Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Cùng gia đình mua sắm tiện nghi tại Aeon Mall Tân Phú Celadon

Cùng gia đình mua sắm tiện nghi tại Aeon Mall Tân Phú Celadon

Cùng gia đình mua sắm tiện nghi tại Aeon Mall Tân Phú Celadon


SGTT.VN - Ngày 1.1.2014, Aeon Mall Tân Phú Celadon thuộc công ty Aeon Mall Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách. Là shopping mall đầu tiên của tập đoàn Aeon Nhật Bản tại Việt Nam, đây là trung tâm mua sắm có quy mô hàng đầu tại TP.HCM.











Trung tâm mua sắm hàng đầu tại TP.HCM


Trung tâm AEON MALL Tân Phú Celadon nằm trong khu đô thị “Celadon City” tại quận Tân Phú, với chiều cao ba tầng và một tầng trệt, một tầng hầm, diện tích mặt bằng


bán lẻ khoảng 50.000m2, trong đó bao gồm khu bách hoá tổng hợp GMS của AEON và khoảng 120 gian hàng cho thuê. Trong khu vực gian hàng cho thuê của AEON MALL, có năm khu lớn đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, có bãi đỗ xe gắn máy để khách hàng có thể yên tâm sử dụng thoải mái với nhiều diện tích hơn, giúp lấy xe dễ dàng hơn.


AEON MALL Tân Phú Celadon là trung tâm mua sắm với đặc trưng trải nghiệm toàn diện lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, mang đến cho khách hàng một lối sống mới phong phú hơn, đa dạng hơn. Đặc biệt, lần đầu tiên người tiêu dùng có thể mua sắm với loại hình siêu thị trọn gói One-Stop Shopping đầu tiên tại Việt Nam. Chẳng hạn tại tầng trệt, cạnh siêu thị cung cấp hơn 12.000 mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ...; quầy Health & Beauty Care (H&BC) đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao về sức khoẻ và thẩm mỹ, cũng như quầy xe đạp “AEON bicycle shop” với nhiều tiện ích hậu mãi. Trong khu vực rau củ quả, khoảng 30 sản phẩm được tuyển chọn kỹ tại các vườn rau Đà Lạt sẽ được chuyển trực tiếp đến siêu thị hàng ngày, đảm bảo chất lượng tươi ngon. Tại quầy thực phẩm nhập khẩu có hơn 600 mặt hàng được nhập từ khắp các nước, bao gồm cả nhãn hàng riêng của AEON là “TOPVALU”… AEON là trung tâm mua sắm duy nhất trong nước có khu vực rộng lớn chuyên kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản (Japan Selection), đáp ứng cho nhu cầu người Việt Nam.


Trải nghiệm phong cách mua sắm tiện nghi


AEON cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ, tạo môi trường cho khách hàng mua sắm tiện lợi, thoải mái, như: dịch vụ giao hàng ngay trong ngày, phiếu mua hàng AEON, thẻ thành viên AEON, gói hàng, phòng chăm trẻ, chỉnh sửa quần áo, mua hàng trả góp thông qua AEON Credit Service, xe buýt miễn phí…


Ngay ngày đầu tiên đến với Aeon, có thể thấy hiếm có bãi giữ xe máy nào được thiết kế đẹp như ở đây, từ đồng phục của nhân viên giữ xe đến mái che. Nụ cười của nhân viên giữ xe khi trao vé là ấn tượng tốt đầu tiên. Ở các tầng luôn bày sẵn hai loại xe đẩy để khách khỏi mang nặng khi mua sắm. Ghế ngồi cho khách nghỉ chân được đặt khắp nơi. Phòng vệ sinh dành cho khách hàng của Aeon Mall có thiết kế vừa đẹp vừa tiện nghi. Trong phòng vệ sinh phụ nữ còn có góc nhỏ để phái đẹp “tân trang” nhan sắc! Nhân viên vệ sinh của Aeon luôn tay luôn chân dọn dẹp và lau chùi. Sạch sẽ dường như là một tiêu chuẩn không thể thiếu của phong cách Nhật.


Một điểm nhấn khác là phòng chăm trẻ (Milk Room) ở tầng 2, trong đó có chỗ chơi, chỗ nằm ngủ (với đai bảo vệ không sợ bé rớt) hay chỗ để mẹ thay tã, làm vệ sinh cho bé. Đáng yêu nhất là hai buồng nhỏ ở phía trong với rèm cửa, là chỗ riêng tư để mẹ cho con bú. Đó cũng có thể là nơi mẹ ru con ngủ và tranh thủ nghỉ lưng đôi chút trước khi tiếp tục mua sắm. Nhắm đến đối tượng khách hàng là các gia đình trẻ, Aeon Mall Tân Phú Celadon còn phát hành “Thẻ Mommy” với nhiều ưu đãi dành cho các bà mẹ: như giảm giá hàng hoá một số ngày trong tháng, được tham dự hội thảo và tư vấn cách nuôi dạy con.


Hãy đến để cùng trải nghiệm mua sắm ở Aeon Mall Tân Phú Celadon, để cùng khám phá dịch vụ mới và tiện ích cho nhiều gia đình trẻ.


M. Trang






Tư vấn pháp lý thương mại điện tử

Tư vấn pháp lý thương mại điện tử

Tư vấn pháp lý thương mại điện tử


SGTT.VN - Văn phòng đại diện TP.HCM của hiệp hội Thương mai điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin thuộc bộ Công thương tổ chức lớp tập huấn về pháp lý trong môi trường thương mại điện tử vào lúc 13g, ngày 9.1.2014 tại 116 – 118 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM.


Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó tổng thư ký VECOM, bà Nguyễn Thị Hạnh, trưởng đại diện cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, đại diện sở Công Thương TP.HCM sẽ tư vấn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử. Các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn cụ thể về nội dung của nghị định 185/2013/NĐ-CP, các mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, những điều cần biết về thiết lập website, thông báo và đăng ký website…


C. Thịnh






Người Việt bí mật chụp ảnh Hoàng Sa năm 2011

Người Việt bí mật chụp ảnh Hoàng Sa năm 2011

Người Việt bí mật chụp ảnh Hoàng Sa năm 2011


SGTT.VN - Những tấm ảnh hiếm hoi, duy nhất về một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa sau năm 1974 được con trai và con rể của ngư dân Mai Phụng Lưu chụp vào tháng 8.2011.


Trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2011 chúng tôi liên tục ra Lý Sơn 5 chuyến. Chương trình Cùng ngư dân bám biển của đồng nghiệp báo Sài Gòn Tiếp Thị khởi động tháng 5. Ngày 28.6.2011 chương trình Hội hàng Việt đồng hành cùng ngư dân bám biển diễn ra tại thành phố Qui Nhơn.

Thông qua chương trình, Ngân hàng Đông Á tài trợ tín dụng cho ngư dân Mai Phụng Lưu 300 triệu đồng để mua một con tàu khác sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giam, xử phạt tại ngư trường Hoàng Sa phải bán tàu trả nợ.


Ngư trường truyền thống










Vạn lý Hoàng Sa... bãi cát vàng trong tim người Việt. Trong ảnh: Hai cha con ngư dân Mai Phụng Lưu đang lấy cát Hoàng Sa. Theo tín ngưỡng, bát nhang trên bàn thờ ông bà tổ tiên và các binh phu ở Hoàng Sa phải có loại cát vàng này.



Suốt tháng 5 đến tháng 8.2011 không có tuần nào các phóng viên không có mặt ở Lý Sơn. Nhà nghỉ Hoa Biển trở thành nhà ở, vợ chồng ông chủ nấu cơm, cho thuê xe máy và đặt vé tàu về đất liền và người dân nơi đây trở thành quen thuộc.


Ngư dân Mai Phụng Lưu lượm trứng chim trên lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo lời kể của các nhân chứng Hoàng Sa và ngư dân Lý Sơn, các đảo ở Hoàng Sa trứng chim và chim non nằm trên cỏ nhiều vô kể.


Ngày 6.8.2011, anh Tâm Chánh, lúc đó là Tổng biên tập SGTT nhân được điện thoại của ngư dân Mai Phụng Lưu: “Ngày mai anh tranh thủ ra Lý Sơn để ngày mốt em ra Hoàng Sa trở lại”.


Hoàng Sa đối với ngư dân Mai Phụng Lưu và những ngư dân Lý Sơn là ngư trường truyền thống. Đời cha, đời ông, tổ tiên của những người Lý Sơn sinh nhai ở ngư trường này nhưng đến đời của họ thì Hoàng Sa trở thành nơi rơi lệ.


Ngư dân Mai Phụng Lưu nói, khi bị bắt và bịt mắt đưa lên đảo Phú Lâm, được tháo băng ra đã thấy hình ảnh của ông dán trên đảo giống như lệnh truy nã. Nhiều ngư dân Lý Sơn, Bình Sơn chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa cũng đều bị liệt vào dạng nguy hiểm như vậy.


Bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn, khi trở về, một nhà báo Nhật Bản hỏi: Ông có gửi gắm gì không? Mai Phụng Lưu trả lời: Hoàng Sa là của ông bà chúng tôi, sau này bị Trung Quốc chiếm. Nếu không trả lại cho chúng tôi thì phải để chúng tôi tự do làm ăn ở đó chứ!


Sự thật, những ngư dân Lý Sơn hành nghề ở Hoàng Sa luôn nơm nớp với tàu hải giám và tàu tuần tra của Trung Quốc. Mỗi chuyến đi đánh cá, câu mực, lặn hải sâm, vớt rong biển ở Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn luôn đối mặt với nguy cơ bị bắt, đánh đập và tịch thu dụng cụ.


Năm 2010, sau lần bị bắt và giam cầm trên đảo Phú Lâm một tháng, Mai Phụng Lưu trở về tay trắng. Nhà cửa đã đem thế chấp ngân hàng, tài sản cầm cố và gia cảnh kiệt quệ.


Chúng tôi trở lại Lý Sơn vào ngày 7.8.2011. Buổi sáng giữa hè trời xanh mây trắng nôn nao. Khi tàu cập cảng mặt trời đã gác trên ngọn núi lửa Thới Lới.


Giữa rừng cờ tổ quốc của các con tàu đánh cá, nhà báo Phạm Anh (nay là phóng viên báo Thanh Niên) chỉ một lá cờ xa xa: “Đó là tàu của anh Lưu!”.


Hạt cát Hoàng Sa


Chỉ hơn một tháng, với sự hỗ trợ tín dụng của chương trình Cùng ngư dân bám biển của báo SGTT phối hợp với Ngân hàng Đông Á, ngư dân Mai Phụng Lưu đã có trở lại một con tàu nhỏ để trở lại ra khơi.


Buổi chiều, chúng tôi trèo lên thúng chai bơi ra thăm tàu. Thủy thủ đoàn của “sói biển” Mai Phụng Lưu ngày mai đi Hoàng Sa trở lại là ông thông gia, con trai và con rể đã chuẩn bị lễ cúng tàu sẵn sàng.










Sói biển" Mai Phụng Lưu trên lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm. Ảnh chụp năm 2011.



Hoàng Sa qua lời kể của ngư dân Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ người Việt trên lao Ông Già và tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió nay biết có còn không?


Trong cuộc đời đi biển của mình, ngư dân Mai Phụng Lưu có bốn lần ăn tết trên lao Ông Già ở quần đảo Hoàng Sa.


Ngư dân Lý Sơn đạt tên cho một hòn đảo nhỏ bằng đảo Bé ở Hoàng Sa là lao Ông Già vì trên đảo có một ông già Trung Quốc sống một mình bí ẩn.


“Ông già rất hiền. Những lúc không có lính Trung Quốc đi tuần, tàu cá ngư dân Lý Sơn ghé đảo được ông chỉ dẫn những ngôi mộ người Việt để thắp hương, chỉ bia chủ quyền và chỉ cách lượm trứng chim ngon trên cỏ để ăn” – Mai Phụng Lưu kể.


