Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Sóc Trăng: nâng cấp chợ huyện

Sóc Trăng: nâng cấp chợ huyện

Sóc Trăng: nâng cấp chợ huyện










Lãnh đạo BSA làm việc với lãnh đạo sở Công thương tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HL



SGTT.VN - Ngày 26.12.2013, Sóc Trăng là nơi đầu tiên thực hiện dự án nâng cấp chợ huyện sau khi ông Ngô Thái Chân, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Sóc Trăng và bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã thoả thuận hợp tác thực hiện dự án này.


Là một trong những địa phương theo đuổi chương trình hàng Việt, dự án này sẽ tiếp tục cung cấp hệ thống giải pháp bền vững cho nhà sản xuất hàng Việt – tiểu thương bán hàng ở chợ – người tiêu dùng. Hiện nay, chợ huyện dù phần đông tiểu thương dè dặt với hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái từ các nước láng giềng, nhưng việc tiếp cận hàng tốt, sản xuất trong nước cũng không phải hoàn toàn thuận lợi. Dự án được thực hiện qua bốn bước: xây dựng hồ sơ thương mại của chợ huyện (tức vẽ bản đồ phân phối của chợ huyện), vẽ bản đồ các điểm bán lẻ của địa bàn huyện, kết nối các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt với tiểu thương tại chợ huyện, tổ chức Ngày hội hàng Việt để truyền thông thu hút chú ý người tiêu dùng thông qua những hoạt động mời dùng thử sản phẩm, bán hàng nâng cao nhận biết của người tiêu dùng về thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp… là những hoạt động sẽ được triển khai từ đầu năm Giáp Ngọ và những tháng sau tết Nguyên đán.


Vân Anh






Phiên chợ cuối cùng năm 2013 tại Lâm Đồng

Phiên chợ cuối cùng năm 2013 tại Lâm Đồng

Phiên chợ cuối cùng năm 2013 tại Lâm Đồng


SGTT.VN - Hôm nay, tại huyện Đạ Teh, một huyện giáp ranh với Đồng Nai của tỉnh Lâm Đồng, sẽ kết thúc phiên chợ Hàng Việt về nông thôn cuối cùng của năm 2013.


Lượng doanh nghiệp chọn vùng sâu miền núi này không mấy nhiều vì phải “chia lửa” cho nhiều mặt trận khác những ngày giáp hạt. Thế nhưng người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã làm các doanh nghiệp bất ngờ. 30 gian hàng chưa kịp dọn xong thì khách đã đứng chờ, và lượng khách đông suốt ngày cũng như mãi lực rất tốt. Sự thiếu hụt của hàng Việt đang được các doanh nghiệp và ban tổ chức xử lý thông qua việc cùng nhau tìm kiếm trạm trung chuyển hàng hoá trên tuyến quốc lộ 20.


Trước tết Nguyên đán, Hàng Việt về nông thôn sẽ quay lại thị trường hấp dẫn quen thuộc ở đồng bằng sông Cửu Long.


K.C






Lo đến mất chim

Lo đến mất chim

Phiếm


Lo đến mất chim


SGTT.VN - Mấy đêm cuối năm, người đi qua tượng Trần Nguyên Hãn trước bùng binh chợ Bến Thành thường nghe thấy tiếng thở dài não ruột mà không biết phát ra từ đâu. Tối nay, một du khách gan dạ quyết tìm ra điều bí ẩn. Ông ta leo lên pho tượng và phát hiện hoá ra tướng Hãn đang ủ ê sầu thảm:


– Này, ngài là võ tướng mà sao yếu đuối thế?


– Ai lại không buồn trước nguy cơ tồn vong của mình, hở khách lạ?


– Thế ngài buồn vì chuyện gì?


– Mù à? Không thấy ta thiếu chân nên sắp đổ à?


– A, thế thì ngài mừng mới phải, vì nghe nói trước tết Nguyên đán tượng ngài sẽ được sửa chữa với hai phương án: sửa toàn bộ tượng đài hoặc chỉ phục chế phần chân.


– Đấy đấy! Hổm rày chính vì chuyện ấy mà ta lo đến suýt để chim bay mất! Bởi chỉ phục chế phần chân thì còn hy vọng ta vẫn là ta, vẫn là vị tướng nghĩa quân Lam Sơn mà người Sài Gòn quen thuộc bao đời. Chứ sửa toàn bộ thì e rằng…


– Thì càng tốt chứ sao?


– Không hề! Ta tin rằng nếu làm thế thì mai này dưới chân ta sẽ cần thêm tấm bảng: “Đây vẫn là tượng Trần Nguyên Hãn”!


– Căn cứ vào đâu mà ngài lo xa vậy?


– Vì nhãn tiền đang có một trường hợp sau khi được cứu chữa sẽ không ai nhìn ra nữa khi toàn bộ được thay mới, chỉ cái tên là cũ!


– Ở đâu? Ở đâu?


Nhưng khách hỏi tới đây thì trời đã sáng, tướng Hãn im phắc như... tượng.


Người già chuyện






Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng giúp phân biệt hàng nhái, hàng thật

Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng giúp phân biệt hàng nhái, hàng thật

Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng giúp phân biệt hàng nhái, hàng thật


SGTT.VN - Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng do trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp (sở Công thương) tổ chức diễn ra từ ngày 28.12 – 1.1.2014 tại nhà thi đấu Phú Thọ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố.


Tại hội chợ năm nay có 400 gian hàng với gần 270 doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may, thời trang, da giày, nông lâm hải sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, đồ uống, điện tử, cơ khí, hoá mỹ phẩm. Các sản phẩm hàng hoá mang nét đặc trưng của ngày tết như: bánh kẹo, đồ uống, các loại trà…phong phú chủng loại, mẫu mã.


Đến hội chợ, người tiêu dùng không chỉ được mua sản phẩm từ chính nhà sản xuất với nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn, mà còn có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm mình muốn mua qua sự trao đổi hai chiều giữa doanh nghiệp và người dùng. Đặc biệt, ban tổ chức còn phối hợp với hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp tạo khu trưng bày giới thiệu hàng nhái, hàng thật nhằm giúp khách hàng nhận biết, phân biệt.


Hoàng Bảy






Kinh doanh trên mạng vi phạm bị phạt đến 100 triệu đồng

Kinh doanh trên mạng vi phạm bị phạt đến 100 triệu đồng

Kinh doanh trên mạng vi phạm bị phạt đến 100 triệu đồng


SGTT.VN - Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).


Nếu thành lập website mà không thông báo, hoặc có sự thay đổi thông tin mà không cập nhật cho cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị phạt 5 – 20 triệu đồng. Việc các website giả mạo thông tin, không bảo mật cho thông tin khách hàng… sẽ bị phạt 30 triệu đồng. Các hành vi giả mạo, sao chép giao diện website TMĐT của người khác để kiếm lợi, hoặc gây nhầm lẫn, hoặc đánh cắp, sử dụng, bán bí mật kinh doanh... sẽ có mức phạt đến 40 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đối với các cá nhân/tổ chức vi phạm một số điều quy định trong nghị định 185 là 50 – 100 triệu đồng. Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin cho biết việc thông báo và đăng ký của các website TMĐT sẽ được thực hiện trên cổng Thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn).


Chí Thịnh






VietJetAir mở đường bay mới

VietJetAir mở đường bay mới

VietJetAir mở đường bay mới


SGTT,VN - Hãng hàng không VietJetAir vừa chính thức khai trương đường bay giữa Vinh – Đà Lạt nhân sự kiện Festival hoa Đà Lạt. Đường bay Vinh – Đà Lạt của VietJetAir cung ứng thêm 1.080 chỗ/tuần với tần suất ba chuyến khứ hồi/tuần (vào thứ Ba/Năm/Bảy).


Với thời gian bay khoảng 1h30 phút, chuyến bay sẽ khởi hành từ Vinh lúc 8g5 và đến Đà Lạt lúc 9g35; chiều ngược lại khởi hành lúc 10g10 từ Đà Lạt và tới Vinh lúc 11g40. Đây là đường bay thứ 16 của VietJetAir với 500 chuyến bay mỗi tuần. Trước đó, nhằm chào đón du khách đến với Festival hoa Đà Lạt, VietJetAir đã khuyến mãi đường bay mới Vinh – Đà Lạt với giá vé chỉ từ 120.000 đồng. Vé khuyến mãi được áp dụng cho hành trình bay từ ngày 24.12.2013 đến ngày 20.4.2014 (trừ lễ, tết dương lịch, tết âm lịch..). Nhân dịp cuối năm, VietJetAir cũng tung ra 3.500 vé bay tiết kiệm với giá vé chỉ có 99.000 đồng với các chuyến bay trong và ngoài nước.


V.B






Mời đọc báo Xuân Sài Gòn Tiếp Thị

Mời đọc báo Xuân Sài Gòn Tiếp Thị

Mời đọc báo Xuân Sài Gòn Tiếp Thị


Bạn đọc thân mến,


Năm 2014 là năm bản lề cho nửa sau thập kỷ 2010.


SGTT mời các chuyên gia cộng tác viên thân thiết của báo dành chút thời gian suy tư đặt vấn đề về những thách thức đối với đất nướctrong năm năm tới. Mỗi người một góc nhìn xây dựng. Nhiều người một tổng thể khá tròn trịa.











Những năm sắp tới cũng là những năm cao trào của máy tính có trí khôn. Và, ai sẽ giàu lên trong thế giới mới ấy. Chúng ta phải chung sống, thậm chí, còn bị điều kiện hoá bởi môi sinh bi hài này. Con người sẽ phấn đấu như thế nào để có thể giàu lên?


Năm 2013 cũng là năm mà chúng ta nhìn lại những dòng sông quê hương. TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia về sông ngòi đã phải thốt lên: “Sông nào cũng vỡ vụn!” Từ đó SGTT đặt bài cho các chuyên gia, nhà báo: Còn mất những dòng sông.


Hương vị quê nhà, với chủ đề Tinh tuý hương vị Việt, trình bày các xu hướng ẩm thực gọi tên là Công thức 2014, và mảng Đi và ăn. Đi để thấy những giá trị thiện mỹ của đất nước, để cảm nhận tinh hoa ẩm thực từng nơi đến.


Sau cùng, đề tài được nhiều người tâm đắc nhất trong số bào này là Sài Gòn bao dung. Ai đã đến đã ở Sài Gòn đều cảm nhận được hơi thở bao dung của thành phố hơn 300 tuổi này…


SGTT






Truyền hình trả tiền tăng kênh

Truyền hình trả tiền tăng kênh

Truyền hình trả tiền tăng kênh


SGTT.VN - Từ ngày 27.12.2013, dịch vụ truyền hình vệ tinh của VTC sẽ tăng thêm sáu kênh truyền hình nước ngoài bao gồm: Fashion TV (HD + SD), Disney Channel, BBC World…


Đặc biệt, VTC sẽ phát sóng kênh truyền hình Mỹ – WarnerTV HD và kênh phim truyện châu Á – Screen Red (SD). Trước đó, SCTV cũng tăng thêm bốn kênh HD dành cho nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình kỹ thuật số. Đó là các kênh HBO HD, AXN HD, Cartoon Network HD và Fashion TV HD, nâng tổng số kênh HD trên của SCTV lên 30 kênh. Còn dịch vụ truyền hình internet – OneTV cũng vừa tăng thêm một số kênh truyền hình như: Nghệ An, Thanh Hoá, Bà Rịa – Vũng Tàu, MOV…


Việt Bình






Chuyển tiền đi khắp Việt Nam cùng thẻ MHB

Chuyển tiền đi khắp Việt Nam cùng thẻ MHB

Chuyển tiền đi khắp Việt Nam cùng thẻ MHB


SGTT.VN - Dịch vụ chuyển tiền qua ATM của ngân hàng MHB cho phép khách hàng có nhu cầu chuyển tiền sang tài khoản khác trong cùng hệ thống ngân hàng, hoặc sang tài khoản của tất cả các ngân hàng khác rất đơn giản và tiện lợi.


Tiện ích này giúp khách hàng có thể giao dịch 24/7, tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ với mức phí 6.600 đồng/lần giao dịch cho người sử dụng dù ở bất cứ tỉnh/thành phố nào trong cả nước. MHB không hạn chế số lần giao dịch trong ngày và mức tối đa cho một lần giao dịch trong một ngày lên đến 30 triệu đồng. Tính năng chuyển tiền qua ATM giúp người nhận tiền ngay lập tức trong vòng 1 – 2 phút mà không lo gặp rủi ro.


PV






Thiết bị chế biến hạt giống cây trồng

Thiết bị chế biến hạt giống cây trồng

Thiết bị chế biến hạt giống cây trồng


SGTT.VN - Các nhà khoa học ở viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị chế biến hạt giống cây trồng áp dụng cho cây lúa, ngô, đậu (sấy hạt, phân loại, làm sạch, xử lý thuốc bảo quản, định lượng, đóng bao…).


Thiết bị điều khiển tự động, đạt chất lượng hạt giống theo tiêu chuẩn Việt Nam, năng suất 1 – 2 tấn/giờ (tuỳ sản phẩm đầu vào). Các thiết bị có nguyên lý và kết cấu tiên tiến lần đầu tiên ứng dụng ở Việt Nam, chi phí chế biến một đơn vị sản phẩm chỉ chiếm 5% giá thành và chỉ bằng 30% so với dây chuyền nhập ngoại.


Trung Kính






Châu Phi sắp “lâm nguy” vì các dự án viễn thông của TQ?

Châu Phi sắp “lâm nguy” vì các dự án viễn thông của TQ?

Châu Phi sắp “lâm nguy” vì các dự án viễn thông của TQ?


SGTT.VN - Tạp chí "Quan hệ Quốc tế và An ninh" cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ, Anh, Australia đều đã cấm các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc trong các dự án quan trọng và châu Phi cần "rất cảnh giác".


Hồi tháng 8.2013, sự kiện Ethiopia ký kết với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc một thỏa thuận thiết lập mạng băng thông rộng trị giá 800 triệu USD một lần nữa dấy lên mối quan ngại về hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi.










Các lo ngại khác liên quan đến khả năng tin tặc Trung Quốc có thể che giấu các cuộc tấn công của chúng bằng cách thay đổi lộ trình qua ngả châu Phi. Ảnh:



Theo thỏa thuận này, ZTE sẽ xây dựng một mạng băng thông rộng 4G tại thủ đô Addis Ababa và mạng 3G trên khắp phần còn lại của đất nước. Thỏa thuận với ZTE nằm trong giai đoạn cuối của dự án đầu tư trị giá 1,6 tỉ USD chung giữa ZTE và Công ty Huawei Technologies theo tỷ lệ 50/50.


Từ góc độ của chính phủ Ethiopia, thỏa thuận đạt được với ZTE và Huawei có thể giống như một "món quà" nếu xét đến điều kiện cho vay lãi suất thấp, giá cả cạnh tranh, hệ thống quản lý đầy đủ và tiềm năng cung cấp kết nối chi phí thấp cho người dân. Tuy nhiên, các thông tin này xuất hiện đúng vào lúc giới chức Mỹ liên tiếp phát đi những cảnh báo tin rằng Trung Quốc đang phát triển một mạng lưới do thám nguy hiểm tại châu Phi.


Trả lời phỏng vấn của Tạp chí "Tài chính Australia" hồi tháng 7.2013, ông Micheal Hayden, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động gián điệp với phương Tây. Ông nói: "Chí ít thì Huawei cũng sẽ chia sẻ với giới chức Trung Quốc về những thông tin sâu rộng liên quan đến các hệ thống viễn thông nước ngoài mà Công ty này tham gia".


Những cáo buộc xung quanh việc Huawei Technologies vi phạm an ninh mạng nổi lên từ cuối tháng 11 năm ngoái, sau khi các cơ quan tình báo và các Công ty an ninh phát hiện thấy các cuộc tấn công các trang web xuất phát từ Trung Quốc. Tại Mỹ, phần lớn các hoạt động của Huawei Technologies đã bị cấm, và hiện cả Huawei lẫn ZTE đều đang bị điều tra về cáo buộc thâm nhập các hệ thống của Mỹ và đánh cắp tài sản trí tuệ.


Năm 2008, Huawei Technologies và đối tác Bain Capital đã phải từ bỏ việc đấu thầu một dự án cung cấp thiết bị máy tính do có những quan ngại về bảo mật, và năm ngoái họ đã không được phép mua bằng sáng chế từ một hãng sản xuất máy chủ của Mỹ. Năm 2012, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng một mạng lưới khẩn cấp toàn quốc cũng vì lý do an ninh. Cũng trong năm 2012, Australia cũng đã cấm công ty này tham gia đấu thầu dự án thiết lập mạng băng thông rộng cáp quang trên toàn quốc với lý do "lợi ích quốc gia". Mặc dù Huawei Technologies đã cung cấp các thiết bị mạng cho ngành viễn thông Anh từ năm 2005, Văn phòng Nội các Anh đã tuyên bố hồi tháng 7 năm nay rằng họ sẽ rà soát lại Trung tâm đánh giá an ninh mạng của công ty này, được gọi là Banbury Cell, do nhận thấy mối liên hệ giữa Công ty này và Chính phủ Trung Quốc “thiếu minh bạch”.










Giới chức Mỹ liên tiếp phát đi những cảnh báo rằng Trung Quốc đang phát triển một mạng lưới do thám nguy hiểm tại châu Phi (ảnh minh họa.



“Những lo ngại của Mỹ về hoạt động gián điệp một phần dựa trên những báo cáo tình báo cho rằng các thiết bị định tuyến do Công ty Huawei Technologies Ltd cung cấp cho khách hàng Mỹ đã "vận hành một cách kỳ quặc", ví dụ như các bộ định tuyến tự động bật mở giữa đêm khuya và truyền với các gói dữ liệu lớn về Trung Quốc. Các lo ngại khác liên quan đến khả năng tin tặc Trung Quốc có thể che giấu các cuộc tấn công của chúng bằng cách thay đổi lộ trình qua ngả châu Phi. Hơn thế, các tài liệu nội bộ của Huawei Technologies mà các nhà chức trách Mỹ thu được từ một cựu nhân viên của công ty này cho thấy Huawei còn cung cấp "dịch vụ mạng đặc biệt" cho một đơn vị chiến tranh mạng thuộc quân đội Trung Quốc”, tờ tạp chí "Quan hệ Quốc tế và An ninh" viết.


Với việc Huawei Technologies tiếp tục phát triển mạnh trên khắp châu Phi thông qua việc bán điện thoại thông minh giá rẻ, được hỗ trợ bởi hạ tầng viễn thông chi phí thấp của ZTE, các nước châu Phi nên cảnh giác với "món quà" từ Trung Quốc, tạp chí này nhấn mạnh.


Do Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có khả năng làm gián điệp thông qua các mạng viễn thông, các nhà lãnh đạo châu lục nên cẩn trọng khi xem xét lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng. Một cách mà các quốc gia châu Phi có thể dựa vào để giảm thiểu rủi ro từ hoạt động gián điệp kinh tế là sử dụng kiểm toán độc lập đối với phần cứng cũng như phần mềm của nhà cung cấp công nghệ. Thông qua việc quản lý độc lập và sử dụng các kiểm toán viên bên ngoài, các nước châu Phi có thể tin tưởng rằng các thiết bị và mạng lưới do nước ngoài cung cấp cho họ là an toàn.


Infonet






Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ thông vào ngày 9.1

Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ thông vào ngày 9.1

Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ thông vào ngày 9.1


SGTT.VN - Dự kiến ngày 1.1.2014, tàu hàn cáp sẽ bắt đầu vào khu vực cáp AAG (Asia-America Gateway) bị đứt tiến hành khắc phục sự cố và đến 9.1, tốc độ Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn.


Đây là thông tin mới nhất được ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom chia sẻ với phóng viên vào chiều tối ngày 29.12.










Sự cố đứt cáp AAG đã làm Internet Việt Nam đi quốc tế bị chậm. Ảnh: T.H/Vietnam+)



Ông Khoa cũng cho biết, trên thế giới chỉ có 6 đội tàu hàn cáp quang biển, và có vẻ như với lần đứt này, cáp quang biển AAG đã “gặp may” khi một đội tàu đang neo tại Singapore.


Như vậy, tính từ khi cáp quang biển AAG bị đứt vào chiều tối 20.12 thì sau khoảng 20 ngày sự cố dự kiến sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho biết việc hàn cáp nhanh hay chóng còn phụ thuộc vào vấn đề thời tiết.


Trong vòng 9 ngày qua, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng đã có những động thái tích cực trong việc kết nối lưu lượng Internet qua các đường truyền khác, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho khách hàng.


Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc VDC từng cho hay, đơn vị này cùng đối tác đã khắc phục được khoảng 60% lưu lượng bị ảnh hưởng.


Theo ông Khoa, FPT Telecom đã phải chấp nhận mua dung lượng với giá gấp 3-4 lần bình thường để giúp khách hàng của mình truy cập Internet quốc tế nhanh hơn qua đường cáp quang đất liền.


Đến 0 giờ ngày 28.12, FPT Telecom đã hoàn tất việc bổ sung thêm dung lượng kết nối Internet, khôi phục được 70% dung lượng bị thiếu hụt do sự cố đứt cáp biển AAG.


Thời gian qua, FPT Telecom đã liên tục mở rộng băng thông quốc tế nhằm tăng thêm dung lượng sử dụng cho khách hàng và hạn chế việc ảnh hưởng khi một trong các hướng kết nối Quốc tế gặp sự cố.


Hiện tại, FPT Telecom đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG để cập nhật thông tin tới khách hàng và khôi phục hoàn toàn liên lạc trong thời gian sớm nhất khi tuyến cáp được sửa chữa xong.


Vietnam+






Người “lạ” về quê lập nghiệp

Người “lạ” về quê lập nghiệp

Người “lạ” về quê lập nghiệp


SGTT.VN - Gọi là người lạ, bởi họ từng được mệnh danh là công dân toàn cầu, từng chu du khắp nơi và làm những công việc “xịn như mơ”. Nhưng giờ, họ chọn những công việc lạ lẫm, phiêu lưu và gắn liền với mảnh đất quê hương của mình bằng những câu chuyện đẹp, đầy hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều người khác…










Tuấn Anh (trái) trong một chuyến đi làm việc với hội phụ nữ nông thôn để giới thiệu bếp thần kỳ.



Hành trình của Tuấn Anh, Kiều Trang và Xuân Yến là không giống nhau, nhưng nó có một điểm đến chung của những người đã trải qua những môi trường làm việc khắc nghiệt nhất, đã có những thành tích vượt ra khỏi biên giới nhưng nơi mà họ chọn để làm mới cuộc đời và bản thân mình, lúc nào cũng là Việt Nam. Điểm đến này, chính là một điểm tựa mà họ luôn cảm thấy được thoả sức tung hoành, sáng tạo và cống hiến…


Bếp thần kỳ của Tuấn Anh


Trong cuộc trò chuyện chủ đề “thanh niên nông thôn nghĩ giàu làm giàu”, anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc công ty Thế hệ xanh kể lại câu chuyện của mình: “Nếu một ngày, bạn nhìn thấy một chuyện lạ lùng diễn ra quanh mình và cứ ám ảnh hoài chuyện này, thì mình nên bắt tay vào việc thôi”. Đó là chuyện mà chàng trai từng làm việc ở những công ty hàng đầu của Mỹ khi về quê, thấy Hà Nội cứ như có sương mù lãng đãng. Thì ra là khói đốt đồng của khu vực ngoại thành. “Một năm hai lần, cả thủ đô được hun khói. Vì sao những phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ không được tận dụng để làm ra giá trị gì khác mà lại đem đốt vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường?”


Nghĩ hoài chuyện này, thế là Tuấn Anh cảm thấy mình sắp “được” chơi một cuộc chơi mới, thay vì suốt ngày “bị” đi làm việc, dù là một công việc đang rất ăn nên làm ra. Nghiên cứu ngày đêm, tìm hiểu tất tần tật những mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp của các nước, xin đi theo tham khảo các dự án quốc tế, lặn lội vào bếp để nấu ăn cùng người nông dân. Một năm nghiên cứu và một năm thử nghiệm, và sản phẩm bếp sinh khối mang tên Thế hệ xanh ra đời, nhưng người dân quê thích gọi với cái tên vui là “bếp thần kỳ”.


“Bếp thần kỳ”, đơn giản là một ứng dụng rẻ tiền cho người dân có thể nấu nướng tiết kiệm đến 60% lượng chất đốt nhờ vào cấu trúc giữ nhiệt và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, vỏ cây, rễ cây… Quan trọng hơn, là chiếc bếp lại chính là một chiếc cần câu mới dành cho những người lao động thu nhập thấp có thể tự mua về, lắp ráp đơn giản và kinh doanh lại để kiếm thêm thu nhập.


Bài toán kinh doanh với người thu nhập thấp hoá ra cũng không quá phức tạp, nhưng lại đòi hỏi những nỗ lực không ngừng khi mà tập quán nấu nướng ở mỗi vùng nông nghiệp sẽ khác nhau chút ít và đòi hỏi những tuỳ biến. Nhưng có sá gì, chàng thư sinh làm quản lý ngân hàng thuở nào giờ đã ra dáng nông dân lắm, xắn quần lội vào những cánh đồng xa nhất để trò chuyện, ghi chép và cải tiến mỗi ngày. Anh khoe: “Môi trường làm việc mới với bà con nông dân, với những đại diện của hội phụ nữ thật sự làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình tươi mới mỗi ngày. Mỗi chiếc bếp được đưa vào sử dụng, là một viên gạch của giấc mơ mang thêm những giá trị mới làm cho cuộc sống nhà nông tốt hơn thành hình. Tôi nghĩ mình vẫn chỉ mới bước đi những bước đầu tiên của một hành trình dài…”


“Siêu nhân” Kiều Trang


Nhắc đến Lê Diệp Kiều Trang, cái tên mà suốt nhiều năm nay luôn xuất hiện dày đặc trên mặt báo, lúc nào cũng làm các “fan hâm mộ” hào hứng. Bởi cô nàng từ nhỏ tới lớn luôn đứng ngôi đầu bảng ở tất cả các trường từ nhỏ đến lớn, từ Lê Hồng Phong đến Oxford (Anh) sang cả MIT (Mỹ), cô luôn là một nữ siêu nhân với khả năng sáng tạo và xử lý công việc tưởng như vô tận. Cũng nhiều người biết Trang đang nắm giữ công ty sản xuất thiết bị y tế thế hệ mới nhất với khả năng “mặc” trên người Misfit Wearables. Nhưng ít ai biết “đại bản doanh” của thiết bị đang dẫn đầu các bình chọn công nghệ, thiết kế tại các hội chợ lớn nhất thế giới lại nằm ở TP.HCM.


Gặp lại Kiều Trang sau một cuộc hội thảo đầy ắp tiếng cười tại toà nhà Itaxa với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, cảm giác được một luồng năng lượng mạnh mẽ của cô nàng 8X này truyền thẳng sang người: “Hiện giờ, tui hạnh phúc nhất là mình có đươc một đội ngũ ở Việt Nam. Các bạn rất yêu thích công việc, yêu thích học hỏi, nên thấy mấy bạn đó phát triển rất nhanh. Các bạn trưởng thành nhiều, say mê với công việc, gắn bó với nhau và với công ty. Công ty hầu như không có người quản lý vì Trang bay suốt, nhưng mấy bạn tự tổ chức sắp xếp với nhau, rất tự giác, và rất hiệu quả. Không có ai quản lý mà đến những giai đoạn nước rút, mọi người hoàn thành được nhiều công việc không tưởng...”


Cái cảm giác về sự hào hứng này rất khác với lần gặp trước, khi mà Kiều Trang đang làm quản lý cấp cao trong một công ty hàng đầu thế giới, công việc không vất vả như bây giờ nhưng cô nàng dường như cũng bị “hết pin” vào buổi chiều muộn… Hơn mười năm theo dõi, nhưng chưa bao giờ nghe Trang “khoe” về công việc của mình một cách tự hào như bây giờ: “Từ tháng 8 tới giờ, thiết bị của tụi mình đã có mặt trong các hệ thống cửa hàng lớn trên thế giới: Apple, Best Buy, Selfridges… và có hệ thống đại lý trên 30 quốc gia rồi”.


Góc vườn của Xuân Yến


“Khách nước ngoài rất mê làng rau Trà Quế ngoài Hội An. Đó là một làng rau nhỏ, luống rau nhỏ và lá rau lại càng nhỏ hơn. Đất miền Trung hơi cằn cỗi, nên những lá rau thơm không lớn phổng phao mà cứ bé xíu, nhưng lại chắt chiu tất cả hương thơm từ đất, từ nước, từ những nhánh rong dùng chăm bón để tạo ra những nhánh rau thơm không lẫn vào đâu được. Trà Quế studio ra đời từ cảm giác này, một không gian nhỏ, ấm cúng và trong lành giữa lòng thành phố để mọi người có thể đến để trò chuyện, cùng nhau vẽ vời, lên ý tưởng và mang về những tấm thiệp nhỏ xinh nhưng được chăm chút bằng tất cả tài năng và tấm lòng của người hoạ sĩ” – đó là câu chuyện của nhà kỷ lục Nguyễn Thị Xuân Yến.


Bỏ qua những tháng ngày thủ lĩnh của đoàn quân hàng Việt về nông thôn, gác lại những chuyến đi vòng quanh châu Âu, Xuân Yến mở Trà Quế studio với mong muốn chân quê như vậy. Rất nhanh, những đơn hàng từ Mỹ, từ Nhật, từ Sing gởi về, ai cũng mong muốn có những tấm thiệp cưới chở theo thông điệp về sự yêu thích thiên nhiên, mang trong lòng những hoạ tiết cổ truyền của những vùng đất nước mà mình đã đi qua.


“Niềm vui không phải là đông khách, mà là càng ngày càng có nhiều người bạn mới đến từ mọi nơi để chia sẻ niềm say mê với những hoạ tiết, hoa văn truyền thống của quê mình. Niềm vui và sự chia sẻ, sự đồng cảm thì không phải lúc nào cũng có được, nó mới chính là động lực để mình làm việc nhiều hơn và hoàn thành công việc tốt hơn…” – vừa in tấm khăn trải bàn hình chùa Một cột lên tấm vải thô dệt bởi người dân tộc ở Cao Bằng, Yến vừa kể...


Vy Anh – Bảo Văn






Vinashin lại ra biển lớn từ... “Sông Cấm”

Vinashin lại ra biển lớn từ... “Sông Cấm”

Vinashin lại ra biển lớn từ... “Sông Cấm”


SGTT.VN - Một chuyên gia ngành đóng tàu ví von rất hình ảnh: “Nếu coi tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) trong năm năm qua là một “sa mạc”: khát hợp đồng, khô hạn vốn... thì công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm lại như một “ốc đảo” tươi tốt giữa sa mạc ấy”.










Tàu kéo đẩy FTU là sản phẩm đặc chủng có công nghệ cao, mang lại giá trị lớn cho Sông Cấm.



Ít ai biết rằng, trong hơn nửa thập kỷ vừa qua, giữa cuộc thay máu vật vã và đau đớn của ngành đóng tàu mà tiêu biểu là tập đoàn Vinashin (nay là tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ SBIC), thì vẫn còn đó một đứa con cần mẫn trụ lại, rất vững, thậm chí sống khoẻ, sống tốt giữa trận “đại hồng thuỷ” vẫn đang quét qua ngành đóng tàu.


Thành công nhờ lối đi riêng


Một sớm cuối năm, đứng ở tầng hai khu nhà điều hành, đảo mắt một vòng quanh khuôn viên không lấy gì làm rộng lắm (nếu so với các cơ sở đóng tàu khác thuộc Vinashin) của nhà máy đóng tàu Sông Cấm, đã thấy từng tốp 5 – 7 công nhân mũ trắng, quần áo xanh thẫm đang miệt mài làm việc. Góc này là những tiếng búa gò thép vang lên chát chúa. Góc kia là những ánh đèn hàn xanh lét lúc cao lúc thấp như những đợt pháo bông. Cảm giác như trận “đại hồng thuỷ” ấy chưa bao giờ chạm đến nhà máy này vậy. Nhưng điều bất ngờ hơn nữa là khi tổng giám đốc Phạm Mạnh Hà nói rằng sau những bức tường tôn ấy có đến hơn 700 công nhân đang làm việc. “Không chỉ 700, mà số lao động của công ty là hơn 1.000, ngoài 750 người đang làm việc tại cơ sở chính này, có khoảng 250 người đang làm việc tại ba cơ sở khác, chưa kể chi nhánh Bến Kiền vừa sáp nhập về với 500 lao động”, ông Hà nói, “Chúng tôi đang chạy đua để ngay đầu năm mới hoàn tất 11 sản phẩm bàn giao cho đối tác nước ngoài”, vị giám đốc tâm sự.


