Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế

Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế

Thách thức nửa sau thập kỷ 2010


2014 là năm bản lề của nửa sau thập kỷ 2010. Nhiều thách thức đã đặt ra, được các chuyên gia nhìn nhận theo cách của mình. Biến đổi khí hậu dẫn đến một khái niệm mới – kinh tế khí hậu...


Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế


SGTT.VN - Báo cáo của ngân hàng đầu tư Normura Nhật Bản về tình hình kinh tế toàn cầu năm 2014, công bố vào tuần cuối của tháng 11.2013, có tựa đề đầy ấn tượng: Kết thúc tận thế (The end of the end of the world). Một báo cáo kinh tế không bất ngờ nhưng được thị trường háo hức trông đợi từ năm 2009.










2014: màu xám đang lùi xa, màu xanh và đỏ đang trở lại.



Kết thúc chu kỳ rủi ro vĩ mô toàn cầu?


Báo cáo phân tích này có thể được diễn đạt tóm gọn: cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ngân hàng của nền kinh tế Mỹ năm 2008, được xem là kết thúc vào năm 2014. Hoặc nói và hiểu một cách đơn giản: những hệ quả và những rủi ro vĩ mô mang tính hệ thống (marco-systemic risks) trên phương diện toàn cầu không còn là vấn đề hệ trọng hoặc là rào cản đối với những dự định hoặc kế hoạch đầu tư và phát triển của các công ty, các thị trường và rộng hơn là các nền kinh tế từng bị trì trệ trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc khủng hoảng đó.


Nhận định tai qua nạn khỏi của ngân hàng đầu tư Normura không phải là một nhận định cá biệt. Các báo cáo của những ngân hàng đầu tư lớn khác như Morgan Stanley và Goldman Sachs của Mỹ cũng có những nhận định và đánh giá tương tự. Trong lãnh vực dự đoán kinh tế, có lẽ vì bệnh nghề nghiệp, các kinh tế gia thường ít khi đồng thuận; vậy mà giờ đây đang có đồng thuận rộng rãi về sự kết thúc cuộc tận thế 2008 – 2013. Màu xám đang lùi xa, màu xanh và đỏ đang trở lại.


Thế giới và nhiều nền kinh tế bên ngoài Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị những tư thế và tâm thế cho một giai đoạn đầu tư và phát triển hậu khủng hoảng 2014 – 2020 và xa hơn nữa. Đặc biệt khu vực ASEAN vẫn đi lên, vẫn cạnh tranh, vẫn sáng tạo, vẫn phát minh, vẫn tích luỹ, vẫn không chờ và chẳng ai đợi ai. Một thế giới sống động – luôn chào đón những thay đổi và chấp nhận những thay đổi tích cực.


Kinh tế Việt Nam bị luẩn quẩn?


Từ báo cáo phân tích tình hình kinh tế toàn cầu năm 2014 của ngân hàng đầu tư Normura, không thể không đặt ra một loạt vấn đề, không quá khó để thấy những vòng tròn trì trệ kinh tế kéo dài suốt sáu năm qua (2008 – 2013) của Việt Nam.


Ngày 7.3.2013, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội công bố một báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2013 – 2015, trong phần xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đã nhận định kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn. Một khuyến cáo nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu hiểu theo ngôn từ của chính trị – ngoại giao thì uỷ ban Kinh tế đã cho rằng nền kinh tế đang ở trong vòng luẩn quẩn chứ không còn là nguy cơ.









Bên trong nội tại là một “nền kinh tế luẩn quẩn” đang và sẽ phải đối diện với bên ngoài thế giới là những phát triển “kết thúc tận thế”. Bởi thế chúng ta không thể không nghĩ đến những yếu tố bất lợi về nguy cơ tự tụt lùi, bị bỏ lại phía sau và sự đánh mất những cơ hội phát triển chung với thế giới sẽ trở nên trầm trọng hơn.



Cũng hướng đó, báo cáo tháng 7.2013 của ngân hàng HSBC về tình hình kinh tế Việt Nam đề cập đến những cải cách cần thiết để giải quyết những vướng mắc lớn trong nền kinh tế. HSBC thẳng thắn nhận định rằng những hành động vĩ mô mà Việt Nam thực hiện hoặc không thực hiện trong năm 2013 có thể cho thấy nền kinh tế Việt Nam, trong thập niên kế tiếp, còn luẩn quẩn hay không.

Với hai nhận định “nền kinh tế bị luẩn quẩn” của hai báo cáo tiêu biểu đó cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều màu xám và không sống động như những con số nóng bỏng tròn trịa từ những chính khách và nhiều chuyên gia không xa lạ với nền kinh tế này. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia của ngân hàng HSBC, kể cả hàng triệu người lao động lương thiện không có việc làm từ nhiều năm qua cũng không nhầm về sự luẩn quẩn. Thật vậy, nhìn lại sáu năm đã qua và nhìn về sáu năm phía trước – kinh tế Việt Nam vẫn chưa chịu lớn… cũng vì luẩn quẩn.