Cách đây hơn 10 năm, ông già hình như đã chết. Hai cặp vợ chồng Trung Quốc khác ra đảo sinh sống, ngư dân Lý Sơn thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhưng bị theo dõi nghiêm ngặt.


Sau câu chuyện kể của ngư dân Mai Phụng Lưu, buổi tối anh Tâm Chánh nhờ Văn Minh và Hưng Ròm ở Ban truyền hình lấy thẻ nhớ từ trong máy ảnh copy dữ liệu vào máy tính.


Trong bữa rượu chia tay lúc khuya ở nhà thông gia ngư dân Mai Phụng Lưu, anh Tâm Chánh đã tặng cho con trai Mai Phụng Lưu chiếc máy ảnh Panasonic Lumix DMC LX2 của anh. Chúng tôi “huấn luyện” cách sử dụng máy ảnh cấp tốc ngay trong bữa rượu.










Ngư dân Mai Phụng Lưu lượm trứng chim trên lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo lời kể của các nhân chứng Hoàng Sa và ngư dân Lý Sơn, các đảo ở Hoàng Sa trứng chim và chim non nằm trên cỏ nhiều vô kể.



Sau chuyến đi Hoàng Sa đầu tiên trở về, chúng tôi đã nhìn thấy cận cảnh lao Ông Già nằm trong quần đảo Hoàng Sa do con trai của ngư dân Mai Phụng Lưu chụp. Sau đó, nhiều nhà báo đã đến xin và đăng những tấm ảnh này. Đó là những tấm hình duy nhất mà mọi người được nhìn thấy Hoàng Sa qua ảnh chụp sau năm 1974.


Một tháng sau, chúng tôi nhận được điện thoại của Phạm Anh báo “anh Lưu gửi tặng mấy anh một bao cát Hoàng Sa” anh Lưu lấy trong chuyến đi biển tiếp theo. Đó là cát mà ngư dân ở Lý Sơn vẫn lấy về để trong nồi hương thờ ông bà và những binh phu Hoàng Sa ngày Tết.


Chỉ một thời gian ngắn sau, tờ báo SGTT “có biến”. Chương trình Cùng ngư dân bám biển ngưng trệ và chúng tôi ít có dịp gặp những ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống tại Lý Sơn nữa.


Hoàng Sa như cụ Võ Hiển Đạt – người trông coi Âm Linh Tự thờ binh phu và những người đã bỏ mạng giữa biển khơi đối với người dân Lý Sơn nó “ở gần như đảo Bé của Lý Sơn”.


Trong tim chúng tôi, Hoàng Sa cũng rất gần nhưng xa xôi biết mấy!


Minh Sơn/ motthegioi.vn






Mercedes–Benz muốn “so găng” Lexus?

Mercedes–Benz muốn “so găng” Lexus?

Mercedes–Benz muốn “so găng” Lexus?


SGTT.VN - Những ngày đầu năm 2014, những chiếc S-Class đầu tiên được Mercedes-Benz Việt Nam xuất xưởng, bất ngờ là giá bán của S400 chỉ 3,48 tỉ đồng và S500 là 4,639 tỉ đồng. MBV nói họ không có bất cứ ý kiến gì khi có ai đó cho rằng xe sang của họ đang cạnh tranh với Lexus, ít nhất là về giá. Tuy nhiên, trên các diễn đàn về xe cũng như nhiều phương tiện truyền thông, người ta đang đặt ra sự so sánh giữa một bên là Mercedes–Benz và bên kia là Lexus.










Đại diện các hãng xe sang đều muốn nhấn mạnh rằng họ sẽ mang lại những điều tốt nhất mà họ có cho khách hàng nhiều tiền tại Việt Nam. Ảnh: CTV



Ngoài việc đưa ra thị trường những dòng xe tiền tỉ, các hãng xe hoặc các đại lý uỷ quyền không ngại ngần đầu tư hàng triệu đôla cho sự dịch vụ đi kèm. Thêm vào đó, một chút nhấn nhá về giá cả đã khiến cho thị trường xe sang tại Việt Nam có nhiều bất ngờ ngay đầu năm.


Showroom triệu đô


Gần 10 triệu đôla (khoảng 200 tỉ đồng) là số tiền đầu tư ban đầu cho showroom đầu tiên tại Việt Nam của Lexus, toạ lạc tại quận 1, TP.HCM. Thông tin này được ông Trần Nam Thái, tổng giám đốc Lexus trung tâm Sài Gòn cho biết trong buổi ra mắt trung tâm này vào những ngày cuối cùng của năm 2013. Ông Thái nói rằng Lexus chưa đặt nặng doanh số, mà ưu tiên hàng đầu là xây dựng hình ảnh thương hiệu để thu hút khách hàng.


Trước đó, vào năm 2012, Mercedes–Benz Việt Nam (MBV) cùng đối tác khánh thành Mercedes-Benz Brand Gallery tại Phú Mỹ Hưng (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM). Theo Vietnam Star, Autohaus này được xây dựng với tổng vốn đầu tư 5 triệu đôla (khoảng 100 tỉ đồng). Đây là một Autohaus theo tiêu chuẩn toàn cầu của Daimler AG (tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz). Trung tâm này được xây dựng trên diện tích sử dụng hơn 4.400m2 có sức chứa cùng lúc lên đến trên 30 chiếc xe trong khu vực trưng bày. Đặc biệt có khu vực trưng bày dành riêng cho các mẫu xe của hãng độ AMG. Xưởng dịch vụ ở đây có công suất phục vụ lên đến 20 xe mỗi ngày và khu vực đậu xe ở tầng trên cùng và tầng trệt có sức chứa cho hơn 60 xe cùng lúc.


Cuộc đấu đã sôi động


Tại buổi ra mắt showroom Lexus trung tâm Sài Gòn, Lexus đưa ra chào bán năm dòng xe LS 460L, GS 350, ES 350, LX 570 và RX 350. Trong số này, dòng sedan cao cấp nhất của hãng là LS 460L có giá bán 5,673 tỉ đồng và dòng xe được xem là phiên bản thấp nhất là ES 350 có giá bán 2,751 tỉ đồng. Những dòng xe khác có giá từ gần 3 tỉ đến gần 5,5 tỉ đồng.


Trong khi đó, không biết có tính toán hay không nhưng MBV đã nhấn nhá giá cả của những chiếc xe hạng sang S-Class mà họ sản xuất tại Việt Nam. Chỉ sau một tuần được ra mắt ở Đức, Việt Nam là thị trường đầu tiên tại châu Á được Mercedes–Benz giới thiệu S500L, vào tháng 7.2013 với giá bán là 5,889 tỉ đồng (phiên bản nhập khẩu). Kế đó, tháng 10.2013, tại triển lãm Vietnam Motorshow, MBV chính thức thông báo lắp ráp S-Class ở Việt Nam với mức giá 4,639 tỉ đồng. Đùng một cái, ngay những ngày đầu năm 2014, những chiếc S-Class đầu tiên được Mercedes-Benz Việt Nam xuất xưởng, giá bán của S400 ở mức 3,48 tỉ đồng và S500 là 4,639 tỉ đồng.


Có thể thấy sự “ăn miếng trả miếng” trong “đấu khẩu” của hai hãng xe này. Trong lần ra mắt những chiếc xe S-Class xuất xưởng tại Việt Nam, tổng giám đốc MBV Michael Behrens nói rằng: “Chúng tôi lắp ráp mẫu xe tốt nhất thế giới, ngay tại TP.HCM. Những gì chúng tôi mang đến cho khách hàng – đều là mới nhất và tốt nhất. Không có nhiều hãng xe làm được như chúng tôi”. Trong khi đó, tại buổi ra mắt Lexus, tổng giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihasa Maruta phát biểu rằng: “Lexus đặt mục tiêu chinh phục thị trường xe hơi cao cấp với hình ảnh một thương hiệu xe sang toàn mỹ nhất”.


Xem ra, những phát biểu này thể hiện quyết tâm cho trận đấu dài lâu của những ông lớn chứ không đơn giản chỉ là những “đòn gió” mang tính “nắn gân” nhau. Nhiều “tay chơi” xe bình luận, nếu Lexus chưa chính thức vào Việt Nam, chưa chắc có chuyện Mercedes–Benz giảm giá.


Nam Hưng






Sáng tạo chỗ ở độc đáo

Sáng tạo chỗ ở độc đáo

Sáng tạo chỗ ở độc đáo


SGTT.VN - Một “khoảnh” không gian để ngả lưng sau giờ học? Không đòi hỏi khắt khe gì đâu, sinh viên mà!


Thời khó khăn về nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp tại châu Âu đã nảy ra những ý tưởng lạ lẫm để thiết kế những nơi ở phù hợp với túi tiền và sinh hoạt của sinh viên. Song song đó, đôi khi chính sinh viên cũng rất sáng tạo, với một chút máu phiêu lưu đã tự thiết kế cho riêng mình những không gian sinh hoạt như ý.


Ở trong… container


Ý tưởng độc đáo này xuất xứ từ Hà Lan, về sau du nhập qua Pháp. Đó là những khối nhà được thiết kế từ những chiếc container xếp chồng lên nhau. Tuy mang tiếng là container nhưng không gian nội thất vô cùng tiện nghi. Mỗi một container có diện tích ở là 27 m². ĐH Le Havre của Pháp đã thiết kế những khối nhà - container với quy mô từ ba đến năm tầng, biết rằng TP cảng phía tây nước Pháp này hiện có khoảng 7.000 sinh viên và quỹ nhà ở xã hội đang thiếu thốn. Một nữ sinh viên tại Le Havre cho biết: “Sống trong một container ư, tại sao không? Nếu cách âm và cách nhiệt tốt, cùng với một không gian tiện nghi tối thiểu, thế là được rồi!”.










Ở trong… container.



Ở trong… sân vườn


Đây rồi, một nhà trọ rẻ tiền cho sinh viên: Một căn nhà gỗ một phòng, diện tích 18 m² được lắp đặt trong vòng 48 giờ ngay trong sân vườn của một lão gia tốt bụng nào đó ư? Quá tuyệt vời! Và đó chính là sáng kiến của Công ty Greenkub tại Montpellier, miền Nam nước Pháp. Tổng Giám đốc Alexandre Gioffredy giải thích rằng do hiện nay sinh viên khó tìm được nơi ở tại các TP lớn và dựa trên giải pháp chia sẻ trong cộng đồng, công ty ông đã giới thiệu đến nhiều gia đình vốn có sẵn khoảng sân rộng hoặc vườn cây quanh nhà một mô hình nhà gỗ tiền chế nhỏ gọn với giá 38.900 euro nhưng được trang bị đầy đủ hệ thống vệ sinh, bếp, hệ thống sưởi và điện. Khi tự sắm cho mình căn nhà trọ rẻ tiền này, các gia đình sẽ có thêm thu nhập nhờ cho sinh viên hoặc khách du lịch thuê ngắn hoặc dài hạn.










Ở trong… sân vườn.



Do kích thước nhỏ gọn nên chiếu theo luật về xây dựng đô thị tại Pháp, chủ nhà hoàn toàn không cần phải xin giấy phép xây dựng và chính Công ty Greenkub sẽ lo đầy đủ thủ tục lắp đặt cho chủ nhà. Hiện nay, giải pháp nói trên chỉ mới được triển khai tại chín TP của Pháp là Bordeaux, Clermont-Ferrand, Grenoble, Lyon, Marseille, Montpellier, Nantes, Nice và Toulouse. Tuy nhiên, theo lời Tổng Giám đốc Alexandre Gioffredy: “Thủ đô Paris cũng là một thị trường đầy tiềm năng, chúng tôi sẽ đến đó khi có đơn đặt hàng”, dự định là vào năm 2015.