Tuy vậy, 11 sản phẩm sắp bàn giao chỉ là một phần nhỏ (chưa đến 1/3) trong tổng các hợp đồng mà Sông Cấm hiện có. Bốn cơ sở của nhà máy đang đóng tổng số 36 sản phẩm. Điều này cũng có nghĩa là đơn vị đã có hợp đồng “gối đầu” trong năm 2014, trong đó có những dây chuyền đủ việc để làm đến tận cuối năm, chưa kể hai hợp đồng đang chuẩn bị được ký kết từ Thái Lan chuyển về cho nhà máy sau khi Bến Kiền vừa sáp nhập vào.


Cũng phải nói thêm, các hợp đồng mà Sông Cấm đều đặn có được không phải là những hợp đồng “khủng” mà là những hợp đồng “tầm trung”. Song đó đều là những hợp đồng đóng tàu chuyên dụng, đặc chủng với hàm lượng công nghệ cao như tàu cao tốc hay tàu kéo có sức kéo lớn và rất hiện đại. “Những tàu này ở Việt Nam chưa có ai mua nhưng sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới”, ông Hà nói thêm. Ví dụ mới nhất là cuối tháng 10 vừa qua, tàu kéo ASD chỉ dài hơn 32m, rộng 13m nhưng có sức kéo đến 81 tấn, đã được nhà máy bàn giao cho chủ tàu Congo. Cũng trong tháng 10, tàu kéo có sức kéo 57 tấn cũng được giao cho phía Australia.


Trong khi không ít đơn vị của ngành đóng tàu bị phạt, bị huỷ hợp đồng, thua lỗ liên miên thì Sông Cấm cứ lầm lũi tiến lên với doanh thu và lãi năm sau vượt năm trước, đặt biệt là từ khi chuyển sang mô hình cổ phần, liên doanh với Damen – đối tác Hà Lan. Nhìn vào báo cáo tài chính bốn năm lại đây, cũng là khoảng thời gian công nghiệp đóng tàu suy thoái, Vinashin bên bờ phá sản, thì ít người dám tin đó lại là doanh thu của… một công ty con thuộc gia đình Vinashin. Cụ thể, năm 2010 giá trị sản lượng 814,5 tỉ đồng, năm 2011 tăng lên 1.004 tỉ đồng, con số này tăng thêm 100 tỉ một năm sau đó. Dự kiến hết năm 2013 là 1.300 tỉ đồng.


Kiên trì với “đóng tàu là chủ đạo”


Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, người từng có thời gian được biệt phái giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Vinashin cho hay, trong số những “đứa con ruột” của Vinashin (tức ngoài những đơn vị liên kết, góp vốn bằng thương hiệu) thì Sông Cấm là đơn vị hầu như duy nhất có lãi suốt nhiều năm nay. Ông Trường nhớ lại: Sông Cấm bắt đầu làm việc với Damen từ hơn mười năm trước cũng bằng việc đóng tàu chuyên dụng cho cục Hàng hải nhưng là theo hợp đồng và thiết kế của Damen. Từ thành công ban đầu ấy đã chinh phục được những nhà đầu tư của tập đoàn đóng tàu vào hàng lớn nhất thế giới. Từ năm 2010, Sông Cấm chính thức liên danh với đối tác hàng đầu Hà Lan và liên doanh sẽ bắt đầu sản xuất trong tháng 1 này.


Còn theo lãnh đạo Sông Cấm, liên doanh có vốn điều lệ 28 triệu euro, và số tiền đầu tư trong giai đoạn đầu là 60 triệu euro, trong đó Sông Cấm góp 30%. “Nhà máy liên doanh sẽ tập trung hoàn thiện tàu chuyên dụng. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất xưởng 25 tàu trong năm 2014. Sau khi hoàn thiện mỗi năm đủ sức hoàn thiện 50 tàu, giải quyết việc làm cho 800 lao động”, lãnh đạo Sông Cấm quả quyết. Đại diện Damen xác nhận, từ chỗ chỉ đóng thuê theo thiết kế của Damen, thì tới đây, văn phòng thiết kế tàu sẽ được đặt ngay bên bờ sông Cấm. Ông Phạm Mạnh Hà thông tin thêm, sau khi sáp nhập Bến Kiền vào Sông Cấm, Damen muốn mua 70% cổ phần và muốn xây dựng liên doanh Damen – Sông Cấm thành liên doanh lớn nhất trong số 35 liên doanh của Damen ở nước ngoài. “Nhưng điều này còn chờ Chính phủ, bộ Giao thông xem xét. Còn trước mắt Damen sẽ chuyển dần các hợp đồng đóng tàu ở nước ngoài về cho Việt Nam mà trước tiên là các sản phẩm từ Trung Quốc, châu Âu đưa về cho liên doanh. Nhưng có được điều đó là vì họ đánh giá mình tiếp nhận chuyển giao rất tốt”, ông Hà tự tin. Nhìn lại chặng đường một thập kỷ qua của Sông Cấm, ông Hà chiêm nghiệm: “Mười năm qua chúng tôi làm ăn có lãi cũng là nhờ bản thân Sông Cấm từ trước đến nay chỉ chuyên tâm đóng tàu”. Cho nên, theo ông, sau tái cơ cấu, liên doanh với nước ngoài thì Sông Cấm cũng chỉ tập trung vào đóng tàu xuất khẩu cho nước ngoài.


Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, thứ trưởng bộ Giao thông vận tải phụ trách hàng hải Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: sự thành công của mô hình Sông Cấm rất cần được nhân rộng. Sông Cấm cũng cho thấy việc tái cơ cấu Vinashin theo con đường tập trung đóng và sửa chữa tàu là hướng đi đúng đắn và cần phải kiên trì. “Nhân rộng ở đây không có nghĩa là đơn vị nào trong số bảy công ty còn lại cũng “bắt chước” Sông Cấm, mà là ở chỗ phải chọn được cho mình những gam tàu phù hợp. Phù hợp với thị trường và phù hợp với sức của mình. Trong đó rất đáng lưu ý vào những gam tàu, loại tàu chuyên dụng khác”, ông Công nói.


Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược điều chỉnh ngành công nghiệp đóng tàu mà bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ mới đây. “Quan điểm phát triển trong quy hoạch tổng thể ngành tàu thuỷ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là ưu tiên tập trung cho các cơ sở trọng điểm có điều kiện tự nhiên, có truyền thống, hạ tầng để đóng các gam tàu chuyên dùng đặc biệt có công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn hoặc các gam tàu vận tải có trọng tải từ 20.000DWT trở lên, thực hiện chuyên môn hoá sản phẩm đối với từng doanh nghiệp”, cục trưởng cục Hàng hải Nguyễn Nhật cho biết thêm.


Hy vọng rằng, với những bước đi vững chắc từ sông Cấm, những con tàu của Vinashin, giờ mang một cái tên mới là SBIC sẽ vững vàng ra biển lớn.


bài và ảnh: Chí Hiếu






Cơm gà chính hiệu Tam Kỳ

Cơm gà chính hiệu Tam Kỳ

Cơm gà chính hiệu Tam Kỳ


SGTT.VN - Lữ khách dừng chân ở Tam Kỳ (Quảng Nam) đã một lần ăn cơm gà sẽ khó thể nào quên cái hương vị đặc trưng, mặn mòi do chính những người bản xứ chế biến.










Dĩa cơm gà chính hiệu Tam Kỳ.



Mặc dầu, nơi đây mới “lên đời“ thành phố, nhưng bạn vẫn có thể thấy “hương đồng cỏ nội” qua những dòng sông quê với bồng bềnh mây trắng ở vùng ngoại ô. Cho nên nhiều lữ khách đã tức cảnh sinh mấy vần thơ “xứ Đoài”: “Ta nhớ Tam Kỳ mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ ta”. Thành phố Tam Kỳ nằm đúng giữa trung tâm của chiều dài đất nước, bạn sẽ mục kích con sông Trường Giang chảy dọc và con sông Tam Kỳ chảy xuôi.


Tam Kỳ được biết nơi có nhiều quán cơm gà nổi tiếng trên cả nước do chính bàn tay người Tam Kỳ chế biến như các quán cơm gà bà Luận (707 Phan Chu Trinh), cơm gà Tam Duyên (576 Phan Chu Trinh)… Tuy nhiên, cơm gà bà Luận, một thương hiệu nổi tiếng 50 năm trong nghề ẩm thực của miền Trung xứ Quảng.