Kết thúc nền kinh tế luẩn quẩn


Bên trong nội tại là một “nền kinh tế luẩn quẩn” đang và sẽ phải đối diện với bên ngoài thế giới là những phát triển “kết thúc tận thế”. Bởi thế chúng ta không thể không nghĩ đến những yếu tố bất lợi về nguy cơ tự tụt lùi, bị bỏ lại phía sau và sự đánh mất những cơ hội phát triển chung với thế giới sẽ trở nên trầm trọng hơn. Năm 2014 là một khúc quanh ngặt nghèo nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tối hậu cho nền kinh tế đang bị luẩn quẩn.


Kinh tế – xã hội Việt Nam của năm con ngựa 2014 và thập niên kế tiếp sẽ là gì và sẽ đến nơi chốn nào?


Thiết nghĩ, để có một đáp án hoặc dự báo đàng hoàng về viễn cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam, trước hết không thể không tìm đến câu hỏi đại tự sự (master narrative) và chính câu hỏi này cũng là chìa khoá của vấn đề sẽ là gì và khi nào, hoàn cảnh nào nền kinh tế này sẽ tự mình kết thúc luẩn quẩn?


Cái luẩn quẩn này là đại tự sự rất riêng của những nơi chốn quản lý điều hành vĩ mô về chính trị và kinh tế, nhưng hiện nay đã trở thành cái đại tự sự chung của xã hội và của tất cả công dân bình thường và lương thiện. Chính vì vậy, họ phải được quyền biểu quyết và phán quyết: chấm dứt cái luẩn quẩn này.


Kết thúc (thoát ly) cái luẩn quẩn đang bị bu bám và được ôm ấp trong hệ thống phải là tiền đề ắt có, là sách lược sống còn, là mệnh lệnh lương tâm, là hành động dứt khoát mà con ngựa kinh tế 2014 phải chịu trách nhiệm thực hiện.


Năm con ngựa 2014, theo cách tính 12 con giáp, tôi chạm đến điểm mốc của cái vòng luẩn quẩn đời người – Giáp Ngọ. Tự nhủ, con ngựa 1954 này đang và sẽ phải chấm dứt cái đại tự sự luẩn quẩn riêng tư – hẳn nhiên, trong đó có cái đại sự kinh tế luẩn quẩn của Việt Nam.


Lê Trọng Nhi






Bữa cơm mẹ nấu

Bữa cơm mẹ nấu

Bữa cơm mẹ nấu


SGTT.VN - Nói không ngoa, cái gì mẹ nấu đều ngon cả, ngon đến da diết nhớ, nhớ đến có cháu nội cháu ngoại, cháu cố vẫn còn… tương tư! Nghe cánh đàn ông nói vậy, các bà vợ có thể phản ứng: “Tôi nấu không ngon sao?” Khoan dỗi hờn, bởi quý bà cũng sẽ là mẹ thôi!










Những món mẹ nấu giờ như đã ngấm vào máu thịt. Ảnh: Trần Việt Đức



Cuối năm 2013, ông Trần Trọng Đoàn ở Dallas, Texas (Hoa Kỳ) về thăm quê nhà, bạn bè cùng lớp đàn đúm nhậu một bữa. Trong khi chờ phu nhơn bạn Văn Phương chặt gà, bày bàn, làm món…, Trọng Đoàn một mình dạo chợ nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, chừng nửa tiếng sau chàng về cầm một bịch đen thui chìa ra tấm tắc: “Bên Mỹ không có thứ này, tôi thèm nó muốn chết!” Thì ra là cua đồng (con rạm), con to chỉ như cái nắp keng đập dẹp. Tôi và nhóm bạn ngơ ngác nghĩ ngợi: mua gì cho xứng tầm Việt kiều về nước chứ thứ “còng” này ra gì!


Vậy là nhờ chị Phương ram. Mâm nhậu đủ thứ món, Trọng Đoàn cứ chăm bẵm món rạm ram. Phối chế hoàn tất, Đoàn chỉ gắp và gắp, còn xin chén cơm trắng… ngấu nghiến cơm rạm ngon lành, không buồn thò đũa vào bao món bày la liệt trên bàn. Đoàn tâm sự: “Món này mẹ mình ram mặn như vầy, hồi khó khăn mỗi đứa một chén cơm chỉ được hai con rạm mà ngon tày trời!” Ngỏ ý muốn mua mang về Mỹ, tôi trỏ nơi bán sỉ ở gần nhà. Hai bữa sau, người nhà chàng Đoàn đến chợ vỉa hè nhóm gần chợ Hoà Hưng lúc hai giờ sáng mua mười ký về ram khô.


“Quà của tôi cho người thân bên đó là thứ rạm này đây”, Đoàn nói chắc nịch!


Đoàn hiện làm chủ hai tiệm “phở Đoàn” tại Mỹ, nhà gốc Bắc từng nấu quán phở ở Trung Chánh – Hóc Môn. “Ở Mỹ chỉ nhờ có xương, thịt bò nhiều thôi chứ mình nấu vẫn không bằng mẹ ngày trước. Cả vợ mình bây giờ cũng đáng… xách dép cho bà!”, Đoàn vung tay chém gió. Cả nhóm bạn bảy người, tuổi đã U60, ai cũng chặc lưỡi khen mẹ mình; người nhớ món này, kẻ kể món kia ra rả nghe như giấc mơ hiện về. Không thèm, không nhớ sao được, những món ăn như đã ngấm vào máu thịt từ tấm bé và như vậy không thể đánh lừa vị giác mình được nếu không phải là món mẹ nấu. Nồng nàn hơn, bởi mình đã từng hấp thu những thức ăn thời xa xưa ấy từ bầu sữa mẹ. Ngon bởi vị giác, còn ngon bởi cả một mối tình ẩn chứa trong món ăn, tạo nên cái ngon bất diệt mà chỉ có mẹ mới nấu được.









Ngon bởi vị giác, còn ngon bởi cả một mối tình ẩn chứa trong món ăn, tạo nên cái ngon bất diệt mà chỉ có mẹ mới nấu được.



Lấy chồng đã 30 năm, có hai mặt con mà bà Sáu Phương ở quận nhất – người Nam rặt vẫn cứ phải nấu ăn theo gu của chồng “vì ổng ăn khó quá đi, ổng chỉ tui từng li từng tí cách kho, nấu canh, đâm mắm… của người Trung”, bà Sáu Phương gằn giọng. Đến độ chỉ nêm tí đường vào nồi canh chua cho đằm lại, ông Nguyễn Tô Cơ, chồng bà Sáu Phương cũng nhận ra và gác… muỗng. Đặc biệt ông Tô Cơ tối kỵ nước cốt dừa, ông bảo: “Dừa tôi uống cả trái, cơm dừa tôi ăn cũng cả trái, nhưng cho nó vào thức ăn thì tôi… bái bai”. Bà Sáu Phương sau 30 năm chung sống, ăn riết rồi cũng ngấm theo khẩu vị của chồng, đến độ giờ về miền Tây “có những món tôi ăn cũng không vô, ngọt quá, béo quá, chua quá”. Thế nhưng, cái nỗi thèm những món thời thơ ấu vẫn lẩn quẩn trong ký ức, như người nghiện trầu, thuốc lá… vậy, nên lâu lâu “tôi cũng làm một nồi thịt kho hột vịt kiểu Nam bộ hay bún mắm… mà má tui hay nấu cho đã thèm”, bà Sáu Phương tiết lộ.












Bếp Việt vào những năm 1920.

Ảnh : TL



Tây cũng tập tành nấu những món Việt dân dã như trong chái bếp xưa của mẹ. Ảnh: TL



Ông giáo Vũ Đức ở quận 10, từ khi lập gia đình đến nay là đầu bếp chính trong gia đình, lo cả việc chợ búa. Vợ ông – bà Thu Hoa cũng là nhà giáo, chỉ là bếp phụ. Có lần cùng về nhà một người bạn ở Tây Ninh chơi, có ao cá, gà thả vườn, chúng tôi kháo nhau với ông giáo đảm đang này: “Hôm nay ông ra tay coi, làm mới tin!” Chúng tôi đứa rượt bắt gà, đứa vớt cá trê ao; ông giáo Vũ Đức bếp trưởng. Thật nhanh chóng, cá trê kho tộ, cá trê nướng chấm mắm gừng, gà xé phay, đầu – cánh – lòng – xương gà nấu canh chua lá giang… bày tưng bừng trên bộ ván. Bữa ăn nhậu nội đồng ngon quá sức. Ông Vũ Đức điệu nghệ cả việc không bằng lòng nướng cá trên bếp ga hay lò vi ba, phải mua than về quạt lửa cho ông nướng; gà ông xé tay không cho lóc bằng dao; lá giang ông vò trước khi cho vào nồi… vô cùng công phu. Rồi hề hà rượu thuốc ông giáo kể, con ông không thích ăn hàng quán, “nhất quyết tôi phải nấu chúng mới ăn”. Hoá ra bà Thu Hoa có phước, nhưng hai đứa con ông giáo sẽ nói: “Ba nấu ăn là ngon nhất trần đời!”


