Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Giáo dục khai phóng, con đường xa ngái…

Giáo dục khai phóng, con đường xa ngái…

PGS - TS Hoàng Dũng - khoa Ngữ văn trường đại học Sư phạm TP. HCM:


Giáo dục khai phóng, con đường xa ngái…


SGTT.VN - Đại học Việt Nam từng trải qua nhiều đợt cải cách để mong chấm dứt tình trạng đào tạo “học sinh cấp 4”, chất lượng đầu ra không cung ứng nổi cho thị trường lao động đòi hỏi cao. Nhưng trong bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education - một trong những ấn phẩm xếp hạng khách quan và uy tín nhất toàn cầu - đến nay vẫn không có một trường đại học nào của quốc gia 90 triệu dân này lọt vào danh sách 400 đại học ưu tú nhất.


Là người hàng ngày trực tiếp giảng dạy trên giảng đường đại học, PGS - TS Hoàng Dũng nói:


Bất chấp chúng ta có những nhà khoa học tầm cỡ thế giới, học sinh chúng ta đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế, giáo dục Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp - nghịch lý ấy từ lâu không còn làm ai ngạc nhiên.


Giáo dục nói chung và đại học nói riêng ở Việt Nam đã trải qua nhiều đợt, người thì nói nhẹ nhàng cải cách, mạnh hơn một chút thì chấn hưng, nhưng cũng có người quyết liệt nói cách mạng. Nay thì, theo đúng từ ngữ của nghị quyết vừa mới thông qua, là “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”! Tất cả cho thấy xã hội và các cấp có trách nhiệm đã thấy: giáo dục đang khủng hoảng; và để giải quyết khủng hoảng ấy phải có phương thuốc “trị căn”, chứ không dừng lại ở “trị chứng”.


Để cải tổ đại học, theo ông phải bắt đầu từ đâu: gốc hay ngọn, hay cả gốc lẫn ngọn?










Một nền giáo dục khai phóng, là mở ra những chân trời rộng lớn, ở đó con người tự do, tự chủ. Đó là mục đích của một nền giáo dục đích thực. Ảnh: Dân Việt



Nếu bài toán giáo dục chỉ cần giải quyết ngọn mà xong, thì không thể nhận định giáo dục Việt Nam, trong đó có đại học, đang khủng hoảng. Nhưng chỉ chăm chăm lo phần gốc, mà không chú ý thích đáng phần ngọn, thì trong một thời gian khá dài, bề ngoài vẫn chưa thấy thay đổi gì nhiều, vì “thuốc” chưa đủ thời gian để ngấm.


Nhà quản lý bỏ mặc những giải pháp chiến lược, để tập trung vào những vấn đề bề mặt (như phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”) thì trước mắt có thể tạo một ấn tượng tốt đẹp nào đó, nhưng nhất định sẽ thất bại. Ngược lại, nếu bức tranh giáo dục không được cải thiện trông thấy, thì xã hội không thể chờ đợi, gây áp lực đối với nhà quản lý. Giáo dục tác động đến toàn xã hội, đến 100% dân số, vì thế đây là áp lực hết sức lớn. Ở tầm quốc gia, giáo dục là một vấn đề chính trị. Và không một nhà chính trị khôn ngoan nào lại liều lĩnh đến mức không cần cân nhắc đến điều đó. Giải pháp về giáo dục phải là một giải pháp tổng thể, cân bằng giữa “gốc” và “ngọn”.









Năm 2012 tổng số công bố quốc tế của tất cả các trường đại học Việt Nam chỉ tương đương số công bố của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), một trường không có tên trong số 400 trường tốt nhất thế giới (Times Higher Education World University Rankings 2011-2012), và bằng 1/4 Đại học Quốc gia Singapore (NUS), một trường hạng 40 vào năm đó.



Người thầy, đầu vào của sinh viên, cơ sở vật chất… đều là vấn đề có thực của giáo dục Việt Nam. Nhưng khó lòng cho đó là những vấn đề quan trọng số một. Vì chất lượng và số lượng của người thầy, của tân sinh viên, của cơ sở vật chất không phải tự nhiên mà có. Nó là sản phẩm của một cơ chế nhất định.


Tự chủ đại học là một trong những cơ chế như thế. Xin nêu một trường hợp đáng ngẫm nghĩ: khi giáo sư Thí Xuân Phong (Shih Choon Fong) được chọn làm hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore (NUS) năm 2000, ông đã cho tiến hành những cải cách mạnh mẽ. Tất nhiên, ông bị phản đối gay gắt, đến mức bị Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục của Quốc hội lúc ấy cáo buộc ông đã đảo lộn các chuẩn mực tuyển dụng ở trường đại học. Mặc, giáo sư Thí Xuân Phong vẫn cứ làm theo ý ông. Kết quả đến năm 2004, NUS đã có một cuộc thăng hạng ngoạn mục: vươn lên đứng thứ 18 trong các trường đại học tốt nhất thế giới, theo xếp hạng của Times.


Theo ông, tự do học thuật có vai trò và giá trị thế nào trong cách tân giáo dục nước nhà vào thời điểm hiện tại? Có rào cản nào không về ngân sách - thể chế trong việc thực hiện không gian tự do học thuật và đảm bảo chất lượng đào tạo đại học?


Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về mặt hành chính mà quan trọng không kém, thậm chí có thể nói là quan trọng hơn, là tự do học thuật. Ở ta, tự chủ về mặt hành chính tuy khó nhưng còn dễ hơn là chuyện tự do học thuật. Người ta không quen. Đã xảy ra chuyện một cơ quan quyền lực biên soạn giáo trình đại học, buộc tất cả các trường phải dùng làm tài liệu chuẩn. Đã xảy ra chuyện một cơ quan hành chính ra lệnh kiểm điểm những giáo sư đánh giá cao một luận văn thạc sĩ văn học, vì cho luận văn đó “có quan điểm sai trái”.


Không ai lú lẫn đến mức khẳng định tất cả hoạt động học thuật nói chung và ở đại học nói riêng đều đúng đắn. Nhưng vấn đề là cần phải giải quyết ở góc độ học thuật và bằng học thuật. Để bất cứ quan điểm ngoài học thuật nào xen vào, dù dưới bất cứ danh nghĩa nào, “chính đáng” hay “cao cả” đến đâu, cũng làm phương hại đến học thuật. Năm 1956, trong bài “Muốn phát triển học thuật”, Đào Duy Anh đã than: “Trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém”. Chắc ông không tưởng tượng được rằng gần 60 năm sau, “mối tệ” ấy vẫn còn!


