Tại sao can thiệp Syria?
SGTT.VN - Hội nghị thượng đỉnh G20 bắt đầu vào thứ năm 5.9 ở St Petersburg dự kiến tập trung vào kinh tế và tăng trưởng thế giới, nhất là tăng trưởng chậm ở các thị trường mới nổi, nhưng giờ đây sẽ bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng Trung Đông. Hội nghị có thể trở thành một tranh cãi cuối cùng của quốc tế, sau khi TT Nga Vladimir Putin đe dọa đưa một lưới chắn tên lửa đến Syria nếu Mỹ khởi động một cuộc tấn công mà không được phép của Liên Hiệp Quốc (UN).
Hôm thứ ba 3.9, TT Mỹ Barack Obama mô tả kế hoạch hành động can thiệp Syria như là một phần trong một chiến lược rộng lớn để lật đổ TT Syria Bashar al-Assad. Khi chiến dịch của Nhà Trắng thuyết phục được một số nghị sĩ quốc hội Mỹ, TT Putin tuyên bố: “Nếu chúng tôi thấy rằng các bước diễn ra vi phạm những tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, chúng tôi sẽ xem xét nên hành động thế nào trong tương lai, nhất là liên quan các hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho một số nơi (Syria và Iran) trên thế giới”.
Bắt tay nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 nhưng ông Putin và ông Obama mỗi người nhìn về một hướng. Ảnh: Reuters
|
Khi TT Barack Obama biện minh lý do can thiệp quân sự là để đáp trả việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, dân Mỹ và nhiều người khác trên thế giới đặt câu hỏi là mục đích nên là gì. Liệu sử dụng lực lượng quân sự nên nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công người dân Syria trong tương lai, hay mục tiêu thích hợp là trừng phạt chế độ Assad do vi phạm luật quốc tế? GS Robert Howse và GS Ruti Teitel thuộc Khoa Luật, ĐH New York, đã giải thích nền tảng pháp lý quốc tế của việc can thiệp này trên trang mạng Project Syndicate.
Cho đến nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề cập cả hai mục đích – giảm năng lực vũ khí hạt nhân của Syria, và bảo đảm “tính chịu trách nhiệm” (accountability) và “chặn trước” (deterrence) – khi biện hộ cho can thiệp quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, một sứ mạng chỉ giới hạn ở mức giảm bớt năng lực vũ khí hạt nhân trong tương lai của chế độ Assad có thể tuân thủ luật quốc tế nhiều hơn một sứ mạng được nghĩ là một hành động trừng phạt hay thực thi pháp luật.
Ngăn ngừa những cuộc tấn công tương lai có một mục tiêu rõ ràng là nhân đạo. Cho dù một số người lập luận rằng can thiệp vì nhân đạo không bao giờ chính đáng nếu không được Hội đồng Bảo an UN phê duyệt, nhưng bản thân Hiến chương UN cung cấp một nền tảng mơ hồ cho quan điểm này.
Hiến chương không ngăn cấm tất cả những hành động đơn phương sử dụng sức mạnh. Nó chỉ ngăn cấm những hành động sử dụng sức mạnh nhắm vào “sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị” của một quốc gia, hay vi phạm các nguyên tắc của UN.
Nhưng thúc đẩy và khuyến khích tôn trọng nhân quyền, kể cả quyền sống, cũng nằm trong các mục đích của UN, như ghi trong Điều 1 của Hiến chương. Liệu Assad có thể thực sự giấu mình đằng sau khái niệm “toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị” để ngăn chặn một nỗ lực nhằm chấm dứt sự tàn ác trái luật của Assad đối với người dân Syria? Những vụ thảm sát dân thường bằng vũ khí hóa học cũng không phù hợp với nguyên tắc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các nước.
Can thiệp vì lý do nhân đạo ở Kosovo năm 1999 thường được mô tả là “bất hợp pháp nhưng có lý”. Nhưng vì việc sử dụng sức mạnh đã không được thiết kế cho phù hợp với mục tiêu ngăn ngừa nạn diệt chủng, một số người có thể - và đã – cảm thấy như là một sự trừng phạt cả dân tộc Serbia để ủng hộ chế độ Slobodan Milosevic. Như vậy, ví dụ về Kosovo cho thấy sự khôn ngoan khi không để hành động nhân đạo vướng vào các khái niệm về ngăn chặn hay trừng phạt.
Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, trừng phạt khối đông ngày càng không thể chấp nhận như là một cách đáp trả thậm chí là đối với những vi phạm nghiêm trọng hay quá mức luật pháp quốc tế, và cách nghĩ này đã được đưa vào luật trong một loạt nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi – gọi là các điều khoản ILC – liên quan trách nhiệm các nước. Đồng thời, những biện pháp trừng phạt không bằng vũ lực, như là trừng phạt về kinh tế, nói chung phù hợp với luật quốc tế hiện hành. Theo đuổi khởi tố tội ác chiến tranh tại Tòa án Tội phạm Quốc tế cũng vậy. Việc thành lập các tòa án tội phạm quốc tế cho thấy yêu cầu qui trách nhiệm cho những tội ác vi phạm luật quốc tế phải là một vấn đề cần được xử bởi các tòa án độc lập, nhưng không phải bằng cách đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự.
Tuy nhiên, chấp nhận rằng can thiệp quân sự mà không được phép của Hội đồng Bảo an về nguyên tắc là phù hợp với Hiến chương UN chỉ đẩy chúng ta đi quá xa. Để các mục đích vừa hợp pháp vừa chính đáng, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng một sự can thiệp không khôn ngoan và không hiệu quả sẽ không hủy hoại sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ trong Hiến chương UN, cùng những quyền của con người và các tiêu chuẩn về nhân đạo có liên quan.
Liệu thực sự có thể giảm đáng kể năng lực tàn sát dân thường của chế độ Assad trong tương lai, với những phương tiện hiện có? Liệu chính sứ mạng can thiệp sẽ gây ra bao nhiêu thiệt hại cho con người?
Đây là những câu hỏi chủ yếu mà những ai ủng hộ can thiệp quân sự phải giải quyết. Những câu hỏi này về đạo đức và thực tiễn, nhưng cũng về tính pháp lý, bởi vì luật quốc tế không phải chỉ có Hiến chương UN; mà còn bao gồm những nguyên tắc lâu đời về tính tất yếu và cân đối.
Trên hết tất cả, nơi nào mục tiêu sử dụng sức mạnh là vì nhân đạo, thì giảm thiểu những tổn thất cho con người do tiến trình can thiệp là điều tất yếu, cũng như là một tiêu chuẩn pháp lý và nguyên tắc đạo đức. Ngược lại, rắc rối của việc sử dụng lực lượng quân sự để trừng phạt là tính tất yếu và cân đối không thể dễ dàng áp dụng cho tính toán: một sự trừng phạt chiếu lệ sẽ làm vi phạm nghiêm trọng hóa tầm thường, trong khi can thiệp qui mô sẽ gây chết chóc và hủy hoại nhiều người vô tội.
Can thiệp nhân đạo được lên kế hoạch cẩn trọng, cũng như qui trách nhiệm pháp lý cho các tội ác chiến tranh, có thể gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho những kẻ tội phạm và độc tài rằng họ phải tính đến những giá trị cơ sở của luật pháp quốc tế. Nhưng gom hai mục đích này làm một– cứu người và ban phát công lý – có thể dẫn đến hủy hoại cả hai.
Võ Phương (PROJECT SYNDICATE, GUARDIAN)