Ở trong… chuồng


Đó là những chiếc chuồng gỗ diện tích 10 m² tại khu học xá của ĐH Lund, Thụy Điển do văn phòng kiến trúc sư Tengbom thiết kế. Đội ngũ kiến trúc sư Thụy Điển đã nghĩ đến các mô hình nhà gỗ nhỏ gọn nhưng hoàn toàn hiện đại về thiết kế và trang trí nội thất, sử dụng các vật liệu hoàn toàn thân thiện với môi trường và đạt yêu cầu về phát triển bền vững.










Những “cơ ngơi” sáng tạo dành cho sinh viên luôn nhỏ và gọn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ tiện nghi tối thiểu cho mọi sinh hoạt thường ngày.



Gỗ xây nhà được khai thác ngay tại các khu rừng của Thụy Điển để tránh việc phải chuyên chở từ xa đến. Tuy bề ngoài trông giống như chuồng nhưng bên trong những tiện nghi sống tối thiểu cho một cá nhân sinh hoạt được bảo đảm tốt: bếp, bàn ghế xếp, kệ, phòng ngủ trên tầng lửng, thậm chí có cả một chiếc võng. Nói chung, tất cả không gian trong căn nhà được tận dụng tối đa và được bố trí rất hài hòa. Các cửa sổ được khoét dáng cong tròn trên những bức tường gỗ sẽ tạo không gian nhẹ nhàng, các vật dụng có gam màu xanh lá tạo không gian gần gũi với thiên nhiên. Đây được xem là một giải pháp mang tính đột phá trong một đất nước mà phòng ở cho sinh viên phải rộng tối thiểu 25 m². Các khu làng sinh viên với những ngôi “nhà-chuồng” như vậy sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2014.


Ở trên… xe buýt


Một sinh viên Mỹ theo học ngành kiến trúc - anh Hank đã thành công trong việc chuyển đổi công năng của một chiếc xe buýt học đường (school bus) cũ kỹ thành một cơ ngơi sang trọng, diện tích 18 m², để có thể vừa ăn, ngủ trên đó mà vừa được thỏa chí tang bồng chu du khắp nước Mỹ. Chàng trai trẻ đã bỏ ra 3.000 USD mua lại một chiếc xe buýt học đường cũ kỹ và háo hức cải tạo lại ngay chiếc buýt này khi trong đầu chẳng nghĩ đến kết quả (hay hậu quả!) gì cả! Và rồi, sau 15 tuần lễ làm việc, Hank đã có thể “hô biến” chiếc buýt học đường già nua kia thành một nơi ở riêng cho chính mình.


Sau khi nghe Hank trình bày đề án này trong kỳ thi vấn đáp tốt nghiệp, ban giám khảo đã đưa ra nhiều nhận xét tích cực, động viên Hank rất nhiều về ý tưởng này, giúp anh càng thêm sôi sục niềm đam mê. Chàng trai trẻ liền “gọt giũa” lại chiếc xe buýt một lần nữa, làm cho nó trở thành một căn nhà tiện nghi hơn và cuối cùng mang ra... chạy thử! Biết rằng từ nhỏ đến giờ, Hank chưa bao giờ đi đâu khỏi quê hương Minnesota của mình thì nay anh quyết định “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Cùng với một người bạn là nhiếp ảnh gia, Hank đã bỏ ra một tháng liền để rong ruổi trên căn nhà di động của mình suốt 5.000 dặm khắp nước Mỹ, anh đã đến Công viên Quốc gia Yellow Stone sau khi tạt ngang qua Seattle và Portland. Anh đã kể về chuyến đi của mình trên blog “Hank Bought A Bus”, đồng thời đã mở diễn đàn để mọi người có thể tranh luận xung quanh khái niệm về cuộc sống du mục trên “ngôi nhà biết đi” của anh. Chủ yếu Hank muốn chia sẻ kinh nghiệm rằng chúng ta vẫn có thể sống tốt trong một cơ ngơi chỉ vỏn vẹn có 18 m².


Theo Pháp Luật TPHCM






14 người chết trong cuộc hỗn loạn tại một đền thờ Hồi giáo

14 người chết trong cuộc hỗn loạn tại một đền thờ Hồi giáo

14 người chết trong cuộc hỗn loạn tại một đền thờ Hồi giáo










Ngôi đền thờ hồi giáo ở tây bắc Ninh Hạ trong một buổi lễ. Ảnh TL minh hoạ



SGTT.VN - 14 người chết và mười người bị thương trong một vụ hỗn loạn trong khi nhiều người tụ tập tại một đền thờ ở phía tây bắc Ninh Hạ, Trung Quốc, theo THX đưa tin hôm 6.1.


Cuộc hỗn loạn xảy ra vào khoảng 13g ngày 5.1 trong lúc thực phẩm truyền thống được phân phát cho những người dự sự kiện tưởng nhớ một nhà lãnh đạo tôn giáo đã qua đời, THX dẫn lời chính quyền địa phương cho biết.


Kh. T.






Một cách nhìn về xuất siêu với Trung Quốc

Một cách nhìn về xuất siêu với Trung Quốc

Một cách nhìn về xuất siêu với Trung Quốc


SGTT.VN - Nếu chỉ nhìn vào những con số tổng hợp về tình hình xuất nhập khẩu với Trung Quốc, chúng ta khó thấy được bức tranh thật và toàn cảnh. Bài viết này là một gợi ý sơ bộ theo hướng để có cái nhìn thật hơn một ít.


Những con số tổng hợp


Theo tổng cục Hải quan, năm 2012 Việt Nam nhập khẩu 113,8 tỉ USD và xuất khẩu 114,5 tỉ USD (xuất siêu 700 triệu USD); trong đó nhập từ Trung Quốc 28,79 tỉ USD và xuất sang Trung Quốc 12,38 tỉ USD (nhập siêu với Trung Quốc 16,4 tỉ USD).


Theo tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 131,3 tỉ USD và xuất khẩu 132,2 tỉ USD (xuất siêu gần 900 triệu USD); trong đó nhập từ Trung Quốc ước đạt 36,8 tỉ USD và xuất sang Trung Quốc 13,1 tỉ USD. Như thế, nhập siêu với Trung Quốc là 23,7 tỉ USD trong năm 2013.


Có thể thấy cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam được cải thiện đáng kể (so với mức nhập siêu lớn hơn rất nhiều của các năm 2007 – 2011; các mức tương ứng là 14,1 tỉ, 18 tỉ, 12,9 tỉ, 12,6 tỉ và 9,8 tỉ USD).


Tuy nhiên, tình hình nhập siêu từ Trung Quốc ngày một gia tăng: 4,4 tỉ năm 2006; 11,5 tỉ năm 2009; 12,7 tỉ USD năm 2011; 16,4 tỉ USD năm 2012; và 23,7 tỉ USD trong năm 2013. Cứ theo đà này nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chắc sẽ trên 25 tỉ USD trong năm tới.


Nhìn sâu vào số liệu


Thử nhìn vào số liệu chi tiết hơn một chút, sâu hơn mức tổng hợp một chút.


Đầu tiên, hãy nhìn tới xuất nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện. Trong mười tháng đầu năm 2013 lượng nhập khẩu loại mặt hàng này từ Trung Quốc là 4,87 tỉ USD (chiếm 16,95% nhập khẩu từ Trung Quốc); còn tổng nhập khẩu điện thoại và linh kiện trong thời gian đó là 6,88 tỉ USD.










Thực ra việc nhập khẩu điện thoại các loại từ Trung Quốc nhưng “giá trị Trung Quốc” hay hàm lượng Trung Quốc không quá cao (ảnh minh họa). Ảnh: publicnews



Nói cách khác nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 70,77% kim ngạch nhập khẩu của loại mặt hàng này (và 27,96% là từ Hàn Quốc). Điện thoại các loại chủ yếu là của các hãng Mỹ, châu Âu sản xuất ở Trung Quốc, như iPhone của Apple, Lumia của Nokia, hoặc các loại khác của Ericsson, Phillips, v.v; có một số của Trung Quốc nhưng không đáng kể.


Thực ra việc nhập khẩu điện thoại các loại từ Trung Quốc nhưng “giá trị Trung Quốc” hay hàm lượng Trung Quốc không quá 15% (thí dụ năm 2011 tổng giá thành linh kiện của chiếc iPhone4 là 178 USD, trong đó có 7 USD sản xuất tại Thâm Quyến Trung Quốc tức chiếm 3,9% giá thành linh kiện; giá bán trung bình của iPhone là 560 USD thì phần sản xuất ở Trung Quốc chỉ là 1,25% giá bán; phần của Apple 368 USD chiếm 65,7% giá bán). Tỷ lệ “hàm lượng Trung Quốc” của các loại điện thoại khác có thể cao hơn một chút. Như thế thực chất Việt Nam nhập điện thoại từ Trung Quốc là nhập từ Mỹ, Thuỵ Điển, Nhật, Hàn Quốc… và chỉ có phần rất nhỏ từ Trung Quốc. Đối với loại mặt hàng này (gọi là mặt hàng thứ i) ta gọi tỷ lệ giá trị gia tăng của nước xuất xứ (Trung Quốc trong trường hợp này) là g(i), và tổng kim ngạch nhập khẩu là NK(i), thì giá trị nhập khẩu thật từ nước đó của mặt hàng này là NK(i) x g(i). Với điện thoại các loại và linh kiện g(i) hẳn là nhỏ hơn 15%.


Đối với máy tính cũng có thể nói và ước lượng một cách tương tự. Và có thể ước lượng cho các nhóm mặt hàng khác.









Trong 10 tháng đầu năm 2013, nếu tính trên số “nhập thực” 8,6 tỉ và “xuất thực” 6 tỉ thì con số “nhập siêu thực” chỉ là 2,6 tỉ USD chứ không phải trên 18 tỉ USD!



Còn phải xét đến thương mại nội bộ của các công ty đa quốc gia. Hãy xét trường hợp Samsung. Theo tổng cục Thống kê, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong mười tháng đầu năm là 17,94 tỉ USD! Việt Nam “xuất siêu” trên 11 tỉ USD về mặt hàng này! Có thể thấy để sản xuất ra điện thoại các loại và linh kiện, Việt Nam (thực ra là Samsung) đã phải nhập gần như tất cả các bộ phận để sản xuất ra mặt hàng này. Không rõ tỷ lệ của các mặt hàng khác này từ Trung Quốc là bao nhiêu. Giả như tỷ lệ ấy là 70%, thì hàm lượng “Trung Quốc” của mặt hàng này là rất đáng kể. Nhưng thực ra có phải là hàm lượng “Trung Quốc” hay không? Nếu chủ yếu lượng bán thành phẩm linh kiện mà Samsung nhập về để sản xuất là từ các cơ sở của bản thân nó hay mạng lưới của nó tại Trung Quốc, thì có lẽ phải gọi là Samsung Việt Nam nhập từ Samsung Trung Quốc. Và “hàm lượng Trung Quốc” có thể chỉ là rất nhỏ.

Nói cách khác một phần đáng kể của kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm tương tự là thương mại nội bộ của các tập đoàn đa quốc gia.


Nếu chúng ta tách bỏ kim ngạch xuất nhập khẩu nội bộ của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi số liệu thống kê, thì trong số liệu còn lại đó “phần nhập siêu” từ Trung Quốc sẽ giảm đáng kể và “phần xuất siêu” sang EU, Mỹ sẽ giảm đi đáng kể.