Đại học là trí tuệ của đất nước, là nơi sinh dưỡng hiền tài. Mà như một câu nổi tiếng của Thân Nhân Trung khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Khoá cho thật chặt để tránh gió độc, thì cũng bịt lối vào của gió lành. Hiền tài nào sống được trong môi trường thiếu dưỡng khí đó!


Còn chuyện tiền bạc? Khó lòng cải cách giáo dục mà không có đủ tiền hay chính xác hơn, không quyết tâm dành tiền cho giáo dục. Có tốn nhiều tiền không? Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã tính toán là để nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn ở các trường đại học đủ trang thiết bị hiện đại và hàng năm mời 200 chuyên gia nước ngoài đến làm việc trong vòng 10 năm thì tốn chừng 125 triệu USD/năm. Để so sánh, xin nhắc kinh phí làm đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là 28 triệu USD/km.


Thật ra, nguồn tài chính cho giáo dục không thể chỉ trông cậy vào ngân sách nhà nước. Nhưng một khi đại học trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu của nền kinh tế, thì xã hội sẵn lòng chi tiền. Sự sẵn lòng ấy về căn bản không phải xuất phát từ lòng tốt, mà do đồng tiền bỏ ra thu được lãi. Ở Mỹ, 70-80% ngân sách của các đại học đến từ tài trợ của các công ty, của hợp đồng nghiên cứu hay triển khai khoa học… Xã hội đặt hàng và đại học đáp ứng. Và điều đó làm ra tiền. Ở ta, khái niệm “xã hội hoá” giáo dục hầu như bó hẹp trong chuyện bắt phụ huynh học sinh phải xuỳ tiền ra!


Cho nên, cách tân giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.


Trong khi chờ đợi giáo dục Việt Nam cất cánh, những người có tiền hay có thế lực hoặc may mắn, giải quyết theo cách mà báo chí gọi là “tỵ nạn giáo dục”. Nhưng đa số người dân Việt thì đành phải chịu một nền giáo dục như nó có.


Đề án đổi mới toàn diện giáo dục lần này đặt vấn đề “ trước đây nặng về dạy chữ, nhẹ dạy người”… Vậy mục tiêu của đại học là đào tạo ra những con người như thế nào?


Đánh giá rằng “trước đây nặng về dạy chữ” là không đúng. Vì nếu thế, không thể lý giải được tại sao đã “nặng về dạy chữ” mà chất lượng sinh viên nhìn chung vẫn thấp. Còn “nhẹ về dạy người”? Nếu căn cứ vào lời lẽ và cơ chế, thì giáo dục Việt Nam không hề xem nhẹ vấn đề này. Trái lại, còn quá nặng. Không khó khăn để trích dẫn những câu chữ trong các văn bản chính thức nhấn mạnh đến việc “dạy người”. Nhưng dạy thành công hay không, là chuyện khác. Chính xác hơn, nhà trường ta nhẹ về dạy người lẫn dạy chữ!


Một nền giáo dục khai phóng, là mở ra những chân trời rộng lớn, ở đó con người tự do, tự chủ. Đó là mục đích của một nền giáo dục đích thực, bất cứ thời nào và nơi nào. Đất nước có thể “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, “sánh vai với cường quốc năm châu” được không, nếu thiếu điều đó? Nhưng hiện nay và ở ta con đường đi đến nền giáo dục khai phóng còn xa ngái!


Riêng đại học sư phạm - trường có vị trí hàng đầu trong câu chuyện cách tân giáo dục - vẫn đứng trước thách thức “chuột chạy cùng sào…”, theo ông phải cải tổ như thế nào?


Truyền thống Việt Nam đề cao “tôn sư trọng đạo”. Nhưng người thầy nay đã “mất giá” theo nghĩa đen. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng; sau 25 năm giảng dạy mới có mức lương 4,1-4,7 triệu đồng/tháng; và đến 50% số giáo viên lương thấp hơn mức lương bình quân. Trong hoàn cảnh đó, nhấn mạnh đến “thiên chức cao quý” của nghề giáo chỉ là một sự mỉa mai, làm tăng vị cay đắng cho nghề sư phạm. Chưa từng thấy một quốc gia nào có nền giáo dục phát triển, mà lương nhà giáo lại thấp (lương trung bình của giáo viên ở Singapore: 45.755 đô la, ở Hàn Quốc, Mỹ, Đức và Nhật Bản đều trên 40.000 đô la).


Trong sự xuống cấp chung của đại học, sự xuống cấp của đại học sư phạm phải gây cho những người có trách nhiệm biết nghĩ xa và sâu một sự lo lắng đặc biệt. Vì điều đó rút cục sẽ tác động tệ hại đến giáo dục nói chung.

Một quan chức lớn có nói với tôi rằng tăng lương cho giáo viên không dễ. Vì giáo viên có số lượng đông đảo (theo Tổng cục Thống kê, số giáo viên phổ thông năm học 2010-2011 là 830.900 người). Nhưng chính vì thế mà như đã nói ở trên, giáo dục cần đến quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.


Tác gia Mỹ W.A. Ward từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”, nghĩa là sao thưa ông?


Trong một cuộc hội thảo về văn hoá, giáo sư Hoàng Tuỵ nhận xét rằng người Việt Nam học phổ thông thì không đến nỗi nào, nhưng lên đại học thì kém hơn, và ở bậc trên đại học thì thua xa so với các nước tiên tiến. Giáo sư cho rằng đó là do người Việt thiếu óc tưởng tượng. Rất có thể.


Cảm hứng chỉ được nuôi dưỡng khi nảy mầm trên những mảnh đất mới mẻ. Thầy giáo truyền được cảm hứng là nhờ biết gieo hạt tưởng tượng trong tâm trí người học, cung cấp cho họ năng lượng cần thiết để vượt qua những khổ nhọc trên con đường khám phá. Chân trời của tưởng tượng vốn không có biên độ. Ở đấy con người thoát ra những lẽ thường và hoàn toàn tự do.

