Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Xốt chanh - món phụ không phụ món chính

Xốt chanh - món phụ không phụ món chính

Món ngon SGTT chấm


Xốt chanh - món phụ không phụ món chính


SGTT.VN - Muôn thuở, nước chấm là người tình của món ăn. Chuyện này các đầu bếp Âu rành hơn ta. Thú vị ở chỗ, có ngoại lệ.


Các món nước chấm Việt đôi khi cầu kỳ hơn cả xốt tây. Thiếu nó, phần xác (món ăn chính) trở nên chơi vơi, trơ trọi. Và bạn có tin, một đầu bếp chốn kinh đô ánh sáng Pháp vui vẻ móc 1.000 đô hậu tạ, sau khi thọ giáo cách làm vài muỗng nước xốt chanh theo khẩu vị Á châu?


Còn nhớ, cố đầu bếp tài hoa Bảy Hồng, từng làm “kiềng mặt” bà thầy “đầm”, với mẹo xả đông thịt nhanh vẫn đảm bảo giữ nguyên hương vị. Và bàn tay David Thái thoăn thoắt trong trò chơi ngũ giác, ở game show Siêu đầu bếp, phiên bản Việt. Dường như, họ đang góp phần nâng tầm vóc nhỏ thó của con dân da vàng, thêm phần cao lớn hơn.


Hớp hồn!


“Xít- pê - xi - an! - Thật đặc biệt! Nó vừa quen vừa lạ”, đôi mắt xanh nhạt của đầu bếp Jean Claude lấp lánh, ở quán 48 Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM. Miệng ông chấp chấp liên tục từng giọt xốt chanh.










Chua nhưng không xót, ngọt mà không át.



Nên nhớ, kỹ nghệ chế biến nước xốt của Pháp, từng được nhiều đầu bếp lừng danh thế giới thán phục. Thế mà, có vị đầu bếp tây, gật gù khen một loại xốt chanh của ta. Thật bất ngờ!


Mùi chanh thanh thoát tỏa ra từng chập. Nó làm cho những chiếc lưỡi bén nhạy cùng những cái đầu mẫn cảm nghĩ ngay đến độ chua khó cưỡng. Vị chua có thể sai khiến cơn thèm ăn ập đến lập tức, mạnh tựa siêu bão cấp 14. Còn người... hứng bão, với tâm thế vô cùng sảng khoái, do lượng tinh dầu chanh luôn lởn vởn trước mũi.


Đó là sự khác biệt của chanh ta. Xốt chanh vàng châu Âu chỉ bắt mắt, nhờ lượng nước cốt màu vàng cam, chứ không thơm bằng.


Mùi luôn song hành cùng vị. Ở đây, chủ đạo của loại nước xốt vừa kể là vị chua ngọt. Mặc dù vậy, độ chua không phải đơn chất, nhằm tránh độ gắt và không để quá trớn, khiến người ăn cảm giác ê răng, xót ruột. Để khống chế chua... độc quyền, người đầu bếp đã âm thầm pha vào ít trái tắc chín mọng, nguyên vỏ. Nhờ vậy, nhịp sau của chua chanh sẽ là các vị tiếp nối: nồng the, đắng nhẹ, nhằm trợ tiêu; lẫn tạo bước đệm đan xen hương vị - tạo cảm giác mới lạ cho thần khẩu.


Cấp độ ngọt cũng thế. Trong ngọt vẫn có chút vị mặn, để không tiếp tay cho các chứng béo phì, dư đạm... có cơ hội hoành hành. Cũng không phải chất ngọt lạt của đường tinh luyện, mà là ngọt thâm trầm của mật ong. Một loại đường thô, được kết tinh từ sự sung mãn của bao hoa cỏ đang chấp chới dưới nắng vàng, với tinh thần miệt mài lao động của những chú ong nhỏ nhoi. Tất nhiên, ấy là nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.


Khi một thức nước chấm hội đủ ngũ vị, có sức lôi cuốn mãnh liệt và dinh dưỡng cao thì món chính đôi khi trở thành món phụ.


Song vấn đề nào cũng có hai mặt, căn bản, món phụ luôn lụy món chính. Do vậy, thầy bếp phải đạo diễn sao cho khéo - cả một nghệ thuật lẫn công phu.


Uyển chuyển


Anh Lý Anh Tú, bếp trưởng kiêm chủ quán 48, ở Q.1, TP.HCM bật mí rằng, phải khống chế độ chua của nước xốt không quá 3%. Muốn vậy, chỉ có cách dùng nước sạch đun sôi, để âm ấm mới pha. Và tốt hơn hết, cần lựa những trái chanh già, để được nhiều nước và cho mùi vị... trung thực.










Xốt chanh làm thanh tao cho cá hồi, dù nguội, trong món bít-tết.



Mặt khác, thường độ ngọt của các loại nguyên liệu trong món chính lại không giống nhau. Ví dụ, tôm cua ngọt khác thịt bò. Cho nên, đầu bếp phải phối chế sao cho chén nước chấm và món chính đạt độ “kết dính” hài hòa, chặt như sam.


Đơn cử, nước xốt chanh kèm dĩa bít - tết cá hồi Canada sẽ trội ngọt. Còn với món bít-tết bò Úc thì hơi chua hơn.


Đồng thời, cũng như một họa sĩ thạo nghề, anh ta luôn bố cục sao cho chủ thể luôn nổi bật hơn bối cảnh. Ở đây, dù thành phần nước xốt có biến hóa, song không thể át đi hương vị tự nhiên của cá hoặc thịt. Bằng chứng, miếng thịt cá hồi vẫn hồng đào, ngọt - béo đặc trưng. Hoặc miếng thăn bò mềm dẻo, thoảng nhẹ mùi sữa. Những biến hóa đẳng cấp này, người viết may mắn trải nghiệm.


Còn một mẹo linh nghiệm khác, về thứ nước xốt quyến dụ cùng năm tháng ở đây là độ sánh. Tỷ như cùng là thịt, nhưng món bồ câu quay vàng luôn kém độ ngọt tự nhiên hơn miếng thăn bò Mỹ đẫy đà. Gọi nôm na, món thịt đầu khô hơn. Gặp đầu bếp từng trải, họ sẽ pha nước xốt loãng hơn cho món bồ câu. Loãng để bù trừ và không phá vỡ nguyên tắc vàng: lượng có vẻ đổi nhưng chất không hề thay đổi.


Chưa kể, cấu thành: đạm, đường (tinh bột), rau xanh phải cân đối trong món ăn, phù hợp với thể trạng người Việt. Kiến thức này, các bếp ta thường thiếu. Bởi vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi nghe đầu bếp Tú chia sẻ: “Cách giải nghiệp tốt nhất của tôi là cố chế biến những món thật ngon, có lợi cho sức khỏe. Cho nên, món chính hay phụ đều quan trọng như nhau!”








Địa chỉ có món ngon: 48 Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM

Bài, ảnh: Tấn Tới






Tản mạn kiến trúc và âm nhạc

Tản mạn kiến trúc và âm nhạc

Tản mạn kiến trúc và âm nhạc










































Nhà quy hoạch, kiến trúc sư Le Corbusier (1887 – 1965) cây đại thụ của nền kiến trúc hiện đại thế giới đã nói: "Âm nhạc là sự sắp xếp những khoảng lặng, còn kiến trúc là sự sắp xếp những khoảng trống".



SGTT.VN - Kiến trúc và âm nhạc là hai loại hình nghệ thuật có mặt trong bảy môn nghệ thuật kinh điển và ra đời từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Tưởng chừng như rất khác nhau, nhưng kiến trúc và âm nhạc lại có những mối liên hệ, những điểm tương đồng. Nhân ngày Âm nhạc Việt Nam 3.9, tạp chí KT&ĐS xin giới thiệu bài viết của KTS Nguyễn Trần Đức Anh, như một sự chia sẻ nghề nghiệp thú vị về hai loại hình nghệ thuật này.


Âm nhạc và kiến trúc, khác biệt và tương đồng


Đã có nhiều sự nhận định, so sánh về sự tương đồng giữa hai loại hình nghệ thuật âm nhạc và kiến trúc. Xét về phương diện lịch sử thì hai loại hình này ra đời từ rất sớm và tồn tại độc lập, không có mối quan hệ như những môn nghệ thuật trong cùng nhóm. Trong danh mục sáu môn nghệ thuật từ xa xưa, âm nhạc đứng trong nhóm thứ nhất – nhóm nghệ thuật động, gồm: nhạc – vũ – kịch (sân khấu). Kiến trúc đứng trong nhóm thứ hai – nhóm nghệ thuật tĩnh, gồm: hội hoạ – điêu khắc – kiến trúc. Sau này nhân loại bổ sung thêm điện ảnh (nghệ thuật thứ bảy, nhiếp ảnh (nghệ thuật thứ tám). Bản thân những sự phân định này chỉ là tương đối và có nhiều quan điểm khác nhau.


Nhóm nghệ thuật thứ nhất – nhóm động – là các môn nghệ thuật về thời gian (có tính phi vật thể), còn nhóm thứ hai – nhóm tĩnh – là các môn nghệ thuật về không gian (có tính vật thể). Tất cả những môn nghệ thuật này đã có rất nhiều thay đổi từ thuở sơ khai cho tới bây giờ, kiến trúc và âm nhạc cũng vậy. Kiến trúc hiện gần với công nghệ, khoa học kỹ thuật hơn, song không thể phủ nhận nó xuất phát từ một loại hình nghệ thuật và không bao giờ mất tính nghệ thuật trong đó. Mặc dù nằm trong hai nhóm khác nhau, nhưng kiến trúc và âm nhạc lại có những điểm tương đồng. Nhà quy hoạch, KTS Le Corbusier (1887 – 1965) – cây đại thụ của nền kiến trúc hiện đại thế giới đã nói: “Âm nhạc là sự sắp xếp những khoảng lặng, còn kiến trúc là sự sắp xếp những khoảng trống”. Ở Việt Nam, nhạc sĩ, KTS Hoàng Phúc Thắng (1951 – 2008) thì cho rằng: “Kiến trúc và âm nhạc là hai loại hình nghệ thuật có nhiều điểm tương đồng. Giữa những khoảng trống của kiến trúc ta có thể cảm nhận được nhịp điệu, giai điệu, tiết tấu; còn giữa những khoảng im lặng của âm nhạc ta có thể nhìn ra hình khối, đường nét, màu sắc”.


Và như vậy thì trong âm nhạc có không gian, trong kiến trúc có thời gian. Xét về tính logic chuyên môn, điều đó hoàn toàn đúng! Âm nhạc có thể “vẽ” nên không gian và kể những câu chuyện bằng âm thanh trong đó; và kiến trúc cũng diễn tả được thời gian bằng không gian của nó, cũng như mang những giá trị của thời gian khi tồn tại. Không cần là nhạc sĩ hay người được đào tạo âm nhạc chuyên sâu, người nghe với vốn văn hoá nhất định và sự nhạy cảm tâm hồn có thể thấy rất rõ những không gian trong tác phẩm âm nhạc. Có thể lấy ví dụ như khung cảnh cuộc chiến dữ dội và bi thương trong bản Asturias (tác giả: Isaac Albéniz), sự rộn ràng của một phiên chợ trong đoạn đầu tác phẩm Phiên chợ Ba Tư (tác giả: Albert William Ketèlbey), hay không gian mênh mang của dòng sông và những con sóng trong tác phẩm Sóng Đa-nuýp (tác giả: Iosif Ivanovici)… Với kiến trúc, người ta có thể thấy sự sâu thẳm của thời gian trước kim tự tháp Ai Cập, hay một nhịp sống hối hả trong đô thị với những toà nhà cao vút xen nhau.


Tất nhiên mỗi người đều có thể có cảm nhận và sự liên tưởng khác nhau trước những hình tượng nghệ thuật. Điều đó cũng giống như sự đa nghĩa trong tạo hình tác phẩm Nhà thờ Ronchamp của KTS Le Corbusier. Và những cảm nhận cùng sự đa nghĩa ấy cũng thay đổi theo thời gian…


Khi kiến trúc sư chơi nhạc, viết nhạc


Sáng tác kiến trúc là một công việc khó, nhưng sản phẩm kiến trúc lại cụ thể, có thể nhìn thấy, sờ thấy; còn âm nhạc thì trừu tượng hơn, chỉ có thể nghe và cảm nhận. Sáng tác kiến trúc có những dữ liệu cụ thể; đó là diện tích xây dựng, chiều cao công trình, yêu cầu công năng… còn dữ liệu cho sáng tác âm nhạc lại vô cùng mông lung. Tuy nhiên, trong lý thuyết sáng tác của cả hai lại có những thủ pháp nghệ thuật tương đồng như: cân bằng, tương phản, nhịp điệu, tiết tấu, nhấn nhá, cao trào… Kiến trúc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, luật pháp, định tính về văn hoá xã hội, định lượng về nhân trắc… còn âm nhạc phải tuân thủ về điệu thức, nhịp, giọng… Trong mỗi thể loại của công trình kiến trúc có những yêu cầu riêng về kết cấu, cấu tạo, công năng, thẩm mỹ…; còn trong mỗi thể loại tác phẩm âm nhạc cũng có yêu cầu cụ thể về cấu trúc, nội dung, nhạc khí… Cả hai đều có sự chuẩn mực và tính khoa học rất cao. Một công trình kiến trúc phải có đồ án thiết kế, rồi thi công mới trở thành kiến trúc đúng nghĩa; một tác phẩm âm nhạc được viết ra (trên giấy) cũng phải được trình tấu (dàn dựng khoa học, công phu) mới là tác phẩm âm nhạc hoàn thiện.


Đó là những điểm tương đồng mà phần nào lý giải cho sự quan tâm và đam mê, thậm chí dấn thân vào âm nhạc của nhiều kiến trúc sư. Và phải chăng chính vì những sự tương đồng ấy mà người làm kiến trúc dễ dàng tiếp cận và cảm nhận âm nhạc hơn? Dù không ai thống kê nhưng chắc chắn số kiến trúc sư có sáng tác âm nhạc không phải là ít. Có nhạc sĩ đã nhận định rằng: kiến trúc sư viết nhạc cấu trúc rất chặt chẽ, hoàn chỉnh và luôn ẩn chứa không gian trong đó. Có lẽ đó là một ảnh hưởng qua lại của nghề nghiệp?! Về điều này phải nói thêm rằng có nhiều bài hát, tác phẩm âm nhạc không có không gian (hay tác giả – nhạc sĩ không dựng được?). Trong nhiều kiến trúc sư chơi nhạc, viết nhạc có thể thấy hai tác giả kiến trúc sư – nhạc sĩ trong giới chúng ta ghi được những dấu ấn, những không gian của riêng mình. Đó là cố KTS Hoàng Phúc Thắng với những bài ca về Hà Nội, những không gian của Hà Nội; ở đó có Hồ Gươm, có sông Hồng, có phố phường, có chiều dài lịch sử ngàn năm… Hoàng Phúc Thắng đã đưa không gian kiến trúc và cả lịch sử vào tác phẩm âm nhạc với cái nhìn của một nhà quy hoạch, nhà văn hoá. Các tác phẩm của anh thực sự đi vào lòng người và vượt qua thử thách của thời gian, như: truyền thuyết Hồ Gươm, Im lặng sông Hồng, Khi bước đi trên đường phố xưa, Hà Nội đêm mùa đông…










Không khó để có thể nhận thấy rằng bản giao hưởng đô thị của chúng ta đang hỗn loạn – hỗn loạn trên nhiều phương diện. Cấu trúc và tiến trình lỏng lẻo, rời rạc, không có sự kết nối logic, ý nghĩa.