Giả thiết nhập khẩu thực


Quay trở lại vấn đề nhập siêu với Trung Quốc tất cả những dữ liệu sau đây là của tổng cục Thống kê cho xuất nhập khẩu mười tháng đầu năm của năm 2013. Theo đó, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 44 loại (nhóm) mặt hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu là 28,72 tỉ USD. Chiếm 73,5% kim ngạch nhập khẩu là bảy nhóm mặt hàng chính sau đây tính bằng tỉ USD (và % của tổng kim ngạch nhập khẩu): 1.) máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 5,29 tỉ (18,4%); 2.) điện thoại các loại và linh kiện 4,87 tỉ (16,95%); 3.) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,72 tỉ (12,94%); 4.) vải các loại 3,157 tỉ (10,99%); 5.) sắt thép các loại 2,07 tỉ (7,19%); 6.) xăng dầu các loại 1,01 tỉ (3,51%) và 7.) nguyên phụ liệu đệt may da giày 0,994 tỉ (3,46%).


Từ những số liệu trên có thể thấy các nhóm mặt hàng 1.), 5.) và 6.) với tổng cộng 8,37 tỉ USD (29,1%) có lẽ chủ yếu được tiêu thụ trong nước và các nhóm khác chủ yếu là để sản xuất hàng xuất khẩu (20,35 tỉ USD và 70,9%) hoặc tiêu thụ trong nước nhưng “hàm lượng Trung Quốc” thấp tức là thực ra là nhập từ các nước khác.


Dựa vào nhận xét trên, sau đây chúng ta giả thiết rằng 70% lượng nhập khẩu từ Trung Quốc là để làm hàng xuất khẩu hoặc thực chất là nhập từ nước khác qua Trung Quốc, và phần thực chất của Trung Quốc để tiêu thụ ở Việt Nam là 30%. Một cách khác, ta có thể ước lượng tổng “hàm lượng Trung Quốc” trong tổng nhập khẩu (TNK) từ Trung Quốc, ký hiệu là G, bằng cách ước lượng hệ số g(i) của từng nhóm mặt hàng và tính G = (g(1) x NK(1) + g(2) x NK(2) + … + g(n) x NK(n))/TNK. Chúng ta giả sử rằng hệ số này là 30%.


Với giả thiết này thì “nhập khẩu thực của Việt Nam” từ Trung Quốc là khoảng 8,6 tỉ USD.


Giả thiết về xuất khẩu thực


Hãy xem số liệu của tổng cục Thống kê về xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong mười tháng đầu năm 2013. Việt Nam xuất khẩu 38 loại mặt hàng sang Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu là 10,7 tỉ USD. Mười loại mặt hàng đạt trên 3% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 70,15% tổng kim ngạch xuất khẩu là: 1.) máy vi tính và linh kiện 1,81 tỉ (16,9%); 2.) cao su 0,85 tỉ (7,95%); 3.) gạo 0,8 tỉ (7,48%); 4.) gỗ và sản phẩm gỗ 0,797 tỉ (7,45%); 5.) sắn và các sản phẩm từ sắn 0,766 tỉ (7,16%); 6.) xơ, sợi dệt các loại 0,719 tỉ (6,72%); 7.) dầu thô 0,553 tỉ (5,17%); 8.) than đá 0,447 tỉ (4,18%); 9.) điện thoại các loại và linh kiện 0,417 tỉ (3,9%); và 10.) hải sản 0,347 tỉ (3,24%).


Từ những số liệu xuất khẩu sang Trung Quốc có thể thấy trừ các nhóm mặt hàng 1.), 9.) chiếm 20,8% kim ngạch có “hàm lượng Việt Nam” rất nhỏ, thì các nhóm mặt hàng khác hoặc là nguyên liệu Việt Nam hoặc có “hàm lượng Việt Nam” cao.


Hãy ước lượng tương tự với các nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và giả sử tỷ lệ “hàm lượng Việt Nam” là 60%. Nói cách khác theo giả thiết này thì “xuất khẩu thực” của Việt Nam là khoảng 6 tỉ USD sang Trung Quốc.


Nhập siêu thực chỉ 2,6 tỉ USD?!


Trong mười tháng đầu năm 2013, nếu tính trên số “nhập thực” 8,6 tỉ và “xuất thực” 6 tỉ thì con số “nhập siêu thực” chỉ là 2,6 tỉ USD chứ không phải trên 18 tỉ USD! Hãy lưu ý những con số này phụ thuộc vào giả định 30% – 70% với Trung Quốc và 60% – 40% với Việt Nam như nêu ở trên và chỉ có tính minh họa, nhưng tôi cho rằng nó có thể phản ánh quan hệ thực hơn. Các chuyên gia có thể xem xét các số liệu thống kê một cách chi tiết hơn và xem liệu tỷ lệ mà chúng ta giả thiết là 30% – 70% và 60% – 40% thực sự là bao nhiêu. Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ có thể rút ra kết luận khá vững là: con số nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc không quá xấu như số liệu tổng hợp cho thấy và số liệu xuất siêu của Việt Nam qua EU, Mỹ cũng chẳng đẹp như những số liệu thống kê tổng hợp.


Hãy cẩn trọng khi diễn giải những con số thống kê tổng hợp này. Chúng tuy rất quan trọng, nhưng chưa phản ánh đúng những quan hệ kinh tế. Muốn hiểu sâu hơn cần phải xét đến những số liệu chi tiết hơn.


Và cái nhìn có vẻ “trái khoáy” này về nhập siêu từ Trung Quốc cũng không thể được dùng để biện minh cho cách làm hiện tại là tốt và không cần cải thiện gì. Việc nhập thiết bị máy móc cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác quá nhiều từ Trung Quốc và việc thu hẹp nhập siêu với quốc gia này là vấn đề rất cần được quan tâm, cần có những chính sách phù hợp.


Nguyễn Quang A






Sao không phải là M.U?

Sao không phải là M.U?

Sao không phải là M.U?


SGTT.VN - Trong vòng hai năm, Borussia Dortmund đã lần lượt mất liền hai cầu thủ xuất sắc nhất của mình cho đại kình địch Bayern Munich. Nhưng nếu trong vụ Mario Goetze, Dortmund còn vớt vát lại được khoản phí chuyển nhượng là 37 triệu euro thì đến vụ Robert Lewandowski, đội bóng vùng Ruhr thậm chí còn không nhận được một xu nào (do tiền đạo Ba Lan sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối năm nay).










Lewandowski chẳng dại gì gia nhập một câu lạc bộ mà ở đó anh phải làm lại gần như từ đầu.



Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Dortmund không tìm cách bán Lewandowski từ sớm, chẳng hạn cho Manchester United, đội bóng đã rất quan tâm đến cầu thủ này. Chẳng hạn nếu Dortmund bán Lewandowski từ mùa hè năm ngoái trong thời điểm Wayne Rooney đang rục rịch đòi đi, họ sẽ thu lại được một khoản để tái đầu tư, đồng thời không phải mang tiếng là “tiếp tay cho địch”. Bởi ngay cả khi Goetze và Lewandowski không thành công ở câu lạc bộ mới, thì Bayern vẫn có lợi vì đã làm suy yếu đối thủ lớn nhất của họ ở giải quốc nội.


Dortmund cũng đâu lạ gì kịch bản này khi mà nó đã được diễn đi diễn lại trong suốt chiều dài lịch sử của giải đấu. Thế nên, câu trả lời có lẽ là nằm ở chính Lewandowski, rằng anh chỉ muốn gia nhập Bayern thay vì chuyển tới Manchester United hay một đội bóng nước ngoài nào khác.


Thứ nhất, ở Dortmund thì Lewandowski là ngôi sao số một, còn đến Bayern thì anh chỉ là con cá nhỏ trong cả một đại dương mênh mông, vốn đã có rất nhiều “cá mập” như Arjen Robben, Thomas Mueller hay Franck Ribery. Tiền đạo người Ba Lan cũng chưa chắc đã được đảm bảo một vị trí trong đội hình xuất phát, vì sơ đồ chiến thuật của Pep Guardiola chỉ có chỗ cho một mũi nhọn. Mà hiện Mario Mandzukic đang đảm nhiệm rất xuất sắc vai trò này. Thậm chí, Bayern còn có thể chơi với sơ đồ không cần tới tiền đạo đích thực, bởi hàng tiền vệ của họ ghi bàn cực tốt.


Nhưng bất chấp những thách thức ấy, Bayern vẫn là một lựa chọn thích hợp hơn đối với tiền đạo người Ba Lan. Lewandowski đã gắn bó quá lâu với Bundesliga nên anh sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để thích nghi, thay vì chuyển tới một môi trường hoàn toàn mới như tại Premier League. Trước Goetze và Lewandowski thì Dortmund cũng đã mất một cầu thủ xuất sắc khác là Shinji Kagawa, được bán cho chính đội bóng vô địch nước Anh. Số phận của tiền vệ người Nhật ở Old Trafford thế nào thì tất cả đều đã rõ. Dưới thời Alex Ferguson, Kagawa còn được ra sân khá thường xuyên. Còn dưới triều David Moyes, Kagawa gần như mất hút, đến nỗi nhiều lần trong các cuộc họp báo, các phóng viên đã phải hỏi thẳng chiến lược gia người Scotland rằng liệu có phải ông “trù dập” tiền vệ người Nhật hay không.


Thế nên, Lewandowski chẳng dại gì gia nhập một câu lạc bộ mà ở đó anh phải làm lại gần như từ đầu, từ việc nói thứ ngôn ngữ mới cho tới văn hoá, lối sống, ăn uống… Hơn nữa, hiện giờ Bayern đang được coi là đội bóng hay nhất thế giới, trong khi M.U thì...


Nhật Hoàng






Ai có lợi?

Ai có lợi?

Showbiz bắt tay với thể thao


Ai có lợi?


SGTT.VN - Sau ca sĩ Ông Cao Thắng trở thành uỷ viên ban chấp hành liên đoàn Bóng đá TP.HCM. Mới nhất, đến lượt nữ diễn viên Tăng Thanh Hà có tên trong danh sách uỷ viên ban chấp hành liên đoàn Điền kinh TP.HCM. Cũng như lần trước, bỗng dưng các liên đoàn có ngôi sao showbiz tham gia được nhiều người chú ý. Nhưng, ai sẽ có lợi?









Các thương hiệu đi cùng giải đấu của diễn viên Tăng Thanh Hà tổ chức sẽ mang lại nguồn lực rất lớn cho liên đoàn Điền kinh TP.HCM, giúp đời sống của vận động viên lên cao hơn, nếu...



Điểm chung của ca sĩ Ông Cao Thắng và diễn viên Tăng Thanh Hà là họ trở thành uỷ viên của các liên đoàn bởi họ có liên quan đến thể thao thật sự. Ông Cao Thắng có đội bóng, mê đá bóng và đội bóng futsal của anh cũng thuộc hàng “có số” tại TP.HCM. Đương nhiên, để trở thành uỷ viên của liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFC) còn nhiều yếu tố khác, một trong những yếu tố ấy là ông chủ tịch cũng mê đá bóng futsal và có đội futsal. Hà Tăng cũng tương tự thế, với việc là tổng giám đốc một công ty truyền thông, cô đã từng phối hợp với liên đoàn Điền kinh TP.HCM và sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM tổ chức giải chạy bộ The HCMC Run gây quỹ từ thiện.


Nhưng từ sự liên quan này, đến việc mời vào làm uỷ viên ban chấp hành liên đoàn và việc các bộ môn ở TP.HCM có phát triển tốt hơn, các vận động viên có cuộc sống dễ thở hơn khi có các vị uỷ viên nổi tiếng hay không lại là một chuyện khác.