Với tôi, mẹ nấu những món ngon đến nao lòng mà chẳng bao giờ tôi quên. Thời nghèo rạc, cái bắp chuối, vài gờ-ram da heo là nên món gỏi tuyệt vời. Da heo luộc phải xắt sợi không cắt miếng, bắp chuối phải bào thật mảnh; mắm ớt tỏi đâm là dẫn chất thần kỳ của gỏi bắp chuối da heo, nó như nụ cười duyên trên khuôn mặt thiếu nữ – thiếu hay lệch lạc sẽ đâm ra lạnh lùng. Không phải đến bây giờ mới có cá, mực một nắng; từ xưa kia đã có cá muối sư, mẹ tôi ướp muối hột âm ẩm rồi phơi một hai nắng cho dốp dốp, xát thêm sả ớt băm đem chiên hay nướng, ăn quên… tên tuổi, nhất là những ngày mưa dầm miền Trung. Mùa cá cơm, bên hiên nhà vài vịm mắm cái mẹ tôi ủ, mỗi khi mở nắp hương thơm lan khắp xóm... Biết bao là món của mẹ chôn trong ký ức tôi, vậy mà trong những mâm cơm ngày ấy mẹ tôi vẫn nói, “mệ ngoại hồi đó làm món ni còn ngon hơn ri nờ!”


Nguyễn Tâm






Thanh âm vô lượng

Thanh âm vô lượng

Sài Gòn bao dung


Mỗi người dân Sài Gòn nhập cư đều có một cố hương để hoài nhớ. Thành phố này ôm trong lòng nó đủ hạng người với nhiều cung bậc cách biệt, nhưng không biệt xứ. Có cõi quê trở về cho tròn lời hứa Xuân này con trở về, rồi lại khắc khoải nỗi tha hương Lạy mẹ con đi. Đi để về và đi là về.


Thanh âm vô lượng


SGTT.VN - Sài Gòn ôm trong lòng mình vô lượng thứ, kể cả những âm thanh sáng chiều và tận đêm thâu của muôn mặt mưu sinh. Sài Gòn hát bằng nhịp điệu của cuộc đời và tạo nên những điều lạ kỳ mà không có nơi nào trên hành tinh có được.










Cô gái múa giữa đường phố Sài Gòn này được đặt biệt danh là Lady Keokeo.



Vài mươi năm trước, tôi vẫn bị hấp dẫn bởi những tiếng gõ nhịp của xe mì đêm. Những chủ xe mì đẩy dọc vỉa hè ban đêm luôn có một, hai tuỳ tùng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để rao mì bằng tiếng gõ độc đáo.


Đó là những nhịp điệu không quá chói tai để tránh làm phiền người ngủ sớm.


Có lần được nói chuyện với A Hoành, một ông già Trung Hoa đầy kiến thức dân gian, ông nói việc gõ mì cũng báo hiệu bang hội và đẳng cấp. Để phát ra tiếng kêu thanh và chắc đó, người bán mì sử dụng hai miếng gỗ dài, mặt hơi cong để tạo âm vang, và sau này thường là hai miếng tre. Hình thức này rất giống với người mõ làng ngày xưa vẫn đi tuần trong thôn xóm, gõ báo sang canh cũng như phòng trộm cắp. Nhưng gõ mì thì nhịp điệu thôi thúc và nhiều nhạc tính hơn.


A Hoành nói ngày xưa người bán mì rong vỉa hè cũng có bang hội. Người vào nghề bán mì nếu là hạng thứ, chỉ được gõ chứ không được đứng bán. Học gõ rao mì không dễ, có người phải tập một, hai tuần mới được. Người Hoa từ xưa đã mang nghề bán mì đi khắp thế giới để kiếm sống, nên người đến trước có quyền hạn như đại ca. Tiếng rao mì của vùng do đại ca quản lý, tiếng gõ có những âm thanh khác biệt mà dân trong nghề nghe phải biết và tránh lấn vào vùng làm ăn của đại ca như một cách bày tỏ sự tôn trọng.


Những ngày tháng xã hội biến động, không chỉ ở Trung Hoa hay Việt Nam, những xe mì tham gia hội kín cũng hay dùng tiếng gõ mì như một loại truyền tin mà chính quyền nào cũng bó tay, không tài nào hiểu được.


Khi thêm hiểu biết, tôi thú vị vì giá trị của tiếng gõ mì như một loại truyền thông tiếp thị đường phố – street marketing, loại quảng bá kinh doanh quan trọng được đưa vào sách giáo khoa của các đại học lớn trên thế giới sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, vậy mà ông cha sử dụng tự nhiên từ một cảm giác trời ban, không cần loằng ngoằng lý luận.