Bà Luận cho hay, muốn cơm gà ngon trước tiên phải chọn loại gạo lúa mới khi nấu cơm sẽ thơm, ngon, dẻo. Sau khi gạo được vo sạch, ướp thêm gừng, tỏi giã nhuyễn để tạo mùi thơm. Muốn có dĩa cơm có màu sắc hấp dẫn, nên trộn thêm chút bột nghệ. Phi nóng dầu phộng hoặc bơ vào nồi với một ít tỏi băm nhuyễn rồi khuấy nhanh tay đến khi toả mùi thơm thì đổ gạo vào xào đến khi hạt gạo trở nên khô và bóng thì nhắc xuống.


Gà thịt để nấu cơm phải chọn gà ta nhưng phải được chăn thả, chỉ loại gà này thịt mới mềm, thơm và béo. Cho gà vào nồi với một củ gừng nhỏ và chút muối, đổ nước ngập 1/2 con gà. Khi nước gần sôi thì bỏ gà vào luộc và khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa. Đến khi dùng đũa tre xăm vào thịt, nếu đũa có thể xuyên dễ dàng, không thấy rỉ máu bên trong là thịt gà đã chín mềm bốc hương thơm, vớt ra để ráo.


Sau khi vớt gà ra, dùng nước luộc gà để nấu cơm. Đợi đến khi nồi cơm sôi, vừa cạn nước cho một ít lá dứa thơm vào để tạo mùi. Nồi cơm đạt yêu cầu khi hạt cơm đã chín, dẻo và hương nếp toả ra từ gạo mới ngào ngạt.


Ngoài ra, các phụ liệu tạo nên hương vị đặc trưng cho cơm gà Tam Kỳ còn có một ít nước mắm tỏi, ớt, rau răm, ngò tàu, cà chua, dưa leo... Bên cạnh dĩa cơm là thịt gà đã xé phay trộn với tiêu, hành tây, rau răm… trang trí thêm vài lát dưa leo, cà chua cho hài hoà về màu sắc.


Lại thêm, các quán cơm gà nơi đây cũng có các món gà khác như gà hấp lá chanh non sắc nhuyễn, gà luộc xé trộn rau thơm, gà kho gừng, gà xào sả, gà chiên bơ – chiên mắm, canh gà nấu với mướp đắng, miến dong…, khách cần món gì thì cứ gọi. Xin mời!


bài và ảnh: Khánh Loan






Hải hành từ Yokohama đi Thượng Hải

Hải hành từ Yokohama đi Thượng Hải

Nhật ký trên những đôi giày


Hải hành từ Yokohama đi Thượng Hải


SGTT.VN - Khi ghi danh tham gia một chuyến tàu container chở hàng thương mại có lộ trình từ Bắc Mỹ đến châu Á của hãng tàu biển MAERSK LINE, và dự định lên tàu từ cảng Yokohama – Nhật Bản và kết thúc tại Thượng Hải – Trung Quốc, tôi chưa hề biết điều gì đang chờ đón mình nhưng tôi mong chờ đây sẽ là một chuyến đi hứa hẹn nhiều thú vị với những trải nghiệm khó quên.










Bão đến rồi, vậy là con tàu phải chạy nhanh hơn.



Lên tàu vào buổi trưa, sau khi làm thủ tục “check in” và nghe giới thiệu về con tàu cũng như các thông tin chuyến đi, tôi vội vã leo lên phòng điều khiển, phóng tầm mắt ra chung quanh và tận hưởng khung cảnh nơi đây; một bên là cầu cảng cùng bãi xếp container trải dài ngút tầm mắt và một bên là đại dương với cánh chim hải âu vẫy gọi. Tôi hít một hơi thở sâu và tự nhủ: “Đường ra biển lớn bắt đầu từ đây”.


Trong vài phút, con tàu MAERSK ALBERT nhổ neo ra khơi theo lệnh của thuyền trưởng với sự trợ giúp của hoa tiêu. Di chuyển gọn gàng và đổi hướng nhịp nhàng như một gánh hàng rong quen thuộc trên phố phường Hà Nội, con tàu nhanh chóng rời cảng Yokohama mang theo hàng ngàn container hàng hoá, tiếp tục công việc của mình trong chuỗi cung ứng cho thương mại toàn cầu.


Ra khơi


Ra khơi, nghĩa là chỉ còn con tàu và hàng hoá, chung quanh không còn gì khác ngoài đại dương mênh mông. Chúng tôi sớm nhận được thông báo một cơn bão đang ập vào khu vực biển Nhật Bản và Trung Quốc, trực tiếp ảnh hưởng đến hành trình của chúng tôi. Bão đến rồi, vậy là con tàu phải chạy nhanh hơn, vậy là cánh thuỷ thủ phải dốc sức đi kiểm tra an toàn cho tất cả hàng hoá trên tàu. Còn cánh kỹ sư trên tàu phải lăn lộn dầu mỡ chuẩn bị đảm bảo cho thiết bị hoạt động ổn định trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tất cả vì an toàn của chuyến đi, an toàn của hàng hoá, an toàn của một dòng chảy thương mại xuyên châu lục. Chuẩn bị kỹ lưỡng là thế, lo lắng vẫn đến trên khuôn mặt mỗi thành viên của chuyến đi; bởi biển càng lặng, trời càng đẹp bao nhiêu trước bão, thì sức tàn phá của cơn bão càng mạnh mẽ, dữ dội bấy nhiêu. Ở đây không có chỗ cho sự chủ quan.


Đồng hành cùng bão


Gió giật từ phía sau, sóng cuộn lên từ phía trước, cứ thế đập vào mạn trái con tàu như giận dữ! Bão tới rồi, con tàu lắc lư trong bão nhưng vẫn tiến lên phía trước đúng theo hải trình. Kiên định!


Cùng với anh em thuỷ thủ đoàn và các kỹ sư lao vào công việc, tôi có cơ hội được trải nghiệm các nhiệm vụ trong bão một cách trực quan sinh động nhất, thực chất nhất mà ngay cả chính họ, những người đi biển chuyên nghiệp cũng hiếm khi phải làm. Có dính dầu, có chạm mỡ tôi mới hiểu để đưa xe hơi từ Nhật đến châu Âu, hay để đưa ngũ cốc từ Nam Mỹ về châu Á; mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu và mạng sống là những sự hy sinh cần thiết! Tai nạn lao động, cướp biển, hay thiên tai thảm hoạ, hay đơn giản như sự cô đơn là những rủi ro không báo trước của nghề đi biển.










Tác giả chụp hình kỷ niệm trên con tàu.



Bão tan


Chúng tôi trở lại với sinh hoạt bình thường trên tàu sau khi vượt qua cơn bão lớn nhất đổ vào Nhật Bản trong vòng mười năm qua. Trời quang, chiều buông lững lờ với ánh sáng vàng rực rỡ cuối ngày. Cảnh tượng hùng vĩ ấy lôi cuốn tâm hồn chúng tôi rong chơi tận cuối chân trời.


Ở đây chúng tôi là anh em, là đồng chí, là bạn tâm giao. Những câu chuyện chúng tôi nói với nhau chủ yếu là về gia đình, về tương lai khi trở về đất liền, về những kế hoạch nhỏ mà chúng tôi còn nung nấu. Một cậu bạn người Ấn Độ vừa chia sẻ anh đang đợi đến ngày về thăm gia đình và bạn gái sau ba tháng ròng lênh đênh trên biển. Tôi mang càphê, hoa quả sấy khô, hạt điều, những hải sản của Việt Nam tặng lại đoàn thuỷ thủ, mong những buổi chia sẻ sau bữa tối của họ thêm vui vẻ và ấm cúng. Trên tàu chúng tôi ăn cũng rất ngon, đầy đủ cả chất và lượng bởi “anh nuôi” lúc nào cũng làm chúng tôi hài lòng với cả ba bữa. Thầm cảm ơn những con người ở đây, mỗi người một việc đang ngày ngày đóng góp công sức của mình làm nên điều vĩ đại.


Không biên giới


Tôi yêu nghề, yêu cả những con người trong nghề hàng hải. Nhờ có những chuyến tàu, chúng tôi đi khắp nơi trên thế giới, mang đến cơ hội cho người tiêu dùng cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp, mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội kinh doanh mới, mang đến sức sống cho nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, mang cả thế giới đến một điểm chung. Trong chuyến đi, chúng tôi có đi qua khu vực biển mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhưng không gặp phải bất cứ khó khăn nào. Với sứ mệnh rõ ràng và với thái độ tôn trọng với con người, văn hoá của mỗi quốc gia; mỗi một đất nước mà chúng tôi ghé thăm là nơi chúng tôi vẫy chào những người bạn mới và cùng chia sẻ cơ hội phát triển.


