họ khá là ngạc nhiên: thay vì được chào đón bởi một nữ tiếp viên, họ được một robot hướng dẫn vào bàn! Thay cho người phục vụ là một màn hình máy tính trên bàn để khách gõ đặt món. Một lát sau, một robot khác bưng thức ăn ra! Khách không dám hình dung điều gì đang diễn ra trong nhà bếp: có thể là một đầu bếp robot trong đó?


Khi xong tiệc, phiếu tính tiền hiện ra trên màn hình máy tính. Cotton gõ các thông số ngân hàng và phiếu tính tiền ngay lập tức trừ vào tài khoản của ông. Mặc dầu tất cả đều thấy ngon miệng, không phải ai cũng khoái cái trải nghiệm này cho lắm.


Suy nghĩ về điều đang xảy ra trong nhà máy của mình và trải nghiệm của ông trong nhà hàng, Cotton nhận ra robot có thể làm tất tần tật các thứ, nhanh hơn và tốt hơn con người. Nhưng rồi điều gì xảy ra cho con người, ông thắc mắc. Liệu mai mốt kỹ sư và các nhà quản lý đều là robot? Và rồi chúng ta sẽ sống trong một thế giới toàn là robot?


Bản thân việc robot hoá không phải là tội ác, vấn đề là chúng ta sử dụng chúng thế nào. Robot đang có mặt để giúp con người, chứ không phải là chuyện hoang tưởng như Samuel Butler cảnh giác hồi thế kỷ 19. Tự động hoá càng cao càng làm thay đổi thói quen sống của con người, và chúng ta phải thích nghi với điều đó. Nếu không, có thể một ngày nào đó sẽ xảy ra cuộc nổi dậy chống robot như nhóm Ludds (2) đã làm, ai biết được?


Vậy thì, robot là bạn hay là thù?


Giáo sư Jacques Martin (1) Trần Bích dịch


(1) Nguyên hiệu phó trường Université du Sud Toulon-Var (USTV – Pháp), giảng dạy các môn quản trị chất lượng,

quản trị quốc tế, quản trị giao thoa văn hoá... tại Pháp, Hoa Kỳ, Ý, Nga, Úc… Tại Việt Nam, GS Martin đại diện

trường USTV, kế đó là trường Solvay Brussels của Université Libre de Bruxelles (Bỉ) hợp tác với đại học Mở TP.HCM thành lập chương trình thạc sĩ quản trị chất lượng và hiệu suất, giảng dạy bằng Anh ngữ từ năm 2006.


(2) Ludds hay Luddites là băng nhóm các thợ thủ công người Anh hồi đầu thế kỷ 19, hoạt động có tổ chức,

chuyên đi phá các máy móc ngành dệt có thể thay thế sức lao động của họ.






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