Năm 1995, khi ông vua nhạc pop Michael Jackson phát hành album History, tôi từng sửng sốt khi nghe nhịp điệu của bài They don’t care about us: nó không khác gì nhịp điệu của mì gõ Sài Gòn, được thêm thắt bằng những âm thanh hiện đại. Nhịp điệu thôi thúc và hấp dẫn này lọt vào top 10 của hầu hết các quốc gia châu Âu. Còn tiếng gõ mì, nếu được bình chọn, tôi tin rằng nó sẽ lọt vào top 10 của những âm thanh làm nên một Sài Gòn hoa lệ và bao dung, che chở và nuôi nấng hàng triệu người nhập cư.


Đã nói đến bình chọn thì không thể không nhắc đến tiếng trống – phèng rao bán đầu lân ông địa mùa Trung thu. Cùng với tiết tấu của hip hop, điệu trống bán đầu lân luôn khiến đám nhỏ nhảy múa quanh chiếc xe. Đứa nào được gia đình cho tiền mua một cái thì như lên tiên, cứ tung tăng không ngừng nghỉ bên nhịp điệu “tùng cheng”. Điệu trống làm trẻ nhỏ nôn nao đó là cột mốc thời gian, báo hiệu một thời khắc của mùa, của đời đang đến.









Sài Gòn đã nhận vào lòng mình muôn muôn tiếng động, như nhịp đập của trái tim của vùng đất, như hơi thở của thị dân linh hoạt và tự do thiên định trong dòng máu của mình.



Sài Gòn đã nhận vào lòng mình muôn muôn tiếng động, như nhịp đập của trái tim của vùng đất, như hơi thở của thị dân linh hoạt và tự do thiên định trong dòng máu của mình. Vô cùng sáng tạo, người ta có thể nhớ nhiều đến tiếng răng rắc rao đấm bóp đêm, tiếng leng keng của xe bán kem, tiếng kèn bóp hơi của người mua bán ve chai, tiếng mu rùa lốc cốc của người coi bói dạo... kể cả tiếng kèn tây đám ma tiễn đưa người chết.

Nhưng cũng như tuổi thanh xuân đẹp nhất của mỗi người đã đi qua và không bao giờ trở lại, cô gái Sài Gòn nhiều tuổi hơn và cũng mất mát những điều diễm lệ đời thường đã từng có. Những thanh âm độc đáo đó cũng mất dần. Những tiếng rao hàng cũng xa xôi. Sài Gòn giờ rực rỡ hơn, ồn ào hơn... Nhưng cũng chừng như ít nhiều vô vị.


Những thanh âm được sáng tạo của người xưa giờ được thay bằng những chiếc loa sắt và các phần ghi âm sẵn. Nền công nghiệp bèo nhèo của hệ thống tiếp thị kinh doanh đường phố đã giết chết những điều rất “người” và kỳ thú còn sót lại của thành phố.


Tiếng nhạc kẹo kéo giữa những đêm bên các tụ điểm sôi động của Sài Gòn với dòng ca sĩ bắt kịp thời sự của Mỹ, là một dấu ấn khác. Những Michael Jackkeo, những Lady Keokeo...


Có lẽ rất nhiều người vẫn thầm nghĩ tiếng loa rao bán keo bẫy chuột hay tò te tí vô hồn của xe kem cây đời mới, không bao giờ so được với tiếng rao của con người, dù yếu ớt giữa muôn vàn tiếng động đô thị. Nhưng những đổi thay buồn chán đó vẫn được ôm trọn trong lòng Sài Gòn bằng sự bao dung rộng lớn, vì đó cũng là những cách để mưu sinh.


Trong những điều rất mới của âm thanh Sài Gòn, có những chiếc xe ba gác chở đầy đĩa nhạc, xập xình những bài hát được yêu chuộng. Nhưng âm thanh được phát ra trên những chuyến xe đó, vang vọng lời ca một thời của Thanh Tuyền, Duy Khánh, Sĩ Phú... cũng là những điều xưa cũ, hoặc làm người ta nhớ đến những điều rất xưa cũ.


Sài Gòn là vậy đó. Sài Gòn bao dung ôm trong lòng mình tương lai nhưng không bao giờ phản bội quá khứ.


tuấn khanh


ảnh: Trần việt đức






Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược

Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược

Đặc sản An Giang:


Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược


SGTT.VN - Cách đây gần 150 năm – chính xác là năm 1865, nhà ngư học người Hà Lan Pieter Bleeker đã phát hiện ra cá heo nước ngọt, còn được gọi là cá nanh heo, do chúng có râu – trông như cái nanh, ở lưu vực sông Mekong. Bởi đấy cái tên cá tiếng Anh thường có cả tên ông – Botia Modesta Bleeker.










Cá nanh heo kho lạt ăn rau ghém.



