Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Lori Dennis sống xanh

Lori Dennis sống xanh

Lori Dennis sống xanh


SGTT.VN - Lori Dennis là một trong những nhà thiết kế nội thất hàng đầu chuyên về các sản phẩm nội thất xanh – thân thiện với môi trường. Cô còn nổi tiếng trong vai trò là một diễn giả tài năng, tác giả của nhiều cuốn sách nội thất bán chạy nhất, và như một ngôi sao truyền hình trong chương trình Nữ thiết kế thực thụ của đài HGTV.










Phòng giải trí thuộc dự án cải tạo biệt thự Revival Tây Ban Nha được xây dựng từ năm 1910. Những mảng màu tươi vui bắt mắt chính là những điểm nhấn quen thuộc trong phong cách thiết kế của Lori Dennis. Ảnh: Ken Haden



Cách tiếp cận nội thất xanh của Dennis không chỉ giới hạn trong các hệ thống năng lượng xanh thay thế, hay chi tiết tiết kiệm nước; cô nỗ lực gấp đôi bằng cách sử dụng những vật dụng có sẵn của gia chủ và trang hoàng lại chúng cho đẹp và xanh như những phiên chợ trời ngập tràn màu sắc hoa quả tươi vậy. “Cô luôn tìm cách sử dụng những gì bạn có sẵn, và cô nàng sẽ không làm việc với bất kỳ vật nào không có sự ấm áp hay nét cá tính trong đó” Jen Rade chia sẻ – Rade là khách hàng của Dennis và cũng là nhà tạo mẫu cho người nổi tiếng, từng cộng tác với Angelina Jolie. Một khách hàng khác nhận xét về Lori Dennis, “Lori có con mắt rất nghệ thuật, nhưng đồng thời cô cũng có cả nguyên tố xanh nữa” Lori Dennis đã gắn bó với nghề được hơn 15 năm, và trong suốt khoảng thời gian đó cô luôn làm thoả mãn nhu cầu của cả những vị khách khó tính nhất.


Mùa thu vừa rồi, nữ thiết kế tài năng này đã cho ra mắt hai dòng sản phẩm nội thất thân thiện với môi trường bao gồm bộ sưu tập Den by Lori Dennis, với đặc trưng là những chi tiết đẹp mới lạ. Ghế đung đưa được kết quả tua rua, và đường sọc xanh giả da cá sấu ôm dọc xuống thân ghế sofa bọc vải lanh. “Sản phẩm này đích thị là dành cho những vị khách hàng có máu phiêu lưu mạo hiểm” Lori chia sẻ.


Dòng sản phẩm còn lại – một sự kết hợp giữa Lori với phòng trưng bày La Brea’s Creato Finito (mang tên The Lori Dennis Collection by Creato Finito) thiên về sự sang trọng mang nét hoài cổ thể hiện qua những chiếc trường kỷ nhỏ được làm thủ công và những chiếc ghế đẩu xa hoa, đồng thời cô cũng chuyển sang hướng đi phát triển bền vững bằng cách sử dụng sơn gốc sữa, vải và vật liệu hữu cơ, và cả gỗ được chứng nhận theo tiêu chuẩn FSC. Cô còn đặc biệt tâm huyết với việc giúp khách hàng định hướng và cải tạo môi trường sống trở nên xanh hơn. Đó là lý do vì sao cô xuất bản quyển sách Green Interior Design (Thiết kế nội thất xanh) vào năm ngoái. Quyển sách cung cấp đầy đủ chỉ dẫn về cách lắp đặt, thiết kế nội thất, với vô số ý tưởng ứng dụng được để gia chủ có thể sống có trách nhiệm với môi trường mà vẫn đầy phong cách. “Đó thực sự là quyển sách cho những khách hàng muốn tự mình thiết kế các sản phẩm nội thất xanh”, Lori nói. Điều đáng quý ở nhà thiết kế này là cô không chỉ nỗ lực áp dụng phương pháp sống xanh trong đời sống cá nhân, mà còn đề xướng, khuyến khích các khách hàng nổi tiếng của mình ứng dụng chúng, nhằm tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh trong cộng đồng. Các sản phẩm cô tạo ra không chỉ tiện nghi, đẹp đẽ mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng để giúp đỡ cho môi trường và tinh cầu xanh này. Và sự thật các thiết kế xanh của cô được ưa chuộng cũng như trở thành một hiện tượng nổi bật trong làng thiết kế đã chứng minh rằng kế hoạch xanh của cô thực sự có hiệu quả.


tổng hợp: phương nguyễn









Cô bé Lori lớn lên với những chuyến chuyển nhà liên tục, cô theo chân mẹ đến sinh sống tại nhiều thành phố khác nhau, ở cả bờ Đông lẫn bờ Tây nước Mỹ. Và rốt cuộc hai mẹ con họ đã dừng chân, an cư tại thành phố của những thiên thần – Los Angeles. Phòng ngủ thời thơ ấu của cô bé Lori hầu như rất trống trải vì mẹ cô muốn tiết kiệm tiền thay vì tiêu tốn chúng vào những món đồ nội thất. Nhưng chính sự dư dả về không gian đã dạy cho cô những bài học quý giá để đời. “Tôi được nuôi nấng bởi một người mẹ độc thân”, nữ thiết kế chia sẻ. “Phương châm sống của chúng tôi là không lãng phí – để thể hiện sự tôn trọng với hành tinh này.” Vào một ngày đẹp trời, Lori nhận được gói bưu kiện chứa bộ phủ giường hình thuỷ thủ Popeye từ người dì thân yêu gửi đến. “Từ một nơi có cảm giác như chốn ngục tù, căn phòng đã biến thành một nơi tươi sáng, vui vẻ mà một đứa trẻ như tôi thích mê,” cô kể về thứ bé nhỏ kỳ diệu đã giúp cô biến chuyển cả một không gian sống. Nhiều năm sau, Dennis mang những phương châm sống xanh áp dụng vào các thiết kế nội thất của mình. Cô cho ra đời các mẫu thiết kế với màu sắc bắt mắt, sinh động và vô cùng ấn tượng.



Tác phẩm tiêu biểu










Phòng thiền tại căn nhà Greystone Mansion, thiết kế do Lori Dennis đảm nhiệm. Căn phòng với tông xanh chủ đạo với các điểm nhấn nhá màu cam đất, theo phong cách Electic (kết hợp nhiều yếu tố riêng biệt thành một tổng thể hoà hợp). Ảnh: Ken Haden











Phòng ăn thuộc Villa Zen mang phong cách midcentury, ấm nóng và sử dụng chủ yếu chất liệu gỗ cho các sản phẩm nội thất. Ảnh: Ken Haden











Phòng ăn thuộc dự án Urban Vibe thực hiện cho một gia đình tại Los Angeles. Phòng ăn trang nhã với bức tường thạch cao tinh xảo tạo cảm giác như đó thật sự là giấy dán tường. Ảnh: Ken Haden











Phòng ngủ gia chủ tại biệt thự Revival Tây Ban Nha với thiết kế nội thất của Lori Dennis. Chiếc giường sang trọng với bộ phủ bằng lụa là sản phẩm của Mautouk. Ảnh: Ken Haden











Đây là thiết kế một phòng tắm thuộc dự án Hollywood Hills của Lori Dennis. Chiếc ghế từ đá nham thạch nguyên khối nặng đến 907 kg, đòi hỏi các kỹ sư phải gia cố thêm thép để chiếc ghế này không rơi xuyên qua sàn. Dennis đã mô tả về chiếc ghế này như là “Nhà Flintones gặp nhà Jetsons” vậy. Chiếc ghế được mài lõm mặt trên với đường tạc rất êm tạo cảm giác thoải mái khi ngồi, và cần đến bảy người đàn ông lực lưỡng để đưa nó vào đúng chỗ. Ảnh: Ken Haden











Phòng ngủ và phòng tắm thuộc dự án Single Girl thiết kế cho một quý cô độc thân. Căn nhà theo phong cách cổ điển được điểm trang với những tông màu hồng, tím đầy lãng mạn và nữ tính. Ảnh: Loridennis.com











Phòng khách thuộc dự án Loft Appeal, trang trí cho căn hộ áp mái của một cặp vợ chồng trẻ theo phong cách công nghiệp hiện đại với các ống thép lớn treo lộ thiên trên trần. Lori áp dụng phong cách xanh qua việc kết hợp tông màu của đất và cây để cân bằng lại ngôi nhà. Hoa và các chậu cây nhỏ được đặt trong phòng để ghìm bớt cảm giác nặng nề của tường trát xi măng và ghế sofa lớn. Ảnh: Ken Haden











Phòng làm việc tại gia thuộc dự án Palm Spring với sự kết hợp bàn ghế làm việc mang phong cách cổ điển cùng chiếc ghế nằm bọc vải lanh rất eco. Tông đỏ thực sự mang lại sự nhiệt huyết sôi động cho căn phòng. Ảnh: Mark Tanner







Bộ sưu tập thiết bị vệ sinh Fonte

Bộ sưu tập thiết bị vệ sinh Fonte

Bộ sưu tập thiết bị vệ sinh Fonte


SGTT.VN - Được thiết kế bởi Monica Graffeo, lấy cảm hứng từ chính những phòng tắm bình thường hàng ngày với tình yêu triết lý về “nước” của người Nhật. Bộ sưu tập Fonte mà trong đó có bồn tắm Fonte chứa đầy đủ các yếu tố của tự nhiên. Các đối tượng được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc bản thân của bạn, thích dụng với hàng ngàn thứ mà chúng ta cần hàng ngày từ các loại kem làm đẹp, lược, máy sấy rồi đồ chơi trẻ em…


Theo stylepark






Công thức mỹ thực 2014

Công thức mỹ thực 2014

Công thức mỹ thực 2014


SGTT.VN - Cũng như trong kiến trúc, chất liệu địa phương được chú trọng, ẩm thực cũng vậy.











Nhưng, không phải như lưỡi theo khái niệm Aesop luôn biến hoá, những cái lưỡi địa phương luôn bảo thủ, khi mà món ăn gắn chặt với cả đời sống từ thơ ấu đến trưởng thành của họ. Để đạt được hội nhập cần cả tiến trình giữa người ăn đầy tính khám phá, người chế biến cân đối được các mặt thực, dưỡng, tạo được mùi vị hấp dẫn, ngon.


Đó cũng là ý kiến của ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi Chiếc thìa vàng. Trước đó, đã diễn ra cuộc tranh luận về tính thực dưỡng của món ăn. Có ý kiến không nên lạm dụng hình thức chế biến nướng và chiên vì không tốt cho sức khoẻ, nên tăng tính thiên nhiên của thực phẩm thay vì dùng nhiều chất phụ gia (bột ngọt, hương liệu...) Nhưng có ý kiến lại cho rằng cuộc thi dành cho các nhà hàng thì phải lấy thực khách mà họ phục vụ làm trung tâm: khách thích “khoái khẩu” thì bếp phải chiều. Cuối cùng họ chia sẻ với nhau cách nghĩ là vẫn có thể và nên chọn cách nấu ăn ngon và cùng lúc cũng có lợi cho sức khoẻ.


Sản vật từ thiên nhiên


Khai thác vị lạ từ thiên nhiên đang là xu hướng. Những đầu bếp tham dự cuộc thi nói trên đã ý thức nương theo xu hướng đó. Người ăn bây giờ, đứng trước những rủi ro từ thực phẩm biến đổi gen, thuốc trừ sâu, gia vị hoá chất, càng chọn sản vật thiên nhiên nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà món hoa cau ướp tôm hùm, thịt heo nướng ướp lá dổi mua tận Tây Bắc về và chè nhãn nấu hạt bàng của đầu bếp Nguyễn Tuấn Khanh, trung tâm hội nghị yến tiệc Hera Palace, đã được chấm giải nhất cuộc thi vòng loại các tỉnh miền Đông Nam bộ.


Rồi còn phải kể đến “thảm” rau rừng phong phú đa dạng của cả nước. Chứng minh cho điều này là món “gỏi lá” gồm 50 loại rau rừng của đầu bếp nhà hàng Ngọc Linh. Đó là một bản giao hưởng về hương vị đáng nói trong thời đại mà các nhà dinh dưỡng (trừ những nhà vì quảng cáo quên thân) bắt đầu kêu gọi bớt đạm, bớt bột đường, tăng chất xơ để bảo vệ sức khoẻ. Rồi tới món gỏi cá diếc cuộn măng rừng dùng ăn chung với lá lộc vừng, bứa, chòi mòi, đinh lăng của bếp trưởng Hồng Lan. Người ăn thấy cả thiên nhiên của đại ngàn tràn vào trong mâm. Và, sáng tạo món salad bằng bông artichaut của đầu bếp khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, một thứ văn hoá Tây cộng sinh với nguyên liệu ta ở địa phương. Ngay cả món xốt “mayonnaise” cũng được chế với nước cốt chanh dây dùng thật tươi thơm và hấp dẫn. Cũng vậy, bếp nhà hàng Hồng Lan đã dùng kiến vàng sống – vốn rất nhiều ở Tây Nguyên – đốt thịt philê bò như một cách ướp. Trứng kiến, theo giải thích của bếp trưởng Vương Thì, có chất toan giúp làm thịt mềm và từ kiến cũng có một mùi vị đặc trưng, tôn tạo cho hương thịt nướng. Trứng kiến vàng trộn muối ớt không chỉ ở Tây Nguyên mà đang thịnh hành ngay tại Sài Gòn.


Ngoài hương vị từ thảm thực vật cả nước, các sản vật nấu nướng từ núi rừng, biển, sông, suối cũng không kém phần phong phú. Miền nào, mùa nào, thức ấy. Nhất là những vùng Tây Nguyên lâu nay ẩm thực vẫn “huyền bí” như chính bản thân núi rừng, nay làm thực khách ồ lên lý thú khi các đầu bếp khai thác tối đa sản vật còn bán hoang dã của cả vùng.











Lục lọi lại và “Tây hoá” truyền thống


Chùm ngây là thứ cây mọc ở hàng rào, ngày xưa lá già heo ăn, lá non người xơi. Giờ đây từ cái hàng rào quê ấy chúng đĩnh đạc bước vào nhà hàng Tropicana Beach Resort & Spa, mặc chiếc áo Tây: súp chùm ngây hải sản. Vị chùm ngây lạ lẫm hương xa cho người nước ngoài.


Rồi đến món mì trộn Phong Nam. Món ăn đang mai một này được đầu bếp Dương Đức Huấn của khách sạn Majestic làm cho hồi sinh. Phong Nam là món mì làm từ gạo nguyên cám truyền thống của thôn Phong Nam, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng. Sợi mì dai, thơm. Mì Phong Nam cũng giống như món bún bắp ở An Dân, Tuy An, Phú Yên, đang “bị không biết” bởi chính người dân địa phương nơi chúng sinh thành.


Món bê thui Cầu Mống dân dã “nguyên kiếp đường phố” đã được đầu bếp Hứa Địch Tuyên “thỉnh” vào nhà hàng quốc tế Pullman Resort & Hotel. Món khai vị bằng chả dông – con vật sống hoang dã ở những xứ cát biển được đầu bếp Nguyễn Văn Bông, nhà hàng Kaya đưa đi dự đại hội quần ẩm, khiến cho ký ức cát gọi về với người ăn. Ngày xưa, các bà mẹ thường nói: “Công danh không bằng... canh dông”, đủ thấy thịt chúng đặc sắc đến chừng nào. Các đầu bếp của công ty du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn quay về nguồn với món bún song thằn làm từ đậu xanh – đặc sản của vùng An Thái, đất võ Bình Định. Món bún đã đi vào ca dao ẩm thực: “Nón ngựa Gò Găng, bún song thằn An Thái”.


Bát sạch mới ngon


Ngoài công thức hài hoà các dưỡng chất và ngon trong món ăn, yếu tố cuối cùng trong công thức là món ăn được dọn như thế nào và với những đồ đựng nào. Theo nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, nhiều nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng kiểu dọn cỗ, lúc nào cũng đầy ắp các món cùng lúc. Đây cũng là “gót Achille” của đầu bếp Việt.


Trong cuộc thi vừa qua, các đầu bếp đã không phải bận tâm đến bộ bàn ăn vì được sự hỗ trợ từ hơn 250 mẫu mã của bộ Ly’s Horeca của Minh Long. Đó là sản phẩm của tám năm nghiên cứu, giải được các bài toán về sản lượng, giá cả (bằng công nghệ, thiết bị, năng suất), độ cứng chắc, độ bóng do áp dụng công nghệ nano tẩy nhanh mọi chất bẩn, không chứa chì, đảm bảo không nhiễm độc vào thức ăn và dùng được với mọi loại lò vi sóng, lò nướng, máy rửa chén… để dòng sản phẩm Việt này đến với thị trường toàn cầu.


Trong công thức ẩm thực Việt năm 2014, ngoài các yếu tố phát huy sản vật địa phương, chế biến ngon lành và sạch, còn yếu tố trưng bày đẹp với dòng sản phẩm đủ chuẩn toàn cầu về các mặt: chất lượng, mỹ thuật, phong phú, giá thích hợp.


ngữ yên (với sự cộng tác thông tin của Các Ngọc) ảnh các ngọc














Sriracha: gà không gáy tương vẫn cay

Sriracha: gà không gáy tương vẫn cay

Sriracha: gà không gáy tương vẫn cay


SGTT.VN - Nếu là một CEO đúng mực hơn, David Trần hẳn có chỗ đứng cố cựu tại các hội nghị, là nhân vật ưu ái có chân dung trên các tạp chí, và chủ thể của một điển cứu trong tạp chí Harvard Business Review. Giấc mơ của ông, như ông nói với tờ tin Quartz, “không phải là trở thành tỉ phú” mà chỉ cốt “làm đủ tương tươi cho bất cứ ai muốn”.










Sriracha ở Việt Nam không phải hiệu Con Gà.



Trần thành lập công ty Huy Fong Foods cách đây 33 năm tại Los Angeles – Hoa Kỳ. Có cả một cuốn sách nấu ăn viết riêng về tính đa dụng của tương ớt Sriracha(1) do Huy Fong Foods sản xuất; những hình ảnh về loại tương này in từ vỏ iPhone(2) đến áo thun(3) và nhiều thứ ăn theo khác(4); có cả phim tài liệu(5) biên niên về sự nổi lên của Sriracha; và khối kẻ làm nhái. Năm ngoái Sriracha bán ra 20 triệu chai, doanh số 60 triệu USD, mỗi năm tăng trưởng hai số, mà không hề mất một cent quảng cáo.


Sản phẩm trước hết


Ngày nay tương ớt là một ngành công nghiệp toàn cầu đang phát với doanh số trên 1 tỉ USD. Ở Mỹ, ngành này là một trong mười ngành tăng trưởng nhanh nhất. Nhưng khi Trần đến Los Angeles vào năm 1980, ông vừa thất nghiệp vừa không có tương ớt. Từ Việt Nam sang, ông gần như không tìm thấy một loại phụ gia cay nào vừa miệng. Sau này ông mới biết cộng đồng Đông Nam Á ở Los Angeles đều chung cảnh chịu nhịn cay như ông.


Đâu chừng vài tháng, ông đã làm ra được một thứ Sriracha của ông – một phiên bản tương ớt Thái làm bằng ớt jalapeño, giấm, đường, muối và tỏi, và đưa hàng đến các chợ nhỏ trong thành phố. Không lâu sau, ông đóng gói tương trong những chai nhựa trong dễ nhận diện như ngày nay với nhãn hiệu Con gà trống và nắp chai màu xanh lá.


Hy vọng duy nhất của ông là cung cấp cho những người Việt nhập cư loại tương ớt ăn phở. Ông phát tài không phải bằng tính toán mà chỉ bằng một ý tưởng: “Tôi khởi nghiệp bằng hai con mắt nhắm. Không có kỳ vọng chút nào”.


Ông làm ăn hồi nào tới giờ vẫn vậy: bằng hai con mắt nhắm. Ông nói ông chưa lần nào tăng giá sỉ khi bán Sriracha, cho dù lạm phát làm giá thực phẩm tăng gấp ba lần từ năm 1980 đến nay. Ông không thể nói với bạn tương ớt của ông bán ở đâu, vì mọi chuyện ông biết chỉ là Huy Fong có mười nhà phân phối mà ông giao hàng cho họ hơn mười năm nay. “Chúng tôi không hề có một chi tiết ghi chép tương bán ở đâu”, Trần thổ lộ. Griffin Hammond, người đang làm bộ phim tài liệu về Sriracha, cho rằng như ông biết, Sriracha bán cả ở Mỹ, Canada và châu Âu. “Nhưng cũng có thể bán ở những nơi khác nữa”, ông thừa nhận, “Ít nhất, tôi biết rằng trên chai có ghi tiếng Anh, Hoa, Việt, Pháp và Tây Ban Nha”.


Trần cũng chỉ vừa mới biết Sriracha đã trở thành thành phần phổ biến trong giới đầu bếp làm sushi: họ dùng nó để cho vào cuốn cá ngừ nhiều năm nay. “Tôi không hề biết cho đến khi các nhà phân phối của tôi nói ra”, Trần nói. Thực ra, theo Hammond, tương ấy luôn luôn là thành phần gia vị trong cuốn cá ngừ cay hiện nay. Chắc chắn điều đó chiếm một phần đáng kể trong doanh số.


Không chỉ có đầu bếp sushi, hệ thống nhà hàng P. F. Chang với 204 chi nhánh ở Mỹ và khắp thế giới, cũng dọn những món có vị Sriracha. Đầu bếp David Chang để sẵn Sriracha trên mỗi quầy trong nhà hàng mì Momofuku Noodle Bar của ông ở New York. Tạp chí Bon Appétit tuyên bố tương ớt này là thành phần của năm 2010. Cook’s Illustrated thì gọi nó là tương ớt ngon nhất năm 2012. Mặc dù không có giải, Sriracha là một trong ba vị mới được được chọn trong chip khoai tây của Lays tại cuộc thi vị mới năm ngoái.


Trần dành thời gian mỗi ngày đọc hàng đống email, phần lớn trong đó khách hàng nói về những cách dùng mới cho tương ớt của ông, thường là không tưởng tượng được. Một cách theo ông nhớ có liên quan với mì ống và phômai, kiểu pha trộn mà ông chưa bao giờ thử – ông hầu như chỉ xài tương ớt khi ăn phở.










Tương ớt Sriracha Con Gà sản xuất tại Mỹ. Ảnh: TL



Ngày càng hảo ớt


Nhu cầu tăng trưởng buộc Huy Fong – vốn sản xuất cả tương ớt tỏi và Sambal Oelek (tương thật cay), nhưng ít thông dụng hơn – vừa mua thêm một nhà máy rộng 65.000m2 chỉ để chế biến và đóng chai Sriracha. Nhà máy mới sẽ có công suất gấp 2,5 lần so với hệ thống hiện nay: sản xuất 3.000 chai tương mỗi giờ, 24 giờ mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần.


Trở ngại lớn nhất để phát triển công ty là nguồn nguyên liệu thô. Hầu hết tương ớt thương mại trên thị trường được làm bằng ớt khô giúp cho việc chế biến và đóng chai sản phẩm quy mô lớn dễ hơn. Mcllhenny, nhà làm tương Tobasco chẳng hạn, mua ớt từ các nhà sản xuất khắp thế giới. Nhưng Sriracha làm tương bằng ớt tươi. Đó là điều tách Sriracha ra khỏi cạnh tranh, Trần nói.


Một số ít ỏi dữ liệu mà Trần tiết lộ về Huy Fong là hãng chế biến khoảng 45 triệu cân ớt tươi năm ngoái trong suốt vụ thu hoạch kéo dài mười tuần lễ và cung cấp toàn bộ cho thành phẩm của công ty suốt năm. “Chúng tôi chỉ có thể tăng trưởng theo năng lực thu hoạch ớt”, Trần nói.


Phải miễn cưỡng chiều theo chất lượng, có nghĩa là ớt bán cho Sriracha cần phải chế biến trong vòng một ngày sau khi hái. Nên nhà máy Rosemead của Huy Fong chỉ cách nông trại Underwood Family một giờ xe. Nông trại này là nhà cung cấp ớt duy nhất cho công ty 20 năm qua. Nhà máy mới của công ty chỉ cách trang trại vài cây số. Tìm đất mới phù hợp với việc thu hoạch ớt thật khó khăn – đất không chỉ phải rộng mà còn phải phù hợp với mục đích. “Tôi không thể mua đất dùng để thu hoạch cam”, Trần giải thích, “Đất đó không thích hợp với ớt”.


Ngoài ra, kết quả của nhu cầu cao là trong 33 năm, theo Trần, Huy Fong Foods không dùng đến một người bán hàng cũng như không chi một xu quảng cáo. Quảng cáo chỉ làm toác thêm khoảng cách giữa cầu và cung. “Tôi không quảng cáo vì tôi không thể quảng cáo”, Trần giải thích.









Hy vọng duy nhất của ông là cung cấp cho những người Việt nhập cư loại tương ớt ăn phở. Ông phát tài không phải bằng tính toán mà chỉ bằng một ý tưởng: “Tôi khởi nghiệp bằng hai con mắt nhắm. Không có kỳ vọng chút nào”.



Huy Fong cũng không có một tài khoản Twitter, Facebook hay Google Plus, và trang web của họ chỉ trơ xương. Do vậy, khách hàng ăn Sriracha thường biết ít ỏi về công ty mà họ ăn hàng lít. “Tất cả đều truyền khẩu”, Hammond nói. Chỉ cần liếc mắt qua chai tương là biết nó sản xuất ở Rosemead, California, nhưng “hầu hết người tiêu dùng vẫn nghĩ Sriracha nhập từ châu Á”.

Nhiều người phải né tránh khá nhiều tương ớt nhái Sriracha, từ nhái nhãn với hình cá mập thay vì gà trống trên chai, đến giả hoàn toàn khó phân biệt. Rod Berman, luật sư của Trần, một chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ, nói với báo Bloomberg rằng mỗi năm ông soạn bốn đến năm khiếu nại vi phạm cho công ty.


Ông trùm bất đắc dĩ


Nói chuyện với Trần hơi bị giống với nhổ răng. Ông chỉ mới đồng ý phỏng vấn và tiếp cận báo chí gần đây. Trợ lý và điều hành hoạt động của ông, Donna Lâm, cùng ông xử lý các cuộc gọi phỏng vấn. Tiếng Anh của ông chậm và cân nhắc, ông thường gặp phải những câu hỏi và bình luận phức tạp cần được dịch ra để trả lời đúng, hoặc láu lỉnh né tránh. Nếu cố hỏi dồn ông về những con số tăng trưởng, bạn sẽ đụng phải một bức tường. Những gì ông sẵn lòng thừa nhận là doanh số đã tăng hai đơn vị kể từ khi ông đóng chai Sriracha cách đây 33 năm.


Trần không muốn bất kỳ ai biết Huy Fong tăng trưởng nhanh như thế nào, vì sợ nhiều người sẽ xuất hiện trước cửa nhà ông với giọng điệu lớn lối về làm ăn mà ông vốn bỏ ngoài tai và những kế hoạch tăng trưởng mà ông rất ít quan tâm. Ông cho biết một số nhà đầu tư đã đến gặp ông với hàng đống tiền và hứa hẹn mùi mẫn, thậm chí đề nghị mua toàn bộ công ty ngay tức khắc. Trần đã mời họ ra về. “Những người tới đây không bao giờ quan tâm tới sản phẩm, họ chỉ nhắm đến lợi nhuận”, ông than thở.


aNH tHẠCH - ảnh: phan quang


(1) http://ift.tt/1dMvkp4

(2) http://ift.tt/1iJddbP

(3) http://ift.tt/1dMvkp5

(4) http://ift.tt/1iJdawq

(5) http://ift.tt/1b0QSRA






Đâu là thách thức lớn nhất trên đường phát triển?

Đâu là thách thức lớn nhất trên đường phát triển?

Đâu là thách thức lớn nhất trên đường phát triển?


SGTT.VN - Phải làm gì để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng và trì trệ kéo dài này, đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong những giờ phút suy tư trầm lắng của mùa xuân này.










Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều bệnh nặng: nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng bất động sản, doanh nghiệp nhà nước nợ lên đến 1,3 triệu tỉ đồng, nợ công tăng quá nhanh, nhiều doanh nghiệp tư nhân phá sản…



Sau những năm 1990 Đổi mới đầy hứng khởi, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người dân, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đất nước thay da đổi thịt. Ngày nay, trong khi không phủ nhận những tiến bộ đã đạt được, song nhìn thẳng vào đời sống kinh tế – xã hội, ai cũng thấy lo âu cho tương lai của đất nước.


Nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp kéo dài nhất tính từ khi bắt đầu Đổi mới trong khi các nước Đông Nam Á đang hồi phục, Lào, Campuchia, Indonesia đều tăng trưởng cao hơn nước ta và cả thế giới đang chuyển biến nhanh chóng. Trong khi đó, công cuộc Đổi mới ở nước ta chậm lại, nhiều bệnh cũ chưa chữa được lại thêm những bệnh tật mới không kém trầm trọng mà nguyên nhân trực tiếp hay sâu xa bắt nguồn từ thể chế.


Nếu như những năm 1990, cải cách thể chế đã có nhiều đột phá quan trọng, giải phóng sức sản xuất, phát huy trí sáng tạo, năng động của người dân như bãi bỏ độc quyền xuất – nhập khẩu, cho phép kinh tế tư nhân xuất – nhập khẩu theo pháp luật, luật Doanh nghiệp năm 1999 thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân, bãi bỏ quyền cấp phép của chủ tịch tỉnh, thành phố, bãi bỏ 286 giấy phép, hội nhập ASEAN, ký hiệp định Thương mại Việt – Mỹ... thì trong giai đoạn hiện nay thể chế đã trở thành nút thắt cổ chai quan trọng nhất phải vượt qua nếu nền kinh tế muốn tiếp tục tiến lên. Không cải cách thể chế, Việt Nam không chỉ bế tắc trong “bẫy thu nhập trung bình” mà còn phải đối mặt với những xung đột xã hội ngày càng tăng.


Thể chế hiện là nguyên nhân trực tiếp hay sâu xa làm tăng chi phí về thời gian và tiền bạc, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, đang tạo ra những đòn bẩy chỉ có lợi cho một số nhóm lợi ích chứ không tạo ra động lực để phát triển khoa học – công nghệ, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.


Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều bệnh nặng: nợ xấu ngân hàng, khủng hoảng bất động sản, doanh nghiệp nhà nước nợ lên đến 1,3 triệu tỉ đồng, nợ công tăng quá nhanh, số rất lớn doanh nghiệp tư nhân phá sản, đóng cửa, số còn lại chỉ kinh doanh cầm chừng hay đình đốn…


Lũ lụt tàn phá miền Trung, gây ra thiệt hại to lớn cho nhân dân không chỉ là thiên tai mà có phần quan trọng là nhân tai: phá rừng, làm thuỷ điện thiếu tính toán đến môi sinh và an toàn của người dân vùng hạ lưu, do các cơ quan nhà nước đã cho phép ồ ạt, không kiểm soát nạn phá rừng, không bảo đảm chức năng điều hoà thuỷ văn, v.v.


Ngày 3.12.2013, tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), công bố chỉ số CPI (Cảm nhận tham nhũng), Việt Nam xếp thứ 116/177 nền kinh tế với điểm số không đổi 31/100, xếp thứ bảy trong mười nước ASEAN. Tham nhũng, tiêu cực lớn nhỏ đè nặng lên người dân hàng ngày, từ xin việc làm đến lo cho con đi học, đưa người già đi chữa bệnh… đâu đâu cũng phải có tiền mới được việc. Nói và làm xa cách nhau hơn bao giờ hết. Thay vì đạt được tiến bộ, lãng phí, chia chác ngày càng trầm trọng, làm tăng chi phí mọi công trình nhà nước đầu tư, xây dựng, từ cầu đường đến trường học, bệnh viện, nhà vệ sinh...


Bộ máy hành chính cồng kềnh, 71% chi ngân sách là chi thường xuyên nhằm nuôi một bộ máy hoạt động rất kém hiệu quả, thiếu công khai, thiếu trách nhiệm giải trình.


Việc bổ nhiệm nhân sự hoàn toàn không minh bạch, không có chương trình hành động, không qua sự giám sát, xét duyệt của cơ quan dân cử. Có quá nhiều cán bộ cao cấp kém năng lực, không trả lời được câu hỏi của đại biểu và báo chí, không dám nhận trách nhiệm và không bị xử lý về kém năng lực, gây bức xúc trong dư luận.


Lợi ích nhóm chi phối không ít quyết định và chính sách, cơ chế “xin – cho” lại thịnh hành và thay thế quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh theo pháp luật.


Công cuộc Đổi mới đang bị chựng lại ở những mệnh đề xưa cũ không còn sức thuyết phục. Niềm tin của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. Ngôi sao Việt Nam một thời toả sáng đang bị lu mờ.


Phải làm gì để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng và trì trệ kéo dài này? Câu trả lời là cần cải cách thực chất về thể chế. Phải thực hiện công khai minh bạch theo các chuẩn mực quốc tế về chi tiêu ngân sách nhà nước, từ vé máy bay đến bữa chiêu đãi khách nước ngoài. Cần công bố lịch làm việc cho dân biết, giảm tối đa tệ quan chức dự lễ hội, động thổ và khánh thành quá hình thức và tốn kém. Cán bộ bổ nhiệm có thời hạn, có điều kiện và phải qua giám sát, phỏng vấn của các uỷ ban của Quốc hội, HĐND.


Cần luật hoá vai trò giám sát của báo chí, tổ chức quần chúng đối với bộ máy nhà nước, luật hoá quyền tiếp cận thông tin của người dân. Pháp luật phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực, làm cho công chức “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không cần tham nhũng”. Phải xoá bỏ những “vùng cấm”, đặc quyền đặc lợi, hạn chế sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính.


Những cải cách đó không có gì mới, nhiều nước đã áp dụng và họ đã xây dựng được những nền kinh tế phồn vinh, xã hội công bằng, thịnh vượng, văn minh.


Đổi mới – đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là sự thôi thúc của người dân trong mùa xuân trên đất nước Việt Nam này.


Lê Đăng Doanh


ảnh: Phan Quang






Sài Gòn sông nước

Sài Gòn sông nước

Sài Gòn sông nước










Sài Gòn – thành phố của sông ngòi, kênh rạch.



1. Hơn mười năm về trước, trong lần đầu tiên chân ướt chân ráo đến Sài Gòn; tôi đã có thêm một chuyến phiêu lưu khác tới Vũng Tàu. Nghe lời người bạn mới gặp khuyên, tôi đi tàu cánh ngầm, để được thoả sức ngắm cảnh và biết thế nào là sông nước Sài Gòn – như lời bạn nói. Đó là thuỷ trình dài nhất mà tôi đã từng trải qua cho tới giờ. Tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác đứng trên boong tàu, gió sông Sài Gòn lồng lộng, con tàu lướt sóng trên những khúc sông uốn lượn, đôi bờ miệt vườn xanh ngắt với những cây dừa nước. Tôi đã từng đi trên biển, từng đi trên sông; nhưng cái cảm giác đi từ sông ra biển thật lạ; mênh mang rồi, lại mênh mang hơn nữa. Đó là lần đầu tiên, đầy ấn tượng, và tôi đã mơ hồ cảm nhận về sông nước Sài Gòn.


Thế rồi, lượt về, và cả những lần sau nữa, đi Vũng Tàu từ Sài Gòn, tôi vẫn chỉ duy nhất chọn cho mình lộ trình ấy, để cảm rõ hơn, hiểu rõ hơn, thấy nhiều hơn... Cho dù, có một khoảng thời gian; lộ trình đường thuỷ này bị báo chí phàn nàn rất nhiều những việc, sự cố liên quan tới... nhà tàu; thì trong tôi vẫn không hề ái ngại hay mất đi cảm tình. Với tôi, đó là một tuyến đi, một tuyến du lịch thú vị nhất mà chính khoảng thời gian di chuyển cũng mang lại thật nhiều cảm xúc. Nếu còn đi nữa, tôi vẫn tiếp tục lựa chọn lộ trình ấy, phương tiện ấy...


Sài Gòn lần đầu gặp gỡ, để lại ấn tượng cho tôi về một dòng sông – dòng sông mang luôn của miền đất ấy, dù nó khởi nguồn từ xa hơn rất nhiều. Có nhiều thành phố gắn với dòng sông, mang một dòng sông ở trong lòng; nhưng – trong cách nhìn của tôi – sông Sài Gòn với đất Sài Gòn có cái gì thật khác biệt, khác nhiều những nơi khác. Nó đủ lớn nhưng không dữ dội (và cả “cằn cỗi”) như sông Hồng của Hà Nội, nó cũng có chút lãng mạn nhưng không thể ví với sông Hương của Huế, nó cũng chưa gọn gàng, thanh sạch như sông Hàn chảy qua Đà Nẵng... Sông Sài Gòn uốn khúc trong lòng thành phố, là một phần của thành phố. Nhưng thế vẫn là chưa đủ nếu nói về sông nước Sài Gòn...


2. Từ lần đầu tiên đó, cho đến giờ, tôi đã “gặp” lại Sài Gòn nhiều lần. Nói vui theo một cách khác, Sài Gòn và tôi đã là người quen của nhau. Tôi và Sài Gòn đã hiểu và... yêu nhau – theo một cách nào đó. Ấn tượng bắt đầu từ một dòng sông, nhưng rồi về sau, lang thang ở đất Sài Gòn, tôi biết và hiểu thêm: nói tới Sài Gòn, nhận diện Sài Gòn không thể không nói tới những dòng kênh. Nếu như Hà Nội của tôi được gọi là thành phố của ao hồ, thì Sài Gòn là thành phố của kênh rạch chằng chịt.


Mỗi lần hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, hay khi bay rời Sài Gòn, tôi cứ ngẩn ngơ ngắm dòng sông Sài Gòn uốn khúc, và những dòng kênh – rạch đan xen một cách kỳ thú. Chẳng thành phố nào có nhiều kênh rạch như ở nơi đây. Nào rạch Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ... Và cùng với những con kênh là cơ man cầu với cầu. Trên tấm bản đồ du lịch mà tôi đã giữ hơn mười năm, có vô số những con kênh và những cây cầu không được ghi tên (hay không có tên?) Điều đó cũng cho thấy kênh rạch nhiều đến mức nào.


Trong bài hát Em còn nhớ hay em đã quên, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã miêu tả, vẽ nên Sài Gòn với những hình ảnh tuyệt đẹp và lãng mạn. Và cũng có thể thấy có một câu hát, rất thực: “Nhớ đường dài qua cầu lại nối, nhớ những con sông nối bao dòng kênh…” Nhìn Sài Gòn trên bản đồ hay từ trên không, là ấn tượng với sông ngòi, kênh rạch. Mỗi khi cất cánh hay hạ cánh, ngắm Sài Gòn qua cửa sổ máy bay, tôi luôn nuối tiếc khoảnh khắc ngắn ngủi ở độ cao thấp, khi nhìn rõ từng cây cầu...


Diện mạo Sài Gòn được dựng lên bởi rất nhiều yếu tố, cả vật thể và phi vật thể; nhưng không thể không nhắc tới sông ngòi, kênh rạch. Sông Sài Gòn và một hệ thống kênh rạch gắn liền với dòng sông đã làm nên một Sài Gòn cùng với một nền văn hoá sông nước.


Ngược dòng thời gian, lịch sử đã ghi nhận: Khi thiết lập được chính quyền ở Gia Định và Nam bộ giành được từ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã nhận thấy địa hình, địa thế nơi đây sông ngòi nhiều và giáp biển, ông đã ra sức lập các xưởng đóng tàu, đóng nhiều loại tàu, đặc biệt là các tàu sử dụng cho hải quân; phát triển lực lượng thuỷ quân. Đó cũng là tiền đề cho những chiến thắng mang tính chiến lược quan trọng của quân Nguyễn trước nhà Tây Sơn sau này, mà thuỷ quân mang yếu tố then chốt, quyết định. Có thể thấy qua đó, sông nước Sài Gòn có một vai trò và ý nghĩa quan trọng có tính lịch sử, và sự kế thừa, tiếp nối và cả tiếp biến là tất yếu.


Sông Sài Gòn, kênh rạch Sài Gòn đã tạo nên một gương mặt, hình hài, vóc dáng Sài Gòn. Kênh rạch từng được coi là “mặt tiền” của Sài Gòn xưa, là “kinh mạch” mở ra một đô thị. Thành phố hình thành, tồn tại và phát triển vẫn phải nương vào yếu tố đó. Không chỉ là vấn đề quy hoạch, giao thông, mà nó chứa đựng một tinh thần lớn hơn, là cả một nền văn hoá sông nước Sài Gòn.


Nhìn trên bản đồ Sài Gòn, những dòng kênh đan xen nhau, nối liền nhau, giao cắt nhau, hợp lưu, chia tách... tôi luôn có liên tưởng về sự đa dạng trong dòng chảy văn hoá, sự hoà nhập, ôn hoà bao dung ở mảnh đất phương Nam này. Chỉ là một sự liên tưởng về tính tương đồng, nhưng không hẳn là vô lý; bởi có nền văn hoá nào thoát khỏi sự ảnh hưởng của đặc thù địa lý? Sài Gòn sông nước, Sài Gòn có văn hoá sông nước; thì nét văn hoá chung của Sài Gòn cũng ít nhiều mang màu sắc, âm hưởng ấy!










Kênh Tẻ.



3. Lịch sử có những đổi thay. Khi các phương tiện giao thông cơ giới phát triển cùng đường bộ, thì thuỷ đạo trở thành yếu thế. Xa rồi cảnh trên bến dưới thuyền... Người ta dần dần lạnh nhạt với dòng sông, với kênh rạch; thậm chí quay lưng với dòng sông. Khi dòng sông, dòng kênh, mặt nước giữ vai trò như một con đường, một hướng mở; thì nó gắn liền với cuộc sống, với các hoạt động giao thương, sinh hoạt và mang cả yếu tố tinh thần, tâm linh. Và ngược lại, khi người ta quay mặt tiền vào phố và quay lưng với dòng sông, thì dòng sông sẽ chết. Đó cũng như một nghĩa đen. Có thể thấy rõ điều này ở những nơi mà người ta coi dòng sông, con kênh là phía sau, là nơi phụ, chỗ xấu, và ngôi nhà quay lưng, “chổng mông” ra đó. Sông ngòi, kênh rạch Sài Gòn đang bị ô nhiễm trầm trọng, điều đó ai cũng thấy. Và ở đâu đó, ai đó, trong một lúc nào đó, người ta cố tình lãng quên đi vai trò, ý nghĩa và giá trị của sông nước Sài Gòn, họ thậm chí coi đó là ngáng trở, và từ đó đối xử thô bạo với dòng sông, với những con kênh. Cũng lại có những người hay nhóm người làm điều này điều kia tốt hơn, nhưng chỉ để lợi cho bản thân, chứ không phải cho cộng đồng và cho xã hội.


Bữa nọ, tôi có “chat” với một người bạn ở bắc vô Sài Gòn lập nghiệp. Tôi có gửi cho bạn một đoạn văn viết về nỗi nhớ Sài Gòn. Bạn bảo: “Anh chưa được tới những xóm nước đen của Sài Gòn nhỉ? Vì em không ngửi thấy mùi nó trong nỗi nhớ của anh!” Quả thật, trong đoản văn của mình tôi không có điều đó, không có “mùi” xóm nước đen. Không phải là tôi không biết, nhưng tôi cố tránh đi như trốn một nỗi buồn...


Cũng như nhiều dòng sông chảy qua thành phố, dòng sông Sài Gòn chia đất Sài Gòn làm hai: bên này là quận 1, quận 3, quận 5... là trung tâm cũ; là đô thị lịch sử; phía bên kia là quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, được coi là khu mới, là đô thị tương lai. Quận 2 bao gồm cả bán đảo Thủ Thiêm, trước giờ vẫn được ví như viên ngọc quý đang chờ toả sáng, như nàng công chúa ngủ trong rừng đang chờ hoàng tử tới đánh thức. Cũng thật kỳ lạ với cái địa hình này, bán đảo nhưng không ở biển mà được tạo nên bởi khúc uốn của một dòng sông! Những gì đẹp đẽ trong bản quy hoạch vẫn đang là sự hồi hộp, phập phồng đợi chờ thành hiện thực. Bên này và bên kia, tả ngạn và hữu ngạn, cũ và mới; điều này Sài Gòn cũng giống như Hà Nội với sông Hồng, Huế với sông Hương hay Đà Nẵng với sông Hàn. Chỉ có điều, dường như niềm hy vọng thức giấc cho bán đảo Thủ Thiêm giống như một kỳ vọng cho một điều gì thực sự kỳ vĩ, rực rỡ mà có đầy đủ cơ sở, lý do. Nhưng dù thế nào, cũng phải cần thời gian, tất nhiên phải có cả sự đợi chờ...


Nhưng mỗi lần “gặp lại” Sài Gòn, tôi ít khi nhìn sang bên ấy; mà qua Thủ Thiêm để nhìn về quận nhất bên kia dòng sông, với nỗi lo mơ hồ: Liệu có lúc nào những toà nhà cao tầng biến sông Sài Gòn thành một dòng kênh không?


Bài & ảnh: Hà Thành










Bến Chương Dương và rạch Bến Nghé.











Kênh Tẻ.







Hải âu Việt xứ

Hải âu Việt xứ

Hải âu Việt xứ


SGTT.VN - GreenCat là loại tàu hai thân cao tốc lần đầu tiên được kỹ sư và công nhân Việt đóng ngay tại Tiền Giang. “Cat” là viết tắt từ “catamaran”, tên gọi của loại tàu cao tốc có nhiều thân. Nó làm người ta liên tưởng tới loài chim hải âu lướt trên nước nhưng không phải “phi xứ” mà là Việt xứ…










Con tàu catamaran đầu tiên do người Việt thiết kế và đóng lấy. Ảnh: tư liệu



“À há”


Hải âu phi xứ là tên cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao nói về loài chim không biết bay đi đâu. Còn hải âu Việt xứ là một niềm tự hào và tâm huyết của TS Lê Huy Thảo và các kỹ sư quốc tế cũng như trong nước. Cũng không thể không kể đến những công nhân tuy ít học nhưng qua thời gian tham gia đóng con tàu, tay nghề trở nên tinh xảo hơn.


Sự ra đời của GreenCat có gì đó như là tất yếu đối với một số công ty muốn đầu tư những con tàu cao tốc chở khách ở Việt Nam. Tất yếu là vì trước sự bí bức khi những con tàu cao tốc cánh ngầm của Liên Xô chở khách ở trong nước đã già nua tàn tạ, giá tàu nhập khẩu từ Úc, New Zealand, Na Uy, Phần Lan quá cao, lãi ngân hàng cũng cao, Greenlines DP buộc phải chọn lựa phương án đóng tàu cao tốc tại Việt Nam từ năm 2008.


TS Thảo nói: “Tôi phải đi tiếp xúc với nhiều hãng đóng tàu để tìm ý tưởng. Khi mình nói tự đóng con tàu thì không ai tin, nhiều người nghĩ chỉ nước ngoài mới làm được. Đến khi tôi hạ thuỷ con tàu chưa có kiến trúc thượng tầng, hình đưa lên Facebook thì mới có người à há”.


Ý tưởng chốt lại là loại tàu hai thân ít cản nước và mạnh hơn. TS Thảo cho biết: “Tàu cao tốc có cả trăm hình dáng, phải chọn một phương án khả thi hội đủ các tiêu chuẩn an toàn, tốc độ, tiện nghi, chi phí hoạt động và bảo dưỡng thấp. Và phải tìm điểm trung hoà giữa các yếu tố đó”.


Chẳng hạn tàu to và tốt nhất thì làm bằng sợi cácbon giá đắt gấp mười lần con tàu của Greenlines DP hiện nay, nhân công lại cao. Tàu nhôm rẻ hơn, nhưng làm nhà xưởng phải mất 5 triệu USD, đào tạo công nhân lâu hơn, lương độc hại cao hơn. Điểm trung hoà đó là sợi kevlar và composite epoxide đang thông dụng trong các du thuyền.


Chất xám


Để đóng được con tàu, trước tiên phải nắm vững lý thuyết và nguyên tắc. Những thứ này thì bạn bè nước ngoài sẵn lòng cho, nhưng bí quyết thì không. Cứ một thiết kế phải trả 150.000 USD. Mỗi chiếc đều phải trả tiền thiết kế riêng.


TS Thảo tự tin là đội ngũ đã nắm vững lý thuyết. Nhưng chuyện “thử và sai” của hãng cũng phải lên đến ba lần khi bắt đầu đóng khuôn tàu vào năm 2012, tốn kém mỗi khuôn 1,5 tỉ đồng. Ông nói: “Làm xong thấy không đúng lý thuyết phải phá đi làm lại. Khuôn phải chính xác đến từng milimét, cho dù tàu to như vậy”.


Tất cả các thông số được tính toán bằng những phần mềm mô phỏng trên máy tính. TS Thảo, chuyên về toán lý nói: “Đúng với sở học của mình, tôi có thể tính được sức nâng, sức cản, nhưng kết cấu phải học sau này”.


Những thách thức tiếp theo là tiền bạc eo hẹp, công nghệ phụ trợ bằng không. Phải nhập từ con bù loong đến vật liệu tốt. Rồi lại không có bể thử có thể tạo sóng. Cuối cùng, phải đóng con tàu nhỏ bằng 1/10 con tàu thật và nhờ Ukraine thử, rồi từ những thông số họ gửi về, mới đóng con tàu thật hiện nay.


Hệ động lực sử dụng trên tàu là của hãng MTU, được coi là chọn lựa tốt nhất – MTU là hãng động cơ liên doanh giữa Daimler Benz và Rolls-Royce. Kiểu làm ăn của họ là bán máy kèm chuyên viên lắp đặt hoàn chỉnh đạt chuẩn. “Thấy tàu mình không đạt thì họ không bán máy, không phải có tiền là mua được”, TS Thảo tấm tắc về cách làm ăn của người ta.


TS Thảo kết luận: “Tính ra chúng tôi tiết kiệm được 1/3 chi phí cho một con tàu”, và tự hào nói thêm, “Trong một con tàu như thế, chi phí chất xám chiếm 50%”.


Nói về việc phải phá khuôn đến lần thứ ba, ông Thảo cho rằng lúc ấy mình có căng thẳng nhưng vẫn tự tin vào kiến thức và tính toán chính xác. Các nhà đầu tư dẫu mạo hiểm nhưng họ cũng có thể tính toán. Không thể bảo là liều.


Hồi tháng 9.2013, con tàu đóng xong, được chạy thử các thông số khi có tải – những khách mời và các nhà báo, hình ảnh nó được đưa lên Faceboook lần nữa. TS Thảo cho biết: “Con tôi đã đưa hết hình ảnh lên đấy. Và tôi nhận được nhiều ý kiến và phản biện rất quý”.


Có người còn nói hệ thống thuỷ lực hơi thấp, phải đặt cao hơn. Cửa tàu mở vào trong, không mở ra ngoài. Ông Trần Song Hải, tổng giám đốc Greenlines DP, cho biết thêm: “Chúng tôi còn phải cải tiến hệ thống ghế để chỉ cần bấm nút là bật ra thành phao. Gắn hệ thống phát tín hiệu cấp cứu. Tính đến lượng nước ngọt cần thiết trên tàu trong mọi trường hợp...”


Cuối năm 2013, khi con tàu đầu tiên made in Vietnam lướt sóng với tốc độ 35 – 45 hải lý/giờ, với độ giãn nước được bên đăng kiểm duyệt, những người chế tạo ra nó đã nghĩ đến chính sách bảo vệ bản quyền theo cách của họ khi bán tàu cho các nơi có nhu cầu. Ba năm sau, có phiên bản mới ra đời, phiên bản cũ được bán đi.


Đôi mắt nhấp nháy sau kính, TS Thảo hào hứng nói: “Chúng tôi đang thiết kế con tàu lớn hơn, có thể chở đến 180 người so với con tàu 60 người hiện nay”.