Bản giao hưởng đô thị


Có điểm nào tương quan giữa tạo hình kiến trúc và “tạo hình” trong âm nhạc không? Hay ví dụ khác để cụ thể và hữu hình hơn là so sánh một tổ hợp kiến trúc (tuyến phố hay nhóm công trình chẳng hạn) với một khuông nhạc/ bản nhạc cùng những nốt nhạc trên đó. Nếu như quy đổi độ cao của công trình kiến trúc tương đương với cao độ nốt nhạc và độ rộng/độ lớn chiều ngang là trường độ, những khoảng trống là những dấu lặng… thì ta được kết quả gì? Nếu như lấy dãy phố đẹp chuyển sang bản nhạc thì có được một giai điệu hay? Nếu lấy bản nhạc hay xây thành dãy phố thì có một dãy phố đẹp? Điều đó khó thuyết phục nhưng không phải là không có lý.


Không khó để có thể nhận thấy rằng bản giao hưởng đô thị của chúng ta đang hỗn loạn – hỗn loạn trên nhiều phương diện. Cấu trúc và tiến trình lỏng lẻo, rời rạc, không có sự kết nối logic, ý nghĩa; từng chương đoạn lắp ghép khiên cưỡng, thậm chí thô thiển; các nhạc khí không đầy đủ và chất lượng không đồng đều, nhưng lại có cả những nhạc khí tạp nham không phải của dàn nhạc giao hưởng; các nhạc công chơi tự do, bất quy tắc, không nhìn bản nhạc và cũng không tuân theo chỉ huy…


Trong cuộc đời làm âm nhạc, không phải nhà sáng tác, nhạc sĩ nào cũng viết giao hưởng, điều đó phụ thuộc vào tài năng, trình độ, cảm hứng và môi trường hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên nếu đủ trình độ và nếu muốn, nhạc sĩ có thể viết giao hưởng độc lập mà không lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Còn với kiến trúc sư, rất hiếm người có thể, có cơ hội làm “giao hưởng đô thị”, kể cả khi có trình độ và năng lực tương đương. Tuy vậy, điểm giống nhau ở chỗ là từ một bản giao hưởng hay một bản quy hoạch đô thị trên giấy, cho đến hiện thực – tác phẩm hoàn thiện là một khoảng cách rất xa. Có nhiều nhạc sĩ viết giao hưởng nhưng cũng… chỉ để đấy vì không đủ khả năng, điều kiện để dàn dựng tác phẩm. Giới phê bình âm nhạc hàn lâm luôn than thở về việc khí nhạc, giao hưởng lép vế trước ca khúc thị trường. Ở phía kiến trúc sư tình hình cũng không sáng sủa hơn khi rất nhiều người cũng không mặn mà lắm với những thể loại hoành tráng như “concerto”, “hợp xướng”, “giao hưởng”, để viết… “ca khúc nhà dân” cho dễ thở, dễ sống.


Hình như đó cũng là một điểm tương đồng giữa âm nhạc và kiến trúc trong bối cảnh hiện nay. Và liệu có lối thoát hay sự bứt phá nào cho “bản giao hưởng đô thị”?


KTS Nguyễn Trần Đức Anh






Ba dự án của Việt Nam loạt vào chung kết Taiwan Excellence Cares

Ba dự án của Việt Nam loạt vào chung kết Taiwan Excellence Cares

Ba dự án của Việt Nam loạt vào chung kết Taiwan Excellence Cares


SGTT.VN - Chiều ngày 4.9, ban tổ chức chiến dịch Taiwan Excellence Cares đã tổng kết giai đoạn 2 và công bố ba dự án của Việt Nam lọt vào vòng chung kết, sẽ diễn ra tại Đài Bắc và đầu tháng 10.











Theo đó, sau 400 ngàn lượt bình chọn, các dự án Vì một nụ cười trẻ thơ (triển khai tại mái ấm Mai Tâm dành cho những trẻ em bị nhiễm HIV) của ứng viên Nguyễn Thị Xuân Na, Một tầm nhìn rộng mở (triển khai tại bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng) của ứng viên Nguyễn Thị Xuân và dự án dạy nghề hường nghiệp cho trẻ em tại làng trẻ SOS Hà Nội của ứng viên Phạm Thanh Hiếu đã được vinh danh là 3 dự án xuất sắc nhất (ảnh).


Ngoài việc mỗi tác giả dự án sẽ nhận giải thưởng tiền mặt là 2.000 USD và một chuyến du lịch tới Đài Bắc thì các dự án sẽ bước vào vòng chung kết mang tên Thể hiện tình thương yêu, được hỗ trợ và giám sát bởi Taiwan Excellence.


Taiwan Excellence Cares là hoạt động xã hội mang tính cộng đồng đầu tiên do cục Ngoại thương Đài Loan (BOFT) tổ chức và được Hội đồng xúc tiến ngoại thương Đài Loan (TAITRA) thực hiện đồng thời trên các quốc gia Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.


Chiến dịch Taiwan Excellence 2013 phát động tại Việt Nam vào trung tuần tháng 6. Trong đó, giai đoạn 1 của chiến dịch mang tên Kết nối tình yêu thương, khuyến khích mọi người đăng ký tham gia hoạt động để nâng cao số tiền đóng góp cho World Vision và tổng số tiền gần 10 ngàn USD sẽ được tài trợ cho thị trường Việt Nam.


Giai đoạn 2 với tên gọi Bình chọn tình yêu thương sẽ mời 20 ứng viên với số điểm từ thiện cao nhất cùng xây dựng đề án mang sáng kiến từ thiện với các sản phẩm máy tính xách tay, máy tính bảng, đồ gia dụng (trị giá 10 ngàn USD của Taiwan Excellence). Những dự án này sau đó được công khai bình chọn trên trang web của chương trình và chia sẻ thông qua các mạng xã hội…


T.Dũng






Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp khai giảng năm học mới

Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp khai giảng năm học mới

Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp khai giảng năm học mới


Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước thân mến!


Nhân dịp khai giảng năm học mới 2013 - 2014 và ngày“Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.










Học sinh TP.HCM trong ngày khai giảng năm học. Ảnh: Nh.T



Năm học 2012 - 2013, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên trong cả nước đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy, học tập và rèn luyện; đặc biệt có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thầy giáo, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu; các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo đã vượt khó vươn lên trong học tập; nhiều em học sinh giỏi đạt các giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực làm rạng danh cho thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua.


Năm học 2013 - 2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học.


Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, ngành giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên ghi nhớ và thực hiện tốt lời của Bác Hồ trong thư gửi các cán bộ, thầy cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm mới, tháng 10.1968: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó, các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”; “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.


Chúc các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.


Chào thân ái!


Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang






Khai thác ứng dụng định vị của smartphone

Khai thác ứng dụng định vị của smartphone

Khai thác ứng dụng định vị của smartphone


SGTT.VN - Nhiều nhà kinh doanh dịch vụ đã tận dụng tính năng định vị bản đồ dựa trên kết nối mạng wifi hoặc 3G để khai thác những dịch vụ trong đời sống hằng ngày như: kết bạn, ăn uống, mua sắm…










Không đơn thuần là smartphone chụp ảnh, với tính năng khai thác định vị, điện thoại sẽ phát hiện ra người dùng thông qua giới tính, độ tuổi, khoảng cách địa lý và dễ dàng xem thông tin hình ảnh cá nhân của họ để lựa chọn kết bạn.



Dùng điện thoại khai thác vị trí


Ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí của Zalo đã nhanh chóng đạt được 3 triệu lượt người đăng ký sử dụng trong khoảng tám tháng ra mắt. Một phần dựa vào một tính năng độc đáo mà các ứng dụng khác như Viber, Line, KakaoTalk… không thể áp dụng để cạnh tranh chính là tìm bạn quanh đây. Đây là một tính năng cho phép người dùng dò tìm những người khác đang dùng Zalo xung quanh phạm vi dùng điện thoại. Dựa vào đó có thể quét ra giới tính, độ tuổi, khoảng cách địa lý, hình ảnh... và từ đó đưa ra các quyết định giao lưu kết bạn. Còn đối với ẩm thực, ứng dụng Foody cũng tự động kích hoạt định vị để xác định những quán ăn, nhà hàng, càphê… xung quanh và cho phép người dùng xem những đánh giá của những người khác về chất lượng, giá cả... Và dự kiến cuối năm 2013, công ty Terra Motors (Nhật Bản) sẽ tung ra thị trường Việt Nam dòng xe tay ga điện A4000i có hộc cắm iPhone ngay vị trí đồng hồ báo kilômét, dùng định vị để hướng dẫn đường đi và tìm địa chỉ ẩm thực. Vậy điện thoại sẽ khai thác vị trí của người dùng từ đó đưa ra những tiện ích và dịch vụ phục vụ cho đời sống.


Tăng hiệu quả kinh doanh


Chẳng hạn với Zalo, tính năng tìm bạn quanh đây có thể được xem là một bước can thiệp nhẹ vào đời tư cá nhân, điều mà những ứng dụng khác như Viber, Line, Kakaotalk… không thể, bởi họ là những ứng dụng quốc tế, chịu sự ràng buộc bởi những quy định về khai thác vị trí và quyền riêng tư. Còn đối với người dùng trong nước, yếu tố này chưa bị ràng buộc do vậy những người dùng khác đã tận dụng Zalo để trở thành kênh kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn hoặc mở rộng mối quan hệ. Khảo sát thử nghiệm ở nhiều khu vực khác nhau ở TP.HCM: Q.5, Q.3, Q.1, Q.10… khi dùng tính năng tìm bạn quanh đây dễ dàng nhận thấy nhiều người đang dùng Zalo để kinh doanh các mặt hàng: đồ lưu niệm tự tạo, các loại bánh, socola tự làm; các loại quần áo thời trang... theo kiểu mua đi bán lại. Tất nhiên, đối với những người đang dùng tính năng quét vị trí sẽ dễ dàng đọc được những thông tin dạng này và có thể xem được tất cả những thông tin, hình ảnh của người rao.


Cụ thể như với các loại ẩm thực, quần áo thời trang với vài trăm bộ ảnh sản phẩm được người dùng tự chụp và tự cập nhật. Bà Uyên Uyên (28 tuổi) – người kinh doanh thời trang trên Zalo chia sẻ: “Việc dùng Zalo để cập nhật hình ảnh và thông tin sản phẩm có một lợi thế lớn là không cần tạo trang web tốn chi phí, đầu tiên chỉ cần lấy điện thoại chụp sản phẩm, nhanh chóng cập nhật trên trang cá nhân trong Zalo. Kế đến chụp thêm một tấm ảnh đủ sức khiêu khích nhằm thu hút mọi giới, rồi nhấn hàng loạt kết bạn với mọi người xung quanh. Và khách hàng sẽ tự động tìm đến mình”. Với công thức này, bà Uyên Uyên đã sử dụng Zalo trong vòng ba tháng cập nhật hơn 600 ảnh sản phẩm thời trang như đồng hồ, mắt kiếng, quần áo… sức tiêu thụ nhanh, doanh thu tăng hơn 80% so với việc mở cửa hàng buôn bán.


Còn với Foody thì không dừng lại ở việc dò tìm những địa chỉ ẩm thực xung quanh mà còn là kênh truyền thông ẩm thực theo dạng C to C (Custumer to Custumer). Bởi người này sẽ chỉ ra quán mới, ngon lạ và đánh giá rồi người khác đi kiểm định và đưa ra những thang điểm theo ý kiến cá nhân. Thế là một thế giới ẩm thực độc – lạ được nhiều người chung tay xây dựng với nhiều địa chỉ quán ăn ở cả hang cùng, ngõ hẻm mà ít người biết đến. Tất nhiên cũng sẽ có không ít nhà hàng nổi tiếng bị cho “ăn gạch” hoặc “ném đá” không thương tiếc bởi cách phục vụ hoặc giá cả gây khó chịu… với những bằng chứng bằng hình ảnh: quăng rác đầy nhà, côn trùng trong thực phẩm hoặc quần áo nhân viên xộc xệch…


Và những mặt trái


Khi định vị không kiểm soát thì kéo theo nhiều điều tiêu cực. Đáng sợ hơn chính là những cô gái làng chơi cũng đã bắt đầu tiếp cận kênh này qua việc chụp hình khoe thân thể hoặc đang trong nhiều tư thế gợi dục... tung lên để tìm “bạn”.


Còn với Foody cũng đã và đang trở thành một kênh khai thác quảng cáo không chính thống dựa trên nhiều mối quan hệ. Chẳng hạn một công ty quảng cáo nhận gói hợp đồng vài chục triệu đồng để làm quảng cáo hình ảnh của nhà hàng, quán ăn. Thay vì họ chọn kênh chính thống như báo chí, tạp chí hoặc báo mạng… thì lại tuyển dụng những cộng tác viên là sinh viên, học sinh với giá vài trăm ngàn đồng, kế đến sử dụng các điện thoại truy cập ứng dụng tại các địa chỉ ẩm thực để đưa ra những bình luận về chất lượng, giá cả không khách quan và lựa chọn của người dùng lại bị ảnh hưởng lây. Người hưởng lợi là chủ doanh nghiệp ẩm thực và công ty quảng cáo.


Nguyệt Minh






Lên xuống cầu thang thấy kiệt sức, bệnh gì?

Lên xuống cầu thang thấy kiệt sức, bệnh gì?

Lên xuống cầu thang thấy kiệt sức, bệnh gì?


“Tôi đi khám định kỳ được bác sĩ nói có dấu hiệu bị bệnh mạch vành. Gần đây khi lên xuống cầu thang tôi thấy kiệt sức, người thường xuyên mệt mỏi, khó thở, không làm được việc nặng… Xin hỏi tình trạng tôi như vậy là biểu hiện của bệnh gì?”


Hữu Lâm (nguyenhuulam65@...)


GS.TS.BS Phạm Gia Khải, chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam: Bạn đã chụp mạch vành chưa, bạn có bị cao huyết áp không? Bạn nên cung cấp thêm thông tin để chẩn đoán chính xác hơn. Các dấu hiệu khó thở, leo thang kiệt sức là dấu hiệu suy tim. Kết hợp các yếu tố bệnh mạch vành, khó thở, gắng sức khi mệt – chắc chắn bạn bị suy tim.