Nhưng như thế thì ta lại quay về chuyện “tự do học thuật”!


Cho nên, có một cách giải thích khác với ý kiến của giáo sư Hoàng Tuỵ. Cũng là người Việt Nam, tại sao ở nước ngoài nhiều người Việt học hành, làm việc chẳng thua ai? Tưởng tượng, như thế, còn là do môi trường. Làm sao cho nhà trường Việt Nam trở thành một nơi chốn khuyến khích người học tha hồ tưởng tượng mà chẳng sợ ai chê trách, thậm chí đe doạ? Những thứ “văn mẫu”, “tư tưởng mẫu”, “giải pháp mẫu”, “con đường mẫu”… không thể là vòng kim cô trói buộc đầu óc của con người. Khai phóng là ở đó, chứ đâu nữa!


Theo Minh Nguyễn/ Người Đô Thị






Trao học bổng cho 10 thủ khoa đại học xuất sắc tại Hà Nội

Trao học bổng cho 10 thủ khoa đại học xuất sắc tại Hà Nội

Trao học bổng cho 10 thủ khoa đại học xuất sắc tại Hà Nội


SGTT.VN - Ngày 8.11, 10 em thủ khoa đại học của Hà Nội đã được tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) trao tặng học bổng VNPT "Chắp cánh tài năng Việt". Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng.


Đây là những thủ khoa đầu vào đại học năm 2013, thuộc khối ngành khoa học, công nghệ và các thủ khoa có hoàn cảnh đặc biệt.


Các em đến từ những miền quên khác nhau nhưng đều là những điển hình cho các bạn trẻ về niềm đam mệ công nghề thông tin, là tấm gương sáng về nghị lực cũng như tinh thần hiếu học, nỗ lực vươn lên, vượt qua hoàn cảnh.


Tiêu biểu có thể kể đến như em Nguyễn Hữu Tiến, gia đình khó khăn nhưng Tiến luôn phấn đấu trong học tập, trở thành thủ khoa Đại học Y Hà Nội với 79,75 điểm. Em Bùi Chí Hướng, thủ khoa của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, dù mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà nội nhưng em đã có nghị lực mạnh mẽ để nỗ lực vươn lên, trở thành niềm tự hào của gia đình, nhà trường.


“Học bổng này không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với em và các bạn, là động lực để chúng em phấn đấu học tập tốt hơn nơi giảng đường đại học,” Hướng chia sẻ.


Việc tặng học bổng cho các thủ khoa được VNPT tổ chức từ năm 2009. Đến nay, đã có 590 triệu đồng được trao cho các thủ khoa đầu vào của các trường đại học thuộc khối khoa học công nghệ và các thủ khoa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ 2006 đến nay, VNPT đã dành hơn 12 tỷ đồng tổ chức trao học bổng cho hơn 15.000 học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi.


Thiên Lam






Tâm của siêu bão Haiyan vào vùng biển Huế - Bình Định trong 24 giờ tới

Tâm của siêu bão Haiyan vào vùng biển Huế - Bình Định trong 24 giờ tới

Tâm của siêu bão Haiyan vào vùng biển Huế - Bình Định trong 24 giờ tới


SGTT.VN - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 04 giờ ngày 9.11, vị trí tâm bão Haiyan (tức cơn bão số 14) ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc.


Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.


Cơn bão Haiyan được coi là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ngành khí tượng thủy văn thế giới cũng như Việt Nam.










Dự báo đường đi của bão Haiyan, đăng trên website của Hải quân Mỹ.



Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 04 giờ ngày 10.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.


Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.










Nước lũ chia cắt đập tràn qua tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước (Bình Định) đi các xã phía đông. Ảnh: Trọng Nguyễn



Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.


PV









Miền Trung mưa lớn, nhiều nơi bị cô lập


Trong 3 ngày 6-8.11, tại các tỉnh Bình Định, Huế, Quảng Bình, Phú Yên... liên tục xảy ra mưa lớn, lũ thượng nguồn các sông dâng cao, gây ngập lụt, chia cắt tại nhiều nơi.










TRên đường phố Huế có những xoáy nước xuất hiện. Ảnh: Dân Việt



Trong sáng 8.11, hơn 18.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) phải nghỉ học, gần 20.000 công nhân không thể đến nơi làm việc do mưa lũ. Nhiều đoạn trên 2 tuyến tỉnh lộ 640 và 636B qua huyện Tuy Phước bị ngập sâu 0,7-1m. Tuyến đường giao thông qua các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Lộc… bị ngập úng cục bộ, nhiều khu dân cư bị cô lập.


Tại Thừa Thiên Huế hiện vẫn có mưa rất to, có nơi đo được trên 90mm. Gần 5.000 ngôi nhà trên toàn tỉnh bị ngập, trong đó có hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 1 - 1,5m đặc biệt là khu vực xung quanh Đại nội Huế.


Tại Phú Yên, trong sáng 8.11, nước sông Kỳ Lộ qua huyện Đồng Xuân đã dâng cao ngập cầu La Hai trên 1m. Hàng trăm người qua lại phải đi vòng lên đường sắt.


VNN







Việt Nam yêu cầu Australia, Mỹ giải thích vụ “nghe lén”

Việt Nam yêu cầu Australia, Mỹ giải thích vụ “nghe lén”

Việt Nam yêu cầu Australia, Mỹ giải thích vụ “nghe lén”


SGTT.VN - Việt Nam “rất quan ngại” trước thông tin Australia bí mật thu thập thông tin tình báo ở Việt Nam...


Việt Nam “rất quan ngại” trước thông tin Australia bí mật thu thập thông tin tình báo ở Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7.11.


Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam, ông Nghị cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Australia và Mỹ giải thích và “đề nghị các bên liên quan xác minh, xử lý vấn đề, đảm bảo quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển tốt đẹp".


Trước đó, theo một tài liệu mật được tiết lộ bởi cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowsden, các chương trình bí mật của NSA đã được thực hiện tại các đại sứ quán của Australia ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Đông Timor.


Theo kênh truyền thông SBS của Australia, Indonesia đã yêu cầu các bên liên quan làm rõ những cáo buộc cho rằng đại sứ quán Mỹ và Australia ở Jakarta theo dõi Tổng thống Sulilo Bambang Yudhoyono và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của nước này.