Cập cảng Thượng Hải vào sáng sớm, xuống tàu sau bốn ngày lênh đênh trên biển, tôi không quên ngắm nhìn bình minh bến cảng từ trên cầu tàu, không khí trong lành và mát mẻ. Thế là lại thêm một trung tâm kinh tế, xuất nhập khẩu của châu Á mà tôi có cơ hội được đến thăm. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục của cái gọi là hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải đường biển ở tầm quốc tế. Chào Thượng Hải, chào những cơ hội mới.


Kết thúc chuyến đi, tôi chợt nghĩ đến nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập, còn non trẻ trong xu thế toàn cầu hoá đang dò từng hải lý. Tôi mong lắm một ngày nào đó được chứng kiến Việt Nam trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. Nơi mỗi người lao động Việt Nam như chúng tôi đang ngày đêm chung tay góp phần xây dựng nền kinh tế vững mạnh, giúp con tàu Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu.


bài và ảnh: Lê Sơn Dương






Biến U19 thành niệu liệu pháp? Đừng!

Biến U19 thành niệu liệu pháp? Đừng!

Giải giao hữu U19 Quốc Tế


Biến U19 thành niệu liệu pháp? Đừng!


SGTT.VN - Hơn chục năm, sân Thống Nhất mới lại có cảnh đoàn người rồng rắn xếp hàng chờ mua vé dẫu chỉ là giải giao hữu dành cho lứa trẻ, thậm chí vé chợ đen được nâng giá gấp 4, 5 lần. Có vẻ như, khi mà tất cả niềm tin đều mất, người ta sẽ nhanh chóng vớ lấy chiếc phao nào gần nhất, bất chấp một sự thật, nó có thể đưa mình đi bao xa.










Một trận thắng trước U19 Úc có thể là chỉ dấu cho sự phát triển nhưng không thể coi như sự đảm bảo cho thành công. Ảnh: Bạch Dương



Chính ông Lê Hùng Dũng, quyền chủ tịch VFF – cũng đã công khai chuyện, lên kế hoạch để đội U19 năm nay sẽ là đội tuyển tham dự SEA Games kế tiếp. Bầu Đức cũng hào hứng, đây sẽ là tương lai của đội tuyển quốc gia. Chuyện bầu Đức vui cũng dễ hiểu, bởi lẽ đây là lứa cầu thủ ông chăm bẵm bảy năm nay, giờ theo lộ trình ra lò, sản phẩm được đánh giá cao, cớ gì không hào hứng. Nhất là khi, như chính lời ông bầu nói, đây là kinh doanh, bán được cầu thủ học viện sẽ chia tiền. VFF “vỗ tay vào” càng dễ hiểu hơn, ở thời điểm này, nếu không có niềm vui U19, nếu không thể hiện tầm nhìn xa nếu không nói là xa lắc xa lơ, họ sẽ phải đối mặt với sự giận dữ từ những thất bát trong cách điều hành của mình khiến bóng đá Việt Nam đi xuống thê thảm.


Sự phấn khích này được đẩy lên cao hơn khi mà, chính những người hâm mộ bóng đá cũng chẳng biết phải trông vào đâu. Niềm tin từ chuyện điều hành của VFF, cho đến trông chờ vào sự trong sạch từ các đội tuyển (trừ đội tuyển nữ), đều không còn. Hành động “thủ” sẵn băngrôn để cầm sang Myanmar đến khi đội U23 Việt Nam thua, có cái trưng ra ngay lập tức đã nói lên nhiều điều về lòng tin. Họ vin vào đội U19 vì yêu là một lẽ. Lẽ khác, với không ít người, đó chính là cách biểu thị sự phản kháng với những người đang quản lý, điều hành nền bóng đá. Phản ứng với thái độ của các cầu thủ thi đấu bị coi là không đáng tin, tiêu cực.


Nhưng, khi mà sự yêu ghét bị đẩy đi quá xa để thành phương tiện, thì mọi chuyện chưa hẳn đã tốt. Các chuyên gia, các huấn luyện viên đều cho rằng, việc định hướng U19 thành nòng cốt đội tuyển quốc gia là hợp lý. Tuy nhiên, từ định hướng bây giờ cho đến khi thành hiện thực, cần sự linh hoạt, thậm chí là công tâm trong việc tuyển chọn. Bởi lẽ, ngoài Hoàng Anh Gia Lai, còn hàng loạt các câu lạc bộ khác đang có tuyến trẻ, đang có những cầu thủ chất lượng, họ cần được động viên khuyến khích chơi chung chứ không chỉ đứng bên lề kế hoạch. Việc thu nhận thêm, thải loại phải có tính khách quan. Không những vậy, việc giúp đỡ về tài chính, đầu tư về công sức cũng không thể chỉ gói gọn theo kiểu U19 học viện của HAGL là chủ chốt nên chỉ cần dồn hết về đó như việc Nutifood đầu tư vừa rồi chẳng hạn. Sự phát triển một đội tuyển quốc gia phải dựa trên nền tảng của các giải đấu quốc nội, chứ nếu không VFF cần gì tổ chức V-League, hạng nhất nữa?!


Một minh chứng rõ ràng cho việc, một cầu thủ có thể hay khi còn ở lứa U nhưng lần lượt “mờ” đi khi trưởng thành chỉ thuần về chuyên môn chứ chẳng phải do ăn chơi. Đó là những Vương Tiểu Đạt, Anh Đức, Như Thuật, Minh Chuyên... thậm chí Phan Thanh Bình góp mặt ở SEA Games năm 17 tuổi nhưng không được đánh giá cao khi lên đội tuyển. Minh chứng khác, Thái Lan cũng từng có học viện bóng đá như của bầu Đức. Thế nhưng, từ các lứa U đến đội tuyển của họ là tập hợp các cầu thủ khắp vùng miền. Với người Thái, học viện là nơi đào tạo cầu thủ để kinh doanh, còn việc phát triển bóng đá quốc gia là của liên đoàn.


Đừng ngạc nhiên khi các chuyên gia, thậm chí là ông Nguyễn Văn Vinh, người đã gắn liền với sự thăng trầm của HAGL khi được hỏi các vấn đề của U19 đều trả lời rất dè dặt. Họ đều hiểu, làm quá thì “chết” lứa U19 này nhưng, nếu nói thẳng, nếu chỉ ra những điều bất cập, họ sẽ va phải số đông đang trong sự hào hứng. Họ đã nhắc tới một thời người ta hào hứng với “niệu liệu pháp”. Khi chẳng còn niềm tin vào đâu, thì đến nước tiểu của mình cũng có thể uống được chỉ để, có cái mà tin. Ai nói ngược lại đều trở thành xa lạ.


Nhìn mà thương các cầu thủ trẻ U19 bởi họ phải gánh trên mình quá nhiều sứ mệnh, mà bóng đá thì lại quá rủi ro, chấn thương, phong độ chững lại, thể hình không phát triển thêm... Thế nên, hãy cứ ủng hộ các cầu thủ, hãy cứ “giữ lửa” khi đến sân xem bóng đá và chờ bằng niềm tin không toan tính.


Thảo Du















Về quê, lại nhớ Sài Gòn

Về quê, lại nhớ Sài Gòn

Về quê, lại nhớ Sài Gòn


SGTT.VN - Có lẽ ở mảnh đất phương Nam trù phú này, người nhập cư còn nhiều hơn cả người sinh ra và lớn lên tại đây. Không biết mảnh đất tạo nên tính cách con người, hay con người tạo nên phong cách sống ở một mảnh đất mà khi nhìn vào cách hành xử cởi mở, thân thiện, phóng khoáng người ta lại phán: “Đúng là dân Sài Gòn”.