Đời sống của cá nanh heo là những cuộc di cư liên tục. Cuộc di cư ngược dòng của cá nanh heo từ vùng thâm nhập mặn ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long đến dưới chân thác Khone, Lào vào giữa tháng 11 và tháng 3 hàng năm. Chúng buộc phải đi là do mực nước xuống thấp. Cuộc di cư xảy ra vào mùa trăng.


Từ tháng 5 đến tháng 7, cá nanh heo di cư ngược lại, xuôi dòng từ thác Khone trên sông Mekong, thuộc tỉnh Champasak bên Lào, gần biên giới Campuchia, xuống vùng lụt Nam Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long. Thác Khone là thác hoang dã nhất châu Á, cao 21m. Chính nó là thác nước làm cho không thể đi theo sông này ngược lên Trung Quốc bằng tàu thuyền. Phía trên thác Khone, cá nanh heo đi ngược dòng từ tháng 2 đến tháng 5 ra các nhánh sông rạch của dòng Mekong – thường là đi vào nhánh sông Nam Ing. Chúng quay lại sông Mekong vào tháng 7 đến tháng 11. Những cuộc di cư của cá nanh heo được báo cáo trong nghiên cứu của vợ chồng cố tiến sĩ Philip McRowan, người Mỹ gốc Lào. Trong khi đi khảo sát thực tế, họ bị một nhóm người Mông giết không rõ lý do tại Lào.


Người Thái bám lấy con cá này từ năm 1999. Người Việt 2010. Là loài cá thịt ngon nhưng “dễ thương” theo tiêu chuẩn “nhỏ xíu anh thương” của nhạc sĩ Trần Tiến, nên dù được nuôi nhiều, giá cá cũng không hề rẻ đi chút nào. Cá chưa thành niên ở các vùng khác nhau của sông Mekong đều dài khoảng 2cm. Cá cho thịt dài đến 5cm. Cá từ lồng bè nuôi ở An Giang về đến nhà hàng Sài Gòn giá sỉ đã 280.000 đồng/kg. Thị trường rất phân biệt đối xử với giới tính của cá nanh heo. Thị trường cũng ga lăng giống y loài người – trọng nữ khinh nam (vậy mà các bà còn chưa để yên). Cá cái mắc gấp ba lần cá đực, vì to con nhưng ngắn thân hơn, thịt béo và ngon hơn. Hai giống cá khác nhau ở chỗ con đực có sọc đen trên mình, còn con cái toàn thân xanh nhạt. Đuôi vi cá nanh heo có màu đỏ hồng dễ nhận biết.


Cá nanh heo có thể làm đủ món: nấu chua, nướng muối ớt, kho lạt ăn với rau ghém. Món sau ngon hơn hết, lại hạp với thời mà các nhà dinh dưỡng khuyên ăn nhiều chất xơ – mặc dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy tốt hơn cho sức khoẻ chỗ nào. Nước cá kho lạt béo dịu dàng và thơm dàng dịu, vì trước khi nấu chúng vẫn “chưa từ trần”. Khi lùa miếng nước cá cùng rau vào miệng là cảm nhận cái vị béo và thơm của cá; thịt cá béo hơn và ngọt, không có vẩy, có thể nhai cả xương mềm của chúng. Nhờ những lồng bè ở An Giang, người ta không phải thương nhớ cá theo mùa, vì cá có quanh năm.


Có địa phương còn gọi chúng là cá he. Nhưng cá he thứ thiệt lớn hơn cá nanh heo hơi bị dữ, dài gấp ba lần là ít.


Sài Gòn ít có món cá nanh heo trong thực đơn nhà hàng. Lần đầu tiên tôi biết đến là món cá nanh heo kho lạt ăn với rau ghém tại nhà hàng Nam Bộ, 19 Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Trước đó qua điện thoại, nghe ông chủ giới thiệu: hôm nay có cá heo. Tôi hỏi: cá heo nước mặn? Ông đáp: không, cá heo nước ngọt. Chưa nhìn thấy cá, ngỡ đâu ông ta cả gan bán cá nược – loài cá heo nước ngọt vào sách đỏ trên sông Mekong. Nhưng nhầm to. Hoá ra cá heo có tên thông dụng hơn là cá nanh heo. Mới đầu người dân vớt cá con về nuôi lồng. Đến năm 2010, đại học Cần Thơ ép đẻ thành công. Cá trở thành đặc sản để đến là nhớ An Giang, ngoài nhiều thứ để nhớ khác, trong đó chắc chắn có cả người, của xứ này.


bài và ảnh Thái học






Từ bờ sông đến quảng trường sông nước

Từ bờ sông đến quảng trường sông nước

Từ bờ sông đến quảng trường sông nước


SGTT.VN - … Quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố ven sông Sài Gòn kết hợp với việc liên kết chặt chẽ các trục giao thông qua trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là trục giao thông đi bộ như một mối nối sinh động giữa trung tâm đô thị cũ và không gian đô thị mới, chính là cơ hội để nhấn mạnh bản sắc, sự khác biệt của tổng thể lõi trung tâm TP.HCM so với các đô thị khác trong nước và trên thế giới…














Tuyến phố ven sông được quy hoạch thành các chức năng quảng trường, khách sạn, công viên, bến tàu. Ảnh: TL



Lấp kênh mở đại lộ Chaner – Nguyễn Huệ ngày nay.

