Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Đề nghị tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội

Đề nghị tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội

Đề nghị tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội


SGTT.VN - Nhiều thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, do thực hiện lần đầu nên còn nhiều vấn đề hạn chế, bất cập; nhiều ý kiến khác nhau cả về phạm vi, đối tượng, thời gian lấy phiếu, hình thức phiếu đánh giá...


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý báo cáo Quốc hội xin ý kiến tạm dừng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm.










Các đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm tại QH. Ảnh: NLD.com.vn



Sáng 21/2, UBTV Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Trình bày báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm tại phiên làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, Ban Công tác đại biểu đề nghị tiến hành một số công việc chuẩn bị để kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 năm nay Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Đồng thời xin ý kiến để sửa đổi bổ sung Nghị quyết 35.


Phát biểu thảo luận, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là việc làm mới, được nhân dân đánh giá cao. Nhân dân coi đây là một kênh đánh giá cán bộ, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã phản ánh đúng tình hình đất nước.


Tuy vậy, nhiều thành viên UBTV Quốc hội cũng cho rằng, do thực hiện lần đầu nên còn nhiều vấn đề hạn chế, bất cập; nhiều ý kiến khác nhau cả về phạm vi, đối tượng, thời gian lấy phiếu, hình thức phiếu đánh giá… nên cần rà soát lại các quy định trong Nghị quyết 35 để xem sắp tới tiếp tục thực hiện quy định lấy phiếu như thế nào.


Theo đó, UBTV Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội xin không tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới, để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 cho phù hợp.


Chinhphu.vn






Bức tranh tương phản về lương giữa các ngành nghề

Bức tranh tương phản về lương giữa các ngành nghề

Bức tranh tương phản về lương giữa các ngành nghề


Một người làm văn phòng mặc đồ công sở, đi xe đẹp chưa chắc kiếm nhiều tiền hơn một anh bán xúc xích dạo hay công nhân đổ rác.










VNE







Để tuổi già có xương chắc, khoẻ

Để tuổi già có xương chắc, khoẻ

Để tuổi già có xương chắc, khoẻ


SGTT.VN - Nhằm giúp các gia đình có dịp cập nhật thông tin, kiến thức về tổng quan bệnh loãng xương; dinh dưỡng và bệnh loãng xương; thể dục, vật lý trị liệu và bệnh loãng xương… bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM tổ chức buổi trò chuyện chủ đề “Xương chắc khoẻ là sức khoẻ của người cao tuổi”, diễn ra từ 7g30 – 11g30 ngày 7.3 tại lầu 5 khu A của bệnh viện. Chương trình còn có nội dung hướng dẫn hai bài thể dục đồng diễn aerobic và thái cực quyền nhằm tăng cường việc luyện tập, vận động hợp lý để phòng, ngừa bệnh xương khớp. 200 người đăng ký tham dự đầu tiên được miễn phí đo mật độ xương. Giảm 50% phí cho các bệnh nhân tiếp theo.


Mọi chi tiết liên hệ số điện thoại: 08 39234332 (ấn số nội bộ 841).


Vi Thoại






Thêm sức cho cánh đồng mẫu lớn

Thêm sức cho cánh đồng mẫu lớn

Thêm sức cho cánh đồng mẫu lớn


SGTT.VN - Ngân hàng Standard Chartered đã trở thành nhà tài trợ thương mại đầu tiên hiện diện trên cánh đồng lớn qua việc ký gói tài trợ thương mại trị giá 70 triệu USD với công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) hồi tháng 1.2014. Sự kiện có thể xem là cột mốc quan trọng cho AGPPS, tạo ra nhiều giá trị hơn cho ý tưởng cạnh tranh nông nghiệp, cải thiện sinh kế cho nông dân.










Cán bộ, chuyên gia trong nước và cả quốc tế xuất hiện trên cánh đồng mẫu lớn của AGPPS đã trở thành hình ảnh xuất hiện thường xuyên và quen thuộc ở An Giang. Ảnh: Tô Phước Thủ



Cách đây tám năm, AGPPS triển khai chương trình Cùng nông dân ra đồng với 1.017 kỹ sư ra đồng trực tiếp tại 12.000 điểm, mô hình trên cả nước để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân. Nguồn nhân lực và tài chính này do bản thân AGPPS quyết định.


AGPPS đã xây dựng năm nhà máy gạo tại Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu). Dự kiến đến năm 2018, công ty sẽ hoàn thành 12 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm với tổng diện tích vùng nguyên liệu 360.000ha.


Cánh đồng lớn với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và thu mua lúa theo giá thị trường. Nếu giá lúa chưa ưng ý, nông dân có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho. Nông dân hưởng lợi nhưng cũng là thách thức đối với AGPPS, do chi phí tăng trong khi việc xuất khẩu gạo vẫn tồn tại những khó khăn.


Bản thân hệ thống quản trị AGPPS cũng đã phải thay đổi, tính toán khá lâu cho việc bán – mua cổ phiếu cho nông dân. Hiện nay, lại có sự tham gia tài trợ từ ngân hàng nước ngoài, AGPPS có thêm lực để thúc đẩy cánh đồng lớn. Đồng thời AGPPS cũng đứng trước thách thức năng lực quản trị.


Ông Đỗ Thái Bình, giám đốc quan hệ khách hàng doanh nghiệp lớn, ngân hàng Standard Chartered cũng nhận ra điều này, cho rằng: “Điểm yếu có thể bù lại bằng đồng thuận và nhiệt huyết”. Các đồng nghiệp của ông nhận xét: vấn đề hiện nay là quản lý và thực hiện.


AGPPS có kinh nghiệm làm việc với nông dân rất tốt, chính ngân hàng phải học kinh nghiệm quản trị này. Ngược lại, ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về thị trường chứng khoán, cổ phiếu, hỗ trợ vốn và phát triển kinh doanh của AGPPS.


Được thành lập vào năm 1993, AGPPS là công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất và là chủ sở hữu mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống lớn nhất Việt Nam. Mạng lưới này bao gồm 25 chi nhánh, 510 nhà phân phối cấp 1 và 5.000 nhà phân phối lẻ… Đặc biệt khi có sự tham gia của các tổ chức kinh doanh tiền tệ quốc tế và “phép thử” 5% cổ phiếu dành cho nông dân tham gia cánh đồng lớn, công ty sẽ phải tiếp tục tự điều chỉnh cấu trúc, nâng cao cách quản trị.


Ông Bình cho biết thêm về hành trình hình thành đối tác này tại Việt Nam của Standard Chartered: “Đầu tiên là lợi ích kinh tế, sau đó là các hoạt động gắn với môi trường, xã hội… Chúng tôi mất ba năm để theo dõi, nâng cấp quan hệ như bây giờ với AGPPS. Nếu vì lợi ích kinh tế bất chấp tình trạng mất cân bằng xã hội hay gây hại cho môi trường là ngược với chuẩn mực toàn cầu của Standard Chartered”.


Người phát ngôn của AGPPS cho biết: Ngân hàng Standard Chartered hiểu thực trạng và đã xác định: thúc đẩy khả năng cấu trúc sáng tạo và đầy đủ bộ sản phẩm tiêu chuẩn để cung cấp giải pháp sáng tạo thích hợp cho AGPPS kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tài trợ ngắn và trung hạn (như tài trợ trước xuất khẩu, tài trợ thu hồi và tài trợ liên quan đến dự án, mở rộng mạng lưới khách hàng quốc tế…)


Riêng ông Bình khẳng định: “Cánh đồng lớn không có nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công như AGPPS. Dù chưa mỹ mãn nhưng lợi ích nông dân được bảo đảm, chuỗi cung ứng – tích hợp theo chiều dọc – không chỉ trong ngành lúa gạo mà nhiều ngành khác, nước khác đã chứng minh được tính đúng đắn”.


Theo dự kiến, AGPPS sẽ xây 12 nhà máy chế biến lúa gạo. Nhưng cả hai bên đều tin rằng có thể có 15 – 18 nhà máy được xây dựng, không chỉ xay xát lúa gạo mà có thể triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy chiết xuất tinh dầu cám hoặc làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh… trong các cụm chế biến.


Cơ cấu sản phẩm sẽ rất phong phú. Doanh thu, thương hiệu, tỷ suất lợi nhuận… sẽ thay đổi rất lớn. Ngay cả khi AGPPS muốn đầu tư ở các nước khác thì Standard Chartered cũng có thể hợp tác.


Hoàng Lan






Không ngoại ngữ làm sao hội nhập?

Không ngoại ngữ làm sao hội nhập?

Không ngoại ngữ làm sao hội nhập?


SGTT.VN - Mới đây, phương án bỏ ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi chính trong dự thảo về đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã làm dư luận tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình với giải pháp của bộ vì cho rằng sẽ tạo nên sự công bằng cho các học sinh vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, số còn lại thì cho rằng bỏ ngoại ngữ khác nào nền giáo dục đang đi lùi.


Vì học sinh hay vì thành tích?


Theo lý giải của bộ GD-ĐT, “không bỏ môn thi ngoại ngữ và khuyến khích học sinh thi môn này để cộng điểm tốt nghiệp” là vì việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập. Hơn nữa, năng lực của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa còn thua kém đối với học sinh tại các thành phố. Hình thức thi ngoại ngữ bằng trắc nghiệm lạc hậu và chưa đánh giá được năng lực ngoại ngữ thực sự của học sinh.










Bỏ ngoại ngữ khác nào nền giáo dục đang đi lùi? Ảnh: VNE



Thực tế những mô tả của bộ về thực trạng dạy và học ngoại ngữ như trên là tương đối chính xác. Tuy nhiên, không bắt buộc thi ngoại ngữ để tìm cách giải quyết thực trạng này là điều dường như không hợp lý. Đơn cử như việc viện cớ “thi trắc nghiệm lạc hậu”. Nhiều nước trên thế giới, đối với môn ngoại ngữ (và nhiều môn khác) đều sử dụng lối thi trắc nghiệm đánh giá kiến thức học sinh. Các chứng chỉ Anh ngữ Quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC... đều dùng hình thức trắc nghiệm, trừ thi nói, thi viết. Vậy là, vấn đề không phải là thi trắc nghiệm lạc hậu, mà là chúng ta quá nặng ngữ pháp, từ vựng mà bỏ qua nghe nói.


Bên cạnh đó, nhìn lại tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, các tỉnh vùng sâu vùng xa đa số đều đạt trên 90%, thậm chí có tỉnh thành đạt trên 95%. Như vậy, dù trình độ chênh lệch nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy môn thi ngoại ngữ đang tạo ra sự mất công bằng, nhất là khi các học sinh vùng sâu vùng xa trước giờ có điểm cộng ưu tiên theo vùng.


Thiết nghĩ, nếu nói ủng hộ bỏ môn thi ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi chính thức vì công bằng cho học sinh vùng sâu vùng xa, vì chuẩn bị cho cải cách giáo dục như cái cách giải thích của bộ GD-ĐT thì chưa thuyết phục. Có chăng, nghi vấn về “bệnh thành tích” tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông lại hiện ra?


Nên giữ “kim chỉ nam” để học sinh phấn đấu


Nhìn một cách tổng thể về giáo dục ngoại ngữ nước ta, nếu môn này chỉ được xem là môn khuyến khích, nghĩa là “môn được quyền bỏ thi”, thì dường như chúng ta đang “xây nhà ngược”.


Trước đây, hoà theo xu hướng hội nhập và nhu cầu tuyển dụng, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được một số trường đại học áp dụng. Sau đó, nhận thức được lỗ hổng kiến thức và sự xuất phát không đồng bộ về trình độ, một số trường đại học yêu cầu sinh viên phải thi đầu vào ngoại ngữ, thậm chí phải đạt chuẩn đầu vào mới được học chuyên ngành. Tất cả những yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra ngoại ngữ thời đại học là động lực để sinh viên tiếp cận và học ngoại ngữ.


Trong khi đó, cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho học sinh phổ thông. Mới đây, sở GD-ĐT TP.HCM công bố thang điểm cụ thể về chuẩn đầu ra tiếng Anh cho học sinh từ tiểu học đến hệ trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.









Nhìn sang các nước bạn trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia hay ngay cả Campuchia, họ xây dựng nền giáo dục ngoại ngữ dựa trên chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông.



Như vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng học sinh phổ thông phải đạt một trình độ ngoại ngữ nhất định, trước khi bước vào giai đoạn giáo dục cao hơn. Chuẩn đầu ra mà TP.HCM xây dựng sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học ngoại ngữ. Đó còn là động lực cho học sinh nỗ lực học ngoại ngữ để có thể tốt nghiệp phổ thông, vào được các trường đại học lớn và nhận được những cơ hội về việc làm, du học ngay khi rời ghế phổ thông.

Cái khó của chúng ta là không thể đồng loạt áp dụng mô hình của TP.HCM vì sự chênh lệch về điều kiện học tập. Thế nên, khi chưa có chuẩn đầu ra, thì ít nhất việc bắt buộc thi ngoại ngữ để tốt nghiệp phổ thông nên được giữ để làm kim chỉ nam cho học sinh lẫn thầy cô phấn đấu dạy và học.


Còn nhớ năm ngoái, đoạn clip rất nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM đồng loạt xé đề cương môn lịch sử vì không thi tốt nghiệp gây chấn động dư luận. Chưa ai biết được liệu chỉ dùng hình thức khuyến khích thi ngoại ngữ thôi thì có đoạn clip tương tự nào nữa đối với đề cương ngoại ngữ hay không.


Làm sao nói “hội nhập” mà không biết ngoại ngữ


Cụm từ hội nhập dường như xuất hiện trong hầu hết các văn bản, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong suốt những năm qua. Việc mở cửa cho các đơn vị nước ngoài vào mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội, trong đó phải nói đến luồng khoa học – công nghệ, thông tin mới, và các mô hình giáo dục, y tế, văn hoá – xã hội hiện đại, hữu ích. Để tiếp thu được những giá trị trên, đòi hỏi chúng ta phải dùng “cặp kính” ngoại ngữ để có thể hòa nhập được vào môi trường mới. Từ đó mới có thể hiểu, vận dụng chúng vào xây dựng và phát triển đất nước.


Hội nhập còn mở ra cánh cửa cho nguồn nhân lực Việt Nam, khi các học sinh từ bậc phổ thông đến đại học, sau đại học có nhiều cơ hội ra nước ngoài học tập bằng nguồn tài trợ. Tuy nhiên, cơ hội trước mắt là một chuyên, còn nắm bắt lại là một chuyên khác. Để đạt được cơ hội, buộc học sinh – sinh viên phải hiểu được thế giới cần gì, nhà tài trợ cần gì, các giáo sư nước ngoài dạy gì... Sinh viên dù học ngành kinh tế, kỹ thuật hay xã hội thì ngoại ngữ luôn là yếu tố ưu tiên quan trọng. Nếu ngoại ngữ không được yêu cầu xây dựng từ nhỏ, thì học sinh vẫn thất bại trên núi cơ hội.


Nhìn sang các nước bạn trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia hay ngay cả Campuchia, họ xây dựng nền giáo dục ngoại ngữ dựa trên chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông. Nhiều trường đại học của các nước này yêu cầu học sinh phải học tại các trường phổ thông giảng dạy bằng tiếng Anh. Thậm chí, để được học đại học các học sinh phải có bằng tiếng Anh phổ thông. Thay vì đào tạo khi bắt đầu học đại học, ngoại ngữ được chú trọng đào tạo từ khi trẻ còn học mầm non.


IRYS Nguyễn






Tung tin thất thiệt trên mạng, bị xử thế nào?

Tung tin thất thiệt trên mạng, bị xử thế nào?

Pháp Đình


Tung tin thất thiệt trên mạng, bị xử thế nào?


“Gia đình tôi có quán phở gia truyền nấu theo đúng chuẩn Bắc đã làm ăn gần 30 năm nay. Cách đây ít hôm, Facebook của một người quen bịa chuyện nói quán nhà tôi sử dụng hoá chất độc hại nấu phở, ăn vô sẽ bị ung thư. Nếu nhà tôi thưa ra công an thì người đó sẽ bị xử lý thế nào?”


Võ Thị Mai Ly (TP.HCM)


Thạc sĩ – luật sư Phạm Thanh Bình, công ty luật Bảo Ngọc: Về xử lý hành chính, nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 6 nghị định 97/2008/NĐ-CP. Theo khoản 2 điều 9 nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 điều 6 nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10 – 20 triệu đồng. Theo điều 37 bộ luật Dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra toà để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.


Về xử lý hình sự, tuỳ từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau: nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại điều 122 bộ luật Hình sự, có thể phạt tù từ ba tháng đến bảy năm về tội vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 – 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm. Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại điều 226 luật Hình sự. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 88 và điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.


Ngoài những quy định chung nêu trên, theo từng lĩnh vực, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó. Ví dụ người có hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hoá, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” có thể bị xử phạt theo điều 18 nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; người có hành vi “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bá ng chính quyền nhân dân” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Lê Hương (ghi)






Coi chừng ngộ độc mật cá trắm

Coi chừng ngộ độc mật cá trắm

Cảnh báo


Coi chừng ngộ độc mật cá trắm


SGTT.VN - Ngày 20.2, thông tin từ cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế cho biết vừa đưa ra cảnh báo đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay... dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng bởi trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm.










Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh, mà thực tế nhiều trường hợp nuốt mật cá đã tử vong. Ảnh: Trung Mỹ



Theo thông báo của cục, cá trắm chia thành hai loài. Cá trắm đen (mylopharyngodon piceus) có mình và vây màu xám đen, ăn tôm cá nhỏ và cá trắm trắng (ctenopharyngodon idellus) có mình và vây màu xám nhạt, gần như trắng, ăn rong, cỏ. Độc tố chính trong mật cá trắm là một alcol steroid có 27 carbon gọi là 5α – Cyprinol và gây viêm gan, thận. Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương vi thể như cầu thận tổn thương nhẹ, các mao mạch giãn rộng, chứa đầy nước không có hồng cầu; màng đáy và vỏ Bowmann phù nề, ống thận tổn thương nặng nề ở mức độ khác nhau, đặc biệt ở vùng ống lượn liên bào ống thận mất riềm bàn chải, sưng đục, thoái hoá; gan bị xung huyết các tĩnh mạch giữa múi, các xoang tĩnh mạch giãn rộng, đầy hồng cầu. Nguyên sinh chất tế bào gan sưng đục hoặc thoái hoá, hạt có nhân đông, khoảng cửa xung huyết không có phì đại, xơ hoá. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khoẻ phụ thuộc liều lượng đưa vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau hai ngày nếu không được cấp cứu kịp thời.


Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh. Để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, cục khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.


Lê Hương






Bếp từ có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng?

Bếp từ có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng?

Từ thư bạn đọc


Bếp từ có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng?


Gia đình tôi dự tính mua và sử dụng bếp từ. Tuy nhiên vợ tôi đang có bầu hai tháng nên tôi sợ điện từ trường của bếp từ ảnh hưởng đến thai nhi. Kính nhờ ban công tác bạn đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị tư vấn cho gia đình về việc ảnh hưởng của bếp từ đối với sức khỏe của người sử dụng.


Phạm Đăng Cường, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.


Chuyên gia kỹ thuật của công ty Điện tử Thanh Sơn trả lời: Bếp điện từ sẽ phát ra từ trường bởi các cuộn dây cảm ứng được kết nối với nguồn điện (được gọi là sóng điện từ), mặt bếp bằng gốm thuỷ tinh chịu nhiệt che phủ các cuộn dây không bị nóng bởi chúng không chứa vật liệu nhiễm từ.


Khi bếp từ hoạt động, sóng điện từ chỉ xuất hiện trong vòng tròn của mặt bếp mà không lan rộng ra bên ngoài vòng tròn này, với tần số rất thấp từ 20 – 23Khz. Do vậy, điện từ trường của bếp từ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ con người.


Ngọc Hoài (ghi)






Tết Hoa đăng Nakhon Phanom

Tết Hoa đăng Nakhon Phanom

Nhật ký trên những đôi giày


Tết Hoa đăng Nakhon Phanom


SGTT.VN - Nakhon Phanom xa xôi hẻo lánh miền Đông Bắc Thái Lan được nhiều người Việt biết, vì Hồ Chủ tịch từng sống, hoạt động ở đó. Đã có tour đưa khách Việt đến đây. Nhưng ít ai biết miền đất quanh năm bình yên này có một lễ hội độc đáo, duy nhất trên đất Thái, thu hút khách địa phương, quốc tế nô nức đổ về những ngày thu tháng 10 – Lhai Ruahfai Festival.










Những điệu múa hoành tráng trước ngôi chùa cổ Phra That Phanom.



Lhai Ruahfai hay Lai Rue Fai theo tiếng địa phương, tiếng Anh là Illuminated Boat Procession… nhưng anh Dew, người Thái gốc Việt ở Nakhon Phanom cứ kêu tôi gọi là tết Hoa đăng cho gọn. Vì dù có đua thuyền, rước thuyền, nhảy múa hát ca… điểm chính của lễ hội chín ngày là những con thuyền hoa đăng sáng rực trên dòng Mekong.


Nhiều nguồn gốc, có truyền thuyết cho rằng để tạ lỗi nữ thần sông do con người đã sử dụng, làm bẩn sông suối. Nơi khác lại nói, để mừng mùa chay kết thúc. Nơi kia rằng, để tạ ơn Phra Mae Kong Ka – Mẹ Nước… Tết Hoa đăng tổ chức dịp tròn trăng tháng 10 mỗi năm. Kéo dài 9 ngày, tết Hoa đăng hoành tráng lộng lẫy nhất vào đêm rằm, cũng là đêm cuối. Ham vui, tôi đến sớm. Mấy ngày coi đua thuyền, ca hát nhảy múa… riết hơi ngán, nghe ở huyện nhỏ That Phanom có một buổi biểu diễn lạ, tôi nhảy song-thẻo tìm đến.


Và, may mắn được chiêm ngưỡng buổi lễ đẹp, trước ngôi chùa đẹp Phra That Phanom.










Múa giao lưu, tán tỉnh nhau bên chùa cổ.



Vũ điệu chim công trước ngôi chùa xưa


Chùa Phra That Phanom cổ, quan trọng nhất miền Đông Bắc Thái và cả xứ Lào bên kia dòng Mekong. Theo truyền thuyết, ngôi bảo tháp cao 57m được chạm trổ cẩn dát tinh xảo 112kg vàng, có lưu giữ xá lợi Phật, đã được xây dựng lần đầu những năm 2.500 trước CN. Qua dâu bể, ngôi chùa hiện nay, dù “trẻ” hơn, cũng đã năm thế kỷ tuổi tác – được xây bởi một vị vua Lào (!), ngày miền này còn thuộc bên đó. Dáng dấp thanh thoát chùa xứ Lào, lấp lánh vàng đỏ chùa Thái, Wat Phra That Phanom là nơi thờ phụng linh thiêng của người dân ở hai bên dòng Mekong, và cả từ nhiều nơi xa về.


Hôm nay cũng vậy. Người về, chen kín khoảng sân thênh thang trước chùa, háo hức chờ xem vũ điệu chim công, chỉ trình diễn mỗi năm hai lần vào tết Hoa đăng và lễ rằm tháng 2. Nam thanh nữ tú của các dân tộc ít người từ núi rừng nương rẫy giờ xúng xính, lấp lánh trong những trang phục dân tộc đặc sắc. Hình như đã thống nhất nhau nên mỗi đội, đặc trưng cho từng dân tộc Phu Thai, Thai Yo, Saek… chọn những màu không trùng lắp. Khoảng sân trước chùa lấp lánh như chú công đang khoe mẽ...


Rồi dưới nắng thu xanh ngắt, các bạn say mê trình diễn các điệu múa kể về câu chuyện đẻ đất đẻ nước, chuyện chiến chinh, chuyện làng mạc mùa màng, chuyện lứa đôi hẹn hò… trong tiếng nhạc dân tộc khi rắt réo lúc dặt dìu. Mấy tiếng đồng hồ qua nhanh. Mọi người ồ lên khi đội Phu Thai xuất hiện với những chiếc lông công lấp lánh múa nhịp nhàng, dáng uyển chuyển làm khán giả mê say – vũ điệu kết thúc buổi biểu diễn.










Những chiếc thuyền hoa đăng được tạo hình bằng những cái “đèn lon” và đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước.



Rực rỡ đêm hoa đăng trên sông Mekong


Về lại Nakhon Phanom, phố phường dậy lên tiếng reo hò cổ vũ các đội đua thuyền đang vun vút trên Mekong – có cả những khách mời từ Thà Khẹt, Lào bên kia sông. Tôi cũng tham gia hò hét nhưng lòng cứ háo hức chờ đêm xuống, những “con thuyền” hoa đăng rực rỡ xuất hiện trên dòng Mekong. “Thuyền” thực ra là những giàn giáo tre cao ngất, dựng trên những chiếc bè tre, treo đèn xếp hình con thuyền,… đốt đèn lên là những con thuyền đỏ rực xuất hiện. Đèn, lúc chưa đến đây nghĩ rằng giờ đã dùng bóng điện cho tiện, an toàn, nhưng không. Các bạn vẫn dùng đèn dầu. Chỉ tiện hơn là thay vì đèn chai ngày trước, giờ làm từ lon kim loại đã sử dụng của các loại sữa, càphê… uống một lần, mà từng ngôi làng đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng. Chỉ một thuyền hoa đăng cỡ vừa, dài 60m, cao 20m đã sử dụng đến 10.000 chiếc đèn. Những thuyền dài đến 110m, cao 40m thì số lượng đèn lên đến vài mươi ngàn, tuỳ theo các hình sắp xếp trên đó. Nếu dùng bóng đèn điện, chỉ vài phích cắm sẽ xong. Nhưng treo lên mươi ngàn ngọn đèn theo những đường nét chuẩn để tạo hình, rồi đốt sáng chừng ấy đèn cho một con thuyền… thời gian và công sức không phải là nhỏ.


Từng con thuyền hoa đăng chầm chậm trôi trên Mekong, làm sông đen bừng sáng. Vài mươi chiếc thuyền là bấy nhiêu hình ảnh khác nhau rực sáng. Từ hình ảnh quốc vương Bhumibol Adulyadej cùng hoàng hậu, đến các vị cao tăng, các dân tộc anh em trong khối Asean… đều được thể hiện linh hoạt, rõ ràng, sắc nét dù chỉ làm từ những ngọn đèn dầu hoả. Sông đen lấp lánh, rồi càng lộng lẫy hơn khi pháo hoa từ những thuyền hoa đăng bay lên, rực rỡ với người vui... Đám đông ngây ngất trong tiếng reo hò mừng tết Hoa đăng, cầu mong một mùa no ấm lại về.


Đêm hội kéo dài tới sáng hôm sau ở sân khấu ca nhạc trước toà thị chính. Chia tay phố đang ngủ yên sau ngày mệt nhoài hội hè, chia tay những người bạn Thái gốc Việt thân tình… tôi mong một mùa nao sẽ lại về... Chờ tôi nhé, Nakhon Phanom!


bài và ảnh: Trần Hoàng Bảo









Có thể từ Quảng Trị lên đường 9, ngang Lào, sang Thái (Mukdahan) đến Nakhon Phanom trong ngày. Cách Bangkok 740km, xe đêm từ bến Bắc Bangkok (10 tiếng, từ 300.000 đồng), là lựa chọn tiết kiệm khác. Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở bản Nachok cách phố 4km là điểm đến của nhiều du khách. Khách sạn nhiều, từ bình dân 120.000 đồng/phòng, đến cao cấp bên bờ sông Mekong. Nhiều quán Việt cho du khách chưa quen các món Thái – Lào, dù thức ăn Isan của vùng này rất nổi tiếng. Tết giá vẫn bình thường, 20.000 – 30.000 đồng/phần ăn đơn giản.