Ví dụ rõ nhất, đến thời điểm này nhắc đến HFC, người ta cũng chưa rõ đâu là điểm nhấn. Sự có mặt của ca sĩ Ông Cao Thắng có vẻ như không tạo thêm được cú hích nào cho liên đoàn bởi nhiệm vụ chính của ca sĩ này chỉ đơn giản là... họp. Futsal Việt Nam với nòng cốt là đội bóng của ông chủ tịch HFC đã không thể vượt qua Thái Lan như lời tuyên bố “thắng vô địch thế giới thì Thái Lan khó gì”. Thậm chí, đội bóng này còn để lại một vết nhơ khi lao vào ẩu đả với đối thủ ngay cuối trận đấu tại SEA Games – Myanmar sau khi thua Thái Lan. Bóng đá đỉnh cao của TP.HCM là vùng trắng, ngay đến giải đấu giao hữu vừa tổ chức cũng bị chê là “treo đầu dê” khi mà các đội khách mời dù mang tên rất oách kiểu như Santos hay Galatasaray ra sân lại “đá như Tây balô”.


Nhìn qua liên đoàn Điền kinh TP.HCM, điểm lại thì sự kiện lớn nhất nhưng đau nhất chính là vận động viên đỉnh cao Trương Thanh Hằng phải xin rời khỏi liên đoàn Điền kinh TP.HCM vì bức xúc chế độ trước việc chế độ đãi ngộ của cô bị cắt giảm, không đủ sống. Đích đến của nhà vô địch châu Á là Ninh Bình với mức lương mới, 16 triệu đồng/tháng. Không quá cao nhưng đủ hơn TP.HCM và đủ giúp cô có cuộc sống tốt hơn. Vẫn chưa có cái tên mới nào đủ sức thay thế, khiến người ta có thể tạm nguôi ngoai sự kiện Thanh Hằng bỏ TP.HCM mà đi.


Vậy ai có lợi trong trường hợp này. Đầu tiên, các liên đoàn có lợi bởi họ được tiếng huy động tốt các nguồn lực xã hội. Tất nhiên, việc huy động là một chuyện, còn sử dụng nguồn lực như thế nào là điều khác. Ở trường hợp ca sĩ Ông Cao Thắng, có vẻ như chuyện được hưởng lợi của cả hai phía từ việc trở thành “ông uỷ viên” không nhiều lắm bởi anh đã trả lời rõ báo chí, anh vẫn thích ca hát, nghề nghiệp chính là ca hát. Có chăng là đội bóng của anh sẽ được quan tâm hơn một chút. Điều này đồng nghĩa với việc, sự đóng góp của anh cho liên đoàn đương nhiên là không nhiều nhặn gì.


Mới hơn, trường hợp của diễn viên Tăng Thanh Hà, người ta tin rằng nếu thật sự có tâm và có tầm, điền kinh TP.HCM sẽ được nhờ. Với việc gia đình đang kinh doanh sản phẩm của thương hiệu thể thao nổi tiếng tại TP.HCM, cùng với việc có hẳn một công ty truyền thông. Người ta tin rằng, việc gắn với thể thao, cụ thể là giải đấu chạy bộ từ thiện mới chỉ là bước đầu. Các sản phẩm được quảng bá thông qua các sự kiện này đương nhiên phải có người được lợi, công ty truyền thông tổ chức sự kiện đình đám đương nhiên sẽ được nhiều nơi lưu tâm. Vấn đề còn lại là, LĐĐK TP.HCM tận dụng thế nào mối quan hệ này và cô diễn viên Hà Tăng có thật lòng muốn làm việc cùng hay chỉ đơn giản là làm phần việc của mình?


Trước mắt, khi các nhân vật trong giới showbiz đều có những người phụ việc lo mảng truyền thông cho mình, dùng các sự kiện thể thao để nhắc tới tên họ, các liên đoàn đã tạm hưởng lợi một phần khi được đứng chung. Rất tiếc, phần này cũng chẳng mang lại mấy niềm vui cho các vận động viên. Showbiz bắt tay cùng thể thao, tốt thôi nhưng nếu cái lợi được chia đều cho tất cả, ắt mọi chuyện sẽ vui hơn. Vấn đề cốt lõi để cái bắt tay thêm chặt và hiệu quả hơn là phương cách điều hành của các quan chức cấp cao ở những liên đoàn. Cái này có vẻ hơi khó chăng?!


Tất Đạt






Khi dược sĩ tham gia chữa bệnh cùng bác sĩ

Khi dược sĩ tham gia chữa bệnh cùng bác sĩ

Khi dược sĩ tham gia chữa bệnh cùng bác sĩ


SGTT.VN - Trong mắt của nhiều người, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân, còn dược sĩ là người hỗ trợ bác sĩ, cung cấp thuốc cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng trên thế giới mô hình này từ lâu đã không còn phù hợp, mà bác sĩ và dược sĩ có vai trò tương đương nhau, như thế việc điều trị mới đạt hiệu quả cao hơn.










DSLS tham gia chữa bệnh với bác sĩ điều trị ở bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: CTV



Gần đây, tại một số bệnh viện của TP.HCM người ta bắt đầu quen với mô hình bác sĩ và dược sĩ cùng hợp tác chữa bệnh, bác sĩ thăm khám và cho thuốc, còn dược sĩ xem thuốc bác sĩ kê có hợp lý chưa. Những dược sĩ làm công việc này được gọi là dược sĩ lâm sàng (DSLS).


Mỗi người một việc sẽ tốt hơn


Tháng 11 năm qua, chị Hà, ngụ tại Tân Bình, có con mười tháng tuổi nhập viện tại một bệnh viện TP.HCM. Bác sĩ điều trị chẩn đoán cháu bị viêm mũi họng, cho nhiều thứ thuốc, trong đó có xirô Théralène uống. Nhưng sau đó toa thuốc này được điều chỉnh, thay xirô Théralène bằng một thuốc khác an toàn hơn, vì Théralène chống chỉ định cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Người phát hiện không phải là bác sĩ kê toa, mà là DSLS.


PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng, trưởng bộ môn dược lâm sàng, khoa Dược đại học Y dược TP.HCM, cho biết dược lâm sàng (DLS) ra đời ở Mỹ vào thập niên 1960 vì trước đó xảy ra một số tai biến nghiêm trọng trong quá trình điều trị ở nước này. Khi đó người ta đổ lỗi cho nhau, bác sĩ trách dược sĩ tại sao rành về thuốc mà không cản lại, còn dược sĩ lại nói bác sĩ toàn quyền kê đơn, không ai can dự được, nên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn!


Sau Mỹ, DLS lan sang các nước châu Âu, được giảng dạy chính thức trong các trường đại học dược, và khẳng định vai trò đúng đắn của người DSLS, giúp bác sĩ chọn lựa một loại thuốc tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân, kiểm soát những sai sót trong quá trình kê đơn. PGS. Nguyễn Tuấn Dũng nói: “Từ xa xưa, bác sĩ kiêm luôn vai trò dược sĩ, không khác gì lương y trong y học Đông phương, vừa khám bệnh vừa bốc thuốc. Nhưng trước sự phát triển vượt bực của y học, một người không thể làm hết tất cả, phải chuyên môn hoá công việc, càng chuyên môn hoá càng giỏi”.


Ở nước ta, cuối tháng 12.2012, bộ Y tế mới có hướng dẫn tổ chức hoạt động DLS trong bệnh viện, nhưng trước đó một số bệnh viện đã quan tâm đến lĩnh vực này bằng việc bình đơn thuốc của bác sĩ để việc điều trị bệnh nhân được tốt hơn. Khảo sát tại một bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM, những nhầm lẫn thường gặp của bác sĩ trong kê toa là cho hai loại thuốc có hoạt chất giống nhau (Diantalvic + Tydol, cùng chứa Paracetamol), cho thuốc không nên dùng chung nhau (Théralène và Mucitux, vì Théralène làm khô đàm nhưng Mucitux lại làm loãng đàm), cho thuốc không đúng đối tượng (Tetracyclin dùng cho trẻ dưới tám tuổi).


Mô hình đúng, nhưng còn nhiều khó khăn


Tại TP.HCM, bệnh viện Từ Dũ được xem là một trong những nơi đi đầu về DLS, khi triển khai công tác này từ năm 1999. DS chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Lầu, trưởng khoa dược bệnh viện, nói: “Ban giám đốc rất quan tâm đến DLS, xuất phát từ mong muốn chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất, không chỉ về hoạt động khám chữa bệnh, kỹ thuật điều trị mà cả phần thuốc men, làm sao sử dụng thuốc một cách an toàn hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí điều trị cho người bệnh”.


Sau khi có hướng dẫn của bộ Y tế, năm qua bệnh viện Từ Dũ đã thí điểm hai đợt thực hiện mô hình DSLS tại khoa phụ và nhóm bệnh nhân hậu phẫu. Mỗi sáng, một bác sĩ điều trị và một DSLS cùng đi buồng thăm bệnh, trong khi bác sĩ khám và cho thuốc, DSLS hỏi bệnh nhân về tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử dị ứng với thức ăn hoặc đồ uống. DSLS cũng cung cấp thông tin thuốc giúp bác sĩ đưa ra chỉ định thuốc hợp lý cho bệnh nhân (chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đường dùng…) Khi bác sĩ cho thuốc xong, DSLS xem xét việc chỉ định thuốc trong hồ sơ bệnh án, nếu phát hiện có vấn đề liên quan đến thuốc, DSLS sẽ trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh.


Là chuyện bình thường ở những nước phát triển, nhưng ở nước ta do còn quá mới, nên có lẽ chuyện bác sĩ và DSLS cùng đi buồng bệnh cần một thời gian dài để làm quen. Một dược sĩ nói: “Chắc chắn bác sĩ không vui gì khi thấy một DSLS cứ “tò tò” đi theo mình để xem xét chỉ định thuốc có đúng không”. DS Lầu cho biết: “DSLS phải có đủ bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp mới có thể trao đổi với bác sĩ”.


Mặc dù tích cực, được triển khai ở nhiều bệnh viện trong TP.HCM, nhưng PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng nhìn nhận hoạt động DLS còn hạn chế. Ông nói: “Môn học này trong trong đại học còn mới, nên việc giảng dạy chưa chuẩn hoá đúng mức, nội dung còn nặng về hàn lâm, chưa đi nhiều vào thực hành như nước ngoài”. Một trở ngại khác là số lượng DSLS trong các bệnh viện quá ít, họ lại phải ôm đồm nhiều công tác khác, nên chưa tập trung nhiều cho công tác này.


Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, thừa nhận sự cần thiết của DSLS: “Hiện nay bác sĩ phải học về dược, nhưng bác sĩ không muốn học, hoặc học không tốt, việc dùng thuốc cho bệnh nhân sẽ thiếu chuẩn xác. Nếu bác sĩ điều trị có cạnh mình một dược sĩ đủ trình độ thì còn gì bằng. Chỉ sợ không có đủ DSLS và DSLS cũng chưa đủ trình độ để phối hợp với bác sĩ”.


Phan Sơn









DSLS là bức tường phòng vệ bệnh nhân về thuốc men


“Trong những bệnh lý phức tạp, DSLS sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra một quyết định dùng thuốc đúng đắn cho bệnh nhân. Không chỉ thế, trong khi sao chép y lệnh, chuẩn bị thuốc và thực hiện thuốc vào người bệnh, sai sót có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào. DSLS là người theo dõi những khâu này, phát hiện sai sót để không gây hậu quả cho bệnh nhân. Thí dụ insulin nhanh mà chích chậm, đường huyết sẽ không được kéo xuống kịp thời; ngược lại, nếu chích quá nhanh, đường huyết tụt đột ngột cũng có hại cho bệnh nhân. DSLS còn tư vấn cho người bệnh dùng thuốc chính xác vì bác sĩ không thể nào vừa khám bệnh vừa tư vấn thuốc cho bệnh nhân đầy đủ”.


PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng







Bình Đông vắng, Bình Tây bình lặng

Bình Đông vắng, Bình Tây bình lặng

Bình Đông vắng, Bình Tây bình lặng


SGTT.VN - Bến Bình Đông là cửa ngõ cho hàng đi và về chợ Bình Tây sáng ngày 5.1.2014 khá là vắng vẻ, không đúng với không khí hàng hoá xuống ghe toả về miền Tây những ngày cận tết Giáp Ngọ.