Đào Lê – Khởi Thức






Những người muôn năm cũ, chạy tả tơi cả rồi!

Những người muôn năm cũ, chạy tả tơi cả rồi!

Những người muôn năm cũ, chạy tả tơi cả rồi!


SGTT.VN - Hình ảnh ông đồ ôm giấy đỏ lom khom chạy lực lượng an ninh phường ở Văn Miếu vừa qua khiến công chúng xem mà đau. Không đau sao được khi thấy những chữ “Tâm”, chữ “Phúc”, chữ “Hiếu” rơi la liệt ở vỉa hè...


1. Nguyên do của sự việc đáng buồn trên là quy định mới về quy hoạch khu vực hoạt động của các ông đồ do Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội ban hành. Theo đó, lần đầu tiên, Sở sẽ tổ chức “Phố ông đồ” cùng CLB Thư pháp UNESCO Việt Nam từ ngày 15/1 tới 15/2/2014 tại Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám.










Bị xua đuổi, các ông đồ vẫn tìm cách "tái chiếm" vỉa hè Văn Miếu. Ảnh: VN Express



Để thực hiện hoạt động trên, sở đã bố trí 36 ki ốt khung sắt, mái vải. Theo tìm hiểu, mỗi căn ki ốt được cho thuê với giá 5 triệu đồng. Và mỗi ki ốt chỉ cho phép 2 ông đồ viết chữ. Bên cạnh đó, chỉ 72 ông đồ này được cấp thẻ hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ 72 ông đồ này mới được phép hoạt động hợp pháp ở khu vực Văn Miếu. Những ông đồ không có thẻ sẽ bị cưỡng chế, dừng hoạt động do “kinh doanh trên vỉa hè”, “ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị”...


Trong khi đó, mỗi năm, trung bình có tới hàng trăm ông đồ tới “đất thánh” Nho học để viết chữ. Nên hệ lụy tất yếu là nếu có được thuê hết, chỗ ngồi trong Văn Miếu không đủ cho các ông đồ. Và nữa, giá thuê ki ốt cao, lại không được người dân hưởng ứng nên nhiều ông đồ không vào trong Hồ Văn. Cũng vì thế, cho tới lúc này, "Phố ông đồ" chẳng tấp nập như mong đợi.


Nhưng năm hết Tết đến, ngoài chuyện thu nhập, các ông không đành ngồi nhà. Vậy là bất chấp lệnh cấm, giấy đỏ, mực tàu vẫn được bày bên những con đường dọc Văn Miếu. Tiếp theo là điều gì chắc ai cũng hiểu.


2. Vào đầu thế kỷ XX, “Âu học chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cội rễ”. Khoa thi cuối cùng của triều đình phong kiến khiến những người theo Nho học chỉ biết kiếm sống bằng việc bán chữ Thánh hiền. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng của những ông đồ.


Và cuộc biến thiên khủng khiếp ấy của những đệ tử cửa Khổng sân Trình dường như đã “chạm đáy” khi việc bán chữ cũng chẳng ai mua. Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ Vũ Đình Liên viết bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng. Và ông cũng bình luận thêm về các “ông đồ già” như “di tích tiều tuỵ, đáng thương của một thời tàn”.


Thời mạt qua, giờ hàng trăm ông đồ đã trở lại “bày mực tàu giấy đỏ, trên phố đông người qua”. Trong đó, có ông đồ già, thầy đồ trẻ, thậm chí, những “cô đồ” vừa ra trường phơi phới xuân xanh cũng xuống đường.


Người Hà Nội lại náo nức xin chữ mỗi độ Xuân về. Con xin chữ mong cha mẹ mạnh khỏe, cha mẹ xin chữ mong con cái đỗ đạt thành tài, đôi lứa xin chữ nguyện cầu hạnh phúc... Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu dần lại trở thành thói quen của người Tràng An. Cả một nếp văn hóa đẹp đã phục hưng. Vậy mà...


3. “Ông đồ vẫn ngồi đấy” nghĩa là ông vẫn đến theo tín hiệu của hoa đào, vẫn “bày mực tàu giấy đỏ” trên con phố dông người lại qua sắm tết. Ông chờ đợi cái xúm xít, tấm tắc của người đời nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ đến đáng sợ. Nghệ thuật đảo ngữ cùng kết hợp phủ định “không ai” thể hiện rõ nét cái lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm đến đáng sợ của người đời. Họ cứ đi lại, vui vẻ nói cười mà không có chút ý thức nào về sự tồn tại của ông đồ. Ông đã bị họ lãng quên, bị đẩy ra bên lề cuộc sống”.


Những câu văn trong bài văn mẫu nổi tiếng này chắc nhiều người biết. Và nhiều cô giáo cũng đã coi đó như một công cụ để bình giảng bài thơ “Ông đồ” với các em học sinh khi đứng trên bục giảng.


Song, với hình ảnh ông đồ “chẳng ngồi đấy”, ki ốt bán chữ trong Văn Miếu cũng heo hút người xem, chúng ta biết nói gì đây với những ánh mắt long lanh dưới bục giảng?


Phạm Mỹ/ Thể thao & văn hóa






Người giong buồm trên sông Sài Gòn

Người giong buồm trên sông Sài Gòn

Người giong buồm trên sông Sài Gòn


SGTT.VN - Tám năm trước, nhìn chiếc thuyền gỗ du lịch của công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương (Indochina Junk Co. Ltd) đầu tiên xuất hiện, kéo căng buồm đón gió trên bến Bạch Đằng, nhiều nhà kinh doanh xì xầm: chắc tay chủ này hoang tưởng. Lúc đó, “mặt tiền” sông Sài Gòn đã có năm đơn vị kinh doanh tàu nhà hàng thâm niên.










An Sơn Lâm, chủ của đội thuyền buồm 10 chiếc trên sông Sài Gòn.



Bây giờ, nhìn đội thuyền buồm mười chiếc, đêm đêm lên đèn, xuôi ngược trước bến Bạch Đằng đưa hơn 300 khách đi lại ăn uống, hóng gió sông, người trong nghề du lịch lại bảo nhau: chủ nhân chắc phải là một tay có cái gốc vững mới “chơi bạo” vậy...


Duyên khởi chiều mưa


Năm 1980, cậu thanh niên An Sơn Lâm tròn 18 tuổi rời làng quê Hưng Yên lên đường sang Đức học ngành nghề cơ khí chính xác ở nhà máy sản xuất máy dệt Textilma, thành phố Gera. Trong đầu, hẳn không ngờ rằng, một ngày nào đó mình lạc vào Sài Gòn làm du lịch.


Tám năm học nghề và ở lại làm việc ở Đức theo chế độ hợp tác lao động, ngoài số vốn giắt túi dành dụm được, cộng kinh nghiệm trong nghề cơ khí được đào tạo bài bản, thì cái vốn lớn nhất là tiếng Đức. Và tiếng Đức tạo ra bước ngoặt sự nghiệp của ông về sau.


Nhưng, thử thách lớn nhất khi mới về nước là không tìm được việc làm trên quê nhà. Không cách nào khác, anh thợ cơ khí lại trở về làm nông. Vụ mùa năm được năm mất, làng quê tù túng, năm 1995, chàng thanh niên trẻ quyết định khăn gói vào Nam tìm cơ hội làm ăn.


“Vì có chút vốn, nên khi vào Sài Gòn, tôi mua được nhà. Nhưng, lúc bấy giờ, sợ nhất là thất nghiệp. Tôi chỉ biết đi lang thang, mua báo hàng ngày ngồi đọc mục tuyển dụng lao động, lòng dạ hoang mang “không biết sẽ theo công việc gì để kiếm sống, ông An Sơn Lâm nhớ lại – Rồi một buổi chiều năm 1996, khi đang trú mưa dưới một mái hiên, tôi tình cờ làm quen, nói chuyện với một ông khách du lịch người Đức. Chúng tôi tìm được vài điểm chung cho một câu chuyện dông dài. Cuối cùng, thấy tôi nói được tiếng Đức khá, lại đang thất nghiệp, ông khách đưa ra một gợi ý bất ngờ: “Sao cậu không thử nộp đơn đi làm hướng dẫn viên du lịch?”


Cuộc gặp với vị khách lạ, dưới mái hiên, trong một cơn mưa chóng vánh bên đường phố Sài Gòn hối hả như một thứ “duyên khởi” cho sự nghiệp của một người nhập cư.


“Tôi đọc báo thấy một công ty du lịch tuyển hướng dẫn viên tiếng Đức, tìm đến nộp hồ sơ. Sau đó, quyết chí bỏ ba năm đi học một khoá nghiệp vụ du lịch của trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn (khoá 36, 1996 – 1998) để có thể thâm nhập cái nghề đầy mới mẻ này. Ra trường, mọi thứ thuận lợi vì hướng dẫn tiếng Đức thời bấy giờ còn rất hiếm, vả lại tự thân tôi càng làm càng thấy yêu nghề này. Tôi nhanh chóng được công ty giao cho những đoàn khách lớn, ra Bắc vào Nam liên tục”, ông Lâm kể.


Từ trận mạc mà lên


Chiếc Honda CR-V màu đen dừng trước bãi xe Vườn Kiểng, bến Bạch Đằng. Người đàn ông cao ráo, vận đồ thun, quần jeans, giày mọi có vẻ bụi bặm xăm xăm bước xuống chào, bắt tay, chuyện trò, hỏi han từ mấy ông bảo vệ, mấy bà lao công, mấy cô bán bán hàng dạo cho đến các cán bộ cảng vụ đường thuỷ. Nhìn vẻ hoà nhã không kiểu cách, ít ai biết đó là ông giám đốc của Indochina Junk, chủ doanh nghiệp tàu nhà hàng du lịch đang ăn nên làm ra bậc nhất trên sông Sài Gòn.


“Kể ra, tôi vẫn là người gặp thời. Năm 2005, thị trường du lịch phát triển mạnh, khách quốc tế chú ý đến Việt Nam. Các nhà lữ hành có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu du khách, đặc biệt khách Âu, Mỹ. Tôi dẫn khách đi tour, có dịp dò hỏi, nắm bắt tâm lý, biết nhu cầu khách hàng, biết thị trường đang thiếu gì. Tôi xác định ngay xu hướng du lịch văn hoá và sinh thái là hai mảng đầy tiềm năng. Tôi nghĩ ngay tới khu dự trữ sinh quyển Vàm Sát (Cần Giờ). Còn một vế nữa, về văn hoá, tôi thăm dò, thì biết khách quan tâm tới những nét Sài Gòn xưa, thậm chí, một phần giá trị Sài Gòn là ở di sản thời thuộc địa. Vậy là tìm ra lời giải. Chiếc thuyền buồm đầu tiên tôi thuê đóng ở Vinh đưa vào mang hơi hướm hoài cổ, gợi nhớ quang cảnh những bến thuyền Hòn ngọc Viễn Đông thời Pháp, nhân viên trên tàu mặc đồng phục kiểu công chức thời Pháp thuộc, tạo ra hình ảnh khác biệt ngay từ đầu. Ngoài lên chương trình tour Sài Gòn – Vàm Sát, tôi chào hàng sản phẩm “ăn tối trên tàu Indochina Junk” và được các công ty lữ hành hưởng ứng ngay”, ông Lâm nhớ lại.