Mang tên “Stateroom”, chương trình theo dõi này được cho là nghe lén các cuộc điện thoại và truy cập Internet của các nhà lãnh đạo. Bản tài liệu từ Edward Snowsden cho biết, các thiết bị theo dõi này được giấu rất kỹ, chẳng hạn dưới mái nhà kho, và nhấn mạnh, phần lớn nhân viên ngoại giao trong các đại sứ quán không biết đến sự tồn tại của các thiết bị đó.


Ngoại trưởng Indonesia, ông Natalegawa phát biểu rằng, các hoạt động bị cho là nghe lén này là “không thể chấp nhận được”, và nếu được chứng minh là có thật, các hoạt động đó sẽ không chỉ bị coi là xâm phạm an ninh, mà còn là “sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về ngoại giao và đạo đức”.


VnEconomy






Bảy món ăn chơi

Bảy món ăn chơi

Bảy món ăn chơi


SGTT.VN - Thay đổi hay làm món ăn lạ là nhu cầu thường khi trong đời sống ẩm thực. Từ tiệc tiếp đãi bạn bè, người thân cho đến việc đổi món trong bữa ăn tại nhà cũng cần có những “biến tấu” để thay đổi khẩu vị. Ngay cả để… lai rai lại càng hợp gu.


Hàu sữa nuớng phômai











Cho sữa tuơi và phômai bột (Panmesan) vào nồi, nấu lửa nhỏ vừa sôi lên. Cho bột bắp khuấy với 1 ít nước nguội vào. Khuấy đều cho hỗn hợp sánh lại.


Cho hỗn hợp sữa trên phủ lên hàu sữa và trên cùng là phômai lát (Gouda). Đem đút lò ở nhiệt độ 1800C trong 15 phút. Lớp phômai vàng là được.


Sò điệp xốt bí rợ











Cồi sò điệp rửa sạch ướp với tỏi, một ít muối, tiêu, để thấm 15 phút. Phi hành tím cho đến lúc vàng đều, cho sò điệp vào xào áp chảo đến lúc chín tới, nêm lại cho vừa ăn. Bí rợ gọt vỏ luộc chín, cho vào máy xay nhuyễn. Phi thơm tỏi cho bí xay vào xào, nêm lại bằng muối, tiêu, đường cho vừa ăn. Múc bí xay ra dĩa, cho sò điệp lên, cho hành phi lên mặt sò điệp, trang trí thêm rau mầm.


Thăn bò cuộn tôm sú nướng phômai











Thăn bò ướp muối tiêu, dầu ăn, đem nướng cho vừa chín tới (mỗi mặt khoảng 5 phút). Tôm sú lột, ướp muối tiêu, tỏi bằm; xào vừa chín tới.


Đặt phômai cắt lát lên bò, cho tôm sú lên cuốn tròn. Nướng bò 2000C đến lúc vàng đều, phômai chảy là được. Cắt bò thành khoanh, rưới xốt vang đỏ lên bò, ăn kèm bông cải luộc.


Gan ngỗng áp chảo











Giấm Balsamic bắc lên bếp nấu cho đến lúc cô đặc còn lại 1/3.


Gan ngỗng ướp một ít muối, tiêu. Bắc chảo lên bếp nóng đến 1800C. Cho gan vào chảo chiên áp chảo vàng đều hai mặt, không dùng dầu để chiên vì trong gan ngỗng có rất nhiều mỡ. Cho gan ngỗng ra dĩa. Nướng cà tím chín xếp kèm. Ăn nóng với xốt giấm


Cari vịt quay thái











Vịt quay cắt miếng vừa ăn. Phi thơm hành tím, tỏi. Cho cari xanh, thịt vịt quay vào xào chung. Chế nước cốt dừa vào nấu, cho sả cây, ớt bột, thơm cắt miếng, cà dĩa cắt miếng, ớt trái vào. Nấu vừa thấy cà chín, nêm lại bằng muối, đường, bột nêm vừa ăn. Múc vịt nấu cari ra thố trang trí thơm, cà cắt miếng, ớt trái và rau húng quế. Cari ăn nóng với cơm trắng, bánh mì...


Súp cua gà nấm tuyết











Xương heo nấu nước dùng chung thịt ức gà, cho thêm hành tím nướng và củ cải trắng, rễ ngò rí.


Thịt cua hấp lại, trộn chút tiêu. Nấm tuyết ngâm nở, cắt nhỏ. Ức gà xé nhỏ. Nấu sôi nước dùng, nêm gia vị vừa ăn, cho 1/2 lượng thịt cua vào. Pha bột năng với nước lạnh, đổ vào nồi cho súp hơi sánh, cho trứng chảy qua rây vào và khuấy theo một chiều; cho tiếp thịt gà, nấm tuyết, dầu mè vào. Múc ra chén, thêm thịt cua, hành tây, tiêu sọ.


Súp rong biển chay











Rong biển khô 30g, thanh cua chay 3 cây, nước lạnh 0,8 lít, bột năng 1M, đường phèn 1M, dầu mè.


Rong biển rửa sạch, ngâm nước 15 phút, vớt ra để ráo. Thanh cua chay xé sợi, bột năng quậy đều với nước. Nấu sôi nước, cho thanh cua xé sợi, rong biển vào nấu sôi 5 phút. Nêm gia vị, cho bột năng vào quậy sệt, rưới dầu mè lên.


M.Cúc – Q.Tâm






“Đăng liều” thành đạt nhờ “lao” theo cá bông lau

“Đăng liều” thành đạt nhờ “lao” theo cá bông lau

“Đăng liều” thành đạt nhờ “lao” theo cá bông lau


SGTT.VN - Nhìn từ xa, mảnh đất rộng mênh mông đầy lau sậy, cỏ dại nằm xen giữa cánh đồng nuôi tôm công nghiệp ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, không ít người phải luyến tiếc khi giá tôm đang ở mức rất cao như hiện tại. Khi đến gần, khu đất rộng khoảng 10ha này dù đã được xẻ mương thẳng tắp, nối thông với nhau, nhưng mặt nước cặp theo các bờ cỏ cây ngả rạp đã che kín, những khoảng trống mặt nước còn lại cũng yên lặng… Nhưng đó lại là nơi tạo cảnh tự nhiên để gây nuôi những loài cá da trơn có giá trị cao của một ông chủ trẻ – Nguyễn Tâm Đăng đến từ thị xã Gò Công – cách đó hơn hai chục cây số.