Thực hiện: Trần Việt Đức










Cầu ông Quách Đàm cho làm ăn xuôi chảy.











Xe hàng nằm không. Người ngồi ngáp vắn thở dài.











Thôi thì không có khách ta chơi game mặc dù người đi xem cũng có vẻ đông.











Bến Bình Đông vắng hàng.











Chỉ có khu hàng bánh kẹo là khá hơn, nhưng cũng không như mọi năm.











Chỉ mua sỉ từng này phong bao lì xì, vì e rằng không có bao nhiêu để cho vào đó.











Khu hàng tẩy rửa.







Những ý tưởng khác lạ mới có thể thay đổi thế giới

Những ý tưởng khác lạ mới có thể thay đổi thế giới

TS Lê Viết Quốc


Những ý tưởng khác lạ mới có thể thay đổi thế giới


SGTT.VN - Tạp chí New York Times vừa qua đã đăng trên trang nhất nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Google, trong đó có TS Lê Viết Quốc về trí tuệ nhân tạo trên 16.000 máy tính để nhận diện vật thể. Nghiên cứu này đã được thảo luận rất nhiều trên các kênh BBC, NPR, MSNBC… và trở thành một trong những công nghệ mang tính đột phá trong năm 2013.











Sinh năm 1982 trong ngôi làng nhỏ ở Hương Thuỷ – Huế, chàng trai trẻ đã có những bước đi khá ngoạn mục trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở đại học Stanford. Anh hiện đang làm việc cùng với những chuyên gia hàng đầu cùng lĩnh vực ở Google và mới trở thành giáo sư đại học Carnegie Mellon University (CMU), một ngôi trường danh tiếng khác của Mỹ.


Điểm khác biệt nào từ thời đi học giúp anh có những tố chất cần thiết của một nhà khoa học?


Ngày nhỏ tôi học rất bình thường, chỉ có một đam mê lớn nhất là đọc sách. Nhà bác tôi có rất nhiều sách thú vị, tôi mê nhất là những cuốn sách về lịch sử của Việt Nam và thế giới, nó giúp tôi thay đổi rất nhiều khi đọc được những suy nghĩ của người khác và những đổi thay của thế giới qua các thời kỳ khác nhau. Tôi nhớ mãi năm lớp 7, tình cờ tìm thấy trong tủ sách của bố một cuốn sách thật khác lạ, viết về người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Nhìn lên mặt trăng rất xa xôi tưởng như không bao giờ tới được, tôi bỗng nảy sinh ước mơ... Tôi nhận thấy khoa học có một sức mạnh, có thể làm được những điều vĩ đại. Từ đó, tôi tìm đọc sách về không gian, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế giới, và tình yêu toán học, vật lý học, công nghệ thông tin cũng bắt đầu phát triển từ đó.


Một chuyện vui khác là cuốn truyện tranh Đôremon, một robot đến từ tương lai giúp đỡ con người trong cuộc sống hiện tại. Sau khi tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy để tạo ra con robot là một quá trình công phu, nhưng quan trọng nhất là đòi hỏi trí thông minh. Từ đó tôi đã đặt câu hỏi về lĩnh vực sau này được gọi là trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là một chiếc cầu nối may mắn. Vô tình sau này lại được nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.


Cơ duyên khiến một cậu “học sinh bình thường” như anh có được học bổng du học ở Úc, làm nghiên cứu ở Đức, và có công trình nghiên cứu được công bố trong tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế?


Cơ duyên lớn nhất với tôi chính là được học và làm việc với thầy Alex Smola thời còn là sinh viên ở Úc. Alex là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Úc và thế giới về mảng trí tuệ nhân tạo. Khi phỏng vấn tôi, ấn tượng mạnh nhất với thầy là một người trẻ có niềm đam mê. Người giỏi thầy đã gặp nhiều, vì trình độ giáo dục của người ta rất cao, nhưng quan trọng nhất với thầy là lòng đam mê. Ở nước ngoài, người ta rất chú tâm đến lòng đam mê của mình vào một lĩnh vực nào đó. Vì theo họ, dù không quá giỏi nhưng nếu đam mê cũng cố gắng thành người giỏi, và không bỏ cuộc giữa chừng. Còn nếu thiếu đam mê sẽ thấy mệt mỏi lắm, không phát triển được.


Sau thời gian nghiên cứu, chính thầy đã giới thiệu tôi qua Đức. Thầy luôn coi tôi như bạn, cho tôi niềm tin rằng tôi có thể làm được điều tốt, dù mất nhiều thời gian. Thầy cho tôi kiến thức, giúp tôi hiện thực hoá ước mơ.


Nhưng anh đã bị từ chối khi nộp những bài báo đầu tiên cho Stanford? Làm thế nào anh chinh phục một lĩnh vực còn quá mới để hoàn thành luận án tiến sĩ ở Stanford và trở thành một trong những giáo sư thuộc thế hệ 8X đầu tiên của Việt Nam ở Mỹ?


Thực sự đó là niềm vui quá bất ngờ. Làm việc trong môi trường rất nhiều người giỏi giúp tôi học được rất nhiều. Ở Stanford, tôi được tiếp thu ý tưởng làm những nghiên cứu táo bạo, dù có thể là mạo hiểm. Kết hợp với đam mê thời trẻ, tôi quyết định tập trung nghiên cứu về mạng neuron để mô phỏng bộ não con người. Thời điểm đó nhận định chung của nhiều người trong ngành, là nghiên cứu về mạng neuron rất mạo hiểm và dễ bị từ chối vì không thời thượng. Nhưng nghĩ làm cái gì mình thích và tốt cho ngành, nên tôi vẫn quyết tâm theo đuổi. Ban đầu nộp bài, người ta nghi ngờ lắm. Sau ba năm gian khổ, những nghiên cứu của chúng tôi từ từ được chấp nhận. Những kết quả đó đã gây ấn tượng mạnh với Google.


Được Google mời cộng tác cùng nhóm với GS Andrew Ng. dường như đã giúp anh thoát khỏi những giới hạn, để nghĩ lớn hơn?


Tôi rất ấn tượng với môi trường làm việc và kỹ sư ở Google. Là những nhà khoa học, kỹ sư hàng đầu, nhưng họ rất bình dị, khiêm tốn, và trân trọng những người xung quanh. Khi tôi đưa ra ý tưởng, họ đều muốn giúp mình, phát triển để hoàn thiện ý tưởng của mình.


Quá trình làm việc ở Stanford và Google cho tôi tầm nhìn xa và lớn hơn. Khi tôi mang nghiên cứu của mình từ Stanford đến Google, và dùng 16.000 máy tính để chạy chương trình mô phỏng một phần nhỏ trong não người, đã tạo ra những kết quả đột phá trong lĩnh vực nhận diện hình ảnh, giọng nói, ngôn ngữ… Nghiên cứu này đã và đang làm thay đổi diện mạo của trí tuệ nhân tạo. Những việc tôi làm ở Stanford chỉ ở quy mô nhỏ, dạy cho máy khi đưa khoảng 10.000 dữ liệu, nói chung là rất nhỏ so với hình ảnh mà một em bé nhận được khi học. Vì thế dù có kết quả ấn tượng, vẫn còn nhiều giới hạn về độ chính xác. Những nghiên cứu tiếp theo trên thế giới tập trung việc làm sao phát triển những nghiên cứu của chúng tôi ở Stanford, để tạo ra những thuật toán mới và thông mình hơn.









Muốn làm cái gì to tát đôi khi phải nghĩ khác một chút, chấp nhận mạo hiểm. Hãy đi và phát triển con đường cho chính mình.



Tôi nghĩ một trong những giới hạn của thuật toán hiện tại là chưa đủ tài nguyên. Sự thông minh của thuật toán có liên quan nhiều đến số dữ liệu chúng ta cung cấp và tài nguyên máy tính. Theo tôi thì phải dùng tài nguyên gấp trăm, gấp ngàn lần để có thể có bước tiến nhảy vọt về chất lượng. Với nhiều người trong ngành, ý tưởng đó khá điên rồ và đi ngược lại trào lưu chung, nhưng may mắn là ở Mỹ, người ta trân trọng những ý tưởng “điên rồ” và xem những ý tưởng “điên rồ” mới có thể thay đổi thế giới. Những suy nghĩ của tôi có được môi trường phát triển khi có cơ hội cộng tác ở Google, và tiếp xúc với nguồn tài nguyên khổng lồ. Ý tưởng khá điên rồ này đã dẫn đến kết quả bất ngờ. Một trong những kết quả nghiên cứu quan trọng nhất được giới thiệu trên trang nhất của New York Times là “Bao nhiêu máy tính để nhận biết một con mèo? 16.000”. Nhóm nghiên cứu của tôi đã tạo ra một trong những mạng thần kinh lớn nhất bằng cách nối 16.000 bộ vi xử lý máy tính với nhau bằng 1 tỉ kết nối. Thuật toán này có thể nhận diện những vật thể phổ biến trên YouTube như người, vật nuôi, xe cộ… với độ chính xác cao. Nghiên cứu này dẫn đến sự phát triển quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo những chiếc máy có khả năng nhận thức, quan sát, máy hiểu tiếng nói, hay các bộ máy chuyển ngữ, dịch thuật… Kết quả quá ấn tượng đến nỗi mỗi công ty ở thung lũng Silicon đều muốn tạo ra một nhóm để phát triển những nghiên cứu này. Nghiên cứu gần đây của tôi về chuyển ngữ bằng không gian vector cũng mang nhiều điểm khác biệt với trào lưu chung của ngành.

Điều tôi vui nhất là đã trở thành một trong những người góp công cho mảng này. Từ chỗ bị người ta từ chối (năm 2007), sáu năm sau đã trở thành ngành mũi nhọn nhất. Lỗ Tấn từng nói, vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi. Muốn làm cái gì to tát đôi khi phải nghĩ khác một chút, chấp nhận mạo hiểm. Hãy đi và phát triển con đường cho chính mình.


Sống trong môi trường học thuật phương Tây, anh đánh giá cao nhất điều gì?


Ở Việt Nam, người giỏi không thiếu, tôi không giỏi lắm đâu, may mắn được học bổng, được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu quá hiện đại. Chính vì thế luôn nghĩ mình phải phấn đấu. Tôi được học phải tự khám phá ra chính mình, khám phá đam mê của bản thân, thiếu thì tìm tòi học hỏi. Tôi cũng được học phải biết tôn trọng ý kiến của người khác, sai đúng chỉ là tương đối, và phải có khả năng độc lập để không đi theo đám đông.


Tôi đánh giá cao cách họ dạy mình để trình bày một vấn đề. Những buổi thuyết trình, nói chuyện với đồng nghiệp, sinh viên cũng giúp tôi khả năng dùng ngôn ngữ để nói chuyện với người khác, hiểu biết nhiều hơn về ngành của mình, biết chuyển giao cho người khác hiểu về ngành mình. Nghiên cứu có cái hay riêng, đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi mình phải sáng tạo, đọc nhiều của người khác, biết thảo luận, biết nói chuyện, giúp mình hoàn thiện kỹ năng sống của bản thân.


Tôi cũng được học về cách làm việc chăm chỉ và vì giá trị mình hướng tới. Những gì mình làm đổ mồ hôi nước mắt mà đạt được, nó ngọt ngào lắm!


Và điều đó đã giúp anh hiểu hơn về giá trị của người khác?


Nhờ công việc gặp gỡ nhiều người, học ở họ, tôi thấy rõ hơn giá trị mà họ theo đuổi, thấy đằng sau mỗi con người bình dị là sự vĩ đại. Và mình trân trọng những giá trị mà những người xung quanh mang lại cho mình.