Ảnh: TL



Quá trình hình thành tuyến phố ven sông


Có thể nói yếu tố sông nước luôn gắn liền với sự xuất hiện của các đô thị Việt Nam. Chả thế mà ông cha ta có câu “nhất cận thị, nhị cận sông” là vậy. Thăng Long – Hà Nội nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Tô Lịch, Sài Gòn – TP.HCM nằm bên bờ sông Bến Nghé – nay là sông Sài Gòn v.v.


Tuy nhiên, nếu như Hà Nội nằm bên dòng sông Hồng rộng mênh mông, nhưng lại hung dữ vào mùa mưa và các con đê ngăn lũ đã làm ngăn cách các vùng đất ở hai bên bờ nên đô thị gần như tách khỏi dòng sông và chỉ còn lại hình ảnh đặc trưng của một Hà Nội với các mặt hồ rộng lớn đã góp phần tạo nên cảnh quan đặc thù và vi khí hậu mát mẻ cho thành phố vào mùa hè. Nếu như Đà Nẵng là một thành phố vừa có sông rộng lại vừa có núi cao nhô ra biển tạo nên một cảnh quan đô thị hùng vĩ thì Sài Gòn – TP.HCM là một đô thị với những dòng sông hiền hoà xen lẫn với những kênh rạch uốn lượn quanh co.


Nơi đây, ngay từ thưở ban đầu khi những bước chân đầu tiên của những lưu dân Việt từ miền Trung và miền Bắc đổ về khai phá miền đất hoang vu bên bờ Tây sông Bến Nghé, dần dần điểm tụ cư được hình thành và phát triển, dân cư tập trung ngày càng đông đúc, họ bám theo các cung đường ven sông, xây dựng các bến bãi, cửa hàng, chợ búa để buôn bán, sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ, tạo nên cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Cứ thế những con đường ven sông lớn dần và thay đổi theo thời gian.


Vào năm 1859 thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, và tuyến đường ven sông đã bị đốt cháy, tất cả nhà cửa, cây cối chỉ còn lại một đống tro tàn. Các cơ sở vật chất của khu vực Sài Gòn phồn vinh nay không còn nữa. Và đây cũng là cơ hội tốt cho thực dân Pháp bắt tay vào quy hoạch một đô thị theo kiểu phương Tây. Họ đã lấy tuyến ven sông làm chuẩn để kẻ các đường ô bàn cờ cùng với việc san lấp một số kênh rạch chằng chịt hình thành nên khu trung tâm ngày nay.


Có thể nói Sài Gòn từ đây đã bước sang trang mới với những con đường rộng rãi khang trang được lát đá trồng cây, nhà cửa được xây cất cùng với một cơ sở hạ tầng hiện đại hơn. Và tuyến phố ven sông được quy hoạch phân chia thành các chức năng quảng trường, khách sạn, công viên cây xanh đồng thời bắt đầu được mang các tên khác nhau qua các thời kỳ để cuối cùng ngày nay được mang tên chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đây là một trong những con đường xưa nhất và tiêu biểu nhất của Sài Gòn – TP.HCM.










Hình ảnh tàu thuyền xuôi ngược dòng sông ngày càng ít đi. Ảnh: Nguyễn Đình



Giá trị tuyến phố ven sông


Về mặt hình thái đô thị thì tuyến phố ven sông đóng vai trò như cột sống của Sài Gòn – TP.HCM, là mạch máu liên kết và phân chia các khu chức năng của đô thị.


Về phương diện giao thông thì tuyến phố ven sông là tuyến đường vành đai ngoài, là vị trí chiến lược để xây dựng bộ mặt đô thị, nắm giữ vai trò liên kết với khu trung tâm hiện hữu, là nơi giao cắt các tuyến đường quan trọng của thành phố như Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng v.v. Đối với khu vực lân cận đặc biệt là khu vực Thủ Thiêm, vị trí của tuyến phố này sẽ là bàn đạp để phát triển và hình thành nên khu trung tâm mới Thủ Thiêm hiện đại, làm tôn vẻ đẹp của đô thị nói riêng và nâng tầm giá trị của dòng sông nói chung.