Bạn nhất thiết phải chụp mạch vành để xem mạch vành có tổn thương không, mới có chẩn đoán và cách điều trị phù hợp.






Có nên nghe nhạc trong lúc đi bộ?

Có nên nghe nhạc trong lúc đi bộ?

Có nên nghe nhạc trong lúc đi bộ?


“Tôi 50 tuổi, có thói quen đi bộ trong công viên để tập thể dục, mỗi lần đi khoảng 40 phút, ngày hai buổi. Mới đây con trai tôi tặng cho máy nghe nhạc mini, bảo đeo khi đi bộ sẽ lâu mệt. Xin hỏi nếu vừa đi bộ vừa nghe nhạc có nên không? Tôi có bệnh tăng huyết áp và tăng lipid máu…”


Lan Hương (TP.HCM)


BS Tô Minh Châu, hội Y học thể thao TP.HCM: Nghe nhạc cùng với tập thể thao giúp đầu óc sảng khoái, tăng sự hồi phục cho hệ tim mạch. Người tập đi bộ và nghe nhạc có khuynh hướng luyện tập siêng năng, đều đặn hơn. Mức độ tập của bạn vào khoảng 100 – 120 bước/phút, do đó bạn có thể chọn loại nhạc có nhịp độ tương ứng với bước đi.


Tình trạng tăng huyết áp kết hợp tăng lipid máu của bạn nếu không bị các bệnh ảnh hưởng đến vận động như đau khớp, đau thắt ngực, suy tĩnh mạch hạ chi... thì nên chọn đi bộ vì đơn giản và dễ tập. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cường độ luyện tập vì quá ít hay quá nhiều đều không có lợi. Nếu muốn đi bộ 40 phút hai buổi mỗi ngày thì bạn chỉ nên đi 2 – 3km mỗi buổi, dựa trên mức độ chuyển hóa năng lượng trung bình. Đồng thời bạn nhớ kiểm soát nhịp tim vào khoảng 40 – 50% nhịp tim tối đa (bằng 220 trừ số tuổi của nữ hoặc 210 trừ số tuổi của nam). Ví dụ bạn 50 tuổi, nhịp tim khi tập đi bộ cần duy trì 68 – 85 nhịp/phút. Cách dễ nhất là bạn đếm nhịp đập mạch cổ tay trong sáu giây rồi thêm số không vào là có nhịp tim trong một phút, từ đó điều chỉnh tốc độ cho phù hợp. Bạn cũng nhớ đo lại huyết áp sau khi tập để chắc chắn không bị tăng quá cao.






Chuyện xóm Chì ngày ấy, bây giờ...

Chuyện xóm Chì ngày ấy, bây giờ...

Chuyện xóm Chì ngày ấy, bây giờ...


SGTT.VN - Đã gần năm nay, vợ chồng Cường không còn lặn ngụp ở dòng kênh Đôi hay những con kênh khác. Cả hai lên bờ đi quét rác mướn và phụ hồ. Những lúc vật vã với con đường mưu sinh, hai vợ chồng lại ước ao, giá còn chiếc xuồng nhỏ để tiếp tục mò chì thì...










Đời sống xóm Chì những năm trước, thợ mò lặn một hơi thật dài dưới dòng nước đen, cào đất đá vô rổ. Hy vọng hình ảnh này không trở lại với những con người này. Ảnh: Phan Quang



Kiếm sống đáy kênh


Trước đây, tình cờ ghé ngang xóm Chì, một cảnh tượng nhộn nhịp vào khi nước ròng. Trai gái, già trẻ quây quần quanh năm bảy chiếc xuồng lặn ngụp, đào đãi dọc một đoạn kênh. Thanh niên trai tráng, hơi lặn dài bơi ra giữa dòng, phụ nữ hoặc kẻ yếu hơn, mon men trong bờ. Thứ đào đãi lên trông giống như sạn và nặng, được gọi là xỉ chì. Mặc kệ bao mùi xú uế từ dòng kênh ô nhiễm, ai cũng tất bật vì con nước chỉ ròng vài ba tiếng đồng hồ.


Đối diện chợ Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP.HCM, xóm Chì nằm chênh vênh sát kênh Đôi, nơi đây có nghề nấu chì và khoảng gần hai chục năm có thêm nghề mò chì, đãi chì. Ngày xưa, từ thời Sài Gòn cũ đến sau này, đây là nơi người ta gom bình ắcquy phế thải về gỡ chì nấu lại. Sau khi lấy chì, phần xỉ họ đổ luôn xuống kênh. Dần dà, hàng ngàn tấn xỉ dưới lòng kênh bỗng trở thành mỏ khi ai đó nghĩ ra cách mò lại phần đổ đi, mang lên nấu tiếp, kiếm chút chì sót. Chừng đâu chục năm trước, cạnh xóm chì xuất hiện vựa mua xỉ chì. Ban đầu giá chỉ vài trăm đồng một ký, sau đó vựa khác cạnh tranh, có lúc xỉ lên tới 1.500 đồng/ký. Dân mò hỏi mua làm chi, vựa nói bán cho Trung Quốc làm pháo.


Cường là dân Sài Gòn gốc, nhà ở khu Bình Hưng, 13 năm trước, lấy vợ và ở rể tại xóm Chì, cả hai mù chữ, vợ hơn chút đỉnh: biết viết tên mình. Nay 32 tuổi, ba mặt con, Cường ở rể ngay nhà ông già vợ, tên Bẹ, một thợ lặn xỉ chì kỳ cựu. Ông Bẹ giờ đã gần 60 tuổi, ngoài nghề lặn, người cha của sáu cô con gái này còn giỏi luôn nghề nấu chì và rất cưng rể. Thế là Cường bước vào nghề ngụp lặn cùng với vợ và học nấu chì. Như hàng chục gia đình ở đây, hai vợ chồng sắm chiếc xuồng, bất kể ngày đêm, mỗi khi nước ròng là chèo ra giữa kênh, chồng lấy hơi lặn xuống gần 4m nước, cầm theo cái rổ lớn đã cột dây thừng, cào đất đầy và ngoi lên. Người vợ ở trên lôi rổ lên xuồng, đổ ra và đãi lấy xỉ. Vật lộn chừng ba tiếng, cả hai dong xuồng về. Mỗi buổi như thế, vợ chồng kiếm dăm trăm ngàn đồng. Những lúc trên bờ, Cường đi nấu chì mướn, tiền nhiều nhưng độc hại, sau ngán vì bệnh, cậu bỏ. Ngoại trừ phần dơ dáy và bệnh tật sau này, với gia đình nhỏ, vậy là đủ và tự do.


Lần lượt ba đứa trẻ ra đời, cách đều bốn năm, nay năm thành viên vẫn ở ké nhà ngoại. Hai năm trở lại đây, một biến cố đã đẩy xóm mò chì lên bờ. Thấy việc ngụp lặn sống cũng được, nhiều người đến mò. Giữa lòng kênh sâu, đòi hỏi thợ lặn phải giỏi, người kém hơn, bèn vô gần bờ mò cho dễ. Đào đãi mãi ven bờ, đến hôm một căn nhà trên kênh bỗng sụp xuống. Chính quyền vào cuộc, ra lệnh cấm và lên kế hoạch giải toả xóm chì.