Là một giáo sư còn rất trẻ, anh coi trọng điều gì nhất để truyền cảm hứng cho sinh viên?


Theo tôi có hai cách dạy: thứ nhất là nhìn con người giống như một thùng nước và tìm mọi cách đổ đầy; thứ hai là nhìn người ta như ngọn đuốc, làm sao cho họ toả sáng. Tôi muốn thắp sáng cho họ để họ tự tìm đường đi. Đổ nước đầy thùng không cần thiết, có những thứ mình học thời đại học nay không còn nhớ nữa. Quan trọng là cái mình học phát triển được khi gặp vấn đề, giúp mình tìm ra cách giải quyết. Tạo niềm hứng thú và để người ta tự tìm ra những ngõ ngách mà người ta chưa biết. Xã hội luôn thay đổi, cái mà mình dạy hôm nay mười năm nữa sẽ lạc hậu, hãy làm thế nào để 30 năm, 50 năm nữa vẫn còn đóng góp được một phần nhờ kiến thức, phần kia là phải thắp lửa.


Tiếp theo là phải cảm thông. Làm cho người ta tiếp thu nhanh liên quan đến vấn đề cảm thông. Phải biết học trò mình biết và chưa biết cái gì, phải đặt mình vào vị trí của họ để truyền đạt kiến thức cần thiết. Cách học nhanh nhất là học qua ví dụ. Ví dụ càng nối liền trải nghiệm con người càng muốn nghe.


Anh nghĩ gì khi nhiều người lo lắng robot thông minh quá sẽ thay thế con người?


Không nên sợ. Ngày xưa từng có những người rất sợ máy cày, có người từng đập máy dệt khi máy dệt thay thế khung cửi. Máy móc sẽ thay thế từ từ để con người làm việc khác quan trọng hơn như dạy học, chữa bệnh, sáng tạo… những việc hoàn toàn nhân văn. Lý do thứ hai không nên sợ là khoảng cách từ robot đến con người còn xa xôi lắm.


Anh có mong muốn đóng góp sức mình cho việc giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam?


Có hiểu biết đôi chút về ngành, mỗi lần về thăm gia đình, tôi cũng muốn có cơ hội giúp cho các bạn trẻ. Tiếc là chưa liên hệ được với ai để có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với các bạn.


Nghiên cứu khoa học trong nhiều môi trường khác nhau nơi xứ người, có bao giờ anh cảm thấy cô đơn? Làm thế nào để anh vượt qua những cơn tuyệt vọng?









Có hai cách dạy: thứ nhất là nhìn con người giống như một thùng nước và tìm mọi cách đổ đầy; thứ hai là nhìn người ta như ngọn đuốc, làm sao cho họ toả sáng.



Mỗi lần về thăm, thấy ba mẹ một già đi, tóc bạc nhiều hơn. Cuộc đời nghiên cứu mà không được ở bên cạnh người thân cũng xót xa lắm. Hồi sống ở một thị trấn nhỏ phía nam nước Đức, nơi chỉ có duy nhất mình là người Việt, tôi nhớ mãi một Noel trời tuyết, thèm đứt ruột một tô phở, thấy cô đơn kinh khủng. Nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng. Ngay cả những khi nộp bài báo bị từ chối, tôi vẫn có niềm tin.

Nghiên cứu khoa học là công việc cô đơn lắm vì phải độc lập, đôi khi cũng chùn chân. Nhìn lại quá trình vừa qua cũng nhiều gian nan. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, ba mẹ chỉ ước mơ nuôi con khôn lớn thành người, và cũng không hình dung con mình có thể đi như thế trên con đường khoa học. Thời còn nhỏ ở quê không có điện, không có tivi, mưa bão phải chong đèn học… Cứ nghĩ đến nước mắt ba mẹ mỗi lần đưa tiễn là tôi lại vừa buồn, vừa như được tiếp thêm sức mạnh.


Nhờ những gian khó đó mà tôi biết mình muốn gì và đam mê gì. Cũng như bức tường sinh ra để thử thách mọi người, và những người không có đam mê thì sẽ không cố gắng để vượt qua.


Suốt ngày đối mặt với con số có làm cho tâm hồn anh khô cằn đi?


(Cười hạnh phúc) Người Huế sinh ra đã lãng mạn. Không lãng mạn sao được khi sống ở một xứ nhiều mưa và cảnh vật nên thơ như thế. Để thư giãn, tôi thường đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đá bóng và chụp ảnh.


Điều gì đã giúp anh có nội lực để đi đến cùng với ước mơ?


Tôi thường tự hỏi cái gì đem đến cho tôi nhiều hạnh phúc nhất và làm theo điều đó. Thông thường hạnh phúc với tôi là đem lại giá trị cho xã hội, làm được nhiều điều tốt cho mọi người.


thực hiện: Kim Yến


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường






Cuối năm, lại bùng phát bệnh liên cầu heo

Cuối năm, lại bùng phát bệnh liên cầu heo

Cuối năm, lại bùng phát bệnh liên cầu heo


SGTT.VN - Ngày 5.1, BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết thời điểm cuối năm, người dân có thói quen mổ heo và làm tiết canh ăn, đó là một trong những nguyên nhân khiến số người nhập viện do mắc bệnh liên cầu heo gia tăng.


Chỉ tính riêng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ đầu năm tới nay, 80% số bệnh nhân nhập viện do mắc liên cầu heo đều trong tình trạng bệnh nặng, hoặc đã bị biến chứng phải cắt bỏ chân, tay, thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Hầu hết tất cả bệnh nhân nhiễm liên cầu heo đều tiếp xúc trực tiếp với heo hoặc ăn tiết canh heo.


Lệ Hà






Kỳ 2: Khát vọng lên Mae Hong Son

Kỳ 2: Khát vọng lên Mae Hong Son

Nhật ký trên những đôi giày


Kỳ 2: Khát vọng lên Mae Hong Son


SGTT.VN - Trong lần gặp gỡ ở Bắc Ireland tháng trước, tay đua huyền thoại người Anh Phillip McCallen chia sẻ với tôi rằng: “Hiếm có cung đường đèo dốc nào tuyệt vời như Mae Hong Son, một điểm đến hoàn hảo dành cho giới big bike khắp thế giới”. Còn với riêng những tay lái môtô đến từ Việt Nam, họ đã chờ đợi hai năm qua để hôm nay thực hiện khát vọng chinh phục ấy.


>>>Kỳ 1: Giấc mơ cưỡi môtô xuyên Đông Nam Á










Những khúc quanh cùi chỏ liên tiếp là “đặc sản” trên Mae Hong Son.



Có hai hướng để chinh phục vòng cung Mae Hong Son với điểm khởi hành từ Chieng Mai, nếu đi thuận chiều kim đồng hồ, sẽ là Chieng Mai – Mae Sariang – Mae Hong Son – Pai – Chieng Mai. Nhưng ở chuyến đi với đoàn môtô Việt Nam, mọi người chọn hành trình ngược lại, bởi cung đường dù ngắn, nhưng là đoạn gian nan, rất nhiều thử thách và nguy hiểm nhất trong vòng cung Mae Hong Son.


Đêm lên vui cùng với Pai


129km, nhưng dự báo mất không dưới bốn giờ đồng hồ để chinh phục – một tốc độ rùa bò. Rời Chieng Mai, đoàn xe tiến vào cung đường 107 để lên Pai trong cái nắng chiều đang tắt dần. Đường núi càng lên cao càng hẹp dần, bóng đêm chụp xuống, những khúc cua lên dốc gắt đến độ xe vào cua mà như muốn văng xuống vực sâu đen ngòm phía trước. Những bóng đèn cao áp vẫn không đủ xoá được màn đêm khiến tầm quan sát đèo dốc bị hạn chế.


Chưa đi hết nửa đường, cậu em út của đoàn Nguyễn Hoàng Tuấn rủn tay, Tuấn nói: “Em mất hồn, muốn khóc luôn vì cung đường kinh khủng quá, phải gọi bộ đàm kêu các anh dìu đi cùng vì nếu rớt lại một mình em không thể chạy tiếp nổi”.


Đồng hồ chỉ hơn 9 giờ khuya, các biker Việt Nam tiến dần vào thị trấn Pai dưới cái se se lạnh của đất trời, phố xá vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, nổi bật trong màn đêm là những quán càphê với không gian mở ở sân vườn, trang trí phong cách đậm chất cổ điển, phóng túng bằng vật liệu tre, gỗ, phối hợp với các mảng ánh sáng vàng ấm đem lại cho Pai một sự đồng điệu, một sắc thái riêng biệt khiến Pai trở nên ấn tượng ngay lần chạm mặt đầu tiên.


Bữa ăn khuya lại một lần nữa trễ giờ, nhưng bên khung cảnh lãng mạn của dòng sông Pai, đích thân chủ nhà nghỉ Baantawan mang cơm đãi khách với món lạp xưởng tươi độc đáo do chính chị làm (chồng chị cũng là một biker). Đêm càng khuya, Pai càng trở nên long lanh, rộn ràng với chợ đêm, với những con đường quán bar và hàng ăn nằm san sát. Khách du lịch bụi biết đến Pai từ hơn mười năm trước bởi nét đẹp hoang sơ, mộc mạc, và rất dân dã từ tính cách người bản địa, đến kiến trúc, phong cảnh.


Ca sĩ Tường Vy, thành viên nữ duy nhất của đoàn big bike Việt Nam chia sẻ: “Pai dễ thương quá, thị trấn đẹp nhất mà mình từng đi qua”. Nhịp sống đêm của Pai thêm thú vị, Don’t Cry Bar trên con đường Raddamrong, ca sĩ Tường Vy hát những ca khúc trữ tình dành tặng cho Pai, cho big bike Việt trong buổi đêm hôm ấy.


Tạm biệt giấc đêm của Pai, ngày mai sẽ là hành trình đỉnh điểm trong chặng chinh phục Mae Hong Son huyền thoại.










Cuộc gặp gỡ đầy thú vị với người dân tộc Karen trên Mae Hong Son.



Sắc vàng non cao


Với những thông tin từ các trang mạng, diễn đàn môtô của Thái Lan, của người chơi môtô khắp thế giới thì Mae Hong Son là một điểm son để các biker luôn thể hiện khát vọng được một lần trong đời chinh phục. Vòng cung khởi hành từ Chieng Mai, lên Pai, rồi Mae Hong Son, Mae Sariang, sau đó về lại Chieng Mai dài chưa đầy 700km, nhưng có đến 1.864 khúc cua, được mệnh danh là một trong những cung đường đèo hiểm hóc và nguy hiểm nhất thế giới.


Ra khỏi Pai chưa đầy một giờ, những cung đường uốn lượn đưa các tay lái vào một miền lung linh tràn ngập sắc vàng hoa dã quỳ, ai cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp đầy kỳ thú này.


Nhưng hành trình dọc dặm đường phương bắc Thái Lan trên Mae Hong Son, còn một sắc vàng khác ấn tượng hơn là vẻ đẹp từ những chiếc vòng cổ màu vàng óng của các cô gái người dân tộc Karen mang theo bên mình từ khi lên năm, lên sáu. Điểm dừng chân lý thú của hôm nay, chính là ngôi làng người cổ dài Karen để khám phá phong tục đeo vòng cổ độc đáo của các phụ nữ trong làng. Chị Mapang – một trong những người cổ dài nhất làng, với vốn tiếng Anh tốt đã chia sẻ với các biker Việt về phong tục và cách thức đeo vòng cổ của người con gái Karen từ thuở ấu thơ cho đến cuối đời.


“Đổ bánh xèo” bên sườn núi


Tham gia vào chặng chinh phục Mae Hong Son, có thêm những người bạn mới nhập cuộc nâng số lượng lên 27 big bike từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Mỹ, Nga. Hai trong số ba tay lái từ California, Mỹ là Dave và Tony đã thuộc nằm lòng các khúc cua trên Mae Hong Son, tình nguyện dẫn đường cho các biker Việt vượt núi.