Mở để thư giãn

Mở để thư giãn

Mở để thư giãn


SGTT,VN - Ở đây, ranh giới giữa trong và ngoài dường như không có. Không chỉ tầm nhìn không giới hạn mà cả nắng và gió, nếu cần có thể mở hết ra để bên trong và bên ngoài hoà với nhau làm một.










Hồ bơi cặp sát hông nhà tạo sự mát mẻ cho cả tầng trệt.



Căn biệt thự không dùng để ở thường xuyên. Chủ nhà muốn tận dụng nơi đây làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần. Do vậy, đã cùng kiến trúc sư thống nhất ý tưởng chung là mở rộng không gian tối đa ra sân vuờn, hồ bơi để tận dụng tầm nhìn thoáng, tạo một không gian hoà nhập giữa trong và ngoài nhà.


Làm nơi nghỉ dưỡng, nên việc bố trí luôn ưu tiên cho không gian sinh hoạt chung. Nhất là tầng trệt, nơi tổ chức quây quần gia đình cùng nhau các không gian đều được mở rộng và không cần phòng ngủ. Quầy bar, bếp mở cũng góp phần mở rộng không gian bếp và tạo sự thông thoáng cho tầng trệt. Đá marble sáng màu đuợc chọn làm vật liệu chính, càng làm tăng vẻ mát mẻ đồng thời tạo sự sang trọng của ngôi nhà.


Ở tầng trên, phòng ngủ chính với kiểu lệch tầng tạo hiệu quả không gian mạnh để tách biệt phần nghỉ và phần sinh hoạt riêng. Các không gian khác đều đầy đủ tiện nghi, toalet riêng cho từng phòng ưu tiên cho sự riêng tư.


Phòng giải trí, các không gian sinh họat chung... trên tầng 3 một lần nữa tách riêng tầng trên cùng và cũng tận dụng các tầm nhìn ra xa, một phần cũng tách biệt với không gian tĩnh bên duới, tạo sự thoải mái và tự do cho người sử dụng.


Bài: NP - ảnh: thu vân


Thiết kế: KTS Trần Tiến Khoa, công ty SGBK Vietnam, www.sgbk.net













Kính và cửa kính được dùng thay cho tường để tạo được không gian mở với bên ngoài.











Ảnh trên và dưới Ở tầng trệt, các không gian sinh hoạt chung được ưu tiên và liên thông với nhau.











































Đá marble kết hợp với nội thất hiện đại không chỉ tạo sự mát mẻ mà còn sang trọng cho căn biệt thự.






























Ảnh trên và dưới Tầng trên cùng cũng dành cho giải trí và sinh hoạt chung. Cũng tận dụng tầm nhìn thoáng.







Xương trẻ gãy rất mau lành

Xương trẻ gãy rất mau lành

Xương trẻ gãy rất mau lành


“Con trai tôi do bất cẩn trong chơi đùa nên bị té gãy xương đùi. Tôi tìm hiểu thông tin trên internet thấy nói trẻ con bị gãy xương thì xương không liền lại được vì lúc đó xương còn là sụn. Điều đó có đúng không?”


Tuấn Anh (TP.HCM)


ThS.BS Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM: Xương trẻ con có phần sụn tiếp hợp hay còn gọi là sụn phát triển ở hai đầu xương giúp cho xương phát triển. Khi bị gãy xương, xương trẻ con rất mau lành vì khả năng phát triển cao, đặc biệt có thể tự sửa chữa các di lệch như chồng ngắn, gập góc, ngoại trừ di lệch xoay là không tự sửa chữa được.


Do vậy, khái niệm không lành xương của trẻ con là không chính xác. Các phụ huynh cứ an tâm, nếu trẻ bị gãy xương, nên đưa cháu đến các bác sĩ chấn thương chỉnh hình để được nắn và bó bột, xương cháu sẽ rất mau lành.






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