Cường chưa bỏ cuộc, hai vợ chồng vẫn lén ra giữa dòng đào bới, chuyển việc sang làm đêm là chính. Là thợ lặn giỏi, dù đã vài lần phải đi cấp cứu khi đang lặn bỗng tê lạnh hay xì máu tai, Cường vẫn bám trụ đến khi cái xuồng nát vỡ thành mấy mảnh, cả hai mới thôi nghề. Ngày giải toả cũng đến, nhà ông Đáng, ông Năm, ông Sắt… bị dỡ trước. Gọi là nhà cho sang, đó chỉ là những cái chòi tạm bợ cất bằng tôn trên nền cừ tràm gie ra kênh, vì thế, chính sách đền bù, hỗ trợ tới nay cũng chưa rõ ràng. Gia đình những thợ lặn này được đưa lên ở tạm tại một chung cư tận xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh). Ngày ngày, họ quay lại nơi cũ, ai kêu gì làm nấy, nhưng đến trưa hầu hết lại ghé về xóm Chì, kiếm chòi nào chưa bị dỡ ngả lưng, nhìn dòng kênh và tám chuyện.


Cố để đổi thay!


Như những người không còn chỗ ở xóm chì, Cường lên bờ, thời gian đầu đi quét rác mướn, mò phế liệu, sau xin phụ hồ, bữa đực bữa cái, công ngày 150.000 – 170.000 đồng, vợ thất nghiệp. Có người quen rủ lên Đồng Nai nấu chì mướn, Cường đi được hơn tháng về đổ bệnh, sau phải bỏ dù nấu xong một mẻ chì bây giờ chủ trả công hơn 3 triệu đồng. Vợ con đói khát, ăn ké mãi ông ngoại cũng kỳ, trở lại dòng kênh không được vì xuồng đã bể, quẫn bách đủ đường. Một ngày dại dột hồi năm ngoái, Cường leo lầu 3 chung cư kế đó và lao mình xuống, may thay có người kịp kéo lại được. Kỷ niệm sống chết đó được đánh dấu bằng một vết khâu dài thượt dọc háng vì vướng vào lan can.


Ngay những ngày đầu của tháng 8, xóm chì suýt mất thêm một mạng người. Con bé mới hơn một tuổi, đang đi chập chững thì bước lọt xuống cái lỗ chó, rơi tủm xuống kênh, chìm nghỉm. Cha mẹ nó đổi nghề, đi qua Chợ Lớn làm mướn, đứa lớn mới sáu tuổi ở nhà trông em. May sao một bà hàng xóm ngó thấy, nhảy xuống mò, cứ theo vệt tăm sủi lên mà vớt kịp. Ngày trước, lúc các lò nấu chì còn đỏ lửa nhiều, thỉnh thoảng lại có đứa trẻ chết. Nguyên do, khi người ta gỡ ắcquy, có một chất bột trắng trong đó, có vị ngọt như đường, trẻ con thấy ngon, chấm bỏ vào miệng, một lúc là xong. Người đã vậy, vật cũng không khác, cả xóm chì chẳng có chó vì ít bữa lại có con chết khi liếm phải thứ bột trắng kia.


Chẳng rõ Cường có bị nhiễm độc chì hay do ngấm thứ nước thúi dưới kênh, da càng ngày càng xảm, tóc rụng sói đầu, so với hồi sáu năm trước, sức xuống nhiều. Mấy đứa con cứ đẹt lại, hay bệnh vặt. Cường gật gù, chắc do mấy năm đi nấu chì, rồi kể tên mấy người nấu đã mất sớm, bác sĩ không tìm ra bệnh. Ông Bẹ, cha vợ Cường cũng bỏ luôn nghề lặn sau khi hai người bạn lặn cùng lứa ở kế nhà lần lượt đột tử ở tuổi ngoài 50. Cả hai đều thấy mệt, nằm ngủ rồi đi. Có lẽ, những năm tháng lặn ngụp cùng với khói chì trong các mẻ nấu đã cắt ngắn đời họ.


Biết thế, nhưng Cường vẫn ước có được một cái xuồng, giá mua lại bây giờ chừng ngoài 2 triệu đồng. Mấy hôm nay, Cường lượm ở đâu về cái bồn tắm lủng đít, lui cui trám lại. “Em tính thả lưới kiếm cá bán”, Cường khoe. Nhưng không biết chiếc bồn tắm thủng kia có đủ lớn làm xuồng giăng câu hay không?


Doãn Khởi






Tái ngộ Milan Kundera từ một cuộc gặp gỡ

Tái ngộ Milan Kundera từ một cuộc gặp gỡ










Tái ngộ Milan Kundera từ một cuộc gặp gỡ


SGTT.VN - Một cuộc gặp gỡ là cuốn sách mới về nghề văn của Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp nổi tiếng thế giới. Nói đúng hơn, đây là cuốn sách về văn chương nghệ thuật, vì trong đó tác giả không chỉ viết về các nhà văn mà còn về các hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà điện ảnh.











Tác giả đề ngay ở trang đầu nói rõ đây là “cuộc gặp của các suy tư và kỷ niệm của tôi; các chủ đề lâu năm (hiện sinh và mỹ học) và các tình yêu lâu năm của tôi (Rabelais, Janacek, Fellini, Malaparte...)”


Nhan đề là Một cuộc gặp gỡ (Une rencontre), nhưng thực ra trong cuốn sách này Milan Kundera đã có nhiều cuộc gặp với nhiều tác giả qua các bài đọc sách, trò chuyện, phân tích. Tựu trung ở đây câu chuyện vẫn là bàn về tiểu thuyết, về nghệ thuật, là sự tra vấn về nghệ thuật và quan hệ của nó đối với thế giới, tiếng cười, cái chết, sự lãng quên và ký ức. Những chủ đề này đã từng được Kundera bàn đến trong các cuốn sách trước của ông như Nghệ thuật tiểu thuyết, Bản di chúc bị phản bội, Bức màn. Trong Một cuộc gặp gỡ, ông đi vào từng tác phẩm, tác giả cụ thể. Nghệ thuật là gì? Bằng vào trường hợp nhạc sĩ Schonberg, Kundera viết: “Là cách để giữ toàn vẹn cái phổ tình cảm và suy tưởng để cho cuộc sống không bị thu hẹp lại trong chiều kích duy nhất của sự hãi hùng”. Còn tiểu thuyết trong tương quan với lịch sử được nhìn thấy qua một tác phẩm của Philippe Roth: “Nếu ngày trước, lịch sử tiến lên chậm hơn cuộc đời của con người, thì ngày nay nó tiến lên nhanh hơn, nó chạy, nó tuột khỏi con người, thành thử tính liên tục và bản sắc của một cuộc đời có nguy cơ tan vỡ. Nên nhà tiểu thuyết cảm thấy nhu cầu giữ lại bên cạnh lối sống của chúng ta ký ức về cái lối sống, rụt rè, đã bị quên lãng nhiều rồi, của các vị tiền bối của chúng ta”.


Nhà văn Nguyên Ngọc dịch cuốn sách này là cuốn thứ ba của Milan Kundera. Cả ba cuốn đều là sách tiểu luận (hai cuốn trước là Nghệ thuật tiểu thuyết và Bản di chúc bị phản bội). Những ý tứ sâu xa, phức hợp, những cách diễn đạt nhiều tầng nghĩa, những liên hệ so sánh nhiều tầng văn hoá, nhiều bộ môn nghệ thuật trong văn bản của Kundera đã được Nguyên Ngọc chuyển dịch linh hoạt, tự nhiên và sâu sắc. Une rencontre bản tiếng Pháp xuất bản năm 2009, bản tiếng Việt Một cuộc gặp gỡ (Nhã Nam & NXB Văn Học) vừa ra mắt trong tháng 8 qua.