Ngay sau khi rời khỏi làng người Karen cổ dài, độ nguy hiểm của cung đường hiểm hóc nhất Đông Nam Á này bắt đầu lộ diện, những đoạn cua gắt với tần suất mỗi lúc một khó hơn, các tay lái phải dùng cả thân người để nài xe, nói theo tiếng lóng của dân chơi phân khối lớn là phải: “lật bánh tráng, đổ bánh xèo”. “Chưa từng thấy một cung đường đèo nào lắt léo như ở Mae Hong Son”, đó là cảm nhận chung của những tay lái kỳ cựu nhất ở nhóm môtô ACE trong hành trình lần này.


Các trải nghiệm về tốc độ, cảm xúc trước cảnh đẹp trên đường đi đều nhường chỗ cho sự tập trung cao độ khi xe vào các khúc cua gắt liên tiếp hết sang phải lại sang trái ở từng giây phút một. Các tay lái, ai cũng hiểu rõ chỉ cần một cú ôm cua hỏng, hậu quả sẽ kinh khủng, không ai dám nghĩ đến. Gần nửa ngày đường mệt nhoài với những khúc cua đầy nguy hiểm. Khi vào đến thung lũng Mae Hong Son, các biker đón nhận một bất ngờ khác.


Đích thân vị tỉnh trưởng Mae Hong Son ra tiếp đón và chúc mừng sự thành công của hành trình, sau đó cả đoàn biker được mời vào hội trường lớn của thành phố để tỉnh trưởng trang trọng trao cho từng biker tấm bằng danh dự, chứng nhận là nhóm big bike đầu tiên của Việt Nam chinh phục thành công cung đường này. Tấm giấy chứng nhận vô tri vô giác, nhưng thực sự để lại một ấn tượng đẹp với các tay lái Việt Nam, và phải thầm thán phục cách làm du lịch của người Thái...


bài và ảnh: Lam Phong


Kỳ cuối: “Chiến binh” ngàn dặm lên Tam Giác Vàng






Mắm ủ gáo dừa, đặc sản Ngã Năm

Mắm ủ gáo dừa, đặc sản Ngã Năm

Hương vị quê nhà


Mắm ủ gáo dừa, đặc sản Ngã Năm


SGTT.VN - Khi công việc đồng áng đã tương đối rảnh rang, người nhà quê thường đi xúc tép, tát mương vườn bắt cá đồng. Nhiều nhất là cá rô, cá chốt, cá sặt, lòng tong... Cá tươi sống thì kho, chiên, nấu canh... ăn không hết thì làm mắm.










Mắm cá đồng để chưng hột vịt là loại mắm được ủ trong gáo dừa – đặc sản ở Ngã Năm, Sóc Trăng.



Ở quê tôi Ngã Năm, Sóc Trăng có kiểu làm mắm hơi lạ mà ngon. Cá làm sạch, để ráo rồi ướp với muối đâm nhuyễn. Đổ cá vô những chiếc gáo dừa đã lên nước, màu đen bóng, dùng mo dừa, ém ủ lại. Chừng nửa tháng sau thì giở cá muối ra trộn với thính cho thơm rồi chao đường. Nhận ủ mắm thêm một thời gian nữa sẽ có được những con mắm ngon.










Rau dừa chấm với mắm chưng ăn cơm vừa ngon miệng lại nên thuốc.



Loại mắm cá hỗn hợp này thường để kho, ăn sống... nhưng độc đáo nhất là món mắm chưng hột vịt. Đem mắm ra dùng dao bén bằm thật nhuyễn, nêm thêm ít bột ngọt, đường; rắc thêm ớt, tiêu, hành củ, tỏi... cho thơm. Sau đó, lấy ít thịt ba rọi (thịt ba chỉ), ít gan heo bằm nhuyễn. Và, trộn tất cả mắm, thịt, gan lại trong tô hay chén. Đập vài ba hột vịt vô, lấy đũa tre khuấy đều. Xong, để tô mắm vào xoong chế nước xâm xấp chưng, đậy nắp kín. Khi chưng, thỉnh thoảng mở nắp nồi để xả hơi nước đọng, nếu không nước nhỏ vào tô mắm sẽ không ngon.


Mắm chưng thường được ăn với rau đồng mọc hoang, ngon và đậm đà nhất là ăn với rau dừa. Cây rau dừa mọc hoang, bò lan trên mặt nước ao đìa, sông rạch nhờ các “phao” xốp trắng. Loại rau này thân mềm xốp, lá hình bầu dục, hoa mọc ở nách lá, màu vàng sáng. Người dân hái đọt và lá non rau dừa rửa sạch ăn sống.


Rau dừa chấm với mắm chưng ăn với cơm nóng vừa ngon miệng lại nên thuốc. Theo y học cổ truyền thì rau dừa có vị ngọt nhạt, tính hàn tác dụng thanh nhiệt giải độc lợi tiểu, tiêu thủng... Nên ca dao có câu: Rau dừa ăn với mắm chưng/Đã ngon còn giúp nhuận trường người ơi.


bài và ảnh: Trần Minh Thương






Giỏ quà tết Việt 2014 ra mắt người tiêu dùng

Giỏ quà tết Việt 2014 ra mắt người tiêu dùng

Giỏ quà tết Việt 2014 ra mắt người tiêu dùng


SGTT.VN - 13 mẫu Giỏ quà tết Việt do hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng phối hợp cùng Co.opmart tổ chức, đã có mặt tại toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart TP.HCM. Hàng đẹp, giá phù hợp và đặc biệt có thêm những sản vật thơm thảo của các cơ sở đặc sản làng nghề. Giỏ quà tết Việt còn gởi kèm thông điệp may mắn cho năm mới.










Giỏ quà tết Việt năm nay có giá khá mềm, chỉ từ 150.000 đến 600.000 đồng. Ảnh: Thu Vân



Có mặt tại Co.opmart trên đường Cống Quỳnh mấy ngày nay, Giỏ quà tết Việt đã nhận được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng.


Đáp ứng nhu cầu dùng hàng thuần Việt


Chị Nguyễn Thị Thanh, nhà quận 1 chia sẻ, “Gia đình tôi thường mua giỏ quà mang tặng họ hàng trong dịp tết và tôi thường chọn loại giỏ có nhiều hàng của doanh nghiệp Việt vì giá cả phải chăng mà chất lượng được đảm bảo, có xuất xứ – đơn vị chịu trách nhiệm rõ ràng”.


Để đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng, giỏ quà tết Việt năm nay chọn phân khúc giá khá mềm, chỉ dao động từ 150.000 – 600.000 đồng. Với sự tham gia của 26 doanh nghiệp: Vissan, Tường An, Vinamit, Tân Quang Minh, Vang Đà Lạt, Casuco, Phạm Nguyên, Trà Tâm Lan… và đặc biệt là các đặc sản làng nghề của Bích Chi, Phú Lễ, Gia Phú Châu Giang, Long Vinh… Cùng được xuất hiện và trưng bày với những giỏ quà tết khác của Co.opmart, giỏ quà tết Việt được đánh số từ giỏ quà 55 đến 67. Khi mua mỗi giỏ quà, khách hàng được mời chia sẻ và suy ngẫm về ý nghĩa của những câu chuyện đầu năm riêng biệt. Ví dụ như giỏ quà số 59 mang nội dung kính hiếu khi mang giỏ quà về mừng tết nhà cha mẹ. Hay như giỏ quà số 63 lại mang ý nghĩa: “Quà tết là những chắt lọc tinh tuý nhất đến từ các món đặc sản nước nhà, nhằm đem lại niềm vui và không khí ấm áp cho cái tết Việt được trọn vẹn đầy đủ trong yêu thương”.


“Tôi không biết chọn giỏ quà tết nào cho hợp vì tôi thấy giỏ quà nào cũng đầy đủ và cần thiết, những lời chúc trong từng giỏ quà rất hay và đầy ý nghĩa trong cái tết của người Việt”, chị Phạm Thị Trà, một khách hàng tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, cho biết.


Mở đường cho hàng đặc sản vào siêu thị


Quà quê thường dễ tạo được cảm xúc thích thú cho người nhận nên có nhiều món quà quê được chọn để đưa vào trong giỏ quà năm nay như: bánh hỏi khô của Bích Chi (Đồng Tháp), rượu của Bình Khương Thôn và Phú Lễ (Bến Tre), lạp xưởng bò của Gia Phú Châu Giang (An Giang) cũng như nước mắm rươi của Long Vinh (Trà Vinh)…


Việc sản phẩm của đặc sản làng nghề có mặt trong giỏ quà tết là một sự cố gắng lớn của doanh nghiệp đặc sản làng nghề.


Bà Lê Thanh Trúc, phó tổng giám đốc công ty Rượu Phú Lễ (Bến Tre), cho biết: “Nhờ tham gia giỏ quà tết mà sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết đến và tin dùng hơn, chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án để có thể cung cấp hàng trong siêu thị và trong giỏ quà tết. Năm nay chúng tôi chuẩn bị tốt để không rơi vào tình trạng cháy hàng như năm trước”.


Đặc sản trong giỏ quà sẽ là một bước đệm quan trọng để tiếp bước cho chính những đặc sản này có thể bước vào siêu thị. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, việc đưa hàng đặc sản, thuần Việt vào siêu thị đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Khi đời sống nhân dân được nâng lên, mức độ, nhu cầu tiêu dùng hàng đặc sản càng lớn, nhiều đặc sản hiện nay đã thâm nhập được vào siêu thị. Ngay sau tết, hội sẽ cùng hệ thống siêu thị này tiến hành chương trình “đưa đặc sản vào kinh doanh bền vững trong siêu thị Co.opmart”.


Ông Nhân dẫn chứng, “hiện nay chúng tôi có 80 đơn vị cung cấp các mặt hàng đặc sản, trong những năm gần đây, các sản phẩm đặc sản, hàng Việt trong siêu thị mỗi năm tăng từ 20 – 25%, đây là một tốc độ cao trong tình hình hiện nay”. Giỏ quà tết Việt cũng chỉ là bước khởi đầu trong thời điểm thuận lợi. Còn bước tiến dài sau đó, mặc dù có sự đồng hành hỗ trợ của hội DN HVNCLC vẫn rất cần nhiều nỗ lực hơn của các cơ sở làng nghề địa phương.


T. Quỳnh – B. Nhiên









Địa phương phản hồi về bình chọn HVNCLC 2014


Sau khi có kết quả bình chọn của người tiêu dùng, hội DN HVNCLC đã gửi công văn tới các sở, ngành chức năng của các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để lấy ý kiến về tình hình chấp hành pháp luật liên quan các tiêu chí bình chọn của từng doanh nghiệp. Tính đến nay, hội DN HVNCLC đã nhận được 26 phản hồi của các sở ban ngành liên quan thuộc các địa phương có doanh nghiệp được bình chọn. 19 tỉnh thành đã có công văn trả lời chính thức bao gồm: TP Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, TP. HCM, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang. Các tỉnh/thành còn lại đã gọi điện hay gửi email thông báo sẽ gửi công văn sớm. Qua đó, hiện chưa có trường hợp nào trong 662 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn có những vi phạm liên quan.


Doanh nghiệp chỉ cần hoàn tất hồ sơ minh bạch thông tin theo mẫu là đủ điều kiện công nhận đạt chứng nhận nhãn hiệu HVNCLC 2014. Hồ sơ gửi về cho BTC – hội DN HVNCLC (72/5F Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP.HCM) trước ngày 18.1.2014; Kể từ sau ngày này hội sẽ không giải quyết đối với các trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ trễ hạn vì bất cứ lý do gì.


Hội DN HVNCLC







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