Anh Nguyễn Tâm Đăng tìm tòi, phân tích những điểm giống và khác nhau giữa cá bông lau và cá tra bần.



Cơ duyên với cá bông lau


Là dân miệt cửa sông, năm 2007, anh Nguyễn Tâm Đăng (cư dân phường 3, thị xã Gò Công – Tiền Giang) đã phải vét túi để mua một con cá bông lau nặng khoảng 7kg với giá 120.000 đồng/kg, gấp gần năm lần giá cá tra. Từ thực tế này đã gợi cho anh Đăng suy nghĩ: “Loài cá này cùng họ cá tra, xứ mình dù không có nhiều lắm, nhưng nó cũng có ở ngoài tự nhiên, vậy sao nó mắc dữ vậy mà không ai nuôi trong khi cá tra đang trên đà tuột dốc”.


Từ đó, ý tưởng về việc nhân nuôi loài cá có giá trị cao này đã thôi thúc anh lục lọi, tìm kiếm nhiều tài liệu nghiên cứu, thành tựu khoa học và tiếp cận các ứng dụng thực tế về loài cá này. Từ những thông tin về việc cư dân làng chài ở cửa Tiểu, cửa Đại, Trần Đề… cứ tới mùa lại bắt được những con cá con thuộc họ da trơn nhỏ bằng đầu đũa đã tạo động lực giúp anh Đăng từ bỏ luôn nghiệp cơ khí mà anh đã theo học tại đại học Bách khoa TP.HCM trước đó. Nhưng làm sao để bắt được nhiều con cá giống ngoài tự nhiên, giữ cho nó sống và nuôi nó thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường… là chuỗi những bài toán mà anh Đăng phải tự giải lúc bấy giờ. Trong khi đó, theo tìm hiểu của anh Đăng, cũng vào những năm 2000, một dự án của cộng đồng châu Âu đã đầu tư nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá bông lau trên sông Mekong vẫn không thu được kết quả như mong muốn. “Vậy là phải mò mẫm thôi!”, anh Đăng quyết định. Vậy là, cứ tới mùa cá con xuất hiện ở những vùng cửa sông, anh Đăng lại bám theo những con tàu đánh bắt để mua gom những con cá con bắt được từ tự nhiên, đem về thuần dưỡng, nuôi thử.


Tuy nhiên, lúc đầu, mặc dù anh Đăng đem số cá con còn sống sót về thuần dưỡng nuôi trong ao đất, nước tĩnh – thay vì dòng chảy như ngoài thiên nhiên, thế nhưng cá con vẫn chết. Làm thử nhiều lần như vậy, cá vẫn chết, gia đình và người thân của anh tỏ ý ngăn cản, nhưng anh Đăng vẫn cương quyết: “Đã phóng lao thì phải theo lao”, nên có không ít người gọi anh là “Đăng liều”.


Thuần dưỡng cá tự nhiên


Thuần dưỡng được con giống đánh bắt từ thiên nhiên ở khu vực cửa biển là một việc hết sức khó. ThS Huỳnh Hữu Ngãi, cán bộ của trung tâm quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ (viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2) cho biết: “Tại trung tâm này, ngay cả con giống bố mẹ cũng phải được nuôi thuần trong bè nuôi mà chưa thể nuôi được trong ao đất”. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi những thức ăn viên cho cá ăn, cuối cùng anh Đăng đã thành công trong việc thuần dưỡng, nhân nuôi các loài cá da trơn từ tự nhiên. Vụ nuôi đầu tiên năm 2010 – 2011, anh Đăng đã thuần dưỡng được khoảng 100.000 con giống cá da trơn các loại (gồm cá tra bần, cá bông lau, cá dứa) có nguồn gốc tự nhiên. Sau quá trình chọn lựa con giống khoẻ, anh Đăng đã thuê 10ha đất ở huyện Tân Phú Đông để thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con giống. Sau khoảng 12 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con, anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm.


Với kinh nghiệm tích luỹ được, anh Đăng cho biết: “Cá bông lau và cá dứa hầu như không thể phân biệt được ở giai đoạn cá giống, tuy nhiên, cách nhận dạng chung là hai loài cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó cá tra bần có lưng, vây, đuôi đều màu vàng. Cá giống đánh bắt từ tự nhiên hiện tại có khoảng 10% là cá tra bần, loài này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa.” Vụ ương giống năm 2011 – 2012, anh Đăng đã thuần dưỡng và thả nuôi được hơn 31.000 con giống, hiện cá đã đạt bình quân 1kg/con. Bên cạnh đó, vụ cá giống năm 2013 – 2014, anh Đăng cũng đang chuẩn bị khoảng 500.000 con giống các loại cho vụ nuôi tiếp theo và cung ứng cho các đơn đặt hàng. Trong khi đó, cách nay bốn năm, trung tâm quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ đã thành công trong việc cho cá bông lau sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên, theo ThS Huỳnh Hữu Ngãi thuộc trung tâm này, việc ương nuôi dù trong điều kiện nuôi trong bể, thì tỷ lệ đạt cũng chỉ khoảng 50%, nên sản lượng hàng năm của trung tâm này chỉ ương nuôi được khoảng 30.000 – 40.000 con giống.


Dù đã có những thành tựu trong sinh sản nhân tạo cá giống bông lau, nhưng theo “chuyên gia” giống tự nhiên Nguyễn Tâm Đăng, con giống nguồn gốc thiên nhiên dù khó thuần dưỡng bằng thức ăn công nghiệp, nhưng khi được nuôi dưỡng trong môi trường nước tĩnh, nó sẽ có sức đề kháng rất cao do trước đó, nó đã trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên. “Mô hình tui đang nuôi là bán thiên nhiên, nên cần diện tích rộng, phải có nguồn nước tốt thay đổi thường xuyên giúp cá thơm thịt một cách tự nhiên và quan trọng nhất là trong suốt quá trình nuôi không được sử dụng thuốc, chất hoá học”, anh Đăng nói.