Phạm Xuân Nguyên









Cái hài mà chẳng có hài


Từ điển định nghĩa cái cười là phản ứng “gây nên bởi một điều gì đó buồn cười hay hài”. Nhưng có đúng thế không? Từ cuốn Chàng ngốc của Dostoievski, có thể rút ra cả một tuyển tập những cái cười. Có điều lạ, những nhân vật cười nhiều nhất lại ít khiếu hài hước nhất, ngược lại đấy chính là những người không hề có chút gì cái chất ấy. Một đám người trẻ tuổi bước ra từ một biệt thự thôn dã để dạo chơi; trong đám họ, ba cô gái “cười một cách hết sức khoái trá vì những câu chuyện phiếm của Evguéni Pavlovitch, cho đến cuối cùng anh chàng này ngờ rằng có thể thậm chí họ chẳng còn nghe anh ta nói gì”. Mối nghi ngờ ấy “khiến anh đột nhiên cười phá lên”. Một nhận xét tuyệt vời: trước tiên là một cái cười tập thể của các cô gái, trong khi cười, quên mất lý do khiến họ cười, và tiếp tục cười chẳng vì lý do gì cả; rồi đến cái cười (cái cười này rất hiếm, rất quý) của Evguéni Pavlovitch nhận ra rằng cái cười của các cô gái chẳng có lý do hài hước nào hết và, trước cái hài mà chẳng có hài đó, anh phá lên cười.


(…) Tôi ngồi trước màn hình vô tuyến; buổi truyền hình tôi đang thấy trên đó rất ồn ào, có những người dẫn chương trình, những diễn viên, những ngôi sao, những người nhà văn, những ca sĩ, những người mẫu, những nghị sĩ, những vị bộ trưởng, những bà vợ của các vị bộ trưởng và hễ có bất cứ một cái cớ gì đó là họ phản ứng bằng cách mở rộng mồm, phát ra những tiếng rất to, làm những cử chỉ quá đáng; nói cách khác, họ cười. Và tôi hình dung Evguéni Pavlovitch đột nhiên xuất hiện giữa đám người ấy và nhìn thấy cái cười chẳng có bất cứ lý do hài hước nào hết; thoạt tiên, anh hoảng hốt, nhưng rồi dần dần nguôi đi và, cuối cùng, cái hài mà chẳng có hài ấy khiến anh “bất ngờ phá lên cười”. Đến lúc ấy, những người cười, ít lâu trước đó đã nhìn anh một cách nghi ngại thấy yên tâm và đón nhận anh một cách ồn ào vào thế giới của những cái cười không có hài của họ, nơi chúng ta bị buộc phải sống”.


(Trích Một cuộc gặp gỡ, trang 27 – 30)







Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp

Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp

Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp


SGTT.VN - Ngày 4.9, tại TP Cần Thơ, hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với bộ NN&PTNT, hội Nông dân Việt Nam tổ chức, đã trải qua ngày đầu tiên trong chuỗi làm việc hai ngày.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận qua từng giai đoạn phát triển, mặc dù những cơ chế, chính sách đã gặt hái thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập, có chính sách chưa phát huy được hiệu quả. Đứng trước thực tế nước ta đang hội nhập sâu và cạnh tranh thị trường rất khắt nghiệt với thế giới thì chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang những mô hình liên kết là việc nên làm.










Các FF ra đồng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với nông dân. Ảnh: Tô Phước



Đánh giá cao vai trò của việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhà nước cần hỗ trợ thông tin về thị trường- mắt xích nối kết giữa nông dân và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Tổ chức sản xuất phải dựa trên nhu cầu thị trường, cơ chế chính sách, phân bổ lợi nhuận giữa nông dân – doanh nghiệp không thể máy móc mà phải linh hoạt cho từng ngành nghề khác nhau”.


Theo bộ NN&PTNT, mô hình cánh đồng mẫu lớn là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân có thể giảm được từ 10% đến 15% chi phí sản xuất, giá trị sản lượng tăng 20%-25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.


Tuy mô hình cánh đồng mẫu lớn từ các tỉnh Nam bộ đã lan ra các vùng, miền trong cả nước nhưng vẫn còn có nhiều hạn chế và thách thức do chủ yếu tập trung hỗ trợ đầu vào mà chưa giải quyết được khâu tiêu thụ. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hoà. Tình trạng được mùa mất giá vẫn tiếp tục xảy ra khiến người sản xuất lo lắng, không yên tâm đầu tư. Trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao.


Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng, đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhưng số lượng các doanh nghiệp được chứng nhận là “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao” chỉ dừng lại ở còn số 5 doanh nghiệp trong cả nước. Một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, vốn đầu vào và chia sẻ được rủi ro với nông dân nhưng số lượng hộ nông dân có đủ điều kiện để liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn ít…


Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân – doanh nghiệp là một trong những ưu tiên số một. Hiện nay, công ty đang thực hiện cổ phần hóa các nhà máy từ những bước đầu tiên là phát hành riêng lẻ 5% vốn điều lệ nhằm phân bổ hài hòa lợi ích giữa hai bên. Theo ông Thòn, người làm chủ trong chuỗi giá trị chính là doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp mới là người thu mua, có đủ tiềm lực tài chính, có năng lực quản lý và hơn hết là hiểu thị trường hơn nông dân. Khó khăn mà ông Thòn cho biết chính là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật từ lực lượng FF (Farmer’s Friend) xuống nông dân. “Nông dân đã quen sản xuất theo kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi”, nhiều người bảo thủ dữ lắm, nhất là những nông dân có kinh nghiệm. Công ty đang hướng phát triển lực lượng FF lên 4.000 người, niềm tin giữa hai bên là quan trọng, nhưng nếu thời gian tới lực lượng này không bắt kịp tiến bộ KHKT, chưa đủ năng lực thì sẽ càng xa nông dân, chính vì vậy mà tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước, đặc biệt là những nhà khoa học.” Ông Thòn nói.


Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng bộ NN&PTNT, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp” cho biết : “Đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy sự ra đời của các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp.










Nông dân Indonesia tham quan cánh đồng mẫu trồng giống ST 20 ở Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Bích



Ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch thường trực hội Nông dân Việt Nam cho rằng, chính sách tín dụng hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác vay vốn để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các loại hình hợp tác xã…nhằm nâng cao nguồn lực lâu dài cho các mô hình để quản lý, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế. Chính sách bình ổn giá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch và có cơ chế để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có trách nhiệm trong việc đầu tư...


Ông Nguyễn Văn Tắt, nông dân tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang kiến nghị: "Nông dân cũng cần có thông tin chính xác về thị trường, vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng trong mối liên kết. Lợi nhuận thật sự của nông dân cần được xem xét, tính lại".


Theo ông Tắt, gia đình ông có 4 người với 4ha đất trồng lúa, ví dụ một năm thu lợi 120 triệu đồng, chia 12 tháng thì số tiền đó sẽ không thấm vào đâu cho chi phí sinh hoạt và lo học hành cho hai đức con thì làm sao dư? Trên thực tế, diện tích ruộng như gia đình ổng Tắt là diện tích lý tưởng trong khi bình quân ruộng đất ở ĐBSCL đã giảm rất nhiều. Thậm chí có nơi chỉ khoảng 5 công đất (5000 m2)/nông hộ (4 người).


Đặng Huỳnh – Ngọc Bích






Phạt nặng phòng khám Trung Quốc Apollo

Phạt nặng phòng khám Trung Quốc Apollo

Phạt nặng phòng khám Trung Quốc Apollo


SGTT.VN - Chiều ngày 4.9, Thanh tra sở Y tế TP.HCM đã tiến hành xử phạt phòng khám Trung Quốc Apollo (228 – 228A Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 - TP HCM) về những vi phạm của phòng khám này.


