Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Tĩnh mịch Hợp Phố

Tĩnh mịch Hợp Phố

Tĩnh mịch Hợp Phố


SGTT.VN - Những lối đi lắt léo, thắt mở từ việc cải tạo hợp khối ba căn hộ có từ lâu lại phù hợp cho một không gian spa cần sự tĩnh mịch, lặng lẽ.


Hợp Phố Spa, một không gian tĩnh mịch lặng lẽ, kín đáo nằm trên một con đường nhỏ thật nhỏ ở TP Cần Thơ. Sự tĩnh mịch, lặng lẽ được thể hiện xuyên suốt từ không gian cho đến vật liệu sử dụng.


Phần sảnh tiếp khách của Hợp Phố là một không gian với nhiều vật liệu tre dịu dàng, tĩnh lặng. Ở đây, có nhiều không gian nhỏ, kín đáo với nhiều nút thắt mở ở những lối đi, cầu thang để rồi từ đó hình thành những nét rất riêng cho từng khu vực. Sang trọng mà riêng tư, ấm cúng mà kín đáo. Ở đây, vật liệu chủ đạo là đá granite thiên nhiên cùng với gỗ và tre được dùng một cách tiết chế khiến cho không gian của Hợp Phố vừa thô mộc vừa tự nhiên nhưng sang trọng và tĩnh lặng.


Mặt tiền của spa cách điệu các cửa lá sách gỗ của Việt Nam, mặt nước, cây xanh, ảng tường đá... cũng góp phần tạo nét rất riêng cho ngôi nhà, vừa hiện đại, vừa gần gũi, so với các căn bên cạnh, đây cũng là điểm nhấn cho spa.

Cũng cần nói thêm spa được hình thành từ cải tạo ba căn nhà phố chắp vá trước năm 1975, nên thi công cần gia cố và thay đổi không gian nhiều nhưng cũng phải nương theo kết cấu nhà cũ để tránh nguy hiểm khi thi công.


Bài Nguyễn Phan ảnh sương thu


Địa chỉ: Hợp Phố SPA, 4 Nguyễn Du, TP Cần Thơ.


Thiết Kế và thi công: KTS Trần Tiến Khoa.
















Gỗ, đá và tre được sử dụng một cách tiết chế tạo sự hài hoà.











Mảng tường sử dụng lá sen thật phơi khô.











Một góc decor ở sảnh tiếp khách.

















Thống nhất về thiết kế nhưng mỗi không gian đều mang một nét riêng tạo sự tò mò khám phá.





















Không gian ấm áp, nhẹ nhàng.





Tận dụng ánh sáng tự nhiên và dùng loại rèm chỉ để làm dịu bớt độ sáng.







Dung dịch chất chống đóng cặn

Dung dịch chất chống đóng cặn

Dung dịch chất chống đóng cặn


SGTT.VN - Nhóm nghiên cứu thuộc công ty cổ phần công nghệ vật liệu và thiết bị Bách khoa Hà Nội (đại học Bách Khoa Hà Nội) đã nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm dung dịch chất chống đóng cặn ĐC-BK01. Đây là sản phẩm hoá chất chuyên dụng để chống lại hiện tượng cáu cặn trong các nồi hơi và hệ thống đường ống mới hoạt động. Sản phẩm có các chỉ tiêu kỹ thuật sau: hàm lượng chất khô: 15 – 20%; độ pH: 5,5 – 7,5, ở dạng lỏng, đóng trong can nhựa, phuy nhựa hoặc téc nhựa có các dung tích 20 lít, 30 lít, 50 lít, 100 lít, 1.000 lít.


Tạ Bửu






Kết quả bình chọn “Kiến trúc sư của Năm 2013”

Kết quả bình chọn “Kiến trúc sư của Năm 2013”

Kết quả cụ thể:


Số phiếu: 5190 (hợp lệ) / 6197


KIẾN TRÚC SƯ CỦA NĂM 2013:


KTS Bùi Anh Phú Ninh (763)


KTS Đoàn Kỳ Thanh (420)


KTS Trần Lê Quốc Bình (241)


CÔNG TRÌNH CỦA NĂM 2013:


Cụm công trình Thư viện - Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh / VIAP + S Design (1267)


Cụm công trình Café & Nhà hàng tiệc cưới Kontum Indochine / Vo Trong Nghia Architects (1215)


Khách sạn J.W.Marriott Hà Nội / Carlos Zapata Studio (218)


The Nest / a21studio (167)


Fuschia Villa / REALArchitecture (83)


KIẾN TRÚC SƯ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH:


PGS.KTS Đặng Thái Hoàng (424)


TS.KTS Phó Đức Tùng (277)


KTS Nguyễn Ngọc Dũng (200)


KIẾN TRÚC SƯ CỘNG ĐỒNG:


KTS Nguyễn Duy Thanh (1060)


KTS Lê Như Ngà (465)


KTS Lương Thu Thảo (275)


KIẾN TRÚC SƯ TRẺ TRIỂN VỌNG:


KTS Nguyễn Phước Vinh (701)


KTS Phạm Hữu Lộc (672)


KTS Nguyễn Duy Thanh (562)


KIẾN TRÚC SƯ DANH DỰ 2013:


KTS Võ Trọng Nghĩa






Lời khuyên từ “người khổng lồ”

Lời khuyên từ “người khổng lồ”

“Kết nối Cung – Cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam Bộ với hệ thống siêu thị”


Lời khuyên từ “người khổng lồ”


SGTT.VN - Cuộc kết nối cung – cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị hôm 26.12.2013 mở ra những góc nhìn mới, cũng là mở đường cho đặc sản – nông sản tiếp cận thị trường rộng hơn. 50 cơ sở, doanh nghiệp đặc sản và nhiều trung tâm khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương đã về Cần Thơ dự cuộc gặp do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) báo Tuổi Trẻ, Co.opmart phối hợp tổ chức.










Các thành viên câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh được xem là mẫu hợp tác chia sẻ khá tốt.



Không dám ra gió vì…


“Nếu chúng ta không thử, cơ hội sẽ không tự đến. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Co.opmart nhận xét và nói rõ thêm, “Nhiều loại đặc sản do “yếu” về công nghệ, không đáp ứng các nhu cầu chất lượng, nguồn hàng không ổn định khiến khó đưa hàng vào siêu thị”. Cũng theo thông tin mới của ông Nhân, mức tiêu dùng sản phẩm đóng hộp không tiện dụng có hiện tượng chựng lại, trong khi các loại đặc sản có bao bì đơn giản đang tăng trên 30% tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Trong khi đó, 90% người tiêu dùng tin rằng hàng tại siêu thị là hàng đã được chọn lựa – đạt chất lượng. 80% người tiêu dùng

sẵn sàng chi tiền mua hàng có chất lượng tốt hơn khẳng định đặc sản càng sớm vào siêu thị càng có lợi.


Giá đặc sản lúc cận tết không hề rẻ. Ông Nhân lại động viên tiếp: 1/3 nhà cung cấp đặc sản cho siêu thị là các cơ sở nhỏ, gia đình. Nhưng đó là hàng có tính khác biệt, được hội DN HVNCLC xây dựng ý thức trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp, nhiều người đã đổi mới công nghệ, thiết bị để làm ra hàng tốt hơn. Hội giúp những cơ hội liên kết để cùng làm hàng theo chuẩn chất của siêu thị. Hệ thống siêu thị sẽ hỗ trợ ba việc: trưng bày sản phẩm, quảng bá sản phẩm và tăng thời gian xét duyệt tới sáu tháng một lần, đồng thời giảm mức chiết khấu 50% trong lần đầu vào siêu thị.


Tác động kép


Ý muốn làm hàng cho siêu thị, dù chưa với tới, nhưng tại cuộc kết nối, một cơ sở làm chà bông ở An Giang tìm thấy cơ hội hợp tác với cơ sở Nhật Khánh làm ra cơm cháy chà bông ở Trà Vinh. Ông Hồ Quang Cua, từ Sóc Trăng cũng sẵn sàng cung cấp dòng gạo tím than phù hợp với quy trình làm cơm cháy chà bông nếu chủ cơ sở Nhật Khánh muốn tạo ra sản phẩm mới.


Anh Bửu, thương lái mua cam ở Ngã Sáu, Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sau đó đã chuyển sang sản xuất: thuê đất trồng cam, thành công việc sử dụng phân bón hữu cơ của công ty TDE cho ra cam chất lượng cao và giá cả rất tốt; Bữu có mặt tại cuộc kết nối đã nhận lời đề xuất cùng công ty TDE hợp tác khôi phục cam Phong Điền (nổi tiếng từ nửa thế kỷ trước) của ông Võ Thành Giúp, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại huyện Phong Điền.


“Muốn đưa hàng vào siêu thị, nguồn cung (đầu vào) phải ổn định và dài hơi, ông Nguyễn Phụng Hoàng, giám đốc công ty TNHH MTV Mắm Bà Giáo Khoẻ 55555, từng trải qua những thách thức khi nhận đặt hàng nhiều lên và tình trạng thiếu nguyên liệu, xuất hiện, chia sẻ: Thay vì chỉ giữ khư khư cho mình, công ty đã nghĩ ra cách mở rộng cho các cơ sở vệ tinh sản xuất theo tiêu chuẩn của công ty.


Hiện nay, các cơ sở đặc sản muốn tìm đến kênh phân phối hiện đại, điển hình như Co.opmart không phải dễ dàng, theo bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội DN HVNCLC, mọi cuộc chơi trong sản xuất và phân phối đều có luật của nó. Hội sẽ hỗ trợ để mọi việc trôi chảy hơn. Truyền thông quảng bá cho cuộc kinh doanh của đặc sản trong siêu thị, hỗ trợ về xây dựng thương hiệu và các kỹ năng kinh doanh, huấn luyện và chia sẻ thông tin là ba nội dung hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đặc sản để làm ăn với siêu thị.


“Vấn đề cốt lõi cần tập trung trong thời gian tới là: bản thân các nhà sản xuất đặc sản phải thành lập câu lạc bộ của mình để tương trợ nhau và hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh nghiệm kinh doanh và tìm đầu ra cho sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững”, bà Hạnh khẳng định.


Ông Trần Quốc Tuấn, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nhắc lại kinh nghiệm khi thành lập câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh: Cũng có những trục trặc, nhưng cái chính là câu lạc bộ kịp chỉnh đốn, thắt chặt đoàn kết và cùng tìm thị trường. 60 – 70 % cơ sở bắt được cơ hội sau các cuộc nối kết và hai chuyện được xem là thành công: 1/Tự các cơ sở góp quỹ tương trợ không lời (10 triệu đồng/cơ sở) cấp vốn quay vòng giúp nhau; 2/Các cơ sở phân công nhau tham dự, cùng chia sẻ chi phí khi tìm thị trường, thường xuyên dự các phiên chợ hàng Việt về nông thôn do BSA tổ chức…


Hoàng Lan









Ông Trần Xuân Toàn, trưởng ban Kinh tế báo Tuổi Trẻ: thực ra, công cụ truyền thông có thể hỗ trợ tốt cho các đặc sản. Lâu nay chúng ta nói nhiều đến các tập đoàn lớn, có nhiều kinh phí phục vụ truyền thông, còn các cơ sở làng nghề không đủ sức cạnh tranh. Theo ông Toàn, thông tin các cơ sở đưa trên các phương tiện truyền thông chưa mạnh. Cơ sở nên chủ động cung cấp thông tin, làm sao cho mình nổi bật để tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, thu hút được các cơ quan truyền thông.


Ngọc Bích







Oan cho đà điểu!

Oan cho đà điểu!










Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn:


Oan cho đà điểu!


Thưa ông, “hiệu ứng đà điểu” có thật không nơi đà điểu?


Dường như oan cho... đà điểu! Việc đà điểu “vùi đầu trong cát để tránh hiểm nguy” chỉ là một “huyền thoại” không có thật. Tôi chỉ vài lần được thấy đà điểu và không dám đe doạ nó, nên không biết chắc, nhưng tài liệu cho hay đà điểu không có răng, nên cần nuốt cát và sỏi vào bụng để nghiền thức ăn. Có lẽ nhìn thấy như thế nên con người... suy bụng ta ra bụng đà điểu chăng? Lý do các nhà khoa học đưa ra là: nếu có tập tính như thế thật, ắt đà điểu tuyệt chủng từ lâu!


Hiệu ứng này có lẽ chỉ có nơi con người.


Nhưng con người chưa... tuyệt chủng mà?


Vì con người... phức tạp hơn đà điểu! Con người có hai loại hành động. Loại thứ nhất là hành động “chiến lược” có mưu tính. “Vùi đầu vào cát” là chiến lược đơn giản nhất để tự vệ trước hiểm nguy: lờ đi và hy vọng hiểm nguy không còn nữa. Tiếc thay, khuất mắt mà vẫn không xong! Thường thì hiểm nguy không tự biến mất mà tình hình còn tồi tệ hơn. “Vùi đầu vào cát” là tự mình giảm thiểu những cơ may thành công nơi những lựa chọn khác: đương đầu hoặc bỏ chạy! Tuy nhiên, cũng nên có phần cảm thông với con người yếu đuối chúng ta: không phải lúc nào và ai ai cũng đứng vững trước chiến tranh cân não! Càng sợ hãi và tránh né, con người càng bộc lộ sự yếu đuối đáng thương của mình.


Cơ chế vận hành của hiệu ứng này ra sao?


Đây là một trong nhiều đối tượng nghiên cứu của tâm lý học. Thường thì hiệu ứng này diễn ra thành một chuỗi phản ứng: ta gặp nhiều vấn đề khó khăn với mình và với người khác; chúng làm ta lo lắng; ta lảng tránh khỏi nguồn gốc gây ra khó khăn; ta bám vào những nguỵ trang hấp dẫn để thể hiện cảm xúc nhưng không thực sự “làm việc” với những cảm xúc ấy; khởi động một làn sóng của những vấn đề giả mà ta không biết nguồn gốc và giải pháp; rồi ta lại làm việc với những vấn đề sai, khiến càng leo thang và lan sang các lĩnh vực khác.


Vấn đề xuất hiện trên bề mặt bị chuỗi che giấu này đẩy xuống bên dưới ý thức. Vấn đề bình thường trở thành vấn đề không thể giải quyết được. Nơi cá nhân, gây ra khủng hoảng và thất bại, nhưng nơi tập thể và giới lãnh đạo, hiệu ứng này sẽ trầm trọng hơn nhiều!


Khi cả tập thể và giới lãnh đạo tập thể ấy tìm mọi cách che giấu thất bại, rồi đổ lỗi cho người khác, cho nguyên nhân “khách quan”, họ lảng tránh việc học hỏi, thay đổi và lớn mạnh.


Có cách nào khắc phục hiệu ứng này?


May thay, con người còn có lối hành động khác! Nếu chỉ có lối hành động “chiến lược” tính toán, mưu mô, cuộc đời sẽ nghèo nàn và khô héo bao nhiêu! Lối khác đó là hành động tương giao, chân thành mở ngỏ với lòng mình và với người khác. Cần cắt đứt chuỗi hiệu ứng và biến những vấn đề hiểm nguy thành vô hại. Ta không biết chuỗi hiệu ứng ấy diễn ra lúc nào, nhưng ta thực sự biết vấn đề mình đang gặp phải, chỉ có điều không dám đối diện với nó thôi. Vì thế, điều cần thiết nơi cá nhân là tự vấn, nơi tập thể là giám sát. Tự vấn và giám sát cho phép ta bắt đầu phơi bày những gì chỉ mới cảm nhận. “Hiệu ứng đà điểu” (xin lỗi lại nói oan cho nó!) sâu kín lắm. Chính sự câm lặng thúc đẩy hiệu ứng này và làm cho điều ẩn kín không được nói ra. Sự nới lỏng dẫn tới tháo cởi vòng “kim cô” này bắt đầu với giây phút nói ra những gì chưa được nói! Hãy nhìn thẳng vào lòng mình và vào mắt nhau! Khó lắm, nhưng con người làm được mà! Chẳng lẽ thua... đà điểu? “Ban đầu có Ngôi Lời”, xin mạn phép hiểu câu kinh thiêng liêng này theo nghĩa đó!


Ngân Hà






Thông điệp đầu năm của Thủ tướng

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng


SGTT.VN - "Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.


Nhân dịp bước sang năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ thông điệp đầu năm với bài viết mang tiêu đề: "Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững". SGTT xin giới thiệu toàn văn bài viết này:


Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.


Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Trong đó xác định tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.


Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.


I


Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.


Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.












thu-tuong-1-1349819310-480x0-9418-138847



Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc.



Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng.


Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Mở rộng mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh với việc ban hành Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn.


Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.


Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.


Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.


Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập Internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.


Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.


Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả. Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.


Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.


Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật.


Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.


Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.


Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.


Phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức Chính trị - xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống. Thường xuyên tăng cường ổn định chính trị - xã hội.


Trên tinh thần đó, năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát bổ sung thể chế - cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng.