Cá giống có tập tính hoang dã sau thời gian thuần dưỡng đã quen với thức ăn nuôi công nghiệp.



Ngày càng quý hiếm


TS Bùi Minh Tâm, phó trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thuỷ sản nước ngọt, khoa thuỷ sản (đại học Cần Thơ) cho biết cá bông lau hiện tại đã rất hiếm, kế đến là cá tra bần… tuy nhiên, việc phân loại, tên gọi thông qua đặc điểm của từng giống vẫn chưa thật sự rõ ràng. Hiện viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 đang có dự án nghiên cứu định danh ba loài cá (bông lau, dứa, tra bần) này. Trong thực tế, ở vùng nước lợ, nhiều người gọi là cá dứa, nhưng ở vùng nước mặn, chính con cá này lại được gọi là cá tra bần.


Theo TS Tâm, các loài cá này có vùng sinh sản từ khu vực thác Khone (Nam Lào) đến khu vực Kratie (Campuchia), cá hương sẽ trôi và phát triển dần về vùng hạ lưu ra các cửa sông Cửu Long. Do tập tính sinh trưởng đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật cao, nên các mô hình nuôi hiện tại thường tập trung ở các trung tâm nghiên cứu, hoặc trung tâm giống thuỷ sản thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). ThS Huỳnh Hữu Ngãi cũng thừa nhận: “Với số lượng hạn chế khoảng 500 con kể cả cá bố mẹ và đàn hậu bị, nên trong tương lai gần, chỉ có thể phát triển sản lượng con giống cá bông lau tới mức trên dưới 100.000 con giống/năm”.


Đánh giá về chất lượng con giống hiện có ở đồng bằng sông Cửu Long, TS Tâm nói: “Cá giống sinh sản nhân tạo do đã thuần hoá, nên ăn được thức ăn viên từ lúc nhỏ, lớn nhanh, nhưng sức đề kháng sẽ kém. Con đánh bắt tự nhiên phải tạo điều kiện cho chúng thích nghi dần, hao hụt lớn, giá thành cao. Nhưng, về mặt di truyền, sử dụng con giống tự nhiên trong nuôi thương phẩm sẽ tốt hơn”. Tuy nhiên, TS Tâm cũng lo ngại sản lượng cá bột trên sông Cửu Long đã giảm dần kể từ khi có những thành công đầu trong sinh sản nhân tạo con giống cá tra, mà theo ông, có thể do nhiều tác động từ điều kiện di cư, sinh sản, công trình thuỷ điện, phương pháp đánh bắt của cư dân trên lưu vực sông.


Để tái tạo nguồn cá tự nhiên, hàng năm đã có những hoạt động thả các giống cá quý hiếm về môi trường tự nhiên. Mặc dù không phủ nhận các hoạt động này, nhưng TS Tâm cũng băn khoăn: “Liệu người cho cá đẻ nhân tạo có đảm bảo được các cá thể cá bố mẹ là thuần chủng hay không, nếu điều này không đạt được, thế hệ con lai sẽ rất nguy hiểm khi thả ra môi trường”. Về di truyền, theo TS Tâm, nên tạo điều kiện cho cá đẻ tự nhiên hơn là sinh sản nhân tạo rồi thả cá con ra ngoài thiên nhiên.


bài và ảnh: Ngọc Tùng






Khơi thông hàng hoá từ các tỉnh về thị trường thành phố

Khơi thông hàng hoá từ các tỉnh về thị trường thành phố

Khơi thông hàng hoá từ các tỉnh về thị trường thành phố


SGTT.VN - Sáng 7.11, vụ Thị trường trong nước phối hợp sở Công thương TP.HCM và trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp tổ chức chương trình kết nối cung – cầu hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh Đông – Tây Nam bộ.










Hàng Việt về miền Tây Ảnh: N.B



Chương trình bao gồm chuỗi sự kiện hội thảo “Kết nối cung – cầu hàng hoá theo mô hình liên kết: Nhà nước – nhà nông – nhà sản xuất – nhà phân phối”; lễ ký kết các hợp đồng ghi nhớ, hợp tác sản xuất, phân phối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối; chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề sản xuất của các địa phương. Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 350 doanh nghiệp, hợp tác xã...


Theo sở Công thương TP.HCM, đây là hoạt động quan trọng trong việc xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề sản xuất tại TP.HCM và các tỉnh, thành có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối nhằm cung ứng và tiêu thụ hàng hoá, nhất là dịp tết sắp tới. Qua khảo sát tại hội nghị, có khá nhiều sản phẩm trưng bày trong sự kiện này thuộc nhiều ngành nghề bao gồm nông sản, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, đồ uống… những sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và thị trường tết sắp tới. Riêng các doanh nghiệp ở TP.HCM có hoạt động trưng bày, giới thiệu dưới hình thức “Ngôi nhà chung TP.HCM” với mười gian hàng (ba gian hàng cho các hợp tác xã nông nghiệp, ba gian hàng cho doanh nghiệp bình ổn thị trường, một gian hàng trưng bày sản phẩm, giới thiệu về chợ đầu mối và ba gian hàng giới thiệu doanh nghiệp sản xuất bánh, mứt, kẹo, sản phẩm phục vụ tết).


So với năm 2012, chương trình năm nay tăng lên về quy mô, số lượng đơn vị tham gia. Năm 2012, có 200 doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương và 40 doanh nghiệp phân phối lớn của TP.HCM tham gia với 43 hợp đồng nguyên tắc cam kết cung ứng – tiêu thụ sản phẩm được ký kết.


Đặng Hoàng






Nhà nước không “dính” vào, không ai dám mua!

Nhà nước không “dính” vào, không ai dám mua!

Đầu ra của buýt nhiên liệu sạch


Nhà nước không “dính” vào, không ai dám mua!


SGTT.VN - Mới đây, UBND TP.HCM đã chính thức giao tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) triển khai dự án sản xuất 300 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) trong giai đoạn 2013 – 2015, với tổng số vốn hơn 163 tỉ đồng.










Xe buýt chạy nhiên liệu sạch (bên trái) tại trạm xe buýt Bến Thành. Ảnh: Thanh Hảo



Bình luận về quyết định này nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe buýt cho rằng, dự án trên chỉ thành công khi Nhà nước “dính” vào, còn không thì không ai dám mua!