Qua thanh kiểm tra, phòng khám này đã bị phát hiện có hàng loạt vi phạm như cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi cho phép; áp dụng phương pháp kỹ thuật chưa được phép của cơ quan chuyên môn; sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; “bác sĩ” không có chứng chỉ hành nghề; không ban hành, niêm yết giá dịch vụ và không có hồ sơ bệnh án để theo dõi bệnh nhân.










Phòng khám Apollo Ảnh: Thanh Niên



Thanh tra sở Y tế đề xuất mức phạt kịch trần 84 triệu đồng và áp dụng hình thức phạt bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động” trong 12 tháng. Ngoài ra, nhà thuốc phòng khám cũng bị phạt hơn 12 triệu đồng, cấm hoạt động 9 tháng do bán thuốc chưa được cấp phép, thuốc in chữ Trung Quốc nhưng lại không có nhãn phụ tiếng Việt.


Đối với những cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh trước khi đưa ra quyết định xử phạt cuối cùng. Dự kiến, ba “bác sĩ” Trung Quốc hành nghề chui mỗi người bị phạt 12,5 triệu đồng. Đối với các bác sĩ Việt Nam gồm Vũ Thanh Tùng, Trần Văn Quang, Nguyễn Thế Thạnh, Nguyễn Thị Song Hà, Hà Thị Kim Lựu, Tôn Nữ Trung Thu bị nghi ngờ “cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề”, nếu xác minh đúng hành vi này, mỗi người sẽ bị phạt 12,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong vòng 9 tháng.


Trước đó, vào sáng ngày 29.8, sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với cục Quản lý Xuất nhập cảnh bộ Công an và Cơ quan an ninh PA 83 tiến hành thanh tra đột xuất, phát hiện nhiều sai phạm tại phòng khám Apollo. Khi cơ quan chức năng ập vào làm việc, các “bác sĩ” Trung Quốc ở đây đã bỏ chạy tán loạn, trốn vào nhà vệ sinh, trần nhà, thậm chí cả nóc thang máy.


Phan Sơn






Tôi mơ một giấc mơ

Tôi mơ một giấc mơ

Tôi mơ một giấc mơ


SGTT.VN - Nằm trong chuỗi chương trình biểu diễn âm nhạc do nhạc sĩ Dương Thụ làm giám đốc nghệ thuật mang tên Cửa sổ âm nhạc, khởi đầu bằng hai đêm Cửa sổ âm nhạc 1 – Những câu chuyện kể của tôi, Cửa sổ âm nhạc 2 – Tôi mơ một giấc mơ sẽ trở lại với khán giả vào đêm 21.9 tại cung văn hoá Hữu nghị, Hà Nội.


Tôi mơ một giấc mơ là cuộc trình diễn âm nhạc theo phong cách cổ điển đương đại. Những giai điệu cổ điển, những bài hát nổi tiếng trong các vở nhạc kịch, những giai điệu của dòng nhạc newage và tân cổ điển của nhóm Secret Garden… và một số bài hát của nhạc sĩ Dương Thụ được phối khí theo phong cách thính phòng đương đại. Ca sĩ tham gia chương trình: Mỹ Linh, Tùng Dương, Nguyên Thảo, Khánh Linh, Uyên Linh, Duyên Huyền, nhóm 4You, và Giọng hát Việt 2013 Dương Hoàng Yến, ban nhạc Anh Em và dàn nhạc thính phòng Việt Nam.


Phạm Vi






Viêm não vì ăn… ốc tái chanh!

Viêm não vì ăn… ốc tái chanh!

Viêm não vì ăn… ốc tái chanh!


SGTT.VN - Theo thông tin từ bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện này vừa tiếp nhận một trường hợp viêm não sau khi ăn ốc ma sống.


Đó là em H.T.T, 12 tuổi, ngụ tại TP Long Xuyên (An Giang), nhập viện trước đó một ngày trong tình trạng sốt, ói, đau đầu, lừ đừ.










Ốc ma, có nơi gọi là ốc sên - nếu nấu chưa chín ăn vào có thể bị bệnh.



Tiếp xúc với chúng tôi sáng ngày 4.9, T. cho biết trước đây em đã nhiều lần ăn ốc ma nướng và luộc. Nhưng lần này em ăn ốc sống với chanh… để thay đổi khẩu vị. Ngoài T., còn có năm người bạn khác của em cũng ăn chung và có triệu chứng tương tự, nhưng chỉ có T. nặng nhất.


Sau đó, T. được gia đình đưa vào một bệnh viện địa phương nằm hơn nửa tháng. Thế nhưng, sau khi làm nhiều xét nghiệm khác nhau, bác sĩ khẳng định em chỉ bị viêm xoang, mặc dù gia đình đã khai T. có ăn ốc sống trước đó. Thấy T. không khỏi bệnh, tình trạng ngày một nặng, nên gia đình quyết định trốn viện, đưa em lên TP để chữa trị.


Chị B.T., mẹ em T. cho biết, ở địa phương người ta thường nhậu rượu với ốc ma nướng. Do chị và chồng thường xuyên đi làm, nên không theo dõi sinh hoạt các con trong dịp hè. Chị cũng thừa nhận lần đầu tiên mới biết ăn ốc sống có nguy cơ bị viêm não.


Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, thói quen ăn sống, ăn tái dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Nếu ký sinh trùng (giun, sán) của người xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ quen đường đi, dù đi đâu chúng cũng phải xuống ruột để được bài xuất ra ngoài. Ngược lại, đối với ký sinh trùng động vật khác, chúng không biết đường đi, di chuyển lung tung trong cơ thể người đến da, phổi, gan, não… và gây bệnh. Hiện tượng này gọi là “ấu trùng lạc chỗ”.


Để điều trị bệnh này, bác sĩ thường điều trị triệu chứng. Cũng có thuốc đặc trị, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Với những cơ sở y tế không có phương pháp xét nghiệm đặc hiệu, bác sĩ dễ nhầm bệnh này với bệnh khác, dẫn đến điều trị bằng kháng sinh, vừa tốn tiền, vừa không hiệu quả. Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên nên tôn trọng các nguyên tắc vệ sinh ăn uống, đặc biệt ăn chín, uống sôi. Nếu có dấu hiệu sốt nhẹ, nôn ói, nhức đầu kéo dài, lừ đừ sau khi ăn hải sản, động vật sống, nên nghĩ đến bệnh này và tìm đến cơ sở y tế để điều trị.


Phan Sơn






Lễ hội mùa đông tại TP.HCM

Lễ hội mùa đông tại TP.HCM

Lễ hội mùa đông tại TP.HCM


SGTT.VN - Lễ hội mùa đông đầu tiên tại TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 19 – 22.12.2013 tại nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (quận 11, TP.HCM), có sự tham gia của 80 doanh nghiệp trong và ngoài nước với 160 gian hàng. Lễ hội bao gồm các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hoá như: khu vực gian hàng của các tổ chức phi chính phủ, bán hàng lưu niệm, thiết kế nội thất, ẩm thực, dạy làm bánh, trang trí bàn tiệc, biểu diễn nghệ thuật, tặng 300 phần quà cho trẻ em cơ nhỡ… Theo ban tổ chức, tiêu chí của lễ hội là giải trí, nhằm chia sẻ áp lực lễ hội cuối năm tại khu vực trung tâm thành phố và sẽ miễn phí vé vào cổng.


Minh Cúc






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