Tuyến phố còn là nơi lưu giữ ký ức phần hồn của đô thị, xưa kia là nơi kết nối giữa các con người lại với nhau, là nơi tập trung lượng dân cư để giao lưu, buôn bán. Hình ảnh trên bến dưới thuyền là hình ảnh luôn luôn gắn liền với ký ức một thời của người dân nơi đây, chính nó đã tạo nên bản sắc văn hoá của đô thị và cho chúng ta cảm nhận được về cội nguồn của nơi chốn.


Trong đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM do công ty Nikken Sekkei thiết kế đã được UBND TP phê duyệt và công bố năm 2012 đã phản ảnh khá đầy đủ một trong các mục tiêu quan trọng là phát huy bản sắc đặc thù của thành phố ven sông. Trong đó việc khai thác cảnh quan bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé đóng vai trò chủ đạo. Trong đồ án, phần lớn diện tích ven bờ Tây sông Sài Gòn với giải pháp tăng cường bản sắc khu vực ven sông thông qua việc tổ chức giao thông ngầm dưới trục đường Tôn Đức Thắng để giải phóng không gian mặt đất cho phố đi bộ được kết nối với các tuyến phố quan trọng Hàm Nghi, Nguyễn Huệ và Đồng Khởi tạo nên sự liên kết giữa không gian trung tâm hiện hữu với cảnh quan sông nước ven sông.


Với việc nhấn mạnh tính chất chuyển hoá không gian khu vực bờ Tây sông Sài Gòn là một cách tiếp cận mô hình phát triển mang tính tiếp nối, tránh khỏi sự gián đoạn giữa các không gian vật chất với không gian văn hoá của trung tâm lịch sử. Tính chất tiếp nối đó được thể hiện qua một số giải pháp tổ chức không gian cảnh quan khu vực ven sông cùng với trục đường Tôn Đức Thắng như việc khống chế mức độ chiều cao và hệ số sử dụng đất thấp với mục đích không tạo nên bức tường ngăn cách không gian trung tâm hiện hữu với bờ sông. Xác định rõ các đối tượng di sản đô thị cần được bảo tồn, cải tạo thích ứng kết hợp với việc xây chen có định hướng, kể cả khu vực cảnh quan cảng Sài Gòn và Ba Son, đảm bảo nhu cầu phát triển hiện đại trong khi vẫn bảo tồn được ký ức đô thị… Kết hợp với việc phân khu chức năng như không gian đi bộ, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, duy trì và phát huy tuyến giao thông thuỷ bằng cách tổ chức lại các bến du thuyền ven sông, chỉnh trang lại không gian sinh hoạt cộng đồng khu vực quảng trường Mê Linh – điểm xuất phát của cầu đi bộ sang trung tâm mới Thủ Thiêm. Đây chính là trục giao thông quan trọng tạo nên mối nối xuyên suốt nhằm chuyển tải tính chất sông nước sang trung tâm đô thị mới.














Cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền khu vực ven sông.

Ảnh: Nguyễn Đình



Phương án đề xuất tuyến đi bộ ven sông với việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và giao thông ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng.



Chuyển tải thành công đặc trưng không gian sông nước trong khu đô thị mới Thủ Thiêm


Trong đồ án quy hoạch khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm của công ty Sasaki (Hoa Kỳ) đã được UBND TP phê duyệt vào năm 2005 đã chuyển tải thành công dấu ấn đặc trưng của không gian đô thị sông nước qua sông. Tại đây trục không gian đi bộ đã liên kết chặt chẽ với không gian quảng trường – hồ nước rộng lớn ở trung tâm, kết nối với các khu vực chức năng đô thị, tạo nên hệ thống không gian mở đa dạng, gắn liền với cảnh quan sông nước tự nhiên như công viên, bờ sông, kênh rạch, bến thuyền, lâm viên sinh thái của khu vực ngập nước phía Nam v.v. Tạo thành hệ thống cảnh quan đa dạng về chức năng kết hợp được hài hoà giữa các khu xây dựng và môi trường tự nhiên, khẳng định được tính chất độc đáo của một đô thị sông nước.


Như vậy, cho dù yếu tố sông nước có bị phai nhoà đáng kể trong quá trình đô thị hoá của Sài Gòn – TP.HCM thì với việc quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố ven sông Sài Gòn kết hợp với việc liên kết chặt chẽ các trục giao thông qua trung tâm đô thị mớiThủ Thiêm, đặc biệt là trục giao thông đi bộ như một mối nối sinh động giữa trung tâm đô thị cũ và không gian đô thị mới, chính là cơ hội để nhấn mạnh bản sắc sự khác biệt của tổng thể lõi trung tâm TP.HCM so với các đô thị khác trong nước và trên thế giới.


Bài: PGS.TS.KTS NGUYỄN KHỞi










Quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn khu trung tâm hiện hữu và khu trung tâm mới Thủ Thiêm.







DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