Không phải ai muốn mua cũng được…


Thông tin này thực sự đã “giải vây” cho Samco khi mà ngay từ giữa tháng 4 vừa qua, Samco đã cho ra mắt chiếc xe buýt chạy nhiên liệu sạch (CNG). Đây là chiếc xe buýt có tên city H75 với 38 chỗ ngồi và 37 chỗ đứng, được Samco đóng lần đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ hoàn toàn mới của Hàn Quốc – nhưng đến nay vẫn chưa thể đóng thêm chiếc nào, một phần vì chưa có vốn. “Đề án được duyệt đồng nghĩa với việc có vốn để triển khai, nên chuyện sản xuất 300 xe buýt nhiên liệu sạch hoàn toàn nằm trong tầm tay của Samco bởi xe mẫu đã có”, ông Trần Quốc Toản, phó tổng giám đốc Samco chia sẻ.


Cũng theo ông Toản, một lợi thế khác của đề án chính là bộ Tài chính đã chính thức thông qua việc xin miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện của TP.HCM. Chính từ cơ sở này UBND TP.HCM mới phê duyệt dự án. Samco đang rốt ráo xây dựng chương trình thực hiện.


Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch với sở Giao thông vận tải để xác định tuyến nào, đường nào sẽ sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch. Đây cũng là cơ sở để làm việc với các đơn vị có nhu cầu đặt hàng khai thác những đoạn tuyến đường trên. “Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai việc này trong tuần tới để sớm gút lại số lượng xe đặt hàng và tiến hành sản xuất”, ông Toản nói.


Hệ thống phân phối khí để phục vụ xe buýt nhiên liệu sạch đóng vai trò quyết định trong việc sản xuất xe buýt nhiên liệu sạch, vậy Samco đã có kế hoạch làm việc với đơn vị cung cấp khí để khi xe sản xuất ra có đủ nhiên liệu để chạy? Ông Toản nói: “Việc này nằm ngoài tầm của công ty Samco nhưng theo tôi nghĩ, khi thành phố đã quyết định sản xuất xe buýt nhiên liệu sạch thì cũng đã có kế hoạch cung cấp khí”.


Liên quan đến giá cả của xe buýt nhiên liệu sạch do Samco đóng, trước đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Quốc Tài, phó tổng giám đốc Samco cho hay, hiện Samco chỉ đóng thùng xe, còn tất cả máy móc thiết bị phải nhập từ Hàn Quốc. Vì thế, nếu được giảm thuế thì một chiếc xe buýt CNG do Samco đóng sẽ rẻ hơn xe nhập khẩu từ 5 – 7%, dự kiến vào khoảng 2,4 – 2,5 tỉ đồng (trước đây chiếc xe buýt nhiên liệu sạch do Samco đóng mẫu đã được bán cho một doanh nghiệp với giá 2,7 tỉ đồng – tức chưa được miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện, máy móc – PV).


… Nhưng không có Nhà nước, đố ai dám mua!


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai đơn vị có nhiều khả năng sẽ đăng ký mua xe buýt nhiên liệu sạch chính là Sài Gòn bus và liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM. Hai đơn vị này đang chiếm số đông về lượng xe, số tuyến vận chuyển hành khách bằng xe buýt.


Theo ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM – đơn vị hiện có gần 50 xe buýt nhiên liệu sạch đang hoạt động – chia sẻ: “Hiện tại, các xã viên của đơn vị tôi đều muốn chuyển sang sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch. Đã có 50% xã viên đăng ký chuyển đổi. Vấn đề là giá xe thế nào. Theo tôi được biết, thành phố vẫn chưa tính toán được giá xe, nhưng nếu giá khoảng 2,4 tỉ đồng thì có thể chấp nhận được. Chính vì chưa có giá nên Nhà nước vẫn còn chưa quyết sẽ hỗ trợ cho doanh nghệp ra sao”.


Vì giá tiền mua xe buýt nhiên liệu sạch khá lớn, 2,4 tỉ đồng như tạm tính, nên để khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhất thiết không thể thiếu các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong vấn đề vốn và lãi vay. “Chúng tôi đề nghị Nhà nước chỉ cần cho vay từ 30% hoặc 40%, số còn lại, các doanh nghiệp, các xã viên phải tự bỏ tiền ra mua xe. Có Nhà nước “dính” vô thì người mua mới yên tâm. Bởi vì lúc đó Nhà nước phải bảo vệ phần vốn của mình, còn nếu để mạnh ai lấy làm thì có nước... lãnh đủ. Trong trường hợp này, Nhà nước phải đảm bảo cho người mua thời gian trả nợ, ít nhất cũng đến thời gian thu hồi vốn”, ông Hải nói.


Theo ông Hải, sở dĩ bản thân ông cũng như các xã viên trong đơn vị ông kiến nghị Nhà nước phải nhúng tay vào còn vì một lý do quan trọng khác, đó là việc cung cấp nguyên liệu. Nếu Nhà nước không đảm bảo được hoạt động của xe buýt nhiên liệu sạch cho xã viên đến lúc có thể hoàn vốn thì không ai dám mua.


Đào Lê






Gala kỷ niệm hai năm Âm nhạc và bước nhảy

Gala kỷ niệm hai năm Âm nhạc và bước nhảy

Gala kỷ niệm hai năm Âm nhạc và bước nhảy


SGTT.VN - 20g ngày 9.11, tại sân khấu ca nhạc Lan Anh sẽ diễn ra đêm gala kỷ niệm hai năm phát sóng trực tiếp chương trình Âm nhạc và bước nhảy trên kênh VTV9.


Các tiết mục trong chương trình đều được dàn dựng công phu về mặt vũ đạo, với sự tham gia của vũ đoàn Hoàng Thông, MTE, Bước nhảy, ABC, ABC Kids, Mix. Mỹ Tâm sẽ trình diễn Em phải làm sao tại gala, là MV đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 8 video ca nhạc được xem nhiều nhất trong ngày trên YouTube toàn cầu.


Phạm Vi






Liên hoan phim Nhật: thổi làn gió mới

Liên hoan phim Nhật: thổi làn gió mới










Liên hoan phim Nhật: thổi làn gió mới


Liên hoan phim truyện và hoạt hình Nhật Bản 2013 diễn ra từ 15 – 21.11 tại rạp BHD Star Cineplex Icon 68 – TP.HCM là liên hoan phim Nhật Bản có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng cộng 29 tác phẩm phim dài và phim ngắn của các tác giả trẻ, những tác phẩm phim truyện và hoạt hình nổi tiếng gần đây đã được thế giới công nhận.


Trong buổi chiếu phim Ôsin (ảnh) khai mạc vào lúc 18g45 ngày 15.11, khán giả Việt sẽ gặp gỡ ông Shin Togashi – đạo diễn phim, Kensuke Zushi – nhà sản xuất phim. Vé được phát miễn phí bắt đầu từ 10g ngày 9.11 tại rạp BHD Star Cineplex Icon 68.


Phạm Vi






Chật vật tìm khách cuối năm

Chật vật tìm khách cuối năm

Thiết kế, xây dựng dân dụng


Chật vật tìm khách cuối năm


SGTT.VN - Hiện nay, nhiều đơn vị thiết kế, xây dựng vẫn đang chật vật đi tìm từng công trình nhỏ, từng căn hộ cải tạo để cầm cự, duy trì việc làm cho nhân viên. Khác hẳn với trước đây, ba tháng cuối năm thường là mùa bận rộn, chạy nước rút trong việc hoàn thiện của các công trình nhà ở, nhiều đơn vị thi công nhà ở làm không hết việc.










Các công ty thiết kế xây dựng đang phải chật vật tìm từng đơn hàng nhỏ.



Khó khăn, ế ẩm trong lĩnh vực này thực ra đã bắt đầu từ vài năm trước, nhưng đến năm nay thì nhiều công ty thiết kế cho rằng... “xuống đáy”. Hàng loạt công ty thiết kế đã phải cắt giảm nhân công, nhân sự thậm chí nhiều đơn vị đã phải ngưng hoạt động. KTS Trần Tiến Khoa, giám đốc điều hành công ty thiết kế kiến trúc, trang trí nội thất, xây dựng SGBK, người đã có thâm niên hàng chục năm trong lĩnh vực này chia sẻ: “Nhân viên công ty tôi hiện tại đã giảm hơn phân nửa. Đặc biệt là các anh em thiết kế, một số kiến trúc sư có khi chỉ làm hai ngày mỗi tuần”. Ông Khoa cho rằng, công ty của ông “như vậy vẫn còn khá”. Nhiều công ty đã phải giảm hết người, chỉ giữ lại “bộ khung” vài người để chờ cơ hội.


“Tới thời điểm hiện tại, có khoảng 1/2 số đơn vị thiết kế, xây dựng mà tôi quen hiện đã đóng cửa”, ông Trần Ngọc Nam, giám đốc công ty Kiến trúc xây dựng Phong Việt cho biết. Năm ngoái Phong Việt còn nhận được khoảng 20 công trình lớn nhỏ thì năm nay số lượng này chỉ còn khoảng hơn chục. Công ty tư vấn thiết kế Vinacon năm ngoái nhận được trên 30 công trình thì năm nay chỉ nhận được 17 công trình. Khách hàng của SGBK năm nay cũng giảm gần 50%...


Hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng đã thay đổi khá nhiều khiến cho việc nhận được công trình càng trở nên khó khăn hơn. “Lúc trước chào giá ba công trình thì được cả ba. Bây giờ báo giá xong nhiều khi không nhận được công trình nào. Chủ đầu tư thường chấp nhận rủi ro, lựa chọn vật liệu rẻ, nhà thầu không chuyên… để giảm chi phí”, ông Nguyễn Đắc Nam Phương giám đốc công ty tư vấn thiết kế Vinacon cho biết.


“Trước đây, khi làm nhà, khách hàng thường chấp nhận vay mượn thêm để có được căn nhà vừa ý. Vì họ biết rằng họ dễ dàng kiếm thêm tiền để chi trả cho khoản này. Hiện nay thì ngược lại, người ta chắt bóp từng đồng và thường không đầu tư hết vào số tiền mình có mà giữ lại một phần để phòng rủi ro nên không còn thoáng trong thương lượng như trước”, ông Trần Ngọc Nam nhận xét.


Chia sẻ điều này ông Nguyễn Thu Phong, tổng giám đốc công ty cổ phần kiến trúc xây dựng Nhà Vui cũng cho rằng: “Tâm lý chung của khách hàng hiện nay là không mạo hiểm dùng tiền vay ngân hàng đề xây nhà nữa. Có chăng chỉ là những cặp vợ chồng trẻ hoặc những người mới lập nghiệp thu nhập trung bình, nhưng họ thường chọn căn hộ chung cư quy mô nhỏ vì họ không đủ tiền để trang trí nhà cửa theo thiết kế của kiến trúc sư. Đối với khách hàng tiềm năng, khách hàng cao cấp, có tiền nhàn rỗi họ cũng không sử dụng tiền vô tội vạ, mà cân đo đong đếm trong việc đem đi xây nhà mới hoặc cải tạo nhà. Nhiều người vẫn chờ thời điểm nền kinh tế ổn định nhất, giá xây dựng, giá vật tư có lợi nhất thì mới quyết định xây”.


Trước tình trạng trên, nhiều đơn vị hiện đang chịu lỗ hoặc chấp nhận huề vốn để giữ thương hiệu, nuôi quân. “Mặc dù giá thi công có tăng so với năm ngoái nhưng công ty cố gắng kiềm giá để khách hàng có giá tốt nhất, lợi nhuận không nhiều nhưng ít ra cũng cầm cự đảm bảo nguồn việc cho nhân viên”, ông Khoa cho biết. Hoặc có công ty mở rộng lĩnh vực hoạt động như công ty ông Nam: “Những đơn hàng xây dựng nhà phố có giảm nhưng những hạng mục sửa chữa vẫn có khách hàng. Trước đây công ty đảm nhiệm phần thiết kế ngoại thất và xây dựng nhưng hiện tại phải mở rộng hợp đồng thiết kế nội thất để có việc làm lai rai, đảm bảo chi phí hàng tháng cho công ty”.


bài và ảnh: Ngọc Hoài






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