Nhưng thực tế không hề đơn giản. Ngay chuyến đầu tiên đưa khách đi khảo sát, đã bắt đầu thấy trở ngại. Cột buồm cao không thể đi qua được những cây cầu có độ tĩnh không thấp. Vậy là phải xoay chuyển chiến thuật: tổ chức ghe trung chuyển khách, hạ cột buồm và dựng một cột buồm cách điệu bằng đèn điện.










Đội thuyền buồm Đông Dương đêm đêm đưa chừng 300 khách đi lại, ăn uống, hóng gió sông Sài Gòn.



Và cứ thế, túc tắc làm ăn. Sắm thuyền nhỏ đưa khách đi tour, thuyền lớn là nhà hàng. Thuyền đẻ ra thuyền. Nhìn quanh những “ông anh” kinh doanh tàu nhà hàng trên bến Bạch Đằng, chưa thấy đơn vị nào có sự mở rộng quy mô đội thuyền nhanh như Đông Dương. Giới làm tour guide ở các công ty lữ hành nói với nhau: “Cứ vài hôm lại thấy ông Lâm thả thêm một con tàu mới. Vậy mà đặt ghế cho khách ăn tối ngắm sông Sài Gòn ở công ty của ông cứ phải sớm sớm, trễ là hết chỗ, chờ chuyến tăng cường”.


Mười chiếc thuyền buồm: ba chiếc lớn cỡ 84 – 200 chỗ, bảy chiếc cỡ 30 – 50 chỗ, ngoài ra còn có một đội ghe nhỏ chở khách tham quan kênh rạch nội đô mỗi giờ 30 USD phục vụ khách lẻ khá linh động, hiệu quả.


Có mặt trên một con tàu nhà hàng, khách càng ngạc nhiên hơn: ngoài menu nhiều món ẩm thực Việt truyền thống, còn có cả một show thưởng thức âm nhạc dân tộc. Thay vì rộn ràng tưng bừng nhảy nhót ồn ào, thì chủ thuyền buồm Đông Dương lại mời được cả những đội ca múa nhạc dân tộc bài bản, có cả những nhóm nhạc công ngày dạy ở Nhạc viện TP.HCM, tối lên tàu chơi như một cách giới thiệu văn hoá bản địa.


“Làm du lịch là làm đại sứ văn hoá ngay trên chính quê hương mình. Tôi ý thức điều đó nhờ quá trình làm hướng dẫn viên”. Ông Lâm cho biết thêm, đến bây giờ vẫn vậy, ngoài việc quản lý, thi thoảng ông vẫn nhận lời làm hướng dẫn viên tiếng Đức cho những đoàn khách lớn. “Thu nhập từ nghề hướng dẫn không bao nhiêu so với quản lý trong kinh doanh, nhưng mà vui, nó cho mình hứng thú “trận mạc”, hiểu hơn về khách hàng”.


Buồm chờ gió sông


Trên mũi thuyền, Việt, một hướng dẫn viên tiếng Đức của Saigontourist băn khoăn vì cả ngày nay gặp hai vị khách người Áo quá khó tính, đi đâu, ăn gì cũng chê. Ông chủ thuyền Đông Dương nói: “Để mình lo cho”, rồi bước xuống bàn, làm quen, trò chuyện với hai vị khách một lúc, sau đó, ông kéo cả hai vị khách lên mũi thuyền nhấm rượu, hóng gió. Ông khách ban nãy khó tính chợt buông một câu nghe mát lòng mát dạ: “Sông Sài Gòn thoáng đãng và còn vẻ tự nhiên. Trông đẹp hơn cả dòng sông ở thành phố Vienna quê hương tôi”.


Tàu nhà hàng Đông Dương từ bến Bạch Đằng đi ngược lên gần cầu Thủ Thiêm rồi đi xuôi về phía cảng Sài Gòn. Bên này là quận 1, khung cảnh lung linh tráng lệ với tầng tầng cao ốc lên đèn, bên kia là bờ Thủ Thiêm vừa giải toả trắng, cây cỏ lau sậy um tùm. Ông Lâm bộc bạch: “Tiềm năng tài nguyên du lịch sông Sài Gòn còn rất lớn. Nhưng dấu ấn quy hoạch đầu tư chưa xứng tầm. Bản thân tôi muốn phát triển thêm đội tàu mà tình hình không bến bãi đậu đỗ đàng hoàng, cũng đâu dám. Tính từ khi vào cuộc chơi du thuyền đến nay là tám năm, tôi phải bỏ ra hơn 2 tỉ đồng tự đầu tư đặt hai cầu phao để khách lên xuống an toàn. Thành phố phát động chiến lược phát triển du lịch đường sông thì điều đầu tiên là phải có quy hoạch cảng du lịch với hệ thống bến đỗ bài bản. Trong trường hợp Nhà nước không đầu tư được thì nên kêu gọi đầu tư xã hội hoá, đừng để hoang phí tài nguyên”.


Con tàu Indochina Junk đưa khách lướt sóng xuôi về quận 4, ngược lên cầu Thủ Thiêm rồi đáp về cảng Bạch Đằng trong tiếng nhạc êm dịu và gió sông Sài Gòn se lạnh. Đoàn khách thoả mãn rời tàu sau buổi tiệc tối đầy dư vị. Ít ai biết, sau đó, ông chủ thuyền còn nán lại, đi nhặt từng que tăm, từng mảnh giấy ăn rơi dưới chân bàn, nhắc nhở bác tài công sơn phết lại mảng sơn bị bong tróc trên mui thuyền, xuống hầm máy cùng thợ bảo dưỡng kiểm tra xem vì sao hôm nay có lúc tiếng động cơ không được êm, rồi ghé liên hệ bãi giữ xe đêm cho nhân viên, nhạc công...


Nắm trong tay gần trăm nhân viên chính thức và bán thời gian, nhưng triết lý quản trị nhân sự của ông Lâm thật đơn giản: “Muốn quân làm việc thì đừng làm họ sợ mình, mà phải cùng làm với họ, hướng họ đến trách nhiệm chung. Anh thấy đó, nhân viên trên tàu toàn gọi tôi là chú”.


Cậu con trai đầu đã có vợ, lo làm ăn, 17 năm sau mới kiếm được thêm cậu bé thứ hai. Một ngày của ông Lâm bắt đầu bằng việc cho con ăn, đưa đón con đi học, chở vợ đi chợ rồi về cùng vợ quản lý việc kinh doanh của công ty đặt ở ngay tại nhà riêng trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình theo mô hình một công ty gia đình.


“Không nhậu nhẹt đàn đúm, cứ xong việc, tôi về nhà với vợ con. Bên gia đình, tôi có năng lượng làm nhiều việc hiệu quả”, ông chủ 50 tuổi có đội thuyền buồm chiếm lĩnh diện tích mặt nước lớn nhất tại bến du lịch Bạch Đằng, trên sông Sài Gòn, nói.


bài và ảnh: Nguyễn Vinh






Ăn rong ở London

Ăn rong ở London

Ăn rong ở London


SGTT.VN - Có thể đó là một bữa thịnh soạn trong nhà hàng ở khu mua sắm sầm uất Soho, hay miếng bánh mì kẹp Jamón để vừa đi vừa “thổi kèn” quanh phố, cả những buổi ăn nếm ở chợ Portobello, Camden, Covent, Borough… tất cả mang lại cho tôi những chuỗi ngày thú vị khi rong ruổi trải nghiệm phong vị ẩm thực đa văn hoá hội tụ ở thành phố mù sương.










Paella khô ở chợ Covent Garden.



Mỗi ngày mới ở London, hai câu hỏi thường khiến tôi phải suy tính kỹ, là hôm nay đi đâu và ăn gì. Vế thứ hai luôn khó hơn, dù có quá nhiều lựa chọn: nhớ món Việt có chuỗi nhà hàng Cây tre, Cây chuối (Banana Tree), thèm món Thái có Sawasdee, đến món Hàn, Nhật, Hoa, sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, rồi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…


Paella chợ trời


Điểm đến mà tôi yêu thích khi lang thang London chính là chợ, từ chợ đường phố Portobello ở khu Notting Hill, hay Covent Garden, đến Borough, Camden Town… Ở đó, ngoài những mặt hàng mua bán quen thuộc, còn có khu vực dành riêng cho ẩm thực, mà nổi bật là món paella từ Tây Ban Nha, với chiếc chảo đường kính tới hai người ôm, có bốn quai, ngập trên ấy là sự phối trộn màu sắc từ nghêu, sò, tôm, cá, gà, đến các loại đậu, ớt, cà chua, tỏi, nấm, muối, dầu ôliu… tất cả trộn lẫn với cơm, được làm nóng toả khói nghi ngút, đấy là hình ảnh ban đầu của paella.


Trong tiếng Tây Ban Nha, “paella” nghĩa là “chảo”, được mệnh danh là món quốc hồn quốc tuý. Nhưng ở London, paella được biến hoá đa dạng cho phù hợp phong vị ẩm thực nơi đất mới. Đến chợ Portobello thì có paella nước, ở Covent Garden và Borough thì paella được nấu khô, riêng với chợ Borough, paella còn là sự phối trộn vị càri xanh của Thái, càri đỏ của Việt Nam, tạo cho món ăn nồng đượm thật ấn tượng. Cùng tên gọi paella, nhưng mỗi tiệm lại có cách gia giảm, thêm thắt các thành phần khác biệt, tạo cho món ngon này rất nhiều khẩu vị khác lạ, dễ ăn và… rẻ, chỉ 4 bảng (tương đương 130.000 đồng) là có một khẩu phần paella đủ no.


Cái thú đi ăn chợ London là thực khách được người bán mời dùng thử, thích thì mua không lại loanh quanh thử món khác.










Một tiệm bán đùi heo xông khói jamón ở chợ Borough.



Quyến rũ jamón


Ở London, món ăn khiến tôi nghiện ngay từ lần thử đầu tiên ở chợ Borough là jamón – cũng có xuất xứ Tây Ban Nha. Jamón ngắn gọn là đùi heo xông khói, nhưng với người Tây Ban Nha, thưởng thức jamón là thưởng thức cả một văn hoá ẩm thực thú vị.


“Người Pháp có rượu vang, người Tây Ban Nha có jamón”, lời giới thiệu ngắn gọn ấy của anh thái thịt jamón ở chợ Borough khiến tôi tò mò. Nhấm nháp miếng jamón được lát mỏng như tờ giấy, vị ngọt đượm của thịt xông khói hoà quyện với béo ngậy của lớp mỡ mỏng đan trong thịt khiến các giác quan của tôi phải bừng tỉnh để rồi câu chuyện chế biến jamón níu chân tôi lại với cửa tiệm.


Mỗi giống heo khác nhau khi chế biến sẽ cho ra nhiều loại jamón khác nhau, thời gian xông khói sẽ quyết định độ ngon của món này. Nổi bật là hai loại jamón: Gourmand và Gourmet. Nguyên liệu làm Gourmand là giống heo trắng Landrace, được xông khói trong chín tháng mới bán ra thị trường. Còn Gourmet là jamón cao cấp, bởi nguyên liệu là giống heo đen Iberian quý hiếm được chăm sóc trong môi trường tự nhiên, cho ăn quả thông, nấm và các loại cỏ đặc biệt chỉ có ở phía tây của Tây Ban Nha. Khi chế biến, đùi heo phải được xông khói ít nhất trong hai năm, và giá của nó đắt gấp mười jamón Gourmand, nếu quy ra tiền Việt trung bình 1kg jamón Gourmet khoảng 15 triệu đồng!


Jamón ăn kèm bánh mì hoặc cuốn phômai, dưa gang… thực sự tuyệt hảo. Nhưng cái thú của tôi mỗi khi chọn mua jamón lại là được xem những người thợ xắt thịt làm xiếc với con dao bén ngót lát từng lát mỏng đều như máy. Để có được kỹ năng ấy, người bán thịt phải khổ luyện ít nhất một năm.


Tôm hùm Soho


Rời ẩm thực đường phố, tôi tìm đến trái tim của London là khu Soho, trong đó, tôi gọi Dean là con đường ẩm thực, bởi ở đó là một danh sách dài các nhà hàng, kiểu Việt, Ý, Anh, Mỹ, Hàn… và số 36 đường Dean là một địa chỉ đỏ dành cho người nghiện ăn tôm hùm, nơi thực khách luôn phải chờ hàng giờ đợi đến lượt phục vụ.


Mở cửa từ 12 giờ trưa đến 10 giờ 30 tối, nhà hàng này chỉ phục vụ hai món: tôm hùm và bugger, đồng giá 20 bảng. Để ăn được món tôm cho bữa tối, phải tốn thời gian chờ đợi hên là một giờ, có khi đến ba giờ. Tôi không tả về bugger ở nhà hàng này, dù cũng rất ngon, nhưng giá 20 bảng thì đắt. Riêng con tôm hùm to bằng cổ tay, ước tính hơn nửa ký với giá 20 bảng thì rất “ổn”. Trước khi ăn, phục vụ sẽ đem cho khách cái tạp dề bằng nilông được thiết kế khá vui mắt. Món tôm nướng vừa chín tới được chẻ đôi, ăn với xốt béo ngậy vị kem và phômai, cùng một ít khoai tây chiên và rau xàlách trộn chấm các loại tương ớt, muối tiêu, tabasco nếu có yêu cầu. Ăn hết con tôm ở nhà hàng Lobster and Bugger mới hiểu vì sao tín đồ của tôm hùm từ khắp thế giới về đây chờ đợi cho một bữa ăn rất đáng đồng tiền!


bài và ảnh: Lam Phong










Thực khách được mời thử món ăn ở chợ Borough.







Jetstar Pacific vận chuyển mai đào đến hết ngày 14.2.2014

Jetstar Pacific vận chuyển mai đào đến hết ngày 14.2.2014

Jetstar Pacific vận chuyển mai đào đến hết ngày 14.2.2014


SGTT.VN - Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết tiếp tục nhận vận chuyển mai, đào cho hành khách đi lại dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ.


Hành khách được phép mang cành mai, đào ngoài hành lý ký gửi tiêu chuẩn, mức phí áp dụng 250.000 đồng/bó trên đường bay giữa Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Cam Ranh, và giữa Buôn Ma Thuột – Vinh.


Trên đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội, Vinh, Hải Phòng mức phí 350.000 đồng/bó. Mai, đào phải được buộc thành bó, tối đa mỗi bó hai cành với kích thước không vượt quá 120 cm x 50 cm x 50 cm. Đối với mai, đào dạng cây hoặc có chậu, có đất chỉ được vận chuyển riêng bằng đường hàng hóa. Mỗi chuyến bay Jetstar Pacific chỉ tiếp nhận tối đa 30 bó/chuyến bay. Hành khách có nhu cầu cần liên hệ trước để đăng ký dịch vụ tại tổng đài 19001550, hoặc trực tiếp tại các phòng vé Jetstar Pacific trên toàn quốc.


Các Ngọc






Ngày xuân, lên rừng xuống biển cùng du lịch Khatoco

Ngày xuân, lên rừng xuống biển cùng du lịch Khatoco

Ngày xuân, lên rừng xuống biển cùng du lịch Khatoco


SGTT.VN - Mùa xuân, hãy lên rừng đến công viên du lịch Yang Bay và xuống biển với khu du lịch Long Phú, hai đơn vị thuộc tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) để cảm nhận không khí xuân đang tràn ngập từ biển đảo đến núi rừng xứ Trầm Hương.











Yang Bay – kỳ thú


Gần 40km từ thành phố NhaTrang, xe chạy qua phố thị, ruộng đồng, núi rừng, chúng tôi đã đến Yang Bay, nằm giữa rừng nguyên sinh huyện Khánh Vĩnh. Ngay từ cổng khu du lịch là cây “Mộc thần” – một cây thiêng của người Raglay. Đến đây, nhiều du khách liền đi vòng quanh cây và gửi tâm nguyện của mình qua các mảnh vải nhỏ gắn lên cây.


Đến hồ Tịnh Tâm, các cháu nhỏ rất phấn khích tham gia trò chơi “cho cá bú bình” – vừa đặt bình có chứa thức ăn xuống nước thì nhiều con cá cùng lao vào tranh nhau ngậm bình, nhiều con không muốn nhả ra. Khu cá sấu, du khách chỉ cần thả mồi xuống, nhiều con cá sấu liền chồm lên đớp mồi. Điểm độc đáo của công viên du lịch Yang Bay chính là thác Yang Bay – “Thác trời”, với dòng nước trắng xoá từ thượng nguồn dài hàng trăm mét, đổ trên triền núi đá như nàng tiên xoã tóc, tạo nên khung cảnh ngoạn mục. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, đến từ Hà Nội cho biết sau thời gian tham gia các trò chơi như: câu cá sấu, đua heo, bắn nỏ... gia đình đến thác để cùng nô đùa dưới dòng nước suối. “Đi chưa đầy một tiếng từ thành phố Nha Trang nhưng chúng tôi đã được vùng vẫy thoả sức giữa suối và núi rừng nguyên sinh, những nơi khác không thể có được”, chị Hương chia sẻ.


Còn gia đình anh Trần Xuân Ngọc, ở quận 2, TP.HCM thì lại ấn tượng Yang Bay khi tắm khoáng nóng bên thác Hocho. “Cả nhà đều cảm thấy thoải mái vì nước khoáng nóng đã giúp phục hồi sức khoẻ”.


Còn với tôi và nhiều du khách khác sẽ mãi ấn tượng bởi những cung bậc âm nhạc từ nhạc cụ Raglay, do chính đồng bào biểu diễn. Tiếng đàn Chapi, tiếng cồng, tiếng trống từ các chàng trai và sơn nữ Raglay mãi ngân vang, mạnh mẽ, cuốn hút, điệu đàng như thác Yang Bay.


Cuốn hút đảo khỉ – suối Hoa Lan


Nằm cách trung tâm thành phố 18km về phía bắc, khu du lịch Long Phú là điểm đến tiếp theo của chúng tôi khi tới Nha Trang.










Thác Yang Bay - còn gọi là Thác Trời



Từ bến tàu, hơn 10 phút lướt sóng, chúng tôi đã đến Hòn Lao – đảo khỉ với hơn 1.200 con khỉ hoang dã sinh sống trên đảo. Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên bởi những câu chuyện về “xã hội” của khỉ như: “vua”, “hoàng hậu”, những kẻ sắp lên “vua”, những kẻ đã bị phế truất từ “vua” thành “thái giám”. Ông Lê Dũng Lâm, giám đốc công ty cổ phần du lịch Long Phú cho biết vào các dịp lễ, tết, khu du lịch thường xuyên tổ chức các bữa tiệc với hàng tấn trái cây, hàng ngàn con khỉ thoả sức lựa chọn sẽ đem lại những niềm vui, khoảnh khắc thú vị cho du khách. Đảo khỉ còn có những trò chơi biển hấp dẫn như jetski, dù bay, kayak... Rời đảo khỉ, chúng tôi đến suối Hoa Lan, nơi tràn ngập hoa lan rừng. Ngoài xiếc voi, cưỡi đà điểu thì thú vị nhất khi đến suối Hoa Lan chính là thám hiểm, chinh phục ba ngọn thác liên tiếp trên sườn Hòn Hèo. Dọc đường đi xuyên rừng, bạn có thể thấy được những dấu tích của người xưa đã hành hương đến đây qua các chữ viết cổ để lại trên tảng đá. Thành quả lớn nhất của chuyến thám hiểm chính là thác 3, dòng nước cao hơn 20m ào ào tuôn trắng xoá xuống mặt hồ rộng hàng trăm mét, làm cho du khách tan hết mệt mỏi.


Tết Giáp Ngọ – 2014, dọc đường Trần Phú, con đường đẹp nhất Nha Trang, Khatoco tiếp tục khẳng định dấu ấn với người dân và du khách bằng việc tài trợ con đường ánh sáng lung linh sắc màu dọc tuyến đường này.


Lê Anh









Công viên du lịch Yang Bay


Xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh – tỉnh Khánh Hoà – Điện thoại: (84-58) 3792345 – Fax: (84-58)3792346.


Website: yangbay.khatoco.com.


Công ty cổ phần du lịch Long Phú


Xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang – tỉnh Khánh Hoà. Điện thoại: (84-58)


3839436 – Fax: (84-58) 3839018 Website: longphu.khatoco.com.







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