Dân thương thì mới dễ sống


Ông Phạm Lành, 50 tuổi, ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vô Sài Gòn bán hủ tíu gõ được 23 năm. Nhớ lại hồi đó, khi vừa xuất ngũ về, ông Lành mở tiệm sửa xe tại nhà. Dân quê nghèo, xe sửa xong lại bị nợ miết khiến ông hết vốn. Nhắm không nuôi nổi một vợ và ba đứa con nhỏ dại, ông Lành dẹp tiệm đi Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm cỏ mướn ở vườn càphê. Công việc cực nhọc đã đành nhưng tiền kiếm không đủ sống, vậy là ông Lành vọt xuống Sài Gòn theo mấy đứa cháu bán hủ tíu gõ. Ông gom góp vay mượn được năm chỉ vàng làm học phí học nghề nấu hủ tíu gõ. Có nghề trong tay rồi vẫn chưa hết gian nan, lớp bị giành chỗ bán, lớp bị ăn giựt... không biết ông Lành đã mất bao nhiêu tiền cho những lần như vậy.










Có lẽ ở mảnh đất phương Nam trù phú này, người nhập cư còn nhiều hơn cả người sinh ra và lớn lên tại đây. Ảnh: Đào Lê



Ông luôn tự trấn an: “Ở hiền gặp lành, có khổ mới thành thân được”.


Chốn thị thành đầy rẫy bon chen nhưng tình người nơi đây cũng không thiếu. Có lần bị tịch thu xe vì buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, ông Lành năn nỉ, kể rõ hoàn cảnh của mình, anh công an thương tình thả cho đi, còn tặng thêm hai bao gạo 10kg, sau này thỉnh thoảng lại ghé thăm ông. Có chị bán nước gần đó, thấy ông chạy tới lui mua bán cực khổ bèn bán cho chiếc xe Honda 78 làm chân đi lại với giá… 50 tô hủ tíu đặc biệt.


Ông nói: “Kiếm tiền ở Sài Gòn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, làm dễ ra tiền nhưng đồng tiền mắc quá, phải biết giữ thì mới có dư”. Ông Lành chia sẻ thêm: “Sài Gòn có nhiều thứ phức tạp, người dân thương thì mình mới dễ sống. Được thương hay không là do cách sống, tính tình của mình”.


Nhớ lại lúc mới chân ướt chân ráo vô Sài Gòn, ông kể: “Có những lúc nhớ nhà lắm, nhớ vợ nhớ con nhưng phải ôm bụng mà chịu”. Với quyết tâm “Hy sinh đời cha, củng cố đời con, để con có cuộc sống đàng hoàng, ăn học đến nơi đến chốn” nên ông ráng chịu đựng. Hiện tại, ba đứa con của ông: con gái lớn 28 tuổi đã lấy chồng, sống ở quê, hai con trai sinh đôi 22 tuổi đang là sinh viên. Vợ ông Lành là bà Đỗ Thị Hương cũng mới thu xếp xong chuyện nhà cửa rồi vô Sài Gòn phụ bán với chồng được vài năm nay. Mỗi ngày, cứ khoảng 5 giờ chiều, hai vợ chồng đẩy xe hủ tíu ra bán đến sáng. Kế nữa là dọn hàng, đi chợ, nấu nướng đến 12 giờ trưa, rồi mới được đi ngủ đến 4 giờ chiều. Tết đến, vợ chồng ông cũng không về quê vì ngày tết bán được hơn ngày thường. Ông cho biết: “Bây giờ con cái đã lớn, làm để dành tiền sửa nhà, cho có chỗ chun ra chun vô, chết có chỗ cho con thờ”.


Nói là nói vậy, chứ mỗi lần về quê ông lại nhớ Sài Gòn. “Sài Gòn là quê hương thứ hai của tui. Chừng nào hai vợ chồng đẩy xe đi bán không nổi nữa mới về quê sống”, ông Lành tâm sự.


Nhờ có Sài Gòn


Mở đầu câu chuyện, chị khiêm tốn nói, những ai phải rời quê miền Trung vào Sài Gòn mưu sinh đều là những người chịu thương chịu khó, chứ không riêng mình chị. Đó là chị Nguyễn Thị Bảy, quê ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, 45 tuổi, một trong hàng trăm người nhập cư vẫn đang đi bán trái cây dạo trên khắp các ngõ ngách Sài Gòn.


Chị kể, nhà làm ruộng nhưng không có nổi miếng nước cháo cho con lót dạ. Khi con gái út được sáu tháng, chị gạt nước mắt dứt áo vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai phụ chồng nuôi bốn đứa con. Chị mạnh mẽ: “Có nhớ, có thương cũng phải chấp nhận”.


Vào Sài Gòn, chị tập tành mua trái cây, quảy gánh đi bán dạo. Một giờ rưỡi khuya, chị thức dậy ra chợ Bình Tây mua trái cây, sau đó gọt rửa dọn dẹp cho tới sáng. Ăn miếng cơm lót dạ, chị quảy gánh đi bán đến 7 giờ tối. Khoảng mười năm trước, trong một đêm khuya đi mua hàng về bán, chị bị đau đến nỗi phải vào bệnh viện cấp cứu. Chị bị phát hiện thoái hoá cột sống, chồng chị phải vào ẵm vợ lên tàu về quê chữa bệnh. Suýt phải nằm luôn một chỗ, nhờ thuốc thang may nhờ rủi chịu, chị may mắn đứng lên đi lại được. Vậy là, chị vào lại Sài Gòn đi bán tiếp. Quảy gánh không nổi, chị đi bán vé số kiếm sống nhưng không bán được. Một chị ở trong khu xóm biết chuyện hỏi han bèn cho chị 500.000 đồng mua xe để đi bán trái cây tiếp.


Có nhiều người thương cái tính của chị Bảy, hay ghé hỏi han, mua ủng hộ.


Đã 20 năm chị xa nhà mưu sinh, con gái út của chị giờ đây đã là sinh viên, còn ba người con lớn của chị đều đã có thể tự nuôi mình. Có lẽ gánh nặng mưu sinh giờ đã nhẹ phần nào, chỉ cần đợi đến khi con gái tốt nghiệp là chị đã có thể trở về quê đoàn tụ với chồng. Nhưng, chị cho biết: “Kế hoạch là vậy nhưng mỗi lần về thăm quê lại nhớ Sài Gòn, chỉ sợ lúc đó không nỡ về”. Nói về mảnh đất sinh nhai, chị cảm kích: “Nhờ có Sài Gòn, nếu không chắc con gái không được đi học”.


Minh Cúc






Ngân hàng khuyến mãi dịp tết

Ngân hàng khuyến mãi dịp tết

Ngân hàng khuyến mãi dịp tết


SGTT.VN - Ngân hàng VietinBank vừa giới thiệu chương trình khuyến mãi “Vui tết sum vầy” dành cho khách hàng giao dịch nhận tiền Western Union.


Từ ngày 2.1 – 28.2.2014, khách hàng giao dịch nhận tiền Western Union tại hệ thống VietinBank sẽ nhận một thẻ cào và có cơ hội trúng thưởng: giải nhất là tủ lạnh Sharp trị giá 10 triệu đồng, giải nhì là tivi LCD Sony trị giá 10 triệu đồng, giải ba trị giá 1 triệu đồng và giải khuyến khích trị giá 20.000 đồng. Còn tại ngân hàng ABBank, từ cuối tháng 12.2013 đến ngày 30.6.2014, nếu tích luỹ từ 5.000 – 10.000 điểm, chủ thẻ sẽ có phiếu mua hàng Co.opmart/Big C trị giá 100.000 – 200.000 đồng; nếu có được từ 40.000 – 120.000 điểm, chủ thẻ sẽ nhận phiếu mua hàng tại Vincom/Parkson/Diamond với trị giá dao động 1 – 4 triệu đồng...


V. Bình






Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội ghép thận thành công

Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội ghép thận thành công

Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội ghép thận thành công


SGTT.VN - Sáng ngày 29.12, bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên. Bệnh nhân được ghép thận là chị Q.T.H. (29 tuổi, ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), được chẩn đoán suy thận mãn độ 4 do viêm cầu thận mạn, đã được tư vấn làm các xét nghiệm tuyển chọn trước ghép thận và có nguyện vọng ghép thận tại bệnh viện Xanh Pôn.


Người cho thận là mẹ đẻ của bệnh nhân, năm nay 49 tuổi, thể trạng khoẻ mạnh. Ca ghép thận do các bác sĩ của bệnh viện tiến hành đã thành công tốt đẹp. Người nhận và người cho đã tỉnh. Dự kiến, cả hai bệnh nhân sẽ được xuất viện trong tuần tới. Đây là bệnh viện đầu tiên của Hà Nội (bệnh viện trực thuộc sở Y tế Hà Nội) thực hiện thành công ca ghép thận.


L. Hà






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