II


Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây cũng là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.


Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.


Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.


Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.


Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.


III


Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế. Đây cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.


Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.


Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.


Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.


IV


Ba năm qua, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời cũng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn cho thấy nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ này thì sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.


Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy Đổi mới mạnh mẽ hơn. Đòi hỏi phải có quyết tâm và bản lĩnh chính trị rất cao. Bản lĩnh của Đảng và Nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối Đổi mới.


Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng






Bỏ mưu mẹo sang sáng tạo như thế nào?

Bỏ mưu mẹo sang sáng tạo như thế nào?

Thời của năng động, sáng tạo


LTS: Có thể nói chưa có giai đoạn nào mà nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn, trầm lắng kéo dài như giai đoạn năm năm vừa qua. Công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm sút dẫn đến sức mua của thị trường sụt giảm theo, hàng loạt doanh nghiệp phá sản... Trong khó khăn đó, vẫn có những doanh nghiệp tồn tại được và vươn lên, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ, những người trẻ, năng động, sáng tạo, những người biết tận dụng cơ hội “nền kinh tế internet” đang hình thành.


Bỏ mưu mẹo sang sáng tạo như thế nào?


SGTT.VN - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng, để chuẩn bị những nền tảng cơ bản vì sự phát triển dài hạn, theo phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, năm 2014, các doanh nghiệp phải chuyển từ thông minh mưu mẹo, sang thông minh sáng tạo.










Ông Võ Trí Thành.



Cũng theo ông Thành, các doanh nghiệp đã phải vật lộn qua năm 2013 đầy khó khăn. Theo đó, để ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao, thông thường, chính sách chung là theo hướng thắt chặt. Khi thắt chặt, dòng tiền khó khăn hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chắc chắn phải khó khăn hơn, tăng trưởng chung của nền kinh tế giảm.


Theo đánh giá của ông, phí điều chỉnh của chúng ta đã ở mức thấp nhất chưa?


Có thể thấy, công tác điều hành của chúng ta chưa thật trôi chảy, nên tổn phí xét dưới góc độ tăng trưởng thấp đi có thể lớn hơn cái mà chúng ta có thể làm được. Tôi lấy ví dụ, khi ban hành nghị quyết 11, mục tiêu của chúng ta là tăng trưởng tín dụng giảm dần, từ trên 30% xuống còn trên 20%, rồi trên dưới 15... Nhưng trên thực tế đã không được như thế: chỉ số này đã giảm từ 30% xuống còn quanh mức 10% từ năm 2011 tới nay – nghĩa là giảm hơn mức cần thiết. Hay mục tiêu về tỷ trọng đầu tư/GDP, từ mức trên 40%, chúng ta sẽ giảm dần xuống còn trên dưới 35%; nhưng trên thực tế đã giảm xuống còn 34 – 35% năm 2011; 33 – 34% năm 2012 và năm nay còn khoảng 30%.


Lấy hai ví dụ trên để thấy rằng, giữa ý đồ chúng ta muốn làm cho nền kinh tế với kết quả đạt được đã có một khoảng cách, và nói theo chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, là nền kinh tế của chúng ta đã “hạ cánh cứng hơn một chút”, trong khi chúng ta lẽ ra có thể làm mềm hơn một chút.


Có cách nào để có thể “mềm” hơn, thưa ông?


Vẫn với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong chừng mực chính sách chặt chẽ như vậy, chúng ta làm sao vẫn có thể hỗ trợ được cho sản xuất kinh doanh – để giảm phí tổn điều chỉnh. Chúng ta có những chính sách gì? Ví dụ, ta vẫn phải dùng một số biện pháp hành chính, để xử lý vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng, dẹp cái “loạn” của thị trường tiền tệ. Một số biện pháp này, về nguyên tắc, để lâu dài sẽ làm méo mó và cũng không thể giải quyết trôi chảy dòng chảy của thị trường tín dụng vì còn vấn đề nợ xấu nữa. Hay định hướng đích đến nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại vào những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng, công ăn việc làm trong bối cảnh khó khăn, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…


Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố ổn định hàng đầu, là bởi có ổn định, giá cả mới phản ánh đúng sự khan hiếm của các nguồn lực. Khi giá cả phản ánh đúng nguồn lực thì nguồn lực sẽ đến đúng cái nơi có những tín hiệu ấy và mới mang lại hiệu quả. Cái khó nữa, của quá trình điều chỉnh này, là chúng ta không chỉ ổn định, cứu giúp, hỗ trợ để phục hồi, mà còn phải đảm bảo rằng nền kinh tế khi dần trở lại bình thường thì phải ở nấc cao hơn, có chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Muốn làm được điều đó, thì phải gắn với tái cấu trúc. Tuy nhiên, để tái cấu trúc cũng phải có phí tổn, cả về thời gian, sức lực, tiền bạc. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng giảm, thu ngân sách giảm, nguồn lực giảm…, nguồn lực để tái cấu trúc sẽ hạn chế nguồn lực để cứu trợ, hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp.


Trong điều kiện nguồn lực có hạn, theo ông chúng ta nên chọn cách phân bổ là hỗ trợ, cứu trợ thị trường, doanh nghiệp, hay mạnh tay tái cấu trúc?


Có hai điểm cơ bản của người làm chính sách vĩ mô cần quan tâm, một là đừng làm nền kinh tế trong ngắn hạn dao động quá lớn đến mức bất ổn so với mức tiềm năng có thể có; thứ hai, ổn định rồi, trong dài hạn, tín hiệu thị trường tốt, nên nguồn lực sẽ phân bổ hiệu quả – cái đó phù hợp với tái cấu trúc. Thông thường, nếu chúng ta chọn cách làm từ từ thì hiệu quả cũng đến từ từ, còn nếu có khả năng chịu đau hơn thì kết quả có thể nhanh hơn. Và chúng ta chọn cách làm là ổn định rồi dần dần đưa cái kinh tế về quỹ đạo sản xuất bình thường ở nấc có chất lượng cao hơn.


Trong lựa chọn chính sách như vậy, chiến lược của doanh nghiệp là gì?


Chúng ta vẫn đang trong quá trình quá độ, chuyển đổi, và phải hiểu là các chính sách sẽ vẫn còn méo mó. Mà đã méo mó, thì có chỗ có thể ăn dày, ăn mỏng, và rất khó để hạn chế được đầu cơ. Và đầu cơ có là một cách làm ăn của doanh nghiệp không, có chứ? Tuy nhiên, nếu đầu cơ mà thành phổ biến thì nguồn lực méo mó, dễ rủi ro, thậm chí khủng hoảng, dù đứng ở góc độ vi mô, có thể có lợi cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác.


Mặt khác, trong bối cảnh quá độ này, chính sách Nhà nước có những thay đổi, hỗ trợ nhất định, thì anh phải biết chỗ nào có hỗ trợ để tăng cơ hội cho mình. Thứ ba, nếu hiểu rằng, Nhà nước có chính sách cải tổ và ổn định, nền kinh tế có thể chịu đau đấy, nhưng sẽ dần ổn định trở lại và ở nấc cao hơn. Thế nên đây là thời điểm anh phải chuẩn bị nền tảng, cùng với sự biến đổi của thế giới, Việt Nam, để mà chơi những trò chơi chiến lược thực sự căn cơ.


Các doanh nghiệp phải biết tận dụng, biết gắn với chính sách Nhà nước; nhưng mặt khác cũng là thời gian để học, để chuẩn bị những gì căn cơ, nền tảng nhất cho sự chuyển đổi tương lai, ở chất cao hơn.


Thảo Nguyễn (thực hiện)









Sáng tạo là số một


Người Việt Nam cũng như các doanh nhân Việt Nam, khá thông minh, rất linh hoạt; mưu mẹo là khả năng thích ứng, để vượt qua khó khăn, đạt được những lợi ích nhất định, tuy nhiên thường chỉ ngắn hạn, do vậy sẽ là hạn chế trong cái nhìn dài hạn. Mặt khác, cũng chính vì dễ thích ứng, kiểu gì cũng sống, nên khó sáng tạo.


Trong khi đó, nếu doanh nghiệp muốn thực sự tạo ra những sản phẩm, chất lượng phát triển cùng thời đại, chắc chắn sáng tạo phải là số một. Vậy thì hãy chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn; chuyển cái thích ứng đi kèm sự sáng tạo.


Nền kinh tế càng hội nhập sâu, chúng ta càng tham gia nhiều các hiệp định chất lượng cao hơn, bản thân các hiệp định đòi hỏi cách sống, cách làm việc, cách kinh doanh, cách làm chính sách, cách thực thi phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và điều đó đòi hỏi chất sáng tạo cao hơn, không chỉ là mưu mẹo nữa.







Dịch vụ cho thuê mai Tết tăng giá

Dịch vụ cho thuê mai Tết tăng giá

Dịch vụ cho thuê mai Tết tăng giá


SGTT.VN - Một số doanh nghiệp địa ốc, bảo hiểm, hàng không chi vài chục tới cả trăm triệu đồng thuê mai trưng trong những ngày Tết, dù giá thuê đắt hơn năm ngoái. Vừa chuẩn bị hàng Tết vừa lo tồn kho


Ở vườn mai An Hoài (quận Bình Thạnh), giá cho thuê năm nay tăng 10-20% so với năm ngoái, dao động 5-50 triệu đồng một chậu. Trước đây, cây cao hơn 2m cho thuê khoảng 44 triệu đồng thì nay lên 50 triệu, cây trên 1m đắt thêm 1 triệu đồng. Ông Đức, quản lý ở vườn cho biết, năm nay mai được mùa, cây phát triển tốt, nụ nhiều, cành khỏe mạnh tạo nên những thế đứng đẹp cộng với chi phí chăm sóc, nhân công tăng hơn mọi năm nên dịch vụ này có điều chỉnh lên.










Mai năm nay được mùa nên cành lá sum suê, xanh mướt hứa hẹn nụ đều và cho ra hoa đẹp.. Ảnh: Hồng Châu



Hiện 40 gốc mai nơi đây đã có chủ, phần lớn là công ty, nhà hàng khách sạn cao cấp ở TP HCM đặt cọc trước. Có doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, hàng không chịu chi 35-50 triệu đồng để thuê gốc mai hơn 20 năm tuổi trưng tại trụ sở đơn vị trong những ngày Tết đến xuân về.


Chia sẻ về gốc mai cho thuê giá 50 triệu, ông Đức kể, cây tạo dáng riêng với hàm ý mang lại thịnh vượng, tiền vào như nước cho gia chủ. Cây cao hơn 2m, gốc tròn đều, nhiều nụ, mỗi nụ có khoảng 8-12 cánh và được áp dụng cách chăm sóc đặc biệt mới cho hoa đúng dịp Tết. Tới 15 tháng chạp âm lịch, chủ vườn sẽ tuốt lá và giao cho khách vào ngày 25 tháng chạp.


Còn với những cây cho thuê giá 5 triệu (bonsai nhỏ) thường cao hơn 1m, dễ tạo hình nên đa dạng về thế đứng. Nụ và tán cây thưa hơn những cây giá chục triệu trở lên. Những doanh nghiệp, cửa hàng vừa và nhỏ, thậm chí hộ gia đình thường chuộng thuê loại này.


Tại vườn mai nhà ông Dũng (quận Thủ Đức) cũng đã có hơn 100 gốc được đặt thuê, giá 5-20 triệu đồng. Chi phí chăm sóc tăng hơn 10% nên giá cho thuê nơi đây cũng được điều chỉnh. Nếu năm ngoái cây cho thuê có giá 15 triệu thì nay đắt thêm 5 triệu.










Cây mai này cho thuê giá 50 triệu đồng. Chủ vườn đang canh ngày tuốt lá phù hợp để cây ra hoa đúng dịp Tết. Ảnh: Hồng Châu



“Thời tiết khá ổn định, mai không bị ngập nước hay mưa bão nhiều nên nụ sum suê, cành mơn mởn. Do vậy, số lượng mai nở đúng dịp Tết đạt 80%”, ông Dũng nói. Từ 20 tháng chạp âm lịch, các nhà vườn bắt đầu chuyển cây tới công ty, hộ gia đình. Thời gian thuê khoảng 1 tháng, thông thường khoảng rằm tháng một âm lịch mai được trả về vườn để chăm sóc.


Chủ vườn mai Kim Hoa, phường Linh Đông (quận Thủ Đức) dự định sẽ cung cấp ra thị trường gần 1.000 chậu. Giá cho thuê 5- 60 triệu đồng một cây. Riêng đối với những cá nhân không muốn thuê mà mua hẳn về trưng trong nhà sẽ phải chi thêm 10-40 triệu đồng để sở hữu chúng. “Nếu cây cho thuê giá 60 triệu đồng thì bán ra cho khách hàng 100 triệu đồng”, ông Trung nói. Hiện ở vườn nhà ông Trung 3 gốc mai có giá trên 100 triệu đã được một số công ty lớn tại TP HCM thuê. Điểm chung của những cây này là tạo hình nghệ thuật, gốc cổ thụ, hoa trên 10 cánh và khi nở sẽ vàng rực cả một góc phòng.


Một số chủ vườn nhận chăm sóc hàng vận chuyển đi miền Bắc lo ngại thời tiết rét đậm kéo dài ở miền Bắc có thể khiến mai không kịp nở hoặc nở muộn. Do đó, thương lái dự kiến sẽ mang hàng ra muộn hơn để mai nở đúng Tết. Vì nguồn cung ra miền Bắc không nhiều, mặc khác, đào lại bung nụ sớm nên có thể giá mai ở thị trường miền Bắc sẽ cao hơn miền Nam 10-20%.


Dự đoán về sức mua năm nay, nhiều chủ vườn ước tình hình kinh doanh sẽ sôi động so với năm trước. Nếu năm ngoái vào thời điểm qua Tết dương lịch mới có người đặt hàng thuê mai thì năm nay nhiều công ty tìm tới dịch vụ này từ ngày 20/12.


"Thị trường mai Tết sẽ nhộn nhịp hơn so với mọi năm, có thể ngày 25 tháng chạp âm lịch số lượng mai cho thuê sẽ hết", ông Đức, quản lý vườn mai An Hoài nói.


VnExpress






“Tôi trú ngụ trong bất hạnh”

“Tôi trú ngụ trong bất hạnh”

Nghệ sĩ Lê Thiết Cương:


“Tôi trú ngụ trong bất hạnh”


SGTT.VN - Nghệ sĩ Lê Thiết Cương được xem như một “gương mặt của năm” khi anh hoạt động không ngưng nghỉ trong suốt một năm qua. Không chỉ sáng tạo, anh còn “bày trò” cho các nghệ sĩ khác thực hiện công việc của mình nghiêm túc để có những tác phẩm tử tế.










Một tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thiết Cương.



Thưa anh, 2013 dường như không phải là một năm “yên ổn” vì sự bùng vỡ của các ung nhọt về giá trị xã hội. Nhưng chính trong sự bất ổn đó, người nghệ sĩ vẫn phải tìm được cân bằng để khẳng định cái đẹp, cái thiện vẫn tồn tại. Bản thân anh cảm nhận điều đó ra sao?


Nếu mọi sự đều đã tốt đẹp, đã “yên ổn” đâu vào đó rồi thì hết chuyện, hết phim. Chợt nghĩ, ở “nước Chúa” và “nước Niết Bàn” có lẽ sẽ không có nghệ thuật.


Phải có sinh sự thì sự mới sinh cũng là lẽ thường. Trong cái bất ổn, đổ vỡ, bất an, trong cái thời khủng hoảng lòng tin như hiện nay thì mới có nhiều chuyện cho những người làm nghệ thuật và mới càng cần nghệ thuật. Vì nghệ thuật nào mà không chung một mục đích hướng thiện, hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Tôi luôn nghĩ như vậy và làm nghệ thuật với tâm thế như vậy.


Những tác phẩm của anh, thoạt đầu là câu chuyện rất riêng của Lê Thiết Cương, nhưng ẩn bên trong là lớp lớp tra vấn của người nghệ sĩ về cuộc đời. Tôi thấy “màu” của anh có sự khác lạ, nhất là đối với những tác phẩm gốm mosaic mà anh vừa triển lãm?


Vẫn là công thức muôn thuở, cho dù có viết, có vẽ gì thì vẫn phải thông qua trải nghiệm, và cảm nhận cá nhân. Nhưng ở một tác giả lớn thì câu chuyện cá nhân của nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm phải động được đến câu chuyện chung của mọi người.


Âm dương là một, sinh tử suy đến cùng cũng là một, là như nhất, được mất luôn đắp đổi cho nhau. Nhìn rộng ra thì sẽ thấy cái âm, cái xấu... là động lực tạo ra cái dương, cái tốt. Hội hoạ thì có hình và màu, hình có thể học để vẽ đúng được, màu thì thiên về bản năng, không học được và màu không có sai đúng.


Ước mơ, ham muốn của mình và thực tế cuộc sống không bao giờ trùng khít. Chính ở cái khoảng chênh vênh đó sẽ sinh ra nghệ thuật. Nghệ thuật không “ăn” bơ sữa, ngọt ngào, khoẻ mạnh, hạnh phúc. Thức ăn của nghệ thuật là mất mát, đau khổ, bệnh tật. Tóm lại là bất hạnh. Cho nên tôi trú ngụ trong sự bất hạnh cũng có nghĩa là tôi trú ngụ trong nghệ thuật, và như vậy thì bất hạnh với tôi cũng là một dạng của hạnh phúc.


Tôi mong anh chia sẻ suy nghĩ về một nội lực của chính mình với những dự án, công việc mà anh làm bằng lòng bao dung, chia sẻ chứ không phải chỉ cho bản thân?


Tôi là nghệ sĩ, tôi chỉ biết làm nghệ thuật thôi, trong chữ nghệ thuật đã có chữ chia sẻ rồi. Tôi không chỉ vẽ tranh, tôi làm các dự án nghệ thuật cho các nghệ sĩ trẻ, viết phê bình cho các triển lãm, viết báo phản biện các vấn đề văn hoá.


Thịnh suy là chuyện thường tình, suy cũng hay ở chỗ nó làm người ta bình tâm hơn, chậm lại để nhìn mình rõ hơn, người hiểu đạo thì thời suy là lúc người ta phải biết dưỡng tâm, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn mình bằng đọc sách, bằng xem, bằng nghe... Tất cả những việc đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho thời thịnh sẽ đến.


Hồ Trần






Chương trình khuyến mãi cực lớn “Xuân an khang - đón lộc vàng”

Chương trình khuyến mãi cực lớn “Xuân an khang - đón lộc vàng”

Chương trình khuyến mãi cực lớn “Xuân an khang - đón lộc vàng”


SGTT.VN - Hòa trong không khí rộn ràng của sắc xuân 2014, đón chào một năm mới an khang và thịnh vượng, hệ thống siêu thị nội thất Thanh Dũng Furniture thực hiện chương trình khuyến mãi cực LỚN “Xuân An Khang - Đón lộc vàng” đem đến cho Quý khách hàng những cơ hội mua sắm thú vị, hấp dẫn và tiết kiệm nhất. Chương trình thực hiện với các nội dung như sau:


Thời gian thực hiện: Từ 1/01/2014 đến 25/01/2014


Địa điểm thực hiện: tại tất cả siêu thị và chi nhánh trực thuộc công ty Thanh Dũng Furniture.


Nội dung thực hiện:


- Giảm giá trực tiếp 10%-50% khi mua sắm tại hệ thống siêu thị nội thất Thanh Dũng Furniture.


- Dịch vụ tư vấn và thiết kế nội thất miễn phí.


- Tặng thẻ khách hàng VIP với nhiều quyền lợi và ưu đãi đặc biệt.


- Chương trình Quà tặng mua sắm cuối năm: Tặng bàn trà khi mua bộ ghế Sofa da Italy; Tặng bộ drap giường khi mua bộ phòng ngủ cao cấp


- Chương trình Mua hàng trả góp với lãi suất ưu đãi hấp dẫn và thời gian vay linh hoạt từ Công ty Tài Chính SGVF











Đến với Siêu thị nội thất Thanh Dũng, Quý khách hàng sẽ được tham quan hàng ngàn sản phẩm sang trọng, độc đáo, mới lạ được nhập khẩu trực tiếp từ các nước tiên tiến, như sofa da của Italy, bàn ăn đá của Hongkong, Giường Âu châu… cùng các sản phẩm cao cấp được sản xuất trong nước như salon gỗ quý, giường, tủ, bàn ăn, kệ bếp … Sản phẩm tại Thanh Dũng Furniture luôn đa dạng về mẫu mã, màu sắc, chất liệu…đem đến sự chọn lựa phong phú cho mỗi gia đình. Ngoài ra Quý khách hàng còn được khám phá hệ thống căn hộ mẫu và văn phòng mẫu tại siêu thị Thanh Dũng, như không gian phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp, phòng giải trí…được bố trí và sắp xếp một cách tinh tế theo phong cách đương đại…tạo thành một không gian sống thật ấm cúng và sinh động, đem đến cho Quý khách những trải nghiệm thú vị khi tham quan mua sắm tại đây.


*** Cơ hội lớn trong năm – “Mua tối đa – thưởng hết ga”. Siêu thị nội thất Thanh Dũng Furniture hân hạnh được đón tiếp và phục vụ Quý khách. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ: Phòng chăm sóc khách hàng (08) 3812 1445 hoặc hotline: 0914.132.283


THANH DŨNG FURNITURE – BÌNH THẠNH


384-386 Nơ Trang Long, Phường 13, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM


THANH DŨNG FURNITURE – TÂN BÌNH


467 Cộng Hòa, Phường 15, Q.Tân Bình, Tp.HCM


www.thanhdung.com.vn

































Kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”

Kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”

Kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”


SGTT.VN - Không mặt bằng, rất ít vốn nhưng nhiều bạn trẻ, sinh viên đã biết tận dụng internet, chợ phiên làm công cụ hỗ trợ cho việc kinh doanh của mình. Đặc biệt là trong lĩnh vực đồ thủ công.










Ngọc đang làm album.



Xoay xở khi không vốn


10 giờ sáng, ngồi bên quầy hàng của mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM, anh chàng Bùi Hoàng Tân, 23 tuổi – sinh viên năm cuối đại học Bách khoa đang chăm chú bấm từng lỗ nhỏ, xỏ từng cọng chỉ cho những chiếc ví da cuối cùng mà chúng sắp được trao tay cho vị khách lạ. “Đơn hàng 50 cái ví này em nhận làm từ một chị bán hàng ở Sài Gòn Square, phải giao hàng trong sáng nay. Một tháng chị ấy ghé chỗ em một lần, có mẫu nào em vừa thiết kế mới là chị ấy đặt hàng ngay”, Tân tươi cười nói. Quầy hàng của Tân được bày biện ở một góc trên một căn gác gỗ chừng 12m2, đó vừa là chỗ kinh doanh vừa là chỗ ở của Tân và bốn người bạn.


Ba năm trước, khi trào lưu làm đồ handmade bắt đầu rộ lên, Tân vừa học vừa tự mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm có thể bán được, để kiếm tiền chi trả học phí. “Nhưng thời điểm đó lại không có vốn, nên phải tự kiếm những vật liệu đơn giản nhất, rẻ tiền nhất làm thử rồi rao bán (facebook.com/vuong.shop.2013)”, Tân nói.


Đối với Nhung Ngọc, sinh năm 1990 vừa tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, Ngọc mạnh dạn nhảy vào kinh doanh đồ thủ công. Gian hàng nhỏ xinh của Ngọc thuê lại, được trang hoàng tươm tất với cái tên Fairy Corner, nằm trên lầu 3 trong căn nhà không quá lớn ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Cửa hàng rộng trên 10m2 vừa là nơi bán vừa là nơi sản xuất. Nếu không biết địa chỉ này từ facebook.com/fairycornerdecor, khó có ai nhận ra rằng tại đây có bán những món đồ thủ công.


Kết hợp chợ phiên


Cũng như nhiều bạn trẻ khác, công cụ kinh doanh đầu tiên của Ngọc là trên mạng. Ban đầu ít người biết, nhưng sau khoảng sáu tháng thì số người “like” tăng dần, đơn đặt hàng đến ngày càng nhiều. Đến nay thì trang Facebook của Ngọc đã có 3.700 người like. Ngọc cho biết “Face shop thật sự hiệu quả đối với những người mới khởi nghiệp, ít vốn. Nó cũng là một kênh giúp trao đổi trực tiếp nắm bắt nhu cầu, góp ý của khách hàng thông qua các comment khen chê, bình phẩm…” Để hoạt động hiệu quả, cần phải làm mới thường xuyên, up các sản phẩm mới, viết bài, theo dõi và trả lời khách hàng cả ngày lẫn đêm.


Để hỗ trợ cho nhau, những “tiểu thương” chợ mạng đã bắt tay tổ chức phiên chợ “thật” hàng tháng với mục đích vừa “nuôi lửa” cho nhau, vừa kiếm thêm khách hàng. Chợ ở đây được một người đứng ra điều hành, các tiểu thương muốn tham gia thì đóng hoa chi để đăng ký sạp. “Phiên chợ thật giúp chúng tôi quảng bá được sản phẩm của mình, khách tìm đến sẽ hiểu thêm về sản phẩm qua “tay sờ, mắt thấy”, thay vì chỉ được ngắm sản phẩm”, một tiểu thương tham gia chợ nói. Gần kề đó, An – cô chủ nhỏ của trang facebook.com/doris.nest cho biết: “Đây là năm thứ hai em tham gia chợ phiên Saigon Flea Market (chợ chỉ dành riêng cho những hàng thủ công), phiên chợ diễn ra một ngày duy nhất trong tháng nhưng số lượng hàng bán được một ngày bằng một tháng bán trên mạng”. Giá thuê chỗ bán từ 600.000 – 800.000đ/ngày. Để giành được một sạp ở phiên chợ này, sản phẩm sẽ phải qua khâu kiểm duyệt, đạt được tiêu chí “chất”, mới toanh, không phải hàng nhái, hàng giả, mọi thứ phải được làm bằng tay, tự sáng tạo…


Sản phẩm sáng tạo


Tay chỉ những sản phẩm in những dòng chữ “Không lộn xộn”, “I am single”, “T love mom”, “you made me happy”… được cách điệu trang trí trên áo, túi xách, Tân kể với giọng hài hước: “Đây là những sản phẩm số ít còn sót lại trong vô vàn số lớn sản phẩm bán ra. Trên dưới 20.000 cái logo đủ loại màu sắc, hình thù như thế này đã được bỏ sỉ trong vòng ba năm qua”. Với Tân, những túi xách bằng vải bố được thiết kế nhiều kiểu, hoạ tiết, kích cỡ khác nhau chỉ nhằm phong phú thêm cho quầy hàng. Sản phẩm da vẫn là vật liệu chính Tân chọn để tạo thương hiệu riêng cho mình với những sản phẩm như ví, bao điện thoại, iPad, túi xách đủ loại kích cỡ...


Hầu hết sản phẩm thủ công là đáp ứng nhu cầu trang trí, thích hàng “độc” hoặc làm quà tặng cho bạn bè của những người yêu nghệ thuật. Khác với Tân, “bà chủ” Ngọc, chỉ tập trung vào sản phẩm làm từ giấy như album ảnh, sổ tay, bookmark (những tấm kẹp sách). Nhờ có phong cách riêng mà những album của Ngọc có giá bán từ 600.000 – 1.500.000đ vẫn có khách hàng tìm đến.


“Sản phẩm của em lấy công làm lời. Một quyển album có khi làm cả ngày vẫn chưa xong.


Khách chủ yếu trên mạng và khách mua sỉ. Hiện cũng có nhiều cửa hàng lớn đặt hàng nên hầu như em sản xuất không kịp”, Ngọc tiết lộ.


Các “doanh nhân” đều có chung nhận định: dù hiện tại cạnh tranh không lớn, nhưng nếu không sáng tạo liên tục, sẽ mất khách. Bên cạnh lợi nhuận là những nhận xét của khách hàng như “ôi, thích quá, mua thêm cái nữa…” cũng tạo thêm động lực cho họ sáng tạo.


bài và ảnh: Ngọc Hoài






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