Thể thao phản chiếu xã hội
SGTT.VN - Huấn luyện viên huyền thoại người Argentina Luis Cesar Menotti từng nói “bóng đá là ánh xạ của cuộc sống”. Và đó cũng chính là tâm tư của người viết khi tham gia cộng tác trang thể thao của Sài Gòn Tiếp Thị hơn ba năm qua. Bởi dù mang tên là “tiếp thị”, nhưng chắc chắn đây thuộc số ít những tờ báo ở Việt Nam là diễn đàn phù hợp để đăng tải những bài viết gắn kết xã hội với thể thao, hay mượn những vấn đề quốc tế để phản chiếu những góc khuất của thể thao trong nước.
Thực tế, đúng như Menotti đã nói, bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung là một phần không thể tách rời của đời sống xã hội. Chẳng hạn, các khoản đầu tư lên tới hàng chục triệu USD cho các công trình phục vụ một sự kiện thể thao đơn thuần không thể chỉ là vấn đề của riêng ngành này, bởi nó còn ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước. Trước những vấn đề như thế, các nhà báo thể thao cũng phải tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào việc hoạch định đường lối phát triển của thể thao nước nhà, sao cho hài hoà với đường lối phát triển chung của xã hội.
Đôi khi, các đồng nghiệp của chúng tôi vẫn thường nói đùa là các cậu “bỏ bóng đá người”. Đấy là một thuật ngữ trong bóng đá chỉ lối chơi thô bạo, xứng đáng nhận thẻ đỏ rời sân. Nhưng với riêng trường hợp này thì người cầm bút cũng cần phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Tất nhiên, mỗi người trong chúng tôi cũng thích bóng đá sẽ chỉ là bóng đá, thể thao sẽ chỉ là thể thao. Có ai mà chẳng mong lá cờ Việt Nam được phất cao trên những đấu trường ASIAD hay Olympic.
Nhưng không ai có thể cầm lòng khi nhiều người chỉ mải đếm huy chương SEA Games rồi vẽ ra những chiến lược hoành tráng đăng cai các giải đấu lớn, trong bối cảnh nhà nhà vẫn đang gồng mình lo từng miếng ăn. Cũng không ai có thể cầm lòng khi chứng kiến sân cỏ nước nhà đầy rẫy những tiêu cực, còn người hâm mộ thì chỉ trông ngóng mỗi dịp cuối tuần bật tivi xem giải... ngoại hạng Anh qua kênh truyền hình quốc gia liên doanh với nước ngoài!
Quãng chục năm trước, sau thất bại của đội tuyển Việt Nam ở giải bóng đá khu vực, một vị quan chức từng nói rằng “mặt bằng của bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”. Đến giờ, theo nhận xét của nhiều người thì câu nói đó vẫn hoàn toàn đúng và đầy tính thời sự. Thế nên, mỗi khi đặt tay lên bàn phím để viết bài cho Sài Gòn Tiếp Thị, người viết phải tự cân nhắc, suy xét để sao cho quan điểm của mình đưa ra cũng... “không thấp hơn mặt bằng xã hội”. Viết để cảnh báo ai đó nhưng cũng là để tự răn mình.
Nhật Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét